Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 2.21 MB - Thời gian phát: 12 phút 52 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

(I) Bài Kệ Này Do Một Trưởng Lão Ni Không Biết Tên Nói Lên (Therì. 123)
1. Hãy ngủ trong an lạc
Hỡi nàng thân đẫy đà,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính mình tự làm lấy,
Lòng tham, nàng lắng dịu,
Như ghè khô trong lò!
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Vesàli (Tỳ-xá-ly). Vì thân hình đẫy đà, nàng được gọi là nàng đẫy đà. Nàng trở thành người vợ trung thành của một người quý tộc. Khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli, nàng tin tưởng giáo pháp của đức Phật và trở thành một nữ cư sĩ. Khi nàng nghe Trưởng lão Ni Mahàpajàpati thuyết pháp, nàng muốn xuất gia và thưa với chồng ý nguyện của nàng. Người chồng không cho, nên nàng tiếp tục làm tròn bổn phận của nàng, suy tư đến những lời dạy dịu dàng của giáo pháp và chú tâm đến thiền quán. Rồi một ngày kia, trong khi đang ở trong bếp và nấu món ăn, một ngọn lửa mạnh bừng cháy và thiêu tất cả món ăn với những tiếng cháy xèo xèo, nàng lấy đó làm đề tài để thiền quán về tánh vô thường của sự vật, và chứng được quả Bất Lai. Rồi nàng không đeo các đồ trang sức nữa. Người chồng hỏi duyên cớ, nàng trả lời nàng không thể sống trong gia đình được nữa. Người chồng đưa nàng đến Trưởng lão Ni Mahàpajàpàti Gotami, và bằng lòng để nàng xuất gia. Mahàpajàpàti làm lễ xuất gia cho nàng và đưa nàng đến yết kiến đức Phật. Bậc Ðạo Sư giải thích về đề tài thiền quán của nàng và nói lên bài kệ này.
Khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng lập lại bài kệ này và bài kệ trở thành bài kệ của nàng.
(II) Muttà (Therì. 123)
(Bài kệ này Thế Tôn thường nói lên để khích lệ Muttà khi nàng còn đang học tập).
2. Hỡi này, giải thoát Ni
Hãy giải thoát các ách,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Miệng hàm của Ràhu,
Với tâm tư giải thoát,
Khỏi nợ nần trói buộc,
Hãy thọ hưởng món ăn,
Do khất thực đem lại.
Ðây là bài kệ của giới học nữ Muttà. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con gái của một Bà-la-môn, có danh vọng ỏ Sàvatthi. Ðến năm hai mươi tuổi, các điều kiện chín muồi, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Mahàpajàpati Gotami, và học tập thiền quán. Một hôm, sau khi khất thực, sau khi làm các phận sự đối với các Trưởng lão Ni xong, nàng tìm một chỗ thanh vắng để ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào nội tâm. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi trong hương phòng ở tinh xá phóng ra hào quang, xuất hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ trên. Còn nàng, vững tin với lời giáo giới ấy, không bao lâu chứng được quả A-la-hán và khi chứng quả nói lên lại bài kệ này. Sau khi tu hành thành đạt, được đề nghị lên những hàng giáo phẩm, nàng vẫn đọc bài kệ này, khi sắp sửa mệnh chung.
(III) Punnà (Therì. 123)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một gia đình trưởng giả ở Sàvatthi và tên là Punnà. Khi nàng đến hai mươi tuổi và nghiệp duyên thành thục, nàng nghe Mahàpajàpati thuyết pháp và xuất gia. Khi trở thành một giới học nữ, nàng bắt đầu thiền quán, và bậc Ðạo Sư từ nơi hương phòng của Ngài phóng hào quang và nói lên bài kệ này:
3. Hỡi này, thành Mãn ni,
Hãy tràn đầy Chánh pháp,
Như mặt trăng tròn đầy,
Trong ngày rằm trăng tròn,
Hãy tràn đầy trí tuệ,
Phá tan khối si ám.
Sau khi nghe bài kệ này, thiền quán được tăng trưởng và nàng chứng quả A-la-hán. Bài kệ này nói lên lòng phấn khởi và xác chứng chánh trí của nàng.
(IV) Tissà (Therì. 123)
Bài kệ sau này là của Tissà, một giới học nữ trải qua nhiều đức Phật, nàng tích lũy các công đức, và trong đời đức Phật hiện tại, nàng được tái sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) trong gia đình quý tộc Thích-ca, được tuyển vào nội cung của vị Bồ-tát. Nàng cùng với Mahàpajàpati xuất gia và tu tập thiền quán. Bậc Ðạo Sư hiện ra trước nàng và nói lên bài kệ:
4. Tissà hãy học tập,
Học trong những học pháp,
Chớ để cho các ách,
Vượt khỏi chi phối nàng.
Hãy sống không liên hệ,
Mọi ách không trói buộc,
Sống giữa thế giới này,
Không có các lậu hoặc.
Và nàng nghe bài kệ này, được tăng trưởng thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó nàng thường đọc lên bài kệ này.
(V) Một Tissà Khác (Therì. 123)
5. Tissà, hãy cột tâm
Tập trung trên các pháp,
Chớ để từng sát-na
Uổng phí vượt khỏi nàng!
Những sát-na đã qua
Họ sầu muộn, đau khổ,
Khi họ bị rơi vào
Trong cảnh giới địa ngục.
(VI) Dhìra (Therì. 124)
6. Dhìra, hãy cảm xúc,
Những cảm chứng đoạn diệt,
Tịnh chỉ các vọng tưởng,
Là chân chánh an lạc,
Hãy thuận hướng Niết-bàn,
Ách an ổn, vô thường.
(VII) Một Dhìra Khác (Therì. 124)
7. Dhìra, hãy kiên trì,
Nắm giữ các thiện pháp,
Hỡi này Tỷ-kheo-ni,
Các căn được tu tập,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma nữ quân lực,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.
(VIII) Mittà (Therì. 124)
8. Hỡi này Mittà bạn!
Với lòng tin xuất gia,
Hãy tu tập rèn luyện,
Hân hoan trong bạn lành,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp hiếu thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn.
(IX) Bhadhà (Therì. 124)
9. Hỡi Bhàdha hiền thiện,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy sống vui hoan hỷ,
Trong các pháp hiền thiện,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp chí thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn.
(X) Upasanà (Therì. 124)
10. Hỡi Upasanà
Hãy vượt dòng nước mạnh,
Dòng nước khó vượt qua,
Bị thần chết chi phối,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.
Sáu Tỷ-kheo-ni này, câu chuyện giống như Tissà (VI) trừ Dhirà, được gọi là một Dhirà khác. Nàng không được bài kệ nào đọc cho nàng, nhưng nàng cảm thấy dao động khi được nghe lời Phật dạy. Dựa trên những lời này nàng tinh tấn thiền nhất quán, và khi nàng chứng được quả A-la-hán, nàng nói lên sự sung sướng của nàng. Các Tỷ-kheo-ni khác cũng có thái độ tương tự.
(XI) Muttà (Therì. 123)
Nhờ tích lũy các thiện nghiệp dưới thời các đức Phật khác, Muttà được sinh ở Kosalà, con gái của một Bà-la-môn nghèo tên là Oghàtaka. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phải làm vợ một người Bà-la-môn còm, nhưng nàng thưa với chồng rằng nàng không thể sống trong gia đình và được chồng bằng lòng cho nàng xuất gia. Trong khi thiền quán, tâm tư vẫn chạy theo các đối tượng ở ngoài. Do vậy, nàng kiên trì tự chế ngự và đọc lên bài kệ của nàng. Nàng tinh tấn thiền quán cho đến khi nàng chứng được quả A-la-hán. Rồi hân hoan nàng lập lại bài kệ:
11. Lành thay giải thoát Ni,
Ta thật khéo giải thoát,
Giải thoát ra khỏi được,
Ba vật còm và cong,
Thoát cối xay, cái chày,
Thoát ông chồng lưng còm,
Hỡi này giải thoát Ni!
Ta thoát được sống chết,
Những gì dẫn tái sanh,
Ðược nhổ lên tận gốc.
(XII) Dhammadinnà (Therì. 124)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visàkha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visàkha về, Dhammadinnà đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia.Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visàkha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni. Chính trong khi nàng ở lại một tinh xá ở làng và nàng nói lên bài kệ này:
12. Trong ai, lòng ước muốn,
Ðạt được quả vô sanh,
Ðược sanh khởi tỏa rộng,
Ðầy tràn cả tâm ý,
Tâm không bị trói buộc,
Trong các dục chi phối,
Vị ấy được tên gọi
Là bậc vào dòng trên.
(XIII) Visàkhà (Therì. 124)
Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.
13. Hãy làm, hãy thực hành
Ðúng theo lời Phật dạy.
Và sau khi làm xong,
Không có lòng ăn năn,
Hãy gấp rửa chân sạch,
Và ngồi xuống một bên.
(XIV) Sumànà (Therì. 124)
Câu chuyện của nàng giống như chuyện của Tissà phóng hào quang, đức Phật hiện ra ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ này:
14. Sau khi thấy các giới,
Với cái nhìn đau khổ,
Chớ có đi trở lại,
Vào con đường tái sanh,
Hãy từ bỏ, xả ly
Lòng dục trong sanh hữu,
Sống đời sống hành trì,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
(XV) Uttarà (Therì. 125)
Câu chuyện của Uttarà cũng giống như câu chuyện của Tissà (IV). Và khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng nói lên bài kệ này:
15. Ta đã chế ngự được,
Thân miệng và tâm tư,
Ta chinh phục khát ái,
Cho đến tận gốc rễ,
Ta sống được mát lạnh,
Trong tịch tịnh, an lặng.
(XVI) Sumànà Xuất Gia Khi Tuổi Già (Therì. 125)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi làm chị của vua Kosala. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, bắt đầu với bốn chữ: 'Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường...' (S. I, 68), nàng khởi lên lòng tin, thọ tam quy và ngũ giới.Vì mắc hầu hạ bà ngoại, nàng không xuất gia được. Sau khi bà ngoại mất, nàng cùng đi với vua tới tịnh xá, đem theo nhiều màn, nhiều vải cúng dường giáo hội. Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất hoàn và xin được xuất gia và Thế Tôn thấy được sự trưởng thành trong trí tuệ của nàng nên nói lên bài kệ này:
16. Hỡi này, lão Ni kia,
Hãy an lạc nằm nghỉ,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính tự mình làm lấy,
Lòng tham người an tịnh,
Người mát lạnh tịch tịnh.
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được quả A-la-hán, với thấu triệt pháp, thấu triệt nghĩa. Trong sự sung sướng nội tâm, nàng lập lại những câu kệ này và chúng trở thành lời tuyên bố chánh trí của nàng. Rồi nàng được xuất gia ngay.
(XVII) Dhammà (Therì. 125)
Sau khi chất chứa công đức trong nhiều đời, nàng được sanh trong một gia đình quyền quý dưới thời đức Phật hiện tại. Sau khi lấy chồng, nàng được cảm hóa theo đạo Phật, xin xuất gia nhưng người chồng không bằng lòng. Nàng chờ cho khi chồng mất, mới xuất gia. Một hôm, sau khi khất thực, trên con đường về tinh xá, nàng mất thăng bằng bị ngã. Dùng sự kiện ấy để thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Trong sự vui sướng, nàng nói lên bài kệ;
17. Sau khi khất thực xong,
Yếu sức, chống trên gậy,
Với chân tay run rẩy,
Ta ngã trên mặt đất,
Thấy nguy hiểm của thân,
Tâm ta được giải thoát.
(XVIII) Sanjhà (Therì. 125)
Ðời nàng giống như đời của Tỷ-kheo-ni Dhìra, nhưng bài kệ của nàng như sau:
18. Bỏ gia đình, xuất gia,
Ta từ bỏ con cái,
Từ bỏ gia súc quý,
Từ bỏ tham và sân,
Còn đối với vô minh,
Ta sống hạnh viễn ly,
Sau khi chinh phục được,
Tận gốc cả tham ái,
Ta được sống mát lạnh,
Tịch tịnh và an lặng.
Hết phần Phẩm I - Tập Một Kệ

(Lên đầu trang)


Tập III - 3.2 Trưởng Lão Ni Kệ có tổng cộng 16 phần.
||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close