(Download file MP3 - 27.8 MB - Thời gian phát: 01 giờ,00 phút 43 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Yếu gầy, ái hậu lại xanh xao…,
Bậc Đạo Sư kể câu chuyện này khi Ngài trú ở Kỳ Viên (Jetavana), liên quan đến sự Viên mãn của Trí tuệ tối thắng.
Một ngày kia các Tỷ kheo đưa ra một vấn đề tranh luận tại Chánh pháp Đường, bảo nhau:
- Này các Hiền giả, Bậc Đạo Sư đã đạt đại trí, quảng trí, Ngài thật tinh thông, ứng đối mau lẹ, nhạy bén, lý giải sắc xảo và có khả năng đánh đổ mọi biện luận của các đối thủ của Ngài, nhờ uy lực Thắng trí của Ngài, Ngài đã phá tan những vấn đề nan giải do các vị hiền trí Sát-đế-ly đưa ra và khiến họ phải yên lặng chấp nhận. Sau khi an trú họ vào Tam quy và Ngũ giới, Ngài dạy họ con đường đưa Niết-bàn bất tử.
Bậc Đạo Sư đi vào, hỏi các Tỷ kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì và khi nghe vậy, Ngài bảo:
- Này các Tỷ kheo, Như Lai sau khi đạt Trí tuệ Viên mãn, đã phá tan mọi lý luận của các đối thủ và giáo hóa các vị vua Sát- đế- ly cùng nhiều vị khác, việc chẳng phải kỳ diệu gì. Vì từ ngàn xưa khi Ta còn đang tầm cầu Trí tuệ Tối thượng, Ta đã đầy đủ trí tuệ để phá kiến các đối thủ. Hơn thế nữa, chính vào thời Vidhurakumàra, trên đỉnh Hắc Sơn, cao chừng sáu mươi dặm, nhờ uy lực Thắng trí của Ta, Ta đã hàng phục Đại tướng Dạ-xoa Punnaka, khiến y phải chịu im lặng và đem sinh mạng cúng dường.
Nói xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
I. Trai giới bốn pháp
Ngày xưa tại quốc độ Kuru (Câu-lâu) thành Indapatta có vi quốc vương cai trị với danh hiệu Dhanañjaya-Korabba. Ngài có vị Đại thần tên gọi Vidhurapandita (Trí giả Vô song) cố vấn cho Ngài trong các thế sự cũng như thánh sự. Nhờ lời lẽ êm ái và biện tài siêu việt lúc thuyết Pháp, ông lôi cuốn mọi quốc vương ở cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề: Ấn độ) bằng những Pháp thoại du dương như các con voi say mê đàn sáo êm dịu, ông cũng không để cho các quốc vương trở về nước mình mà ở lại trong kinh thành đại vinh quang ấy và thuyết Pháp cho dân chúng với thần lực của một vị Phật.
Lúc bấy giờ có bốn gia chủ Bà-la-môn giàu sang tại Ba-la-nại, vốn là thân hữu, đã thấy được cảnh khổ của mọi dục vọng, nên bỏ vào vùng Tuyết Sơn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh.
Sau khi đã đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, các vị ấy cũng vẫn tiếp tục tu hành tại đó, hằng ngày sống bằng các thứ củ, quả rừng. Hôm đó các vị ấy du hành để khất thực muối và các thứ gia vị, cũng đến thành Kàlacampa thuộc quốc độ Anga. Rồi bốn gia chủ vốn là thân hữu với nhau, rất hoan hỷ trước oai nghi của các vị này, họ cung kính đảnh lễ xong cầm lấy cái bình bát cúng dường các món ăn tuyệt hảo, mỗi gia chủ đều mời các vị về nhà mình, tự nguyện sắp đặt nơi an trú cho các vị trong hoa viên.
Thế là bốn vị ẩn sĩ, sau khi thọ thực trong nhà bốn vị gia chủ, liền du hành suốt ngày hôm ấy, một vị lên cõi trời Ba mươi ba, một vị khác lên cõi Long vương (Nàga), một vị khác lên cõi Kim sí điểu vương (Supanna)và vị thứ tư đến ngự viên Migàcira thuộc quyền của vua Koravya.
Lúc bấy giờ, vị được hưởng một ngày ở Thiên giới, sau khi chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng của Thiên chủ Đế-Thích (Sakka), miêu tả thật đầy đủ chi tiết cho thí chủ mình nghe. Vị lên cõi Long vương và Kim sí điểu vương Supanna cũng vậy, rồi vị đến ngự viên của vua Koravya Dhanañijaya cũng lần lượt miêu tả cảnh huy hoàng của mỗi cung vua đã chứng kiến. Vì vậy cả bốn thí chủ đều nguyện cầu được cộng trú với chư Thiên, nên sau khi thực hành bố thí cùng nhiều công đức khác, đến lúc mạng chung, một vị sinh làm Thiên chủ Đế Thích; một vị khác cùng với vợ con sinh vào cõi Long vương; một vị nữa sinh làm Kim sí điểu Supanna trong cung điện dưới hồ Simbali; còn vị thứ tư được nhập mẫu thai chánh hậu của vua Dhanañjaya, trong lúc ấy bốn vị ẩn sĩ được sinh lên Phạm Thiên giới.
Vương tử Koravya lớn khôn, đến khi vua cha từ trần, lên ngôi trị vì rất đúng pháp, nhưng ngài còn lừng danh vì tài nghệ đánh súc sắc. Ngài nghe lời khuyến giáo của Trí giả Vidhura chuyên tâm bố thí, giữ gìn giới hạnh và hành trì trai giới.
Một ngày kia, sau khi hành trì trai giới xong, ngài vào ngự viên, nhất tâm tu tập thiền định, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh, ngài thực hành giới hạnh của một vị xuất gia.
Đế Thích (Sakka) cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy thiên giới có nhiều trở ngại cho việc tu tập, liền đi xuống hoa viên ấy ở cõi nhân gian, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh và hành trì Sa-môn hạnh.
Long vương Varuna cũng thế, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy cõi Long vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên cũng lại vào hoa viên ấy, ngồi tĩnh tọa ở một nơi an tịnh thực hành Sa-môn hạnh.
Điểu vương Supanna cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy rằng cõi Điểu vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên ngài đi vào ngự viên ấy, tĩnh tọa ở một nơi êm mát, thực hành Sa-môn hạnh.
Lúc bấy giờ, cả bốn vị ẩn sĩ vào buổi xế chiều, sau khi đứng dậy từ chỗ độc cư thiền định đến bên hồ nước của hoàng gia, nhìn nhau, tâm đầy tình cố tri thân ái, cùng ngồi xuống chào hỏi rất niềm nở.
Thiên chủ Sakka ngồi trên vương tọa, còn ba vị kia ngồi theo danh vị của mình. Lúc ấy Sakka Thiên chủ liền hỏi:
- Chúng ta đây đều là bốn vị đế vương, vậy công đức đặc biệt nhất của mỗi vị là gì?
Long vương Varulna đáp lời:
- Đức hạnh của Ta cao trọng hơn các Tôn giả.
Khi ba vị kia hỏi lý do, ngài đáp:
- Điểu vương Supanna này là cừu thù của ta, dù khi ta chưa ra đời hay ra đời rồi cũng vậy, thế mà khi nhìn thấy một kẻ cừu thù tiêu diệt nòi giống của ta như thế, ta không hề có chút sân hận, cho nên đức hạnh của ta là cao hơn cả.
Rồi ngài đọc vần kệ đầu tiên trong Tiền thân Catuposatha (Trai giới bốn phần số 441).
1. Thiện nhân không cảm thấy hờn căm,
Đối với một ai đáng hận sân,
Không để nội tâm sân khởi dậy,
Vị nào dù lúc giận trong lòng,
Cũng không để lộ cho người thấy,
Người gọi đó là thanh tịnh nhân.
Đặc tính của ta là như thế, cho nên đức hạnh của ta vượt trên các Tôn giả.
Điểu vương Supanna nghe vậy, liền đáp:
- Loài rồng Nàga là thức ăn chính của ta, nhưng nay dù thấy thức ăn kề tận miệng, ta cũng đành nhịn đói và quyết không làm ác vì miếng ăn, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.
Và ngài ngâm bài kệ:
2. Người chịu đói, bụng đau rần,
Ẩn sĩ tự điều phục món ăn,
Không phạm ác hành vì thực phẩm,
Vị này, người gọi bậc Sa-môn.
Đến lượt Thiên chủ Sakka nói:
- Ta để lại đằng sau mình mọi vinh quang ở thiên giới, mọi nguồn an lạc dâng tận tay, để xuống nhân gian thực hành công hạnh, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.
Rồi ngài ngâm kệ:
3. Sau khi bỏ mọi thứ vui chơi,
Không nói lời gian dối giữa đời,
Vị ấy ghét xa hoa, nhục dục,
Như vầy người gọi Sa-môn rồi.
Thiên chủ Sakka tự trình bày công đức của mình như vậy. Rồi vua Dhanañjaya bảo:
- Nay ta đã rời triều đình cùng hậu cung với mười sáu ngàn phi tần có đủ tài ca múa, ta hành trì Sa-môn hạnh trong ngự viên này, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.
Rồi ngài ngâm kệ tiếp theo:
4. Bậc toàn trí bỏ hết hoàn toàn,
Mọi sở hữu và mọi dục tham,
Tự chế, kiên tâm, vô ngã chấp,
Vị này người gọi bậc Sa-môn.
Như vậy cả bốn vị đều tự cho đức hạnh của mình là cao quý hơn cả, rồi vua hỏi Dhanañjaya:
- Này Đại vương, có bậc hiền trí nào trong triều có thể giải mối nghi này chăng?
- Này các Đại vương, có chứ, trẫm có bậc Trí giả Vidhura đang giữ một chức vụ tối thượng trong triều, thường xuyên thuyết thế pháp cũng như thánh pháp cho trẫm, vị ấy có thể giải quyết mối nghi này, ta hãy cùng đi đến vị ấy.
Bốn vị vua tức thì đồng ý. Thế là bốn vị đều ra đi khỏi ngự viên, tiến về phía Thánh lễ đường, ban lệnh trang hoàng nơi ấy thật uy nghi, xong hội chúng kính mời Bồ-tát ngồi trên bảo tọa, chào ngài thật thân hữu rồi ngồi qua một bên và nói:
- Thưa bậc Trí giả, một mối nghi vừa khởi lên trong tâm chúng ta, xin ngài giải quyết cho:
5. Xin hỏi đại thần thượng trí minh,
Trong khi đàm đạo, khởi phân tranh,
Nhờ khanh xét, giải nghi nan ấy,
Hội chúng thoát nghi hoặc bởi khanh!
Bậc Đại Sĩ nghe xong liền bảo:
- Tâu các Đại vương, làm sao tiểu thần biết các Đại vương nói đúng hay sai về đức hạnh của các Đại vương, trong khi các ngài ngâm lời kệ qua cuộc tranh luận này?
Rồi ngài ngâm kệ thêm:
6. Bậc trí biết chân tướng việc đời,
Nói năng khôn khéo, đúng theo thời,
Nhưng dù hiền trí, làm sao biết,
Ý nghĩa kệ chưa nói với tôi?
Vương tử Vi-na, Kim sí điểu,
Long vương ấy nói thế nào rồi?
Thác- bà vương, tối cao Hoàng thượng,
Của xứ Câu-lâu, hãy mở lời!
Các vị vua liền ngâm kệ này với ngài:
7. Kham nhẫn, Long vương thuyết giảng xong,
Vương tử Vi-na, Sí điểu vương,
Lại thuyết giảng về lòng tốt đẹp,
Thác-bà vương thuyết đoạn trừ tham,
Câu lâu Chúa thượng ly triền cái,
Để đạt đến công hạnh vẹn toàn.
Sau khi nghe xong, bậc Đại Sĩ đáp kệ này:
8. Tất cả lời này chánh đáng thay,
Không gì sai trái ở nơi này,
Người nào thích hợp lời như thế,
Giống các tăm xe ở trục quay,
Người được gọi Sa-môn chánh hạnh,
Đủ đầy các đức tính trên đây.
Như vậy bậc Đại Sĩ tuyên thuyết đức hạnh của các vị vương đều là một. Khi nghe xong, bốn vị vương đều rất hoan hỷ, liền ngâm kệ tán thán ngài:
9. Khanh là bậc tối thắng, vô song,
Hộ pháp, tinh thông luật, trí nhân,
Khi hiểu vấn đề nhờ trí tuệ,
Với tài khéo cắt mọi nghi nan,
Giống như người thợ ngà voi nọ,
Cắt với lưỡi cưa thật dễ dàng!
Thế là cả bốn vị vua đều rất đẹp ý với lời giải thích vấn đề của ngài. Thiên chủ Sakka thưởng ngài chiếc cẩm y bằng gấm thiên đình, Kim sí điểu vương tặng ngài tràng hoa bằng vàng, Long vương Varuna tặng ngài hạt minh châu và vua Dhanañjaya ban thưởng một ngàn con bò cái v.v..Rồi vua Dhanãnjaya lại ngâm kệ với ngài:
10. Một ngàn bò cái, trẫm truyền ban,
Một thớt voi, bò đực một chàng,
Mười cỗ xe và đàn ngựa quý,
Thêm mười sáu đệ nhất thôn làng,
Bởi vì trẫm thật đầy hoan hỷ,
Cách giải vấn đề của Trí nhân!
Sau đó Sakka Thiên chủ cùng các vị kia cung kính đảnh lễ bậc Đại Sĩ và từ giã ra về cảnh giới của mình. Đến đây kết thúc Phần Trai giới Bốn pháp.
*
II. Ước vọng của chánh hậu Vimalà
Lúc bấy giờ chánh hậu của Long vương là bà Vimalà. Khi thấy ngài không đeo minh châu trên cổ, liền hỏi thăm hạt châu ở đâu. Ngài đáp:
- Trẫm rất hài lòng khi nghe bài thuyết Pháp của bậc Trí giả Vidhura, vị nam tử của Bà-la-môn Canda, nên đã tặng minh châu cho vị ấy, không những chỉ riêng trẫm, mà Thiên chủ Sakka cũng cũng cung kính tặng ngài chiếc thiên y bằng gấm trời, Điểu vương tặng tràng hoa bằng vàng, còn vua Dhanañjaya tặng một ngàn con bò cùng nhiều thứ khác nữa.
- Vậy thì thần thiếp đoán vị ấy là một bậc biện tài về Chánh pháp.
- Này ái hậu, ái hậu đang nói gì vậy? Vị này chẳng khác nào một vị Phật xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề. Hằng trăm vị vua ở khắp cõi Diêm-phù-đề say sưa những lời lẽ êm dịu của vị ấy, không còn muốn trở về triều nữa, chẳng khác nào bầy voi rừng mê mẩn vì tiếng đàn cầm mà chúng yêu thích vậy. Đó là đặc điểm của tài hùng biện của ngài.
Khi bà nghe nói đến kỳ tài của ngài như vậy, bà ước mong nghe ngài thuyết Pháp, bà nghĩ thầm: Nếu ta tâu với đức vua rằng ta muốn nghe vị ấy thuyết Pháp và xin đức vua triệu vị ấy về đây, chắc đức vua sẽ không thuận; chi bằng ta thử giả bệnh và than thở về nỗi ao ước của một nữ bệnh nhân".
Bà liền ra hiệu cho thị nữ đem bà lên tọa sàng. Khi vua không thấy bà vào dịp ngài đến vấn an bà và hỏi các thị nữ bà ở đâu, chúng tâu rằng bà bị bệnh, ngài liền đến thăm, ngồi bên giường bà, xoa thân thể bà và ngâm kệ:
11. Yếu gầy, ái hậu lại xanh xao,
Dung sắc chẳng như trước chút nào,
Nào hỡi Vi-ma-là, hãy đáp:
Nỗi đau này đến bởi vì sao?
Bà đáp ngài qua vần kệ sau:
12. Có một bệnh riêng của nữ nhân,
Gọi là ước vọng, tấu Long quân,
Thiếp mong đem đến đây không dối,
Tim của Vi-dhu-ra Trí nhân!
Long vương bảo bà:
13. Ái hậu ước trời, trăng, gió mây,
Gặp Hiền nhân ấy khó khăn thay!
Nào ai có đủ tài năng để,
Đem bậc hiền nhân ấy đến đây?
Khi bà nghe nói vậy, liền nói to:
- Nếu không được như ý thần thiếp sẽ chết mất.
Rồi bà quay mặt đi, nghiêng lưng bà ra ngoài, lấy chiếc áo quay mặt lại. Vua trở về tư thất ngồi trên tọa sàng suy nghĩ tìm hiểu vì sao hoàng hậu Vimalà lại muốn có trái tim của Vidhura: "Nàng sẽ chết nếu không ăn được tim vị ấy, vậy làm sao ta lấy được nó cho nàng?".
Lúc bấy giờ công chúa Irandatì, một long nữ diễm kiều, trang sức đầy ngọc vàng trân bảo, bước vào cung kính đảnh lễ vua cha, rồi đứng qua một bên. Nàng trông thấy vua cha có vẻ lo âu, liền nói:
- Phụ vương có vẻ muộn phiền quá, vì duyên cớ gì?
14. Thân phụ, sao cha dáng rối ren,
Long nhan như một đóa hoa sen,
Bị tay ngắt vụng, sao buồn khổ,
Bậc chiến thắng, xin chớ muộn phiền!
Nghe lời con gái, Long vương đáp:
15. I-ran-da hỡi, mẫu thân con,
Ao ước trái tim bậc Trí nhân,
Diện kiến Vi-dhu-ra thật khó,
Triệu ngài, ai có đủ tài năng?
Rồi ngài lại bảo nàng:
16. Này con, không có một triều thần,
Ðủ sức triệu Vi-dhu Trí nhân,
Con hãy hy sinh vì mẫu hậu,
Ði tìm ra một vị phu quân!
Thế là vua ra lệnh cho nàng lui ra cùng với câu kệ, gợi nên những tư tưởng không phù hợp với một nàng công chúa:
17. "Hãy tìm cho được một phu quân,
Chàng sẽ triệu hồi bậc Trí nhân."
Công chúa đi ngay đêm tối ấy,
Ðể cho dòng dục vọng tuôn tràn.
Nàng đi hái các hoa trên Tuyết Sơn đủ sắc, hương, vị. Sau khi trang hoàng toàn thể ngọn núi như một viên bảo ngọc, nàng trải tọa sàng bằng hoa trên núi, rồi nhảy múa tưng bừng, nàng trỗi giọng ca một điệu rất êm ái du dương:
18. Càn-thát-bà hay đại lực thần,
Long thần, quái vật hoặc tiên, nhân,
Bậc hiền, tài đủ ban điều ước,
Ai sẽ làm chồng tiện nữ chăng?
Lúc bấy giờ cháu của Ðại vương Vessavana (Tỳ-sa-môn), tên gọi Punnaka, là một đại tướng Yakkha (Dạ-xoa, thần Ðại lực) đang phi thần mã Sindh dài ba dặm, băng qua triền núi đỏ tía của ngọn Hắc Sơn, để đến nơi hội họp của các thần Dạ-xoa, chợt nghe lời ca của nàng, và lời ca của nữ nhân này chàng đã từng nghe trong đời vừa qua xoáy sâu tận thịt da cân não chàng, thấm vào tận xương tủy khiến chàng ngơ ngẩn say mê, liền quay ngựa lại, ngồi trên lưng thần mã, chàng vội an ủi nàng:
- Ôi nương tử, ta xin vì nàng đem trái tim của Vidhura đến đây bằng trí lực của ta, bằng thần lực cũng như bằng tính trầm tĩnh của ta, xin nàng chớ lo ngại việc đó nữa.
Rồi chàng ngâm thêm kệ này:
19. Long nữ có đôi mắt diệu huyền,
Hãy an tâm nhé, hỡi nàng tiên,
Quả nhiên tài trí ta như vậy,
Ta sẽ cùng nàng đẹp mối duyên.
Thế là Irandatì trả lời, nàng suy nghĩ theo kinh nghiệm xa xưa của một lần được cầu hôn trong đời trước của nàng:
- Xin chàng đến đây cùng với thiếp đi yết kiến phụ vương, ngài sẽ giải thích việc này cho chàng rõ.
Rồi điểm trang lộng lẫy với xiêm y rực rỡ, chói lòa, đeo tràng hoa, xức dầu đàn hương xong, nàng nắm tay thần Dạ-xoa đem đến yết kiến vua cha.
Và tướng Punnaka đỡ lấy lưng nàng, cùng đi yết kiến cha nàng là Long vương xin cầu hôn công chúa:
20. Long vương, nghe lấy lời cầu hôn,
Nhận sính lễ cân xứng quý nương,
Thần hỏi I-ran-da ngọc nữ,
Hãy ban công chúa thuộc về thần,
Một trăm voi với trăm con ngựa,
Trăm cỗ xe và la một trăm,
Ngọc quý trăm kho, xin nhận hết,
Ban thần công chúa, tấu Long quân!
Long vương liền phán bảo:
- Hãy đợi ta hỏi ý kiến vương tộc, thân bằng quyến thuộc; làm việc gì mà không hỏi ý kiến kẻ khác sẽ đem lại hối tiếc về sau.
Long vương vào cung, hỏi ý kiến Vương hậu:
- Thần Dạ-xoa Punnaka muốn cầu hôn công chúa Irandatì, vậy ta có nên gả con để đổi lấy vô số của cải ấy không?
Vương hậu Vimalà đáp:
- Không ai chinh phục được công chúa Irandatì bằng ngọc vàng châu báu cả, nếu vị ấy có đủ tài năng đem trái tim của Trí nhân Vidhura đến đây thì sẽ chinh phục được công chúa bằng bảo vật ấy, chứ chúng ta không đòi thêm của cải nào khác.
Thế là Long vương Varuna bước ra khỏi cung, hội ý với Punnaka, và bảo chàng:
- Công chúa Irandatì không thể được chinh phục bằng ngọc vàng châu báu, nếu chàng có đủ tài năng đem lại đây quả tim của Trí nhân Vidhura, chàng sẽ chiếm được công chúa bằng bảo vật đó, chúng ta không đòi thêm của cải gì.
Punnaka đáp lời:
- Có người được kẻ này gọi là hiền nhân thì kẻ khác lại gọi là "ngốc tử", vì nhân thế có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề như vậy. Vậy xin Ðại vương cho tiểu thần biết rõ ai là người được Ðại vương gọi là Trí nhân?
Long vương đáp:
- Nếu chàng có nghe danh tiếng Vidhura, đại thần của vua Dhanañjaya, thì hãy đem vị ấy về đây, công chúa Irandatì sẽ là chánh thê của chàng.
Khi nghe Long vương Varuna nói vậy, thần Dạ-xoa nhảy lên reo mừng, tức thì bảo quân hầu cận của chàng:
- Hãy đem tuấn mã đầy đủ yên cương lại đây cho ta. Tai ngựa đeo vàng, móng ngựa đeo ngọc, áo giáp bằng vàng.
Quân hầu vội đem tuấn mã Sindh trang sức đầy đủ như gã đã ra lệnh và Punnaka cưỡi tuấn mã phi nhanh qua bầu trời về đến cung vua Vessavana, kể lại cho ngài nghe chuyến phiêu lưu của chàng và do đó mô tả cảnh giới Long vương.
*
Việc này được diễn tả như sau:
Punnaka lên ngựa, một tuấn mã đủ năng lực mang các Thiên thần, chàng trang sức thật sang trọng, đầy ngọc ngà trân bảo, râu tóc tỉa thật gọn gàng, rồi phi nhanh qua bầu trời.
Lòng chàng đầy ước vọng đắm say, khao khát chiếm được Long nữ Irandatì, chàng tìm đến Ðại vương Vessavana Kuvera, tâu trình:
- Có cung thất Bhogavati được gọi là Kim Ðường, đó là kinh thành của Long vương được xây trong thành trì bằng vàng.
Các tháp canh có hình môi và cổ, với hồng ngọc và bảo châu màu lục nhãn, cung điện xây bằng cẩm thạch đầy đủ vàng ròng, bao phủ bằng ngọc chạm vàng.
Các cây xoài, tilaka, hồng đào, sattapanna, mucalinda, ketaka, piyaka, uddàlaka, saha và sinduvàrita với muôn hoa khoe sắc thắm trên bầu trời.
Các cây hoa champac, nàgamàlika, bhaginimàlà và táo nặng trĩu lá cành, mang lại vẻ diễm kiều cho cung điện Long vương.
Lại có một cây chà là khổng lồ bằng ngọc quý và hoa vàng không bao giờ tàn, đó là nơi ngự trị Long vương Varuna đầy đủ oai thần và được sinh từ Thiên giới.
Cũng là nơi ngự trị của hoàng hậu Vimalà với hình dáng mềm mại như cây leo bằng vàng, thanh thanh như cây kàlà mới mọc, yêu kiều với bộ ngực như đôi quả nimba.
Da mượt mà tô điểm bằng son tươi thắm tựa hồ cây Kanikàra nở hoa trong bóng mát, như một nữ thần trên thiên giới, như ánh chớp lóe sáng giữa vầng mây. Bà đang say sưa tràn trề niềm ước vọng lạ lùng, bà mong có được quả tim của Vidhura Hiền sĩ. Tiểu điệt xin đem nó lại cho các vị ấy, tâu Ðại vương, rồi họ sẽ gả công chúa Irandatì cho tiểu điệt.
Vì không dám ra đi nếu không được lệnh của Ðại vương Vessavana, nên chàng ngâm các bài kệ trên để đức vua nghe chàng vì ngài đang bận dàn xếp một cuộc tranh chấp về một cung điện giữa hai vị Thiên tử. Punnaka biết rằng lời chàng nói không được vua để ý đến nên chàng lại gần một trong hai vị đang tranh chấp nắm phần thắng lợi trong cuộc. Vua Vessavana sau khi đã quyết định xong, không để ý đến vị Thiên tử bại cuộc mà chỉ bảo vị kia:
- Chàng hãy đi về cung điện mà an trú.
Ngay khi ngài bảo:
- Chàng hãy đi.
Punnaka liền gọi vài vị Thiên tử làm chứng và bảo:
- Các vị xem thấy ta đã được Ðại vương phái đi rồi.
Lập tức chàng ra lệnh đem tuấn mã đến và leo lên yên ngựa khởi hành.
*
Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:
Sau khi Punnaka từ giã Vessavana Kuvera, Ðại đế vinh quang của mọi loài, liền ra lệnh cho cận thần:
- Mang thần mã lại đây đầy đủ yên cương, với tai đeo vòng, mông đeo ngọc, áo giáp bằng vàng dát sáng ngời.
Punnaka leo lên tuấn mã dành cho thiên thần, chàng trang điểm râu tóc thật oai vệ, rồi phi nhanh qua bầu trời.
Trong lúc vân du, chàng nghĩ: "Trí giả Vidhura có đám cận vệ rất đông, nên không dễ gì bắt được ông. Tuy thế, vua Dhanañjaya lại nổi tiếng về tài đánh súc sắc. Ta sẽ đánh thắng vua này qua ván bài rồi bắt lấy Vidhura. Hiện nay có rất nhiều ngọc quý trong kho của ngài, chắc ngài không đánh cuộc bằng giải hèn mọn đâu. Ta sẽ phải đem viên ngọc vô giá, vì vua này không nhận viên ngọc tầm thường đâu. Hiện nay có viên bảo châu vô giá thuộc quyền vua Chuyển luân ở trong núi Vepulla gần thành Vương Xá; ta sẽ đến lấy bảo ngọc ấy và dụ vua chơi bài để thắng ngài".
Rồi chàng thực hành ý định ngay.
*
Bậc Ðạo Sư kể toàn thể câu chuyện:
Chàng đến thành Vương Xá đầy lạc thú, kinh thành xa xôi của nước Anga, trù phú lương thực, tràn trề thức ăn uống. Chẳng khác gì Masakkaràsa, kinh thành của Thiên chủ Indra, dậy âm thanh của bầy công, hạc, với hoa viên tráng lệ bao quanh, muôn loài chim ca hót giống như Tuyết Sơn bao phủ đầy hoa. Thế là Punnaka trèo lên núi Vepulla với các đỉnh núi đá chồng chất, nơi các quỷ thần cư ngụ, chàng đi tìm bảo ngọc đầy hào quang, và cuối cùng chàng thấy nó nằm giữa lòng núi.
Khi chàng nhìn thấy viên bảo ngọc chiếu hào quang rực rỡ, diễm lệ muôn phần, chẳng khác nào tia chớp sáng lòa không gian, chàng vội vàng chụp lấy viên như ý bảo châu vô giá kia, leo lên thần mã vô song địch, và tướng mạo chàng thật tuấn tú cao sang, chàng phi nhanh qua bầu trời vô tận.
Chàng đến kinh thành Indàpatta, giáng lâm tại triều đình xứ Kuru (Câu-Lâu), dũng tướng Dạ-xoa liền triệu tập một trăm chiến sĩ tại đó:
21. Ai muốn chiếm phần thưởng đế vương?
Ai, ta sẽ thắng cuộc tranh hùng?
Vô song bảo ngọc nào ta đoạt?
Ai sẽ chiếm ưu hạng bảo trân?
Chàng nói lên bốn câu kệ tán thán Ðại vương Koravya như vậy. Vua nghĩ thầm: "Ta chưa từng nghe một vị anh hùng nào mở lời ca ngợi như thế này, vậy vị này là ai đây?" Và ngài liền hỏi chàng qua vần kệ này:
22. Công tử sinh ra quốc độ nào,
Lời này chẳng phải Ko-ra đâu,
Chàng hơn tất cả về hình tướng,
Cho biết quý danh, quyến thuộc mau.
Chàng suy nghĩ : Nhà vua hỏi danh tánh của ta, hiện nay chỉ là tùy tướng phục dịch Punnaka song nếu ta bảo ta là Punnaka, vua sẽ nói: gã kia chỉ là một tùy tướng, tại sao gã dám nói với ta quá bạo gan như vậy? Và vua sẽ khinh thị ta, thôi ta sẽ nói cho ngài nghe danh tánh của ta trong đời sống vừa rồi". Thế là chàng ngâm kệ:
23. Tiểu sinh tên gọi Kac-cà-na,
Người chẳng gọi tên khác xấu xa,
Thần đến đây tìm trò giải trí,
Thân bằng, quyến thuộc ở An-ga.
Vua liền hỏi:
- Thế Công tử định trao ta vật gì nếu Công tử bại cuộc? Công tử đã có những gì nào?
Rồi vua ngâm kệ:
24. Ngọc gì Công tử có trong tay,
Mà kẻ thắng mong được có ngay?
Một vị vua nhiều châu ngọc quý,
Chàng nghèo sao dám thách như vầy?
Punnaka đáp:
25. Ðây ngọc làm say đắm cõi lòng,
Huy hoàng bảo ngọc tạo vinh quang;
Người nào thắng chiếm vô song mã,
Mọi địch thủ, thần mã phá tan.
Khi vua nghe chàng nói, liền đáp:
26. Một viên ngọc ích lợi gì chăng?
Một tuấn mã sao lập chiến công?
Vua chúa có nhiều viên ngọc quý,
Và nhiều tuấn mã tốc như phong!
*
III. ÐẶC TÍNH CỦA BẢO CHÂU NHƯ Ý
Khi nghe lời vua phán, chàng thưa trình:
- Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương lại nói vậy? Chỉ có một thần mã và cũng có cả ngàn cả vạn tuấn mã khác; chỉ có một bảo châu và cũng có cả ngàn bảo châu khác; nhưng mọi tuấn mã hiệp lực lại cũng không sánh được với thần mã này, xin Ðại vương xem sức phi nhanh của nó đây.
Nói xong, chàng lên ngựa phi trên đỉnh trường thành và bức trường thành bảy dặm này tựa hồ được vây quanh bởi bầy ngựa kề cổ nhau trùng trùng điệp điệp, rồi chẳng bao lâu chẳng còn phân biệt được đâu là ngựa, đâu là thần Dạ-xoa nữa, mà chỉ còn thấy dải lụa hồng trên lưng chàng như thể phủ khắp trường thành.
Rồi chàng xuống ngựa, tâu vua rằng bây giờ vua đã chứng kiến sức phi nhanh của thần mã, chàng lại xin vua chứng kiến một chuyện kỳ lạ khác: chàng bảo thần mã phi nhanh trong hoa viên của kinh thành, trên mặt nước, ngựa phóng nhanh không ướt đến móng chân; rồi chàng lại bảo ngựa dạo bước trên đám lá sen và khi chàng vỗ tay, xòe bàn tay ra, ngựa liền đến đứng trên lòng bàn tay chàng. Sau đó chàng lại nói:
- Ðây chính là ngựa báu, tâu Ðại vương.
- Ðúng vậy, thưa Công tử.
- Giờ đây xin hãy để ngựa báu qua một bên trong chốc lát, xin Ðại vương hãy xem thần lực của bảo châu. Tâu Chúa thượng, xin ngài ngự lãm viên bảo châu vô song địch của tiểu sinh: Trong bảo châu này có đủ thân hình nam nhân cùng nữ nhân, thân hình của thú vật, cùng thân hình của chim muông, Long vương và Ðiểu vương, tất cả muôn loài đều hiện ra trong bảo châu này.
Cả một đàn voi, một đàn xe ngựa, quân sĩ, cờ xí, xin Chúa thượng ngự lãm cả đoàn kỵ mã, vệ sĩ của vua, chiến sĩ đang chiến đấu trên cỗ xe, chiến sĩ chiến đấu trên bộ, quân sĩ đang bày binh bố trận, xin Chúa thượng ngự lãm mọi vật xuất hiện trong viên bảo châu này.`
Xin ngự lãm trong viên bảo châu này một kinh thành đầy đủ dinh thự kiên cố lầu đài với nhiều cổng thành và trường thành, với nhiều tụ điểm đầy lạc thú - nơi bốn đại lộ giao nhau - Các đại trụ, hào lũy, chấn song, then cửa, tháp canh, cổng thành; xin ngự lãm mọi vật xuất hiện trong viên bảo châu này.
Xin ngự lãm các đàn chim muông đủ loại, trên đường sá, dưới cổng thành: thiên nga, công, hạc, hồng nga, hải âu, sơn ca, cu cườm, jivajivaka, xin ngự lãm muôn loài chim đều tụ họp về đây và xuất hiện trong viên bảo châu này.
Xin ngự lãm một kinh thành diệu kỳ với trường thành cao cả, khiến ta phải dựng tóc gáy vì kinh ngạc, thật vui mắt vì cờ xí rợp trời, đất cát toàn vàng ròng, xin ngự lãm các lều ẩn sĩ được phân chia đều đặn thành từng khu vực, nhà cửa đủ loại, sân bãi, đường sá cùng các đường nhỏ chen kẽ.
Xin ngự lãm các trà đình tửu quán, các nhà tể sinh, cùng các tiệm thực phẩm cho các nội nhân, các gái giang hồ cùng các chàng phóng đãng, tất cả đều hiện ra trong bảo ngọc này. Những người kết tràng hoa, thợ giặt, các chiêm tinh gia, những lái buôn y phục, thợ kim hoàn nữ trang, tất cả đều hiện ra trong bảo châu này.
Xin ngự lãm các loại trống, lớn nhỏ, tù và, trống đồng, trống rung, đủ loại thanh la, đều xuất hiện trong bảo châu này.
Xin ngự lãm các loại vĩ cầm, khiêu vũ, ca hát thật du dương, các loại nhạc cụ, tiếng gồng chiêng rung đều xuất hiện trong bảo châu này.
Các tay đô vật, nhảy cao cũng có mặt nơi đây, cảnh hề múa rối, các thi sĩ, thợ hớt tóc của vua chúa tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.
Dân chúng tụ tập nơi đây, xin ngự lãm các dãy ghế sân khấu hàng hàng lớp lớp xuất hiện trong bảo ngọc này.
Xin ngự lãm các tay đô vật đánh bằng hai cánh tay gập lại, xin ngự lãm kẻ đánh cùng người bị đánh vật đều xuất hiện trong bảo châu này.
Xin ngự lãm trên triền núi các đoàn hươu, nai, sư tử, cọp beo, gấu, chó sói, hoẵng, tê giác (tây ngu), gayal, trâu bò, hồng lộc, ruru, linh dương, lợn rừng, nimka, lợn nhà, hươu sao kadali, mèo, thỏ, muôn loài súc sinh đều hiện ra trong bảo ngọc này.
Những dòng sông đào thật đẹp, đáy lót toàn kim sa, nước trong vắt chảy nhẹ nhàng với đủ loại cá, cá sấu, các loài thủy quái, rùa, trạnh, pàthìna, pàvusa, vàlaja và muñjarohita.
Xin ngự lãm trong viên bảo châu này đủ loại cây, đủ loài chim và một khu rừng có những cành cây làm bằng ngọc bích (lapi lazuli).
Xin Chúa thượng ngự lãm các hồ nước được xây thật đều đặn bốn góc thành với muôn loại chim cá rộn rã tung tăng. Xin ngự lãm quả đất được biển cả vây phủ, nước tràn khắp nơi, điểm tô đủ loại cây cỏ, tất cả đều hiện ra trong bảo ngọc này.
Xin ngự lãm xứ Videha phía trước, Goyàniya phía sau, Kuru (Câu-lâu) và Jambudìpa (Diêm-phù-đề), đều xuất hiện trong bảo ngọc này.
Xin ngự lãm mặt trời, mặt trăng, chiếu sáng bốn phương trong khi đi vòng quanh núi Sineru (Tu-di) cũng xuất hiện trong bảo ngọc này.
Xin ngự lãm núi Sineru và Tuyết Sơn cùng Thần Hải và Tứ Ðại Thiên vương bảo hộ thế giới, thảy đều xuất hiện trong bảo ngọc này.
Các hoa viên của Thiên chủ Indra như Phàrusaka, Cittalatà, Missaka, Nandana và cung Vejayanta, thảy đều xuất hiện trong bảo ngọc này.
Cung Sudhamma (Thiện pháp) của Thiên chủ Indra ở cõi trời Ba mươi ba, cây trời Pàricchatta (San hô) đang nở rộ hoa, thiên tượng Eràvana, đều xuất hiện trong bảo châu này.
Xin ngự lãm các ngọc nữ của các vị trời đang hiện ra như tia chớp giữa không gian, nhởn nhơ trong ngự viên Nandana, tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.
Xin ngự lãm các ngọc nữ cõi trời đang mê hoặc các tiên đồng, và các tiên đồng đang thơ thẩn dạo chơi, tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.
Xin ngự lãm hơn ngàn cung điện phủ đầy ngọc bích hiện ra sáng ngời trong viên bảo châu này. Thiên chúng ở các cõi trời Ba mươi ba, Dạ-ma, Ðâu-suất và Tha hóa tự tại thảy đều xuất hiện trong viên bảo châu này. Xin ngự lãm các hồ nước trong suốt đầy san hô và sen súng trên cõi trời.
Trong bảo ngọc này có mười đường vân trắng, mười đường vân xanh đậm thật tuyệt trần, hai mươi mốt đường vân nâu và mười bốn đường vân vàng nhạt, hai mươi đường vân vàng chói, hai mươi đường vân bạc, ba mươi đường vân đỏ. Mười sáu đường vân đen, hai mươi lăm đường vân màu thiên thảo đỏ sẫm chen lẫn với hoa bandhuka và tô điểm thêm những đóa sen xanh.
Tâu Chúa thượng, xin ngự lãm viên ngọc sáng rực như lửa này với vẻ đẹp toàn mỹ, đó sẽ là giải thưởng dành cho kẻ thắng cuộc.
*
IV. GIẢI THƯỞNG CỦA CUỘC CHƠI BÀI
Sau khi nói xong, Punnaka liền hỏi:
- Tâu Ðại vương, ví thử tiểu thần thua cuộc, tiểu thần xin dâng viên bảo ngọc này, song ví thử tiểu thần thắng cuộc, xin Chúa thượng ban vật gì cho tiểu thần?
- Ngoài thân ta cùng chiếc lọng trắng ra, tất cả giang sơn ta ngự trị đều đem ra treo giải được cả.
- Tâu Chúa thượng, xin Chúa thượng đừng chậm trễ nữa, vì tiểu thần từ phương xa lại đây, xin Chúa thượng ra lệnh chuẩn bị phòng đánh bài.
Thế là vua ra lệnh cho các đại thần chuẩn bị phòng đánh bài và trải tấm thảm dệt đẹp nhất cho vua ngự, cùng bảo tọa cho các vị quốc vương khác. Khi đã sắp đặt một chỗ thích hợp cho Punnaka, họ trình vua đã đến lúc chơi bài.
Punnaka liền tâu vua qua bài kệ sau:
27. Ðại vương, hãy đến đích cầu mong,
Ngài sẽ không giành được bảo trân,
Ta hãy thắng không nhờ bạo lực,
Và ta thắng bởi lẽ công bằng,
Khi ngài thất bại, xin đem trả,
Phần thưởng ngài ban tặng tiểu thần.
Vua liền đáp:
- Hỡi thiếu sinh, chàng đừng sợ ta là một vị đại vương, mọi cuộc thắng bại của ta đều theo lẽ công bình và không dùng bạo lực.
Thế rồi Punnaka ngâm kệ thỉnh cầu các vị vua kia chứng kiến cuộc thắng trận bằng lẽ công bình:
28. Hỡi các Ðại vương Pañ-ca-la,
Su-ra-se-na và Mac-cha,
Mad-da cùng với Ke-ka-ka,
Xin các Ðại vương ngắm cuộc cờ,
Không có dối gian hay phỉnh gạt,
Không ai can thiệp việc đôi ta.
Sau đó vua được cả trăm vị vua khác hộ tống cùng Punnaka vào phòng đánh bài, tất cả đều ngồi xuống các bảo tọa, đặt con súc sắc vàng lên tấm bảng bằng bạc. Punnaka vội tâu:
- Tâu Ðại vương, có hai mươi bốn lần ném súc sắc, gọi là màlika, sàvata, bahula, santi và bhadra v.v... xin Ðại vương chọn con bài nào vừa ý.
Vua ưng thuận, rồi chọn con bài bahula, Punnaka chọn con bài sàvata. Rồi vua bảo:
- Này thiếu sinh, chàng đánh bài trước đi.
- Tâu Ðại vương, lần ném đầu tiên không phải của tiểu thần, xin Ðại vương đi trước.
Vua chấp thuận. Lúc bấy giờ mẫu thân của vua trong đời sống ngay trước đời này là thần hộ vệ của ngài, nên nhờ thần lực của bà, ngài thắng cuộc. Bà đứng cạnh đó, vua vừa nhớ lại nữ thần vừa ca bài đánh súc sắc, rồi xoay con bài trong tay và ném lên không. Nhờ thần lực của Punnaka, các con bài rơi xuống đúng cho chàng thắng vua.
Phần vua với tài chơi súc sắc nhận ra rằng các con bài rơi xuống không hợp ý ngài, nên ngài chụp chúng lại, trộn đều chúng trên không rồi ném lên lần nữa, nhưng ngài vẫn thấy chúng rơi xuống không đúng ý ngài nên vội chụp chúng lại trong lúc đang rơi.
Lúc ấy Punnaka nghĩ thầm: "Vị vua này đang chơi bài với một thần Dạ-xoa như ta, vừa trộn bài khi chúng rơi xuống rồi lại chụp lấy chúng, tại sao như vậy chứ"? Khi biết có thần lực của nữ thần hộ vệ ngài, chàng giương to mắt như thể tức giận lắm và nhìn nữ thần khiến bà kinh hoàng chạy đi trốn trên đỉnh núi Cakkavàla mà vẫn còn run rẩy.
Khi ném bài đến lần thứ ba, mặc dù vua biết chúng rơi xuống không đúng ý, ngài cũng không thể đưa tay ra chụp lấy chúng vì thần lực của Punnaka, nên chúng rơi xuống thất lợi cho ngài. Rồi Punnaka ném các con bài rơi xuống thắng thế cho chàng. Khi biết rằng chàng đã thắng, chàng vỗ tay ầm ĩ và nói ba lần:
- Tiểu thần đã thắng!
Tiếng chàng vang dội rung động cả cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).
*
Bậc Ðạo Sư tả lại sự việc như sau:
- Vua Câu-lâu và thần Dạ-xoa Punnaka say sưa bước vào mê hồn trận; vua chơi bài thua cuộc và Punnaka thắng cuộc. Cả hai vị giao đấu trước sự chứng kiến của các vị vua và nhiều chứng nhân khác. Thần Dạ-xoa thắng vị vua tối cao của loài người và tiếng reo hò vang dội từ nơi ấy.
Vua không đẹp ý vì thua cuộc, và Punnaka vội ngâm kệ an ủi ngài:
29. Thắng, bại thuộc về một phía thôi,
Giữa hai phe chiến đấu tranh tài,
Ðại vương đã mất phần ưu thắng,
Chiến bại, xin trao giải thưởng tôi.
Sau đó vua bảo chàng nhận giải qua vần kệ:
30. Ngựa, voi, bò, ngọc quý, hoa tai,
Bất cứ gì ta có ở đời,
Hãy lấy món nào cao quý nhất,
Kac-cà-na, nhận rồi đi thôi.
Punnaka đáp:
31. Ngựa, voi, bò, ngọc quý, hoa tai,
Bất cứ gì ngài có ở đời,
Vi-dhu-ra đại thần ưu thắng,
Người đã được tôi chiếm đoạt rồi!
Vua phán bảo:
32. Vị đại thần ta, chỗ trú an,
Là người giúp đỡ, chốn nương thân,
Chính là thành lũy, thần phù hộ,
Vị đại thần không thể sánh bằng,
Giá trị bạc vàng, tài sản quý,
Người như sinh mạng của vương quân.
Punnaka đáp:
33. Chúng ta tranh chấp sẽ dài dòng,
Ta hãy đi tìm vị đại thần,
Hỏi vị ấy điều gì ước muốn,
Ðể người quyết định vấn đề chung,
Những gì người định phần tiên quyết,
Là bản án phân xử cuối cùng.
Vua phán:
34. Công tử, chàng ăn nói chánh chân,
Quả chàng chẳng nói thiếu công bằng,
Chúng ta đi gặp người và hỏi,
Theo cách này, ta sẽ đẹp lòng.
Nói xong vua đưa cả trăm vị vua kia cùng đi, Punnaka sung sướng vội vàng đến tòa án và bậc Trí nhân từ chỗ ngồi đứng dậy chào đón vua rồi ngồi xuống một bên.
Sau đó Punnaka nói với bậc Ðại Sĩ:
- Thưa bậc Trí giả, ngài thật chí công, ngài không hề nói lời hư vọng dù có đổi cả sinh mạng đi nữa, đó là danh tiếng ngài lẫy lừng khắp thế giới này. Hôm nay tiểu sinh sẽ biết được ngài có thật chí công như vậy chăng?
Rồi chàng ngâm kệ sau:
35. Thật chư Thiên phái xuống phàm trần,
Ðến xứ Câu-lâu làm đại thần,
Cố vấn Vi-dhu-ra chánh trực,
Ngài là quyến thuộc hoặc tùy tùng,
Của vương gia đấy, xin ngài nói,
Giá trị của ngài giữa thế nhân?
Bậc Ðại Sĩ nghĩ thầm: "Người này hỏi về ta, nhưng ta không thể cho người ấy biết được ta là quyến thuộc của vua hay là thượng nhân đối với vua, hay chẳng có giá trị gì đối với vua cả. Trên thế gian này không có gì bảo đảm cho ta bằng sự thật, ta phải nói lên sự thật".
Rồi ngài ngâm hai vần kệ chứng tỏ ngài không phải là quyến thuộc hay thượng nhân của vua, mà chỉ là một trong bốn loại tùy tùng của vua:
36. Một số nô tài thuở mẹ sinh,
Kẻ vì tiền phải bán thân mình,
Nhiều người tự nguyện làm nô lệ,
Kẻ khác nô tài bởi hãi kinh.
Ðây bốn loại nô tài tất cả,
Ở trên trần thế giữa nhân sinh.
37. Ta chính nô tài tự mẹ cha,
Khổ ưu phát xuất tự vương gia,
Ta là nô lệ đức vua đó,
Cho dẫu ta theo kẻ khác mà.
Ngài có quyền đem ta tặng cậu,
Hỡi chàng nam tử tự phương xa!
Punnaka nghe lời này vô cùng thích thú, vừa vỗ tay vừa nói:
38. Hôm nay tôi chiến thắng lần hai,
Ðược hỏi, đại thần đã đáp ngài,
Thật vậy, Ðại vương không đúng lý,
Việc này đã quyết định xong xuôi,
Nhưng ngài không muốn đem trao trả,
Phần thưởng ngài dành để tặng tôi!
Nghe vậy, vua liền nổi giận với bậc Ðại Sĩ và bảo:
- Ngươi chẳng hề quan tâm đến ta là người đã ban vinh quang cho ngươi, lại quan tâm đến chàng thiếu sinh này hợp nhãn ngươi mà thôi.
Rồi quay về phía Punnaka, vua nói:
- Nếu gã kia là một nô tài thì hãy đem gã và đi ngay.
Vua lại ngâm kệ sau:
39. Nói gã trả lời câu hỏi ta:
"Ta là nô lệ của vương gia,
Chứ không quyến thuộc", thì chàng nhận,
Bảo vật tối ưu này của ta,
Kac-cà-na, nhận ngay, chàng hỡi,
Rồi hãy đi đâu hợp ý mà.
Nhưng khi nói vậy, ngài suy nghĩ: "Thiếu sinh này sẽ đem Ðại trí nhân đi đâu tùy ý, sau khi vị ấy đi rồi, ta tìm đâu ra được một buổi đàm đạo lý thú về các thánh sự, vậy sao ta lại không thử thỉnh cầu vị ấy lên bảo tọa ngồi rồi ta hỏi vài câu liên quan đến cuộc sống cư sĩ tại gia"? Thế là vua bảo:
- Thưa bậc Trí giả, khi ngài đi rồi, trẫm sẽ khó tìm đâu ra được một buổi đàm đạo thú vị về các thánh sự. Vậy xin ngài ngồi xuống bảo tọa đã được trang hoàng uy nghi đúng theo cương vị của ngài và giải thích cho trẫm một vấn đề liên quan đến cuộc sống cư sĩ tại gia có được chăng?
Bậc Ðại Sĩ liền ưng thuận, và sau khi ngồi xuống bảo tọa được trang hoàng uy nghi, ngài giải thích vấn đề vua hỏi, đó là vấn đề:
- Thưa bậc Trí giả Vidhura, làm thế nào có được cuộc sống hưng thịnh cho một cư sĩ tại gia? Làm thế nào có được lòng ưu ái của đồng loại mình? Làm thế nào thoát được đau khổ? Và làm thế nào chàng niên thiếu nói điều chân thật thoát được mọi ưu não khi qua đến đời sau?
Lúc ấy Vidhura đầy đủ đại trí và minh sát, là bậc thấy mục đích chân lý và đang vững tâm tiến lên, bậc thông thạo mọi pháp lành liền nói những lời này:
- Ðừng chung chạ vợ người, đừng hưởng cao lương mỹ vị một mình, đừng nói chuyện phù phiếm, vì việc này không tăng trưởng trí tuệ. Phải đức độ, tận tụy với nhiệm vụ mình, không phóng dật, sáng suốt, khiêm tốn, không nhẫn tâm, đầy từ bi, thân ái, hòa nhã, khéo léo chinh phục bạn lành, sẵn sàng phân phát bố thí, thận trọng sắp xếp công việc tùy theo mùa, luôn luôn sẵn sàng cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn đầy đủ vật thực. Phải mong cầu công chính và làm cột trụ hộ trì Chánh pháp, sẵn sàng học hỏi và cung kính theo hầu các bậc đa văn đầy đức độ. Như vậy sẽ là cuộc sống hưng thịnh cho một cư sĩ tại gia, như vậy là sẽ chiếm được lòng ưu ái của đồng loại mình, như vậy là sẽ thoát khổ; và như vậy là chàng trẻ tuổi nói điều chân thật sẽ thoát khỏi sầu bi khi sang đến đời sau.
Như vậy sau khi giải đáp câu hỏi liên quan cuộc sống cư sĩ, bậc Ðại Sĩ bước xuống từ bảo tọa và vái chào vua. Phần vua cũng đáp lễ ngài vô cùng cung kính, rồi đi cùng với cả trăm vị vua khác, đến viếng tư thất của ngài .
Khi bậc Ðại Sĩ trở lại, Punnaka nói:
- Xin ngài đến đây, ta cùng khởi hành, đức vua đã trao ngài cho tiểu sinh; vậy phải theo đúng nhiệm vụ đó. Ấy là qui luật từ ngàn đời.
Bậc Trí giả Vidhura đáp lại:
- Hỡi thiếu sinh, ta biết lắm, chàng đã chiếm được ta, đức vua đã giao ta cho chàng, ta xin mời chàng về nghỉ ngơi tại nhà ta ba ngày nữa để ta dặn dò các con ta.
Punnaka nghe vậy nghĩ thầm: "Bậc Trí giả này đã nói chân thật, đó là một đại phúc cho ta, ví thử ngài có mời ta ở lại bảy ngày hay nửa tháng, ta cũng nên nhận lời ngay lập tức." Thế là chàng đáp:
- Chuyện này cũng thuận lợi cho tiểu sinh, vậy ta cùng ở lại đó ba ngày, thưa bậc Trí giả, nếu có việc gì cần giải quyết trong gia đình của bậc Trí giả, xin chỉ dạy cho quý phu nhân và các công tử, hầu mong các vị được hạnh phúc sau khi ngài đi rồi.
Nới xong Punnaka cùng bậc Ðại Sĩ đi về tư thất ngài.
*
Bậc Ðạo Sư tả sự việc ấy như sau:
Lòng đầy hoan hỷ và háo hức khát khao, chàng Dạ-xoa đi cùng bậc Trí giả Vidhura, vị đệ nhất hiền giả, đưa chàng vào nội thất với đoàn bảo tượng và tuấn mã theo hầu.
Lúc bấy giờ bậc Ðại Sĩ có ba cung thất dành cho ba mùa, cung đầu tiên là Koñca, cung thứ hai là Mayùra, cung thứ ba là Piyaketa. Bài kệ sau đây nói về ba cung ấy:
40. Chàng đã đến nơi chốn đại gia:
Koñca, Mayùra, Piyaketa,
Mỗi nơi một cảnh đầy hoan lạc,
Phong phú thức ăn uống cả nhà,
Trông giống thiên cung trên thượng giới,
Của Ind-ra, đại đế Sak-ka.
Sau khi ngài đến nơi, ngài ra lệnh dọn một phòng ngủ và một chiếc bệ cao trên tầng thứ bảy của cung thất trang hoàng tráng lệ, trải vương sàng và bày biện đủ cao lương mỹ vị xong, ngài chỉ cho chàng năm trăm mỹ nữ như tiên trên trời, và bảo:
- Ðây là những tỳ nữ của chàng, chàng cứ ở lại đây đừng lo ngại gì cả.
Rồi ngài trở về tư thất. Khi ngài đi rồi, các mỹ nữ đem nhạc khí đủ loại ra ca múa tưng bừng trong lúc hầu hạ chàng Punnaka.
*
Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:
Các mỹ nữ điểm trang diễm lệ như các Thiên thần, ca múa trò chuyện cùng chàng, mỗi nàng đều gắng sức đem hết mọi tài năng ra biểu diễn.
Bậc hộ trì Chánh pháp ấy, sau khi cho chàng hưởng cao lương mỹ vị cùng nữ sắc, liền nghĩ đến việc cao quý bậc nhất, là mang chàng vào giới thiệu cùng phu nhân.
Ngài bảo phu nhân đã được trang điểm bằng hương chiên-đàn cùng nhiều hương thơm khác đang đứng như một thanh bội hoàn bằng vàng ròng:
- Này phu nhân nghe đây, hãy gọi các nam tử đến ngay, hỡi phu nhân có đôi mắt đẹp màu hổ hoàng.
Anujjà nghe phu quân gọi liền bảo con dâu, một mỹ nhân có đôi mắt tuyệt trần, móng tay sáng rực như đồng:
- Này Cetà, nàng đeo vòng vàng lục lạc chẳng khác nào bào giáp, nàng là đóa súng xanh mơn mởn, hãy đi gọi các con ta lại đây.
Nàng ấy vâng dạ xong đi suốt cả cung thất, tập hợp các thân hữu cùng các công tử, công nương, lại bảo họ:
- Thân phụ quý vị muốn dặn dò quý vị đôi điều, đây là lần cuối cùng quý vị gặp được ngài đấy.
Công tử Dhammapàla-Kumàra nghe vậy liền khóc, vội đi đến gặp thân phụ cùng các công tử em chàng. Khi vị cha thấy các con đến, không thể nào giữ được vẻ bình thản, liền ôm các con mắt đầy lệ, hôn đầu các con và ghì lấy trưởng nam vào lòng một hồi lâu. Rồi ngài nhấc con lên, bước ra khỏi cung thất, ngồi xuống tọa sàng đặt trên chiếc bệ cao, ngài nhắn nhủ với cả ngàn công tử kia.
*
Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:
Bậc hộ trì Chánh pháp, lòng không chút sợ hãi, hôn trán các con khi họ đến gần ngài, và sau khi chào hỏi xong, ngài bảo họ:
- Ta được đức vua giao cho chàng thiếu sinh này. Ta thuộc quyền sở hữu của chàng rồi, nhưng hôm nay ta còn được tự do tìm thú vui riêng cho mình, rồi chàng sẽ đem ta đi đâu tùy ý, cho nên ta muốn nhắn nhủ các con đôi điều, vì làm sao ta ra đi mà không tìm cách cứu khổ các con được? Ví như Janasandha, vua xứ Câu Lâu, trịnh trọng hỏi các con: "Các khanh xem cái gì thật cổ kính ngay trong thời thượng cổ? Thân phụ các khanh dạy bảo điều gì tiên khởi và tối thượng"? Rồi ví như nhà vua bảo: "Các khanh đồng đẳng với ta, ai trong các khanh lại không hơn một vị vua đã chứ"?, các con sẽ kính cẩn đảnh lễ vua và tâu: "Xin Ðại vương đừng nói vậy, không có luật lệ nào như thế cả, làm sao một con chó rừng hèn mọn lại đồng đẳng với một vương hổ được"?
Sau khi nghe thuyết giáo xong, các vị công tử, công nương, thân bằng, quyến thuộc, gia nhân, dân chúng đều không giữ được lòng bình thản, đồng khóc lớn khiến bậc Ðại Sĩ lại phải an ủi họ thêm nữa.
Hết phần Chuyện Bậc Đại Trí Vô Song (Tiền thân Vidhurapandita) (1) (Vidhurapandita) (Lên đầu trang)