Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 4.63 MB - Thời gian phát: 26 phút 58 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

Chương VII
Phẩm Bảy Kệ
(CCXXIV) Sundara-Samudda (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một người trong hội đồng thành phố giàu có, ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Samudda. Vì ngài rất đẹp trai nên được gọi là Sundara-Samudda, khi ngài còn trẻ, ngài thấy được uy nghi đức Phật, khi có cuộc lễ đón rước đức Phật đến Ràjagaha, với lòng tin và với thiên tánh tự nhiên, ngài xuất gia. Ðược giao cho một đề tài thiền quán, ngài đi từ Ràjagaha đến Sàvatthi, ở với một người bạn và tu tập thiền quán. Mẹ ngài ở Vương Xá, thấy các người con của các đại biểu hội đồng thành phố khác với những người vợ trang sức thật lộng lẫy vui chơi trong những ngày lễ, bà mẹ buồn, nhớ con và khóc; một kỹ nữ thấy vậy liền dỗ bà và tự nguyện đi đến Sàvatthi để đem con bà về. Bà mẹ hứa rằng, nếu con bà chịu cưới nàng, bà sẽ cho nàng làm chủ gia đình và tặng nhiều tặng phẩm. Với một số tùy tùng, nàng đi đến Sàvatthi và dừng lại ngôi nhà ngài thường hay đến hằng ngày để khất thực; nàng hết sức săn sóc cho ngài. Nàng ăn mặc lộng lẫy và mang dép vàng; một hôm nàng để đôi dép nàng tại ngưỡng cửa, đảnh lễ ngài với hai tay chấp lại, khi ngài đi qua với cử chỉ muốn cám dỗ ngài. Và ngài một tư tưởng thế tục thoáng qua, ngài cương quyết nỗ lực cuối cùng đứng tại đấy thiền định, thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài diễn đạt quả chứng của ngài như sau:
459. Trang sức mặc áo đẹp,
Ðeo vòng hoa trang điểm,
Chân bôi sơn màu đỏ,
Một kỹ nữ đi dép.
460. Chân rút ra khỏi dép,
Chấp tay, hướng phía trước,
Nàng với giọng nhẹ dịu,
Mở đầu nói với ta;
461. Chàng trẻ tuổi xuất gia,
Hãy dừng, lãnh vực em,
Thọ hưởng năm dục vọng,
Em cho chàng phương tiện,
Em hứa chàng sự thật,
Em đem chàng lửa thề.
462. Khi chàng em đều già,
Cả hai đều chống gậy,
Cả hai cùng xuất gia,
Hai phần được vận may.
463. Thấy người kỹ nữ ấy,
Chấp tay lời van xin,
Trang sức, mặc áo đẹp,
Như thần chết gieo mồi.
464. Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.
465. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CCXXV) Lakuntaka-Bhaddiya (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình giàu có, được đặt tên là Bhaddiya, nhưng vì ngài rất thấp, nên được biết với tên là Lakuntaka Bhaddhiya (Bhaddiya người lùn). Nghe bậc Ðạo Sư giảng, ngài xuất gia, trở thành một nhà học giả và biện tài, ngài dạy cho các người khác với một giọng nói rất dịu ngọt. Một hôm, nhân ngài đang lễ, một phụ nữ đi xe với một Bà-la-môn, thấy ngài và cười lên, để lộ hàm răng của nàng. Vị Trưởng lão, lấy hàm răng ấy như một đề tài để thiền quán, khởi lên thiền định và trên căn cứ ấy, phát triển thiền quán và trở thành một vị Bất Lai. Về sau nhờ Tôn giả Sàriputta dạy tu thân hành niệm, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài:
466. Ra ngoài các khu vườn,
Tên Ambàtaka,
Trong rừng với lùm cây,
Ái, ái căn từ bỏ,
Bhaddiya ngồi thiền,
Bậc may mắn hạnh phúc.
467. Một số người ưa thích,
Trống, sáo và trống nhỏ,
Còn ta, dưới gốc cây,
Ta thích lời Phật dạy.
468. Nếu Phật ban ân huệ,
Ta được ân huệ ấy,
Ta trì thân hành niệm,
Thường hằng ở mọi giới.
469. Cười chê, ta vì thân,
Ai theo ta vì tiếng,
Chúng không biết được ta,
Vì dục tham chi phối.
470. Không biết được phần trong,
Không thấy được phía ngoài,
Chận bốn phía, người ngu,
Bị tiếng nói lôi cuốn.
471. Không biết được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Chỉ thấy quả phía ngoài,
Cũng bị tiếng lôi cuốn.
472. Quán trí được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Thấy không bị chướng ngại,
Không bị tiếng lôi cuốn.
(CCXXVI) Bhadda (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một vị lớn trong hội đồng thành phố, làm con một gia đình cha mẹ trước đây không có con, dầu đã có cầu khẩn thần linh nhiều lần vẫn chưa có con. Họ đi đến bậc Ðạo Sư và nói: 'Nếu chúng con có được đứa con, chúng con sẽ dâng lên cho ngài để làm thị giả!'. Khi được sinh Bhadda, chúng mặc áo đẹp nhất cho ngài, đưa ngài đến bậc Ðạo Sư và nói: 'Bạch Thế Tôn, đây là đứa con chúng con sanh ra, sau khi yết kiến Thế Tôn, chúng con xin dâng hiến cho Thế Tôn'. Thế Tôn bảo Ananda cho Bhadda xuất gia và đi vào hương phòng. Ananda giảng dạy cho ngài và căn cơ ngài quá thuần thục đến nỗi trong khi đang học, vừa lúc mặt trời mọc, ngài phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí.
Thế Tôn biết được những gì xảy ra và gọi: 'Hãy đến này Bhadda!' Ngài đến, chấp tay đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðó là lễ xuất gia của ngài, đó là lễ xuất gia do đức Phật chủ trì. Và bậc Trưởng lão nói lên chánh trí của ngài:
473. Ta là con độc nhất
Ðược cha thương mẹ thương,
Do nhiều hạnh giới cấm,
Van vái mới được ta.
474. Vì lòng thương xót ta,
Muốn ta được hạnh phúc,
Cả cha và mẹ ta,
Dẫn ta đến đức Phật
475. Ðược đứa con trai này,
Thật trải nhiều khó khăn,
Nuôi dưỡng rất tế nhị,
Ðược nuông chiều săn sóc,
Chúng con kính dâng Ngài,
Kính thưa bậc cứu độ,
Ðể làm người thị giả,
Hầu hạ bậc chiến thắng.
476. Bậc Ðạo Sư nhận ta,
Nói A-nan như sau:
Hãy cho nó xuất gia,
Nó sẽ thành thuần lương.
477. Sau khi bậc Ðạo Sư,
Bảo xuất gia cho ta,
Xong rồi bậc chiến thắng,
Bước vào trong tinh xá,
Khi mặt trời chưa mọc,
Tâm ta được giải thoát.
478. Rồi bậc Ðạo Sư ta,
Ðể chấm dứt công việc,
Từ yên lặng thiền tịnh,
Ngài đứng dậy gọi ta:
Này Bhadda hãy đến,
Ta thọ Ðại giới vậy.
479. Từ sanh, đến bảy năm,
Ta được thọ Ðại giới,
Ba minh ta đạt được,
Ôi pháp, thiện pháp tánh!
(CCXXVII) Sopàka (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh từ vợ một người cùng đinh, và do thọ sanh, ngài được gọi là Sopàka (người cùng đinh). Có người nói ngài là con một thương gia. Sự kiện này không được tập Apadàna chấp nhận:
Khi ta chứng được,
Tái sanh cuối cùng,
Ta vào bào thai,
Của Sopàka.
Bốn tháng sau khi sanh, cha ngài mệnh chung, và được người cậu nuôi dưỡng. Người cậu, do người con hay nóng giận của mình xúi giục, muốn giết ngài. Nó đem ngài đến bãi tha ma, trói hai tay ngài cột vào cổ một thây ma, nghĩ rằng các con chó rừng sẽ ăn thịt ngài. Nó không thể giết ngài vì ngài tái sanh lần cuối cùng. Ban đêm các con chó rừng và các con thú khác đến, và đứa con nít kêu khóc:
Thế nào là định mệnh,
Ðược để dành cho ta.
Ai là người bà con,
Của đứa trẻ mồ côi!
Giữa nghĩa địa kinh hoàng,
Ta bị cột, trói chặt!
Ta sẽ tìm được ai,
Là người bạn của ta!
Bậc Ðạo Sư trong lúc ấy đang nhìn xem ai là người đáng cứu độ, thấy trong đứa trẻ, những nhân duyên chứng quả A-la-hán được chói sáng trong tâm của đứa trẻ, liền chiếu sáng hào quang và nói:
Hãy đến, Sopaka,
Người đừng có sợ hãi,
Hãy nhìn đến Như Lai,
Chính Ta sẽ cứu con!
Như mặt trăng thoát khỏi,
Hàm răng của Ràhu.
Với sức mạnh của đức Phật, đứa trẻ bứt đứt dây trói, và cuối bài kệ đứng dậy, trở thành một bậc Dự lưu và đứng trước hương phòng của đức Phật! Mẹ ngài tìm ngài hỏi người cậu, nhưng người cậu im lặng không nói gì. Mẹ ngài đi đến đức Phật, nghĩ rằng đức Phật biết tất cả, quá khứ, hiện tại, vị lai. Bậc Ðạo Sư, dùng thần thông giấu đứa con. Bà thưa với Thế Tôn: 'Bạch Thế Tôn, con không thể tìm thấy đứa con. Nhưng Thế Tôn biết được con tôi đang làm gì?'. Thế Tôn trả lời:
Các người con không phải,
Là chỗ y, nương tựa,
Cả cha cũng là vậy,
Kể cả các bà con.
Với kẻ bị mệnh chung,
Dầu bà con huyết thống,
Cũng không thể nương tựa!
Và như vậy, Thế Tôn thuyết pháp cho bà, bà nghe xong chứng quả Dự lưu, nhưng đứa trẻ chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn rút lại thần thông và bà mẹ sung sướng thấy được người con. Ðược biết con mình đã chứng quả A-la-hán, bà bằng lòng để con xuất gia và bà ra về.
Rồi ngài đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, khi bậc Ðạo Sư đang đi dưới bóng mát của hương phòng và đi theo Thế Tôn. Thế Tôn muốn thế độ cho ngài liền hỏi ngài mười câu hỏi, bắt đầu bằng câu: 'Thế nào là một pháp?'. Ngài hiểu được ý Thế Tôn liền trả lời: 'Các chúng sanh được nuôi dưỡng bằng thức ăn...', với trí sáng suốt của mình. Bậc Ðạo Sư thỏa mãn với những câu trả lời của đứa trẻ, thọ giới cho ngài. Do vậy ngài có được tên là: 'Ðặt trẻ với những câu hỏi'. Ngài nói lên chánh trí của mình, thuật lại những sự việc đã xảy ra, với bài kệ như sau:
480. Thấy bậc Tối thượng nhân,
Kinh hành dưới bóng lầu,
Tại đấy, ta đi tới,
Ðảnh lễ bậc Tối thượng.
481. Ðắp y một bên vai,
Chấp hai tay đưa lên,
Ði theo bậc Vô cấu,
Tối thượng trên mọi loài.
482. Ngài hỏi ta câu hỏi,
Khéo biết đặt câu hỏi,
Ta trả lời Ðạo Sư,
Không run, không sợ hãi.
483. Ðức Như Lai tùy hỷ,
Câu trả lời câu hỏi,
Nhìn chúng Tỷ-kheo Tăng,
Ngài nói ý nghĩa này:
484. Lợi ích thay, dân chúng,
Ăng-ga, Magadha,
Cúng dường cho vị ấy,
Y dược thuốc sàng tọa,
Biết cung kính thích nghi,
Thật lợi ích cho chúng,
Bậc Ðạo Sư nói vậy,
485. Bắt đầu từ hôm nay,
Hỡi này Sopaka,
Hãy đến yết kiến Ta,
Như vậy, Sopaka,
Ông thành tựu Ðại giới,
Ðược an lành tốt đẹp.
486. Bảy năm từ khi sanh,
Ta được thọ Ðại giới,
Ta mang thân cuối cùng!
Ôi pháp, thiện pháp tánh.
(CCXXVIII) Sarabhanga (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ràjagaha (Vương Xá), con của một Bà-la-môn, ngài có thể được đặt tên, độc lập hay không độc lập với truyền thống gia đình, ngài không có đặc điểm gì để đặt tên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành một ẩn sĩ, tự dựng một thảo am, làm bằng cọng cây lau mà tự ngài bẻ gãy, và từ đấy ngài được biết với tên là Sara-Bhanga, (người bẻ gãy cọng cây lau). Thế Tôn với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy được nơi ngài những điều kiện để thành vị A-la-hán. Thế Tôn đi đến thuyết pháp cho ngài. Và ngài khởi lòng tin, trở thành một vị xuất gia, sau một thời gian trở thành vị A-la-hán, ngài vẫn tiếp tục ở thảo am. Thảo am dần dần hư nát và sụp đổ xuống, dân chúng hỏi ngài sao không dựng thảo am lại, ngài trả lời, khi thảo am được dựng lên, ngài còn ẩn sĩ. Nhưng nay ngài không thể làm được như vậy nữa. Rồi ngài nói lên toàn bộ vấn đề như sau:
487. Tay bẻ những cây lau,
Ta làm am ta ở,
Do vậy, được tên tục:
'Người bẻ gãy cây lau'.
488. Nay không còn thích hợp,
Tự tay bẻ cây lau,
Theo học giới giảng dạy,
Gotama danh xưng.
489. Chính Sara-bhanga,
Từ trước chưa từng thấy,
Thấy chứng bệnh toàn diện,
Một cách thật đầy đủ.
Bệnh ấy nay được thấy,
Do lời bậc siêu thiên.
490. Chính đường ấy đã đi,
Vibassì, Sikhi,
Kể cả Vessabhu,
Với Kakusandha,
Konàgamana.
Chính với con đường ấy,
Gotama đã đến.
491. Ly ái, không chấp thủ,
Bảy Phật chứng Niết-bàn,
Pháp này được thuyết giảng,
Bởi các vị chứng Pháp.
492. Vì từ mẫn chúng sanh,
Bốn sự thật được giảng,
Khổ, khổ tập, con đường,
Diệt, chấm dứt khổ đau.
493. Trong đời sống liên tục,
Khổ luân chuyển không dứt,
Khi thân này bị hoại,
Khi mạng sống cáo chung,
Tái sanh khác không còn,;
Ta thật, khéo giải thoát,
Giải thoát mọi sanh y.
Chương VIII
Phẩm Tám Kệ
(CCXXLX) Mahà-Kaccàyana (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ujienì trong gia đình của vị cố vấn nghi lễ cho vua Candapajjota. Ngài học ba tập Vệ-đà, khi ngài lớn và khi phụ thân mất ngài kế tiếp chức vụ của cha. Ngài được biết với tên là Kaccàna theo dòng họ. Nhà vua được nghe tin đức Phật xuất hiện, ngài đi mời đức Phật, ngài đi với bảy người, được bậc Ðạo Sư thuyết pháp, sau buổi thuyết giảng, cả ngài với bảy người đều chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi Thế Tôn đưa tay nói: 'Hãy đến các Tỷ-kheo!', cả tám vị được cắt tóc, đầy đủ với bát và y.
Khi ngài đã được giải thoát, ngài mời đức Phật đến Ujjenì để thuyết pháp cho vua. Ðức Phật nói Kaccàna tự mình đi về, thực hiện sứ mệnh ấy. Kaccàna theo lời khuyên, đi với cả bảy vị, thuyết pháp cho vua, khiến vua khởi lòng tin rồi trở lại với bậc Ðạo Sư.
Một hôm, nhiều Tỷ-kheo sau khi bỏ một bên các bổn phận của mình, tìm thú vui trong các vui thế tục và xã hội, đang sống một đời sống phóng dật. Vị Trưởng lão trong hai câu kệ, khuyên răn các vị ấy, và với sáu bài kệ tiếp, giảng dạy cho vua:
494. Chớ làm quá nhiều việc,
Tránh quần chúng đua tranh,
Người siêng tham đắm vị,
Bỏ đích đem an lạc.
495. Ta cảm là 'đống bùn',
Cung kính các gia đình,
Là mũi tên nhỏ nhiệm,
Thật khó được rút ra,
Tôn trọng khó từ bỏ,
Ðối với kẻ không tốt.
Lời cho vua:
496. Hành động của con người,
Không phải là độc ác,
Tùy thuộc vào người khác,
Người khác nói hay làm,
Tự mình chớ có làm,
Vì người, bà con nghiệp.
497. Không vì người khác nói,
Con người thành ăn trộm,
Không vì người khác nói,
Con người thành bậc Thánh.
Như mình tự biết mình,
Chư Thiên biết mình vậy.
498. Người khác không biết được,
Ðây ta sống một thời,
Những ai biết được vậy,
Bậc trí sống lắng dịu.
499. Chỉ bậc trí sống mạnh,
Dầu tài sản đoạn tận,
Nếu không được trí tuệ,
Có tiền như không sống,
Với vua hỏi về cơn mộng:
500. Với tai nghe tất cả,
Với mắt thấy tất cả,
Kẻ trí bỏ tất cả,
Như không thấy không nghe,
501. Có mắt, như kẻ mù,
Có tai như kẻ điếc,
Có trí, như kẻ ngu,
Có sức, như kẻ yếu,
Ðể việc lành khởi lên,
Nằm như kẻ chết nằm.
(CCXXX) Sirimitta (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của một điền chủ giàu có, được đặt tên là Sirimitta; mẹ ngài là chị của Sirigutta. Nay Sirimitta, cháu của Sirigutta tìm được lòng tin đối với bậc Ðạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla. Rồi ngài xuất gia và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Một hôm, từ chỗ ngồi đứng dậy để tụng học giới bổn Pàtimokkha, ngài cầm một cái quạt có sơn màu, rồi ngồi xuống, ngài thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, và làm như vậy, ngài làm nổi bật những đức tánh khác như sau:
502. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðời sau, không ưu sầu.
503. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thường hộ căn,
Ðời sau không ưu sầu.
504. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo giữ thiện giới,
Ðời sau, không ưu sầu.
505. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện bằng hữu,
Ðời sau không ưu sầu
506. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện trí tuệ,
Ðời sau, không ưu sầu.
Sau khi thuyết giảng về phẫn nộ, hận... ngài nói đến con đường siêu thoát, diễn tả thái độ chơn chánh của từng cá nhân, như vậy chứng nhận chánh trí của mình:
507. Với ai tin Như Lai,
Không dao động, thiện trú,
Với ai, nếp giới hạnh,
Ðược thiện nhân tán thán,
Ðược bậc Thánh tùy hỷ.
508. Với ai, có tín thành,
Ðối với chúng Tăng già,
Có tri kiến chánh trực,
Họ nói về người ấy:
Vị ấy không nghèo đói,
Ðời sống không trống rỗng.
509. Vậy nên bậc Hiền trí,
Hãy chú tâm tín, giới,
Tịnh, tín, thấy đúng pháp;
Vào cốt tủy lời Phật.
(CCXXXI) Mahà-Panthaka (Thera. 53)
Khi bậc Ðạo Sư đi đến Ràjagaha, chuyển bánh xe pháp, Panthaka, con đầu lòng của con gái một nhân viên giàu có trong Ủy ban thành phố, và một trong những người nô tỳ của phụ thân của người con gái, cả hai thường đi đến ông ngoại để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin với thiền quán. Sau khi xuất gia, ngài trở thành thiện xảo trong lời dạy của bậc Ðạo Sư và trong bốn thiền, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. An trú trong an lạc thiền quán và quả chứng, ngài hồi tưởng lại sự thành công của mình, và sung sướng rống tiếng rống con sư tử như sau:
510. Khi đầu tiên ta thấy,
Bậc Ðạo Sư vô úy,
Xúc động khởi nơi ta,
Thấy được người Tối thượng.
511. Ai cả tay cả chân,
Cầu khẩn thần may đến,
Với cử chỉ như vậy,
Khiến Ðạo Sư hoan hỷ,
Vị ấy không thể đạt,
Như sở nguyện của mình.
512. Còn ta đã từ bỏ,
Vợ con, tiền, lúa, gạo,
Sau khi cạo râu tóc,
Ta xuất gia không nhà.
513. Học, sinh hoạt đầy đủ,
Các căn khéo chế ngự,
Ðảnh lễ bậc Chánh giác,
Ta trú, không khuất phục.
514. Rồi ta khởi ước nguyện,
Tâm an trú tha thiết,
Ta quyết không ngồi nữa,
Dầu chỉ là một phút,
Cho đến khi rút được,
Rút mũi tên tham ác.
515. Ta an trú như vậy,
Hãy xem nhờ nỗ lực,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
516. Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Ta xứng được cúng dường,
Giải thoát khỏi sanh y.
517. Như đêm trở thành sáng,
Khi mặt trời mới mọc,
Mọi khát ái khô kiệt,
Ta vào, ngồi kiết-già.
Chương IX
Phẩm Chín Kệ
(CCXXXII) Bhùta (Thera. 54)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại ngoại thành Sàketa, con một hội viên giàu có trong Hội đồng thành phố, ngài là con út và người con độc nhất được sống sót, các người con khác bị một con Dạ-xoa thù nghịch ăn thịt. Ngài được canh gác cẩn mật, và con Dạ-xoa bận lên hầu Vessavana nên không về nữa. Khi đến tuổi đặt tên, ngài được đặt tên là Bhùta, vì do nguyện cầu được sanh ngài: 'Mong rằng các hàng phi nhân có lòng từ hộ trì cho đứa trẻ'. Nhờ công đức của mình, ngài lớn lên không bị tai nạn gì, được nuôi dưỡng trong ba lâu đài như Yasa. Khi bậc Ðạo Sư đến Sàketa, ngài cùng với các cư sĩ khác đến tịnh xá nghe thuyết pháp. Sau khi xuất gia, ngài sống trong một hang động, trên bờ sông Ajakaranì. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó ngài về thăm các bà con vì lòng từ mẫn và ở trong rừng Anjana. Khi các bà con yêu cầu ngài ở lại, vì lợi ích chung cho các bà con và cho ngài, ngài nói ngài ưa thích đời sống xuất gia và nói lên những bài kệ như sau, trước khi từ biệt các bà con:
518. Khi bậc trí thấy được,
Già chết là đau khổ,
Tại đấy, kẻ phàm phu,
Không thấy, chấp thủ khổ.
Sau khi liễu tri khổ,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
519. Khi đoạn tận được ái,
Ái đem khổ, độc hại,
Tạo hý luận trói buộc,
Ðẩy mạnh đến đau khổ,
Sau khi đoạn tận ái,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
520. Khi với tuệ, thấy được,
Con đường lành vô thượng,
Gồm hai lần bốn phần,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Sau khi thấy với tuệ;
Chánh niệm tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
521. Khi tu tập con đường,
Không sầu, không cấu uế,
Vô vi, an tịnh đạo,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Chặt trói buộc kiết sử,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
522. Khi trên trời vang rền,
Tiếng trống mây giông tố,
Khắp con đường chim bay,
Dòng mưa dày đặc đổ,
Tỷ-kheo đi đến hang,
Tu tập, ngồi thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ư u việt hơn lạc này.
523. Khi trên những bờ sông,
Những vòng hoa rừng núi,
Nở lên và chói sáng,
Với nhiều màu nhiều sắc,
Với tâm tư thoải mái,
Ngồi thiền trên bờ sông,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
524. Khi nửa đêm, rừng vắng,
Trời đổ trận mưa rào,
Loài có ngà có nanh,
Ðang sống đang gầm thét,
Tỷ-kheo đến triền núi,
Ngồi yên lặng tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
525. Khi tầm tứ chế ngự
Giữa núi, trong hang động
Thoải mái tự ngồi thiền,
Không sợ không chướng ngại
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
526. Khi ngồi được hỷ lạc,
Không uế chướng, không sầu,
Không tù túng, thoát ái,
Không bị mũi tên đâm,
Mọi lậu hoặc chấm dứt,
Vị ấy ngồi tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
Hết phần Chương VII đến chương IX

(Lên đầu trang)


Tập III - 3.1 Trưởng Lão Tăng Kệ có tổng cộng 12 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close