(Download file MP3 - 18.37 MB - Thời gian phát: 40 phút 07 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
19. VIÊN BẢO NGỌC.
Lúc bấy giờ vua lại muốn thử tài ngài. Thời đó có một viên bảo châu nằm trong tổ quạ trên cây cọ dừa (tàla) bên bờ hồ cạnh Nam môn và ảnh của viên bảo ngọc thường phản chiếu trên mặt hồ. Dân chúng trình vua rằng có viên bảo ngọc dưới hồ. Vua liền triệu Senaka đến bảo:
- Dân chúng bảo có viên bảo ngọc dưới hồ, làm thế nào để lấy lên được?
Senaka tâu:
- Cách tốt nhất là tát cạn nước.
- Vua bảo ông thi hành, ông liền tập họp một đám người tát nước và lấy bùn ra, rồi đào đất dưới đáy hồ, nhưng chẳng thấy ngọc đâu. Thế mà khi hồ đầy nước lại, ánh ngọc vẫn phản chiếu trên hồ như cũ. Senaka lại cho tát nước nữa và cũng không tìm thấy ngọc. Sau đó vua triệu bậc Trí giả và bảo:
- Dân chúng có thấy viên ngọc trong hồ, Senaka đã cho tát nước bùn ra và đào đất lên mà chẳng thấy ngọc đâu, nhưng vừa khi nước hồ đầy thì ngọc lại hiện lên, hiền nhi có thể lấy ngọc lên chăng?
- Tâu phụ vương, chuyện đó không khó gì, thần nhi xin đi lấy ngọc về dâng phụ vương.
Vua rất đẹp ý khi nghe ngài hứa, rồi cùng một đám đông cận thần theo hầu, vua ngự ra hồ, sẵn sàng chứng kiến oai lực đại trí của bậc Hiền giả. Bậc Đại Sĩ đứng trên hồ quan sát, ngài nhận xét rằng ngọc không ở trong hồ, mà phải ở trên cây, nên ngài nói to:
- Tâu phụ vương, ngọc không có trong hồ.
- Sao không thấy ngọc dưới nước chăng?
Thế là ngài bảo đem đến một thùng nước và nói:
- Tâu phụ vương, đây chẳng phải là ta thấy ngọc trong thùng nước và cả trong hồ sao?
- Thế thì ngọc ở đâu?
- Tâu phụ vương, đây chỉ là ánh ngọc phản chiếu trong hồ nước lẫn trong thùng, còn ngọc ở trong tổ quạ ở trên cây cọ dừa kia. Xin phụ vương cho người lên lấy ngọc và đem xuống đây.
Vua y lời, cho người đem ngọc xuống và bậc Hiền trí đặt viên ngọc vào tay vua. Mọi người tán dương bậc Trí giả và nhạo báng Senaka:
- Đây là viên bảo ngọc nằm trong tổ quạ trên cây, thế mà Senaka lại bảo đám người lực lưỡng đào hồ. Chắc chắn một bậc Trí giả phải như Mahosadha này.
Họ cứ ca ngợi bậc Đại Sĩ như vậy, còn vua rất đẹp ý, ban cho ngài xâu chuỗi ngọc mà vua đang đeo trên cổ và ban đủ chuỗi ngọc cho cả ngàn nhi đồng kia, xong lại cho phép từ nay ngài và đám tùy tùng của ngài vào chầu vua được miễn lễ. 20. CON TẮC KÈ.
Một ngày kia, vua cùng bậc Trí giả bước vào ngự viên, thì một con tắc kè ở trên chiếc cổng vòng cung trông thấy vua, liền bò xuống, nằm sát đất. Vua thấy vậy, hỏi:
- Này bậc Trí giả, nó làm gì vậy?
- Tâu Đại vương, nó tỏ lòng cung kính đối với phụ vương.
- Nếu vậy ta chẳng nên bỏ qua việc nó cung kính mà không thưởng nó, hãy cho nó thật nhiều tặng vật.
- Tâu phụ vương, tặng vật chẳng ích lợi gì cho nó, cái nó cần là thức ăn.
- Vậy nó ăn gì?
- Tâu phụ vương, thịt.
- Nó cần ăn độ bao nhiêu?
- Chừng một xu, tâu phụ vương.
- Chỉ đáng một xu thì chẳng xứng quà thưởng của vua ban-Vua bảo.
Rồi ngài truyền cho một người đến, ban lệnh đem cho con tắc kè đều đều mỗi ngày năm xu thịt. Việc này được thi hành sau đó. Nhưng vào ngày trai giới, không có sát sinh, người đó không kiếm ra thịt, nên gã đục một lỗ qua đồng hào nửa, buộc một sợi dây vào cổ con tắc kè. Việc ấy làm con tắc kè sinh kiêu mạn.
Một ngày kia, vua lại vào ngự viên, nhưng con tắc kè thấy vua đến gần, mà nó đang kiêu mạn vì cho rằng nó cũng nhiều của cải như vua, nó nghĩ thầm: "Đại vương giàu có lắm, này Đại vương Videha, nhưng ta đây cũng vậy". Thế là nó không bò xuống, mà cứ nằm yên trên cổng vòng cung gõ nhịp chiếc đầu. Vua thấy vậy liền hỏi:
- Này bậc Trí giả, hôm nay con vật kia không xuống đây như lệ thường, cớ sao vậy?
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu tiên:
1. Tắc kè thuở trước chẳng bò lên,
Khung cửa vòng cung, bậc Trí hiền,
Hãy giải thích ngay cho trẫm rõ,
Tắc kè sao cứng cổ như trên?
Bậc Trí giả nhận thấy rằng có lẽ gã kia không kiếm đâu ra thịt vào ngày trai giới cấm sát sinh, nên con vật này ắt sinh lòng kiêu mạn vì đồng tiền buộc vào cổ nó; bởi thế ngài ngâm kệ này:
2. Con tắc kè kia được thưởng cho,
Món tiền nó chẳng có bao giờ,
Nửa hào, nên nó không tôn trọng,
Đại đế Vi-đề Mi-thi-la.
Vua truyền triệu gã kia đến hỏi chuyện và gã kể mọi sự đúng như vậy. Vua lại càng đẹp ý về bậc Trí giả hơn nữa vì hình như ngài biết được ý con tắc kè mà chẳng cần hỏi han gì cả, thật tài trí chẳng khác nào trí tuệ tối thượng của một vị Phật. Vì thế vua cho phép ngài thu lợi tức cả bốn cửa thành. Vua giận con tắc kè, muốn gián đoạn việc ban thưởng cho nó, nhưng bậc Trí giả bảo đó là việc không nên làm và khuyên can vua. 21. ĐẠI PHƯỚC VÀ BẤT HẠNH
Thời bấy giờ một thiếu sinh tên gọi Pinguttara ở thành Mithilà đến Takkasilà học với một danh sư. Sau thời kỳ tinh cần học tập đã viên mãn, chàng tạ từ sư phụ ra về.
Nhưng trong gia tộc của danh sư này có tục lệ: nếu con gái đến tuổi lấy chồng, thì phải gả cho môn đồ lớn tuổi nhất. Vị danh sư này có cô con gái đẹp như tiên, do đó bảo môn đồ:
- Này đệ tử, ta sẽ gả con gái ta cho đệ tử, vậy con hãy đem con ta cùng đi về với con.
Lúc ấy cậu thiếu sinh thật là kẻ bất hạnh, thiếu may mắn, còn cô gái kia thật có phước lớn. Khi chàng ta thấy nàng, chàng chẳng hề quan tâm đến nàng, nhưng nghe thầy bảo vậy, chàng cũng đồng ý vì không muốn xem thường lời dạy của thầy, thế là vị Bà-la-môn này gả con gái cho chàng. Đêm động phòng hoa chúc, chàng lên giường nằm; nàng vừa mới leo lên giường thì chàng càu nhàu leo xuống đất, nàng cũng bước xuống nằm cạnh chàng, chàng liền đứng dậy leo lên giường lại, nàng cũng bước lên giường, chàng lại bước xuống, vì kẻ bất hạnh không đi đôi với người đại phước được. Thế là cô gái nằm trên giường, cậu trai nằm dưới đất. Cứ thế bảy ngày trôi qua.
Sau đó chàng trai tạ từ sư phụ và ra đi với vợ chàng. Trên đường đi chẳng có gì hơn ngoài vài câu chuyện trao đổi giữa hai vợ chồng. Cả hai đều buồn khổ đi đến thành Mithilà. Không xa thành mấy, Pinguttara thấy một cây sung đầy trái và đang lúc đói bụng, chàng trèo lên cây hái vài quả ăn. Cô gái cũng đói bụng đến gốc cây gọi lên:
- Xin chàng ném xuống cho thiếp vài quả.
- Ô hay, chàng bảo, nàng không có tay chân sao? Trèo lên mà tự hái lấy.
Nàng đành trèo lên hái sung ăn. Chàng vừa thấy nàng trèo lên, liền nhanh chân trèo xuống, chất gai góc quanh gốc cây và bỏ đi, tự nhủ thầm: "Nay ta đã thoát được người đàn bà tồi tệ này rồi". Nàng không leo xuống được đành ngồi trên cây.
Lúc bấy giờ vua đang vui chơi trong rừng đến chiều, rồi ngự lên vương tượng trở về thành. Khi thấy nàng, vua đem lòng yêu ngay, vì thế vua cho người hỏi nàng có chồng chưa, nàng đáp:
- Tiện thiếp đã có chồng do gia đình gả cho, nhưng người ấy đã ra đi và bỏ tiện thiếp lại đây một mình.
Vị cận thần trình chuyện với vua, ngài bảo:
- Thật là bảo vật đưa về tay vua.
- Nàng liền được mang xuống, đặt lên voi chở về triều. Tại đây nàng được rảy nước phong chức hoàng hậu. Nàng được vua rất sủng ái và được mệnh danh là Udumbarà hay "Hoàng hậu cây Sung" vì vua thấy nàng trên cây sung lần đầu tiên.
Một ngày nọ, dân chúng ở cạnh cổng kinh thành phải dọn đường cho vua ngự du vào hoa viên và Pinguttara phải đi kiếm ăn nên cũng xắn áo quần lên và dùng cái cào dọn đường. Trước khi đường sá dọn dẹp xong, vua cùng hoàng hậu Udumbarà đã ngự đến trên vương xa, hoàng hậu trông thấy kẻ khốn khổ ấy đang dọn đường, không giữ được vẻ đắc thắng, nàng nhìn chàng ta mỉm cười. Vua nổi giận khi nàng mỉm cười, liền hỏi tại sao.
Nàng đáp:
- Tâu Đại vương, kẻ dọn đường kia là chồng cũ của thần thiếp, người đã bắt thần thiếp trèo lên cây sung rồi chất gai quanh gốc cây xong lại bỏ đi, bây giờ gặp lại gã, thần thiếp không sao khỏi thấy đắc thắng về số phận may mắn của thần thiếp và mỉm cười khi gặp gã đằng kia.
Vua bảo:
- Ngươi nói láo, ngươi cười với một kẻ khác, ta sẽ giết ngươi.
Và vua rút kiếm ra. Nàng hoảng hốt kêu lên:
- Tâu Đại vương, xin Đại vương vấn ý các vị hiền thần của Đại vương.
Vua hỏi Senaka xem ông có tin lời nàng hay chăng.
Ông đáp:
- Tâu Đại vương, thần không tin được vì ai có thể bỏ một mỹ nhân đẹp thế kia khi đã chiếm được nàng?
Nàng nghe vậy càng run sợ hơn nữa. Nhưng vua nghĩ thầm: "Senaka làm sao biết được chuyện này, để ta hỏi bậc Hiền trí xem sao", rồi vua ngâm kệ hỏi ngài:
3. Một nữ nhi đức hạnh, diễm kiều,
Nhưng nam nhân ấy chẳng thương yêu,
Hiền khanh có thể tin không chứ?
Trí giả Sa-dha hãy nói nào.
Bậc Trí giả đáp:
4. Thần vẫn tin điều ấy, Đại vương,
Kẻ kia thật bất hạnh bần cùng,
Người nhiều ân phước và vô phước,
Chẳng có bao giờ kết bạn chung.
Những lời này làm dịu cơn thịnh nộ của vua, lòng ngài bình tĩnh lại và rất hân hoan ngài bảo:
- Này bậc Trí giả, nếu khanh không ở đây, ắt hẳn trẫm đã nghe lời kẻ ngu si Senaka kia và mất nữ báu này, khanh đã cứu hoàng hậu cho trẫm.
Vua liền ban thưởng bậc Trí giả một ngàn đồng tiền. Rồi hoàng hậu kính cẩn tâu với vua:
- Tâu Đại vương, chính nhờ bậc Hiền trí này mà thần thiếp được cứu sống. Vậy xin Đại vương ban cho thần thiếp một điều ước: Đó là cho phép thần thiếp đối xử với bậc Trí giả như một tiểu đệ.
- Được, này ái khanh, trẫm chấp thuận ban điều ước ấy.
- Tâu Đại vương, nếu được như vậy, bắt đầu từ hôm nay thần thiếp không thể dùng cao lương mỹ vị mà không có tiểu đệ, từ nay đúng mùa hay trái mùa thiếp điều mở cửa cung đem bánh trái cho tiểu đệ, thần thiếp tha thiết ước ao như vậy.
- Ái khanh cũng được toại nguyện nữa-Vua bảo.
Đến đây chấm dứt chuyện Đại phước và Bất hạnh. 22. CON DÊ VÀ CON CHÓ.
Một ngày kia, sau bữa điểm tâm, vua dạo chơi trên lối đi bộ chợt thấy qua bậc cửa một con dê và một con chó đang đánh bạn với nhau. Lúc bấy giờ con dê có thói quen ăn cỏ ném cho bầy voi cạnh chuồng voi trước khi voi ăn, cho nên những người quản tượng đánh đuổi con dê đi. Trong khi nó vừa chạy vừa kêu be be thì một người rượt theo lấy gậy đánh vào lưng nó. Con dê oằn lưng lại vì đau đớn, chạy đến nằm cạnh trường thành của hoàng cung, trên chiếc ghế dài.
Lúc bấy giờ có một con chó đã ăn hết xương, da và vật thừa trong nhà bếp của hoàng cung, cùng ngày hôm ấy, người đầu bếp đã nấu nướng thức ăn xong, để vào dĩa hẳn hoi. Trong khi gã đang lau mồ hôi trên mình thì con chó nghe mùi thơm của cá thịt, chịu không nổi, liền vào bếp giở nắp đậy ra và bắt đầu ăn thịt. Những người đầu bếp nghe tiếng bát đĩa rổn rảng liền chạy vào thấy chó đang ăn thịt, gã đóng cửa lại, lấy đá và gậy đánh nó. Con chó thả miếng thịt vừa chạy vừa la ẳng ẳng, người đầu bếp thấy nó chạy, còn rượt theo đánh một gậy đích đáng vào lưng. Con chó cong lưng lại co rút một chân lên, chạy đến nơi con dê đang nằm. Con dê hỏi:
- Này bạn, tại sao bạn cong lưng lại, bạn đau bụng chăng?
Con chó đáp:
- Bạn cũng đang cong lưng lại đấy chứ, bạn cũng đau bụng chăng?
Con chó liền kể chuyện của nó xong, con dê hỏi thêm:
- Thế bạn có vào nhà bếp được nữa không?
- Không, chuyện này cũng đáng đời ta lắm rồi, thế bạn có đến chuồng voi được nữa chăng?
- Cũng chẳng hơn gì bạn, chuyện đó cũng đáng đời ta lắm rồi.
- Thế rồi chúng bắt đầu băn khoăn không biết làm cách nào để sống đây. Dê nói:
- Hay là ta cùng chung sống được chăng? Tôi có ý kiến này.
- Xin cho ta biết ngay.
- Này bạn, bạn hãy đi đến chuồng voi, những người quản tượng sẽ không để ý đến bạn vì họ nghĩ rằng chó không ăn cỏ đâu, thế là bạn mang cỏ về cho tôi. Tôi sẽ đến nhà bếp và người đầu bếp sẽ không chú ý đến tôi vì nghĩ rằng tôi không ăn cá thịt được đâu. Thế là tôi sẽ đem thịt về cho bạn.
- Thật là diệu kế ! Con chó đáp.
Rồi chúng giao hẹn: Con chó đến chuồng voi tha về một nắm cỏ trong mồm và đặt cạnh trường thành và con dê vào nhà bếp mang ra một miếng thịt lớn đặt vào cùng chỗ ấy, con chó ăn thịt và con dê ăn cỏ. Theo cách nầy chúng sống chung hòa hợp cạnh bức trường thành .
Khi vua thấy tình bằng hữu của chúng, ngài suy nghĩ: "Trước kia ta chưa từng thấy một việc kỳ lạ như thế: Hai kẻ thù truyền kiếp lại sống chung đầy thân tình với nhau. Ta sẽ đưa câu chuyện này thành một vấn đề bàn cãi cho các hiền thần của ta. Nếu họ không hiểu nổi, ta sẽ đuổi họ ra khỏi triều, còn nếu ai đoán được, ta sẽ tuyên dương là bậc Trí giả vô thượng và sẽ tỏ lòng tôn kính vị ấy. Hiện nay không có việc, nhưng ngày mai, khi họ đến chầu ta, ta sẽ đem vấn đề ra hỏi".
Thế là hôm sau, khi các hiền thần vào chầu vua, ngài liền đặt vấn đề qua vần kệ:
5. Hai kẻ thù theo lẽ tự nhiên,
Chưa từng bảy bước đứng kề bên,
Trở thành bạn thiết không rời nữa,
Duyên cớ là đâu? Các bậc hiền!
Sau đó, vua ngâm thêm một vần kệ:
6. Nếu không giải đáp trước trưa nay,
Trẫm sẽ đuổi luôn hết cả bầy,
Trẫm không cần những người ngu nữa,
Vậy hãy tìm lời giải đáp ngay.
Lúc bấy giờ Senaka ngồi trên chiếc cẩm đôn hàng đầu, bậc Trí giả ngồi cẩm đôn cuối cùng, ngài tự nhủ thầm: Đức vua chậm hiểu không tự nghĩ ra cách giải quyết vấn đề này, chắc ngài phải thấy một chuyện gì đấy. Nếu ta được gia hạn một ngày, ta sẽ giải quyết xong việc này. Senaka chắc chắn sẽ tìm kế hoãn lại một ngày. Còn bốn vị kia chẳng thấy việc gì cả, chẳng khác nào ở trong phòng tối, Senaka nhìn Bồ-tát xem ngài sẽ làm gì, Bồ-tát liền nhìn lại Senaka. Nhìn vẻ mặt bậc Trí giả Mahosadha, Senaka hiểu được tâm trạng ngài, ông thấy rằng ngay cả bậc Trí giả cũng không hiểu vấn đề, ngài chưa giải đáp được hôm nay mà cần gia hạn thêm một ngày nữa, ngài sẽ hoàn thành việc giao ước này. Thế là ông cười to để trấn an và nói:
- Tâu Đại vương, Đại vương sẽ đuổi chúng thần nếu chúng thần không giải đáp được vấn đề này chăng?
- Chính phải, hiền khanh.
- Đại vương biết đây là một vấn đề rắc rối, chúng thần không thể giải đáp nổi, vậy xin Đại vương đợi một thời gian. Một vấn đề rắc rối không thể giải quyết giữa đám đông. Xin cho chúng thần suy nghĩ thật kỹ rồi sẽ giải đáp sau. Xin hãy cho chúng thần một cơ hội.
Ông nói vậy vì tin tưởng bậc Đại Sĩ, rồi ngâm hai vần kệ:
7. Giữa đám đông người tụ tập trung,
Thật ồn ào quá, trí mông lung,
Không sao tập hợp tư duy được,
Để giải đáp ngay, tâu Đại vương.
8. Nhưng hễ khi nào được độc cư,
Bình tâm tĩnh trí để suy tư,
Vấn đề xem xét cho tường tận,
Sẽ giải đáp ngay, hãy đợi chờ.
Mặc dù nổi giận khi nghe lời này, vua vẫn đáp lại giọng đe dọa:
- Được lắm, các khanh cứ suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời trẫm, nếu không được, trẫm sẽ đuổi hết đi.
Bốn vị hiền thần rời triều ra về, Senaka bảo ba vị kia:
- Chư hiền, đức vua đặt một vấn đề gay go, nếu chúng ta không giải quyết nổi thì thật đại họa cho chúng ta. Vì vậy ta hãy ăn uống no say rồi suy nghĩ cho kỹ.
Sau đó mỗi vị về tư dinh, còn bậc Trí giả đi tìm hoàng hậu Udumbarà và thưa bà:
- Tâu hoàng hậu, hôm qua và hôm nay thánh thượng thường ở đâu?
- Này bậc Trí giả, ngài dạo chơi trên lối đi và nhìn ra cửa sổ.
Bồ-tát liền nghĩ: "Ồ, thế thì phải thấy chuyện gì đó". Bồ-tát liền đến nơi ấy nhìn ra và thấy việc làm của con chó và con dê. "Vấn đề của đức vua đã được giải quyết rồi", ngài kết luận và đi về nhà.
Ba vị hiền thần kia chẳng tìm thấy gì liền đi đến Senaka, ông hỏi: Các vị đã tìm ra vấn đề ấy chưa?
- Thưa ngài, chưa.
- Nếu vậy, đức vua sẽ đuổi các vị, tính sao đây?
- Còn ngài đã nghĩ ra chưa?
- Cũng chưa nghĩ ra.
- Ngài còn chưa tìm ra, huống hồ chúng tôi? Chúng ta đã rống lên như sư tử trước mặt đức vua là xin để chúng ta suy nghĩ rồi sẽ giải quyết; nay ta làm không được ắt vua sẽ tức giận.Vậy ta phải làm thế nào đây?
- Vấn đề này chúng ta giải quyết không được đâu. Chắc chắn bậc Trí giả đã giải quyết cả trăm cách rồi.
- Thế thì ta đi đến ngài xem sao.
Cả bốn vị kéo nhau đến trước cửa nhà Bồ-tát, nhờ thông báo việc họ đến gặp ngài, rồi bước vào kính cẩn chào ngài xong, họ đứng sang một bên hỏi bậc Đại Sĩ:
- Thưa ngài, ngài đã nhìn ra vấn đề ấy chưa?
- Nếu ta chưa nghĩ ra thì còn ai nghĩ ra đó chứ. Dĩ nhiên ta đã nghĩ ra rồi.
- Vậy xin ngài cho chúng tôi biết với.
Ngài nghĩ thầm: "Nếu ta không nói cho họ biết, đức vua sẽ đuổi họ và ban thưởng cho ta bảy báu vật nhưng thôi, chớ để những tên ngu si kia tàn đời, ta sẽ cho họ biết". Rồi ngài bảo họ ngồi xuống ghế thấp, đưa tay lên chào ngài, sau đó, không nói thẳng cho họ biết những gì vua đã thấy tận mắt, ngài chỉ làm bốn vần kệ, dạy cho mỗi vị một vần bằng tiếng Pàli để đọc lên trình vua khi được hỏi đến, xong cho họ ra về.
Ngày hôm sau khi họ vào chầu vua, rồi ngồi xuống chỗ được vua cho phép, vua liền hỏi Senaka:
- Hiền khanh đã giải đáp vấn đề được chưa, Senaka?
- Tâu Đại vương, nếu thần không giải đáp được thì còn ai nữa chứ?
Vậy nói cho trẫm biết .
- Xin Đại vương nghe đây.
Rồi vị này đọc bài kệ đã học được:
9. Bọn hành khất trẻ, các ông hoàng,
Rất thích thịt dê đực ngọt ngon,
Thịt chó, họ đều không thọ dụng,
Nhưng dê- chó giữ mối thân bằng.
Mặc dù Senaka đọc kệ, ông vẫn chẳng hiểu ý nghĩ gì, còn phần vua lại hiểu, vì ngài đã chứng kiến sự việc ấy. Ngài nghĩ: "Senaka đã tìm ra rồi". Ngài liền quay sang Pukkusa và hỏi ông ta:
- Tại sao thế tâu Đại vương, tiểu thần không phải là người có trí chăng?
Pukkusa hỏi vua, rồi đọc bài kệ đã học được:
10. Họ lấy da dê phía núi rừng,
Phủ che ngựa quý ở trên lưng,
Còn da của chó không dùng được,
Nhưng chó dê cùng kết bạn thân.
Ông này cũng chẳng hiểu chuyện gì, nhưng vua tưởng ông hiểu vì chính ngài đã chứng kiến sự việc. Rồi ngài lại hỏi Kàvinda và ông cũng đọc vần kệ:
11. Cặp sừng cong xoắn, chú dê rừng,
Nhưng chó lại không có cặp sừng,
Một con ăn cỏ, con ăn thịt,
Tuy thế, chó, dê, kết bạn thân.
"Vị này cũng tìm ra rồi". Vua nghĩ thầm, rồi hỏi đến Devinda, ông ta cũng như các vị kia, đọc lên bài kệ đã học được:
12. Cừu dê ăn cỏ, lá cây luôn,
Cỏ, lá thì con chó chẳng ăn,
Chó thích ăn mèo hay thịt thỏ,
Nhưng dê- chó giữ mối thân bằng.
Kế đó vua hỏi bậc Trí giả.
- Này vương nhi, con có hiểu vấn đề này chăng?
- Tâu Đại vương, còn ai khác nữa hiểu được nó từ địa ngục Avìci (A-tỳ hay vô gián) đến từng trời Bhavagga (Hữu đảnh), từ địa ngục thấp nhất đến vùng trời cao nhất?
- Vậy thì hãy nói cho trẫm.
- Xin phụ vương nghe đây.
Rồi ngài nói rõ sự hiểu biết vấn đề của ngài qua hai bài kệ này:
13-14. Con dê cao tám tất dùng chân,
Tám móng, không ai thấy, vội mang,
Món thịt về cho con chó ấy,
Chó đem cỏ đến chú dê rừng.
Vi-đề-ha, chúa toàn dân chúng,
Đứng tại thượng lầu tận mắt trông,
Việc lấy thức ăn trao đổi ấy,
Giữa dê, chó kết mối thân bằng.
Vua không hiểu các vị kia đã biết câu chuyện nhờ Bồ-tát, nên rất hoan hỷ cho rằng cả năm vị đều tìm ra câu giải đáp vấn đề nhờ tài trí riêng của mình, và ngài cũng ngâm kệ:
15. Trẫm có các bậc hiền giả tại triều
Thật là ích lợi biết bao nhiêu,
Vấn đề tế nhị và uyên áo,
Họ thấu triệt, lời lẽ tối ưu.
Rồi ngài bảo họ kẻ có công sẽ được đền đáp xứng đáng. Và ngài ân thưởng qua câu kệ:
16. Cứ mỗi hiền khanh, trẫm thưởng ban,
Một xe, la cái, một ngôi làng,
Giàu sang thượng hạng cho người trí,
Trẫm thích thú lời lẽ ngọc vàng !
Rồi ngài ban thưởng tất cả các thứ ấy.
Đến đây chấm dứt vấn đề con Dê trong Chương mười hai.
*
Nhưng hoàng hậu Cây Sung biết rõ các kẻ kia hiểu được vấn đề nhờ bậc Trí giả, bà nghĩ thầm: "Đức vua ban thưởng giống nhau cho cả năm vị, chẳng khác nào một kẻ không phân biệt được đậu nhỏ và đậu lớn, chắc chắn hiền đệ của ta phải được phần thưởng đặc biệt hơn".
Rồi bà đến hỏi vua:
- Tâu Đại vương, ai đã giải đáp câu đố ấy cho Đại vương?
- Này ái khanh, cả năm hiền giả.
- Nhưng tâu Đại vương, nhờ ai mà bốn vị kia biết được?
- Ái khanh, trẫm không rõ.
- Tâu Đại vương, các vị kia biết gì? Chính bậc Trí giả muốn các vị ấy khỏi bị suy tàn vì ngài, nên cho họ biết vấn đề ấy. Thế mà Đại vương ban thưởng cho cả năm vị giống nhau. Như vậy không công bằng, Đại vương nên có phần thưởng đặc biệt cho bậc Trí giả.
Vua rất đẹp ý vì bậc Trí giả không tiết lộ chuyện các vị kia biết được nhờ ngài và muốn ân thưởng thật trọng hậu cho ngài, vua nghĩ: "Không hề gì. Ta sẽ hỏi con ta một vấn đề nữa, nếu con ta đáp trúng ta sẽ hậu thưởng". Nghĩ vậy xong, vua đặt ra Vấn đề Giàu Nghèo. 23. GIÀU VÀ NGHÈO.
Một ngày kia, khi năm bậc hiền thần vào chầu vua và khi họ đã an tọa, vua hỏi:
- Senaka, ta sẽ hỏi hiền khanh một chuyện.
- Tâu Đại vương, xin cứ hỏi.
Vua liền đọc vần kệ đầu trong Vấn đề Giàu-Nghèo:
17. Có trí khôn nhưng thiếu bạc vàng,
Hoặc giàu tiền lại kém khôn ngoan,
Se-na-ka, trẫm hỏi khanh nhé:
Bậc trí gọi ai tốt đẹp hơn?
Lúc bấy giờ vấn đề này được truyền lại từ đời này sang đời khác trong gia tộc Senaka, nên ông đáp ngay:
18. Quả thật, kẻ ngu hoặc trí nhân,
Vô văn phàm tục, hoặc đa văn,
Đều hầu hạ những người giàu có,
Dù họ cao sang hoặc hạ tầng,
Nhìn thấy điều này, thần mới nói:
Trí nhân thua kém kẻ giàu sang.
Vua nghe đáp xong không nói gì thêm ba vị kia mà nói với bậc Trí giả Mahosadha ngồi bên cạnh :
19. Ta cũng hỏi con, Đại trí nhân,
Bậc tinh thông vạn pháp trên trần:
Kẻ ngu lắm của, người khôn khó,
Bậc trí gọi ai tốt bội phần?
Bậc Đại Sĩ đáp:
- Xin Đại vương nghe đây:
20. Người ngu phạm tội, nghĩ suy rằng:
"Trên cõi đời, ta thắng thế hơn",
Họ thấy đời này, không cõi kế,
Nên mang tai họa cả hai đường.
Điều này con thấy, nên con nói:
Bậc trí hơn xa trọc phú đần.
Nghe nói vậy, vua nhìn Senaka và nói:
- Này hiền khanh, có thấy Mahosadha bảo bậc Trí nhân là cao hơn cả đấy chăng?
Senaka đáp:
- Tâu Đại vương, Mahosadha chỉ là một trẻ thơ, miệng còn hôi sữa, đã biết gì?
Và ông ngâm kệ:
21. Kiến thức không đem lại bạc vàng,
Cũng không gia thế hoặc dung nhan,
Hãy nhìn ngốc tử Go-ri ấy,
Đang hưởng vinh hoa, đại phú cường,
Vì Đại vận chìu người hạ tiện.
Điều này thần thấy, mới thưa rằng:
Bậc hiền trí chịu phần hèn mọn,
Còn kẻ giàu tiền thắng thế hơn.
Nghe vậy, vua bảo:
- Này vương nhi Mahosadha, bây giờ con nghĩ sao?
Ngài đáp:
- Tâu phụ vương, Senaka có biết gì? Lão chỉ như con quạ thấy nơi nào có thóc vãi, hay như con chó cố liếm cho hết sữa, chỉ thấy mình mà không thấy chiếc gậy đang sẵn sàng giáng xuống đầu. Xin phụ vương hãy nghe đây:
22. Một người tiểu trí hóa mê man.
Bị nhiễm độc khi hưởng bạc vàng:
Nếu gặp tai ương, thành ngớ ngẩn,
Rủi may số phận đến không lường,
Nó vùng như cá phơi ngoài nắng,
Khi thấy điều trên, trẻ nói rằng:
Người trí hơn xa người có của,
Giàu tiền nhưng trí óc ngu đần.
- Này Đại Sư, thế thì sao?
Vua bảo khi nghe ngài nói vậy, Senaka liền đáp:
- Tâu Đại vương, cậu ấy nào biết gì? Chẳng nói gì đến người, mà ngay cả cây tốt tươi, đầy quả ngọt, chim chóc cũng bay đến đậu.
Rồi ông ngâm kệ:
23. Trong rừng, chim chóc tự mười phương,
Tụ tập trên cây có trái ngon,
Cũng vậy, người nhiều tiền lắm của,
Đám đông hám lợi đến quây quần.
Thấy vầy, thần nói: người hiền trí,
Hèn kém, kẻ giàu thắng thế hơn.
- Này vương nhi, bây giờ con nghĩ sao? Vua hỏi.
Bậc Trí giả đáp:
- Lão bụng bự ấy nào có biết gì? Xin phụ vương nghe đây.
Rồi ngài ngâm kệ:
24. Kẻ ngu quyền thế chẳng hiền lương,
Dùng bạo lực khi chiếm bạc vàng,
Nó rống thật to tùy ý thích,
Quỷ nhân kéo nó xuống âm cung!
Thấy điều này, tiểu nhi xin nói:
Bậc trí hơn xa trọc phú đần.
Vua lại bảo:
- Này Senaka?
Senaka liền đáp:
25. Mọi dòng nước đổ xuống sông Hằng,
Đều mất tánh danh với giống dòng,
Đổ xuống biển, sông Hằng cũng sẽ,
Không còn phân biệt được thành phần.
Vậy đời phục vụ người giàu của;
Nhìn thấy điều trên, thần nói rằng:
Người có trí chịu phần thấp kém,
Còn người giàu của chiếm phần hơn.
Vua lại bảo:
- Này bậc Trí giả nghĩ sao?
Ngài liền đáp:
- Xin phụ vương nghe đây.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
26-27. Biển cả, người kia nói, lệ thường,
Muôn sông đổ xuống, đập không ngừng,
Vào bờ, nhưng chẳng bao giờ vượt,
Bờ nọ, dù hùng vĩ đại dương.
Cũng vậy, lời người ngu nhảm nhí,
Phồn vinh không thể vượt hiền nhân,
Thấy điều này, tiểu nhi xin nói:
Người trí hơn xa trọc phú đần.
- Khanh nghĩ sao? Senaka? Vua hỏi.
- Xin Đại vương nghe đây.
Ông đáp và ngâm vần kệ:
28. Người giàu ở địa vị cao sang,
Có thể thiếu phòng hộ bản thân,
Nhưng nếu nói gì cùng kẻ khác,
Lời kia giá trị giữa nhân quần.
Trí khôn không thể gây uy tín,
Cho kẻ nào không có bạc vàng.
Thấy vầy thần nói: người hiền trí,
Thấp kém, người giàu thắng thế hơn.
- Con nghĩ sao? Vua hỏi.
- Tâu Đại vương, xin nghe đây. Kẻ ngu si Senaka ấy nào có biết gì?
Rồi ngài ngâm vần kệ:
29. Vì kẻ khác hay chính bản thân,
Kẻ ngu thường chẳng nói chân ngôn,
Chịu ô nhục giữa nơi quần chúng,
Đời kế nó rơi cảnh khổ buồn.
Vì thấy điều này, con trẻ nói:
Trí nhân hơn trọc phú ngu đần.
Sau đó Senaka lại ngâm vần kệ:
30. Cho dù người Đại trí khôn ngoan,
Thiếu gạo thóc, lâm cảnh khốn nàn,
Nếu có nói điều gì phải trái,
Cũng không giá trị giữa thân nhân,
Phồn vinh không đến nhờ tri kiến.
Nhìn thấy điều trên, thần nói rằng:
Người trí phải chịu phần thấp kém,
Còn người giàu của thắng phần hơn.
Vua lại hỏi:
- Vương nhi nói sao về việc này?
Bậc trí đáp:
- Senaka nào có biết gì? Lão chỉ nhìn đời này, chứ không thấy đời sau.
Và ngài ngâm vần kệ:
31. Chẳng vì mình, cũng chẳng vì người,
Bậc Đại trí nhân phải dối lời,
Người được tôn sùng trong hội chúng,
Đời sau hưởng hạnh phúc an vui.
Thấy điều này trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn người trọc phú thôi.
Sau đó Senaka lại ngâm vần kệ:
32. Voi, ngựa, bò, vòng ngọc, nữ nhân,
Thấy nhiều trong các hộ giàu sang,
Để dành cho các người giàu hưởng,
Mà chẳng cần uy lực thánh thần,
Nhìn thấy điều này, thần dám nói:
Bậc hiền thấp kém, phú gia hơn.
Bậc trí giả đáp:
- Lão ấy nào có biết gì?
Rồi ngài ngâm kệ, tiếp tục giải thích vấn đề:
33. Người ngu hành động thiếu suy tư,
Nói những lời ngu xuẩn, dại rồ;
Vô trí bị quăng vì Đại vận,
Như con rắn bỏ lớp da khô.
Thấy điều này, trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn xa phú hộ ngu.
- Khanh nghĩ sao? Vua hỏi.
Senaka liền đáp:
- Tâu Đại vương, trẻ thơ này nào biết gì, xin Đại vương nghe đây !
Rồi lão ngâm kệ, vì tưởng rằng sẽ làm cho bậc Trí giả không nói thêm gì được nữa:
34. Năm trí nhân là bọn chúng thần,
Thảy đều hầu cận đấng tôn quân,
Hết lòng kính trọng ngài là chúa,
Là chủ nhân ông của thứ dân.
Như Đế Thích là vua vạn vật,
Chính là chúa tể của thiên nhân.
Thấy vầy thần nói: người hiền trí,
Thấp kém, người giàu thắng thế hơn.
Khi vua nghe vậy, liền nghĩ thầm: "Điều ấy đã được Senaka nói thẳng ra, ta không biết con ta có bác bỏ được và nói gì thêm không đây" . Vì thế vua hỏi:
- Này, bậc Trí giả nghĩ sao đây?
Tuy nhiên lý luận này của Senaka không ai bác bỏ được, trừ Bồ-tát thế là bậc Đại Sĩ liền bác bỏ ngay, ngài đáp:
- Tâu phụ vương, kẻ ngu ngốc kia nào biết gì? Lão chỉ nhìn thấy mình mà không biết đến tính siêu việt của trí tuệ, xin Đại vương hãy nghe đây.
Rồi ngài ngâm kệ:
35. Người ngu nô lệ của người hiền,
Khi vấn đề này phát khởi lên,
Bậc trí giải đề khôn khéo lắm,
Kẻ ngu rối trí tựa cuồng điên.
Thấy điều này, trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn xa kẻ lắm tiền.
Bậc Đại Sĩ đưa ra lý luận này biểu lộ đại trí của ngài, chẳng khác nào ngài đào được cát vàng dưới chân núi Tu-di hay đem vầng trăng tròn sáng tỏ lên bầu trời.
- Này Senaka, nếu được thì khanh cứ đối đáp lại đi.
Nhưng cũng như kẻ đã dùng hết thóc gạo trong kho, Senaka ngồi yên, rầu rĩ, lòng phiền muộn không nói năng gì được nữa. Nếu ông tìm ra được một lý luận khác, chắc cả ngàn câu kệ nữa cũng chưa hết chuyện Tiền thân này, nhưng khi ông ấy không trả lời được nữa, bậc Đại Sĩ lại tiếp tục ngâm kệ tán thán trí tuệ, chẳng khác nào ngài để dòng hồng thủy tuôn tràn:
36. Trí tuệ được sùng bởi thiện nhân,
Bạc vàng được chuộng bởi người trần,
Đắm say hưởng thụ bao tham dục.
Tri kiến Phật-đà thật tuyệt luân;
Vàng bạc chẳng bao giờ vượt quá
Trí cao siêu việt, tấu vương quân.
Nghe xong vua rất hoan hỷ với cách giải đáp vấn đề của bậc Đại Sĩ, đến độ vua ban thưởng ngài vô số tài sản và ngâm kệ:
37. Con đáp mọi câu hỏi của ta,
Pháp Sư độc nhất, Ma-ho-sa,
Ngàn bò cái, một voi, bò đực,
Tuấn mã kéo mười cỗ đại xa,
Mười sáu ngôi làng giàu đẹp nhất,
Hân hoan ta tặng thưởng con thơ.
Đến đây chấm dứt Vấn đề "Giàu Nghèo" (Chương XX).
Hết phần Chuyện Đường Hầm Vĩ Đại (Tiền thân Mahā-Ummagga) (2) (Mahā-Ummagga) (Lên đầu trang)