Dịch giả: Trần Phương Lan

    
(Download file MP3
- 25.13 MB - Thời gian phát: 00 phút 00 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

484. Chuyện cánh đồng lúa (Tiền thân Sàlikedàra)
Mùa lúa chiêm vàng thật đẹp thay..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
Trường hợp này sẽ được giải thích trong Tiền thân Sàma (số 540, tập VII). Lúc ấy, bậc Ðạo sư cho gọi Tỷ-kheo này đến và hỏi:
- Này Tỷ kheo, Ta nghe nói ông cấp dưỡng người thế tục, có đúng vậy chăng?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy!
- Họ là ai thế?
- Bạch Thế Tôn, chính song thân của con.
Bậc Ðạo sư bảo:
- Này Tỷ-kheo, tốt lành thay! Các trí nhân ngày xưa, ngay khi còn mang thân thú vật hạ liệt, dù chỉ sinh làm loài Anh vũ, nhưng khi cha mẹ già yếu, cũng đã đem cha mẹ vào tổ và nuôi nấng bằng chính thức ăn mà chúng ngậm về trong mỏ mình.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, vị vua mệnh danh là Ðại vương Magadha (Ma-kiệt-đà) trị vì tại Ràjagaha (Vương Xá). Thời ấy, có một làng Bà-la-môn, tên là Sàlindiya ở phía đông bắc kinh thành này. Trong vùng đông bắc này là địa phận thuộc về nước Ma-kiệt-đà. Có một Bà-la-môn sống ở Salindiya, tên là Kosiyagotta, chiếm giữ điền sản cả ngàn mẫu đất để trồng lúa. Khi vụ mùa đến, ông làm một hàng rào vững chắc, giao đất cho các gia nhân, có người được năm mươi mẫu, người khác sáu mươi mẫu, và cứ vậy, vị địa chủ chia khoảng năm trăm mẫu điền sản cho đám gia nhân.
Còn năm trăm mẫu kia, ông chủ giao cho một người làm thuê lấy công, người ấy dựng túp lều và ở đó suốt đêm ngày. Lúc bấy giờ, về phía đông bắc vùng đồng ruộng này là một khu rừng cây bông vải rộng lớn, mọc trên một ngọn đồi bằng phẳng, trong rừng này có một đàn chim Anh vũ (két) rất đông.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sinh vào đàn chim Anh vũ này, làm vương tử của chúa Anh vũ. Ngài lớn lên tốt đẹp và khỏe mạnh, thân lớn bằng cái trục bánh xe. Bấy giờ, chúa chim đã già, bảo ngài:
- Nay ta không thể nào bay ra đồng được nữa, con hãy chăm sóc cả đàn chim này.
Và phong cho ngài chức chim chúa. Từ hôm sau, ngài không chịu để cha mẹ đi kiếm mồi nữa, mà ngài cùng cả đàn bay về vùng Tuyết Sơn, và sau khi ăn lúa no nê từ đám ruộng mọc hoang tại đó, ngài trở về mang thức ăn đầy đủ để nuôi cha mẹ.
Một ngày kia, đàn chim Anh vũ hỏi ngài một chuyện. Chúng nói:
- Trước đây, vào lúc này lúa đã chín trong nông trại Ma-kiệt-đà, bây giờ lúa có được trồng nữa chăng?
Ngài đáp:
- Cứ đi xem.
Rồi ngài bảo hai chim Anh vũ đi tìm hiểu. Ðôi chim Anh vũ bay đi, và hạ cánh xuống đồng bằng Ma-kiệt-đà ở phần đất được người làm mướn canh giữ, chúng ăn lúa rồi mang một cọng lúa về rừng, thả xuống trước đôi chân của bậc Ðại sĩ và nói:
- Lúa này mọc tại đó.
Hôm sau, ngài bay đến nông trại đó và hạ xuống cùng với cả đàn chim. Người làm công ấy cứ chạy đằng này đến chạy đằng kia, cố xua đuổi đàn chim, song không thể nào đuổi chúng được. Cả đàn Anh vũ ăn lúa xong, ra đi với những mỏ trống không, nhưng chúa Anh vũ thu lượm một số lúa mang về cho cha mẹ.
Hôm sau, bầy Anh vũ lại đến đó ăn lúa lần nữa, và hôm sau nữa cũng vậy. Lúc ấy người kia bắt đầu suy nghĩ: "Nếu những con vật này cứ tiếp tục ăn thêm vài ngày nữa, thì ta chẳng còn chút gì. Vị Bà-la-môn kia sẽ định giá cả cho cả đám lúa này và sẽ phạt tiền ta. Ta phải đi báo cho ông ấy biết". Vừa cầm lấy một nắm lúa và một món quà kèm theo, gã đi đến gặp vị Bà-la-môn kia, kính chào vị ấy và đứng sang một bên. Ông chủ bảo:
- Nào, anh bạn, có được mùa lúa chăng?
- Thưa Tôn giả Bà-la-môn, được mùa lắm.
Gã đáp và ngâm hai vần kệ:
1. Mùa lúa chiêm vàng thật đẹp thay,
Song tôi xin nói để ngài hay
Ðàn Anh vũ phá tan đồng lúa,
Tôi chẳng làm sao đuổi chúng bay.
2. Có một chim kia đẹp nhất đàn,
Trước tiên tìm lúa chín mà ăn,
Rồi mang một nắm vào trong mỏ,
Ðể sẵn mai sau những lúc cần.
Khi vị Bà-la-môn nghe chuyện này lòng phát sinh mối tình thương cảm đối với chim Anh vũ chúa. Ông hỏi:
- Này chú, thế chú có biết cách đặt bẫy chăng?
- Thưa Tôn ông, tôi có biết.
Ông chủ ấy liền nói với gã qua vần kệ này:
3. Ðặt bẫy lông đuôi ngựa thế này,
Chim kia rồi cũng bị sa ngay,
Bắt cho cẩn thận, chim còn sống,
Rồi lấy chim về gặp lão đây.
Người giữ ruộng rất vui mừng vì ông chủ không định giá tiền về đám lúa kia, và không ai nhắc đến nợ nần cả. Gã đi ngay và làm một cái bẫy bằng lông đuôi ngựa. Sau đó gã tìm hiểu xem lúc nào đàn chim sắp đáp xuống ngày hôm ấy, rồi gã thấy được nơi chúa Anh vũ đậu. Hôm sau từ sáng sớm gã làm một cái lồng to cỡ bằng cái bình nước và đặt bẫy rồi ngồi trong lều đợi đàn chim đến.
Chim chúa đến giữa đàn và chim không tỏ chút gì tham ăn, vừa bước xuống đúng nơi đã đậu ngày hôm qua, thì chân đặt ngay vào chiếc thòng lọng. Khi chim thấy chân bị siết chặt, liền nghĩ thầm: "Nếu bây giờ ta thốt lên tiếng chim của con chim mắc bẫy, thì đàn chim thân thuộc của ta sẽ kinh hoàng và chạy trốn mà chưa ăn gì được. Vậy ta phải chịu đựng cho đến khi chúng ăn xong".
Cuối cùng, khi chim chúa thấy chúng đã no nê, mới lo sợ cho tính mạng mình mà thốt lên ba lần tiếng kêu của con chim bị nạn. Cả đàn chim bay trốn mất. Lúc ấy, chúa chim Anh vũ bảo:
- Cả đàn chim bà con quyến thuộc của ta đây, chẳng con nào quay lại nhìn ta nữa! Ta đã phạm tội gì vậy?
Và chim cảm hứng ngâm vần kệ quở trách chúng:
4. Bầy chim ăn uống thật no say,
Rồi chúng liền tung cánh vút bay,
Bị bắt mình ta vào chiếc bẫy,
Ta đà gây tội lỗi gì đây?
Người giữ ruộng chợt nghe tiếng kêu của chim chúa và âm thanh của cả đàn chim kia bay qua không gian. "Cái gì đó?" Gã nghĩ thầm. Gã đứng dậy ra khỏi lều và đi về phía cái bẫy, gã thấy chim chúa ở đó.
"Ðúng là con chim mà ta muốn đặt bẫy đã bị bắt". Gã kêu lên mừng rỡ vô cùng, gã lấy con chim ra khỏi bẫy, buộc đôi chân vào nhau và đi về phía làng Salindiya, gã giao chim cho vị Bà-la-môn. Vị này với tình cảm đậm đà dành cho bậc Ðại sĩ, ôm ngài trong đôi tay, đặt ngài trên đùi mình và nói chuyện với ngài qua hai vần kệ sau:
5. Bụng chim lớn vượt các chim kia:
Trước hết chim ăn bữa thỏa thuê,
Sau đó ngậm thêm đầy mỏ nữa,
Trước khi giương cánh rộng bay về.
6. Chim có một kho phải đổ vào?
Và chim ghét lão đắng cay sao?
Lão đòi chim phải trình cho đúng:
Chim để kho kia ở chốn nào?
Nghe lời này, Anh vũ chúa đáp lời, ngâm vần kệ thứ tám bằng giọng người ngọt ngào như mật:
7. Ta chẳng ghét ngài, Ko-si-ya,
Ta không hề có vựa kho nhà,
Khi vào rừng ở, ta hoàn nợ,
Và cũng cho vay mượn nữa mà,
Nơi đó ta dồn kho báu mãi,
Ðây là câu giải đáp phần ta.
Tiếp theo vị Bà-la-môn hỏi chim chúa:
8. Món nào chim lại muốn cho vay?
Gì đó là công phải trả đây?
Cho biết kho nào đang tích trữ,
Rồi ta sẽ thả tự do bay.
Chim Anh vũ chúa vừa đáp lời Bà-la-môn yêu cầu, vừa giải thích ý định mình qua bốn vần kệ:
9. Lũ chim non nớt ở nhà ta,
Ðôi cánh còn chưa mọc đủ ra,
Chúng sẽ nuôi ta mai mốt nọ,
Nay ta cho chúng mượn vay mà.
10. Mẹ cha già yếu cả song thân,
Hai vị xa dần hạn tuổi xuân,
Với lúa ta mang trong chiếc mỏ
Ðem vê dâng trả các ân nhân.
11. Còn lắm chim đang sống lẻ đơn,
Bầy chim yếu đuối lại nhiều hơn,
Ta cho bọn chúng vì từ mẫn:
Ðây chỗ hiền nhân gọi trữ tồn.
12. Ðây là phần nợ muốn cho vay,
Ðấy lại là công phải trả đầy,
Nơi nọ là kho đang tích trữ,
Giờ ta phân giải hết lời này.
Vị Bà-la-môn rất hoan hỷ khi nghe bài thuyết giáo hợp đạo lý này của bậc Ðại sĩ, liền ngâm hai vần kệ:
13. Ðạo lý cuộc đời tối thượng thay!
Làm bao công đức chính chim này!
Từ mồm nhiều kẻ trên trần thế
Chẳng có hề nghe luật lệ vầy.
14. Ăn cho vừa ý thật no nê,
Và mọi chim thân cũng thỏa thuê,
Anh vũ, rồi ta còn gặp lại,
Ta yêu hình bóng bạn quay về.
Cùng với những lời này, ông nhìn bậc Ðại sĩ với lòng trìu mến như thể nhìn đứa con yêu quý nhất của mình; rồi thả dây khỏi chân chim, ông xoa lên đôi chân ấy một loại dầu quý đã lọc kỹ cả trăm lần, và đặt chim lên một bảo tọa rất sang trọng, đãi chim ăn món bắp ngọt trên một cái đĩa vàng và uống nước đường.
Sau đó chúa Anh vũ vừa khuyên nhủ vị Bà-la-môn tinh cần, vừa ngâm kệ này:
15. Trong nhà ngài đấy, Ko-si-ya,
Ta uống ăn, tình bạn thiết tha,
Xin hãy cúng dường cho những vị
Trong đời gánh nặng đã quăng xa,
Và xin phụng dưỡng song thân đủ,
Khi các ngài kia đã xế tà.
Lúc ấy vị Bà-la-môn vô cùng hân hoan trong lòng, cảm hứng ngân nga nỗi lạc thú lâng lâng của mình qua vần kệ này:
16. Thần nữ Cát Tường hẳn đến đây
Khi ta nhìn thấy chúa chim này,
Ta nguyền thực hiện nhiều công đức,
Chẳng có bao giờ muốn nghỉ tay,
Vì giọng chim thần nay lảnh lót,
Ta vừa nghe thật tuyệt vời thay!
Kế đó, bậc Ðại sĩ không chịu nhận cả ngàn mẫu ruộng mà vị Bà-la-môn tặng ngài, nhưng chỉ nhận tám mẫu thôi. Vị ấy cho xây tường đá làm ranh giới để dành riêng điền sản cho ngài, rồi lại đưa tay lên đảnh lễ ngài rất cung kính và nói:
- Xin Chúa công thượng lộ bình an và mau về khuyên dỗ song thân đang than khóc.
Xong ông để ngài bay đi. Ngài rất đẹp ý, ngậm một cọng lúa đem về cho cha mẹ rồi vừa thả cây lúa trước song thân vừa bảo:
- Nào dậy đi thôi, cha mẹ thân yêu của con.
Hai vị nghe lời ngài liền vùng dậy, mắt nhòa lệ thảm. Sau đó, cả đàn Anh vũ kia lục tục kéo đến hỏi thăm:
- Tâu Chúa thượng, ngài làm sao thoát thân được?
Ngài kể cho chúng nghe toàn câu chuyện từ đầu đến cuối. Còn gia chủ Kosiya nghe lời khuyên nhủ của chim Anh vũ chúa, đem phân phát nhiều của cải, bố thí cúng dường các vị chân nhân, các ẩn sĩ khổ hạnh, cùng các Bà-la-môn nữa.
Vần kệ cuối cùng do bậc Ðạo sư ngâm để giải thích việc này:
17. Ko-si này với đại hân hoan
Thực phẩm làm phong phú ngập tràn
Ðãi uống ăn La-môn, Thánh giá,
Bản thân vị ấy thật hiền lương.
*
Khi bậc Ðạo sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, phụng dưỡng mẹ cha mình là một mỹ tục cổ truyền của các bậc trí nhân và thiện nhân.
Sau đó, Ngài thuyết giảng các Sự Thật và nhận diện Tiền thân. Bấy giờ, vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đó đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu:
- Vào thời ấy, các đệ tử Phật là đàn Anh vũ, phụ hoàng, mẫu hậu ngày nay là cha mẹ chim chúa, Channa (Xa-nặc) là người giữ ruộng, Ànanda là vị Bà-la-môn, và Ta chính là chim chúa Anh vũ kia.
-ooOoo-
485. Chuyện đôi ca thần Canda (Tiền thân Canda Kinnara)
Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn..,
Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Bồ-đề Lâm gần Kapilapura, về thân mẫu của Ràhula (La-hầu-la) khi bà còn ở trong cung.
Tiền thân này phải được kể bắt đầu từ thời quá khứ xa xưa của Tiền thân đức Phật. Song câu chuyện về các thời kỳ này, bắt đầu từ tiếng Sư tử hống của Tôn giả Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp) tại Latthivana (Rừng Mía gần Trúc Lâm), đã được kể trước kia trong số 1. Tiền thân Apannaka. Bắt đầu từ đó, ta sẽ đọc trong số 547. Tiền thân Vessantara phần tiếp theo chuyện cho đến khi Ngài trở về Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).
Ðang lúc Ngài ngồi trong cung phụ vương, suốt buổi ăn, bậc Ðạo sư kể Tiền thân Mahàdhammapàla (số 447) và sau khi buổi ăn đã xong, Ngài nói:
- Ta muốn tán thán những đức tính cao quý của mẹ Ràhula (La-hầu-la) ngay ở nội thất bà bằng cách kể Tiền thân Canda-Kinnara này.
Rồi vừa trao bình bát cho vua cha, Ngài cùng hai vị Ðại đệ tử bước qua cung thất của mẫu thân La-hầu-la. Thời ấy, có bốn mươi ngàn cung nữ giỏi ca múa hay đến bầu bạn với bà, trong đó có một ngàn chín mươi nàng là con gái dòng Sát-đế-ly. Khi bà nghe báo tin đức Như Lai đến viếng, bà ra lệnh tất cả đám cung nữ này đắp y vàng và hội chúng tuân lệnh.
Bậc Ðạo sư bước vào, ngồi xuống chỗ đã được dành sẵn cho Ngài. Lúc ấy, cả hội chúng nữ nhân đều kêu lên một tiếng và than khóc rền rỉ. Sau khi để mặc dòng lệ tuôn tràn, bà mẹ của La-hầu-la cố dẹp nỗi sầu riêng, đứng lên đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống với vẻ vô cùng tôn kính dành cho một vị vua. Lúc ấy, phụ vương Ngài bắt đầu kể đức hạnh của bà:
- Bạch Thế Tôn, xin hãy nghe đây. Khi nàng hay tin Thế Tôn đã đắp y vàng, nàng cũng đắp y vàng, Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn đã xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối mọi tặng vật mà các vương tử khác gửi đến nàng. Lòng nàng bao giờ cũng trung thành với Thế Tôn.
Như thế, phụ vương của Ngài đã kể hết đức hạnh của nàng trong nhiều cách, bậc Ðạo sư liền bảo:
- Thưa Phụ vương, thật không lạ gì ngày nay trong đời cuối cùng của Như Lai, công chúa này đã yêu thương, gìn giữ lòng trung thành đối Như Lai và chỉ muốn được một mình Như Lai dìu dắt mà thôi. Quả vậy, ngay cả khi được sinh làm loài phi nhân, bà cũng giữ dạ thủy chung với phu quân mình mà thôi.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vua cha, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, bậc Ðại sĩ được sinh trong vùng Tuyết Sơn làm một vị Tiên Kinnara (Khẩn-na-la: Ca thần) tên là Canda hay Nguyệt Lang, vợ ngài là Candà hay Nguyệt Nga. Cả hai vị sống cùng nhau trên một hòn núi bạc tên là Canda-pabbata hay Nguyệt Quang.
Thời ấy, vua Ba-la-nại giao phó việc triều chính cho các quan đại thần, một mình vua khoác hai chiếc hoàng bào, trang bị năm thứ vũ khí và tiến về vùng Tuyết Sơn nọ.
Trong lúc đang thưởng thức món sơn hào, vua chợt nhớ nơi có con suối nhỏ, nên bắt đầu leo lên đồi. Thời bấy giờ, đôi tiên sống trên đỉnh Nguyệt Sơn thường ở trong núi vào mùa mưa, và chỉ xuống núi vào mùa nắng. Vừa lúc ấy, tiên nam Canda cùng vợ hạ sơn và đi quanh quẩn. Ðôi tiên tầm nước hoa, ăn phấn hoa, mặc xiêm y bên trong lẫn bên ngoài đều bằng thứ lụa sa dệt từ bông hoa, vừa lắc lư trong đám cây cát đằng (dây leo), vừa vui đùa ca hát bằng một giọng ngọt ngào như mật.
Vị tiên nam tiến dần đến con suối này và tại một chỗ dừng chân bên suối, chàng bước xuống cùng vợ rắc hoa khắp mặt suối vừa vui đùa dưới nước. Khi cả hai vị đã mặc lại xiêm y bằng hoa xong, trên một khoảng cát trắng, sáng láng một tấm bạc, hai vị trải hoa làm sàng tọa và nằm xuống. Vừa lượm được một khúc cây trúc, vị tiên nam bắt đầu thổi sáo, thỉnh thoảng ca hát ngọt ngào như mật rót vào tai, trong lúc tiên nữ uốn lượn đôi tay mềm mại, vừa nhảy vừa hát ca gần đó.
Nhà vua nghe tiếng hát, liền đi rón rén để đừng ai nghe lọt bước chân, vừa đến gần ngắm nghía đôi tiên từ một nơi nấp kín đáo. Vua bỗng nhiên sinh ra si tình tiên nữ và nghĩ thầm: "Ta muốn bắn chàng kia và sống ở đây với vợ chàng". Sau đó vua liền nhắm bắn trọng thương vị tiên nam Canda. Chàng đau đớn thốt lên bốn vần kệ:
1. Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn,
Máu ta đang chảy xiết, tuôn tràn,
Ta gần mất hết nguồn sinh lực,
Hơi thở đang thoi thóp, hỡi nàng!
2. Ta đang chìm ngập với đau thương,
Lòng dạ ta đang đốt cháy bừng,
Song bởi chính nàng sầu, Nguyệt hỡi,
Mà tim ta cảm xúc khôn lường.
3. Như cỏ cây, ta cứ lụi tàn,
Héo hon như suối cạn khô dần,
Lòng đầy xúc cảm, Can-dà hỡi,
Vì nỗi buồn đau của chính nàng.
4. Dòng lệ tuôn từ cặp mắt ta,
Như mưa chân núi chảy vào hồ,
Bởi vì lòng dạ đầy thương cảm,
Cho nỗi sầu nàng, hỡi Nguyệt Nga!
Bậc Ðại sĩ than khóc như vậy qua bốn vần kệ trong khi quằn quại trên sàn tọa bằng hoa, rồi bất tỉnh quay mặt đi. Nhà vua vẫn đứng ở nơi đã nấp. Còn tiên nữ không biết bậc Ðại sĩ vừa bị thương, ngay khi ngài than khóc như thế, nàng cũng không hay biết, vì nàng đang say sưa với niềm hoan lạc của mình. Nhưng khi thấy ngài quay đi và nằm bất động, nàng bắt đầu tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với vị phu quân. Vội đến gần quan sát chồng, nàng thấy máu đang chảy ra từ miệng vết thương, nên không thể nào chịu đựng nổi cơn đau đớn khủng khiếp trước tình cảnh phu quân yêu quý của mình, nàng kêu gào thất thanh.
"Vị tiên nam ắt hẳn đã chết", vua thầm nghĩ và bước ra lộ diện. Khi tiên nữ Candà thấy vua, nàng nghĩ thầm: "Ðây hẳn là kẻ cướp đã giết chồng yêu quý của ta", và nàng run rẩy chạy trốn. Khi đã đứng trên đỉnh đồi, nàng kết tội vua quyết liệt qua năm vần kệ:
5. Ôi khổ thân ta, chúa bạo tàn!
Nhà ngươi đã bắn trọng thương chàng,
Nay chàng nằm đó, trên đất lạnh,
Dưới một gốc cây, giữa núi ngàn.
6. Vương tử! Sầu đau xét ruột này,
Ta mong thái hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát,
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.
7. Vương tử! Sầu đau xét ruột này,
Ta mong vương hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát,
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.
8. Mong thái hậu nay khóc phụ hoàng,
Và sau lại phải khóc hoàng nam,
Kẻ vì tham dục đang làm ác
Cho chính chồng ta thật uổng oan.
9. Ước mong vương hậu phải chờ trông
Tình cảnh mất con lẫn mất chồng,
Là kẻ vì tham, làm việc ác
Cho chàng vô tội, chính phu quân.
Sau khi nàng kêu gào than khóc như vậy qua năm vần kệ trên, nhà vua vừa đứng trên đỉnh núi vừa cất tiếng an ủi nàng qua một vần kệ khác.
10. Thôi đừng than khóc, chớ sầu thương,
Ta chắc rừng đêm quáng mắt nàng:
Cung điện vua ban nàng diễm phúc,
Nàng làm hoàng hậu của quân vương!
- Ngươi vừa nói gì thế?
Tiên nữ Candà thét lên khi nghe lời này, và nàng cất giọng sư tử hống hùng hồn đáp lời:
11. Không, ta đành kết liễu cuộc đời!
Ta chẳng bao giờ muốn lấy ngươi,
Ngươi giết chồng ta nào có tội,
Tất cả vì tham ái ta thôi!
Khi nghe lời này, lòng say mê của vua đối với nàng đều tan hết, sau đó, vua liền ngâm một vần kệ khác nữa:
12. Sống cho thỏa nguyện, hỡi tiên nương,
Thôi hãy quay về đỉnh Tuyết Sơn,
Ta biết có nhiều loài thú vật
Ăn toàn cỏ hoa, mến rừng hoang.
Cùng với những lời này, vua bình thản bỏ đi. Ngay khi Candà biết vua đi rồi, nàng bước đến ôm lấy bậc Ðại sĩ đem tận đỉnh đồi và đặt ngài nằm trên một chỗ đất bằng phẳng tại đó; vừa kê đầu ngài lên lòng nàng, nàng vừa than thở qua mười hai vần kệ sau:
13. Ðây giữa vùng đồi núi, đỉnh cao,
Trong nhiều thung lũng, dưới hang sâu,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì bóng chàng nay thiếp thấy đâu?
14. Thú rừng lang bạt khắp nơi nơi,
Lá trải trên nhiều chốn đẹp tươi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng vắng bóng trên đời?
15. Dã thú tung hoành, hoa ngát hương
Lan tràn bao chốn đẹp hoang đường,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?
16. Trong veo, nhiều suối chảy ven đồi,
Hoa dại muôn ngàn, phủ khắp nơi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng bỏ thiếp đơn côi?
17. Xanh thẳm là đối núi Tuyết San,
Khi nhìn, đồi núi đẹp vô vàn,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?
18. Bao đỉnh Tuyết Sơn nhuộm ánh vàng,
Nhìn xem đồi núi đẹp huy hoàng,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng chàng?
19. Ðồi núi Tuyết Sơn đỏ rực lên,
Núi đồi tuyệt diệu lúc nhìn xem!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng tiên?
20. Tuyết Sơn đỉnh nhọn vút trời cao,
Ðồi núi nhìn xem đẹp biết bao!
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay thiếp chẳng thấy chàng đâu?
21. Lấp lánh, Tuyết Sơn đỉnh trắng ngần,
Nhìn xem đồi núi đẹp muôn phần!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn trông thấy Nguyệt quân?
22. Tuyết Sơn lại đổi sắc cầu vồng,
Tuyệt diệu là khi đứng ngắm trông!
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì không còn được thấy lang quân?
23. Ðồi Hương thân thiết với yêu ma,
Khắp chốn phủ đầy vạn cỏ hoa,
Thiếp phải làm gì, chàng nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng Can-da?
24. Thần tiên yêu mến ngọn đồi Hương,
Cây cỏ bao quanh khắp nẻo đường,
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng chàng thương?
Nàng cứ than thở mãi như vậy, rồi khi cầm tay bậc Ðại Sĩ đặt lên ngực nàng, nàng thấy tay ngài còn ấm. Nàng nghĩ thầm: "Can-da còn sống đây, ta quyết khiêu khích các thần linh cho đến khi chàng được sống lại!" Rồi nàng lớn tiếng quở trách các thần:
- Chẳng có vị thần nào cai trị cõi trần hay sao? Các ngài đi ngao du ở đâu cả rồi? Chắc hẳn các ngài chết hết rồi nên chẳng còn ai cứu mạng chồng yêu quý của ta đây!".
Vì uy lực nỗi khổ đau thống thiết của nàng, chiếc ngai của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xét kỹ, ngài thấy rõ nguyên nhân, liền giả dạng một vị Bà-la-môn đến gần nàng, cầm bình nước thần dược rảy lên mình bậc Ðại Sĩ. Trong chốc lát, thuốc độc mất công hiệu, sắc mặt ngài trở lại tươi tỉnh, ngài cũng không còn biết gì đến chỗ bị thương nữa. Bậc Ðại Sĩ đứng dậy hoàn toàn hồi phục.
Khi Candà thấy vị phu quân muôn vàn yêu quí của mình đã hoàn toàn bình an, nàng hân hoan quì xuống chân của Ðế Thích Thiên chủ và tán thán ngài qua vần kệ:
25. La-môn, Thánh giả đáng tôn vinh!
Cho phận thiếp đây kém phước lành
Ðược thấy phu quân đầy ái kính,
Rảy lên chàng thánh dược hồi sinh!
Sau đó, Ðế Thích Thiên chủ khuyên nhủ:
- Từ rày về sau, hai vị đừng xuống khỏi đỉnh Nguyệt Sơn ra giữa đường đi của loài người nữa, mà cứ ở chốn đây thôi.
Ngài lặp lại câu này hai lần rồi trở về cõi của ngài. Còn Candà hỏi chồng nàng:
- Này phu quân, sao ta lại ở chốn đầy nguy hiểm này? Ta hãy mau về đỉnh Nguyệt Sơn.
Rồi nàng ngâm vần kệ cuối cùng:
26. Ta hãy lui về đỉnh Nguyệt San,
Nơi khe suối diễm lệ tuôn tràn,
Suối khe phủ ngập đầy hoa lá,
Mãi mãi chốn kia, gió nhẹ nhàng
Thầm thì len qua ngàn cổ thụ,
Mải mê trò chuyện, phút bình an.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, Công chúa luôn luôn tận tụy và giữ lòng trung thành với Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Anuruddha (A-na-luật-đà) là vua, mẹ của La-hầu-la (Ràhulamàtà) là tiên nữ Candà và Ta chính là vị tiên nam.
-ooOoo-
486. Chuyện chúa chim ưng (Tiền thân Mahà-Ukkusa)
Dân chúng đang nhen lửa đảo này...
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về Mitta-gandhaka, một cư sĩ.
Tương truyền, người này là con cháu một dòng họ đã suy tàn ở Sàvatti (Xá-vệ), phải nhờ một người bạn đi cầu hôn một thiếu nữ sang trọng. Nhà kia hỏi:
- Thế cậu ấy có bạn bè thân thích nào để có thể giải quyết công việc cần lo liệu chăng?
Nhà trai đáp:
- Không, chẳng có ai cả.
Bên kia bảo:
- Thế thì trước tiên phải kiếm bạn đã.
Người ấy nghe lời khuyên này đi bầu bạn với bốn người giữ cổng thành. Sau đó chàng dần dần kết bạn với những người giữ thành, những nhà thiên văn, nhiều người quí tộc trong triều; ngay cả vị tướng lãnh và phó vương. Nhờ giao thiệp với đám người này, chàng trở thành bạn thân thiết của vua, rồi sau đó là đạo hữu của tám mươi vị Trưởng lão, và nhờ Trưởng lão Ànanda, chàng đến yết kiến chính đức Như Lai. Lúc ấy bậc Ðạo Sư an trú cả gia đình chàng vào Tam quy và Ngũ giới, vua lại phong cho một chức vụ cao và chàng được biệt danh "Mitta-gandhaka" hay "Người kết giao nhiều bằng hữu".
Vua còn ban cho chàng một dinh cơ lớn rồi ra lệnh cử hành hôn lễ cho chàng, nên tất cả mọi người từ vua chúa trở xuống đều mang tặng vật đến nhà. Lúc ấy, vợ chàng nhận được một tặng vật của vua ban, rồi tặng vật của vị Ðại tướng quân, tặng vật của vị Phó vương, cứ thế dân chúng toàn thành đều đến nhà nàng. Vào ngày thứ bảy, đôi tân hôn ấy tổ chức đại lễ để mời đấng Thập Lực, nhiều phẩm vật cúng dường cao sang được đem dâng đức Phật và Tăng chúng lên đến năm trăm vị Tỷ-kheo. Cuối buổi lễ, đôi tân hôn nhận lời tùy hỷ công đức từ đức Phật và được an trú vào Sơ quả Dự Lưu.
Trong Chánh pháp đường, hội chúng nói đến chuyện này:
- Này các Hiền giả, cư sĩ Mitta-gandhaka theo lời vợ khuyên nhủ, và nhờ nàng, đã trở thành bạn của mọi người, được vinh quang tột bực từ vua ban, và sau khi thành thân hữu của bậc Ðạo Sư, đôi vợ chồng đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi Tăng chúng đang bàn luận gì. Các vị thưa với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người này nhận được vinh quang nhờ nữ nhân kia. Ngày xưa, khi còn là súc sinh, nhờ lời khuyên của nàng, nên vị ấy đã kết bạn rất nhiều và thoát khỏi sự lo âu về tính mạng bầy con trẻ.
Nói vậy xong. Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một số người ở vùng biên địa thường cư trú tại nơi nào họ có thể tìm kiếm thực phẩm nhiều nhất, như sống trong rừng và bắn giết những loài thú vật đông đúc tại đó để lấy thịt cho họ và gia đình họ. Không xa làng của họ là một cái hồ rộng, về phía nam bờ hồ đó có một chim Ưng trống, phía tây là một chim Ưng mái; phía bắc là một Sư Tử, chúa của mọi loài dã thú, phía đông là một chim Ưng biển (Ðại bàng), chúa loài chim, và ở giữa là một con Rùa sống trên một hòn đảo nhỏ.
Chim Ưng trống đến hỏi chim Ưng mái làm vợ. Chim mái bảo:
- Chàng có bạn bè nào không?
- Thưa cô nương, không. Chim trống đáp.
- Ta cần phải có vài chim bạn bảo vệ ta chống lại mọi hiểm nguy hay chuyện rắc rối có thể xảy ra, vậy chàng phải đi kiếm vài chim bạn.
- Ta phải làm bạn với ai đây?
- Ô kìa, với Ðại bàng chúa sống trên bờ phía đông chứ còn ai nữa, rồi với Sư Tử ở phía bắc và Rùa ở giữa hồ này.
Chàng theo lời khuyên của nàng và làm như vậy. Sau đó đôi chim sống với nhau trong một cái tổ do chúng xây lấy; cũng cần nói thêm rằng trên một đảo nhỏ trong hồ này có một cây Kadampa mọc, bốn phía là nước bao quanh. Sau đó chúng sinh được hai chim trống.
Một ngày kia, khi lông cánh đôi chim non còn non nớt, có vài người trai làng đi săn mồi khắp rừng suốt ngày mà chẳng kiếm được gì cả. Vì không muốn trở về làng tay không, họ đi xuống hồ bắt rùa cá, họ lên đảo, nằm dưới bóng cây Kadamba và đang lúc bị ruồi, muỗi, bọ chích đốt thật khổ sở, họ nhóm lửa lên đuổi muỗi mòng bằng cách chà sát củi khô vào nhau, và hun khói. Khói đùn lên làm khó chịu bầy chim, khiến đôi chim non kêu lên chim chiếp.
- Kìa có tiếng chim! Ðám dân làng bảo nhau.
- Nào đốt lửa nhanh lên! Ta không thể nằm nhịn đói ở đây; mà trước khi nằm ngủ, ta phải ăn một bữa thịt chim rừng chứ!
Họ nhóm lửa làm cho ngọn lửa cao dần. Song chim mẹ nghe tiếng động ấy, nghĩ thầm: "Những người này muốn ăn con ta. Ta phải kiếm bạn để cứu nhà ta khỏi hiểm họa này. Ta muốn bảo chim trống đi đến chúa chim Ưng kia". Rồi chim mái bảo:
- Này chàng, hãy đi báo cho chim Ưng chúa biết mối nguy hiểm đang đe dọa các con ta.
Và nó ngâm vần kệ này:
1. Dân chúng đang nhen lửa đảo này,
Ðể ăn bầy trẻ chốc liền đây,
Hỡi chàng! Mau bảo cùng bè bạn
Nguy hiểm con ta cấp báo ngay.
Chim trống liền bay hết tốc lực đến chỗ kia và kêu lên để báo hiệu cho nó đến. Khi được phép, nó đến gần Ðại bàng chúa, và kính chào. Chim Ưng chúa bảo:
- Tại sao bạn đến?
Chim trống liền ngâm vần kệ thứ hai:
2. Chim chúa là ngài, hỡi chúa công!
Nay ta tìm chốn chúa an thân,
Dân làng săn muốn bắt bầy trẻ,
Xin chúa ban cho bạn nỗi mừng!
- Ðừng sợ - Chim Ðại bàng bảo chim Ưng trống.
Vừa an ủi, nó vừa ngâm vần kệ thứ ba:
3. Ðúng lúc hay không, bậc trí nhân
Kết giao cùng bảo vệ thân bằng,
Vì chim Ưng hỡi, ta hành động,
Bạn thiện giúp nhau những lúc cần.
Sau đó, chim Đại bàng chúa hỏi tiếp:
- Này bạn, thế dân làng đã trèo lên cây chưa?
- Họ chưa trèo lên, họ chỉ mới chất củi lên để đốt lửa.
- Vậy bạn nên trở về mau và an ủi hiền thê của bạn rồi nói ta đến ngay.
Chim Ưng làm theo lời. Chim Đại bàng chúa cũng đi, và từ một nơi gần cây Kadamba, nhìn đám người ấy leo lên, và đậu trên một ngọn cây. Ngay khi một người trèo lên đến gần tổ chim, chim Ðại bàng chúa liền nhào xuống hồ, dùng đôi cánh và mỏ rảy nước lên đám lửa đang cháy khiến chúng tắt hết. Ðám người ấy trèo xuống, nhóm ngọn lửa khác để nấu bầy chim, rồi khi chúng trèo lên, chim Ðại bàng chúa lại dập ngọn lửa lần nữa. Cứ thế, khi lửa được nhóm lên là chim dập tắt đi, cho đến nửa đêm. Chim Đại bàng chúa đã kiệt sức: lớp da dưới bụng trầy ra xơ xác dần, đôi mắt rướm máu. Thấy thế, chim mái bảo chim trống:
- Này phu quân, Ðại bàng chúa đã mệt lả rồi, hãy đi đến báo cho bạn Rùa, để chim Đại bàng chúa được nghỉ ngơi.
Khi nghe vậy, chim Ưng trống đến gần chim Ðại bàng chúa, ngâm kệ bảo bạn:
4. Bạn thiện giúp nhau: ấy việc cần,
Ngài làm vì xót bạn gian nan,
Bình an con trẻ, ngài còn sống,
Cẩn thận, đừng cho thể lực tàn.
Khi nghe lời này, chim Ðại bàng chúa cất cao giọng sư tử hống ngâm vần kệ thứ năm:
5. Khi ta canh giữ ở cây này
Ta chẳng lo rằng nếu chẳng may
Ta mất mạng mình vì chúng bạn,
Thiện nhân hành động vẫn như vầy!
Thế nên, bạn hãy làm vì bạn
Dù chính đời mình kết liễu ngay.
*
Còn vần kệ thứ sáu này do bậc Ðạo Sư ngâm phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài, khi Ngài tán thán công đức của chim Đại bàng chúa:
6. Vương điễu noãn sinh lượn cõi không
Ðã làm một việc khổ vô cùng,
Chúa Ưng, trước lúc màn đêm xuống,
Canh giữ bầy chim nhỏ vạn an.
*
Sau đó, chim Ưng trống nói:
- Xin hiền hữu chúa chim Ðại bàng hãy nghỉ ngơi chốc lát.
Rồi nó bay đi đến con Rùa, đánh thức Rùa dậy.
- Này bạn, đến có việc gì vậy? Rùa hỏi.
- Có mối hiểm nguy như vậy xảy ra với chúng tôi, và chim Ðại bàng chúa đã chịu khổ nhọc hết sức từ canh một, nay gần kiệt lực, cho nên tôi phải đến gặp bạn.
Cùng với những lời này, nó ngâm vần kệ thứ bảy:
7. Cho dầu những kẻ bị sa chân
Qua lắm việc làm ác, bất nhân,
Cũng có cơ vươn mình tiến được,
Nếu xin nhờ giúp đỡ khi cần.
Các con ta gặp khi nguy khốn,
Ta chẳng bay ngay đến bạn vàng,
Hỡi bạn ngâm mình trong đáy nước,
Giúp nhà tôi, hãy vội lên đàng!
Khi nghe vậy, Rùa ngâm vần kệ khác:
8. Thiện nhân đối với một thân bằng
Cho cả đồ dùng lẫn bản thân,
Vì bạn, hỡi Ưng! Ta hoạt động,
Thiện nhân giúp đỡ bạn khi cần.
Chú Rùa con, nằm không xa đó, nghe tiếng cha nói, liền suy nghĩ: "Ta không muốn cha ta phải nhọc sức, mà ta sẽ lãnh phần của cha ta". Vì vậy, chú ngâm vần kệ thứ chín:
9. Xin cha an dưỡng, hỡi cha thân,
Việc của cha, con sẽ lãnh phần.
Con phụng sự cha là tốt nhất,
Con đi cứu cả tổ chim bằng.
Rùa cha đáp lời con qua vần kệ:
10. Cứ làm việc thiện, hỡi Rùa con,
Con phải giúp cha, thật chánh chơn,
Song chúng chỉ tha bầy trẻ nhỏ,
Vì cha, người thầy lớn khôn ngoan.
Cùng với những lời này, Rùa bảo chim Ưng bay về và thêm:
- Này bạn ơi, đừng sợ. Nhưng bạn cứ đi trước rồi ta sẽ theo sau lập tức.
Rùa lặn xuống nước, lượm một ít bùn, đến đảo dập tắt ngọn lửa và nằm im. Lúc ấy, đám dân làng kêu lên:
- Này, tại sao phải nhọc công về bầy chim Ưng con thế kia? Ta hãy lật con Rùa đáng ghét này lên mà giết nó cũng vừa đủ cho cả bọn ta mà.
Vì thế, họ hái ít cây leo, bện thành sợi dây, nhưng khi họ đã buộc chặt dây ở chỗ nầy chỗ kia rồi, và xé cả áo quần để dùng vào việc này, họ lại không thể lật con Rùa lên được. Con Rùa cứ lôi họ đi theo nó rồi nhào xuống nước sâu. Bọn người ấy nôn nóng bắt Rùa đến độ cũng nhào xuống theo, lội bì bõm, bắn nước lên tung tóe và uống nước đầy bụng. Họ bảo nhau:
- Này cứ xem đi, chim Ưng chúa cứ làm tắt ngọn lửa của ta đến nửa đêm, nay thì con Rùa làm ta rớt xuống nước và uống nước nhiều, thật quá khổ sở. Thôi, ta cố nhen ngọn lửa khác, rồi đến sáng mai sẽ ăn được bầy chim Ưng con.
Sau đó, họ lại bắt đầu nhóm lửa. Chim Ưng mái nghe tiếng ồn áo của bọn người này, liền bảo:
- Này chàng, sớm muộn gì, bọn người này cũng xé xác các con ta rồi mới chịu đi. Vậy chàng hãy đến báo cho bạn Sư tử biết chuyện.
Lập tức, chàng chim Ưng đến gặp Sư tử, Sư tử này hỏi tại sao chim Ưng đến giờ bất thường như vậy. Chim Ưng liền kể cho Sư tử nghe mọi việc từ đầu và ngâm vần kệ thứ mười một:
11. Oai hùng bậc nhất của muôn loài,
Loài thú vật kia lẫn mọi người,
Chạy đến anh hùng lúc hoảng sợ:
Chin non gặp nạn, giúp nhà tôi,
Ngài là chúa tể muôn loài đó,
Vì thế nên tôi phải đến nơi.
Nghe nói vậy, Sư tử ngâm vần kệ nữa:
12. Ta giúp chim ngay, hỡi bạn Ưng!
Mau, ta đi giết bọn cừu nhân,
Hiển nhiên, bậc trí nhiều thông hiểu
Cần gắng công che chở bạn thân.
Nói vậy xong, Sư tử bảo chim Ưng ra về, còn dặn thêm:
- Thôi, bây giờ hãy về đi và an ủi các con dại.
Rồi Sư tử tiến lên, đập tung tóe nước hồ trong suốt. Khi bọn dân làng thấy Sư tử đến gần, họ sợ chết khiếp cả, liền kêu lên:
- Chim Ðại bàng chúa thổi tắt củi lửa của ta, con Rùa làm ta mất quần áo đang mặc, song giờ đây ta tàn đời rồi! Con Sư tử này sẽ giết chết chúng ta lập tức.
Họ liền chạy tứ tán. Khi Sư tử đến gốc cây, chẳng còn thấy gì nữa. Sau đó chim Ưng chúa, chim Ưng trống, con Rùa đều tiến lên vây quanh Sư tử. Sư tử bảo cho chúng biết ích lợi của tình bằng hữu và nói:
- Từ rày về sau, hãy cẩn thận đừng để tan vỡ mối tình bằng hữu thân ái.
Với lời khuyên này, Sư tử ra đi. Rồi bọn kia cũng về chốn ở của riêng mình.
Chim Ưng mái nhìn con tự nghĩ: "Nhờ tình bằng hữu mà các con ta được trả lại cho ta". Và trong lúc chim mái vui mừng, nó vừa nói với chim trống, vừa ngâm vần kệ nêu rõ hiệu lực của tình bằng hữu:
13. Rõ ràng kết bạn hữu đầy nhà,
Gặp bạn hiền: hoan lạc hiện ra,
Tên bắn trên quân bào bất lợi,
Ta mừng, an ổn các con ta.
14. Nhờ công giúp của bạn chân tình,
Chim bạn đến mong góp sức mình,
Ðối đáp, chim non kêu ríu rít
Làm say lòng mẹ với âm thanh.
15. Người khôn nhờ bạn giúp bàn tay,
Sống với đàn con hạnh phuc đầy,
Ta với chồng con cùng đứng vững
Vì thân bằng hữu mến thương lây.
16. Dân cần bảo vệ bởi vua quan,
Những vị tình thân hữu vẹn toàn,
Hạnh phúc chàng mong: uy lực đủ
Là người hưng thịnh, lắm thân bằng.
17. Này Ưng, cần phải kiếm thân bằng
Dù bạn nghèo hèn hoặc yếu non,
Nay hãy xem: nhờ tình thắm thiết
Ta và gia quyến thảy bình an.
18. Chim Ưng tìm được bậc anh hùng
Ðể đóng vai chim bạn thiết thân,
Ưng hỡi, như đôi ta hạnh phúc,
Chim kia cũng hạnh phúc trong lòng.
Như vậy, chim mái nêu rõ đặc tính của tình bằng hữu qua sáu vần kệ. Từ đó đám bạn hữu sống với nhau suốt đời không làm đứt đoạn sợi dây thân ái, rồi lúc mạng chung, chúng đều đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên người này được hạnh phúc nhờ vợ mình, mà trước kia cũng vậy.
Cùng với những lời này, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, đôi vợ chồng này là đôi chim Ưng, Ràhula (La-hầu-la) là Rùa con, Moggallàna(Mục-kiền-liên) là Rùa cha, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là chim Ưng chúa và ta chính là Sư tử kia.
-ooOoo-
487. Chuyện nam tử Uddalaka (Tiền thân Uddalaka)
Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người gian dối.
Người này, mặc dù đã đặt cuộc đời mình vào Giáo pháp đưa đến giải thoát, trong lúc muốn kiếm lợi dưỡng cần dùng để sống, đã hành động lừa đảo cả ba mặt. Tăng chúng đều rõ ra những ác hạnh của người này trong lúc bàn luận tại Chánh pháp đường:
- Này các Hiền giả, người đó sau khi đã đặt hết cuộc đời mình vào Chánh pháp của đức Phật đưa tới giải thoát, lại sống lừa dối kẻ khác!
Bậc Ðạo Sư bước vào, và muốn biết Tăng chúng đang bàn luận gì tại đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên, kẻ ấy trước kia cũng đã lừa dối rồi.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thưở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-Tát là một vị Tế sư rất thông thái. Một ngày kia, ngài vào vườn hoa để giải trí, chợt thấy một cô gái có sắc đẹp lẳng lơ, đâm say mê nàng và đem nàng về nhà mình chung sống.
Khi thấy mình thọ thai, nàng liền bảo ngài:
- Thưa Ðại quan, thiếp đã có thai, khi sinh con, thiếp muốn đặt tên cho nó theo danh tánh của tổ phụ nó.
Song ngài suy nghĩ: "Chẳng bao giờ tên họ của một dòng quý tộc lại đặt cho đứa con hoang của một nô tỳ". Vì thế, ngài bảo:
- Này ái nương, cây này tên là Uddala (quế), nàng có thể đặt tên con là Uddalaka vì nó thọ thai ở gốc cây này.
Sau đó, ngài cho nàng một chiếc nhẫn có dấu hiệu riêng và bảo:
- Nếu nó là con gái, hãy dùng chiếc nhẫn này mà nuôi dưỡng nó cho lớn khôn, còn nếu là con trai thì hãy đem đến cho ta lúc nó trưởng thành.
Ðến kỳ hạn, nàng sinh hạ một con trai và đặt tên là Uddalaka. Khi chàng trai lớn lên, chàng hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, cha con là ai thế?
- Là vị Tế sư đấy con ạ.
- Nếu vậy, con sẽ học các kinh thánh.
Thế là khi nhận được chiếc nhẫn từ tay mẹ và số học phí dành cho thầy giáo, chàng lên đường đi đến Takkasilà, và học ở đó với một giáo sư lừng danh thế giới.
Trong thời gian học tập, chàng thấy một đám người tu khổ hạnh. Chàng suy nghĩ: "Ðám người kia chắc chắn phải có kiến thức vẹn toàn. vậy ta muốn học hỏi ở họ". Vì thế, chàng từ giã thế tục, và vì chàng ước mong được kiến thức, nên làm việc phục dịch các vị này, chỉ yêu cầu các vị ấy dạy lại cho chàng mọi kiến thức thông thái của họ. Thế rồi các vị ấy dạy cho chàng mọi điều hiểu biết, song giữa đám năm trăm người ấy chẳng có ai vượt chàng về kiến thức cả, chàng là người thông thái nhất.
Sau đó, đám người ấy tụ tập lại và bầu chàng làm thầy. Chàng bảo họ:
- Thưa các Tôn giả, các ngài sống suốt đời ở trong rừng ăn toàn hoa quả, củ rừng, tại sao các ngài không đi đến chỗ của người thế tục?
- Thưa Tôn giả, người đời muốn cúng dường chúng ta, nhưng lại muốn chúng ta trả ơn bằng cách thuyết Pháp, họ hay hỏi ta nhiều chuyện lắm. Vì sợ điều này nên chúng ta không muốn đến giữa người đời.
Chàng đáp:
- Thưa các Tôn giả, nếu các ngài có ta cùng đi, thì cứ để một vị Chuyển luân vương cật vấn, một mình ta sẽ giải đáp ổn thỏa, chớ sợ gì cả.
Thế là chàng cùng hội chúng đi du hành khất thực để sống và cuối cùng đến Ba-la-nại, trú ngụ trong vườn ngự uyển. Hôm sau, cùng với cả đám ấy chàng khất thực ở một làng trước cổng thành. Dân chúng bố thí rất nhiều. Ngày hôm sau nữa, các nhà tu khổ hạnh đi qua kinh thành, dân chúng lại bố thí rất nhiều. Vị khổ hạnh Uddalaka nói lời tùy hỷ công đức rồi giải đáp các lời chất vấn. Dân chúng rất hoan hỷ và lại cúng dường phong phú cho hội chúng mọi thứ cần dùng.
Toàn kinh thành vang dậy tin đồn:
- Một vị giáo sư thông thái mới đến, một vị Thánh nhân khổ hạnh.
Và vua nghe được tin đó. Nhà vua hỏi:
- Các vị ấy đang ở đâu?
Dân chúng tâu:
- Trong ngự uyển.
Nhà vua bảo:
- Tốt lắm, hôm nay ta sẽ đi thăm các vị ấy.
Một người đi báo với Uddalaka:
- Ðức vua sẽ đến viếng các Tôn giả hôm nay.
Chàng gọi hội chúng lại và bảo:
- Này các Tôn giả, đức vua sắp đến, hãy chiếm cho được ân vua trong một ngày cũng đủ cho cả đời người.
- Vậy ta phải làm gì, thưa Sư trưởng?
Chàng đáp:
- Một vài vị phải chịu khổ hình treo người lủng lẳng, vài vị ngồi xổm dưới dất, vài vị nữa nằm trên giường chông, vài vị khác chịu khổ hạnh với năm ngọn lửa, thêm vài vị ngâm mình xuống nước và vài vị tụng Thánh kinh ở chỗ này chỗ nọ.
Các vị ấy làm y lời.
Chính chàng cùng độ mười vị hiền giả ngồi trên một chỗ đã soạn sẵn có lót gối dựa, bàn luận với nhau, có một quyển sách đẹp cân xứng nằm trên một cái giá mực sang trọng bên cạnh chàng, và thính chúng vây quanh.
Lúc ấy, vua và vị Tế sư cùng với đám tùy tùng đông đảo bước vào ngự uyển, và vua khi thấy tất cả hội chúng ở đây đang chuyên chú trong dáng điệu khổ hạnh như vậy, vua rất hoan hỷ, nghĩ thầm: "Các vị này đều giải thoát khỏi nỗi lo âu về các cõi dữ ở đời sau rồi". Khi đến gần Uddalaka, vua ân cần đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Rồi với lòng hân hoan, vua bắt đầu nói chuyện với vị Tế sư và ngâm vần kệ đầu:
1. Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,
Miệng thì thầm lời thánh đạo bình an,
Chẳng từ nan nhiều phương tiện hiền nhân,
Chắc đã đạt Chân như và Giải thoát.
Nghe vậy, vị Tế sư nghĩ:
- Ðức vua hoan hỷ ở một chỗ đáng lẽ không nên hoan hỷ, vậy ta không được giữ yên lặng.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
2. Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.
Khi Uddalaka nghe những lời này, liền nghĩ thầm:
"Vua hài lòng về những vị khổ hạnh này, song vị Tế sư lại đụng ngay vào mõm con bò khi chạy quá nhanh, làm rơi đồ dơ vào dĩa cơm đã dọn sẵn, ta phải nói chuyện với vị ấy mới được". Vì thế, chàng đáp lời ngài qua vần kệ thứ ba:
3. Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người nguy khốn:
Kinh Vệ-đà hẳn là đồ vô dụng,
Chánh đạo là: làm chánh, tự điều thân.
Vị tế sư nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ tư:
4. Không phải thế, Vệ-đà không vô dụng,
Dù tự điều thân là đạo chánh chân,
Học Vệ-đà vẫn mang lại vinh quang,
Song ta đạt tối an nhờ chánh hạnh.
Bấy giờ, Uddalaka suy nghĩ: "Gây gỗ với vị này sẽ không bao giờ ích lợi đâu. Nếu ta bảo ngài: ta chính là con trai của ngài, ngài phải thương yêu ta. Vậy ta phải quyết cho ngài biết ta là con của ngài". Thế rồi chàng ngâm vần kệ thứ năm:
5. Cha mẹ và thân quyến họ hàng
Ðòi ta chăm sóc với yêu thương,
Mẹ cha là bản thân con đó,
Con Ud-da-la chính búp non
Từ gốc rễ nhà ngài quý tộc,
Thưa ngài, Tôn giả Bà-la-môn.
- Thế con chính là Uddalaka đấy ư? Ngài hỏi. Chàng đáp:
- Thưa, chính phải.
Sau đó, ngài hỏi:
- Trước kia, ta đã cho mẹ con một vật làm tin, nay nó đâu rồi?
Chàng đáp:
- Thưa Tôn giả Bà-la-môn, chính nó đây!
Rồi chàng trao chiếc nhẫn cho ngài. Ngài nhận ra chiếc nhẫn ấy rồi bảo:
- Con là một Bà-la-môn hẳn nhiên rồi, song có biết phận sự của một Bà-la-môn chăng?
Ngài hỏi về các phận sự này qua vần kệ thứ sáu:
6. Ðiều gì thành tựu một La-môn,
Vị ấy làm sao được thiện toàn?
Hãy nói thế nào người chánh hạnh,
Làm sao đạt hạnh phúc Niết-bàn?
Uddalaka giải thích việc ấy qua vần kệ thứ bảy:
7. Bỏ đời, sùng bái lửa thiêng hồng,
Vung gậy tế đàn, rảy nước trong,
Phận sự làm xong, người tán tụng,
La-môn như vậy được an lòng.
Vị tế sư lắng nghe chàng kể các phận sự của một vị Bà-la-môn như vậy, xong ngài ngâm vần kệ thứ tám để phê bình chuyện ấy như sau:
8. Rảy nước không làm sạch Ðạo nhân,
Thiện toàn chẳng phải việc đăng đàn,
Cũng không an ổn và thân ái,
Chẳng đạt tối cao, lạc Niết-bàn.
Nghe thế, Uddalaka lại hỏi:
- Nếu việc này không làm thành một Bà-la-môn, thế thì việc gì?
Và chàng ngâm vần kệ thứ chín:
9. Ðiều gì thành tựu hạnh La-môn
Vị ấy làm sao được thiện toàn,
Xin bảo thế nào người chánh hạnh,
Làm sao thành tựu lạc Niết-bàn?
Vị Tế sư đáp lời qua vần kệ khác:
10. Người không của cải, chẳng nương đồng,
Không có họ hàng, chẳng ước mong,
Chẳng thiết cuộc đời, không ái dục,
Hoặc không ác hạnh, thảy đều không.
Ðạo nhân vậy đạt tâm thanh tịnh,
Giữ phận chánh chân, được tán đồng.
Sau đó, Uddalaka lại ngâm kệ nữa:
11. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người đầy trắc ẩn,
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn.
Vậy ai cao trọng, ai hèn kém
Giữa các Thánh hiền tối thượng chăng?
Khi đó, vị Bà-la-môn kia ngâm vần kệ nêu rõ ràng không có ai cao, ai thấp khi đã đạt Thánh quả:
12. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người đầy trắc ẩn,
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn,
Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém
Giữa các bậc hiền Thánh đại nhân.
Song Uddalaka phê bình điểm này bằng cách ngâm vần kệ:
13. Công, nông, giáo sĩ, đến vua quan,
Nô lệ, Chiên-đà, các tiện dân,
Tất cả những người này đức hạnh
Ðều thành tựu cực lạc Niết-bàn,
Chẳng ai cao trọng, ai hèn kém,
Giữa các bậc hiền Thánh đại nhân;
Giáo sĩ, vậy ngài vô tích sự,
Hư danh địa vị, hẳn rồi chăng?
Ðến đây, vị Tế sư ngâm đôi vần kệ nữa, cùng với một ví dụ:
14. Với tấm vải thô nhuộm đủ màu,
Ngôi đình được dựng, mái đình cao,
Ðỉnh tròn, rực rỡ đầy màu sắc,
Bóng đổ một màu vẫn giống nhau.
15. Vậy khi nhiều kẻ đạt thanh tâm
Tại chính nơi đây, giữa cõi trần,
Người thiện thấy toàn là bậc Thánh,
Chẳng hề hỏi huyết thống nguồn căn.
Bấy giờ, Uddalaka không còn nói gì được nữa, nên chàng ngồi yên lặng. Lúc ấy, vị Tế sư Bà-la-môn nói với vua:
- Tâu Ðại vương, tất cả bọn này đều là phường dối trá, toàn cõi Diêm-phù sẽ bị suy tàn vì nạn lừa đảo kia. Xin Ðại vương hãy khuyến dụ Uddalaka từ bỏ việc hành trì khổ hạnh của nó và làm Tế sư theo gót hạ thần, lại cho phép đám người này khỏi phải tu tập khổ hạnh, rồi cho chúng đủ gươm, giáo, mộc để làm tùy tùng của Ðại vương.
Vua chấp nhận, làm theo lời ngài dạy và tất cả bọn ấy đều đến phụng sự vua.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà kẻ này trước kia cũng đã làm một tên lừa đảo.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Tỷ-kheo gian dối này là Uddalaka, Ànanda là vua và Ta chính là vị Tế sư.
-ooOoo-
488. Chuyện củ sen (Tiền thân Bhisa)
Mong nhiều trâu ngựa, lắm kim ngân...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Trường hợp này cũng sẽ xuất hiện trong số 531, Tiền thân Kusa. Ở đây, một lần nữa, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có đúng là ông đã thối thất chăng?
- Bạch Thế Tôn, quả đúng vậy.
- Vì cớ gì?
- Bạch Thế Tôn, vì ác dục.
- Tại sao, này Tỷ-kheo, ông lại thối thất, sau khi đã hành trì đạo lý này trước khi đưa đến Giải thoát, và tất cả chỉ vì ác dục? Ngày xưa, trước khi đức Phật ra đời, những bậc trí nhân khởi đầu cuộc sống tu hành, ngay cả những vị ngoại đạo cũng đã phát hạnh nguyện và đoạn trừ ngay các tưởng khởi lên có liên hệ các dục hoặc sức cám dỗ của dục.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con trai của một đại danh gia Bà-la-môn có tài sản đến tám trăm triệu đồng tiền. Gia đình đặt tên ngài là Mahà-Kancana hay Ðại chúa tể Hoàng kim. Vào lúc ngài mới biết đi chập chững, một bé trai khác lại sinh ra đời trong nhà vị Bà-la-môn ấy và được đặt tên là Upa-kancana hay Tiểu chúa tể Hoàng kim. Cứ như vậy, bảy nam nhi liên tiếp ra đời và cuối cùng là một quý nữ, được đặt tên là Kancana-devi hay Công nương Hoàng kim.
Khi Mahà-Kancana lớn lên, ngài đi học tập tại Takkasilà đầy đủ mọi môn học thuật rồi ngài trở về nhà. Lúc ấy, song thân ngài muốn lập cho ngài một gia thất riêng. Hai vị bảo:
- Cha mẹ sẽ tìm cho con một thiếu nữ nhà lành để kết bạn xứng đáng với con, rồi con sẽ yên bề gia thất.
Song ngài đáp:
- Thưa cha mẹ, con không muốn lập gia đình. Ðối với con, ba cõi sinh hữu đều như lửa đốt, bị trói buộc xiềng xích như ngục tù, đáng ghê tởm tựa đống phân. Con chẳng hề có ý nghĩ gì về việc đó, dù chỉ là trong giấc mộng. Cha mẹ có các con trai kia, xin bảo chúng làm chủ gia đình và để cho con yên thân.
Dù hai vị van nài ngài nhiều lần, nhờ bạn hữu của ngài đến năn nỉ ngài tận miệng, ngài cũng chẳng muốn gì về việc ấy cả. Sau đó, bạn bè hỏi ngài:
- Này hiền hữu, thế bạn muốn gì mà bạn chẳng thiết tha đến việc tận hưởng tình yêu và lạc thú?
Ngài bảo họ ngài đã từ bỏ thế tục. Khi song thân hiểu việc này, hai vị đề nghị việc kia với các con trai thứ, nhưng chẳng ai chịu nghe cả, ngay cả nương tử Kancana cũng không. Dần dà cha mẹ qua đời. Trí giả Mahà-kancana làm lễ an táng song thân xong, với kho tàng tám trăm triệu ấy, ngài phân phát hào phóng cho tất cả đám hành khất và du sĩ, rồi ngài đem sáu em trai cùng em gái, một gia nhân và một nữ tỳ cùng một người bạn đường, ngài làm đại sự xuất gia và sống ẩn dật trong dãy Tuyết Sơn.
Tại đó, trên một vùng đất vừa ý gần một hồ sen, các vị xây một khu am thất ẩn cư tu hành và ăn toàn trái cây, củ rừng. Khi họ vào rừng, chỉ đi từng người một, nếu có vị nào thấy trái cây hay lá rau gì liền gọi các vị kia và tại đó, vừa bảo nhau những điều gì nghe thấy được, các vị vừa thu lượm các thức ăn sẵn có, chẳng khác gì cái chợ nhỏ trong làng. Song bậc Sư trưởng, vị khổ hạnh Mahà- kancana lại nghĩ thầm:"Ta đã bỏ qua cả gia sản tám trăm triệu và sống đời tu hành, rồi để ham đi quanh quẩn kiếm trái rừng, thật chẳng hợp lý. Từ nay, ta muốn một mình ta đi lượm trái rừng thôi". Sau đó, trở về nhà, buổi tối, ngài tập họp mọi người lại và nói cho họ biết ý định của ngài:
- Các em cứ ở đây, và tu tập đời ẩn sĩ, để ta đi hái quả cho các em.
Nghe vậy, Upa-kancana và các người kia ngắt lời:
- Chúng tiểu đệ đã theo hiền huynh đi tu hành, vậy chính hiền huynh phải ở nhà và tu tập đời ẩn sĩ, và hiền muội cũng ở nhà nữa, cùng với nữ tỳ. Tám người chúng em thay phiên nhau đi hái quả, còn ba người ở nhà khỏi làm việc ấy.
Ngài đồng ý.
Từ đó, tám người này thay phiên nhau đem trái cây về từng người một: Các người kia nhận được phần chia trong số kiếm được và mang đi về am thất của mình, rồi ở trong lều tranh riêng của mỗi người. Như vậy, các vị ấy không gặp gỡ nhau nếu không có duyên cớ. Người nào đến phiên mang thức ăn vào để ở một khu đất có rào thì đặt trên một phiến đá phẳng, chia ra mười một phần rồi đánh cồng lên, rồi lấy phần mình đi về nhà mình. Khi nghe tiếng cồng, các vị kia đến, không chen lấn nhau mà theo đúng lễ nghi trật tự, nhận phần mình đã được chia từ các thức kiếm được, rồi trở về nhà mình mới ngồi ăn, và sau đó lại tiếp tục hành thiền, tu tập khổ hạnh.
Sau một thời gian, họ lượm các củ sen để ăn và sống tại đó, tự hành xác với lửa nóng như thiêu như đốt và các loại cực hình khác, nên các giác quan đều tê liệt cả, trong khi họ cố hết sức để nhập định.
Vì công hạnh sáng chói của họ, chiếc ngai của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ rung động lên. Ngài bảo:
- Các vị này chỉ thoát khỏi tham dục thôi, hay họ là các vị hiền nhân rồi? Họ có phải hiền nhân chăng? Nay ta muốn tìm hiểu xem sao.
Thế là nhờ thần lực của mình, suốt ba ngày, Thiên chủ làm cho phần thực phẩm của bậc Ðạo Sư biến mất.
Ngày đầu tiên, khi không thấy phần mình, ngài nghĩ: "Có lẽ phần của ta đã bị quên mất". Vào ngày thứ hai: "Chắc hẳn ta có lỗi lầm nào. Chính là vì muốn nhắc nhở ta về điều này một cách cung kính mà người đó không chia phần cho ta". Vào ngày thứ ba: "Tại sao họ lại không chia phần cho ta như thế được? Nếu ta có gì lỗi lầm thì ta phải hòa giải phần mình trước".
Vì thế, buổi tối, ngài đánh cồng lên. Tất cả đều đến và hỏi ai đã đánh cồng.
- Này các hiền đệ, chính ta đánh.
- Thưa Tôn giả, tại sao vậy?
- Này các hiền đệ, trong ba ngày qua, ai đem thức ăn vào?
Một người đứng dậy nói:
- Chính tiểu đệ.
Rồi vị ấy vẫn đứng yên rất cung kính.
- Khi hiền đệ chia phần, có để dành phần cho ta chăng?
- Có chứ, thưa Tôn sư, đó là phần của vị Sư trưởng.
- Còn ai mang về thực phẩm hôm qua?
Một người khác đứng lên và nói:
- Chính tiểu đệ.
Rồi vị ấy kính cẩn đứng chờ.
- Thế hiền đệ có nhớ phần ta chăng?
- Tiểu đệ đã để phần Sư trưởng cho hiền huynh đấy.
- Thế hôm nay ai đem thực phẩm về?
Một người nữa đứng dậy và kính cẩn đứng chờ.
- Hiền đệ có nhớ chia phần cho ta không?
- Tiểu đệ đã để phần Sư trưởng cho hiền huynh đấy.
Ngài liền bảo:
- Này các hiền đệ, hôm nay là ngày thứ ba ta không có phần ăn. Ngày đầu tiên ta không thấy phần mình, ta nghĩ người nào chia phần đã quên ta. Ngày thứ hai, ta nghĩ chắc ta đã phạm lỗi lầm gì. Song hôm nay, ta quyết định rằng nếu có lỗi lầm gì, ta sẽ hòa giải và vì thế ta đánh cồng triệu tập các tiểu đệ. Các hiền đệ bảo đã để các phần củ sen cho ta mà ta chẳng có được chút gì cả. Ta phải tìm hiểu xem ai đã lấy trộm và ăn hết phần đó. Khi ta đã từ bỏ cuộc đời và mọi tham dục ở đời rồi thì lấy trộm là chuyện không đúng đắn, dù chỉ là một củ sen.
Khi các vị kia nghe thấy lời ấy, họ đồng kêu to:
- Ôi, thật là một việc ác.
Và tất cả các vị đều lo lắng vô cùng.
Lúc bấy giờ, vị Thần trú trên cây gần am thất ấy, đó là cây cổ thụ lớn nhất rừng, bước ra ngồi giữa các vị. Cũng vậy, có một con Voi, không thể nào chịu nổi sự huấn luyện mà không đau đớn, nên phá chiếc cọc ở nơi nó bị trói vào, rồi chạy trốn vào rừng. Thỉnh thoảng, Voi thường đi đến kính lễ đám hiền giả này, nên bây giờ nó cũng đến đứng một bên. Có một con Khỉ đã được huấn luyện để làm trò với bầy Rắn, cũng chạy trốn thoát khỏi tay người luyện rắn vào trong rừng; nó ở tại vùng am thất ấy, nên hôm nay nó cũng đến kính lễ các hiền giả và đứng sang một bên. Thiên chủ Ðế Thích quyết tâm thử các vị ẩn sĩ này nên cũng tàng hình đứng cạnh hội chúng.
Lúc ấy, vị em thứ hai của Bồ-tát, ẩn sĩ Upa-kancana, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ ngài rồi cúi chào khắp hội chúng và nói như sau:
- Bạch Tôn sư, không kể đến các người kia, tiểu đệ xin được phép thanh minh cho mình khỏi tội này chăng?
- Này hiền đệ, được lắm.
Vị ấy đứng lên giữa các hiền nhân và nói:
- Nếu đệ đã ăn các củ sen của Tôn huynh, đệ sẽ thành một người như vầy như vầy.
Và vị ấy trang nghiêm phát nguyện qua vần kệ đầu:
1. Mong nhiều trâu ngựa, lắm kim ngân,
Vợ quý, nó giữ gìn luyến thương,
Mong nó sinh nhiều trai gái đủ,
Kẻ ăn phần trộm của La-môn!
Nghe thế, các vị tu khổ hạnh kia đều đặt tay lên hai tai và kêu to:
- Không, không thưa Tôn giả, lời thề nguyền ấy quả thật nặng nề lắm!
Và Bồ-tát cũng nói:
- Này hiền đệ, lời nguyền của em nặng lắm đấy! Em không ăn phần đó, thôi, ngồi xuống nệm rơm đi.
Vị ấy, sau khi thề nguyện xong, liền ngồi xuống.
Người em thứ ba đứng lên đảnh lễ bậc Ðại Sĩ và ngâm vần kệ thứ hai để thanh minh cho mình:
2. Mong nó nhiều con, lắm áo quần,
Vòng hoa tay khoác, ngát chiên-đàn,
Tâm tư sôi sục đầy tham dục,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
Khi vị ấy ngồi xuống, các vị kia lần lượt ngâm vần kệ. Vị thứ tư:
3. Mong nó nhiều danh vọng, ruộng vườn,
Nhà kho, con cái, sẵn sàng dâng,
Nó không hiểu tháng năm dần mất,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
Vị thứ năm:
4. Mong nó lừng danh đại tướng quân,
Ðế vương tối thượng ngự huy hoàng,
Thế gian bốn cõi đều phần nó,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðạo nhân!
5. Mong nó trở thành một Ðạo nhân,
Mà không chế ngự được tham sân,
Chỉ tin tinh tú, ngày lành tốt,
Ðược hiển vinh nhờ các đế vương
Ân thưởng, kẻ ăn phần trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Vị thứ sáu:
6. Vệ-đà, mong nó học uyên thâm,
Người quý trọng đức độ Thánh nhân,
Mong nó được muôn người bái phục,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Vị thứ bảy:
7. Ơn trời cho nó được ngôi làng,
Có đủ giàu sang, bốn loại hàng,
Khi chết, dục tham không chế ngự,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
8. Nó làm lý trưởng, bạn quây quần,
Vũ khúc, hoan ca, nhạc đắm hồn,
Mong nó đầy tràn ơn lộc chúa,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Tiểu muội:
9. Mong nàng làm tuyệt thế giai nhân,
Chúa tể thế gian chọn má hồng,
Chánh hậu giữa muôn người toại ý,
Kẻ ăn phần trộm, hỡi La-môn!
Nô tỳ:
10. Khi mọi nữ tỳ tập họp xong,
Mong nàng oai vệ ngự ngai vàng,
Cao lương mỹ vị đầy ngon ngọt,
Kiêu hãnh vì ân phước của nàng,
Người đã lấy phần ăn trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Thần cây:
11. Mong nó bảo tồn viện Ka-jan,
Trùng tu quang cảnh đã tiêu tàn,
Hàng ngày làm cửa song nhà mới,
Kẻ trộm phần ngài, hỡi Ðại nhân!
Con Voi:
12. Mong nó bị người bắt lấy thân,
Sáu trăm dây trói tự rừng hoang
Mang về thành, bị người vây đánh
Bằng gậy, giáo, gươm, phải phát cuồng!
Kẻ đã lấy phần ăn trộm đó,
Hỡi ngài, Tôn giả Bà-la-môn!
Con Khỉ:
13. Vòng hoa trên cổ, thiếc đeo tai,
Mong nó đi đường, khiếp sợ oai
Chiếc gậy luyện chơi gần lũ rắn,
Kẻ ăn phần trộm ấy, thưa ngài!
Khi cả hội cùng thề nguyện xong qua mười ba vần kệ này, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: "Có lẽ chúng tưởng chính ta nói dối rằng không có phần ăn để đó, trong khi nó vẫn có", vì thế, ngài cũng thề nguyền phần mình qua vần kệ thứ mười bốn:
14. Ai thề thực phẩm biến đi rồi,
Mà nếu không mất mát, vậy thời
Mong nó hưởng tràn đầy dục lạc,
Và mang kết quả việc kia hoài,
Ước mong cái chết đầy phàm tục
Số phận dành cho nó cuối đời,
Ðiều ấy cũng dành cho quí vị,
Nếu bây giờ quí vị nghi tôi!
Khi các bậc hiền nhân đã thề nguyền như thế xong, Ðế Thích Thiên chủ nghĩ thầm: "Ðừng sợ gì cả. Ta đã làm cho các củ sen kia biến mất để thử các người này và nay các vị ấy thề nguyền cả, lại đều ghê tởm hành động ấy như thể một cục đờm phải nhổ. Nay ta muốn hỏi các vị tại sao lại ghê tởm dục tham như vậy". Thiên chủ đặt câu hỏi này để chất vấn Bồ-tát trong vần kệ tiếp, sau khi Thiên chủ đã hiện nguyên hình:
15. Người kiếm tìm luôn ở cõi trần
Cái điều vui đẹp, thiết thân lòng
Ðược nhiều kẻ ước mong mê mẩn.
Như vậy, vì sao các Thánh nhân
Lại chẳng tán dương nhiều sự việc
Vẫn thường ham muốn bởi phàm nhân?
Ðể trả lời câu hỏi này, bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ:
16. Tham dục là tai họa chết người,
Là dây xiềng xích trói trên đời,
Ở trong ác dục, ta tìm thấy
Ðau khổ và kinh hãi cả thôi.
Khi bị dục tham nào cám dỗ,
Vua thường phạm tội, đắm say hoài!
17. Phải vào địa ngục, các phàm nhân
Gây tội, khi tan rã nhục thân,
Vì biết khổ đau trong ác dục,
Bậc hiền chê trách, chẳng đồng lòng.
Khi Ðế Thích Thiên chủ nghe bậc Ðạo Sư giải thích xong, lòng đầy xúc động nên ngài ngâm vần kệ này:
18. Chính ta trộm, thử các hiền nhân,
Ta đặt bên hồ các thức ăn,
Bậc trí thật hiền lương thánh thiện,
Hỡi người Phạm hạnh, hãy nhìn phần!
Nghe thế, Bồ-tát liền ngâm kệ nữa:
19. Chúng ta không múa rối vui chơi,
Làm các trò tiêu khiển với ngài,
Chẳng quyến thuộc ngài, hay bạn hữu,
Tại sao vậy thế, hỡi vua trời?
Thưa ngài Ngàn mắt, sao ngài nghĩ
Bậc trí bày trò giải trí thôi?
Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ hai mươi để làm lành với ngài:
20. Ngài chính là Sư trưởng đại nhân,
Chính ngài là một vị cha thân,
Chở che cho trẫm đà sai phạm,
Xin hãy thứ tha trót lỗi lầm;
Chẳng có bao giờ, thưa Thánh giá,
Bậc hiền lại phát khởi lòng sân!
Bậc Ðạo Sĩ liền tha thứ cho Thiên chủ Ðế Thích và về phần ngài, để hòa giải với các Thánh nhân kia, ngài ngâm vần kệ nữa:
21. An lạc một đêm với Thánh nhân,
Chúng ta hội kiến đấng Thiên vương,
Chư Hiền, hãy đẹp lòng khi thấy
Thực phẩm mất, nay được phục hoàn.
Ðế Thích Thiên chủ liền đảnh lễ hội chúng hiền nhân rồi trở về thiên giới. Còn các vị ấy đã làm cho phát khởi Thiền định và các Thắng trí trong tâm, nên về sau được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, như vậy, các bậc trí ngày xưa đã phát hạnh nguyện và từ bỏ ác dục.
Nói xong, Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất kia đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Và ngài ngâm ba vần kệ này để nhận diện Tiền thân:
22. Mục-liên, Xá-lợi-phất và Ta,
Ca diếp, A-na-luật, Phú-na, (1),
Cùng với A-nan-đà thuở ấy
Thất Hiền Huynh Ðệ chốn kia mà.
23. Liên Hoa Sắc, tiểu muội ngày xưa,
Tỳ nữ, Khuj-ju (2), thuở bấy giờ,
Cổ thụ Thần kia, Sà-tá (3) đó,
Cit-ta Gia chủ, chính gia nô.
24. Con Voi ngày trước chính Par-ley (4)
Con Khỉ là Ma-dhu-sét đây, (5)
Ðế Thích là Ka-lu (6) thuở ấy,
Chúng Tăng giờ hiểu Tiền thân này.
Chú thích: (1) Punna; (2) Khujjutarà; (3) Satàgira; (4) Pàrileyya; (5) Madhuvasettha; (6) Kàludàyi
-ooOoo-
489. Chuyện Đại Vương Huy Hoàng (Tiền thân Suruci)
Thiếp là chánh hậu chúa Ru-ci...,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú gần Xá-vệ trong tòa nhà của Lộc mẫu, về việc bà nữ cư sĩ đệ nhất Visàkhà này đã được Ngài ban Tám điều Nguyện ước như thế nào.
Một buổi nọ, bà ấy nghe thuyết Pháp ở Kỳ Viên xong, rồi trở về nhà, sau khi mời đức Phật và chúng đệ tử của Ngài đến nhà vào ngày hôm sau.
Nhưng khuya hôm ấy một cơn cuồng phong dữ dội hoành hành cả bốn châu thiên hạ, đức Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo như sau:
- Khi mưa rơi ở Kỳ Viên, này các Tỷ-kheo, thì mưa cũng rơi khắp bốn châu thế giới. Các ông hãy thấm nhuần ơn mưa móc đến tận thịt da: vì đây là cơn đại cuồng phong cuối cùng của Ta thổi khắp thế giới.
Rồi cùng với các Tỷ-kheo thân mình đã thấm ướt nước mưa, Ngài dùng thần lực biến mất khỏi Kỳ Viên và xuất hiện trong gian phòng khách của tòa nhà bà Visàkhà. Bà kêu lên:
- Thật hi hữu thay! Thật linh diệu thay là thần thông lực của đức Như Lai thị hiện! Nước ngập lụt đến tận đầu gối, nước ngập lụt đến tận thắt lưng, mà chẳng có bàn chân hay chiếc y của một Tỷ-kheo nào bị ướt cả!
Trong nỗi hân hoan tràn trề ấy, bà cùng đám tín nữ phục vụ đức Phật và Tăng chúng. Sau buổi thọ thực, bà thưa với đức Phật:
- Thật tình con ước ao nhận được nhiều thỉnh nguyện từ đức Thế Tôn.
- Này Visàkhà, các đức Như Lai có vô lượng ân lành.
- Song những điều thỉnh nguyện này xin được ban cho chúng con, những điều này không lỗi lầm!
- Này Visàkhà, cứ nói đi!
- Con ước ao rằng suốt đời con được quyền dâng áo khoác về mùa mưa cho Tăng chúng, thực phẩm cho các vị khách đến thăm nhà, thực phẩm cho Tăng chúng du hóa đường xa, thực phẩm cho các vị bị bệnh, thực phẩm cho những vị Tỷ-kheo phục vụ các bệnh nhân, thuốc men cho các bệnh nhân, thường xuyên cúng dường cháo gạo và suốt đời cúng dường y phục cho các Tỷ-kheo ni khi đi tắm.
Bậc Ðạo Sư đáp:
- Này Visàkhà, bà dự định làm công đức gì khi bà thỉnh cầu Như Lai Tám Nguyện ước này?
Bà liền thưa với ngài những lợi lạc mà bà mong có được, và Ngài đáp:
- Lành thay, lành thay, này Visàkhà, thật tốt lành thay là điều lợi lạc mà bà mong sẽ được khi thỉnh cầu Như Lai Tám Nguyện ước này.
Rồi ngài bảo:
- Này Visàkhà, Ta cho bà Tám đặc ân này đó.
Sau khi ban cho bà tám Thỉnh Nguyện ấy xong và nói lời tùy hỷ công đức, Ngài ra về.
Một hôm, khi bậc Ðạo Sư đang trú tại Ðông Viên, Tăng chúng bắt đầu bàn luận việc này trong Chánh Pháp đường:
- Này hiền hữu, nữ thí chủ Visàkhà, dù là nữ nhân, đã được chính đấng Thập Lực ban cho tám Thỉnh nguyện.Công đức của bà ấy thật cao cả thay!
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên nữ nhân này nhận được những Thỉnh nguyện từ Ta, vì bà ấy xưa kia cũng đã nhận được như vậy.
Rồi Ngài kể cho Tăng chúng một chuyện quá khứ.
*
Một thời, có vị vua Suruci trị vì tại Mithilà. Vua này có một vương tử đặt tên là Suruci Kumàra, hay vương tử Huy Hoàng. Khi chàng lớn lên, chàng quyết định đi du học tại Takkasilà, vì thế chàng đến đó và ngồi nghỉ ở một sảnh đường tại cổng thành. Bấy giờ vương tử của vua Ba-la-nại tên là vương tử Brahmadatta cùng đi đến đó, và ngồi nghỉ trên cùng một chiếc ghế dài mà vương từ Suruci đã ngồi. Hai người trò chuyện và kết bạn với nhau, rối cả hai cùng đi đến vị giáo thọ kia. Hai chàng trả học phí và học tập, chẳng bao lâu, việc học đã hoàn tất.
Rồi hai chàng từ giã thầy dạy và cùng nhau lên đường. Sau khi đi một đoạn ngắn, họ dừng lại ở một nơi có ngã rẽ, cả hai ôm nhau từ biệt, và để giữ mãi tình bạn thấm thiết, hai vị giao ước với nhau:
- Nếu ta có con trai và bạn có con gái hoặc bạn có con trai và ta có con gái thì chúng ta sẽ kết đôi cho chúng.
Khi hai vị lên ngôi, vua Suruci sinh hạ một vương tử và cũng đặt tên vương tử là Suruci. Còn vua Brahmadatta sinh con gái đặt tên là Sumedha hay công chúa Thiện Trí.
Vào đúng thời lớn khôn, vương tử Suruci đi đến Takkasilà để học tập và khi việc học hoàn tất, lại trở về. Sau đó vua cha muốn phong vương cho con mình bằng lễ quán đảnh, và nghĩ thầm: "Bạn ta là vua Ba-la-nại đã sinh con gái, ta nghe nói vậy. Nay ta muốn cưới nàng ấy làm vương hậu cho con ta". Vì mục đích trên, vua phái đám sứ thần đem các sính lễ rất sang trọng ra đi.
Song trước khi sứ bộ đến nơi, vua Ba-la-nại hỏi bà chánh hậu điều này:
- Này ái hậu, điều gì là nỗi khổ đau nhất đối với một nữ nhân?
- Muôn tâu, đó là việc tranh chấp với các thê thiếp khác của chồng mình.
- Vậy thì, này ái hậu, để tránh cho con gái duy nhất của ta là công chúa Sumedha khỏi nỗi khổ đau ấy, ta sẽ chẳng gả con cho một ai, ngoại trừ người nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không có thê thiếp khác.
Vì vậy khi các sứ thần đến, và nêu danh hiệu công chúa để cầu hôn, vua bảo họ:
- Này các hiền hữu, quả thực ta đã hứa gả con gái ta cho con của vị vua thân bằng của ta ngày xưa. Song chúng ta không muốn thả con gái vào giữa một đám nữ nhân. Vì vậy chúng ta muốn gả con gái cho vị vua nào chỉ cưới một mình nàng, chứ không thêm ai khác.
Các sứ giả đem thông điệp ấy về tâu với vua. Nhưng vua này phật ý, bảo:
- Nước ta là một đại vương quốc với kinh thành Mi-thi-là chiếm bảy dặm, toàn thể đất nước gồm cả ba trăm dặm. Một vị đại vương như vậy phải có cả mười sáu ngàn cung phi là ít nhất.
Còn vương tử Suruci vừa nghe danh tiếng dung sắc tuyệt mỹ của công chúa Sumedha liền đâm ra si tình công chúa dù chỉ là nghe đồn thôi, nên chàng nhờ thưa lại song thân là:
- Con quyết sẽ cưới một mình nàng chứ không thêm ai khác nữa. Con có cần gì cả đám nữ nhân kia chứ? Xin đi cưới nàng về ngay.
Hai vị không cản trở ước vọng của chàng, liền gửi sính lễ sang trọng cùng một đám sứ thần đông đảo đi rước nàng về cung. Thế là nàng được phong làm vương hậu và cả hai người đều được tôn lên ngôi bằng lễ quán đảnh (rảy nước lên đầu).
Chàng trở thành quốc vương Suruci, cai trị rất đúng pháp và sống rất hạnh phúc với hoàng hậu. Song dù nàng đã về sống ở nhà chồng đến mười ngàn năm, nàng chẳng hề sinh hạ con trai hay con gái gì cả.
Sau đó, dân chúng tụ tập lại trước sân chầu với những lời trách móc. Vua hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Dân chúng tâu:
- Chúng thần chẳng thấy lỗi lầm nào ngoại trừ việc này: Ðó là Chúa thượng không có con trai để nối dõi. Chúa thượng chỉ có một chánh hậu, tuy nhiên một quốc vương phải có ít nhất là mười sáu ngàn cung tần. Xin Chúa thượng hãy tuyển một đám phi tần mỹ nữ, rồi một thứ phi xứng đáng sẽ hạ sinh cho Chúa thượng một hoàng nam.
- Này, các hiền hữu nói điều gì thế? Ta đã hứa không cưới ai khác ngoài hoàng hậu và theo những điều kiện thỏa thuận trên mà ta đã chiếm được nàng làm vợ. Ta không thể nuốt lời được, ta không cần cả một đám nữ nhân đâu.
Như thế vua từ chối lời thỉnh cầu của dân nên họ ra về. Song Sumedha nghe được câu chuyện. Bà nghĩ thầm: "Ðức vua từ chối việc tuyển chọn cung phi vì lòng trung tín của ngài, được rồi, ta sẽ tìm thê thiếp khác cho ngài". Bà vừa đóng vai người mẹ, cùng vai người vợ đối với vua, nên bà tự nguyện tuyển một mgàn công nương thuộc dòng Sát-đế-ly, một ngàn tiểu thư của các con quan trong triều, một ngàn thiếu nữ nhà lành, một ngàn vũ nữ đủ loại, tổng cộng bốn ngàn, rồi đem dâng vua.
Các nàng ấy sống trong cung suốt mười ngàn năm cũng chẳng hề sinh con cái gì cả. Cứ theo cách ấy, ba lần nữa, bà dâng vua bốn ngàn cung nữ, song họ chẳng sinh được con cái gì. như vậy bà đã dâng vua cả mười sáu ngàn cung tần mỹ nữ. Bốn mươi ngàn năm trôi qua, nghĩa là năm mươi ngàn năm tất cả, tính luôn mười ngàn năm vua đã chỉ sống với một mình hoàng hậu thôi. Sau đó, dân chúng lại tụ tập với những lời trách móc; vua hỏi:
- Cái gì đây nữa?
- Tâu Chúa thượng, xin ngài ra lệnh cho các cung phi cầu tự.
Từ đó, để cầu tự, các nàng cúng bái đủ các loại thần linh và thề nguyền khấn khứa đủ mọi cách, tuy thế, vẫn không có vương tử nào xuất hiện. Rồi vua ra lệnh cho bà Sumedha cũng phải cầu tự, hoàng hậu thỏa thuận.
Vào dịp lễ Trai giới ngày mười lăm (rằm) trong tháng, hoàng hậu giữ hạnh nguyện Bát quan Trai giới và ngồi trầm tư về các công đức trong một cung thất lộng lẫy trên một sàng tọa êm ái. các cung nữ khác đều ở trong ngự uyển, cầu nguyện sẽ cúng tế đủ loại dê bò. Vì công đức sáng chói của hoàng hậu Sumedha nên cung điện của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) rúng động.
Ðế Thích Thiên chủ suy xét và hiểu rằng bà Sumedha đang cầu tự. "Ðược rồi, bà sẽ được một hoáng nam. Song ta không thể ban cho bà một hoàng nam này hay một hoàng nam nọ một cách thiếu quan tâm, mà ta muốn đi tìm một vị nào xứng đáng". Rồi ngài thấy một Thiên tử còn trẻ tên là Nalakàra, Người Ðan giỏ.
Chàng có đầy đủ đức độ thiện hạnh, trong một đời trước đó sống ở Ba-la-nại, thì chuyện này xảy ra cho chàng. Vào mùa gieo hạt, khi chàng ra đồng, chàng gặp một vị Ðộc Giác Phật. Chàng bảo các tá điền gieo hạt, cúng dường một bữa ăn rồi dẫn vị ấy trở lại bờ sông Hằng. Chàng cùng con trai dựng túp lều, trụ bằng thân cây sung và đan kết lau sậy làm vách tường, gắn cửa vào và dọn một lối đi. Chàng mời vị Ðộc Giác Phật ở đó suốt ba tháng và khi hết mùa mưa, hai cha con chàng đắp lên Ngài ba chiếc y rồi để Ngài ra đi. Cùng cách ấy, hai cha con thiết đãi đồ ẩm thực bảy vị Ðộc Giác Phật trong túp lều ấy rồi cúng dường mỗi vị ba chiếc y, xong để các vị ai đi đường nấy.
Vì vậy, dân chúng vẫn kể chuyện hai cha con làm nghề đan giỏ, tìm các cây liễu trên bờ sông Hằng (để lấy gỗ đan giỏ) và hễ khi nào thấy một vị Ðộc Giác Phật thì họ cúng dường như trước đã nói. Lúc mạng chung, họ được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba, và cứ an trú sáu tầng trời cõi Dục liên tục tới lui theo vòng luân hồi sinh tử, tận hưởng vinh quang tột đỉnh giữa chư Thiên.
Hai vị ấy sau khi mạng chung ở cõi này lại ước mong được lên các thiên giới cao hơn. Ðế Thích Thiên chủ nhận thức rằng một trong hai vị Thiên tử này sẽ thành đức Như Lai, nên Thiên chủ đến cửa cung của hai vị, đảnh lễ vị ấy khi vị ấy đứng lên chào đón Thiên chủ và bảo:
- Thưa Tôn giả, ngài nên sinh vào thế giới loài người.
Song vị Thiên tử bảo:
- Tâu Ðại vương, thế giới loài người đầy hận thù đáng kinh tởm, những người ở đó làm thiện sự và bố thí, cũng đều ước mong được lên thiên giới. Vậy thần xuống đó làm gì chứ?
- Thưa Tôn giả, ngài sẽ được hưởng trọn vẹn mọi lạc thú có thể hưởng được trong nhân giới; ngài sẽ ngự trong một cung điện làm toàn bằng bảo ngọc cao hai mươi lăm dặm. Xin ngài đồng ý cho.
Vị Thiên tử liền chấp thuận. Khi Ðế Thích Thiên chủ đã được vị ấy hứa lời rồi, liền giả dạng một hiền nhân giáng xuống ngự viên, xuất lộ nguyên hình vừa bay lượn trên đầu các cung phi này, vừa ca hát:
- Ta sẽ ban diễm phúc cho ai được một nam tử đây? Ai mong được diễm phúc có một nam tử đây?
- Thưa ngài, xin cho con, xin cho con!
Hàng ngàn cánh tay giơ lên. Sau đó Thiên chủ bảo:
- Ta sẽ ban các nam tử cho những người đức độ: vậy về công đức các nàng làm được những gì? Cuộc đời các nàng, lối sống các nàng ra sao?
Họ đều hạ tay xuống và thưa:
- Nếu ngài muốn thưởng công cho người đức hạnh thì xin ngài đi tìm chành hậu Sumedha.
Ngài liền bay qua không gian và dừng lại ở cửa sổ cung thất của bà. Khi đó đám cung nữ đến trình với bà:
- Tâu lệnh bà, một vị Thiên chủ đã bay qua không gian và đứng ngay tại cửa sổ cung thất lệnh bà để ban cho lệnh bà diễm phúc được một vương tử!
Bà liền đến đó đón ngài vô cùng trọng thể. Vừa mở cửa sổ ra, bà vừa hỏi:
- Tâu Thiên chủ, tiện thiếp trộm nghe rằng ngài sẽ ban diễm phúc cho một nữ nhân đức hạnh được một nam tử, có đúng vậy chăng?
- Ðúng vậy, ta sẽ làm như thế.
- Vậy xin ngài làm ơn ban cho tiện thiếp diễm phúc ấy.
- Hãy cho ta biết Chánh hậu đã tạo được công đức gì, rồi nếu chánh hậu làm đẹp ý ta, ta sẽ ban cho diễm phúc ấy.
Bà liền ngâm mười lăm vần kệ này nêu rõ công đức của mình:
1. Thiếp là chành hậu chúa Ru-ci,
Vương hậu đầu tiên chúa cưới về,
Với chúa Su-ru-ci vạn tuế,
Thiếp đã sống trọn đạo hiền thê.
2. Huy Hoàng chúa tể ở My-la,
Là chính kinh thành của quốc gia,
Thiếp chẳng hề xem thường thánh ý,
Chẳng chê ngài thấp kém, sai ngoa,
Dù sau lưng chúa, hay ngoài mặt,
Về khẩu, ý, thân, đủ cả ba.
3. Thánh giả, điều này nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
4. Phụ hoàng, mẫu hậu của vương quân,
Hai đấng sinh thành ngự trị dân,
Trong lúc các ngài còn tại thế,
Vẫn thường dạy thiếp Ðạo hiền nhân.
5. Thiếp ước không làm hại mạng ai,
Quyết lòng hành động chánh chân hoài,
Ân cần tận tụy hầu hai vị,
Không mệt mỏi cho dẫu tối ngày.
6. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
7. Thứ phi sau thiếp cứ tăng dần,
Mời sáu ngàn không thiếu một nàng,
Tuy thế, chẳng hề, thưa Thánh giả,
Xảy hờn ghen giữa đám hồng quân.
8. Thiếp mừng khi chúng được an lành,
Với mọi cung phi, thắm thiết tình,
Lòng thiếp nhân từ cùng tất cả,
Khác nào đối với bản thân mình.
9. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
10. Nô tỳ, thị giả, mọi gia nhân,
Tất cả nơi đây ở hợp quần,
Thiếp đối ân cần, ban thực phẩm,
Tươi cười nét mặt tạo hân hoan.
11. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
12. Các nhà ẩn sĩ, Bà-la-môn,
Hễ thấy người nào đến khẩn van,
Thiếp đãi uống ăn đều khắp cả,
Ðôi bàn tay rửa sạch hoàn toàn.
13. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cấu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
14. Vào ngày mống tám, nửa tuần trăng,
Mười bốn, mười lăm, các buổi rằm,
Thiếp vẫn chuyên tâm trì giới luật,
Bước theo Thánh đạo của hiền nhân.
15. Thánh giả, điều này, nếu thật chân,
Cầu mong vương tử được ngài ban,
Còn khua môi thiếp toàn hư vọng,
Bảy mảnh đầu này phải vỡ tan.
Quả thật, dù cả trăm, cả ngàn câu kệ cũng không đủ lời tán thán mọi công đức của bà; tuy thế, Ðế Thích Thiên chủ cứ để cho bà tự tán thán trong mười lăm vần kệ này. Ngài cũng không ngắt ngang câu chuyện, mặc dù ngài còn nhiều việc phải làm ở nơi khác. Sau đó ngài bảo:
- Công đức của Chánh hậu thật là kỳ diệu và sung mãn tràn trề thay!
Rồi ngài ngâm hai vần kệ ca ngợi bà:
16. Nương nương hỡi, Chánh hậu Huy Hoàng,
Công đức này cao trọng thập toàn
Ðều thấy trong nàng, này Chánh hậu,
Chính nàng ca ngợi đại danh nàng.
17. Một hoàng nam chính thống cao sang,
Muôn vẻ vinh quang, trí vẹn toàn,
Ðại đế Vi-đề-ha chánh trực,
Sắp ra đời đó chính con nàng.
Khi bà nghe những lời này, bà vô cùng hoan hỷ ngâm hai vần kệ để hỏi Thiên chủ:
18. Bụi bẩn, lấm lem tóc rối bồng,
Hình ngài lơ lửng ở trên không,
Nói bằng một giọng đầy thân ái,
Lám thiếp cảm rung tận cõi lòng.
19. Có phải ngài Thiên đế đại hùng,
Trên trời ngài ngự, hỡi hiền nhân?
Xin cho thiếp biết từ đâu đến,
Cho biết là ai đó giáng trần?
Thiên chủ đáp lời bà qua sáu vần kệ:
20. "Thiên nhãn Sak-ka" nàng thấy đây,
Vì Thiên chúng vẫn gọi như vầy.
Những khi Thiên chúng đều đoàn tụ
Trong Thiện pháp đường mỹ diệu thay.
21. Khi nữ nhân hiền đức vẹn toàn,
Tại đây được thấy giữa trần gian,
Chánh chân nội tướng đầy nhân ái
Với mẹ chồng, như phận sự nàng.
22. Khi chư Thiên biết một hồng nhan,
Lòng trí cao minh, nghiệp thiện toàn,
Dù nữ nhi, mà từ thượng giới,
Thiên chúng đích thân đến với nàng.
23. Giữ đời đức hạnh, hỡi Nương nương,
Nhờ tích trữ toàn việc thiện lương,
Công chúa xuất thân, đà đạt được
Trọn niềm hạnh phúc vẫn cầu mong.
24. Vậy nàng gặt hái nghiệp duyên nàng
Bằng cảnh huy hoàng ở thế gian,
Công chúa, về sau trên thượng giới
Tái sinh nàng được hóa Thiên thần.
25. Nữ nhi hiền đức, hưởng hồng ân!
Cứ sống giữ gìn hạnh chánh chân,
Nay lúc ta cần về thượng giới,
Vui mừng vì diện kiến tôn nhan.
- Ta còn việc phải làm trên tiên giới-Ngài bảo-Vậy ta đi đây, còn nàng hãy chuyên tâm tinh cần.
Cùng với lời khuyên nhủ này, ngài ra về.
Tảng sáng hôm ấy, Thiên thần Nalakàra được nhập mẫu thai của hoàng hậu. Khi bà biết chuyện ấy, bà liền tâu với vua. Vua làm đủ mọi việc cần thiết cho một thai phụ. Sau mười tháng, bà sinh hạ một vương tử, hai vị đặt tên là Mahà-panàda. Toàn dân của hai quốc độ đều đến kêu lên:
- Tâu Chúa thượng, chúng hạ thần xin mang tiền mua sữa tới tặng hoàng thái tử.
Rồi mỗi người thả một đồng vàng vào trong sân chầu thành một đống tiền lớn. Vua không muốn nhận tiền này, nhưng dân chúng không chịu lấy lại, và tâu với vua khi họ ra về:
- Tâu Chúa thượng, số tiền này để dành cấp dưỡng vương tử khi ngài lớn lên.
Vương nhi lớn lên giữa cảnh huy hoàng và khi chàng đến tuổi trưởng thành, không quá mười sáu, chàng đã kiện toàn tất cả mọi môn học thuật. Vua nghĩ đến tuổi trưởng thành của chàng, bảo hoàng hậu:
- Này ái hậu, khi đến thời làm lễ quán đảnh cho hoàng nhi, ta hãy xây cho con ta một cung điện tuyệt đẹp vào dịp đó.
Bà thỏa thuận hoàn toàn. Vua liền cho triệu các người có tài đoán biết nơi chốn an lành để xây cung điện và họ bảo:
- Này các hiền hữu, hãy tìm một kiến trúc sư thượng thủ và xây cho ta một cung điện không xa cung ta. Cung này dành cho hoàng tử mà chúng ta sắp phong vương để kế vị ta đó.
Họ tâu việc ấy tốt lành thay và bắt đầu đi vào khảo sát mặt đất.
Lúc áy, chiếc ngai của Ðế Thích Thiên chủ nóng rực lên. Nhận thấy điều này, Thiên chủ lập tức triệu Vissakamma-vị Thiên thần chuyên xây dựng đến và bảo:
- Này Hiền giả Vissakamma, hãy xây cho thái thái tử Mahà-panàda một cung điện dài rộng nửa dặm và cao hai mươi lăm đặm, toàn bằng bảo ngọc.
Vissakamma liền giả dạng thợ hồ đi đến gần đám thợ kia bảo:
- Hãy đi ăn sáng xong rồi trở về đây.
Sau khi họ đi khuất cả rồi, vị ấy lấy cây gậy đập xuống đất, lập tức một cung điện hiện ra cao bảy tầng đúng kích thước như trên.
Bấy giờ triều đình cử hành liên tiếp ba đại lễ cho Thái tử Mahà-panàda: Lễ khánh thành cung điện, lễ giương chiếc lọng hoàng gia trên đầu chàng (lễ phong vương) và lễ thành hôn cho chàng. Trong thời gian hành lễ, toàn dân cả hai xứ tụ tập lại tổ chức hội hè yến tiệc suốt bảy năm mà vua cũng không giải tán quần chúng: xiêm y, đồ trang sức, đồ ẩm thực và mọi thứ khác hoàng gia đều cung cấp đầy đủ cả.
Sau bảy năm ấy, dân chúng bắt đầu càu nhàu than phiền và vua Suruci hỏi tại sao, họ đáp:
- Tâu Ðại vương, trong lúc chúng hạ thần mãi vui chơi hội hè đình đám thì bảy năm đã trôi qua. Thế khi nào thì lễ hội này mới chấm dứt?
Vua đáp:
- Này các hiền hữu, suốt thời gian qua, vương nhi chưa hề một lần nào cười cả. Vậy khi nào vương nhi cười thì ta sẽ giải tán.
Sau đó dân chúng đi đánh trống và tập hợp các người làm trò múa rối nhào lộn lại với nhau. Hàng ngàn người diễn trò kéo đến và chia nhau thành bảy ban ca múa, nhưng họ không thể nào làm vương tử cười được. Rõ ràng chàng là một người đã từng xem múa hát của các vũ thần chốn thiên đình rồi thì không thể nào ham thích được các vũ công hạ giới như thế này.
Sau đó hai tên hề múa rối lanh lợi xuất hiện, đó là Bhandu Kanna và Pandu Kanna tức Tai Cụt và Tai Vàng. Chúng tâu:
- Chúng tiểu thần sẽ làm cho hoàng tử cười.
Bhandu Kanna liền hóa phép ra một cây xoài vĩ đại, mà gã gọi là "Vô song địch", mọc lên trước cửa cung, sau đó gã ném ra một cuộn dây làm cho nó mắc vào một cành xoài rồi gã trèo lên cây xoài Vô song địch ấy.
Thời bấy giờ người ta bảo cây xoài Vô địch ấy là của Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Bọn nô lệ của thần Vessavana bắt lấy gã, như thường lệ, chặt ra từng khúc và thả xuống đất. Bọn người làm trò ảo thuật kia ghép các khúc đó lại và tưới nước lên. Gã đó liền choàng mớ xiêm y cả bên trong lẫn bên ngoài đều kết bằng hoa rồi đứng dậy bắt đầu ca múa như cũ. Ngay cái cảnh tượng kỳ dị này cũng không làm vương tử cười được.
Sau đó Pandu Kanna chất dầu củi đốt lửa lên trước sân chầu và nhảy vào lửa với đồng bọn múa rối ấy. Khi lửa tan hết, người ta tưới nước vào đó, Pandu Kanna cùng cả bọn lại vùng dậy ca múa với đủ xiêm y từ trong ra ngoài kết bằng hoa! Khi dân chúng thấy họ không thể làm cho vương tử cười được thì họ bực tức lắm.
Ðế Thích Thiên chủ nhận thấy việc này, liền phái xuống một vũ công trên trời, bảo vị ấy làm cho vương tử Mahà-panàda cười. Thế rồi vị ấy đứng lơ lửng giữa không gian trên sân chầu, và biểu diễn một điệu múa gọi là Vũ khúc Bán thân: chỉ một tay, một chân, một mắt, một răng nhảy múa rung rinh, lắc lư qua lại, còn mọi phần kia vẫn trơ như đá!
Khi Mahà-panàda thấy thế thì chàng hơi nhếch mép cười một chút thôi! Còn đám dân chúng đều cười rộ lên từng tràng dài, và không thể nào kềm chế chân tay được nữa, nên họ cứ lăn quay long lóc khắp cả sân rống. Thế là kết thúc hội hè! Phần còn lại:
Ðại đế Pa-nà, chúa đại hùng
Với cung bằng ngọc quý, vàng ròng...
Ðã được giải thích trong Thế Tôn Mahà Panàda (số 264, tập II, Chương III)
Vua Mahà Panàda chuyên tâm làm thiện sự và bố thí nên lúc mạng chung được sinh lên Thiên giới.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Như vậy, này các Tỷ-kheo, Visàkhà đã nhận được điều ước Ta ban thuở trước kia.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời bấy giờ, Bhaddaji là Mahà Panàda, Visàkhà là hoàng hậu Sumedha, Ànanda là Vissakamma và Ta chính là Ðế Thích Thiên chủ.
490. Chuyện năm vị hành trì trai giới (Tiền thân Pancùposatha)
Ta chắc giờ chim thiểu dục rồi...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về năm trăm cư sĩ giữ hạnh Bồ-tát giới.
Thời đó người ta nói là bậc Ðạo Sư ngồi trên bảo tọa dành cho đức Phật trong Chánh pháp đường, giữa tứ chúng, nhìn quanh hội chúng với từ tâm, Ngài thấy rằng hôm nay bài thuyết giảng sẽ quay về đề tài chuyện các nam cư sĩ. Sau đó Ngài hỏi hội chúng:
- Các nam cư sĩ có giữ hạnh trai giới (Bồ-tát) chăng?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Họ đáp.
- Lành thay, việc hành trì ngày trai giới là tập tục của các trí nhân tự thuở xưa: Ta bảo là các bậc trí tự ngàn xưa đã hành trì trai giới để nhiếp phục các tham dục.
Rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, có một khu rừng lớn ngăn chia vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) với hai vương quốc giáp giới nó. Bồ-tát sinh ra ở Ma-kiệt-đà trong một gia đình Bà-la-môn sang trọng. Khi ngài lớn lên, ngài từ bỏ các tham dục và đi vào rừng kia dựng lên một ẩn am và sống tại đó. Bấy giờ không xa nơi am thất ấy có một con Bồ câu rừng sống cùng chim mái, trong một tổ kiến kia có con Rắn, trong bụi rậm nọ có con Chó rừng làm hang ổ và trong một bụi rậm khác lại có con Gấu. Cả bốn con vật này thường đến viếng vị hiền nhân và nghe ngài thuyết Pháp.
Một ngày kia, Bồ câu cùng vợ rời tổ đi kiếm thức ăn. Chim mái bay sau, và khi nó đang bay, một con chim ưng thình lình chụp bắt lấy nó và tha đi. Nghe tiếng kêu thét của chim mái, chim trống quay lại nhìn và thấy chim ưng đang tha vợ nó đi! Chim ưng giết chết chim mái ngay khi nó đang kêu cứu và xé xác ăn ngay. Bấy giờ lòng chim trống nóng như lửa đốt vì thương tiếc chim mái phải bị chia lìa đột ngột với nó như vậy. Rồi chim suy nghĩ: "Ái dục này xâu xé lòng ta đau đớn quá sức chịu đựng; ta không còn muốn đi tìm mồi cho đến khi nào ta thấy được cách nhiếp phục nỗi đau". Thế là chim bỏ ngang việc kiếm ăn, bay đến tận nhà tu khổ hạnh kia, quyết tâm giữ hạnh nguyện nhiếp phục tham ái và nằm xuống một bên.
Con rắn cũng nghĩ rằng nó muốn kiếm ăn, nên bò ra khỏi lỗ và kiếm được chút gì đó trên lối nó bò đi gần một làng ở biên địa. Vừa lúc ấy, một con bò đực của người lý trưởng, một con vật tuyệt đẹp toàn màu trắng, sau khi gặm cỏ xong, quỳ mọp xuống gần một tổ kiến, lấy sừng hất tung đất lên để đùa chơi. Con Rắn kinh hoảng khi nghe tiếng móng bò sột soạt, phóng đến ẩn mình trong một tổ kiến. Con bò tình cờ giẫm lên Rắn, làm con Rắn tức giận cắn con bò và con bò chết tại chỗ. Khi dân làng khám phá ra con bò đã chết, họ đều vừa chạy vừa khóc than, đem cúng vòng hoa cho bò rất trọng thể rồi mới chôn nó xuống mồ và trở về nhà. Khi dân chúng đã đi hết, con Rắn bò ra và suy nghĩ: "Vì giận dữ, ta đã đoạt mạng sống của con vật này và đã gây bao đau buồn cho nhiều người. Ta chẳng còn muốn đi kiếm mồi bao giờ nữa, cho đến khi ta học được cách nhiếp phục sân hận". Vì thế nó quay đi về thảo am sĩ kia, và quyết giữ hạnh nguyện nhiếp phục sân hận, nó nằm xuống một bên.
Con Chó rừng cũng đi kiếm mồi và thấy một con voi đã chết. Nó vui mừng quá:
- Thức ăn nhiều lắm đây rồi!
Nó kêu lên và đi cắn một miếng vào thân voi, chẳng khác nào cắn vào một thân cây. Nó thấy chẳng thích thú gì cả nên cắn vào chiếc vòi cứ như thể là cắn vào hòn đá.
Nó thử cắn cái bụng - cũng như là cái thúng vậy, nên nó nhào vào đuôi voi - giống như cái bát sắt. Rồi nó chồm lên đít voi và ô kìa! Chiếc mông mềm như chiếc bánh sữa! Nó thích thú quá nên cứ ăn sâu vào trong. Rồi ở đó ăn mãi khi đói, còn khi khát thì uống máu voi. Khi nằm xuống nó trải phần trong ruột và ngực voi ra như cái giường để ngã lưng, nó suy nghĩ: "Ở đấy ta đã tìm được thức ăn uống và giường nằm rồi, vậy còn đi đâu làm gì nữa".
Thế là nó ở lỳ đó, lòng rất thỏa mãn, trong cái bụng voi và chẳng hề chui ra ngoài lần nào cả. Dần dần xác voi khô cứng dưới sức nắng gió, cái chỗ hở phía sau mông voi khép kín lại. Con chó rừng quằn quại bên trong mất dần máu thịt, thân thể võ vàng, song không tìm được cách thoát ra ngoài.
Rồi một ngày kia, có cơn bão rớt thình lình, cái lỗ hở ấy thấm nước và mềm ra bắt đầu hé miệng. Khi thấy khe hở, Chó rừng kêu lên:
- Lâu nay ta đã bị hành hạ quá nhiều, giờ đây ta phải thoát ra bằng lỗ này.
Rối nó đi ra lỗ đó bằng cái đầu trước tiên. Bấy giờ cái lỗ còn hẹp mà nó ra mau quá nên thân thể bầm dập và lông lá rụng xuống đất. Khi ra ngoài được rồi, nó trần trụi như khúc thân dừa, không còn một sợi lông nào nữa! Nó suy nghĩ: "À, vì tham ăn mà ta ta chịu nông nỗi cực khổ này. Ta chẳng bao giờ muốn đi ra kiếm mồi nữa cho đến khi ta học được cách chế ngự dục tham trong ta".
Sau đo, nó đi đến ẩn am kia, quyết giữ hạnh nguyện chế ngự dục tham và nằm xuống một bên.
Phần con Gấu ra khỏi rừng và vì lòng tham ăn thúc đẩy nó đi về phía làng biên địa của quốc độ Malla.
- Con Gấu đây này!
Toàn dân làng la to lên, họ bước ra trang bị đầy cung , gậy, giáo và nhiều thứ khác nữa, vây quanh bụi cây mà Gấu đang nằm. Nó thấy mình bị cả đám người vây quanh thì vụt chạy trốn đi. Vừa chạy vừa bị đám người ấy đánh cho một trận nhừ tử bằng cung gậy, về đến hang, nó bị dập đầu và chảy máu. Nó nghĩ thầm: ' À, chính vì lòng tham ăn thái quá đã gây cho ta mọi tai họa này. Thôi ta chẳng bao giờ muốn đi kiếm mồi cho đến khi học được cách nhiếp phục lòng tham ấy". Vì thế nó đi đến thảo am, quyết giữ hạnh nguyện nhiếp phục tính tham lam, và nằm xuống một bên.
Còn vị tu khổ hạnh này không thể phát khởi Thiền định được vì ngài vốn vẫn tràn đầy kiêu mạn về dòng dõi quý tộc của ngài. Một vị Ðộc Giác Phật, nhận thấy ngài đang bị ngã mạn chi phối, tuy vậy, vị này biết rõ ngài không phải là người tầm thường. Vị ấy suy nghĩ: "Người này sẽ thành bậc Chánh Giác, và ngay trong hiện kiếp này người ấy sẽ đạt Tối thắng trí. Ta muốn giúp người ấy nhiếp phục ngã mạn và khiến người ấy tụ tập các Thiền chứng".
Vì vậy trong khi ngài đang ngồi trong thảo am, vị Ðộc Giác Phật kia từ vùng thượng Tuyết Sơn đi xuống và an tọa trên một phiến đá của nhà tu khổ hạnh. Vị này bước ra thấy vị Phật ngồi trên sàn tọa của mình thì do lòng đầy kiêu mạn, ngài không tự chủ được nữa ngài bước lên búng ngón tay vào mặt vị kia và kêu to:
- Ðồ vô tích sự xấu xa kia, thật đáng nguyền rủa, quân giả dối trọc đầu, tại sao ngươi dám ngồi trên tọa sàng của ta?
Vị kia đáp:
- Bạch Thánh giả, tại sao ngài đầy lòng kiêu mạn thế kia? Ta đã đạt trí tuệ của một Ðộc Giác Phật, nên ta bảo cho ngài biết rằng ngay trong chính hiện kiếp này, ngài sẽ được hoàn toàn giác ngộ. Ngài đã đủ cơ duyên thành Phật! Khi ngài đã thành tựu Thập hạnh Ba-la-mật và sau một thời gian dài bằng thời kỳ đó trôi qua, ngài sẽ thành bậc Chánh giác, danh hiệu là Siddhatha.
Sau đó vị ấy mới cho ngài biết về danh tánh, dòng họ, gia tộc, các đệ tử, vân vân...và thêm:
- Vậy thì bây giờ tại sao ngài quá kiêu mạn và sân hận như vậy? Việc ấy không xứng đáng với ngài.
Ðó là lời khuyên của vị Ðộc Giác Phật. Nghe những lời này, nhà khổ hạnh chẳng nói gì nữa, cũng chẳng đảnh lễ vị kia, chẳng hỏi xem nơi đâu, bao giờ, và bằng cách nào mình sẽ thành Phật. Sau đó vị khách lại bảo:
- Ngài hãy học cách đánh giá dòng dõi của ngài và thần lực của ta qua việc này, nếu làm được thì hãy bay lên không như ta đây.
Nói vậy xong, vị này bay lên không hất tung bụi bám trên đôi chân mình vào cuốn tóc trên đầu nhà khổ hạnh, rồi lại trở về vùng thượng Tuyết Sơn.
Khi vị ấy đi rồi, lòng nhà khổ hạnh tràn ngập đau buồn. Ngài bảo:
- Ðó là một bậc Thánh, với tấm thân nặng như thế kia mà có thể bay qua không gian như một hạt bông bị gió cuốn! Một vị Ðộc giác Phật như vậy, mà ta chẳng hề hôn chân Ngài, vì ta đây kiêu mạn về dòng dõi của ta, nên cũng không hỏi Ngài xem bao giờ ta sẽ thành Phật. Cái dòng dõi này có làm gì được cho ta đã chứ? Trong thế giới này, cuộc sống thuần thiện chính là một cách thể hiện uy lực, còn lòng kiêu mạn của ta chỉ đưa ta đến địa ngục thôi. Vậy ta sẽ chẳng bao giờ đi kiếm trái rừng nữa, cho đến khi nào ta học được cách nhiếp phục lòng kiêu mạn của ta".
Sau đó ngài vào thảo am và quyết giữ hạnh nguyện nhiếp phục lòng kiêu mạn. Khi tĩnh tọa trên tấm đệm rơm. bậc trí giả quý tộc kia nhiếp phục được lòng kiêu mạn rồi làm phát khởi tâm Thiền định, tụ tập các Thắng trí và các Thiền chứng xong, liền bước ra ngồi trên phiến đá cuối mái hiên.
Lúc bấy giờ, chim Bồ câu và các con vật kia đứng lên đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên, bậc Ðạo Sư bảo Bồ câu:
- Các ngày kia chim chẳng hề đến đây vào giờ này, mà chim đi kiếm mồi. Vậy hôm nay chim giữ Trai giới đó chăng?
- Thưa Tôn giả, chính vậy.
Ngài hỏi:
- Tại sao thế?
Và ngài ngâm vần kệ đầu:
1. Ta chắc giờ chim thiểu dục rồi,
Nay Bồ câu chẳng muốn tìm mồi,
Tại sao đành chịu nằm thèm khát,
Sao nguyện theo Trai giới hỡi ngài?
Bồ câu đáp lời qua hai vần kệ:
2. Xin đầy tham đắm, cặp uyên ương
Ðùa giỡn quanh đây tựa phượng loan,
Ưng ác chụp nàng, bay biến mất,
Chia lìa duyên kiếp đã tan hoang!
3. Con biết niềm mất mát phủ phàng,
Bạo tàn, khốc liệt biết bao đường,
Con nhìn mọi vật, lòng đau đớn;
Vì thế con tìm đến náu nương
Nhờ giới hạnh, thề nguyền ái dục
Chẳng bao giờ trở lại lòng con.
Khi Bồ câu đã tán thán hành động của mình liên quan đến hạnh nguyện ấy, bậc Ðạo Sư lại hỏi câu đó với con Rắn và lần lượt các con vật kia. Mỗi con trong bọn chúng đều nêu lên sự việc như đã xảy ra:
Bồ-tát:
4. Vật ở cây, bò sát cuộn mình,
Ðầy răng nhọn hoắc, nọc truyền nhanh,
Rắn sao muốn giữ truyền Trai giới,
Sao đói khát cam chịu cố tình?
Con Rắn:
5. Con bò thôn trưởng thật oai hùng,
Dáng đẹp, lưng gù cứ chuyển rung,
Bò gầm lên, con hờn cắn nó,
Ðau đớn, bò chết ngã lăn đùng!
6. Dân làng mọi kẻ đổ ra đường,
Than khóc vì trông thấy tận tường,
Vì vậy con nương nhờ giới hạnh,
Thề sân hận chẳng trở về con.
Bồ-tát:
7. Xác chết, thức ăn quý sẵn đầy,
Nằm trong nghĩa địa rã tan thây,
Chó rừng, sao chịu đành thèm khát,
Sao lại thề tuân giới hạnh này?
Chó rừng:
8. Tìm được voi và thích thịt ngon,
Con vào bụng nó ở lỳ luôn
Song nhiều gió mạnh, trời gay gắt
Làm héo khô khe hở chó chun!
9. Tôn giả, con vàng võ, ốm gầy,
Vì không lối thoát, phải nằm đây,
Rồi cơn bão nọ bùng vang dội
Làm ướt, mềm đi ngã hậu này.
10. Ðể thoát ra, con chẳng chậm đâu
Như trăng thoát khỏi vuốt la-hầu,
Nên con chạy đến nhờ Trai giới,
Con nguyện tham tâm tránh chạy mau.
Bồ tát:
11. Ngài có thói xưa vẫn kiếm mồi
Nằm trên tổ kiến, Gấu Ông ơi,
Sao nay lại chịu nằm thèm khát,
Sao muốn thề nguyền Trai giới thôi?
Con Gấu:
12. Bỏ nhà vì quá đói trong lòng,
Con đến Mal-la, chạy vội vàng
Dân chúng trong làng đều đổ đến,
Dùng cung, gậy, chúng đánh hung tàn.
13. Mình con vấy máu, vỡ tan đầu,
Con chạy về nơi trú ẩn mau,
Vì vậy con nguyền theo giới hạnh,
Dục tham chẳng kéo đến ngày sau.
Như vậy cả bốn con vật đều tán thán hành động của chúng trong việc quyết tâm giữ hạnh Trai giới, xong vừa đứng lên đảnh lễ bậc Ðạo Sư, chúng vừa hỏi ngài câu này:
- Thưa Tôn giả, các ngày trước ngài ra đi kiếm trái rừng vào giờ này. Tại sao hôm nay ngài không đi, mà lại hành trì Trai giới?
Chúng liền ngâm vần kệ này:
14. Ðiều ấy, ngài mong muốn giải bày,
Mọi điều con biết, đã thưa thầy,
Song nay đến lượt mình, xin hỏi:
Tôn giả sao theo hạnh nguyện này?
Bồ tát:
15. Một vì Ðộc Giác Phật qua đây
Chốc lát trong am, đã giải bày
Mọi việc vãng lai, danh tiếng, hiệu,
Gia đình và đạo lộ sau này.
16. Ta không quỳ, bởi quá kiêu căng
Ở trước chân Ngài, chẳng hỏi han,
Vì thế, ta nương vào giới hạnh,
Ðể kiêu căng ấy chẳng đeo gần.
Bằng cách ấy, bậc Ðạo Sư giải thích việc hành trì hạnh nguyện của mình. Sau đó ngài thuyết giáo cho chúng, bảo chúng ra đi và ngài bước vào thảo am. Các con vật kia trở về chốn ở của mình. Bậc Ðạo Sư không hề gián đoạn tâm Thiền định nên được sinh vào cõi Phạm thiên. Còn các con vật ấy tuân hành lời thuyết giáo của ngài nên đã lên cộng trú đông đảo với Thiên chúng.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
- Như vậy, này các cư sĩ, giữ hạnh nguyện Trai giới là một tập tục của các bậc trí ngày xưa, và nay các ông phải biết hành trì.
Rồi ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Anuruddha (A-na-luật) là chim Bồ câu, Kassapa (Ca-diếp) là con Gấu, Mục-kiền-liên là Chó rừng, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là con Rắn, và Ta chính là nhà tu khổ hạnh kia.
-ooOoo-
491. Chuyện Ðại Khổng Tước (Tiền thân Mahà-Mora)
Bắt ta, bạn sẽ được ngàn vàng...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Bậc Ðạo Sư bảo vị Tỷ-kheo này:
- Có đúng như Ta nghe nói là ông đã thối thất chăng?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, quả đúng vậy.
Ngài liền nói:
- Này Tỷ-kheo, chẳng lẽ lòng tham muốn dục lạc này lại không đánh bại một người như ông sao? Trận cuồng phong hoành hành khắp núi Sineru (Tu-di) cũng chẳng nao núng trước một ngọn lá khô đâu. Ngày xưa tham dục này đã đánh bại các bậc thanh tịnh, là những vị đã lánh xa bảy ngàn năm khỏi mọi tham dục khởi lên trong tâm mình.
Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào bụng một con Công mái ở một vùng biên địa. Khi thai kỳ đã mãn, Công mẹ sinh trứng ở một nơi nó kiếm mồi và bỏ đi xa. Lúc bấy giờ trứng chim công khỏe mạnh chẳng bị tai nạn gì nếu không có những mối hiểm nguy từ loài rắn hay các loài bọ tai hại tương tự như thế.
Vì vậy cái trứng Công này có màu vàng óng như chồi cây Kanikara; khi nó đã đủ thuần thục thì tự nó nứt ra, và một con Công xuất hiện có màu vàng óng ánh, với con mắt như trái Gunja, chiếc mỏ màu san hô, và ba sọc đỏ chạy quanh cổ xuống đến giữa lưng. Khi chim lớn lên, thân mình to bằng chiếc xe đẩy của người bán hàng, trông thật đẹp mắt, nên cả đàn Công màu đen tụ tập lại chung quanh bầu chim Công này làm chim đầu đàn.
Một hôm chim Công đang uống nước trong hồ, nhìn thấy vẻ đẹp của mình liền suy nghĩ: "Ta đẹp nhất trong đám công. Nếu ta ở chung với chúng giữa mọi nẻo đường đời, ta sẽ gặp nguy hiểm. Ta muốn đi xa đến vùng Tuyết Sơn, và ở đó một mình tại một nơi vừa ý". Thế là về đêm, khi cả đàn công lui về nơi trú ẩn riêng biệt kín đáo, Công ra đi mà không ai biết, về phía khu vực Tuyết Sơn, sau khi băng qua ba rặng núi, Công vào ẩn thân tại rặng thứ tư. Ðây là khu rừng mà Công khám phá ra một hồ thiên nhiên rộng bát ngát phủ đầy hoa sen, không xa một cây đa cạnh một ngọn đồi, Công chúa đậu trên cành cây này. Trong lòng ngọn đồi này có một hang động kỳ thú, và vì muốn ở đó nên Công chúa đậu trên một vùng đất phẳng ngay trước miệng hang.
Lúc bấy giờ không ai có thể trèo đến chốn này được dù từ dưới lên hay trên xuống, cho nên nó tránh khỏi mọi nỗi lo sợ về chim muông, mèo rừng, rắn rít hay loài người. "Ðây là một nơi thích thú dành cho ta!" Công suy nghĩ. Hôm ấy Công ở đó và sáng hôm sau bước ra khỏi hang, Công đậu trên đỉnh đồi hướng về phía đông. Khi Công thấy mặt trời lên, Công tự vệ mình trong ngày sắp đến bằng cách đọc câu ca:
- Ngài đã hiện ra, đấng Toàn tri.
Sau đó Công đi kiếm mồi. Buổi chiều, Công lại trở về đậu trên đỉnh đồi hướng về phía Tây., và khi nhìn thấy mặt trời biến mất dạng, Công tự vệ mình trước màn đêm sắp buông xuống bằng cách đọc câu ca:
- Ngài đã lặn kia, đấng Toàn tri.
Bằng cách ấy cuộc đời Công cứ trôi qua (Xem lại Tiền thân số 159 tập II: Mora Jàtaka).
Song một hôm có người thợ săn ở trong rừng bất chợt thấy Công đang đậu trên đỉnh đồi ấy và trở về nhà. Khi lão sắp chết, lão bảo với con trai về chuyện ấy:
- Này con, trong rặng núi thứ tư của dãy kia, trong rừng có một con Công màu vàng ánh. Nếu nhà vua muốn có một con Công như vậy, thì con biết nơi kiếm nó rồi đấy.
Một ngày kia chánh hậu của vua Ba-la-nại tên là Khema, (Thái Hòa) nằm mộng về tảng sáng, và giấc mộng diễn ra như thế này: "Một con Công màu vàng óng đang thuyết Pháp và bà chăm chú nghe rất hoan hỷ. Khi Công đã thuyết Pháp xong liền bay lên ra đi, bà vội kêu to: "Kìa chúa Công đang chạy thoát, hãy bắt Công lại ngay!" Và trong khi bà thốt lên các lời này, bà liền thức dậy. Khi tỉnh lại, bà biết đó chỉ là giấc mộng, và suy nghĩ: "Nếu ta trình đức vua đó là cơn mộng, thì ngài sẽ chẳng quan tâm đến, song nếu ta bảo đó là niềm mong ước của một thai phụ thì ngài sẽ lưu ý ngay".
Thế là bà liền giả bộ làm như thể bà đang khao khát một thứ gì đó theo cách thông thường của một thai phụ, và nằm xuống. Nhà vua đến viếng bà và hỏi bà đau bệnh gì. Bà đáp:
- Thần thiếp đang có một niềm khát vọng.
- Ái khanh ao ước điều gì thế?
- Tâu Chúa thượng, thần thiếp ước ao nghe lời thuyết Pháp của một con chim Công màu vàng ánh.
- Song, này ái khanh, ta tìm đâu ra được một con chim như vậy?
- Như vậy thì, tâu chúa thượng, thần thiếp sẽ chết mất.
- Này ái khanh, đừng lo buồn chuyện ấy, nếu nơi nào có con chim như vậy thì nó sẽ được bắt về cho ái khanh.
Nhà vua an ủi bà như vậy rồi đi ra ngoài ngồi xuống hỏi các triều thần:
- Này các khanh, chánh hậu ao ước nghe bài thuyết giảng của một con chim Công vàng ánh. Vậy có loại Công vàng ánh ấy chăng?
- Tâu Chúa thượng, các Bà-la-môn biết chuyện đó.
Nhà vua hỏi các Bà-la-môn. Họ đáp như vậy:
- Tâu Ðại vương, theo những vần kệ nói về điềm lành của chúng thần, thì trong loài thủy tộc có cá rùa, cua, trong các loài thú rừng thì có hươu, nai, thiên nga, công, trĩ...các loài đó cùng loài người, đều có thể sinh ra với sắc vàng ánh.
Sau đó nhà vua triệu tập tất cả thợ săn trong quốc độ lại và hỏi họ có bao giờ từng thấy con Công váng ánh chưa. Bọn họ đều trả lời không, trừ người thanh niên đã được cha mách bảo cề chuyện ông ta đã thấy. Gã đáp:
- Chính hạ thần chưa thấy, song thân phụ hạ thần đã bảo cho thần biết một nơi có thể tìm ra một chúa Công vàng ánh.
Nhà vua liền bảo:
- Này hiền hữu, đây là chuyện sống chết của trẫm và chánh hậu; vậy hãy cố bắt lấy Công ấy đem về đây.
Nhà vua cho gã thật nhiều tiền bạc và bảo gã ra đi.
Gã ấy đem tiền về cho vợ con rồi đi đến nơi kia gã thấy bậc Ðạo Sư, gã đặt bẫy bắt ngài. Mỗi ngày gã tự nhủ thầm là chắc chắn sẽ bắt được chim Công; tuy nhiên gã chết đi mà chẳng bắt được Công ấy. Rồi chánh hậu cũng từ trần mà không thỏa tâm nguyện. Nhà vua nổi trận lôi đình và ngài phán:
- Ái hậu của trẫm đã qua đời vì chim Công này.
Rồi nhà vua truyền lệnh chép câu chuyện ấy vào một phiến bằng vàng kể rằng trong rặng thứ tư của khu vực Tuyết Sơn có con chim Công vàng sống ra sao, hễ ai ăn được thịt nó sẽ trường xuân bất tử. Nhà vua đặt phiến vàng ấy trong kho báu và sau đó qua đời.
Kế vị vua ấy, một vua khác lên ngôi, đọc lời lẽ câu chuyện ghi trên phiến vàng nên ước mong được trường xuân bất tử, liền cho người thợ săn đi bắt chim Công; song nhà vua ấy cũng chết trước khi mãn nguyện giống như vua kia.
Cùng cách ấy, sáu vị vua kế tiếp qua đời và sáu người thiện xạ chết đi mà không được kết quả gì ở khu vực Tuyết Sơn cả. Song người thợ săn thứ bảy, được nhà vua thứ bảy phái đi, không thể nào bắt được chim suốt bảy năm liền mặc dù mỗi ngày gã đều mong đợi chuyện ấy, nên bắt đầu suy nghĩ không biết tại sao lại không thể bắt được đôi chân chim sa vào bẫy.
Vì thế gã ngắm nghía chim, thấy chim cầu nguyện để được phù hộ mỗi buổi sáng tối đều đặn, và gã lý luận về trường hợp này như sau: "Không có con chim Công nào khác ở vùng này, rõ ràng đây đúng là chim Công sống đời thanh tịnh. Chính uy lực đời sống thanh tịnh của chim ấy cùng uy lực của thần chú hộ mệnh đã khiến cho đôi chân chim không bao giờ sa vào bẫy của ta được". Khi kết luận như vậy rồi, gã đi đến vùng biên địa bắt một con công mái, mà gã luyện cho nó hót tiếng gáy mỗi khi gã búng tay, và xòe cánh múa mỗi khi gã vỗ tay.
Gã đem chim mái trở về, rồi đặt bẫy trước khi Bồ-tát đọc thần chú hộ mệnh, gã búng tay và làm cho công mái gáy. Công trống nghe tiếng gáy ấy lập tức ác dục đã ngủ yên suốt bảy ngàn năm, bỗng vùng dậy như con rắn hổ mang giương mào lên khi bị đánh. Bị ác dục làm cho mê muội, chim Công không thể nào đọc thần chú hộ mệnh nữa, mà vội vàng bay về phía chim mái, từ trên không chim hạ cánh xuống đặt đặt đôi chân ngay vào bẫy: chiếc bẫy kia suốt bảy ngàn năm chẳng đủ uy lực bắt chim, nay đã kẹp chặt lấy chân chim thần.
Khi người thợ săn thấy chim nằm tòn teng ở cuối sợi dây, gã nghĩ thầm: "Sáu người thợ săn trước đã không thể bắt được chim Công chúa này và trong bảy năm liền ta cũng không bắt được nó. Nhưng hôm nay, ngay khi chim đâm si tình chim mái, thì nó không đọc thần chú được, nên sa vào bẫy và bị bắt, nó đang nằm tòn teng với cái đầu lộn ngược kia kìa. Ôi sinh vật mà ta đã làm hại kia thật là đức hạnh! Nếu ta giao một linh vật như vậy cho một người khác chỉ vì bị mua chuộc tiền bạc thì thật là không xứng đáng: Danh vọng của vua chúa có nghĩa gì đối với ta đã chứ? Ta muốn thả chim ấy bay đi".
Nhưng rồi gã lại nghĩ: "Ðó là một thần điểu kỳ dị phi thường, nếu ta đến gần nó, nó sẽ tưởng ta đến để giết nó, nó sẽ lo sợ cho tính mạng của mình mà vùng vẫy, thì có thể gãy chân hay cánh. vậy ta không muốn đến gần nó, mà chỉ đứng ẩn mình và cắt đứt cái thòng lọng bằng một mũi tên bắn ra. Sau đó chim muốn đi đâu tùy ý". Thế là gã đứng ẩn mình, giương cung lên, lắp một mũi tên vào dây và kéo ra sau.
Bấy giờ chim Công trống suy nghĩ: "Người thợ săn này đã làm ta mê mệt vì ái dục, và khi thấy ta bị sa bẫy rồi lại không còn quan tâm đến ta nữa. Gã ấy ở đâu kìa?" Chim Công cứ nhìn hướng này hướng nọ, và thấy người kia đứng với cây cung sẵn sàng bắn. "Chắc chắn gã muốn giết ta rồi ra đi". Chúa Công suy nghĩ và sợ chết nên ngâm vần kệ đầu xin tha mạng:
1. Bắt ta, bạn sẽ được ngàn vàng,
Bắt sống, xin đừng bắn bị thương,
Van bạn đem ta về chúa thượng,
Chắc ngài sẽ thưởng thật giàu sang.
Nghe vậy, người thợ săn suy nghĩ: "Ðại khổng tước này tưởng ta sắp bắn nó bằng mũi tên đây. Ta phải trấn an nó mới được". Vì mục đích ấy, gã ngâm vần kệ thứ hai:
2. Trên cung, ta chẳng ráp tên này
Ðể bắn chim, Công chúa, ở đây
Ta muốn cắt dây thòng lọng ấy
Ðể chim tùy ý, hãy xa bay!
Nghe lời này, chim Công chúa đáp qua hai vần kệ:
3. Bảy năm theo đuổi, thợ săn này,
Ðói khát, bạn cam chịu tháng ngày,
Bạn muốn gì, nay ta mắc bẫy,
Vì sao muốn thả để ta bay?
4. Hiển nhiên mọi vật được an lành,
Bạn nguyện từ đây bỏ sát sinh,
Mắc bẫy thân ta, tuy thế bạn
Muốn ta được thả để bay nhanh!
Thọ săn tiếp theo:
5. Khi người từ bỏ sát quần sinh,
Nhờ nó, muôn loài thoát hãi kinh,
Phước đức nào đời sau sẽ đến,
Việc này, Khổng tước đáp cho mình.
Công chúa:
6. Nhờ nó muôn loài thoát hãi kinh
Khi người thề chẳng sát quần sinh,
Ðời này nó được nhiều ca ngợi,
Thiên giới, đời sau hưởng phước lành.
Thợ săn:
7. Nhiều người nói chẳng có Thiên thần,
Cực lạc, đời này có thể mang;
Sinh quả dữ lành ngay hiện tại;
Vì nhiều bậc Thánh đã cho rằng:
Thi ân là việc đầy ngu xuẩn,
Vì thế tôi thường đánh bẫy săn
Chim thú, giờ đây tôi muốn hỏi:
Lời kia xứng đáng để tin chăng?
Lúc ấy bậc Ðạo Sư quyết định giảng cho người này biết quả thực có đời sau, nên trong lúc ngài đang nằm lủng lẳng ở cuối sợi dây, đầu lộn ngược xuống đất, ngài ngâm vần kệ:
8. Ðôi vầng nhật nguyệt rõ ràng ràng
Ði khắp trời cao tỏa sáng quang;
Người gọi là gì nơi hạ giới,
Thuộc về cõi khác hoặc trần gian?
Người thợ săn ngâm vần kệ đáp lại:
9. Rõ ràng nhật nguyệt thấy đôi vầng
Ði khắp trời cao, tỏa ánh quang;
Chúng chẳng thuộc về nơi hạ giới,
Mà về cõi khác: miệng người trần.
Lúc ấy bậc Ðạo Sư bảo gã:
10. Vậy chúng đều sai lạc cả bầy,
Những người gian dối nói như vầy!
Chẳng vì duyên cớ gì đi nữa
Lại bảo chỉ riêng thế giới này
Mang nghiệp quả lành hay quả dữ,
Còn xem bố thí việc ngu thay!
Trong khi bậc Ðạo Sư nói, người thợ săn suy nghĩ rồi ngâm hai vần kệ:
11. Ðiều này ngài nói quả là chân,
Sao có người kia lại bảo rằng:
"Bố thí không mang về kết quả?
Rằng đây, ngay ở cõi phàm trần.
Người ta gặt quả lành hay dữ,
Bố thí là công việc độn đần?"
12. Cách nào nên sống, phải làm gì?
Thánh đạo là đâu, phải bước đi?
Công chúa, xin ngài cho lão biết,
Pháp môn khổ hạnh phải hành trì,
Cầu mong lão được chim Công chúa
Cứu khỏi chim vào địa ngục kia!
Khi nghe vậy, bậc Ðạo Sư suy nghĩ: "Nếu ta giải đáp vấn đề này cho gã, thì cả thế giới này đối với gã thành ra trống rỗng và hư vọng. Lần này ta sẽ nói cho gã biết bản chất của các Thánh giả Bà-la-môn chân chính". Với ý định trên, ngài ngâm hai vần kệ:
13. Người truyền khổ hạnh ở trần gian,
Chằng ở nhà đâu, đắp áo vàng,
Sáng sớm đi ra đường khất thực,
Không đi chiều tối: chính hiền nhân.
14. Ðúng thời thăm các thiện nhân vầy,
Bạn sẽ vui lòng, dẫu hỏi ai
Giải vấn đề, vì chư vị biết
Cõi trên kia với cõi đời náy.
Khi nói như vậy ngài muốn cho kẻ kia phải biết kinh sợ cảnh giới địa ngục. Còn người ấy đã đạt đến tri kiến viên mãn của một vị Ðộc Giác Phật, vì người ấy đã sống đến độ tri kiến sắp thành thục, như búp hoa sen tròn đầy sung mãn đợi chờ các tia nắng chiếu vào. Trong lúc người thợ săn nghe bài thuyết Pháp của ngài, ngay tại chỗ người ấy đang đứng, người ấy hiểu lập tức mọi yếu tố cấu tạo nên các vật hữu hình (tứ đại), thấu suốt cả ba đặc tính căn bản của chúng (đó là: vô thường, khổ, vô ngã) và thâm nhập tri kiến của một Ðộc Giác phật. Tri kiến trên của vị này cùng với việc giải thoát bậc Ðạo Sư khỏi cái bẫy kia xảy ra cùng một lúc. Vị Ðộc giác Phật, sau khi đã đoạn diệt mọi dục tham của mình, đang đứng trên bờ sinh tử cuối cùng, liền thốt lên cảm thán nguyện trong vần kệ này:
15. Như rắn lột quăng lớp vỏ tàn,
Lá khô cây trút lúc xanh dần,
Hôm nay ta bỏ nghề săn bắn,
Mãi mãi xa lìa nghiệp thợ săn.
Sau khi thốt lên ý nguyện cao cả của mình, vị ấy suy nghĩ: "Ta vừa được giải thoát khỏi các dây trói buộc của ác dục; song ở nhà ta còn rất nhiều chim đang bị giam cầm, vậy làm thế nào ta giải thoát cho chúng đây?" Vì thế vị ấy hỏi bậc Ðạo Sư:
- Tâu Khổng tước Ðại vương, ta còn giam cầm nhiều chim tại nhà, làm sao ta giải thoát cho chúng được?
Lúc bấy giờ Bồ-tát là bậc toàn tri, có tri kiến tinh thông mọi đường lối và phương tiện hơn cả một vị Ðộc Giác Phật, nên ngài bảo:
- Khi ngài đã phá vỡ sức chi phối của tham dục và thâm nhập tri kiến của một vị Ðộc Giác Phật, nhờ lẽ đó ngài hãy tuyên thệ điều Chân lý, thì trong toàn cõi Diêm phù-đề sẽ không còn sinh vật nào bị giam cầm nữa cả.
Sau đó, vị kia vừa đi vào bằng cánh cửa mà Bồ-tát mở ra như vậy, vừa ngâm vần kệ này tuyên thệ một hành động Chân lý:
16. Tất cả chim nào ta đã giam
Trong nhà, ta có đến hàng trăm,
Nay ta trả cuộc đời cho chúng
Về tổ, bầy chim được thoát nạn.
Lúc ấy, nhờ hành động Thề nguyền Chân lý kia, dù đã muộn, tất cả bầy chim cũng được thoát cảnh giam cầm, ríu rít líu lo bay về tổ của mình. Cùng lúc ấy, khắp cõi Diêm-phù-đề tất cả mọi sinh vật đã bị bắt đều được thả tự do, không còn con vật nào sót lại trong cảnh giam cầm cả, dù chỉ là con mèo.
Vị Ðộc Giác Phật ấy giơ tay lên vừa xoa trán mình, lập tức các dấu vết của dòng họ cũ biến mất và dấu hiệu của bậc tu hành xuất hiện vào chỗ ấy. Lúc bấy giờ, vị này trông giống như một Trưởng Lão Tỳ kheo đã sáu mươi tuổi, đắp y đầy đủ, mang tám vật cần thiết (bình bát, ba y, đai lưng, dao cạo, cây kim và cái lọc nước), cung kính đảnh lễ chim Công chúa, và đi diễu quanh ngài, thân hướng về phía hữu, rồi bay vụt lên không gian đến tận một hang động trên đỉnh núi Nanda. Chúa chim Công cũng bay ra khỏi cái bẫy, kiếm mồi và trở về chốn ở của mình.
*
Vần kệ cuối cùng do bậc Ðạo Sư ngâm kể chuyện suốt trong bảy năm trời người thợ săn quanh quẩn với chiếc bẫy trong tay và sau đó được giải thoát khỏi khổ đau nhờ chim Công chúa như thế nào:
17. Thợ săn xuyên suốt khắp rừng cây
Tìm kiếm chúa Công, bẫy dưới tay,
Ðã giải thoát đau cho Khổng tước
Khi vừa bị bắt, giống Ta đây.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất kia đã đắc Thánh quả (A-la-hán).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Ta là chim Công chúa kia.
-ooOoo-
492. Chuyện lợn rừng của thợ mộc (Tiền thân Taccha-Sùkara)
Lang thang tìm kiếm khắp xa gần...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về hai Trưởng lão.
Người ta đồn rằng khi vua Mah Kosala (Ðai vương xứ Kiều-tát-la) gả con gái cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa), ngài đã chia phần nàng một ngôi làng ở Kàsi để nàng lấy tiền mua dầu thơm tắm gội. Sau khi vua Ajàtasattu (A-xà-thế) sát hại vua cha (Tần-bà-sa), thì vua Pasennadi (Ba-tư-nặc), con của vua Mahà-Kosala phá hủy ngôi làng ấy. Trong các trận chiến xảy ra giữa hai nước về chuyện này, ban đầu chiến thắng thuộc về Ajàtasattu (A-xà-thế). Còn vua Kosala thua trận liền hỏi các vị quân sư:
- Ta lập mưu gì để bắt A-xà-thế được chăng?
Các vị ấy đáp:
- Tâu Ðại vương, Tăng chúng có đại tài về thần chú. Hãy phái sứ giả đến hỏi ý kiến của Tăng chúng tại tinh xá.
Vua đồng ý việc này. Vì thế vua truyền quân hầu tới, bảo họ đi đến đó, ẩn mình ở nơi kín, để nghe lóm câu chuyện giữa Tăng chúng.
Bấy giờ tại Kỳ Viên có một số đại thần của nhiều vua chúa, đã từ giã thế tục xuất gia. Hai người trong đám ấy là hai Trưởng lão, sống trong môt thảo am ở bên ngoài tinh xá, một vị tên là Trưởng lão Dhanuggaha-tissa, vị kia là Trưởng lão Mantidatta. Hai vị đã ngủ suốt đêm, và thức dậy khi vầng đông vừa hé.
Trưởng lão Dhanuggaha-tissa bảo, trong khi nhóm lửa:
- Thưa Hiền giả Tỷ-kheo Datta.
- Thưa vâng, Hiền giả bảo gì?
- Hiền giả đang ngủ chăng?
- Thưa không, tôi không ngủ. Ta phải làm gì bây giờ?
- Này, vua Kosala thật là một kẻ ngu ngốc bẩm sinh, vua ấy chỉ biết một chuyện là ăn cả đống thức ăn tạp nhạp.
- Thưa Hiền giả muốn nói gì thế?
- Vua ấy đã để cho vua Ajàtasattu đánh bại, mà Ajàtasattu có hơn gì con giun trong bụng vua ấy đã chứ?
- Vậy thì vua ấy phải làm gì đâ?
-Này Trưởng lão Datta, Hiền giả phải biết có ba cách bày binh bố trận: bày binh hình Chiếc xe, bày binh hình Bánh xe, và bày binh hình Hoa sen. Chính là cách bày binh hình Chiếc xe ấy, vua kia phải sử dụng để bắt Ajàtasattu. Vua ấy phải bố trí các dũng sĩ hai bên cạnh mình trên đỉnh đồi, rồi dàn đạo binh chính yếu ra trước mặt trận: một khi vua kia lọt vào giữa rồi và vừa nhảy ra vừa hét lớn, thì họ bắt ngay vua kia như cá nằm trong giỏ. Ðó là cách bắt Ajàtasattu đấy.
Cả đám sứ giả này nghe hết mọi chuyện đó và trở về tâu trình với vua mình, vua lập tức đem một đạo quân lớn ra, bắt được Ajàtasattu làm tù binh và trói lại bằng các dây xích xiềng. Sau khi trừng phạt như vậy vài ngày, vua này thả vua kia ra, khuyên không nên làm chuyện như trước nữa, và để an ủi vua Ajàtasattu , vua lại đem chính con gái mình là công chúa Vajirà gả cho vua Ajàtasattu rồi tiễn đưa về nước rất trọng thể.
Giữa Tăng chúng có lời bàn tán chuyện này rất nhiều:
- Ajàtasattu đã bị vua Kosala bắt sống theo lời chỉ dẫn của Trưởng lão Dhanuggaha-tissa.
Tăng chúng cũng đàm luận việc này tại Chánh pháp đường và khi bậc Ðạo Sư đi vào, Ngài hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Tăng chúng trình với ngài. Sau đó ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu Dhanuggaha-tissa biểu lộ tài nghệ về chiến lược đâu.
Và ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ có một người thợ mộc sống trong ngôi làng gần cổng thành Ba-la-nại, đi vào rừng đốn củi. Ông tìm được một con Lợn rừng đực rớt xuống hố, liền đem về nhà nuôi nấng và đặt tên là Lợn rừng của Thợ mộc. Con Lợn rừng trở thành tên đầy tớ của ông. Nó nhổ bật cây cối lên bằng chiếc mõm và đem về nhà cho ông, nó buộc cái dây đo đạc quanh mũi nó và kéo lê đi, rồi tìm thấy cái rìu, cái đục, cái vồ ngậm trong miệng.
Khi Lợn rừng khôn lớn, nó thành một con vật lực lưỡng dị thường, người thợ mộc thương yêu nó như con ruột mình, và sợ có ai làm hại nó, nên thả nó vào rùng. Con Lợn rừng suy nghĩ: "Ta không thể sống một mình bơ vơ trong rừng này. Nếu ta kiếm bà con và ở với chúng chẳng hay lắm sao?" Vì thế nó tìm bầy lợn khắp rừng cây, cho đến khi gặp được cả đàn, nó rất vui mừng, liền ngâm ba vần kệ:
1. Lang thang tìm kiếm khắp xa gần
Ðồi núi chung quanh, các khóm rừng,
Thơ thẩn ta đi tìm quyến thuộc,
Kìa! Ta tìm thấy đám thân bằng!
2. Ðây, củ quả rừng phong phú sao
Với kho thực phẩm thật đồi dào!
Núi đồi khe suối xinh tươi quá,
Sống ở đây đời đẹp biết bao!
3. Ta sống đây toàn quyến thuộc thân,
Hưởng thư nhàn, chẳng phải băn khoăn,
Cũng không lo lắng và kinh hãi,
Dù chuyện gì do phía địch quân.
Bầy Lợn rừng kia nghe vần kệ này liền đáp lời qua vần kệ thứ tư:
4. Cừu địch là đây! Ở chốn nào,
Xin tìm đường lối ẩn thân vào,
Nó thường giết hại, này Thợ mộc,
Lợn đẹp nhất đàn, loại tối cao!
Hỏi:
5. Kẻ thù các bạn ấy đâu đây?
Nói thật cho ta, hạnh ngộ thay!
Kẻ giết họ hàng, ai đó vậy?
Dù là chưa giết trọn luôn bầy.
Ðáp:
6. Ðó chính là vua của thú rừng!
Với răng để cắn, sọc đen vằn,
Ấy là mãnh thú oai hùng quá,
Thường giết lợn uu tú nhất đàn!
Hỏi:
7. Thân thể ta tàn hết lực chăng?
Thế sao ta lại chẳng nhe răng?
Nếu ta chung sức thì nhờ vậy
Ta sẽ thắng ngay chú Cọp vằn!
Ðáp:
8. Lời nói này nghe tuyệt diệu thay!
Tượng công, ta thích nói như vầy,
Ðừng cho chú lợn nào đi trốn,
Hoặc bị giết sau trận đấu này.
Bấy giờ Lợn rừng của Thợ mộc đã làm cho cả đàn lợn đồng tâm nhất trí, liền nói:
- Khi nào Cọp sẽ đến?
- Hôm nay nó đã đến sớm và bắt mất một con lợn rồi, ngày mai nó lại sẽ đến sớm đấy.
Lợn rừng rất thiện chiến và biết lợi thế để tấn công, vì vậy có thể đạt được chiến thắng. Lợn rừng nhìn quanh tìm một nơi, bảo cả đám ăn uống khi đêm chưa đến, rồi tảng sáng hôm sau nó giải thích cho cả đàn nghe cách giàn binh gồm ba kiểu: đội hình theo Chiếc xe,v.v...
Sau đó, nó giàn binh hình Hoa sen theo cách trên. Ở giữa nó đặt bầy lợn con đang còn bú, chung quanh là mẹ chúng, kế đó là bầy lợn cái không sinh sản, kế nữa là một vòng gồm các lợn mới lớn mập mạp, tiếp đến là bầy Lợn có răng nanh mới nhú, tiếp nữa là bầy lợn có răng nanh đã lớn, cón đám lợn rừng đực già cả ở ngoài cùng. Rồi nó bố trí những tiểu đội chừng mười, hai mươi, ba mươi quân rải rác đây đó. Nó lại bảo chúng đào cho chính nó một cái hố và một hố cho con Cọp rơi vào có hình rổ sàng: giữa hai hố đó có để một dãi đất nhỏ cho nó đứng. Sau đó nó cùng đám lợn đực thiện chiến hùng dũng đi khắp nơi khích lệ cả đàn.
Trong khi nó bận rộn như thế thì mặt trời mọc. Con Cọp vừa ra khỏi vùng thảo am của một nhà khổ hạnh giả danh và xuất hiện trên đỉnh đồi. Bầy lợn rừng kêu to:
- Thưa Chúa công, kẻ thù của ta đã đến.
Lợn rừng bảo:
- Ðừng sợ, hễ nó làm gì, các bạn cứ làm lại hệt như thế.
Con Cọp rùng mình thật mạnh, làm như thể sắp đi, rồi tiểu tiện, bầy lợn cũng làm theo như thế. Con Cọp nhìn bầy lợn rừng và gầm một tiếng thật lớn, bọn chúng cũng làm y như vậy. Nhìn thái độ của chúng, con Cọp nghĩ thầm: "Chúng có vẻ thay đổi, hôm nay chúng đối diện ta như một đám kẻ thù trong hàng ngũ chỉnh tề, chắc có một tên thiện chiến nào đó đã tập hợp chúng lại đây; ta không nên đến gần chúng hôm nay". Vì sợ chết, Cọp cụp đuôi chạy vội về nhà tu hành giả mạo kia và vị này, khi thấy con Cọp đi về tay không, liền ngâm vần kệ thứ chín:
9. Cọp thề bỏ giết mọi loài chăng?
Cọp đã cho muôn vật vạn toàn,
Chắc hẳn hàm răng không bén nữa,
Ðàn heo đã gặp, lại xin ăn?
Nghe thế, Cọp ngâm ba vần kệ đáp lời:
10. Răng của ta không cắn được rồi,
Sức ta đà kiệt quệ mà thôi,
Cùng nhau, chúng đứng toàn huynh đệ,
Vì thế ta phiêu bạt lẻ loi.
11. Xưa, chúng ngược xuôi, bại tẩu nhanh,
Tìm hang tháo chạy, phách hồn kinh,
Nhưng nay chúng rống, vòng vây chặt,
Vô địch, đấu tranh giáp mặt mình!
12. Bây giờ chúng thỏa thuận đồng tâm,
Chúng đã bầu lên một tướng quân,
Chúng hại thân này khi hiệp lực,
Nên ta thấy chúng, cũng không cần!
Nghe lời này, nhà tu khổ hạnh giả hiệu đáp lời qua vần kệ sau:
13. Diều hâu đơn độc giết đàn chim,
Chiến thắng La thần bởi Ðế thiên,
Khi mãnh hổ nhìn bầy dã thú,
Lựa con đẹp nhất, giết êm liền!
Sau đó Cọp ngâm kệ:
14. Chẳng diều, chẳng hổ, chúa sơn lâm,
Thiên chủ, làm sao đủ lực thần
Khống chế cả bầy heo đánh Hổ,
Họ hàng hiệp lực để tranh hùng!
Nghe vậy, vị tu hành giả hiệu lại ngâm hai vần kệ để thúc giục nó:
15. Con chim bé bỏng phủ đầy lông,
Bay nhảy từng đàn lũ thật đông,
Tụ tập trên cao thành đám lớn,
Cùng nhau lướt nhẹ khoảng trời không.
16. Một mình đáp xuống, chú diều hâu,
Trong lúc cả bầy chúng giỡn nhau,
Tàn sát chúng ngay như ý muốn,
Ðó là cách Hổ phải theo mau!
Nói xong, ông còn khuyến khích Cọp thêm:
- Này Cọp chúa, ngài chưa biết oai lực của ngài đâu. Chỉ một tiếng gầm, một bước phóng mình thôi, là ta dám chắc không sống sót đến hai con lợn nữa đấy!
Con Cọp làm theo đúng như vậy.
*
Bạc đạo Sư ngâm kệ để làm sáng tỏ vấn đề này:
17. Với con mắt ác độc thèm ăn,
Cọp tưởng lời này quả thật chân,
Can đảm mồm nhe răng nhọn hoắc,
Nhảy vào đám lợn cũng đầy răng!
Vậy là con Cọp quay trở lại và đứng một lát trên đồi. Bầy lợn rừng báo cho Lợn rừng của Thợ mộc biết rằng con cọp lại đến, Lợn rừng bảo:
- Ðừng sợ!
Lợn trấn an chúng và đến đứng bên bờ giữa hai cái hố. Cọp phóng nhanh về phía chú Lợn rừng. Song lợn rừng lăn quay vào hố đầu tiên. Cọp không kiềm hãm được sức phóng của nó, cũng ngã gọn vào trong cái hố có hình như cái sàn quạt lúa. Lập tức lợn rừng nhảy lên đâm sâu răng nanh vào sườn Cọp thấu tận tim nó ra, nhét nó vào hố bên kia, và kêu to:
- Ðó, cứ ăn thịt tên khốn kiếp đi!
Con lợn nào đến trước được ăn thịt cọp thỏa thê, những con đến sau cứ đi quanh mà hỏi:
- Này, thịt Cọp mùi vị ra sao đó?
Lợn rừng của Thợ mộc nhảy ra khỏi hố nhìn quanh cả bọn và hỏi:
- Nào, các bạn chẳng thích thịt đó sao?
Song bọn kia đáp:
- Tâu Chúa công, Chúa công đã trừ được Cọp, đó mới là một tên, tuy thế còn một tên nữa nguy hiểm gấp mười lần Cọp ấy!
- Xin nói rõ đó là ai thế?
- Một vị tu khổ hạnh giả hiệu thường ăn thịt mà Cọp kia vẫn đem đến.
- Vậy thì ta sẽ đi bắt nó mau lên!
Thế là cả bọn cùng ra cùng đi.
Bấy giờ vị khổ hạnh giả hiệu kia đang trông ngóng ra con đường, chờ mong Cọp đến từng phút. Song vị ấy có thấy gì ngoài bầy lợn rừng đâu!- "Chúng đã giết Cọp rồi, chắc thế, và nay chúng lại đến giết ta!" Vị ấy vội chạy trốn và leo lên một cây sung dại. Bầy lợn rừng báo cho chủ tướng:
- Nó đã leo lên cây rồi!
- Ðược lắm, chúng ta sẽ bắt nó tức thì!
Lợn rừng bảo bầy lợn con ủi đất ra khỏi rễ cây, và bầy lợn cái hút thật nhiều nước trong mõm đem về, cho đến khi đứng trơ trụi tận gốc rễ. Sau đó, lợn rừng bảo bọn kia lui ra rồi chú quỳ xuống lấy răng nanh đâm vào rễ cây, chú cắt ngang cả rễ như cái rìu vậy, cây liền ngã xuống song người kia chẳng bao giờ đặt chân xuống đất được, vì đã bị chúng xé tan từng mảnh mà ăn thịt trên đường về.
Vừa chứng kiến việc kỳ diệu hy hữu này, vị Thần cây vừa ngâm kệ:
18. Bạn bè hiệp lực tựa cây rừng
Ðó thật là quang cảnh đáng mừng,
Bầy lợn hợp quần, làm nhiệm vụ
Giết ngay Cọp chúa trọn thành công.
*
Và bậc Ðạo Sư ngâm một vần kệ nữa nói về cách cả hai con người và vật này bị tiêu diệt như thế nào:
19. Bầy lợn thế là đã diệt tan
Bà-la-môn với Cọp đen vằn,
Rồi gầm thét, chúng la vang dội
Trong nỗi lòng vui sướng ngập tràn.
Lần nữa, lợn rừng lại hỏi:
- Thế các bạn còn kẻ thù nào nữa chăng?
- Tâu Chúa công, không.
Sau đó chúng đề nghị làm lễ phong vương quán đãnh cho lợn rừng. Chúng liền đi tìm nước. Khi thấy vỏ ốc mà vị ẩn sĩ giả hiệu ấy dùng để uống, đó là chiếc vỏ sò rất quý với hướng xoắn ốc về phía hữu, chúng liền đổ đầy nước vào vỏ sò, và làm lễ phong vương cho lợn rừng của người Thợ mộc ngay dưới gốc cây sung ấy và tại đó, nước dùng làm lễ quán đảnh được rảy lên đầu lợn rừng. Một ả Lợn cái son trẻ được chúng bầu làm vương phi. Từ đó xuất hiện một phong tục còn thịnh hành mãi cho đến nay, là khi làm lễ tấn phong cho một vị vua, quân thần đặt vua lên ngự trên một chiếc ngai bằng gỗ sung và rảy nước lên một cái vỏ ốc có đường xoắn hướng về phía hữu, đó là một vật rất hiếm và đắt giá, chỉ dùng cho lễ phong vương.
*
Bậc Ðạo Sư cũng giải thích việc này bằng cách ngâm vần kệ cuối cùng:
20. Bầy heo ở dưới gốc sung rừng
Ðổ nước thánh đầy để tấn phong
Chú Lợn rừng con người Thợ mộc,
Ðồng hô: "Chúa tể của thần dân!"
*
Khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:
- Không đâu, này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Trưởng lão Dhanuggaha-tissa chứng tỏ mình có tài tinh thông chiến lược, mà trước kia cũng vậy.
Cùng với những lời này, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) là vị khổ hạnh giả danh, Dhanuggatta-tissa là Lợn rừng của thợ mộc và Ta chính là thần cây.
-ooOoo-
493. Chuyện vị đại thương nhân (Tiền thân Mahà-Vànija)
Từ nhiều quốc độ, các thuơng nhân...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một đám thương nhân sống ở Xá-vệ.
Tương truyền rằng những người này lúc đi buôn bán xa, đã đem lễ vật cúng dường bậc Ðạo Sư và an trú vào Tam quy cùng Ngũ giới. Họ nói:
- Bạch Thế Tôn, nếu chúng con trở về bình an, chúng con sẽ hôn chân đảnh lễ Thế Tôn.
Họ lên đường cùng với năm trăm cỗ xe chất đầy hàng hóa, chẳng bao lâu vào rừng hoang dã, họ chẳng thấy đường nào đi nữa. Bị lạc đường, không nước uống thức ăn, họ băng qua rừng cho đến khi thấy một cây đa khổng lồ có loài rắn ẩn náu, họ liền thả dây cương xe ngựa ra và ngồi xuống đó. Nhìn lên đám lá, họ thấy chúng sáng loáng như thể thấm nước, còn cành cây như mọng đầy nước làm cho cả bọn suy nghĩ: "Dường như nước đang chảy trong thân cây này. Ta hãy cắt lấy một nhánh trở về hướng Ðông xem sao? Chắc là có nước để uống".
Một người trèo lên cây chặt một cành, từ đó một dòng nước chảy ra sền sệt như nước trong thân cây thốt nốt, họ lấy nước rửa mặt và uống. Kế đó họ chặt một cành ở hướng nam, từ đó xuất hiện đủ loại cao lương mỹ vị, họ liền ăn uống. Rồi họ chặt một cành ở hướng Tây này, liền hiện ra một đám nữ nhân xinh đẹp trang sức lộng lẫy, họ vui chơi hưởng lạc với đám nữ nhân kia. Cuối cùng họ chặt một nhánh ở hướng Bắc: từ đó rớt tung tóe bảy báu vật, họ lượm lấy chất đầy năm trăm xe ngựa và trở về Xá-vệ.
Tại đó, họ cho người bảo vệ tài vật rất cẩn thận. Rồi tay mang vòng hoa, hương liệu đủ loại, họ đi đên Kỳ Viên đảnh lễ bậc Ðạo Sư và cúng dường Ngài xong, liền ngồi xuống một bên. Ngày hôm ấy, họ nghe thuyết Pháp và hôm sau họ đem dâng lễ vật rất hào phóng, mà lại khước từ công đức kia. Họ thưa:
- Bạch Thế Tôn, công đức của lễ vật này chúng con xin nhường lại hồi hướng về vị Thần cây đã ban cho chúng con tất cả tài vật đó.
Khi cơm nước xong, bậc Ðạo Sư hỏi:
Các ông muốn hồi hướng công đức này cho Thần cây nào?
Các thương nhân trình đức Như Lai việc bọn họ đã được cây đa cho kho báu như thế nào , bậc Ðạo Sư bảo:
- Các ông đã nhận được kho báu vật ấy vì cách sống tiết độ của các ông và các ông không buông mình cho dục lạc chi phối; song ngày xưa, có những người không tiết dục, và bị dục tham chi phối, nên chúng mất cả tài sản lẫn tính mạng.
Rồi theo lời thỉnh cầu của bọn kia, Ngài kể cho họ nghe một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, gần bên thành Ba-la-nại cũng có chính khu rừng hoang này cùng cây đa này. Một đám thương nhân đi lạc đường và chợt thấy cây đa ấy.
Với Trí tuệ Viên mãn của ngài, bậc Ðạo Sư giải thích vấn đề qua các vần kệ sau:
1. Từ nhiều quốc độ, các thương nhân
Ðến họp cùng nhau cả một đoàn,
Bầu chọn trưởng đoàn và thẳng tiến
Lên đường tìm kiếm một kho tàng.
2. Ðoàn lữ hành kia thiếu thức ăn
Ðến rừng khô cháy nắng oi nồng,
Chợt nhìn thấy gốc đa hùng vĩ,
Với bóng cây che mát dịu lòng.
3. Thế rồi dưới tán là cây che,
Cả bọn thương nhân thảy dựa kề,
Lý luận như vầy vì ám độn,
Nghèo nàn trí tuệ, hóa u mê:
4. "Cây này đầy ẩm ướt bên trong
Từ đó hình như nước có dòng,
Ta hãy chặt từ cây một nhánh,
Cành nào đã mọc hướng về Ðông".
5. Cành kia được chặt, nước tuôn dòng,
Từng giọt tinh nguyên, thật sáng trong,
Cả bọn thương nhân cùng tắm rửa,
Uống cho đến lúc thỏa thuê lòng.
6. Lại vì trí tuệ chúng nghèo nàn
Vì sự ngu si đã cản ngăn,
Chúng bảo: "Phía Nam còn một nhánh,
Chúng ta hãy đến cắt nhanh chân".
7. Cành này vừa chặt xuống liền mang
Lúa gạo, thức ăn cứ chảy tràn,
Cháo đặc, nghệ gừng, cùng xúp đậu
Và nhiều thức ăn khác thật vô vàn.
8. Bọn thương nhân uống uống ăn ăn,
Chúng nhét vào đầy bụng thật căng,
Rồi bảo với lòng đầy ám độn
Và vì trí tuệ quá nghèo nàn:
9. "Mau lên các bạn phú thương này,
Ta hãy cắt cành lá phía Tây",
Mỹ nữ cả bầy ùa tứ phía,
Xiêm y lộng lẫy diễm kiều thay!
10. Kìa! Xiêm y có đủ muôn màu,
Lủng lẳng vòng vàng với bảo châu,
Trong số cả trăm người mỗi một,
Mỗi chàng chiếm một gái xinh sao!
11. Cùng đứng bên nhau cả bọn này
Quây quần dưới bóng mát tàn cây,
Ðám thương nhân thảy đều vào giữa,
Ðùa giỡn bày trò thích thú thay!
12. Lại vì trí tuệ chúng nghèo nàn,
Vì sự ngu si đã cản ngăn
Chúng bảo: "Bắc phương còn một nhánh
Chúng ta hãy chặt xuống lìa thân".
13. Khi cành hướng Bắc chặt vừa xong,
Vàng bỗng tuôn ra cả một dòng,
Bạc chảy đầy tay và thảm quý,
Bào ngọc, trân châu nói chẳng cùng.
14. Trang phục Ba-la-nại mượt mà,
Chăn màn dày mỏng thực xa hoa,
Thương nhân lúc ấy liền hành sự
Cuộn hết thành bao lớp lụa là.
15. Cũng vì ngu muội với si mê,
Chúng lại bảo nhau, như trước kia:
"Ta hãy chặt cây từ gốc rễ,
Chắc càng thâu của cải tràn trề".
16. Kìa vội đứng lên, vị trưởng đoàn
Cúi đầu cung kính, lại thưa rằng:
"Cây đa làm hại gì chư vị,
Mong ước trời cho hưởng phước phần!
17. Cành hướng Ðông cho nước chảy tràn,
Cành Nam cho thực phẩm ta ăn
Cành Tây cho các nàng kiều nữ,
Cành Bắc cho tơ lụa bạc vàng,
Cây đó hại gì cho quý vị,
Cầu chư vị hưởng phước trời ban!
18. Cây này cho bóng mát an nhàn,
Nằm nghỉ, ngồi chơi, những lúc cần,
Không được phá tan cành đổ hết,
Hành vi bừa bãi thực hung tàn!"
19. Song ngài chỉ một, chúng từng bầy,
Tiếng nói ngài sao cản chúng đây:
Chúng nện những dao rìu sắc bén
Vào phần gốc để đốn thân cây.
Lúc ấy, Linh xà vương thấy bọn chúng đến gần gốc để đốn ngã cây, liền nghĩ thầm: "Ta đã cho bọn này nước để uống khi khát, lại cho thức ăn thần tiên, bạc chất đầy năm trăm xe, mà giờ đây chúng bảo nhau hãy chặt cây đến tận gốc rễ. Chúng thật tham lam vô độ, và trừ vị trưởng đoàn ra, chúng đều phải chết!" Thế là Rắn chúa tập hợp quân đội Rắn ngay:
- Ta truyền thật nhiều quân sĩ hãy mang giáp bào và đứng ra dàn trận, thật nhiều xạ thủ hãy mang cung, kiếm và mộc che thân sẵn sàng chiến đấu.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:
20. Rắn mặc giáp bào đủ bách quân,
Ðứng lên cùng giữ vững sa trường,
Ba trăm xạ thủ, sáu ngàn nữa
Trang bị mộc khiên với kiếm thần.
*
Vần kệ sau đây do Rắn chúa ngâm:
21. Bắn hạ bọn kia, trói chặt mau,
Chẳng tha mạng sống một tên nào,
Ðốt thành tro bụi trừ đoàn trưởng,
Như thế hoàn thành việc đã giao.
Bầy Rắn thần làm đúng như vậy. Sau đó chúng chất đầy các tấm thảm từ cành phương Bắc và mọi vật kia lên năm trăm chiếc xe, rồi di chuyển đoàn xe và vị trưởng đoàn lữ hành về Ba-la-nại, cất hết hàng hóa vào nhà ngài và trở về nơi trú ngụ của loài Rắn.
*
Khi bậc Ðạo Sư đã chứng kiến việc này, Ngài ngâm vần kệ khuyên giáo:
22. Vậy trí nhân nên thấy thiện hành,
Chẳng bao giờ để bản tâm thành
Tôi đòi nô lệ lòng tham dục,
Phá vỡ mục tiêu đối thủ mình.
23. Bậc trí khi xem việc ác làm
Khổ đau bắt rễ tự lòng tham,
Ðoạn trừ tham dục và dây trói,
Phát nguyện sống đời thanh tịnh tâm.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa các thương nhân bị dục tham trấn áp, nên đã bị hủy diệt tàn khốc, vậy các ông đừng chìu theo lửa dục.
Rồi Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, các thương nhân kia đã được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy Sàriputta (Xá-lợi-phất) là Linh-Xà vương, và Ta là vị Trưởng đoàn lữ hành.
-ooOoo-
494. Chuyện đại vương Sàdhìna (Tiền thân Sàdhìna)
Việc lạ trên trần đã được xem...,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một đám nam cư sĩ giữ hạnh nguyện Trai giới.
Nhân dịp này, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này, các cư sĩ, các trí nhân ngày xưa, nhờ công đức hành trì hạnh nguyện Trai giới mà đã thân hành lên cõi trời và an trú ở đó thật lâu dài.
Rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, vua Sàdhìna ở thành Mithilà, cai trị rất đúng pháp. Tại bốn cổng thành, giữa kinh thành cùng cửa cung thất, ngài đều ra lệnh xây sáu bố thí đường, và công đức bố thí của ngài làm chấn động khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). Mỗi ngày, ngài bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền: ngài giữ Ngũ giới, hành trì hạnh nguyện các ngày Bồ-tát, còn dân trong kinh thành cũng theo lời khuyến cáo của ngài bố thí và làm thiện sự, nên lúc mạng chung đều tái sinh cõi Thiên.
Các vị Thiên tử khi ngồi tụ họp tại Thiện Pháp đường của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ, đồng tán thán đời sống đạo hạnh và công đức của vua Sàdhìna. Lời đồn đại về vua này khiến các Thiên thần khác ao ước được gặp mặt ngài. Ðế Thích Thiên chủ biết được tâm tư của các vị liền nói:
- Các hiền hữu ước ao diện kiến vua Sàdhìna phải chăng?
Các vị đồng thanh đáp phải, Thiên chủ ra lệnh cho thần Màtali:
- Khanh hãy đến điện Vejayanta (Tối thắng) của trẫm, thắng ngựa vào thiên xa và đi đón vua Sàdhìna lên đây.
Vị kia tuân lệnh và đi thắng ngựa vào thiên xa để xuống vương quốc Videha.
Ðó là một ngày trăng tròn. Vào lúc dân chúng dùng cơm chiều xong, đang ngồi nhàn nhã trước cửa nhà, thần Màtali lái thiên xa song hành bên cạnh vầng trăng đỏ. Dân chúng đồng reo lớn:
- Xem kìa, có hai mặt trăng trên trời!
Nhưng khi họ thấy thiên xa vượt qua mặt trăng và tiến về phía hạ giới, họ lại kêu lên:
- Không phải mặt trăng, mà là chiếc xe, hình như có vị Thiên tử nào đó. Ngài đang đem chiếc thiên xa này với cả đoàn ngựa thuần chủng, những linh vật ở trong trí tưởng tượng , vậy xe đến đón ai đây? Há không phải là để đón đức vua của ta sao? Phải lắm, đức vua của ta thật là một minh quân chân chánh!
Trong nỗi vua mừng tột độ, họ chắp tay cung kính vái chào và đứng lên ngâm vần kệ đầu:
1. Việc lạ trên trần đã được xem
Làm cho dựng đứng tóc người lên:
Vì mời Ðại đế Vi-đề quốc,
Phái xuống thiên xa tự cõi thiên.
Thiên sứ Màtali lái thiên xa xuống dần, trong lúc dân chúng chiêm bái với vòng hoa và hương liệu, vị thần này lái ba vòng kinh thành hướng về phía hữu. Sau đó vị ấy tiến đến cung môn, dừng xe lại và đứng yên trước cửa sổ phía tây, tỏ ý muốn đi lên. Lúc bấy giờ là ngày vua đích thân quan sát các bố thí đường, và đã ra lệnh cho đám cận thần phân chia ra sao. Khi xong việc, ngài phát nguyện ngày Trai giới, và cả ngày cứ trôi qua như vậy. Ngay lúc ấy, ngài đang ngồi trên một chiếc ngai lộng lẫy, hướng ra cửa sổ phía đông, với đám triều thần vây quanh, ngài thuyết giảng về lẽ chân chánh và công bình. Chính vào thời điểm này, Màtali đến mời đức vua lên ngự thiên xa, và khi đã xong xuôi, thần cùng ra đi với ngài.
*
Bậc Đạo Sư ngâm các vần kệ sau đây để giải thích vấn đề này:
2. Thiên sứ Mà-ta-li đại cường,
Vị thần điều ngự ấy vừa mang
Lời truyền đến tận Vi-đề quốc
Ngay tại kinh thành triệu quốc vương:
3. "Xin tấu Ðại vương, bậc Thánh quân,
Ngự trên xa giá để theo thần,
In-dra Thiên chủ cùng Thiên chúng
Tam thập tam thiên giới lẫy lừng,
Chư vị giờ này đang hội họp
Và đồng mơ tưởng đến hiền nhân".
4. Ðại đế Sà-dhì ngước mắt lên,
Và liền ngự giá chiếc xe tiên,
Thần xa được cả ngàn thiên mã
Ðồng kéo ngài lên đến cõi thiên.
5. Chư Thiên chiêm ngưỡng đấng anh quân,
Thượng khách lên chơi, vội đón mừng:
"Ðại đế!" đồng hô lời chúc tụng,
"Thật là hạnh ngộ cuộc tao phùng!
Trên ngai vàng cạnh ngai Thiên chủ
An tọa xin mời đấng thánh nhân!"
6. Sak-ka chào đón chúa Vi-đề
Ngự trị kinh thành tại Mỹ-thi,
Thiên chủ ban ngài ngàn lạc thú,
Thỉnh ngài an tọa thật uy nghi:
7. "Giữa các đế vương ở cõi trần
Chào mừng Thánh thượng đến thiên cung,
Ðại vương an trú cùng Thiên chúng,
Ðược phỉ ước nguyền đúng lệnh ban,
Xin hưởng lạc thiên đường bất tận
Trên trời Ðao lợi, cảnh thiên đàng!"
Ðế Thích Thiên chủ ban tặng ngài một nửa kinh thành của chư Thiên rộng mười ngàn dặm, nửa số hai mươi lăm triệu Thiên nữ và nửa Cung điện Vejayanta. Ngài ở đó hưởng thọ cực lạc trong suốt bảy trăm năm theo ước tính của loài người.
Rồi khi phước đức của ngài đã tận, theo cách ấy ở thiên giới, nỗi bất mãn khởi lên trong lòng, ngài liền ngâm kệ nói lời này với Ðế Thích Thiên chủ:
8. Ta hưởng, từ khi đến ngọc đường,
Ðàn ca, vũ khúc, nhạc du dương.
Nay ta chẳng thấy niềm hoan lạc,
Lâm mạng chung thời đến phải chăng?
Hay chính là vì lòng ám độn,
Làm ta sợ hãi, tấu Thiên hoàng?
Lúc ấy Thiên chủ Ðế Thích đáp lời ngài:
9. Ðời ngài chưa hết, chẳng lâm chung,
Ngài chẳng cuồng si, hỡi Ðại nhân,
Song thiện nghiệp ngài nay đã tận,
Giờ công đức trước hưởng xong phần.
10. Song cứ ở đây, hỡi Ðại vương!
Bởi quyền tối thượng của ta ban:
Hưởng đi thiên lạc cùng Thiên chúng
Tam thập tam thiên giới trú an.
Tuy nhiên bậc Ðạo Sư chối từ và đáp lại Thiên chủ:
11. Như lúc thiên xa đã giáng trần,
Hoặc khi phước lộc được dành phần,
Chính là thọ hưởng niềm thiên lạc
Do bởi bàn tay khác thưởng ân.
12. Ta chẳng cầu mong nhận phước phần
Do bàn tay kẻ khác thi ân,
Chính nhờ thiện nghiệp phần ta tạo,
Thiện sự riêng ta đứng vững chân.
13. Ta sẽ ra đi tạo việc lành,
Phát ban cả nước, khắp quần sinh,
Tuân theo giới hạnh và tu tập,
Ðiều phục thân tâm, quyết thực hành,
Người biết làm vầy là hạnh phúc,
Chẳng ăn năn hối tiếc phần mình.
Nghe thế, Ðế Thích Thiên chủ liền ra lệnh cho Màtali:
- Này hiền khanh, hãy đi đưa vua Sadhìna về lại Mithilà và đặt đức vua xuống vườn ngự uyển.
Vị Thiên thần tuân lệnh.
Ðức vua đến nơi, bước đi thơ thẩn trong vườn ngự; người giữ vườn trông thấy ngài, và sau khi hỏi ngài là ai, liền mang tin ấy về tâu trình với đương kim hoàng đế Nàrada. Khi vua này biết tin tiên đế trở về trần, liền ra lệnh cho người giữ vườn:
- Ngươi cứ đi trước và sắp đặt hai chiếc ngai, một dành cho tiên đế và một dành cho trẫm.
Người ấy tuân lệnh. Sau đó đức vua Sadhìna hỏi:
- Ngươi soạn hai chiếc ngai vàng cho ai đây?
- Muôn tâu, một chiếc dành cho Hoàng thượng và một chiếc dành cho đức vua của chúng thần.
Lúc ấy Đại đế Sàdhìna bảo:
- Còn ai khác dám ngồi trước mặt ta chứ?
Rồi ngài ngự lên một chiếc ngai và đặt hai chân lên chiếc kia! Vua Nàrada đến gần, sau khi đảnh lễ dưới chân ngài, liền ngồi xuống một bên. Bấy giờ theo truyền thuyết, vua này là vị vua thứ bảy trong dòng dõi chính thống của ngài, và thời ấy, tuổi thọ của con người chỉ là một trăm năm. Còn bậc Đại sĩ đã trường thọ như thế là do công đức thiện nghiệp của ngài. Ngài cầm lấy tay vua Nàrada dạo bước quanh vườn ngự và ngâm ba vần kệ này:
14. Lãnh thổ là đây, tổ quốc ta
Máng tròn dẫn nước suối băng qua
Cỏ xanh bao phủ đầy nơi chốn
Khe nhỏ, lạch ngòi vẫn chảy ra
15. Các hồ diễm lệ lắng nghe vang
Khi đám hồng nga réo gọi đàn
Bao đóa sen xanh chen lẫn trắng,
Cây hình đá biến mọc lan tràn
Song người yêu cánh cùng ta trước,
Nay ở đâu, lòng ta muốn hỏi han?
16. Đây là điền thổ ruộng cùng nương,
Đồng lúa lạc viên , chính cố hương,
Song chẳng thấy đâu người quyến thuộc,
Tưởng chừng sa mạc quá thê lương!
Nghe vậy vua Nàrada đáp:
- Tâu Hoàng tổ phụ, từ khi tổ phụ thăng thiên giới đến nay đã bẩy trăm năm trôi qua, giờ đây hoàng tôn là cháu bẩy đời của tổ phụ, các vị quan cận thần của tổ phụ đều đã hóa ra người thiên cổ. Nhưng đây chính là vương quốc của tổ phụ, hoàng tôn xin tổ phụ nhận lại đất nước.
Đức vua đáp:
- Này Hoàng tôn Nàrada, ta không đến đây để rồi lên làm vua nữa đâu, mà ta đến đây để làm thiện sự và ta sẽ làm thiện sự thôi.
Rồi ngài ngâm kệ như sau:
17. Ta đã nhìn cung điện cõi trời
Huy hoàng chiếu sáng khắp muôn nơi,
Chư Thiên ở cõi trời Đao Lợi
Thiên chủ cùng ta diện kiến rồi.
18. Ta hưởng bao hoan lạc tuyệt trần,
Ngôi nhà thiên giới để riêng phần
Tràn đầy tất cả điều tâm nguyện
Tam thập tam thiên của Ngọc Hoàng.
19. Ta ngắm xong và đã tái hồi
Để thi hành thiện sự mà thôi
Và ta sẽ sống đời thanh tịnh,
Ta chẳng màng gì đến chiếc ngôi.
20. Đạo này không dẫn đến đau buồn,
Chánh Đạo mà chư Phật chỉ đường;
Đường đó giờ đây ta tiến bước
Là đường bậc Thánh vẫn theo luôn.
Bậc đại sĩ đã nói như vậy với Trí tuệ Tối thắng của ngài và làm cô đọng tất cả ý nghĩ qua các vần kệ trên. Sau đó vua Nàrada, một lần nữa lại thưa với ngài:
- Xin Hoàng tổ phụ nhận lấy quyền cai trị vương quốc.
Và ngài đáp:
- Này Hoàng tôn yêu quý, ta không thiết gì vương vị đâu, song ta lại muốn phân phát trong vòng bẩy ngày tất cả tài vật cần được bố thí trong bảy năm qua.
Vua Nàrada lãnh ý, và làm như ngài yêu cầu, truyền chuẩn bị vô số của cải để phân phát rộng rãi. Đức tiên đế bố thí trong bẩy ngày xong xuôi, vào ngày thứ bảy ngài băng hà và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
*
Khi bậc Đạo sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Việc hành trì hạnh nguyện ngày Trai giới là bổn phận cần phải giữ gìn.
Và Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các Sự Thật, một số nam cư sĩ đắc Sơ quả Dự Lưu, một số khác đắc Nhị quả Nhất Lai. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
-Vào thời ấy, Ànanda là vua Nàrada, Anuruñha (A Na Luật) là Sakha (Đế Thích) Thiên chủ và Ta chính là vua Sàdhina.
-ooOoo-
495. Chuyện Mười Hạng Bà-La-Môn ( Tiền thân Dasa-Bràhmana)
Đại Đế Yud-dhi thật chánh chân .....
Chuyện này Bậc Đại Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một lễ vật cúng dường tối thượng.
Truyện này đã được giải thích trong số 424. Tiền thân Aditta của Chương VII. Ta biết rằng nhà vua trong lúc thực hiện việc cúng dường này đã quan sát kỹ lưỡng năm trăm vị Tỳ kheo với đức Phật là vị thượng thủ và đã dâng lễ vật lên các bậc Thánh cao trọng nhất trong Tăng chúng.
Sau đó Tăng chúng ngồi trong Chánh pháp đường và nói về công đức của vua ấy như sau:
- Này Hiền hữu Tỳ kheo, vị vua này trong lúc dâng lễ vật tối thượng đã cúng dường các vị đủ đạo cao đức trọng.
Bậc Đạo Sư bước vào và hỏi các vị bàn luận gì trong lúc ngồi tại đây, các vị trình với Ngài. Ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, thật không kỳ diệu gì ngày nay vua Kosala đã là đệ tử của một Đạo Sư như ta, lại cúng dường có phân biệt rõ ràng. Ngay các bậc hiền trí xưa kia, trước khi đức Phật xuất hiện ở đời, cũng đã cúng dường có phân biệt.
Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện qúa khứ.
*
Một thuở nọ trong quốc vương Kuru và kinh thành Indapatta, có vua Koravya cai trị, thuộc dòng dõi Yuddhitthila. Còn quốc sư về thế sự cũng như thánh sự của vua là vị đại thần mệnh danh Vidhùra (bậc Hiền Trí). Vua thực hành đại bố thí làm chấn động khắp cõi Diêm phù đề (Ấn Độ), nhưng trong số những người thọ hưởng các thí vật này không có ai là người giữ đúng Ngũ giới, tất cả bọn chúng đều là độc ác trên phương diện làm người, nên việc bố thí của vua không làm tâm ngài thỏa mãn. Ngài suy nghĩ:" Kết quả của việc cúng dường có phân biệt thật là vĩ đại thay". Và với lòng ước ao cúng dường các bậc có đức độ cao cả, ngài quyết định hỏi ý kiến bậc hiền nhân Vidhùra. Vì thế khi quốc sư Vidhùra vào chầu vua, ngài mời vị này ngồi xuống và đưa vấn đề ra hỏi vị này.
*
Để trả lời việc này, bậc Đạo Sư ngâm vần kệ đầu. Phần sau là phần vấn đáp giữa nhà vua và Vidhùra:
1- Chúa thượng Yu-dhi thật chánh chân
Một hôm hỏi ý bậc hiền nhân:
"Vi-dhù, tìm các La môn thiện
Những bậc hiền nhân trí tuệ tràn.
2- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng như vầy, thiện hữu,
Để ngày sau hái qủa an toàn.
Trí giả Vidhùra nói:
3- Thật khó tìm Hiền thánh thế này
La-môn trí đức đủ như vầy,
Những người giữ trọn tâm ly dục
Để thọ hưởng phần phẩm thực đầy.
4- Giữa đời mười loại Bà la môn,
Xin hãy lắng nghe, tấu Đại Vương,
Trong lúc hạ thần phân biệt họ,
Thần xin nói rõ họ hoàn toàn:
5- Vài người mang túi xách trên lưng,
Củ, rễ chất đầy buộc thật căng,
Những kẻ góp gom cây cỏ thuốc
Tắm mình, tụng chú thuật, bùa thần.
6-Bọn họ như thầy thuốc, Đại vương,
Cũng đều được gọi Bà la môn
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
7- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vidhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
8- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí Giả Vidhùra nói:
9- Bọn người đi trước lại mang chuông,
Trong lúc vừa đi họ réo vang,
Họ biết lái xe đầy khéo léo,
Thư từ thông điệp họ đều mang
10-Họ chẳng khác nào đám dịch nhân,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
11- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
12- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
13- Với bình nước uống gậy cong cong,
Họ chạy theo kịp quốc vương,
Qua các thôn làng cùng thị trấn,
Trong khi theo đuổi lại ca rằng:
" Ta không đi nữa, dù rừng, phố,
Cho đến khi Hoàng thượng cúng dường".
14- Họ quấy rầy các thuế nhân,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
15- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
16- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
17- Móng dài, lông rậm cả tay chân,
Tóc bện và hôi thối miệng răng,
Bụi bặm bám đầy người bẩn thỉu,
Họ đi đường tựa bọn xin ăn.
18- Là bọn tiều phu! Tấu Đại vương!
Cũng đều được gọi Bà la môn
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
19- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
20- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
21- Am-lạc, Vil-va, đào đỏ hồng,
La-buj, xoài chín, vật chùi răng,
Thuốc cao, ván, điếu, đường, ong mật,
Nhiều thứ còn kia, họ bán hàng.
22- Chúa thượng, khác nào bọn lái buôn,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận,
Ta có nên tìm hạng ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
23- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
24- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
25- Những người làm ruộng hoặc đi buôn
Nuôi lắm đàn dê ở trại chuồng,
Trao đổi cưới xin làm sính lễ,
Bán bầy con gái, để mua vàng.
26- Giống bọn con lai đám tiện dân,
Cũng đều được gọi Bà La Môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
27- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
28- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
29- Bọn thầy cúng tế, đoán điềm hên,
Thiến, lựa bò, dê để lấy tiền,
Dân chúng mời về, thường ở lại,
Có đầy thực phẩm được dâng lên,
Nơi kia bò cái, bê, bò thiến,
Dê, lợn đều đem giết lắm phen.
30- Bọn họ như hàng thịt hạ tầng,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
31- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
32- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
33- Bọn mang gươm, giáo, mộc che mình,
Tay lại cầm rìu tựa chiến binh,
Họ đứng trước đoàn thương khách nọ,
Sẵn sàng hướng dẫn đám du hành.
34- Như mục phu, quân cướp bạo gan,
Cũng đều được gọi Bà la môn ,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
35- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
36- Những người đoạn ác nghiệp, ly tham,
Ao ước chư hiền thọ thức ăn,
Trẫm nguyện cúng dường người đức độ,
Chính mình sau hái quả an toàn.
Trí giả Vi-dhù nói:
37- Có bọn xây lều đặt bẫy giăng,
Bất kỳ nơi chốn ở trong rừng,
Bắt loại tôm, cá, cùng rùa, trạnh,
Mèo, thỏ, cắc kè, mọi thú hoang.
38- Tâu Đại vương, đây chính thợ săn,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
39- Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
40-Chư vị đoạn tham dục, ác hạnh,
Để dùng thực phẩm của triều đình,
Trẫm nguyện dâng cúng chư hiền giả,
Để chính mình sau gặt quả lành.
Trí giả Vi-dhù nói:
41- Lại có bọn ham chuộng bạc vàng,
Chịu nằm xuống dưới chiếu vương sang,
Để vua tắm rửa trên đầu họ,
Trong lễ So-ma rảy tế đàn.
42- Thợ cạo khác gì? Tấu Đại vương,
Cũng đều được gọi Bà la môn,
Nay ngài biết loại này tường tận
Ta có nên tìm loại ấy chăng?
Đại vương Koravya đáp:
43-Họ không chân chánh với danh xưng,
Phạm hạnh thanh cao, họ diệt vong,
Hãy kiếm, Vi-dhù, nhiều vị khác,
Tràn đầy trí tuệ với hiền lương.
44- Chư vị đoạn tham dục, ác hành,
Để dùng thực phẩm của triều đình,
Trẫm nguyện dâng cúng người như vậy,
Để chính mình sau gặt quả lành.
Như vậy sau khi miêu tả các loại Bà la môn chỉ mang hư danh mà thôi, bậc Trí giả nói tiếp để miêu tả các vị Bà la môn theo đúng ý nghĩa cao cả nhất trong hai vần kệ:
45-Song các La môn , Tấu Đại vương,
Những người đại trí tuệ, hiền lương,
Đoạn trừ mọi ác hạnh, tham dục,
Để thọ thức ăn được cúng dường.
46- Chư vị chỉ dùng một bữa ăn,
Chẳng bao giờ đụng rượu men nồng,
Đại vương biết rõ người như vậy,
Ta có nên tìm các vị không?
Khi vua nghe các lời này, liền hỏi:
- Này hiền hữu Vidhùra, các vị Bà la môn này xứng đáng cúng dường tối thượng ở đời, hiện nay các vị đang ở đâu?
- Tâu Đại vương, ở trên dãy Tuyết sơn xa xôi kia, trong hang núi Nanda.
- Vậy thì, này bậc trí giả, hãy dùng uy lực của ngài, mang các vị Bà la môn ấy đến ngay đây cho trẫm.
Rồi trong nỗi hân hoan tột độ, vua ngâm vần kệ này:
47- Quốc sư đem hết các La môn,
Thanh tịnh tràn đầy, trí chánh chơn,
Mời các Ngài, ngay Hiền sĩ hỡi,
Chần chờ gì nữa? Hãy lên đường!
Bậc Đại sĩ chấp thuận làm theo lời vua yêu cầu, và nói thêm:
- Bây giờ, tâu Đại vương, hãy truyền lệnh cho đánh trống khắp kinh thành, loan báo rằng toàn thành phải trang hoàng rực rỡ, toàn dân phải bố thí, và hành trì ngày Trai giới, nguyện giữ mình đức độ, và chính Đại vương cùng cả triều đình cùng phát nguyện giữ ngày Trai giới.
Còn chính ngài ngay từ tảng sáng, sau khi điểm tâm xong, liền phát nguyện giữ ngày Trai giới, đến chiều, ngài bảo đem đến một giỏ hoa lài. Rồi cùng vua, đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất và khi ngài vừa nhớ lại những công đức của các vị Độc Giác Phật, ngài vừa khấn vái lời này:
- Kính thỉnh năm trăm đức Độc Giác Phật đang trú trong vùng Bắc Tuyết Sơn, hang núi Nanda, ngày mai xin các Ngài hạ cố hưởng thọ thực phẩm của triều dình.
Ngài thả tám nắm tay đầy hoa lên không gian, lập tức các hoa này rơi trên năm trăm vị Độc Giác Phật, vào đúng nơi các ngài đang an trú. Các ngài ấy suy xét và thấy ngay sự việc kia, liền nhận lời mời và bảo nhau:
- Này các Tôn Giả, chúng ta được vị hiền nhân Vidhùra mời đến, vị này không phải người phàm tục đâu, ngài có hạt giống Phật trong mình, nên ngay trong kiếp này, ngài sẽ thành Phật. Chúng ta hãy tỏ lòng kính mến đặc biệt với ngài.
Bậc Đại sĩ hiểu các Ngài đã chấp thuận lời mời, bằng chứng là các hoa kia không bay trở lại. Sau đó, ngài bảo:
- Tâu Đại vương, ngày mai các vị Độc Giác Phật sẽ đến, vậy hãy lo cung thỉnh các vị trọng thể và dâng lễ cúng dường.
Ngày hôm sau đức vua đón tiếp các Ngài vô cùng trọng thể, sửa soạn các bảo tọa để các Ngài ngồi trên một cái bệ uy nghi cao cả.
Các vị Độc Giác Phật ở Hồ Anotatta, đợi cho đến lúc cảm thấy đói bụng, liền du hành qua không gian và giáng hạ, ngay sân chầu của hoàng cung. Vua cùng Bồ Tát đầy lòng thành tín, đón lấy các bình bát từ tay các Ngài và thỉnh chư vị đi lên chiếc bệ đài hoa kia, mời an tọa, rảy nước cúng dường lên tay chư vị, rồi phục vụ các Ngài các thực phẩm thượng hạng đủ loại cứng và loại mềm. Sau buổi thọ thực, vua lại mời các Ngài đến ngày hôm sau và cứ thế trong bẩy ngày liền, dâng cúng các Ngài nhiều lễ vật, và vào ngày thứ bẩy vua cúng dường đủ mọi vật thiết. Lúc ấy chư vị nói lời tùy hỷ với vua xong, liền bay qua không gian trở về nơi trú ngụ cũ, còn các vật cúng dường cũng đều bay theo các Ngài.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Đạo Sư bảo:
- Này các Tỳ Kheo, thật chẳng kỳ lạ gì việc vua Kosala nay là đệ tử của Ta đã cúng dường Ta lễ vật tối thượng, vì các bậc trí nhân ngày xưa ở thời chưa có đức Phật, cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Ànanda là vua, và bậc Trí giả Vidhùra chính là Ta.
-ooOoo-
496. Chuyện cúng thực phẩm đúng cấp bậc (Tiền thân Bhikkhà-Parampara)
Ta trông ngài xứng đáng ngôi cao.....
Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị điền chủ.
Người ấy là một tín đồ mộ đạo, thường xuyên tỏ lòng cung kính trọng thể đức Như Lai và Tăng chúng. Một hôm ông suy nghĩ như sau: "Ta thường xuyên tỏ lòng cung kính trọng thể đức Phật là ngôi báu và Tăng chúng là một ngôi báu nữa, bằng cách cúng dường thực phẩm thượng vị và y phục. Nay ta muốn tỏ lòng cung kính trọng thể Pháp Bảo: Song làm cách nào để cúng dường ngôi báu ấy?"
Vì vậy ông đem nhiều vòng hoa thơm và hương liệu, đi về phía Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Đạo Sư và hỏi Ngài:
- Bạch Thế Tôn, ước nguyện của con là cúng dường Pháp Bảo, vậy làm sao một người có thể thực hiện việc ấy?
Bậc Đạo Sư đáp:
- Nếu tâm nguyện của ông là cúng dường trọng thể ngôi Pháp Bảo thì ông hãy cúng dường trọng thể cho Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp (Dhamma-Bhandàgàrika):
- Lành thay! Ông đáp và xin hứa sẽ thực hiện việc ấy.
Ông đi mời Tôn giả Ànanda đến viếng nhà mình, rồi hôm sau rước Tôn giả về nhà với lễ nghi vô cùng huy hoàng trọng thể. Ông mời Tôn giả ngồi trên một bảo tọa lộng lẫy và cúng dường Tôn giả vòng hoa thơm cùng hương liệu rồi thiết đãi đủ loại cao lương mỹ vị, lại dâng loại vải vóc rất sang trọng vừa đủ cho ba y. Tôn giả liền suy nghĩ:"Vinh dự này dành cho Pháp Bảo; nó không thích hợp với ta, mà thích hợp với vị Tướng quân Chánh pháp (Dhamma-Senàpati)".
Thế là đặt thực phẩm vào bình bát và cầm vải vóc, Tôn giả đem đến tinh xá, tặng lễ vật cho Tôn giả Sàriputta. Tôn giả này cũng nghĩ như vậy: "Vinh dự này dành cho ngôi Pháp Bảo, nó không thích hợp với ta, mà nó chỉ thích hợp duy nhất với bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đấng Pháp vương ". Và Tôn giả dâng nó lên đấng Thập lực. Bậc Đạo Sư thấy không còn ai trên Ngài nữa, nên thọ hưởng thực phẩm và nhận số vải vóc để làm ba y.
Sau đó Tăng chúng bàn luận việc này trong Chánh pháp đường:
- Này các hiền giả Tỳ kheo, thế là vị điền chủ kia muốn tỏ lòng cung kính trọng vọng đối với Chánh pháp nên cúng dường Tôn giả Ànanda là vị Thủ Kho Chánh pháp. Tôn giả này nghĩ mình chưa xứng đáng với lễ vật ấy nên trao lại vị Tướng quân Chánh pháp. Tôn giả này cũng nghĩ mình không xứng đáng nên dâng lên đức Như Lai. Còn đức Như Lai, thấy không còn ai trên Ngài, biết rằng Ngài xứng đáng với lễ vật ấy ở vị trí đấng Pháp vương, nên Ngài đã thọ hưởng thực phẩm và nhận số vải để làm ba y kia. Như vậy thực phẩm cúng dường đã tìm được chủ nhân nhờ đi đến đúng người có quyền thọ hưởng.
Bậc Đạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận gì khi ngồi ở đây. Các vị trình với Ngài. Ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên thực phẩm cúng dường đến đúng vào phần của người xứng đáng bằng những cấp bậc tiến lên tuần tự, mà ngày xưa, trước thời đức Phật cũng thế.
Cùng với những lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thời, vua Brahmadatta trị vì rất chân chánh tại Ba La Nại, sau khi đã đoạn trừ các ác nghiệp và hành trì Thập vương pháp. Vì thế, tòa án xử kiện của vua trở nên trống rỗng, vua muốn tìm kiếm cho ra lỗi lầm của mình, cứ hỏi han mọi người, bắt đầu với những người ở chung quanh ngài, nhưng không nơi nào, dù trong các hậu cung, trong kinh thành hay các thôn làng lân cận, ngài tìm được nguời nói một lỗi gì cho ngài cả. Sau đó, ngài quyết định đi thăm dò dân chúng vùng quê. Vì thế, sau khi giao quyền trị nước cho các triều thần, ngài đem vị Tế sư đi theo ngài. Hai vị cải trang du hành xuyên qua quốc độ Kàsi; tuy thế, ngài cũng không thấy ai nói về ngài vì một lỗi gì cả.
Cuối cùng , ngài đến một làng ở biên địa, ngồi ở một sảnh đường không có cổng vào. Thời đó, một vị điền chủ của làng ấy là một phú ông giầu có đến tám trăm triệu đồng tiền, đi cùng một đám tùy tùng đông đảo đến một bến tắm, thấy vua ngồi trong sảnh đường kia với thân tướng cao sang và sắc da vàng óng. Ông sinh lòng yêu mến ngài, liền đi vào sảnh đường và bảo:
- Hãy ngồi đây một lát.
Sau đó ông về nhà, bảo soạn sẵn đủ loại thực phẩm thượng vị, rồi trở lại với đám tùy tùng đông đảo mang theo các bình bát đựng thức ăn.
Cùng lúc ấy, một vị tu khổ hạnh từ vùng Tuyết Sơn đi xuống cũng ngồi xuống đó, vị này đã chứng được năm Thắng trí. Và một vị Độc Giác Phật, cũng từ hang núi Nanda hạ sơn đến ngồi đó. Vị điền chủ kia đưa nước cho vua rửa tay rồi dọn một đĩa thức ăn thượng hạng đủ loại gia vị thơm ngon và đặt trước mặt vua. Ngài nhận và trao cho vị Tế sư Bà la môn, vị Tế sư cầm lên trao cho nhà tu khổ hạnh. Nhà tu khổ hạnh bước đến gần vị Độc Giác Phật, tay trái cầm bình đựng thức ăn, tay phải cầm bình nước, trước tiên rót nước cúng dường (như chuyện trước), rồi đặt thức ăn vào bát vị này. Vị ấy liền ăn ngay, không mời ai cùng chia phần với mình hay xin phép gì cả.
Khi bữa xong, vị điền chủ suy nghĩ: "Ta dâng thức ăn lên đức vua, ngài trao cho vị Tế sư, vị Tế sư trao cho vị tu khổ hạnh, vị tu khổ hạnh lại trao cho vị Độc Giác Phật, và vị Độc Giác Phật đã thọ thực ngay mà không xin phép ai nữa. Việc cúng dường này có ý nghĩa gì chăng? Tại sao vị cuối cùng thọ thực và không cần xin phép ai hay nhờ ai cho phép? Ta sẽ hỏi lần lượt các vị này".
Rồi vị ấy lần lượt đến gần mỗi người, đảnh lễ xong liền nói câu ấy và được các vị trả lời:
Phú ông hỏi:
1- Ta trông ngài xứng đáng ngôi cao,
Ngài đến từ cung điện xứ nào,
Sa mạc vùng này hoang vắng quá,
Dáng hình ngài quá thật thanh tao.
2- Vì mến thương ngài, ta đã dâng,
Cao lương khéo chọn lựa vừa ăn:
Món cơm kia được tài người khéo
Nấu đổ lên trên món thịt hầm.
3- Thực phẩm ngài cầm lại chẳng ăn,
Ngài đem tặng vị Bà la môn,
Lòng đầy cung kính, nay xin hỏi:
Việc mới làm mang ý nghĩa chăng?
Đức vua đáp:
4- Sư trưởng ta đây thật nhiệt thành,
Việc dù lớn nhỏ vẫn thi hành,
Nên ta phải tặng phần cơm cúng,
Xứng đáng Quốc sư, quá thật tình.
Phú ông hỏi:
5- Dù vua cũng trọng Bà la môn
Xin nói, sao ngài lại chẳng ăn,
Một đĩa cao lương tài nấu khéo,
Người đổ đầy trên món thịt ngon?
6- Ngài chẳng hiểu thông nghĩa cúng dường,
Song ngài đem tặng vị hiền nhân,
Với lòng kính trọng, nay xin hỏi,
Việc ấy ngài làm có nghĩa chăng?
Tế sư đáp:
7- Ta có gia đình với vợ con,
Ta thường cư trú tại gia môn,
Dục tham vua chúa ta điều phục,
Tham dục riêng ta vẫn đám hồn.
8- Vói người khổ hạnh, bậc hiền nhân,
Xưa ở trong rừng vẫn trú thân,
Già cả, thực hành theo giáo lý,
Nên ta cầm thực phẩm đem dâng.
Phú ông hỏi:
9- Nay ta xin hỏi bậc hiền nhân,
Ở dưới da ngài lộ rõ gân,
Vói móng mọc dài, đầu tóc rối,
Cái đầu dơ bẩn lẫn hàm răng.
10- Ngài chẳng màng đời sống thế gian,
Hỡi người đơn độc trú rừng hoang,
Tôn sư nay có gì ưu thắng,
Mà phải đem lương thực cúng dâng?
Vị khổ hạnh đáp:
11- Ta đào củ cải, tỏi, hành hoang,
Cỏ, lá, bạc hà, vẫn kiếm luôn,
Nhặt hạt cải đen, rung lúa dại,
Trải ra phơi nắng thật khô dòn.
12- Ngó sen, dược thảo, táo, chà là,
Am-lạc, mật ong, miếng thịt thừa,
Là của ta dành phần kiếm được,
Rồi làm thành món hợp cho ta.
13- Ngài không, lão nấu, lão nhiều hàng,
Ngài chẳng có chi, lão buộc ràng,
Thế sự bao điều, ngài giải thoát,
Món cơm ngài hưởng đúng công bằng.
Phú ông hỏi:
14- Xin hỏi, ngồi kia bậc Trí hiền,
Mọi nguồn dục vọng thảy nằm yên,
Món cơm nấu khéo đầy ngon ngọt,
Có kẻ đem phần thịt đổ lên.
15- Ngài nhận và ngon miệng uống ăn,
Chẳng mời ai đến để chia phần,
Đầy lòng kính trọng, nay xin hỏi:
Việc ấy ngài làm có nghĩa chăng?
Độc Giác Phật đáp
16- Không nấu, cũng không bảo nấu dùm,
Nay không làm hại, trước không làm,
Vị kia biết rõ ta không của,
Ta quyết đoạn trừ mọi dục tham.
17- Tay phải vị kia nắm chiếc bình,
Thức ăn cầm phía trái bên mình,
Cho ta món thịt hầm người đặt,
Trên bát cơm ngon thật tốt lành.
18- Chúng nhiều tài sản, lắm kim ngân,
Bổn phận là đem của phát phân,
Ai bảo người cho cũng thọ hưởng,
Ấy là thù địch, chớ phân vân.
Khi nghe những lời này, vị điền chủ vô cùng hoan hỷ ngâm hai vần kệ cuối cùng:
19- Thật là ta được một duyên may
Hạnh ngộ quân vương ngự tới rày,
Thuở trước ta không hề biết rõ,
Cúng dường mang phước quá tràn đầy.
20- Đế vương với các Bà la môn,
Trị nước mà tâm ác dục tràn,
Các trí nhân tìm cây quả dại,
Bậc tu hành giải thoát lòng tham.
Khi vị Độc Giác Phật thuyết giáo cho vị kia xong, liền trở về cõi của Ngài và vị tu khổ hạnh cũng thế. Còn nhà vua, sau vài ngày ở lại với vị điền chủ, cũng trở về Ba la nại.
*
Khi bậc Đạo sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên thực phẩm đến tay người xứng đáng, mà trước kia cũng vậy.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
- Vào thời ấy, người điền chủ đã tôn trọng cúng dường Pháp là người điền chủ trong chuyện này, Ànanda (A -nan) là vua, Sariputta (Xá lợi phất) là Tế sư và Ta chính là vị tu khổ hạnh trên vùng Tuyết Sơn.
Hết phần Chương XIV - Tạp Phẩm

(Lên đầu trang)


Tập VIII - Chuyện Tiền Thân Đức Phật (5) có tổng cộng 4 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close