(Anguttara Nikāya)
Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 8.15 MB - Thời gian phát: 47 phút 29 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

III. Phẩm Vajjī ( Bạt Kỳ)
(I) (19) Tại Sàrandada
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajjī, tại điện thờ Sàrandada. Bấy giờ có nhiều người Licchavì đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các người Licchavì đang ngồi một bên:
- Này các Licchavì, Ta sẽ giảng cho các Ông bảy pháp không làm cho suy giảm, Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các người Licchavì ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Licchavì, thế nào là bảy pháp không làm cho suy giảm? Này các Licchavì, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này các Licchavì, dân Vajjī được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thuở xưa, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Vajjī không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ, và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī, khi các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Và này các Licchavì, cho đến khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được tồn tại giữa dân Vajjī, khi nào dân chúng Vajjī sẽ được thấy giữa bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Licchavì, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(II) (20) Vassakàra
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajàtasattu, con bà Videhi vua nước Magadha muốn chinh phạt dân chúng Vajjī. Vua nói như sau:
- Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dầu họ có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjī. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī. Ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong.
Rồi Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha nói với Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: "Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu con bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú". Và khanh bạch tiếp: "Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân Vajjī. Vua tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dầu họ có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjī. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī. Ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong". Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Như Lai không bao giờ nói không như thật.
- Tâu Ðại vương, xin vâng.
Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Vương Xá, đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn; sau khi đến, liền nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakàra, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú. Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân xứ Vajjī, vua tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dù họ có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjī. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī. Ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong".
2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda đứng quạt phía sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có biết dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thời xưa không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī thuở xưa.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thuở xưa, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī, và nghe theo lời dạy của những vị này không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī, và nghe theo lời dạy của những vị này.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī, và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
3. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakàra đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, một thời, Ta sống ở Vesàli, tại tự miếu Sàrandada, Ta dạy cho dân Vajjī bảy pháp không bị suy giảm này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp không bị suy giảm, được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp không bị suy giảm này, thời này Bà-la-môn, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
4. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjī chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajjī nhất định được lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ các bảy pháp không bị suy giảm. Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjī ở chiến trận, trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận.
- Này Bà-la-môn, hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.
Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha hoan hỷ tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
(III) (21) Vị Tỷ Kheo
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại núi Linh Thứu (Gijjhakùta). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Có bảy pháp không bị suy giảm, này các Tỷ-kheo. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không bị suy giảm? Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo Thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy của những vị này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở. Và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(IV) (22) Công Việc
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng...
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích ngủ nghỉ, không hoan hỷ ngủ nghỉ, không đam mê ngủ nghỉ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không bè bạn ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không dừng ở nửa chừng giữa sự đạt đến những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(V) (23) Tin Tưởng
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp không bị suy giảm, hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không bị suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VI) (24) Giác Chi
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng... (như trên).
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VII) (25) Tưởng
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng... (như trên).
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tu tập vô thường tưởng, tu tập vô ngã tưởng, tu tập bất tịnh tưởng, tu tập nguy hại tưởng, tu tập đoạn diệt tưởng, tu tập vô tham tưởng, tu tập diệt tưởng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
(VIII) (26) Hữu Học
1. - Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thối đọa cho vị Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là bảy?
2. Ưa thích công việc; ưa thích nói chuyện; ưa thích ngủ nghỉ; ưa thích hội chúng; các căn không phòng hộ; ăn uống không tiết độ; khi chúng Tăng có sự việc, tại đấy, Tỷ-kheo hữu học không có suy tư: "Giữa Tăng chúng có các trưởng lão có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu năm, gánh vác chức vụ. Họ sẽ được biết đến vì những chức vụ này", và không có tự mình chuyên tâm.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa vị Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa.
3. Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa Tỷ-kheo hữu học đến không thối đọa. Thế nào là bảy?
4. Không ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện; không ưa thích ngủ nghỉ; không ưa thích hội chúng; các căn được phòng hộ; ăn uống có tiết độ; khi chúng Tăng có sự việc, tại đấy, Tỷ-kheo hữu học có suy tư: "Giữa Tăng chúng, có các trưởng lão có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu năm, gánh vác chức vụ. Họ sẽ được biết đến vì những chức vụ này" và có tự mình chuyên tâm.
(IX) (27) Thối Ðọa
1. - Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa một nam cư sĩ đến thối đọa. Thế nào là bảy?
2. Quên, không đến thăm Tỷ-kheo; phóng túng nghe diệu pháp; không tu tập tăng trưởng giới; ít tin tưởng các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi các khuyết điểm; tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa một nam cư sĩ đến thối đọa.
3. Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa một nam cư sĩ đến không thối đọa. Thế nào là bảy?
4. Không quên đến thăm vị Tỷ-kheo; không phóng túng nghe diệu pháp; tu tập tăng thượng giới; nhiều tin tưởng đối với các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm; không tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; ở đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa nam cư sĩ đến không đọa lạc.
Cư sĩ không đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Không đến nghe Thánh pháp,
Không học tập thắng giới,
Ít tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm thích cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Tìm ở ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lại lo phục vụ trước.
Bảy pháp làm suy giảm,
Ðược khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp bị suy giảm.
Cư sĩ có đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Có đến nghe thuyết pháp,
Có học tập thắng giới,
Có tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm không cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Không tìm ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lo lắng phục vụ trước.
Bảy pháp không suy giảm,
Ðược khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp không suy giảm.
(X-XII) (28-30) Bất Hạnh Thối Ðọa
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy bất hạnh này của người cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy điều may mắn của người cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy thối đọa này của người cư sĩ... Này các Tỷ-kheo, có bảy thắng tiến này của người cư sĩ... Thế nào là bảy?
2. Không quên đến thăm vị Tỷ-kheo; không phóng túng nghe diệu pháp; tu tập tăng thượng giới, nhiều tin tưởng đối với các vị Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm; không tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.
Bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, là thắng tiến của người cư sĩ.
Cư sĩ không đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Không đến nghe Thánh pháp,
Không học tập thắng giới,
Ít tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm thích cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Tìm ở ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lại lo phục vụ trước.
Bảy pháp làm suy giảm,
Ðược khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ họ,
Diệu pháp bị suy giảm.
Cư sĩ có đến thăm,
Các vị tu tự ngã,
Có đến nghe thuyết pháp
Có học tập thắng giới,
Có tin các Tỷ-kheo,
Tin ấy được tăng trưởng,
Với tâm không cật nạn,
Muốn nghe chân diệu pháp.
Không tìm ngoài Tăng chúng,
Người xứng đáng cúng dường,
Ở đây vị cư sĩ,
Lo lắng phục vụ trước.
Bảy pháp không suy giảm,
Ðược khéo léo diễn giảng,
Cư sĩ phục vụ chúng,
Diệu pháp không suy giảm.
IV. Phẩm Chư Thiên
(I) (31) Không Phóng Dật
1. Bấy giờ có một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
- Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính chúng Tăng; tôn kính học tập; tôn kính định; tôn kính không phóng dật; tôn kính nghinh đón. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc.
Thiên nhân ấy nói như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Thiên nhân ấy với ý nghĩ: "Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta", thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.
2. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các vị Tỷ-kheo:
- Ðêm nay, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy thưa với Ta: "Có bảy pháp, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính không phóng dật, tôn kính nghinh đón. Bảy pháp này bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.
Kính trọng bậc Ðạo Sư,
Kính trọng Pháp và Tăng,
Kính trọng định, nhiệt tâm,
Chí thành kính học tập,
Kính trọng không phóng dật,
Chí thành kính nghinh đón,
Không thể bị đọa lạc,
Tỷ-kheo gần Niết-bàn.
(II) (32) Xấu Hổ
1. - Ðêm này, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên, Thiên nhân ấy thưa với Ta: "Có bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính xấu hổ, tôn kính sợ hãi. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
Kính trọng bậc Ðạo Sư,
Kính trọng Pháp và Tăng,
Kính trọng định, nhiệt tâm,
Chí thành kính học pháp,
Ðầy đủ tàm và quý,
Tùy thuận và tôn kính,
Không thể bị đọa lạc,
Vị ấy gần Niết-bàn.
(III) (33) Dễ Nói (1)
... (Giống như kinh 32, chỉ khác là thay thế hai pháp cuối cùng tàm và quý bằng thiện ngôn (dễ nói) và thiện bằng hữu)...
(IV) (34) Dễ Nói (2)
1. - Ðêm nay, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân sau khi đêm ấy đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị ấy thưa với Ta: "Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc. Thế nào là bảy? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp; tôn kính Tăng, tôn kính học pháp; tôn kính định; tôn kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
2. Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
3. - Lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như sau: Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Ðạo Sư, tán thán sự tôn kính bậc Ðạo Sư. Ðối với những Tỷ-kheo khác không tôn kính bậc Ðạo Sư, vị ấy khích lệ họ tôn kính bậc Ðạo Sư. Ðối với những Tỷ-kheo khác tôn kính bậc Ðạo Sư, vị ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh, đúng thời. Tự mình tôn kính Pháp... tự mình tôn kính chúng Tăng... tự mình tôn kính học pháp... tự mình tôn kính thiện ngôn... tự mình tôn kính thiện bằng hữu, tán thán sự tôn kính thiện bằng hữu. Ðối với những Tỷ-kheo khác không tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy khích lệ họ tôn kính thiện bằng hữu. Ðối với những Tỷ-kheo khác Tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy tán thán một cách chơn thật, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt này các Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như vậy.
4. - Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, lời nói vắn tắt này của Ta, đã được Thầy hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Ðạo Sư... (như trên, với những thay đổi cần thiết)... một cách chơn thực, chơn chánh, đúng thời. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Sàriputta, cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
(V) (35) Bạn Hữu(1)
1. - Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế nào là bảy?
2. Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận.
Thành tựu bảy chi phần này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải thân cận như một người bạn.
Bạn cho điều khó cho,
Làm những điều khó làm,
Kham nhẫn những lời nói,
Thật khó lòng kham nhẫn,
Nói lên bí mật mình,
Che giấu bí mật người,
Bất hạnh, không từ bỏ,
Khánh tận, không chê khinh,
Trong những trường hợp trên,
Tìm được người như vậy,
Với ai cần bạn hữu,
Hãy gần bạn như vậy.
(VI) (36) Bạn Hữu (2)
1. - Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ-kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?
2. Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người bạn, cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.
Khả ái và đáng kính,
Ðáng bắt chước, thuyết giả,
Kham nhẫn các lời nói,
Nói những lời thâm sâu,
Không hối thúc ép buộc,
Những điều không hợp lý,
Ai có những pháp này,
Ở đời, người như vậy,
Người ấy là bạn hữu,
Với ai cần bạn hữu,
Người mong muốn lợi ích,
Với lòng từ ai mẫn.
Dầu có bị đuổi xua,
Hãy thân cận bạn ấy.
(VII) (37) Vô Ngại Giải
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: "Ðây là tâm ta thụ động"; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: "Nội tâm ta muội lược"; khi nào tâm tán loạn, hướng ngoại". Như thật rõ biết tâm ta tán loạn hướng ngoại. Vị ấy nhận thức được các thọ khởi lên, nhận thức được các thọ an trú, nhận thức được các thọ đi đến tiêu diệt; nhận thức được các tưởng khởi lên, nhận thức được các tưởng an trú, nhận thức được các tưởng tiêu diệt; nhận thức được các tầm khởi lên, nhận thức được các tầm an trú, nhận thức được các tầm tiêu diệt. Ðối với các pháp thích hợp hay không thích hợp, đối với các pháp hạ liệt hay thù thắng, đối với các pháp dự phần đen hay dự phần trắng, vị ấy khéo nắm giữ tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải.
3. Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: "Ðây là tâm ta thụ động"; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: "Nội tâm ta muội lược";... (như trên, số 2,... chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải).
(VIII) (38) Ðiều Phục
1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái của định, thiện xảo trong cảnh giới của định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo điều phục tâm và không để mình bị tâm điều phục.
3. Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ kheo, Sariputta điều phục tâm và Sariputta không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái về Thiền định, thiện xảo trong cảnh giới định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta điều phục tâm và Sàriputta không để mình bị tâm điều phục.
(IX) (39) Sự Thù Diệu (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anathapindika. Bấy giờ Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi Tôn giả Sàriputta không tùy hủy, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn".
3. Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi khất thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi bạch Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn". Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?
- Này Sàriputta, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Sàriputta, sau khi với thắng trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục; và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục, tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Này Sàriputta, bảy thù diệu sự này được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.
5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Sàriputta, Tỷ-kheo, nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong hai mươi bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!"
(X) (40) Sự Thù Diệu (2)
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambì để khất thực. Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Kosambì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi Tôn giả Ananda đi đến khi vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
2-3. ... (Giống như 2-3 của kinh trên, chỉ khác Tôn giả Ananda thế cho Tôn giả Sàriputta)... Thế nào là bảy?
4. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, có nghe nhiều, có tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ.
Bảy thù diệu sự này, này Ananda, được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.
5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Ananda, Tỷ-kheo nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói" Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong hai mươi bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!".
Hết phần Phẩm 03 đến phẩm 04 (Anguttara Nikāya)

(Lên đầu trang)


Chương Bảy Pháp có tổng cộng 7 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close