Dịch giả: Tỳ khưu Indacanda

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) là tập Kinh cuối cùng Tiểu Bộ (Khuddakanikāya). Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tên là Paramatthadīpanī do công của Ngài Dhammapāla thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên.
Về nội dung, tập kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tựa đề nêu bật được nội dung chứa đựng ở bên trong. Cụ thể tập Kinh này trình bày về 35 câu chuyện các tiền thân của đức Bồ-tát đã chuyên tâm thực hành các đức hạnh để đạt đến sự toàn hảo (pāramitā) của các đức hạnh ấy trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nhằm làm chín muồi quả vị Giác Ngộ. Nói về mười sự toàn hảo này, các dịch giả tiền bối đã dịch là mười pháp ba-la-mật hay thập độ. Điều đáng ngạc nhiên trong tập Kinh này là chỉ có bảy sự toàn hảo được đề cập đến thay vì mười, và số lượng các câu chuyện cho mỗi đức hạnh lại không thống nhất, không rõ do bị thất thoát trong việc truyền thừa hay là việc thực hiện tập Kinh chưa được hoàn tất. Sở dĩ chúng tôi có nhận xét như vậy vì tập Kinh này được chia làm ba chương: Chương I nói về bố thí có 10 chuyện, chương II nói về trì giới có 10 chuyện, và chương III bao gồm 15 chuyện còn lại: xuất ly 5 chuyện, quyết định 1 chuyện, chân thật 6 chuyện, từ ái 2 chuyện, và hành xả 1 chuyện. Muốn tìm hiểu rõ hơn về điểm này, chúng ta có thể tham khảo chương Pakiṇṇakakathā thuộc Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) này vì có giảng đầy đủ về mười đức hạnh đồng thời có đầy đủ những chi tiết liên quan đến vị mong mỏi việc thực hành hạnh nguyện Bồ Tát (CpA. 276-332).
Xét về hình thức, tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm. Văn bản Pāḷi Roman được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi-Sinhala của bộ Tam Tạng Buddha Jayanti Series đang được sử dụng tại nước Sri Lanka. Về việc này, chúng tôi cũng xin tri ân Ven. Mettāvihārī (Đan Mạch) đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet (www.metta.lk). Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức, chúng tôi chỉ việc kiểm tra và điều chỉnh lại những điểm thiếu sót hoặc không chính xác.
Bản tiếng Việt chúng tôi đã được phiên dịch trực tiếp từ nguyên bản Pāḷi của tập Kinh trên, một số từ dịch đã được dựa theo lời giải thích ở bản Chú giải Pāḷi Paramatthadīpanī. Chúng tôi ghi lại lời dịch Việt theo tinh thần "hiểu văn bản như thế nào thì cố gắng ghi lại đúng như thế ấy;" đối với các bản văn cổ, chúng tôi không có tham vọng vươn đến các tiêu chuẩn phiên dịch cao hơn. Các sự sai sót trong phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém. Tuy nhiên, điều khiến cho chúng tôi được hoan hỷ là chúng tôi đã tận dụng hết khá năng của bản thân cho công việc nghiên cứu và hoàn tất lời Việt cho tập Kinh này.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương công đức các thí chủ đã có sự quan tâm đến công việc tu học và phiên dịch kinh điển của chúng tôi trong thời gian qua. Về Nam Cư Sĩ có các vị: Dr. Bình Anson, Chú Lương Xuân Lộc, Phật tử Phạm Trọng Độ, PT. Lưu Xuân An và nhóm Phật tử California, PT. Lý Hoàng Anh, PT. Trương Đình Nguyên, về Nữ Cư Sĩ có các vị: Bà Diệu Giới, Bà Diệu Đài, Cô Diệu Bình và các con cháu, Cô Phạm Thị Thi, Cô Phạm Xuân Lan, Cô Lê Thị Huế, Cô Lê Thị Tích, Cô Visākhā An Trương, Cô Minh Hạnh, Cô Hồ Hoàng Anh, Cô Nguyễn Ngọc Vivian, và gia đình Cô Trương Tuyết Anh.
Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc ghi lại lời Việt cho tập Kinh này được thành tựu đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
đêm rằm tháng bảy
ngày 08 tháng 08 năm 2006
Tỳ Khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)
Hết phần Lời Giới Thiệu

(Lên đầu trang)


Hạnh Tạng dịch từ Pāḷi có tổng cộng 8 phần.
||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close