Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

14. Kinh Ðại Bổn

Dịch giả: Thích Minh Châu

Tụng phẩm I

1. Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở tại nước Sāvatthi (Xá-vệ) rừng Jeta (Kỳ-đà), vườn ông Anāthapindika (Cấp Cô Ðộc), trong am thất cây Kareri (Hoa Lâm). Lúc bấy giờ, số đông các Tỷ-kheo đi khất thực về, sau khi dùng bữa xong, cùng ngồi và tụ họp lại Hoa Lâm viên đường, pháp thoại thuộc về tiền thân được khởi lên: "Ðây là tiền thân, đây là tiền thân".

2. Thế Tôn, với thiên nhĩ thanh tịnh vượt quá loài người nghe được câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa Lâm viên đường. Khi đến xong, Ngài ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì, các người đang ngồi bàn? Câu chuyện gì đã bị gián đoạn giữa các người?

Khi được nói vậy, những Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực về, sau khi dùng bữa xong, cùng ngồi và tụ họp tại Hoa Lâm viên đường, pháp thoại về tiền thân được khởi lên: "Ðây là tiền thân, đây là tiền thân". Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện đang được bàn đến giữa chúng con thời Thế Tôn đến.

3. - Này các Tỷ-kheo, các người có muốn nghe pháp thuộc thoại về tiền thân không?

- Bạch Thế Tôn, thật là đúng thời; bạch Thiện Thệ, thật là đúng thời để Thế Tôn giảng pháp thoại thuộc về tiền thân. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

- Vậy này các Tỷ-kheo, các người hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

- Dạ vâng, bạch Thế Tôn. Các Tỷ-kheo này đáp lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

4. - Này các Tỷ-kheo, chín mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Vipassī (Tỳ-bà-thi), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, ba mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Sikhī (Thi-khí) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp ấy, Thế Tôn Vessabhū (Tỳ-xá-bà) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Kakusandha (Câu-lâu-tôn) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Koṇagāmana (Câu-na-hàm) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, cũng trong tiền kiếp ấy, nay Ta, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời.

5. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sanh thuộc chủng tánh Sát-đế-lỵ, sanh trong giai cấp Sát-đế-lỵ. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuộc chủng tánh Sát-đế-lỵ, sanh trong giai cấp Sát-đế-lỵ. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuộc chủng tánh Sát-đế-lỵ, sanh trong giai cấp Sát-đế-lỵ. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuộc chủng tánh Bà-la-môn, sanh trong giai cấp Bà-la-môn. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc chủng tánh Bà-la-môn, sanh trong giai cấp Bà-la-môn. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc chủng tánh Bà-la-môn, sanh trong giai cấp Bà-la-môn. Này các Tỷ-kheo, nay Ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc chủng tánh Sát-đế-lỵ, sanh trong giai cấp Sát-đế-lỵ.

6. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañña (Câu-ly-nhã). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañña. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañña. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Kassapa. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Kassapa. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Kassapa. Này các Tỷ-kheo, nay Ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuộc danh tánh Gotama (Cù-đàm).

7. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vipassī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ loài người là tám vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ loài người là bảy vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ loài người là sáu vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ loài người là bốn vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ loài người là ba vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ của loài người là hai vạn năm.

Này các Tỷ-kheo, nay tuổi thọ của Ta không bao nhiêu, ít oi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút.

8. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây pāṭalī (bà-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây puṇḍarīka (phân-đà-ly). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây sāla (sa-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây sirīsa (thi-lợi-sa). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây udumbara (ô-tam-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây nigrodha (ni-câu-luật-đà). Này các Tỷ-kheo, nay Ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát-đa-la).

9. Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhứt đệ tử của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Khanda (Kiển-trà) và Tissa (Ðề-xá). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhứt đệ tử của Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Abhibhū (A-tỳ-phù) và Sambhava (Tam-bà-bà). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Sona (Phù-du) và Uttara (Uất-đa-la). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Vidhūra (Tỳ-lâu) và Sañjīva (Tát-ni). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Bhiyyosa (Thư-bàn-na) và Uttara (Uất-đa-la). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Tissa (Ðề-xá) và Bhāradvāja (Bà-la-bà). Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Ta là Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên).

10. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội: một Tăng hội sáu mươi tám triệu Tỷ-kheo, một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vipassī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc Lậu tận.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội: một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội bảy vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc Lậu tận.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội: một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội bảy vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội sáu vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc Lậu tận.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội bốn vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc Lậu tận.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội ba vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc Lậu tận.

Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội hai vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có một Tăng hội như vậy, tất cả đều là bậc A-la-hán. Này các Tỷ kheo, nay trong thời của Ta có một Tăng hội một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, tất cả đều là bậc Lậu tận.

11. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Asoka (A-dục), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Khemaṅkara (Nhẫn Hành), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Upasaññaka (Tịch Diệt) vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Vuddhija (Thiện Giác), vị này là thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Sotthija (An Hòa), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Sabbamitta (Thiện Hữu), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, nay Ta có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Ānanda (A-nan), vị này là vị thị giả đệ nhất.

12. Này các Tỷ-kheo, phụ vương của Thế Tôn Vipassī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Bandhumā (Bàn-đầu); mẫu hậu tên là Bandhumatī (Bàn-đầu-bà-đề). Kinh thành của vua Bandhumā tên là Bandhumatī.

Này các Tỷ-kheo, phụ vương Thế Tôn Sikhī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Aruṇa (Minh Tướng); mẫu hậu tên là Pabhāvatī (Quang Huy); kinh thành của vua Aruṇa tên là Aruṇavatī.

Này các Tỷ-kheo, phụ vương Thế Tôn Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Suppatīta (Thiện Ðăng), mẫu hậu tên là Yasavatī (Xứng Giới); Kinh thành của vua Suppatīta tên là Anopama (Vô Dụ).

Này các Tỷ-kheo, phụ thân Bà-la-môn của Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Aggidatta (Tự Ðắc); mẫu thân Bà-la-môn tên là Visākhā (Thiện Chi). Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ vua trị vì tên là Khema (An Hòa); kinh thành vua Khema tên là Khemavatī (An Hòa).

Này các Tỷ-kheo, phụ thân Bà-la-môn của Thế Tôn Koṇagāmana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Yaññadatta (Ðạt Ðức) mẫu thân Bà-la-môn tên là Uttarā (Thiện Thắng; Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ, vua trị vì tên là Sobha (Thanh Tịnh); kinh thành của vua Sobha tên là Sobhavatī (Thanh Tịnh).

Này các Tỷ-kheo, phụ thân Bà-la-môn của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Brahmadatta (Phạm Thi) mẫu thân Bà-la-môn tên là Dhanavatī (Tài Chủ). Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ vua trị vì tên là Kikī (Hấp Tỳ); kinh thành vua Kikī là Bārāṇasī (Ba-la-nại).

Này các Tỷ-kheo, nay phụ vương của Ta tên là Suddhodana (Tịnh Phạn); mẫu hậu của Ta tên là Māyā (Ma-da); kinh thành tên là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Giảng xong Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá.

13. Thế Tôn đi ra chẳng bao lâu cuộc đàm thoại sau đây khởi lên giữa những Tỷ-kheo ấy:

- Này các Hiền giả, thật hy hữu thay! Này các liền giả, thật kỳ diệu thay, đại thần lực, đại oai lực của Như Lai! Như Lai nhớ được chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ.

Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh của những vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".

Này các Hiền giả, quý vị nghĩ như thế nào? Có phải Như Lai khéo chứng đạt pháp giới như vậy, và nhờ chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết Bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy?

Hay là chư Thiên mách bảo Như Lai và nhờ sự mách bảo này, Như Lai nhớ được các đức Phật quá khứ, các vị này đã nhập Niết bàn đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát như thế này?"

Như vậy là cuộc đàm thoại đang khởi lên giữa những Tỷ-kheo ấy.

14. Bấy giờ Thế Tôn, vào buổi chiều tối, sau khi xuất định, liền đến Hoa Lâm viên đường, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xong, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, nay các Ngươi ngồi luận bàn vấn đề gì? Ðề tài gì đã được luận bàn giữa các Ngươi?

Khi được hỏi vậy, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đi ra chẳng bao lâu, cuộc đàm thoại sau đây đã khởi lên giữa chúng con: "Này các Hiền giả, thật hy hữu thay! Này các hiền giả thật kỳ diệu thay đại thần lực, đại oai lực của Như Lai! Như Lai nhớ được chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết Bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh của những vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".

Này các Hiền giả, quý vị nghĩ như thế nào? Có phải Như Lai khéo chứng đạt pháp giới như vậy, và nhờ chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy?"

Hay là chư Thiên mách bảo Như Lai và nhờ sự mách bảo này, Như Lai nhớ được các đức Phật quá khứ, các vị này đã nhập Niết bàn đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát như thế này?" Bạch Thế Tôn, như vậy là vấn đề bàn luận giữa chúng con, khi Thế Tôn đến.

15. - Này các Tỷ-kheo, như vậy là pháp giới ấy được khéo chứng đạt bởi Như Lai, và nhờ chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ được chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết Bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh của những vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".

Này các Hiền giả, quý vị nghĩ như thế nào? Có phải Như Lai khéo chứng đạt pháp giới như vậy, và nhờ chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn ấy, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".

Này các Tỷ-kheo, vậy hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Các Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:

16. - Này các Tỷ-kheo, cách đây chín mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Vipassī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc chủng tánh Sát-đế-ly, sanh trong giai cấp Sát-đế-ly. Này các Tỷ kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañña. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuổi thọ đến tám vạn năm. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây Patali (Ba-ba-la).

Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Khanda (Kiển-trà) và Tissa (Ðề-xá). Này các Tỷ-kheo, trong thời Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội: một Tăng hội sáu mươi tám vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Asoka (A-dục), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này các Tỷ-kheo, Phụ Vương Thế Tôn Tỳ-bà-thi, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Bandhumā (Bàn-đầu), mẫu hậu tên là Bandhumatī (Bàn-đầu-bà-đề), kinh thành của Bandhumā tên là Bandhumatī.

17. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy, Bồ-tát Vipassī, sau khi từ giã cảnh giới Ðâu-suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy.

Khi Bồ-tát Vipassī từ giã cảnh giới Ðâu-suất thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra.

Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu ấy, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Pháp nhĩ là như vậy.

Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ -tát nhập mẫu thai, bốn vị Thiên tử đứng canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ-tát. Pháp nhĩ là như vậy".

18. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu men, rượu nấu. Pháp nhĩ là như vậy.

19. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và không vị phạm tiết hạnh với bất kỳ người đàn ông nào dầu người này có tâm ái nhiễm đối với bà. Pháp nhĩ là gì vậy.

20. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát có được năm món dục lạc đầy đủ, tận hưởng, trọn hưởng năm món dục lạc ấy. Pháp nhĩ là như vậy.

21. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.

Này các Tỷ-kheo, ví như viên ngọc lưu ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Ðây là viên ngọc lưu ly, thanh tịnh thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Ðây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lạt".

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Pháp nhĩ là như vậy.

22. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Sau khi sanh vị Bồ-tát bảy ngày, mẹ vị Bồ-tát mệnh chung và sanh lên cảnh trời Ðâu suất. Pháp nhĩ là như vậy.

23. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Trong khi các người đàn bà khác mang bầu thai trong bụng chín tháng hay mười tháng rồi mới sanh, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát mang vị Bồ-tát trong bụng mười tháng trời mới sanh. Pháp nhĩ là như vậy.

24. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát. Pháp nhĩ là như vậy.

25. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư Thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy.

26. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, vị Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn Thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: "Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân". Pháp nhĩ là như vậy.

27. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ vật bất tịnh nào, thanh thịnh, trong sạch. Pháp nhĩ là như vậy.

Này các Tỷ-kheo, như viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Pháp nhĩ là như vậy.

28. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ. Pháp nhĩ là như vậy.

29. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa". Pháp nhĩ là như vậy.

30. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng.

Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra.

Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Pháp nhĩ là như vậy.

31. Này các Tỷ-kheo, khi hoàng tử Vipassī sinh ra, vua Bandhumā được báo tin: "Ðại vương đã được sinh một hoàng tử". Này các Tỷ-kheo, khi thấy hoàng tử xong, vua Bandhumā liền cho mời các vị Bà-la-môn đoán tướng và nói: "Này các Hiền giả, hãy xem tướng cho Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, khi xem tướng Hoàng tử Vipassī xong, các vị Bà-la-môn đoán tướng tâu với vua Bandhumā: "Ðại vương hãy hân hoan; Ðại vương đã sinh một bậc vĩ nhân! May mắn thay cho Ðại vương, đại hạnh thay cho Ðại vương đã được một Hoàng tử như vậy sanh trong gia đình.

Tâu Ðại vương, Hoàng tử này có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân. Ai có đủ ba mươi hai tướng tốt này sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu.

Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời".

32. "Ðại vương, ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân là gì mà Hoàng tử nếu đầy đủ những tướng tốt này sẽ chọn đi hai con đường, không có con đường nào khác.

Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc lộ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục cõi đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao.

Nếu vị này từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời.

"Ðại vương, Hoàng tử này có lòng bàn chân bằng phẳng, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại nhân.

"Ðại vương, dưới hai bàn chân của Hoàng tử này, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ, tướng này được xem là tướng của bậc Ðại nhân.

"Ðại vương, Hoàng tử này có gót chân thon dài... (như trước)

"Ðại vương, Hoàng tử này có ngón tay, ngón chân dài...

"Ðại vương, Hoàng tử này có tay chân mềm mại...

"Ðại vương, Hoàng tử này có tay chân có màn da lưới...

"Ðại vương, Hoàng tử này có mắt cá tròn như con sò...

"Ðại vương, Hoàng tử này có ống chân như con dê rừng...

"Ðại vương, Hoàng tử này đứng thẳng, không co lưng xuống có thể rờ từ đầu gối với hai bàn tay...

"Ðại vương, Hoàng tử này có tướng mã âm tàng...

"Ðại vương, Hoàng tử này có màu da như đồng, màu sắc như vàng...

"Ðại vương, Hoàng tử này có da trơn mướt khiến bụi không thể bám dính vào...

"Ðại vương, Hoàng tử này có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông...

"Ðại vương, Hoàng tử này có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt...

"Ðại vương, Hoàng tử này có thân hình cao thẳng...

"Ðại vương, Hoàng tử này có bảy chỗ tròn đầy...

"Ðại vương, Hoàng tử này có nửa thân trước như con sư tử...

"Ðại vương, Hoàng tử này không có lõm khuyết giữa hai vai...

"Ðại vương, Hoàng tử này có thân thể cân đối như cây bàng (nigrodha: ni-câu-luật). Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân...

"Ðại vương, Hoàng tử này có bán thân trên vuông tròn...

"Ðại vương, Hoàng tử này có vị giác hết sức sắc bén...

"Ðại vương, Hoàng tử này có quai hàm như con sư tử..

"Ðại vương, Hoàng tử này có bốn mươi răng...

"Ðại vương, Hoàng tử này có răng đều đặn...

"Ðại vương, Hoàng tử này có răng không khuyết hở...

"Ðại vương, Hoàng tử này có răng cửa (thái xỉ) trơn láng...

"Ðại vương, Hoàng tử này có tướng lưỡi rộng dài...

"Ðại vương, Hoàng tử này có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca-lăng-tần-già (Karavika)...

"Ðại vương, Hoàng tử này có hai mắt màu xanh đậm...

"Ðại vương, Hoàng tử này có lông mi con bò cái...

"Ðại vương, Hoàng tử này giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ...

"Ðại vương, Hoàng tử này có nhục kế trên đầu, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại nhân...

33. "Ðại vương, Hoàng tử có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại nhân, với ba mươi hai tướng tốt này, Hoàng tử sẽ chọn đi hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, Hoàng tử sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành sở hữu của Ngài, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến hơn một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu Hoàng tử từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, Hoàng tử sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời".

Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumā ra lệnh cúng dường vị các vị Bà-la-môn đoán tướng ấy, các áo vải mới và làm thỏa mãn mọi sự đòi hỏi ước muốn.

34. Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumā cho nuôi những người vú cho hoàng tử Vipassī. Người cho bú, người tắm, người lo bồng ẵm, người mang trên nách. Này các Tỷ-kheo, một lọng trắng ngày đêm được che trên hoàng tử Vipassī, và lệnh được truyền ra: "Không được để lạnh hay nóng, cỏ, bụi, hay sương làm phiền hoàng tử". Hoàng tử Vipassī được mọi người âu yếm. Này các Tỷ-kheo, cũng như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hay hoa sen trắng được mọi người yêu thích. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī được mọi người âu yếm, gần như được ẵm từ nách này qua nách người khác.

35. Này các Tỷ-kheo, khi hoàng tử Vipassī được sinh ra, hoàng tử phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, giống như con chim ca-lăng-tân-già sinh trong núi Hy-mã-lạp sơn, giọng chim rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Hoàng Tử Vipassī phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn.

36. Này các Tỷ-kheo, khi hoàng tử Vipassī sanh ra, Thiên nhãn hiện ra với Ngài, do nghiệp báo sanh, và nhờ Thiên nhãn ấy, Ngài có thể nhìn khắp chung quanh đến một do tuần, ban ngày cũng như ban đêm.

37. Này các Tỷ-kheo, khi hoàng tử Vipassī sanh ra, Ngài nhìn thẳng sự vật với cặp mắt không nhấp nháy, như hàng Thiên ở Tam thập tam thiên. Vì hoàng tử Vipassī nhìn không nhấp nháy, nên này các Tỷ-kheo, hoàng tử được gọi tên là "Vipassī" - "Vị đã nhìn thấy". Này các Tỷ-kheo, khi vua Bandhumā ngồi xử kiện, vua cho đặt hoàng tử Vipassī ngồi bên nách mình để xử kiện. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī ngồi bên nách vua cha như vậy và chú tâm quan sát phương thức xử kiện đến nỗi tự mình cũng có thể phán đoán xử kiện. Này các Tỷ-kheo, do hoàng tử Vipassī "có thể quan sát và xử kiện đúng luật pháp" và danh từ "Vipassī" càng được dùng để đặt tên cho Ngài.

38. Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumā cho xây dựng ba tòa lâu đài cho hoàng tử Vipassī, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa lạnh, và năm món dục lạc đều được chuẩn bị đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī sống bốn tháng mưa trong lâu đài dành cho mùa mưa, được hầu hạ mua vui với các nữ nhạc sĩ, và không một lần nào, Ngài bước xuống khỏi lầu.



Tụng phẩm II

1. - Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh" - "Thưa vâng, Hoàng Tử". Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassī, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch hoàng tử Vipassī: "Tâu Hoàng tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời".

Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ hoàng tử Vipassī leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

2. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, người đó là ai vậy? Sao thân người đó không giống các người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, người đó là một người được gọi là già vậy".

- "Này khanh, sao người ấy được gọi là một người già?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa".

- "Này khanh, vậy rồi Ta có bị già không, một người chưa qua tuổi già?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già!"

- "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

- "Thưa vâng, Hoàng tử". Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!".

3. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā cho gọi người đánh xe và hỏi: "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không, tại vườn ngự uyển? "Này khanh, Hoàng tử có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?". - "Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển. Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có hoan hỷ, tại vườn ngự uyển" - "Này khanh, khi đến vườn ngự uyển, Hoàng tử đã thấy gì?" - "Tâu đại vương, Hoàng tử trong khi đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy vừa đi vừa run rẩy, khổ não không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, người đó là ai vậy? Sao tóc người đó không giống các người khác? Sao thân người đó không giống các người khác?" - "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là vậy" - "Này khanh, sao người ấy được gọi là người già? - "Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già, vì nay người ấy sống không bao lâu nữa". - "Này khanh, vậy rồi Ta có phải bị già không, một người chưa qua tuổi già?" - "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già" - "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung". - "Thưa vâng, Hoàng Tử!". Tâu Ðại vương, con vâng lời Hoàng tử Vipassī, cho đánh xe trở về cung. Tâu Ðại vương, Hoàng tử trở về cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy".

4. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā suy nghĩ: "Không thể để cho hoàng tử Vipassī từ chối không trị vì. Không thể để cho Hoàng tử Vipassī xuất gia. Không thể để cho lời của các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumā lại sắp đặt cho hoàng tử Vipassī đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để hoàng tử Vipassī có thể trị vì, để hoàng tử Vipassī khỏi phải xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không trúng sự thật. Và, này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī sống tận hưởng đầy đủ sung túc năm món dục lạc.

5. Này các Tỷ-kheo hoàng tử Vipassī, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người đánh xe... (tương tự như đoạn kinh II.1).

6. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī, khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe. "Này khanh, người này đã làm gì, mà mắt của nó không giống mắt của những người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là một người bệnh vậy".

- "Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là một người bệnh vì người ấy chưa thoát khỏi căn bệnh của mình"

- "Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, một người chưa bị bệnh?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật".

- "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

- "Thưa vâng, Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử cho đánh xe trở về cung. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!"

7. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā cho gọi người đánh xe và hỏi: "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không tại vườn ngự uyển? Hoàng tử có hoan hỷ không tại vườn ngự uyển?" - "Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển. Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển" - "Này khanh, khi đi đến vườn ngự uyển, Hoàng tử đã thấy gì?"

- "Tâu Ðại vương, Hoàng tử trong khi đến vườn ngự uyển thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, người đó đã làm gì mà mắt của nó không giống mắt của người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?" - "Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là môt người bệnh" Vậy: - "Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?" - "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người bệnh, vì người ấy chưa khỏi căn bệnh của mình!" - "Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, môt người chưa bị bệnh?" - "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật". - "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi! Hãy cho đánh xe trở về cung". - "Thưa vâng, Hoàng tử". Con vâng theo lời Hoàng tử cho đánh xe trở về cung. Tâu Ðại vương, Hoàng tử về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!".

- Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā suy nghĩ: "Không thể để cho Hoàng tử Vipassī từ chối không trị vì! Không thể để cho Hoàng tử Vipassī xuất gia! Không thể để cho lời của các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhuma, lại sắp đặt cho hoàng tử Vipassī đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để hoàng tử Vipassī có thể trị vì, để hoàng tử Vipassī không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không trúng sự thật. Và này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī sống tận hưởng, đầy đủ, sung túc năm món dục lạc.

9. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh". - "Thưa vâng, Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassī, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch hoàng tử Vipassī: "Tâu hoàng tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời".

Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ hoàng tử Vipassī leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

10. - Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau, và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?"

- "Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung"

- "Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung!"

- "Thưa vâng, tâu Hoàng tử." Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Này các Tỷ-kheo, khi thấy thây người chết, hoàng tử Vipassī hỏi: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác!"

- "Này khanh, vậy Ta chưa chết, rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng, và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những bà con ruột thịt chăng?"

- "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi sẽ cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương. Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác".

- "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung".

- "Thưa vâng, Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung.

Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!".

11. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā cho gọi người đánh xe và hỏi: "Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không, tại vườn ngự uyển? Hoàng tử có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?"- "Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển. Hoàng tử không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển". - "Này khanh đi đến vườn ngự uyển, Hoàng tử đã thấy gì?"

- "Tâu Ðại vương, Hoàng tử trong khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy, mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?" - "Tâu Hoàng tử, vì có một người mới mệnh chung". - "Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe lại gần người vừa mới mệnh chung". - "Thưa vâng, tâu Hoàng tử". Con vâng theo lời Hoàng tử, cho đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung. Khi thấy thây chết, Hoàng tử hỏi con: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?" - "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết, vì nay bà mẹ, ông cha hay những bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa! Và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác". - "Này khanh, vậy Ta chưa chết rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng? Và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác chăng?" - "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi cũng sẽ bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy hoàng tử, và hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác" - "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung". - "Thưa vâng, Hoàng tử".

Con vâng theo lời hoàng tử Vipassī cho đánh xe trở về cung. Hoàng tử về trong cung đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!".

12. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumā suy nghĩ: "Không thể để cho hoàng tử Vipassī từ chối không trị vì! Không thể để cho hoàng tử Vipassī xuất gia. Không thể để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật".

- Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumā lại sắp đặt cho hoàng tử Vipassī đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để hoàng tử Vipassī có thể trị vì, để hoàng tử Vipassī không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không đúng sự thật. Và này các Tỷ-kheo, Hoàng tử Vipassī sống tận hưởng, đầy đủ, sung túc năm món dục lạc.

13. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người đánh xe: "Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh". - "Thưa vâng, Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassī, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch hoàng tử Vipassī: "Tâu Hoàng tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời".

Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ hoàng tử Vipassī leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

14. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassī trên đường đi đến ngự uyển thấy một vị xuất gia, đầu trọc, đắp áo cà sa. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, người này đã làm gì, mà đầu người ấy lại khác đầu của những người khác, và áo của người ấy cũng khác áo của những người khác?"

- "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người xuất gia!"

- "Này khanh, sao người ấy được gọi là người xuất gia?"

- "Tâu Hoàng tử, xuất gia nghĩa là khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh!"

- "Này khanh, hãy đánh xe đến gần vị xuất gia".

- "Thưa vâng, Hoàng tử".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử Vipassī, đánh xe đến gần người xuất gia. Này các Tỷ-kheo, rồi hoàng tử Vipassī hỏi vị xuất gia: "Thưa Hiền giả, Ngài đã làm gì, mà đầu của Ngài không giống những người khác, và áo của Ngài không giống các người khác?

- "Thưa Hoàng tử, tôi là một người xuất gia!"

- "Thưa Hiền giả, thế nào gọi là người xuất gia?"

- "Thưa Hoàng tử, tôi là người được gọi là xuất gia, vì tôi khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh".

- "Thưa Hiền giả, lành thay hạnh xuất gia của Ngài, lành thay khéo tu phạm hạnh, khéo tu tính hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh".

15. Này các Tỷ-kheo, rồi hoàng tử Vipassī bảo người đánh xe: "Này khanh, hãy lấy xe này và cho đánh xe về cung. Còn Ta ở nơi đây, sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

- "Thưa vâng, Hoàng tử". Người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassī lấy xe và đánh xe về cung. Còn hoàng tử Vipassī, chính tại chỗ ấy, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

16. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ, tại kinh đô Bandhumatī có một đại chúng tám vạn bốn ngàn người nghe tin: "Hoàng tử Vipassī đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Khi nghe tin, các vị ấy suy nghĩ: "Pháp luật như vậy không phải tầm thường, xuất gia như vậy không phải tầm thường, vì hoàng tử Vipassī trong pháp luật ấy đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

Nay hoàng tử Vipassī đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình tại sao chúng ta lại không?" Này các Tỷ-kheo, rồi đại chúng tám vạn bốn ngàn người ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, dưới sự lãnh đạo của Bồ-tát Vipassī. Rồi Bồ-tát Vipassī cùng với đồ chúng, du hành, đi ngang qua những làng, thị xã và đô thị.

17. Này các Tỷ-kheo, trong khi yên lặng tịnh cư, Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Sao Ta lại sống bị bao vây bởi đồ chúng này. Tốt hơn là Ta sống một mình, lánh xa đồ chúng này!"

Này các Tỷ-kheo, sau một thời gian Bồ-tát Vipassī sống một mình, lánh xa đồ chúng, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này đi một ngả, Bồ-tát Vipassī đi một ngả.

18. Này các Tỷ-kheo, trong khi yên lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Thế giới này thật rơi vào cảnh khổ não, phải sanh rồi già, rồi chết, rồi từ bỏ thế giới này để tái sanh thế giới khác. Không một ai biết một con đường giải thoát khỏi sự đau khổ này, thoát khỏi già và chết".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?". Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, sanh mới có mặt? Do duyên gì, sanh phát khởi?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến sau đây:

"Do hữu có mặt nên sanh mới có mặt. Do duyên hữu, nên sanh phát khởi".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, hữu mới có mặt? Do duyên gì, hữu phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thủ có mặt nên hữu mới có mặt. Do duyên thủ, hữu phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt thủ mới có mặt? Do duyên gì, thủ phát sanh?". Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do ái có mặt, thủ mới phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, ái mới có mặt. Do duyên gì, ái phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thọ có mặt, ái mới có mặt. Do duyên thọ, ái phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên gì, thọ mới phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do xúc có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên xúc, thọ mới phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên gì xúc mới phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do lục nhập có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên lục nhập, xúc mới phát sanh ".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên gì, lục nhập mới phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên danh sắc, lục nhập mới phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, danh sắc mới có mặt? Do duyên gì, danh sắc mới phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thức có mặt, danh sắc có mới có mặt. Do duyên thức, danh sắc mới phát sanh".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì có mặt, thức mới có mặt. Do duyên gì, thức mới phát sanh?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc có mặt, thức mới có mặt. Do duyên danh sắc, thức mới phát sanh".

19. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ như sau: "Thức này xoay trở lui lại, từ nơi danh sắc, không vượt khỏi danh sắc. Chỉ như thế này, con người được sanh ra hay trở thành già, hay bị chết, hay từ biệt cõi này, hay sanh lại ở cõi khác, nghĩa là

do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, lục nhập sanh; do duyên lục nhập, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ ưu não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này".

"Tập khởi, tập khởi". Này các Tỷ-kheo, từ nơi Bồ-tát Vipassī, khởi sanh pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.

20. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Cái gì diệt, già chết diệt?"

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh không có mặt, già chết không có mặt, do sanh diệt, già chết diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, sanh không có mặt? Cái gì diệt, sanh diệt! Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do hữu không có mặt, sanh không có mặt, do hữu diệt, sanh diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, hữu không có mặt? Cái gì diệt, hữu diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thủ không có mặt, hữu không có mặt, do thủ diệt, hữu diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, thủ không có mặt? Cái gì diệt, thủ diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do ái không có mặt, thủ không có mặt, do ái diệt, thủ diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, ái không có mặt? Cái gì diệt, ái diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thọ không có mặt, ái không có mặt, do thọ diệt, ái diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, thọ không có mặt? Cái gì diệt, thọ diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do xúc không có mặt, thọ không có mặt, do xúc diệt, thọ diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt xúc không có mặt? Cái gì diệt, xúc diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do lục nhập không có mặt, xúc không có mặt, do lục nhập diệt, xúc diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì có mặt, lục nhập không có mặt? Cái gì diệt, lục nhập diệt". Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc không có mặt, lục nhập không có mặt, do danh sắc diệt, lục nhập diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Do cái gì không có mặt, danh sắc không có mặt? Cái gì diệt danh sắc diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do thức không có mặt, danh sắc không có mặt, do thức diệt, danh sắc diệt".

Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Cái gì không có mặt, thức không có mặt? Do cái gì diệt, thức diệt?" Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: "Do danh sắc không có mặt, thức không có mặt, do danh sắc diệt, thức diệt".

21. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī suy nghĩ: "Ôi, Ta đã chứng được con đường đưa đến Bồ-đề, nhờ pháp tu quán.

Nghĩa là, do danh sắc diệt, thức diệt; do thức diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt, do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, ưu, bi, khổ, sầu, não diệt. Như vậy, toàn bộ khổ uẩn diệt".

"Diệt, diệt". Này các Tỷ-kheo, từ nơi Bồ-tát Vipassī, khởi hành pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.

22. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassī, sau một thời gian sống quán sự sanh diệt trong năm uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành diệt! Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức diệt".

Và đối với Ngài, sau khi sống quán pháp sanh diệt trong năm thủ uẩn, chẳng bao lâu các lậu hoặc được tiêu trừ và Ngài được giải thoát.



Tụng phẩm III.

1. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác liền suy nghĩ: "Nay Ta hãy thuyết pháp".

Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý "Y tánh duyên khởi pháp" (ida-paccayata paticca samuppāda);

thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta!"

2. Này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên:

Sao nay Ta lại nói lên chánh pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn?

Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối.

Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó thấy pháp này.

Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế.

Này các Tỷ-kheo, với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề tâm của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hướng về vô vi, thụ động, không muốn thuyết pháp. Khi bấy giờ, một trong các vị Ðại Phạm thiên, khi biết được tư tưởng của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nhờ tư tưởng của mình, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ bị tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hướng về vô vi, thụ động, không muốn thuyết pháp!"

3. Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên ấy, như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng, cũng vậy vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, rồi vị Ðại Phạm thiên đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bạch rằng: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bị bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp. Nếu được nghe, những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp".

4. Này các Tỷ-kheo, được nghe nói vậy, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nói với vị Ðại Phạm thiên: "Này Phạm thiên, Ta đã suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có người trí mới hiểu thấu.

Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý y tánh duyên khởi pháp; thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật mệt mỏi cho Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta". Này Phạm thiên, khi ấy những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng nghe khởi lên nơi Ta:

Sao nay Ta lại nói lên chánh pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn?

Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối.

Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó mà thấy được pháp này.

Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế.

Này Phạm thiên, với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.

5. Này các Tỷ-kheo, lần thứ hai vị Ðại Phạm thiên ấy... (như trên)...

6. Này các Tỷ-kheo, lần thứ ba, vị Ðại Phạm thiên ấy bạch Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiên Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bị bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp, những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp!"

Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác biết được lời khuyên thỉnh của vị Phạm Thiên, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận tánh nghịch, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.

Như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước lớn lên dưới nước vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt.

Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nhìn quanh thế giới với Phật nhãn. Ngài thấy có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận tánh nghịch, có hạng dễ dạy khó dạy, một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.

7. Rồi vị Ðại Phạm thiên, với tâm mình biết được tâm tư của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, liền nói với Ngài, bài kệ sau đây:

Như con người đứng trên đỉnh núi nhìn quanh dân chúng phía dưới.

Cũng vậy Ngài Sumedha lên lầu chánh pháp, bậc biến nhãn, thoát ly sầu muộn.

Nhìn xuống quần chúng, âu lo sầu muộn bị sanh già áp bức.

Hãy đứng lên, bậc anh hùng, bậc chiến thắng ở chiến trường! Vị trưởng đoàn lữ khách, đấng thoát ly mọi nợ nần! Thế Tôn hãy đi khắp thế giới hoằng dương chánh pháp.

Có người nhờ được nghe, sẽ thâm hiểu diệu nghĩa!

Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trả lời vị Ðại Phạm thiên với bài kệ sau đây:

Cửa bất diệt đã được mở rộng, Hỡi những ai được nghe, hãy từ bỏ tà kiến của mình. Vì nghĩ đến mệt mỏi hoài công, này Phạm Thiên. Ta không muốn giảng Chánh pháp vi diệu cho loài người!

Này các Tỷ-kheo, rồi vị Ðại Phạm thiên với ý nghĩ: "Ta đã là người mở đường cho Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết pháp", rồi đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

8. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Ta thuyết pháp cho ai trước tiên? Ai sẽ mau hiểu chánh pháp này?"

Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Nay vương tử Khanda (Kiển-trà) và con vương sư Tissa (Ðề-xá) trú ở kinh đô Bandhumatī (Bàn-đầu-bà-đề) là bậc trí thức đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm ô bởi bụi đời. Nay ta hãy thuyết pháp cho vương tử Khanda và con vương sư Tissa trước tiên, hai vị này sẽ sớm thâm hiểu chánh pháp này".

Rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng, biến mất từ cây Bồ đề, hiện ra tại vườn Lộc Uyển Khenma, kinh đô Bhadhumatì.

9. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi người giữ vườn: "Này bạn, hãy vào kinh đô Bandhumatī, nhắn với vương tử Khanda và con vương sư Tissa rằng Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh đô Bandhumatī, hiện trú ở Lộc Uyển Khema và muốn gặp hai vị!"

- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, người giữ vườn vâng theo lời dạy của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vào kinh đô Bandhumatī và thưa với vương tử Khanda và con vương sư Tissa: "Thưa quý vị, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh đô Bandhumatī và hiện ở Lộc Uyển Khema. Ngài muốn gặp quý vị!"

10. Này các Tỷ-kheo, Vương tử Khanda và con vương sư Tissa cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình leo lên một cỗ xe thù thắng rồi cùng với các cỗ xe thù thắng khác, cho xe ra khỏi kinh thành Bandhumatī, đi đến Lộc Uyển Khema, đi xe cho đến chỗ còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến trước Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Khi đến nơi, hai vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

11. Rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng, và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của hai vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà được chư Phật đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.

Cũng như tấm vải thuần tịnh không có tỳ vết, rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, vương tử Khanda và con vương sư Tissa, chính tại chỗ ngồi này chứng được Pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh rồi cũng phải diệt".

12. Hai vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự, diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn và quy y Pháp. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới".

13. Này các Tỷ-kheo, vương tử Khanda và con vương sư Tissa được xuất gia với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy hai vị này, khuyến khích làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết-bàn. Và hai vị này nhờ Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

14. Này các Tỷ-kheo, trong khi kinh thành Bandhumatī có đại chúng khoảng tám vạn bốn ngàn vị được nghe: "Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh thành Bandhumatī và ở tại Lộc Uyển Khema. Vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn, Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác".

Khi nghe vậy, các vị này tự nghĩ: "Chắc chắn, pháp luật này không thể tầm thường, sự xuất gia này không thể tầm thường, vì vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tại sao chúng ta lại không làm vậy?"

Này các Tỷ-kheo, rồi đại chúng ấy gồm khoảng tám vạn bốn ngàn vị đi ra khỏi kinh thành Bandhumatī đến Lộc Uyển Khema, chỗ Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở. Khi đến nơi, các vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

15. Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của các vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.

Cũng như tấm vải thuần tịnh, không có tỳ vết rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy tám vạn bốn ngàn vị này, chính tại chỗ ngồi này, chứng được pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh rồi cũng phải diệt".

16. Những vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn,

Như người dựng đứng lại, những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn và quy y Pháp. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới!"

17. Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị này được xuất gia với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy những vị này, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết Bàn. Và những vị này, nhờ Thế Tôn Vipassī bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

18. Này các Tỷ-kheo, nay tám vạn bốn ngàn các vị xuất gia từ trước, được nghe: "Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh thành Bandhumatī, ở tại Lộc Uyển Khema và thuyết pháp". Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này, đi đến Lộc Uyển Khema, chỗ Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở. Khi đến nơi, các vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

19. Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của các vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.

Cũng như tấm vải thuần tịnh, không có tỳ vết, rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này, chính tại chỗ ngồi này, chứng được pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh ra rồi cũng phải diệt".

20. Những vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch Thế Tôn!

Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tăng. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới!"

21. Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy những vị này, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết Bàn.

Và những vị này nhờ Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

22. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh đô Bandhumatī, Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, trong khi yên lặng tịnh cư đã suy nghĩ như sau: "Nay đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh thành Bandhumatī.

Sao Ta lại không khuyến dạy các vị Tỷ-kheo ấy: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn".

23. Này các Tỷ-kheo, một vị Ðại Phạm thiên khác, với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Này các Tỷ kheo, lúc bấy giờ vị Ðại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bạch Ngài: "Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyến dạy đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị ở kinh đô Bandhumatī: "Này các Tỷ-kheo hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp". Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm như các vị Tỷ-kheo. Sau sáu năm, các vị này đến kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn".

Này các Tỷ-kheo, Ðại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, lưng bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

24. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vào buổi chiều xuất định đứng dậy và nói với các vị Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, trong khi Ta yên lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, ý nghĩ sau đây khởi lên: "Nay đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh thành Bandhumatī. Sao Ta lại không khuyến dạy các Tỷ-kheo ấy: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sau sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn".

25. Này các Tỷ-kheo, một Ðại Phạm thiên khác với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Ta. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mắt Ta. Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chấp tay hướng đến Ta và bạch với ta: "Như vậy là phải, Bạch Thế Tôn! Như vậy là phải.

Bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy khuyến dạy đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị ở kinh đô Bandhumatī: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp, sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm như các Tỷ-kheo. Sau sáu năm các vị này sẽ đến kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn". Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Ta, lưng bên hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ.

26. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến dạy các ngươi: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe giảng chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sau sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn".

Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, một phần lớn trong ngày ấy đã lên đường đi khắp quốc độ.

27. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ tại Jambudīpa (Diêm phù đề) có tám vạn bốn ngàn túc xá. Khi một năm vừa mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, một năm vừa mãn, nay còn lại năm năm. Sau năm năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn!"

Hai năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, hai năm vừa mãn, nay còn lại bốn năm. Sau bốn năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn!"

Ba năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, ba năm đã mãn, nay còn lại ba năm. Sau ba năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn!"

Bốn năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, bốn năm đã mãn, nay còn hai năm. Sau hai năm, hãy đến kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn!"

Năm năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, năm năm đã mãn, nay còn lại một năm. Sau một năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn!"

Sáu năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, sáu năm đã mãn. Nay đã đến ngày đi đến kinh đo Bandhumatī để tụng đọc giới bổn".

Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy, một số vị với thần lực của mình, một số với thần lực của chư Thiên trong ngày ấy đã đi đến kinh đô Bandhumatī để tụng đọc giới bổn.

28. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giữa chúng Tỷ-kheo, tụng đọc giới bổn này:

"Chư Phật dạy Niết-bàn là đệ nhất. "Nhẫn nhục, khổ hạnh, kham nhẫn, là đệ nhất. "Người xuất gia hại người xuất gia khác. "Hại người khác như vậy không xứng gọi là Sa-môn.

"Mọi điều ác không làm, hướng tâm các thiện nghiệp. "Giữ tâm trí thanh tịnh, chính lời chư Phật dạy. "Không chỉ trích, không đánh đập, giữ mình trong giới bổn. "Ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ riêng một mình. "Hướng tâm đến cao khiết, chính lời chư Phật dạy".

29. Này các Tỷ-kheo, một thời ta ở tại Ukkhattha (Úc-Già La), trong rừng Subhaga, dưới gốc cây ta-la vương. Này các Tỷ-kheo, trong khi Ta an lặng tịnh cư, tư tưởng sau đây khởi lên: "Có một trú xứ, một loại chúng sanh rất dễ đến mà Ta từ trước không đến ở trong một thời gian khá lâu! Ðó là chư Thiên Suddhāvāsa (Tịnh Cư thiên). Vậy nay Ta hãy đến chư Thiên ở Tịnh Cư thiên!"

Này các Tỷ-kheo, như một lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay đã duỗi ra, Ta biến mất ở Ukkatṭhā, trong rừng Subhaga, dưới gốc cây Ta-La vương và hiện ra trước chư Thiên ở Tịnh Cư thiên. Trong đại chúng chư Thiên ấy một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau:

"Này Hiền giả, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sanh, thuộc chủng tánh Sát Ðế Ly. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañña (Câu-Ly-Nhã).

Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây Pātali (Ba-ba-la). Này Hiền giả, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Khanda (Kiển-trà) và Tissa (Ðề-xá). Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội, một Tăng hội sáu trăm tám mươi vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có vị thị giả Tỷ-kheo tên Asoka (A-dục), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Bandhuma, mẫu hậu tên là Bandhumatī (Bàn-đầu-bà-đề). Kinh thành của vua Bandhuma tên là Bandhumatī. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này.

Này Hiền giả, chúng con là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này".

30. Này các Tỷ-kheo, lại trong đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (... ... ) một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta:

"Này Hiền giả, trong tiền kiếp này, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn, thuộc chủng tánh Sát-đế -lỵ, thuộc gia tộc Sát-đế-lỵ. Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc danh tánh Gotama (Cù-đàm). Này Hiền giả, Thế Tôn tuổi thọ không bao nhiêu, ít oi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút.

Này Hiền giả, Thế Tôn giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát-đa- la). Này Hiền giả, Thế Tôn có hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử tên là Sāriputta và Moggallāna (Xá-lợi-phất và Mục kiền-liên). Này Hiền giả, Thế Tôn có một Tăng hội một ngàn hai trăm năm mươi vị. Này Hiền giả, Tăng hội này của Thế Tôn gồm toàn những vị đã diệt trừ lậu hoặc. Này Hiền giả, Thế Tôn có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Ānanda (A-nan), vị này là thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana (Tịnh Phạn), Hoàng hậu là Māyā (Ma-gia) kinh đô là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).

Này Hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng tôi là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn, đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này".

31. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihā (Vô Nhiệt thiên) đến chư Thiên Atappā (Vô Phiền thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi cùng với chư Thiên Avihā và chư Thiên Atappā đến chư Thiên Sudassā (Thiện Kiến thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihā, chư Thiên Atappā và chư Thiên Sudassa đến chư Thiên Sudassi (Thiện Hiện thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihā, chư Thiên Atappā, chư Thiên Sudassā và chư Thiên Sudassī đến chư Thiên Akanitthā (Sắc Cứu Kính thiên).

Này các Tỷ-kheo, lại trong Ðại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: "Này Hiền giả, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassī, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời... (như đoạn kinh số 29)".

32. Này các Tỷ-kheo, lại trong đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (như trước) một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: "Này Hiền giả, trong tiền kiếp này đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời... (như đoạn kinh số 30)".

33. Này các Tỷ-kheo, như vậy Như Lai khéo chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn này, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".

Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

14. The Great Discourse on the Lineage

Translated by: Maurice Walshe



[1] 1.1. THUS HAVE I HEARD.259 Once the Lord was staying at Sāvatthi, in Anāthapindika’s park in the Jeta grove, in the Kareri hutment. And among a number of monks who had gathered together after their meal, after the alms-round, sitting in the Kareri pavilion, there arose a serious discussion on former lives, as they said: ‘This is how it was in a former life’, or ‘That was how it was.’

1.2. And the Lord, with the purified divine-ear faculty surpassing the powers of humans, heard what they were talking about. Getting up from his seat, he went to the Kareri pavilion, sat down on the prepared seat, and said:

‘Monks, what was your conversation as you sat together? What discussion did I interrupt?’

And they told him. [2]



1.3. ‘Well, monks, would you like to hear a proper discourse on past lives?’

‘Lord, it is time for that! Well-Farer, it is time for that! If the Lord were to give a proper discourse on past lives, the monks would listen and remember it!’

‘Well then, monks, listen, pay close attention, and I will speak.’

‘Yes, Lord’, the monks replied, and the Lord said:

1.4. ‘Monks, ninety-one aeons ago the Lord, the Arahant, the fully-enlightened Buddha Vipassī arose in the world. Thirty-one aeons ago the Lord Buddha Sikhī arose; in the same thirty-first aeon before this Lord Buddha Vessabhū arose. And in this present fortunate aeon260 the Lords Buddhas Kakusandha, Koṇagāmana and Kassapa arose in the world. And, monks, in this present fortunate aeon I too have now arisen in the world as a fully-enlightened Buddha.

1.5. ‘The Lord Buddha Vipassī was born of Khattiya race, and arose in a Khattiya family; the Lord Buddha Sikhī likewise; [3] the Lord Buddha Vessabhū likewise; the Lord Buddha Kakusandha was born of Brahmin race, and arose in a Brahmin family; the Lord Buddha Konāgamana likewise; the Lord Buddha Kassapa likewise; and I, monks, who am now the Arahant and fully-enlightened Buddha, was born of Khattiya race, and arose in a Khattiya family.

1.6. ‘The Lord Buddha Vipassī was of the Kondañña clan; the Lord Buddah Sikhī likewise; the Lord Buddah Vessabhū likewise; the Lord Buddha Kakusandha was of the Kassapa clan; the Lord Buddha Koṇagāmana likewise; the Lord Buddha Kassapa likwise; I who am now the Arahant and fully . enlightened Buddha, am of the Gotama clan.

1.7. ‘In the time of the Lord Buddha Vipassī the life-span was eighty thousand years;

in the time of the Lord Buddha Sikhī seventy thousand;

in the time of the Lord Buddha Vessabhū sixty thousand;

in the time of the Lord Buddha Kakusandhu forty thousand;

in the time of the Lord Buddha Konāgamana thirty thousand; [4]

in the time of the Lord Buddha Kassapa it was twenty thousand years.

In my time the lifespan is short, limited and quick to pass: it is seldom that anybody lives to be a hundred.

1.8. ‘The Lord Buddha Vipassī gained his full enlightenment at the foot of a trumpet-flower tree; the Lord Buddha Sikhī under a white-mango tree; the Lord Buddha Vessabhū under a sāl-tree; the Lord Buddha Kakusandha under an acacia-tree; the Lord Buddha Konāgamana under a fig-tree; the Lord Buddha Kassapa under a banyan-tree; and I became fully enlightened at the foot of an assattha-tree. 261

1.9. ‘The Lord Buddha Vipassī had the pair of noble disciples Khanda and Tissa; the Lord Buddha Sikhī had Abhibhū and Sambhava; the Lord Buddha Vessabhū had Sona and Uttara; the Lord Buddha Kakusandha had Vidhūra and Sañjīva; the Lord Buddha Konāgamana had Bhiyyosa and Uttara; [5] the Lord Buddha Kassapa had Tissa and Bhāradvāja; I myself now have the pair of noble disciples Sāriputta and Moggallāna.

1.10. ‘The Lord Buddha Vipassī had three assemblies of disciples: one of six million eight hundred thousand, one of a hundred thousand, and one of eighty thousand monks, and of these three assemblies all were Arahants;

the Lord Buddha Sikhī had three assemblies of disciples: one of a hundred thousand, one of eighty thousand, and one of seventy thousand monks — all Arahants;

the Lord Buddha Vessabhū had three assemblies: one of eighty thousand, one of seventy thousand, and one of sixty thousand monks — all Arahants;

the Lord Buddha Kakusandha had one assembly: forty thousand monks — all Arahants;

the Lord Buddha Koṇagāmana [6] had one assembly: thirty thousand monks — all Arahants;

the Lord Buddha Kassapa had one assembly: twenty thousand monks — all Arahants; I, monks, have one assembly of disciples, one thousand two hundred and fifty monks, and this one assembly consists only of Arahants.

1.11. ‘The Lord Buddha Vipassī’s personal attendant was the monk Asoka; the Lord Buddha Sikhī’s was Khemaṅkara; the Lord Buddha Vessabhū’s was Upasaññaka; the Lord Buddha Kakusandhu’s was Vuddhija; the Lord Buddha Koṇagāmana’s was Sotthija; the Lord Buddha Kassapa’s was Sabbamitta; my chief personal attendant now is Ānanda.

1.12. ‘The Lord Buddha Vipassī’s father was King Bandhumā, [7] his mother was Queen Bandhumatī, and King Bandhuma’s royal capital was Bandhumatī.

The Lord Buddha Sikhī’s father was King Aruṇa, his mother was Queen Pabhāvatī; King Aruṇa’s capital was Aruṇavatī.

The Lord Buddha Vessabhū’s father was King Suppatīta, his mother was Queen Yasavatī; King Suppatīta’s capital was Anopama.

The Lord Buddha Kakusandha’s father was the Brahmin Aggidatta, his mother was the Brahmin lady Visākhā. The king at that time was called Khema; his capital was Khemavatī.

The Lord Buddha Koṇagāmana’s father was the Brahmin Yaññadatta, his mother was the Brahmin lady Uttarā. The king at that time was Sobha; his capital was Sobhavatī.

The Lord Buddha Kassapa’s father was the Brahmin Brahmadatta, his mother was the Brahmin lady Dhanavatī. The king at that time was Kikī; his capital was Vārānasī.

And now, monks, my father was King Suddhodana, my mother was Queen Māyā, and the royal capital was Kapilavatthu.’

Thus the Lord spoke, and the Well-Farer then rose from his seat and went to his lodging. [8]

1.13. Soon after the Lord had gone, another discussion arose among the monks:262

‘It is marvellous, friends, it is wonderful, the Tathāgata’s great power and ability — the way he recalls past Buddhas who have gained Parinibbāna, having cut away the hindrances, cut off the road [of craving], put an end to the round of becoming, overcome all suffering.

He recalls their birth, their name, their clan, their life-span, the disciples and assemblies connected with him: “Being born thus, these Blessed Lords were such-and-such, such were their names, their clans, their discipline, their Dhamma, their wisdom, their liberation.”

Well now, friends, how did the Tathāgata come by the penetrative knowledge through which he remembers all this ... ?

Did some deva reveal this knowledge to [9] him?’

This was the conversation of those monks which came to be interrupted.

1.14. Then the Lord, rising from the seclusion of the rest-period, went to the Kareri pavilion and sat down on the prepared seat. He said:

‘Monks, what was your conversation as you sat together? What discussion did I interrupt?’

And the monks [10] told him.







1.15. ‘The Tathāgata understands these things... by his own penetration of the principles of Dhamma; and devas, too, have told him. Well, monks, do you wish to hear still more [11] about past lives?’ ‘Lord, it is time for that! Well-Farer, it is time for that! If the Lord were to give a proper discourse on past lives, the monks would listen and remember it.’



‘Well then, monks, listen, pay close attention, and I will speak.’

‘Yes, Lord’, the monks replied, and the Lord said:

1.16. ‘Monks, ninety-one aeons ago the Lord, the Arahant, the fully-enlightened Buddha Vipassī arose in the world. He was born of Khattiya race, and arose in a Khattiya family. He was of the Kondañña clan. The span of his life was eighty thousand years. He gained his full enlightenment at the foot of a trumpet-flower tree.

He had the pair of noble disciples Khanda and Tissa as his chief followers. He had three assemblies of disciples: one of six million eight hundred thousand, one of a hundred thousand, and one of eighty thousand monks, all Arahants. His chief personal attendant was the monk Asoka. His father was King Bandhumā, [12] his mother was Queen Bandhumatī. The king’s capital was Bandhumatī.

1.17. 263‘And so, monks, the Bodhisatta Vipassī descended from the Tusita heaven, mindful and clearly aware, into his mother’s womb. This, monks, is the rule.264

‘It is the rule, monks, that when a Bodhisatta descends from the Tusita heaven into his mother’s womb, there appears in this world with its devas, māras and Brahmās, its ascetics and Brahmins, princes and people an immeasurable, splendid light surpassing the glory of the most powerful devas. And whatever dark spaces lie beyond the world’s end, chaotic, blind and black, such that they are not even reached by the mighty rays of sun and moon, are yet illumined by this immeasurable splendid light surpassing the glory of the most powerful devas.

And those beings that have been reborn there265 recognise each other by this light and know: “Other beings, too, have been born here!” And this ten-thousandfold world-system trembles and quakes and is convulsed. And this immeasurable light shines forth. That is the rule.

‘It is the rule that when a Bodhisatta has entered his mother’s womb, four devas 266 come to protect him from the four quarters, saying: “Let no man, no non-human being, no thing whatever harm this Bodhisatta or this Bodhisatta’s mother!” That is the rule.

1.18. ‘It is the rule that when a Bodhisatta has entered his mother’s womb, his mother becomes by nature virtuous, refraining from taking life, from taking what is not given, from sexual [13] misconduct, from lying speech, or from strong drink and sloth-producing drugs. That is the rule.

1.19. ‘It is the rule that when a Bodhisatta has entered his mother’s womb, she has no sensual thoughts connected with a man, and she cannot be overcome by any man with lustful thoughts. That is the rule.

1.20. ‘It is the rule that when a Bodhisatta has entered his mother’s womb, she enjoys the fivefold pleasures of the senses and takes delight, being endowed and possessed of them. That is the rule.

1.21. ‘It is the rule that when a Bodhisatta has entered his mother’s womb, she has no sickness of any kind, she is at ease and without fatigue of body, and she can see the Bodhisatta inside her womb, complete with all his members and faculties.

Monks, it is as if a gem, a beryl, pure, excellent, well cut into eight facets, clear, bright, flawless and perfect in every respect, were strung on a blue, yellow, red, white or orange cord. And a man with good eyesight, taking it in his hand, would describe it as such.

Thus does the Bodhisatta’s mother, with no sickness, [14] see him, complete with all his members and faculties. That is the rule.

1.22. ‘It is the rule that the Bodhisatta’s mother dies seven days after his birth and is reborn in the Tusita heaven. That is the rule.

1.23. ‘It is the rule that whereas other women carry the child in their womb for nine or ten months before giving birth, it is not so with the Bodhisatta’s mother, who carries him for exactly ten months before giving birth. That is the rule.

1.24. ‘It is the rule that whereas other women give birth sitting or lying down, it is not so with the Bodhisatta’s mother, who gives birth standing up. That is the rule.

1.25. ‘It is the rule that when the Bodhisatta issues from his mother’s womb, devas welcome him first, and then humans. That is the rule.

1.26. ‘It is the rule that when the Bodhisatta issues from his mother’s womb, he does not touch the earth. Four devas267 receive him and place him before his mother, saying: “Rejoice, Your Majesty, a mighty son has been born to you!” That is the rule.

1.27. ‘It is the rule that when the Bodhisatta issues from his mother’s womb he issues forth stainless, not defiled by water, mucus, blood or any impurity, pure and spotless.

Just as when a jewel is laid on muslin from Kāsī,268 the jewel does not stain the muslin, or the muslin the jewel. Why not? Because of the purity of both. In the same way the Bodhisatta issues forth stainless... [15] That is the rule.

1.28. ‘It is the rule that when the Bodhisatta issues forth from his mother’s womb, two streams of water appear from the sky, one cold, the other warm, with which they ritually wash the Bodhisatta and his mother. That is the rule.

1.29. ‘It is the rule that as soon as he is born the Bodhisatta takes a firm stance on both feet facing north, then takes seven strides and, under a white sunshade,269 he scans the four quarters and then declares with a bull-like voice: “I am chief in the world, supreme in the world, eldest in the world. This is my last birth, there will be no more re-becoming.”270 That is the rule.

1.30. ‘It is the rule that when the Bodhisatta issues from his mother’s womb there appears in this world... an immeasurable, splendid light... (as verse 17). This is the rule.271 [16]





1.31. ‘Monks, when Prince Vipassī was born, they showed him to King Bandhumā and said: “Your Majesty, a son has been born to you. Deign, Sire, to look at him.” The king looked at the prince and then said to the Brahmins skilled in signs: “You gentlemen are skilled in signs, examine the prince.”

The Brahmins examined the prince, and said to King Bandhumā: “Sire, rejoice, for a mighty son has been born to you. It is a gain for you, Sire, it is a great profit for you, Sire, that such a son has been born into your family.

Sire, this prince is endowed with the thirty-two marks of a Great Man. To such, only two courses are open. If he lives the household life he will become a ruler, a wheel-turning righteous monarch of the law, conqueror of the four quarters, who has established the security of his realm and is possessed of the seven treasures.

These are: the Wheel Treasure, the Elephant Treasure, the Horse Treasure, the Jewel Treasure, the Woman Treasure, the Householder Treasure, and, as seventh, the Counsellor Treasure. He has more than a thousand sons who are heroes, of heroic stature, conquerors of the hostile army. He dwells having conquered this sea-girt land without stick or sword, by the law. But if he goes forth from the household life into homelessness, then he will become an Arahant, a fully-enlightened Buddha, one who draws back the veil from the world.”

1.32. “‘And what, Sire, are these thirty-two marks...?272 [17]





(1) He has feet with level tread.

(2) On the soles of his feet are wheels with a thousand spokes.

(3) He has projecting heels.

(4) He has long fingers and toes.

(5) He has soft and tender hands and feet.

(6) His hands and feet are net-like.

(7) He has high-raised ankles.

(8) His legs are like an antelope’s.

(9) Standing and without bending, he can touch and rub his knees with either hand.

(10) His male organs are enclosed in a sheath.

(11) His complexion is bright, the colour of gold.

(12) His skin is delicate and so smooth that no [18] dust adheres to it.

(13) His body-hairs are separate, one to each pore.

(14) They grow upwards, bluish-black like collyrium, growing in rings to the right.

(15) His body is divinely straight.

(16) He has the seven convex surfaces.

(17) The front part of his body is like a lion’s.

(18) There is no hollow between his shoulders.

(19) He is proportioned like a banyan-tree: his height is as the span of his arms.

(20) His bust is evenly rounded.

(21) He has a perfect sense of taste.

(22) He has jaws like a lion’s.

(23) He has forty teeth.

(24) His teeth are even.

(25) There are no spaces between his teeth.

(26) His canine teeth are very bright.

(27) His tongue is very long.

(28) He has a Brahmā-like voice, like that of the karavīka-bird.

(29) His eyes are deep blue.

(30) He has eyelashes like a cow’s.

(31) The hair between his eyebrows is white, and soft like [19] cotton-down.

(32) His head is like a royal turban.”

1.33. “‘Sire, this prince is endowed with the thirty-two marks of a Great Man. To such, only two courses are open. If he lives the household life he will become a ruler, a wheel-turning righteous monarch of the law...But if he goes forth from the household life into homelessness, then he will become an Arahant, a fully-enlightened Buddha, one who draws back the veil from the world.”

‘Then King Bandhuma, having clothed those Brahmins in fresh clothes, satisfied all their wishes.

1.34. ‘And King Bandhuma appointed nurses for Prince Vipassī. Some suckled him, some bathed him, some carried him, some dandled him. A white umbrella was held over him night and day, that he might not be harmed by cold or heat or grass or dust. And Prince Vipassī was much beloved of the people. Just as everybody loves a blue, [20] yellow or white lotus, so they all loved Prince Vipassī. Thus he was borne from lap to lap.

1.35. ‘And Prince Vipassī had a sweet voice, a beautiful voice, charming and delightful. Just as in the Himālaya mountains the karavīka-bird has a voice sweeter, more beautiful, charming and delightful than all other birds, so too was Prince Vipassī’s voice the finest of all.

1.36. ‘And owing to the results of past kamma, the divine eye was present to Prince Vipassī, with which he could see for a league day and night alike.

1.37. ‘And Prince Vipassī was unblinkingly watchful, like the Thirty-Three Gods. And because it was said that he was unblinkingly watchful, the prince came to be called “Vipassī”. 273 When King Bandhumā was trying a case, he took Prince Vipassī on his knee and instructed him [21] in the case. Then, putting him down from his knee, his father would carefully explain the issues to him. And for this reason he was all the more called Vipassī.

1.38. ‘Then King Bandhumā caused three palaces to be built for Prince Vipassī, one for the rainy season, one for the cold season, and one for the hot season, to cater for all the fivefold sense-pleasures. There Prince Vipassī stayed in the rainy-season palace for the four months of the rainy season, with no male attendants, surrounded by female musicians, and he never left that palace.’

[End of first recitation-section (the birth-section)]



2.1. ‘Then, monks, after many years, many hundreds and thousands of years had passed, 274 Prince Vipassī said to his charioteer: “Harness some fine carriages, charioteer! We will go to the pleasure-park to inspect it.” The charioteer did so, then reported to the prince: “Your Royal Highness, the fine carriages are harnessed, it is time to do as you wish.”

And Prince Vipassī mounted a carriage and drove in procession to the pleasure-park.

2.2 ‘And as he was being driven to the pleasure-park, Prince Vipassī saw [22] an aged man, bent like a roof-beam, broken, leaning on a stick, tottering, sick, his youth all vanished. At the sight he said to the charioteer: “Charioteer, what is the matter with this man? His hair is not like other men’s, his body is not like other men’s.”

“‘Prince, that is what is called an old man.”

“But why is he called an old man?”

“‘He is called old, Prince, because he has not long to live.”

“‘But am I liable to become old, and not exempt from old age?”

“Both you and I, Prince, are liable to become old, and are not exempt from old age.”

“‘Well then, charioteer, that will do for today with the pleasure-park. Return now to the palace.”

“Very good, Prince”, said the charioteer, and brought Prince Vipassī back to the palace.275 Arrived there, Prince Vipassī was overcome with grief and dejection, crying: “Shame on this thing birth, since to him who is born old age must manifest itself!”

2.3. ‘Then King Bandhumā sent for the charioteer and said: “Well, did not the prince enjoy himself at the pleasure-park? Wasn’t he happy there?” “Your Majesty, the prince did not enjoy himself, he was not happy there.” “What did he see on the way there?” [23] So the charioteer told the King all that had happened.

2.4. ‘Then King Bandhumā thought: “Prince Vipassī must not renounce the throne, he must not go forth from the household life into homelessness - the words of the Brahmins learned in signs must not come true!”

So the King provided for Prince Vipassī to have even more enjoyment of the fivefold sense-pleasures, in order that he should rule the kingdom and not go forth from the household life into homelessness... Thus the prince continued to live indulging in, and addicted to the fivefold sense-pleasures.

2.5 ‘After many hundreds of thousands of years Prince Vipassī ordered his charioteer to drive to the pleasure-park (as verse 2.1). [24]

2.6. ‘And as he was being driven to the pleasure-park, Prince Vipassī saw a sick man, suffering, very ill, fallen in his own urine and excrement, and some people were picking him up, and others putting him to bed. At the sight he said to the charioteer: “What is the matter with this man? His eyes are not like other men’s, his head 276 is not like other men’s.”

“‘Prince, that is what is called a sick man.”

“But why is he called a sick man?”

“‘Prince, he is so called because he can hardly recover from his illness.”

“‘But am I liable to become sick, and not exempt from sickness ?”

“Both you and I, Prince, are liable to become sick, and not exempt from sickness.”

“‘Well then, charioteer, return now to the palace.”



Arrived there, Prince Vipassī was overcome with grief and dejection, crying: “Shame on this thing birth, since he who is born must experience sickness!”

2.7. ‘Then King Bandhumā sent for the charioteer, who told him what had happened. [25]





2.8. ‘The king provided Prince Vipassī with even more sense-pleasures, in order that he should rule the kingdom and not go forth from the household life into homelessness...

2.9 ‘After many hundreds of thousands of years Prince Vipassī ordered his charioteer to drive to the pleasure-park.





2.10. ‘And as he was being driven to the pleasure-park, Prince Vipassī saw a large crowd collecting, clad in many colours, and carrying a bier. At the sight he said to the charioteer: “Why are those people doing that?” [26]

“Prince, that is what they call a dead man.”

“Drive me over to where the dead man is.”

“Very good, Prince, said the charioteer, and did so. And Prince Vipassī gazed at the corpse of the dead man. Then he said to the charioteer: ”Why is he called a dead man?”

“‘Prince, he is called a dead man because now his parents and other relatives will not see him again, nor he them.”

“‘But am I subject to dying, not exempt from dying?”

“Both you and I, Prince, are subject to dying, not exempt from it.”

“‘Well then, charioteer, that will do for today with the pleasure-park. Return now to the palace...





Arrived there, Prince Vipassī was overcome with grief and dejection, crying: ”Shame on this thing birth, since to him who is born death must manifest itself!”

2.11. ‘Then King Bandhumā sent for the charioteer, who told him what had happened. [27]





2.12. ‘The king provided Prince Vipassī with even more sense-pleasures... [28]



2.13 ‘After many hundreds of thousands of years Prince Vipassī ordered his charioteer to drive to the pleasure-park.





2.14. ‘And as he was being driven to the pleasure-park, Prince Vipassī saw a shaven-headed man, one who had gone forth,277 wearing a yellow robe. And he said to the charioteer: “What is the matter with that man? His head is not like other men’s, and his clothes are not like other men’s.”

“‘Prince, he is called one who has gone forth.”

“Why is he called one who has gone forth?”

“‘Prince, by one who has gone forth we mean one who truly follows Dhammas, 278 who truly lives in serenity, does good actions, performs meritorious deeds, is harmless and truly has compassion for living beings.”

“‘Charioteer, he is well called one who has gone forth... [29] Drive the carriages over to where he is.”

“Very good, Prince”, said the charioteer, and did so. And Prince Vipassī questioned the man who had gone forth.







“‘Prince, as one who has gone forth I truly follow Dhamma, ... and have compassion for living beings.”

“You are well called one who has gone forth...”

2.15. ‘Then Prince Vipassī said to the charioteer: “You take the carriage and drive back to the palace. But I shall stay here and shave off my hair and beard, put on yellow robes, and go forth from the household life into homelessness.”

“Very good, Prince”, said the charioteer, and returned to the palace. And Prince Vipassī, shaving off his hair and beard and putting on yellow robes, went forth from the household life into homelessness.

2.16. ‘And a great crowd from the royal capital city, Ban dhumati, eighty-four thousand people,279 heard that [30] Prince Vipassī had gone forth into homelessness. And they thought: “This is certainly no common teaching and discipline, no common going-forth, for which Prince Vipassī has shaved off hair and beard, donned yellow robes and gone forth into homelessness. If the Prince has done so, why should not we?”

And so, monks, a great crowd of eighty-four thousand, having shaved off their hair and beards and donned yellow robes, followed the Bodhisatta Vipassī280 into homelessness. And with this following the Bodhisatta went on his rounds through villages, towns and royal cities.

2.17. ‘Then the Bodhisatta Vipassī, having retired to a secluded spot, had this thought: “It is not proper for me to live with a crowd like this. I must live alone, withdrawn from this crowd.”

So after a while he left the crowd and dwelt alone. The eighty-four thousand went one way, the Bodhisatta another.

2.18. ‘Then, when the Bodhisatta had entered his dwelling alone, in a secluded spot, he thought: “This world, alas, is in a sorry state: there is birth and decay,281 there is death and falling into other states and being reborn. And no one knows [31] any way of escape from this suffering, this ageing and death. When will deliverance be found from this suffering, this ageing and death?”

‘And then, monks, the Bodhisatta thought: “With what being present, does ageing-and-death occur? What conditions ageing-and-death?” And then, monks, as a result of the wisdom born of profound consideration282 the realisation dawned on him: “Birth being present, ageing-and-death occurs, birth conditions ageing-and-death.”283

‘Then he thought: “What conditions birth?” And the realisation dawned on him:

“Becoming284 conditions birth” ...

“What conditions becoming?” ... “Clinging conditions becoming”...

“Craving conditions clinging”...

“Feeling conditions craving” ... [32]

“Contact conditions feeling.” ...

“Contact285 conditions feeling”...

“Mind-and-body conditions the six sense-bases”...

“Consciousness conditions mind-and-body.”

And then the Bodhisatta Vipassī thought: “With what being present, does consciousness occur. What conditions consciousness?” And then, as a result of the wisdom born of profound consideration, the realisation dawned on him: “Mind-and-body conditions consciousness.”

2.19. ‘Then, monks, the Bodhisatta Vipassī thought: “This consciousness turns back at mind-and-body, it does not go any further.286 To this extent there is birth and decay, there is death and falling into other states and being reborn, namely:

Mind-and-body conditions consciousness and consciousness conditions mind-and-body, mind-and-body conditions the six sense-bases, the six sense-bases-condition contact, contact conditions feeling, feeling conditions [33] craving, craving conditions clinging, clinging conditions becoming, becoming conditions birth, birth conditions ageing and death, sorrow, lamentation, pain, grief and distress.

And thus this whole mass of suffering takes its origin.” And at the thought: “Origin, origin”, there arose in the Bodhisatta Vipassī, with insight into things never realised before, knowledge, wisdom, awareness, and light.

2.20. ‘Then he thought: “What now being absent, does ageing-and-death not occur? With the cessation of what comes the cessation of ageing-and-death?”

And then, as a result of the wisdom born of profound consideration, the realisation dawned on him: “Birth being absent, ageing-and-death does not occur. With the cessation of birth comes the cessation of ageing-and-death”...

“With the cessation of what comes the cessation of birth?”... “With the cessation of becoming comes the cessation of birth”...

“With the cessation of clinging comes the cessation of becoming”...

“With the cessation of craving comes the cessation of clinging”... [34]

“With the cessation of feeling comes the cessation of craving”...

“With the cessation of contact comes the cessation of feeling”...

“With the cessation of the six sense-bases comes the cessation of contact”...

“With the cessation of mind-and-body comes the cessation of the six sense-bases”...

“With the cessation of consciousness comes the cessation of mind-and-body”...

“With the cessation of mind-and-body comes the cessation of consciousness.”

2.21. ‘Then the Bodhisatta Vipassī thought: “I have found the insight (vipassanā) way287 to enlightenment, [35] namely:

“‘By the cessation of mind-and-body consciousness ceases, by the cessation of consciousness, mind-and-body ceases; by the cessation of mind-and-body the six sense-bases cease; by the cessation of the six sense-bases contact ceases; by the cessation of contact feeling ceases; by the cessation of feeling craving ceases; by the cessation of craving clinging ceases; by the cessation of clinging becoming ceases; by the cessation of becoming birth ceases; by the cessation of birth ageing and death, sorrow, lamentation, pain, grief and distress cease. And thus this whole mass of suffering ceases.”

And at the thought: “Cessation, cessation”, there arose in the Bodhisatta Vipassī, with insight into things never realised before, knowledge, vision, awareness, and light.

2.22. ‘Then, monks, at another time the Bodhisatta Vipassī dwelt contemplating the rise and fall of the five aggregates of clinging: “Such is the body, such its arising, such its passing away; such is feeling...; such is perception...; such are the mental formations...; such is consciousness, such its arising, such its passing away.”

And as he remained contemplating the rise and fall of the five aggregates of clinging, before long his mind was freed from the corruptions without remainder .’288

[End of second recitation-section]



3.1. ‘Then, monks, the Blessed Lord, the Arahant, the fully-enlightened Buddha Vipassī thought: “Suppose now I were to teach Dhamma?”

And then he thought: [36] “I have attained to this Dhamma which is profound, hard to see, hard to grasp, peaceful, excellent, beyond reasoning,289 subtle, to be apprehended by the wise. But this generation delights in clinging,290 rejoices in it and revels in it. But for those who so delight, rejoice and revel in clinging this matter is hard to see, namely the conditioned nature of things, 291 or dependent origination. 292

Equally hard to see would be the calming of all the mental formations,293 the abandonment of all the substrates of rebirth,294 the waning of craving, dispassion, cessation and Nibbāna. And if I were to teach Dhamma to others and they did not understand me, that would be a weariness and a trouble to me.”

3.2. ‘And to the Lord Buddha Vipassī there occurred spontaneously this verse, never previously heard:

“This that I’ve attained, why should I proclaim?

Those full of lust and hate can never grasp it.

Leading upstream this Dhamma, subtle, deep,

Hard to see, no passion-blinded folk can see it.”

‘As the Lord Buddha Vipassī pondered thus, his mind was inclined to inaction rather than to teaching the Dhamma. And, monks, the Lord Buddha Vipassī’s reasoning became mentally known to a certain Great Brahma.295 And [37] he thought: “Alas, the world is perishing, it will be destroyed because the mind of Vipassī, the Blessed Lord, the Arahant, the fully-enlightened Buddha is inclined to inaction rather than to teaching the Dhamma!”

3.3. ‘So this Great Brahmā, as swiftly as a strong man might stretch his flexed arm, or flex it again, disappeared from the Brahmā world and reappeared before the Lord Buddha Vipassī. Arranging his upper robe over one shoulder and kneeling on his right knee, he saluted the Lord Buddha Vipassī with joined hands and said: “Lord, may the Blessed Lord teach Dhamma, may the Well-Farer teach Dhamma! There are beings with little dust on their eyes who are perishing through not hearing Dhamma: they will become knowers of Dhamma!״296

3.4. ‘Then the Lord Buddha Vipassī explained (as verses 1 — 2 above) [38] why he inclined to inaction rather than to teaching the Dhamma.













3.5. — 6. ‘And the Great Brahmā appealed a second and a third time to the Lord Buddha Vipassī to teach...





Then the Lord Buddha Vipassī, recognising Brahmā׳s appeal and moved by compassion for beings, surveyed the world with his Buddha-eye. 297 And he saw beings with little dust on their eyes and with much dust, with faculties sharp and dull, of good and bad disposition, easy and hard to teach, and few of them living in fear of transgression and of the next world.

And just as in a pool of blue, red or white lotuses some are born in the water, grow in the water, and, not leaving the water, thrive in the water; some are born in the water and reach the surface; while some are born in the water and, having reached the surface, grow out of the water and are not polluted by it, [39] in the same way, monks, the Lord Buddha Vipassī, surveying the world with his Buddha-eye, saw some beings with little dust on their eyes...

3.7. ‘Then, knowing his thought, the Great Brahmā addressed the Lord Buddha Vipassī in these verses:

“As on a mountain-peak a watcher sees the folk below,

So, Man of Wisdom,298 seeing all, look down from Dhamma’s heights!

Free from woe, look on those who are sunk in grief, oppressed with birth and age.

Arise, hero, victor in battle, leader of the caravan, traverse the world!

Teach, O Lord, the Dhamma, and they will understand.”

And the Lord Buddha Vipassī replied to the Great Brahma in verse:

“Open to them are the doors of the Deathless! Let those that hear now put forth faith.299 For fear of trouble I did not preach at first The excellent Dhamma for men, Brahma!”

Then that Great Brahma, thinking: “I have been the cause of the Lord Buddha Vipassī׳s preaching Dhamma”, [40] made obeisance to the Lord Buddha, and, passing by to his right, vanished there and then.

3.8. ‘Then the Lord Buddha Vipassī thought: “To whom should I first teach this Dhamma? Who would understand it quickly?”

Then he thought: “There are Khanda the King’s son300 and Tissa the chaplain׳s301 son, living in the capital city of Bandhumatī. They are wise, learned, experienced, and for a long time have had little dust on their eyes. If now I teach Dhamma first to Khanda and Tissa, they will understand it quickly.”

And so the Lord Buddha Vipassī, as swiftly as a strong man might stretch out his flexed arm, or flex it again, vanished there and then from the root of that tree of enlightenment, and reappeared in the royal capital of Bandhumatī, in the deer-park of Khema.

3.9. ‘And the Lord Buddha Vipassī said to the park-keeper: “Keeper, go to Bandhumatī and say to Prince Khanda and the chaplain’s son Tissa: ‘My lords, Vipassī the Blessed Lord, the Arahant, the fully-enlightened Buddha, has come to Bandhumatī and is staying in the deer-park of Khema. He wishes to see you.׳ ״

“‘Very good, Lord”, said the park-keeper, and went and delivered the message.

3.10. ‘Then Khanda and Tissa, [41] having harnessed some fine carriages, drove out of Bandhumatī making for the deer-park of Khema. They took the carriages as far as they would go, then alighted and continued on foot till they came to the Lord Buddha Vipassī. When they reached him, they made obeisance to him and sat down to one side.

3.11. ‘And the Lord Buddha Vipassī delivered to them a graduated discourse on generosity, on morality, and on heaven, 302 showing the danger, degradation and corruption of sense-desires, and the profit of renunciation. And when the Lord Buddha Vipassī knew that the minds of Khanda and Tissa were ready, pliable, free from the hindrances, joyful and calm, then he preached the Buddhas’ special sermon in brief: on suffering, its origin, its cessation, and the path.

And just as a clean cloth from which all stains have been removed receives the dye perfectly, so in Prince Khanda and Tissa the chaplain׳s son, as they sat there, there arose the pure and spotless Dhamma-Eye, and they knew: “Whatever things have an origin must come to cessation.”

3.12. ‘And they, having seen, attained, experienced and penetrated the Dhamma, having passed beyond doubt, having gained perfect confidence in the Teacher’s doctrine without relying on others, said: “Excellent, Lord, excellent! It is as if someone were to set up what had been knocked down, or to point out the way to one who had got lost, or to bring an oil-lamp into a dark place, so that those with eyes could see what was there.

Just so the Blessed Lord has expounded the Dhamma in various ways. We go [42] for refuge to the Lord, and to the Dhamma. May we receive the going-forth at the Lord’s hands, may we receive ordination!”

3.13. ‘And so Prince Khanda and Tissa the chaplain’s son received the going-forth at the hands of the Lord Buddha Vipassī, and they received ordination. Then the Lord Buddha Vipassī instructed them with a discourse on Dhamma, inspired them, fired them and delighted them, showing the danger, degradation and corruption of conditioned things303and the profit of Nibbāna.304 And through their being inspired, fired and delighted with this discourse, it was not long before their minds were freed from the corruptions without remainder.

3.14. ׳And a great crowd of eighty-four thousand people from Bandhumatī heard that the Lord Buddha Vipassī was staying in the deer-park of Khema, and that Khanda and Tissa had shaved off their hair and beards, donned yellow robes, and gone forth from the household life into homelessness.

And they thought: “This is certainly no common teaching and discipline... for which Prince Khanda and Tissa the chaplain’s son have gone forth into homelessness. If they can do this in the presence of the Lord Buddha Vipassī, why should not we?”

And so this great crowd of eighty-four thousand left Bandhumatī for the deer-park of Khema where the Lord Buddha [43] Vipassī was. When they came to him they made obeisance to him and sat down to one side.

3.15. ‘And the Lord Buddha Vipassī delivered to them a graduated discourse on generosity, on morality, and on heaven, showing the danger, degradation and corruption of sense-desires, and the profit of renunciation.

And just as a clean cloth... receives the dye perfectly, so in those eighty-four thousand, as they sat there, there arose the pure and spotless Dhamma-eye, and they knew: “Whatever things have an origin must come to cessation.”

3.16. (as verse 12)





3.17. ‘And those eighty-four thousand received the going-forth at the hands of the Lord Buddha Vipassī, and they received ordination. And the Lord Buddha Vipassī instructed them with a discourse on Dhamma... (as verse 13) [44] and it was not long before their minds were freed from the corruptions without remainder.

3.18. ‘Then the first eighty-four thousand who had gone forth heard: “The Lord Buddha Vipassī has come to Bandhumatī and is staying in the Khema deer-park, teaching Dhamma.”

3.19. — 21. ‘And all happened as before... [45] And it was not long before their minds were freed from the corruptions without remainder.













3.22. ‘And at that time, in the royal capital of Bandhumatī, there was a vast gathering of six million, eight hundred thousand 305 monks. And when the Lord Buddha Vipassī had withdrawn into seclusion, he thought: “There is now this great gathering of monks here in the capital.

Suppose I were to give them permission: ‘Wander abroad, monks, for the good of the many, for the happiness of the many, out of compassion for the world, for the welfare and happiness of devas and humans. Do not go two together, monks, [46] but teach the Dhamma that is lovely in its beginning, lovely in its middle, and lovely in its ending, both in the letter and in the spirit, and display the holy life fully complete and perfect.

There are beings with little dust on their eyes who are perishing through not hearing Dhamma: they will become knowers of Dhamma. But at the end of six years precisely you are to come together to the royal capital of Bandhumatī to recite the disciplinary code.״ ׳

3.23. ‘Then a certain Great Brahmā, having divined the Lord Buddha Vipassī׳s thought, as swiftly as a strong man might stretch his flexed arm, or flex it again, vanished from the Brahmā world and appeared before the Lord Buddha Vipassī.

Arranging his robe over one shoulder and saluting the Lord with joined palms, he said: “Just so, O Lord, just so, O Well-Farer! Let the Lord give permission to this great gathering to wander abroad for the good of the many,... out of compassion for the world...

There are beings with little dust on their eyes, who are perishing through not hearing Dhamma: they will become knowers of Dhamma. And we too will do the same as the monks: at the end of six years we will come together to the royal capital of Bandhumatī to recite the disciplinary code.”

Having spoken thus, [47] that Brahmā made obeisance to the Lord Buddha and, passing by to his right, vanished there and then.

3.24.-25. ‘So the Lord Buddha Vipassī, emerging from the seclusion of his rest-period, told the monks what had occurred occurred. [48]











3.26. ‘ “I allow you, monks, to wander abroad for the good of the many, for the welfare and happiness of devas and humans. Do not go two together, monks, but teach the Dhamma that is lovely in its beginning, lovely in its middle, and lovely in its ending, both in the letter and in the spirit, and display the holy life fully complete and perfect.

There are beings with little dust on their eyes who are perishing through not hearing Dhamma: they will become knowers of Dhamma. But at the end of six years precisely you are to come together to the royal capital of Bandhumatī to recite the disciplinary code.”

And the majority of those monks left that very day to wander about the country.

3.27. ‘And at that time there were eighty-four thousand religious residences in Jambudīpa.306 And at the end of one year the devas would proclaim: “Gentlemen, one year has passed, five remain. At the end of five years you are to return to Bandhumatī to recite the disciplinary code”,

and similarly at the end of two, [49] three, four, five years.







And when six years had passed, the devas announced: “Gentlemen, six years have passed, it is now time to go to the royal capital of Bandhumatī to recite the disciplinary code!”

And those monks, some by their own psychic powers and some by that of the devas, all in one day came to Bandhumatī to recite the disciplinary code.

3.28. ‘And then the Lord Buddha Vipassī gave to the assembled monks the following precepts:

“Patient forbearance is the highest sacrifice, Supreme is Nibbāna, so say the Buddhas. He’s not ‘one gone forth’ who hurts others, No ascetic he who harms another.307

Not to do any evil, but cultivate the good, To purify one’s mind, this the Buddhas teach.308 Not insulting, not harming, restraint according to rule, [50] Moderation in food, seclusion of dwelling, Devotion to high thinking, this the Buddhas teach.״309

3.29. ‘Once, monks, I was staying at Ukkatthā310 in the Subhaga grove at the foot of a great sāl-tree. And as I dwelt there in seclusion it occurred to me: “There is no abode of beings easily accessible that has not been visited by me for so long as that of the devas of the Pure Abodes.311 Suppose I were to visit them now?”

And then, as swiftly as a strong man might stretch his flexed arm, or flex it again, I vanished from Ukkatṭhā and appeared among the Aviha devas. And many thousands of them came to me, saluted me and stood to one side. Then they said:

״Sir,312 it is ninety-one aeons since the Lord Buddha Vipassī appeared in the world. ‘The Lord Buddha Vipassī was born of Khattiya race, and arose in a Khattiya family; he was of the Koṇḍañña clan; in his time the life-span was eighty thousand years;

he gained his full enlightenment under a trumpet-flower tree; he had the pair of noble disciples Khanda and Tissa; [51] he had three assemblies of disciples, one of six million eight hundred thousand, one of a hundred thousand, and one of eighty thousand monks, all of whom were Arahants; his chief personal attendant was the monk Asoka, his father was King Bandhuma, his mother was Queen Bandhumatī, and his father’s royal capital was Bandhumatī. The Lord Buddha Vipassī׳s renunciation was like this, his going-forth like this, his striving like this, his full enlightenment like this; his turning of the wheel like this.

“‘And we, sir, who lived the holy life under the Lord Buddha Vipassī, having freed ourselves from sense-desires, have arisen here.״313

3.30. ‘In the same way many thousands of devas came... (referring similarly to Sikhī and other Buddhas as verse 1.12). They said:

“Sir, in this fortunate aeon now the Lord Buddha has arisen in the world. He was born of Khattiya race...; he is of the Gotama clan; [52] in his time the life-span is short, limited and quick to pass: it is seldom that anybody lives to be a hundred.

He gained his full enlightenment under an assattha-tree; he has a pair of noble disciples Sariputta and Moggallāna; he has one assembly of disciples, one thousand two hundred and fifty monks who are all Arahants; his chief personal attendant is Ānanda; his father is King Suddhodana, his mother was Queen Maya, and his royal capital is Kapilavatthu.

Such was the Lord’s renunciation, such his going-forth, such his striving, such his full enlightenment, such his turning of the wheel. And we, sir, who have lived the holy life under the Lord, having freed ourselves from sense-desires, have arisen here.”

3.31. — 32. ‘Then I went with the Avihā devas to see the Atappā devas, and with these to see the Sudassa devas, and with these to see the Sudassi devas, and with all of these to see the Akanittha devas. [53]

And there many thousands of devas came, saluted me and stood to one side, saying: “Sir, it is ninety-one aeons since the Lord Buddha Vipassī appeared in the world...” (as verses 29 — 30).



3.33. ‘And so it is, monks, that by his penetration of the fundamentals of Dhamma314 the Tathāgata remembers the past Buddhas who have attained final Nibbāna, cutting through multiplicity,315 blazing a trail, have exhausted the round,316 have passed by all suffering; he recalls their births, their names, their clan, [54] their life-span, their twin-disciples, their assemblies of disciples: “These Blessed Lords were born thus, were called thus, thus was their clan, thus was their morality, their Dhamma, their wisdom, their dwelling, thus was their liberation.’ ”317

Thus the Lord spoke, and the monks, delighted, rejoiced at his words.




Close
Close