Chương Bốn - Phẩm Tám
(I) Kinh về Dục (Sn 151)
766. Ai ao ước được dục,
Nếu dục được thành tựu,
Chắc tâm ý hoan hỷ,
Ðược điều con người muốn.
767. Nếu người có dục ấy,
Ước muốn được sanh khởi,
Các dục ấy bị diệt,
Bị khổ như tên đâm.
768. Ai tránh né các dục
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm vượt thoát được,
Ái triền này ở đời.
769. Người nào tham đắm dục,
Ruộng đất, vàng, bò, ngựa,
Người nô tỳ, phục vụ,
Nữ nhân và bà con.
770. Như người không sức lực,
Bị các dục chinh phục,
Tai họa dẫm đạp nó,
Khổ đau bước theo nó,
Như nước ùa tràn vào,
Chiếc thuyền bị vỡ nát.
771. Do vậy người thường niệm,
Từ bỏ các loài dục,
Bỏ dục, vượt bộc lưu,
Tát thuyền đến bờ kia.
(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)
772. Chúng sanh vào trong hang,
Chấp chặt bị bao trùm,
Người có thái độ vậy,
Chìm sâu trong si mê.
Hạnh viễn ly với nó,
Như vậy thật xa vời,
Các dục ở trong đời,
Không dễ gì đoạn tận.
773. Dục cầu làm nhân duyên,
Bị lạc hữu trói buộc,
Họ rất khó giải thoát,
Không thể có người khác,
Ðến giải thoát cho mình,
Họ cầu việc đã qua,
Họ mong việc chưa lại;
Họ tham đắm các dục,
Những dục này hiện tại,
Và những dục quá khứ.
774. Ai tham đắm các dục,
Bị trí buộc si mê,
Họ xan tham keo kiết.
An trú trên bất chánh,
Khi rơi vào đau khổ,
Họ sầu muộn than khóc,
Ở đây sau khi chết,
Tương lai sẽ thế nào?
775. Do vậy ở tại đây,
Con người cần học tập,
Những gì mình biết được,
Là bất chánh ở đời.
Do nhân duyên như vậy,
Mà sống không bất chánh,
Vì rằng bậc Thánh nói:
Ngắn thay, sanh mạng này.
776. Ta thấy ở trên đời,
Loài Người run, sợ hãi,
Ði đến khát ái này,
Trong những loại sanh hữu.
Phàm những người thấp kém,
Than van trước miệng chết,
Chưa viễn ly khát ái,
Ðối với hữu, phi hữu.
777. Hãy nhìn những người ấy,
Run sợ trong tự ngã,
Như cá chỗ ít nước,
Trong dòng sông khô cạn,
Thấy được sự kiện này,
Hãy sống không của ta,
Không làm sự việc gì,
Khiến tham đắm các hữu.
778. Hãy nhiếp phục ước muốn,
Ðối với hai cực đoan,
Nhờ liễu tri các xúc,
Không còn có tham đắm,
Cái gì tự ngã trách,
Cái ấy không có làm,
Bậc trí không bị nhớp,
Bởi những gì thấy nghe.
779. Do liễu tri các tưởng,
Vượt qua khỏi bộc lưu,
Bậc Mâu-ni không nhiễm,
Ðối với mọi chấp thủ,
Với mũi tên rút ra,
Sở hành không phóng dật,
Không cầu mong đời này,
Không mong ước đời sau.
(III) Kinh Sân Hận tám kệ (Sn 153)
780. Thật có một số người
Nói lên với ác ý,
Và thật cũng có người,
Nói lên ý chân thật.
Dầu có lời nói gì,
ẩn sĩ không liên hệ,
Do vậy bậc Mâu-ni,
Không chỗ nào hoang vu.
781. Người ước muốn dắt dẫn,
Thiên trú điều sở thích,
Làm sao từ bỏ được,
Ðiều tà kiến của mình,
Khi tự mình tác thành,
Quan điểm riêng của mình,
Như điều nọ được biết,
Hãy để nó nói vậy.
782. Người không có ai hỏi,
Lại nói cho người khác,
Biết đến những giới cấm,
Của tự cá nhân mình.
Bậc thiện xảo nói rằng,
Như vậy không Thánh pháp,
Nếu ai tự nói lên
Lời tán thán tự ngã.
783. Vị Tỷ-kheo an tịnh,
Sống hết sức tịch tịnh,
Khi tán thán giới đức,
Không nói "Tôi là vậy".
Bậc thiện xảo nói rằng
Như vậy là Thánh pháp
Với vị ấy đề cao,
Ở đời, không khởi lên.
784. Với những ai các pháp,
Ðược sửa soạn tác thành,
Ðược đặt ra phía trước,
Không phải không tranh luận,
Khi đã thấy lợi ích,
Trên tự thân của mình,
Y đấy, duyên dao động,
Ðạt được sự tịch tịnh.
785. Ðối với các thiên kiến,
Không dễ gì vượt qua,
Thẩm sát các pháp xong,
Mới tác thành chấp trước.
Do vậy là con người,
Ðối với trú xứ ấy,
Có khi quyết từ bỏ,
Có khi chấp nhận Pháp.
786. Vị tẩy sạch loại bỏ,
Không tìm được ở đời,
Các kiến được sửa soạn,
Ðối với hữu, phi hữu.
Bỏ man trá, kiêu mạn,
Vị tẩy sạch loại bỏ,
Vị ấy đi với gì,
Vị ấy không chấp thủ.
787. Với ai có chấp thủ,
Bị chỉ trích trong Pháp,
Với ai không chấp thủ,
Lấy gì có thể nói?
Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không,
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời.
(V) Kinh Thanh Tịnh tám kệ (Sn 154)
788. Ta thấy vị thanh tịnh,
Vị tối thượng, không bệnh,
Sự thanh tịnh con người,
Với tri kiến, đạt được.
Nắm giữ quan điểm này.
Xem đấy là tối thượng,
Vị này sẽ xem trí,
Là tùy quán thanh tịnh.
789. Nếu thanh tịnh con người,
Do tri kiến đạt được,
Hay với trí vị ấy,
Từ bỏ sự đau khổ
Vị ấy có sanh y,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Vị ấy nói như vậy,
Do tri kiến cá nhân.
790. Bà-la-môn không nói,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Với điều được thấy nghe,
Giới đức, được thọ tưởng;
Với công đức, ác đức,
Vị ấy không nhiễm trước,
Từ bỏ mọi chấp ngã,
Không làm gì ở đời.
791. Từ bỏ tri kiến cũ,
Y chỉ tri kiến mới,
Ði đến sự tham đắm,
Không vượt qua ái dục;
Họ nắm giữ chấp trước,
Họ từ bỏ xa lánh,
Như khỉ thả cành này,
Rồi lại nắm cành khác,
792. Người tự mình chấp nhận,
Các chủng loại giới cấm,
Ði chỗ cao chỗ thấp,
Sống bị tưởng chi phối;
Người có trí rộng lớn,
Nhờ trí tuệ, quán pháp,
Có trí, không đi đến
Các pháp cao và thấp.
793. Vị ấy đạt thù thắng,
Trong tất cả các pháp,
Phàm có điều thấy, nghe,
Hay cảm thọ, tưởng đến;
Với vị tri kiến vậy,
Sống đời sống rộng mở,
Không bị ai ở đời,
Có thể chi phối được.
794. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Họ không có nói lên,
Ðây tối thắng thanh tịnh,
Không dính líu tham đắm,
Mọi chấp trước triền phược,
Họ không tạo tham vọng,
Bất cứ đâu ở đời.
795. Với vị Bà-la-môn
Ðã vượt khỏi biên giới,
Sau khi biết và thấy,
Không có kiến chấp trước.
Tham ái không chi phối,
Cũng không tham, ly tham,
Vị ấy ở đời này,
Không chấp thủ gì khác.
(V) Kinh Tối Thắng tám kệ (Sn 156)
796. Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng,
Ở đời đặt kiến ấy,
Vào địa vị tối thượng.
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi,
Sự tranh luận ở đời.
797. Khi nó thấy lợi ích,
Ðến với tự ngã nó,
Ðối với vật thấy nghe,
Giới đức hay thọ tưởng;
Vị ấy ở tại đấy,
Liền chấp trước nắm giữ,
Nó thấy mọi người khác,
Là hạ liệt thấp kém.
798. Người y chỉ kiến ấy,
Thấy người khác hạ liệt,
Bậc thiện nói như vậy,
Ðấy là sự trói buộc;
Do vậy đối thấy nghe,
Thọ, tưởng hay giới cấm,
Bậc Tỷ-kheo không có
Y chỉ, nương tựa vào.
799. Chớ có tác thành ra
Tri kiến ở trên đời,
Từ ở nơi chánh trí,
Hay từ nơi giới đức,
Không bận tâm so sánh,
Tự ngã bằng người khác,
Không có suy nghĩ đến,
Ðây "liệt " hay đây "thắng".
800. Ðoạn tận, từ bỏ ngã,
Không chấp thủ sự gì,
Không tác thành, dựng nên,
Nương tựa ở nơi trí,
Chân thật giữa tranh chấp
Không theo phe phái nào,
Vị ấy không đi theo
Một loại tri kiến nào.
801. Với ai, hay cực đoan,
Không có hướng nguyện gì,
Với hữu và phi hữu,
Hay đời này đời sau,
Vị ấy không an trú,
Tại một trú xứ nào,
Từ bỏ mọi chấp thủ,
Ðối với tất cả pháp.
802. Ðối vị ấy ở đây,
Những gì được thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Chút suy tưởng cũng không;
Vị Bà-la-môn ấy
Không chấp thủ tri kiến,
Không ai ở đời này
Có thể chi phối được.
803. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Các pháp không được họ,
Chấp trước nắm giữ gì
Không một Phạm chí nào,
Bị giới cấm dắt dẫn,
Ði đến bờ bên kia,
Vị ấy không trở lui.
(VI) Kinh Già (Sn 158)
804. Sinh mạng này ngắn thay,
Trong trăm năm, rồi chết,
Nếu ai sống hơn nữa,
Rồi cũng chết vì già.
805. Loài Người sầu vì ngã,
Mọi chấp thủ vô thường,
Trống không là đời này,
Thấy vậy sống không nhà.
806. Vì loài Người nghĩ rằng
Cái này là của tôi,
Cái ấy bị sự chết,
Làm hoại diệt hư tàn.
Biết vậy, bậc Hiền trí,
Không gọi, không hướng đến,
Cái này ngã của ta,
Cái này là của ta.
807. Như những gì hiện lên,
Trong giấc ngủ mộng mị,
Con người khi tỉnh dậy,
Không còn thấy được gì.
Cũng vậy ở đời này,
Người được ưa, ái luyến,
Rồi sẽ chết mất đi,
Không ai còn thấy được.
808. Các loại hạng người ấy
Ðược thấy và được nghe,
Nên họ được gọi tên,
Tên này hay tên khác.
Với người đã chết đi,
Chỉ được gọi tên không,
Vì chỉ có tên suông,
Sẽ được còn tồn tại.
809. Tham đắm cái của ta,
Họ không có từ bỏ,
Sầu khổ và than van,
Cùng xan tham keo kiết.
Do vậy bậc ẩn sĩ,
Sau khi bỏ chấp thủ,
Ðã sống một đời sống,
Thấy được sự an ổn.
810. Ðối với vị Tỷ-kheo
Sống thanh vắng một mình,
Sống tu tập tâm ý,
Hướng đến hạnh viễn ly,
Nếp sống vậy được nói,
Hòa hợp với vị ấy,
Và không nêu tự ngã,
Trong hiện hữu của mình.
811. Vị ẩn sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy trong sầu than,
Trong xan tham keo kiết,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ.
812. Giống như một giọt nước,
Không dính ướt hoa sen,
Như nước trên bông sen,
Khôn dính ướt làm nhơ.
Ðối với vật thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Cũng vậy bậc ẩn sĩ
Không dính ướt tham đắm.
813. Do vậy bậc tẩy sạch,
Không có suy tư đến,
Ðiều được thấy được nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến.
Vị ấy muốn thanh tịnh,
Không có dựa gì khác,
Vị ấy không tham đắm,
Cũng không có ly tham.
(VII) Kinh Tissametteyya (Sn 160)
814. Tissa Metteyya,
Tôn giả nói như sau:
Thế Tôn hãy nói lên,
Sự tai hại của người,
Ðắm say về dâm dục,
Sau khi nghe, chúng con
Sẽ học tập lời Ngài,
Lời dạy về viễn ly.
815. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi này Metteyya,
Ai đắm say dâm dục,
Quên mất lời giảng dạy,
Rơi vào đường tà vạy,
Nếp sống ấy không thánh.
816. Ai trước sống một mình,
Nay rơi vào dâm dục,
Như xe bị nghiêng ngã,
Người ấy ở trong đời,
Ðược gọi là phàm phu,
Ðược gọi là hạ liệt.
817. Tiếng tốt có từ trước,
Người ấy bị tổn giảm,
Thấy vậy hãy học tập,
Từ bỏ sự dâm dục.
818. Chi phối bởi suy tư,
Trầm ngâm như kẻ nghèo,
Nghe tiếng trách người khác,
Như kẻ bị thất vọng.
819. Bị người khác buộc tội,
Nó làm các đao kiếm,
Trở thành người tham lớn,
Chấp thủ điều vọng ngôn.
820. Ðược danh là Hiền trí,
An trú sống một mình,
Nếu rơi vào dâm dục,
Sầu não như kẻ ngu.
821. Thấy nguy hại như vậy,
Bậc ẩn sĩ trước sau,
Kiên trì sống cô độc,
Không thực hành dâm dục.
822. Hãy học tập viễn ly,
Ðây hạnh thánh tối thượng,
Không nghĩ mình tối thắng,
Dầu gần được Niết-bàn.
823. Sở hành bậc ẩn sĩ,
Trống không, không mong dục,
Bậc vượt khỏi bộc lưu,
Ðược các người ở đời,
Bị tham dục trói buộc,
Ganh tị và thèm muốn.
(VIII) Kinh Pasùra (Sn 161)
824. Ở đây chính thanh tịnh,
Họ thuyết giảng như vậy,
Họ nói trong pháp khác,
Không có sự thanh tịnh,
Họ nói chỗ y chỉ,
Ở đây là thanh tịnh,
Họ rộng rãi an trú,
Trong sự thật của mình.
825. Những ai muốn tranh luận,
Sau khi vào hội chúng,
Họ công kích lẫn nhau,
Họ gọi nhau là ngu,
Họ đi đến người khác,
Và khởi lên tranh luận,
Họ muốn được tán thán,
Họ gọi chúng thiện xảo.
826. Ham mê thích tranh luận,
Ở giữa các hội chúng,
Ước muốn được tán thán,
Họ sợ hãi thất bại,
Khi bị đánh thất bại,
Họ trở thành rủn chí,
Bị chê, họ nổi giận,
Kẻ tìm lỗi người khác.
827. Khi các nhà thẩm sát,
Phê bình các câu hỏi,
Tuyên bố cuộc tranh luận,
Ði đến chỗ thất bại,
Kẻ nói lời hạ liệt,
Than khóc và sầu não,
Họ rên rỉ than van,
Nó đã đánh bại ta.
828. Giữa các vị Sa-môn,
Các tranh luận khởi lên,
Trong các tranh luận này,
Có chiến thắng chiến bại.
Do thấy rõ như vậy,
Không vui thích tranh luận
Dầu có được tán thán,
Cũng không lợi ích gì.
829. Hay trong tranh luận này,
Nó được lời tán thán,
Sau khi đã nói lên,
Chính giữa các hội chúng.
Do vậy nó vui cười,
Nó tự hào kiêu hãnh,
Ðạt được mục đích ấy,
Như tâm ý nói lên.
830. Cái làm nó cống cao,
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói,
Lời cống cao kiêu mạn,
Khi thấy được như vậy,
Hãy đừng có tranh luận,
Bậc thiện xảo nói rằng,
Thanh tịnh không do vậy.
831. Cũng như bậc anh hùng,
Nuôi dưỡng đồ ăn vua,
La hét muốn tìm cầu,
Một địch thủ anh hùng,
Ôi anh hùng hãy tránh,
Chỗ nào có vị ấy,
Từ trước đã không có,
Sự đấu tranh như vậy.
832. Những ai chấp tri kiến,
Tranh luận về kiến ấy,
Tuyên bố thuyết giảng rằng:
Chỉ đây là sự thật,
Ông hãy nói với họ,
Ở đây không tranh luận,
Ông hãy nói thêm rằng
Ở đây không địch thủ.
833. Cuộc chiến đấu đã tàn,
Những ai sống như vậy,
Không có sự va chạm,
Giữa kiến này kiến khác,
Hỡi này Pasùra!
Ông được gì nơi họ,
Với người không chấp thủ,
Một sự gì tối thượng?
834. Vậy Ông hãy đi đến,
Suy tư ngẫm nghĩ kỹ,
Với tâm ý suy tư,
Trên những loại tri kiến,
Hãy hoà đồng chung hợp,
Với bậc đã tẩy sạch,
Ông không có thể không
Cùng vị ấy tiến bước.
(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)
Thế Tôn:
835. Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Ðối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.
Màgandiya:
836. Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.
Thế Tôn:
837. Thế Tôn liền trả lời,
Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.
Màgandiya:
838. Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?
Thế Tôn:
839. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.
Màgandiya:
840. Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.
Thế Tôn:
841. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Ði đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.
842. Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.
843. Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: "Ðây sự thật ",
Ðây chính là nói láo,
Ðể gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.
844. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
Ẩn sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.
845. Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn,
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.
846. Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Ði đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.
847. Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.
(X) Kinh Trước khi bị hủy hoại (Sn 166)
Người hỏi:
848. Người sống đời an tịnh,
Kiến và giới thế nào?
Con hỏi Gotama,
Là bậc người tối thượng.
Thế Tôn:
849. Thế Tôn đáp như sau:
Ly ái trước thân hoại,
Không y chỉ ban đầu,
Không y chỉ cuối cùng,
Không kể đến vật giữa,
Không có ưa thích nào.
850. Không phẫn nộ, không sợ,
Không khoa đại, không hối,
Nói hòa nhã, không động,
Bậc ẩn sĩ thận ngôn.
Không ước vọng tương lai,
Không sầu muộn quá khứ,
Thấy viễn ly giữa xúc,
Không để kiến dắt dẫn.
852. Sống riêng, không man trá,
Không thích, không xan tham,
Không xông xáo nhàm chán,
Không đi đến hai lưỡi.
853. Không mê vật khả ái,
Cũng không có quá mạn,
Nhu hòa, nhưng ứng biện,
Không vọng tín, không tham.
854. Không tu tập vì lợi,
Không được lợi, không sân,
Không bị ái kích thích,
Không đam mê các vị.
855. Thường trú xả, chánh niệm,
Ở đời, không nghĩ mình,
Bằng hơn hay thua người,
Vị ấy, không bồng bột.
856. Không y chỉ một ai,
Biết pháp, không y chỉ,
Vị ấy không có ái,
Ðối với hữu, phi hữu.
857. Ta gọi vị an tịnh,
Không mong cầu các dục,
Vị ấy không triền phược,
Vượt khỏi các tham trước.
858. Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, đất đai,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta.
859. Phàm phu có buộc tội,
Hoặc Sa-môn, Phạm chí,
Vị ấy không quan tâm,
Trong lời nói không động,
860. Không tham, không xan lẫn,
Ẩn sĩ không nói cao,
Không nói bằng, nói thấp,
Không đi đến thời kiếp,
Vì vị ấy vượt khỏi,
Sự chi phối thời kiếp.
861. Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp,
Vị ấy gọi an tịnh.
(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)
Người hỏi:
862. Từ đâu được khởi lên,
Các tranh luận, đấu tranh,
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Từ đâu chúng sanh nhiều,
Mong Ngài hãy nói lên.
Thế Tôn:
863. Từ ái sanh khởi nhiều,
Các tranh luận, đấu tranh
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Các tranh luận, đấu tranh,
Ðều liên hệ xan tham,
Những lời nói hai lưỡi,
Khởi lên từ tranh luận.
Người hỏi:
864. Do những nhân duyên nào,
Khả ái sanh ở đời?
Hay những tham lam nào,
Ðược lưu hành ở đời?
Ước vọng và thành đạt,
Là do nhơn duyên nào?
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai?
Thế Tôn:
865. Do ước muốn là nhân,
Khả ái sanh ở đời,
Hay với những tham lam,
Ðược lưu hành ở đời,
Ước vọng và thành đạt,
Do ước muốn làm nhân,
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai.
Người hỏi:
866. Ước muốn sanh ở đời
Là do nhân duyên nào?
Hay cả những quyết định,
Do nhân nào được sanh?
Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Hoặc là những pháp nào,
Ðược Sa-môn nói đến?
Thế Tôn:
867. Khả ý, bất khả ý,
Ðược gọi vậy ở đời,
Do y chỉ nơi chúng,
Ước muốn được sanh khởi.
Sau khi thấy trong sắc,
Cả hữu và phi hữu,
Chúng sanh mới làm được,
Những quyết định ở đời.
868. Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Những pháp này lưu hành,
Khi pháp đôi có mặt,
Kẻ nghi hãy học tập,
Trên con đường chánh trí,
Sau khi biết các pháp,
Do Sa-môn thuyết giảng.
Người hỏi:
869. Khả ý, bất khả ý,
Là do nhân duyên nào,
Do cái gì không có,
Họ không có hiện hữu.
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Hãy nói cho chúng con,
Nguyên nhân gì chúng sanh?
Thế Tôn:
870. Do nhân duyên cảm xúc,
Khả ý, bất khả ý,
Nếu không có cảm xúc,
Họ cũng không hiện hữu,
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Ta nói cho Ông rõ,
Nguyên nhân này, chúng sanh.
Người hỏi:
871. Còn cảm xúc ở đời,
Do nhân gì sanh khởi,
Hay các loại chấp thủ,
Do từ đâu sanh nhiều,
Do cái gì không có,
Ngã sở hữu không có,
Cái gì không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc?
Thế Tôn:
872. Do duyên danh và sắc,
Nên có các cảm xúc,
Do nhân các ước muốn,
Nên có những chấp thủ,
Nếu ước muốn không có,
Ngã sở hữu cũng không,
Do sắc không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc.
Người hỏi:
873. Sở hành như thế nào,
Sắc pháp không hiện hữu,
An lạc và khổ đau,
Thế nào không có mặt,
Hãy nói lên cho con,
Không có như thế nào,
Chúng con muốn được biết,
Tâm ý con nói vậy.
Thế Tôn:
874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
Người hỏi:
875. Ngài đã nói chúng con,
Những điều chúng con hỏi,
Có điều nữa hỏi Ngài,
Mong Ngài trả lời cho,
Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế này tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa
Hay là chúng muốn nói,
Có điều gì khác nữa?
Thế Tôn:
876. Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế là tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa,
Như có người nói rằng,
Chính là sự hoại diệt,
Lại một số thiện nhân,
Nói rằng: "Không dư y".
877. Biết được những pháp ấy,
Ðều nương tựa y chỉ,
Biết vậy bậc ẩn sĩ,
Suy tư trên y chỉ,
Biết được, nên giải thoát,
Không đi đến tranh luận,
Bậc Hiền không tìm đến,
Cả hữu và phi hữu.
(XII) Những vấn đề nhỏ bé (Sn 171)
Người hỏi:
878. Mỗi người tự thiên chấp,
Về tri kiến của mình,
Do chấp thủ sai biệt,
Bậc thiện xảo nói lên,
Ai biết như thế này,
Vị ấy biết được pháp,
Ai chỉ trích điểm này,
Vị ấy không hoàn toàn.
879. Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận với nhau,
Họ nói kẻ khác ngu.
Không có khéo thiện xảo.
Trong những lời nói này,
Lời nói ai chân thật,
Hay tất cả vị này,
Là những bậc khéo nói?
Thế Tôn:
880. Nếu không có chấp thuận,
Pháp của các người khác,
Nói kẻ khác là ngu,
Tuệ như vậy thấp kém.
Tất cả là ngu si,
Có tuệ thật thấp kém.
Tất cả tri kiến này.
Ðều chỉ là thiên chấp.
881. Nếu các cuộc tranh luận,
Ðược tri kiến gạn lọc,
Trí tuệ được thanh tịnh,
Thiện xảo trí sáng suốt,
Họ không có một ai,
Là trí tuệ hạ liệt,
Và tri kiến của họ,
Ðược hoàn toàn viên mãn.
882. Ta không có nói rằng:
"Ðây chính là sự thật".
Các người ngu với nhau,
Cùng nhau nói như vậy,
Với tri kiến tự mình,
Họ nói là chân thật,
Do vậy các người khác,
Ðược họ xem là ngu.
Người hỏi:
883. Một số người nói rằng:
"Ðây mới là sự thật"
Họ nói các người khác,
Là trống không, giả dối,
Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời?
Thế Tôn:
884. Sự thật chỉ có một,
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời.
Người hỏi:
885. Vì sao họ nói lên,
Những chân thật sai khác,
Vì sao bậc thiện xảo,
Lại nói lời tranh luận,
Nếu các sự thật ấy,
Là nhiều và sai biệt,
Hay họ chỉ nhớ đến,
Những suy luận của họ.
Thế Tôn:
886. Thật sự các sự thật,
Không có nhiều sai biệt,
Từ các luồng tư tưởng,
Về thường còn ở đời,
Do họ suy nghĩ đến,
Tư tưởng các tri kiến,
Họ nói có hai pháp,
Sự thật và giả dối.
887. Các pháp được thấy nghe,
Ðược giữ giới, thọ tưởng,
Họ y cứ pháp này,
Họ suy tư, nhìn thấy,
An trú các quyết định,
Họ chê cười người khác,
Họ nói các người khác,
Là ngu si bất thiện.
888. Vì rằng đối người khác,
Nó xem là ngu si,
Tự mình gọi chính mình,
Là thiện xảo tốt đẹp,
Do chính mình khen mình,
Vị ấy gọi thiện xảo,
Khinh thường các người khác,
Lời người ấy là vậy.
889. Vị ấy quá say mê,
Với tri kiến của mình,
Nên trở thành kiêu mạn,
Viên mãn tự ý mình,
Tự mình với tâm ý,
Làm lễ quán đảnh mình,
Do vậy, bị say mê,
Trong tri kiến của mình.
890. Nếu người khác nói rằng:
Nó là hạng hạ liệt.
Như vậy đối tự mình,
Kẻ kia cũng liệt tuệ,
Nếu tự nó sáng suốt,
Bậc Hiền trí hiểu biết,
Không có ai ngu si,
Giữa các bậc Sa-môn.
891. Những ai tuyên bố pháp,
Sai khác với pháp này,
Ði ngược lại thanh tịnh,
Không là người hoàn toàn,
Như vậy các ngoại đạo,
Tuyên bố thật rộng rãi,
Do lòng tham tri kiến,
Họ quá sức đam mê.
892. Những ai tuyên bố rằng,
Chính đây là thanh tịnh,
Họ nói không thanh tịnh,
Trong các pháp sai khác.
Như vậy các ngoại đạo,
An trú thật rộng rãi,
Họ kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình.
893. Ai kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình,
Sao ở đây có thể,
Nói người khác là ngu?
Vị ấy tự chê mình,
Ðem lại tiếng liệt tuệ,
Người khác nói nói ngu,
Không được pháp thanh tịnh.
894. An trú trên quyết định,
Tự mình lượng sức người
Vị ấy ở trên đời,
Chỉ tăng thêm tranh luận,
Ai từ bỏ tất cả,
Mọi quyết định, chủ trương,
Không bị người ở đời,
Chê là kẻ liệt tuệ.
(XIII) Những vấn đề to lớn (Sn 174)
Người hỏi:
895. Với những ai thiên vị,
Ðối với những tri kiến này,
Chỉ đây là sự thật,
Họ cãi cọ tranh luận,
Tất cả những người ấy,
Ðem lại sự chỉ trích,
Hay chính tại ở đây,
Họ được lời tán thán?
Thế Tôn:
896. Ðây chỉ là nhỏ bé,
Không đủ đem an tịnh,
Ta nói về hai quả
Của các loại đấu tranh.
Sau khi thấy như vậy,
Chớ có nên tranh luận,
Nên thấy rằng an ổn,
Không phải đất tranh luận.
897. Phàm những thế tục này,
Ðược sanh giữa phàm phu,
Bậc trí không dựa vào,
Tất cả thế tục này,
Ðã không có quan tâm,
Sao nay tìm quan tâm,
Sao có thể kham nhẫn,
Với vật được thấy nghe.
898. Bậc xem giới tối thượng,
Nói tịnh nhờ chế ngự,
Chấp thủ giới cấm xong,
Họ an trú như vậy.
Ở đây họ tu tập,
Do đây được thanh tịnh,
Họ chỉ khéo nói năng,
Họ bị hữu dắt dẫn.
899. Nếu có ai vi phạm,
Giới hạnh và giới cấm,
Người ấy sẽ run sợ,
Vì sở hành khiếm khuyết.
Ở đây người ấy than,
Cố gắng được thanh tịnh,
Như lữ hành lạc đoàn,
Như kẻ bỏ gia đình.
900. Ðối với giới cấm thủ,
Sau khi đoạn tất cả,
Cùng với các sở hành,
Có tội,không có tội,
Không còn có cố gắng,
Thanh tịnh, không thanh tịnh,
Hãy sống hạnh viễn ly,
Không chấp thủ an tịnh.
901. Người y chỉ khổ hạnh,
Người y chỉ nhàm chán,
Kẻ dựa vào nghe thấy,
Hay dựa vào thọ tưởng,
Họ là hạng nói lớn,
Tán thán sự thanh tịnh,
Chưa đoạn được tham ái,
Ðối với hữu, phi hữu.
902. Với ai có nỗ lực,
Cầu mong và ham muốn,
Họ mới phải run sợ,
Với những kiến của mình,
Với những ai ở đời,
Không có sanh và chết,
Do gì, khiến họ sợ,
Họ tham vọng cái gì?
Người hỏi:
903. Có những người tuyên bố,
Pháp này là tối thượng,
Nhưng người khác lại nói,
Pháp ấy là hạ liệt.
Ai nói lời chân thật,
Giữa hai hạng người này,
Hay tất cả hạng này,
Ðều là hạng khéo nói?
904. Với pháp tự của mình,
Nói pháp này viên mãn
Chỉ trích pháp người khác,
Là thấp kém hạ liệt,
Do chấp thủ như vậy,
Họ luận tranh đấu tranh,
Mọi thế tục tự mình,
Họ nói là chân thật.
Thế Tôn:
905. Nếu có bị người khác,
Khinh rẻ là hạ liệt,
Như vậy giữa các pháp,
Không gì thù thắng sao?
Kẻ phàm phu nói rằng
Pháp người khác hạ liệt,
Cương quyết tự đề cao,
Pháp mình không hạ liệt.
906. Như mọi người tôn thờ,
Chánh pháp của tự mình,
Giống như họ tán thán,
Mọi sở hành bản thân,
Tất cả những lời nói
Trở thành lời chân thật,
Sự thanh tịnh đối họ,
Tự mỗi người tác thành.
907. Với người Bà-la-môn,
Không người khác lãnh đạo,
Sau khi đã nghiên cứu,
Chấp thủ trong các pháp,
Do vậy nên vị ấy
Vượt khỏi các tranh luận,
Không thấy pháp người khác,
Có thể thù thắng hơn.
908. Họ nói: "Tôi thấy, biết,
Cái này là như vậy".
Họ đi đến quan điểm,
Thanh tịnh nhờ tri kiến,
Vị ấy đã thấy vậy,
Cần gì kiến người khác,
Vượt qua được quan điểm,
Thanh tịnh nhờ pháp khác.
909. Người có mắt thấy được,
Cả danh và cả sắc,
Sau khi thấy được họ,
Sẽ biết họ là vậy,
Hãy để họ được thấy,
Các dục nhiều hay ít,
Bậc thiện xảo không nói,
Thanh tịnh là nhờ dục.
910. Người đã gọi cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh,
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành,
Y chỉ nơi cái gì,
Nơi đấy là tinh sạch,
Người tuyên bố thanh tịnh,
Thấy ở đấy như vậy.
911. Phạm chí không rơi vào,
Thời gian và ước lượng,
Không theo các tri kiến,
Không bà con với trí,
Biết được các thế tục,
Do phàm phu chấp thủ,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống hỷ xả.
912. Không chấp thủ triền phược,
ẩn sĩ sống ở đời,
Giữa tranh luận khởi lên,
Không theo phe phái nào,
Sống an tịnh, hỷ xả,
Giữa những người không tịnh,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống không học.
913. Từ bỏ lậu hoặc cũ,
Không tạo lậu hoặc mới,
Không đi đến ước muốn,
Không cuồng tín chấp thủ,
Vị Hiền trí như vậy,
Thoát khỏi các tà kiến,
Không tham dính ở đời,
Không bị ngã chỉ trích.
914. Không có sự thù hằn
Ðối với tất cả pháp,
Phàm có thấy nghe gì,
Cùng với tưởng và thọ,
ẩn sĩ không hệ lụy,
Ðã đặt gánh nặng xuống
Không liên hệ thời gian,
Không chấm dứt, không cầu,
Thế Tôn nói như vậy.
(XIV) Kinh Tuvataka (Con đường mau chóng) (Sn 179)
Người hỏi:
915. Con hỏi bậc Ðại tiên,
Bậc bà con mặt trời,
Con đường đến viễn ly,
Con đường đến an tịnh,
Tỷ-kheo sau khi thấy,
Làm thế nào mát lạnh,
Không có sự chấp thủ,
Một vật gì ở đời?
Thế Tôn:
916. Thế Tôn đáp như sau:
Hãy chặt đứt hoàn toàn,
Gốc rễ các hý luận,
Mọi tư tưởng "tôi là ",
Tất cả phải chấm dứt,
Phàm có nội ái nào,
Sau khi nhiếp phục chúng,
Thường chánh niệm học tập.
917. Phàm có loại pháp gì,
Ðược thắng tri hoàn toàn,
Hoặc thuộc về nội pháp,
Hay thuộc về ngoại pháp,
Chớ có làm kiên trì,
Bất cứ một pháp nào,
Trạng thái ấy không gọi,
Sự mát lạnh của tịnh.
918. Chớ có nghĩ như sau:
Cái kia là tốt hơn,
Ðây là hạ liệt hơn,
Hay đây là ngang bằng,
Do phải bị xúc chạm,
Với các sắc sai biệt,
Hãy chớ để tự mình,
An trú trên vọng tưởng.
919. Hãy giữ được an tịnh,
Về phía tự nội tâm,
Tỷ-kheo không cầu tìm,
An tịnh từ chỗ khác,
Với người được an tịnh,
Từ phía tự nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã.
920. Như chính giữa trung ương,
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng,
Cũng vậy, này Tỷ-kheo
Hãy đứng lặng không động,
Không tạo nên bồng bột,
Ðối sự gì ở đời.
Người hỏi:
921. Vị có mắt rộng mở
Ðã tuyên bố rõ ràng,
Pháp có thể chế ngự,
Mọi nguy hiểm khó khăn,
Bậc Hiền thiện mong Ngài,
Tuyên bố rõ con đường,
Hay về biệt giải thoát,
Hoặc về pháp thiền định?
Thế Tôn:
922. Chớ có những con mắt,
Ðầy dẫy những tham đắm!
Hãy chận đứng lỗ tai,
Nghe câu chuyện của làng.
Lại chớ nên đắm say,
Các mùi vị ngon lành,
Chớ xem là của ta,
Mọi sự vật ở đời!
923. Trong khi được cảm giác,
Với các loại cảm xúc,
Tỷ-kheo không than van,
Bất cứ một điều gì.
Vị ấy không cầu mong,
Dầu lại sanh hữu nào,
Và không có run sợ,
Rơi vào các kinh hoàng.
924. Các đồ ăn thâu được,
Cùng với các đồ uống,
Các món ăn nhai được,
Các đồ vải mặc được,
Chớ có cất chứa chúng,
Những đồ vật nhận được,
Chớ có quá lo âu,
Nếu không thâu được chúng.
925. Hãy tu tập thiền định
Chớ làm kẻ lang thang,
Chớ ưa thích trạo cử,
Ðừng rơi vào phóng dật,
Ðối với các chỗ ngồi,
Cùng với các chỗ nằm,
Tỷ-kheo hãy an trú,
Những chỗ không tiếng động.
926. Ngủ nghỉ có chừng mực,
Chớ có ngủ quá nhiều,
Hãy luôn luôn tỉnh thức,
Nỗ lực và nhiệt tâm,
Hãy từ bỏ biếng nhác,
Man trá, cười, chơi đùa,
Hãy từ bỏ dâm dục,
Bỏ ưa thích trang điểm.
927. Chớ có dùng bùa chú,
A-thar-va Vệ-đà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu,
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm.
928. Tỷ-kheo không run sợ,
Khi bị người chỉ trích,
Cũng không có cống cao,
Khi được khen tán thán,
Hãy từ bỏ tham ái,
Cùng với tánh xan tham,
Kể luôn cả phẫn nộ,
Cùng với nói hai lưỡi.
929. Tỷ-kheo không an trú,
Trong nghề nghiệp bán buôn,
Lại không có chỉ trích,
Bất cứ tại chỗ nào,
Khi ở tại thôn làng,
Không tức giận một ai,
Chớ có vì lợi dưỡng,
Nói chuyện với quần chúng.
930. Tỷ-kheo không nên nói,
Khoa trương quá mức độ,
Và cũng không nói lời
Có dụng ý lợi dưỡng.
Chớ có học tập theo,
Lối sỗ sàng trâng tráo,
Chớ có thốt ra lời
Khiêu khích xung đột ai!
931. Chớ có bị dắt dẫn,
Rơi vào lời nói láo,
Không cố ý làm nên,
Ðiều man trá giả dối,
Chớ có khinh người khác,
Về vấn đề sinh mạng,
Về vấn đề trí tuệ,
Và vấn đề giới hạnh.
932. Sau khi phẫn uất nghe
Nhiều ngôn từ lời lẽ
Của các vị Sa-môn,
Hay những kẻ phàm phu,
Chớ có phản ứng họ,
Với những lời thô ác,
Bậc hiền lành an tịnh,
Không phản pháo một ai.
933. Sau khi rõ biết được
Pháp này là như vậy,
Tỷ-kheo hãy học tập,
Sáng suốt và chánh niệm,
Rõ biết sự mát lạnh,
Ðược gọi bậc "an tịnh ",
Chớ có sống phóng dật,
Trong lời dạy Cù-đàm.
934. Bậc đã được chiến thắng,
Không ai chiến thắng nổi
Tự mình thấy được pháp,
Không nghe theo tin đồn,
Do vậy hãy học tập
Luôn luôn không phóng dật,
Với tâm tư cung kính,
Lời dạy đức Thế Tôn,
Thế Tôn nói như vậy.
(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)
Thế Tôn:
935. Từ người cầm các trượng,
Sợ hãi được sanh ra,
Hãy xem các loài người,
Trong khi đấu tranh nhau,
Ta sẽ nói sợ hãi,
Như Ta đã được biết.
936. Thấy loài, người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ chống đối nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.
937. Ðời toàn không lõi cây,
Mọi phương đều dao động
Muốn cho mình ngôi nhà,
Ta không thấy nhà ở.
938. Cuối cùng là xung đột,
Thấy vậy Ta chán ngắt,
Ðây Ta thấy mũi tên,
Khó thấy, gắn vào tim.
939. Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.
940. Ở đây sự học tập,
Ðã được nói rõ lên,
Phàm triền phược ở đời,
Chớ liên hệ với chúng,
Ðâm thủng dục hoàn toàn,
Tự học tập Niết-bàn.
941. Chân thật không xông xáo,
Không man trá, hai lưỡi,
Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
Vượt tham ác, xan tham.
942. Người nghĩ đến Niết-bàn,
Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
Không sống với phóng dật,
Không an trú, quá mạn.
943. Không rơi vào nói láo,
Không tham ái các sắc,
Cần liễu tri quá mạn,
Sống từ bỏ bạo ác.
944. Không hoan hỷ việc cũ,
Không nhẫn chịu sự mới,
Trong tổn giảm không sầu,
Không liên hệ tham ái,
945. Ái, Ta gọi bộc lưu,
Mong cầu gọi bọt nước,
Sở duyên gọi biến kể,
Bùn dục khó vượt qua.
946. ẩn sĩ không rời chân,
Phạm chí trú đất liền,
Vị từ bỏ tất cả,
Thật được gọi an tịnh.
947. Biết vậy, gọi người biết,
Biết rồi không y pháp,
Chơn chánh sống ở đời,
Không tham ái một ai.
948. Ai ở đây vượt dục,
Ái khó vượt ở đời,
Không sầu, không tham muốn,
Cắt dòng không trói buộc.
949. Trước Ông làm khô cạn
Sau Ông không vật gì,
Ở giữa không nắm giữ,
Ông sẽ sống an tịnh.
950. Toàn diện đối danh sắc,
Không gì nghĩ "của ta"
Không có gì không sầu,
Không có già ở đời.
951. Không nghĩ "đây của tôi ",
Không nghĩ "đây của người ",
Người không có tự ngã,
Không sầu vì không ngã.
952. Không tàn bạo, không tham,
Không dục, thường đồng đẳng,
Ðược hỏi Ta nói lên,
Lợi ích bậc bất động.
953. Bậc ly dục rõ biết,
Vị ấy không sở hành,
Thoát ly, không tinh cần,
Thấy an ổn khắp nơi.
954. Bậc ẩn sĩ, không nói,
Bằng nhau, thua, hơn nhau,
An tịnh, ly xan tham,
Không nhận, không bác bỏ.
Thế Tôn giảng như vậy.
(XVI) Kinh Sàriputta (Xá-lợi-phất) (Sn 185)
Sàriputta:
955. Trước con chưa từng thấy,
Chưa ai từng được nghe,
Tiếng nói thật ngọt ngào,
Như tiếng bậc Ðạo Sư,
Từ cõi Ðâu-suất đến,
Xá-lợi-phất nói vậy.
956. Bậc có mắt xuất hiện,
Ðời này và thiên giới,
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc.
957. Bậc Giác ngộ, độc lập,
Như thật, không man trá,
Ngài đến ở đời này,
Lãnh đạo các đồ chúng,
Từ nhiều người trói buộc,
Con đến với câu hỏi.
958. Vị Tỷ kheo nhàm chán,
Sống an tọa, trống không,
Tại gốc cây, nghĩa địa,
Hay núi rừng hang sâu.
959. Tại chỗ cao thấp ấy,
Có bao nhiêu sợ hãi,
Khiến Tỷ kheo không run,
Tại trú xứ vắng lặng?
960. Bao nguy hiểm ở đời,
Tỷ Kheo cần chinh phục,
Trong hướng đi bất tử,
Tại trú xứ xa vắng?
961. Ngôn ngữ và hành xứ
Của vị ấy là gì?
Có bao nhiêu giới cấm,
Tỷ Kheo cần tinh tấn?
962. Chấp nhận học tập gì,
Vị Tỷ Kheo nhất tâm,
Thông minh, giữ chánh niệm,
Tẩy sạch các cấu uế,
Trên tự ngã của mình,
Như thợ lọc vàng bạc?
Thế Tôn:
963. Này Sàriputta,
Thế Tôn bèn trả lời:
Với người biết nhàm chán,
Có gì là khoan khoái!
Khi sử dụng sàng tọa,
Tại chỗ tịnh trống không,
Với ai muốn giác ngộ,
Sống đúng với tùy pháp,
Ta sẽ nói người ấy,
Như Ta đã quán tri.
964. Vị Tỷ kheo có trí,
Chánh niệm sống biên địa,
Không có sợ năm điều,
Ðáng sợ hãi ở đời.
Các loại ruồi, mối bay
Cùng các loài bò sát,
Xúc chạm của loài người,
Cùng các loại bốn chân.
965. Vị ấy không nên sợ,
Tri kiến của người khác,
Khi đã được thấy biết,
Nhiều sợ hãi của chúng,
Bậc tìm đến chí thiện,
Thấy được các nguy hiểm
Cần phải lo khắc phục
Tất cả nguy hiểm khác.
966. Khi thọ lãnh bệnh hoạn,
Khi cảm xúc đói khổ,
Với lạnh và cực nóng,
Cần phải nhiếp phục chúng,
Bị chúng cảm xúc nhiều,
Kẻ không bỏ nhà cửa
Cần tinh tấn cần mẫn,
Lòng hết sức kiên trì.
967. Chớ ăn trộm, ăn cắp,
Chớ nói lời nói láo,
Hãy cảm xúc từ tâm,
Ðối kẻ yếu, kẻ mạnh,
Khi rõ biết tâm tư,
Trong tình trạng dao động,
Hãy gột sạch, tẩy sạch,
Phần hắc ám đen tối.
968. Chớ để bị chi phối,
Bởi phẫn nộ, quá mạn,
Hãy đào chúng tận gốc,
Và an trú như vậy,
Ðối những gì khả ái,
Hay đối không khả ái,
Hãy hoàn toàn nhiếp phục,
Chớ để bị chi phối.
969. Thiên trọng về trí tuệ,
Hoan hỷ trong chí thiện,
Hãy chận đứng loại bỏ,
Nguy hiểm ách nạn ấy,
Hãy khắc phục bất lạc,
Ðối trú xứ vắng lặng,
Hãy khắc phục bốn pháp,
Khiến sầu muộn khóc than.
970. Ta sẽ ăn những gì,
Và được ăn tại đâu.
Thật khó khăn ta ngủ,
Nay ta ngủ tại đâu?
Với những tư tưởng ấy,
Vị ấy có thể than,
Bậc hữu học, không nhà,
Hãy nhiếp phục trừ chúng.
971. Với đồ ăn, vải mặc,
Ðúng thời, thâu hoạch được,
Cần ước lượng vừa đủ,
Với mục đích thỏa mãn,
Chế ngự đối với chúng,
Sống nhiếp phục trong lòng,
Dầu phẫn uất, không nói,
Những lời độc thô ác.
972. Với mắt cúi nhìn xuống,
Chân không đi lang thang,
Chú tâm vào thiền định,
Với rất nhiều tỉnh giác,
Cố gắng tu tập xả,
Tự ngã khéo định tĩnh,
Hãy cắt đứt trừ khử,
Các nghi ngờ hối tiếc.
973. Bị buộc, tội bằng lời,
Chánh niệm, tâm hoan hỉ,
Phá hoại sự cứng rắn,
Giữa các đồng Phạm hạnh,
Nói lên những lời nói,
Hiền thiện và đúng thời,
Không để tâm suy tư,
Các chủ thuyết người khác.
974. Lại nữa, năm loại vua,
Hiện có ở trên đời,
Hãy học nhiếp phục chúng.
Luôn luôn giữ chánh niệm.
Ðối với sắc và tiếng,
Ðối với vị và hương,
Cùng đối các cảm xúc,
Hãy chế ngự tham ái.
975. Hãy chế ngự ước muốn,
Ðối với những pháp ấy,
Vị Tỷ kheo chánh niệm,
Tâm tư khéo giải thoát,
Rồi đúng thời vị ấy,
Chơn chánh suy tư pháp,
Với chuyên tâm nhất trí,
Hãy đoạn tận hắc ám.
Thế Tôn nói như vậy. Chương Năm - Phẩm Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia
(I) Bài kệ mở đầu (Sn 190)
976. Từ thành phố đẹp đẽ,
Của các Kô-xa-la,
Có vị Bà-la-môn,
Thông đạt các chú thuật,
Hướng tầm vô sở hữu,
Hướng phía Nam bước tới.
977. Trong nước Át-xa-ka,
Gần xứ A-la-ka,
Vị ấy sống trên bờ,
Sông Gô-đa-và-rà,
Nuôi sống bằng trái cây,
Bằng đồ ăn lượm vặt.
978. Gần chỗ vị ấy ở,
Có làng đất rộng rãi,
Với tài sản thâu thập,
Tổ chức tế đàn lớn.
979. Ðại tế đàn lễ xong,
Vị ấy trở về am,
Trong khi bước vào am,
Một Phạm-chí khác đến.
980. Chân sưng húp, run rẩy
Ðầy bùn, đầu lấm bụi,
Người ấy bước đến gần,
Và xin năm trăm tiền.
981. Sau khi thấy vị ấy,
Ba-va-ri mời ngồi,
Hỏi thăm, thiện, an lạc
Rồi nói lời như sau:
Bàvarim:
982. Những gì tôi cho được,
Tôi đã cho tất cả,
Phạm chí hãy tin tôi,
Tôi không có năm trăm.
Phạm-chí:
983. Nếu điều ta xin Ông,
Tôn giả không đáp ứng,
Sau bảy ngày, đầu Ông
Sẽ bị vỡ, bảy mảnh!
984. Sau khi làm chú thuật,
Kẻ man trá tuyên bố,
Những lời nói đáng sợ,
Nghe những lời nói ấy,
Phạm-chí Ba-va-ri
Cảm thấy lòng đau khổ.
985. Gầy ốm, không uống ăn,
Bị tên sầu muộn đâm,
Với tâm tư như vậy,
Ý khó vui trong thiền,
986. Thấy lo sợ buồn khổ,
Một Thiên nhân đi đến,
Muốn bạn được hạnh phúc,
Nói với Ba-va-ri.
Thiên nhân:
987. Kẻ man trá muốn tiền,
Không rõ biết về đầu,
Về đầu, đánh bể đầu,
Trí ấy nó không có.
Bàvarim:
988. Này bạn,nếu bạn biết,
Hãy nói câu hỏi tôi,
Về đầu, đánh bể đầu,
Chúng tôi nghe lời người.
Thiên nhân:
989. Tôi không biết việc này,
Trí này, tôi không có,
Về đầu, đánh bể đầu,
Bậc chiến thắng thấy được.
Bàvarim:
990. Vậy ai có thể biết,
Trên quả đất tròn này,
Về đầu, đánh bể đầu,
Thiên nhân, nói tôi biết.
Thiên nhân:
991. Từ thành Ka-pi-la,
Bậc lãnh đạo thế giới,
Xuất hiện ra ở đời,
Là con cháu, hậu duệ,
Của vua Ok-ka-ka
Thích tử, chiếu hào quang.
992. Vị ấy Chánh Ðẳng Giác,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðã đi đến bờ kia,
Ðối với tất cả pháp,
Ðạt được cả sức mạnh,
Của tất cả thắng trí,
Bậc có mặt thấy được
Trong tất cả các pháp.
Ðạt được sự diệt tận,
Của tất cả các pháp,
Ðược giải thoát, diệt tận,
Ðối với các sanh y.
993. Bậc Giác ngộ, Thế Tôn,
Bậc có mắt thuyết pháp,
Hãy đến hỏi vị ấy,
Vị ấy sẽ trả lời.
994. Nghe tiếng Chánh Ðẳng Giác,
Ba-va-ri phấn khởi,
Sầu muộn được giảm bớt,
Ðược hoan hỷ rộng lớn.
995. Vị Ba-va-ri ấy,
Hoan hỷ và phấn khởi,
Cảm thấy lòng cảm động,
Hỏi vị thiên nhân ấy.
Bàvarim:
995b. Ở tại thôn làng nào,
Ở tại thị trấn nào,
Ở tại quốc độ nào,
Lãnh đạo thế giới trú?
Tại đấy, tôi sẽ đi,
Ðảnh lễ bậc Giác ngộ,
Bậc Vô thượng loài Người.
Thiên nhân:
996. Ở tại Xa-vat-thi,
Trong thành Kô-xa-la,
Bậc chiến thắng an trú,
Với trí tuệ rộng lớn,
Với hiểu biết thù thắng,
Rộng rãi và cùng khắp.
Vị ấy là Thích tử,
Không gánh nặng vô lậu,
Bậc Ngưu vương loài Người,
Biết rõ về đỉnh đầu,
Biết rõ đánh vỡ đầu.
997. Rồi vị Bà-la-môn,
Cho gọi các đệ tử,
Là những vị thông đạt,
Về bùa chú kệ tụng.
Bàvarim:
997b. Hãy đến, các thanh niên,
Ta sẽ nói, hãy nghe,
Những lời ta nói lên.
998. Vị ấy rất khó gặp,
Rất hiếm hiện ở đời,
Nay sanh ra ở đời,
Ðược danh bậc Chánh giác,
Hãy đi gấp Xá-vệ,
Thấy được bậc Vô thượng.
Các đệ tử:
999. Kính thưa Bà-la-môn,
Thế nào chúng con biết,
Sau khi thấy vị ấy,
Biết vị ấy là Phật,
Chúng con chưa được biết
Hãy nói chúng con biết!
Bàvarim:
1000. Trong những kệ bùa chú,
Ðược truyền lại đến nay,
Có nói đến tướng tốt,
Của một bậc Ðại nhân,
Có nói ba mươi hai,
Trọn đủ, được liên tục.
1001. Ai có trên tay chân,
Ðủ tướng đại nhân ấy,
Chỉ có hai sanh thú,
Không có cái thứ ba.
1002. Nếu trú tại gia đình,
Chinh phục quả đất này,
Không dùng trượng, dùng kiếm,
Giáo hóa đúng Chánh pháp.
1003. Nếu vị ấy xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Rộng mở màn vô minh,
Vị ấy, được trở thành,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
Bậc Ứng cúng, Vô thượng.
1004. Với tâm ý, hãy hỏi,
Sanh, tánh tướng của ta,
Kệ chú, đệ tử ta,
Về đầu, đánh bể đầu.
1005. Nếu vị ấy là Phật,
Thấy rõ, không che kín,
Với lời, vị ấy đáp,
Các câu hỏi bởi ý.
1006. Nghe lời Ba-va-ri,
Mười sáu người đệ tử,
Tất cả là Phạm chí,
Tên là A-ji-ta,
Tis-xa-mêt-tê-ya,
Pun-na-ka, Mết-gu,
Cùng với Ðo-ta-ka,
Và U-pa-xi-va,
Nan-da, Hê-ma-ka,
Tô-đê-ya, Kap-pa,
Với Ja-tu-kan-ni,
Là bậc danh Hiền trí.
1008. Và Bha-drà-vu-đa,
Cùng với U-da-ya,
Phạm Chí Po-xà-la,
Và Mo-gha-rà-jà,
Là bậc có trí tuệ,
Cùng với Pin-gi-ya,
Là vị đại ẩn sĩ,
Tất cả những vị ấy.
1009. Mỗi người có đồ chúng,
Có danh xưng ở đời,
Tu thiền, ưa thiền định,
Bậc có trí sáng suốt,
Mang theo những dấu tích,
Ðời sống trước của mình.
1010. Ðảnh lễ Ba-va-ri,
Thân phía hữu hướng Ngài,
Tất cả đều bện tóc,
Mặc áo vải da thú,
Mặt hướng về phía Bắc,
Tất cả chúng ra đi.
1011. Trước hết, họ đi ngang,
Ðến Pa-tít-thà-na,
Của xứ A-la-ka,
Rồi Ma-hi-xa-ti,
Tiếp đến Uj-jê-ni,
Và đến Gô-nad-đăng,
Tiếp đến Vê-đi-xăng,
Va-na-xa-ha-yăng,
1012. Ði đến Kô-xăm-bi,
Ði đến Xa-kê-ta,
Rồi đến Xa-vat-thi,
Là thành phố tối thượng,
Kế đến Xê-ta-vyam,
Ka-pi-la-vat-thu,
Rồi đến tòa lâu đài,
Tên Ku-xi-na-ra,
Rồi đi đến Pa-va,
Và thành phố Bhô-ga,
Tiếp đến Vê-xá-ly,
Thành phố Ma-ga-đa,
Rồi Pa-xe-na-ka,
Ngôi điện đẹp, khả ái.
1014. Như người khát, nước mát,
Như người buôn, lợi lớn,
Như nóng bức, bóng mát,
Họ gấp leo ngọn núi.
1015. Thế Tôn, trong lúc ấy,
Dẫn đầu chúng Tỷ-kheo,
Ngài đang thuyết Chánh pháp,
Cho các vị Tỷ-kheo,
Giống như con sư tử,
Rống tiếng rống trong rừng.
1016. A-ja-ta thấy Phật,
Như mặt trời vàng chói,
Như mặt trăng ngày rằm,
Ðược tròn đầy viên mãn.
1017. Và thấy tay chân Ngài,
Ðầy đủ các tướng tốt,
Hoan hỷ đứng một bên,
Hỏi câu hỏi tâm ý.
Ajita:
1018. Hãy nói về thọ sanh,
Nói dòng họ, các tướng,
Về tối thượng kệ chú,
Phạm chí đọc bao nhiêu?
Thế Tôn:
1019. Tuổi thọ trăm hai mươi,
Dòng họ Bà-va-ri,
Trên tay chân, ba tướng,
Thông đạt ba Vệ-đà.
1020. Về tướng và truyền thuyết,
Về tự vựng, lễ nghi,
Tụng đọc được năm trăm,
Ðạt tối thượng diệu pháp.
Ajita:
1021. Bậc Vô thượng, đoạn ái,
Hãy nói lên tường tận
Các tướng Ba-va-ri,
Ðể chúng con không nghi.
Thế Tôn:
1022. Lưỡi che kín mặt mày,
Giữa hàng mi, lông trắng,
Có da bọc âm tàng,
Hãy biết vậy, thanh niên.
1023. Không nghe câu hỏi gì,
Chỉ nghe câu trả lời,
Quần chúng rất ngạc nhiên,
Chắp tay tự suy nghĩ.
Dân chúng:
1024. Thiên, Phạm thiên, Ðế thích,
Hay Xu-jam-pa-ti
Ai, với ý hỏi Ngài,
Xin nói cho được biết?
Ajita:
1025. Ba-va-ri tìm hỏi,
Về đầu, đánh bể đầu,
Thế Tôn hãy trả lời,
Ðoạn nghi hoặc chúng con?
Ôi, thưa bậc Tiên nhân!
Thế Tôn:
1026. Vô minh là đỉnh đầu,
Hãy hiểu biết như vậy,
Minh là đánh bể đầu,
Liên hệ dục tinh tấn,
Với lòng tin, chánh niệm,
Liên hệ với thiền định.
1027. Với cảm thọ lớn mạnh,
Thanh niên tự chế ngự,
Ðắp áo da một bên,
Với đầu, đảnh lễ chân.
Ajita:
1028. Phạm chí Ba-va-ri,
Cùng đệ tử, thưa Ngài,
Tâm phấn khởi, đẹp ý,
Lễ chân, bậc có mắt.
Thế Tôn:
1029. Phạm chí Ba-va-ri,
Hãy sống được an lạc,
Cùng với các đệ tử!
Mong Ông sống an lạc,
Thọ mạng được lâu dài,
Hỡi này kẻ thanh niên.
1030. Ba-va-ri và Ông,
Có mọi nghi ngờ gì,
Cơ hội đến, hãy hỏi,
Tùy theo ý Ông muốn.
1031. Ðược bậc Chánh Ðẳng Giác,
Cho cơ hội tốt đẹp,
A-ji-ta liền ngồi,
Chắp tay hỏi Như Lai,
Hỏi câu hỏi thứ nhất,
Chính ngay tại chỗ ấy,
Kệ mở đầu đã xong.
(II) Câu hỏi của thanh niên A-ji-ta (Sn 197)
Ajita:
1032. Tôn giả A-ji-ta:
Do gì, đời bị che,
Do gì, không chói sáng,
Hãy nói lên cái gì,
Làm uế nhiễm cuộc đời,
Cái gì sợ hãi lớn?
Thế Tôn:
1033. Thế Tôn liền đáp lại:
Ðời bị vô minh che,
Do xan tham, phóng dật,
Ðời không được chói sáng,
Ta nói do mong cầu,
Nên đời bị uế nhiễm,
Chính là sự đau khổ,
Nên có sợ hãi lớn.
Ajita:
1034. Tôn giả A-ji-ta:
Mọi nơi dòng nước chảy,
Cái gì ngăn dòng nước?
Hãy nói lên cái gì?
Chế ngự được dòng nước?
Cái gì đóng dòng nước?
Thế Tôn:
1035. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này A-ji-ta,
Các dòng nước ở đời,
Chánh niệm ngăn chận lại,
Chánh niệm được Ta gọi,
Chế ngự các dòng nước,
Và chính do trí tuệ,
Ðóng lại các dòng nước.
Ajita:
1036. Tôn giả A-ji-ta:
Trí tuệ và chánh niệm,
Cùng với danh và sắc,
Kính thưa bậc Tôn giả,
Hãy nói điều con hỏi,
Từ đâu chúng bị diệt?
Thế Tôn:
1037. Câu hỏi gì Ông hỏi,
Hỡi này A-ji-ta,
Ta sẽ đáp cho Ông,
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt hoàn toàn,
Không còn lại dư tàn,
Chính do đoạn diệt thức,
Danh sắc được đoạn diệt.
Ajita:
1038. Những ai biết tư sát,
Các pháp thuộc hữu vi,
Cùng với bậc hữu học,
Và phàm phu ở đời,
Ðược hỏi, Ngài hãy nói,
Về nếp sống của họ?
Bậc thận trọng sáng suốt,
Hãy nói lên, thưa Ngài!
Thế Tôn:
1039. Chớ tham đắm các dục,
Giữ tâm tư an tịnh,
Thiện xảo trong các pháp,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Sống đời sống xuất gia.
(III) Các câu hỏi của thanh niên Tissametmeyya (Sn 199)
Yissa:
1040. Tissa Met-tey-ya:
Ai thỏa mãn ở đời,
Với ai không dao động,
Ai thắng tri hai biên,
Ở giữa, không dính líu,
Ai Ngài gọi đại nhân,
Ở đời, ai vượt khỏi,
Thêu dệt các ái nhiễm?
Thế Tôn:
1041. Thế Tôn liền đáp rằng:
Hỡi này Met-tê-ya!
Giữa dục, sống Phạm hạnh,
Không ái, luôn chánh niệm,
Tỷ-kheo lặng tính toán,
An tịnh, không dao động.
1042. Ai thắng tri hai biên,
Chặng giữa, nhờ suy tư,
Không dính líu bị nhiễm,
Ta gọi là đại nhân,
Vị ấy, ở đời này,
Vượt khỏi sự thêu dệt,
Các ái nhiễm tham muốn.
(IV) Câu hỏi của thanh niên Punnaka (Sn 199)
Punnaka:
1043. Tôn giả Pun-na-ka:
Với ai không dao động,
Thấy rõ được cội gốc,
Con đến với câu hỏi,
Liên hệ đến mục đích,
Bậc ẩn sĩ, loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Do họ y chỉ gì,
Tế đàn cho chư Thiên.
Ðã tổ chức rộng lớn?
Con hỏi bậc Thế Tôn,
Hãy trả lời cho con.
Thế Tôn:
1044. Thế Tôn bèn đáp rằng:
Hỡi này Pun-na-ka!
Bậc ẩn sĩ loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Ðã tổ chức rộng lớn,
Tế đàn cho chư Thiên.
Khi họ thành già yếu,
Họ tổ chức tế đàn,
Vì rằng họ hy vọng,
Ðược sanh ở đời này,
Hỡi này Pun-na-ka!
Punnaka:
1045. Tôn giả Pun-na-ka:
Bậc ẩn sĩ loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Ðã tổ chức rộng lớn,
Tế đàn cho chư Thiên.
Thế Tôn nghĩ thế nào,
Họ không có phóng dật
Trên con đường tế đàn,
Họ vượt qua già chết,
Ðược hay không, thưa Ngài,
Con hỏi đức Thế Tôn,
Con mong Ngài trả lời?
Thế Tôn:
1046. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Pun-na-ka,
Họ hy vọng, tán thán,
Họ cầu nguyện, cúng lễ,
Họ cầu nguyện các dục,
Do duyên vì lợi dưỡng,
Chuyên tâm lo tế đàn,
Ưa thích, tham sanh hữu,
Họ không vượt già chết,
Ta nói lên như vậy.
Punnaka:
1047. Tôn giả Pun-na-ka:
Nếu chúng chuyên tế đàn,
Nhưng không thể vượt qua,
Già chết với tế đàn,
Thời ai sống ở đời,
Trong thế giới Nhơn, Thiên,
Ðã vượt qua già chết,
Ai được vậy, thưa Ngài,
Con hỏi đức Thế Tôn,
Ngài trả lời cho con?
Thế Tôn:
1048. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Pun-na-ka,
Ai tính toán cao thấp,
Ước lượng vậy ở đời,
Ai không bị dao động,
Bất cứ đâu ở đời,
An tịnh, không phun khói,
Không phiền não, không cầu,
Vị ấy vượt già chết,
Ta nói lên như vậy.
(V) Câu hỏi của thanh niên Mettagu (Sn 201)
Mettagu:
1049. Tôn giả Mêt-ta-gu:
Con xin hỏi Thế Tôn,
Mong Thế Tôn trả lời,
Vấn đề con đã hỏi,
Con nghĩ Ngài hiền trí,
Tự ngã đã tu tập,
Từ đâu, ở trong đời,
Ðau khổ này khởi lên,
Với nhiều loại như vậy?
Thế Tôn:
1050. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Ông hỏi ta vấn đề,
Sanh khởi của khổ đau,
Ta sẽ nói cho Ông,
Như Ta đã được biết,
Chính do duyên sanh y,
Nên khổ được khởi lên,
Với nhiều loại như vậy,
Khác biệt ở trong đời.
1051. Những ai vì vô minh,
Tác thành các sanh y,
Kẻ ngu tạo đau khổ,
Tiếp tục được sanh khởi,
Do vậy kẻ hiểu biết,
Không nên tạo sanh y,
Vì thấy sự sanh khởi,
Của sanh và đau khổ.
Mettagu:
1052. Ðiều chúng con đã hỏi,
Ngài đã đáp chúng rồi,
Nay xin hỏi câu khác,
Mong Ngài giải đáp cho,
Thế nào bậc Hiền trí,
Vượt khỏi dòng nước mạnh,
Vượt khỏi sanh và già,
Cùng sầu muộn than khóc,
Mong rằng bậc ẩn sĩ,
Hãy khéo trả lời con,
Ðúng như Ngài đã biết,
Pháp nhĩ là như vậy?
Thế Tôn:
1053. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Ta sẽ nói cho Ông,
Pháp thiết thực hiện tại,
Không do trao truyền lại,
Sau khi biết pháp ấy,
Vị ấy sống chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Mettagu:
1054. Thưa bậc Ðại ẩn sĩ,
Con hết sức hoan hỷ,
Chánh pháp vô thượng ấy,
Sau khi biết pháp ấy,
Sống gìn giữ chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Thế Tôn:
1055. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Phàm Ông rõ biết gì,
Trên dưới, ngang ở giữa,
Hãy từ bỏ hoan hỷ,
Hãy từ bỏ trú xứ,
Chớ để cho ý thức,
An trú trên sanh hữu.
1056. An trú vậy, chánh niệm,
Tỷ-kheo không phóng dật,
Sau khi bỏ sở hành,
Ðưa đến ngã, sở hữu.
Ðối với sanh và già,
Sầu muộn và than khóc,
Ở đây, biết được vậy,
Hãy từ bỏ đau khổ.
Mettagu:
1057. Con cảm thấy hoan hỉ,
Lời nói bậc Ðại sĩ;
Ðoạn tận được sanh y,
Ðược Ngài khéo tuyên thuyết.
Chắc chắn đức Thế Tôn,
Ðã đoạn tận đau khổ,
Vì pháp này được Ngài,
Rõ biết là như vậy.
1058. Những vị ấy hãy đoạn,
Hãy từ bỏ đau khổ,
Những người ấy được Ngài
Thường thường dạy, giáo hóa.
Con xin đảnh lễ Ngài,
Hãy đến, bậc Long tượng,
Mong Thế Tôn thường hằng,
Giáo hóa dạy dỗ con.
Thế Tôn:
1059. Vị Bà-la-môn nào,
Ðược thắng tri, có trí,
Không có sở hữu gì,
Không ái luyến dục hữu,
Chắc chắn vị như vậy,
Vượt qua bộc lưu này,
Ðã đến được bờ kia,
Không cứng cỏi không nghỉ.
1060. Người ấy sau khi biết,
Thông suốt được Thánh điển,
Không dính ái triền này,
Về hữu và phi hữu,
Vị ấy ly tham ái,
Không phiền lụy không cầu,
Ta nói rằng vị ấy,
Ðã vượt khỏi sanh già.
(VI) Câu hỏi của thanh niên Dhotaka (Sn 204)
Dhotaka:
1061. Tôn giả Dhô-ta-ka:
Con xin hỏi Thế Tôn,
Mong Ngài trả lời cho,
Con chờ đợi lời Ngài,
Kính thưa bậc Ðại sĩ,
Nghe lời Ngài tuyên bố,
Chúng con sẽ tự mình,
Học tập giới Niết-bàn.
Thế Tôn:
1062. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Dhô-ta-ka,
Ở đây Ông nhiệt tâm,
Sáng suốt và chánh niệm,
Từ đây, nghe tuyên bố,
Tự học tập Niết-bàn.
Dhotaka:
1063. Con thấy ở thế giới,
Chư Thiên và loài Người,
Sở hành của Phạm chí,
Không một gì sở hữu.
Con đảnh lễ chính Ngài,
Bậc có mắt cùng khắp,
Kính thưa bậc Thích tử,
Hãy giải thoát cho con,
Tất cả mọi nghi ngờ.
Thế Tôn:
1064. Hỡi này Dhô-ta-ka,
Ta sẽ không đi đến,
Giải thoát cho một ai,
Có nghi ngờ ở đời,
Khi pháp được Ông biết,
Là tối thượng tối thắng,
Như vậy Ông vượt khỏi,
Dòng nước chảy mạnh này.
Dhotaka:
1065. Hãy giáo hóa, từ mẫn,
Ôi bậc đại Phạm thiên,
Ðể con được rõ biết,
Pháp viễn ly vô thượng,
Như vậy con sẽ sống,
Như trời không áp bức,
Sở hành ở đời này,
An tịnh và độc lập.
Thế Tôn:
1066. Thế Tôn liền nói rằng:
Hỡi này Dho-ta-ka,
Ta sẽ giảng cho Ông,
Pháp tịch tịnh hiện tại;
Không do xưa truyền lại,
Sau khi biết pháp này,
Hãy sống, giữa chánh niệm
Vượt tham ái ở đời.
Dhotaka:
1067. Con cảm thấy hoan hỷ,
Pháp bậc Ðại sĩ giảng,
Pháp tịch tịnh vô thượng;
Sau khi biết pháp này,
Con sẽ sống chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Thế Tôn:
1068. Thế Tôn lời đáp lại:
Hỡi này Dho-ta-ka,
Phàm Ông rõ biết gì,
Cao, thấp, ngang, chặng giữa,
Sau khi được rõ biết,
Tham ái này ở đời,
Chớ tạo nên khát ái
Với hữu và phi hữu.
(VII) Câu hỏi của thanh niên Upasiva (Sn 205)
Upasiva:
1069. Tôn giả U-pa-si-va:
Kính thưa bậc Thích tử,
Một mình, không y chỉ,
Con không thể vượt khỏi,
Dòng nước lớn mạnh này,
Kính thưa bậc Biến nhãn,
Hãy nói cho sở duyên,
Y chỉ sở duyên này,
Có thể vượt qua khỏi,
Dòng nước chảy mạnh này.
Thế Tôn:
1070. Ðây lời dạy Thế Tôn:
Này U-pa-si-va,
Biết gìn giữ chánh niệm,
Không mong đợi vật gì,
Ông sẽ vượt bộc lưu,
Nương tựa: "không có gì ",
Ngày đêm ngươi nhận thấy,
Ðoạn dục, ly nghi ngờ,
Ái diệt là Niết-bàn.
Upasiva:
1071. U-pa-si-va nói:
Ai là người ly tham,
Ðối với tất cả dục,
Y chỉ không có gì,
Từ bỏ mọi gì khác,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Tưởng giải thoát tối thượng,
Tại đấy vị ấy trú,
Không tiếp tục đi tới.
Thế Tôn:
1072. Thế Tôn nói như sau:
Này U-pa-si-va,
Ai hoàn toàn ly tham,
Ðối với tất cả dục,
Y chỉ không có gì,
Từ bỏ mọi gì khác,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Tương giải thoát tối thượng,
Tại đấy, vị ấy trú,
Không tiếp tục đi tới.
Upasiva:
1073. Nếu vị ấy tại đấy,
An trú không đi tiếp,
Trong một số nhiều năm,
Ôi bậc có biến nhãn!
Nếu vị ấy tại đấy,
Ðược mát lạnh giải thoát,
Với vị được như vậy,
Còn có thức hay không?
Thế Tôn:
1074. Ðây lời Thế Tôn nói:
Hỡi U-pa-si-va!
Cũng giống như ngọn lửa,
Bị sức gió mạnh thổi,
Ði đến chỗ tận cùng,
Không có thể ước lượng,
Cũng vậy, vị ẩn sĩ,
Ðược giải thoát danh thân,
Ði đến chỗ tận cùng,
Không có thể ước lượng.
Upasiva:
1075. Vị đi đến tận cùng,
Có phải không hiện hữu,
Hai vị ấy thường hằng,
Ðạt được sự không bệnh,
Lành thay, bậc ẩn sĩ,
Hãy trả lời cho con,
Có vậy, con hiểu được,
Pháp như thật Ngài giảng.
Thế Tôn:
1076. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi U-pa-si-va,
Người đi đến tận cùng,
Không thể còn ước lượng,
Với gì, nói đến nó,
Không còn có cái ấy,
Khi tất cả các pháp,
Ðã được nhổ hẳn lên,
Mọi con đường nói phô,
Ðược nhổ lên sạch hết.
(VIII) Các câu hỏi của thanh niên Nanda (Sn 207)
Nanda:
1077. Tôn giả Nan-da nói:
Quần chúng có nói rằng:
Có ẩn sĩ ở đời,
Ngài nghĩ như thế nào?
Chúng gọi là ẩn sĩ
Vị có đầy đủ trí?
Hay vị đầy đủ mạng?
Thế Tôn:
1078. Các bậc thiện nói rằng:
Ở đời này Nan-da,
Không phải vì tri kiến,
Vì truyền thống, vì trí
Ðược gọi là ẩn sĩ,
Ta chỉ gọi ẩn sĩ,
Những ai diệt quân lực,
Không phiền não, không cầu.
Nanda:
1079. Tôn giả Nan-đa thưa:
Có Sa-môn, Phạm chí,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Bạch Thế Tôn, như vậy,
Là sở hành của chúng,
Vậy Ngài nghĩ thế nào,
Chúng có thể vượt qua,
Sanh và già thưa Ngài,
Con kính hỏi Thế Tôn,
Mong Ngài trả lời con.
Thế Tôn:
1080. Thế Tôn nói: Nan-đa!
Sa-môn, Phạm chí này,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Dầu chúng ở tại đây,
Với sở hành như vậy,
Ta nói chúng không vượt,
Khỏi sanh và khỏi già.
Nan-da:
1081. Tôn giả Nan-đa thưa:
Sa-môn, Phạm chí này,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Thưa ẩn sĩ, Ngài nói:
Chúng không vượt bộc lưu,
Vậy ai có thể được,
Giữa thế giới Trời, Người,
Có thể vượt qua được,
Sanh và già, thưa Ngài,
Con xin hỏi Thế Tôn
Mong Ngài trả lời con.
Thế Tôn:
1082. Thế Tôn nói: Nan-đa
Ta không nói tất cả,
Sa-môn, Bà-la-môn
Bị sanh già che lấp.
Những ai ở đời này,
Ðoạn tận khắp tất cả,
Ðiều được nghe được thấy,
Ðược cảm tưởng, giới cấm,
Và đoạn nhiều pháp khác,
Liễu tri ái, vô lậu,
Ta nói những người ấy,
Vượt qua được bộc lưu.
Nanda:
1083. Con cảm thấy hoan hỷ,
Lời Ðại sĩ Cù-đàm,
Ðược Ngài khéo thuyết giảng,
Về chấm dứt sanh y,
Những ai ở đời này,
Ðoạn tận khắp tất cả,
Ðiều được nghe, được thấy,
Ðược cảm tưởng, giới cấm,
Và đoạn nhiều pháp khác,
Liễu tri ái, vô lậu,
Ta nói những người ấy,
Vượt qua khỏi bộc lưu.
(IX) Các câu hỏi của thanh niên Hemaka (Sn 209)
Hemaka:
1084. Tôn giả He-ma-ka:
Những ai trong thời trước,
Ðã trả lời cho con,
Về lời dạy Cù-đàm,
Trước đã như thế nào,
Sau sẽ là như vậy,
Tất cả đều truyền thống,
Tất cả tăng suy tư.
1085. Ðây, con không hoan hỷ,
Ngài nói Pháp cho con,
Ôi mong bậc ẩn sĩ,
Nói Pháp đoạn khát ái,
Biết xong, sống chánh niệm,
Vượt ái trước ở đời.
Thế Tôn:
1086. He-ma-ka ở đây,
Ðối các Pháp khả ái,
Ðược nghe và được thấy,
Ðược cảm tưởng, nhận thức,
Tẩy sạch ước muốn tham,
Là Niết-bàn, bất tử.
1087. Biết vậy, giữ chánh niệm,
Hiện tại, đạt mát lạnh,
Vị ấy thường an tịnh,
Vượt chấp trước ở đời.
(X) Câu hỏi của thanh niên Todeyya (Sn 210)
Todeyya:
1088. Tôn giả Tô-đê-ya:
Ai sống không dục vọng,
Ai sống không có ái,
Ai vượt khỏi nghi hoặc,
Giải thoát của vị ấy,
Giải thoát như thế nào?
Thế Tôn:
1089. Ðây lời nói Thế Tôn:
Hỡi nãy Tô-đê-ya,
Ai sống không dục vọng,
Ai sống không có ái,
Ai vượt khỏi nghi hoặc
Giải thoát của vị ấy
Không có gì là khác.
Todeyya:
1090. Vị sống không ước vọng
Hay sống có ước vọng,
Vị ấy có trí tuệ,
Hay tác thành trí tuệ,
Ôi kính bậc Biến nhãn,
Hãy trả lời con rõ,
Ðể con có thể biết,
Thế nào là ẩn sĩ,
Ôi kính bậc Thích tử.
Thế Tôn:
1091. Vị sống không ước vọng,
Không có ước vọng nào,
Vị ấy có trí tuệ,
Không tác thành trí tuệ,
Như vậy, Tô-đê-ya,
Hãy biết bậc ẩn sĩ,
Không có sở hữu gì,
Không tham dính dục hữu.
(XI) Câu hỏi của thanh niên Kappa (Sn 211)
Kappa:
1092. Tôn giả Káp-pa nói:
Những ai đứng giữa nước,
Trong dòng nước mạnh chảy,
Giữa sợ hãi lớn lao,
Thưa Ngài hãy nói lên,
Hòn đảo cho những kẻ,
Bị già chết chinh phục,
Ngài nói con hòn đảo,
Ðể không có khổ khác,
Giống như đau khổ này.
Thế Tôn:
1093. Thế Tôn nói Kap-pa,
Những ai đứng giữa nước,
Trong dòng nước mạnh chảy,
Giữa sợ hãi lớn lao,
Ta nói Ông hòn đảo,
Cho những ai đang bị,
Già và chết chinh phục.
1094. Hòn đảo vô song này,
Không sở hữu, chấp trước,
Ta nói Ông Niết-bàn,
Già chết được đoạn diệt,
1095. Biết vậy, giữ chánh niệm,
Hiện tại đạt mát lạnh,
Không rơi vào ma lực,
Không tùy tùng theo ma.
(XII) Câu hỏi của thanh niên Jatukanni (Sn 212)
Jatukanni:
1096. Ja-tu-kan-ni nói:
Ðược nghe bậc anh hùng,
Không tham đắm dục vọng,
Nên con đã đến đây,
Ðể hỏi bậc vô dục,
Ðã thoát khỏi bộc lưu,
Bậc sanh với con mắt,
Hãy nói đường an tịnh,
Thế Tôn hãy như thật,
Nói cho con được biết.
1097. Chinh phục dục vọng xong,
Thế Tôn sống ở đời,
Như mặt trời chiếu sáng,
Cõi đất với hào quang,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Hãy nói pháp cho con,
Kẻ trí tuệ bé nhỏ,
Do rõ biết pháp này,
Ở đây, con đoạn được,
Kể cả sanh và già.
Thế Tôn:
1098. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi Ja-tu-kan-ni!
Hãy nhiếp phục lòng tham,
Ðối với các dục vọng;
Hãy nhìn hạnh xuất ly,
Ðưa đến sự an ổn;
Chớ chấp chờ, từ bỏ,
Sự vật gì ở đời.
1099. Những gì có trước Ông,
Hãy làm nó khô cạn,
Ðừng có sự vật gì,
Ở phía đàng sau Ông,
Ở giữa, Ông không chấp,
Ông sẽ sống an tịnh.
1100. Hỡi này Bà-la-môn!
Ðối với danh và sắc,
Hoàn toàn không tham đắm,
Không có các lậu hoặc,
Chính do lậu hoặc này,
Bị thần chết chi phối.
(XIII) Câu hỏi của thanh niên Bhadràvudha (Sn 213)
Bhadràvudha:
1101. Bha-đra-vu-đa nói:
Con có lời yêu cầu,
Bậc Thiện Tuệ nói lên,
Bậc bỏ nhà, đoạn ái,
Bất động, bỏ hỷ ái,
Giải thoát, vượt bộc lưu,
Thời gian, không chi phối,
Nghe xong, bậc Long tượng,
Từ đây, họ ra đi.
1102. Quần chúng sai biệt ấy,
Từ quốc độ tụ họp,
Họ ao ước khát vọng,
Ðược nghe lời của Ngài,
Ôi anh hùng chiến thắng,
Ngài hãy khéo trả lời,
Pháp Ngài dạy thế này,
Như vậy họ hiểu biết.
Thế Tôn:
1103. Thế Tôn nói như sau:
Này Bha-đra-vu-đa!
Hãy nhiếp phục tất cả,
Mọi tham ái chấp thủ,
Trên, dưới cả bề ngang,
Và kể luôn chặng giữa,
Những ai có chấp thủ,
Sự gì ở trong đời,
Chính do sự việc ấy,
Ác ma theo người ấy.
1104. Do vậy, bậc hiểu biết,
Không có chấp thủ gì,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Trong tất cả thế giới,
Phàm có sở hữu gì,
Vị ấy không mong ước,
Nhìn xem quần chúng này,
Là chúng sanh chấp thủ,
Trong lãnh vực của Ma,
Bị tham dính chấp trước.
(XIV) Câu hỏi của thanh niên Udaya (Sn 214)
Udaya:
1105. Tôn giả U-da-ya:
Con đến với câu hỏi,
Về tất cả mọi pháp,
Ðể hỏi bậc tu thiền,
Bậc an tọa không bụi;
Trách nhiệm đã làm xong,
Bậc không có lậu hoặc,
Ðã đạt bờ bên kia,
Hãy nói trí giải thoát
Ðể phá hoại vô minh.
Thế Tôn:
1106. Ðây lời Thế Tôn nói:
Hỡi này U-đa-ya,
Ðoạn ước muốn, dục vọng,
Và cả hai loại ưu,
Và trừ bỏ hôn trầm,
Ngăn chận mọi hối hận.
1107. Ta nói trí giải thoát,
Ðể phá hoại vô minh,
Thanh tịnh nhờ xả niệm,
Suy tư pháp đi trước.
Udaya:
1108. Ðời cái gì trói buộc,
Cái gì, đời vận hành?
Do đoạn được cái gì,
Ðược gọi là Niết-bàn?
Thế Tôn:
1109. Ðời bị hỷ trói buộc,
Suy tầm là sở hành,
Do đoạn được khát ái,
Ðược gọi là Niết-bàn.
Udaya:
1110. Người sở hành chánh niệm,
Thức được diệt thế nào?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Nghe lời Thế Tôn nói.
Thế Tôn:
1111. Ai không có hoan hỷ,
Với nội và ngoại thọ,
Sở hành chánh niệm vậy,
Thức đạt được hoại diệt.
(XV) Câu hỏi của thanh niên Posàla (Sn 215)
Posàla:
1112. Tôn giả Po-sa-la:
Vị nói về quá khứ,
Bất động nghi hoặc đoạn,
Ðã đến bờ bên kia,
Con đến với câu hỏi
Hỏi về hết thảy pháp.
1113. Với ai, sắc tưởng diệt,
Ðoạn tận hết thảy thân,
Nhìn thấy nội và ngoại,
Thật sự không có gì,
Con hỏi bậc Thích-ca,
Thế nào người như vậy,
Có thể bị dắt dẫn?
Thế Tôn:
1114. Thế Tôn bèn đáp rằng:
Hỡi này Pô-sa-la,
Như Lai được thắng trí,
Tất cả nhờ thức trú,
Rõ biết vị an trú,
Giải thoát, đạt cứu cánh.
1115. Biết được sự tác thành,
Thuộc về vô sở hữu,
Biết hỷ là kiết sử,
Do thắng tri như vậy,
Tại đấy, thấy như vậy,
Ðây là trí như thật,
Của vị Bà-la-môn,
Ðã thành tựu Phạm hạnh.
(XVI) Câu hỏi của thanh niên Mogharàja (Sn 216)
Mogharàja:
1116. Mo-gha-rà-ja nói:
Ðã hai lần con hỏi,
Bậc có mắt, họ Thích,
Ngài chưa trả lời con,
Nhưng con được nghe rằng,
Cho đến lần thứ ba,
Vị Thiên nhân ẩn sĩ,
Sẽ trả lời cho con.
1117. Ðời này và đời sau,
Phạm thiên giới, thiên giới,
Con không rõ quan điểm,
Gotama lừng danh.
1118. Vị thầy được thù diệu,
Con đến với câu hỏi,
Cần nhìn đời thế nào,
Ðể thần chết không thấy.
Thế Tôn:
1119. Này Mô-gha-ra-ja,
Hãy nhìn đời trống không,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Nhô lên ngã tùy kiến,
Như vậy vượt tử vong,
Hãy nhìn đời như vậy,
Thần chết không thấy được.
(XVII) Câu hỏi của thanh niên Pingiya (Sn 217)
Pingiya:
1120. Tôn giả Pin-gi-ya:
Con đã già, yếu đuối,
Không còn có dung sắc,
Mắt không thấy rõ ràng,
Tai không nghe thông suốt,
Ðể con khỏi mệnh chung,
Với tâm tư si ám,
Mong Ngài nói Chánh pháp,
Nhờ rõ biết pháp ấy,
Chính tại ở đời này,
Con đoạn tận sanh già.
Thế Tôn:
1121. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Pin-gi-ya,
Thấy được sự tác hại,
Trong các loại sắc pháp,
Chúng sanh sống phóng dật,
Bị phiền lụy trong sắc,
Do vậy, Pin-gi-ya,
Ông chớ có phóng dật,
Hãy từ bỏ sắc pháp
Chớ đi đến tái sanh.
Pingiya:
1122. Bốn phương chính, bốn phụ,
Cộng thêm trên và dưới,
Như vậy có mười phương,
Và trong thế giới này,
Không có sự việc gì,
Mà Ngài không được thấy,
Không nghe, không nghĩ đến,
Và không được thức tri,
Hãy nói đến Chánh pháp,
Nhờ rõ biết pháp này,
Con ngay tại đời này,
Ðoạn tận được sanh già.
Thế Tôn:
1123. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi này Pin-gi-ya!
Thấy chúng sanh loài Người,
Rơi vào trong khát ái,
Bị già nua đốt cháy,
Bị già nua chinh phục
Do vậy, Pin-gi-ya,
Ông chớ có phóng dật
Hãy từ bỏ khát ái,
Không còn bị tái sanh.
(XVIII) Kết luận
Thế Tôn nói như vậy. Trong khi ở tại Magadha, tại điện Phà-xa-na-ka, Thế Tôn được mười sáu Bà-la-môn đệ tử của Bàvani tìm đến, được hỏi nhiều câu hỏi và Ngài đã trả lời. Nêu từng câu hỏi một, sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thì có thể đi đến bờ bên kia của già chết. Những pháp này có thể đưa người qua bờ bên kia, cho nên pháp môn này cũng được gọi là Pàràyanam: "Con đường đưa đến bờ bên kia".
1124. Phạm chí Ajita,
Tissa-Met-tayya,
Phạm chí Pun-na-ka,
Cùng với Met-ta-gù,
Thanh niên Dhotaka,
Và Upasiva,
Nan-đa, He-ma-ka,
Cả hai vị thanh niên.
1125. To-dey-ya, Kap-pà;
Và Ja-tu-kha-ni,
Với Bhad-rà-vu-dha
Phạm chí U-da-ya
Phạm chí Po-sà-la,
Với Mo-gha-rà-ja
Là bậc đại Hiền trí,
Cùng với bậc đại sĩ,
Tên là Pin-gi-ya.
1126. Những vị này đi đến,
Ðức Phật, bậc Tiên nhân,
Bậc hạnh đức đầy đủ,
Những vị này đi đến,
Bậc giác ngộ tối thượng,
Hỏi câu hỏi tế nhị.
1127. Ðức Phật đã như thật,
Trả lời các vị ấy,
Tùy theo các câu hỏi,
Và bậc đại ẩn sĩ
Trả lời những câu hỏi,
Khiến các Bà-la-môn,
Ðược hoan hỷ vui thích.
1128. Họ được vui, hoan hỷ,
Nhờ Phật, bậc có mắt,
Nhờ bà con mặt trời,
Họ hành trì Phạm hạnh,
Dưới chỉ đạo hướng dẫn,
Bậc trí tuệ tuyệt diệu.
1129. Theo từng câu hỏi một,
Tùy đức Phật thuyết giảng,
Ai như vậy hành trì,
Ði được từ bờ này,
Ðến được bờ bên kia.
1130. Ði được từ bờ này,
Ðến được bờ bên kia,
Tu tập đạo vô thượng,
Và chính con đường ấy,
Ðưa đến bờ bên kia,
Do vậy được tên gọi,
Con đường đến bờ kia.
Rồi Tôn giả Pingiya đi về Godhàvari và nói lại với Bà-la-môn Bàvari những điều đã xảy ra.
Pingiya:
1131. Tôn giả Pin-gi-ya:
Con sẽ đọc tụng lên
Con đường đến bờ kia,
Ngài được thấy thế nào,
Ngài nói lên thế ấy,
Bậc vô cấu, quảng trí,
Bậc lãnh đạo không dục,
Bậc Niết-bàn an tịnh,
Làm sao do nhân gì,
Ngài nói điều không thật.
1132. Bậc đã đoạn trừ hết,
Uế nhiễm và si mê,
Bậc đã diệt trừ sạch,
Kiêu mạn và gièm pha,
Con sẽ nói tán thán,
Âm thanh vi diệu ấy.
1133. Bậc quét sạch u ám,
Phật-đà, bậc Biến nhãn,
Ðã đến, tận cùng đời,
Ðã vượt qua sanh hữu,
Bậc không có lậu hoặc,
Ðoạn tận mọi đau khổ,
Vị được gọi sự thật,
Hỡi vị Bà-la-môn,
Con được hầu vị ấy.
1134. Như chim bỏ rừng hoang,
Ðến ở rừng nhiều trái,
Cũng vậy con từ bỏ,
Những bậc thấy nhỏ nhen,
Con đạt đến biển lớn,
Chẳng khác con thiên nga.
1135. Những ai trong đời khác,
Ðã nói cho con nghe,
Lời dạy bậc Cù-đàm
Như vậy đã xảy ra,
Như vậy sẽ xảy đến,
Tất cả là tin đồn,
Chỉ làm tăng nghi ngờ.
1136. Chỉ một vị an trú,
Quét sạch các hắn ám,
Sanh trưởng gia đình quý,
Vị ấy chiếu hào quang,
Cù-đàm, bậc quảng tuệ,
Cù-đàm, bậc quảng trí.
1137. Ai thuyết pháp cho con,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.
Bàvari:
1138. Hỡi này Pin-gi-ya,
Sao Ông lại không thể,
Sống xa lánh vị ấy,
Chỉ trong một chốc lát,
Bậc Cù-đàm quảng tuệ,
Bậc Cù-đàm quảng trí,
1139. Vị thuyết pháp cho người,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.
Pingiya:
1140. Hỡi này Bà-la-môn,
Con không có thể được,
Sống xa lánh vị ấy
Chỉ trong một chốc lát,
Gotama quảng tuệ,
Gotama quảng trí.
1141. Vị thuyết pháp cho con,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.
1142. Chính con thấy vị ấy,
Với ý, với con mắt,
Ngày đêm không phóng dật,
Kính thưa Bà-la-môn,
Con trải qua suốt đêm
Ðảnh lễ, kính vị ấy,
Do vậy con nghĩ rằng,
Con không xa vị ấy.
1143. Với tín và với hỷ,
Với ý luôn chánh niệm,
Không làm con xa rời,
Lời dạy Gotama!
Chính tại phương hướng nào,
Bậc quảng tuệ đi đến,
Chính ở phương hướng ấy,
Con được dắt dẫn đến.
1144. Với con tuổi đã già,
Yếu đuối, không sức mạnh,
Do vậy thân thể này,
Không đến được chỗ ấy,
Với tâm tư quyết chí,
Con thường hằng đi đến.
Vì rằng thưa Phạm chí,
Ý con cột vị ấy.
1145. Nằm dài trong vũng bùn,
Vùng vẫy, vật qua lại,
Con đã bơi qua lại,
Ðảo này đến đảo khác,
Con đã thấy đức Phật,
Vượt bộc lưu, vô lậu.
Ðến đây, khi chúng đang nói, đức Phật hiện ra và nói:
Thế Tôn:
1146. Cũng như Vak-ka-li
Nhờ tin, được giải thoát,
Với Bhad-rà-vu-dha,
A-la-vi, Cù-đàm,
Cũng vậy, Ông đã được,
Giải thoát nhờ lòng tin.
Hỡi này Pin-gi-ya,
Ông sẽ đi đến được,
Ðến được bờ bên kia,
Của thế giới thần chết.
Pingiya:
1147. Ðược nghe lời ẩn sĩ,
Con tăng trưởng tịnh tín,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
Ðã vén lên tấm màn,
Không cứng cỏi, biện tài.
1148. Thắng tri các chư Thiên,
Biết tất cả cao thấp,
Bậc Ðạo Sư chấm dứt,
Tất cả các câu hỏi,
Với những ai tự nhận,
Còn có chỗ nghi ngờ.
1149. Không run rẩy, dao động,
Không ai có thể sánh,
Chắc chắn con sẽ đi,
Tại đây, con không nghi,
Như vậy, thọ trì Ta
Như tâm người tín giải.
Phẩm "Con đường đi đến bờ bên kia " đã xong.
Chapter 4 and Chapter 5
Translated by: Thanissaro
4. Atthaka Vagga — The Octet Chapter
I. Kama Sutta: Sensual Pleasure
If one, longing for sensual pleasure,
achieves it, yes,
he's enraptured at heart.
The mortal gets what he wants.
But if for that person
— longing, desiring —
the pleasures diminish,
he's shattered,
as if shot with an arrow.
Whoever avoids sensual desires
— as he would, with his foot,
the head of a snake —
goes beyond, mindful,
this attachment in the world.
A man who is greedy
for fields, land, gold,
cattle, horses,
servants, employees,
women, relatives,
many sensual pleasures,
is overpowered with weakness
and trampled by trouble,
for pain invades him
as water, a cracked boat.
So one, always mindful,
should avoid sensual desires.
Letting them go,
he'd cross over the flood
like one who, having bailed out the boat,
has reached the far shore.
II. Guhatthaka Sutta: The Cave of the Body
Staying attached to the cave,
covered heavily over,[1]
a person sunk in confusion
is far from seclusion —
for sensual pleasures
sensual desires[2]
in the world
are not lightly let go.
Those chained by desire,
bound by becoming's allure,
aren't easily released
for there's no liberation by others.
Intent, in front or behind,[3]
on hunger for sensual pleasures
here or before —
greedy
for sensual pleasures,
busy, deluded, ungenerous,
entrenched in the out-of-tune way,[4]
they — impelled into pain — lament:
"What will we be
when we pass on from here?"
So a person should train
right here & now.
Whatever you know
as out-of-tune in the world,
don't, for its sake, act out-of-tune,
for that life, the enlightened say,
is short.
I see them,
in the world, floundering around,
people immersed in craving
for states of becoming.
Base people moan in the mouth of death,
their craving, for states of becoming & not-,[5]
unallayed.
See them,
floundering in their sense of mine,
like fish in the puddles
of a dried-up stream —
and, seeing this,
live with no mine,
not forming attachment
for states of becoming.
Subdue desire
for both sides,[6]
comprehending[7] sensory contact,
with no greed.
Doing nothing for which
he himself
would rebuke himself,
the enlightened person doesn't adhere
to what's seen,
to what's heard.
Comprehending perception,
he'd cross over the flood —
the sage not stuck
on possessions.
Then, with arrow removed,
living heedfully, he longs for neither —
this world,
the next. Notes
1.
Nd.I: "Covered heavily over" with defilements and unskillful mental qualities.
2.
"Sensual desires/sensual pleasures": two possible meanings of kama. According to Nd.I, both meanings are intended here.
3.
Nd.I: "In front" means experienced in the past (as does "before" two lines down); "behind" means to-be-experienced in the future.
4.
Nd.I: "The out-of-tune way" means the ten types of unskillful action (see AN 10.176).
5.
States of not-becoming are oblivious states of becoming that people can get themselves into through a desire for annihilation, either after death or as a goal of their religious striving (see Iti 49). As with all states of becoming, these states are impermanent and stressful.
6.
According to Nd.I, "both sides" here has several possible meanings: sensory contact and the origination of sensory contact; past and future; name and form; internal and external sense media; self-identity and the origination of self-identity. It also might mean states of becoming and not-becoming, mentioned in the previous verse and below, in Sn 4.5.
7.
Nd.I: Comprehending sensory contact has three aspects: being able to identify and distinguish types of sensory contact; contemplating the true nature of sensory contact (e.g., inconstant, stressful, and not-self); and abandoning attachment to sensory contact. The same three aspects would apply to comprehending perception, as mentioned in the following verse.
III. Dutthatthaka Sutta: Corrupted
There are some who dispute
corrupted at heart,
and those who dispute
their hearts set on truth,
but a sage doesn't enter
a dispute that's arisen,
which is why he is
nowhere constrained.
Now, how would one
led on by desire,
entrenched in his likes,
forming his own conclusions,
overcome his own views?
He'd dispute in line
with the way that he knows.
Whoever boasts to others, unasked,
of his practices, precepts,
is, say the skilled,
ignoble by nature —
he who speaks of himself
of his own accord.
But a monk at peace,
fully unbound in himself,
who doesn't boast of his precepts
— "That's how I am" —
he, say the skilled,
is noble by nature —
he with no vanity
with regard to the world.
One whose doctrines aren't clean —
fabricated, formed, given preference
when he sees it to his own advantage —
relies on a peace
dependent
on what can be shaken.
Because entrenchments[1] in views
aren't easily overcome
when considering what's grasped
among doctrines,
that's why
a person embraces or rejects a doctrine —
in light of these very
entrenchments.
Now, one who is cleansed[2]
has no preconceived view
about states of becoming
or not-
anywhere in the world.
Having abandoned conceit[3] & illusion,
by what means would he go?[4]
He isn't involved.
For one who's involved
gets into disputes
over doctrines,
but how — in connection with what — [5]
would you argue
with one uninvolved?
He has nothing
embraced or rejected,[6]
has sloughed off every view
right here — every one. Notes
1.
Entrenchments: a rendering of the Pali term, nivesana, which can also be rendered as abode, situation, home, or establishment.
2.
Nd.I: Cleansed through discernment.
3.
Nd.I explains a variety of ways of understanding the word "conceit," the most comprehensive being a list of nine kinds of conceit: viewing people better than oneself as worse than oneself, on a par with oneself, or better than oneself; viewing people on a par with oneself as worse than oneself, on a par with oneself, or better than oneself; viewing people worse than oneself as worse than oneself, on a par with oneself, or better than oneself. In other words, the truth of the view is not the issue here; the issue is the tendency to compare oneself with others.
4.
Nd.I: "By what means would he go" to any destination in any state of becoming.
5.
In connection with what: a rendering of the instrumental case that attempts to cover several of its meanings, in particular "by what means" and "in terms of what." For a discussion of the use of the instrumental case in the Atthaka Vagga, see note 1 to Sn 4.9.
6.
This reading follows the Thai, Sri Lankan, and PTS editions: atta,m niratta,m. The Burmese edition reads, attaa nirattaa: "He has no self, nor what's opposed to self." As K. R. Norman points out in the notes to his translation of this verse, the first reading is probably the correct one, as it relates to the poem's earlier reference to the unawakened person embracing or rejecting a doctrine. The fact that an awakened person is free from both embracing and rejecting is a recurring theme in this vagga and the next; the confusion in the various recensions as to whether similar lines should read atta,m/niratta,m or attaa/nirattaa is a recurring theme as well. (See Sn 4.4, note 4; Sn 4.10, note 7; Sn 4.14, note 2.)
IV. Suddhatthaka Sutta: Pure
"I see the pure, the supreme,
free from disease.
It's in connection
with what's seen
that a person's purity
is."[1]
Understanding thus,
having known the "supreme,"
& remaining focused
on purity,
one falls back on that knowledge.
If it's in connection
with what is seen
that a person's purity is,
or if stress is abandoned
in connection with knowledge,
then a person with acquisitions
is purified
in connection with something else,[2]
for his view betrays that
in the way he asserts it.
No brahman[3]
says purity
comes in connection
with anything else.
Unsmeared with regard
to what's seen, heard, sensed,
precepts or practices,
merit or evil,
not creating
anything here,
he's let go
of what he had embraced.[4]
Abandoning what's first,
they depend on what's next.[5]
Following distraction,
they don't cross over attachment.
They embrace & reject
— like a monkey releasing a branch
to seize at another[6] —
a person undertaking practices on his own,
goes high & low,
latched onto perception.
But having clearly known
through vedas,[7] having encountered
the Dhamma,
one of profound discernment
doesn't go
high & low.
He's enemy-free[8]
with regard to all things
seen, heard, or sensed.
By whom, with what,[9]
should he
be pigeonholed
here in the world?
— one who has seen in this way,
who goes around
open.[10]
They don't conjure, don't yearn,
don't proclaim "utter purity."
Untying the tied-up knot of grasping,
they don't form a desire for
any
thing
at all in the world.
The brahman
gone beyond territories,[11]
has nothing that
— on knowing or seeing —
he's grasped.
Unimpassionate for passion,
not impassioned for dis-,[12]
he has nothing here
that he's grasped as supreme. Notes
1.
An ancient Indian belief, dating back to the Vedas, was that the sight of certain things or beings was believed to purify. Thus "in connection with what's seen" here means both that purity is brought about by means of seeing such a sight, and that one's purity is measured in terms of having such a sight. This belief survives today in the practice of darshan.
2.
In other words, if purity were simply a matter of seeing or knowing something, a person could be pure in this sense and yet still have acquisitions (= defilements), which would not be true purity.
3.
"Brahman" in the Buddhist sense, i.e., a person born in any caste who has become an arahant.
4.
Lines such as this may have been the source of the confusion in the different recensions of the Canon — and in Nd.I — as to whether the poems in this vagga are concerned with letting go of views that have been embraced (atta) or of self (attaa). The compound here, attañjaho, read on its own, could be read either as "he's let go of what has been embraced" or "he's let go of self." However, the following image of a monkey seizing and releasing branches as it moves from tree to tree reinforces the interpretation that the first interpretation is the correct one.
5.
Nd.I: Leaving one teacher and going to another; leaving one teaching and going to another. This phrase may also refer to the mind's tendency to leave one craving to go to another.
6.
"Like a monkey releasing a branch to seize at another" — an interesting example of a whole phrase that functions as a "lamp," i.e., modifying both the phrase before it and the phrase after it.
7.
Vedas — Just as the word "brahman" is used in a Buddhist sense above, here the word veda is given a Buddhist sense. According to the Commentary, in this context it means the knowledge accompanying four transcendent paths: the paths to stream-entry, once-returning, non-returning, and arahantship.
8.
Nd.I: The enemies here are the armies of Mara — all unskillful mental qualities. For a detailed inventory of the armies of Mara, see Sn 3.2.
9.
By whom, with what — two meanings of the one Pali word, kena.
10.
Nd.I: "Open" means having a mind not covered or concealed by craving, defilement, or ignorance. This image is used in Ud 5.5. It is in contrast to the image discussed in note 1 to Sn 4.2. An alternative meaning here might be having one's eyes open.
11.
Nd.I: "Territories" = the ten fetters (samyojana) and seven obsessions (anusaya).
12.
Nd.I: "Passion" = sensuality; "dispassion" = the jhana states that bring about dispassion for sensuality.
V. Paramatthaka Sutta: Supreme
When dwelling on views
as "supreme,"
a person makes them
the utmost thing
in the world,
&, from that, calls
all others inferior
and so he's not free
from disputes.
When he sees his advantage
in what's seen, heard, sensed,
or in precepts & practices,
seizing it there
he sees all else
as inferior.
That, too, say the skilled,
is a binding knot: that
in dependence on which
you regard another
as inferior.
So a monk shouldn't be dependent
on what's seen, heard, or sensed,
or on precepts & practices;
nor should he conjure a view in the world
in connection with knowledge
or precepts & practices;
shouldn't take himself
to be "equal";
shouldn't think himself
inferior or superlative.
Abandoning what he had embraced,
abandoning self,[1]
not clinging,
he doesn't make himself dependent
even in connection with knowledge;
doesn't follow a faction
among those who are split;
doesn't fall back
on any view whatsoever.
One who isn't inclined
toward either side
— becoming or not-,
here or beyond —
who has no entrenchment
when considering what's grasped among doctrines,
hasn't the least
preconceived perception
with regard to what's seen, heard, or sensed.
By whom, with what,
should he be pigeonholed
here in the world?
— this brahman
who hasn't adopted views.
They don't conjure, don't yearn,
don't adhere even to doctrines.
A brahman not led
by precepts or practices,
gone to the beyond
— Such —
doesn't fall back. Note
1.
Self... what he had embraced: two meanings of the Pali word, attam.
VI. Jara Sutta: Old Age
How short this life!
You die this side of a century,
but even if you live past,
you die of old age.
People grieve
for what they see as mine,
for nothing possessed is constant,
nothing is constantly possessed.[1]
Seeing this separation
simply as it is,
one shouldn't follow the household life.
At death a person abandons
what he construes as mine.
Realizing this, the wise
shouldn't incline
to be devoted to mine.
Just as a man doesn't see,
on awakening,
what he met in a dream,
even so he doesn't see,
when they are dead
— their time done —
those he held dear.
When they are seen & heard,
people are called by this name or that,
but only the name remains
to be pointed to
when they are dead.
Grief, lamentation, & selfishness
are not let go
by those greedy for mine,
so sages
letting go of possessions,
seeing the Secure,
go wandering forth.
A monk, living withdrawn,
enjoying a dwelling secluded:
they say it's congenial for him
he who wouldn't, in any realm,
display self.
Everywhere
the sage
independent
holds nothing dear or undear.
In him
lamentation & selfishness,
like water on a white lotus,
do not adhere.
As a water bead on a lotus leaf,
as water on a red lily,
does not adhere,
so the sage
does not adhere
to the seen, the heard, or the sensed;
for, cleansed,
he doesn't construe
in connection
with the seen, the heard, or the sensed.
In no other way
does he wish for purity,
for he neither takes on passion
nor puts it away.[2] Notes
1.
"Nothing possessed is constant, nothing is constantly possessed" — two readings of the phrase, na hi santi nicca pariggaha.
2.
Nd.I: An arahant has put passion totally away once and for all, and so has no need to do it ever again. An alternative explanation is that, as Sn 5.6 points out, the arahant has gone beyond all dhammas, dispassion included.
VII. Tissa Metteyya Sutta: Tissa Metteyya
"Tell the danger, dear sir,
for one given over
to sexual intercourse.
Having heard your teaching,
we'll train in seclusion."
The Buddha:
"In one given over
to sexual intercourse,
the teaching's confused
and he practices wrongly:
this is ignoble
in him.
Whoever once went alone,
but then resorts
to sexual intercourse
— like a carriage out of control —
is called vile in the world,
a person run-of-the-mill.
His earlier honor & dignity:
lost.
Seeing this,
he should train himself
to abandon sexual intercourse.
Overcome by resolves,
he broods
like a miserable wretch.
Hearing the scorn of others,
he's chagrined.
He makes weapons,
attacked by the words of others.
This, for him, is a great entanglement.
He
sinks
into lies.
They thought him wise
when he committed himself
to the life alone,
but now that he's given
to sexual intercourse
they declare him a fool.
Seeing these drawbacks, the sage
here — before & after —
stays firm in the life alone;
doesn't resort to sexual intercourse;
would train himself
in seclusion —
this, for the noble ones, is
supreme.
He wouldn't, because of that,
think himself
better than others:
He's on the verge
of Unbinding.
People enmeshed
in sensual pleasures,
envy him: free,
a sage
leading his life
unconcerned for sensual pleasures
— one who's crossed over the flood."
VIII. Pasura Sutta: To Pasura
"Only here is there purity"
— that's what they say —
"No other doctrines are pure"
— so they say.
Insisting that what they depend on is good,
they are deeply entrenched in their personal truths.
Seeking controversy, they plunge into an assembly,
regarding one another as fools.
Relying on others' authority,
they speak in debate.
Desiring praise, they claim to be skilled.
Engaged in disputes in the midst of the assembly,
— anxious, desiring praise —
the one defeated is
chagrined.
Shaken with criticism, he seeks for an opening.
He whose doctrine is [judged as] demolished,
defeated, by those judging the issue:
He laments, he grieves — the inferior exponent.
"He beat me," he mourns.
These disputes have arisen among contemplatives.
In them are elation,
dejection.
Seeing this, one should abstain from disputes,
for they have no other goal
than the gaining of praise.
He who is praised there
for expounding his doctrine
in the midst of the assembly,
laughs on that account & grows haughty,
attaining his heart's desire.
That haughtiness will be his grounds for vexation,
for he'll speak in pride & conceit.
Seeing this, one should abstain from debates.
No purity is attained by them, say the skilled.
Like a strong man nourished on royal food,
you go about, roaring, searching out an opponent.
Wherever the battle is,
go there, strong man.
As before, there's none here.
Those who dispute, taking hold of a view,
saying, "This, and this only, is true,"
those you can talk to.
Here there is nothing —
no confrontation
at the birth of disputes.
Among those who live above confrontation
not pitting view against view,
whom would you gain as opponent, Pasura,
among those here
who are grasping no more?
So here you come,
conjecturing,
your mind conjuring
viewpoints.
You're paired off with a pure one
and so cannot proceed.
IX. Magandiya Sutta: To Magandiya
[Magandiya offers his daughter to the Buddha, who replies:]
On seeing [the daughters of Mara]
— Discontent, Craving, & Passion —
there wasn't even the desire for sex.
So what would I want with this,
filled with urine & excrement?
I wouldn't want to touch it
even with my foot.
Magandiya:
If you don't want
this gem of a woman, coveted
by many kings,
then for what sort of viewpoint,
precept, practice, life,
attainment of [further] becoming
do you argue?
The Buddha:
'I argue for this'
doesn't occur to one
when considering what's grasped
among doctrines.
Looking for what is ungrasped
with regard to views,
and detecting inner peace,
I saw.
Magandiya:
Sage, you speak
without grasping
at any preconceived judgments.
This 'inner peace':
what does it mean?
How is it,
by an enlightened person,
proclaimed?
The Buddha:
He doesn't speak of purity
in connection with view,
learning,
knowledge,
precept or practice.
Nor is it found by a person
through lack of view,
of learning,
of knowledge,
of precept or practice.[1]
Letting these go, without grasping,
at peace,
independent,
one wouldn't long for becoming.
Magandiya:
If he doesn't speak of purity
in connection with view,
learning,
knowledge,
precept or practice.
and it isn't found by a person
through lack of view,
of learning,
of knowledge,
of precept or practice,
it seems to me that this teaching's
confused,
for some assume a purity
in terms of
— by means of —
a view.
The Buddha:
Asking questions
dependent on view,
you're confused
by what you have grasped.
And so you don't glimpse
even
the slightest
notion
[of what I am saying].
That's why you think
it's confused.
Whoever construes
'equal,'
'superior,' or
'inferior,'
by that he'd dispute;
whereas to one unaffected
by these three,
'equal,'
'superior,'
do not occur.
Of what would the brahman say 'true'
or 'false,'
disputing with whom:
he in whom 'equal,' 'unequal' are not.
Having abandoned home,
living free from society,
the sage
in villages
creates no intimacies.
Rid of sensual passions, free
from yearning,
he wouldn't engage with people
in quarrelsome debate.[2]
Those things
aloof from which
he should go about in the world:
the great one
wouldn't take them up
& argue for them.
As the prickly lotus
is unsmeared by water & mud,
so the sage,
an exponent of peace,
without greed,
is unsmeared by sensuality &
the world.
An attainer-of-wisdom isn't measured
made proud[3]
by views or what's thought,
for he isn't fashioned of them.
He wouldn't be led
by action,[4] learning;
doesn't reach a conclusion
in any entrenchments.
For one dispassionate toward perception
there are no ties;
for one released by discernment,
no
delusions.
Those who grasp at perceptions & views
go about butting their heads
in the world. Notes
1.
The Pali of the first sentence puts the words for "view, learning, knowledge, precept, & practice" in the instrumental case. This case stands for the relationship "by means of" or "because of" but it also has an idiomatic meaning: "in terms of." (To keep the translation neutral on this point, I have translated with the idiom, "in connection with," which can carry both possibilities.) The second sentence puts the words for lack of view, etc., in the ablative case, which carries the meaning "because of" or "from."
If we assume that the instrumental case in the first sentence is meant in the sense of "by means of," then we are dealing — as Magandiya asserts — with plain nonsense: the first sentence would say that a person cannot achieve purity by means of views, etc., while the second sentence would be saying that he cannot achieve purity by means of no view, etc. The fact that the two sentences place the relevant terms in different grammatical cases, though, suggests that they are talking about two different kinds of relationships. If we take the instrumental in the first sentence in the sense of "in terms of," then the stanza not only makes sense but also fits in with teachings of the rest of the Pali discourses: a person cannot be said to be pure simply because he/she holds to a particular view, body of learning, etc. Purity is not defined in those terms. The second sentence goes on to say that a person doesn't arrive at purity from a lack of view, etc. Putting the two sentences together with the third, the message is this: One uses right views, learning, knowledge, precepts, & practices as a path, a means for arriving at purity. Once one arrives, one lets go of the path, for the purity of inner peace, in its ultimate sense, is something transcending the means by which it is reached.
In the stanza immediately following this one, it's obvious that Magandiya has not caught this distinction.
For further illustrations of the role of Right View in taking one to a dimension beyond all views, see AN 10.93, AN 10.96, and MN 24. (The analogy of the relay coaches in MN 24 actually seems more tailored to the issues raised by the Buddha's remarks in this discourse than it does to the question it addresses in that discourse.) See also sections III/H and III/H/i in The Wings to Awakening.
2.
An explanation of this stanza, attributed to Ven. Maha Kaccana, is contained in SN 22.3.
3.
"Measured... made proud" — two meanings of the Pali word manameti.
4.
"Action" here can mean either kamma in its general sense — i.e., the attainer-of-wisdom has gone beyond creating kamma — or in a more restricted sense, as ritual action. According to Nd.I, it refers to the factor of "fabrication" (sankhara) in the analysis of dependent co-arising (see SN 12.2).
X. Purabheda Sutta: Before the Break-up of the Body
"Seeing how,
behaving how,
is one said to be
at peace?
Gotama, tell me about
— when asked about —
the ultimate person."
The Buddha:
"Free from craving
before the break-up
[of the body],
independent
of before
& the end,[1]
not classified in between,[2]
no yearning is his.
Un- angered,
un- startled,
un- boastful,
un- anxious,
giving counsel unruffled,
he is a sage,
his speech
under control.
Free from attachment
with regard to the future,
not sorrowing
over the past,
he sees seclusion
in the midst of sensory contacts.[3]
He can't be led
in terms of views.[4]
Withdrawn, un-
deceitful, not
stingy, not
miserly, not
insolent, in-
offensive,
he doesn't engage in
divisive speech.
Not intoxicated with enticements,
nor given to pride,
he's gentle, quick-witted,
beyond conviction & dispassion.[5]
Not in hopes of material gain
does he take on the training;
when without material gain
he isn't upset.
Unobstructed by craving,
he doesn't through craving[6]
hunger for flavors.
Equanimous — always — mindful,
he doesn't conceive himself as
equal,
superior,
inferior,
in the world.
No swellings of pride
are his.
Whose dependencies
don't exist
when, on knowing the Dhamma,
he's in-
dependent;
in whom no craving is found
for becoming or not-:
he is said
to be at peace,
un-intent
on sensual pleasures,
with nothing at all
to tie him down:
one who's crossed over attachment.
He has no children
cattle,
fields,
land.
In him you can't pin down
what's embraced
or rejected.[7]
He has no yearning
for that which people run-of-the-mill
or brahmans & contemplatives
might blame —
which is why
he is unperturbed
with regard to their words.
His greed gone,
not miserly,
the sage
doesn't speak of himself
as among those who are higher,
equal,
or lower.
He,
conjuring-free,
doesn't submit
to conjuring,
to the cycling of time.[8]
For whom
nothing in the world
is his own,
who doesn't grieve
over what is not,
who doesn't enter into
doctrines
phenomena:[9]
he is said
to be
at peace." Notes
1.
Nd.I: "Independent of before & the end" = no craving or view with regard to past or future.
2.
For discussions of how the awakened one cannot be classified even in the present, see MN 72 and SN 22.85-86.
3.
Nd.I: "He sees seclusion in the midst of sensory contacts" = he sees contact as empty of self. This passage may also refer to the fact that the awakened person experiences sensory contact as if disjoined from it. On this point, see MN 140 and MN 146, quoted in The Mind Like Fire Unbound, pp. 116 and 113.
4.
See AN 10.93.
5.
Beyond conviction & dispassion — The Pali here can also mean, "A person of no conviction, he does not put away passion." This is an example of the kind of pun occasionally used in Pali poetry for its shock value. Other examples are at Dhp 97 and the end of Sn 4.13. For an explanation of what is meant by being beyond dispassion, see note 2 to Sn 4.6.
6.
The Pali word tanhaya — by/through craving — here is a "lamp," i.e., a single word that functions in two separate phrases.
7.
This reading follows the Thai and PTS editions: atta,m vaa-pi niratta,m vaa. The Burmese and Sri Lankan editions read, attaa vaa-pi nirattaa vaa: "self or what's opposed to self." The first reading seems preferable for two reasons: First, it follows the theme established in Sn 4.3 and Sn 4.4 (and also followed in Sn 4.15 and Sn 5.11) that the awakened person has gone beyond embracing or rejecting views. Second, the word nirattaa is found nowhere else in the Canon aside from the two other verses in the Sutta Nipata (Sn 4.3 and Sn 4.14) where it is offered as a possible alternative for niratta (released, rejected). As niratta is clearly the preferable alternative in Sn 4.3, I have adopted it here and in Sn 4.14 as well.
8.
"Conjuring, the cycling of time" — two meanings of the Pali word, kappam.
9.
"Doctrines, phenomena" — two meanings of the Pali word, dhamma.
XI. Kalaha-vivada Sutta: Quarrels & Disputes
"From where have there arisen
quarrels, disputes,
lamentation, sorrows, along with selfishness,
conceit & pride, along with divisiveness?
From where have they arisen?
Please tell me."
"From what is dear
there have arisen
quarrels, disputes,
lamentation, sorrows, along with selfishness,
conceit & pride, along with divisiveness.
Tied up with selfishness
are quarrels & disputes.
In the arising of disputes
is divisiveness."
"Where is the cause
of things dear in the world,
along with the greeds that go about in the world?
And where is the cause
of the hopes & fulfillments
for the sake of a person's next life?"
"Desires are the cause
of things dear in the world,
along with the greeds that go about in the world.
And it too is the cause
of the hopes & fulfillments
for the sake of a person's next life."
"Now where is the cause
of desire in the world?
And from where have there arisen
decisions, anger, lies, & perplexity,
and all the qualities
described by the Contemplative?"
"What they call
'appealing' &
'unappealing'
in the world:
in dependence on that
desire arises.
Having seen becoming & not-
with regard to forms,
a person gives rise to decisions in the world;
anger, lies, & perplexity:
these qualities, too, when that pair exists.
A person perplexed
should train for the path of knowledge,
for it's in having known
that the Contemplative has spoken
of qualities/dhammas."[1]
"Where is the cause
of appealing & un-?
When what isn't
do they not exist?
And whatever is meant
by becoming & not- :
tell me,
Where is its cause?"
"Contact is the cause
of appealing & un-.
When contact isn't
they do not exist.
And whatever is meant
by becoming & not- :
this too is its cause."
"Now where is the cause
of contact in the world,
and from where have graspings,
possessions, arisen?
When what isn't
does mine-ness not exist.
When what has disappeared
do contacts not touch?"
"Conditioned by name & form
is contact.
In longing do graspings,
possessions have their cause.
When longing isn't
mine-ness does not exist.
When forms have disappeared
contacts don't touch."
"For one arriving at what
does form disappear?
How do pleasure & pain disappear?
Tell me this.
My heart is set
on knowing how
they disappear."
"One not percipient of perceptions
not percipient of aberrant perceptions,
not unpercipient,
nor percipient of what's disappeared:[2]
for one arriving at this,
form disappears —
for objectification-classifications[3]
have their cause in perception."
"What we have asked, you have told us.
We ask one more thing.
Please tell it.
Do some of the wise
say that just this much is the utmost,
the purity of the spirit[4] is here?
Or do they say
that it's other than this?"
"Some of the wise
say that just this much is the utmost,
the purity of the spirit is here.
But some of them,
who say they are skilled,
say it's the moment
with no clinging remaining.
Knowing,
'Having known, they still are dependent,'[5]
the sage, ponders dependencies.
On knowing them, released,
he doesn't get into disputes,
doesn't meet with becoming & not-
: he's enlightened." Notes
1.
As other passages in this poem indicate (see note 5, below), the goal is not measured in terms of knowledge, but as this passage points out, knowledge is a necessary part of the path to the goal.
2.
According to Nd.I, this passage is describing the four formless jhanas, but as the first three of the formless jhanas involve perception (of infinite space, infinite consciousness, and nothingness), only the fourth of the formless jhanas — the dimension of neither perception nor non-perception — would fit this description. On this point, see AN 10.29.
3.
Objectification-classifications (papañca-sankha): The mind's tendency to read distinctions and differentiations even into the simplest experience of the present, thus giving rise to views that can issue in conflict. As Sn 4.14 points out, the root of these classifications is the perception, "I am the thinker." For further discussion of this point, see note 1 to that discourse and the introduction to MN 18.
4.
"Spirit" is the usual rendering of the Pali word, yakkha. According to Nd.I, however, in this context the word yakkha means person, individual, human being, or living being.
5.
In other words, the sage knows that both groups in the previous stanza fall back on their knowledge as a measure of the goal, without comprehending the dependency still latent in their knowledge. The sages in the first group are mistaking the experience of neither perception nor non-perception as the goal, and so they are still dependent on that state of concentration. The sages in the second group, by the fact that they claim to be skilled, show that there is still a latent conceit in their awakening-like experience, and thus it is not totally independent of clinging. (For more on this point, see MN 102, quoted in The Mind Like Fire Unbound, pp. 81-82.) Both groups still maintain the concept of a "spirit" that is purified in the realization of purity. Once these dependencies are comprehended, one gains release from disputes and from states of becoming and not-becoming. It is in this way that knowledge is a means to the goal, but the goal itself is not measured or defined in terms of knowledge.
XII. Cula-viyuha Sutta: The Lesser Array
"Dwelling on
their own views,
quarreling,
different skilled people say:
'Whoever knows this, understands Dhamma.
Whoever rejects this, is
imperfect.'
Thus quarreling, they dispute:
'My opponent's a fool & unskilled.'
Which of these statements is true
when all of them say they are skilled?"
"If, in not accepting
an opponent's doctrine,
one's a fool, a beast of inferior discernment,
then all are fools
of inferior discernment —
all of these
who dwell on their views.
But if, in siding with a view,
one's cleansed,
with discernment made pure,
intelligent, skilled,
then none of them
are of inferior discernment,
for all of them
have their own views.
I don't say, 'That's how it is,'
the way fools say to one another.
They each make out their views to be true
and so regard their opponents as fools."
"What some say is true
— 'That's how it is' —
others say is 'falsehood, a lie.'
Thus quarreling, they dispute.
Why can't contemplatives
say one thing & the same?"
"The truth is one,[1]
there is no second
about which a person who knows it
would argue with one who knows.
Contemplatives promote
their various personal truths,
that's why they don't say
one thing & the same."
"But why do they say
various truths,
those who say they are skilled?
Have they learned many various truths
or do they follow conjecture?"
"Apart from their perception
there are no
many
various
constant truths
in the world.[2]
Preconceiving conjecture
with regard to views,
they speak of a pair: true
& false.
Dependent on what's seen,
heard,
& sensed,
dependent on precepts & practices,
one shows disdain [for others].
Taking a stance on his decisions,
praising himself, he says,
'My opponent's a fool & unskilled.'
That by which
he regards his opponents as fools
is that by which
he says he is skilled.
Calling himself skilled
he despises another
who speaks the same way.
Agreeing on a view gone out of bounds,
drunk with conceit, thinking himself perfect,
he has consecrated, with his own mind,
himself
as well as his view.
If, by an opponent's word,
one's inferior,
the opponent's
of inferior discernment as well.
But if, by one's own word
one's an attainer-of-wisdom, enlightened,
no one
among contemplative's
a fool.
'Those who teach a doctrine other than this
are lacking in purity,
imperfect.'
That's what the many sectarians say,
for they're smitten with passion
for their own views.
'Only here is there purity,'
that's what they say.
'In no other doctrine
is purity,' they say.
That's how the many sectarians
are entrenched,
speaking firmly there
concerning their own path.
Speaking firmly concerning your own path,
what opponent here would you take as a fool?
You'd simply bring quarrels on yourself
if you said your opponent's a fool
with an impure doctrine.
Taking a stance on your decisions,
& yourself as your measure,
you dispute further down
into the world.
But one who's abandoned
all decisions
creates in the world
quarrels no more." Notes
1.
"The truth is one": This statement should be kept in mind throughout the following verses, as it forms the background to the discussion of how people who preconceive their conjectures speak of the pair, true and false. The Buddha is not denying that there is such a thing as true and false. Rather, he is saying that all entrenched views, regardless of how true or false their content might be, when considered as events in a causal chain behave in line with the truth of conditioned phenomena as explained in the preceding discourse. If held to, they lead to conceit, conflict, and states of becoming. When they are viewed in this way — as events rather than as true or false depictions of other events (or as events rather than signs) — the tendency to hold to or become entrenched in them is diminished.
2.
On the role of perception in leading to conflicting views, see the preceding discourse.
XIII. Maha-viyuha Sutta: The Great Array
"Those who, dwelling on views,
dispute, saying, 'Only this is true':
do they all incur blame,
or also earn praise there?"
"[The praise:] It's such a little thing,
not at all appeasing.[1]
I speak of two fruits of dispute;
and seeing this, you shouldn't dispute —
seeing the state
where there's no dispute
as secure.
One who knows
doesn't get involved
in whatever are
commonplace
conventional
views.
One who is uninvolved:
when he's forming no preference
for what's seen, for what's heard,
why would he get
involved?
Those for whom precepts
are ultimate
say that purity's
a matter of self-restraint.
Undertaking a practice,
they devote themselves to it:
'Let's train just in this,
and then there would be purity.'
Those who say they are skilled
are [thus] led on to becoming.
But if one of them falls
from his precepts or practice,
he trembles,
having failed in his actions.
He hopes for, longs for, purity,
like a lost caravan leader
far from home.
But one who's abandoned
precepts & practices[2]
— all —
things that are blamable, blameless,[3]
not hoping for 'pure or impure,'[4]
would live in compassion & peace,
without taking up peace,[5]
detached.
Dependent
on taboos, austerities,
or what's seen, heard, or sensed,
they speak of purity
through wandering further on
through becoming & not-,
their craving not gone
for becoming & not-.[6]
For one who aspires has longings
& trembling with regard to preconceptions.
But one who here
has no passing away & arising:
Why would he tremble?
For what would he long?"
"The teaching some say is 'supreme,'
is the very one others call 'lowly.'
Which statement is true
when all of these claim to be skilled?"
"They say their own teaching is perfect
while the doctrine of others is lowly.
Thus quarreling, they dispute,
each saying his agreed-on opinion
is true.
If something, because of an opponent's say-so,
were lowly,
then none among teachings would be
superlative,
for many say
that another's teaching's inferior
when firmly asserting their own.
If their worship of their teaching were true,
in line with the way they praise their own path,
then all doctrines
would be true —
for purity's theirs, according to each.
The brahman has nothing
led by another,
when considering what's grasped
among doctrines.
Thus he has gone
beyond disputes,
for he doesn't regard as best
the knowledge of a teaching,
any other mental state.[7]
'I know. I see. That's just how it is!' —
Some believe purity's in terms of view.
But even if a person has seen,
what good does it do him?
Having slipped past,
they speak of purity
in connection with something
or somebody else.
A person, in seeing,
sees name & form.
Having seen, he'll know
only these things.
No matter if he's seen little, a lot,
the skilled don't say purity's
in connection with that.
A person entrenched in his teachings,
honoring a preconceived view,
isn't easy to discipline.
Whatever he depends on
he describes it as lovely,
says that it's purity,
that there he saw truth.
The brahman, evaluating,
isn't involved with conjurings,
doesn't follow views,
isn't tied even to knowledge.[8]
And on knowing
whatever's conventional, commonplace,
he remains equanimous:
'That's what others hold onto.'
Having released the knots
that tie him down,
the sage here in the world
doesn't follow a faction
when disputes have arisen.
At peace among those not at peace,
he's equanimous, doesn't hold on:
'That's what others hold onto.'
Giving up old fermentations,
not forming new,
neither pursuing desire,
nor entrenched in his teachings,
he's totally released
from viewpoints,
enlightened.
He doesn't adhere to the world,
is without self-rebuke;
is enemy-free[9]
with regard to all things
seen, heard, or sensed.
His burden laid down,
the sage totally released
is improper / is free from conjuring
hasn't stopped / isn't impassioned
isn't worth wanting / doesn't
desire,"[10]
the Blessed One said. Notes
1.
Or: Not enough to appease (the defilements, says Nd.I).
2.
Nd.I: Abandoning precepts & practices in the sense of no longer believing that purity is measured in terms of them, the view discussed in the preceding verse.
3.
Nd.I: "Blamable, blameless" = black and white kamma (see AN 4.232, 234, 237-238, quoted in The Wings to Awakening, section I/B).
4.
Nd.I: Having abandoned impure mental qualities, and having fully attained the goal, the arahant has no need to hope for anything at all.
5.
"In compassion & peace, without taking up peace" — a pun on the word, santimanuggahaya.
6.
The word bhavabhavesu — through/for becoming & not- becoming — here is a lamp, i.e., a single word functioning in two phrases.
7.
"The knowledge of a teaching, any other mental state" — a pun on the word, dhammamaññam.
8.
According to Nd.I, this compound — ñana-bandhu — should be translated as "tied by means of knowledge," in that the arahant doesn't use the knowledge that comes with the mastery of concentration, the five mundane forms of psychic power (abhiñña), or any wrong knowledge to create the bonds of craving or views. However, the compound may also refer to the fact that the arahant isn't tied even to the knowledge that forms part of the path to arahantship (see MN 117).
9.
See note 7 under Sn 4.4.
10.
"Is improper / is free from conjuring, hasn't stopped / isn't impassioned, isn't worth wanting / doesn't desire" — a series of puns — na kappiyo, nuparato, na patthiyo — each with a strongly positive and a strongly negative meaning, probably meant for their shock value. For a similar set of puns, see Dhp 97.
XIV. Tuvataka Sutta: Quickly
"I ask the kinsman of the Sun, the great seer,
about seclusion & the state of peace.
Seeing in what way is a monk unbound,
clinging to nothing in the world?"
"He should put an entire stop
to the root of objectification-classifications:
'I am the thinker.'[1]
He should train, always mindful,
to subdue any craving inside him.
Whatever truth he may know,
within or without,
he shouldn't get entrenched
in connection with it,
for that isn't called
Unbinding by the good.
He shouldn't, because of it, think himself
better,
lower, or
equal.
Touched by contact in various ways,
he shouldn't keep conjuring self.
Stilled right within,
a monk shouldn't seek peace from another
from anything else.
For one stilled right within,
there's nothing embraced,
so how rejected?[2]
As in the middle of the sea
it is still,
with no waves upwelling,
so the monk — unperturbed, still —
should not swell himself
anywhere."
"He whose eyes are open has described
the Dhamma he's witnessed,
subduing danger.
Now tell us, sir, the practice:
the code of discipline & concentration."
"One shouldn't be careless with his eyes,
should close his ears to village-talk,
shouldn't hunger for flavors,
or view anything in the world
as mine.
When touched by contact
he shouldn't lament,
shouldn't covet anywhere any
states of becoming,
or tremble at terrors.
When gaining food & drink,
staples & cloth,
he should not make a hoard.
Nor should he be upset
when receiving no gains.
Absorbed, not foot-loose,
he should refrain from restlessness,
shouldn't be heedless,
should live in a noise-less abode.
Not making much of sleep,
ardent, given to wakefulness,
he should abandon sloth, deception,
laughter, sports,
fornication, & all that goes with it;
should not practice charms,
interpret physical marks, dreams,
the stars, animal cries;
should not be devoted to
practicing medicine or inducing fertility.
A monk shouldn't tremble at blame
or grow haughty with praise;
should thrust aside selfishness, greed,
divisive speech, anger;
shouldn't buy or sell
or revile anyone anywhere;
shouldn't linger in villages,
or flatter people in hopes of gains.
A monk shouldn't boast
or speak with ulterior motive,
shouldn't train in insolence
or speak quarrelsome words;
shouldn't engage in deception
or knowingly cheat;
shouldn't despise others for their
life,
discernment,
precepts,
or practices.
Provoked with many words
from contemplatives
or ordinary people,
he shouldn't respond harshly,
for those who retaliate
aren't calm.
Knowing this teaching,
a monk inquiring
should always
train in it mindfully.
Knowing Unbinding as peace,
he shouldn't be heedless
of Gotama's message —
for he, the Conqueror unconquered,
witnessed the Dhamma,
not by hearsay,
but directly, himself.
So, heedful, you
should always train
in line with that Blessed One's message,"
the Blessed One said. Notes
1.
On objectification-classifications and their role in leading to conflict, see Sn 4.11 and the introduction to MN 18. The perception, "I am the thinker" lies at the root of these classifications in that it reads into the immediate present a set of distinctions — I/not-I; being/not-being; thinker/thought; identity/non-identity — that then can proliferate into mental and physical conflict. The conceit inherent in this perception thus forms a fetter on the mind. To become unbound, one must learn to examine these distinctions — which we all take for granted — to see that they are simply assumptions that are not inherent in experience, and that we would be better off to be able to drop them.
2.
This reading follows the version of the verse given in the Thai edition of Nd.I, as well as an alternative reading given as a footnote to the Sri Lankan edition of Sn 4.14: n'atthi atta,m kuto niratta,m vaa. The Burmese and Sri Lankan editions of this verse read, n'atthi attaa kuto nirattaa vaa: "There is no self, so how what's opposed to self?" The Thai edition reads, n'atthi attaa kuto niratta,m vaa: "There is no self, so how what's rejected?" This last reading makes no sense; the Burmese and Sri Lankan readings depend on the notion that nirattaa is an actual word, although it appears nowhere in the Canon except in two other verses of the Atthaka Vagga, where it appears as a possible alternative to niratta (Sn 4.3 and Sn 4.10). Because the Buddha in SN 44.10 refuses to take the position that there is no self, all of the readings of this verse that say n'atthi attaa would appear to be wrong. Thus I have adopted the reading given here.
XV. Attadanda Sutta: The Rod Embraced
"When embraced,
the rod of violence[1]
breeds danger & fear:
Look at people quarreling.
I will tell of how
I experienced
dismay.
Seeing people floundering
like fish in small puddles,
competing with one another —
as I saw this,
fear came into me.
The world was entirely
without substance.
All the directions
were knocked out of line.
Wanting a haven for myself,
I saw nothing that wasn't laid claim to.
Seeing nothing in the end
but competition,
I felt discontent.
And then I saw
an arrow here,
so very hard to see,
embedded in the heart.
Overcome by this arrow
you run in all directions.
But simply on pulling it out
you don't run,
you don't sink.[2]
[Here the trainings are recited.] [3]
Whatever things are tied down in the world,
you shouldn't be set on them.
Having totally penetrated
sensual pleasures,
sensual passions,[4]
you should train for your own
Unbinding.
Be truthful, not insolent,
not deceptive, rid
of divisiveness.
Without anger, the sage
should cross over the evil
of greed & avarice.
He should conquer laziness,
weariness,
sloth;
shouldn't consort with heedlessness,
shouldn't stand firm in his pride —
the man with his heart set
on Unbinding.
He shouldn't engage in lying,
shouldn't create a sense of allure in form,
should fully fathom conceit,
and live refraining from impulsiveness;
shouldn't delight in what's old,
prefer what's new,[5]
grieve over decline,
get entangled in
what's dazzling & bright.[6]
I call greed
a 'great flood';
hunger, a swift current.
Preoccupations are ripples;
sensuality, a bog
hard to cross over.
Not deviating from truth,
a sage stands on high ground
: a brahman.
Having renounced All,[7]
he is said to be at peace;
having clearly known, he
is an attainer-of-wisdom;
knowing the Dhamma, he's
independent.
Moving rightly through the world,
he doesn't envy
anyone here.
Whoever here has gone over & beyond
sensual passions —
an attachment hard
to transcend in the world,
doesn't sorrow,
doesn't fret.
He, his stream cut, is free
from bonds.
Burn up what's before,
and have nothing for after.
If you don't grasp
at what's in between,[8]
you will go about, calm.
For whom, in name & form,
in every way,
there's no sense of mine,
and who doesn't grieve
over what is not:
he, in the world,
isn't defeated,
suffers no loss.[9]
To whom there doesn't occur
'This is mine,'
for whom 'nothing is others,'
feeling no sense of mine-ness,
doesn't grieve at the thought
'I have nothing.'
Not harsh,
not greedy, not
perturbed,
everywhere
in tune:
this is the reward
— I say when asked —
for those who are free
from pre-
conceptions.
For one unperturbed
— who knows —
there's no accumulating.
Abstaining, unaroused,
he everywhere sees
security.[10]
The sage
doesn't speak of himself
as among those who are higher,
equal,
or lower.
At peace, free of selfishness,
he doesn't embrace, doesn't
reject,"
the Blessed One said. Notes
1. Nd. I: The rod of violence takes three forms: physical violence (the three forms of bodily misconduct), verbal violence (the four forms of verbal misconduct), and mental violence (the three forms of mental misconduct). See AN 10.176.
2. Nd. I: "One doesn't run" to any of the destinations of rebirth; "one doesn't sink" into any of the four floods of sensuality, views, becoming, and ignorance (see SN 45.171 and AN 4.10).
3. This phrase, a kind of stage direction, seems to indicate that this poem had a ritual use, as part of a ceremony for giving the precepts.
4. "Sensual pleasure, sensual passions": two meanings of the word kama.
5. Nd. I: "Old" and "new" mean past and present aggregates.
6. Nd. I: "what's dazzling & bright" = craving and other defilements.
7. For the definition of All, see the discussion in The Mind Like Fire Unbound, pp. 31-32.
8. Nd. I: "Before," "after," and "in between" = past, future, and present.
9. "Isn't defeated, suffers no loss" — two meanings of the Pali phrase, na jiyyati.
10. See Ud. II.10.
XVI. Sariputta Sutta: To Sariputta
"Never before
have I seen or heard
from anyone
of a teacher with such lovely speech
come, together with his following
from Tusita heaven,[1]
as the One with Eyes
who appears to the world with its devas
having dispelled all darkness
having arrived at delight
all alone.
To that One Awakened —
unentangled, Such, un-
deceptive,
come with his following —
I have come with a question
on behalf of the many
here who are fettered.
For a monk disaffected,
frequenting a place that's remote —
the root of a tree,
a cemetery,
in mountain caves
various places to stay —
how many are the fears there
at which he shouldn't tremble
— there in his noiseless abode —
how many the dangers in the world
for the monk going the direction
he never has gone
that he should transcend
there in his isolated abode?
What should be
the ways of his speech?
What should be
his range there of action?
What should be
a resolute monk's
precepts & practices?[2]
Undertaking what training
— alone, astute, & mindful —
would he blow away
his own impurities
as a silver smith,
those in molten silver?"
The Buddha:
"I will tell you
as one who knows,
what is comfort
for one disaffected
resorting to a remote place,
desiring self-awakening
in line with the Dhamma.
An enlightened monk,
living circumscribed,
mindful,
shouldn't fear the five fears:
of horseflies, mosquitoes, snakes,
human contact, four-footed beings;
shouldn't be disturbed
by those following another's teaching
even on seeing their manifold
terrors;
should overcome still other
further dangers
as he seeks what is skillful.
Touched
by the touch
of discomforts, hunger,
he should endure cold
& inordinate heat.
He with no home,
in many ways touched by these things,
striving, should make firm his persistence.
He shouldn't commit a theft,
shouldn't speak a lie,
should touch with thoughts of good will
beings firm & infirm.
Conscious of when
his mind is stirred up & turbid,
he should dispel it:
'It's on the Dark One's side.'
He shouldn't come under the sway
of anger or pride.
Having dug up their root
he would stand firm.
Then, when prevailing
— yes —
he'd prevail over his sense of dear & undear.
Yearning for discernment
enraptured with what's admirable,
he should overcome these dangers,
should conquer discontent
in his isolated spot,
should conquer these four
thoughts of lament:
'What will I eat,
or where will I eat.
How badly I slept.
Tonight where will I sleep?'
These lamenting thoughts
he should subdue —
one under training,
wandering without home.
Receiving food & cloth
at appropriate times,
he should have a sense of enough
for the sake of contentment.[3]
Guarded in regard to these things
going restrained into a village,
even when harassed
he shouldn't say a harsh word.
With eyes downcast,
& not footloose,
committed to jhana,
he should be continually wakeful.[4]
Strengthening equanimity,
centered within,
he should cut off any penchant
to conjecture or worry.
When reprimanded,
he should — mindful —
rejoice;[5]
should smash any stubbornness
toward his fellows in the holy life;
should utter skillful words
that are not untimely;
should give no mind
to the gossip people might say.
And then there are in the world
the five kinds of dust
for whose dispelling, mindful
he should train:
with regard to forms, sounds, tastes,
smells, & tactile sensations
he should conquer passion;
with regard to these things
he should subdue his desire.
A monk, mindful,
his mind well-released,
contemplating the right Dhamma
at the right times,
on coming
to oneness
should annihilate
darkness,"
the Blessed One said. Notes
1.
The Buddha spent his next-to-last lifetime in the Tusita heaven, one of the highest levels on the sensual plane.
2.
The fact that the Buddha answers this question in a straightforward manner illustrates the point that abandoning precepts and practices does not mean having no precepts and practices. See note 2 to Sn 4.13.
3.
See AN 4.37 and AN 7.64.
4.
See AN 4.37.
5.
See Dhp 76-77. 5. Parayanavagga — The Chapter on the Way to the Far Shore
I. Ajita-manava-puccha: Ajita's Questions
[Ajita:]
With what
is the world shrouded?
Because of what
doesn't it shine?
With what
is it smeared? Tell me.
What
is its great danger & fear?
[The Buddha:]
With ignorance
the world is shrouded.
Because of stinginess,
heedlessness,
it doesn't shine.
With longing
it's smeared — I tell you.
Suffering-stress:
its great danger & fear.
[Ajita:]
They flow every which way,
the streams.
What is their blocking,
what their restraint — tell me —
with what are they finally stopped?
[The Buddha:]
Whatever streams
there are in the world:
their blocking is
mindfulness, mindfulness
is their restraint — I tell you —
with discernment
they're finally stopped.
[Ajita:]
Discernment & mindfulness,
name & form, dear sir:
Tell me, when asked this,
where are they brought to a halt?
[The Buddha:]
This question you've asked, Ajita,
I'll answer it for you —
where name & form
are brought to a halt
without trace:
With the cessation of consciousness
they're brought
to a halt.
[Ajita:]
Those here who have fathomed the Dhamma,
those who are learners,
those who are run-of-the-mill:
When you, dear sir, astute,
are asked this,
tell me their manner of life.
[The Buddha:]
He should not hanker
for sensual pleasures,
should be limpid in mind.
Skilled in all mental qualities,
he, the monk, should live his life
mindfully. Note
According to the Culaniddesa (Nd.II), the streams that "flow every which way" are the streams of craving, views, conceit, defilement, corruption, and ignorance that flow out the six sense media. The first two lines in Ven. Ajita's second set of questions (the first half-line in the Pali) is identical to the first half-line in Dhp. 340.
For a more detailed answer to Ajita's last set of questions, see SN 12.31.
II. Tissa-metteyya-manava-puccha: Tissa-metteyya's Questions
[Tissa-metteyya:]
Who
here in the world
is contented?
Who
has no agitations?
What thinker
knowing both sides,
doesn't adhere in between?
Whom
do you call a great person?
Who here
has gone past
the seamstress:
craving.
[The Buddha:]
He who
in the midst of sensualities,
follows the holy life,
always mindful, craving-free;
the monk who is
— through fathoming things —
Unbound:
he has no agitations. He,
the thinker
knowing both sides,
doesn't adhere in between. He
I call a great person. He
here has gone past
the seamstress:
craving.
Note
AN 6.61 reports a discussion among several elder monks as to what is meant in this poem by "both sides" and "in between." Six of the elders express the following separate opinions:
Contact is the first side, the origination of contact the second side, and the cessation of contact is in between.
The past is the first side, the future the second, and the present is in between.
Pleasant feeling is the first side, painful feeling the second, and neither-pleasant-nor-painful feeling is in between.
Name (mental phenomena) is the first side, form (physical phenomena) the second, and consciousness is in between.
The six external sense media (sights, sounds, aromas, flavors, tactile sensations, ideas) are the first side, the six internal sense media (eye, ear, nose, tongue, body, intellect) the second side, and consciousness is in between.
Self-identity is the first side, the origination of self-identity the second, and the cessation of self-identity is in between.
The issue is then taken to the Buddha, who states that all six interpretations are well-spoken, but the interpretation he had in mind when speaking the poem was the first.
III. Punnaka-manava-puccha: Punnaka's Questions
[Punnaka:]
To the one unperturbed,
who has seen the root [of all things],
I have come with a question.
Because of what
have many human seers
— noble warriors, brahmans —
offered sacrifices to devas
here in the world?
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
[The Buddha:]
Those many human seers
— noble warriors, brahmans —
who have offered sacrifices to devas
here in the world, Punnaka,
hoping for more of this state of being,
offered their sacrifices
because of aging.
[Punnaka:]
Those many human seers
— noble warriors, brahmans —
who have offered sacrifices to devas
here in the world:
Have they, O Blessed One,
heeding the path of sacrifice,
crossed over birth & aging?
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
[The Buddha:]
They hoped for, liked,
longed for,
so sacrificed —
they longed for sensuality,
dependent on gain.
I tell you:
those who take on the yoke
of sacrifice,
impassioned with
the passion for becoming,
have not crossed over birth & aging.
[Punnaka:]
If those who take on the yoke of sacrifice
haven't crossed over the flood, dear sir,
then who in the world
of beings divine & human
has crossed over birth & aging?
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
[The Buddha:]
He who has fathomed
the far & near in the world,
for whom there is nothing
perturbing in the world —
his vices evaporated,
undesiring, untroubled,
at peace —
he, I tell you, has crossed over birth
& aging. Note
AN 3.32 and AN 4.41 contain discussions of the last verse in this poem.
In AN 3.32, Ven. Ananda asks the Buddha, "Could it be that a monk could attain a concentration of such a sort such that, with regard to this conscious body, he would have no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit, such that with regard to all external themes [topics of concentration] he would have no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit, and that he would enter & remain in the awareness-release & discernment-release in which there is no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit?"
The Buddha answers that it is possible, and that such a concentration can be attained when one is percipient in this way: "This is peace, this is exquisite — the resolution of all mental processes; the relinquishment of all acquisitions; the ending of craving; dispassion; cessation; Unbinding." He then adds that it was in connection to this state of mind that he uttered the last verse in this poem.
In AN 4.41, the Buddha identifies four ways of developing concentration: "There is the development of concentration that, when developed & pursued, leads to a pleasant abiding in the here & now. There is the development of concentration that, when developed & pursued, leads to the attainment of knowledge & vision. There is the development of concentration that, when developed & pursued, leads to mindfulness & alertness. There is the development of concentration that, when developed & pursued, leads to the ending of the effluents." (For details, see AN 4.41) The Buddha then adds that he uttered the last verse of this poem in connection with these four ways of developing concentration.
IV. Mettagu-manava-puccha: Mettagu's Questions
[Mettagu:]
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
I regard you as knowledgeable,
with your self developed.
From what have the many
forms of stress & suffering
arisen in the world?
[The Buddha:]
If you ask me
the coming-into-being
of stress & suffering,
I will tell it to you
as one who discerns.
From acquisition [1] as cause
the many forms of stress & suffering
come into being in the world.
Whoever, unknowing, makes acquisitions
— the fool —
comes to stress & suffering
again
& again.
So one who's discerning,
focused on the birth
of stress & suffering,
their coming-into-being,
should make no acquisitions.
[Mettagu:]
What we asked, you've expounded.
Now we ask something else.
Please tell us.
How do the prudent
cross over the flood of
birth & aging,
lamentation & sorrow?
Please, sage, declare this to me
as this Dhamma has
been known by you.
[The Buddha:]
I will teach you the Dhamma
— in the here & now,
not quoted words —
knowing which, living mindfully,
you'll cross over beyond
entanglement in the world.
[Mettagu:]
And I relish, Great Seer,
that Dhamma supreme,
knowing which, living mindfully,
I'll cross over beyond
entanglement in the world.
[The Buddha:]
Whatever you're alert to,
above, below,
across, in between:[2]
dispelling any delight,
any laying claim
to those things,
consciousness should not take a stance
in becoming.
The monk who dwells thus
— mindful, heedful —
letting go of his sense of mine,
knowing right here would abandon
birth & aging,
lamentation & sorrow,
stress & suffering.
[Mettagu:]
I relish, Gotama, the Great Seer's words
well-expounded, without acquisition,
for yes, O Blessed One,
you've abandoned stress & suffering
as this Dhamma has
been known by you.
And they, too, would abandon stress & suffering
those whom you, sage,
would admonish unceasingly.
Having met you, I bow down to you,
Great One.
Perhaps you will admonish me
unceasingly.
[The Buddha:]
Whoever you recognize
as a knowledgeable brahman,
possessing nothing,
unentangled
in sensuality & becoming
yes, he has crossed over the flood.
Having crossed to the far shore,
he is without
harshness or doubt.
And any one who has realized,
who is knowledgeable here,
having unentangled the bond
to becoming and non-, [3]
free of craving,
untroubled,
undesiring — he,
I tell you, has crossed over birth
& aging. Notes
1.
The term "acquisition" (upadhi), in its everyday sense, denotes the possessions, baggage, and other paraphernalia that a nomadic family might carry around with it in its wanderings. On the psychological level, it denotes anything for which one might have a sense of "I" or "mine" and which, consequently, one would carry around as a kind of mental baggage.
2.
Nd.II gives six different valid interpretations for "above, below, across, in between":
above = the future; below = the past; across and in between = the present
above = the deva world; below = hell; across and in between = the human world
above = skillfulness; below = unskillfulness; across and in between = indeterminate mental qualities
above = the property of formlessness; below = the property of sensuality; across and in between = the property of form
above = feelings of pleasure; below = feelings of pain; across and in between = feelings of neither pleasure nor pain
above = the body from the feet on up; below = the body from the crown of the head on down; across and in between = the middle of the body
3.
Becoming and non-becoming (or dis-becoming) are the two most subtle objects of craving that lead on to continued existence — and suffering — in the round of birth & death.
V. Dhotaka-manava-puccha: Dhotaka's Questions
[Dhotaka:]
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
I hope for your words, Great Seer.
Having heard your pronouncement,
I'll train for my own
Unbinding.
[The Buddha:]
In that case,
be ardent —
astute & mindful right here.
Then, having heard my pronouncement,
train for your own
Unbinding.
[Dhotaka:]
I see in the world of beings
divine & human,
a brahman who lives
possessing nothing.
I pay homage to him
the All-around Eye.
From my doubts, O Sakyan, release me!
[The Buddha:]
No one in the world, Dhotaka,
can I release from doubting.
But knowing the most excellent Dhamma,
you will cross over the flood.
[Dhotaka:]
Teach with compassion, O brahman,
the Dhamma of seclusion
so that I may know —
so that I, unafflicted as space,
may live right here,
independent,
at peace.
[The Buddha:]
I will teach you peace
— in the here & now,
not quoted words —
knowing which, living mindfully,
you'll go beyond
entanglement in the world.
[Dhotaka:]
And I relish, Great Seer,
that peace supreme,
knowing which, living mindfully,
I'll go beyond
entanglement in the world.
[The Buddha:]
Whatever you're alert to,
above, below,
across, in between:
knowing it as a bond in the world,
don't create craving
for becoming or non-. Note
Craving for becoming and non-becoming (or dis-becoming) are the two most subtle forms of craving that lead to continued existence — and suffering — in the round of birth & death.
VI. Upasiva-manava-puccha: Upasiva's Questions
[Upasiva:]
Alone, Sakyan, & with nothing to rely on,
I can't venture across
the great flood.
Tell me, All-around Eye,
the support to rely on
for crossing over this flood.
[The Buddha:]
Mindfully focused on nothingness, [1]
relying on 'There isn't,'
you should cross over the flood.
Abandoning sensual pleasures,
abstaining from conversations,
keep watch for the ending of
craving, night & day.
[Upasiva:]
One free from passion
for all sensual pleasures
relying on nothingness, letting go of all else,
released in the highest emancipation of perception:
Does he stay there unaffected?
[The Buddha:]
One free from passion
for all sensual pleasures
relying on nothingness, letting go of all else,
released in the highest emancipation of perception:
He stays there unaffected.
[Upasiva:]
If he stays there, O All-around Eye,
unaffected for many years,
right there
would he be cooled & released?
Would his consciousness be like that?
[The Buddha:]
As a flame overthrown by the force of the wind
goes to an end
that cannot be classified,[2]
so the sage free from naming activity
goes to an end
that cannot be classified.
[Upasiva:]
He who has reached the end:
Does he not exist,
or is he for eternity
free from dis-ease?
Please, sage, declare this to me
as this phenomenon has been known by you.
[The Buddha:]
One who has reached the end
has no criterion [3]
by which anyone would say that —
for him it doesn't exist.
When all phenomena are done away with,[4]
all means of speaking
are done away with as well. Notes
1.
"Nothingness" here denotes the dimension of nothingness, one of the four levels of mental absorption on formless themes. One attains this level, after surmounting the dimension of the infinitude of consciousness, by focusing on the perception, "There is nothing." MN 26 tells us that Alara Kalama, the Buddha's first teacher when the latter was still a Bodhisatta, had attained this level of mental absorption and had thought that it was the highest possible attainment. The Bodhisatta left him upon realizing that it was not true liberation from stress and suffering. Nevertheless, the dimension of nothingness can be used as a basis for the insight leading to that liberation. On this point, see Sn.V.14 and AN 9.36.
2.
For a discussion of this passage in light of early Buddhist theories of fire, see The Mind Like Fire Unbound, Chapter 1.
3.
For a discussion of the meaning of "criterion" in this passage, see The Mind Like Fire Unbound, Chapter 1.
4.
Although Upasiva refers to the goal as a phenomenon (dhamma), the Buddha describes it as the transcending of all phenomena. For some of the implications of this statement, see AN 3.134.
VII. Nanda-manava-puccha: Nanda's Questions
[Nanda:]
There are in the world
sages, they say
— in what way?
Do they call one a sage
for possessing knowledge
or possessing a way of life?
[The Buddha:]
Not on account of his views,
learning,
or knowledge
do the skilled here, Nanda,
call one a sage.
Those who live
disarmed,
undesiring,
untroubled:
those, I say, are called sages.
[Nanda:]
Whatever brahmans & contemplatives
describe purity
in terms of views & learning,
describe purity
in terms of precepts & practices,
describe purity
in terms of manifold ways:
have they, dear sir, living there in that way,
crossed over birth & aging?
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
[The Buddha:]
Whatever brahmans & contemplatives
describe purity
in terms of views & learning,
describe purity
in terms of precepts & practices,
describe purity
in terms of manifold ways:
none of them, living there in that way,
I tell you, have crossed over birth & aging.
[Nanda:]
Whatever brahmans & contemplatives
describe purity
in terms of views & learning,
describe purity
in terms of precepts & practices,
describe purity
in terms of manifold ways:
if, sage, as you say,
they've not crossed over the flood,
then who in the world
of beings divine & human
has crossed over birth & aging?
I ask you, O Blessed One.
Please tell me.
[The Buddha:]
I don't say that all brahmans & contemplatives
are shrouded in birth & aging.
Those here who've abandoned
what's seen, heard, & sensed,
precepts & practices [1]
— all —
who've abandoned their manifold ways
— again, all —
who, comprehending craving,
are effluent-free:
they are the ones, I tell you,
who've crossed over the flood.
[Nanda:]
I relish, Gotama, the Great Seer's words
well-expounded, without acquisition.
Those here who've abandoned
what's seen, heard, & sensed,
precepts & practices
— all —
who've abandoned their manifold ways
— again, all —
who, comprehending craving,
are effluent-free:
I, too, say they've crossed over the flood. Note
1.
For a discussion of the abandoning of precepts and practices, see The Mind Like Fire Unbound, Chapters 3 and 4.
VIII. Hemaka-manava-puccha: Hemaka's Question
[Hemaka:]
In the past,
before hearing Gotama's teaching,
when anyone explained 'It was,' 'It will be,'
all that was hearsay,
quoted words.
All that promoted conjecture
and gave me no pleasure.
Now, sage, teach me the Dhamma
demolishing craving,
knowing which, living mindfully,
one would cross over beyond
entanglement in the world.
[The Buddha:]
Here, Hemaka,
with regard to things that are dear
— seen, heard, sensed, & cognized —
there is: the dispelling of passion & desire,
the undying state of Unbinding.
Those knowing this, mindful,
fully unbound
in the here & now,
are forever calmed,
have crossed over beyond
entanglement in the world.
IX. Todeyya-manava-puccha: Todeyya's Questions
[Todeyya:]
One in whom
there dwell no sensualities;
one in whom
no craving is found;
one who has crossed over perplexity —
his emancipation:
what is it like?
[The Buddha:]
One in whom
there dwell no sensualities;
one in whom
no craving is found;
one who has crossed over perplexity —
his emancipation
is not other than that.
[Todeyya:]
Is he without desire,
or desiring?
Discerning or
still acquiring discernment?
Describe the sage to me, Sakyan
with the all-around eye,
so that I may recognize
what he is like.
[The Buddha:]
He's without desire,
not desiring;
discerning,
not still acquiring discernment.
Recognize the sage, Todeyya,
as having nothing,
unentangled
in sensuality
& becoming.
X. Kappa-manava-puccha: Kappa's Question
[Kappa:]
For one stranded in the middle of the lake,
in the flood of great danger — birth —
overwhelmed with aging & death:
Tell me the island, dear sir,
and show me the island
so that this may not happen again.
[The Buddha:]
For one stranded in the middle of the lake,
in the flood of great danger — birth —
overwhelmed with aging & death,
I will tell you the island, Kappa.
Having nothing,
clinging to no thing:
That is the island,
there is no other.
That's Unbinding, I tell you,
the total ending of aging & death.
Those knowing this, mindful,
fully unbound
in the here & now,
don't serve as Mara's servants,
don't come under Mara's sway.
XI. Jatukanni-manava-puccha: Jatukannin's Question
[Jatukannin:]
Hearing that there was a hero —
desiring no sensuality,
having crossed over the flood —
I've come with a question:
Tell me the state of peace,
O One with quick eyes. O Blessed One,
tell me
as it actually is.
For the Blessed One lives
having surpassed sensuality,
as the radiant sun, in its radiance,
the earth.
Limited my discernment,
O One whose discernment's profound.
Teach me to know the Dhamma,
the abandoning here
of birth
& aging.
[The Buddha:]
Subdue greed for sensual pleasures,
& see renunciation as rest.
Let there be nothing grasped
or rejected by you.
Burn up what's before,
and have nothing for after.
If you don't grasp
at what's in between, [1]
you will go about, calm.
One completely devoid of greed
for name & form, brahman,
has
no effluents
by which he would go
under Mara's sway. Note
1.
According to Nd.II, "before" stands for defilements related to the past, "after" for defilements related to the future, and "in between" for the five aggregates — form, feeling, perception, thought-fabrications, sensory consciousness — in the present.
XII. Bhadravudha-manava-puccha: Bhadravudha's Questions
[Bhadravudha:]
I entreat the one
who is very intelligent,
released, unperturbed —
who has abandoned home,
abandoned delight,
abandoned resemblances,
cut through craving,
crossed over the flood.
Having heard the Great One, they will leave —
the many gathered
from many lands, hero,
in hope of your words.
So tell them, please,
how this Dhamma has
been known to you.
[The Buddha:]
Subdue craving & clinging — all —
above, below,
across, in between. [1]
For whatever people cling to in the world,
it's through that
that Mara pursues them.
So a monk, mindful,
seeing these people
clinging to entanglement
as entangled in Death's realm,
should cling to nothing
in all the world,
every world. Note
1.
For Nd.II's discussion of the various meanings of the objects of craving "above, below, across, in between," see Note 2 to Sn.V.4 (Mettagu's Question).
XIII. Udaya-manava-puccha: Udaya's Questions
[Udaya:]
To the one in jhana
seated dustless,
passionless,
his task done,
effluent-free,
gone to the beyond
of all phenomena,
I've come with a question.
Tell me the gnosis of emancipation,
the breaking open
of ignorance.
[The Buddha:]
The abandoning
both of sensual desires,
& of unhappiness,
the dispelling of sloth,
the warding off of anxieties,
equanimity-&-mindfulness purified,
with inspection of mental qualities
swift in the forefront:
That I call the gnosis of emancipation, [1]
the breaking open
of ignorance. [2]
[Udaya:]
With what
is the world fettered?
With what
is it examined?
Through the abandoning of what
is there said to be
Unbinding?
[The Buddha:]
With delight
the world's fettered.
With directed thought
it's examined.
Through the abandoning of craving
is there said to be
Unbinding.
[Udaya:]
Living mindful in what way
does one bring consciousness
to a halt?
We've come questioning
to the Blessed One.
Let us hear your words.
[The Buddha:]
Not relishing feeling,
inside or out:
One living mindful in this way
brings consciousness
to a halt. [3] Notes
1.
For a discussion of the "gnosis of emancipation" — the state of knowledge consisting of mental absorption coupled with an analysis of mental states, see AN 9.36 and Section III.F in The Wings to Awakening.
2.
AN 3.32 contains a discussion of this verse. The Buddha tells Ven. Sariputta that one should train oneself such that "with regard to this conscious body, there will be no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit, such that with regard to all external themes [topics of concentration] there will be no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit, and that we will enter & remain in the awareness-release & discernment-release in which there is no 'I'-making or 'mine'-making or obsession of conceit." When one has trained in this way, he says, one is called a person who has cut through craving, unraveled the fetter, who has, through the right penetration of conceit, put an end to suffering & stress. He then states that it was in connection to this state that he uttered this verse.
3.
For a discussion of "bringing consciousness to a halt" — showing that it is not an annihilation of consciousness, but rather the ending of its proliferating activity — see SN 22.53.
XIV. Posala-manava-puccha: Posala's Questions
[Posala:]
To one who reveals the past
— unperturbed,
his doubts cut through —
who has gone to the beyond
of all phenomena,
I've come with a question.
I ask the Sakyan about the knowledge [1]
of one devoid of perception of forms,
who has abandoned all the body,
every body,
who sees, within & without,
'There is nothing':
How is he
to be led further on?
[The Buddha:]
The Tathagata, knowing directly
all stations of consciousness, [2]
knows for one stationed in them
release
& the steps leading there.
Knowing directly
the origin of nothingness
to be the fetter of delight,
one then sees there clearly.
That's his genuine knowledge —
the brahman who has lived
to fulfillment. Notes
1.
Posala's question concerning the knowledge of the person in the dimension of nothingness has a double meaning: He is asking about the Buddha's knowledge about that person, and also what a person in that dimension of attainment should do to develop his/her knowledge even further. The Buddha's answer deals with the question in both its senses.
2.
On the seven stations of consciousness, see DN 15. The dimension of nothingness, discussed in this dialogue, is the seventh and most refined.
XV. Mogharaja-manava-puccha: Mogharaja's Question
[Mogharaja:]
Twice now, O Sakyan,
I've asked you,
but you, O One with Eyes,
haven't answered me.
"When asked the third time,
the divine seer answers":
so I have heard.
This world, the next world,
the Brahma world with its devas:
I don't know how they're viewed
by the glorious Gotama.
So to the one who has seen
to the far extreme,
I've come with a question:
One who regards the world in what way
isn't seen by Death's King?
[The Buddha:]
Always mindful, Mogharaja,
regard the world as
empty,
having removed any view
in terms of self.
This way
one is above and beyond death.
One who regards the world
in this way
isn't seen by Death's King. Note
On viewing the world as void, see S.XXXV.85.
XVI. Pingiya-manava-puccha: Pingiya's Question
[Pingiya:]
I'm old & weak,
my complexion dull.
I've blurry eyes
and trouble hearing,
but may I not perish deluded,
confused!
Teach me the Dhamma
so that I may know
the abandoning here
of birth & aging.
[The Buddha:]
Seeing people suffering
on account of their bodies —
heedless people are oppressed
on account of their bodies —
then heedful, Pingiya,
let go of the body
for the sake of no further becoming.
[Pingiya:]
In the four cardinal directions,
the four intermediate,
above & below
— the ten directions —
there is nothing in the world
unseen, unheard,
unsensed, uncognized by you.
Teach me the Dhamma
so that I may know
the abandoning here
of birth & aging.
[The Buddha:]
Seeing people,
victims of craving —
aflame, overwhelmed with aging —
then heedful, Pingiya,
let go of craving
for the sake of no further becoming.