Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Kinh Phật Tự Thuyết (Chương 6 đến chương 8)

Dịch giả: Thích Minh Châu

Chương Sáu
Phẩm Sanh Ra Ðã Mù

(I) (Ud 62)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli tại Ðại Lâm chỗ ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm bát, đi vào Vesàli để khất thực. Khất thực ở Vesàli xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy cầm tọa cụ, Ta sẽ đi đến điện Càpàla để nghỉ ban ngày.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, cầm tọa cụ và đi sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn đi đến đền Càpàla, khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahuputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!
Này Ananda, những ai đã tụ tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần còn lại!
Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người". Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Lần thứ hai... Lần thứ ba Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda: "Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahyputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!... " Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người!". Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đi và làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ngồi xuống một gốc cây không xa bao nhiêu.
Tôn giả Ananda ra đi không bao lâu, Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến liền đứng một bên. Ðứng một bên, Ác ma nói với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ! Thiện thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đấy là lời Thế Tôn đã nói:
- Này Ác ma, Ta sẽ chưa diệt độ, khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tuỳ pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp, sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình; khi nào họ chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai mở, phân tích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể, sau khi chất vấn, khéo hàng phục một cách đúng pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
- Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo, đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tùy pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp; sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình, họ tuyên bố diễn giảng trình bày, xác định, khai mở, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp. Khi có tà đạo khởi lên, sau khi chất vấn, họ khéo hàng phục một cách đúng pháp, thuyết pháp thần diệu. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
- Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta... Những nam cư sĩ của Ta... Những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng... chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
- Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo ni... Những nam cư sĩ... Những nữ cư sĩ đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín... có thể thuyết pháp thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn,nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
- Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thành đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy, cho chư Thiên và loài Người.
- Bạch Thế Tôn, nay Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa được khéo giảng dạy cho chư Thiên và loài Người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma:
- Này Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.
Và tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, từ bỏ thọ hành, không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi Thế Tôn từ bỏ thọ hành, thời đại địa chấn động, ghê rợn, lông tóc dựng ngược, sấm trời vang dậy.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
1. Bậc ẩn sĩ từ bỏ,
Các hành động sanh hữu,
Sanh hữu có cân lượng,
Sanh hữu không cân lượng,
Ưa thích hướng nội tâm,
Thật định tỉnh an tịnh,
Phá đổ ngã sanh hữu,
Như cởi thoát áo giáp.
(II) (Ud 64)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn vào buổi chiều, từ độc cư thiền tịnh đứng dậy và đến ngồi tại một ngôi nhà nhỏ phía cửa ngoài.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ, với nách đầy lông, với móng tay dài, mang các dụng cụ khất sĩ, đã đi ngang qua Thế Tôn không xa bao nhiêu.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy, nói lên ba lần tên của mình: "Thưa chư Tôn giả, con là vua Pasenadi nước Kosala!".
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y, và bảy vị du sĩ ấy đã đi ngang qua không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?
- Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả. Thưa Ðại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý không phải không có tác ý; phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải có liên hệ mới biết được sự thanh liêm của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải đàm luận biết được trí tuệ của một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
- Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: "Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ... không phải với ác tuệ". Bạch Thế Tôn, có những trinh thám này của con những người trinh sát sau khi đi trinh sát mặt nước, chúng đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết. Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, chúng được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:
2. Phải siêng năng cố gắng,
Tại bất cứ chỗ nào,
Chớ trở thành là người
Thuộc vào con người khác,
Chớ có sống ỷ lại,
Nương tựa vào ngưòi khác,
Chớ sống nghề buôn bán,
Ðem pháp để kiếm lời.
(III) (Ud 65)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi quán sát của pháp bất thiện của mình được trừ diệt, và các pháp thiện của mình được tu tập, làm cho tăng trưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết các pháp bất thiện của mình đã được trừ diệt và các pháp thiện của mình được tu tập, được làm cho sung mãn, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Trước có nay không có,
Trước không có nay có,
Ðã không và sẽ không,
Và nay hiện không có.
(IV) (Ud 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực..."... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh... như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả " - "Thưa vâng, Ðại vương". Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".
- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.
Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt... như vậy là pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.
(V) (Ud 69)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các di sĩ trú ở Sàvatthi. Họ có quan điểm khác nhau. Họ có kham nhẫn khác nhau. Họ có sở thích khác nhau. Họ y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Tự ngã và thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn... "Tự ngã và thế giới là vô thường"... "Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường... " "Tự ngã và thế giới do tự mình tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do tự mình và người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do không tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do vô nhân sanh, tự nhiên"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường"... Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không tự mình tạo ra, không người khác tạo ra do vô nhân sanh". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau, bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, có nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ, trú ở Sàvatthi... họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết không phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đã thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này là pháp".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ bị chìm đắm xuống,
Khi đang còn giữa dòng,
Họ không đạt đến được,
Ðất cứng trên bờ kia.
(VI) (Ud 70)
(Giống như kinh VI, 5, tức là kinh trước, với đoạn kết luận khác nhau như sau:)
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Có người ở đời này,
Chấp người làm là ta,
Trói buộc với tư tưởng,
Người làm là người khác,
Họ không biết sự này,
Họ thấy là mũi tên,
Ai nhìn mũi tên này,
Với thận trọng cần thiết,
Người ấy không còn chấp,
"Người làm chính là ta",
Người ấy cũng không chấp,
"Người làm là người khác",
Loài người ở đời này,
Bị kiêu nạn khiếp phục,
Bị cột bởi kiêu mạn,
Bị trói bởi kiêu mạn,
Trong các loài chủ thuyết,
Họ cạnh tranh, luận tranh,
Họ không thể vượt qua,
Luân chuyển trong sanh tử.
(VII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Subhùti ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn thấy Tôn giả Subhùti ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nỗi lên lời cảm hứng:
7. Với ai, tầm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn
Vượt qua ái nhiễm ấy,
Ðạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh.
(VIII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, ở Vương xá, có hai nhóm say đắm một ngưòi kỹ nữ, tâm bị ám ảnh, họ cạnh tranh, đấu tranh nhau. Họ đi đến đánh nhau bằng nắm tay, đánh nhau bằng cục đất, đánh nhau bằng gậy gộc, đánh nhau bằng kiếm. Họ đi đến chết, đi đến đau khổ gần như chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở Vương Xá có hai nhóm say đắm một người kỷ nữ... họ đi đến chết, đi đến đâu khổ gần như chết.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Phàm cái gì đạt được,
Cái gì cần phải đạt,
Cả hai vướng bụi trần,
Với kẻ bị bệnh hoạn,
Học tập chưa thuần thục,
Kẻ tinh chuyên học tập,
Sống giữ gìn giới cấm,
Tinh chuyên chú Phạm hạnh,
Ðây là một cực đoan,
Ðây là một chủ thuyết,
Trong dục không lỗi lầm,
Là cực đoan thứ hai,
Cả hai cực đoan này,
Làm mộ phần tăng trưởng,
Chính do các tà kiến,
Làm tăng trưởng mộ phần.
Những ai không thắng tri,
Cả hai cực đoan này,
Có kẻ bị chìm đắm,
Có kẻ chạy quá mau,
Những ai thắng tri chúng,
Không có suy tư vậy,
Không có tự quá mạn,
Họ không có luân chuyển,
Ðể được tuyên bố lên.
(IX) (Ud 72)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàathapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, trong đêm tối mù mịt, với những cây đèn dầu đang chói sáng. Lúc bấy giờ, nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào trong những đèn dầu ấy và gặp phải tai nạn, gặp phải hoại diệt, gặp phải tai nạn hoại diệt. Thế Tôn thấy nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào...
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
9. Họ chạy gấp vượt qua,
Nhưng bỏ mất lối cây,
Họ làm cho tăng trưởng,
Các trói buộc mới mẻ,
Như các loại côn trùng,
Rơi vào trong ánh sáng,
Có người sống dựa vào
Ðiều được thấy được nghe.
(X) (Ud 73)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavena, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cho đến khi nào, các Như Lai không hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo được cung kính, được tôn trọng, được đảnh lễ, được cúng dường, được tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy, các du sĩ ngoại đạo, không được cung kính, không được tôn trọng, không được đảnh lễ, không được cúng dường, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn trọng, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; chúng Tỷ-kheo cũng như vậy.
- Ðúng như vậy, này Ananda. Cho đến khi nào, các Như Lai không xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Này Ananda nay Thế Tôn được cung kính... chúng Tỷ-kheo cũng vậy.
Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng:
10. Con đôm đốm chiếu sáng,
Khi mặt trời chưa mọc,
Khi mặt trời mọc lên,
Ánh sáng đôm đốm diệt,
Cũng vậy là ánh sáng,
Của các nhà ngoại đạo,
Khi bậc Chánh Ðẳng Giác
Chưa xuất hiện ở đời,
Các nhà ưa biện luận.
Không có được ánh sáng,
Cũng vậy đệ tử chúng,
Còn các nhà tà kiến,
Họ không được giải thoát,
Khỏi các sự đau khổ.
Chương Bảy
Phẩm Nhỏ

(I) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn cuả ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn đang trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Tôn giả Lakumthakabbaddiya. Do Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm của Tôn giả Lakumthakabhaddiya được giải thoát các lậu hoặc không có chấp thủ. Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabbaddiya, do Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Trên dưới khắp tất cả,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
"Cái này chính là tôi".
Giải thoát vậy vượt dòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt
Vào sanh hữu thọ sanh.
(II) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, đang thuyết trình, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Tôn giả Bhaddiya người lùn; lại càng nhiệt tình hơn lên khi Tôn giả Sàriputta nghĩ rằng: "Tôn giả Bhaddiya người lùn là một vị hữu học". Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, là một vị hữu học. Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Cắt đứt được luân chuyển,
Ðạt được sự không dục,
Hoàn toàn được khô cạn,
Nước sông không chảy nữa,
Cắt đứt, lưu chuyển đứng,
Là giải thoát đau khổ.
(III) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi, phần lớn đắm say quá độ về các dục, sống say đắm, tham đắm, tham muốn, tham mê, bị trói buộc, bị mê say trong các dục. Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, khi đã khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, những người ở Sàvatthi,... bị mê say trong các dục.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Chúng sanh bị tham đắm,
Trong các loại ái dục,
Họ không thấy lỗi lầm,
Trong phiền não kiết sử,
Chắc chắn các chúng sanh,
Tham đắm trong ái dục,
Họ không vượt qua được,
Thác nước rộng và lớn.
(IV) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi phần lớn đắm say quá độ về các dục (như trên III)... trong các dục. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Rồi Thế Tôn thấy các người ấy ở Sàvatthi... trong các dục.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Bị mù bởi các dục,
Bị bao phủ bởi lưới,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Họ đi đến già chết,
Như con bê bú sữa.
(V) (Ud 76)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvtthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, xấu xí, khó nhìn, khòm lưng, phần lớn bị các Tỷ-kheo khinh bỉ; thấy vậy, nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy chăng Thầy Tỷ-kheo này từ đàng xa... bị các Tỷ-kheo khinh bỉ?
- Thưa có, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần lực, có đại uy lực, thiền chứng không dễ gì chứng được, thiền chứng ấy trước đây Tỷ-kheo ấy không thực hành tốt đẹp. Và vì mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Bộ phận không khuyết thiếu,
Có tán trắng che trên,
Chỉ có một bánh xe,
Chiếc xe được di chuyển.
Hãy thấy vị ấy đến,
Không phiền muộn khó khăn,
Dòng nước đã cắt đứt,
Vị ấy không trói buộc.
(VI) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt. Thế Tôn thấy Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Rễ không có bén đất,
Không lá, đâu dây leo,
Bậc trí thoát trói buộc,
Ai xứng đáng được khen,
Chư Thiên khen người ấy,
Phạm Thiên cũng ngợi khen.
(VII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi quán sát sự từ bỏ, đoạn diệt các hý luận tưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết sự từ bỏ, đoạn diệt các tưởng hý luận của mình, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Với ai các hý luận,
Không còn có an trú,
Thoát ly được liên hệ,
Thoát ly được ảo tưởng,
Chư Thiên và thế giới,
Không thể nào rõ biết,
Sở hành vị ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi tham ái.
(VIII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt và trong nội tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt trong nội tâm.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Với ai thường thường niệm,
Liên tục trú thân hành,
"Trước không thể có được,
Với tôi, nay không có,
Sẽ không thể có được,
Với tôi, nay sẽ không".
Tiếp tục trú như vậy,
Ðúng thời vượt dục ái.
(IX) (Ud 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến làng Bà-la-môn của dân chúng Malà tên là Thùna. Các Bà-la-môn gia chủ ở Thùna được nghe: "Sa-môn Gotama từ dòng họ Thích Ca xuất gia, đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, nay đã đến Thùna". Họ đổ đầy miệng giếng với cỏ và trấu với ý nghĩ: "Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống".
Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đi đến dưới một gốc cây, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay các giếng ấy bị các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna lắp đầy miệng với cỏ và trấu với ý nghĩ: "Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống".
Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta!.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Nay các giếng ấy... không có nước uống.
Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bình bát, đi đến cái giếng ấy. Tại cái giếng ấy, khi Tôn giả Ananda đi đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng, và nước trong sáng không cấu uế, trong lặng, tràn đầy miệng, cho đến như là tràn ra ngoài. Rồi Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thật vi diệu thay!. Thật hy hữu thay là đại thần lực, đại uy lực của Như Lai. Cái giếng này khi ta đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng... như là tràn ra ngoài". Rồi Tôn giả Ananda cầm lấy bát nước, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay là đại thần lực... như là tràn ra ngoài! Bạch Thế Tôn hãy uống nước. Bạch Thiện Thệ, hãy uống nước!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Cần làm gì với giếng,
Khi nước có cùng khắp,
Chắt đứt ái từ gốc,
Cần hành tầm cầu gì?
(X) (Ud 79)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, vua Udena đang đi ngoài vườn, thì nội cung bị cháy và năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmavati. Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Các Tỷ-kheo ấy khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi vua Udena đi ra ngoài vườn, nội cung bị cháy, năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmàvati. Các nữ cư sĩ ấy, sanh thú họ là gì? Tương lai họ thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ là bậc Dự lưu, có nhất bậc Nhất lai, có bậc Bất Lai. Này các Tỷ-kheo, tất cả các nữ cư sĩ ấy mạng chung không phải không có kết quả.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Ðời bị si trói buộc,
Ðược thấy bị tái sanh,
Bị trói bởi sanh y,
Kẻ ngu bị mù vây,
Tự thấy mình thường còn,
Nhưng với ai thấy được,
Sẽ không có vật gì.
Chương Tám
Phẩm Pàtaligàmiya

(I) (Ud 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết giảng pháp thoại liên tưởng đến Niết-bàn cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Các Tỷ-kheo ấy chú tâm, tác ý, dồn tất cả tâm tư lắng nghe pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
- Này các Tỷ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyện vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau.
(II) (Ud 81)
(Như kinh trên (I), chỉ khác lời cảm hứng)
1. Khó thấy là vô ngã,
Không dễ thấy, sự thật,
Với bậc có hiểu biết,
Khéo xâm nhập được ái,
Với vị ấy thấy rõ,
Ðâu còn có vật gì.
(III) (Ud 82)
(Như kinh trên, chỉ khác lời cảm hứng)
- Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.
(IV) (Ud 83)
(Như các kinh trước, chỉ khác lời cảm hứng).
- Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau.
(V) (Ud 84)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành đi giữa dân chúng Mallà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Pàvà. Rồi Thế Tôn trú ở Pàvà, tại rừng xoài của thợ rèn Cunda. Thợ rèn Cunda được nghe: "Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà, đã đến Pàvà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và trú ở Pàvà, trong rừng xoài của ta". Thợ rèn Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp thoại cho thợ rèn Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Thợ rèn Cunda sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Thợ rèn Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Thợ rèn Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều thứ mộc nhĩ và báo tin cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ rèn Cunda, khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm. Rồi Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, hãy đem chôn. Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng đáp Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ rèn Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ rồi từ chỗ đứng dậy và ra đi.
Sau khi dùng cơm của thợ rèn Cunda. Thế Tôn bị nhiễm bịnh nặng, bệnh ly huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh.
Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra. Xin vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn:
2. Dùng cơm Cunda xong,
Như vậy tôi được nghe,
Bậc trí cảm bệnh nặng,
Bạo bệnh, gần như chết,
Khi ăn loại mộc nhĩ
Ðạo Sư bị bệnh nặng,
Khi bệnh được lắng dịu,
Thế Tôn nói như sau:
"Ta nay sẽ đi đến,
Ðến Kusinàra".
Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một góc cây và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn và xếp áo Sanghàti lại. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda. Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khấy lên nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục, khi Tôn giả Ananda đến, liền chảy trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục.
Tôn giả Ananda tự nghĩ: "Thật kỳ diệu thay! Thật hi hữu thay! Thần lực và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục". Sau khi dùng bát lấy nước,Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:
- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước, xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước và Thế Tôn uống nước.
Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước, rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với Tôn giả Cundaka:
- Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghati làm bốn cho Ta, này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghati làm bốn. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, tác ý đến tưởng ngồi dậy, Tôn giả Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.
3. Ðức Phật tự đi đến,
Con sông Kakutthà,
Con sông chảy trong sáng,
Mát lạnh và thanh tịnh,
Vị Ðạo Sư mỏi mệt,
Ði dần xuống mé sông,
Như Lai đấng vô thượng
Ngự trị ở trên đời.
Tắm xong uống nước xong,
Lội qua bên kia sông,
Bậc Ðạo sư đi trước,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Vừa đi vừa diễn giảng,
Chánh pháp thật vi diệu,
Rồi bậc Ðại Sĩ đến,
Tại khu vực rừng xoài,
Cho gọi vị Tỷ-kheo,
Tên họ Cundaka;
"Hãy gấp tư áo lại,
Trải áo cho Ta nằm"
Nghe dạy, Cundaka,
Lập tức vâng lời dạy,
Gấp tư và trải áo,
Một cách thật mau lẹ,
Bậc Ðạo Sư nằm xuống,
Thân mình thật mệt mỏi.
Tại đây Cundaka,
Ngồi ngay ngắn trước mặt.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ rèn Cunda hối hận: "Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ông, thật là tai hại cho Ông, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ông cúng dường, và nhập diệt". Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda: "Này Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Nay Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tôi tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: "Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một di thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai? Một là, bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác; hai là, bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử". Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưỏng tuổi thọ; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng cõi Trời; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng uy quyền".
Này Ananda, cần phải làm cho thợ rèn tiêu tan hối hận.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:
4. Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù,
Không chất chứa chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ,
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si.
Tâm giải thoát thanh tịnh.
(VI) (Ud 85)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali. Các nam cư sĩ ở làng Pàtali được nghe: "Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali". Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ làng Pàtali bạch Thế Tôn:
- Mong Thế Tôn trú ở giảng đường chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi đến giảng đường, sau khi đến chúng cho trải thảm toàn bộ giảng đường, sửa soạn các chỗ ngồi, đặt một ghè nước, cho treo đèn dầu, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các nam cư sĩ ở làng Pàtali, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giảng đường đã được trải thảm, các chỗ ngồi đã sửa soạn, ghè nước đã đặt xong, đèn dầu đã được treo, Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là hợp thời.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát, cùng với chúng Tỷ-kheo, đi đến giảng đường, sau khi đến rửa chân, bước vào giảng đường, dựa nơi cây cột ở giữa, ngồi hướng mặt về phía đông. Chúng Tỷ-kheo, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, ngồi xuống dựa vào tường giữa, mặt hướng về phía đông có đức Phật trước mặt. Các nam cư sĩ ở làng Pàtalli, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, dựa vào tường phía đông, mặt hướng về phía Tây, và ngồi xuống, với đức Phật ở trước mặt.
Rồi Thế Tôn bảo các nam cư sĩ ở làng Pàtali:
- Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn. Ðây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, tiếng xấu đồn xa. Ðây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-la-môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng. Ðây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám. Ðây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới.
Này các Gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ người giữ giới, người đầy đủ giới, do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn. Ðây là lợi ích thứ nhất cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, với người giữ giới, người đầy đủ giới, tiếng tốt lành được đồn xa. Ðây là lợi ích thứ hai cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi đi đến hội chúng nào, hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, hoặc là gia-chủ, hoặc là Sa-môn, người ấy đi đến không có sợ hãi, không có ngỡ ngàng. Ðây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới cho người có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới, khi chết không có si ám. Ðây là lợi ích thứ tư cho người giữ giới, cho ngưòi có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ðây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Này các Gia chủ, có năm lợi ích này cho người giữ giới, cho ngưòi đầy đủ giới.
Rồi Thế Tôn, sau khi thuyết giảng pháp thoại cho đến đêm khuya cho các cư sĩ ở làng Pàtali, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền giải tán chúng, nói rằng:
- Ðêm đã khuya, này các Gia chủ, hãy làm những gì các vị nghĩ là hợp thời!.
Rồi các Gia chủ ở làng Pàtali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, sau khi các nam cư sĩ ở làng Pàtali ra đi không bao lâu, đi vào căn nhà trống. Lúc bấy giờ, Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đang cho xây dựng một thành phố ở Pàtaligàma để ngăn chận các người Vajjì. Lúc bấy giờ, rất nhiều chư Thiên có đến con số ngàn, đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lực trú ở tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có đại uy lực thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên có uy lực trung bình trú ở, tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các vị đại thần có uy lực trung bình thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên thấp kém trú ở, tại chỗ ấy, chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lục trú ở... Họ làm cho tâm các vua, các đại thần uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Rồi Thế Tôn, vào lúc tảng sáng đêm ấy, thức dậy và bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, ai cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali?
- Bạch Thế Tôn, các đại thần Sunìdha và Vassa-kàra cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
- Này Ananda, ví như họ làm như vậy sau khi đã hỏi chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Cũng vậy, Sunìdha và Vasakàra đại thần ở Magadha, đang cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
Ở đây, này Ananda, với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali... hướng về xây dựng các trú xứ. Này Ananda, xa cho đến thánh xứ, xa cho đến con người buôn bán đây sẽ trở thành một thành phố tối thượng, một chỗ mà các kiện hàng được mở ra. Này Ananda, ba tai nạn sẽ đến với Pàtaliuputta, nạn lửa, nạn lụt và nạn phản bội.
Rồi Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các Sunìdha và Vassakàra, đại thần xứ Magadha, bạch Thế Tôn:
- Mong Tôn giả Gotama hôm nay nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời.;
Rồi Sunìdha và Vassakara đại thần Magadha, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đi đến chỗ của mình, sau khi đến sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nay đã đến thời. Cơm đã sẵn sàng.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến trú xứ của Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha tự tay thân mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị Thượng thủ và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế ngồi thấp khác. Thế Tôn với những bài kệ này, nói lên lời tuỳ hỷ công đức với Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha:
5. Tại chỗ nào bậc trí,
Làm thành chỗ an trú,
Hãy cúng các món ăn,
Cho những người giữ giới,
Cho người biết chế ngự,
Sống đời sống Phạm hạnh,
Ở đấy chư Thiên trú,
Hãy cúng dường chư Thiên
Ðược cúng dường, chư Thiên,
Cúng dường lại vị ấy,
Ðược cung kính, chư Thiên,
Cung kính lại vị ấy,
Họ từ mẫn vị ấy
Như mẹ thương con mình,
Người được chư Thiên thương,
Luôn luôn thấy hiền thiện.
Rồi Thế Tôn sau khi nói lời tuỳ hỷ công đức với những bài kệ này cho Sunìdha và Vasakara, đại thần xứ Magadha, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Lúc bấy giờ Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha đi theo sau lưng Thế Tôn và nghĩ rằng: "Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra cửa nào, cửa ấy sẽ đặt tên là cửa thành Gotama. Tại bến nước nào Sa-môn Gotama sẽ đi qua sông Hằng, bến nước ấy sẽ đặt tên là bến nước Gotama". Và cửa nào Thế Tôn đã đi ra khỏi, các vị ấy đặt tên là cửa thành Gotama. Và Thế Tôn đi đến sông Hằng, nước sông tràn đầy đến bờ, con quạ có thể uống được, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột chiếc bè để đi qua sông. Rồi như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy Thế Tôn biến mất từ bờ bên này sông Hằng và đứng qua bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo. Thế Tôn thấy các người ấy, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột lại chiếc bè để qua sông, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:
6. Sau khi làm cái cầu,
Họ vượt qua thác nước,
Họ vượt qua hồ nước,
Họ vượt qua đầm lầy,
Có người cột chiếc bè,
Bậc trí đã qua sông.
(VII) (Ud 90)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn đang đi giữa đường cùng với Tôn giả Nàgasamàla là Sa-môn tuỳ tùng. Tôn giả Nàgasamàla giữa đường thấy một con đường rẽ, thấy vậy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta đi con đường này.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Nàgasamàla:
- Này Nàgasasmàla, đây là con đường. Chúng ta sẽ đi con đường này.
Lần thứ ba, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta hãy đi con đường này.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói:
- Này Nàgasamàla, đây là con đường. Chúng ta đi con đường này.
Rồi Tôn giả Nàgasamàla đặt xuống đất y và bát của Thế Tôn, bỏ đi và nói:
- Bạch Thế Tôn, đây là y bát của Thế Tôn.
Rồi Tôn giả Nàgassamàla đi theo con đường ấy, giữa đường bị các tên cướp xuất hiện đánh bằng tay hay chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y của Tôn giả. Rồi Tôn giả Nàgasamàla với bình bát bị vỡ, với thương y bị xé rách đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi con đường ấy các tên cướp xuất hiện, đánh con bằng tay hay bằng chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Cùng đi với kẻ ngu,
Kẻ trí phải chen vai,
Khi biết nó là ác,
Lập tức từ bỏ nó,
Như con bò bỏ nước,
Ðược nuôi ăn với sữa.
(VIII) (Ud 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà mẹ của Migàra khả ái và dễ thương bị mệnh chung. Và Visàkhà mẹ của Migàra, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, thật sáng sớm đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đến, với áo ướt đẫm, với tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, con đến đây sáng sớm như vậy.
- Này Visàkhà, Bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và là cháu của Bà không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và cháu của con.
- Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày?
- Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày, chín... tám... bảy.. sáu... năm... bốn... ba.. hai. Bạch Thế Tôn có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, Sàvatthi không có thoát được số người bị chết!
- Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy Bà có khi nào được khỏi vải bị ướt, hay tóc khỏi bị ướt không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế Tôn, số nhiều như vậy về con và về cháu!
- Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi... có năm mươi... có bốn mươi... có ba mươi.. có hai mươi... có mười.. có chín... có tám... có bảy..có sáu.. có năm... có bốn... có ba... có hai... có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não.
8. Sầu, than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái, chúng có,
Không thân ái, chúng không,
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn,
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Ðược không sầu, không tham,
Chớ làm thân làm ái,
Với một ai ở đời.
(IX) (Ud 92)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Dabha Mallputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Dabha Mallaputta bạch Thế Tôn:
- Nay đã đến thời, con nhập Niết Bàn, bạch Thiện Thệ.
- Này Dabba, Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Dabha Mallaputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn. Khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu được cháy, được đốt, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Cũng vậy, khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Thân bị hoại, tưởng diệt,
Mọi thọ được nguội lạnh,
Các hành được lắng dịu,
Thức đạt được mục đích.
(X) (Ud 93)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Dabbha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn... hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu... hay có tro có thể thấy được... không còn có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Như tia lửa cháy sáng,
Phát từ búa sắt đập,
Dần dần được nguội lạnh,
Sanh thú không biết được,
Cũng vậy là những bậc
Ðã chân chánh giải thoát,
Ðã vượt qua thác nước,
Trói buộc bởi các dục,
Họ đạt được an lạc,
Không có bị dao động,
Họ không có sanh thú,
Ðể có thể chỉ bày.

Exclamations (Continuation)

Translated by: Thanissaro

6. Jaccandhavagga — Blind from Birth
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Vesālī at the Gabled Hall in the Great Forest. Then, early in the morning, he adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Vesālī for alms. Then, having gone for alms in Vesālī, after the meal, returning from his alms round, he addressed Ven. Ānanda, "Get a sitting cloth, Ānanda. We will go to the Pāvāla shrine for the day's abiding."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda followed along behind the Blessed One, carrying the sitting cloth. Then the Blessed One went to the Pāvāla shrine and, on arrival, sat down on the seat laid out.
Seated, the Blessed One addressed Ven. Ānanda, "Vesālī is refreshing, Ānanda. Refreshing, too, are the Udena shrine, the Gotamaka shrine, the Sattamba shrine, the ManySon shrine, the Sāranda shrine, the Pāvāla shrine.[1]
"Anyone, Ānanda, in whom the four bases of power[2] are developed, pursued, given a means of transport, given a grounding, steadied, consolidated, and well-undertaken, could — if he wanted — remain for an eon or the remainder of an eon.[3] In the Tathāgata, Ānanda, the four bases of power are developed, pursued, given a means of transport, given a grounding, steadied, consolidated, and well-undertaken. He could — if he wanted — remain for an eon or the remainder of an eon."
But Ven. Ānanda — even when the Blessed One had given such a blatant sign, such a blatant hint — wasn't able to understand his meaning. He didn't request of him, "Lord, may the Blessed One remain for an eon. May the One-Well-Gone remain for an eon — for the benefit of the many, for the happiness of the many, out of sympathy for the world, for the welfare, benefit, & happiness of human and divine beings." It was as if his mind was possessed by Māra.
A second time... A third time, the Blessed One addressed Ven. Ānanda, "Vesālī is refreshing, Ānanda. Refreshing, too, are the Udena shrine, the Gotamaka shrine, the Sattamba shrine, the ManySon shrine, the Sāranda shrine, the Pāvāla shrine.
"Anyone, Ānanda, in whom the four bases of power are developed, pursued, given a means of transport, given a grounding, steadied, consolidated, and well-undertaken, could — if he wanted — remain for an eon or the remainder of an eon. In the Tathāgata, Ānanda, the four bases of power are developed, pursued, given a means of transport, given a grounding, steadied, consolidated, and well-undertaken. He could — if he wanted — remain for an eon or the remainder of an eon."
But Ven. Ānanda — even when the Blessed One had given such a blatant sign, such a blatant hint — wasn't able to understand his meaning. He didn't request of him, "Lord, may the Blessed One remain for an eon. May the One-Well-Gone remain for an eon — for the benefit of the many, for the happiness of the many, out of sympathy for the world, for the welfare, benefit, & happiness of human and divine beings." It was as if his mind was possessed by Māra.
Then the Blessed One addressed Ven. Ānanda, "Go, Ānanda. Do what you think it is now time to do."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda got up from his seat, bowed down to the Blessed One and — after circling him to the right — went to sit under a tree not far from the Blessed One.
Then, not long after Ven. Ānanda had left, Māra the Evil One went to the Blessed One and, on arrival, stood to one side. As he was standing there he said to the Blessed One, "May the Blessed One totally unbind now, lord. May the One-Well-Gone totally unbind now, lord. Now is the time for the Blessed One's total unbinding, lord. After all, these words were said by the Blessed One: 'Evil One, I will not totally unbind as long as my monk disciples are not yet experienced, trained, attained to confidence, desiring rest from the yoke, learned, maintaining the Dhamma, practicing the Dhamma in line with the Dhamma, practicing masterfully, living in line with the Dhamma; declaring the Dhamma — after having learned it from their own teachers — teaching it, describing it, setting it forth, revealing it, explaining it, making it plain; well-refuting, in line with the Dhamma, any opposing teachings that have arisen; teaching the Dhamma with its marvels.'[4]
"But now, lord, the Blessed One's monk disciples are experienced, trained, attained to confidence, desiring rest from the yoke, learned, maintaining the Dhamma, practicing the Dhamma in line with the Dhamma, practicing masterfully, living in line with the Dhamma; declaring the Dhamma — after having learned it from their own teachers — teaching it, describing it, setting it forth, revealing it, explaining it, making it plain; well-refuting, in line with the Dhamma, any opposing teachings that have arisen; teaching the Dhamma with its marvels.
"May the Blessed One totally unbind now, lord. May the One-Well-Gone totally unbind now, lord. Now is the time for the Blessed One's total unbinding, lord. After all, these words were said by the Blessed One: 'Evil One, I will not totally unbind as long as my nun disciples... my male lay-follower disciples... my female lay-follower disciples are not yet experienced, trained, attained to maturity, desiring rest from the yoke, learned, maintaining the Dhamma, practicing the Dhamma in line with the Dhamma, practicing masterfully, living in line with the Dhamma; declaring the Dhamma — after having learned it from their own teachers — teaching it, describing it, setting it forth, revealing it, explaining it, making it plain; well-refuting, in line with the Dhamma, any opposing teachings that have arisen; teaching the Dhamma with its marvels.'
"But now, lord, the Blessed One's female lay-follower disciples are experienced, trained, attained to maturity, desiring rest from the yoke, learned, maintaining the Dhamma, practicing the Dhamma in line with the Dhamma, practicing masterfully, living in line with the Dhamma; declaring the Dhamma — after having learned it from their own teachers — teaching it, describing it, setting it forth, revealing it, explaining it, making it plain; well-refuting, in line with the Dhamma, any opposing teachings that have arisen; teaching the Dhamma with its marvels.
"May the Blessed One totally unbind now, lord. May the One-Well-Gone totally unbind now, lord. Now is the time for the Blessed One's total unbinding, lord. After all, these words were said by the Blessed One: 'Evil One, I will not totally unbind as long as this holy life of mine is not powerful, prosperous, widely-spread, disseminated among many people, well-expounded as far as there are devas & human beings.' But now, lord, the Blessed One's holy life is powerful, prosperous, widely-spread, disseminated among many people, well-expounded as far as there are devas & human beings.
"May the Blessed One totally unbind now, lord. May the One-Well-Gone totally unbind now, lord. Now is the time for the Blessed One's total unbinding, lord."
When this was said, the Blessed One said to Māra, the Most Evil One: "Relax, Evil One. It won't be long until the Tathāgata's total unbinding. In three month's time from now, the Tathāgata will totally unbind."
Thus at the Pāvāla shrine — mindful & alert — the Blessed One relinquished the fabrications of life.[5] And as the Blessed One relinquished the fabrications of life, there was a great earthquake, frightening & hair-raising, along with cracks of thunder.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Comparing the incomparable[6]
with coming-into-being,
the sage relinquished
the fabrication of becoming.
Inwardly joyful,
centered,
he split his own
coming-into-being
like a coat of mail.[7]
Note
1.
As DN 16 makes clear, there were several times in the past where the Buddha, at several different locations, had commented to Ven. Ānanda on how refreshing it was to be in the location where they were staying. This apparently was meant as a sign that living on would not be a burden, for in each case he had then given a broad hint — as he does here — for Ven. Ānanda to invite him to extend his life. As says in the narrative immediately following the events portrayed in this udāna, he would have refused the invitation if offered only twice, but would have accepted it on the third offer. But now that he has abandoned the will to live, he cannot take it on again, so Ven. Ānanda's final opportunity to make the invitation is lost.
2.
"And what is the base of power? Whatever path, whatever practice, leads to the attainment of power, the winning of power: That is called the base of power.
"And what is the development of the base of power? There is the case where a monk develops the base of power endowed with concentration founded on desire & the fabrications of exertion. He develops the base of power endowed with concentration founded on persistence... concentration founded on intent... concentration founded on discrimination & the fabrications of exertion. This is called the development of the base of power."
— SN 51.26
3.
An eon, in the Buddhist cosmology, is an immensely long stretch of time. According to the Commentary here, it can also mean the full lifespan of a human being in that particular period of the eon (Buddhist cosmology allows for a huge fluctuation in human lifespans over the course of an eon). The Commentary adopts this second meaning in this passage, and so takes the Buddha's statement here as meaning that a person who has developed the bases of power could live for a full lifespan or for a little bit more. In this case, the Pali for the last part of this compound, kappāvasesaṃ, would mean, "an eon plus a remainder."
4.
DN 11 defines the miracle of instruction as instruction in training the mind to the point of where it gains release from all suffering and stress.
5.
In other words, the Buddha relinquished the will to live longer. It was this relinquishment that led to his total Unbinding three months later.
6.
Reading tulaṃ as a present participle.
7.
The image is of splitting a coat of mail with an arrow.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at the Eastern Monastery, the palace of Migāra's mother. And on that occasion the Blessed One, having emerged from his seclusion in the late afternoon, was sitting outside the doorway of the porch. Then King Pasenadi Kosala went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side.
Now on that occasion seven coiled-hair ascetics, seven Jain ascetics, seven cloth-less ascetics, seven one-cloth ascetics, & seven wanderers — their nails, armpit-hair, & body-hair grown long, carrying containers on poles [over their shoulders] — walked past, not far from the Blessed One. King Pasenadi Kosala saw the seven coiled-hair ascetics, seven Jain ascetics, seven cloth-less ascetics, seven one-cloth ascetics, & seven wanderers — their nails, armpit-hair, & body-hair grown long, carrying containers on poles [over their shoulders] — walking past, not far from the Blessed One. On seeing them, he got up from his seat, arranged his upper robe over one shoulder, knelt down with his right knee on the ground, paid homage to the seven coiled-hair ascetics, seven Jain ascetics, seven cloth-less ascetics, seven one-cloth ascetics, & seven wanderers with his hands palm-to-palm in front his heart, and announced his name three times: "I am the king, venerable sirs, Pasenadi Kosala. I am the king, venerable sirs, Pasenadi Kosala. I am the king, venerable sirs, Pasenadi Kosala."
Then not long after the seven coiled-hair ascetics, seven Jain ascetics, seven cloth-less ascetics, seven one-cloth ascetics, & seven wanderers had passed, King Pasenadi Kosala went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Of those in the world who are arahants or on the path to arahantship, are these among them?"[1]
"Great king, as a layman enjoying sensual pleasures; living confined with children; using Kāsī fabrics & sandalwood; wearing garlands, scents, & creams; handling gold & silver, it's hard for you to know whether these are arahants or on the path to arahantship.
"It's through living together that a person's virtue may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"It's through trading with a person that his purity may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"It's through adversity that a person's endurance may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"It's through discussion that a person's discernment may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning."
"Amazing, lord! Astounding! — how well that was put by the Blessed One! 'Great king, as a layman enjoying sensual pleasures; living confined with children; using Kāsī fabrics & sandalwood; wearing garlands, scents, & creams; handling gold & silver, it's hard for you to know whether these are arahants or on the path to arahantship.
"'It's through living together that a person's virtue may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"'It's through trading with a person that his purity may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"'It's through adversity that a person's endurance may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.
"'It's through discussion that a person's discernment may be known, and then only after a long period, not a short period; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is discerning, not by one who is not discerning.'
"These men, lord, are my spies, my scouts, returning after going out through the countryside. They go out first, and then I go. Now, when they have scrubbed off the dirt & mud, are well-bathed & well-perfumed, have trimmed their hair and beards, and have put on white clothes, they will go about endowed and provided with the five strings of sensuality."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
One should not make an effort everywhere,
should not be another's hireling,
should not live dependent on another,
should not go about
as a trader in the Dhamma.[2]
Notes
1.
In the parallel passage at SN 3.11, King Pasenadi states this, not as a questions, but as a fact: "Of those in the world who are arahants or on the path to arahantship, these are among them." The version presented here, however, seems psychologically more probable: The king, rather than trying to lie to the Buddha, wants to test the latter's ability to see through the disguise of his spies.
2.
In SN 3.11, this verse is replaced with the following:
Not by appearance
is a man rightly known,
nor should trust be based
on a quick glance,
— for, disguised as well-restrained,
the unrestrained go through this world.
A counterfeit earring made of clay,
a bronze half-dollar coated in gold:
They go about in this world
hidden all around:
impure inside,
beautiful out.
The verse in SN 3.11 may seem more immediately relevant to the situation than the verse given here, but the verse given here is a more interesting and original response to what is happening.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One sat reflecting on the various evil, unskillful qualities that had been abandoned [in him] and on the various skillful qualities that had gone to the culmination of their development. Then as he realized the various evil, unskillful qualities that had been abandoned [in him] and the various skillful qualities that had gone to the culmination of their development, he on that occasion exclaimed:
Before, it was, then it wasn't.
Before, it wasn't, then it was.
It wasn't, won't be,
& now isn't to be found.[1]
Note
1.
1. The last half of this verse also appears as the last half a verse attributed to Ven. Kaṇhadinna at Thag 2.30 (verse 180 in the PTS edition).
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion there were many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views. Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The cosmos is eternal. Only this is true; anything otherwise is worthless."
Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The cosmos is not eternal" ... "The cosmos is finite" ... "The cosmos is infinite" ... "The soul is the same thing as the body" ... "The soul is one thing and the body another" ... "After death a Tathāgata exists" ... "After death a Tathāgata does not exist" ... "After death a Tathāgata both exists & does not exist" ... "After death a Tathāgata neither exists nor does not exist. Only this is true; anything otherwise is worthless."
And they kept on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, "The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this."
Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Lord, there are many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views... And they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
"Monks, the wanderers of other sects are blind & eyeless. They don't know what is beneficial and what is harmful. They don't know what is the Dhamma and what is non-Dhamma. Not knowing what is beneficial and what is harmful, not knowing what is Dhamma and what is non-Dhamma, they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'
"Once, monks, in this same Sāvatthī, there was a certain king, and the king said to a certain man, 'Come, my good man. Gather together all the people in Sāvatthī who have been blind from birth.'"
"Responding, 'As you say, your majesty,' to the king, the man — having rounded up all the people in Sāvatthī who had been blind from birth — went to the king and on arrival said, 'Your majesty, the people in Sāvatthī who have been blind from birth have been gathered together.'
"'Very well then, I say, show the blind people an elephant.'
"Responding, 'As you say, your majesty,' to the king, the man showed the blind people an elephant. To some of the blind people he showed the elephant's head, saying, 'This, blind people, is what an elephant is like.' To some of them he showed the elephant's ear, saying, 'This, blind people, is what an elephant is like.' To some of them he showed the elephant's tusk... the elephant's trunk... the elephant's body... the elephant's foot... the elephant's hindquarters... the elephant's tail... the tuft at the end of the elephant's tail, saying, 'This, blind people, is what an elephant is like.'
"Then, having shown the blind people the elephant, the man went to the king and on arrival said, 'Your majesty, the blind people have seen the elephant. May your majesty do what you think it is now time to do.'
"Then the king went to the blind people and on arrival asked them, 'Blind people, have you seen the elephant?'
"'Yes, your majesty. We have seen the elephant.'
"'Now tell me, blind people, what the elephant is like.'
"The blind people who had been shown the elephant's head said, 'The elephant, your majesty, is just like a jar.'
"Those who had been shown the elephant's ear said, 'The elephant, your majesty, is just like a winnowing basket.'
"Those who had been shown the elephant's tusk said, 'The elephant, your majesty, is just like plowshare.'[1]
"Those who had been shown the elephant's trunk said, 'The elephant, your majesty, is just like the pole of a plow.'
"Those who had been shown the elephant's body said, 'The elephant, your majesty, is just like a granary.'
"Those who had been shown the elephant's foot said, 'The elephant, your majesty, is just like a post.'
"Those who had been shown the elephant's hindquarters said, 'The elephant, your majesty, is just like a mortar.'
"Those who had been shown the elephant's tail said, 'The elephant, your majesty, is just like a pestle.'
"Those who had been shown the tuft at the end of the elephant's tail said, 'The elephant, your majesty, is just like a broom.'
"Saying, 'The elephant is like this, it's not like that. The elephant's not like that, it's like this,' they struck one another with their fists. That gratified the king.
"In the same way, monks, the wanderers of other sects are blind & eyeless. They don't know what is beneficial and what is harmful. They don't know what is the Dhamma and what is non-Dhamma. Not knowing what is beneficial and what is harmful, not knowing what is Dhamma and what is non-Dhamma, they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
With regard to these things
they're attached —
some contemplatives & brahmans.
They quarrel & fight —
people seeing one side.
Note
1.
Reading phālo with the Thai and Sri Lankan editions. According to the PTS dictionary, this word can also mean "iron rod." The Burmese edition reads, khīlo, "post" or "stake." The Thai edition also includes another variant reading: sallo, "arrow."
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion there were many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views. Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The self & the cosmos are eternal. Only this is true; anything otherwise is worthless."
Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The self & the cosmos are not eternal" ... "The self & the cosmos are both eternal and not eternal" ... "The self & the cosmos are neither eternal nor not eternal" ...
"The self & the cosmos are self-made" ... "The self & the cosmos are other-made" ... "The self & the cosmos are both self-made & other-made" ... "The self & the cosmos — without self-making, without other-making — are spontaneously arisen" ...
"Pleasure & pain, the self & the cosmos are self-made" ... "other-made" ... "both self-made & other-made" ... "Pleasure & pain, the self & the cosmos — without self-making, without other-making — are spontaneously arisen. Only this is true; anything otherwise is worthless."
And they kept on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, "The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this."
Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Lord, there are many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views... And they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
"Monks, the wanderers of other sects are blind & eyeless. They don't know what is beneficial and what is harmful. They don't know what is the Dhamma and what is non-Dhamma. Not knowing what is beneficial and what is harmful, not knowing what is Dhamma and what is non-Dhamma, they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
With regard to these things
they're attached —
some contemplatives & brahmans.
Not reaching the footing,[1]
they sink in mid-stream.
Note
1.
This compound — tamogadhaṃ — is ambiguous in that it can be divided in two ways: tam-ogadhaṃ, "that footing"; or tamo-gadhaṃ, "a footing in darkness." The first is the meaning apparently intended here, with "that footing" referring to the deathless (the image is of the point, when crossing a river, where one comes close enough to the far shore that one can touch bottom — see AN 10:58). However, the Buddha was probably conscious that the compound could also be interpreted in the second way, which would have made the term memorable for its shock value. There are several other passages in Pali poetry where terms seem to have been intended to carry both positive and negative meanings for this reason. See, for example, Dhp 97, Sn 4.10, and Sn 4.13.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion there were many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views. Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The self & the cosmos are eternal. Only this is true; anything otherwise is worthless."
Some of the contemplatives & brahmans held this doctrine, this view: "The self & the cosmos are not eternal" ... "The self & the cosmos are both eternal and not eternal" ... "The self & the cosmos are neither eternal nor not eternal" ...
"The self & the cosmos are self-made" ... "The self & the cosmos are other-made" ... "The self & the cosmos are both self-made & other-made" ... "The self & the cosmos — without self-making, without other-making — are spontaneously arisen" ...
"Pleasure & pain, the self & the cosmos are self-made" ... "other-made" ... "both self-made & other-made" ... "Pleasure & pain, the self & the cosmos — without self-making, without other-making — are spontaneously arisen. Only this is true; anything otherwise is worthless."
And they kept on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, "The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this."
Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Lord, there are many contemplatives, brahmans, & wanderers of various sects living around Sāvatthī with differing views, differing opinions, differing beliefs, dependent for support on their differing views... And they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
"Monks, the wanderers of other sects are blind & eyeless. They don't know what is beneficial and what is harmful. They don't know what is the Dhamma and what is non-Dhamma. Not knowing what is beneficial and what is harmful, not knowing what is Dhamma and what is non-Dhamma, they keep on arguing, quarreling, & disputing, wounding one another with weapons of the mouth, saying, 'The Dhamma is like this, it's not like that. The Dhamma's not like that, it's like this.'"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
People are intent on the idea of
'I-making'
and attached to the idea of
'other-making.'
Some don't realize this,
nor do they see it as an arrow.
But to one who,
having extracted this arrow,
sees,
[the thought] 'I am doing,'[1]
doesn't occur;
'Another is doing,' doesn't occur.
This human race is possessed by conceit
bound by conceit,
tied down by conceit.
Speaking hurtfully because of their views
they don't go beyond
the wandering-on.
Note
1.
See Ud 1.1, note 3.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Subhūti was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, having attained a concentration free from directed thought. The Blessed One saw Ven. Subhūti sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, having attained a concentration free from directed thought.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Whose thoughts are
vaporized,
well-dealt-with
within,[1]
without trace —
going beyond that tie,
perceiving the formless,
overcoming
four yokes,[2]
one doesn't go
to birth.
Notes
1.
This part of the verse equals the first half of a verse in Sn 1.1 (verse 7 in the PTS edition).
2.
The four yokes are: sensuality, becoming, views, and ignorance. See AN 4.10.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion two factions in Rājagaha were infatuated with a certain courtesan, their minds enthralled. Arguing, quarreling, & disputing, they attacked one another with fists, attacked one another with clods of dirt, attacked one another with sticks, attacked one another with knives, so that they fell into death or death-like pain.
Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "At present, two factions in Rājagaha are infatuated with a certain courtesan, their minds enthralled. Arguing, quarreling, & disputing, they attack one another with fists, attack one another with clods of dirt, attack one another with sticks, attack one another with knives, so that they fall into death or death-like pain."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
What's been attained, what's to be attained,
are both strewn with dust
by one who trains
in line with the afflicted.
Any precept & practice life whose essence is training,
and the holy life whose essence is service:
This is one extreme.
Any who say, "There's no harm in sensual desires":
This, the second extreme.
Both of these extremes cause the growth of cemeteries,
and cemeteries cause views to grow.
Not directly knowing these two extremes,
some fall short,
some run too far.[1]
But those who, directly knowing them,
didn't exist there,
didn't construe
by means of them:[2]
For them
there's no whirling through the cycle
to be described.
Notes
1.
See Iti 49, and the discussion of this point in The Paradox of Becoming, chapters 2 and 6.
2.
For an example of "not existing there," see the Buddha's instructions to Bāhiya in Ud 1.10. For an example of freeing oneself from construing, see the description of a sage at peace near the conclusion of MN 140.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now on that occasion, in the pitch-black darkness of the night, the Blessed One was sitting in the open air while oil lamps were burning. And on that occasion, many flying insects, flying into & around those lamps, were meeting their downfall, meeting their misfortune, meeting their downfall & misfortune in those oil lamps. The Blessed One saw those flying insects, flying into & around those lamps, meeting their downfall, meeting their misfortune, meeting their downfall & misfortune in those oil lamps.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Rushing headlong,
missing what's essential,
bringing on one new bond
after another,
they fall, like insects into a flame:
those intent
on things seen,
things heard.
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Then Ven. Ānanda went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Lord, as long as Tathāgatas — worthy & rightly self-awakened — do not appear in the world, that's when the wanderers of other sects are worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — recipients of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. But when Tathāgatas — worthy & rightly self-awakened — appear in the world, that's when the wanderers of other sects are not worshipped, revered, honored, venerated, or given homage; nor are they recipients of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. Now only the Blessed One is worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick — along with the community of monks."
"That's how it is, Ānanda. That's how it is. As long as Tathāgatas — worthy & rightly self-awakened — do not appear in the world, that's when the wanderers of other sects are worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — recipients of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. But when Tathāgatas — worthy & rightly self-awakened — appear in the world, that's when the wanderers of other sects are not worshipped, revered, honored, venerated, or given homage; nor are they recipients of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. Now only the Tathāgata is worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick — along with the community of monks."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The glowworm shines
as long as the sun hasn't risen.
But when that splendor rises,
the glowworm's light is destroyed.
It no longer shines.
Likewise, sectarians[1] shine
as long as those rightly awakened
don't appear in the world.
Those logicians[2] aren't purified,
nor are their disciples.
Those of bad views
aren't released
from stress.
Note
1.
In DN 1, the Buddha criticizes the philosophies of many of his contemporaries for having been "hammered out by logic."
2.
Reading titthiyānaṃ with the Thai edition. The Sri Lankan and Burmese editions read, takkikānaṃ, "logicians." The parallel passage in the Udānavarga (29.2) agrees with this latter version.
7. Culavagga — The Minor Chapter
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. At that time Ven. Sāriputta was — with a variety of approaches — instructing, urging, rousing, & encouraging Ven. Bhaddiya the Dwarf with Dhamma-talk. As Ven. Bhaddiya the Dwarf was — with a variety of approaches — being instructed, urged, roused, & encouraged by Ven. Sāriputta with Dhamma-talk, his mind, through lack of clinging/sustenance, was released from the effluents.
The Blessed One saw that as Ven. Bhaddiya the Dwarf was — with a variety of approaches — being instructed, urged, roused, & encouraged by Ven. Sāriputta with Dhamma-talk, his mind, through lack of clinging/sustenance, was released from the effluents.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Above, below, everywhere released,
he doesn't focus on "I am this."[1]
Thus released, he crosses the flood
not crossed before,
for the sake of no further becoming.
Note
1.
See Ud 1.1, note 3.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. At that time Ven. Sāriputta was — with a variety of approaches — instructing, urging, rousing, & encouraging Ven. Bhaddiya the Dwarf with Dhamma-talk to an even greater extent, as he thought that Bhaddiya was still just a learner.
The Blessed One saw that Ven. Sāriputta was — with a variety of approaches — instructing, urging, rousing, & encouraging Ven. Bhaddiya the Dwarf with Dhamma-talk to an even greater extent, as he thought that Bhaddiya was still just a learner.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
He has cut the cycle,
has gone away
to freedom from longing.
The dried-up stream
no longer flows.
The cycle, cut,
no longer turns.
This, just this,
is the end of stress.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion, most of the people in Sāvatthī were excessively attached to sensual pleasures. They lived infatuated with, greedy for, addicted to, fastened to, absorbed in sensual pleasures. Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Most of the people in Sāvatthī are excessively attached to sensual pleasures. They live infatuated with, greedy for, addicted to, fastened to, absorbed in sensual pleasures."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Attached to sensual pleasures,
attached to sensual ties,
seeing no blame in the fetter,
never will those attached to the fetter, the tie,
cross over the flood
so great & wide.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion, most of the people in Sāvatthī were excessively attached to sensual pleasures. They lived infatuated with, greedy for, addicted to, fastened to, absorbed in sensual pleasures. Then early in the morning the Blessed One adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Sāvatthī for alms. He saw that most of the people in Sāvatthī were excessively attached to sensual pleasures, that they live infatuated with, greedy for, addicted to, fastened to, absorbed in sensual pleasures.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Blinded by sensuality
covered by the net,
veiled with the veil of craving,
bound by the Kinsman of the heedless,[1]
like fish in the mouth of a trap,[2]
they go to aging & death,
like a milk-drinking calf to its mother.
Notes
1.
Māra. There is an alliterative play here between the word "bound" (bandhā) and "by the Kinsman" (bandhunā).
2.
This verse, up to this point, is identical with a verse attributed to Ven. Rāhula in Thag 4.8 (verse 297 in the PTS edition),
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Bhaddiya the Dwarf, following behind a large number of monks, was going to the Blessed One. From afar, the Blessed One saw Ven. Bhaddiya the Dwarf coming, following behind a large number of monks: ugly, unsightly, stunted, treated with condescension[1] by most of the monks. On seeing him, the Blessed One addressed the monks, "Monks, do you see that monk coming from afar, following behind a large number of monks: ugly, unsightly, stunted, treated with condescension by most of the monks?"
"Yes, lord."
"That, monks, is a monk of great power, great might. The attainment already attained by that monk is not of a sort easily attained. And by means of it he has reached & remains in the supreme goal of the holy life for which clansmen rightly go forth from home into homelessness, knowing & realizing it for himself right in the here-&-now."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Faultless,
canopied in white,
the single-spoked chariot rolls along.
See him coming, untroubled:
one whose stream is cut,
free from bonds.[2]
Notes
1.
The Commentary notes that misbehaving monks liked to stroke his hands and catch hold of his ears.
2.
In SN 41.5, Citta the householder explains this verse as follows:
"Faultless stands for virtues.
"Canopied in white stands for release.
"Single-spoked stands for mindfulness.
"Rolls along stands for coming and going.
"Chariot stands for this body composed of the four elements...
"Passion is a trouble; aversion is a trouble; delusion is a trouble. These have been abandoned by a monk whose effluents have ended — their root destroyed, made like a palmyra stump, deprived of the conditions of development, not destined for future arising. That's why the monk whose effluents have ended is said to be untroubled.
"Him coming stands for the arahant.
"Stream stands for craving. That has been abandoned by a monk whose effluents have ended — its root destroyed, made like a palmyra stump, deprived of the conditions of development, not destined for future arising. That's why the monk whose effluents have ended is said to be one whose stream is cut.
"Passion is a bond; aversion is a bond; delusion is a bond. These have been abandoned by a monk whose effluents have ended — their root destroyed, made like a palmyra stump, deprived of the conditions of development, not destined for future arising. That's why the monk whose effluents have ended is said to be free from bonds."
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Aññāta Koṇḍañña[1] was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, reflecting on [his] release through the total ending of craving. The Blessed One saw Ven. Aññāta Koṇḍañña sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, reflecting on [his] release through the total ending of craving.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
For someone with no root, no soil, no leaves
— how creepers?
Who's fit to criticize him? —
the enlightened one freed
from bonds.
Even devas praise him.
Even by Brahmā he's praised.
Note
1.
See SN 56.11.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was sitting, contemplating his own abandoning of the perceptions & categories of objectification.
Then the Blessed One, realizing his own abandoning of the perceptions & categories of objectification, on that occasion exclaimed:
One who
has no objectifications,[1]
no standing-place,[2]
who has gone beyond
the tether & cross-bar:
The world, even with its devas,
doesn't look down on him —
he, going about without craving,
a sage.
Notes
1.
Papañca: A mode of thought that begins with the assumption, "I am the thinker," and develops its categories and perceptions — about self and world, about existence and non-existence — from there. For more on this topic, see the introduction to MN 18 and Skill in Questions, chapters 3 and 8.
2.
On the teaching that the awakened person has no location, see The Paradox of Becoming, chapter 7.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now at that time Ven. Mahā Kaccāyana was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established to the fore within. The Blessed One saw Ven. Mahā Kaccāyana sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established to the fore within.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
If one were to have
mindfulness always
established, continually
immersed in the body,
(thinking,)
"It should not be,
it should not be mine;
it will not be,
it will not be mine"[1] —
there,
in that step-by-step dwelling,
one in no long time
would cross over
attachment.
Note
1.
This passage can also be translated as:
It should not be,
it should not occur to me;
it will not be,
it will not occur to me.
In AN 10.29, the Buddha recommends this view as conducive to developing dispassion for becoming. However, in MN 106 he warns that it can lead to the refined equanimity of the dimension of neither perception nor non-perception, which can become an object of clinging. Only if that subtle clinging is detected can all clinging be abandoned.
The Canon's most extended discussion of this theme of meditation is in SN 22.55. See Appendix Two [of the print edition of this book].
For more on this topic, see The Paradox of Becoming, chapter 5.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was wandering among the Mallans, together with a large community of monks, and came to a brahman village of the Mallans named Thūna. The brahman householders of Thūna heard that "Gotama the Sakyan contemplative, gone forth from the Sakyan clan, is wandering among the Mallans together with a large community of monks, and has arrived at Thūna." So they filled the well all the way to the brim with grass & chaff, [thinking], "Don't let these shaven-headed contemplatives draw drinking water."
Then the Blessed One, going down from the road, went to a certain tree, and on arrival sat down on a seat laid out. Seated, he said to Ven. Ānanda: "Please, Ānanda, fetch me some drinking water from that well."
When this was said, Ven. Ānanda replied, "Just now, lord, the brahman householders of Thūna filled that well all the way to the brim with grass & chaff, [thinking], 'Don't let these shaven-headed contemplatives draw drinking water.'"
A second time, the Blessed One said to Ven. Ānanda: "Please, Ānanda, fetch me some drinking water from that well."
A second time, Ven. Ānanda replied, "Just now, lord, the brahman householders of Thūna filled that well all the way to the brim with grass & chaff, [thinking], 'Don't let these shaven-headed contemplatives draw drinking water.'"
A third time, the Blessed One said to Ven. Ānanda: "Please, Ānanda, fetch me some drinking water from that well."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda — taking a bowl — went to the well. As he was approaching the well, it expelled all the grass & chaff from its mouth and stood filled to the brim — streaming, as it were — with pristine water, undisturbed & clear. The thought occurred to him, "How amazing! How astounding! — the great power & great might of the Tathāgata! — in that, while I was approaching the well, it expelled all the grass & chaff from its mouth and stood filled to the brim — streaming, as it were — with pristine water, undisturbed & clear."
Taking drinking water in his bowl, he went to the Blessed One and on arrival said, "How amazing, lord! How astounding! — the great power & great might of the Tathāgata! — in that, while I was approaching the well, it expelled all the grass & chaff from its mouth and stood filled to the brim — streaming, as it were — with pristine water, undisturbed & clear. Drink the water, O Blessed One! Drink the water, O One-Well-Gone!"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
What need for a well
if there were waters always?
Having cut craving
by the root,
one would go about searching
for what?
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Kosambī at Ghosita's monastery. And on that occasion the inner quarters of King Udena's royal park had burned down, and 500 women, headed by Sāmāvatī, had died.
Then in the early morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Kosambī for alms. Having gone for alms in Kosambī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Lord, the inner quarters of King Udena's royal park have burned down, and 500 women, headed by Sāmāvatī, have died. What is the destination of those female lay followers? What is their future course?"
"Monks, among those female lay followers are stream-winners, once-returners, & non-returners. All of those female lay followers, monks, died not without [noble] fruit."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Bound round with delusion, the world
only appears to be competent.
Bound with acquisitions, foolish,
surrounded by darkness,
it seems eternal,
but for one who sees,
there is nothing.
8. Pataligamiyavagga — The Chapter About Patali Village
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was instructing, urging, rousing, & encouraging the monks with Dhamma-talk concerned with unbinding. The monks — receptive, attentive, focusing their entire awareness, lending ear — listened to the Dhamma.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
There is that dimension, monks, where there is neither earth, nor water, nor fire, nor wind; neither dimension of the infinitude of space, nor dimension of the infinitude of consciousness, nor dimension of nothingness, nor dimension of neither perception nor non-perception; neither this world, nor the next world, nor sun, nor moon. And there, I say, there is neither coming, nor going, nor staying; neither passing away nor arising: unestablished,[1] unevolving, without support [mental object].[2] This, just this, is the end of stress.
Notes
1.
On unestablished consciousness, see SN 22.87 and the discussion in The Paradox of Becoming, chapter 7.
2.
See SN 22.53.
See also: DN 11; MN 49; SN 35.117; Ud 8.2; Ud 8.3; Ud 8.4.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was instructing, urging, rousing, & encouraging the monks with Dhamma-talk concerned with unbinding. The monks — receptive, attentive, focusing their entire awareness, lending ear — listened to the Dhamma.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
It's hard to see the unaffected,
for the truth is not easily seen.
Craving is pierced
in one who knows;
For one who sees,
there is nothing.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was instructing, urging, rousing, & encouraging the monks with Dhamma-talk concerned with unbinding. The monks — receptive, attentive, focusing their entire awareness, lending ear — listened to the Dhamma.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
There is, monks, an unborn[1] — unbecome — unmade — unfabricated. If there were not that unborn — unbecome — unmade — unfabricated, there would not be the case that escape from the born — become — made — fabricated would be discerned. But precisely because there is an unborn — unbecome — unmade — unfabricated, escape from the born — become — made — fabricated is discerned.[2]
Note
1.
Some scholars have argued that the term "unborn" cannot be used to distinguish unbinding from transmigration, as there are discourses (such as SN 15.3) stating that transmigration itself has no beginning point, implying that it too is unborn. Thus they argue that in this passage the term ajātaṃ, although a past participle, should be translated as, "without birth." However, this argument is based on two questionable premises. First, it assumes that unbinding is here being contrasted with transmigration, even though the passage simply contrasts it with the fabricated. Secondly, even assuming that the phrase "the born — the become," etc., is a reference to transmigration, the scholars' argument is based on a misreading of SN 15.3. There, transmigration is said to have an "inconceivable" or "undiscoverable" beginning point. This is very different from saying that it is unborn. If transmigration were unborn, it would be unfabricated (see AN 3.47), which is obviously not the case. Thus, in translating this term to describe unbinding, I have maintained the straight grammatical reading, "unborn."
2.
Iti 43 gives this exclamation as the synopsis of a Dhamma talk, followed by this verse:
The born, become, produced,
made, fabricated, impermanent,
fabricated of aging & death,
a nest of illnesses, perishing,
come-into-being through nourishment
and the guide [that is craving] —
is unfit for delight.
The escape from that
is
calm, permanent,
a sphere beyond conjecture,
unborn, unproduced,
the sorrowless, stainless state,
the cessation of stressful qualities,
stilling-of-fabrications bliss.
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was instructing, urging, rousing, & encouraging the monks with Dhamma-talk concerned with unbinding. The monks — receptive, attentive, focusing their entire awareness, lending ear — listened to the Dhamma.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
One who is dependent has wavering. One who is independent has no wavering. There being no wavering, there is calm. There being calm, there is no yearning. There being no yearning, there is no coming or going. There being no coming or going, there is no passing away or arising. There being no passing away or arising, there is neither a here nor a there nor a between-the-two. This, just this, is the end of stress.[1]
Note
1.
In MN 144 and SN 35.87, Ven. Cunda quotes this passage as a teaching of the Buddha and tells Ven. Channa to keep it firmly in mind.
V.
I have heard that on one occasion, while the Blessed One was wandering among the Mallans with a large community of monks, he arrived at Pāvā. There he stayed near Pāvā in the mango grove of Cunda the silversmith.
Cunda the silversmith heard, "The Blessed One, they say, while wandering among the Mallans with a large community of monks and reaching Pāvā, is staying near Pāvā in my mango grove."
So Cunda went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One instructed, urged, roused, & encouraged him with Dhamma-talk. Then Cunda — instructed, urged, roused, & encouraged by the Blessed One's Dhamma-talk — said to him, "Lord, may the Blessed One acquiesce to my meal tomorrow, together with the community of monks."
The Blessed One acquiesced with silence.
Then Cunda, understanding the Blessed One's acquiescence, got up from his seat, bowed down to the Blessed One, and left, circling him to the right. Then, at the end of the night, after having exquisite staple & non-staple food — including a large amount of pig-delicacy[1] — prepared in his own home, he announced the time to the Blessed One: "It's time, lord. The meal is ready."
Then the Blessed One, early in the morning, adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went together with the community of monks to Cunda's home. On arrival, he sat down on the seat laid out. Seated, he said to Cunda, "Cunda, serve me with the pig-delicacy you have had prepared, and the community of monks with the other staple & non-staple food you have had prepared."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Cunda served the Blessed One with the pig-delicacy he had had prepared, and the community of monks with the other staple & non-staple food he had had prepared. Then the Blessed One said to him, "Cunda, bury the remaining pig-delicacy in a pit. I don't see anyone in the world — together with its devas, Māras, & Brahmas, with its people with their contemplatives & brahmans, their royalty & commonfolk — in whom, when it was ingested, it would go to a healthy change, aside from the Tathāgata."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Cunda buried the remaining pig-delicacy in a pit, went to the Blessed One and, on arrival, after bowing down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One — after instructing, urging, rousing, & encouraging him with Dhamma-talk — got up from his seat and left.
Then in the Blessed One, after he had eaten Cunda's meal, there arose a severe illness accompanied with (the passing of) blood, with intense pains & deadly. But the Blessed One endured it — mindful, alert, & not struck down by it.
Then he addressed Ven. Ānanda, "Ānanda, we will go to Kusinarā."
"As you say, lord," Ven. Ānanda responded to the Blessed One.
I have heard that,
on eating Cunda the silversmith's meal,
the enlightened one was touched by illness —
fierce, deadly.
After he had eaten the pig-delicacy,
a fierce sickness arose in the Teacher.
After being purged of it,
the Blessed One said,
"To the city of Kusinarā
I will go."[2]
Then the Blessed One, going down from the road, went to a certain tree and, on arrival, said to Ven. Ānanda, "Ānanda, please arrange my outer robe folded in four. I am tired. I will sit down."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda arranged the outer robe folded in four. The Blessed One sat down on the seat laid out.
Seated, he said to Ven. Ānanda, "Ānanda, please fetch me some water. I am thirsty. I will drink."
When this was said, Ven. Ānanda said to the Blessed One, "Lord, just now 500 carts have passed through. The meager river — cut by the wheels — flows turbid & disturbed. But the Kukuṭa river is not far away, with pristine water, pleasing water, cool water, pellucid water,[3] with restful banks, refreshing. There the Blessed One will drink potable water and cool his limbs."
A second time, the Blessed One said to Ven. Ānanda, "Ānanda, please fetch me some water. I am thirsty. I will drink."
A second time, Ven. Ānanda said to the Blessed One, "Lord, just now 500 carts have passed through. The meager water — cut by the wheels — flows turbid & disturbed. But the Kukuṭa River is not far away, with pristine water, pleasing water, cool water, pellucid water, with restful banks, refreshing. There the Blessed One will drink potable water and cool his limbs."
A third time, the Blessed One said to Ven. Ānanda, "Ānanda, please fetch me some water. I am thirsty. I will drink."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda — taking a bowl — went to the river. And the meager river that, cut by the wheels, had been flowing turbid & disturbed, on his approach flowed pristine, clear, & undisturbed. The thought occurred to him, "How amazing! How astounding! — the great power & great might of the Tathāgata! — in that this meager river that, cut by the wheels, was flowing turbid & disturbed, on my approach flowed pristine, clear, & undisturbed!" Fetching water with the bowl, he went to the Blessed One and on arrival said, "How amazing! How astounding! — the great power & great might of the Tathāgata! — in that this meager river that, cut by the wheels, was flowing turbid & disturbed, on my approach flowed pristine, clear, & undisturbed! Drink the water, O Blessed One! Drink the water, O One-Well-Gone!"
Then the Blessed One drank the water. [4]
Then the Blessed One, together with the community of monks, went to the Kukuṭa River and, after arriving at the Kukuṭa River, going down, bathing, drinking, & coming back out, went to a mango grove. On arrival, the Blessed One said to Ven. Cundaka, "Cundaka, please arrange my outer robe folded in four. I am tired. I will lie down."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Cundaka arranged the outer robe folded in four. The Blessed One, lying on his right side, took up the lion's posture, placing one foot on top of the other — mindful, alert, and attending to the perception of getting up. Ven. Cundaka sat in front of him.
The awakened one,
— having gone to the little Kukuṭa river
with its pristine, pleasing water, clear —
the Teacher, seeming very tired,
the Tathāgata, unequalled in the world
went down, bathed, drank, & came out.
Honored, surrounded,
in the midst of the group of monks,
the Blessed One, Teacher,
proceeding here in the Dhamma,
the great seer,
went to the mango grove.
He addressed the monk named Cundaka,
"Spread it out, folded in four
for me to lie down."
Ordered by the One of developed mind,
Cundaka quickly set it out, folded in four.
The Teacher lay down, seeming very tired,
and Cundaka sat down there before him.
Then the Blessed One addressed Ven. Ānanda, "Ānanda, if anyone tries to incite remorse in Cunda the silversmith, saying, 'It's no gain for you, friend Cunda, it's ill-done by you, that the Tathāgata, having eaten your last alms, was totally unbound,' then Cunda's remorse should be allayed (in this way): 'It's a gain for you, friend Cunda, it's well-done by you, that the Tathāgata, having eaten your last alms, was totally unbound. Face to face with the Blessed One have I heard it, face to face have I learned it, "These two alms are equal to each other in fruit, equal to each other in result, of much greater fruit & reward than any other alms. Which two? The alms that, after having eaten it, the Tathāgata awakens to the unexcelled right self-awakening. And the alms that, after having eaten it, the Tathāgata is unbound by means of the unbinding property with no fuel remaining. [5]These are the two alms that are equal to each other in fruit, equal to each other in result, of much greater fruit & reward than any other alms. Venerable[6] Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to long life. Venerable Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to beauty. Venerable Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to happiness. Venerable Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to heaven. Venerable Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to rank. Venerable Cunda the silversmith has accumulated kamma that leads to sovereignty."' In this way, Ānanda, Cunda the silversmith's remorse should be allayed."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
For a person giving,
merit increases.
For one self-restraining,
no animosity is amassed.
One who is skillful
leaves evil behind
and
— from the ending of passion,
aversion,
delusion —
is totally unbound.
Notes
1.
The Commentary notes a wide range of opinions on what "pig-delicacy" means. The opinion given in the Mahā Aṭṭhakathā — the primary source for the Commentary we now have — is that pig-delicacy is tender pork. Other opinions include soft bamboo shoots or mushrooms that pigs like to nibble on, or a special elixir. Given that India has long had a history of giving fanciful names to its foods and elixirs, it's hard to say for sure what the Buddha ate for his last meal.
2.
This style of narrative — in which prose passages alternate with verses retelling parts of what was narrated in the prose — is called a campū. This sutta is one of the few instances of this type of narrative in the Pali Canon. Another is the Kuṇāla Jātaka (J 5.416-456). There are also some Vedic examples of this form in the Brāhmaṇas, texts that apparently dated from around the same time as the Pali Canon. When the incidents portrayed in this sutta were included in DN 16, these alternating narrative verses were included. Aside from the Buddha's conversation with Pukkusa the Mallan (see note 4), these are the only incidents that DN 16 narrates in this style. This suggests that perhaps the version of the narrative given here was composed first as a separate piece and then later was incorporated into DN 16.
3.
Ven. Ānanda's description of the water is alliterative in the Pali: sātodakā sītodakā setodakā.
4.
At this point in the narrative, DN 16 inserts the account of the Buddha's encounter with Pukkusa the Mallan. There's no way of knowing which version of the events is earlier, as the focus of this sutta is not on telling everything that happened to the Buddha on his final day, but on recounting all the events related to Cunda's meal.
5.
Unbinding as experienced by an arahant at death. The image is of a fire so thoroughly out that the embers are totally cold. This is distinguished from the unbinding property with fuel remaining — unbinding as experienced in this lifetime — which is like a fire that has gone out but whose embers are still glowing. See Iti 44, Thag 15.2, and the discussion in The Mind Like Fire Unbound, chapter 1.
6.
Āyasmant: This is a term of respect usually reserved for senior monks. The Buddha's using it here was probably meant to emphasize the point that Cunda's gift of the Buddha's last meal should be treated as a very honorable thing.
VI.
I have heard that on one occasion, while the Blessed One was wandering among the Magadhans with a large community of monks, he arrived at Pāṭali Village. The lay followers of Pāṭali Village heard, "The Blessed One, they say, while wandering among the Magadhans with a large community of monks, has reached Pāṭali Village." So they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were was sitting there, they said to him, "Lord, may the Blessed One acquiesce to (the use of) the rest-house hall."
The Blessed One acquiesced with silence. Sensing his acquiescence, the lay followers of Pāṭali Village got up from their seats, bowed down to him, circled him to the right, and then went to the rest-house hall. On arrival, they spread it all over with felt rugs, arranged seats, set out a water vessel, and raised an oil lamp. Then they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down, stood to one side. As they were standing there they said to him, "Lord, the rest-house hall has been covered all over with felt rugs, seats have been arranged, a water vessel has been set out, and an oil lamp raised. May the Blessed One do what you think it is now time to do."
So the Blessed One, adjusting his under robe and — carrying his bowl & robes[1] — went together with a community of monks to the rest-house hall. On arrival he washed his feet, entered the hall, and sat with his back to the central post, facing east. The community of monks washed their feet, entered the hall, and sat with their backs to the western wall, facing east, ranged around the Blessed One.
The lay followers of Pāṭali Village washed their feet, entered the hall, and sat with their backs to the eastern wall, facing west, ranged around the Blessed One.
Then the Blessed One addressed the lay followers of Pāṭali Village, "Householders, there are these five drawbacks coming from an unvirtuous person's failure in virtue. Which five?
"There is the case where an unvirtuous person, by reason of heedlessness, undergoes the loss/confiscation of great wealth. This is the first drawback coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"Furthermore, the bad reputation of the unvirtuous person, failing in virtue, gets spread about. This is the second drawback coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"Furthermore, whatever assembly the unvirtuous person, failing in virtue, approaches — whether of noble warriors, brahmans, householders, or contemplatives — he/she does so without confidence & abashed. This is the third drawback coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"Furthermore, the unvirtuous person, failing in virtue, dies confused. This is the fourth drawback coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"Furthermore, the unvirtuous person, failing in virtue — on the break-up of the body, after death — reappears in a plane of deprivation, a bad destination, a lower realm, a hell. This is the fifth drawback coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"These, householders, are the five drawbacks coming from an unvirtuous person's failure in virtue.
"Householders, there are these five rewards coming from a virtuous person's consummation in virtue. Which five?
"There is the case where a virtuous person, by reason of heedfulness, acquires a great mass of wealth. This is the first reward coming from a virtuous person's consummation in virtue.
"Furthermore, the fine reputation of the virtuous person, consummate in virtue, gets spread about. This is the second reward coming from a virtuous person's consummation in virtue.
"Furthermore, whatever assembly the virtuous person, consummate in virtue, approaches — whether of noble warriors, brahmans, householders, or contemplatives — he/she does so with confidence & unabashed. This is the third reward coming from a virtuous person's consummation in virtue.
"Furthermore, the virtuous person, consummate in virtue, dies unconfused. This is the fourth reward coming from a virtuous person's consummation in virtue.
"Furthermore, the virtuous person, consummate in virtue — on the break-up of the body, after death — reappears in a good destination, a heavenly world. This is the fifth reward coming from a virtuous person's consummation in virtue.
"These, householders, are the five rewards coming from a virtuous person's consummation in virtue."
Then the Blessed One — having instructed, urged, roused, & encouraged the lay followers of Pāṭali Village for a large part of the night with Dhamma-talk — dismissed them, saying, "The night is far gone, householders. Do what you think it is now time to do."
So the lay followers of Pāṭali Village, delighting in & approving of the Blessed One's words, got up from their seats, bowed down to him, and left, circling him to the right. Then the Blessed One, not long after they had left, entered an empty building.
Now, on that occasion, Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha, were building a city at Pāṭali Village to preempt the Vajjians. And on that occasion many devas by the thousands were occupying sites in Pāṭali Village. In the area where devas of great influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of great influence were inclined to build their homes. In the area where devas of middling influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of middling influence were inclined to build their homes. In the area where devas of low influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of low influence were inclined to build their homes.
The Blessed One, with the divine eye — purified and surpassing the human — saw many devas by the thousands occupying sites in Pāṭali Village. In the area where devas of great influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of great influence were inclined to build their homes. In the area where devas of middling influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of middling influence were inclined to build their homes. In the area where devas of low influence occupied sites, there the minds of the king's royal ministers of low influence were inclined to build their homes.
Then, getting up in the last watch of the night, the Blessed One addressed Ven. Ānanda, "Ānanda, who is building a city at Pāṭali Village?"
"Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha, lord, are building a city at Pāṭali Village to preempt the Vajjians."
"Ānanda, it's as if they had consulted the devas of the Thirty-three: That's how Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha, are building a city at Pāṭali Village to preempt the Vajjians.
"Just now, Ānanda — with the divine eye — purified and surpassing the human — I saw many devas by the thousands occupying sites in Pāṭali Village. In the area where devas of great influence occupy sites, there the minds of the king's royal ministers of great influence are inclined to build their homes. In the area where devas of middling influence occupy sites, there the minds of the king's royal ministers of middling influence are inclined to build their homes. In the area where devas of low influence occupy sites, there the minds of the king's royal ministers of low influence are inclined to build their homes.
"Ānanda, as far as the sphere of the Ariyans extends, as far as merchants' roads extend, this will be the supreme city: Pāṭaliputta,[2] where the seedpods of the Pāṭali plant break open. There will be three dangers for Pāṭaliputta: from fire, from water, and from the breaking of alliances."
Then Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha, went to the Blessed One and, on arrival, exchanged courteous greetings with him. After an exchange of friendly greetings & courtesies, they stood to one side. As they were standing there, they said to him, "May Master Gotama acquiesce to our meal today, together with the community of monks." The Blessed One acquiesced with silence.
Then Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha, understanding the Blessed One's acquiescence, went to their rest-house. On arrival, after having exquisite staple & non-staple food prepared in their rest-house, they announced the time to the Blessed One: "It's time, Master Gotama. The meal is ready."
Then the Blessed One, early in the morning, adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went together with the community of monks to the rest-house of Sunīdha & Vassakāra, the chief ministers of Magadha. On arrival, he sat down on the seat laid out. Sunīdha & Vassakāra, with their own hands, served & satisfied the community of monks, with the Buddha at its head, with exquisite staple & non-staple food. Then, when the Blessed One had finished his meal and withdrawn his hand from the bowl, Sunīdha & Vassakāra, taking a low seat, sat to one side. As they were sitting there, the Blessed One gave his approval with these verses:
In whatever place
a wise person makes his dwelling,
— there providing food
for the virtuous,
the restrained,
leaders of the holy life —
he should dedicate that offering
to the devas there.
They, receiving honor, will honor him;
being respected, will show him respect.
As a result, they will feel sympathy for him,
like that of a mother for her child, her son.
A person with whom the devas sympathize
always meets with auspicious things.
Then the Blessed One, having given his approval to Sunīdha & Vassakāra with these verses, got up from his seat and left. And on that occasion, Sunīdha & Vassakāra followed right after the Blessed One, (thinking,) "By whichever gate Gotama the contemplative departs today, that will be called the Gotama Gate. And by whichever ford he crosses over the Ganges River, that will be called the Gotama Ford."
So the gate by which the Blessed One departed was called the Gotama Gate. Then he went to the Ganges River. Now on that occasion the Ganges River was full up to the banks, so that a crow could drink from it. Some people were searching for boats, some were searching for floats, some were binding rafts in hopes of going from this shore to the other. So the Blessed One — just as a strong man might extend his flexed arm or flex his extended arm — disappeared from the near bank of the Ganges River and reappeared on the far bank together with the community of monks. He saw that some people were searching for boats, some were searching for floats, some were binding rafts in hopes of going from this shore to the other.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Those
who cross the foaming flood,
having made a bridge, avoiding the swamps
— while people are binding rafts —
have already crossed
: the wise.
Notes
1.
The translation here follows the Burmese and Sri Lankan editions of the text. The PTS and Thai editions state that the Buddha went to the rest-house hall in the morning — which, given the events that follow, doesn't seem right, for he would have spent the entire day teaching the lay followers of Pāṭali Village. The Burmese and Sri Lankan editions of the account of these events given in DN 16 state explicitly that the Buddha went to the rest-house hall in the late afternoon, which seems more reasonable. The PTS edition of that passage doesn't state the time of day, while the Thai edition states that he went in the morning.
2.
Pāṭaliputta later became the capital of King Asoka's empire. The "breaking open of the seed-pods (pūṭa-bhedana)" is a wordplay on the last part of the city's name.
Archeological evidence from what may have been part of Asoka's palace in Pāṭaliputta shows burnt wooden posts buried in mud — perhaps a sign that the palace burned and then was buried in a flood.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was journeying along a road in the Kosalan country with Ven. Nāgasamāla as his junior companion. Ven. Nāgasamāla, while going along the road, saw a fork in the path. On seeing it, he said to the Blessed One, "That, lord Blessed One,[1] is the route. We go that way." When this was said, the Blessed One said, "This, Nāgasamāla, is the route. We go this way."
A second time... A third time, Ven. Nāgasamāla said to the Blessed One, "That, lord Blessed One, is the route. We go that way." And for a third time, the Blessed One said, "This, Nāgasamāla, is the route. We go this way."
Then Ven. Nāgasamāla, placing the Blessed One's bowl & robes right there on the ground, left, saying, "This, lord Blessed One, is the bowl & robes."
Then as Ven. Nāgasamāla was going along that route, thieves — jumping out in the middle of the road — pummeled him with their fists & feet, broke his bowl, and ripped his outer robe to shreds.
So Ven. Nāgasamāla — with his bowl broken, his outer robe ripped to shreds — went to the Blessed One and, on arrival, bowed down to him and sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Just now, lord, as I was going along that route, thieves jumped out in the middle of the road, pummeled me with their fists & feet, broke my bowl, and ripped my outer robe to shreds."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
When traveling together,
mixed together
with a person who doesn't know,
an attainer-of-wisdom,
on realizing that the person is evil,
abandons him
as a milk-feeding[2] heron,
a bog.
Notes
1.
Throughout the first part of this story, Ven. Nāgasamāla refers to the Buddha with this exaggerated form of address. Perhaps the compilers meant this as a linguistic hint of how inappropriate an attendant he was for the Buddha. At the point in the narrative where he puts the Buddha's bowl and robes on the ground, the Sri Lankan and Burmese editions correct his statement to the more appropriate: "This, lord, is the Blessed One's bowl & robes." However, to be in keeping with his normal way of addressing the Buddha, and to stress the rudeness of the gesture, I felt it better to keep the sentence as it is in the Thai edition. Only after Ven. Nāgasamāla is chastened by his experience with the thieves does he revert to the using the simpler and more standard address: "lord."
2.
Milk-feeding = khīrapaka. This is a poetic way of saying "young and unweaned" — the "milk" here being the regurgitated food with which the mother heron feeds her young. Also — in the conventions of Indian literature — the reference to milk suggests that the heron is white. The Commentary has a fanciful way of explaining this term, saying that it refers to a special type of heron so sensitive that, when fed milk mixed with water, it drinks just the milk.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at the Eastern Monastery, the palace of Migāra's mother. And on that occasion a dear and beloved grandson of Visākhā, Migāra's mother, had died. So Visākhā, Migāra's mother — her clothes wet, her hair wet — went to the Blessed One in the middle of the day and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As she was sitting there the Blessed One said to her: "Why have you come here, Visākhā — your clothes wet, your hair wet — in the middle of the day?"
When this was said, she said to the Blessed One, "My dear and beloved grandson has died. This is why I have come here — my clothes wet, my hair wet — in the middle of the day."
"Visākhā, would you like to have as many children & grandchildren as there are people in Sāvatthī?"
"Yes, lord, I would like to have as many children & grandchildren as there are people in Sāvatthī."
"But how many people in Sāvatthī die in the course of a day?"
"Sometimes ten people die in Sāvatthī in the course of a day, sometimes nine... eight... seven... six... five... four... three... two... Sometimes one person dies in Sāvatthī in the course of a day. Sāvatthī is never free from people dying."
"So what do you think, Visākhā? Would you ever be free of wet clothes & wet hair?"
"No, lord. Enough of my having so many children & grandchildren."
"Visākhā, those who have a hundred dear ones have a hundred sufferings. Those who have ninety dear ones have ninety sufferings. Those who have eighty... seventy... sixty... fifty... forty... thirty... twenty... ten... nine... eight... seven... six... five... four... three... two... Those who have one dear one have one suffering. Those who have no dear ones have no sufferings. They are free from sorrow, free from stain, free from lamentation, I tell you."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The sorrows, lamentations,
the many kinds of suffering in the world,
exist dependent on something dear.
They don't exist
when there's nothing dear.
And thus blissful & sorrowless
are those for whom nothing
in the world is anywhere dear.
So one who aspires
to the stainless & sorrowless
shouldn't make anything
dear
in the world
anywhere.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Then Ven. Dabba Mallaputta went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Now is the time for my total unbinding, O One-Well-Gone!"
"Then do, Dabba, what you think it is now time to do."
Then Ven. Dabba Mallaputta, rising from his seat, bowed down to the Blessed One and, circling him on the right, rose up into the air and sat cross-legged in the sky, in space. Entering & emerging from the fire property, he was totally unbound. Now, when Dabba Mallaputta rose up into the air and, sitting cross-legged in the sky, in space, entered & emerged from the fire property and was totally unbound, his body burned and was consumed so that neither ashes nor soot could be discerned. Just as when ghee or oil is burned and consumed, neither ashes nor soot can be discerned, in the same way, when Dabba Mallaputta rose up into the air and, sitting cross-legged in the sky, in space, entered & emerged from the fire property and was totally unbound, his body burned and was consumed so that neither ashes nor soot could be discerned.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The body broke up,
perception ceased,
feelings went cold[1]
— all —
fabrications were stilled,
consciousness
has come to an end.
Note
1.
Following the reading vedanā sītibhaviṃsu from the Burmese and Sri Lankan editions. In support of this reading, see MN 140 and Iti 44. The Thai edition reads, vedanā-pīti-dahaṃsu: feeling & rapture were burned away.
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. There he addressed the monks, "Monks!"
"Yes, lord," the monks responded to him.
The Blessed One said, "When Dabba Mallaputta rose up into the air and, sitting cross-legged in the sky, in space, entered & emerged from the fire property and was totally unbound, his body burned and was consumed so that neither ashes nor soot could be discerned. Just as when ghee or oil is burned and consumed, neither ashes nor soot can be discerned, in the same way, when Dabba Mallaputta rose up into the air and, sitting cross-legged in the sky, in space, entered & emerged from the fire property and was totally unbound, his body burned and was consumed so that neither ashes nor soot could be discerned."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Just as the destination of a glowing fire
struck with a [blacksmith's] iron hammer,
gradually growing calm,
isn't known:[1]
Even so, there's no destination to describe
for those rightly released
— having crossed over the flood
of sensuality's bond —
for those who've attained
unwavering bliss.
Note
1.
For a discussion of the ancient Buddhist view of what happened to an extinguished fire, see The Mind Like Fire Unbound, Chapters 1 and 2.



Close
Close