Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Kinh Phật Tự Thuyết (Chương 1 đến chương 5)

Dịch giả: Thích Minh Châu

Chương Một
Phẩm Bồ Ðề

(I) (Ud 1)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Thật sự, khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì quản tri hoàn toàn,
Pháp cùng với các nhân.
(II) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên thủ diệt; do thủ diệt, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
2. Thật sự khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm, hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì đã biết hoàn toàn,
Sự tiêu diệt các duyên.
(III) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt". Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức... Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt... Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Thật sự khi các pháp
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Quét sạch các ma quân,
Vị ấy đứng, an trú,
Như ánh sáng mặt trời,
Chói sáng khắp hư không.
(IV) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây bàng ajapala, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy ra khỏi định. Có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Huhunka, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên lời chào hỏi, sau khi nói lời chào hỏi thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Bà-la-môn ấy nói với Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, cho đến như thế nào là Bà-la-môn, và những pháp nào tác thành Bà-la-môn?
Thế Tôn sau khi biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Vị Bà-la-môn nào,
Loại trừ các ác pháp,
Không kiêu, không uế nhiễm,
Tự ngã khéo chế ngự,
Vệ-đà được thông đạt,
Phạm hạnh được viên thành,
Vị Bà-la-môn ấy,
Có thể nói lên được,
Lời Phạm ngữ đúng pháp,
Vị ấy ở đời này,
Không hề có mạn tâm
Bất cứ ở nơi nào.
(V) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), khu vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahàmoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) Tôn giả Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Mahàkaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahàkotthita (Ðại Câu-thi-la), Tôn giả Mahàkappina (Ðại kiếp-tân-na), Tôn giả Mahàcunda (Ðại-Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đà), Tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), Tôn giả Ananda (A-nan) đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy các Tôn giả ấy từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến. Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến.
Khi được nói vậy, một Tỳ-kheo, thọ sanh là Bà-la-môn, bạch Thế Tôn:
- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà-la-môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà-la-môn?
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Sau khi loại ác pháp,
Ai thường hành chánh niệm,
Kiết sử đoạn, giác ngộ,
Những vị ấy ở đời,
Thật là Bà-la-môn.
(VI) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa trú ở hang Pipphali, đang bị bệnh rất khổ đau, bệnh trầm trọng. Rồi Tôn giả Mahàkassapa sau một thời gian, thoát khỏi bệnh ấy. Rồi Tôn giả Mahàkassapa thoát khỏi bệnh ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Vương Xá để khất thực ". Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nhân, đang cố gắng sửa soạn để Tôn giả Mahàkassapa nhận đựoc đồ ăn khất thực. Nhưng Tôn giả Mahàkassapa gạt bỏ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực, đi ngang những con đường những con người nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Ai sống không nhờ người,
Không được người biết đến,
Sống tự mình chế ngự,
An trú trên lõi cây,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Sân hận được trừ diệt,
Vị ấy được Ta gọi,
Là vị Bà-la-môn.
(VII) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Pàtali tại Ajakalàpaka, chỗ ở của Dạ-xoa Ajakalàpa. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong đêm tối đen, và trời mưa từng hột xuống. Rồi Dạ-xoa Ajakalàpaka muốn làm cho Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ba lần nói lên gần Thế Tôn tiếng gào thét của mình là Akkulopakkulo: "Này Sa môn, có con quỷ cho Ông ". Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Khi nào Bà-la-môn
Ðối với pháp của mình,
Ðã đạt được bờ kia,
Vị ấy vượt qua được,
Ác quỷ yêu ma này.
(VIII) (Ud 5)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đã đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nghe được tin Tôn giả Sangamàji đã đến Sàvattthi. Nàng liền dắt người con đi đến Jetavana. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đang ngồi dưới gốc cây đề nghỉ ban ngày. Rồi người vợ trước đây của Tôn giả Sangamàji, đi đến Tông Giả Sangamàji, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sangamàji, giữ im lặng. Lần thứ hai, người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ hai, Tôn giả Sangamàji giữ im lặng. Lần thứ ba người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ ba, Tôn giả Sangamàji vẫn giữ im lặng. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji đặt đứa nhỏ trước mặt Tôn giả Sangamàji rồi bỏ đi, nói rằng:
- Này Sa-môn, đây là đứa con trai của Sa-môn. Hãy nuôi dưỡng nó!
Tôn giả Sangamàji không có ngó đến đứa nhỏ ấy, cũng không nói gì. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji sau khi đi không xa, ngó lui lại thấy Tôn giả Sangamàji không ngó đứa con nhỏ ấy, cũng không nói; thấy vậy liền suy nghĩ: "Sa môn này không muốn ngó đến người con ". Nàng liền trở lui lại, bồng lấy đứa con rồi ra đi. Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy cử chỉ thô bạo như vậy của người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không hoan hỷ, nàng đến,
Không sầu muộn, nàng đi,
Giải thoát khỏi ái phược,
Là Sangamàji
Ta gọi người như vậy,
Là vị Bà-la-môn.
(IX) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa. Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặng xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Thanh tịnh không có nước,
Ở đây nhiều người tắm,
Trong ai có chân thật,
Lại thêm có Chánh pháp,
Người ấy là Thanh tịnh,
Người ấy là Phạm chí.
(X) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ". Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
- Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.
- Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?
- Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.
Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau:
- Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.
Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết... hạnh phúc lâu dài.
- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya. Thế Tôn sau khi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỷ-kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỷ-kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy. Sanh thứ cho vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy là gì?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỷ-kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không chấp trước,
Tại đây sao không chói,
Mặt trời không chiếu sáng,
Tại đây trăng không chiếu,
Tại đây u ám không,
Khi ẩn sĩ Phạm chí,
Tự mình với trí tuệ,
Thể nhập vào Chánh pháp,
Vị ấy được giải thoát
Khỏi sắc và vô sắc,
Khỏi an lạc, đau khổ.
Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.
Chương Hai
Phẩm Mucalinda

(I) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvela, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Mucalinda, khi Ngài mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn, trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi thần rắn Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu (Thế Tôn) với ý nghĩ: "Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát ".
Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy. Rồi Mucalinda, vua các loài rắn, sau khi biết trời đã sáng tỏ, mây đã được thoát đi, cởi mở thân mình khỏi thân Thế Tôn, biến dạng thân sắc của mình, hóa hiện thân sắc một thanh niên đứng trước mặt Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Viễn ly là an lạc,
Với người biết tri túc,
Với người có nghe pháp,
Với người có chánh kiến
Không sân là an lạc,
Những ai ở trên đời,
Ðối hữu tình chúng sanh
Biết tự chế, ngăn ngừa.
Ly tham là an lạc,
Vượt các dục ở đời,
Ai nhiếp phục ngã mạn,
Ðây an lạc tối thượng.
(II) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỳ-kheo, sau bữa ăn, đi khất thực trở về, ngồi họp tại hội trườong, và câu chuyện này được khởi lên:
"Này chư Hiền, giữa hai vị vua này, vua Seniya Bimlisàra ở Magdha, và vua Pasenadi ở xứ Kosala, ai giàu có hơn, ai tài sản lớn hơn, ai kho tàng lớn hơn, ai quốc độ lớn hơn, ai xe cộ lớn hơn, ai sức mạnh lớn hơn, ai thần lực lớn hơn, ai uy lực lớn hơn? ". Rồi câu chuyện này giữa các Tỳ-kheo ấy chưa được chấm dứt.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, ở đây, nay các Thầy ngồi hội họp với câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa chừng chưa chấm dứt giữa các Thầy?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, đi khất thực trở về... câu chuyện này được khơi lên... ai uy lực lớn hơn " Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, chưa được chấm dứt thời Thế Tôn đã đến.
- Này các Tỷ-kheo, thật không thích đáng cho các Thầy, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói câu chuyện như vậy. Này các Tỳ-kheo, khi các Thầy hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Ðàm luận về Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Dục lạc gì ở đời,
Kể cả thiên lạc này,
Không bằng phần mười sáu,
Lạc do ái đoạn diệt.
(III) (Ud 11)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy, giữa Sàvatthi và Jetavana. Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy giữa Sàvatthi và Jetavana nhiều đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy.
Thế Tôn sau khi hiểu hết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai làm hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Người ấy sau khi chết,
Không tìm được an lạc.
Ai không hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Ðời sau tìm được lạc.
(IV) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tăng cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ấy không kham nhẫn được việc ấy Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng. Khi nào gặp các Tỷ-kheo ở làng và ở trong rừng, họ dùng những lời nói không tốt lành, thô ác, mắng nhiếc, phỉ báng, công kích não hại các Tỷ-kheo. Rồi một số đông Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính tôn trọng... dược phẩm trị bệnh nhưng các du sĩ ngoại đạo không được tôn kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Rồi bạch Thế Tôn, các ngoại đạo du sĩ ấy không kham nhẫn được sự việc Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng... não hại chúng.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
4. Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác,
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y,
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ.
(V) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một nam cư sĩ tên là Icchànanga-laka đi đến Sàvatthi vì một vài công việc phải làm. Nam cư sĩ ấy, sau khi làm công việc xong ở Sàvatthi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ ấy đang ngồi một bên:
- Ðã lâu rồi, này Nam cư sĩ, ông tạo nên cơ hội này, tức là đến đây!
- Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con muốn yết kiến Thế Tôn. Nhưng con bị bận bịu lợi bởi những công việc phải làm này nên con không thể đi đến yết kiến Thế Tôn được.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ai lão luyện Chánh pháp,
Ðược nghe nhiều Chánh pháp,
Không xem bất cứ gì
Là an lạc của mình.
Hãy xem, não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VI) (Ud 13)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, thanh nữ trẻ Bà-la-môn, vợ của một du sĩ có thai sắp sinh. Vợ của du sĩ ấy nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ hai, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lần thứ hai du sĩ nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ ba, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lúc bấy giờ, tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala, một Sa-môn hay Bà-la-môn có thể uống bơ hay dầu cho đến thỏa thích, nhưng không được mang đi. Người du sĩ ấy suy nghĩ: "Tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala... không được mang đi. Vậy ta hãy đi đến nhà kho của vua Pasnadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về đến nhà, mửa dầu ấy ra và ta cho nữ du sĩ dùng khi sanh con ". Rồi du sĩ ấy đi đến nhà kho của vua Pasenadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về nhà không có thể mửa lên hay mửa xuống; có cảm thọ khổ đau, nhói đau, đau khốc liệt thống khổ, lăn lộn qua lại.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy người du sĩ ấy cảm thọ khổ đau, nhói đau khốc liệt, thống khổ, lăn lộn qua lại. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. An lạc thay là người
Không có gì sở hữu,
Người chánh tri hiểu biết,
Không có gì sở hữu.
Hãy xem não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VIII) (Ud 14)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên.
- Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy?
Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Bị khả ái, dễ thương
Trói buộc và chi phối,
Rất nhiều chư Thiên chúng,
Và nhiều hạng con người
Ðau khổ và héo mòn,
Bị thần chết nhiếp phục.
Ngày đêm không phóng dật,
Từ bỏ dung sắc đẹp,
Vị ấy đào gốc khổ,
Mồi nhử của ác ma,
Thật khó vượt qua được.
(VIII) (Ud 15)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kundiyàya, trong rừng Kunditthàna. Lúc bấy giờ, Suppavàsà, con gái của vua xứ Koliya có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ khổ đau, nhức nhối, khốc liệt, thống khổ, nàng vẫn duy trì ba niệm: "Thế Tôn thật là bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Chúng hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là Niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt ". Rồi Suppavàsà, con vua Koliya gọi ngưòi chồng của mình:
- Này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú và thưa: "-Bạch Thế Tôn, Suppavàsà con gái vua Koliya cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú ". Rồi hãy nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ.... tại đấy khổ đau này không có mặt! "
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn,.... lạc trú.... tại đấy khổ đau này không có mặt.
- Mong rằng Suppavàsà, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái Koliya, được an lạc không bệnh, đẻ đứa con trai không bệnh.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Koliyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi trở về nhà của mình. Koliyaputta thấy Suppavàsà, con gái vua Koliya, được an lạc, không bệnh, sanh đứa con trai không bệnh, thấy vậy liền suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, thần lực và đại uy lực của Thế Tôn, khiến cho Suppavàsà con gái vua Koliya này, với lời nói của Thế Tôn được an lạc, không bệnh, sanh con trai không bệnh!". Nghĩ vậy, Koliyaputta hoan hỷ, thích thú, tâm sanh hỷ lạc. Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, bảo người chồng mình:
- Hãy đi, này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đếnc nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: " - Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thú bảy. Nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo dùng cơm trong bảy ngày. Mong Thế Tôn hãy nhận lời thọ bảy bữa cơm của Suppavàsà với chúng Tỷ-kheo".
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: Suppavàsà, có thai đến bảy năm... đau đẻ đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo... với chúng Tỷ-kheo!
Lúc bấy giờ một nam cư sĩ khác đã mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là vị cầm đầu, ngày mai dùng cơm người cư sĩ ấy là người hộ trì cho Tôn giả Moggallàna. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Mogallàna:
- Này Moggallàna, hãy đến người cư sĩ, sau khi đến, nói với người cư sĩ ấy như sau: "Này Hiền giả, Suppavàsà con của vua Koliya.. có thai đến bảy năm... đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc.. Nay nàng muốn mời chúng Tỷ-kheo... với chúng Tỷ-kheo. Hãy để cho Suppavàsà tổ chức bảy ngày cơm trước. Sau sẽ đến lượt người hộ trì cho người".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!.
Tôn giả Mahà Moggallàna vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến người cư sĩ ấy, sau khi đến nói với người cư sĩ:
- Này Hiền giả Suppavàsà... Hãy để cho Suppavàsà con của Koliya tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên Ông.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con ba pháp về tài sản, về thọ mạng, về lòng tin, hãy để cho Suppavàsà, con gái của vua Koliya, tổ chức trước, rồi sau đến phiên con.
- Này Hiền giả, về hai pháp ta sẽ bảo đảm cho ông, về tài sản và về thọ mạng. Còn về lòng tin, thời ông phải tự bảo đảm!.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con hai pháp, về tài sản và về thọ mạng, hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày con trước. Rồi sẽ đến phiên con.
Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna, sau khi thuyết phục được người cư sĩ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên người cư sĩ ấy.
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, trong bảy ngày mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là bậc dẫn đầu, tự tay mời và làm cho thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và khiến cho đứa trẻ đảnh lễ Thế Tôn và toàn thể chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Sàriputta nói với đứa trẻ:
- Này Con, Con có kham nhẫn được không? Con có nuôi sống được không? Con có đau khổ gì không?
- Thưa Tôn giả, từ đâu con có thể kham nhẫn? Từ đâu con có thể nuôi sống? Từ đâu con không có đau khổ? Con đã sống bảy năm trong các ghè đầy máu!
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, nghĩ rằng: "Con ta đang nói chuyện với vị tướng quân về Pháp, hoan hỷ, tín thọ, với tâm hỷ lạc."
Rồi Thế Tôn nói với Suppavàsà, con gái vua Koliya:
- Này Suppavàsà. Con có muốn một người con trai khác như vậy không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn có bảy người con trai như vậy!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này,ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không vui, giả dạng vui,
Không ái, giả dạng ái,
Khổ đau, giả dạng lạc,
Nhiếp phục kẻ phóng dật.
(IX) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ngôi lầu của mẹ Migàra.
Mẹ Migàra có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala và vua Pasenadi nước Kosala chưa có quyết định về việc ấy. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàra, vào buổi sáng sớm đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đi đến sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn con có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala... về việc ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Mọi tùng thuộc là khổ,
Mọi chủ quyền là lạc,
Chung dùng làm não hại,
Trói buộc khó vượt qua.
(X) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay! ". Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kàlighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây... thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha khi đi đến rừng... nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "... không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha: "Thưa hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha:
- Thưa Hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng "... Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng "... an lạc? ".
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng "... an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
10. Với ai, trong nội tâm,
Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được.
Chương Ba
Phẩm Nanda

(I) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ngồi không xa Thế Tôn, ngồi kiết già, lưng thẳng, chịu đựng sự đau đớn, kết quả của nghiệp về trước, nhói đau, cực khổ, thống khổ, chánh niệm, tỉnh giác, không có sầu não.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Tỷ-kheo bỏ mọi nghiệp,
Tẩy sạch bụi làm trước,
An trú, không ngã sở,
Không cần nói với người.
(II) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàhapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả, tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, tôi không chịu nổi đời sống Phạm hạnh; sau khi bỏ học tập, tôi sẽ hoàn tục!" Một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau: "... Tôi sẽ hoàn tục ". Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta bảo Tỷ-kheo Nanda: "Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả ".
- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Nanda, sau khi đến nói với Tôn giả Nanda:
- Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Nanda vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi một bên:
- Có thật chăng này Nanda, Thầy nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... tôi sẽ hoàn tục!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Nhưng này, không hoan hỷ cái gì, Thầy sống Phạm hạnh, khiến Thầy không chịu nổi sống Phạm hạnh, từ bỏ học tập, Thầy sẽ hoàn tục?
- Bạch Thế Tôn, khi con từ bỏ gia đình, một Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, với tóc chải mới nửa phần, ngó nhìn con và nói: "Quý tử hãy về gấp!" Bạch Thế Tôn, vì con không thể quên nàng, nên con sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, con không có thể chịu nổi đời sống Phạm hạnh, sau khi từ bỏ học tập, con sẽ hoàn tục".
Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn giả Nanda như người lực sĩ duỗi bàn tay dang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, biến mất ở Jetavana, và hiện ra tại cõi trời Ba mươi ba. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nữ đi đến để hầu hạ Thiên chủ Sakka, và họ được gọi là "có chân như chim bồ câu". Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Nanda:
- Này Nanda, Thầy có thấy năm trăm Thiên nữ này, có chân như chim bồ câu không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này Nanda, Thầy nghĩ thế nào? Ai đẹp đẽ hơn, hay ai đáng ưa nhìn hơn, hay ai khả ái hơn, Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước hay năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này? ".
- Bạch Thế Tôn, ví như một con khỉ cái bị thương, tai mũi bị chặt đứt; cũng vậy là Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, nếu đem so sánh với năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này, không thể ước lường so sánh, không bằng một phần nhỏ, không thể so sánh với chúng. Năm trăm Thiên nữ này đẹp hơn, dáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn.
- Hãy hoan hỷ, này Nanda! Hãy hoan hỷ, này Nanda! Ta đền cho Thầy năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu ấy!
- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đền cho con năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu, thời bạch Thế Tôn, con sẽ sống hoan hỷ trong đời sống Phạm hạnh.
Rồi Thế Tôn cầm cánh tay của Tôn giả Nanda, như người lực sĩ... đang duỗi ra, như vậy biến mất ở chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Jetavana.
Các Tỷ-kheo được nghe: "Tôn giả Nanda, em Thế Tôn, con của bà dì sống Phạm hạnh vì mục đích Thiên nữ. Họ nói Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ với chân như chân chim bồ câu". Rồi các Tỷ-kheo bạn của Tôn giả Nanda, gọi Tôn giả Nanda là người làm thuê, là người buôn bán: "Tôn giả Nanda là người làm thuê, Tôn giả Nanda là người buôn bán. Vì mục đích Thiên nữ, Tôn giả Nanda sống Phạm hạnh. Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu!" Rồi Tôn giả Nanda, bị bực phiền, tủi nhục, chán ngấy, bởi bị gọi là người làm thuê, là người buôn bán, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tự tin, không bao lâu, do mục đích mà thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ấy, ngay trong hiện tại vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không trở lui trạng thái này nữa". Tôn giả Nanda đã trở thành một vị A-la-hán.
Rồi một thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda con trai của bà dì, do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát.
Trí khởi lên nơi Thế Tôn: "Nanda, do đoạn trừ các lậu hoặc... vô lậu tâm giải thoát". Rồi Tôn giả Nanda, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Nanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có hứa đền cho con năm trăm Thiên nữ với chân như chim bồ câu. Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa cho Thế Tôn lời hứa đền ấy.
- Này Nanda, với tâm cuả Ta, Ta rõ biết tâm của Thầy: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại... tuệ giải thoát". Lại nữa một Thiên nhân có báo cho Ta tin ấy: "Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda... tuệ giải thoát". Vì rằng, này Nanda, tâm của Thầy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ, nên Ta được giải thoát khỏi lời hứa này.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, chính trong lúc ấy, nó lên lời cảm hứng này:
2. Ai vượt khỏi bùn này,
Ðè bẹp gai của dục,
Ðạt được si đoạn diệt,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không cảm thọ khổ lạc!
(III) (Ud 24)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỷ-kheo do Yasoja dẫn đầu, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy, trong khi chào thăm các Tỷ-kheo sở tại, sắp đặt sàng tọa, sửa soạn y bát, gây tiếng ồn ào to lớn. Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giật cá?
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này, dẫn đầu là Yasoja, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này Ananda, hãy nhân danh Ta nói với các Tỷ-kheo ấy: "Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo ấy:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
- Này các Tỷ-kheo, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giựt cá?
Tôn giả Yasoja bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỳ-kheo mới đến này... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này các Tỷ-kheo, hãy đi đi! Ta đuổi các Thầy, các Thầy không xứng đáng được sống gần Ta!
- Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài, dọn dẹp, sàng tọa, cầm lấy y bát, đi đến dân chúng Vajjì, tiếp tục bộ hành giữa dân chúng Vajjì rồi đi đến con sông Vaggamudà; sau khi đến, dựng lên chòi lá trên sông Vaggamudà, an cư mùa mưa tại chỗ ấy. Rồi Tôn giả Yasoja, sửa soạn an cư bảo các Tỳ-kheo:
- Thưa các Hiền giả, Thế Tôn đuổi chúng ta, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng ta, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với chúng ta. Này chư Hiền, chúng ta hãy sống cho thật đúng pháp, chúng ta sống như thế nào để Thế Tôn có thể hoan hỷ!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Yasoja. Rồi các Tỷ-kheo ấy sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và trong thời gian an cư, tất cả đều giác ngộ ba minh.
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Sàvatthi cho đến khi vừa ý, liền bộ hành đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành đến Vesàli. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn với tâm cuả mình tác ý đến tâm các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà, gọi Tôn giả Ananda: "Như có hào quang, này Ananda, là phương này, như có ánh sáng, này Ananda, là phương này. Tại phương ấy, các Tỷ-kheo đang sống trên bờ sông Vagumudà. Thật là không nhàm chán cho Ta nếu được đi và tác ý đến phương ấy. Này Ananda, hãy gửi một sứ giả đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà và nói: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến một Tỷ-kheo, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
- Hãy đi, này Hiền giả, hãy đi đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo ấy như sau: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả!".
- Thưa vâng, Hiền giả.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy vị ấy biến mất ở ngôi nhà có nóc nhọn tại Ðại Lâm, và hiện ra trước mắt các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà. Rồi Tỷ-kheo ấy nói với các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, sau khi dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, ví như một nhà lực sĩ... co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy các Tỳ-kheo ấy biến mất ở trên bờ sông Vaggumudà, và hiện ra ở Ðại Lâm, tại nhà có nóc nhọn, trước mặt Thế Tôn. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi trong thiền định bất động. Các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Nay Thế Tôn đang an trú trong loại an trú nào?". Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Thế Tôn nay đang an trú trong loại an trú bất động".
Và tất cả các Tỷ-kheo ấy ngồi xuống trong định bất động.
Tôn giả Ananda khi đêm đã gần mãn, canh một đã gần qua, từ chỗ ngôi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Ðêm đã gần tàn, canh một đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã gần qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn. Canh giữa đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên, chắp tay hướng về Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu... Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến!
Rồi Thế Tôn xuất khỏi định ấy bảo Tôn giả Ananda:
- Nếu Thầy có hiểu biết, này Ananda, Thầy sẽ không nói như vậy. Này Ananda, Ta và năm trăm Tỷ-kheo này tất cả đang nhập định bất động.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai đã thắng gai dục,
Nắng, gia hại, trói buộc,
Vị ấy đứng bất động,
Như núi vững an trú,
Vị Tỷ-kheo như vầy,
Lạc khổ không dao động.
(IV) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, rồi sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Như ngọn núi bằng đá,
Không động, khéo an trú,
Cũng vậy vị Tỳ-kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị dao động.
(V) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, nội tâm khéo an trú thân hành niệm. Thế Tôn thấy Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ-kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết Bàn.
(VI) (Ud 28)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Pilindavaccha, thường hay gọi Tỳ-kheo với danh từ bần tiện. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Pilindavaccha thường hay gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Hãy đi, này Tỷ-kheo, và nhân danh Ta, bảo Tỷ-kheo Pilindavaccha: "Này Hiền giả, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn đi đến Tôn giả Pilindavaccha, sau khi đến nói với Pilindavaccha:
- Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Pilindavaccha vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Pilindavaccha đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Vaccha. Thầy thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước của Pilindavaccha, liền bảo các Tỷ-kheo:
- Này, các Tỷ-kheo, chớ có bực phiền với Tỷ-kheo Pilindavaccha. Này các Tỷ-kheo, không phải vì trong lòng có sân hận mà Vaccha thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Vaccha trong năm trăm năm nối tiếp nhau đã sanh trong gia đình Bà-la-môn. Danh từ bần tiện đã lâu ngay được chứa chấp trong vị ấy. Do vậy, Vaccha thường gọi Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. Trong ai không man trá,
Không mạn, tham đoạn tận,
Không ngã sở, không dục,
Phẫn nộ được trừ diệt,
Tự ngã thành mát lạnh
Vị ấy là Phạm chí,
Là Sa môn Tỷ-kheo.
(VII) (Ud 29)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa, trú ở hang Pipphali, ngồi một thế ngồi kiết-già trong bảy ngày, sau khi nhập vào một loại thiền định. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau bảy ngày, xuất khỏi định ấy, Tôn giả Mahakassapa, sau khi xuất khỏi định ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Ràjagaha để khất thực! ". Lúc bấy giờ năm trăm chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực. Rồi Tôn giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực.
Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka muốn cúng dường đồ ăn khất thực cho Tôn giả Mahakassapa, hóa thân làm người thợ dệt đang dệt chỉ Sujàta, thiếu nữ Asura đang làm cho đầy cái thoi. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau khi đi từng nhà khất thực ở Ràjagaha, đi đến trú xứ của Thiên chủ Sakka. Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Mahakassapa từ xa đi đến, sau khi thấy, liền ra khỏi nhà, tiếp đón, lấy bát từ nơi tay cầm đem vào nhà, bới cơm từ nơi nồi, đựng đầy bát và đưa lại cho Tôn giả Mahakassapa. Ðồ ăn khất thực ấy gồm có nhiều loại canh, nhiều loại món ăn, nhiều loại gia vị, món ăn trộn lẫn với nhau.
Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Ai là chúng sanh này, lại có thần lực uy lực như vậy? ". Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Chính là Thiên chủ Sakka", sau khi biết vậy, nói với Thiên chủ Sakka:
- "Này Kosiya, chính Ông đã làm sự việc này. Chớ làm như vậy nữa!".
- Thưa Tôn giả Kassapa, mục đích của chúng tôi là được phước. Ðiều chúng tôi cần làm là được phước.
Rồi Thiên chủ Sakka, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahakassaspa, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên trên hư không, và ở giữa hư không nói lên ba lần cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kasapa! ".
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe giữa hư không Thiên chủ Sakka nói lên ba lần lời cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Thường an tịnh chánh niệm.
(VIII) (Ud 30)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi được nếm khả ái, thỉnh thoảng thân được cảm giác xúc khả ái.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo khất thực được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi đi khất thực. Vậy này chư Hiền, chúng ta hãy là ngưòi đi khất thực, thỉnh thoảng, mắt chúng ta được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai chúng ta được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi chúng ta được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi chúng ta được nếm vị khả ái, thỉnh thoảng thân chúng ta được cảm giác xúc khả ái. Chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi chúng ta sẽ đi khất thực".
Câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy chưa được nói xong, thì Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây kareri, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, này các Thày ngồi ở đây nói câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri, và câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái... chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, khi chúng ta sẽ đi khất thực ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện giữa chúng con chưa được nói xong thì Thế Tôn đến.
- Này các Tỳ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ-kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Nhưng nếu Tỷ-kheo ấy,
Y tựa vào danh vọng,
Chư Thiên không có thương.
(IX) (Ud 31)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo... (như kinh trên)... câu chuyện này khởi lên: "Này chư Hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng? "
Ở đây, một số người nói như sau: "Huấn luyện voi là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Làm xe là nghề tối thượng." Một số người nói như sau: "Nghề bắn cung là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề đao kiếm là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ấn hiệu là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề tính toán là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ước lượng là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề viết bài là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề làm thơ là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng". Ðây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều... (Xem III,8...) chưa được nói xong... "Ở đây, bạch Thế Tôn... khởi lên: "Này hiền giả ai biết nghề gì... nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong, thì Thế Tôn đã đến".
- Này các Tỷ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy... khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Ai sống không nghề nghiệp,
Nhẹ nhàng, muốn lợi ích,
Các căn được chế ngự,
Toàn diện được giải thoát,
Không nhà, không ngã sở,
Không dục, giết ác ma,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Sống cô độc một mình.
(X) (Ud 32)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới thành Chánh giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Ðời này bị thiêu đốt,
Chi phần bởi cảm xúc,
Tự mình nói rõ lên,
Chứng bệnh của chính mình,
Bởi vì nó nghĩ đến,
Do đó bị đổi khác,
Bị đổi khác vi hữu,
Bị lệ thuộc vì hữu,
Ðời này hữu chi phối,
Lại hoan hỷ với hữu,
Khi nào có hoan hỷ,
Ở đấy có sợ hãi,
Với ai có sợ hãi,
Ðấy tức là đau khổ,
Chính do đoạn diệt hữu,
Phạm hạnh này được sống.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.
Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.
Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.
11. Hãy xem đời rộng này,
Bị vô minh chi phối,
Các sanh loại được sanh,
Ưa thích được sanh khởi,
Không thoát được sanh hữu.
Với ai đốt sanh hữu,
Tất cả mọi thời, xứ,
Tất cả sanh hữu này,
Vô thường khổ biến hoại,
Như vậy, thấy như thật,
Với chơn chánh trí tuệ,
Hữu ái được đoạn tận,
Phi hữu ái hoan hỷ
Ðoạn diệt ái hoàn toàn,
Ly tham, diệt, hoàn toàn,
Như vậy là Niết Bàn,
Tỷ-kheo ấy mát lạnh,
Không chấp thủ tái sanh,
Nhiếp phục được ma vương,
Trận chiến đã chiến thắng,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Vượt qua mọi sanh hữu.
Chương Bốn
Phẩm Meghiya

(I) (Ud 34)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà Lúc bấy giờ Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.
- Này Meghiya, hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, khi khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàkà, sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy Tôn giả Meghiya suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì". Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở Jantu xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà, sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy, con suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay là rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần". Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.
Ðược nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi, này Meghiya. Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỳ-kheo khác đến!.
Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm. Nhưng đối với con, bạch Thế Tôn, có việc cần phải làm thêm nữa, có việc cộng thêm vào việc đã làm. Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi này Meghiya! Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến.
Lần thưa ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm... con sẽ đi đế rừng xoài này để tinh cần tu hành.
- Này Meghiya, khi Thầy nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tâm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.
Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay, thật hi hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại bị ba tâm ác, không thiện này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm". Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay... hại tầm".
- Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghĩ chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là giải pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Này Meghiya, với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự... tu tập trong các học pháp, được chờ đợi là phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có thể có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sống tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Với vị Tỷ-kheo thiện thân bằng hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị Tỷ-kheo sẽ có trí tuệ, đầy đủ trí đi đến thẩm sát sanh diệt với thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau.
Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham; Từ cần phải tu tập để đoạn tận sân; Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Các tầm nhỏ tế nhị,
Hiện hành ý hoan hỷ,
Do không biết đến chúng,
Tâm động chạy nhiều đời,
Nếu biết chúng tầm tư,
Nhiệt tâm và chánh niệm,
Chế ngự được tư tưởng,
Khi ý không hoan hỷ,
Bậc Chánh giác bỏ chúng,
Không còn chút dư tàn.
(II) (Ud 37)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại Upavatama, trong ngôi rừng Pàla của dân chúng Mallà. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo, đang sống trong những cốc ở trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giấc, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Thế Tôn thấy số đông các Tỷ-kheo ấy, đang sống trong những cốc ở trong rừng, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Với thân không hộ trì,
Với tà kiến chi phối,
Bị hôn trầm thụy miên,
Nhiếp phục và chế ngự,
Kẻ ấy bị rơi vào
Uy lực của Ma vương
Do vậy hộ trì tâm,
Sở hành chánh tư duy,
Ðặt chánh kiến hàng đầu,
Rõ biết tánh sanh diệt,
Nhiếp phục và chế ngự,
Hôn trầm và thụy miên
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Từ bỏ mọi ác thú.
(III) (Ud 38)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn từ con đường bước xuống, đi đến một gốc cây, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Hỏi một kẻ chăn bò đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ người chăn bò đang ngồi một bên ấy. Rồi người chăn bò ấy, sau khi được Thế Tôn, với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho phấn khởi, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời, ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo". Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi người chăn bò ấy, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi người chăn bò ấy, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi dự trữ sẵn sàng một số lớn cơm sữa đặc và bơ tươi và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của người chăn bò ấy, với chúng Tỷ-kheo, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Người chăn bò ấy, tự tay mời, làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, với cơm sữa đặc và bơ tươi. Rồi người chăn bò, khi đức Phật đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp, ngồi xuống một bên, Thế Tôn với pháp thoại, trình bày, khích lê, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, người chăn bò đang ngồi một bên, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, có ngưòi đoạt mạng sống người chăn bò ấy tại biên giới của làng. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị dẫn đầu đã được người chăn bò ấy tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với cơm sữa đặc và bơ tươi. Người chăn bò ấy, bạch Thế Tôn, đã bị một người đoạt mạng sống tại biên giói của làng.
Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
3. Nếu có độc ác gì,
Kẻ thù hại người thù,
Tâm định hướng tà vạy,
Còn làm ác hơn nữa.
(VI) (Ud 39)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna trú ở động chim bồ câu. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới được cạo xong, đang nhập định. Có hai Dạ-xoa là bạn với nhau đang đi từ phương Nam lên phương Bắc vì một vài công việc. Các Dạ-xoa ấy thấy Tôn giả Sàriputta trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới cạo xong.
Thấy vậy, một Dạ-xoa nói với Dạ-xoa thứ hai: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Ðược nghe nói vậy, vị Dạ-xoa này nói với Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn! Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực " Lần thứ hai, vị Dạ-xoa ấy nói vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Lần thứ hai, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn!. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa ấy, nói với vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu của vị Sa-môn này". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực".
Rồi Dạ-xoa ấy không nghe theo, Dạ-xoa này liền đánh trên đầu Tôn giả Sàriputta. Với cái đánh này, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao hay làm bể tan ngọn núi lớn. Ngay lúc ấy, Dạ-xoa ấy hét lớn: "Tôi bị cháy! Tôi bị cháy! " và rơi vào đại địa ngục.
Tôn giả Mahà Moggallàna với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn giả Sàriputta bị đánh trên đầu, thấy vậy liền đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:
- Mong rằng Hiền giả có thể kham nhẫn! Mong rằng Hiền giả có thể chịu đựng. Mong rằng Hiền giả không có đau đớn!
- Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Hiền giả Moggallàna, nhưng đầu tôi có đau.
- Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta!. Hiền giả Sàriputta thật có thần lực lớn, thật có uy lực lớn! Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có con Dạ-xoa đánh trên đầu Hiền giả, đánh thật mạnh. Với cái đánh ấy, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao, hay làm bể tan ngọn núi lớn và Tôn giả Sàriputta đã nói như sau: "Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Nhưng tôi có hơi đau đầu!" Thật vi diệu thay, Hiền giả Moggallàna! Thật hy hữu thay Hiền giả Moggallàna! Có đại thần lực là tôn giả Mahà Moggallàna, có đại uy lực, vì rằng Hiền giả có thể thấy được Dạ-xoa, nhưng tôi này không thấy được một con quỷ đói.
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, nghe được câu chuyện như vậy giữa hai vị long tượng ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Tâm ai như tảng đá,
An trú không dao động,
Không tham vật khả ái,
Ðáng phẫn nộ, không sân,
Tâm ai tu như vậy,
Từ đâu khổ đến được?
(V) (Ud 41)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vuờn Ghosita. Lúc bấy giờ Thế Tôn sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni... quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời đại chúng".
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, liền dọn dẹp sàng tọa của mình, cầm y bát, không nói cho thị giả biết, không báo cho chúng Tỷ-kheo biết, một mình không có người thứ hai ra đi, bộ hành hướng đến Pàlileyyaka, tiếp tục bộ hành và đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn sống ở Pàlileyyaka, khóm rừng Rakkhita, dưới gốc cây Sàla Bhadda.
Rồi một con voi, bị các con voi, các con voi cái, các con voi con, các con voi còn bú quấy rầy, ăn cỏ với đầu ngọn bị cắt đứt, ăn các cành cây bị gẫy, uống nước bị vẩn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước nó bị các con voi cái cọ xát thân hình, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi con voi ấy suy nghĩ: "Ta bị các con voi, các con voi cái... Ta vì bị phiền quấy rầy nên khổ, không có thoải mái, an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời khỏi đàn voi".
Rồi con voi ấy, rời khỏi đàn voi, đi đến Pàlileyyaka, tại khóm rừng Rakkita, ở gốc cây sàla Bhadda. Tại đấy, con voi ấy tại chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy nó dọn sạch cỏ với cái vòi của mình, đem nước uống, đồ ăn để Thế Tôn dùng.
Rồi Thế Tôn trong khi sống độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Ta trước đây bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni... quấy rầy không có thoải mái an ổn. Nay Ta sống không có bị các Tỷ-kheo... không có bị các ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo quấy rầy, vì không bị quấy rầy, Ta sống an lạc thoải mái".
Còn con voi ấy cũng khởi lên suy nghĩ như sau: "Trước đây ta sống bị các con voi.. quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Nay ta sống không bị các con voi... quầy rầy. Ta ăn cỏ với đầu ngọn không bị cắt đứt, ăn các cành cây không bị bẽ gãy, uống nước không bị vẫn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước, ta không bị các con voi cái cọ xát thân hình, ta không bị quấy rầy nên sống an lạc, thoải mái an ổn".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết hạnh viễn ly của mình, với tâm của mình biết được tâm của con voi ấy, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ðây là voi với voi,
Với voi có ngà lớn
Với tâm điều phục tâm,
Một mình vui thích rừng.
(VI) (Ud 42)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, sống ở rừng, đi khất thực, mặc y lượm từ đống rác, chỉ mang ba y, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa thích hội họp, tinh cần tinh tấn, nói hạnh đầu đà, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng... chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Không mắng, không gia hại,
Chế ngự trong giới bổn,
Tiết độ trong ăn uống,
Nằm ngồi chỉ một mình,
Chú tâm vào tăng thượng,
Chính lời chư Phật dạy.
(VII) (Ud 43)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, kiết-già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, kiết già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Tâm tăng thượng ẩn sĩ,
Không phóng dật, tu tập,
Trên con đường chánh trí,
Vị ấy không cầu muộn,
Luôn luôn được an tịnh,
Thường nắm giữ chánh niệm.
(VIII) (Ud 44)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lể, cúng dường, tôn kính nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường tôn kính, cũng nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính... Cũng không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ngoại đạo ấy, không có thể chịu nổi sự cung kính đối với Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo, đi đến nữ du sĩ Sundari, sau khi đến, nói với nữ du sĩ Sundari:
- Này chị, chị có thể làm lợi ích cho các bà con?
- Thưa các Tôn giả, con có thể làm gì? Việc gì con có thể làm được? Ðời sống của con là một vật hy sinh cho các bà con.
- Vậy Chị hãy thường đi đến Jetavana.
- Thưa vâng, các Tôn giả.
Nữ du sĩ Sundari, sau khi vâng đáp các du sĩ ngoại đạo ấy thường xuyên đi đến Jetavana. Khi các du sĩ ngoại đạo ấy được biết rằng nữ du sĩ Sundari được nhiều người thấy thường xuyên đi đến Jetavana, họ đoạt mạng sống của nữ du sĩ Sundari, tại đấy, chôn nàng vào cái hố trong các mương của Jetavana, rồi đi đến Vua Pasenadi nước Kosala, sau khi đến thưa với vua Pasenadi nước Kosala:
- Thưa Ðại vương, nữ du sĩ Sundari không được thấy nữa.
- Nhưng các Người nghĩ ở tại đâu?
- Ở tại Jetavana, thưa Ðại vương.
- Vậy hãy đi tìm ở Jetavana.
Các du sĩ ngoại đạo ấy đi tìm ở Jetavana, đào mương tại chỗ đã quăng nàng xuống, đặt nàng trên giường, đi vào Sàvatthi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba đường này đến ngã ba đường khác, họ làm cho dân chúng tức giận nói rằng: "Các Ông hãy xem công việc làm của các Thích tử! Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo, không Phạm hạnh họ tự cho là sống đúng pháp, sống thăng bằng, sống Phạm hạnh, nói lời chân thật, giữ giới, theo thiện pháp. Không có Sa-môn hạnh trong những vị này. Không có Bà-la-môn hạnh trong những vị này. Từ đâu họ có Sa-môn hạnh? Từ đâu họ có Bà-la-môn hạnh? Sa-môn hạnh của họ đã đi mất. Sau khi làm xong phận sự của đàn ông, họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Lúc bấy giờ, các người ở Sàvatthi, khi thấy các Tỷ-kheo, với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não nói rằng: "Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đáp y cầm bát, vào Sàvatthi để khất thực, khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Nay các người ở Sàvatthi khi thấy các Tỷ-kheo... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này.
- Này các Tỷ-kheo, tiếng đồn này sẽ không còn tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất.
Này các Tỷ-kheo, những ai thấy Tỷ-kheo... bức não, các Thầy hãy chỉ trích lại với bài kệ này:
8. Ai nói lời không thật,
Phải đi đến địa ngục,
Ai có làm lại nói
Việc ấy tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Sẽ đồng đẳng như nhau.
Họ là những hạng người,
Làm các hạnh hạ liệt,
Trong một đời sống khác.
Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi học thuộc lòng bài kệ này từ nơi Thế Tôn, nếu có những người thấy các Tỷ-kheo với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não, các vị liền chỉ trích lại với bài kệ này: "Ai nói lời không thật... Trong một đời sống khác ", những người suy nghĩ như sau: "Các Thích tử Sa-môn không có phạm tội. Sự việc ấy không phải do họ làm. Các Sa-môn Thích tử này đã thề như vậy." Và lời nói ấy không có lâu dài, lời nói ấy chỉ có tồn tại có một tuần, sau một tuần được biến mất. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, thật là khéo nói, lời này của Thế Tôn: "Này các Tỷ-kheo, tiếng đồ này sẽ không tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất". Bạch Thế Tôn, tiếng đồn ấy đã biến mất.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Người không biết chế ngự,
Với lời đâm người khác,
Giống như voi bị đâm,
Khi tham gia chiến trận.
Nghe những lời thô ác,
Tỷ-kheo hãy chịu đựng,
Giữ gìn không nói lên,
Tâm không có hiềm hận.
(IX) (Ud 45)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Upasena Vangantaputta trong khi độc cư thiền định, ý nghĩa như sau được khởi lên: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, bậc Ðạo sư của ta, bậc Thế Tôn của ta là bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Chúng ta được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong Pháp Luật khéo nói. Các vị đồng Phạm hạnh với ta là những người có giới, theo thiện pháp. Chúng ta là những người làm đầy đủ trong giới luật. Chúng ta có thiền định. Chúng ta có nhất tâm, là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, chúng ta có đại thần lực, đại uy lực. Hiền thiện là mạng sống của ta. Hiền thiện là sự chết của ta."
Rồi Thế Tôn với tâm của mình, biết được tâm của Tôn giả Upasena Vangantaputta, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
10. Ai sống không nhiệt não
Khi chết không sầu muộn,
Bậc trí nếu thấy đường
Giữa sầu, không sầu muộn,
Tỷ-kheo đoạn hữu ái,
Tâm tư được an tịnh,
Luân hồi sanh tử tận,
Vị ấy không tái sanh.
(X) (Ud 46)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriuptta, ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
11. Tỷ-kheo tâm an tịnh,
Chặt đứt dây sanh tử,
Luân hồi sanh tử tận,
Thoát khỏi ma trói buộc.
Chương Năm
Phẩm Trưởng Lão Sona

(I) (Ud 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:
- Này Mallikà có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?
- Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikà và con nói với Hoàng hậu Mallikà: "Này Mallikà, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?".
Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikà trả lời với con: "Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương? " Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
1. Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã,
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
(II) (Ud 48)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Thật hi hữu thay, bạch Thế Tôn. Thọ mạng ít thay, bạch Thế Tôn, là mẹ của Thế Tôn! Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu-suất".
- Chính là như vậy, này Ananda! Thọ mạng ít thay là mẹ vị Bồ Tát. Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu suất! Thọ mạng ít thay là các bà mẹ của các Bồ Tát. Sau khi sanh bảy ngày, các bà mẹ của Bồ-tát mệnh chung, và được sanh lên cõi trời Ðâu suất.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời kệ:
2. Tất cả hữu tình nào,
Sẽ có mặt ở đời,
Tất cả chúng sẽ đi,
Sau khi bỏ sắc thân,
Hiểu tất cả là vậy,
Bậc thiện sanh nhiệt tâm,
Sống đời sống Phạm hạnh.
(III) (Ud 49)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: "Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm". Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp". Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: "Ta sẽ nghe pháp".
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: "Ở đây, ai có thể hiểu được pháp". Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây, ngưòi này có thể hiểu pháp".
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm cuả các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: "Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt". Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng,, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tuỳ pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: "Ai là người hủi này lại đi dạo chơi " và vị ấy nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thanh thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Như người có mắt nhìn,
Cố gắng tránh lồi lõm,
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Ðiều ác giữa đời này.
(IV) (Ud 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana, đang hành hạ các con cá. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, thấy vậy đi đến các thiếu niên ấy, sau khi đến nói với chúng:
- Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Nếu con không ưa khổ,
Dầu bất cứ chỗ nào,
Chớ làm các nghiệp ác,
Trước mặt hay sau lưng
Nếu Con làm, sẽ làm,
Các nghiệp ác, bất thiện,
Con không giải thoát khổ,
Dầu nhảy vọt và chạy.
(V) (Ud 51)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Dubbarà, trong lầu mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày trai giới đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến Thế Tôn, và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã sắp qua. Chúng Tỳ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến rồi bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Này Ananda, hội chứng không thanh tịnh. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna suy nghĩ: "Vì người nào mà Thế Tôn nói: 'Này Ananda, hội chúng này không thanh tịnh'?" Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahà Moggallàna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
- Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Moggallàna nói với người ấy:
- Hiền giã hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahà Moggallàna. Lần thứ ba, Hiền giả ấy im lặng. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nắm tay người ấy, dắt tay khỏi ngoài cửa, gài then cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đuổi ra rồi. Hội chúng nay thanh tịnh Bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết giảng giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Thật vi diệu thay, Moggallàna! Thật hy hữu thay, Moggallàna! Cho đến khi bị cầm tay, người ngu si mới đi ra.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pàtimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn. Sự kiện không có được. Này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được là Như Lai có thể làm Uposastha với hội chúng không thanh tịnh, có thể đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy chúng như vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẩm. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Vì rằng phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo vì rằng, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu, chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loài sinh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, biển lớn là trú xứ các sanh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp, vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thực là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ kheo trong Pháp và Luật này, đây là Pháp vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú, trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng này các Tỷ-kheo, người ấy là ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất định... và chúng Tăng sống xa vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm tăng. Cũng vậy này các Tỷ Kheo, nếu có những vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới, không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm tăng. Này các Tỳ Kheo, nếu có nhiều vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy, được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xà-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã-não. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu này như Bốn niệm xứ... Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loại sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con timi, timigalà, timiramingalà, những loại Asurà, các loài Nàgà, các loài Gandhabbà. Trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loại sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này. Bậc Dự lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả; bậc Nhất lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất lai quả; bậc Bất lai, bậc đang hướng đến chứng Bất lai quả;bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này... quả A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Che kín, trời có mưa,
Mở rộng, trời không mưa,
Do vậy, hãy mở rộng
Cái gì bị che kín,
Như vậy sẽ không mưa.
(VI) (Ud 57)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna trú ở giữa dân chúng Avanti, gần Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ nam cư sĩ Sona Kotikanna là thị giả của Tôn giả Mahàkaccàna. Rồi nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Như Tôn giả Mahàkaccàna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Sona Kotikanna thưa Tôn giả Mahàakaccàna.
- Thưa Tôn giả, ở đây trong khi con độc cư thiền tịnh... sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia.
Nghe nói vậy, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotikanna:
- Này Sona, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một bữa ăn, nằm một mình cho đến trọn đời. Này Sona, tại đây hãy sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Như vậy lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Sona Kotikanna được giảm nhẹ bớt.
Lần thứ hai, trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình. Lần thứ hai nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna..."... Hãy cho con xuất gia". Lần thứ hai, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotipanna:
- Này Sona, thật khó thay... được giảm nhẹ bớt. Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình.
Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna và thưa "... Hãy cho con xuất gia". Rồi Tôn giả Mahàkaccàna cho nam cư sĩ Sona Kotikanna xuất gia. Lúc bấy giờ, tại Avantisudakhhinàpatha, có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahàkaccàna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc tụ tập được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Sona.
Tôn giả Sona sau khi an cư mùa mưa cô độc thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mắt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". Rồi Tôn giả Sona vào buổi chiều từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahàkacàna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Sona thưa với Tôn giả Mahàkaccàna:
- Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn... Chánh Ðẳng Giác".
- Lành thay, lành thay Sona! Hãy đi này Sona, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Này Sona, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khởi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não nhẹ nhàng, khoẻ mạnh, an ổn không!.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Tôn giả Sona hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahàkaccàna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahàkaccàna, thân bên hữu hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng đến Sàvatthi, tiếp tục bộ hành đi đến Sàvatthi,Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:
- Bậc giáo thọ sư của con, bạch Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm... có an ổn không?
- Này Tỷ-kheo, Thầy có kham nhẫn được không? Thầy có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây có mệt mỏi không? Khất thực có mệt mỏi không?
- Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Thế Tôn, con đi đường không có mệt nhọc! Khất thực không có mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này.
Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thế Tôn bảo ta: "Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này". Như vậy Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Sona ấy". Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy Tôn giả Ananda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Sona. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tịnh xá. Tôn giả Sona, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào Tịnh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Sona:
- Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Sona chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn cám ơn và nói:
- Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn, minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, Thầy có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?
- Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.
- Này Tỷ-kheo, vì sao Thầy lại để chậm như thế?
- Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
6. Thấy nguy hại ở đời,
Biết pháp không sanh y,
Bậc Thánh không ưa ác,
Bậc tịnh không ưa ác!
(VII) (Ud 58)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kankharevata ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ. Thế Tôn thấy Tôn giả Kankharevata ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Phàm những nghi hoặc gì,
Ðời này hay đời sau,
Tự mình chưa cảm thọ,
Hay người khác cảm thọ,
Người hành thiền từ bỏ,
Hoàn toàn tất cả chúng,
Nhiệt tâm hành Phạm hạnh.
(VIII) (Ud 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda trong ngày trai giới, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực. Devadatta thấy Tôn giả Ananda đi khất thực ở Ràjagaha, sau khi thấy, đi đến Tôn giả Ananda và nói với Tôn giả Ananda.
- Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các tăng sự, khác với Thế Tôn, khác với chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Ananda, sau khi đi khất thực ở Ràjagaha, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Theá Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Ràjagaha để khất thực. Bạch Thế Tôn, Devadatta thấy con đi khất thực ở Ràjagaha, thấy vậy liền đi đến con và nói: "Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda.. khác với chúng Tỷ-kheo!". Hôm nay, bạch Thế Tôn, Devadatta sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Dễ làm là việc lành,
Ðối với kẻ làm lành;
Khó làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm lành;
Dễ làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm ác;
Khó làm là việc ác,
Ðối với các bậc Thánh.
(IX) (Ud 60)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn bộ hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn, không xa Thế Tôn bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng vượt đà quá xa. Thế Tôn thấy nhiều thanh niên, không xa bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng, vượt đà quá xa.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Lời nói của kẻ trí,
Khi bối rối luống cuống,
Rơi vào nhiều đề tài,
Nhiều lãnh vực sai khác,
Họ muốn miệng mở rộng,
Cái gì dắt dẫn họ,
Họ đâu có biết rõ.
(X) (Ud 61)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Với thân, tâm an trú,
Ðứng, ngồi hay nằm xuống,
Tỷ-kheo an trú niệm,
Trước sau được thù thắng,
Trước sau được thù thắng,
Vượt tầm mắt ác ma.

Exclamations

Translated by: Thanissaro

1. Bodhivagga — The Chapter About Awakening
I.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Bodhi tree — the tree of awakening — newly awakened. And on that occasion he sat at the root of the Bodhi tree for seven days in one session, sensitive to the bliss of release. Then, with the passing of seven days, after emerging from that concentration, in the first watch of the night, he gave close attention to dependent co-arising in forward order,[1] thus:
When this is, that is.
From the arising of this comes the arising of that.
In other words:
From ignorance as a requisite condition come fabrications.
From fabrications as a requisite condition comes consciousness.
From consciousness as a requisite condition comes name-&-form.
From name-&-form as a requisite condition come the six sense media.
From the six sense media as a requisite condition comes contact.
From contact as a requisite condition comes feeling.
From feeling as a requisite condition comes craving.
From craving as a requisite condition comes clinging/sustenance.[2]From clinging/sustenance as a requisite condition comes becoming.
From becoming as a requisite condition comes birth.
From birth as a requisite condition, then aging-&-death, sorrow, lamentation, pain, distress, and despair come into play. Such is the origination of this entire mass of suffering & stress.[3]
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
As phenomena grow clear
to the brahman — ardent, in jhāna —
his doubts all vanish
when he discerns
a phenomenon with its cause.
Notes
1.
In the parallel passage at Mv.I.1.2, the Buddha gives attention to dependent co-arising in both forward and reverse order.
2.
This hybrid word — clinging/sustenance — is a translation of the Pali term upādāna. Upādāna has a hybrid meaning because it is used to cover two sides of a physical process metaphorically applied to the mind: the act of clinging whereby a fire takes sustenance from a piece of fuel, together with the sustenance offered by the fuel. On the level of the mind, upādāna denotes both the act of clinging and the object clung to, which together give sustenance to the process of becoming and its attendant factors leading to suffering and stress. For more on this image and its implications for the practice, see The Mind Like Fire Unbound.
3.
Notice that dependent co-arising (paṭicca samuppāda) is expressed in terms of processes — of events and actions — without reference to a framework containing those processes. In other words, it doesn't mention the existence or non-existence of agents doing the actions, or of a framework in time and space in which these processes happen. Thus it makes possible a way of understanding the causes of suffering and stress without reference to the existence or non-existence of an "I" or an "other" responsible for those events. Instead, the events are viewed simply as events in the context of the process — a way of viewing that makes it possible to abandon clinging for any of these events, so as to bring suffering to an end. Even the idea of an "I" or an "other" is seen simply as part of the process (under the factors of fabrication and the sub-factor of attention under "name" in name-and-form). This is what makes possible the abandoning of any attachment to the conceit "I am," as mentioned in Ud 2:1, 4:1, 6:6, and 7:1. In this way, the treatment of dependent co-arising in the first three udānas, while terse, actually sets the stage for understanding some of the more paradoxical teachings that appear later in the collection.
For a discussion of dependent co-arising in general, see The Shape of Suffering. For further discussion of its role in framing and abandoning thoughts of "I am," see Skill in Questions, chapters 3 and 8.
II.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Bodhi tree — the tree of awakening — newly awakened. And on that occasion he sat at the root of the Bodhi tree for seven days in one session, sensitive to the bliss of release. Then, with the passing of seven days, after emerging from that concentration, in the second watch of the night, he gave close attention to dependent co-arising in reverse order,[1] thus:
When this isn't, that isn't.
From the cessation of this comes the cessation of that.
In other words:
From the cessation of ignorance comes the cessation of fabrications.
From the cessation of fabrications comes the cessation of consciousness.
From the cessation of consciousness comes the cessation of name-&-form.
From the cessation of name-&-form comes the cessation of the six sense media.
From the cessation of the six sense media comes the cessation of contact.
From the cessation of contact comes the cessation of feeling.
From the cessation of feeling comes the cessation of craving.
From the cessation of craving comes the cessation of clinging/sustenance.
From the cessation of clinging/sustenance comes the cessation of becoming.
From the cessation of becoming comes the cessation of birth.
From the cessation of birth, then aging-&-death, sorrow, lamentation, pain, distress, and despair all cease. Such is the cessation of this entire mass of suffering & stress.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
As phenomena grow clear
to the brahman — ardent, in jhāna —
his doubts all vanish
when he penetrates the ending
of requisite conditions.
Note
1.
In the parallel passage at Mv.I.1.4, the Buddha gives attention to dependent co-arising in both forward and reverse order.
III.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Bodhi tree — the tree of awakening — newly awakened. And on that occasion he sat at the root of the Bodhi tree for seven days in one session, sensitive to the bliss of release. Then, with the passing of seven days, after emerging from that concentration, in the third watch of the night, he gave close attention to dependent co-arising in forward and reverse order, thus:
When this is, that is.
From the arising of this comes the arising of that.
When this isn't, that isn't.
From the cessation of this comes the cessation of that.
In other words:
From ignorance as a requisite condition come fabrications.
From fabrications as a requisite condition comes consciousness.
From consciousness as a requisite condition comes name-&-form.
From name-&-form as a requisite condition come the six sense media.
From the six sense media as a requisite condition comes contact.
From contact as a requisite condition comes feeling.
From feeling as a requisite condition comes craving.
From craving as a requisite condition comes clinging/sustenance.
From clinging/sustenance as a requisite condition comes becoming.
From becoming as a requisite condition comes birth.
From birth as a requisite condition, then aging-&-death, sorrow, lamentation, pain, distress, and despair come into play. Such is the origination of this entire mass of suffering & stress.
Now from the remainderless fading and cessation of that very ignorance comes the cessation of fabrications. From the cessation of fabrications comes the cessation of consciousness. From the cessation of consciousness comes the cessation of name-&-form. From the cessation of name-&-form comes the cessation of the six sense media. From the cessation of the six sense media comes the cessation of contact. From the cessation of contact comes the cessation of feeling. From the cessation of feeling comes the cessation of craving. From the cessation of craving comes the cessation of clinging/ sustenance. From the cessation of clinging/sustenance comes the cessation of becoming. From the cessation of becoming comes the cessation of birth. From the cessation of birth, then aging-&-death, sorrow, lamentation, pain, distress, and despair all cease. Such is the cessation of this entire mass of suffering & stress.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
As phenomena grow clear
to the brahman — ardent, in jhāna —
he stands,
routing Māra's army,
as the sun,
illumining the sky.[1]
Note
1.
This verse is an example of a "lamp" — a poetic figure in which one word, such as an adjective or a verb, functions in two or more different clauses or sentences. The name of the figure comes from the image of the different clauses or sentences "radiating" from the one word. In this case the lamp-word is "stands." For another example of a lamp, see Ud 5.3.
IV.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Bodhi tree — the tree of awakening — newly awakened. And on that occasion he sat at the root of the Bodhi tree for seven days in one session, sensitive to the bliss of release. At the end of seven days, he emerged from that concentration.
Then a certain overbearing brahman went to the Blessed One and, on arrival, exchanged courteous greetings with him. After an exchange of friendly greetings & courtesies, he stood to one side. As he was standing there, he said to the Blessed One, "To what extent, Master Gotama, is one a brahman? And which are the qualities that make one a brahman?"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Any brahman
who has banished evil qualities,[1]
— not overbearing,
not stained,
his mind controlled —
gone to the end of wisdom,[2]
the holy life completed:[3]
Rightly would that brahman
speak the holy teaching.
He has no swelling of pride[4]
anywhere in the world.
Notes
1.
This line contains a wordplay on the words brāhmaṇa and bāhita(banished) — the same wordplay used in Dhp 388 and Ud 1.5.
2.
This line plays with the term vedanta, which can mean "end of wisdom," "end of the Vedas," or "supplement to the Vedas." In the latter two cases, it would be a term referring to a brahman-by-birth who has studied all the Vedas and their supplements, but the Buddha is obviously giving this term a different meaning here.
3.
Here and two lines down, the word "holy" translates brahma.
4.
See Sn 4.10 and Sn 4.14.
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Sāriputta, Ven. Mahā Moggalāna, Ven. Mahā Kassapa, Ven. Mahā Kaccāyana, Ven. Mahā Koṭṭhita, Ven. Mahā Kappina, Ven. Mahā Cunda, Ven. Anuruddha, Ven. Revata, and Ven. Nanda[1] went to the Blessed One. The Blessed One saw them coming from afar and, on seeing them, addressed the monks, "Monks, those are brahmans who are coming. Monks, those are brahmans who are coming."
When this was said, a certain monk who was a brahman by birth said to the Blessed One, "To what extent, lord, is one a brahman? And which are the qualities that make one a brahman?"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Having banished evil qualities,[2]
those who go about ever mindful,
awakened, their fetters ended:
They, in the world,
are truly brahmans.
Notes
1.
This translation follows the Thai and Burmese versions of this passage. The Sri Lankan version replaces Ven. Nanda in this list with Ven. Ānanda; the PTS version replaces him with Ven. Devadatta and Ven. Ānanda. These latter two readings would appear to be mistaken, as the Buddha in this sutta defines "brahman" as one whose fetters are ended — i.e., an arahant — whereas Ven. Ānanda became an arahant only after the Buddha's passing; Devadatta, after having caused a split in the Saṅgha toward the end of the Buddha's life, fell into hell.
2.
This line contains a wordplay on the words brāhmaṇa and bāhita (banished) — the same wordplay used in Dhp 388 and Ud 1.4.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion Ven. Mahā Kassapa was staying at the Pipphali Cave, afflicted, in pain, & seriously ill. Then, at a later time, he recovered from his illness. When he had recovered from the illness, the thought occurred to him: "What if I were to go into Rājagaha for alms?"
Now on that occasion 500 devatās were in a state of eagerness for the chance to give alms to Ven. Mahā Kassapa. But Ven. Mahā Kassapa, turning down those 500 devatās, early in the morning adjusted his under robe[1] and — carrying his bowl & robes — went into Rājagaha for alms along the streets of the poor, the streets of the indigent, the streets of the weavers. The Blessed One saw that Ven. Mahā Kassapa had gone into Rājagaha for alms along the streets of the poor, the streets of the indigent, the streets of the weavers.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Supporting no others,
unknown,[2]
tamed, established
in what is essential,
effluents ended,
anger disgorged:
He's what I call
a brahman.
Notes
1.
According to the protocols given in Cv.VIII, a monk leaving a monastery in the wilderness with the purpose of going for alms would wear just his under robe, while carrying his upper and outer robes folded over his shoulder or upper back. On approaching an inhabited area he would stop and make sure that his under robe was neatly arranged: covering the area from above his navel to below his knees, and hanging down evenly in front and behind. Then he would put on his upper and outer robe, arranged so that the upper robe was a lining for the outer robe. If he was wearing sandals, he would take them off and place them in a small cloth bag. Only then would he enter the inhabited area for alms.
2.
There is an alliterative play of words here on anañña (no others) and aññāta (unknown).
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Pāva at the Ajakalāpaka [Herd-of-Goats] shrine, the dwelling of the Ajakalāpaka spirit. And on that occasion, in the pitch-black darkness of the night, the Blessed One was sitting in the open air, and the rain was falling in scattered drops.
Then the Ajakalāpaka spirit — wanting to cause fear, terror, & horripilation in the Blessed One — went to him and, on arrival, not far from him, three times made a commotion & pandemonium: "Commotion & pandemonium! Commotion & pandemonium! Commotion & pandemonium! — That's a goblin for you, contemplative!"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
When,
with regard to his own qualities,[1]
a brahman is one
who has gone beyond,
he transcends this goblin
and his pandemonium.
Note
1.
Dhammas. This is apparently a reference to skillful and unskillful mental qualities — which would mean that this sutta sides with the passages in the Canon categorizing unbinding not as a dhamma, but as the transcending of all dhammas. (The suttas in general are inconsistent on this point. Iti 90, among others, states clearly that unbinding counts as a dhamma. AN 10.58, on the other hand, calls unbinding the ending of all dhammas. Sn 5.6 calls the attainment of the goal the transcending of all dhammas, just as Sn 4.6 and Sn 4.10 state that the arahant has transcended dispassion, said to be the highest dhamma. MN 22, in the famous simile of the raft, states that all dhammas are abandoned at the end of the path.)
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Saṅgāmaji had arrived in Sāvatthī to see the Blessed One. His former wife heard, "Master Saṅgāmaji, they say, has arrived in Sāvatthī." Taking her small child, she went to Jeta's Grove. On that occasion Ven. Saṅgāmaji was sitting at the root of a tree for the day's abiding. His former wife went to him and, on arrival, said to him, "Look after me, contemplative — (a woman) with a little son." When this was said, Ven. Saṅgāmaji remained silent. A second time... A third time, his former wife said to him, "Look after me, contemplative — (a woman) with a little son." A third time, Ven. Saṅgāmaji remained silent.
Then his former wife, taking the baby and leaving him in front of Ven. Saṅgāmaji, went away, saying, "That's your son, contemplative. Look after him."
Then Ven. Saṅgāmaji neither looked at the child nor spoke to him. His wife, after going not far away, was looking back and saw Ven. Saṅgāmaji neither looking at the child nor speaking to him. On seeing this, the thought occurred to her, "The contemplative doesn't even care about his son." Returning from there and taking the child, she left.
The Blessed One — with his divine eye, purified and surpassing the human — saw Ven. Saṅgāmaji's former wife misbehaving in that way.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
At her coming,
he didn't delight;
at her leaving,
he didn't grieve.
A victor in battle, freed from the tie:[1]
He's what I call
a brahman.
Note
1.
This line is a double wordplay on Saṅgāmaji's name. Literally, it means a victor in battle — a compound of saṅgāma (battle) and -ji (victor) — but the Buddha also extracts from the first member of the compound the word saṅgā, which means "from the tie." Strictly speaking, saṅgāma and saṅgā are not related to each other. The ability to engage in wordplay using unrelated words like this was considered a sign of intelligence and wit.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Gayā at Gayā Head. And on that occasion, many ascetics — on the cold winter nights of the "Between-the-Eights,"[1] when the snow was falling in Gayā — jumped up in the water, jumped down in the water, did a jumping-up-&-down in the water, poured (water over themselves), and performed the fire sacrifice, (thinking,) "Through this there is purity."
The Blessed One saw those many ascetics — on the cold winter nights of the "Between-the-Eights," when the snow was falling in Gayā — jumping up in the water, jumping down in the water, doing a jumping-up-&-down in the water, pouring (water over themselves), and performing the fire sacrifice, (thinking,) "Through this there is purity."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Not by water is one clean,
though many people are bathing here.
Whoever has truth
& rectitude:
He's a clean one;
he, a brahman.[2]
Note
1.
The "Eights" are the waning half-moon days (each on the eighth day of the waning cycle) after three of the full moons in the cold season. These are the dates of brahmanical ceremonies for making merit for the dead. The period between the first and last of these dates — the "Between-the-Eights" — is regarded in northern India as the coldest part of the year. See AN 3.34.
2.
The last half of this verse is identical with the last half of Dhp 393.
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Bāhiya of the Bark-cloth was living in Suppāraka by the seashore. He was worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. Then, when he was alone in seclusion, this line of thinking appeared to his awareness: "Now, of those who in this world are arahants or have entered the path of arahantship, am I one?"
Then a devatā who had once been a blood relative of Bāhiya of the Bark-cloth — compassionate, desiring his welfare, knowing with her own awareness the line of thinking that had arisen in his awareness — went to him and on arrival said to him, "You, Bāhiya, are neither an arahant nor have you entered the path of arahantship. You don't even have the practice whereby you would become an arahant or enter the path of arahantship."
"Then who, in this world with its devas, are arahants or have entered the path to arahantship?"
"Bāhiya, there is a city in the northern country named Sāvatthī. There the Blessed One — an arahant, rightly self-awakened — is living now. He truly is an arahant and teaches the Dhamma leading to arahantship."
Then Bāhiya, deeply chastened by the devatā, left Suppāraka right then and, in the space of one night,[1] went all the way to where the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now on that occasion, a large number of monks were doing walking meditation in the open air. He went to them and, on arrival, said, "Where, venerable sirs, is the Blessed One — the arahant, rightly self-awakened — now staying? We want to see that Blessed One — the arahant, rightly self-awakened."
"The Blessed One has gone into town for alms."
Then Bāhiya, hurriedly leaving Jeta's Grove and entering Sāvatthī, saw the Blessed One going for alms in Sāvatthī — serene & inspiring serene confidence, calming, his senses at peace, his mind at peace, having attained the utmost tranquility & poise, tamed, guarded, his senses restrained, a Great One (nāga). Seeing him, he approached the Blessed One and, on reaching him, threw himself down, with his head at the Blessed One's feet, and said, "Teach me the Dhamma, O Blessed One! Teach me the Dhamma, O One-Well-Gone, that will be for my long-term welfare & bliss."
When this was said, the Blessed One said to him, "This is not the time, Bāhiya. We have entered the town for alms."
A second time, Bāhiya said to the Blessed One, "But it is hard to know for sure what dangers there may be for the Blessed One's life, or what dangers there may be for mine. Teach me the Dhamma, O Blessed One! Teach me the Dhamma, O One-Well-Gone, that will be for my long-term welfare & bliss."
A second time, the Blessed One said to him, "This is not the time, Bāhiya. We have entered the town for alms."
A third time, Bāhiya said to the Blessed One, "But it is hard to know for sure what dangers there may be for the Blessed One's life, or what dangers there may be for mine. Teach me the Dhamma, O Blessed One! Teach me the Dhamma, O One-Well-Gone, that will be for my long-term welfare & bliss."
"Then, Bāhiya, you should train yourself thus: In reference to the seen, there will be only the seen. In reference to the heard, only the heard. In reference to the sensed, only the sensed. In reference to the cognized, only the cognized. That is how you should train yourself. When for you there will be only the seen in reference to the seen, only the heard in reference to the heard, only the sensed in reference to the sensed, only the cognized in reference to the cognized, then, Bāhiya, there is no you in connection with that. When there is no you in connection with that, there is no you there. When there is no you there, you are neither here nor yonder nor between the two. This, just this, is the end of stress."[2]
Through hearing this brief explanation of the Dhamma from the Blessed One, the mind of Bāhiya of the Bark-cloth right then and there was released from effluents through lack of clinging/sustenance. Having exhorted Bāhiya of the Bark-cloth with this brief explanation of the Dhamma, the Blessed One left.
Now, not long after the Blessed One's departure, Bāhiya was attacked & killed by a cow with a young calf. Then the Blessed One, having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from his alms round with a large number of monks, saw that Bāhiya had died. On seeing him, he said to the monks, "Take Bāhiya's body, monks, and, placing it on a litter and carrying it away, cremate it and build him a memorial. Your companion in the holy life has died."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, the monks — placing Bāhiya's body on a litter, carrying it away, cremating it, and building him a memorial — went to the Blessed One. On arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to him, "Bāhiya's body has been cremated, lord, and his memorial has been built. What is his destination? What is his future state?"
"Monks, Bāhiya of the Bark-cloth was wise. He practiced the Dhamma in accordance with the Dhamma and did not pester me with issues related to the Dhamma. Bāhiya of the Bark-cloth, monks, is totally unbound."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Where water, earth,
fire, & wind
have no footing:
There the stars don't shine,
the sun isn't visible.
There the moon doesn't appear.
There darkness is not found.
And when a sage,
a brahman through sagacity,
has realized [this] for himself,
then from form & formless,
from bliss & pain,
he is freed.
Note
1.
Eka-ratti-parivāsena: This phrase can also mean, "taking one-night sojourns" (i.e., resting no more than one night in any one spot); or "with a one-night sojourn." The Commentary prefers the meaning used in the translation, noting that the distance between Suppāraka and Sāvatthī amounts to 120 leagues, or approximately 1,200 miles. In its version of Bāhiya's story, Bāhiya had no meditative attainments at all, and so the miraculous speed of his journey had to be attributed either to the power of the deva or the power of the Buddha. However, he may actually have had strong powers of concentration with some attendant psychic powers of his own.
2.
For a discussion of these instructions, see the article, "Food for Awakening: The Role of Appropriate Attention."
2. Muccalindavagga — The Chapter About Muccalinda
I.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Muccalinda tree, newly awakened. And on that occasion he sat for seven days in one session, sensitive to the bliss of release.
And on that occasion a great, out-of-season storm-cloud rose up, with seven days of rainy weather, cold winds, & intense darkness. Then Muccalinda the nāga king — leaving his dwelling place and encircling the Blessed One's body seven times with his coils — stood with his great hood spread over the Blessed One, (thinking,) "Don't let the Blessed One be disturbed by cold. Don't let the Blessed One be disturbed by heat. Don't let the Blessed One be disturbed by the touch of flies, mosquitoes, wind, sun, & creeping things."
Then, with the passing of seven days, the Blessed One emerged from that concentration. Muccalinda the nāga king, realizing that the sky had cleared and was free of clouds, unraveled his coils from the body of the Blessed One, dropped his own appearance and, assuming the appearance of a young man, stood in front of the Blessed One with hands before his heart, paying homage.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Blissful is solitude
for one who's content,
who has heard the Dhamma,
who sees.
Blissful is non-affliction
with regard for the world,
restraint for living beings.
Blissful is dispassion
with regard for the world,
the overcoming of sensuality.
But the subduing of the conceit "I am" [1] —
That is truly
the ultimate bliss.
Note
1.
See Ud 1.1, note 3.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion a large number of monks, after the meal, on returning from their alms round, were sitting gathered together in the assembly hall when this discussion arose: "Friends, which of these two kings has greater wealth, greater possessions, the greater treasury, the larger realm, the greater stock of riding animals, the greater army, greater power, greater might: King Seniya Bimbisāra of Magadha or King Pasenadi of Kosala?" And this discussion came to no conclusion.
Then the Blessed One, emerging from his seclusion in the late afternoon, went to the assembly hall and, on arrival, sat down on a seat laid out. Seated, he addressed the monks: "For what topic are you sitting together here? And what was the discussion that came to no conclusion?"
"Just now, lord, after the meal, on returning from our alms round, we were sitting gathered here at the assembly hall when this discussion arose: 'Friends, which of these two kings has greater wealth, greater possessions, the greater treasury, the larger realm, the greater stock of riding animals, the greater army, greater power, greater might: King Seniya Bimbisāra of Magadha or King Pasenadi of Kosala?' This was the discussion that had come to no conclusion when the Blessed One arrived."
"It isn't proper, monks, that sons of good families, on having gone forth out of faith from home to the homeless life, should talk on such a topic. When you have gathered you have two duties: either Dhamma-talk or noble silence."[1]
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Any sensual bliss in the world,
any heavenly bliss,
isn't worth one sixteenth-sixteenth
of the bliss of the ending of craving.
Note
1.
SN 21.1 equates noble silence with the second jhāna. This apparently relates to the fact that directed thought and evaluation, which MN 44 identifies as verbal fabrications, are abandoned when going from the first jhāna into the second.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion, a large number of boys on the road between Sāvatthī & Jeta's Grove were hitting a snake with a stick. Then early in the morning the Blessed One adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Sāvatthī for alms. He saw the large number of boys on the road between Sāvatthī & Jeta's Grove hitting the snake with a stick.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Whoever hits with a stick
beings desiring ease,
when he himself is looking for ease,
will meet with no ease after death.
Whoever doesn't hit with a stick
beings desiring ease,
when he himself is looking for ease,
will meet with ease after death.[1]
Note
1.
These verses are identical with Dhp 131-132.
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the Blessed One was worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. The community of monks was also worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. But the wanderers of other sects were not worshipped, revered, honored, venerated, or given homage; nor were they recipients of robes, alms food, lodgings, or medicinal requisites for the sick. So the wanderers of other sects, unable to stand the veneration given to the Blessed One and the community of monks, on seeing monks in village or wilderness, would insult, revile, irritate, & harass them with discourteous, abusive language.
Then a large number of monks went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to him, "At present the Blessed One is worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. The community of monks is also worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. But the wanderers of other sects are not worshipped, revered, honored, venerated, or given homage; nor are they recipients of robes, alms food, lodgings, or medicinal requisites for the sick. So the wanderers of other sects, unable to stand the veneration given to the Blessed One and the community of monks, on seeing monks in village or wilderness, insult, revile, irritate, & harass them with discourteous, abusive language."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
When in contact with pleasure or pain
in village or wilderness,
don't take it as yours or as others'.
Contacts make contact
dependent on a sense of acquisition.
Where there's no sense of acquisition,
contacts would make contact
with what?
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion a certain lay follower from Icchānaṅgalaka had arrived in Sāvatthī on some business affairs. Having settled his affairs in Sāvatthī, he went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One said to him, "At long last you have managed to come here."
"For a long time, lord, have I wanted to come see the Blessed One, but being involved in one business affair after another, I have not been able to do so."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
How blissful it is, for one who has nothing
who has mastered the Dhamma,
is learned.
See him suffering, one who has something,
a person bound in body
with people.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the young wife of a certain wanderer was pregnant and on the verge of delivery. So she said to the wanderer, "Go, brahman, get some oil for my delivery."
When this was said, the wanderer said to her, "But where can I get any oil?"
A second time, she said to him, "Go, brahman, get some oil for my delivery."
A second time, he said to her, "But where can I get any oil?"
A third time, she said to him, "Go, brahman get some oil for my delivery."
Now on that occasion at the storehouse of King Pasenadi Kosala contemplatives & brahmans were being given as much oil or ghee as they needed to drink, but not to take away. So the thought occurred to the wanderer, "At present at the storehouse of King Pasenadi Kosala contemplatives & brahmans are being given as much oil or ghee as they need to drink, but not to take away. Suppose, having gone there, I were to drink as much oil as I need and, on returning home, vomiting it up, were to give it to use at this delivery?"
So, having gone to the storehouse of King Pasenadi Kosala, he drank as much oil as he needed but, on returning home, was unable to bring it up or pass it down. So he rolled back & forth, suffering from fierce pains, sharp & severe. Then early in the morning the Blessed One adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Sāvatthī for alms. He saw the wanderer rolling back & forth, suffering from fierce pains, sharp & severe.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
How blissful it is, for one who has nothing.
Attainers-of-wisdom
are people with nothing.
See him suffering, one who has something,
a person bound in mind
with people.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion the dear and beloved only son of a certain lay follower had died. So a large number of lay followers — their clothes wet, their hair wet — went to the Blessed One in the middle of the day and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there the Blessed One said to them: "Why have you come here — your clothes wet, your hair wet — in the middle of the day?"
When this was said, the lay follower said to the Blessed One, "My dear and beloved only son, lord, has died. This is why we have come here — our clothes wet, our hair wet — in the middle of the day."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Tied down by the allure
of what seems dear,[1]
heavenly beings, most people,
worn out with misery,
fall under the sway
of the King of Death.
But those who, day & night,
heedfully abandon
what seems dear,
dig up misery
by the root —
Death's bait
so hard
to overcome.
Note
1.
Following the reading, piyarūpassāda-gaddhitāse in the Thai, Burmese, and BJT editions. The Sri Lankan edition available from the Journal of Buddhist Ethics has, piyarūpa-sātarūpa-gaddhitā ye: "Those tied down by what seems dear & what seems agreeable"; the PTS edition, piyarūpāsāta-gaddhitā ve: "Truly tied down by what seems dear & what is disagreeable." The parallel passage in the Udānavarga (5.10) has, priyarūpa-sāta-grathitā: "Tied down by what seems dear and is agreeable."
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Kuṇḍiya in the Kuṇḍiṭṭhāna forest. And on that occasion Suppavāsā the Koliyan-daughter had been seven years pregnant and seven days in difficult labor. She — touched by fierce, sharp pains — endured them with three thoughts: "How rightly self-awakened is the Blessed One who, abandoning this sort of suffering, teaches the Dhamma! How well-practiced is the community of the Blessed One's disciples who practice, abandoning this sort of suffering! How truly blissful is unbinding, where this sort of pain is not found!"
Then Suppavāsā said to her husband, "Come, young master. Go to the Blessed One and, on arrival, showing reverence with your head to his feet in my name, ask whether he is free from illness & affliction, is carefree, strong, & living in comfort, saying: 'Suppavāsā the Koliyan-daughter, lord, shows reverence with her head to your feet and asks whether you are free from illness & affliction, are carefree, strong, & living in comfort.' And say this: 'Suppavāsā has been seven years pregnant and seven days in difficult labor. She — touched by fierce, sharp pains — endures them with three thoughts: "How rightly self-awakened is the Blessed One who, abandoning this sort of suffering, teaches the Dhamma! How well-practiced is the community of the Blessed One's disciples who practice, abandoning this sort of suffering! How truly blissful is unbinding, where this sort of pain is not found!"'"
Responding, "Excellent!" to Suppavāsā the Koliyan-daughter, the Koliyan-son went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to the Blessed One, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Suppavāsā the Koliyan-daughter, lord, shows reverence with her head to your feet and asks whether you are free from illness & affliction, are carefree, strong, & living in comfort. And she says this: 'Suppavāsā has been seven years pregnant and seven days in difficult labor. She — touched by fierce, sharp pains — endures them with three thoughts: "How rightly self-awakened is the Blessed One who, abandoning this sort of suffering, teaches the Dhamma! How well-practiced is the community of the Blessed One's disciples who practice, abandoning this sort of suffering! How truly blissful is unbinding, where this sort of pain is not found!"'"
[The Blessed One said:] "May Suppavāsā the Koliyan-daughter be well & free from disease. And may she deliver a son free from disease." And at the same time as the Blessed One's statement, Suppavāsā the Koliyan-daughter — well & free from disease — delivered a son free from disease.
Saying, "Very well, lord," the Koliyan-son, delighting in & approving of the Blessed One's words, got up from his seat, bowed down to the Blessed One and — circling him to the right — returned to his home. He saw that Suppavāsā the Koliyan-daughter — well & free from disease — had delivered a son free from disease. On seeing this, the thought occurred to him, "How amazing! How astounding! — the Tathāgata's great power, great might, in that, at the same time as the Blessed One's statement, Suppavāsā the Koliyan-daughter — well & free from disease — would deliver a son free from disease!" Gratified, he was joyful, rapturous, & happy.
Then Suppavāsā said to her husband, "Come, young master. Go to the Blessed One and, on arrival, showing reverence with your head to his feet in my name, saying: 'Suppavāsā the Koliyan-daughter, lord, shows reverence with her head to your feet.' And say this: 'Suppavāsā, who was seven years pregnant and seven days in difficult labor, has now — well & free from disease — delivered a son free from disease. She invites the community of monks, with the Buddha at its head, for seven days of meals. May the Blessed One acquiesce to Suppavāsā's seven meals, together with the community of monks.'"
Responding, "Excellent!" to Suppavāsā the Koliyan-daughter, the Koliyan-son went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to the Blessed One, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Suppavāsā the Koliyan-daughter, lord, shows reverence with her head to your feet. And she says this: 'Suppavāsā, who was seven years pregnant and seven days in difficult labor, has now — well & free from disease — delivered a son free from disease. She invites the community of monks, with the Buddha at its head, for seven days of meals. May the Blessed One acquiesce to Suppavāsā's seven meals, together with the community of monks.'"
Now at that time a certain lay follower had invited the community of monks, with the Buddha at its head, for the next day's meal. That lay follower was a supporter of Ven. Mahā Moggallāna. So the Blessed One addressed Ven. Mahā Moggallāna, "Come, Moggallāna. Go to the lay follower and, on arrival, say to him, 'Suppavāsā the Koliyan-daughter, who was seven years pregnant and seven days in difficult labor, has now — well & free from disease — delivered a son free from disease. She has invited the community of monks, with the Buddha at its head, for seven days of meals. Let Suppavāsā do seven meals. Afterward, you will do yours.' He's your supporter."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Moggallāna went to the lay follower and, on arrival, said to him, "Suppavāsā the Koliyan-daughter, who was seven years pregnant and seven days in difficult labor, has now — well & free from disease — delivered a son free from disease. She has invited the community of monks, with the Buddha at its head, for seven days of meals. Let Suppavāsā do seven meals; afterward, you will do yours."
"Venerable sir, if Ven. Moggallāna will be my guarantor for three things — (my) wealth, life, & faith — then let Suppavāsā do seven meals; afterward, I will do mine."
"For two things, friend, will I be your guarantor: your wealth & life. Only you are the guarantor of your faith."
"Venerable sir, if Ven. Moggallāna will be my guarantor for two things — (my) wealth & life — then let Suppavāsā do seven meals; afterward, I will do mine."
Then Ven. Moggallāna, having conciliated the lay follower, went to the Blessed One and, on arrival, said, "The lay follower, lord, has been conciliated. Let Suppavāsā do seven meals; afterward, he will do his."
So for seven days Suppavāsā the Koliyan-daughter with her own hand served & satisfied the community of monks, with the Buddha at its head, with exquisite staple & non-staple food. And she had the child show reverence to the Blessed One and the community of monks. Then Ven. Sāriputta said to the child, "I trust, child, that things are bearable for you. I trust that things are comfortable for you. I trust that there's no pain."
"From where, Ven. Sāriputta, would things be bearable for me? From where would they be comfortable for me living seven years in a belly of blood?"[1]
Then Suppavāsā — (thinking,) "My son is conversing with the Dhamma General!" — was gratified, joyful, rapturous, & happy.
The Blessed One, knowing that Suppavāsā was gratified, joyful, rapturous, & happy, said to her, "Suppavāsā, would you like to have another son like this?"
"O Blessed One, lord, I would like to have seven more sons like this!"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The disagreeable
in the guise of the agreeable,
the unlovable
in the guise of the lovable,
pain in the guise of bliss,
overcome
one who is heedless.
Note
1.
Reading lohita-kucchiyā with the Thai edition. The Commentary favors the reading, lohita-kumbhiyā, in a pot of blood. The Commentary states that Suppavāsā's son later became the famous arahant, Sīvalin, whom the Buddha declared to be foremost among his disciples in receiving gifts.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at the Eastern Monastery, the palace of Migāra's mother.[1] And on that occasion, Visākhā, Migāra's mother, had some dealings with King Pasenadi Kosala that he did not settle as she had wished. So in the middle of the day she went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As she was sitting there the Blessed One said to her, "Well now, Visākhā, where are you coming from in the middle of the day?"
"Just now, lord, I had some dealings with King Pasenadi Kosala that he did not settle as I had wished."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
All subjection to others
is painful.
All independence
is bliss.
What is held in common
brings suffering,
for duties are hard
to overcome.
Note
1.
According to the Commentary, Visākhā was actually Migāra's daughter, but because she introduced him to the Dhamma, she gained the epithet of being his mother.
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Anupiyā in the Mango Grove. And on that occasion, Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, on going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, would repeatedly exclaim, "What bliss! What bliss!"
A large number of monks heard Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, on going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, repeatedly exclaim, "What bliss! What bliss!" and on hearing him, the thought occurred to them, "There's no doubt but that Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, doesn't enjoy leading the holy life, for when he was a householder he knew the bliss of kingship, so that now, on recollecting that when going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, he is repeatedly exclaiming, 'What bliss! What bliss!'"
So they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they told him, "Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, lord, on going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, repeatedly exclaims, 'What bliss! What bliss!' There's no doubt but that Ven. Bhaddiya doesn't enjoy leading the holy life, for when he was a householder he knew the bliss of kingship, so that now, on recollecting that when going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, he is repeatedly exclaiming, 'What bliss! What bliss!'"
Then the Blessed One told a certain monk, "Come, monk. In my name, call Bhaddiya, saying, 'The Teacher calls you, friend Bhaddiya.'"
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, the monk went to Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, and on arrival he said to him, "The Teacher calls you, friend Bhaddiya."
Responding, "As you say, my friend," to the monk, Ven. Bhaddiya, Kāḷigodhā's son, went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One said to him, "Is it true, Bhaddiya that — on going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling — you repeatedly exclaim, 'What bliss! What bliss!'?"
"Yes, lord."
"What compelling reason do you have in mind that — when going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling — you repeatedly exclaim, 'What bliss! What bliss!'?"
"Before, when I has a householder, maintaining the bliss of kingship,[1] lord, I had guards posted within and without the royal apartments, within and without the city, within and without the countryside. But even though I was thus guarded, thus protected, I dwelled in fear — agitated, distrustful, & afraid. But now, on going alone to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling, I dwell without fear, unagitated, confident, & unafraid — unconcerned, unruffled, my wants satisfied, with my mind like a wild deer. This is the compelling reason I have in mind that — when going to the wilderness, to the root of a tree, or to an empty dwelling — I repeatedly exclaim, 'What bliss! What bliss!'"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
From whose heart
there is no provocation,
& for whom becoming & non-becoming
are overcome,
he — beyond fear,
blissful,
with no grief —
is one the devas can't see.
Note
1.
Reading rajja-sukhaṃ with the Thai and PTS editions. The Sri Lankan and Burmese editions have rajjaṃ: "kingship."
3. Nandavagga — The Chapter About Nanda
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion a certain monk was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, enduring fierce pains, sharp & severe, that were the result of old kamma — mindful, alert, without suffering. The Blessed One saw him sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, enduring fierce pains, sharp & severe, that were the result of old kamma — mindful, alert, and not struck down by them.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
For the monk who has left
all kamma
behind,
shaking off the dust of the past,
steady, unpossessive,
Such:[1]There's no point in telling
anyone else.
Note
1.
Such (tādin): An adjective applied to the mind of one who has attained the goal. It indicates that the mind "is what it is" — indescribable but not subject to change or alteration.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Nanda — the Blessed One's brother, son of his maternal aunt — announced to a large number of monks: "I don't enjoy leading the holy life, my friends. I can't keep up the holy life. Giving up the training, I will return to the common life."
Then a certain monk went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, he told the Blessed One: "Lord, Ven. Nanda — the Blessed One's brother, son of his maternal aunt — has announced to a large number of monks: 'I don't enjoy leading the holy life, my friends. I can't keep up the holy life. Giving up the training, I will return to the common life.'"
Then the Blessed One told a certain monk, "Come, monk. In my name, call Nanda, saying, 'The Teacher calls you, friend Nanda.'"
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, the monk went to Ven. Nanda, on arrival he said, "The Teacher calls you, friend Nanda."
Responding, "As you say, my friend," to the monk, Ven. Nanda went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One said to him, "Is it true, Nanda, that you have announced to a large number of monks: 'I don't enjoy leading the holy life, my friends. I can't keep up the holy life. Giving up the training, I will return to the common life'?"
"Yes, lord."
"But why, Nanda, don't you enjoy leading the holy life? Why can't you keep up the holy life? Why, giving up the training, will you return to the common life?"
"Lord, as I was leaving home, a Sakyan girl — the envy of the countryside — glanced up at me, with her hair half-combed, and said, 'Hurry back, master.' Recollecting that, I don't enjoy leading the holy life. I can't keep up the holy life. Giving up the training, I will return to the common life."
Then, taking Ven. Nanda by the arm — as a strong man might flex his extended arm or extend his flexed arm — the Blessed One disappeared from Jeta's Grove and reappeared among the devas of the heaven of the Thirty-three [Tāvatiṃsa]. Now on that occasion about 500 dove-footed nymphs had come to wait upon Sakka, the ruler of the devas. The Blessed One said to Ven. Nanda, "Nanda, do you see these 500 dove-footed nymphs?"
"Yes, lord."
"What do you think, Nanda? Which is lovelier, better looking, more charming: the Sakyan girl, the envy of the countryside, or these 500 dove-footed nymphs?"
"Lord, compared to these 500 dove-footed nymphs, the Sakyan girl, the envy of the countryside, is like a cauterized monkey with its ears & nose cut off. She doesn't count. She's not even a small fraction. There's no comparison. The 500 dove-footed nymphs are lovelier, better looking, more charming."
"Then take joy, Nanda. Take joy! I am your guarantor for getting 500 dove-footed nymphs."
"If the Blessed One is my guarantor for getting 500 dove-footed nymphs, I will enjoy leading the holy life under the Blessed One."
Then, taking Ven. Nanda by the arm — as a strong man might flex his extended arm or extend his flexed arm — the Blessed One disappeared from among the devas of the heaven of the Thirty-three and reappeared at Jeta's Grove. The monks heard, "They say that Ven. Nanda — the Blessed One's brother, son of his maternal aunt — is leading the holy life for the sake of nymphs. They say that the Blessed One is his guarantor for getting 500 dove-footed nymphs."
Then the monks who were companions of Ven. Nanda went around addressing him as they would a hired hand & a person who had been bought: "Venerable Nanda, they say, has been hired. Venerable Nanda, they say, has been bought.[1] He's leading the holy life for the sake of nymphs. The Blessed One is his guarantor for getting 500 dove-footed nymphs."
Then Ven. Nanda — humiliated, ashamed, & disgusted that the monks who were his companions were addressing him as they would a hired hand & a person who had been bought — went to dwell alone, secluded, heedful, ardent, & resolute. He in no long time entered & remained in the supreme goal of the holy life for which clansmen rightly go forth from home into homelessness, knowing & realizing it for himself right in the here-&-now. He knew, "Birth is ended, the holy life fulfilled, the task done. There is nothing further for the sake of this world." And thus Ven. Nanda became another one of the arahants.
Then a certain devatā, in the far extreme of the night, her extreme radiance lighting up the entirety of Jeta's Grove, approached the Blessed One. On arrival, having bowed down to him, she stood to one side. As she was standing there, she said to the Blessed One, "Lord, Ven. Nanda — the Blessed One's brother, son of his maternal aunt — through the ending of the effluents, has entered & remains in the effluent-free awareness-release & discernment-release, directly knowing & realizing them for himself right in the here-&-now." And within the Blessed One, the knowledge arose: "Nanda, through the ending of the effluents, has entered & remains in the effluent-free awareness-release & discernment-release, directly knowing & realizing them for himself right in the here-&-now."
Then, when the night had passed, Ven. Nanda went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, he said to the Blessed One, "Lord, about the Blessed One's being my guarantor for getting 500 dove-footed nymphs: I hereby release the Blessed One from that promise."
"Nanda, having comprehended your awareness with my own awareness, I realized that 'Nanda, through the ending of the effluents, has entered & remains in the effluent-free awareness-release & discernment-release, directly knowing & realizing them for himself right in the here-&-now.' And a devatā informed me that 'Ven. Nanda, through the ending of the effluents, has entered & remains in the effluent-free awareness-release & discernment-release, directly knowing & realizing them for himself right in the here-&-now.' When your mind, through lack of clinging, was released from the effluents, I was thereby released from that promise."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
In whom the mire of sensuality is crossed over,[2]
the thorn of sensuality crushed,
the ending of delusion reached:
He doesn't quiver
from pleasures & pains
: a monk.
Note
1.
The monks here address Ven. Nanda as "āyasmant." According to DN 16, they did not normally address one another in this formal way while the Buddha was still alive. Thus there is an element of sarcasm in the way they use the term here.
2.
Reading yassa tiṇṇo kāmapaṅko with the Thai edition. The Burmese, Sri Lankan, and PTS editions read, yassa nittiṇṇo paṅko: "In whom the mire is crossed over." The parallel passage in the Udānavarga (32.2) essentially agrees with this latter version.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion approximately 500 monks, headed by Ven. Yasoja, had arrived in Sāvatthī to see the Blessed One. As these visiting monks were exchanging greetings with the resident monks, setting their lodgings in order, and putting away their robes & bowls, they made a loud racket, a great racket. Then the Blessed One said to Ven. Ānanda, "Ānanda, what is that loud racket, that great racket like fishermen with a catch of fish?"
"Lord, those are approximately 500 monks, headed by Ven. Yasoja, who have arrived in Sāvatthī to see the Blessed One. As these visiting monks are exchanging greetings with the resident monks, setting their lodgings in order, and putting away their robes & bowls, they are making a loud racket, a great racket."
"In that case, Ānanda, tell those monks in my name, 'The Teacher calls you, friends.'"
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda went to the monks and said, "The Teacher calls you, friends."
Responding, "As you say, friend," to Ven. Ānanda, the monks went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, the Blessed One said to them, "Monks, why were you making that loud racket, that great racket, like fishermen with a catch of fish?"
When this was said, Ven. Yasoja said to the Blessed One, "Lord, these 500 monks have arrived in Sāvatthī to see the Blessed One. As they were exchanging greetings with the resident monks, setting their lodgings in order, and putting away their robes & bowls, they made a loud racket, a great racket."
"Go away, monks. I dismiss you. You are not to stay in my vicinity."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, the monks got up from their seats, bowed down to the Blessed One, and left, circling him to the right. Setting their lodgings in order and taking their robes & bowls, they went wandering among the Vajjians. After wandering by stages among the Vajjians, they came to the River Vaggamudā. There on the bank of the River Vaggamudā they made leaf-huts and entered the Rains Retreat.
Then Ven. Yasoja addressed the monks as they entered the Rains Retreat: "Friends, the Blessed One dismissed us, wishing for our benefit, seeking our wellbeing, being sympathetic, and acting out of sympathy. Let's live in such a way that the Blessed One will be gratified by our way of living."
"As you say, friend," the monks responded to Ven. Yasoja. And so, living secluded, ardent, & resolute, every one of them realized the Three Knowledges [remembrance of past lives, knowledge of the arising & passing away of living beings, and knowledge of the ending of mental effluents] in the course of that very Rains Retreat.
Then the Blessed One, having stayed as long as he liked in Sāvatthī, went wandering in the direction of Vesālī. After wandering by stages, he arrived in Vesālī and stayed there in the Peaked Roof Pavilion in the Great Wood. Then, encompassing with his awareness the awareness of the monks staying on the bank of the River Vaggamudā, he said to Ven. Ānanda, "This direction seems bright to me, Ānanda. This direction seems dazzling to me. It's not at all repugnant for me to go & pay attention to where the monks on the bank of the River Vaggamudā are staying. Send a messenger into their presence to say, 'The Teacher calls you, friends. The Teacher wants to see you.'"
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Ānanda went to a certain monk and said, "Come now, friend. Go to the monks on the bank of the River Vaggamudā and say to them, 'The Teacher calls you, friends. The Teacher wants to see you.'"
Responding, "As you say, friend," to Ven. Ānanda, the monk — just as a strong man might extend his flexed arm or flex his extended arm — disappeared from the Peaked Roof Pavilion in the Great Wood and appeared in front of the monks on the bank of the River Vaggamudā. Then he said to them, "The Teacher calls you, friends. The Teacher wants to see you."
Responding, "As you say, friend," to the monk, the monks set their lodgings in order and, taking their robes & bowls, disappeared from the bank of the River Vaggamudā — just as a strong man might extend his flexed arm or flex his extended arm — and appeared in the presence of the Blessed One in the Peaked Roof Pavilion in the Great Wood.
Now, at that time the Blessed One was sitting in imperturbable concentration [either in the fourth jhāna, the dimension of the infinitude of space, or the dimension of the infinitude of consciousness]. The thought occurred to the monks, "Now, in which mental dwelling is the Blessed One now residing?" Then they realized, "He is residing in the imperturbable dwelling." So they all sat in imperturbable concentration.
Then Ven. Ānanda — when the night was far advanced, at the end of the first watch — got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "The night, lord, is far advanced. The first watch has ended. The visiting monks have been sitting here a long time. May the Blessed One greet them." When this was said, the Blessed One remained silent.
Then a second time, when the night was far advanced, at the end of the middle watch, Ven. Ānanda got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage to him with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "The night, lord, is far advanced. The middle watch has ended. The visiting monks have been sitting here a long time. May the Blessed One greet them." When this was said, the Blessed One remained silent.
Then a third time, when the night was far advanced, at the end of the last watch, as dawn was approaching and the face of the night was beaming, Ven. Ānanda got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage to him with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "The night, lord, is far advanced. The last watch has ended. Dawn is approaching and the face of the night is beaming. The visiting monks have been sitting here a long time. May the Blessed One greet them."
Then the Blessed One, emerging from his imperturbable concentration, said to Ven. Ānanda, "Ānanda, if you had known, not even that much would have occurred to you (to say).[1] I, along with all 500 of these monks, have been sitting in imperturbable concentration."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
In whom they're defeated —
the thorn of sensuality,
insult,
assault,
& imprisonment:
Like a mountain standing unperturbed,
he doesn't quiver
from pleasures & pains
: a monk.
Note
1.
All the major editions here read, nappaṭibhāseyya: "He/it would have not said in return." This makes no sense, so I follow a variant reading listed in the Burmese edition, nappaṭibheyya (the optative of paṭibhāti).
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Sāriputta was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, having set mindfulness to the fore. The Blessed One saw Ven. Sāriputta sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, having set mindfulness to the fore.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
As a mountain of rock
is unwavering, well-settled,
so a monk whose delusion is ended
doesn't quiver —
just like a mountain.[1]
Note
1.
1. This verse also appears among the verses attributed to Ven. Revata at Thag 14.1 (verse 651 in the PTS edition) and among the verses attributed to Ven. Sāriputta at Thag 17.2 (verse 1000 in the PTS edition).
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Mahā Moggallāna was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established within. The Blessed One saw Ven. Mahā Moggallāna sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established within.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
With mindfulness immersed in the body
well-established, restrained
with regard to the six contact-media —
continually centered,
a monk
can know
unbinding for himself.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' refuge. Now at on that occasion Ven. Pilindavaccha went around addressing the monks as if they were outcastes.
So a large number of monks went to the Blessed One and, on arrival, bowed down to him and sat to one side. As they were sitting there they said to him, "Lord, Ven. Pilindavaccha goes around addressing the monks as if they were outcastes."
Then the Blessed One told a certain monk, "Come, monk. In my name, call Pilindavaccha, saying, 'The Teacher calls you, friend Vaccha.'"
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, the monk went to Ven. Pilindavaccha and on arrival said to him, "The Teacher calls you, friend Vaccha."
Responding, "As you say, my friend," to the monk, Ven. Pilindavaccha went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One said to him, "Is it true, Pilindavaccha, that you go around addressing the monks as if they were outcastes?"
"Yes, lord."
Then the Blessed One, having directed attention to Ven. Pilindavaccha's previous lives, said to the monks, "Don't take offense at the monk Vaccha. It's not out of inner hatred that he goes around addressing the monks as if they were outcastes. For 500 consecutive lifetimes the monk Vaccha has been born in brahman families. For a long time he has been accustomed to addressing people as outcastes. That's why he goes around addressing the monks as if they were outcastes."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
In whom there's no deceit
or conceit,
his greed ended,
unpossessive, free from longing,
his anger dispelled,
his mind unbound:[1]
He's a contemplative.
He is a brahman
: a monk.
Note
1.
The first part of this verse is nearly identical with the first part of a verse in Sn 3.4 (verse 469 in the PTS edition).
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion Ven. Mahā Kassapa was staying at the Pipphali Cave, sitting for seven days in a single session, having attained a certain level of concentration. Then, with the passing of seven days, he emerged from that concentration. To him, emerging from that concentration, the thought occurred: "What if I were to go into Rājagaha for alms?"
Now on that occasion 500 devatās were in a state of eagerness for the chance to give alms to Ven. Mahā Kassapa. But Ven. Mahā Kassapa, turning down those 500 devatās, early in the morning adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Rājagaha for alms.
Now on that occasion Sakka, the deva-king, wanted to give alms to Ven. Mahā Kassapa. So, assuming the appearance of a weaver, he was working a loom, while Sujātā, an asura-maiden, filled the shuttle. Then, as Ven. Mahā Kassapa was going on an almsround that bypassed no donors[1] in Rājagaha, he arrived at Sakka's home. Sakka saw him coming from afar and, on seeing him, came out of house to meet him. Taking the bowl from his hand, entered the house, took cooked rice from the pot, filled the bowl, and gave it back to Ven. Mahā Kassapa. And that gift of alms included many kinds of curry, many kinds of sauces.
The thought occurred to Ven. Mahā Kassapa, "Now, who is this being with such power & might as this?" Then the thought occurred to him, "This is Sakka, the deva-king, isn't it?" On realizing this, he said to Sakka, "Is this your doing, Kosiya?[2] Don't ever do anything like this again."
"We, too, need merit, Ven. Kassapa. We, too, have use for merit."
Then, bowing down to Ven. Mahā Kassapa and circling him to the right, Sakka rose up into the air and, while up in the sky, exclaimed three times:
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
The Blessed One — with his divine hearing-property, surpassing that of the human — heard Sakka the deva-king, while up in the sky, exclaiming three times:
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
"O the alms, the foremost alms, well-established in Kassapa!"
On realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The monk going for alms,
supporting himself and no other:
The devas adore one who is Such,
calmed & ever mindful.
Note
1.
Going on an almsround that bypasses no donors is one of the thirteen optional ascetic (dhutaṅga) practices. See Thag 16.7.
2.
Kosiya — "Owl" — is Sakka's clan name.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion a large number of monks, after the meal, on returning from their alms round, were sitting gathered together at the kareri-tree pavilion when this discussion arose: "Friends, an alms-collecting monk,[1] while going for alms, periodically sees agreeable sights via the eye. He periodically hears agreeable sounds via the ear... smells agreeable aromas via the nose... tastes agreeable flavors via the tongue... touches agreeable tactile sensations via the body. An alms-collecting monk, while going for alms, is honored, respected, revered, venerated, and given homage.
"So, friends, let's become alms-collecting monks. Then we, too, while going for alms, will periodically get to see agreeable sights via the eye... to hear agreeable sounds via the ear... to smell agreeable aromas via the nose... to taste agreeable flavors via the tongue... to touch agreeable tactile sensations via the body. We, too, while going for alms, will be honored, respected, revered, venerated, and given homage." And this discussion came to no conclusion.
Then the Blessed One, emerging from his seclusion in the late afternoon, went to the kareri-tree pavilion and, on arrival, sat down on a seat laid out. Seated, he addressed the monks: "For what topic are you sitting together here? And what was the discussion that came to no conclusion?"
"Just now, lord, after the meal, on returning from our alms round, we were sitting gathered together here at the kareri-tree pavilion when this discussion arose: [They repeat what had been said.]"
"It isn't proper, monks, that sons of good families, on having gone forth out of faith from home to the homeless life, should talk on such a topic. When you have gathered you have two duties: either Dhamma-talk or noble silence."[2]
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The monk going for alms,
supporting himself and no other:
The devas adore one who is Such
if he's not intent
on fame & praise.
Note
1.
A monk who makes a steady practice of eating only the food received while going for alms.
2.
SN 21.1 equates noble silence with the second jhāna. This apparently relates to the fact that directed thought and evaluation, which MN 44 identifies as verbal fabrications, are abandoned when going from the first jhāna into the second.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion a large number of monks, after the meal, on returning from their alms round, were sitting gathered together at the kareri-tree pavilion when this discussion arose: "Friends, an alms-collecting monk,[1] while going for alms, periodically sees agreeable sights via the eye. He periodically hears agreeable sounds via the ear... smells agreeable aromas via the nose... tastes agreeable flavors via the tongue... touches agreeable tactile sensations via the body. An alms-collecting monk, while going for alms, is honored, respected, revered, venerated, and given homage.
"So, friends, let's become alms-collecting monks. Then we, too, while going for alms, will periodically get to see agreeable sights via the eye... to hear agreeable sounds via the ear... to smell agreeable aromas via the nose... to taste agreeable flavors via the tongue... to touch agreeable tactile sensations via the body. We, too, while going for alms, will be honored, respected, revered, venerated, and given homage." And this discussion came to no conclusion.
Then the Blessed One, emerging from his seclusion in the late afternoon, went to the kareri-tree pavilion and, on arrival, sat down on a seat laid out. Seated, he addressed the monks: "For what topic are you sitting together here? And what was the discussion that came to no conclusion?"
"Just now, lord, after the meal, on returning from our alms round, we were sitting gathered together here at the kareri-tree pavilion when this discussion arose: [They repeat what had been said.]"
"It isn't proper, monks, that sons of good families, on having gone forth out of faith from home to the homeless life, should talk on such a topic. When you have gathered you have two duties: either Dhamma-talk or noble silence."[2]
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The monk going for alms,
supporting himself and no other:
The devas adore one who is Such
if he's not intent
on fame & praise.
Note
1.
A monk who makes a steady practice of eating only the food received while going for alms.
2.
SN 21.1 equates noble silence with the second jhāna. This apparently relates to the fact that directed thought and evaluation, which MN 44 identifies as verbal fabrications, are abandoned when going from the first jhāna into the second.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now at that time a large number of monks, after the meal, on returning from their alms round, were sitting gathered together at a pavilion when this discussion arose: "Who, friends, knows a craft? Who's studying which craft? Which is the supreme among crafts?"
With regard to that, some said, "The elephant-craft is the supreme craft among crafts." Some said, "The horse-craft is the supreme craft among crafts" ... "The chariot-craft..." ... "Archery..." ... "Swordsmanship..." ... "Signaling[1] ..." ... "Calculating..." ... "Accounting..." ... "Writing..." ... "Literary composition..." ... "Cosmology..." Some said, "Geomancy is the supreme craft among crafts." And this discussion came to no conclusion.
Then the Blessed One, emerging from his seclusion in the late afternoon, went to the pavilion and, on arrival, sat down on a seat laid out. As he was sitting there, he addressed the monks: "For what topic are you sitting together here? And what was the discussion that came to no conclusion?"
"Just now, lord, after the meal, on returning from our alms round, we were sitting gathered together here at the pavilion when this discussion arose: [They repeat what had been said.]"
"It isn't proper, monks, that sons of good families, on having gone forth out of faith from home to the homeless life, should talk on such a topic. When you have gathered you have two duties: either Dhamma-talk or noble silence."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Supporting himself
without a craft —
light, desiring the goal —
his faculties controlled,
released everywhere;
living in no home,
unpossessive,
free from longing,
having slain Māra,
going alone
: a monk.
Note
1.
Reading mudda-sippam with the Commentary. The Thai edition has muddha-sippam, which could mean phrenology, but that doesn't fit in with the previous members of the list, all of which deal with military skills.
X.
I have heard that on one occasion, the Blessed One was staying at Uruvelā on the bank of the Nerañjarā River at the root of the Bodhi tree — the tree of awakening — newly awakened. And on that occasion he sat at the root of the Bodhi tree for seven days in one session, sensitive to the bliss of release. Then, with the passing of seven days, after emerging from that concentration, he surveyed the world with the eye of an Awakened One. As he did so, he saw living beings burning with the many fevers and aflame with the many fires born of passion, aversion, & delusion.
Then, on realizing the significance of that, he on that occasion exclaimed:
This world is burning.
Afflicted by contact,
it calls disease a 'self.'
By whatever means it construes [anything],
it becomes otherwise than that.[1]Becoming otherwise,
the world is
attached to becoming
afflicted by becoming
and yet delights
in that very becoming.
Where there's delight,
there is fear.
What one fears
is stressful.
This holy life is lived
for the abandoning of becoming.
Whatever contemplatives or brahmans say that liberation from becoming is by means of becoming, all of them are not released from becoming, I say.
And whatever contemplatives or brahmans say that escape from becoming is by means of non-becoming, all of them have not escaped from becoming, I say.
For this stress comes into play
in dependence on every acquisition.[2]
With the ending of every clinging/sustenance,
there's no stress coming into play.
Look at this world:
Beings, afflicted with thick ignorance,
are unreleased
from passion for what has come to be.
All levels of becoming,
anywhere,
in any way,
are inconstant, stressful, subject to change.
Seeing this — as it's come to be —
with right discernment,
one abandons craving for becoming,
and doesn't delight in non-becoming.[3]
From the total ending of craving
comes fading & cessation without remainder:
unbinding.
For the monk unbound
through lack of clinging/sustenance,
there's no further becoming.
He has conquered Māra,
won the battle,
having gone beyond becomings
: Such.
Note
1.
In other words, regardless of whatever one bases one's construal of an experience on, by the time the construal is complete, the base has already changed.
2.
Reading sabb'upadhiṃ hi with the Thai edition. The Burmese and Sri Lankan editions read upadhiṃ hi: "For this stress comes into play in dependence on acquisition." The parallel passage in the Udānavarga (32.36) agrees with this latter version.
3.
This passage indicates the way out of the dilemma posed above, that one cannot gain release either through becoming or non-becoming. Rather than focus on whether one wants to take "what has come to be" in the direction of becoming or non-becoming, one develops dispassion for "what has come to be" as it occurs, and this provides the way out. On this point, see The Paradox of Becoming, chapters 2 and 6.
4. Meghiyavagga — The Chapter About Meghiya
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying among the Cālikans, at Cālikā Mountain. And on that occasion Ven. Meghiya was his attendant. Then Ven. Meghiya went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, stood to one side. As he was standing there he said to the Blessed One, "I would like to go into Jantu Village for alms."
"Then do, Meghiya, what you think it is now time to do."
Then in the early morning, Ven. Meghiya adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Jantu Village for alms. Having gone for alms in Jantu Village, after the meal, returning from his alms round, he went to the bank of the Kimikālā River. As he was walking up & down along the bank of the river to exercise his legs, he saw a pleasing, charming mango grove. Seeing it, the thought occurred to him: "How pleasing & charming this mango grove! It's enough for a young man of good family intent on exertion to exert himself [in meditation]. If the Blessed One gives me permission, I would like to exert myself [in meditation] in this mango grove."
So Ven. Meghiya went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Just now, in the early morning, I adjusted my under robe and — carrying my bowl & robes — went into Jantu Village for alms. Having gone for alms in Jantu Village, after the meal, returning from my alms round, I went to the bank of the Kimikālā River. As I was walking up & down along the bank of the river to exercise my legs, I saw a pleasing, charming mango grove. Seeing it, the thought occurred to me: 'How pleasing & charming this mango grove! It's enough for a young man of good family intent on exertion to exert himself [in meditation]. If the Blessed One gives me permission, I would like to exert myself [in meditation] in this mango grove.' If the Blessed One gives me permission, I would like to go to the mango grove to exert myself [in meditation]."
When this was said, the Blessed One responded to Ven. Meghiya, "As long as I am still alone, stay here until another monk comes."
A second time, Ven. Meghiya said to the Blessed One, "Lord, the Blessed One has nothing further to do, and nothing further to add to what he has done. I, however, have something further to do, and something further to add to what I have done. If the Blessed One gives me permission, I would like to go to the mango grove to exert myself [in meditation]."
A second time, the Blessed One responded to Ven. Meghiya, "As long as I am still alone, stay here until another monk comes."
A third time, Ven. Meghiya said to the Blessed One, "Lord, the Blessed One has nothing further to do, and nothing further to add to what he has done. I, however, have something further to do, and something further to add to what I have done. If the Blessed One gives me permission, I would like to go to the mango grove to exert myself [in meditation]."
"As you are talking about exertion, Meghiya, what can we say? Do what you think it is now time to do."
Then Ven. Meghiya, rising from his seat, bowing down to the Blessed One and, circling him to the right, went to the mango grove. On arrival, having gone deep into the grove, he sat down at the root of a certain tree for the day's abiding.
Now while Ven. Meghiya was staying in the mango grove, he was for the most part assailed by three kinds of unskillful thoughts: thoughts of sensuality, thoughts of ill will, and thoughts of doing harm. The thought occurred to him: "How amazing! How astounding! Even though it was through faith that I went forth from home to the homeless life, still I am overpowered by these three kinds of unskillful thoughts: thoughts of sensuality, thoughts of ill will, and thoughts of doing harm."
Emerging from his seclusion in the late afternoon, he went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Just now, while I was staying in the mango grove, I was for the most part assailed by three kinds of unskillful thoughts: thoughts of sensuality, thoughts of ill will, and thoughts of doing harm. The thought occurred to me: 'How amazing! How astounding! Even though it was through faith that I went forth from home to the homeless life, still I am overpowered by these three kinds of unskillful thoughts: thoughts of sensuality, thoughts of ill will, and thoughts of doing harm.'"
"Meghiya, in one whose awareness-release is still immature, five qualities bring it to maturity. Which five?
"There is the case where a monk has admirable people as friends, companions, & colleagues. In one whose awareness-release is still immature, this is the first quality that brings it to maturity.
"Furthermore, the monk is virtuous. He dwells restrained in accordance with the Pāṭimokkha, consummate in his behavior & range of activity. He trains himself, having undertaken the training rules, seeing danger in the slightest faults. In one whose awareness-release is still immature, this is the second quality that brings it to maturity.
"Furthermore, he gets to hear at will, easily and without difficulty, talk that is truly sobering and conducive to the opening of awareness, i.e., talk on modesty, contentment, seclusion, non-entanglement, arousing persistence, virtue, concentration, discernment, release, and the knowledge & vision of release. In one whose awareness-release is still immature, this is the third quality that brings it to maturity.
"Furthermore, he keeps his persistence aroused for abandoning unskillful [mental] qualities and for taking on skillful qualities. He is steadfast, solid in his effort, not shirking his duties with regard to skillful qualities. In one whose awareness-release is still immature, this is the fourth quality that brings it to maturity.
"Furthermore, he is discerning, endowed with the discernment related to arising & passing away — noble, penetrating, leading to the right ending of stress. In one whose awareness-release is still immature, this is the fifth quality that brings it to maturity.
"Meghiya, in one whose awareness-release is still immature, these are the five qualities that bring it to maturity.
"Meghiya, when a monk has admirable people as friends, companions, & colleagues, it is to be expected that he will be virtuous, will dwell restrained in accordance with the Pāṭimokkha, consummate in his behavior & range of activity, and will train himself, having undertaken the training rules, seeing danger in the slightest faults.
"When a monk has admirable people as friends & colleagues, it is to be expected that he will get to hear at will, easily and without difficulty, talk that is truly sobering and conducive to the opening of awareness, i.e., talk on modesty, contentment, seclusion, non-entanglement, arousing persistence, virtue, concentration, discernment, release, and the knowledge & vision of release.
"When a monk has admirable people as friends, companions, & colleagues, it is to be expected that he will keep his persistence aroused for abandoning unskillful qualities and for taking on skillful qualities — steadfast, solid in his effort, not shirking his duties with regard to skillful qualities.
"When a monk has admirable people as friends, companions, & colleagues, it is to be expected that he will be discerning, endowed with the discernment relating to arising & passing away — noble, penetrating, leading to the right ending of stress.
"And furthermore, when the monk is established in these five qualities, there are four additional qualities he should develop: He should develop [contemplation of] the unattractive so as to abandon passion. He should develop good will so as to abandon ill will. He should develop mindfulness of in-&-out breathing so as to cut off thinking. He should develop the perception of inconstancy so as to uproot the conceit, 'I am.' [1] For a monk perceiving inconstancy, the perception of not-self is made steady. One perceiving not-self attains the uprooting of the conceit, 'I am' — unbinding right in the here-&-now."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Little thoughts, subtle thoughts,
when followed, stir up the heart.
Not comprehending the thoughts of the heart,
one runs here & there,
the mind out of control.
But comprehending the thoughts of the heart,
one who is ardent, mindful,
restrains them.
When, followed, they stir up the heart,
one awakened
lets them go without trace.
Note
1.
See Ud 1.1, note 3.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying in Upavattana, the Mallan sal grove near Kusinarā.[1] And on that occasion, not far from the Blessed One, many monks were staying in wilderness huts: high-strung, rowdy, flighty, talkative, of loose words & muddled mindfulness, unalert, unconcentrated, their minds scattered, their faculties left wide open.
The Blessed One saw those many monks staying in wilderness huts: high-strung, rowdy, flighty, talkative, of loose words & muddled mindfulness, unalert, unconcentrated, their minds scattered, their faculties left wide open.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
By leaving your body unprotected,
being immersed in wrong view,
conquered by sloth & torpor,
you go under Māra's sway.
Therefore,
with protected mind,
ranging in right resolve,
honoring right view,
knowing rise-&-fall,
conquering sloth & torpor, a monk
leaves all
bad destinations
behind.
Note
1.
This is the location where the Buddha later was totally unbound.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was wandering among the Kosalans with a large community of monks. Then, coming down from the road, he went to a certain tree, and on arrival sat down on a seat laid out. A certain cowherd then went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, the Blessed One, instructed, urged, roused, & encouraged him with Dhamma-talk. The cowherd — instructed, urged, roused, & encouraged by the Blessed One's talk on Dhamma — said to him, "Lord, may the Blessed One, together with the community of monks, acquiesce to my offer of tomorrow's meal."
The Blessed One acquiesced with silence.
Then the cowherd, understanding the Blessed One's acquiescence, got up from his seat, bowed down to the Blessed One and left, circling him to the right.
Then, after the night had passed, the cowherd — having prepared in his own home a great deal of thick milk-rice porridge & fresh ghee — announced the time of the meal to the Blessed One: "It's time, lord. The meal is ready."
So the Blessed One early in the morning adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went together with the community of monks to the cowherd's home. On arrival, he sat down on a seat laid out. The cowherd, with his own hand, served & satisfied the community of monks headed by the Blessed One with thick milk-rice porridge & fresh ghee. Then, when the Blessed One had eaten and had removed his hand from his bowl, the cowherd, taking a lower seat, sat down to one side. As he was sitting there, the Blessed One, instructed, urged, roused, & encouraged him with Dhamma-talk, then got up from his seat & left.
Now, not long after the Blessed One's departure, the cowherd was killed by a certain man between the boundaries of two villages. A large number of monks then went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they told him, "The cowherd who today served & satisfied the community of monks headed by the Blessed One with thick milk-rice porridge & fresh ghee, has been killed, it is said, by a certain man between the boundaries of two villages."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Whatever an enemy
might do to an enemy,
or a foe
to a foe,
the ill-directed mind
can do to you
even worse.[1]
Note
1.
This verse also occurs at Dhp 42, where it is paired with Dhp 43:
Whatever a mother, father
or other kinsman
might do for you,
the well-directed mind
can do for you
even better.
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion Ven. Sāriputta and Ven. Mahā Moggallāna were staying in Pigeon Cave. Then, on a moonlit night, Ven. Sāriputta — his head newly shaven — was sitting in the open air, having attained a certain level of concentration.
And on that occasion two yakkhas who were companions were flying from north to south on some business or other. They saw Ven. Sāriputta — his head newly shaven — sitting in the open air. Seeing him, the first yakkha said to the second, "I'm inspired to give this contemplative a blow on the head."
When this was said, the second yakkha said to the first, "Enough of that, my good friend. Don't lay a hand on the contemplative. He's an outstanding contemplative, of great power & great might."
A second time, the first yakkha said to the second, "I'm inspired to give this contemplative a blow on the head."
A second time, the second yakkha said to the first, "Enough of that, my good friend. Don't lay a hand on the contemplative. He's an outstanding contemplative, of great power & great might."
A third time, the first yakkha said to the second, "I'm inspired to give this contemplative a blow on the head."
A third time, the second yakkha said to the first, "Enough of that, my good friend. Don't lay a hand on the contemplative. He's an outstanding contemplative, of great power & great might."
Then the first yakkha, ignoring the second yakkha, gave Ven. Sāriputta a blow on the head. And with that blow he might have knocked over an elephant seven or eight cubits tall, or split a great rocky crag. But right there the yakkha — yelling, "I'm burning!" — fell into the Great Hell.
Now, Ven. Moggallāna — with his divine eye, pure and surpassing the human — saw the yakkha give Ven. Sāriputta a blow on the head. Seeing this, he went to Ven. Sāriputta and, on arrival, said to him, "I hope you are well, friend Sāriputta. I hope you are comfortable. I hope you are feeling no pain."
"I am well, friend Moggallāna. I am comfortable. But I do have a slight headache."
"How amazing, friend Sāriputta! How astounding! How great your power & might! Just now a yakkha gave you a blow on the head. So great was that blow that he might have knocked over an elephant seven or eight cubits tall, or split a great rocky crag. But all you say is this: 'I am well, friend Moggallāna. I am comfortable. But I do have a slight headache'!"
"How amazing, friend Moggallāna! How astounding! How great your power & might! Where you saw a yakkha just now, I didn't even see a dust devil!"
The Blessed One — with the divine ear-property, pure and surpassing the human — heard those two great beings conversing in this way. Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Whose mind, standing like rock,
doesn't shake,
dispassionate for things that spark passion,
unprovoked by things that spark provocation:
When one's mind is developed like this,
from where can there come to him
suffering & stress?[1]
Note
1.
A variant of this verse is attributed to Ven. Khitaka at Thag 2.36 (verses 191-192 in the PTS edition):
Whose mind, standing like rock,
doesn't shake,
dispassionate for things that spark passion,
unprovoked by things that spark provocation?
When one's mind is developed like this,
from where can there come to him
suffering & stress?
My mind, standing like rock,
doesn't shake,
dispassionate for things that spark passion,
unprovoked by things that spark provocation.
When my mind is developed like this,
from where can there come to me
suffering & stress?
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Kosambī at Kosita's monastery. And on that occasion the Blessed One lived hemmed in with monks, nuns, male & female lay followers, kings, royal ministers, sectarians, & their disciples. Hemmed in, he lived unpleasantly and not in ease. The thought occurred to him: "I now live hemmed in by monks, nuns, male & female lay followers, kings, royal ministers, sectarians, & their disciples. Hemmed in, I live unpleasantly and not in ease. What if I were to live alone, apart from the crowd?"
So, early in the morning, the Blessed One adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Kosambī for alms. Then, having gone for alms in Kosambī, after the meal, returning from his alms round, he set his own lodgings in order and, carrying his bowl & robes, without telling his attendant, without informing the community of monks — alone & without a companion — left on a wandering tour toward Palileyyaka. After wandering by stages, he reached Palileyyaka. There he stayed in Palileyyaka in the protected forest grove at the root of the auspicious sal tree.
It so happened that a certain bull elephant was living hemmed in by elephants, cow-elephants, calf-elephants, & baby elephants. He fed off grass with cut-off tips. They chewed up his stash of broken-off branches. He drank disturbed water. And when he came up from his bathing-place, cow-elephants went along, banging up against his body. Hemmed in, he lived unpleasantly and not in ease. The thought occurred to him: "I now live hemmed in by elephants, cow-elephants, calf-elephants, & baby elephants. I feed off grass with cut-off tips. They chew up my stash of broken-off branches. I drink disturbed water. And when I come up from my bathing place, cow-elephants go along, banging up against my body. Hemmed in, I live unpleasantly and not in ease. What if I were to live alone, apart from the crowd?"
So the bull elephant, leaving the herd, went to Palileyyaka, to the protected forest grove and the root of the auspicious sal tree — to where the Blessed One was staying. There he kept the grass down in the area where the Blessed One was staying, and brought drinking water and washing water for the Blessed One with his trunk.
Then, when the Blessed One was alone in seclusion, this train of thought appeared to his awareness: "Before, I lived hemmed in by monks, nuns, male & female lay followers, kings, royal ministers, sectarians, & their disciples. Hemmed in, I lived unpleasantly and not in ease. But now I live not hemmed in by monks, nuns, male & female lay followers, kings, royal ministers, sectarians, & their disciples. Not hemmed in, I live pleasantly and in ease."
And this train of thought appeared to the awareness of the bull elephant, "Before, I lived hemmed in by elephants, cow-elephants, calf-elephants, & baby elephants. I fed off grass with cut-off tips. They chewed up my stash of broken-off branches. I drank disturbed water. And when I came up from my bathing place, cow-elephants went along, banging up against my body. Hemmed in, I lived unpleasantly and not in ease. But now I live not hemmed in by elephants, cow-elephants, calf-elephants, & baby elephants. I feed off grass with uncut tips. They don't chew up my stash of broken-off branches. I drink undisturbed water. When I come up from my bathing place, cow-elephants don't go along, banging up against my body. Not hemmed in, I live pleasantly and in ease."[1]
Then the Blessed One, realizing his own seclusion and knowing the train of thought in the bull elephant's awareness, on that occasion exclaimed:
This
harmonizes
mind with mind —
the great one's with the great one's[2] —
the elephant with tusks like chariot poles:
that each finds joy,
alone,
in the forest.
Note
1.
Mv.X.4.6-7 places the story of the elephant's service to the Buddha in the context of the quarrel at Kosambī, but the details of how the Buddha left Kosambī given in Mv.X.3 are different.
2.
Great one = nāga. This term can mean magical serpent or large elephant, and is often used as an epithet for an arahant.
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Piṇḍola Bhāradvāja was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect — a wilderness dweller, an alms-goer, a rag-robe wearer, an owner of only one set of three robes, modest, content, solitary, unentangled, his persistence aroused, an advocate of the ascetic practices, devoted to the heightened mind. The Blessed One saw Ven. Piṇḍola Bhāradvāja sitting not far away, his legs crossed, his body held erect — a wilderness dweller, an alms-goer, a rag-robe wearer, an owner of only one set of three robes, modest, content, solitary, unentangled, his persistence aroused, an advocate of the ascetic practices, devoted to the heightened mind.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Not disparaging, not injuring,
restraint in line with the Pāṭimokkha,
moderation in food,
dwelling in seclusion,
commitment to the heightened mind:
this is the teaching
of the Awakened.[1]
Note
1.
This verse also occurs at Dhp 185, where it forms part of a set including Dhp 183-184:
The non-doing of any evil,
the performance of what's skillful,
the cleansing of one's own mind:
this is the teaching
of the Awakened.
Patient endurance:
the foremost austerity.
Unbinding:
the foremost,
so say the Awakened.
He who injures another
is no contemplative.
He who mistreats another,
no monk.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Sāriputta was sitting not far from the Blessed One — his legs crossed, his body held erect — modest, content, solitary, unentangled, his persistence aroused, devoted to the heightened mind. The Blessed One saw Ven. Sāriputta sitting not far away — his legs crossed, his body held erect — modest, content, solitary, unentangled, his persistence aroused, devoted to the heightened mind.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Of heightened awareness & heedful,
the sage trained in sagacity's way:
He has no sorrows, one who is Such,
calmed & ever mindful.[1]
Note
1.
This is the verse that Ven. Cūḷa Panthaka used to exhort the nuns in the origin story to Pācittiya 22. It also appears at Thag 1.68.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now at that time the Blessed One was worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. The community of monks was also worshipped, revered, honored, venerated, and given homage — a recipient of robes, alms food, lodgings, & medicinal requisites for the sick. But the wanderers of other sects were not worshipped, revered, honored, venerated, or given homage; nor were they recipients of robes, alms food, lodgings, or medicinal requisites for the sick.
So the wanderers of other sects — unable to stand the veneration given to the Blessed One and the community of monks — went to Sundarī the female wanderer and, on arrival, said to her, "Sundarī, would you dare to do something for the benefit of your kinsmen?"
"What shall I do, masters? What can I not do?[1] I have given up even my life for the benefit of my kinsmen!"
"In that case, sister, go often to Jeta's Grove."
Responding, "As you say, masters," to those wanderers of other sects, Sundarī the female wanderer went often to Jeta's Grove. When the wanderers of other sects knew that many people had seen Sundarī the female wanderer going often to Jeta's Grove, then — having murdered her and buried her right there in the moat-ditch surrounding Jeta's Grove — they went to King Pasenadi Kosala and, on arrival, said to him, "Great king, we can't find Sundarī the female wanderer."
"But where do you suspect she is?"
"At Jeta's Grove, great king."
"Then in that case, search Jeta's Grove."
Then those wanderers of other sects, having searched Jeta's Grove, having dug up what they had buried in the surrounding moat-ditch, having mounted it on a litter, took it into Sāvatthī and went from street to street, crossroad to crossroad, stirring up people's indignation: "See, masters, the handiwork of the Sakyan-son contemplatives. They're shameless, these Sakyan-son contemplatives: unvirtuous, evil-natured, liars, unholy, though they claim to be practicing the Dhamma, practicing what is harmonious, practicing the holy life, speakers of the truth, virtuous, fine-natured. They have no quality of a contemplative, no holy quality. Destroyed is their quality of a contemplative! Destroyed is their holy quality! From where is their quality of a contemplative? From where, their holy quality? Gone are they from any quality of a contemplative! Gone from any holy quality! How can a man, having done a man's business with a woman, take her life?"
So on that occasion, people seeing monks in Sāvatthī would insult, revile, irritate, & harass them with discourteous, abusive language: "They're shameless, these Sakyan-son contemplatives: unvirtuous, evil-natured, liars, unholy, though they claim to be practicing the Dhamma, practicing what is harmonious, practicing the holy life, speakers of the truth, virtuous, fine-natured. They have no quality of a contemplative, no holy quality. Destroyed is their quality of a contemplative! Destroyed is their holy quality! From where is their quality of a contemplative? From where, their holy quality? Gone are they from any quality of a contemplative! Gone from any holy quality! How can a man, having done a man's business with a woman, take her life?"
Then, early in the morning, a large number of monks adjusted their under robes and — carrying their bowls & robes — went into Sāvatthī for alms. Then, having gone for alms in Sāvatthī, after the meal, returning from their alms round, they went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there they said to the Blessed One, "At present, lord, people seeing monks in Sāvatthī insult, revile, irritate, & harass them with discourteous, abusive language: 'They're shameless, these Sakyan-son contemplatives: unvirtuous, evil-natured, liars, unholy.... How can a man, having done a man's business with a woman, take her life?'"
"Monks, this noise will not last long. It will last only seven days. With the passing of seven days, it will disappear. So in that case, when those people, on seeing monks, insult, revile, irritate, & harass them with discourteous, abusive language, counter their accusation with this verse:
"He goes to hell,
the one who asserts
what didn't take place,
as does the one
who, having done,
says, 'I didn't.'
Both — low-acting people —
there become equal:
after death, in the world beyond."[2]
So, having learned this verse in the Blessed One's presence, the monks — whenever people, on seeing monks in Sāvatthī, insulted, reviled, irritated, & harassed them with discourteous, abusive language — countered the accusation with this verse:
"He goes to hell,
the one who asserts
what didn't take place,
as does the one
who, having done,
says, 'I didn't.'
Both — low-acting people —
there become equal:
after death, in the world beyond."
The thought occurred to those people, "They're innocent, these Sakyan-son contemplatives. It wasn't done by them. They're taking an oath, these Sakyan-son contemplatives."[3] And so that noise didn't last long. It lasted only seven days. With the passing of seven days, it disappeared.
Then a large number of monks went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to him, "It's amazing, lord. It's astounding — how well-said that was by the Blessed One: 'Monks, this noise will not last long. It will last only seven days. With the passing of seven days, it will disappear.' Lord, that noise has disappeared."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
They stab with their words
— people unrestrained —
as they do, with arrows,
a tusker gone into battle.[4]
Hearing abusive words spoken,
one should endure them:
a monk with unbothered mind.
Note
1.
Following the Sri Lankan and Burmese editions. In the Thai edition, this sentence reads, less effectively, "What can I do?"
2.
This verse = Dhp 306.
3.
Reading na imehi kataṃ, sapant'ime samaṇā sakya-puttiyā with the Sri Lankan and Burmese editions. The Thai reads, less grammatically, na imehi kataṃ, pāpant'ime samaṇā sakya-puttiyā.
4.
Because sarehi can mean either "with arrows" or "with voices," this verse can also be translated:
They goad with their words
— people unrestrained —
as they do, with shouts,
a tusker gone into battle.
The verse thus yields two equally valid interpretations:
a) The people stabbing the elephant with arrows (sarehi) are enemy soldiers, trying to bring it down.
b) The people goading the elephant with their shouts and voices (sarehi) are soldiers fighting on the same side as the elephant, urging it to charge into danger.
The Commentary gives only the first interpretation. But if we accept both interpretations, the verse contains a more useful double warning: When there's a controversy, beware of the unrestrained people on both sides. Learn to endure the hurtful words of those on the other side who want to bring you down, and the hurtful words of those on your side who try to rouse your anger so that you will say something rash.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion, when Ven. Upasena Vaṅgantaputta was alone in seclusion, this line of thinking appeared to his awareness: "What a gain, what a true gain it is for me that my teacher is the Blessed One, worthy and fully self-awakened; that I have gone forth from home to the homeless life in a well-taught Dhamma & Vinaya; that my companions in the holy life are virtuous and endowed with admirable qualities; that I have achieved culmination in terms of the precepts; that my mind is unified and well-concentrated; that I am an arahant, with effluents ended; that I have great power & great might. Fortunate has been my life; fortunate will be my death."
Then the Blessed One, comprehending with his awareness the line of thinking that had appeared to Ven. Upasena Vaṅgantaputta's awareness, on that occasion exclaimed:
He doesn't regret
what life has been,
doesn't grieve
at death,
if — enlightened[1] —
he has seen that state.
He doesn't grieve
in the midst of grief.
For one who has crushed
craving for becoming —
the monk of peaceful mind —
birth & the wandering on
are totally ended.
He has no further becoming.[2]
Note
1.
Enlightened (dhīra): Throughout this translation I have rendered buddha as "awakened," and dhīra as "enlightened." As Jan Gonda points out in his book, The Vision of the Vedic Poets, the word dhīra was used in Vedic and Buddhist poetry to mean a person who has the heightened powers of mental vision needed to perceive the "light" of the underlying principles of the cosmos, together with the expertise to implement those principles in the affairs of life and to reveal them to others. A person enlightened in this sense may also be awakened, but is not necessarily so.
2.
This last verse is identical with a verse in Sn 3.12 (verse 746 in the PTS edition).
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Sāriputta was sitting not far from the Blessed One — his legs crossed, his body held erect — reflecting on the peace within himself. The Blessed One saw Ven. Sāriputta sitting not far away — his legs crossed, his body held erect — reflecting on the peace within himself.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
For the monk whose mind is
peaceful, at peace,
whose cord is cut,[1]
birth & the wandering on
are totally ended.
Freed is he
from Māra's bonds.
Note
1.
The cord (to becoming) is craving.
5. Sonavagga — The Chapter About Sona
I.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion King Pasenadi Kosala had gone with Queen Mallikā to the upper palace. Then he said to her, "Mallikā, is there anyone dearer to you than yourself?"
"No, great king. There is no one dearer to me than myself. And what about you, great king? Is there anyone dearer to you than yourself?"
"No, Mallikā. There is no one dearer to me than myself."
Then the king, descending from the palace, went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, he said to the Blessed One, "Just now, when I had gone with Queen Mallikā to the upper palace, I said to her, 'Mallikā, is there anyone dearer to you than yourself?'
"When this was said, she said to me, 'No, great king. There is no one dearer to me than myself. And what about you, great king? Is there anyone dearer to you than yourself?'
"When this was said, I said to her, 'No, Mallikā. There is no one dearer to me than myself.'"
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Searching all directions
with your awareness,
you find no one dearer
than yourself.
In the same way, others
are thickly dear to themselves.
So you shouldn't hurt others
if you love yourself.
II.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Then Ven. Ānanda, emerging from his seclusion in the late afternoon, went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "It's amazing, sir. It's astounding — how short-lived the Blessed One's mother was. Seven days after the Blessed One's birth she died and reappeared among the Contented [Tusita] (deva-) group."
"That's the way it is, Ānanda. That's the way it is, for the mothers of bodhisattas are short-lived. Seven days after the bodhisattas' birth, the bodhisattas' mothers pass away and reappear among the Contented (deva-) group."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Those who have come to be,
those who will be:
All
will go,
leaving the body behind.
The skillful person,
realizing the loss of all,
should live the holy life
ardently.
III.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' Sanctuary. And on that occasion in Rājagaha there was a leper named Suppabuddha, a poor, miserable wretch of a person. And on that occasion the Blessed One was sitting surrounded by a large assembly, teaching the Dhamma. Suppabuddha the leper saw the large gathering of people from afar and thought to himself, "Without a doubt, someone must be distributing staple or non-staple food there. Why don't I go over to that large group of people, and maybe there I'll get some staple or non-staple food." So he went over to the large group of people. Then he saw the Blessed One sitting surrounded by a large assembly, teaching the Dhamma. On seeing this, he realized, "There's no one distributing staple or non-staple food there. That's Gotama the contemplative (sitting) surrounded, teaching the Dhamma. Why don't I listen to the Dhamma?" So he sat down to one side right there, [thinking,] "I, too, will listen to the Dhamma."
Then the Blessed One, having encompassed the awareness of the entire assembly with his awareness, asked himself, "Now who here is capable of understanding the Dhamma?" He saw Suppabuddha the leper sitting in the assembly, and on seeing him the thought occurred to him, "This person here is capable of understanding the Dhamma." So, aiming at Suppabuddha the leper, he gave a step-by-step talk, i.e., he proclaimed a talk on generosity, on virtue, on heaven; he declared the drawbacks, degradation, & corruption of sensuality, and the rewards of renunciation. Then when the Blessed One knew that Suppabuddha the leper's mind was ready, malleable, free from hindrances, elevated, & clear, he then gave the Dhamma-talk peculiar to Awakened Ones, i.e., stress, origination, cessation, & path. And just as a clean cloth, free of stains, would properly absorb a dye, in the same way, as Suppabuddha the leper was sitting in that very seat, the dustless, stainless Dhamma eye arose within him, "Whatever is subject to origination is all subject to cessation."
Having seen the Dhamma, reached the Dhamma, known the Dhamma, gained a foothold in the Dhamma, having crossed over & beyond doubt, having had no more perplexity, having gained fearlessness & independence from others with regard to the Teacher's message, he got up from his seat and went to the Blessed One. On arrival, having bowed down to the Blessed One, he sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Magnificent, lord! Magnificent! Just as if he were to place upright what was overturned, to reveal what was hidden, to show the way to one who was lost, or to carry a lamp into the dark so that those with eyes could see forms, in the same way has the Blessed One — through many lines of reasoning — made the Dhamma clear. I go to the Blessed One for refuge, to the Dhamma, and to the Community of monks. May the Blessed One remember me as a lay follower who has gone to him for refuge, from this day forward, for life."
Then Suppabuddha the leper, having been instructed, urged, roused, & encouraged by the Blessed One's Dhamma talk, delighting in & approving of the Blessed One's words, got up from his seat, bowed down to the Blessed One and left, circling him to the right. Not long after his departure he was attacked & killed by a cow with a young calf.
Then a large number of monks went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As they were sitting there, they said to the Blessed One, "Lord, the leper named Suppabuddha, whom the Blessed One instructed, urged, roused, & encouraged with a Dhamma talk, has died. What is his destination? What is his future state?"
"Monks, Suppabuddha the leper was wise. He practiced the Dhamma in accordance with the Dhamma and did not pester me with issues related to the Dhamma. With the destruction of the first three fetters, he is a stream-winner, not subject to states of deprivation, headed for self-awakening for sure."
When this was said, one of the monks said to the Blessed One, "Lord, what was the cause, what was the reason, why Suppabuddha the leper was such a poor, miserable wretch of a person?"
"Once, monks, in this very Rājagaha, Suppabuddha the leper was the son of a rich money-lender. While being escorted to a pleasure park, he saw Tagarasikhin the Private Buddha[1] going for alms in the city. On seeing him, the thought occurred to him, 'Who is this leper prowling about?' Spitting and disrespectfully turning his left side to Tagarasikhin the Private Buddha, he left. As a result of that deed he boiled in hell for many years, many hundreds of years, many thousands of years, many hundreds of thousands of years. And then as a remainder of the result of that deed he became a poor, miserable wretch of a person in this very Rājagaha. But on encountering the Dhamma & Vinaya made known by the Tathāgata, he acquired conviction, virtue, learning, relinquishment, & discernment. Having acquired conviction, virtue, learning, relinquishment, & discernment on encountering the Dhamma & Vinaya made known by the Tathāgata, now — on the break-up of the body, after death — he has reappeared in a good destination, the heavenly world, in company with the devas of the heaven of the Thirty-three. There he outshines the other devas both in beauty & in rank."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
As one with eyes & having energy
would
treacherous, uneven places,
so a wise one, in the world of life,
should
avoid
evil deeds.[2]
Note
1.
A Private Buddha is one who gains awakening without relying on the teachings of others, but who cannot formulate the Dhamma to teach others in the way a Full Buddha can.
2.
This verse is an example of a "lamp" — a poetic figure explained in the note to Ud 1.1. In this case the lamp-word is "should avoid."
IV.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion, a large number of boys on the road between Sāvatthī & Jeta's Grove were catching fish. Then early in the morning the Blessed One adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Sāvatthī for alms. He saw the large number of boys on the road between Sāvatthī & Jeta's Grove catching little fish. Seeing them, he went up to them and, on arrival, said to them, "Boys, do you fear pain? Do you dislike pain?"
"Yes, lord, we fear pain. We dislike pain."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
If you fear pain,
if you dislike pain,
don't anywhere do an evil deed
in open or in secret.
If you're doing or will do
an evil deed,
you won't escape pain
catching up
as you run away.
V.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at the Eastern Monastery, the palace of Migāra's mother. And on that occasion, the Blessed One — it being the observance day — was sitting surrounded by the community of monks. Then Ven. Ānanda — when the night was far advanced, at the end of the first watch — got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "Lord, the night is far advanced. The first watch has ended. The community of monks has been sitting here long. May the Blessed One recite the Pāṭimokkha to them." When this was said, the Blessed One remained silent.
Then a second time, when the night was far advanced, at the end of the middle watch, Ven. Ānanda got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "Lord, the night is far advanced. The second watch has ended. The community of monks has been sitting here long. May the Blessed One recite the Pāṭimokkha to them." When this was said, the Blessed One remained silent.
Then a third time, when the night was far advanced, at the end of the last watch, as dawn was approaching and the face of the night was beaming, Ven. Ānanda got up from his seat, arranged his robe over one shoulder, stood facing the Blessed One, paying homage with his hands placed palm-to-palm over his heart, and said to him, "Lord, the night is far advanced. The last watch has ended. Dawn is approaching and the face of the night is beaming. The community of monks has been sitting here long. May the Blessed One recite the Pāṭimokkha to the community of monks."
"Ānanda, the gathering isn't pure."
Then the thought occurred to Ven. Mahā Moggallāna: "In reference to which individual did the Blessed One just now say, 'Ānanda, the gathering isn't pure'?" So he directed his mind, encompassing with his awareness the awareness of the entire community of monks. He saw that individual — unprincipled, evil, unclean and suspect in his undertakings, hidden in his actions, not a contemplative though claiming to be one, not leading the holy life though claiming to do so, inwardly rotten, oozing with desire, filthy by nature — sitting in the midst of the community of monks. On seeing him, he got up, went over to that individual, and on reaching him said, "Get up, friend. You have been seen by the Blessed One. You have no affiliation with the community of monks." Then the individual remained silent. A second time... A third time, Ven. Mahā Moggallāna said, "Get up, friend. You have been seen by the Blessed One. You have no affiliation with the community of monks." And for a third time the individual remained silent.
Then Ven. Mahā Moggallāna, grabbing that individual by the arm, having expelled him through the outside door of the porch and locking the bolt, approached the Blessed One and on arrival said, "I have expelled that individual, lord. The gathering is now pure. Let the Blessed One recite the Pāṭimokkha to the community of monks."
"Isn't it amazing, Moggallāna. Isn't it astounding, how that worthless man waited until he was grabbed by the arm." Then the Blessed One addressed the monks: "From now on I will no longer perform the observance or recite the Pāṭimokkha. From now on, you alone, monks, will perform the observance and recite the Pāṭimokkha. It is impossible, it cannot happen, that a Tathāgata would perform the observance or recite the Pāṭimokkha with an impure gathering.
"Monks, there are these eight amazing & astounding qualities of the ocean because of which, as they see them again & again, the asuras take great joy in the ocean. Which eight?
"[1] The ocean has a gradual shelf, a gradual slope, a gradual inclination, with a sudden drop-off only after a long stretch.[1] The fact that the ocean has a gradual shelf, a gradual slope, a gradual inclination, with a sudden drop-off only after a long stretch: This is the first amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[2] And furthermore, the ocean is stable and does not overstep its tideline... This is the second amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[3] And furthermore, the ocean does not tolerate a dead body. Any dead body in the ocean gets quickly washed to the shore and thrown up on dry land... This is the third amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[4] And furthermore, whatever great rivers there are — such as the Ganges, the Yamunā, the Aciravatī, the Sarabhū, the Mahī — on reaching the ocean, give up their former names and are classed simply as 'ocean'... This is the fourth amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[5] And furthermore, though the rivers of the world pour into the ocean, and rains fall from the sky, no swelling or diminishing in the ocean for that reason can be discerned... This is the fifth amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[6] And furthermore, the ocean has a single taste: that of salt... This is the sixth amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[7] And furthermore, the ocean has these many treasures of various kinds: pearls, sapphires, lapis lazuli, shells, quartz, coral, silver, gold, rubies, & cat's eyes... This is the seventh amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"[8] And furthermore, the ocean is the abode of such mighty beings as these: whales, whale-eaters, & whale-eater-eaters; asuras, nāgas, & gandhabbas. There are in the ocean beings one hundred leagues long, two hundred... three hundred... four hundred... five hundred leagues long. The fact that the ocean is the abode of such mighty beings as these: whales, whale-eaters, & whale-eater-eaters; asuras, nāgas, & gandhabbas; and there are in the ocean beings one hundred leagues long, two hundred... three hundred... four hundred... five hundred leagues long: This is the eighth amazing & astounding quality of the ocean because of which, as they see it again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"These are the eight amazing & astounding qualities of the ocean because of which, as they see them again & again, the asuras take great joy in the ocean.
"In the same way, monks, there are eight amazing & astounding qualities of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see them again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya. Which eight?
"[1] Just as the ocean has a gradual shelf, a gradual slope, a gradual inclination, with a sudden drop-off only after a long stretch; in the same way this Dhamma & Vinaya has a gradual training, a gradual performance, a gradual practice, with a penetration to gnosis only after a long stretch. The fact that this Dhamma & Vinaya has a gradual training, a gradual performance, a gradual practice, with a penetration to gnosis only after a long stretch: This is the first amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[2] And furthermore, just as the ocean is stable and does not overstep its tideline; in the same way my disciples do not — even for the sake of their lives — overstep the training rules I have formulated for them... This is the second amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[3] And furthermore, just as the ocean does not tolerate a dead body — any dead body in the ocean getting quickly washed to the shore and thrown up on dry land — in the same way, if an individual is unprincipled, evil, unclean & suspect in his undertakings, hidden in his actions — not a contemplative though claiming to be one, not leading the holy life though claiming to do so, inwardly rotten, oozing with desire, filthy by nature — the community has no affiliation with him. Having quickly gathered together, they suspend him from the community. Even though he may be sitting in the midst of the community of monks, he is far from the community, and the community far from him... This is the third amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[4] And furthermore, just as whatever great rivers there are — such as the Ganges, the Yamunā, the Aciravatī, the Sarabhū, the Mahī — on reaching the ocean, give up their former names and are classed simply as 'ocean'; in the same way, when members of the four castes — noble warriors, brahmans, merchants, & workers — go forth from home to the homeless life in this Dhamma & Vinaya declared by the Tathāgata, they give up their former names and clans and are classed simply as 'contemplatives, sons of the Sakyan'... This is the fourth amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[5] And furthermore, just as the rivers of the world pour into the ocean, and rains fall from the sky, but no swelling or diminishing in the ocean for that reason can be discerned; in the same way, although many monks are totally unbound into the property of unbinding with no fuel remaining, no swelling or diminishing in the property of unbinding for that reason can be discerned... This is the fifth amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[6] And furthermore, just as the ocean has a single taste — that of salt — in the same way, this Dhamma & Vinaya has a single taste: that of release... This is the sixth amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[7] And furthermore, just as the ocean has these many treasures of various kinds — pearls, sapphires, lapis lazuli, shells, quartz, coral, silver, gold, rubies, & cat's eyes — in the same way, this Dhamma & Vinaya has these many treasures of various kinds: the four establishings of mindfulness, the four right exertions, the four bases of power, the five faculties, the five strengths, the seven factors for awakening, the noble eightfold path... This is the seventh amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"[8] And furthermore, just as the ocean is the abode of such mighty beings as these: whales, whale-eaters, & whale-eater-eaters; asuras, nāgas, & gandhabbas, and there are in the ocean beings one hundred leagues long, two hundred... three hundred... four hundred... five hundred leagues long; in the same way, this Dhamma & Vinaya is the abode of such mighty beings as these: stream-winners & those practicing to realize the fruit of stream-entry; once-returners & those practicing to realize the fruit of once-returning; non-returners & those practicing to realize the fruit of non-returning; arahants & those practicing for arahantship. The fact that this Dhamma & Vinaya is the abode of such mighty beings as these — stream-winners & those practicing to realize the fruit of stream-entry; once-returners & those practicing to realize the fruit of once-returning; non-returners & those practicing to realize the fruit of non-returning; arahants & those practicing for arahantship: This is the eighth amazing & astounding quality of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see it again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya.
"These are the eight amazing & astounding qualities of this Dhamma & Vinaya because of which, as they see them again & again, the monks take great joy in this Dhamma & Vinaya."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Rain soddens what's covered
& doesn't sodden what's open.
So open up what's covered up,
so that it won't get soddened by the rain.[2]
Note
1.
The Pali here reads, na āyataken'eva papāto. The Commentary insists that this phrase means, "with no abrupt drop-off." There are three reasons for not accepting the Commentary's interpretation here. (a) The first is grammatical. The word āyataka means "long, drawn out; lasting a long time." To interpret āyatakena, the instrumental of a word meaning "long, drawn out," to mean "abrupt" makes little sense. (b) The second reason is geographical. The continental shelf off the east coast of India does have a sudden drop-off after a long gradual slope. (c) The third reason is doctrinal. As noted in the interpretation of the simile, the shape of the ocean floor corresponds to the course of the practice. If there were no sudden drop-off, there would be no sudden penetration to awakening. However, there are many cases of sudden penetration in the Canon, Exhibit A being Bāhiya's attainment of arahantship in Ud 1.10.
2.
This verse also appears among the verses attributed to Ven. Sirimaṇḍa at Thag 6.13 (verse 447 in the PTS edition).
VI.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Mahā Kaccāyana was living among the people of Avantī on Pavatta Mountain near the Osprey Habitat. And at that time the lay follower Soṇa Koṭikaṇṇa was Ven. Mahā Kaccāyana's supporter. Then as Soṇa Koṭikaṇṇa was alone in seclusion, this train of thought appeared to his awareness: "According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?"
So he went to Ven. Mahā Kaccāyana and on arrival, having bowed down to Ven. Mahā Kaccāyana, sat to one side. As he was sitting there he said to Ven. Mahā Kaccāyana, "Just now, venerable sir, as I was alone in seclusion, this train of thought appeared to my awareness: 'According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?' Give me the going-forth, Master Mahā Kaccāyana!"
When this was said, Ven. Mahā Kaccāyana said to Soṇa Koṭikaṇṇa, "It's hard, Soṇa, the life-long, one-meal-a-day, sleeping-alone holy life. Please, right there as you are a householder, devote yourself to the message of the Awakened Ones and to the proper-time [i.e., uposatha day], one-meal-a-day, sleeping-alone holy life." And so Soṇa Koṭikaṇṇa's idea of going-forth subsided.
Then a second time as Soṇa Koṭikaṇṇa was alone in seclusion, this train of thought appeared to his awareness: "According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?"
So he went to Ven. Mahā Kaccāyana and on arrival, having bowed down to Ven. Mahā Kaccāyana, sat to one side. As he was sitting there he said to Ven. Mahā Kaccāyana, "Just now, venerable sir, as I was alone in seclusion, this train of thought appeared to my awareness: 'According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?' Give me the going-forth, Master Mahā Kaccāyana!"
When this was said, Ven. Mahā Kaccāyana said to Soṇa Koṭikaṇṇa, "It's hard, Soṇa, the life-long, one-meal-a-day, sleeping-alone holy life. Please, right there as you are a householder, devote yourself to the message of the Awakened Ones and to the proper-time, one-meal-a-day, sleeping-alone holy life." And so Soṇa Koṭikaṇṇa's idea of going-forth subsided a second time.
Then a third time as Soṇa Koṭikaṇṇa was alone in seclusion, this train of thought appeared to his awareness: "According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?"
So he went to Ven. Mahā Kaccāyana and on arrival, having bowed down to Ven. Mahā Kaccāyana, sat to one side. As he was sitting there he said to Ven. Mahā Kaccāyana, "Just now, venerable sir, as I was alone in seclusion, this train of thought appeared to my awareness: 'According to the Dhamma that Master Mahā Kaccāyana teaches, it's not easy living at home to practice the holy life totally perfect, totally pure, like a polished shell. What if I were to shave off my hair & beard, put on the ochre robes, and go forth from the household life into homelessness?' Give me the going-forth, Master Mahā Kaccāyana!"
So Ven. Mahā Kaccāyana gave Soṇa Koṭikaṇṇa the going-forth.
Now at that time the southern country of Avantī was short of monks. So only after three years — having gathered from here & there with hardship & difficulty a quorum-of-ten community of monks[1] — did Ven. Mahā Kaccāyana give full admission to Ven. Soṇa. Then, after having completed the Rains retreat, as he was alone in seclusion, this train of thought appeared to Ven. Soṇa's awareness: "I haven't seen the Blessed One face-to-face. I've simply heard that he is like this and like this. If my preceptor would give me permission, I would go to see the Blessed One, worthy & rightly self-awakened."
So, leaving seclusion in the late afternoon, he went to Ven. Mahā Kaccāyana and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, he said to Ven. Mahā Kaccāyana, "Just now, venerable sir, as I was alone in seclusion, this train of thought appeared to my awareness: 'I haven't seen the Blessed One face-to-face. I've simply heard that he is like this and like this. If my preceptor would give me permission, I would go to see the Blessed One, worthy & rightly self-awakened.'"
"Good, Soṇa. Very good. Go, Soṇa, to see the Blessed One, worthy & rightly self-awakened. You will see the Blessed One who is serene & inspires serene confidence, his senses at peace, his mind at peace, one who has attained the utmost tranquility & poise, tamed, guarded, his senses restrained, a Great One (nāga). On seeing him, showing reverence with your head to his feet in my name,[2] ask whether he is free from illness & affliction, is carefree, strong, & living in comfort, [saying: 'My preceptor, lord, shows reverence with his head to your feet and asks whether you are free from illness & affliction, are carefree, strong, & living in comfort.'"] [3]
Saying, "As you say, venerable sir," Ven. Soṇa — delighting in & approving of Ven. Mahā Kaccāyana's words — got up from his seat, bowed down to Ven. Mahā Kaccāyana, circled him to the right, set his lodging in order, and — taking his bowl & robes — set off wandering toward Sāvatthī. Wandering by stages, he arrived at Sāvatthī, Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. He went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there, he said to the Blessed One, "Lord, my preceptor, Ven. Mahā Kaccāyana, shows reverence with his head to the Blessed One's feet and asks whether the Blessed One is free from illness & affliction, is carefree, strong, & living in comfort."
"Are you well, monk? Are you in good health? Have you come along the road with only a little fatigue? And are you not tired of alms-food?"
"I am well, Blessed One. I am in good health, Blessed One. I have come along the road, lord, with only a little fatigue and I am not tired of alms-food."
Then the Blessed One addressed Ven. Ānanda, saying, "Ānanda, prepare bedding for this visiting monk."
Then the thought occurred to Ven. Ānanda, "When the Blessed One orders me, 'Ānanda, prepare bedding for this visiting monk,' he wants to stay in the same dwelling with that monk. The Blessed One wants to stay in the same dwelling with Ven. Soṇa." So he prepared bedding for Ven. Soṇa in the dwelling in which the Blessed One was staying. Then the Blessed One, having spent much of the night sitting in the open air, washed his feet and entered the dwelling. Likewise, Ven. Soṇa, having spent much of the night sitting in the open air, washed his feet and entered the dwelling. Then, getting up toward the end of the night, the Blessed One invited Ven. Mahā Soṇa,[4] saying, "Monk, I would like you to recite the Dhamma."
Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Soṇa chanted all sixteen parts of the Aṭṭhaka Vagga.[5] The Blessed One, at the conclusion of Ven. Soṇa's intonation, expressed high approval: "Good, monk. Very good. You have learned the Aṭṭhaka Vagga [verses] well, have considered them well, have borne them well in mind. You have a fine delivery, clear & faultless, that makes the meaning intelligible. How many Rains [in the monkhood] do you have?"
"I have one Rains, Blessed One."
"But why did you take so long [to ordain]?"
"For a long time, lord, I have seen the drawbacks in sensuality, but the household life is confining with many duties, many things to be done."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Seeing the drawbacks of the world,
knowing the state without acquisitions,
a noble one doesn't find joy in evil,
in evil
a clean one doesn't find joy.[6]
Notes
1.
Originally, a quorum of at least ten monks was required to ordain a new monk. In the version of this story given in the Vinaya (Mv.V.13.1-13), Ven. Mahā Kaccāyana sends a request to the Buddha via Ven. Soṇa that some of the Vinaya rules be relaxed outside of the middle Ganges valley, one of them being that the quorum required for ordination be reduced. As a result, the Buddha amended the relevant rule, stating that the quorum of ten was needed only within the middle Ganges valley, and that outside of the middle Ganges valley a quorum of five would be sufficient to ordain a new monk, provided that at least one of the five be knowledgeable in the Vinaya.
2.
The remainder of this paragraph does not appear in Mv.V.13.5. However, at this point in the story, Mv.V.13.5-7 inserts Ven. Mahā Kaccāyana's request that Ven. Soṇa, in his name, ask the Buddha to rescind four of the monks' rules in the Southern region, and that he explain a procedure dealing with gifts of cloth that Ven. Mahā Kaccāyana found unclear.
3.
The passage in brackets appears in the PTS and Burmese editions, but not in the Thai and Sri Lankan editions.
4.
This is the only point in the sutta where Ven. Soṇa has the prefix "Great" (Mahā) added to his name.
5.
This is apparently the Aṭṭhaka Vagga as we now have it in Sn 4.
6.
At Mv.V.13.10, the PTS version of this last line reads, "In the teaching a clean one finds joy." However, in the Thai, Burmese, and Sri Lankan versions of the same passage, the last line is the same as here.
VII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Revata the Doubter was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, reflecting on [his] purification through the overcoming of doubt. The Blessed One saw Ven. Revata the Doubter sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, reflecting on [his] purification through the overcoming of doubt.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
Any doubts,
about here or the world beyond,
about what is experienced
by/because of others,
by/because of oneself,[1]are abandoned — all —
by the person in jhāna,
ardent,
living the holy life.
Note
1.
This relates to the question of whether pleasure and pain are self-caused or other-caused. As Ud 6.5 and Ud 6.6 show, this question was a hot topic in the time of the Buddha. However, in SN 12.20, SN 12.35, and SN 12.67 the Buddha refuses to get involved in the issue. See the discussion in Skill in Questions, chapter 8.
VIII.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Rājagaha at the Bamboo Grove, the Squirrels' refuge. And on that occasion, early in the morning of the uposatha, Ven. Ānanda adjusted his under robe and — carrying his bowl & robes — went into Rājagaha for alms. Devadatta saw Ven. Ānanda going for alms in Rājagaha and, on seeing him, went to him. On arrival, he said to him, "From this day forward, friend Ānanda, I will conduct the uposatha & community transactions apart from the Blessed One, apart from the community of monks."
Then Ven. Ānanda — having gone for alms in Rājagaha, after the meal, returning from his alms round — went to the Blessed One and, on arrival, having bowed down to him, sat to one side. As he was sitting there he said to the Blessed One, "Just now, lord, after adjusting my under robe early in the morning and carrying my bowl & robes, I went into Rājagaha for alms. Devadatta saw me going for alms in Rājagaha and, on seeing me, went up to me. On arrival, he said to me, 'From this day forward, friend Ānanda, I will conduct the uposatha & community transactions apart from the Blessed One, apart from the community of monks.' Lord, today Devadatta will split the community. He will conduct the uposatha & community transactions [apart from the community]."
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
The good, for the good, is easy to do.
The good, for the evil, is hard to do.
Evil, for the evil, is easy to do.
Evil, for the noble ones, is hard to do.
IX.
I have heard that on one occasion the Blessed One was wandering among the Kosalans with a large community of monks. And on that occasion, a large number of youths passed by as if jeering[1] not far from the Blessed One. The Blessed One saw the large number of youths passing by as if jeering not far away.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
False pundits, totally muddled,
speaking in the range of mere words,
babbling as much as they like:
led on by what,
they don't know.
Note
1.
Reading sadhāyamāna-rūpā with the Burmese edition. The Thai edition reads, saddāyamāna-rūpā — "as if making an uproar" — which doesn't make much sense. The Sri Lankan edition reads, saddhāyamāna-rūpā — "as if showing faith" — which makes even less sense.
X.
I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. And on that occasion Ven. Cūḷa Panthaka was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, with mindfulness established to the fore. The Blessed One saw Ven. Cūḷa Panthaka sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, with mindfulness established to the fore.
Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:
With steady body,
steady awareness,
— whether standing, sitting, or lying down[1] —
a monk determined on mindfulness
gains one distinction
after another.
Having gained one distinction
after another,
he goes where the King of Death
can't see.
Note
1.
There's a slight paradox in this verse in that the word for "steady" (ṭhita) can also mean "standing." Thus when the body is steady and unmoving, it is "standing" regardless of its posture.



Close
Close