Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Mười Hai - Tương Ưng Sự Thật

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Phẩm Ðịnh
1.I. Ðịnh (S.v,414)
1) Ở Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (pajànati). Và như thật rõ biết gì?
3) Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
4) Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
2. II. Thiền Tịnh (Patisallāna) (S.v,414)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy chú tâm tu tập Thiền tịnh. Tỷ-kheo tu tập Thiền tịnh, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết. Như thật rõ biết gì?
3) (Như đoạn số 3, kinh trên) ...
4) Này các Tỷ-kheo, hãy chú tâm tu tập Thiền tịnh. Tỷ-kheo tu tập Thiền tịnh, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
3. III. Thiện Nam Tử (1) (S.v,415)
1) ...
2) -- Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.
3) Những thiện nam tử nào trong thời vị lai, này các Tỷ-kheo, sẽ chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy sẽ làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.
4) Những thiện nam tử nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
5) Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... sẽ chơn chánh xuất gia... tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
4. IV. Thiện Nam Tử (2) (S.v,415)
1) ...
2) -- Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.
3) ... trong thời vị lai... sẽ như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.
4) ... trong thời hiện tại... như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
5) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, đã như thật chứng ngộ... sẽ như thật chứng ngộ... như thật chứng ngộ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
5. V. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,416)
1) ...
2) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã như thật chánh đẳng giác, tất cả những vị ấy như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.
3) ... trong thời vị lai... sẽ như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.
4) ... trong thời hiện tại... như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã như thật chánh đẳng giác... sẽ như thật chánh đẳng giác... như thật chánh đẳng giác; tất cả những vị ấy như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
6. VI. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,417)
1) ...
2) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác; tất cả những vị ấy đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.
3) ... trong thời vị lai... sẽ tuyên bố như thật chánh đẳng giác...; tất cả những vị ấy sẽ tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.
4) ... trong thời hiện tại... tuyên bố như thật chánh đẳng giác...; tất cả những vị ấy tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác... sẽ tuyên bố... tuyên bố như thật chánh đẳng giác, tất cả những vị ấy đã tuyên bố... sẽ tuyên bố... tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
7. VII. Các Tầm (S.v,417)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, chớ có suy tầm các tầm ác, bất thiện, như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Vì sao?
3) Các tầm ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, chúng không phải căn bản cho Phạm hạnh, chúng không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Khi các Ông suy tầm, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tầm: "Ðây là khổ"... hãy suy tầm: "Ðây là Khổ tập"... hãy suy tầm: "Ðây là Khổ diệt"... hãy suy tầm: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Vì sao?
5) Các suy tầm ấy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, chúng là căn bản cho Phạm hạnh, chúng đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
8. VIII. Suy Tư (Cintā) (S.v,418)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư ác, bất thiện tầm: "Thế giới là thường hằng", hay "Thế giới là vô thường", hay "Thế giới là hữu biên", hay "Thế giới là vô biên", hay "Sinh mạng này, thân thể này là một", hay "Sinh mạng này, thân thể này là khác", hay "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", hay "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Vì sao?
3) ... (Như đoạn số 3, kinh trên) ...
4) Và có suy tư, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tư: "Ðây là Khổ"... hãy suy tư: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Vì sao?
5) ... Các suy tư ấy... (Như đoạn số 5, kinh trên) ...
9. IX. Tranh Luận (Viggāhikā) (S.v,419)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: "Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được". Vì sao?
3) Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Và này các Tỷ-kheo, nếu có nói, thời hãy nói: "Ðây là Khổ"... hãy nói: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Vì sao?
5) Các lời nói ấy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, làm căn bản cho Phạm hạnh... một cố gắng cần phải làm...
10. X. Lời Nói (S.v,419)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao?
3) Những câu chuyện này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Có nói chuyện, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy nói chuyện: "Ðây là Khổ"... hãy nói chuyện: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt"... Vì sao?
5) Các câu chuyện này, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
II. Phẩm Chuyển Pháp Luân
11. I. Như Lai Thuyết (1) (S.v,420)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
-- Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
3) Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
5) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
6) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
7) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
8) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.
9) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
10) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.
11) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.
12) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
13) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
14) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
15) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: "Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt".
16) Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: "Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời".
17) Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên: "Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời".
18) Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba... chư Thiên Yàmà... chư Thiên Tusità... chư Hóa lạc thiên... chư Tha hóa tự tại thiên... chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: "Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận... bất cứ một ai ở đời".
19) Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên.
20) Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: "Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna!"
Như vậy Tôn giả Kondanna được tên là Annāta Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như).
12. II. Như Lai Thuyết (2) (S.v,424)
1) ...
2) -- Thánh đế về Khổ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước đến nay các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Khổ đã được liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.
3) Thánh đế về Khổ tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe.... quang sanh. Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.
4) Thánh đế về Khổ diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh.
5) Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe... quang sanh. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
13. III. Uẩn (S.v,425)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải được nói là năm thủ uẩn. Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập? Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt? Chính là sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt? Ðây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
7) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là các Thánh đế. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
14. IV. Xứ (S.v,426)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này... Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải trả lời là sáu nội xứ. Thế nào là sáu? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.
4-7) ... (giống như đoạn số 4-7 của kinh trên).
15. V. Thọ Trì (1) (S.v,426)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy thọ trì bốn Thánh đế Ta đã thuyết giảng cho các Ông.
3) Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có thọ trì bốn Thánh đế do Như Lai thuyết giảng.
4) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ là Thánh đế thứ nhất do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ tập là Thánh đế thứ hai do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ diệt là Thánh đế thứ ba do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Thế Tôn thuyết giảng.
Như vậy, bạch Thế Tôn, con thọ trì bốn Thánh đế do Như Lai thuyết giảng.
5) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông thọ trì bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Này Tỷ-kheo, Khổ là Thánh đế thứ nhất do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì... Này Tỷ-kheo, Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì.
6) Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì như vậy bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
16. VI. Thọ Trì (2) (S.v,427)
1) ...
2-3) ... (giống như đoạn số 2-3 của kinh trên)
4) -- Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ là Thánh đế thứ nhất do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Khổ này được Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ nhất. Tôi bác bỏ Khổ ấy là Thánh đế thứ nhất. Tôi sẽ tuyên bố một Khổ khác là Thánh đế thứ nhất". Sự kiện như vậy không xảy ra.
5-6) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ tập là Thánh đế thứ hai... Khổ diệt là Thánh đế thứ ba.... không xẩy ra.
7) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Con Ðường đưa đến Khổ diệt này, được Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ tư. Tôi bác bỏ Con Ðường đưa đến Khổ diệt ấy là Thánh đế thứ tư. Tôi sẽ tuyên bố một Con Ðường đưa đến Khổ diệt khác là Thánh đế thứ tư". Sự kiện này không xẩy ra.
8) Bạch Thế Tôn, như vậy con thọ trì bốn Thánh đế do Thế Tôn thuyết giảng.
9) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông thọ trì bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Khổ, này Tỷ-kheo, là Thánh đế thứ nhất, do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Khổ này do Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ nhất. Tôi bác bỏ Khổ này là Thánh đế thứ nhất. Tôi sẽ tuyên bố một Khổ khác là Thánh đế thứ nhất". Sự kiện như vậy không xảy ra... "Khổ diệt Thánh đế... Con đường đưa đến khổ diệt". Này Tỷ-kheo, là Thánh đế thứ tư do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Con Ðường đưa đến Khổ diệt này do Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ tư. Tôi bác bỏ Con Ðường đưa đến Khổ diệt này là Thánh đế thứ tư. Tôi sẽ tuyên bố một Con Ðường đưa đến Khổ diệt khác là Thánh đế thứ tư". Sự kiện như vậy không xẩy ra.
10) Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì như vậy bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
17. VII. Vô Minh (S.v,429)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo... ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vô minh, vô minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Và cho đến như thế nào là đi đến vô minh (avijjāgato)?
4) -- Này Tỷ-kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là vô minh. Cho đến như vậy là đi đến vô minh.
5) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
18. VIII. Minh (S.v,429)
1) ...
2) ... (như kinh trên) ...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Minh, minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là minh? Và cho đến như thế nào là đi đến minh?
4) -- Này Tỷ-kheo, chính là rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là minh. Cho đến như vậy là đi đến minh.
5) Do vậy, này Tỷ-kheo... (như đoạn số 5, kinh trên) ...
19. IX. Thi Thiết (Sankāsanā) (S.v,430)
1) ...
2) -- Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ (vannā), vô lượng văn (vyanjanā), vô lượng thi thiết (sankāsanā). Ðây là Thánh đế về Khổ.
3) ... Ðây là Khổ tập...
4) ... Ðây là Khổ diệt...
5) Ðây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ, vô lượng văn, vô lượng thi thiết. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
20. X. Như Thật (Tathà) (S.v,430)
1) ...
2) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật (avitathàni), không khác như thật (anannathàni). Thế nào là bốn?
3) Ðây là Khổ, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.
4) Ðây là Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.
5) Ðây là Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.
6) Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.
7) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
III. Phẩm Kotigàma
21.I. Minh (1) (S.v,431)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa các dân chúng Vajji, tại Kotigāma.
2) Tại đấy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?
3) Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.
4) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ tập đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt. Ðược chặt đứt là hữu ái, được đoạn tận là những gì đưa đến tái sanh (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.
5) Thế Tôn thuyết giảng như vậy... bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Do không như thật thấy,
Bốn sự thật bậc Thánh,
Phải lâu ngày luân chuyển,
Trải qua nhiều đời sống.
Khi chúng được thấy rõ,
Mầm tái sanh nhổ sạch,
Gốc khổ được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
22.II. Minh (2) (S.v,432)
1) ...
2)-- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt", không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", thời này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, Bà-la-môn hạnh.
3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập", như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt", như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", thời này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay của Bà-la-môn hạnh.
4) Thế Tôn thuyết giảng như vậy... bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Những ai không rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Không rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Không biết Con Ðường ấy
Ðưa đến chỉ tịnh Khổ.
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.
Những vị nào rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Và rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Rõ biết Con Ðường ấy
Ðưa đến chỉ tịnh khổ.
Tâm giải thoát thành tựu,
Và các tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già.
23.III. Chánh Ðẳng Giác (S.v,433)
1-2) Tại Sāvatthi...
-- Có bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
3) Thánh đế về Khổ,... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
4) Này các Tỷ-kheo, do như thật chánh giác bốn Thánh đế này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
24.IV. A-La-Hán (S.v,433)
1) Tại Sāvatthi...
2) -- Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy đã như thật chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.
3) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời vị lai, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy sẽ chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.
4) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy hiện đang chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
5) Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời quá khứ như thật đã chánh đẳng chánh giác... sẽ như thật chánh đẳng chánh giác, hiện như thật chánh đẳng chánh giác; tất cả những vị ấy... hiện đang chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
25.V. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,434)
1) ...
2) -- Với người biết, với người thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố các lậu hoặc được đoạn tận, không phải với người không biết, với người không thấy. Và do biết gì, do thấy gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận?
3) Do biết, do thấy: "Ðây là Khổ", này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận. Do biết, do thấy: "Ðây là Khổ tập"... "Ðây là Khổ diệt"... Do biết, do thấy: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", các lậu hoặc được đoạn tận.
4) Do biết vậy, do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
26.VI. Thân Hữu (S.v,434)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ cần nghe theo như bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay huyết thống, thì này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ những người ấy, huấn luyện, an trú các người ấy trong sự chứng ngộ như thật bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
3) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
4) Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn... như thật bốn Thánh đế.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
27.VII. Như Thật (S.v,435)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn?
3) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
4) Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy, chúng được gọi là Thánh đế.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như đoạn số 5 kinh trên) ...
28.VIII. Thế Giới (S.v,435)
1) ...
2-3) ... (Như đoạn số 2-3, kinh trên) ...
4) -- Này các Tỷ-kheo, trong các thế giới, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, và quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Như Lai là bậc Thánh, do vậy được gọi là Thánh đế.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như đoạn số 5, kinh trên) ...
29.IX. Cần Phải Liễu Tri Hay Thắng Tri (S.v,436)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn?
3) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
4) Trong bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, có Thánh đế cần phải liễu tri, có Thánh đế cần phải đoạn tận, có Thánh đế cần phải chứng ngộ, có Thánh đế cần phải tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế cần phải liễu tri?
5) Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, cần phải liễu tri. Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận. Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như đoạn số 5, kinh trên) ...
30.X. Gavampati (S.v,436)
1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Ceti tại Sahancanika.
2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo Thượng tọa sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong ngôi nhà tròn, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai thấy Khổ, người ấy thấy Khổ tập, thấy Khổ diệt, thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
3) Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Govampati nói với các Tỷ-kheo Thượng tọa:
-- "Tôi có tự thân nghe từ Thế Tôn, thưa chư Hiền, tự thân lãnh thọ như sau:
4) "Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt".
IV. Phẩm Rừng Simsapà
31.I. Simsapà (S.v,437)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà.
2) Rồi Thế Tôn lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỷ-kheo:
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapà?
-- Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà.
3) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra!
4) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.
5) Và này các Tỷ-kheo, điều gì mà Ta nói? "Ðây là Khổ", này các Tỷ-kheo, là điều Ta nói. "Ðây là Khổ tập", là điều Ta nói. "Ðây là Khổ diệt", là điều Ta nói. "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", là điều Ta nói.
6) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
32.II. Cây Keo (Khandira) (S.v,438)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau"; sự kiện này không xảy ra.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người nói như sau : "Với những lá cây keo, hay lá cây palàsa (một thứ cây có bông màu đỏ thắm mọc trước lá) hay lá cây kha-lê-lặc (àmalaka), tôi sẽ làm giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt"; sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... không như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau"; sự kiện này không xảy ra.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói như sau: "Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau"; sự kiện này có xảy ra.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người nói như sau: "Với những lá sen hay lá pasàla hay lá màluva (một loại cây leo), tôi sẽ làm các giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt"; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: "Sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau"; sự kiện này có xảy ra.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
33.III. Cái Gậy (S.v,439)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây gậy được quăng lên hư không, khi thì rơi xuống đầu gốc, khi thì rơi xuống chặng giữa, khi thì rơi xuống đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, dong ruổi, luân chuyển, khi thì đi từ thế giới này đến thế giới kia, khi thì đi từ thế giới kia đến thế giới này. Vì sao? Vì rằng không thấy bốn Thánh đế. Này các Tỷ-kheo, bốn Thánh đế ấy là gì?
3) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
4) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như số 6, kinh trên) ...
34.IV. Khăn Ðầu (S.v,440)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, khi khăn đầu hay đầu bị lửa cháy, thời phải làm gì?
-- Bạch Thế Tôn, khi khăn đầu hay đầu bị bị lửa cháy, để dập tắt khăn đầu hay đầu bị lửa cháy cần phải có ước muốn tăng thượng (chanda), tinh tấn (vàyàmo), cố gắng (ussàho), nỗ lực (ussohii), không có thối thất (appativami), chánh niệm và tỉnh giác.
3) -- Bỏ qua đầu và khăn bị cháy, này các Tỷ-kheo, không có tác ý để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế, chưa được chứng ngộ, cần phải có ước muốn tăng thượng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, không thối thất, chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là bốn?
4) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
35.V. Một Trăm Cây Thương (Sattisata) (S.v,440)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: "Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngộ". Này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao?
3) Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Thế nào là bốn?
4) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
5) ... (như đoạn số 5, kinh trên) ...
36.VI. Sanh Loại (Pànà) (S.v,431)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người trên cõi Diêm-phù-đề này chặt cỏ, cây, cành, lá và chất thành một đống. Chất thành một đống xong, vị ấy làm thành những cây gậy có vót nhọn (sulàm). Sau khi làm thành những cây có vót nhọn, vị ấy đâm những sanh loại lớn trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn lớn; vị ấy đâm những sanh loại bậc trung trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc trung; vị ấy đâm những sanh loại nhỏ trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc nhỏ. Này các Tỷ-kheo, các sinh loại to lớn trong biển lớn không có thể cạn sạch hết. Dầu rằng tất cả cỏ, cây, cành, lá ở cõi Diêm-phù-đề có thể đem ra dùng hết sạch. Nhưng còn nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, là những sinh loại nhỏ trong biển lớn không dễ gì đâm chúng trên các gậy có vót nhọn. Vì sao?
3) Này các Tỷ-kheo, vì cá thể (attabhàva) của chúng rất tế nhị. Lớn vậy, này các Tỷ-kheo, là đọa xứ. Và này các Tỷ-kheo, được thoát khỏi đọa xứ lớn ấy là người nào đã thành tựu chánh kiến, như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
37.VII. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,442)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật bốn Thánh đế, tức là chánh tri kiến...
3) Với Tỷ-kheo có chánh tri kiến này, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: "Ðây là Khổ"... Vị ấy sẽ rõ biết. "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
4) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như đoạn số 4, kinh trên) ...
38.VIII. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,442)
1) ...
2) -- Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám, không thể phân biệt đêm và ngày, không thể phân biệt tháng và nửa tháng, không thể phân biệt thời tiết hằng năm.
3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Và có sự phân biệt đêm ngày, có sự phân biệt tháng và nửa tháng, có sự phân biệt thời tiết hằng năm.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, không có hào quang lớn. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám. Cho đến khi ấy, không có sự tuyên bố, không có sự thuyết giảng, không có sự trình bày, không có sự thiết lập, không có sự khai diễn, không có sự phân tích, không có sự hiển thị bốn Thánh đế.
5) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Cho đến khi ấy, có sự tuyên bố, có sự thuyết giảng, có sự trình bày, có sự thiết lập, có sự khai diễn, có sự phân tích, có sự hiển thị bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
6) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
39.IX. Cột Trụ (Indakhilo) (S.v,433)
1) ...
2) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ ngước nhìn mặt (ullokenti) một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: "Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy".
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một hột bông hay một hột bông kappàsa bị gió nhẹ thổi lên, rơi xuống đất bằng, và gió phía Ðông thổi nó qua phía Tây; gió phía Tây thổi nó qua phía Ðông; gió phía Bắc thổi nó qua phía Nam; gió phía Nam thổi nó qua phía Bắc. Vì sao? Vì hột bông kappàsa rất nhẹ, này các Tỷ-kheo.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt". Họ ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: "Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy". Vì sao? Vì không chánh kiến bốn Thánh đế, này các Tỷ-kheo.
5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết : "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: "Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy".
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây cột sắt hay cây cột trụ, bàn tọa được đóng sâu (gambhiiranemo), khéo chôn sâu, bất động, không có lay chuyển; nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển...; nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không có rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác và nhận xét: "Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy". Vì sao? Vì bốn Thánh đế được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
8-9) ... (xem đoạn số 6 và số 7 của kinh trên) ...
40.X. Tranh Luận (S.v,445)
1) ...
2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt". Nếu từ phương Ðông có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng : "Ta sẽ tranh luận", người này không thể làm cho rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: "Ta sẽ tranh luận"; người này không thể làm rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cột đá dài đến mười sáu khuỷu tay, và tám khuỷu tay được chôn dưới đất từ bàn tọa và tám khuỷu tay ở phía trên. Nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, không thể làm cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển, nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, không thể làm cho cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa cột trụ được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Nếu từ phương Ðông có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: "Ta sẽ tranh luận", vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: "Ta sẽ tranh luận", vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Vì sao? Vì bốn Thánh đế đã được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
5-6) ... (Giống như đoạn số 8, số 9, kinh 39) ...
V. Phẩm Vực Thẳm
41.I. Tư Duy (S.v,446)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
-- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: "Ta sẽ suy tư về thế giới", và người ấy đi đến hồ sen sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgadhà và suy tư về thế giới.
3) Này các Tỷ-kheo, người ấy trên bờ hồ sumàgadhà thấy một đoàn quân với bốn loại binh chủng (voi, ngựa, xe, bộ binh) đi vào trong một củ sen; thấy vậy, người ấy nghĩ: "Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời".
4) Rồi người ấy, này Tỷ-kheo, đi vào trong thành và nói với một quần chúng lớn:
"-- Này Quí vị, có lẽ ta phát cuồng; này Quí vị, có lẽ ta điên loạn. Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!"
"-- Như thế nào, này Bạn, Bạn phát cuồng? Như thế nào, Bạn điên loạn? Bạn đã thấy gì không thể có ở đời?"
5) "-- Thưa Quí vị, tôi đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: 'Tôi sẽ suy tư về thế giới'. Tôi đi đến hồ sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgudhà, suy tư về thế giới. Thưa Quí vị, tôi thấy trên bờ hồ sumàgudhà một đoàn quân với bốn loại binh chủng đi vào trong một củ sen. Thấy vậy, thưa Quí vị, tôi nghĩ: 'Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!'"
"-- Thật vậy, này Bạn, Bạn đã phát cuồng. Thật vậy, Bạn bị điên loạn, Bạn đã thấy một điều không thể có ở đời!"
6) Này các Tỷ-kheo, điều mà người ấy đã thấy là có thật, không phải không thật. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Asura (A-tu-la) giàn trận để khai chiến. Và này các Tỷ-kheo, trong trận chiến ấy, chư Thiên thắng trận, các Asura bại trận. Các Asura bại trận, này các Tỷ-kheo, hoảng hốt đi vào thành Asura ngang qua củ sen vì quá sợ hãi chư Thiên.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư về thế giới: "Thế giới là thường còn", hay: "Thế giới là vô thường", hay: "Thế giới là hữu biên", hay: "Thế giới là vô biên", hay: "Mạng sống và thân thể là một", hay: "Mạng sống và thân thể là khác", hay: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", hay: "Như Lai không tồn tại sau khi chết", hay: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", hay: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Vì sao?
8) Các điều suy tư ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
9) Nếu có suy tư, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tư: "Ðây là Khổ"... "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Vì sao?
10) Các suy tư như vậy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, các suy tư ấy làm căn bản cho Phạm hạnh, các suy tư ấy đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
11) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
42.II. Vực Thẳm (S.v,448)
1) Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gìjjhakuuta (Linh Thứu).
2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến Patibhànakuuta để nghỉ trưa.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Rồi Thế Tôn cùng số đông Tỷ-kheo đi đến Patibhànakàta. Một Tỷ-kheo thấy một vực thẳm ở Patibhànakuuta, thấy vậy, liền bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thật là lớn, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, thật là đáng sợ hãi, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, không biết có vực thẳm nào khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?
-- Này các Tỷ-kheo, có vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này.
-- Bạch Thế Tôn, thế nào là vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?
4) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già... đưa đến chết,... do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, nên họ rơi vào vực thẳm sanh, họ rơi vào vực thẳm già, họ rơi vào vực thẳm chết, họ rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.
5) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Do họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không rơi vào vực thẳm sanh; họ không rơi vào vực thẳm già; họ không rơi vào vực thẳm chết; họ không rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.
6) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
43.III. Nhiệt Não (S.v,450)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có một địa ngục tên là Ðại nhiệt não, tại đấy con mắt thấy sắc gì, chỉ thấy bất khả lạc sắc, không phải khả lạc sắc, chỉ thấy bất khả hỷ sắc, không phải khả hỷ sắc, chỉ thấy bất khả ý sắc, không phải khả ý sắc. Tai có nghe tiếng gì... mũi có ngửi hương gì... lưỡi có nếm vị gì... thân có cảm xúc gì... ý có nhận thức pháp gì, chỉ nhận thức bất khả lạc pháp, không phải khả lạc pháp, chỉ nhận thức bất khả hỷ pháp, không phải khả hỷ pháp, chỉ nhận thức bất khả ý pháp, không phải khả ý pháp.
3) Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thật lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, thật khéo to lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, không biết có nhiệt não nào khác nữa, còn lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?
-- Này Tỷ-kheo, có nhiệt não khác còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy.
-- Bạch Thế Tôn, nhiệt não khác ấy như thế nào, còn lớn hơn, và đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?
4-6) ... (như đoạn số 4,5,6 của kinh trước, có một thay đổi trong kinh trước, có nói: "Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não". Còn kinh này nói: " Họ bị đốt cháy trong nhiệt não sanh... già... chết... sầu, bi, khổ, ưu, não " với những thay đổi cần thiết khác).
44. IV. Nhà Có Nóc Nhọn (S.v,452)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau"; sự kiện này không xảy ra.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà", sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau"; sự kiện này không xảy ra.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà"; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau"; sự kiện này có xảy ra.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
45. V. Chiggala (1) (Lỗ khóa hay sợi lông) (S.v,453)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Vesàli để khất thực.
3) Tôn giả Ananda thấy một số đông thiếu niên người Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào.
4) Thấy vậy, Tôn giả suy nghĩ: "Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng, từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên kia, không sai trượt lần nào".
5) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
6) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy rất nhiều thiếu niên Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào. Thấy vậy con nghĩ như sau: "Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này nối tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào".
7) -- Ông nghĩ thế nào, này Ananda, cái gì khó làm hơn hay cái gì khó đạt đến (abhisambhava), từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào, hay bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần?
-- Việc này khó làm hơn, bạch Thế Tôn, khó đạt đến hơn, tức là bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần.
8) -- Cũng vậy, này Ananda, chúng đâm xuyên ngang qua một cái gì khó đâm xuyên hơn là những ai như thật đâm xuyên qua: "Ðây là Khổ"... như thật đâm xuyên qua: "Ðây là Con Ðường đưa đến sự Khổ diệt".
9) Do vậy, này Ananda, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
46. VI. Hắc Ám (S.v,454)
1) ...
2) -- Có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.
3) Ðược nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?
-- Này Tỷ-kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy.
-- Bạch Thế Tôn, sự tối tăm khác ấy là gì, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?
4-6) ... (như đoạn số 4, số 5, số 6 kinh 42 có một thay đổi. Trong kinh trước có nói: "Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn kinh này thời nói: " Họ rơi vào tối tăm sanh, tối tăm già, tối tăm chết, tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não ").
47. VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?
-- Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.
4) -- Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?
5) Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?
6) Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
48. VIII. Lỗ Khóa (3) (S.v,456)
1) ...
2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?
-- Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!
4) -- Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.
5) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm... (xem đoạn số 7, kinh trước).
49. IX. Núi Sineru (1) (Tu Di) (S.v,457)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đặt trên núi Sineru, vua các loài núi, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy hay núi chúa Sineru?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là vua núi Sineru. Rất ít là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy, chúng không có thể ước tính được, chúng không có thể so sánh được, chúng không có thể thành một phần nhỏ được, khi đem đặt các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu so sánh với núi chúa Sineru.
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn này. Rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn. Tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: "Ðây là Khổ"... đã rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
50. X. Núi Sineru (2) (Tu Di) (S.v,458)
1) ...
2) ... Ví như, này các Tỷ-kheo, núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, chỉ còn lại các viên sạn, lớn bằng bảy hạt đậu.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, núi chúa Sineru ấy đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn hay các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu còn tồn tại?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn. Và ít hơn là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được còn lại, không thể đem ước tính, không thể đem so sánh và không thể bằng một phần nhỏ, nếu so sánh các viên sạn lớn, bằng bảy hạt đậu còn lại với núi chúa Sineru đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu mòn.
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, được tiêu mòn này; và rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn, tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: "Ðây là Khổ"... đã rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo... (như đoạn số 5, kinh trước) ...
VI. Phẩm Chứng Ðạt
51. I. Ðầu Móng tay (S.v,459)
1) ...
2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy ở đầu móng tay, hay quả đất lớn này?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất mà Thế Tôn lấy ở đầu móng tay. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất mà Thế Tôn lấy lên đầu móng tay.
3-4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng đạt, cái này là nhiều hơn... (xem đoạn số 4, số 5 kinh 49) ...
52. II. Ao Hồ (S.v,460)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có một hồ nước bề dài năm mươi do tuần, bề rộng năm mươi do tuần, bề sâu năm mươi do tuần, đầy nước tràn trên bờ để con quạ có thể uống được. Từ nơi hồ nước ấy, có người lấy lên một ít nước trên đầu ngọn cỏ kusa.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một ít nước lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa, hay là nước trong hồ nước?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong hồ nước. Còn ít hơn là nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa. Chúng không có thể ước tính, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước ở hồ nước với nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa.
4-5) ... (như kinh trên 49, đoạn số 4,5) ...
53. III. Hợp Dòng (Sambhejja) (1) (S.v,460)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, tại chỗ mà các con sông lớn này nhập vào nhau, cùng chảy với nhau, tức là sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravatii, sông Sarabhuu, sông Mahii. Từ đấy, một người lấy lên hai hay ba giọt nước.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước ở chỗ hợp dòng?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước ở chỗ hợp dòng. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước được lấy lên. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước ở chỗ hợp dòng với hai hay ba giọt nước được lấy lên.
4-5) ... Cũng vậy... (xem đoạn số 4-5, kinh 49)
54. IV. Hợp Dòng (2) (S.v,461)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, tại chỗ mà các con sông lớn này nhập vào nhau, cùng chảy với nhau, tức là sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatii, sông Sarabhuu, sông Mahii, nước sông ấy đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ hai hay ba giọt nước còn sót lại.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt, hay là hai hay ba giọt nước còn sót lại?
-- Cái này là nhiều hơn bạch Thế Tôn, tức là nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt, với hai hay ba giọt nước còn sót lại.
4-5) ... (như đoạn số 4,5, kinh 49) ...
55. V. Quả Ðất (1) (S.v,462)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đặt trên quả đất lớn các cục đất lớn bằng bảy hạt táo (sattakolatthimattiyo).
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, các cục đất lớn bằng bảy hạt táo đã được đặt lên như vậy, hay là quả đất này?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất này, còn ít hơn là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo đã được đặt lên như vậy. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể bằng một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn này với các cục đất lớn bằng bảy hạt táo được đặt lên như vậy.
4-5) ... (như đoạn số 4,5, kinh 49) ...
56. VI. Quả Ðất (2) (S.v,462)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, chỉ còn lại những cục đất lớn bằng bảy hạt táo.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều, quả đất lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn đã đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt với các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại.
4-5) ... (như đoạn số 4,5, kinh 49) ...
57. VII. Biển (1) (S.v,463)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy lên hai hay ba giọt nước từ biển lớn.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước trong biển lớn?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong biển lớn. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước được lấy lên. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước trong biển lớn với hai hay ba giọt nước được lấy lên.
4-5) ... (như số 4,5, kinh 49) ...
58. VIII. Biển (2) (S.v,463)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ hai hay ba giọt nước còn sót lại.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là hai hay ba giọt nước còn sót lại?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước trong biển đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, với hai hay ba giọt nước còn sót lại.
4-5) ... (xem đoạn số 4,5, kinh 49) ...
59. IX. Ví Dụ Với Núi (1) (S.v,464)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đặt trên núi chúa Tuyết Sơn các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải được đặt lên như vậy, hay là núi chúa Tuyết Sơn?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Tuyết Sơn. Còn ít hơn là những hòn sạn lớn bằng bảy hột cải được đặt lên như vậy. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh núi chúa Tuyết Sơn với các viên sạn lớn bằng bảy hột cải.
4-5) ... (như đoạn số 4,5, kinh 49)
60. X. Ví Dụ Với Núi (2) (S.v,464)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, với hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại.
4-5) ... (như đoạn số 4,5, kinh 49) ...
VII. Phẩm Bánh Xe Lược Thuyết
61. I. Người Khác (S.v,465)
1) ...
2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:
3) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy lên trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy lên trên đầu móng tay. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là những chúng sanh được tái sanh làm người. Còn nhiều hơn là những chúng sanh bị tái sanh ra khỏi loài Người. Vì sao?
5) Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
62. II. Biên Ðịa (S.v,466)
1) ...
2-3) ... (giống như 2-3 của kinh trước)..
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh được tái sanh vào các quốc độ trung ương. Và nhiều hơn là các chúng sanh được tái sanh vào các biên địa, giữa những man di (mìlakkha Sk. mleccha) vô ý thức. Vì sao?
5-6) ... (như đoạn số 5-6, kinh trên) ...
63. III. Trí Tuệ (S.v,467)
1) ...
2-3) ... (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh thành tựu tuệ nhãn của bậc Thánh. Và nhiều hơn là các chúng sanh đi đến vô minh, si ám. Vì sao?
5-6) ... (như đoạn số 5-6, kinh trên) ...
64. IV. Rượu (S.v, 467)
1) ...
2-3) ... (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Vì sao?
5-6) ... (như đoạn số 5-6, kinh trên) ...
65. V. Sanh Ở Nước (S.v,467)
1) ...
2-3) ... (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh được sanh trên đất liền (thalàjà). Và nhiều hơn là các chúng sanh được sanh ra trong nước. Vì sao?
5-6) ... (giống như đoạn số 5-6, các kinh trên) ...
66. VI. Hiếu Kính Mẹ (S,v,467)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ.
...
67. VII. Hiếu Kính Cha (S,v,467)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha.
...
68. VIII. Kính Trọng Sa-Môn (S,v,468)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các hàng Sa-môn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các hàng Sa-môn.
...
69. IX. Kính Trọng Bà-La-Môn (S,v,468)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các hàng Bà-la-môn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các hàng Bà-la-môn.
...
70. X. Kính Trọng Các Bậc Lớn Tuổi (S,v,468)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các bậc lớn tuổi trong gia tộc. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các bậc lớn tuổi trong gia tộc.
VIII. Phẩm Ít Người Từ Bỏ
71. I. Sanh Loại (S.v,468)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ sát sanh. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ sát sanh. Vì sao?
...
72. II. Lấy Của Không Cho(S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ lấy của không cho. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ lấy của không cho. Vì sao?
...
73. III. Trong Các Dục Vọng (S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ tà hạnh trong các dục. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ tà hạnh trong các dục. Vì sao?
...
74. IV. Nói Láo (S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói láo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói láo. Vì sao?
...
75. V. Nói Ly Gián (S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời ly gián. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời ly gián. Vì sao?
...
76. VI. Nói Lời Thô Ác (S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời thô ác. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời thô ác. Vì sao?
...
77. VII. Nói Lời Phù Phiếm (S.v,469)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời phù phiếm. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời phù phiếm. Vì sao?
...
78. VIII. Hột Giống (S.v,470)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ làm hại các hột giống và các loại cây cỏ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ làm hại các hột giống và các cây cỏ. Vì sao?
...
79. IX. Phi Thời (S.v,470)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ ăn phi thời. Còn nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ ăn phi thời. Vì sao?
...
80. X. Hương Liệu (S.v,470)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, các đồ trang sức để mang, để đeo. Còn nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, các đồ trang sức để mang, để đeo. Vì sao?
...
IX. Phẩm Lúa Gạo Sống Rộng Thuyết
81.I. Múa (S.v,470)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch.
...
82. II. Giường Nằm (S.v,471)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các giường cao, các giường lớn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các giường cao, các giường lớn.
...
83. III. Bạc (S.v,471)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận vàng và bạc. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận vàng và bạc.
...
84. IV. Lúa Gạo (S.v,471)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận các lúa gạo sống. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các lúa gạo sống.
...
85.V. Thịt (S.v,471)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận các thịt sống. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các thịt sống.
...
86. VI. Con Gái (S.v,471)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận đàn bà, con gái. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận đàn bà, con gái.
...
87. VII. Nữ Tỳ (S.v,472)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận lấy các nô tỳ nữ, nô tỳ nam. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các nô tỳ nữ, nô tỳ nam.
...
88. VIII. Dê, Dê Rừng (S.v,472)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận dê và dê rừng. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận dê và dê rừng.
...
89. IX. Gà, Heo (S.v,472)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận gà, heo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận gà và heo.
...
90. X. Voi (S.v,472)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận voi, bò, ngựa, ngựa cái. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận voi, bò, ngựa, ngựa cái.
...
X. Phẩm Chúng Sanh Nhiều Hơn
91. I. Ruộng (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận lấy ruộng đất. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận lấy ruộng đất.
...
92. II. Mua Bán (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ mua bán. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ mua bán.
...
93. III. Ðưa Tin Tức (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ không phái người môi giới hay tự mình làm môi giới. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ phái người làm môi giới, hay tự mình làm môi giới.
...
94. IV. Cân Lường (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường.
...
95. V. Hối Lộ (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ hối lộ, gian trá, lừa đảo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ hối lộ, gian trá, lừa đảo.
...
96-101. VI-XI. Sát Hại, Trộm Cắp, Cướp Phá (S.v,473)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
5) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
XI. Phẩm Năm Sanh Thú
102. I. Năm Sanh Thú (S.v,474)
1) ...
2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:
3) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất. Và ít hơn là một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay, không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay.
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong địa ngục.
...
103) II. Năm Sanh Thú (S.v,474)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong loài bàng sanh.
...
104. III. Năm Sanh Thú (S.v,475)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.
...
105-107. IV-VI. Năm Sanh Thú (S.v,475)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào địa ngục... phải tái sanh vào loài bàng sanh... phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.
...
108-110. VIII-X. Năm Sanh Thú (S.v,475)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sanh giữa chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sanh trong địa ngục... phải tái sanh trong loài bàng sanh... phải tái sanh trong cõi ngạ quỷ.
...
111-113. XI-XIII. Năm Sanh Thú (S.v,475)
1-2-3) ...
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sanh trong địa ngục... phải tái sanh trong loài bàng sanh... phải tái sanh trong cõi ngạ quỷ.
...
114-116. XIV-XVI. Năm Sanh Thú (S.v,475)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, bị tái sanh ở cõi địa ngục... bị tái sanh ở loài bàng sanh... bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.
...
117-119. XVII-XIX. Năm Sanh Thú (S.v,476)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, bị tái sanh ở cõi địa ngục... bị tái sanh ở loài bàng sanh... bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.
...
120-122. XX-XXII. Năm Sanh Thú (S.v,476)
1-2-3) ...
4)-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ các loài bàng sanh, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ các loài bàng sanh, bị tái sanh trong cõi địa ngục... bị tái sanh trong loài bàng sanh... bị tái sanh trong cõi ngạ quỷ.
...
123-125. XXIII-XXV. Năm Sanh Thú (S.v,476)
1-2-3) ...
4)-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh, được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh, bị tái sanh trong cõi địa ngục... bị tái sanh trong loài bàng sanh... bị tái sanh trong cõi ngạ quỷ.
...
126-128. XXVI-XXVIII. Năm Sanh Thú (S.v,476)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở cõi địa ngục... bị tái sanh trong loài bàng sanh... bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.
...
129. XXIX. Năm Sanh Thú (S.v,476)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở địa ngục.
...
130. XXX. Năm Sanh Thú (S.v,477)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở loài bàng sanh.
...
131. XXXI. Năm Sanh Thú (S.v,477)
1-2-3) ...
4) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?
5) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Một cố gắng cần phải làm rõ biết: "Ðây là khổ diệt". Một cố gắng phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
-- Hết Tương Ưng Bộ --

Chapter XII. Connected Discourses on the Truths

Translated by: Bhikkhu Boddhi

CONCENTRATION
1 (1) Concentration


At Sāvatthī. “Bhikkhus, develop concentration. A bhikkhu who is concentrated understands things as they really are.375
“And what does he understand as it really is? He understands as it really is: ‘This is suffering.’ He understands as it really is: ‘This is the origin of suffering.’ He understands as it really is: ‘This is the cessation of suffering.’ He understands as it really is: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Bhikkhus, develop concentration. A bhikkhu who is concentrated understands things as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’376 An exertion should be made to understand: ‘This is the origin of suffering.’ An exertion should be made to understand: ‘This is the cessation of suffering.’ An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
2 (2) Seclusion
“Bhikkhus, make an exertion in seclusion. A bhikkhu who is secluded understands things as they really are.
“And what does he understand as it really is? He understands as it really is: ‘This is suffering.’… ‘This is the origin of suffering. ’… ‘This is the cessation of suffering.’… ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ [415]
“Bhikkhus, make an exertion in seclusion. A bhikkhu who is secluded understands things as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(3) Clansmen (1)
“Bhikkhus, whatever clansmen in the past rightly went forth from the household life into homelessness, all did so in order to make the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are. Whatever clansmen in the future will rightly go forth from the household life into homelessness, all will do so in order to make the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are. Whatever clansmen at present have rightly gone forth from the household life into homelessness, all have done so in order to make the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. Whatever clansmen rightly went forth … will rightly go forth … have rightly gone forth from household life into homelessness, all have done so in order to make the breakthrough to these Four Noble Truths as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(4) Clansmen (2)
“Bhikkhus, whatever clansmen in the past rightly went forth from the household life into homelessness and made the breakthrough to things as they really are, all made the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are. Whatever clansmen in the future will rightly go forth from the household life into homelessness and make the breakthrough to things as they really are, [416] all will make the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are. Whatever clansmen at present have rightly gone forth from the household life into homelessness and make the breakthrough to things as they really are, all make the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. Whatever clansmen made the breakthrough … will make the breakthrough … make the breakthrough to things as they really are, all make the breakthrough to these Four Noble Truths as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(5) Ascetics and Brahmins (1)
“Bhikkhus, whatever ascetics or brahmins in the past fully awakened to things as they really are, all fully awakened to the Four Noble Truths as they really are. Whatever ascetics or brahmins in the future will fully awaken to things as they really are, all will fully awaken to the Four Noble Truths as they really are. Whatever ascetics or brahmins at present have fully awakened to things as they really are, all have fully awakened to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. Whatever ascetics or brahmins fully
awakened … will fully awaken … have fully awakened to things as they really are, all have fully awakened to these Four Noble Truths as they really are. [417]
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(6) Ascetics and Brahmins (2)
“Bhikkhus, whatever ascetics or brahmins in the past revealed themselves as having fully awakened to things as they really are, all revealed themselves as having fully awakened to the Four Noble Truths as they really are. Whatever ascetics or brahmins in the future will reveal themselves as having fully awakened to things as they really are, all will reveal themselves as having fully awakened to the Four Noble Truths as they really are. Whatever ascetics or brahmins at present reveal themselves as having fully awakened to things as they really are, all reveal themselves as having fully awakened to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. Whatever ascetics or brahmins revealed themselves … will reveal themselves … reveal themselves as having fully awakened to things as they really are, all reveal themselves as having fully awakened to these Four Noble Truths as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(7) Thoughts
“Bhikkhus, do not think evil unwholesome thoughts; that is, sensual thought, thought of ill will, thought of harming. For what reason? These thoughts, bhikkhus, are unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the
holy life, [418] and do not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“When you think, bhikkhus, you should think: ‘This is suffering’; you should think: ‘This is the origin of suffering’; you should think: ‘This is the cessation of suffering’; you should think: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ For what reason? These thoughts, bhikkhus, are beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(8) Reflection
“Bhikkhus, do not reflect in an evil unwholesome way:377 ‘The world is eternal’ or ‘The world is not eternal’; or ‘The world is finite’ or ‘The world is infinite’; or ‘The soul and the body are the same’ or ‘The soul is one thing, the body is another’; or ‘The Tathāgata exists after death,’ or ‘The Tathāgata does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata both exists and does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata neither exists nor does not exist after death.’ For what reason? Because, bhikkhus, this reflection is unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“When you reflect, bhikkhus, you should reflect: ‘This is suffering’; you should reflect: ‘This is the origin of suffering’; you should reflect: ‘This is the cessation of suffering’; you should reflect: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ For what reason? Because, bhikkhus, this reflection is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge,
[419] to enlightenment, to Nibbāna.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(9) Disputatious Talk
“Bhikkhus, do not engage in disputatious talk,378 saying: ‘You don’t understand this Dhamma and Discipline. I understand this Dhamma and Discipline. What, you understand this Dhamma and Discipline! You’re practising wrongly, I’m practising rightly. What should have been said before you said after; what should have been said after you said before. I’m consistent, you’re inconsistent. What you took so long to think out has been overturned. Your thesis has been refuted. Go off to rescue your thesis, for you’re defeated, or disentangle yourself if you can.’ For what reason? Because, bhikkhus, this talk is unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“When you talk, bhikkhus, you should talk about: ‘This is suffering’; you should talk about: ‘This is the origin of suffering’; you should talk about: ‘This is the cessation of suffering’; you should talk about: ‘This is the way leading to the cessation of suffering. ’ For what reason? Because, bhikkhus, this talk is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(10) Pointless Talk
“Bhikkhus, do not engage in the various kinds of pointless talk,379 that is, talk about kings, thieves, and ministers of state; talk about armies, dangers,
and wars; talk about food, drink, garments, and beds; talk about garlands and scents; talk about relations, vehicles, villages, towns, cities, and countries; talk about women and talk about heroes; [420] street talk and talk by the well; talk about those departed in days gone by; rambling chitchat; speculation about the world and about the sea; talk about becoming this or that. For what reason? Because, bhikkhus, this talk is unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“When you talk, bhikkhus, you should talk about: ‘This is suffering’; you should talk about: ‘This is the origin of suffering’; you should talk about: ‘This is the cessation of suffering’; you should talk about: ‘This is the way leading to the cessation of suffering. ’ For what reason? Because, bhikkhus, this talk is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
SETTING IN MOTION THE WHEEL OF THE DHAMMA
(1) Setting in Motion the Wheel of the Dhamma
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Bārāṇasī in the Deer Park at Isipatana. [421] There the Blessed One addressed the bhikkhus of the group of five thus:380
“Bhikkhus, these two extremes should not be followed by one who has gone forth into homelessness. What two? The pursuit of sensual happiness in sensual pleasures, which is low, vulgar, the way of worldlings, ignoble, unbeneficial; and the pursuit of self-mortification, which is painful, ignoble, unbeneficial. Without veering towards either of these extremes, the
Tathāgata has awakened to the middle way, which gives rise to vision, which gives rise to knowledge, which leads to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“And what, bhikkhus, is that middle way awakened to by the Tathāgata, which gives rise to vision … which leads to Nibbāna? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view, right intention, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration. This, bhikkhus, is that middle way awakened to by the Tathāgata, which gives rise to vision, which gives rise to knowledge, which leads to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“Now this, bhikkhus, is the noble truth of suffering: birth is suffering, aging is suffering, illness is suffering, death is suffering; 381 union with what is displeasing is suffering; separation from what is pleasing is suffering; not to get what one wants is suffering; in brief, the five aggregates subject to clinging are suffering.
“Now this, bhikkhus, is the noble truth of the origin of suffering: it is this craving which leads to renewed existence, accompanied by delight and lust, seeking delight here and there; that is, craving for sensual pleasures, craving for existence, craving for extermination.
“Now this, bhikkhus, is the noble truth of the cessation of suffering: it is the remainderless fading away and cessation of that same craving, the giving up and relinquishing of it, freedom from it, nonreliance on it.
“Now this, bhikkhus, is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering: [422] it is this Noble Eightfold Path; that is, right view … right concentration.
“‘This is the noble truth of suffering’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of suffering is to be fully understood’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of suffering has been fully understood’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This is the noble truth of the origin of suffering’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the origin of suffering is to be abandoned’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the origin of suffering has been abandoned’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This is the noble truth of the cessation of suffering’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the cessation of suffering is to be realized’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the cessation of suffering has been realized’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the way leading to the cessation of suffering is to be developed’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of the way leading to the cessation of suffering has been developed’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“So long, bhikkhus, as my knowledge and vision of these Four Noble Truths as they really are in their three phases and twelve aspects was not thoroughly purified in this way,382 [423] I did not claim to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with its devas, Māra, and Brahmā, in this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans. But when my knowledge and vision of these Four Noble Truths as they really are in their three phases and twelve aspects was thoroughly purified in this way, then I claimed to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with its devas, Māra, and Brahmā, in this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans. The knowledge and vision arose in me: ‘Unshakable is the liberation of my mind. This is my last birth. Now there is no more renewed existence.’”
This is what the Blessed One said. Elated, the bhikkhus of the group of five delighted in the Blessed One’s statement. And while this discourse was being spoken, there arose in the Venerable Kondañña the dust-free, stainless vision of the Dhamma: “Whatever is subject to origination is all subject to cessation.”
And when the Wheel of the Dhamma had been set in motion by the Blessed One,383 the earth-dwelling devas raised a cry: “At Bārāṇasī, in the Deer Park at Isipatana, this unsurpassed Wheel of the Dhamma has been set in motion by the Blessed One, which cannot be stopped by any ascetic or brahmin or deva or Māra or Brahmā or by anyone in the world.” Having heard the cry of the earth-dwelling devas, the devas of the realm of the Four Great Kings raised a cry: “At Bārāṇasī … this unsurpassed Wheel of the Dhamma has been set in motion by the Blessed One, which cannot be stopped … by anyone in the world.” Having heard the cry of the devas of the realm of the Four Great Kings, the Tāvatiṃsa devas … the Yāma devas
… the Tusita devas … the Nimmānaratī devas … the Paranimmitavasavattī
devas … the devas of Brahmā’s company raised a cry: “At Bārāṇasī, in the Deer Park at Isipatana, this unsurpassed Wheel of the Dhamma has been set in motion by the Blessed One, [424] which cannot be stopped by any ascetic or brahmin or deva or Māra or Brahmā or by anyone in the world.”
Thus at that moment, at that instant, at that second, the cry spread as far as the brahmā world, and this ten thousandfold world system shook,
quaked, and trembled, and an immeasurable glorious radiance appeared in the world surpassing the divine majesty of the devas.
Then the Blessed One uttered this inspired utterance: “Koṇḍañña has indeed understood! Koṇḍañña has indeed understood!” In this way the Venerable Koṇḍañña acquired the name “Aññā Koṇḍañña—Koṇḍañña Who Has Understood.”
(2) Tathāgatas
“‘This is the noble truth of suffering’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in the Tathāgatas vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This noble truth of suffering is to be fully understood’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in the Tathāgatas vision … and light.
“‘This noble truth of suffering has been fully understood’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in the Tathāgatas vision … and light.
“‘This is the noble truth of the origin of suffering’ … ‘This noble truth of the origin of suffering is to be abandoned’ … ‘This noble truth of the origin of suffering has been abandoned’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in the Tathāgatas vision … and light.
“‘This is the noble truth of the cessation of suffering’ … ‘This noble truth of the cessation of suffering is to be realized’ … [425] ‘This noble truth of the cessation of suffering has been realized’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in the Tathāgatas vision … and light.
“‘This is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering’
… ‘This noble truth of the way leading to the cessation of suffering is to be developed’ … ‘This noble truth of the way leading to the cessation of suffering has been developed’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard
before, there arose in the Tathāgatas vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.”
(3) Aggregates
“Bhikkhus, there are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“And what, bhikkhus, is the noble truth of suffering? It should be said: the five aggregates subject to clinging; that is, the form aggregate subject to clinging … the consciousness aggregate subject to clinging. This is called the noble truth of suffering.
“And what, bhikkhus, is the noble truth of the origin of suffering? It is this craving which leads to renewed existence, accompanied by delight and lust, seeking delight here and there; that is, craving for sensual pleasures, craving for existence, craving for extermination. This is called the noble truth of the origin of suffering.
“And what, bhikkhus, is the noble truth of the cessation of suffering? It is the remainderless fading away and cessation of that same craving, the giving up and relinquishing of it, freedom from it, nonreliance on it. This is called the noble truth of the cessation of suffering.
“And what, bhikkhus, is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view … right concentration. This is called the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. [426]
“These, bhikkhus, are the Four Noble Truths.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(4) Internal Sense Bases
“Bhikkhus, there are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“And what, bhikkhus, is the noble truth of suffering? It should be said: the six internal sense bases. What six? The eye base … the mind base. This is called the noble truth of suffering.”
(The rest of the sutta is identical with §13.)
(5) Remembrance (1)
“Bhikkhus, do you remember the Four Noble Truths taught by me?”
When this was said, a certain bhikkhu said to the Blessed One: [427] “Venerable sir, I remember the Four Noble Truths taught by the Blessed One.”
“But how, bhikkhu, do you remember the Four Noble Truths taught by me?”
“I remember suffering, venerable sir, as the first noble truth taught by the Blessed One. I remember the origin of suffering as the second noble truth taught by the Blessed One. I remember the cessation of suffering as the third noble truth taught by the Blessed One. I remember the way leading to the cessation of suffering as the fourth noble truth taught by the Blessed One. It is in this way, venerable sir, that I remember the Four Noble Truths taught by the Blessed One.”
“Good, good, bhikkhu! It is good that you remember the Four Noble Truths taught by me. Suffering, bhikkhu, is the first noble truth taught by me: remember it thus. The origin of suffering is the second noble truth taught by me: remember it thus. The cessation of suffering is the third noble truth taught by me: remember it thus. The way leading to the cessation of
suffering is the fourth noble truth taught by me: remember it thus. In this way, bhikkhu, remember the Four Noble Truths taught by me.
“Therefore, bhikkhu, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(6) Remembrance (2)
“Bhikkhus, do you remember the Four Noble Truths taught by me?” [428] When this was said, a certain bhikkhu said to the Blessed One:
“Venerable sir, I remember the Four Noble Truths taught by the Blessed One.”
“But how, bhikkhu, do you remember the Four Noble Truths taught by me?”
“I remember suffering, venerable sir, as the first noble truth taught by the Blessed One. For if any ascetic or brahmin should speak thus: ‘This is not the first noble truth of suffering taught by the ascetic Gotama; having rejected this first noble truth of suffering, I will make known another first noble truth of suffering’—this is impossible.
“I remember the origin of suffering as the second noble truth taught by the Blessed One…. I remember the cessation of suffering as the third noble truth taught by the Blessed One…. I remember the way leading to the cessation of suffering as the fourth noble truth taught by the Blessed One. For if any ascetic or brahmin should speak thus: ‘This is not the fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering taught by the ascetic Gotama; having rejected this fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering, I will make known another fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering’—this is impossible.
“It is in this way, venerable sir, that I remember the Four Noble Truths taught by the Blessed One.”
“Good, good, bhikkhu! It is good that you remember the Four Noble Truths taught by me. Suffering, bhikkhu, is the first noble truth taught by
me: remember it thus. For if any ascetic or brahmin should speak thus … (as above) … [429] ‘This is not the fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering taught by the ascetic Gotama; having rejected this fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering, I will make known another fourth noble truth of the way leading to the cessation of suffering’—this is impossible.
“In this way, bhikkhu, remember the Four Noble Truths taught by me. “Therefore, bhikkhu, an exertion should be made to understand: ‘This is
suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way
leading to the cessation of suffering.’”
(7) Ignorance
Sitting to one side, that bhikkhu said to the Blessed One: “Venerable sir, it is said, ‘ignorance, ignorance.’ What is ignorance, venerable sir, and in what way is one immersed in ignorance?”
“Bhikkhu, not knowing suffering, not knowing the origin of suffering, not knowing the cessation of suffering, not knowing the way leading to the cessation of suffering: this is called ignorance, bhikkhu, and it is in this way that one is immersed in ignorance.
“Therefore, bhikkhu, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(8) True Knowledge
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘true knowledge, true knowledge.’ What is true knowledge, venerable sir, and in what way has one arrived at true knowledge?” [430]
“Bhikkhu, knowledge of suffering, knowledge of the origin of suffering, knowledge of the cessation of suffering, knowledge of the way leading to
the cessation of suffering: this is called true knowledge, bhikkhu, and it is in this way that one has arrived at true knowledge.
“Therefore, bhikkhu, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(9) Implications
“‘This is the noble truth of suffering’: such has been made known by me. In this statement, ‘This is the noble truth of suffering,’ there are innumerable nuances, innumerable details, innumerable implications.384
“‘This is the noble truth of the origin of suffering’ … ‘This is the noble truth of the cessation of suffering’ … ‘This is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering’: such has been made known by me. In this statement, ‘This is the noble truth of the way leading to the cessation of suffering,’ there are innumerable nuances, innumerable details, innumerable implications.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(10) Actual
“Bhikkhus, these four things are actual, unerring, not otherwise. 385 What four?
“‘This is suffering’: this, bhikkhus, is actual, unerring, not otherwise. ‘This is the origin of suffering’: this is actual, unerring, not otherwise. ‘This is the cessation of suffering’: this is actual, unerring, not otherwise. [431] ‘This is the way leading to the cessation of suffering’: this is actual, unerring, not otherwise.
“These four things, bhikkhus, are actual, unerring, not otherwise.
“Therefore, bhikkhu, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
KOṬIGAMA
21 (1) Koṭigāma (1) 386
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Vajjians at Koṭigāma. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus, it is because of not understanding and not penetrating the Four Noble Truths that you and I have roamed and wandered through this long course of saṃsāra. What four?
“It is, bhikkhus, because of not understanding and not penetrating the noble truth of suffering that you and I have roamed and wandered through this long course of saṃsāra. It is because of not understanding and not penetrating the noble truth of the origin of suffering … the noble truth of the cessation of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering [432] that you and I have roamed and wandered through this long course of saṃsāra.
“That noble truth of suffering, bhikkhus, has been understood and penetrated. That noble truth of the origin of suffering has been understood and penetrated. That noble truth of the cessation of suffering has been understood and penetrated. That noble truth of the way leading to the cessation of suffering has been understood and penetrated. Craving for existence has been cut off; the conduit to existence has been destroyed; now there is no more renewed existence.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Because of not seeing as they are The Four Noble Truths,
We have wandered through the long course In the various kinds of births.
“Now these truths have been seen; The conduit to existence is severed; Cut off is the root of suffering:
Now there is no more renewed existence.”
22 (2) Koṭigāma (2) 387
“Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand as it really is: ‘This is suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the origin of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the cessation of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the way leading to the cessation of suffering’: these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, enter and dwell, in this very life, in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics or brahmins who understand these things: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, [433] and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, enter and dwell, in this very life, in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Those who do not understand suffering, Who do not know suffering’s origin, Nor where suffering completely stops, Where it ceases without remainder;
Who do not know that path
Which leads to suffering’s appeasement: They are devoid of mind’s liberation
And also of liberation by wisdom; Incapable of making an end,
They fare on to birth and aging.
“But those who understand suffering, Who know too suffering’s origin,
And where suffering completely stops, Where it ceases without remainder; Who understand that path
Which leads to suffering’s appeasement:
They are endowed with mind’s liberation And also with liberation by wisdom; Being capable of making an end,
They fare no more in birth and aging.”
23 (3) The Perfectly Enlightened One
At Sāvatthī. “Bhikkhus, there are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. It is because he has fully awakened to these Four Noble Truths as they really are that the Tathāgata is called the Arahant, the Perfectly Enlightened One.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
24 (4) Arahants
At Sāvatthī. “Bhikkhus, whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones, in the past fully awakened to things as they really are, all fully awakened to the Four Noble Truths as they really are. [434] Whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones, in the future will fully awaken to things as they really are, all will fully awaken to the Four Noble Truths as they really are. Whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones, at present have fully
awakened to things as they really are, all have fully awakened to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. Whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones, fully awakened … will fully awaken … have fully awakened to things as they really are, all have fully awakened to these Four Noble Truths as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
25 (5) The Destruction of the Taints
“Bhikkhus, I say that the destruction of the taints is for one who knows and sees, not for one who does not know and does not see.388 For one who knows what, for one who sees what, does the destruction of the taints come about? The destruction of the taints comes about for one who knows and sees: ‘This is suffering’; for one who knows and sees: ‘This is the origin of suffering’; for one who knows and sees: ‘This is the cessation of suffering’; for one who knows and sees: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ It is for one who knows thus, for one who sees thus, that the destruction of the taints comes about.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(6) Friends
“Bhikkhus, those for whom you have compassion and who think you should be heeded—whether friends or colleagues, relatives or kinsmen—
[435] these you should exhort, settle, and establish for making the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are.
“What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Those for whom you have compassion … these you should exhort, settle, and establish for making the breakthrough to these Four Noble Truths as they really are.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(7) Actual
“Bhikkhus, there are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. These Four Noble Truths, bhikkhus, are actual, unerring, not otherwise. Therefore they are called noble truths.389
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(8) The World
“Bhikkhus, these are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. In this world, with its devas, Marā, and Brahmā, in this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans, the Tathāgata is the noble one. Therefore they are called noble truths.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’” [436]
(9) To Be Fully Understood
“Bhikkhus, there are these Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. These are the Four Noble Truths.
“Of these Four Noble Truths, bhikkhus, there is a noble truth that is to be fully understood; there is a noble truth that is to be abandoned; there is a noble truth that is to be realized; there is a noble truth that is to be developed.
“And what, bhikkhus, is the noble truth that is to be fully understood? The noble truth of suffering is to be fully understood; the noble truth of the origin of suffering is to be abandoned; the noble truth of the cessation of suffering is to be realized; the noble truth of the way leading to the cessation of suffering is to be developed.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(10) Gavampati
On one occasion a number of elder bhikkhus were dwelling among the Cetiyans at Sahajāti. Now on that occasion when the elder bhikkhus had returned from their alms round, after their meal they had assembled in the pavilion and were sitting together when this conversation arose: “Friend, does one who sees suffering also see the origin of suffering, also see the
cessation of suffering, also see the way leading to the cessation of suffering?”
When this was said, the Venerable Gavampati said to the elder bhikkhus: “Friends, in the presence of the Blessed One I have heard and learnt this:
[437] ‘Bhikkhus, one who sees suffering also sees the origin of suffering, also sees the cessation of suffering, also sees the way leading to the cessation of suffering. One who sees the origin of suffering also sees suffering, also sees the cessation of suffering, also sees the way leading to the cessation of suffering. One who sees the cessation of suffering also sees suffering, also sees the origin of suffering, also sees the way leading to the cessation of suffering. One who sees the way leading to the cessation of suffering also sees suffering, also sees the origin of suffering, also sees the cessation of suffering.’”390
THE SI]}{SAPA GROVE
(1) The Siṃsapā Grove
On one occasion the Blessed One was dwelling at Kosambī in a siṃsapā grove. Then the Blessed One took up a few siṃsapā leaves in his hand and addressed the bhikkhus thus: “What do you think, bhikkhus, which is more numerous: these few siṃsapā leaves that I have taken up in my hand or those in the siṃsapā grove overhead?” [438]
“Venerable sir, the siṃsapā leaves that the Blessed One has taken up in his hand are few, but those in the siṃsapā grove overhead are numerous.”
“So too, bhikkhus, the things I have directly known but have not taught you are numerous, while the things I have taught you are few. And why, bhikkhus, have I not taught those many things? Because they are unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and do not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. Therefore I have not taught them.
“And what, bhikkhus, have I taught? I have taught: ‘This is suffering’; I have taught: ‘This is the origin of suffering’; I have taught: ‘This is the cessation of suffering’; I have taught: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ And why, bhikkhus, have I taught this? Because this is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. Therefore I have taught this.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(2) Acacia
“Bhikkhus, if anyone should speak thus: ‘Without having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the origin of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the cessation of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the way leading to the cessation of suffering as it really is, I will completely make an end to suffering’—this is impossible.
“Just as, bhikkhus, if someone should speak thus: ‘Having made a basket of acacia leaves or of pine needles or of myrobalan leaves,391 [439] I will bring water or a palm fruit,’392 this would be impossible; so too, if anyone should speak thus: ‘Without having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is… I will completely make an end to suffering’—this is impossible.
“But, bhikkhus, if anyone should speak thus: ‘Having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the origin of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the cessation of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the way leading to the cessation of suffering as it really is, I will completely make an end to suffering’—this is possible.
“Just as, bhikkhus, if someone should speak thus: ‘Having made a basket of lotus leaves or of kino leaves or of māluva leaves,393 I will bring water or a palm fruit,’ this would be possible; so too, if anyone should speak thus: ‘Having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is… I will completely make an end to suffering’—this is possible.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(3) Stick
“Bhikkhus, just as a stick thrown up into the air falls now on its bottom, now on its top, so too as beings roam and wander on, hindered by ignorance and fettered by craving, now they go from this world to the other world, now they come from the other world to this world.394 For what reason? Because they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering. [440]
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(4) Clothes
“Bhikkhus, if one’s clothes or head were ablaze, what should be done about it?”
“Venerable sir, if one’s clothes or head were ablaze, to extinguish one’s blazing clothes or head one should arouse extraordinary desire, make an extraordinary effort, stir up zeal and enthusiasm, be unremitting, and exercise mindfulness and clear comprehension.”395
“Bhikkhus, one might look on equanimously at one’s blazing clothes or head, paying no attention to them, but so long as one has not made the breakthrough to the Four Noble Truths as they really are, in order to make the breakthrough one should arouse extraordinary desire, make an extraordinary effort, stir up zeal and enthusiasm, be unremitting, and exercise mindfulness and clear comprehension. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(5) A Hundred Spears
“Bhikkhus, suppose there were a man with a life span of a hundred years, who could live a hundred years. Someone would say to him: ‘Come, good man, in the morning they will strike you with a hundred spears; at noon they will strike you with a hundred spears; in the evening they will strike you with a hundred spears.396 And you, good man, being struck day after day by three hundred spears will have a life span of a hundred years, will live a hundred years; and then, after a hundred years have passed, you will make the breakthrough to the Four Noble Truths, to which you had not broken through earlier.’ [441]
“It is fitting, bhikkhus, for a clansman intent on his good to accept the offer. For what reason? Because this saṃsāra is without discoverable beginning; a first point cannot be discerned of blows by spears, blows by swords, blows by axes. And even though this may be so, bhikkhus, I do not say that the breakthrough to the Four Noble Truths is accompanied by suffering or displeasure. Rather, the breakthrough to the Four Noble Truths is accompanied only by happiness and joy. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way
leading to the cessation of suffering.’”
(6) Creatures
“Bhikkhus, suppose a man were to cut up whatever grass, sticks, branches, and foliage there is in this Jambudīpa and collect them into a single heap. Having done so, he would impale the large creatures in the ocean on the large stakes, the middle-sized creatures on the middle-sized stakes, and the small creatures on the small stakes. Still, bhikkhus, the gross creatures in the ocean would not be exhausted even after all the grass, sticks, branches, and foliage in Jambudīpa had been used up and exhausted. The small creatures in the ocean that could not easily be impaled on stakes would be even more numerous than this. For what reason? [442] Because of the minuteness of their bodies.
“So vast, bhikkhus, is the plane of misery. The person who is accomplished in view, freed from that vast plane of misery, understands as it really is: ‘This is suffering.’… ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(7) The Sun (1)
“Bhikkhus, this is the forerunner and precursor of the rising of the sun, that is, the dawn. So too, bhikkhus, for a bhikkhu this is the forerunner and precursor of the breakthrough to the Four Noble Truths as the really are, that is, right view. It is to be expected that a bhikkhu with right view397 will understand as it really is: ‘This is suffering.’… ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way
leading to the cessation of suffering.’”
(8) The Sun (2)
“Bhikkhus, so long as the sun and moon have not arisen in the world, for just so long there is no manifestation of great light and radiance, but then blinding darkness prevails, a dense mass of darkness; for just so long day and night are not discerned, the month and fortnight are not discerned, the seasons and the year are not discerned.
“But, bhikkhus, when the sun and moon arise in the world, then there is the manifestation of great light and radiance; [443] then there is no blinding darkness, no dense mass of darkness; then day and night are discerned, the month and fortnight are discerned, the seasons and year are discerned.
“So too, bhikkhus, so long as a Tathāgata has not arisen in the world, an Arahant, a Perfectly Enlightened One, for just so long there is no manifestation of great light and radiance, but then blinding darkness prevails, a dense mass of darkness; for just so long there is no explaining, teaching, proclaiming, establishing, disclosing, analysing, or elucidating of the Four Noble Truths.
“But, bhikkhus, when a Tathāgata arises in the world, an Arahant, a Perfectly Enlightened One, then there is the manifestation of great light and radiance; then no blinding darkness prevails, no dense mass of darkness; then there is the explaining, teaching, proclaiming, establishing, disclosing, analysing, and elucidating of the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(9) Indra’s Pillar
“Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand as it really is ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they look up at the face of another ascetic or brahmin, thinking: ‘This worthy is surely one who really knows, who really sees.’
“Suppose, bhikkhus, a tuft of cotton wool or kapok, light, wafted by the wind, had settled on an even piece of ground. [444] An easterly wind would drive it westward; a westerly wind would drive it eastward; a northerly wind would drive it southward; a southerly wind would drive it northward. For what reason? Because of the lightness of the tuft.
“So too, bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand as it really is ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they look up at the face of another ascetic or brahmin, thinking: ‘This worthy is surely one who really knows, who really sees.’ For what reason? Because they have not seen the Four Noble Truths.
“But, bhikkhus, those ascetics or brahmins who understand as it really is ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they do not look up at the face of another ascetic or brahmin, thinking: ‘This worthy is surely one who really knows, who really sees.’
“Suppose, bhikkhus, there was an iron pillar or an Indra’s pillar 398 with a deep base, securely planted, immobile, unshaking. Even if a forceful blast of wind comes—whether from the east, the west, the north, or the south— that pillar would not shake, quake, or tremble. For what reason? Because the pillar has a deep base and is securely planted.
“So too, bhikkhus, those ascetics or brahmins who understand as it really is ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they do not look up at the face of another ascetic or brahmin, thinking: ‘This worthy is surely one who really knows, who really sees.’ For what reason? Because, bhikkhus, they have clearly seen the Four Noble Truths. What four? [445] The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(10) Seeking an Argument
“Bhikkhus, if any bhikkhu understands as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering,’ and then an ascetic or brahmin comes along—whether from the east, the west, the north, or the south—seeking an argument, searching for an argument, thinking: ‘I will refute his thesis,’ it is impossible that he could make that bhikkhu shake, quake, or tremble.
“Suppose, bhikkhus, 399 there was a stone column sixteen yards long: an eight yards’ portion of it would be sunk in the ground, an eight yards’ portion above ground. Even if a forceful blast of wind comes along— whether from the east, the west, the north, or the south—the column would not shake, quake, or tremble. For what reason? Because it has a deep base and is securely planted.
“So too, bhikkhus, if any bhikkhu understands as it really is ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering,’ [446] and then an ascetic or a brahmin comes along … it is impossible that he could make that bhikkhu shake, quake, or tremble. For what reason? Because he has clearly seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
THE PRECIPICE
(1) Reflection about the World
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, once in the past a certain man set out from Rājagaha and went to the Sumāgadhā Lotus Pond, thinking: ‘I will reflect about the world.’400 [447] He then sat down on the bank of the Sumāgadhā Lotus Pond reflecting about the world. Then, bhikkhus, the man saw a four- division army entering a lotus stalk on the bank of the pond. Having seen this, he thought: ‘I must be mad! I must be insane! I’ve seen something that doesn’t exist in the world.’ The man returned to the city and informed a great crowd of people: ‘I must be mad, sirs! I must be insane! I’ve seen something that doesn’t exist in the world.’
“[They said to him:] ‘But how is it, good man, that you are mad? How are you insane? And what have you seen that doesn’t exist in the world?’
“‘Here, sirs, I left Rājagaha and approached the Sumāgadhā Lotus Pond
… (as above) … I saw a four-division army entering a lotus stalk on the bank of the pond. That’s why I’m mad, that’s why I’m insane, and that’s what I’ve seen that doesn’t exist in the world.’
“‘Surely you’re mad, good man! Surely you’re insane! And what you have seen doesn’t exist in the world.’
“Nevertheless, bhikkhus, what that man saw was actually real, not unreal.401 Once in the past the devas and the asuras were arrayed for battle. In that battle the devas won and the asuras were defeated. In their defeat,
[448] the asuras were frightened and entered the asura city through the lotus stalk, to the bewilderment of the devas.
“Therefore, bhikkhus, do not reflect about the world, thinking: ‘The world is eternal’ or ‘The world is not eternal’; or ‘The world is finite’ or ‘The world is infinite’; or ‘The soul and the body are the same’ or ‘The soul is one thing, the body is another’; or ‘The Tathāgata exists after death,’ or ‘The Tathāgata does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata both exists and
does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata neither exists nor does not exist after death.’ For what reason? Because, bhikkhus, this reflection is unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“When you reflect, bhikkhus, you should reflect: ‘This is suffering’; you should reflect: ‘This is the origin of suffering’; you should reflect: ‘This is the cessation of suffering’; you should reflect: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’ For what reason? Because, bhikkhus, this reflection is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(2) The Precipice
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha on Mount Vulture Peak. Then the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Come, bhikkhus, let us go to Paṭibhāna Peak for the day’s abiding.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. [449] Then the Blessed One, together with a number of bhikkhus, went to Paṭibhāna Peak. A certain bhikkhu saw the steep precipice off Paṭibhāna Peak and said to the Blessed One: “That precipice is indeed steep, venerable sir; that precipice is extremely frightful. But is there, venerable sir, any other precipice steeper and more frightful than that one?”
“There is, bhikkhu.”
“But what, venerable sir, is that precipice steeper and more frightful than that one?”
“Those ascetics and brahmins, bhikkhu, who do not understand as it really is: ‘This is suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the origin of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the cessation of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they delight in volitional formations that lead to birth, in volitional formations that lead to aging, in volitional formations that lead to death, in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Delighting in such volitional formations, they generate volitional formations that lead to birth, generate volitional formations that lead to aging, generate volitional formations that lead to death, generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Having generated such volitional formations, they tumble down the precipice of birth, tumble down the precipice of aging, tumble down the precipice of death, tumble down the precipice of sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. They are not freed from birth, aging, and death; not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; not freed from suffering, I say.402 [450]
“But, bhikkhu, those ascetics and brahmins who understand as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they do not delight in volitional formations that lead to birth, nor in volitional formations that lead to aging, nor in volitional formations that lead to death, nor in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not delighting in such volitional formations, they do not generate volitional formations that lead to birth, nor generate volitional formations that lead to aging, nor generate volitional formations that lead to death, nor generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not having generated such volitional formations, they do not tumble down the precipice of birth, nor tumble down the precipice of aging, nor tumble down the precipice of death, nor tumble down the precipice of sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. They are freed from birth, aging, and death; freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; freed from suffering, I say.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(3) The Great Conflagration
“Bhikkhus, there exists a hell named the Great Conflagration. There, whatever form one sees with the eye is undesirable, [451] never desirable; unlovely, never lovely; disagreeable, never agreeable.403 Whatever sound one hears with the ear … Whatever odour one smells with the nose … Whatever taste one savours with the tongue … Whatever tactile object one feels with the body … Whatever mental phenomenon one cognizes with the mind is undesirable, never desirable; unlovely, never lovely; disagreeable, never agreeable.”
When this was said, a certain bhikkhu said to the Blessed One: “That conflagration, venerable sir, is indeed terrible; that conflagration is indeed very terrible. But is there, venerable sir, any other conflagration more terrible and frightful than that one?”
“There is, bhikkhu.”
“But what, venerable sir, is that conflagration more terrible and frightful than that one?”
“Those ascetics or brahmins, bhikkhu, who do not understand as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they delight in volitional formations that lead to birth, in volitional formations that lead to aging, in volitional formations that lead to death, in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Delighting in such volitional formations, they generate volitional formations that lead to birth, generate volitional formations that lead to aging, generate volitional formations that lead to death, generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Having generated such volitional formations, they are burnt by the conflagration of birth, burnt by the conflagration of aging, burnt by the conflagration of death, burnt by the conflagration of sorrow,
lamentation, pain, displeasure, and despair. They are not freed from birth, aging, and death; not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; not freed from suffering, I say.
“But, bhikkhu, those ascetics and brahmins who understand as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they do not delight in volitional formations that lead to birth, nor in volitional formations that lead to aging, nor in volitional formations that lead to death, nor in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not delighting in such volitional formations, they do not generate volitional formations that lead to birth, nor generate volitional formations that lead to aging, nor generate volitional formations that lead to death, nor generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not having generated such volitional formations, they are not burnt by the conflagration of birth, nor burnt by the conflagration of aging, nor burnt by the conflagration of death, nor burnt by the conflagration of sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. They are freed from birth, [452] aging, and death; freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; freed from suffering, I say.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(4) Peaked House
“Bhikkhus, if anyone should speak thus: ‘Without having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the origin of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the cessation of suffering as it really is, without having made the breakthrough to the noble truth of the way leading to the cessation of suffering as it really is, I will completely make an end to suffering’—this is impossible.
“Just as, bhikkhus, if anyone should speak thus, ‘Without having built the lower storey of a peaked house, I will erect the upper storey,’ this would be impossible; so too, if anyone should speak thus: ‘Without having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is… I will completely make an end to suffering’—this is impossible.
“But, bhikkhus, if anyone should speak thus: ‘Having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the origin of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the cessation of suffering as it really is, having made the breakthrough to the noble truth of the way leading to the cessation of suffering as it really is, I will completely make an end to suffering’—this is possible.
“Just as, bhikkhus, if anyone should speak thus: ‘Having built the lower storey of a peaked house, I will erect the upper storey,’ this would be possible; so too, if anyone should speak thus: ‘Having made the breakthrough to the noble truth of suffering as it really is… I will completely make an end to suffering’—this is possible. [453]
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(5) The Hair 404
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof. Then, in the morning, the Venerable Ānanda dressed and, taking bowl and robe, entered Vesālī for alms. The Venerable Ānanda saw a number of Licchavi youths practising archery in the training hall, shooting arrows from a distance through a very small keyhole, head through butt,405 without missing. When he saw this, the thought occurred to him: “These Licchavi youths are indeed trained! These Licchavi youths are indeed well trained, in that they shoot arrows from a distance through a very small keyhole, head through butt, without missing.”
Then, when the Venerable Ānanda had walked for alms in Vesālī and had returned from his alms round, after his meal he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported what he had seen. [454]
[The Blessed One said:] “What do you think, Ānanda, which is more difficult and challenging: to shoot arrows from a distance through a very small keyhole, head through butt, without missing, or to pierce with the arrowhead the tip of a hair split into seven strands?”406
“It is more difficult and challenging, venerable sir, to pierce with the arrowhead the tip of a hair split into seven strands.”
“But, Ānanda, they pierce something even more difficult to pierce who pierce as it really is: ‘This is suffering’ …; who pierce as it really is: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, Ānanda, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(6) Darkness
“Bhikkhus, there are world interstices, vacant and abysmal407 regions of blinding darkness and gloom, where the light of the sun and moon, so powerful and mighty, does not reach.”
When this was said, a certain bhikkhu said to the Blessed One: “That darkness, venerable sir, is indeed great; that darkness is indeed very great. But is there, venerable sir, any other darkness greater and more frightful than that one?”
“There is, bhikkhu.”
“But what, venerable sir, is that darkness greater and more frightful than that one?”
“Those ascetics and brahmins, bhikkhu, who do not understand as it really is: ‘This is suffering’; [455] who do not understand as it really is:
‘This is the origin of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the cessation of suffering’; who do not understand as it really is: ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they delight in volitional formations that lead to birth, in volitional formations that lead to aging, in volitional formations that lead to death, in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Delighting in such volitional formations, they generate volitional formations that lead to birth, generate volitional formations that lead to aging, generate volitional formations that lead to death, generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Having generated such volitional formations, they tumble into the darkness of birth, tumble into the darkness of aging, tumble into the darkness of death, tumble into the darkness of sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. They are not freed from birth, aging, and death; not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; not freed from suffering, I say.
“But, bhikkhu, those ascetics and brahmins who understand as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering’—they do not delight in volitional formations that lead to birth, nor in volitional formations that lead to aging, nor in volitional formations that lead to death, nor in volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not delighting in such volitional formations, they do not generate volitional formations that lead to birth, nor generate volitional formations that lead to aging, nor generate volitional formations that lead to death, nor generate volitional formations that lead to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. Not having generated such volitional formations, they do not tumble into the darkness of birth, nor tumble into the darkness of aging, nor tumble into the darkness of death, nor tumble into the darkness of sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. They are freed from birth, aging, and death; freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; freed from suffering, I say.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(7) Yoke with a Hole (1) 408
“Bhikkhus, suppose a man would throw a yoke with a single hole into the great ocean, and there was a blind turtle which would come to the surface once every hundred years. What do you think, bhikkhus, would that blind turtle, coming to the surface once every hundred years, insert its neck into that yoke with a single hole?” [456]
“If it would ever do so, venerable sir, it would be only after a very long time.”
“Sooner, I say, would that blind turtle, coming to the surface once every hundred years, insert its neck into that yoke with a single hole than the fool who has gone once to the nether world [would regain] the human state. For what reason? Because here, bhikkhus, there is no conduct guided by the Dhamma, no righteous conduct, no wholesome activity, no meritorious activity. Here there prevails mutual devouring, the devouring of the weak. For what reason? Because, bhikkhus, they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering … the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(8) Yoke with a Hole (2)
“Bhikkhus, suppose that this great earth had become one mass of water, and a man would throw a yoke with a single hole upon it. An easterly wind would drive it westward; a westerly wind would drive it eastward; a northerly wind would drive it southward; a southerly wind would drive it northward. There was a blind turtle which would come to the surface once every hundred years. What do you think, bhikkhus, would that blind turtle,
coming to the surface once every hundred years, [457] insert its neck into that yoke with a single hole?”
“It would be by chance, venerable sir, that that blind turtle, coming to the surface once every hundred years, would insert its neck into that yoke with a single hole.”
“So too, bhikkhus, it is by chance409 that one obtains the human state; by chance that a Tathāgata, an Arahant, a Perfectly Enlightened One arises in the world; by chance that the Dhamma and Discipline proclaimed by the Tathāgata shines in the world.
“You have obtained that human state, bhikkhus; a Tathāgata, an Arahant, a Perfectly Enlightened One has arisen in the world; the Dhamma and Discipline proclaimed by the Tathāgata shines in the world.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(9) Sineru (1)
“Bhikkhus, suppose that a man would place on Sineru, the king of mountains, seven grains of gravel the size of mung beans.410 What do you think, bhikkhus, which is more: the seven grains of gravel the size of mung beans that have been placed there or Sineru, the king of mountains?”
“Venerable sir, Sineru, the king of mountains, is more. The seven grains of gravel the size of mung beans are trifling. Compared to Sineru, the king of mountains, the seven grains of gravel the size of mung beans are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.” [458]
“So too, bhikkhus, for a noble disciple, a person accomplished in view who has made the breakthrough, the suffering that has been utterly destroyed and eliminated is more, while that which remains is trifling. Compared to the former mass of suffering that has been destroyed and eliminated, the latter is not calculable, does not bear comparison, does not
amount even to a fraction, as there is a maximum of seven more lives. He is one who understands as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
50 (10) Sineru (2)
“Bhikkhus, suppose that Sineru, the king of mountains, would be destroyed and eliminated except for seven grains of gravel the size of mung beans.411 What do you think, bhikkhus, which is more: the portion of Sineru, the king of mountains, that has been destroyed and eliminated or the seven grains of gravel the size of mung beans that remain?”
“Venerable sir, the portion of Sineru, the king of mountains, that has been destroyed and eliminated is more. The seven grains of gravel the size of mung beans that remain are trifling. Compared to the portion of Sineru that would be destroyed and eliminated, the seven grains of gravel the size of mung beans that remain are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple, a person accomplished in view who has made the breakthrough, [459] the suffering that has been utterly destroyed and eliminated is more, while that which remains is trifling. Compared to the former mass of suffering that has been destroyed and eliminated, the latter is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction, as there is a maximum of seven more lives. He is one who understands as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
THE BREAKTHROUGH
51 (1) The Fingernail412
Then the Blessed One took up a little bit of soil in his fingernail and addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, what do you think which is more: the little bit of soil that I have taken up in my fingernail or this great earth?”
“Venerable sir, the great earth is more. The little bit of soil that the Blessed One has taken up in his fingernail is trifling. Compared to the great earth, that little bit of soil is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction.” [460]
“So too, bhikkhus, for a noble disciple, a person accomplished in view who has made the breakthrough, the suffering that has been destroyed and eliminated is more, while that which remains is trifling. Compared to the former mass of suffering that has been destroyed and eliminated, the latter is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction, as there is a maximum of seven more lives. He is one who understands as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
52 (2) The Pond
“Bhikkhus, suppose there were a pond fifty yojanas long, fifty yojanas wide, and fifty yojanas deep, full of water, overflowing so that a crow could drink from it, and a man would draw out some water from it on the tip of a blade of kusa grass. What do you think, bhikkhus, which is more: the water drawn out on the tip of the blade of kusa grass or the water in the pond?”
“Venerable sir, the water in the pond is more. The water drawn out on the tip of the blade of kusa grass is trifling. Compared to the water in the pond, the water drawn out on the tip of the blade of kusa grass is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…”
(3) Water at the Confluence (1)
“Bhikkhus, suppose that in the place where these great rivers meet and converge—that is, the Ganges, the Yamunā, the Aciravatī, the Sarabhū, and the Mahī—a man would draw out two or three drops of water. [461] What do you think, bhikkhus, which is more: these two or three drops of water that have been drawn out or the water at the confluence?”
“Venerable sir, the water at the confluence is more. The two or three drops of water that have been drawn out are trifling. Compared to the water at the confluence, the two or three drops of water that have been drawn out are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…”
(4) Water at the Confluence (2)
“Bhikkhus, suppose that in the place where these great rivers meet and converge—that is, the Ganges, the Yamunā, the Aciravatī, the Sarabhū, and the Mahī—their water would be destroyed and eliminated except for two or three drops. What do you think, bhikkhus, which is more: the water at the confluence that has been destroyed and eliminated or the two or three drops of water that remain?”
“Venerable sir, the water at the confluence that has been destroyed and eliminated is more; the two or three drops of water that remain are trifling.
Compared to the water at the confluence that has been destroyed and eliminated, the two or three drops of water that remain are trifling; they are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…” [462]
(5) The Earth (1)
“Bhikkhus, suppose that a man would place seven little balls of clay the size of jujube kernels on the great earth. What do you think, bhikkhus, which is more: those seven little balls of clay the size of jujube kernels that have been placed there or the great earth?”
“Venerable sir, the great earth is more. The seven little balls of clay the size of jujube kernels are trifling. Compared to the great earth, those seven little balls of clay the size of jujube kernals are trifling; they are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…”
(6) The Earth (2)
“Bhikkhus, suppose that the great earth would be destroyed and eliminated except for seven little balls of clay the size of jujube kernels. What do you think, bhikkhus, which is more: the great earth that has been destroyed and eliminated or the seven little balls of clay the size of jujube kernels that remain?”
“Venerable sir, the great earth that has been destroyed and eliminated is more. The seven little balls of clay the size of jujube kernels that remain are trifling. Compared to the great earth that has been destroyed and eliminated, the seven little balls of clay the size of jujube kernels that remain are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…” [463]
(7) The Ocean (1)
“Bhikkhus, suppose that a man would draw out two or three drops of water from the great ocean. What do you think, bhikkhus, which is more: the two or three drops of water that have been drawn out or the water in the great ocean?”
“Venerable sir, the water in the great ocean is more. The two or three drops of water that have been drawn out are trifling. Compared to the water in the great ocean, the two or three drops of water that have been drawn out are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…”
(8) The Ocean (2)
“Bhikkhus, suppose that the great ocean would be destroyed and eliminated except for two or three drops of water. What do you think, bhikkhus, which is more: the water in the great ocean that has been destroyed and eliminated or the two or three drops of water that remain?”
“Venerable sir, the water in the great ocean that has been destroyed and eliminated is more. The two or three drops of water that remain are trifling. Compared to the water that has been destroyed and eliminated, the two or three drops of water that remain are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…” [464]
(9) The Mountain (1)
“Bhikkhus, suppose that a man would place on the Himalayas, the king of mountains, seven grains of gravel the size of mustard seeds. What do you think, bhikkhus, which is more: the seven grains of gravel the size of mustard seeds that have been placed there or the Himalayas, the king of mountains?”
“Venerable sir, the Himalayas, the king of mountains, is more. The seven grains of gravel the size of mustard seeds are trifling. Compared to the Himalayas, the king of mountains, the seven grains of gravel the size of mustard seeds are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple … Therefore an exertion should be made.…”
(10) The Mountain (2)
“Bhikkhus, suppose that the Himalayas, the king of mountains, would be destroyed and eliminated except for seven grains of gravel the size of mustard seeds. What do you think, bhikkhus, which is more: the portion of the Himalayas, the king of mountains, that has been destroyed and eliminated or the seven grains of gravel the size of mustard seeds that remain?”
“Venerable sir, the portion of the Himalayas, the king of mountains, that has been destroyed and eliminated is more. The seven grains of gravel the size of mustard seeds that remain are trifling. Compared to the portion of the Himalayas, the king of mountains, that has been destroyed and eliminated, the seven grains of gravel the size of mustard seeds that remain are not calculable, do not bear comparison, do not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, for a noble disciple, a person accomplished in view who has made the breakthrough, [465] the suffering that has been destroyed and eliminated is more, while that which remains is trifling. Compared to
the former mass of suffering that has been destroyed and eliminated, the latter is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction, as there is a maximum of seven more lives. He is one who understands as it really is: ‘This is suffering’ … ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
FIRST RAW GRAIN REPETITION SERIES413
(1) Elsewhere
Then the Blessed One took up a little bit of soil in his fingernail and addressed the bhikkhus thus:
“What do you think, bhikkhus, which is more: the little bit of soil in my fingernail or the great earth?” [466]
“Venerable sir, the great earth is more. The little bit of soil that the Blessed One has taken up in his fingernail is trifling. Compared to the great earth, that little bit of soil is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, those beings are few who are reborn among human beings. But those beings are more numerous who are reborn elsewhere than among human beings.414 For what reason? Because, bhikkhus, they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(2) Outlying Countries
Then the Blessed One took up a little bit of soil in his fingernail and addressed the bhikkhus thus.…
“So too, bhikkhus, those beings are few who are reborn in the middle countries. But those beings are more numerous who are reborn in the outlying countries among the uncultured barbarians. …” [467]
(3) Wisdom
… “So too, bhikkhus, those beings are few who possess the noble eye of wisdom. But these beings are more numerous, who are immersed in ignorance and confused.…”
(4) Wines and Liquors
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from wine, liquors, and intoxicants that are a basis for negligence. But these beings are more numerous who do not abstain from wines, liquors, and intoxicants that are a basis for negligence.…”
(5) Water-Born
… “So too, bhikkhus, those beings are few who are born on high ground. But these beings are more numerous who are born in water.…”
(6) Who Honour Mother
… “So too, bhikkhus, those beings are few who honour their mother. But these beings are more numerous who do not honour their mother.…”
(7) Who Honour Father
… “So too, bhikkhus, those beings are few who honour their father. But these beings are more numerous who do not honour their father.…” [468]
(8) Who Honour Ascetics
… “So too, bhikkhus, those beings are few who honour ascetics. But these beings are more numerous who do not honour ascetics. …”
(9) Who Honour Brahmins
… “So too, bhikkhus, those beings are few who honour brahmins. But these beings are more numerous who do not honour brahmins.…”
(10) Who Respect Elders
… “So too, bhikkhus, those beings are few who respect their elders in the family. But these beings are more numerous who do not respect their elders in the family.…”
SECOND RAW GRAIN REPETITION SERIES
(1) Killing Living Beings415
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from the destruction of life. But these beings are more numerous who do not abstain from the destruction of life.…” [469]
(2) Taking What Is Not Given
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from taking what is not given. But these beings are more numerous who do not abstain from taking what is not given.…”
(3) Sexual Misconduct
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from sexual misconduct. But these beings are more numerous who do not abstain from sexual misconduct.…”
(4) False Speech
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from false speech. But these beings are more numerous who do not abstain from false speech.
…”
(5) Divisive Speech
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from divisive speech. But these beings are more numerous who do not abstain from divisive speech.…”
(6) Harsh Speech
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from harsh speech. But these beings are more numerous who do not abstain from harsh speech.
…”
(7) Idle Chatter
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from idle chatter. But these beings are more numerous who do not abstain from idle chatter.
…” [470]
(8) Seed Life 416
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from damaging seed and plant life. But these beings are more numerous who do not abstain from damaging seed and plant life.…”
(9) Improper Times
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from eating at improper times. But these beings are more numerous who do not abstain from eating at improper times.…”
(10) Scents and Unguents
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from wearing garlands, embellishing themselves with scents, and beautifying themselves with unguents. But these beings are more numerous who do not so abstain.
…”
THIRD RAW GRAIN REPETITION SERIES
(1) Dancing and Singing
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from dancing, singing, instrumental music, and unsuitable shows. [471] But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(2) High Beds
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from high and luxurious beds and seats. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(3) Gold and Silver
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting gold and silver. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(4) Raw Grain
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting raw grain. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(5) Raw Meat
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting raw meat. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(6) Girls
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting women and girls. But these beings are more numerous who do not so abstain.…” [472]
(7) Slaves
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting male and female slaves. But these beings are more numerous who do not so
abstain.…”
(8) Goats and Sheep
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting goats and sheep. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(9) Fowl and Swine
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting fowl and swine. But these beings are more numerous who do not so abstain.
…”
(10) Elephants
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting elephants, cattle, horses, and mares. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
[473]
FOURTH RAW GRAIN REPETITION SERIES
(1) Fields
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from accepting fields and land. But these beings are more numerous who do not so abstain.
…”
(2) Buying and Selling
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from buying and selling. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(3) Messages
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from running messages and errands. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(4) False Weights
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from false weights, false metals, and false measures. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(5) Bribery
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from the crooked ways of bribery, deception, and fraud. But these beings are more numerous who do not so abstain.…”
(6)-101 (11) Mutilating, Etc.
… “So too, bhikkhus, those beings are few who abstain from mutilating, murder, binding, robbery, plunder, and violence. [474] But these beings are more numerous who do not so abstain. For what reason? Because, bhikkhus, they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
THE FIVE DESTINATIONS REPETITION SERIES
(1) Passing Away as Humans (1)
Then the Blessed One took up a little bit of soil in his fingernail and addressed the bhikkhus thus:
“What do you think, bhikkhus, which is more: the little bit of soil in my fingernail or the great earth?”
“Venerable sir, the great earth is more. The little bit of soil that the Blessed One has taken up in his fingernail is trifling. Compared to the great earth, the little bit of soil that the Blessed One has taken up in his fingernail is not calculable, does not bear comparison, does not amount even to a fraction.”
“So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as human beings, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away as human beings, are reborn in hell. For what reason? Because, bhikkhus, they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’… An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
(2) Passing Away as Humans (2)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as human beings, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away as human beings, are reborn in the animal realm.…” [475]
(3) Passing Away as Humans (3)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as human beings, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away as human beings, are reborn in the domain of ghosts.…”
(4)-107 (6) Passing Away as Humans (4-6)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as human beings, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away as human beings, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
108 (7)-110 (9) Passing Away as Devas (1-3)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as devas, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away as devas, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
111 (10)-113 (12) Passing Away as Devas (4-6)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away as devas, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away as devas, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
114 (13)-116 (15) Passing Away from Hell (1-3)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from hell, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away from hell, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…” [476]
117 (16)-119 (18) Passing Away from Hell (4-6)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from hell, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away from hell, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
120 (19)-122 (21) Passing Away from the Animal Realm (1-3)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the animal realm, are reborn among human beings. But those beings are more numerous who, when they pass away from the animal realm, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
123 (22)-125 (24) Passing Away from the Animal Realm (4-6)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the animal realm, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away from the animal realm, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
126 (25)-128 (27) Passing Away from the Domain of Ghosts (1 -3)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn among human beings. But those beings are
more numerous who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn in hell … in the animal realm … in the domain of ghosts.…”
(28) Passing Away from the Domain of Ghosts (4)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn in hell.” [477]
(29) Passing Away from the Domain of Ghosts (5)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn in the animal realm.”
(30) Passing Away from the Domain of Ghosts (6)
… “So too, bhikkhus, those beings are few who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn among the devas. But those beings are more numerous who, when they pass away from the domain of ghosts, are reborn in the domain of ghosts. For what reason? Because they have not seen the Four Noble Truths. What four? The noble truth of suffering, the noble truth of the origin of suffering, the noble truth of the cessation of suffering, the noble truth of the way leading to the cessation of suffering.
“Therefore, bhikkhus, an exertion should be made to understand: ‘This is suffering.’ An exertion should be made to understand: ‘This is the origin of suffering.’ An exertion should be made to understand: ‘This is the cessation of suffering.’ An exertion should be made to understand: ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
This is what the Blessed One said. Elated, those bhikkhus delighted in the Blessed One’s statement. [478]
The Great Book is finished.
1



Close
Close