Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Mười Một - Tương Ưng Dự Lưu

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Phẩm Veludvàra
1. I. Vua (S.v,342)
1-2) Sàvatthi. Ở đấy... nói như sau:
3) -- Dầu cho, này các Tỷ-kheo, một vị Chuyển luân vương làm chủ tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; tuy vậy, vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ, và chưa thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.
4) Nhưng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, dầu muốn sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm (nantakàni); vị ấy đầy đủ bốn pháp. Và vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
6) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: "Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".
7) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời".
8) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.
9) Vị ấy thành tựu bốn pháp này.
10) Và này các Tỷ-kheo, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá (agahati) một phần mười sáu lợi đắc bốn pháp.
2. II. Thể Nhập (S.v,343)
1-2) ...
3) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng cúng,... Phật, Thế Tôn".
5-6) Ðối với Pháp... Ðối với Tăng...
7) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
8) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
9) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ thuyết vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Ai có tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Ðến thời chúng chín muồi,
Nhập Phạm hạnh, được lạc.
3. III. Dìghàvu (S.v,344)
1) Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi cư sĩ Dìghàvu thưa với cha là Jotika:
-- Hãy đi, thưa Cha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh con, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Cư sĩ Dìghàvu, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn". Rồi Cha hãy thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến nhà cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!"
-- Ðược, này Con.
Gia chủ Jotika nghe lời cư sĩ Dìghàvu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, gia chủ Jotika bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!"
Thế Tôn im lặng nhận lời.
5) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống rồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Dìghàvu:
-- Này Dìghàvu, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.
6) -- Do vậy, này Dìghàvu, Ông hãy học tập như sau: "Ta sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn. Ðối với Pháp... Ðối với chúng Tăng... Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định"". Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.
7) -- Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn... Ðối với Pháp... đối với chúng Tăng... Tôi thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định".
-- Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme).
8) Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.
-- Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt.
9) Nhưng, bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: "Ta không có muốn gia chủ Jotika, ở đây khi ta chết phải rơi vào khốn khổ (vighàta)".
-- Này Dìghàvu, chớ có tác ý như vậy! Hãy nhìn, này Dighàvu! Những gì Thế Tôn đang nói cho con, con hãy khéo tác ý.
10) Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dìghàvu với lời giáo giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
11) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu liền mệnh chung.
12) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dìghàvu; sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Sanh thú cư sĩ ấy thế nào? Sanh xứ cư sĩ ấy chỗ nào?
-- Hiền minh, này các Tỷ-kheo, là cư sĩ Dìghàvu! Cư sĩ Dìghàvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về pháp.
13) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa.
4. IV. Sàriputta (1) (S.v,346)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Ànanda trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika.
2) Rồi Tôn giả Ànanda, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy... ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda thưa với Tôn giả Sàriputta:
3) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, do nhân thành tựu bao nhiêu pháp, chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?
-- Này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp nên chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này Hiền giả, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... đầy đủ các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
5) Này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp này nên các chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
5. V. Sàriputta (2) (S.v,347)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi một bên:
3) -- "Dự lưu phần, dự lưu phần", này Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là Dự lưu phần?
-- Thân cận bậc Chân nhân, bạch Thế Tôn, là Dự lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự lưu phần. Như lý tác ý là Dự lưu phần. Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.
-- Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Thân cận bậc Chân nhân là Dự lưu phần... thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.
4) "Dòng sông, dòng sông", này Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là dòng sông?
-- Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành. Tức là chánh tri kiến... chánh định.
-- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.
5) "Dự lưu, Dự lưu", này Sàriputta, được gọi là như vậy. Này Sàriputta, thế nào là Dự lưu?
-- Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy gọi là Dự lưu, vị Tôn giả với tên như vậy, với họ như vậy.
-- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là bậc Dự lưu, vị Tôn giả với tên như thế này, với họ như thế này.
6. VI. Các Người Thợ Mộc (Thapataye) (S.v,348)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: "Khi y xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi, du hành".
3) Lúc bấy giờ, Isidatta và Puràna, hai người thợ mộc trú ở Sàdhuka vì một vài công việc phải làm. Hai người thợ mộc Isidatta và Puràna nghe rằng nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi, du hành.
4) Rồi hai thợ mộc Isidatta và Puràna đặt một người đứng ở giữa đường và dặn:
-- Này Ông, khi nào Ông thấy Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đi đến, hãy báo tin cho chúng tôi biết.
5) Sau khi đứng hai, ba ngày, người ấy thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền đi đến hai người thợ mộc Isidatta và Puràna và nói với họ:
-- Thưa Quý vị, bậc Thế Tôn ấy đã đến, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Nay là thời Quý vị nghĩ phải làm gì.
6) Rồi hai người thợ mộc Isidatta và Puràna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đi theo sau lưng Thế Tôn.
7) Rồi Thế Tôn đi xuống đường, đến một gốc cây; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Isidatta và Puràna đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, hai người thợ mộc Isidatta và Puràna bạch Thế Tôn:
8) -- Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ đi khỏi Sàvatthi để du hành giữa dân chúng Kosala"; khi ấy, chúng con không được hoan hỷ, có sự ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta". Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: "Thế Tôn đã đi khỏi Sàvatthi, đang du hành giữa dân chúng Kosala"; khi ấy, chúng con không được hoan hỷ, có sự ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn đã ở xa chúng ta".
9) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ đi khỏi dân chúng Kosala để du hành giữa dân chúng Malla"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta". Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: "Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Kosala, và đang du hành giữa dân chúng Malla"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn đã ở xa chúng ta".
10) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Malla để du hành giữa dân chúng Vajji"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta"; Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: "Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Malla, và đang du hành giữa dân chúng Vajji"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn đã ở xa chúng ta".
11) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Vajji để du hành giữa dân chúng Kàsi"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta". Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: "Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Vajji, và đang du hành giữa dân chúng Kàsi"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn đã ở xa chúng ta".
12) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Kàsi để du hành giữa dân chúng Magadha"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta". Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: "Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Kàsi, và đang du hành giữa dân chúng Magadha"; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: "Thế Tôn đã ở xa chúng ta".
13) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Magadha để du hành giữa dân chúng Kàsi"; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, nghĩ rằng: "Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta". Khi chúng con được nghe: "Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Magadha và đang du hành ở Kàsi"; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, (nghĩ rằng): "Thế Tôn đã ở gần chúng ta".
14) ... "khỏi dân chúng Kàsi để du hành ở giữa dân chúng Vajji..".
15) ... "khỏi dân chúng Vajji để du hành ở giữa dân chúng Malla..".
16) ... "khỏi dân chúng Malla để du hành ở giữa dân chúng Kosala..".
17) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: "Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Kosala, để du hành giữa dân chúng Sàvatthi"; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, (nghĩ rằng): "Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta". Khi chúng con được nghe: "Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapindika"; khi ấy vô lượng là sự vui vẻ của chúng con, vô lượng là hoan hỷ của chúng con (nghĩ rằng): "Thế Tôn đã ở gần chúng ta".
18) -- Do vậy, này các người Thợ mộc, chật hẹp là đời sống ở gia đình, đầy những bụi đời! Phóng khoáng giữa trời là đời sống người xuất gia! Như vậy là vừa đủ, này các người Thợ mộc, để các Ông không có phóng dật.
19) -- Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây chúng con có đàn áp khác, còn áp bức hơn, còn bội phần áp bức hơn.
-- Thế nào là sự đàn áp khác, này các người Thợ mộc, còn áp bức hơn, còn bội phần hơn?
20) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, khi vua Pasenadi nước Kosala muốn đi ra viếng thăm khu vườn, thời các con voi của vua Pasenadi nước Kosala cần phải được chúng con chuẩn bị và trang sức, và các cung phi khả ái, khả ý của vua Pasenadi nước Kosala cần phải có chúng con đặt ngồi một người ngồi trước, một người ngồi sau. Bạch Thế Tôn, mùi hương của các cung phi ấy thật là thơm ngọt như một hộp nước hoa vừa được mở ra, các cung phi của vua được ướp với mùi thơm như vậy. Lại nữa, bạch Thế Tôn, thân xúc các cung phi này thật là mềm dịu như một túm bông hoa hồng, vì họ được nuôi dưỡng rất an lạc. Bạch Thế Tôn, trong lúc ấy, chúng con cần phải hộ trì cho voi, cần phải hộ trì cho các cung phi, cần phải hộ trì cho tự ngã nữa.
21) Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không rõ biết sự khởi lên ái tâm đối với các cung phi ấy. Ðây, bạch Thế Tôn, là đàn áp khác, còn áp bức hơn, còn bội phần áp bức hơn!
22) -- Do vậy, này các người Thợ mộc, chật hẹp là đời sống ở gia đình, đầy những bụi đời! Phóng khoáng giữa trời là đời sống người xuất gia! Như vậy là vừa đủ, này các người Thợ mộc, để các Người không có phóng dật!
23) Này các người Thợ mộc, thành tựu bốn pháp, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
24) Ở đây, này các người Thợ mộc, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy sống ở gia đình, với tâm gột sạch cấu uế, xan tham. Vị ấy thường bố thí, bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, thích được nhờ cậy, thích thú chia xẻ vật được bố thí. Thành tựu bốn pháp này, này các người Thợ mộc, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
25) Này các người Thợ mộc, các Người thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng. Trong gia đình các Người, phàm có vật được bố thí nào, tất cả đều được chia xẻ hoàn toàn và vô tư cho những vị có trì giới và các thiện nhân.
26) Các Ông nghĩ thế nào, này các người Thợ mộc, có bao nhiêu người ở tại Kosala có thể ngang bằng các Ông về phần chia vật bố thí?
27) -- Thật lợi đắc cho chúng con, bạch Thế Tôn! Thật khéo lợi đắc cho chúng con, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn biết chúng con như vậy!
7. VII. Những Người Ở Veludvàra (S.v,352)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Veludvàra.
2) Các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, đã xuất gia từ gia tộc họ Thích, đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đã đến Veludvàra". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama: "Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Sau khi chứng ngộ, Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn, đầy đủ, trong sạch. Tốt lành thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!"
3) Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; một số chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với Thế Tôn tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; một số im lặng ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm (adhippàya) như thế này: "Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con! Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi! Mong rằng chúng tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp! Mong rằng chúng tôi được sử dụng vàng và bạc! Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Mong rằng Tôn giả Gotama hãy thuyết pháp cho chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như vậy. Hãy thuyết pháp như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi... để chúng tôi, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
5) -- Vậy này các Gia chủ, Ta sẽ thuyết cho các Ông một pháp môn đưa đến lợi ích (tự lợi cho tự ngã) (attuupanàyikam). Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ở Veludvàra vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Gia chủ, thế nào là pháp môn đưa đến lợi ích cho tự ngã?
6) Ở đây, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh (kotiparisuddham).
7) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
8) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
9) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
10) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
11) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
12) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
13) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn".
14) ... đối với Pháp...
15) ... đối với chúng Tăng...
16) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.
17) Này các Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ này, nếu vị ấy muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
18) Ðược nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
8. VIII. Giảng Ðường Bằng Gạch (1) (S.v,356)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Nàtika, trong ngôi giảng đường bằng gạch.
2) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến... bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sàlha đã mạng chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo-ni Nànda mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Sudatta mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Nữ cư sĩ Sujàtà mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào?
3) -- Tỷ-kheo Sàlha, này Ànanda, đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Tỷ-kheo-ni Nànda, này Ànanda, mệnh chung, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui thế giới này. Cư sĩ Sudatta, này Ànanda, do đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất Lai, sau khi trở lui thế giới này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Nữ cư sĩ Sujàtà, này Ànanda, mạng chung, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
4) Này Ànanda, thật không có gì lạ vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này, thời này Ànanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ànanda, vì vậy Ta sẽ giảng pháp môn Pháp kính (gương Chánh pháp) để vị Thánh đệ tử sau khi thành tựu pháp môn này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta đã chứng quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
5) Này Ànanda, pháp môn Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử thành tựu pháp môn ấy, nếu muốn, sẽ tự mình tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục... Ta đã chứng quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ"?
6) Ở đây, này Ànanda, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... với Pháp... với Tăng.... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
7) Ðây là pháp môn Pháp kính, này Ànanda, thành tựu pháp môn này, vị Thánh đệ tử nếu muốn, tự mình tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
8) (Kinh này và hai kinh sau đều cùng một nhân duyên).
9. IX. Giảng Ðường Bằng Gạch (2) (S.v,358)
1-2) ... ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Asokà đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo-ni Asokà đã mệnh chung... Nam cư sĩ Asokà đã mệnh chung... Nữ cư sĩ Asokà đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào?
3-6) -- Này Ànanda, Tỷ-kheo Asokà đã mệnh chung, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát... (như kinh trên 8, đoạn số 3 với Tỷ-kheo-ni Asokà, nam cư sĩ Asokà và nữ cư sĩ Asokà) ...
7) Này Ànanda, đây là pháp môn Pháp kính, thành tựu pháp môn này, vị Thánh đệ tử nếu muốn, tự mình tuyên bố về mình: "Ta đã đoạn tận địa ngục, ta đã đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ, ta đã đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
10. X. Ngôi Nhà Bằng Gạch (3) (S.v,358)
1-2) ... ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
-- Cư sĩ ở Nàtika tên Kakkata đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Cư sĩ ở Nàtika tên Kàlinga, bạch Thế Tôn, đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Cư sĩ ở Nàtika tên Nikata... Cư sĩ Katissaha... Cư sĩ Tuttha... Cư sĩ Santuttha... Cư sĩ Dhadda... Cư sĩ Subhadda ở Nàtika, bạch Thế Tôn, đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào?
3) -- Cư sĩ Kakkata, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này. Cư sĩ Kàlinga, này Ànanda... Cư sĩ Nikata, này Ànanda... Cư sĩ Katissaha, này Ànanda... Cư sĩ Tuttha, này Ànanda... Cư sĩ Santuttha, này Ànanda... Cư sĩ Bhadda, này Ànanda... Cư sĩ Subhadda, này Ànanda, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này nữa. Tất cả đều cùng một sanh thú.
4) Hơn năm mươi cư sĩ ở Nàtika, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này nữa. Hơn chín mươi nam cư sĩ ở Nàtika, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, là bậc Nhứt Lai, sau khi trở lui thế giới này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Năm trăm lẻ sáu nam cư sĩ ở Sàkata, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
5-7) Này Ànanda, thật không có gì lạ vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung, Ông lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này; thời này Ànanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai... (xem trên 9, đoạn số 4,5,6,7) ... quyết chắc chứng quả giác ngộ.
II. Phẩm Một Ngàn, hay Vườn Vua
11. I. Một Ngàn (S.v,360)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại khu vườn Ràjaka.
2) Rồi một chúng gồm một ngàn Tỷ-kheo-ni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni đang đứng một bên:
-- Này các Tỷ-kheo-ni, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn pháp là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo-ni, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn".
5-6) ... đối với Pháp... đối với Tăng...
7) Vị ấy thành tựu các giới được bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
8) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo-ni, bậc Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
12. II. Các Bà La Môn (S.v,361)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi.
3) -- Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn trình bày một đạo lộ hướng thượng (udayagàminim). Họ khuyến khích các đệ tử như sau: "Hãy đến, này các Ông! Sáng sớm dậy, hãy đi hướng mặt về phía Ðông. Chớ có tránh những lỗ hổng, lỗ trũng, khúc cây, chỗ có gai, hố nước nhớp, chớ có tránh đường mương. Nếu có rơi vào các chỗ ấy và đi đến chết, như vậy, này các Ông, sau khi thân hoại mạng chung, các Ông sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này".
4) Nhưng này các Tỷ-kheo, con đường ấy của các Bà-la-môn là con đường của kẻ ngu, con đường của kẻ si, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, nay Ta trình bày một đạo lộ hướng thượng trong luật của bậc Thánh, và con đường ấy nhứt hướng đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, đạo lộ hướng thượng ấy là gì, đạo lộ đưa đến nhứt hướng yếm ly... Niết-bàn?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ...".... đối với pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
6) Ðây là đạo lộ đưa đến hướng thượng, này các Tỷ-kheo,... nhứt hướng yếm ly... đưa đến Niết-bàn.
13. III. Ànanda (S.v,362)
1) Một thời, Tôn giả Ànanda và Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ànanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Tôn giả ngồi xuống một bên. Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Ànanda:
3) -- Do đoạn tận những pháp nào, này Hiền giả Ànanda, do nhân thành tựu những pháp nào, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?
4) -- Do đoạn tận bốn pháp, thưa Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
5) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với đức Phật, khi thân hoại mạng chung, sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là không có tịnh tín đối với đức Phật. Và vị Ða văn Thánh đệ tử, thưa Hiền giả, thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Như vậy là tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn".
6) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với Pháp, khi thân hoại mạng chung, sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là không có tịnh tín đối với Pháp. Và vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp... Như vậy là tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... chỉ người có trí mới giác hiểu".
7) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với chúng Tăng... Như vậy là tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn... vô thượng phước điền ở đời".
8) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, thành tựu ác giới... Như vậy là không có tịnh tín bất động... Như vậy tịnh tín bất động đối với các giới: "Các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định".
9) Do đoạn tận bốn pháp này, này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp này, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
14. IV. Ác Thú (1) (S.v,364)
1-2) ...
3) -- Do thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú. Thế nào là bốn?
4-7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
8) Do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú.
15. V. Ác Thú (2) (S.v,364)
1-2) ...
3) -- Do thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú, đọa xứ. Thế nào là bốn?
4-7) ... (như đoạn số 4-7, kinh trên) ...
8) Do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú, đọa xứ...
16. VI. Thân Hữu (1) (S.v,364)
1-2) ...
3) -- Tất cả những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, và những người mà các Ông nghĩ cần phải nghe theo, những ai là bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; tất cả những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?
4) Họ cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú vào tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
5) Những ai mà các Ông có lòng từ mẫn, này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông nghĩ là cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; các người ấy cần phải được khuyến khích, cần phải được áp đặt, cần phải được an trú trong bốn Dự lưu phần này.
17. VII. Bạn Bè Thân Hữu (2) (S.v,365)
1-2) ...
3) -- Những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; các người ấy cần phải được các Ông khuyến khích, áp đặt, an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?
4) Cần phải khuyến khích, cần phải áp đặt, cần phải an trú trong tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn". Dầu cho, này các Tỷ-kheo, bốn đại chủng địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại có đổi khác, nhưng nhất định không có thay đổi trong vị Thánh đệ tử đã thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật. Ở đây, sự đổi khác có nghĩa là: Một Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động như vậy sẽ sanh vào địa ngục, hay vào loài bàng sanh, hay vào hàng ngạ quỷ; sự kiện như vậy không xảy ra.
5-6) ... đối với Pháp... đối với Tăng.
7) Cần phải khuyến khích, cần phải áp đặt, cần phải an trú vào các giới được các bậc Thánh ái kính. Dầu cho, này các Tỷ-kheo, bốn đại chủng địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại có đổi khác; nhưng nhất định không có sự đổi khác trong vị Thánh đệ tử đã thành tựu tịnh tín bất động đối với các giới được các bậc Thánh ái kính. Ở đây, sự đổi khác có nghĩa là vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, sẽ sanh vào địa ngục, hay các loài bàng sanh, hay các ngạ quỷ; sự kiện như vậy không xảy ra.
8) Những ai mà các Ông có lòng từ mẫn, này các Tỷ-kheo,... an trú trong bốn Dự lưu phần.
18. VIII. Du Hành Chư Thiên (S.v,366)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna, như nhà lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Tôn giả biến mất ở Jetavana và hiện ra ở cõi trời Ba mươi ba.
3) Rồi một số đông chư Thiên cõi Ba mươi ba đi đến Tôn giả Mohà Moggalàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Moggalàna rồi đứng một bên. Tôn giả Mahà Moggalàna nói với chư Thiên đang đứng một bên:
4) -- Lành thay, chư Hiền, là sự thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn". Do nhân thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
5-6) Lành thay, chư Hiền, là tịnh tín bất động đối với Pháp... đối với chúng Tăng...
7) Lành thay, chư Hiền, là sự thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Do nhân thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, chư Hiền, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
8) -- Lành thay, Tôn giả Moggalàna, là sự thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn". Do nhân thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, thưa Tôn giả Moggalàna, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
9-11) Lành thay, Tôn giả Moggalàna, là sự thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp... đối với chúng Tăng... các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Do nhân thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, thưa Tôn giả Moggalàna, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
19. IX. Thăm Viếng Chư Thiên (1) (S.v,367)
1) Một thời Tôn giả Mahà Moggalàna trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika.
2-7) Rồi Tôn giả Moggalàna, như người lực sĩ... (như trên) ...
8-11) ... (như trên) ... một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
20. X. Thăm Viếng Chư Thiên (2) (S,v,357)
(Giống như kinh 18, chỉ khác, đây là Thế Tôn, không phải Mahà Moggalàna) ...
III. Phẩm Saranàni
21. I. Mahànàma (1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha.
2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
3) -- Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ-kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?"
4) -- Chớ có sợ, này Mahànàma! Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, tâm tu tập trọn vẹn về giới, tâm tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, dầu thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, hay giả-can ăn, hay các loại chúng sanh sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ, thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
5) Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè sữa bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống nước; nhưng sữa, bơ hay dầu thời nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, này Mahànàma, với ai đã lâu ngày, tâm được tu tập trọn vẹn về tín, tâm được tu tập trọn vẹn về giới, tâm được tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm được tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm được tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, đoạn diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, giả-can ăn hay các sanh loại sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ; thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
6) Này Mahànàma, đã lâu ngày tâm Ông được tu tập trọn vẹn về tín, được tu tập trọn vẹn về giới, được tu tập trọn vẹn về sở văn, được tu tập trọn vẹn về thí xả, được tu tập trọn vẹn về trí tuệ. Chớ có sợ, này Mahànàma, chớ có sợ, này Mahànàma, không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông!
22. II. Mahànàma (2) (S.v,371)
1) Như vầy tôi nghe.
2) Rồi Mahànàma...
3) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, Kapilavatthu...
4)-- Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông! Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn..".... đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
6) Ví như, này Mahànàma, một cây thiên về phía Ðông, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ ngả về phía nào?
-- Bạch Thế Tôn, về phía nào nó thiên, về phía nào nó hướng, về phía nào nó xuôi.
-- Cũng vậy, này Mahànàma, do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
23. III. Godhà hay Mahànàma (3) (S.v,371)
1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.
2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến họ Thích Godhà; sau khi đến, nói với họ Thích Godhà:
3) -- Này Godhà, theo như Hiền giả biết một người là bậc Dự lưu, thành tựu bao nhiêu pháp thời không bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?
-- Này Mahànàma, theo như tôi biết một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
4) Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... là vô thượng phước điền ở đời. Này Mahànàma, do thành tựu ba pháp này, tôi được biết một người là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
5) Nhưng này Mahànàma, theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp thời không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?
-- Này Gohdà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này Godhà, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp này thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
6) -- Hãy chờ một lát, này Mahànàma, hãy chờ một lát, này Mahànàma. Thế Tôn biết rõ việc này, thành tựu hay không thành tựu những pháp này. Này Godhà, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn và sau khi đến, hãy hỏi về ý nghĩa này.
7) Rồi họ Thích Mahànàma và họ Thích Godhà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
8) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi đến họ Thích Godhà; sau khi đến, nói với họ Thích Godhà:
"-- Này Godhà, theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp... giác ngộ?"
Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, họ Thích Godhà nói với con:
"--Này Mahànàma, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp... giác ngộ. Thế nào là ba? Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: 'Ðây là là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn'... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Này Mahànàma, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp này thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Còn này Mahànàma theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp... giác ngộ?"
9) Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với họ Thích Godhàa
"-- Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp... giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này Godhà, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: 'Ðây là là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp... giác ngộ".
Ðược nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, họ Thích Godhà, nói với con:
"-- Hãy chờ một lát, này Mahànàma, hãy chờ một lát, này Mahanàma. Thế Tôn sẽ biết rõ việc này, là thành tựu hay không thành tựu những pháp này".
10) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu nói vấn đề pháp sự khởi lên (dhamma samuppàda), và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn, đó là tịnh tín của con. Mong Thế Tôn chấp nhận.
11) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo và chúng Tỷ-kheo-ni. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn... Mong Thế Tôn chấp nhận.
12) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni và nam cư sĩ. Bên nào là Thế Tôn... Mong Thế Tôn chấp nhận.
13) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni, và nữ cư sĩ. Bên nào là Thế Tôn... Mong Thế Tôn chấp nhận.
14) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, chúng Thiên giới, chúng Ma giới, chúng Phạm thiên giới, quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn, đó là tịnh tín của con. Mong Thế Tôn chấp nhận.
15) -- Họ Thích Mahànàma đã nói như vậy, này Godhà, Ông có nói gì không?
-- Họ Thích Mahànàma đã nói như vậy, con không có nói gì trừ lời nói "Thiện", trừ lời nói "Tốt".
24. IV. Sarakàni, hay Saranàni (1) (S.v,375)
1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.
2) Lúc bấy giờ, họ Thích Sarakàni mệnh chung và được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chứng quả giác ngộ.
3) Tại đấy, một số đông họ Thích tụ họp lại với nhau, chỉ trích, phê bình, bàn tán: "Thật là lạ lùng ! Thật là hy hữu! Ngày nay ai cũng có thể thành bậc Dự lưu, vì rằng họ Thích Sarakàni đã mệnh chung, được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Họ Thích Sarakàni đã phạm giới và uống rượu".
4) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
5) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, họ Thích Sarakàni đã mệnh chung và được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu... chứng quả giác ngộ. Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông họ Thích khi tụ tập lại với nhau, chỉ trích, phê bình, bàn tán: "Thật là lạ lùng! Thật là hy hữu!... Họ Thích Sarakàni đã phạm giới và uống rượu"
-- Này Mahànàma, một cư sĩ lâu ngày qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng làm sao có thể đi đến đọa xứ được?
6) Này Mahànàma, nếu nói một cách chơn chánh: Người cư sĩ nào đã lâu ngày qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nói một cách chơn chánh phải nói là họ Thích Sarakàni. Này Mahànàma, họ Thích Sarakàni đã lâu ngày quy y Phật, quy y Pháp, qui y Tăng, làm sao có thể đi đến đọa xứ?
7) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng, có trí tuệ hoan hỷ (hàsapanna), có trí tuệ tốc hành và thành tựu giải thoát. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.
8) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật. "Ðây là là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... có trí tuệ hoan hỷ, có trí tuệ tốc hành nhưng không thành tựu giải thoát. Vị ấy do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.
9) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu lòng tịnh tin đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Vị ấy sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, thành bậc Nhất lai, chỉ trở lui đời này một lần nữa, đoạn tận khổ đau. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.
10) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Vị ấy sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.
11) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật... đối với Pháp... đối với Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành... không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn và những pháp này do Như Lai tuyên bố được thiểu phần kham nhẫn quán sát với trí tuệ. Người này, này Mahànàma, không đi đến địa ngục, không đi đến loài bàng sanh, không đi đến cõi ngạ quỷ, không đi đến ác sanh, ác thú, đọa xứ.
12) Ở đây, này Mahànàma, có người không thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, đối với pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, chỉ có lòng ái mộ ở Như Lai. Người này, này Mahànama, không có đi đến địa ngục, không có đi đến loài bàng sanh, không có đi đến cõi ngạ quỷ, không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
13) Nếu những cây ta-la lớn này, này Mahànàma, biết những gì là thiện thuyết, ác thuyết, thời Ta cũng sẽ tuyên bố những cây ấy là những bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ, huống nữa là họ Thích Sarakàni. Này Mahàanàma, họ Thích Sarakàni, sau khi mệnh chung, đã chấp nhận học giới.
25.V. Sarakàni hay Saranàri (2) (S.v,378)
1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.
2-7) ... (giống như đoạn số 2-7 kinh trên) ...
8) -- Nhưng ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp, đối với chúng Tăng, có trí tuệ hoan hỷ, có trí tuệ tốc hành, thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, chứng được Vô hành Niết-bàn, chứng được Hữu hành Niết-bàn, chứng được Thượng lưu, sanh ở Sắc cứu cánh thiên. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
9) Ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... đối với Pháp... đối với chúng Tăng, không có trí huệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, thành bậc Nhất Lai, chỉ một lần trở lui cõi đời này. Này Mahànàma, người này được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
10) Ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: "Ðây là là bậc Ứng Cúng, ..."... đối với Pháp... đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
11) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Thế Tôn..".... đối với Pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát, nhưng có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Và những pháp do Như Lai tuyên bố được thiểu phần kham nhẫn, quán sát với trí tuệ. Người này, này Mahànàma, không có địa ngục... không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
12) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng nhứt hướng sùng tín đối với đức Phật... đối với Pháp, đối với Tăng, không có thành tựu giải thoát, nhưng có những pháp này: Tín căn, tấn căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, lòng ái mộ đối với Như Lai. Người này, này Mahànàma, không có đi đến địa ngục... không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
13) Ví như, này Mahànàma, có đám ruộng xấu, đám đất xấu, các gốc cây chưa được phá hủy, các hột giống bị bể nát, bị hư thối, bị gió nắng làm cho hư hại, không thể nẩy mầm, không khéo cấy trồng, và trời không mưa lớn thích hợp; thời các hột giống ấy có thể lớn, tăng trưởng, lớn mạnh không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này Mahànàma, ở đây, pháp giảng kém, trình bày kém, không đưa đến xuất ly, không đưa đến an tịnh, không được một vị Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Ta nói rằng pháp này như ở đám ruộng xấu. Vị đệ tử ấy sống trong pháp ấy, thực hiện pháp và tùy pháp, chơn chánh thực hành, hành trì đúng pháp. Như vậy, Ta nói rằng, người này giống như hột giống xấu.
14) Ví như, này Mahànàma, một đám ruộng tốt, đất tốt, các gốc khéo phá hủy, các hột giống không bị bể nát, không bị hư thối, gió nắng không làm hư hại, có thể nẩy mầm, khéo cấy, khéo trồng và trời mưa lớn thích hợp. Như vậy, các hột giống ấy có lớn lên, có tăng trưởng, có lớn mạnh không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này Mahànàma, ở đây, pháp được khéo giảng, khéo trình bày, đưa đến xuất ly, đưa đến an tịnh, được bậc Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng, Ta nói pháp này như đám ruộng tốt. Vị đệ tử sống trong pháp ấy, thực hành theo pháp và tùy pháp, chơn chánh thực hành, hành trì đúng pháp. Như vậy, Ta nói rằng người này như hột giống tốt, huống nữa là họ Thích Sarakàni. Này Mahànàma, họ Thích Sarakàni, khi mạng chung, đã làm viên mãn học giới.
26.VI. Ác Giới, hay Anàthapindika (1) (S.v,380)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, gia chủ Anàthapindika đang bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi gia chủ Anàthapindika bảo một người:
-- Hãy đến, này Bạn. Hãy đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta và thưa: "Gia chủ Anàthapindika, thưa Tôn giả, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta"; và thưa: "Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Sàriputta đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika vì lòng từ mẫn!"
-- Thưa vâng, Gia chủ.
Người ấy, vâng đáp gia chủ Anàthapindika, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, người ấy thưa với Tôn giả Sàriputta:
-- Gia chủ Anàthapindika, thưa Tôn giả, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta, gia chủ thưa: "Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Sàriputta đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika vì lòng từ mẫn!"
Tôn giả Sàriputta im lặng nhận lời.
5) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát với Tôn giả Ananda là Sa-môn tùy tùng, đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika; sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Anàthapindika:
-- Này Gia chủ, Gia chủ có kham nhẫn nổi không? Gia chủ có chịu đựng nổi không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không có tăng trưởng?
-- Thưa Tôn giả, con không thể kham nhẫn. Con không thể chịu đựng. Kịch liệt là khổ thọ nơi con. Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có dấu hiệu chúng tăng trưởng, không giảm thiểu.
6) -- Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với Phật, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín đối với Phật. Trái lại, Gia chủ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Nếu Gia chủ tự thấy lòng tịnh tín bất động của Gia chủ đối với đức Phật, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
7) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với Pháp, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín đối với Pháp. Trái lại, Gia chủ thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... tự mình giác hiểu". Nếu Gia chủ tự mình thấy lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
8) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với chúng Tăng, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín như vậy đối với chúng Tăng. Trái lại, Gia chủ thành tựu tịnh tín đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn... là phước điền vô thượng ở đời". Nếu Gia chủ tự mình thấy lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
9) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu ác giới, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào... địa ngục. Nhưng Gia chủ không có ác giới như vậy. Trái lại, Gia chủ có giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Nếu Gia chủ tự thấy các giới được các bậc Thánh ái kính ấy, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
10) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu tà kiến như vậy, nên sau khi thân hoại... địa ngục. Nhưng Gia chủ không có tà kiến như vậy. Trái lại, Gia chủ có chánh kiến. Nếu Gia chủ tự mình thấy chánh kiến của Gia chủ, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
11-19) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu tà tư duy... tà ngữ... tà nghiệp... tà mạng... tà tinh tấn... tà niệm... tà định... tà trí... tà giải thoát như vậy, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có từ tư duy... tà ngữ... tà nghiệp... tà mạng... tà tinh tấn... tà niệm... tà định... tà trí... tà giải thoát như vậy. Trái lại, Gia chủ có chánh tư duy... chánh ngữ... chánh nghiệp... chánh mạng... chánh tinh tấn... chánh niệm... chánh định... chánh trí... chánh giải thoát. Nếu Gia chủ tự mình thấy chánh tư duy... chánh ngữ... chánh nghiệp... chánh mạng... chánh tinh tấn... chánh niệm... chánh định... chánh trí... chánh giải thoát của Gia chủ, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.
20) Rồi các cảm thọ của gia chủ Anàthapindika lập tức được an tịnh.
21) Rồi gia chủ Anàthapindika mời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Ananda dùng bữa ăn (từ nơi nồi nấu cơm của mình).
22) Sau khi Tôn giả Sàriputta ăn xong, tay đã rời khỏi bát, gia chủ Anàthapindika đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, lấy một ghế thấp và ngồi xuống một bên.
23) Tôn giả Sàriputta tán thán gia chủ Anàthapindika với những lời kệ này:
Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động khéo an lập.
Ai có giới thiện lành,
Ðược bậc Thánh ái kính.
Ai tin tưởng chúng Tăng,
Sở kiến được chánh trực,
Người ấy gọi "Không nghèo",
Ðời sống không uổng phí.
Do vậy, bậc Hiền minh
Cần tu tập tín giới,
Thấy rõ được Chánh pháp,
Không quên lời Phật dạy.
24) Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi nói lời hoan hỷ tán thán với các lời kệ này, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
25) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Aananda đang ngồi một bên:
26) -- Này Ananda, Ông đi đâu để nghỉ trưa?
-- Bạch Thế Tôn, gia chủ Anàthapindika đã được Tôn giả Sàriputta giáo giới với lời giáo giới như thế này, thế này...
-- Hiền minh, này Ananda, là Sàriputta ! Ðại tuệ, này Ananda, là Sàriputta ! Vị ấy có thể chia chẻ bốn Dự lưu phần thành mười tướng.
27.VII. Ác Giới, hay Anàthapindika (2) (S.v,385)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, gia chủ Anàthapindika bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3-5) ... (giống như kinh trước, chỉ khác, đây là Tôn giả Ananda chứ không phải Tôn giả Sàriputta, và Tôn giả Ananda đi chỉ có một mình, cho đến... có dấu hiệu tăng trưởng, không có giảm thiểu).
6) -- Này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu bốn pháp nên run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thế nào là bốn?
7) Ở đây, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với Phật. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với Phật, vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với Pháp. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với Pháp; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với chúng Tăng. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với chúng Tăng; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu ác giới. Khi vị ấy tự thấy sự thành tựu ác giới của mình; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Do thành tựu bốn pháp này, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau.
8) Do thành tựu bốn pháp, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử không có run sợ, không có hoảng hốt, không có sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thế nào là bốn? Ở đây, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn". Khi tự thấy lòng tịnh tín bất động của mình đối với Phật, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... chỉ người có trí tự mình giác hiểu". Khi tự thấy lòng tịnh tín bất động của mình đối với Pháp, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ... lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là đệ tử của Thế Tôn... là phước điền vô thượng ở đời"... về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Khi tự thấy sự thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính của mình, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thành tựu bốn pháp này, này Gia chủ, bậc Ða văn Thánh đệ tử không có run sợ, không có hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau.
9) -- Thưa Tôn giả Ananda, con không sợ hãi. Sao con có thể sợ hãi? Con đã thành tựu lòng tịnh tín đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thưa Tôn giả, phàm có những học giới hòa kính (sàmici) tại gia do Thế Tôn thuyết giảng, con thấy không có tự mình vi phạm một giới nào.
10) -- Lợi đắc thay cho Gia chủ, này Gia chủ! Khéo lợi đắc thay cho Gia chủ, này Gia chủ ! Gia chủ đã tuyên bố về Dự lưu quả rồi.
28.VIII. Hận Thù, hay Anàthapindika (3) (S.v,387)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:
3) -- Khi nào vị Thánh đệ tử, này Gia chủ, làm cho tịnh chỉ năm sự sợ hãi, hận thù (pancabhayàni), thành tựu bốn Dự lưu phần, và nhờ trí tuệ, Thánh lý (nàya) được khéo thấy, được khéo thông đạt, nếu vị ấy muốn, sẽ tự mình tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận các loài bàng sanh; ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ; ta là bậc Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ". Thế nào là năm sự sợ hãi, hận thù được tịnh chỉ?
4) Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người sát sanh; do duyên sát sanh, sự sợ, hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, sự khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ sát sanh, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.
... khởi lên cho người lấy của không cho...
... khởi lên cho người tà hạnh trong các dục...
... khởi lên cho người nói láo...
Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người say đắm rượu men, rượu nấu; do duyên say đắm rượu men, rượu nấu, sự sợ hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.
Năm sự sợ hãi, hận thù này được tịnh chỉ.
5) Với bốn Dự lưu phần nào, vị ấy được thành tựu?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn..". đối với Pháp... đối với chúng Tăng... vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
Bốn Dự lưu phần này được thành tựu.
6) Thánh lý nào được vị ấy khéo thấy với trí tuệ, khéo thông đạt?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử khéo như lý tác ý lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, nên hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt... nên lão tử diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này vậy.
Ðây là Thánh lý, với trí tuệ, được khéo thấy, khéo thông đạt.
7) Khi nào vị Thánh đệ tử, này Gia chủ, được tịnh chỉ năm sự sợ hãi, hận thù này, được thành tựu bốn Dự lưu phần này, và Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, khéo thông đạt thời nếu muốn, vị ấy có thể tự mình tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận loài bàng sanh; ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ; ta đã đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
29.IX. Sợ Hãi, hay Vị Tỷ-Kheo (S.v,389)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) ... (như kinh trên 28, chỉ khác, đây là một số đông Tỷ-kheo đến đức Phật và đức Phật thuyết cho các vị ấy) ...
30.X. Lichavi, hay Nandaka (S.v,389)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, chỗ ngôi nhà có nóc nhọn.
2) Rồi đại thần người Licchavi tên là Nandaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Nandaka, vị đại thần người Licchavi đang ngồi một bên:
-- Này Nandaka, thành tựu bốn pháp, một vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu... chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này Nandaka, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh... đưa đến Thiền định. Thành tựu bốn pháp này, này Nandaka, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
4) Thành tựu bốn pháp này, này Nadaka, vị Thánh đệ tử liên hệ đến tuổi thọ chư Thiên và loài Người, liên hệ đến dung sắc, liên hệ đến an lạc, liên hệ đến thanh danh, liên hệ đến lực tăng thượng (adhipateyya) chư Thiên và loài Người.
5) Ðiểm này, này Nandaka, Ta biết chứ không phải nhờ nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào rồi Ta tuyên bố. Chính do tự Ta biết, tự Ta thấy, tự Ta ý thức rồi Ta tuyên bố.
6) Khi được nghe nói vậy, một người thưa với Nandaka, vị đại thần người Licchavi:
-- Thưa Ðại quan, nay đã đến giờ tắm.
-- Thôi, nay đã vừa rồi, này Bạn, đó chỉ là sự tắm rửa bề ngoài. Tắm rửa bên trong này là vừa đủ cho ta, tức là lòng tịnh tín đối với Thế Tôn.
IV. Phẩm Phước Ðức Sung Mãn
31. I. Sung Mãn (1) (S.v,391)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng...Phật, Thế Tôn". Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất.
4) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... chỉ người có trí tự mình giác hiểu". Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ hai.
5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn... là phước điền vô thượng ở đời". Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ ba.
6) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.
7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
32. II. Sung Mãn (2) (S.v,391)
1-5) ... (giống như kinh trên, đoạn 1-5) ...
6) -- Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.
7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
33. III. Sung Mãn (3) (S.v,392)
2-5) ... (giống như kinh 31, đoạn 2-5) ...
6) -- Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.
7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
34. IV. Con Ðường Của Chư Thiên (1) (S.v,392)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Có bốn thiên đạo này của chư Thiên, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín đối với đức Phật... Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.
4-6) ... (như trên đối với Pháp, với chúng Tăng, với các giới) ... " Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến chúng... được thuần bạch.
7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh... được thuần bạch.
35. V. Con Ðường Của Chư Thiên (2) (S.v,393)
1) ...
2) -- Có bốn thiên đạo của chư Thiên này, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn". Vị ấy suy tư như sau: "Thế nào là thiên đạo của chư Thiên? Nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo". Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên khiến các loài chúng sanh... được thuần bạch.
4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp... đối với chúng Tăng...
6) ... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Vị ấy suy tư như sau: "Thế nào là thiên đạo của chư Thiên?". Vị ấy rõ biết như sau: "Ta nghe các chư Thiên nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo". Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến các chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến các chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.
7) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh... được thuần bạch.
36. VI. Ði Ðến Bạn Bè (S.v,394)
1) ...
2) -- Chư Thiên, này các Tỷ-kheo, hoan hỷ nói chuyện bạn bè với ai thành tựu bốn pháp. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Chư Thiên nào thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được sanh ở đây. Chư Thiên ấy suy nghĩ: "Như chúng ta thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, mệnh chung chỗ kia, được sanh chỗ này". Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu lòng tịnh tín bất động như vậy. Họ nói với vị ấy: "Hãy đến đây, đến gần chư Thiên".
4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử... đối với Pháp... đối với chúng Tăng...
6) Vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Chư Thiên nào thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được tái sanh chỗ kia. Họ suy nghĩ như sau: "Chúng ta thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính. Do vậy, chúng ta mệnh chung tại chỗ kia, sanh tại chỗ này". Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính như vậy. Họ nói với vị ấy: "Hãy đến đây, đến gần với chư Thiên".
7) Những ai thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên hoan hỷ nói chuyện bạn bè với họ.
37. VII. Mahànàma (S.v,395)
1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn cây bàng.
2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
3) -- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ?
-- Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ.
4) -- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ giới?
-- Này Mahànàma, người cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ giới.
5) -- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ tín?
-- Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ tín.
6) -- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là người cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?
-- Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích chú chia xẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ bố thí.
7) -- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?
-- Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.
38. VIII. Mưa (S.v,396)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, khi trên đầu núi có cơn mưa to lớn, nước mưa ấy chảy theo hướng xuôi của nó, tràn đầy các hang núi, khe núi; sau khi tràn đầy các hang núi, khe núi, nó tràn đầy hồ nhỏ; sau khi tràn đầy hồ nhỏ, nó tràn đầy hồ lớn; sau khi tràn đầy hồ lớn, nó tràn đầy sông nhỏ; sau khi tràn đầy sông nhỏ, nó tràn đây sông lớn; sau khi tràn đầy sông lớn, nó tràn đầy biển, đại dương.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử, lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, và các giới được các bậc Thánh ái kính; những pháp này trôi chảy đến bờ bên kia, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.
39. IX. Kàli (S.v,398)
1) Lúc bấy giờ Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Cây Bàng.
2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của Thích nữ Kàligodhà; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
3) Rồi Thích nữ Kàligodhà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Thích nữ Kàligodhà đang ngồi một bên:
-- Thành tựu bốn pháp, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, ... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Này Godhà, thành tựu bốn pháp này, một nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
5) -- Bốn Dự lưu phần được Thế Tôn thuyết giảng này, bạch Thế Tôn, chúng đều có trong con. Con thực hiện những pháp này. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Như Lai... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Phàm những vật gì được đem bố thí trong gia đình, tất cả đều được phân phát cho những người có giới và những người làm thiện.
6) -- Lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Thật khéo lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Này Godhà, Người đã tuyên bố về Dự lưu quả.
40) X. Nandiyà (S.v,397)
1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Cây Bàng.
2) Rồi họ Thích Nandiyà đi đến Thế Tôn; sau khi đến... ngồi xuống một bên, họ Thích Nandiyà bạch Thế Tôn:
3) -- Với vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, có thể được gọi là trú phóng dật không?
-- Này Nandiyà, với ai toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; người ấy, Ta tuyên bố là người đứng ngoài, trong hàng ngũ kẻ phàm phu.
4) Tuy vậy, này Nandiyà, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào một Thánh đệ tử trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Nandiyà vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
5) -- Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú phóng dật?
Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Vị ấy thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống phóng dật như vậy, nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Vị này thỏa mãn với những giới được các bậc Thánh ái kính, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy trú phóng dật như vậy nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không có khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật.
6) Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật?
Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn". Vị này không thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động ấy, cố gắng hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật, nên hân hoan khởi. Do vị ấy hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân khinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử đối với Pháp... đối với chúng Tăng... vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Vị ấy không thỏa mãn với các giới được các bậc Thánh ái kính, cố gắng tinh tấn hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật như vậy, hân hoan sanh. Vị ấy có hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân kinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Như vậy, này Nandiyà, là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật.
V. Phẩm Phước Ðức Sung Mãn Với Kệ
41. I. Sung Mãn (1) (S.v,399)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) Với vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được vô lượng phước đức: "Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc". Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được số lượng nước trong biển lớn là có bao nhiêu thùng, hay có bao nhiêu trăm thùng, hay có bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, thật không dễ gì đếm được số lượng phước đức: "Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc". Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.
6) Thế Tôn nói như vầy:
Là đại dương, đại hải,
Nước mênh mông rộng lớn,
Ðầy rẫy những hãi hùng,
Chứa vô lượng trân châu,
Phục vụ trăm ngàn người,
Các con sông lớn, nhỏ,
Chúng tuôn chảy ồ ạt,
Chúng đổ về bể khơi.
Cũng vậy là những người,
Thí đồ ăn, uống, vải,
Bố thí giường, chỗ ngồi,
Mền, nệm, các đồ nằm,
Vô lượng nguồn phước đức,
Từ kẻ trí tuôn chảy,
Như sông hồ đầy nước,
Chảy tuôn ra bể cả.
42. II. Sung Mãn (2) (S.v,401)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) ... (như đoạn số 4, kinh trên) ...
5) Ví như, tại chỗ mà các con sông lớn này gặp nhau, nhập vào một dòng với nhau, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Sarabhuu, sông Mahi, thật không dễ gì đếm được số lượng nước tại chỗ ấy là có bao nhiêu thùng, bao nhiêu trăm thùng, bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập... đại uẩn phước đức.
6) Thế Tôn nói như vầy:
... (giống như hai bài kệ kinh trên) ...
43. III. Sung Mãn (3) (S.v,401)
1) ...
2) ... (như đoạn số 2, kinh trên) ...
3) ... (đoạn đầu giống kinh trên về đối với Phật, Pháp, Tăng... ) có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) ... (như đoạn số 4, kinh trước) ...
5) Thế Tôn thuyết như vầy:
Ai ước muốn phước đức,
Vững trú trên điều thiện,
Tu tập theo con đường,
Ðưa đến đạt bất tử,
Chứng được lõi của pháp,
Thích thú đoạn lậu hoặc,
Vị ấy không run sợ,
Khi nghĩ đến thần chết.
44. IV. Rất Giàu Hay Giàu (1) (S.v,402)
1) ...
2) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn. Thế nào là bốn?
3) ... (như các kinh trước, nói về tịnh tín bất động đối với ba ngôi báu và các giới) ...
4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.
45. V. Rất Giàu Hay Giàu (2) (S.v,402)
... (giống như kinh trước) ...
46. VI. Tỷ-Kheo Hay Thanh Tịnh (S.v,403)
1) ...
2) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
3) ... (như các kinh trước, nói về tịnh tín đối với ba ngôi báu và các giới) ...
4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
47. VII. Nandiya (S.v,403)
1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.
2) Thế Tôn nói với họ Thích Nandiya đang ngồi một bên: "Thành tựu bốn pháp này, này Nandiya, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu... giác ngộ. Thế nào là bốn?".
3) ... (thành tựu tịnh tín đối với Ba Ngôi Báu và các giới) ...
4) ... (như đoạn số 4, kinh trước) ...
48. VIII. Bhaddiya (S.v,403)
... (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Bhaddiya ) ...
49. IX. Mahànàma (S.v,404)
... (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Mahànàma ) ...
50. X. Phần (S.v,404)
1) ...
2) -- Có bốn Dự lưu phần này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
3) Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp và tùy pháp.
4) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Dự lưu phần.
VI. Phẩm Với Trí Tuệ
51. I. Với Bài Kệ (S,v,404)
1) ...
2) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
3) ... (Như các kinh trước, tịnh tín Ba Ngôi báu và thành tựu các giới) ... Này các Tỷ-kheo, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu... giác ngộ.
4) Thế Tôn nói như vậy...
Với ai tin Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Với ai giới thiện lành,
Bậc Thánh kính, tán thán.
Với ai tịnh tín Tăng,
Với tri kiến chánh trực,
Ðược nói: không phải nghèo,
Sống vậy không vô ích.
Do vậy, bậc Hiền minh,
Cần tu tập tín giới,
Thấy rõ được Chánh pháp,
Không quên lời Phật dạy.
52. II. An Cư Mùa Mưa (S.v,405)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo, sau khi an cư mùa mưa ở Sàvatthi xong, đi đến Kapilavatthu vì một vài công việc.
3) Các họ Thích ở Kapilavatthu được nghe một Tỷ-kheo, sau khi an cư mùa mưa xong ở Sàvatthi, đã đến Kapilavatthu.
4) Rồi các họ Thích ở Kapilavatthu đi đến Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, đảnh lễ Tỷ-kheo ấy rồi ngồi xuống một bên. Các họ Thích ở Kapilavatthu thưa với Tỷ-kheo ấy:
5) -- Thưa Tôn giả, Thế Tôn có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?
-- Này chư Hiền, Thế Tôn có sức khỏe, có khỏe mạnh.
-- Thưa Tôn giả, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggallàna có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?
-- Này chư Hiền, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggalàna có sức khỏe, có khỏe mạnh.
-- Thưa Tôn giả, chúng Tỷ-kheo có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?
-- Này chư Hiền, chúng Tỷ-kheo có sức khỏe, có khỏe mạnh.
6) -- Thưa Tôn giả, trong dịp an cư này, Tôn giả có tự thân nghe, tự thân lãnh thọ gì từ Thế Tôn?
-- Này chư Hiền, tôi có tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: "Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là các Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và nhiều hơn là các Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời này nữa".
7) Lại nữa, này chư Hiền, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: "Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời này nữa. Và nhiều hơn là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, chỉ một lần trở lui đời này nữa để chấm dứt khổ đau".
8) Lại nữa, này chư Hiền, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: "Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, thành bậc Nhất lai, chỉ một lần trở lui đời này nữa để chấm dứt khổ đau. Và nhiều hơn là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".
53. III. Dhammadinna (S.v,406)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, ở vườn nai.
2) Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:
3) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
-- Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.
4) -- Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, phải sống trong những ngôi nhà đầy những trẻ con, sử dụng hương chiên-đàn từ Kàsi, đeo các vòng hoa, hương và phấn sáp, thọ dụng vàng và bạc, đối với các kinh điển do Thế Tôn thuyết giảng thâm sâu, với ý nghĩa thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, có thể thường thường tìm đến những kinh điển ấy và học hỏi. Bạch Thế Tôn, chúng con là những người an trú trên năm học pháp, Thế Tôn hãy giảng cho chúng con các pháp khác!
5) -- Do vậy, này Dhammadinna, các Ông hãy học tập như sau: "Chúng ta sẽ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn" ... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.
-- Bạch Thế Tôn, bốn Dự lưu phần này được Thế Tôn thuyết giảng, các pháp ấy có mặt ở nơi chúng con. Chúng con thực hiện các pháp ấy.
6) Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp.... đối với chúng Tăng... chúng con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
7) -- Lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Này Dhammadinna, Ông đã tuyên bố về Dự lưu quả.
54. IV. Bị Bệnh (S.v,408)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng họ Thích, tại Kapilavatthu, khu vườn các cây bàng.
2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành.
3) Họ Thích Mahànàma được nghe: "Nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: "Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành"". Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
4) -- Bạch Thế Tôn, con được nghe nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: "Sau khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi du hành". Chúng con chưa được tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn điều này. Bạch Thế Tôn, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được một cư sĩ có trí giáo giới như thế nào?
5) -- Này Mahànàma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assàsaniya dhamma): Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp... Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng... Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.
6) Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, này Mahànàma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này. Cần phải nói như vậy.
7) Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ. Nếu vị ấy nói: "Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ", thời nên nói với vị ấy như sau: "Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả".
8) Nếu vị ấy nói như sau: "Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận", vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con hay không?" Nếu vị ấy nói: "Tôi có lòng thương nhớ vợ con", thời vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ con của Tôn giả".
9) Nếu vị ấy nói như sau: "Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận", vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả có lòng thương tiếc năm dục công đức của loài Người không?" Nếu vị ấy nói như sau: "Tôi có lòng thương nhớ năm dục công đức của loài Người", vị ấy cần phải được nói như sau: "Các Thiên dục đối với nhân dục, còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi các nhân dục, và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương thiên".
10) Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng đến Tứ đại thiên vương thiên", vị ấy cần được nói như sau: "Chư Thiên ở cõi Ba mươi ba còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương thiên. Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Tứ đại thiên vương thiên và hướng tâm đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba".
11-16) Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ Tứ đại thiên vương thiên và hướng đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba", vị ấy cần được nói như sau: "Chư Thiên Yamà, chư Thiên Tusità, chư Thiên Hóa lạc thiên, chư Thiên Tha hóa tự tại thiên còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba".
17) ... "Chư Thiên ở Phạm thế còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tốt hơn Tôn giả từ bỏ tâm khỏi chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm đến Phạm thế, Phạm thiên giới".
18) Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm về chư Thiên ở Phạm thế", thời vị ấy cần phải được nói như sau: "Này Tôn giả, Phạm thiên giới là vô thường, không thường hằng, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Phạm thế và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến (Sakkàya)".
19) Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thế và hướng đến đoạn diệt thân kiến"; vị cư sĩ nói như vậy, này Mahànàama, và với Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát.
55. V. Bốn Quả (1) (S.v,410)
1) ...
2) Có bốn pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến chứng ngộ quả Dự lưu. Thế nào là bốn?
3) Thân cận với bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hiện pháp và tùy pháp.
4) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả Dự lưu.
56. VI. Bốn Quả (2) (S.v,411)
2) ... (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến chứng ngộ quả Nhất lai ).
57. VII. Bốn Quả (3) (S.v,411)
3) ... (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến quả Nhất lai )
58. VIII. Bốn Quả (4) (S.v,411)
4) ... (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến quả A-la-hán)
59. IX. Lợi Ðắc (S.v,411)
2) ... đưa đến lợi đắc trí tuệ...
60. X. Tăng Trưởng (S.v,411)
2) ... đưa đến tăng trưởng trí tuệ...
61. XI. Quảng Ðại (S.v,411)
2) ... đưa đến quảng đại trí tuệ...
VII. Phẩm Ðại Trí Tuệ
62. I. Ðại (S.v,412)
4) ... đưa đến đại trí tuệ...
63. II. Quảng Ðại (Puthu)(S.v,412)
4) ... đưa đến quảng đại trí tuệ...
64. III. Tăng Trưởng(Vipula) (S.v,412)
4) ... đưa đến tăng trưởng trí tuệ...
65. IV. Thâm Sâu (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ thâm sâu...
66. V. Không Có Ngang Bằng (Asamatta) (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ không có ngang bằng...
67. VI. Sung Mãn (Bhuuri) (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ sung mãn...
68. VII. Nhiều (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ sung túc...
69. VIII. Nhanh Lẹ (Sìgha) (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ nhanh nhẹn...
70. IX. Khinh An (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ khinh an...
71. X. Hoan Hỷ (Hàsa) (S.v,412)
4) ... đưa đến trí tuệ hoan hỷ...
72. XI. Tốc Hành (S.v,413)
4) ... đưa đến trí tuệ tốc hành...
73. XII. Sắc Bén (S.v,413)
4) ... đưa đến trí tuệ sắc bén...
74. XIII. Thể Nhập (Nibbedhika) (S.v,413)
4) ... đưa đến trí tuệ thể nhập. Thế nào là bốn? (như trên) ...

Chapter XI. Connected Discourses on Stream-Entry

Translated by: Bhikkhu Boddhi

BAMBOO GATE
1 (1) Wheel-Turning Monarch


At Sāvatthī. There the Blessed One said this:
“Bhikkhus, although a wheel-turning monarch, having exercised supreme sovereign rulership over the four continents,317 with the breakup of the body, after death, is reborn in a good destination, in a heavenly world, in the company of the devas of the Tāvatiṃsa realm, and there in the Nandana Grove, accompanied by a retinue of celestial nymphs, he enjoys himself supplied and endowed with the five cords of celestial sensual pleasure, still, as he does not possess four things, he is not freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, not freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.318 Although, bhikkhus, a noble disciple maintains himself by lumps of almsfood and wears rag-robes, still, as he possesses four things, he is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“What are the four? [343] Here, bhikkhus, the noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus:319 ‘The Blessed One is an arahant, perfectly enlightened, accomplished in true knowledge and
conduct, fortunate, knower of the world, unsurpassed leader of persons to be tamed, teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’
“He possesses confirmed confidence in the Dhamma thus: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One, directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.’
“He possesses confirmed confidence in the Sarigha thus: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way, practising the straight way, practising the true way, practising the proper way; that is, the four pairs of persons, the eight types of individuals—this Sarigha of the Blessed One’s disciples is worthy of gifts, worthy of hospitality, worthy of offerings, worthy of reverential salutation, the unsurpassed field of merit for the world.’
“He possesses the virtues dear to the noble ones—unbroken, untorn, unblemished, unmottled, freeing, praised by the wise, ungrasped, leading to concentration.320
“He possesses these four things. And, bhikkhus, between the obtaining of sovereignty over the four continents and the obtaining of the four things, the obtaining of sovereignty over the four continents is not worth a sixteenth part of the obtaining of the four things.”321
2 (2) Grounded
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. 322
“What four? Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed
confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. [344]
“A noble disciple, bhikkhus, who possesses these four things is a stream- enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Those who possess faith and virtue, Confidence and vision of the Dhamma, In time arrive at the happiness Grounded upon the holy life.”323
3 (3) Dīghāvu
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the lay follower Dīghāvu was sick, afflicted, gravely ill. Then the lay follower Dīghāvu addressed his father, the householder Jotika, thus: “Come, householder, approach the Blessed One, pay homage to him in my name with your head at his feet, and say: ‘Venerable sir, the lay follower Dīghāvu is sick, afflicted, gravely ill; he pays homage to the Blessed One with his head at the Blessed One’s feet.’ Then say: ‘It would be good, venerable sir, if the Blessed One would come to the residence of the lay follower Dīghāvu out of compassion.’”
“Yes, dear,” the householder Jotika replied, and he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and delivered his message. The Blessed One consented by silence.
Then the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, went to the residence of the lay follower Dīghāvu. [345] He then sat down in the appointed seat and said to the lay follower Dīghāvu: “I hope you are bearing up, Dīghāvu, I hope you are getting better. I hope your painful
feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“Venerable sir, I am not bearing up, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
“Therefore, Dīghāvu, you should train yourself thus: ‘I will be one who possesses confirmed confidence in the Buddha thus: “The Blessed One is
… teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.” I will be one who possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… I will be one who possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.’ It is in such a way that you should train yourself.”
“Venerable sir, as to these four factors of stream-entry that have been taught by the Blessed One, these things exist in me, and I live in conformity with those things. For, venerable sir, I possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… I possess the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.”
“Therefore, Dīghāvu, established upon these four factors of stream-entry, you should develop further six things that partake of true knowledge. Here, Dīghāvu, dwell contemplating impermanence in all formations, perceiving suffering in what is impermanent, perceiving nonself in what is suffering, perceiving abandonment, perceiving fading away, perceiving cessation.324 It is in such a way that you should train yourself.”
“Venerable sir, as to these six things that partake of true knowledge that have been taught by the Blessed One, these things exist in me, and I live in conformity with those things. For, venerable sir, I dwell contemplating impermanence in all formations, perceiving suffering in what is impermanent, perceiving nonself in what is suffering, perceiving abandonment, perceiving fading away, perceiving cessation. However, venerable sir, the thought occurs to me: ‘After I am gone, may this householder Jotika not fall into distress.’” [346]
“Don’t be concerned about this, dear Dīghāvu. Come now, dear Dīghāvu, pay close attention to what the Blessed One is saying to you.”
Then the Blessed One, having given this exhortation to the lay follower Dīghāvu, rose from his seat and departed. Then, not long after the Blessed One had left, the lay follower Dīghāvu died.
Then a number of bhikkhus approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to the Blessed One: “Venerable sir, that lay follower named Dīghāvu to whom the Blessed One gave a brief exhortation has died. What is his destination, what is his future bourn?”
“Bhikkhus, the lay follower Dīghāvu was wise. He practised in accordance with the Dhamma and did not trouble me on account of the Dhamma. Bhikkhus, with the utter destruction of the five lower fetters the lay follower Dīghāvu has become one of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world.”
(4) Sāriputta (1)
On one occasion the Venerable Sāriputta and the Venerable Ānanda were dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, in the evening, the Venerable Ānanda emerged from seclusion.… Sitting to one side, the Venerable Ānanda said to the Venerable Sāriputta:
“Friend Sāriputta, on account of possessing how many things are people declared by the Blessed One to be stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination?” [347]
“It is on account of possessing four things, friend Ānanda, that people are declared by the Blessed One to be stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination. What four? Here, friend, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“It is, friend, on account of possessing these four things that people are declared by the Blessed One to be stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination.”
(5) Sāriputta (2)
Then the Venerable Sāriputta approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him:
“Sāriputta, this is said: ‘A factor for stream-entry, a factor for stream- entry.’ What now, Sāriputta, is a factor for stream-entry?”
“Association with superior persons, venerable sir, is a factor for stream- entry. Hearing the true Dhamma is a factor for stream-entry. Careful attention is a factor for stream-entry. Practice in accordance with the Dhamma is a factor for stream-entry.” 325
“Good, good, Sāriputta! Association with superior persons, Sāriputta, is a factor for stream-entry. Hearing the true Dhamma is a factor for stream- entry. Careful attention is a factor for stream-entry. Practice in accordance with the Dhamma is a factor for stream-entry.
“Sāriputta, this is said: ‘The stream, the stream.’ What now, Sāriputta, is the stream?”
“This Noble Eightfold Path, venerable sir, is the stream; that is, right view, right intention, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration.”
“Good, good, Sāriputta! This Noble Eightfold Path is the stream; that is, right view … right concentration. [348]
“Sāriputta, this is said: ‘A stream-enterer, a stream-enterer.’ What now, Sāriputta, is a stream-enterer?”
“One who possesses this Noble Eightfold Path, venerable sir, is called a stream-enterer: this venerable one of such a name and clan.”
“Good, good, Sāriputta! One who possesses this Noble Eightfold Path is a stream-enterer: this venerable one of such a name and clan.”
(6) The Chamberlains
At Sāvatthī. Now on that occasion a number of bhikkhus were making a robe for the Blessed One, thinking: “After the three months, with his robe completed, the Blessed One will set out on tour.”
Now on that occasion the chamberlains326 Isidatta and Purāṇa were residing in Sādhuka on some business. They heard: “A number of bhikkhus, it is said, are making a robe for the Blessed One, thinking that after the three months, with his robe completed, the Blessed One will set out on tour.”
Then the chamberlains Isidatta and Purāṇa posted a man on the road, telling him: “Good man, when you see the Blessed One coming, the Arahant, the Perfectly Enlightened One, then you should inform us.” After standing for two or three days that man saw the Blessed One coming in the distance. Having seen him, the man approached the chamberlains Isidatta and Purāṇa and told them: “Sirs, this Blessed One is coming, the Arahant, the Perfectly Enlightened One. You may come at your own convenience.”
Then the chamberlains Isidatta and Purāṇa approached the Blessed One, paid homage to him, and followed closely behind him. Then the Blessed One left the road, went to the foot of a tree, and sat down on a seat that was prepared for him. [349] The chamberlains Isidatta and Purāṇa paid homage to the Blessed One, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, when we hear that the Blessed One will set out from Sāvatthī on tour among the Kosalans, on that occasion there arises in us distress and displeasure at the thought: ‘The Blessed One will be far away from us.’ Then when we hear that the Blessed One has set out from Sāvatthī on tour among the Kosalans, on that occasion there arises in us distress and displeasure at the thought: ‘The Blessed One is far away from us.’
“Further, venerable sir, when we hear that the Blessed One will set out from among the Kosalans on tour in the Mallan country … that he has set out from among the Kosalans on tour in the Mallan country … that he will set out from among the Mallans on tour in the Vajjian country … that he has set out from among the Mallans on tour in the Vajjian country … that he will set out from among the Vajjians on tour in the Kāsian country … that he has set out from among the Vajjians on tour in the Kāsian country … that he will set out from among the Kāsians on tour in Magadha, on that occasion there arises in us [350] distress and displeasure at the thought: ‘The Blessed One will be far away from us.’ Then when we hear that the Blessed One has set out from among the Kāsians on tour in Magadha, on that occasion there arises in us great distress and displeasure at the thought: ‘The Blessed One is far away from us.’
“But, venerable sir, when we hear that the Blessed One will set out from among the Magadhans on tour in the Kāsian country, on that occasion there arises in us elation and joy at the thought: ‘The Blessed One will be near to us.’ Then when we hear that the Blessed One has set out from among the Magadhans on tour in the Kāsian country, on that occasion there arises in us elation and joy at the thought: ‘The Blessed One is near to us.’
“Further, venerable sir, when we hear that the Blessed One will set out from among the Kāsians on tour in the Vajjian country … that he has set out from among the Kāsians on tour in the Vajjian country … that he will set out from among the Vajjians on tour in the Mallan country … that he has set out from among the Vajjians on tour in the Mallan country … that he will set out from among the Mallans on tour in Kosala … that he has set out from among the Mallans on tour in Kosala … that he will set out from among the Kosalans on tour to Sāvatthī, on that occasion there arises in us elation and joy at the thought: ‘The Blessed One will be near to us.’ Then, venerable sir, when we hear that the Blessed One is dwelling at Sāvatthī, in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park, on that occasion there arises in us great elation and joy at the thought: ‘The Blessed One is near to us.’”
“Therefore, chamberlains, the household life is confinement, a path of dust. The going forth is like the open air. It is enough for you, chamberlains,
to be diligent.”
“Venerable sir, we are subject to another confinement even more confining and considered more confining than the former one.” [351]
“But what, chamberlains, is that other confinement to which you are subject, which is even more confining and considered more confining than the former one?”
“Here, venerable sir, when King Pasenadi of Kosala wants to make an excursion to his pleasure garden, after we have prepared his riding elephants we have to place the king’s dear and beloved wives on their seats, one in front and one behind. Now, venerable sir, the scent of those ladies is just like that of a perfumed casket briefly opened; so it is with the royal ladies wearing scent. Also, venerable sir, the bodily touch of those ladies is just like that of a tuft of cotton wool or kapok; so it is with the royal ladies so delicately nurtured. Now on that occasion, venerable sir, the elephants must be guarded, and those ladies must be guarded, and we ourselves must be guarded, yet we do not recall giving rise to an evil state of mind in regard to those ladies. This, venerable sir, is that other confinement to which we are subject, which is even more confining and considered more confining than the former one.”
“Therefore, chamberlains, the household life is confinement, a path of dust. The going forth is like the open air. It is enough for you, chamberlains, to be diligent. The noble disciple, chamberlains, who possesses four things is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.
“What four? Here, chamberlains, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He dwells at home with a mind devoid of the stain of stinginess, freely generous, open-handed, delighting in relinquishment, one devoted to charity, delighting in giving and sharing. 327 A noble disciple who possesses these four things [352] is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.
“Chamberlains, you possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… Moreover, whatever there is in your family that is suitable for giving, all that you share unreservedly among those who are virtuous and of good character. What do you think, carpenters, how many people are there among the Kosalans who are your equals, that is, in regard to giving and sharing?”
“It is a gain for us, venerable sir, it is well gained by us, venerable sir, that the Blessed One understands us so well.”
(7) The People of Bamboo Gate
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was walking on tour among the Kosalans together with a great Sarigha of bhikkhus when he reached the brahmin village of the Kosalans named Bamboo Gate. Then the brahmin householders of Bamboo Gate heard: “It is said, sirs, that the ascetic Gotama, the son of the Sakyans who went forth from a Sakyan family, has been walking on tour among the Kosalans together with a great Sarigha of bhikkhus and has arrived at Bamboo Gate. Now a good report concerning that Master Gotama has spread about thus: ‘That Blessed One is an arahant, perfectly enlightened, accomplished in true knowledge and conduct, fortunate, knower of the world, unsurpassed leader of persons to be tamed, teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One. Having realized by his own direct knowledge this world with its devas, Māra, and Brahmā, this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans, he makes it known to others. He teaches a Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, good in the end, with the right meaning and phrasing; he reveals a holy life that is perfectly complete and pure.’ It is good to see such arahants.” [353]
Then those brahmin householders of Bamboo Gate approached the Blessed One. Having approached, some paid homage to the Blessed One and sat down to one side. Some greeted the Blessed One and, having exchanged greetings and cordial talk, sat down to one side. Some extended
their joined hands in reverential salutation towards the Blessed One and sat down to one side. Some announced their name and clan to the Blessed One and sat down to one side. Some remained silent and sat down to one side. Sitting to one side, those brahmin householders of Bamboo Gate said to the Blessed One:
“Master Gotama, we have such wishes, desires, and hopes as these: ‘May we dwell in a home crowded with children! May we enjoy Kāsian sandalwood! May we wear garlands, scents, and unguents! May we receive gold and silver! With the breakup of the body, after death, may we be reborn in a good destination, in a heavenly world!’ As we have such wishes, desires, and hopes, let Master Gotama teach us the Dhamma in such a way that we might dwell in a home crowded with children … and with the breakup of the body, after death, we might be reborn in a good destination, in a heavenly world.”
“I will teach you, householders, a Dhamma exposition applicable to oneself.328 Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, sir,” those brahmin householders of Bamboo Gate replied. The Blessed One said this:
“What, householders, is the Dhamma exposition applicable to oneself? Here, householders, a noble disciple reflects thus: ‘I am one who wishes to live, who does not wish to die; I desire happiness and am averse to suffering. Since I am one who wishes to live … and am averse to suffering, if someone were to take my life, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to take the life of another—of one who wishes to live, who does not wish to die, who desires happiness and is averse to suffering
—that would not be pleasing and agreeable to the other either. What is displeasing and disagreeable to me [354] is displeasing and disagreeable to the other too. How can I inflict upon another what is displeasing and disagreeable to me?’ Having reflected thus, he himself abstains from the destruction of life, exhorts others to abstain from the destruction of life, and speaks in praise of abstinence from the destruction of life. Thus this bodily conduct of his is purified in three respects.329
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to take from me what I have not given, that is, to commit theft, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to take from another what he has not given, that is, to commit theft, that would not be pleasing and agreeable to the other either. What is displeasing and disagreeable to me is displeasing and disagreeable to the other too. How can I inflict upon another what is displeasing and disagreeable to me?’ Having reflected thus, he himself abstains from taking what is not given, exhorts others to abstain from taking what is not given, and speaks in praise of abstinence from taking what is not given. Thus this bodily conduct of his is purified in three respects.
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to commit adultery with my wives, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to commit adultery with the wives of another, that would not be pleasing and agreeable to the other either. What is displeasing and disagreeable to me is displeasing and disagreeable to the other too. How can I inflict upon another what is displeasing and disagreeable to me?’ Having reflected thus, he himself abstains from sexual misconduct, exhorts others to abstain from sexual misconduct, and speaks in praise of abstinence from sexual misconduct. Thus this bodily conduct of his is purified in three respects.
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to damage my welfare with false speech, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to damage the welfare of another with false speech, that would not be pleasing and agreeable to the other either. [355] What is displeasing and disagreeable to me is displeasing and disagreeable to the other too. How can I inflict upon another what is displeasing and disagreeable to me?’ Having reflected thus, he himself abstains from false speech, exhorts others to abstain from false speech, and speaks in praise of abstinence from false speech. Thus this verbal conduct of his is purified in three respects.
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to divide me from my friends by divisive speech, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to divide another from his friends by
divisive speech, that would not be pleasing and agreeable to the other either.
…’ Thus this verbal conduct of his is purified in three respects.
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to address me with harsh speech, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to address another with harsh speech, that would not be pleasing and agreeable to the other either.…’ Thus this verbal conduct of his is purified in three respects.
“Again, householders, a noble disciple reflects thus: ‘If someone were to address me with frivolous speech and idle chatter, that would not be pleasing and agreeable to me. Now if I were to address another with frivolous speech and idle chatter, that would not be pleasing and agreeable to the other either. What is displeasing and disagreeable to me is displeasing and disagreeable to the other too. How can I inflict upon another what is displeasing and disagreeable to me?’ Having reflected thus, he himself abstains from idle chatter, exhorts others to abstain from idle chatter, and speaks in praise of abstinence from idle chatter. Thus this verbal conduct of his is purified in three respects.
“He possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ [356] He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“When, householders, the noble disciple possesses these seven good qualities and these four desirable states, if he wishes he could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell, finished with the animal realm, finished with the domain of ghosts, finished with the plane of misery, the bad destinations, the nether world. I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’”
When this was said, the brahmin householders of Bamboo Gate said: “Magnificent, Master Gotama!… We go for refuge to Master Gotama, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. From today let the Blessed One remember us as lay followers who have gone for refuge for life.”
(8) The Brick Hall (1)
Thus have I heard.330 On one occasion the Blessed One was dwelling at Ñātika in the Brick Hall. Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, the bhikkhu named Sāḷha has died. What is his destination, what is his future bourn? The bhikkhunī named Nandā has died. What is her destination, what is her future bourn? The male lay follower named Sudatta has died. What is his destination, what is his future bourn? The female lay follower named Sujātā has died. What is her destination, what is her future bourn?”
“Ānanda, the bhikkhu Sāḷha who has died, by the destruction of the taints, in this very life had entered and dwelt in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge. The bhikkhunī Nandā who has died had, with the utter destruction of the five lower fetters, [357] become one of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world. The male lay follower Sudatta who has died had, with the utter destruction of three fetters and with the diminishing of greed, hatred, and delusion, become a once-returner who, after coming back to this world only one more time, will make an end to suffering.331 The female lay follower Sujātā who has died had, with the utter destruction of three fetters, become a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as her destination.
“It is not surprising, Ānanda, that a human being should die. But if each time someone has died you approach and question me about this matter, that would be troublesome for the Tathāgata. Therefore, Ānanda, I will teach you a Dhamma exposition called the mirror of the Dhamma, equipped with which a noble disciple, if he wishes, could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell, finished with the animal realm, finished with the domain of ghosts, finished with the plane of misery, the bad destinations, the nether world. I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’
“And what, Ānanda, is that Dhamma exposition, the mirror of the Dhamma, equipped with which a noble disciple, if he wishes, could by himself declare thus of himself? Here, Ānanda, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“This, Ānanda, is that Dhamma exposition, the mirror of the Dhamma, equipped with which a noble disciple, if he wishes, could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell.… I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’” [358]
(9) The Brick Hall (2)
Sitting to one side, the Venerable Ānanda said to the Blessed One: “Venerable sir, the bhikkhu named Asoka has died. What is his
destination, what is his future bourn? The bhikkhunī named Asokā has died. What is her destination, what is her future bourn? The male lay follower named Asoka has died. What is his destination, what is his future bourn? The female lay follower named Asokā has died. What is her destination, what is her future bourn?”
“Ānanda, the bhikkhu Asoka who has died, by the destruction of the taints, in this very life had entered and dwelt in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge.
… (all the rest as in the preceding sutta) …
“This, Ānanda, is that Dhamma exposition, the mirror of the Dhamma, equipped with which a noble disciple, if he wishes, could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell.… I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’”
(10) The Brick Hall (3)
Sitting to one side, the Venerable Ānanda said to the Blessed One: “Venerable sir, the male lay follower named Kakkaṭa has died in Ñātika.
What is his destination, what is his future bourn? The male lay follower named Kāḷiriga … Nikata … Kaṭissaha … Tuṭṭha … Santuṭṭha … Bhadda
… Subhadda has died in Ñātika. What is his destination, what is his future bourn?”
“Ānanda, the male lay follower Kakkaṭa who has died had, with the utter destruction of the five lower fetters, become one of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world. So too the male lay followers Kāḷiriga, [359] Nikata, Kaṭissaha, Tuṭṭha, Santuṭṭha, Bhadda, and Subhadda.
“The more than fifty male lay followers who have died in Ñātika had, with the utter destruction of the five lower fetters, become of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world. The male lay followers exceeding ninety who have died in Ñātika had, with the utter destruction of three fetters and with the diminishing of greed, hatred, and delusion, become once-returners who, after coming back to this world only one more time, will make an end to suffering. The five hundred and six male lay followers who have died in Ñātika had, with the utter destruction of three fetters, become stream-enterers, no more bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination. 332
“It is not surprising, Ānanda, that a human being should die. But if each time someone has died you approach and question me about this matter, that would be troublesome for the Tathāgata. Therefore, Ānanda, I will teach you a Dhamma exposition called the mirror of the Dhamma.…
“And what, Ānanda, is that Dhamma exposition, the mirror of the Dhamma…?” [360]
(The remainder of the sutta as in §8.)
THE THOUSANDFOLD, OR ROYAL PARK
(1) The Thousand
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in the Royal Park. Then a Sarigha of a thousand bhikkhunīs approached the Blessed One, paid homage to him, and stood to one side. The Blessed One said to those bhikkhunīs:
“Bhikkhunīs, a noble disciple who possesses four things is a stream- enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. What four? Here, bhikkhunīs, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ [361] He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“A noble disciple, bhikkhunīs, who possesses these four things is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.”
(2) The Brahmins
At Sāvatthī. “Bhikkhus, the brahmins proclaim a way called ‘going upwards.’ They enjoin a disciple thus: ‘Come, good man, get up early and walk facing east. Do not avoid a pit, or a precipice, or a stump, or a thorny place, or a village pool, or a cesspool. You should expect death333 wherever you fall. Thus, good man, with the breakup of the body, after death, you will be reborn in a good destination, in a heavenly world.’
“Now this practice of the brahmins, bhikkhus, is a foolish course, a stupid course; it does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. But I, bhikkhus, proclaim the way going upwards in the Noble One’s Discipline, the way
which leads to utter revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“And what, bhikkhus, is that way going upwards, which leads to utter revulsion … to Nibbāna. [362] Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“This, bhikkhus, is that way going upwards, which leads to utter revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.”
(3) Ananda
On one occasion the Venerable Ānanda and the Venerable Sāriputta were dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, in the evening, the Venerable Sāriputta emerged from seclusion, approached the Venerable Ānanda, and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Venerable Ānanda:
“Friend Ānanda, by the abandoning of how many things and because of possessing how many things are people declared by the Blessed One thus: ‘This one is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination’?”
“It is, friend, by the abandoning of four things and because of possessing four things that people are declared thus by the Blessed One. What four?
“One does not have, friend, that distrust regarding the Buddha which the uninstructed worldling possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell. [363] And one has that confirmed confidence in the Buddha which the instructed noble disciple possesses,
because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in a good destination, in a heavenly world: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’
“One does not have, friend, that distrust regarding the Dhamma which the uninstructed worldling possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell. And one has that confirmed confidence in the Dhamma which the instructed noble disciple possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in a good destination, in a heavenly world: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One … to be personally experienced by the wise.’
“One does not have, friend, that distrust regarding the Sarigha which the uninstructed worldling possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell. And one has that confirmed confidence in the Sarigha which the instructed noble disciple possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in a good destination, in a heavenly world: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way … the unsurpassed field of merit for the world.’
“One does not have, friend, that immorality which the uninstructed worldling possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell. And one has those virtues dear to the noble ones which the instructed noble disciple possesses, because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in a good destination, in a heavenly world: virtues dear to the noble ones … leading to concentration. [364]
“It is, friend, by the abandoning of these four things and because of possessing these four things that people are declared by the Blessed One thus: ‘This one is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.’”
(4) Bad Destination (1)
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things has transcended all fear of a bad destination. What four? Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. A noble disciple who possesses these four things has transcended all fear of a bad destination.”
(5) Bad Destination (2)
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things has transcended all fear of a bad destination, of the nether world. What four?”
(Complete as in the preceding sutta.)
(6) Friends and Colleagues (1)
“Bhikkhus, those for whom you have compassion and who think you should be heeded—whether friends or colleagues, relatives or kinsmen— these you334 should exhort, settle, and establish in the four factors of stream-entry.
“What four? [365] You should exhort, settle, and establish them in confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ You should exhort, settle, and establish them in confirmed confidence in the Dhamma
… in the Sarigha … in the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“Those for whom you have compassion … these you should exhort, settle, and establish in these four factors of stream-entry.”
(7) Friends and Colleagues (2)
“Bhikkhus, those for whom you have compassion and who think you should be heeded—whether friends or colleagues, relatives or kinsmen— these you should exhort, settle, and establish in the four factors of stream- entry.
“What four? You should exhort, settle, and establish them in confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’…
“Bhikkhus, there may be alteration in the four great elements—in the earth element, the water element, the heat element, the air element—but there cannot be alteration in the noble disciple who possesses confirmed confidence in the Buddha. Therein this is alteration: that the noble disciple who possesses confirmed confidence in the Buddha might be reborn in hell, in the animal realm, or in the domain of ghosts. This is impossible.
“You should exhort, settle, and establish them in confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha … in the virtues dear to the noble ones … leading to concentration.
“Bhikkhus, there may be alteration in the four great elements … but there cannot be [366] alteration in the noble disciple who possesses the virtues dear to the noble ones. Therein this is alteration: that the noble disciple who possesses the virtues dear to the noble ones might be reborn in hell, in the animal realm, or in the domain of ghosts. This is impossible.
“Those for whom you have compassion … these you should exhort, settle, and establish in these four factors of stream-entry.”
(8) Visiting the Devas (1)
At Sāvatthī.335 Then, just as quickly as a strong man might extend his drawn-in arm or draw in his extended arm, the Venerable Mahāmoggallāna disappeared from Jeta’s Grove and reappeared among the Tāvatiṃsa devas. Then a number of devatās belonging to the Tāvatiṃsa host approached the
Venerable Mahāmoggallāna, paid homage to him, and stood to one side. The Venerable Mahāmoggallāna then said to those devatās:
“It is good, friends, to possess confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ Because of possessing confirmed confidence in the Buddha, some beings here, with the breakup of the body, after death, are reborn in a good destination, in a heavenly world.
“It is good, friends, to possess confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha … to possess the virtues dear to the noble ones … leading to concentration. [367] Because of possessing the virtues dear to the noble ones, some beings here, with the breakup of the body, after death, are reborn in a good destination, in a heavenly world.”
“It is good, sir Moggallāna, to possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha … to possess the virtues dear to the nobles ones … leading to concentration. Because of possessing the virtues dear to the noble ones, some beings here, with the breakup of the body, after death, are reborn in a good destination, in a heavenly world.”
(9) Visiting the Devas (2)
(This sutta is identical with the preceding one, except that wherever §18 reads “are reborn in a good destination,” the present sutta reads “have been reborn in a good destination.”)
(10) Visiting the Devas (3)
Then, just as quickly as a strong man might extend his drawn-in arm or draw in his extended arm, the Blessed One disappeared from Jeta’s Grove and reappeared among the Tāvatiṃsa devas. Then a number of devatās belonging to the Tāvatiṃsa host approached the Blessed One, paid homage to him, [368] and stood to one side. The Blessed One then said to those devatās:
“It is good, friends, to possess confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ Because of possessing confirmed confidence in the Buddha, some beings here are stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination.
“It is good, friends, to possess confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha … to possess the virtues dear to the noble ones … leading to concentration. Because of possessing the virtues dear to the noble ones, some beings here are stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination.”
“It is good, dear sir, to possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha … to possess the virtues dear to the nobles ones … leading to concentration. Because of possessing the virtues dear to the noble ones, some beings here are stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination.”
[369] III. SARAKANI
(1) Mahānāma (1)
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Then Mahānāma the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, this Kapilavatthu is rich and prosperous, populous, crowded, with congested thoroughfares.336 In the evening, when I am entering Kapilavatthu after visiting the Blessed One or the bhikkhus worthy of esteem, I come across a stray elephant, a stray horse, a stray chariot, a stray cart, a stray man.337 On that occasion, venerable sir, my mindfulness regarding the Blessed One becomes muddled, my mindfulness regarding the Dhamma becomes muddled, my mindfulness regarding the Sarigha becomes muddled. The thought then occurs to me: ‘If at this moment I
should die, what would be my destination, what would be my future bourn?’”
“Don’t be afraid, Mahānāma! Don’t be afraid, Mahānāma! Your death will not be a bad one, your demise will not be a bad one.338 When a person’s mind has been fortified over a long time by faith, virtue, learning, generosity, and wisdom, right here crows, vultures, hawks, dogs, jackals, or various creatures eat his body, consisting of form, composed of the four great elements, [370] originating from mother and father, built up out of rice and gruel, subject to impermanence, to being worn and rubbed away away, to breaking apart and dispersal. But his mind, which has been fortified over a long time by faith, virtue, learning, generosity, and wisdom
—that goes upwards, goes to distinction.339
“Suppose, Mahānāma, a man submerges a pot of ghee or a pot of oil in a deep pool of water and breaks it. All of its shards and fragments would sink downwards, but the ghee or oil there would rise upwards. So too, Mahānāma, when a person’s mind has been fortified over a long time by faith, virtue, learning, generosity, and wisdom, right here crows … or various creatures eat his body.… But his mind, which has been fortified over a long time by faith, virtue, learning, generosity, and wisdom—that goes upwards, goes to distinction. [371]
“Don’t be afraid, Mahānāma! Don’t be afraid, Mahānāma! Your death will not be a bad one, your demise will not be a bad one.”
(2) Mahānāma (2)
(As above down to:)
“Don’t be afraid, Mahānāma! Don’t be afraid, Mahānāma! Your death will not be a bad one, your demise will not be a bad one. A noble disciple who possesses four things slants, slopes, and inclines towards Nibbāna. What four? Here, Mahānāma, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… He
possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“Suppose, Mahānāma, a tree was slanting, sloping, and inclining towards the east. If it was cut down at its foot, in what direction would it fall?”
“In whatever direction it was slanting, sloping, and inclining, venerable sir.”
“So too, Mahānāma, a noble disciple who possesses these four things slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
(3) Godhā
At Kapilavatthu. Then Mahānāma the Sakyan approached Godhā the Sakyan and said to him: [372] “How many things, Godhā, must an individual possess for you to recognize him as a stream-enterer, one no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination?”
“When an individual possesses three things, Mahānāma, I recognize him as a stream-enterer, one no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. What three? Here, Mahānāma, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha
… in the Dhamma … in the Sarigha…. When an individual possesses these three things, I recognize him as a stream-enterer … with enlightenment as his destination. But, Mahānāma, how many things must an individual possess for you to recognize him as a stream-enterer … with enlightenment as his destination?”
“When an individual possesses four things, Godhā, I recognize him as a stream-enterer … with enlightenment as his destination. What four? Here, Godhā, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. When an individual possesses these four things, I recognize him as a stream-enterer … with enlightenment as his destination.”
“Wait, Mahānāma! Wait, Mahānāma! The Blessed One alone would know whether or not he possesses these things.”
“Come, Godhā, we should approach the Blessed One. Having approached, we will report this matter to him.” [373]
Then Mahānāma the Sakyan and Godhā the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. Mahānāma the Sakyan then reported their conversation, [continuing thus]: [374]
“Here, venerable sir, some issue concerning the Dhamma may arise. The Blessed One might take one side and the Bhikkhu Sarigha might take the other side. Whatever side the Blessed One would take, I would take that same side. Let the Blessed One remember me as one who has such confidence.340
“Here, venerable sir, some issue concerning the Dhamma may arise. The Blessed One might take one side, and the Bhikkhu Sarigha and the Bhikkhunī Sarigha might take the other side.… The Blessed One might take one side, and the Bhikkhu Sarigha, the Bhikkhunī Sarigha, and the male lay followers might take the other side.… The Blessed One might take one side, and the Bhikkhu Sarigha, the Bhikkhunī Sarigha, the male lay followers, and the female lay followers might take the other side. Whatever side the Blessed One would take, I would take that same side. Let the Blessed One remember me as one who has such confidence.
“Here, venerable sir, some issue concerning the Dhamma may arise. The Blessed One might take one side, and the Bhikkhu Sarigha, the Bhikkhunī Sarigha, the male lay followers, the female lay followers, and the world with its devas, Māra, and Brahmā, this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans, might take the other side. Whatever side the Blessed One would take, I would take that same side. Let the Blessed One remember me as one who has such confidence.”
[The Blessed One said:] “When he speaks like that,341 Godhā, what would you say about Mahānāma the Sakyan?”
“When he speaks in such a way, venerable sir, I would not say anything about Mahānāma the Sakyan except what is good and favourable.”342
[375]
(4) Sarakāni (1)
At Kapilavatthu. Now on that occasion Sarakāni343 the Sakyan had died, and the Blessed One had declared him to be a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. Thereupon a number of Sakyans, having met and assembled, deplored this, grumbled, and complained about it, saying: “It is wonderful indeed, sir! It is amazing indeed, sir! Now who here won’t be a stream- enterer when the Blessed One has declared Sarakāni the Sakyan after he died to be a stream-enterer … with enlightenment as his destination? Sarakāni the Sakyan was too weak for the training; he drank intoxicating drink!”344
Then Mahānāma the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported this matter to him. [The Blessed One said:]
“Mahānāma, when a lay follower has gone for refuge over a long time to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, how could he go to the nether world? For if one speaking rightly were to say of anyone: ‘He was a lay follower who had gone for refuge over a long time to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha,’ it is of Sarakāni the Sakyan that one could rightly say this. [376] Mahānāma, Sarakāni the Sakyan had gone for refuge over a long time to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, so how could he go to the nether world?
“Here, Mahānāma, some person possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ And so in the Dhamma and the Sarigha. He is one of joyous wisdom, of swift wisdom, and he has attained liberation. By the destruction of the taints, in this very life he enters and dwells in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge. This person, Mahānāma, is freed from
hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.345
“Here, Mahānāma, some person possesses confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. He is one of joyous wisdom, of swift wisdom, yet he has not attained liberation. With the utter destruction of the five lower fetters he has become one of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world. This person too, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person possesses confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. With the utter destruction of three fetters and with the diminishing of greed, hatred, and delusion, he is a once-returner who, after coming back to this world only one more time, will make an end to suffering. This person too, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world. [377]
“Here, Mahānāma, some person possesses confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. With the utter destruction of three fetters he is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. This person too, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person does not possess confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. However, he has these five things: the faculty of faith, the faculty of energy, the faculty of mindfulness, the faculty of concentration, the faculty of wisdom. And the teachings proclaimed by the Tathāgata are accepted by him after being pondered to a sufficient degree with wisdom. This person too,
Mahānāma, is one who does not go to hell, the animal realm, or the domain of ghosts, to the plane of misery, the bad destinations, the nether world .346
“Here, Mahānāma, some person does not possess confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. However, he has these five things: the faculty of faith … the faculty of wisdom. And he has sufficient faith in the Tathāgata, sufficient devotion to him. This person too, Mahānāma, is one who does not go to hell, the animal realm, or the domain of ghosts, to the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Even if these great sal trees, Mahānāma, could understand what is well spoken and what is badly spoken, then I would declare these great sal trees to be stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination. How much more, then, Sarakāni the Sakyan? Mahānāma, Sarakāni the Sakyan undertook the training at the time of his death.”347 [378]
(5) Sarakāni (2)
At Kapilavatthu. Now on that occasion Sarakāni the Sakyan had died, and the Blessed One had declared him to be a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. Thereupon a number of Sakyans, having met and assembled, deplored this, grumbled, and complained about it, saying: “It is wonderful indeed, sir! It is amazing indeed, sir! Now who here won’t be a stream-enterer when the Blessed One has declared Sarakāni the Sakyan after he died to be a stream- enterer … with enlightenment as his destination? Sarakāni the Sakyan was one who had failed to fulfil the training!”348
Then Mahānāma the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported this matter to him. [The Blessed One said:]
“Mahānāma, when, over a long time, a lay follower has gone for refuge to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, how could he go to the nether world?… Mahānāma, over a long time Sarakāni the Sakyan had gone for refuge to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, so how could he go to the nether world?
“Here, Mahānāma, some person is completely dedicated to the Buddha and has full confidence in him thus:349 ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is one of joyous wisdom, of swift wisdom, and he has attained liberation. By the destruction of the taints, in this very life he enters and dwells in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge. This person, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person is completely dedicated to the Buddha and has full confidence in him…. And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is one of joyous wisdom, of swift wisdom, yet he has not attained liberation. With the utter destruction of the five lower fetters he has become one who attains final knowledge early in this very life, or one who attains final knowledge at the time of death, or an attainer of Nibbāna in the interval, or an attainer of Nibbāna upon landing, or an attainer of Nibbāna without exertion, or an attainer of Nibbāna with exertion, or one bound upstream, heading towards the Akaniṭṭha realm.350 This person too, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person is completely dedicated to the Buddha and has full confidence in him…. And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. With the utter destruction of three fetters and with the diminishing of greed, hatred, and delusion, he is a once-returner who, after coming back to this world only one more time, will make an end to suffering. This person too, Mahānāma, [379] is freed from hell, the animal
realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person is completely dedicated to the Buddha and has full confidence in him…. And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. With the utter destruction of three fetters he is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. This person too, Mahānāma, is freed from hell, the animal realm, and the domain of ghosts, freed from the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person is not completely dedicated to the Buddha and does not have full confidence in him thus: ‘The Blessed One is
… teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. However, he has these five things: the faculty of faith … the faculty of wisdom. And the teachings proclaimed by the Tathāgata are accepted by him after being pondered to a sufficient degree with wisdom. This person too, Mahānāma, is one who does not go to hell, the animal realm, or the domain of ghosts, to the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Here, Mahānāma, some person is not completely dedicated to the Buddha and does not have full confidence in him…. And so in regard to the Dhamma and the Sarigha. He is not one of joyous wisdom, nor of swift wisdom, and he has not attained liberation. However, he has these five things: the faculty of faith … the faculty of wisdom. And he has sufficient faith in the Tathāgata, sufficient devotion to him. This person too, Mahānāma, is one who does not go to hell, the animal realm, or the domain of ghosts, to the plane of misery, the bad destinations, the nether world.
“Suppose, Mahānāma, there is a bad field, a bad piece of ground, with stumps not cleared, and the seeds sown there would be broken, spoilt, damaged by wind and sun, unfertile, not planted securely, and the sky would not send down a proper rainfall. Would those seeds come to growth, increase, and expansion?”
“No, venerable sir.”
“So too, Mahānāma, here a Dhamma is badly expounded, badly proclaimed, unemancipating, not conducive to peace, proclaimed by one who is not perfectly enlightened. This, I say, is like the bad field. [380] And the disciple dwells in that Dhamma practising in accordance with it, practising it properly, conducting himself accordingly. This, I say, is like the bad seed.
“Suppose, Mahānāma, there is a good field, a good piece of ground, well cleared of stumps, and the seeds sown there would be unbroken, unspoilt, undamaged by wind and sun, fertile, planted securely, and the sky would send down a proper rainfall. Would those seeds come to growth, increase, and expansion?”
“Yes, venerable sir.”
“So too, Mahānāma, here a Dhamma is well expounded, well proclaimed, emancipating, conducive to peace, proclaimed by one who is perfectly enlightened. This, I say, is like the good field. And the disciple dwells in that Dhamma practising in accordance with it, practising it properly, conducting himself accordingly. This, I say, is like the good seed. How much more, then, Sarakāni the Sakyan? Mahānāma, Sarakāni the Sakyan was one who fulfilled the training at the time of death.”
(6) Anāthapiṇḍika (1)
At Sāvatthī. Now on that occasion the householder Anāthapiṇḍika was sick, afflicted, gravely ill. Then the householder Anāthapiṇḍika addressed a man thus:
“Come, good man, approach the Venerable Sāriputta, pay homage to him in my name with your head at his feet, and say: ‘Venerable sir, the householder Anāthapiṇḍika is sick, afflicted, gravely ill; he pays homage to the Venerable Sāriputta with his head at his feet.’ Then say: ‘It would be
good, venerable sir, if the Venerable Sāriputta would come to the residence of the householder Anāthapiṇḍika out of compassion.’” [381]
“Yes, master,” that man replied, and he approached the Venerable Sāriputta, paid homage to him, sat down to one side, and delivered his message. The Venerable Sāriputta consented by silence.
Then, in the morning, the Venerable Sāriputta dressed and, taking bowl and robe, went to the residence of the householder Anāthapiṇḍika with the Venerable Ānanda as his companion. He then sat down in the appointed seat and said to the householder Anāthapiṇḍika: “I hope you are bearing up, householder, I hope you are getting better. I hope your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“I am not bearing up, venerable sir, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
“You, householder, do not have that distrust towards the Buddha which the uninstructed worldling possesses because of which the latter, with the breakup of the body, after death, is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell. And you have confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ As you consider within yourself that confirmed confidence in the Buddha, your pains may subside on the spot.
“You, householder, do not have that distrust towards the Dhamma which the uninstructed worldling possesses because of which the latter [382] … is reborn in the plane of misery … in hell. And you have confirmed confidence in the Dhamma thus: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One … to be personally experienced by the wise.’ As you consider within yourself that confirmed confidence in the Dhamma, your pains may subside on the spot.
“You, householder, do not have that distrust towards the Sarigha which the uninstructed worldling possesses because of which the latter … is reborn in the plane of misery … in hell. And you have confirmed
confidence in the Sarigha thus: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way … the unsurpassed field of merit for the world.’ As you consider within yourself that confirmed confidence in the Sarigha, your pains may subside on the spot.
“You, householder, do not have that immorality which the uninstructed worldling possesses because of which the latter … is reborn in the plane of misery … in hell. And you have those virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. As you consider within yourself those virtues dear to the noble ones, your pains may subside on the spot.
“You, householder, do not have that wrong view which the uninstructed worldling possesses because of which the latter … is reborn in the plane of misery … in hell. And you have right view. As you consider within yourself that right view, your pains may subside on the spot.
“You, householder, do not have that wrong intention … [383] … wrong speech … wrong action … wrong livelihood … wrong effort … wrong mindfulness … wrong concentration … wrong knowledge … wrong liberation which the uninstructed worldling possesses because of which the latter … is reborn in the plane of misery … in hell. And you have right intention … right speech … right action … right livelihood … right effort
… right mindfulness … right concentration … [384] … right knowledge … right liberation. 351 As you consider within yourself that right liberation, your pains may subside on the spot.”
Then the pains of the householder Anāthapiṇḍika subsided on the spot.
Then the householder Anāthapiṇḍika served the Venerable Sāriputta and the Venerable Ānanda from his own dish. When the Venerable Sāriputta had finished his meal and had put away his bowl, the householder Anāthapiṇḍika took a low seat and sat down to one side, and the Venerable Sāriputta thanked him with these verses:
“When one has faith in the Tathāgata, Unshakable and well established, And good conduct built on virtue, Dear to the noble ones and praised;
“When one has confidence in the Sarigha And view that has been rectified,
They say that one is not poor, That one’s life is not vain.
“Therefore the person of intelligence, Remembering the Buddha’s Teaching, Should be devoted to faith and virtue,
To confidence and vision of the Dhamma.”
Then the Venerable Sāriputta, having thanked the householder Anāthapiṇḍika with these verses, rose from his seat and departed. [385]
Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Now, Ānanda, where are you coming from in the middle of the day?”
“The householder Anāthapiṇḍika, venerable sir, has been exhorted by the Venerable Sāriputta with such and such an exhortation.”
“Sāriputta is wise, Ānanda, Sāriputta has great wisdom, in so far as he can analyse the four factors of stream-entry in ten modes.”
(7) Anāthapiṇḍika (2)
(The opening of this sutta as in the preceding one, except that Anāthapiṇḍika calls for Ananda, down to:)
“I am not bearing up, venerable sir, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.” [386]
“Householder, for the uninstructed worldling who possesses four things there is fright, there is trepidation, there is fear of imminent death.352 What four?
“Here, householder, the uninstructed worldling has distrust towards the Buddha, and when he considers within himself that distrust towards the Buddha, there is fright, trepidation, and fear of imminent death.
“Again, householder, the uninstructed worldling has distrust towards the Dhamma, and when he considers within himself that distrust towards the Dhamma, there is fright, trepidation, and fear of imminent death.
“Again, householder, the uninstructed worldling has distrust towards the Sarigha, and when he considers within himself that distrust towards the Sarigha, there is fright, trepidation, and fear of imminent death.
“Again, householder, the uninstructed worldling is immoral, and when he considers within himself that immorality, there is fright, trepidation, and fear of imminent death.
“For the uninstructed worldling who possesses these four things there is fright, trepidation, and fear of imminent death.
“Householder, for the instructed noble disciple who possesses four things there is no fright, no trepidation, no fear of imminent death. What four?
“Here, householder, the instructed noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ When he considers within himself that confirmed confidence in the Buddha, there is no fright, trepidation, or fear of imminent death.
“Again, householder, the instructed noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma thus: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One … to be personally experienced by the wise.’ When he considers within himself that confirmed confidence in the Dhamma, there is no fright, trepidation, or fear of imminent death.
“Again, householder, the instructed noble disciple possesses confirmed confidence in the Sarigha thus: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way … the unsurpassed field of merit for the world.’ When he considers within himself that confirmed confidence in the Sarigha, there is no fright, trepidation, or fear of imminent death.
“Again, householder, the instructed noble disciple possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. When he considers within himself those virtues dear to the noble ones, [387] there is no fright, trepidation, or fear of imminent death.
“For the instructed noble disciple who possesses these four things there is no fright, trepidation, or fear of imminent death.”
“I am not afraid, Venerable Ānanda. Why should I be afraid? For, venerable sir, I possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha. And as to these training rules for the laity taught by the Blessed One, I do not see within myself any that has been broken.”
“It is a gain for you, householder! It is well gained by you, householder!
You have declared, householder, the fruit of stream-entry.”
(8) Fearful Animosities (1) [or Anāthapiṇḍika (3)]
(This sutta is identical with 12:41.) [388-89]
(9) Fearful Animosities (2)
At Sāvatthī. Then a number of bhikkhus approached the Blessed One … and sat down to one side. The Blessed One then said to them as they were sitting to one side:
(All as in the preceding sutta; identical with 12:42.)
(10) The Licchavi
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof. Then Nandaka, the minister of the Licchavis, approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him:
“Nandaka, a noble disciple who possesses four things is a stream-enterer,
no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. What four? Here, Nandaka, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.
… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. A noble disciple who possesses these four things is a stream- enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination.
“Further, Nandaka, a noble disciple who possesses these four things becomes endowed with a long life span, whether celestial or human; he becomes endowed with beauty, whether celestial or human; he becomes endowed with happiness, whether celestial or human; he becomes endowed with fame, whether celestial or human; he becomes endowed with sovereignty, whether celestial or human. Now I say this, Nandaka, without having heard it from another ascetic or brahmin; rather, I say just what I have known, seen, and understood by myself.”
When this was said, a man said to Nandaka, the minister of the Licchavis: “It is time for your bath, sir.”
“Enough now, I say, with that external bath. This internal bath will suffice, namely, confidence in the Blessed One.”
IV. STREAMS OF MERIT
(1) Streams of Merit (1)
At Sāvatthī. “Bhikkhus, there are these four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness. What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the
Enlightened One, the Blessed One.’ This is the first stream of merit, stream of the wholesome, nutriment of happiness.
“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma thus: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One … to be personally experienced by the wise.’ This is the second stream of merit.

“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Sarigha thus: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way … the unsurpassed field of merit for the world.’ This is the third stream of merit.…
“Again, householder, the instructed noble disciple possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. This is the fourth stream of merit.…
“These are the four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness.”
(2) Streams of Merit (2)
“Bhikkhus, there are these four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness. What four?
(As above for the first three, the fourth as follows:) [392]
“Again, bhikkhus, a noble disciple dwells at home with a mind devoid of the stain of stinginess, freely generous, open-handed, delighting in relinquishment, one devoted to charity, delighting in giving and sharing. This is the fourth stream of merit.
“These are the four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness.”
(3) Streams of Merit (3)
“Bhikkhus, there are these four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness. What four?
(As in §31, with the fourth as follows:)
“Again, bhikkhus, a noble disciple is wise, he possesses wisdom directed to arising and passing away, which is noble and penetrative, leading to the complete destruction of suffering. This is the fourth stream of merit.…
“These are the four streams of merit, streams of the wholesome, nutriments of happiness.”
(4) Divine Tracks (1)
At Sāvatthī. “Bhikkhus, there are these four divine tracks of the devas for the purification of beings who have not been purified, for the cleansing of beings who have not been cleansed.353 What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ This is the first divine track of the devas.… [393]
“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. This is the fourth divine track of the devas.…
“These are the four divine tracks of the devas, for the purification of beings who have not been purified, for the cleansing of beings who have not been cleansed.”
(5) Divine Tracks (2)
“Bhikkhus, there are these four divine tracks of the devas for the purification of beings who have not been purified, for the cleansing of beings who have not been cleansed. What four?354
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus … He reflects thus: ‘What now is the divine track of the devas?’ He understands thus: ‘I have heard that at present the devas hold nonoppression as supreme, and I do not oppress anyone, frail or firm. Surely I dwell possessing one of the divine tracks.’ This is the first divine track of the devas.…
“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.…
“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. He reflects thus: ‘What now is the divine track of the devas?’ He understands thus: ‘I have heard that at present the devas hold nonoppression as supreme, and I do not oppress anyone, frail or firm. Surely I dwell possessing one of the divine tracks.’
This [394] is the fourth divine track of the devas.…
“These are the four divine tracks of the devas for the purification of beings who have not been purified, for the cleansing of beings who have not been cleansed.”
(6) Similar to the Devas
“Bhikkhus, when a noble disciple possesses four things, the devas are elated and speak of his similarity [to themselves].355 What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ To those devatās who passed away here [in the human world] and were reborn there [in a heavenly world] possessing confirmed confidence in the Buddha, the thought occurs: ‘As the noble disciple possesses the same confirmed confidence in the Buddha that we possessed when we passed away there and were reborn here, he will come356 into the presence of the devas.’
“Again, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble
ones, unbroken … conducive to concentration. To those devatās who passed away here [in the human world] and were reborn there [in a heavenly world] possessing the virtues dear to the noble ones, the thought occurs: ‘As the noble disciple possesses the same kind of virtues dear to the noble ones that we possessed when we passed away there and were reborn here, he will come into the presence of the devas.’
“When, bhikkhus, a noble disciple possesses these four things, the devas are elated and speak of his similarity [to themselves].” [395]
(7) Mahānāma
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Then Mahānāma the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, in what way is one a lay follower?”
“When, Mahānāma, one has gone for refuge to the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, one is then a lay follower.”
“In what way, venerable sir, is a lay follower accomplished in virtue?” “When, Mahānāma, a lay follower abstains from the destruction of life,
from taking what is not given, from sexual misconduct, from false speech, and from wines, liquor, and intoxicants that are a basis for negligence, the lay follower is accomplished in virtue.”
“In what way, venerable sir, is a lay follower accomplished in faith?” “Here, Mahānāma, a lay follower is a person of faith. He places faith in
the enlightenment of the Tathāgata thus: ‘The Blessed One is … teacher of
devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ In that way a lay follower is accomplished in faith.”
“In what way, venerable sir, is a lay follower accomplished in generosity?”
“Here, Mahānāma, a lay follower dwells at home with a mind devoid of the stain of stinginess, freely generous, open-handed, delighting in relinquishment, one devoted to charity, delighting in giving and sharing. In that way a lay follower is accomplished in generosity.”
“In what way, venerable sir, is a lay follower accomplished in wisdom?” “Here, Mahānāma, a lay follower is wise, he possesses wisdom directed
to arising and passing away, which is noble and penetrative, leading to the
complete destruction of suffering. In that way a lay follower is accomplished in wisdom.” [396]
(8) Rain
“Bhikkhus, just as, when rain pours down in thick droplets on a mountain top, the water flows down along the slope and fills the cleft, gullies, and creeks; these being filled fill up the pools; these being filled fill up the lakes; these being filled fill up the streams; these being filled fill up the rivers; and these being filled fill up the great ocean; so too, for a noble disciple, these things—confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha, and the virtues dear to the noble ones—flow onwards and, having gone beyond, they lead to the destruction of the taints.”357
(9) Kāḷigodhā
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Then, in the morning, the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, went to the residence of Kāḷigodhā the Sakyan lady, where he sat down in the appointed seat. Then Kāḷigodhā the Sakyan lady approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to her:
“Godhā, a noble woman disciple who possesses four things is a stream- enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as her destination. What four?
“Here, Godhā, a noble woman disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ She possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… [397] She dwells at home with a mind devoid of the stain of stinginess, freely generous, open-handed, delighting in relinquishment, one devoted to charity, delighting in giving and sharing.
“A noble woman disciple, Godhā, who possesses these four things is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as her destination.”
“Venerable sir, as to these four factors of stream-entry taught by the Blessed One, these things exist in me, and I live in conformity with those things. For, venerable sir, I possess confirmed confidence in the Buddha, the Dhamma, and the Sarigha. Moreover, whatever there is in my family that is suitable for giving, all that I share unreservedly among those who are virtuous and of good character.”
“It is a gain for you, Godhā! It is well gained by you, Godhā! You have declared the fruit of stream-entry.”
(10) Nandiya
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Then Nandiya the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, when the four factors of stream-entry are completely and totally nonexistent in a noble disciple, would that noble disciple be one who dwells negligently?”
“Nandiya, I say that one in whom the four factors of stream-entry are completely and totally absent is ‘an outsider, one who stands in the faction of worldlings.’358 But, Nandiya, as to how a noble disciple is one who dwells negligently and one who dwells diligently, listen to that and attend closely, I will speak.” [398]
“Yes, venerable sir,” Nandiya the Sakyan replied. The Blessed One said this:
“And how, Nandiya, is a noble disciple one who dwells negligently? Here, Nandiya, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ Content with that confirmed confidence in the Buddha, he does not make further effort for solitude by day nor for seclusion at night. When he thus dwells negligently, there is no gladness.359 When there is no gladness, there is no rapture. When there is no rapture, there is no tranquillity. When there is no tranquillity, he dwells in suffering. The mind of one who suffers does not become concentrated. When the mind is not concentrated, phenomena do not become manifest. Because phenomena do not become manifest, he is reckoned as ‘one who dwells negligently.’
“Again, Nandiya, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. Content with those virtues dear to the noble ones, he does not make further effort for solitude by day nor for seclusion at night. When he thus dwells negligently, there is no gladness.… Because phenomena do not become manifest, he is reckoned as ‘one who dwells negligently.’
“It is in this way, Nandiya, that a noble disciple is one who dwells negligently.
“And how, Nandiya, is a noble disciple one who dwells diligently? Here, Nandiya, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ Not content with that confirmed confidence in the Buddha, he makes further effort for solitude by day and for seclusion at night. When he thus dwells diligently, gladness is born. When he is gladdened, rapture is born. When the mind is uplifted by rapture, the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated. When the mind is concentrated, phenomena become manifest. Because phenomena become manifest, he is reckoned as ‘one who dwells diligently.’ [399]
“Again, Nandiya, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration. Not content with those virtues dear to the noble ones, he makes further effort for solitude by day and for seclusion at night. When he thus dwells diligently, gladness is born.… Because phenomena become manifest, he is reckoned as ‘one who dwells diligently.’
“It is in this way, Nandiya, that a noble disciple is one who dwells diligently.”
STREAMS OF MERIT WITH VERSES
(1) Streams (1)
(The opening is identical with §31, continuing thus:) [400]
“When, bhikkhus, a noble disciple possesses these four streams of merit, streams of the wholesome, it is not easy to take the measure of his merit thus: ‘Just so much is his stream of merit, stream of the wholesome, nutriment of happiness’; rather, it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of merit.
“Bhikkhus, just as it is not easy to take the measure of the water in the great ocean thus: ‘There are so many gallons of water,’ or ‘There are so many hundreds of gallons of water,’ or ‘There are so many thousands of gallons of water,’ or ‘There are so many hundreds of thousands of gallons of water,’ but rather it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of water; so too, when a noble disciple possesses these four streams of merit … it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of merit.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Just as the many rivers used by the hosts of people, Flowing downstream, finally reach the ocean,
The great mass of water, the boundless sea, The fearsome receptacle of heaps of gems;
“So the streams of merit reach the wise man— Giver of food, drink, and clothes,
Provider of beds, seats, and coverlets360—
As the rivers carry their waters to the sea.” [401]
(2) Streams (2)
“Bhikkhus, there are these four streams of merit.… What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.…
“Again, bhikkhus, a noble disciple dwells at home with a mind devoid of the stain of stinginess, freely generous, open-handed, delighting in relinquishment, one devoted to charity, delighting in giving and sharing.
“These are the four streams of merit.…
“When, bhikkhus, a noble disciple possesses these four streams of merit, streams of the wholesome, it is not easy to take the measure of his merit thus: ‘Just so much is his stream of merit, stream of the wholesome, nutriment of happiness’; rather, it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of merit.
“Bhikkhus, just as in the place where these great rivers meet and converge—namely, the Ganges, the Yamunā, the Aciravatī, the Sarabhū, and the Mahī—it is not easy to take the measure of the water there thus: ‘There are so many gallons of water’ … but rather it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of water; so too, when a noble disciple possesses these four streams of merit … it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of merit.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Just as the many rivers used by the hosts of people,
… (verses as in §41) …
As the rivers carry their waters to the sea.”
(3) Streams (3)
“Bhikkhus, there are these four streams of merit.… What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.…
“Again, bhikkhus, a noble disciple is wise, he possesses wisdom directed to arising and passing away, [402] which is noble and penetrative, leading to the complete destruction of suffering. This is the fourth stream of merit.

“These are the four streams of merit.…
“When, bhikkhus, a noble disciple possesses these four streams of merit, streams of the wholesome, it is not easy to take the measure of his merit thus: ‘Just so much is his stream of merit, stream of the wholesome, nutriment of happiness’; rather, it is reckoned as an incalculable, immeasurable, great mass of merit.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“One who desires merit, established in the wholesome, Develops the path to attain the Deathless;
He who has reached the Dhamma’s core, Delighting in destruction,
Does not tremble thinking,
‘The King of Death will come.’”361
44 (4) Rich (1)
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things is said to be rich, with much wealth and property.362 What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“A noble disciple who possesses these four things is said to be rich, with much wealth and property.”
45 (5) Rich (2)
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things is said to be rich, with much wealth and property, of great fame. What four?”
(The rest as in §44.) [403]
46 (6) Simple Version
“Bhikkhus, a noble disciple who possesses four things is a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as his destination. What four?
“Here, bhikkhus, a noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’ He possesses confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… He possesses the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.
“A noble disciple, bhikkhus, who possesses these four things is a stream- enterer … with enlightenment as his destination.”
(7) Nandiya
At Kapilavatthu. The Blessed One then said to Nandiya the Sakyan as he was sitting to one side:
(The rest as in §46.)
(8) Bhaddiya
(The same, addressed to Bhaddiya the Sakyan.) [404]
(9) Mahānāma
(The same, addressed to Mahānāma the Sakyan.)
(10) Factors
“Bhikkhus, there are these four factors for stream-entry. What four? Association with superior persons, hearing the true Dhamma, careful attention, practice in accordance with the Dhamma. These are the four factors for stream-entry.”363
THE WISE ONE
(1) With Verses
(The prose portion is the same as §46.) [405]
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:364
“When one has faith in the Tathāgata, Unshakable and well established,
And good conduct built on virtue, Dear to the noble ones and praised;
“When one has confidence in the Sarigha And view that has been rectified,
They say that one is not poor, That one’s life is not vain.
“Therefore the person of intelligence, Remembering the Buddha’s Teaching, Should be devoted to faith and virtue,
To confidence and vision of the Dhamma.”
(2) One Who Spent the Rains
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Now on that occasion a certain bhikkhu who had spent the rains in Sāvatthī had arrived in Kapilavatthu on some business. The Sakyans of Kapilavatthu heard: “A certain bhikkhu, it is said, who spent the rains in Sāvatthī has arrived in Kapilavatthu.”
Then the Sakyans of Kapilavatthu approached that bhikkhu and paid homage to him, after which they sat down to one side and said to him:
“We hope, venerable sir, that the Blessed One is healthy and robust.” “The Blessed One, friends, is healthy and robust.” [406]
“We hope, venerable sir, that Sāriputta and Moggallāna are healthy and robust.”
“Sāriputta and Moggallāna, friends, are healthy and robust.”
“We hope, venerable sir, that the bhikkhus of the Sarigha are healthy and robust.”
“The bhikkhus of the Sarigha, friends, are healthy and robust.”
“Did you hear and learn anything, venerable sir, in the presence of the Blessed One during this rains?”
“In the presence of the Blessed One, friends, I heard and learnt this: ‘Bhikkhus, those bhikkhus are few who, by the destruction of the taints, in this very life enter and dwell in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for themselves with direct knowledge. Those bhikkhus are more numerous who, with the utter destruction of the five lower fetters, have become of spontaneous birth, due to attain Nibbāna there without returning from that world.’
“Further, friends, in the presence of the Blessed One I heard and learnt this: ‘Bhikkhus, those bhikkhus are few who … have become of spontaneous birth.… Those bhikkhus are more numerous who, with the utter destruction of three fetters and with the diminishing of greed, hatred, and delusion, have become once-returners who, after coming back to this world only one more time, will make an end to suffering.’
“Further, friends, in the presence of the Blessed One I heard and learnt this: ‘Those bhikkhus are few who … have become once-returners.… Those bhikkhus are more numerous who, with the utter destruction of three fetters, have become stream-enterers, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as their destination.’”
(3) Dhammadinna
On one occasion the Blessed One was dwelling at Bārāṇasī in the Deer Park at Isipatana. [407] Then the lay follower Dhammadinna, together with five hundred lay followers, approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side.365 Sitting to one side, the lay follower Dhammadinna then said to the Blessed One: “Let the Blessed One, venerable sir, exhort us and instruct us in a way that may lead to our welfare and happiness for a long time.”
“Therefore, Dhammadinna, you should train yourselves thus: ‘From time to time we will enter and dwell upon those discourses spoken by the Tathāgata that are deep, deep in meaning, supramundane, dealing with emptiness.’ It is in such a way that you should train yourselves.”366
“Venerable sir, it is not easy for us—dwelling in a home crowded with children, enjoying Kāsian sandalwood, wearing garlands, scents, and unguents, receiving gold and silver—from time to time to enter and dwell upon those discourses spoken by the Tathāgata that are deep, deep in meaning, supramundane, dealing with emptiness. As we are established in the five training rules, let the Blessed One teach us the Dhamma further.”
“Therefore, Dhammadinna, you should train yourselves thus: ‘We will possess confirmed confidence in the Buddha … in the Dhamma … in the Sarigha.… We will possess the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.’ It is in such a way that you should train yourselves.”
“Venerable sir, as to these four factors of stream-entry taught by the Blessed One, these things exist in us, and we live in conformity with those things. For, venerable sir, we possess confirmed confidence in the Buddha,
[408] the Dhamma, and the Sarigha. We possess the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.”
“It is a gain for you, Dhammadinna! It is well gained by you, Dhammadinna! You have declared the fruit of stream-entry.”
(4) Ill
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Now on that occasion a number of bhikkhus were making a robe for the Blessed One, thinking: “After the three months, with his robe completed, the Blessed One will set out on tour.”
Mahānāma the Sakyan heard: “A number of bhikkhus, it is said, are making a robe for the Blessed One, thinking that after the three months,
with his robe completed, the Blessed One will set out on tour.”
Then Mahānāma the Sakyan approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, I heard that a number of bhikkhus are making a robe for the Blessed One.… Now I have not heard and learnt in the presence of the Blessed One how a wise lay follower who is sick, afflicted, and gravely ill should be exhorted by another wise lay follower.”
“A wise lay follower,367 Mahānāma, who is sick, afflicted, and gravely ill should be consoled by another wise lay follower with four consolations: ‘Let the venerable one368 be consoled. You have confirmed confidence in the Buddha thus: “The Blessed One is … teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.” You have confirmed confidence in the Dhamma … in the Sarigha.… You have the virtues dear to the noble ones, unbroken … leading to concentration.’ [409]
“After a wise lay follower, who is sick, afflicted, and gravely ill has been consoled by a wise lay follower with these four consolations, he should be asked: ‘Are you anxious about your mother and father?’ If he says: ‘I am,’ he should be told: ‘But, good sir, you are subject to death. Whether you are anxious about your mother and father or not, you will die anyway. So please abandon your anxiety over your mother and father.’
“If he says: ‘I have abandoned my anxiety over my mother and father,’ he should be asked: ‘Are you anxious about your wife and children?’ If he says: ‘I am,’ he should be told: ‘But, good sir, you are subject to death. Whether you are anxious about your wife and children or not, you will die anyway. So please abandon your anxiety over your wife and children.’
“If he says: ‘I have abandoned my anxiety over my wife and children,’ he should be asked: ‘Are you anxious about the five cords of human sensual pleasure?’ If he says: ‘I am,’ he should be told: ‘Celestial sensual pleasures, friend, are more excellent and sublime than human sensual pleasures. So please withdraw your mind from human sensual pleasures and resolve on the devas of the realm of the Four Great Kings.’
“If he says: ‘My mind has been withdrawn from human sensual pleasures and resolved on the devas of the realm of the Four Great Kings,’ he should be told: [410] ‘The Tāvatiṃsa devas, friend, are more excellent and sublime than the devas of the realm of the Four Great Kings. So please withdraw your mind from the devas of the realm of the Four Great Kings and resolve on the Tāvatiṃsa devas.’
“If he says: ‘My mind has been withdrawn from the devas of the realm of the Four Great Kings and resolved on the Tāvatiṃsa devas,’ he should be told: ‘More excellent and sublime, friend, than the Tāvatiṃsa devas are the Yāma devas … the Tusita devas … the Nimmānarati devas … the Paranimmitavasavattī devas.… The brahmā world, friend, is more excellent and sublime than the Paranimmitavasavattī devas. So please withdraw your mind from the Paranimmitavasavattī devas and resolve on the brahmā world.’369
“If he says: ‘My mind has been withdrawn from the Paranimmitavasavattī devas and resolved on the brahmā world,’ he should be told: ‘Even the brahmā world, friend, is impermanent, unstable, included in identity. So please withdraw your mind from the brahmā world and direct it to the cessation of identity.’370
“If he says: ‘My mind has been withdrawn from the brahmā world; I have directed my mind to the cessation of identity,’ then, Mahānāma, I say there is no difference between a lay follower who is thus liberated in mind and a bhikkhu who has been liberated in mind for a hundred years,371 that is, between one liberation and the other.”372
(5) The Fruit of Stream-Entry
“Bhikkhus, these four things, when developed and cultivated, lead to the realization of the fruit of stream-entry. What four? [411] Association with superior persons, hearing the true Dhamma, careful attention, practice in accordance with the Dhamma. These four things, when developed and cultivated, lead to the realization of the fruit of stream-entry.”
(6) The Fruit of Once-Returning
“Bhikkhus, these four things, when developed and cultivated, lead to the realization of the fruit of once-returning. What four?…” (as above).
(7) The Fruit of Nonreturning
“ … lead to the realization of the fruit of nonreturning.…”
(8) The Fruit of Arahantship
“ … lead to the realization of the fruit of arahantship.…”
(9) The Obtaining of Wisdom
“ … lead to the obtaining of wisdom.…”
(10) The Growth of Wisdom
“ … lead to the growth of wisdom.…”
(11) The Expansion of Wisdom
“ … lead to the expansion of wisdom.…”
[412] VII. GREAT WISDOM
(1) Greatness of Wisdom
“Bhikkhus, these four things, when developed and cultivated, lead to greatness of wisdom. What four? Association with superior persons, hearing the true Dhamma, careful attention, practice in accordance with the Dhamma. These four things, when developed and cultivated, lead to greatness of wisdom.”
(2)-74 (13) Extensiveness of Wisdom, Etc.
“Bhikkhus, these four things, when developed and cultivated, lead to extensiveness of wisdom … to vastness of wisdom … to depth of wisdom
… to the state of unequalled wisdom373 … to breadth of wisdom … to abundance of wisdom … to quickness of wisdom … to buoyancy of wisdom … to joyousness of wisdom … [413] … to swiftness of wisdom … to sharpness of wisdom … to penetrativeness of wisdom.374 What four? Association with superior persons, hearing the true Dhamma, careful attention, practice in accordance with the Dhamma. These four things, when developed and cultivated, lead to penetrativeness of wisdom.”
[414]
1



Close
Close