I. Phẩm Ambapāli
1. I. Ambapāli (Tạp 24,20, Ðại 2,174a) (S.v,141)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại rừng Ambapāli.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) -- Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
5) Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Con đường ấy tức là bốn niệm xứ.
6) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn nói.
2. II. Chánh Niệm (Tạp 24,6-7, Ðại 2,171b) (S.v,142)
1) Một thời Thế Tôn ở Vesàli, tại rừng Ambapāli.
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui, đều tỉnh giác; khi nhìn tới, khi nhìn lui, đều tỉnh giác; khi co cánh tay, duỗi cánh tay, đều tỉnh giác; khi đắp y Tăng-già-lê, khi mang y bát, đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai nếm, đều tỉnh giác; khi đi tiểu tiện, đại tiện, đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.
6) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
3. III. Tỷ Kheo (Tạp 24,37, Ðại 2,176A) (S.v,142)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và như vậy có thể có những người nghi ngờ pháp ấy và họ thẩm tra con; sau khi con nói pháp cho họ, họ nghĩ rằng đi theo con sẽ có lợi ích cho họ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Chắc chắn con có thể hiểu lời Thế Tôn thuyết. Chắc chắn con có thể trở thành người thừa tự lời Thế Tôn dạy.
4) -- Vậy này Tỷ-kheo, Ông phải gột sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp. Và thế nào là hai pháp cơ bản về các thiện pháp? Chính là giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực. Này Tỷ-kheo, khi nào Ông được giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực, này Tỷ-kheo, Ông hãy y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ theo ba cách. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thọ trên các nội thọ... Hay Ông hãy trú, quán tâm trên các nội tâm... Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này Tỷ-kheo, khi nào Ông y cứ trên giới, an trú trên giới và tu tập bốn niệm xứ theo ba cách như vậy; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc đêm hay ngày, chờ đợi là tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm.
6) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
7) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
8) Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
4. IV. Sālā (Tạp 24,29, Ðại 2,173c) (S.v,144)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Sālā.
2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:
3) -- Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mới tu, xuất gia chẳng bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này; những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khích lệ (samàdapetabbà), cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
4) "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với thân. Hãy trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm để có chánh trí như thật đối với các thọ. Hãy trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với tâm. Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với các pháp".
5) Này các Tỷ-kheo, có những Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách. Các vị ấy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm để liễu tri về thân. Các vị ấy trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm để liễu tri về thọ. Các vị ấy trú, quán tâm trên tâm... để liễu tri về tâm. Các vị ấy trú, quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm để liễu tri về các pháp.
6) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; các vị ấy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm, ly hệ phược đối với thân. Các vị ấy trú, quán thọ trên các thọ... Các vị ấy trú, quán tâm trên tâm... Các vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm, ly hệ phược đối với các pháp.
7) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào mới tu, xuất gia chẳng bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này; những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khích lệ, cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập bốn niệm xứ này.
5. V. Một Ðống Thiện (Tạp 24,28, Ðại 2,171b) (S.v,145)
1-2) Tại Sāvatthi. Ở đấy, Thế Tôn nói như sau:
3) -- Ðống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là năm triền cái, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái. Thế nào là năm?
4) Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi hoặc triền cái. Ðống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là năm triền cái, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái.
5) Ðống thiện, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là bốn niệm xứ, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðống thiện này, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là bốn niệm xứ, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ.
6. VI. Con Chim Ưng (Sakunagghi) (Tạp 24,15, Ðại 2,172c) (S.v,146)
1-2)...
3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một con chim ưng cái thình lình vồ xuống và chụp lấy một con chim cút.
4) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút bị con chim ưng cái bắt, than khóc như sau:
"-- Như thế này, thật bất hạnh cho tôi! Thật thiếu công đức cho tôi! Vì rằng tôi đã đi không phải chỗ hành xứ của mình, đi vào cảnh giới của người khác. Nếu tôi đi trong chỗ hành xứ của tôi, trong cảnh giới của cha mẹ tôi, thời con chim ưng này không thể hơn tôi, nếu phải đánh nhau".
"-- Này Chim cút, thế nào là chỗ hành xứ của ngươi, thế nào là cảnh giới của cha mẹ ngươi?"
-- "Là vạt đất được lưỡi cày xới lên".
5) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái không có siết mạnh sức mạnh của mình, không có bóp chặt sức mạnh của mình, thả con chim cút rồi nói:
-- "Hãy đi, này Chim cút. Sau khi đi tại chỗ ấy, ta sẽ không thả cho ngươi".
6) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút đi đến vạt đất được lưỡi cày xới lên, leo lên một hòn đất lớn, đứng trên ấy và nói với con chim ưng:
"-- Này, hãy đến ta, Chim ưng! Này, hãy đến ta, này Chim ưng!"
7) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái siết mạnh sức mạnh của mình, bóp chặt sức mạnh của mình, xếp cả hai cánh, thình lình vồ lấy con chim cút. Này các Tỷ-kheo, khi con chim cút biết được: "Con chim ưng này đang vồ mạnh xuống ta", liền nấp sau hòn đất ấy. Này các Tỷ-kheo, ở đây, con chim ưng bị bể ngực.
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai đi tới chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.
9) Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm?
10) Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức... Có các hương do mũi nhận thức... Có các vị do lưỡi nhận thức... Có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác.
11) Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình, thời Ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.
12) Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ? Chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
13) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú, quán thọ trên các thọ...; trú, quán tâm trên tâm...; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.
7. VII. Con Vượn (Tạp 24,18, Ðại 2,173b) (S.v,148)
1-2)...
3) -- Này các Tỷ-kheo, tại núi chúa Tuyết sơn có khoảnh đất gồ ghề, không thăng bằng, chỗ ấy không có các loài vượn, loài người qua lại.
4) Này các Tỷ-kheo, tại núi chúa Tuyết sơn có những khoảng đất ghồ ghề, không bằng phẳng, chỗ ấy chỉ có loài vượn qua lại, không có loài người.
5) Tại núi chúa Tuyết sơn, có những khoảnh đất bằng phẳng, khả ái. Tại chỗ ấy có các loài vượn và loài người qua lại. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, những người thợ săn đặt các bẫy nhựa (lepam) trên những con đường có vượn qua lại để bắt các con vượn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những con vượn nào tánh không ngu si, không tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy liền tránh xa. Còn con vượn nào ngu si, tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy, thò tay nắm lấy và bị dính vào đấy. "Ta sẽ gỡ bàn tay ra", nó thò bàn tay thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ hai tay ra", nó giơ chân nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ hai bàn tay và bàn chân ra", nó giơ bàn chân thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. "Ta sẽ gỡ cả hai tay và hai chân", nó dùng miệng ngậm lấy và bị mắc dính ở đấy.
6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, con vượn bị bắt năm chỗ, liền rên la nằm xuống, rơi vào bất hạnh, rơi vào khổ não, bị người thợ săn muốn làm gì thì làm. Này các Tỷ-kheo, người thợ săn đâm chết nó, nướng nó trên đống than củi, và ra đi, theo sở thích của mình.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là người đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác, Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không phải chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác? Tức là năm dục công đức. Thế nào là năm?
9) Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, là chỗ cảnh giới của người khác.
10) Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến chỗ cảnh giới của cha mẹ mình, Ác ma không nắm được cơ hội, Ác ma không nắm được đối tượng.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành xứ của Tỷ-kheo, là cảnh giới của cha mẹ mình? Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời...; trú, quán thọ trên các cảm thọ...; trú, quán tâm trên tâm...; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.
8. VIII. Người Ðầu Bếp (Tạp 24,14, Ðại 2,172b) (S.v,149)
I.
1)...
2-3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo, được giao lo liệu các thứ xúp sai khác cho vua hay cho các đại thần của vua, như xúp chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm, không phải chất kiềm (khàrikehi pi akhàrikehi pi), chất mặn, không phải chất mặn.
4) Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình (bhattasa hay bhattuno?): "Hôm nay, chủ ta thích món xúp này", hay: "Món xúp này chủ ta lấy ăn", hay : "Món xúp này chủ ta dùng nhiều", hay: "Chủ ta tán thán món xúp này". "Hôm nay, chủ ta thích món xúp chua này", hay: "Món xúp chua này chủ ta lấy ăn", hay: "Món xúp chua này, chủ ta dùng nhiều", hay : "Chủ ta tán thán xúp chua này". "Hôm nay, chủ ta thích món xúp đắng này"... hay : "Hôm nay, chủ ta thích món xúp cay này"... hay: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp ngọt này"... hay: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp chất kiềm này"... hay: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp không phải chất kiềm này"... hay: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp không phải chất mặn này", hay: "Món xúp không phải mặn này chủ ta lấy ăn", hay: "Món xúp không phải mặn này chủ ta dùng nhiều", hay: "Chủ ta tán thán món xúp không phải mặn này".
5) Và này các Tỷ-kheo, người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nhận được đồ mặc, không nhận được lương bổng, không nhận được tiền thưởng. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, kẻ đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình.
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo, trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Dầu vị ấy trú, quán thân trên thân, nhưng tâm không định tĩnh, các phiền não không được đoạn tận; vị ấy không học được tướng ấy. Dầu vị ấy trú, quán thọ trên các thọ.. quán tâm trên tâm... Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Dầu vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhưng tâm không định tĩnh, các phiền não không được đoạn tận; vị ấy không học được tướng ấy.
7) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy, không được lạc trú ngay trong hiện tại, không được tỉnh giác. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy, không học được tướng tâm của mình.
II.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo, được giao lo liệu các thứ xúp sai khác cho các vua hay cho các đại thần của vua, như xúp chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm, không phải chất kiềm, chất mặn hay không phải chất mặn. Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nắm đươĩc sở thích về việc ăn uống của người chủ mình: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp này", hay: "Món xúp này chủ ta lấy ăn", hay : "Món xúp này chủ ta dùng nhiều", hay: "Món xúp này chủ ta tán thán", hay: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp chua này", hay : "Món xúp chua này chủ ta lấy ăn", hay: "Món xúp chua này chủ ta dùng nhiều", hay : "Món xúp chua này chủ ta tán thán". "Hôm nay, chủ ta thích món xúp đắng này"... "Hôm nay, chủ ta thích món xúp cay này"... "Hôm nay, chủ ta thích món xúp ngọt này"... "Hôm nay, chủ ta thích món xúp vị kiềm này"... "Hôm nay, chủ ta thích món xúp không vị kiềm này"...: "Hôm nay, chủ ta thích món xúp vị mặn này"... "Hôm nay, chủ ta thích món xúp không mặn này", hay: "Món xúp không mặn này chủ ta lấy ăn", hay: "Món xúp không mặn này chủ ta dùng nhiều", hay: "Món xúp không mặn này chủ ta tán thán".
9) Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nhận được đồ mặc, nhận được lương bổng, nhận được tiền thưởng. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo, trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được định tĩnh, các phiền não được đoạn tận; vị ấy học được tướng ấy. Vị ấy trú, quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được định tĩnh, các phiền não được đoạn tận; vị ấy học được tướng ấy.
11) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo ấy, ngay trong hiện tại, chứng được lạc trú, chứng được chánh niệm tỉnh giác. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo ấy, học được tướng tâm của mình.
9. IX. Bệnh (Trường 2, Ðại 1,15ab) (S.v,152)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại làng Beluva.
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy an cư vào mùa mưa xung quanh Vesàli, chỗ nào có bạn bè, có người quen biết (sandittham), có người thân thiết (sambhattam). Ở đây, Ta sẽ an cư mùa mưa tại làng Veluva này.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, an cư mùa mưa xung quanh Vesàli, tại chỗ có bạn bè, có người quen biết, có người thân thiết. Còn Thế Tôn thời an cư mùa mưa tại làng Beluva.
3) Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những cảm thọ khốc liệt gần như chết tiếp diễn. Ở đây, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, không có than vãn.
4) Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Thật không tương xứng đối với Ta, nếu Ta không báo trước các vị ủng hộ Ta và không từ giã chúng Tỷ-kheo mà nhập Niết-bàn. Vậy Ta hãy tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh này, lưu giữ mạng hành (jīvitasankhāra) và sống". Rồi Thế Tôn với sức tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh ấy, lưu giữ mạng hành và sống.
5) Rồi Thế Tôn thoát khỏi cơn bệnh; thoát khỏi cơn bệnh không bao lâu, Ngài đi ra khỏi nhà bệnh, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, trong bóng im, sau lưng ngôi nhà.
6) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn chịu đựng! Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng. Pháp không được tỏ rõ cho con vì Thế Tôn bị bệnh. Nhưng bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.
7) -- Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này Ananda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo Sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo, hay : Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo", hay "Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta", thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?
8) Này Ananda, Ta nay đã già, bậc trưởng thượng, bậc trưởng lão, đã đạt đến đoạn cuối của đời, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thừng chằng chịt. Cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ dây thừng chằng chịt.
9) Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy, thân Như Lai được thoải mái. Vậy này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
10) Này Ananda, ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Ananda, như vậy là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.
11) Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.
10. X. Trú Xứ Tỷ-Kheo Ni (Tạp 24,13, Ðại 2,172,172a) (S.v,154)
1) Tại Sāvatthi...
2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi một số đông Tỷ-kheo-ni đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với Tôn giả Ananda:
3) -- Ở đây, bạch Thượng tọa Ananda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết (sampajànanti) quảng đại, trước sau thù thắng.
-- Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Này các Ðại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.
4) Rồi Tôn giả Ananda với bài pháp thoại, sau khi tuyên thuyết cho các Tỷ-kheo-ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
5) Rồi Tôn giả Ananda sau khi đi khất thực ở Sāvatthi, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni, sau khi đến, con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi, bạch Thế Tôn, một số đông Tỷ-kheo-ni đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với con: "Ở đây, bạch Thượng tọa Ananda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng". Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các Tỷ-kheo-ni ấy: "Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! này các Ðại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng".
6) -- Như vậy là phải, này Ananda! Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng. Thế nào là bốn?
7) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thân trên thân, hoặc thân sở duyên (kàyàrammano) khởi lên, hoặc thân nhiệt não (kàyasmin parilàho), hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán hướng ngoại (bahiddha va cittam vikkhipati); do vậy, này Ananda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín (pasàdaniyenimitta). Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan (pàmujjam: Thắng hỷ) sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có tâm khinh an, lạc thọ sanh. Người có tâm lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (patisamharàmi) (khỏi đối tượng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc".
8-9) Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo sống, quán thọ trên các thọ... sống, quán tâm trên tâm...
10) Vị ấy sống, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, hoặc thân sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại; do vậy, này Ananda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (khỏi đối tượng tướng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc".
11) Như vậy, này Ananda, là sự tu tập về hướng tâm.
12) Và này Ananda, thế nào là sự tu tập không có hướng tâm?
13) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau (pacchàpure), nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc".
14) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc".
15) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước... Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc".
16) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại... Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc".
17) Như vậy, này Ananda, là tu tập không có hướng tâm.
18) Như vậy, này Ananda, Ta thuyết tu tập có hướng tâm; Ta thuyết tu tập không có hướng tâm. Những gì, này Ananda, một bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với các đệ tử, vì lòng từ mẫn khởi lên, những việc ấy, Ta đã làm cho các Ông. Này Ananda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy tu Thiền, này Ananda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
19) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. II. Phẩm Nālanda
11. I. Ðại Nhân (Tạp 24,12, Ðại 2,172a) (S.v,158)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2) Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn... Ngồi một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
3) -- "Ðại nhân, đại nhân", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đại nhân?
-- Với tâm giải thoát, này Sāriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân. Và này Sāriputta, thế nào là tâm giải thoát?
4) Ở đây, này Sāriputta, một Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ;... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
5) Như vậy, này Sāriputta, là tâm giải thoát. Với tâm giải thoát, này Sāriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân.
12. II. Nālanda (Tạp 18,9 Ðại 2,130c) (S.v,159)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Nālanda, tại rừng Pavārikamba.
2) Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn... Ngồi một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
3) -- Như vậy, bạch Thế Tôn, là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác.
-- Thật là đại ngôn (ulāra), này Sāriputta, là lời tuyên bố như con ngưu vương này của Ông, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống của con sư tử: "Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác".
4) Này Sāriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: "Các bậc Thế Tôn ấy đã có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã giải thoát như vậy"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
5) -- Này Sāriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông: "Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ giải thoát như vậy"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
6) -- Này Sāriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời hiện tại, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: "Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giải thoát như vậy"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
7) -- Và này Sāriputta, ở đây, Ông không có chánh trí với tâm của Ông biết được tâm của các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại; thời này Sāriputta, do ý nghĩa gì Ông lại thốt ra lời đại ngôn, lời tuyên bố như con ngưu vương, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống tiếng con sư tử của Ông rằng: "Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn, hay Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác"?
-- Bạch Thế Tôn, con không có chánh trí với tâm của con biết được tâm các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng bạch Thế Tôn, con biết được pháp truyền thống (dhammanvayo).
8) Ví như, bạch Thế Tôn, tại một thành ở biên giới, với những hào lũy kiên cố, vững chắc, với những thành quách, tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đấy, có một người gác cửa sáng suốt, thông minh, có trí, không cho vào những người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Trong khi người ấy đi tuần đến con đường xung quanh thành trì ấy để xem, không thấy có một khe hở ở tường nào, hay lỗ hổng ở tường nào, cho đến một con mèo có thể lọt qua được. Và người ấy suy nghĩ rằng: "Có những sinh loại thô lớn nào đi vào hay đi ra ngôi thành này, tất cả phải đi vào hay đi ra cửa này". Như vậy, bạch Thế Tôn, là pháp truyền thống mà con được biết.
9) Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời quá khứ, tất cả bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, đã chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời vị lai, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, các pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, sẽ chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác.
10) -- Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Ông hãy luôn luôn thuyết pháp thoại này cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ. Này Sāriputta, nếu có những người ngu si nào còn có những nghi ngờ, hay những do dự đối với Như Lai sau khi nghe pháp thoại này của Ta, sự nghi ngờ, do dự ấy của họ đối với Như Lai sẽ trừ diệt.
13. III. Cunda (Tạp 24,39, Ðại 2,176b) (S.v,161)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta trú ở Magadha, tại làng Nàla, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Và Sa-di Cunda là thị giả của Tôn giả Sāriputta.
3) Tôn giả nhập Niết-bàn vì bệnh ấy.
4) Rồi Sa-di Cunda cầm lấy y bát của Tôn giả Sāriputta đi đến Sāvatthi, Thắng Lâm, tại khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên. .. Ngồi một bên, Sa-di Cunda nói với Tôn giả Ananda:
-- Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sāriputta đã mệnh chung. Ðây là y bát của vị ấy.
5) -- Này Hiền giả Cunda, đây là lý do để đến yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, chúng ta hãy báo tin này cho Thế Tôn.
-- Thưa vâng, Thượng tọa.
Sa-di Cunda vâng đáp Tôn giả Ananda.
6) Rồi Tôn giả Ananda và Sa-di Cunda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Sa-di Cunda này thưa như sau: "Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sāriputta đã mệnh chung. Ðây là y và bát của vị ấy". Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy (bàng hoàng) (madhurakajato). Các phương hướng không hiện ra rõ ràng đối với con. Pháp sẽ không được giảng cho con, khi con nghe tin Tôn giả Sāriputta đã mệnh chung.
7) -- Này Ananda, Sāriputta có đem theo giới uẩn khi mệnh chung? Có đem theo định uẩn khi mệnh chung? Có đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung không?
-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sāriputta không đem theo giới uẩn khi mệnh chung, không đem theo định uẩn khi mệnh chung, không đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung. Nhưng bạch Thế Tôn, Tôn giả Sāriputta là vị giáo giới cho con, là vị đã vượt qua (bộc lưu), là bậc giáo thọ, là vị khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, là vị thuyết pháp không biết mệt mỏi, là vị hộ trì cho các đồng Phạm hạnh. Chúng con đều ức niệm rằng Tôn giả Sāriputta là tinh ba của pháp (dhammojam), là tài sản của pháp (dhammabhogam), là hộ trì của pháp.
8) -- Này Ananda, có phải trước đây Ta đã từng tuyên bố với Ông rằng mọi pháp khả ái, khả ý đều có tánh chất khác biệt, có tánh chất ly tán, có tánh chất đổi khác? Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: "Mong rằng cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!"? Sự kiện như vậy không xảy ra.
9) Ví như, này Ananda, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, một cành cây lớn bị gãy đổ. Cũng vậy, này Ananda, từ nơi chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sāriputta bị mệnh chung. Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: "Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!"? Sự kiện như vậy không xảy ra.
10) Do vậy, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác. Này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác?
11) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.
12) Này Ananda, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.
14. IV. Celam (Tạp 24, 40, Ðại 2,177a) (S.v,163)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Vajjii, tại Ukkacelà, trên bờ sông Hằng, với đại chúng Tỷ-kheo, sau khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Moggalàna mệnh chung không bao lâu.
2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn, sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo im lặng, liền nói với các Tỷ-kheo:
3) -- Này các Tỷ-kheo, chúng này của Ta được xem hình như trống không. Nay Sāriputta và Moggalàna đã mệnh chung, này các Tỷ-kheo, chúng của Ta thành trống không. Phương hướng nào Sāriputta và Moggalàna trú, phương hướng ấy không còn có ước vọng gì (anapekkhà).
4) Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, các vị Thế Tôn ấy đã có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sāriputta và Moggalàna. Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong đời vị lai, những bậc Thế Tôn ấy sẽ có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sāriputta và Moggalàna.
5) Thật là vi diệu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Thật hy hữu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Họ thực hành những lời dạy của đức Bổn sư. Họ làm trách nhiệm giáo giới. Họ được bốn chúng ái kính, khả ý, khả kính, quý mến. Thật vi diệu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Thật hy hữu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Trong khi cặp đệ tử như vậy mệnh chung, Như Lai không có sầu buồn, hay không có than khóc. Làm sao, này Ananda, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: "Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!"? Sự kiện như vậy không xảy ra.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, những cành cây lớn hơn bị gãy đỗ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, từ nơi đại chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sāriputta và Moggalàna bị mệnh chung. Làm sao, này các Tỷ-kheo, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: "Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!"? Sự kiện như vậy không thể xảy ra.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình... (như trên số 10, kinh trước)...
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... không nương tựa một ai khác.
9) Này các Tỷ-kheo, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ... nếu những vị ấy thiết tha học hỏi.
15. V. Bàhiya, hay Bàhika (Tạp 24,24, Ðại 2,175a) (S.v,165)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2) Rồi Tôn giả Bàhiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến... Ngồi một bên, Tôn giả Bàhiya bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
-- Như vậy, này Bàhiya, hãy làm cho thanh tịnh các pháp căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là các pháp căn bản trong các thiện pháp? -- Giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực.
3) Và này Bàhiya, khi nào Ông có giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực; rồi này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này Bàhiya, Ông hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hãy trú, quán thọ trên các thọ... Hãy trú, quán tâm trên tâm... Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi nào, này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông tu tập như vậy bốn niệm xứ này. Do vậy, này Bàhiya, ban đêm hay bàn ngày, chờ đợi là các thiện pháp tăng trưởng, không phải tổn giảm.
5) Rồi Tôn giả Bàhiya hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
6) Rồi Tôn giả Bàhiya sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà người thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Chính là vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
7) Rồi Tôn giả Bàhiya trở thành một vị A-la-hán nữa.
16. VI. Uttiya (Tạp 24,22, Ðại 2,174c) (S.v,166)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2-4) Rồi Tôn giả Uttiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
--. .. Do vậy, này Uttiya, Ông sẽ vượt khỏi giới vức của tử ma.
5-7) Rồi Tôn giả Uttiya trở thành một vị A-la-hán nữa.
17. VII. Bậc Thánh (Tạp 24,23, Ðại 2,176a) (S.v,166)
1) Ở Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.
18. VIII. Phạm Thiên (Tạp 44,12, Ðại 2,322a; 24.3,171a; 410b; 494a) (S.v,167)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, tại cây bàng ajapàla, sau khi mới giác ngộ.
2) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tâm niệm tư tưởng như sau được khởi lên: "Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ đau, chứng đạt chánh lý (nàya), chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ". Thế nào là bốn?
3) -- Này Tỷ-kheo, hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ở đời. Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.
4) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm ý Thế Tôn, ví như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
5) -- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ... Tỷ-kheo trú, quán tâm trên tâm... Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.
6) Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy. Nói như vậy xong, Phạm thiên Sahampati lại nói thêm:
Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh.
Bậc lân mẫn chúng sanh,
Biết được con đường ấy.
Chính với con đường này,
Trước đã từng vượt qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Nay vượt khỏi bộc lưu.
19. IX. Sedaka, hay Ekantaka (Tạp 24,17, Ðại 2,173b) (S.v,168)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sumbha, tại Desakà, một thị trấn của dân chúng Sumbhà.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo:
-- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người nhào lộn với cây tre, sau khi dựng lên một cây tre, liền bảo người đệ tử tên là Medakathàlikà: "Này Medakathàlikà, hãy đến, leo lên cây tre và đứng trên vai ta" -- "Thưa thầy, vâng". Này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà vâng đáp người nhào lộn trên cây tre, leo lên cây tre và đứng trên vai của thầy.
3) Rồi này các Tỷ-kheo, người nhào lộn trên cây tre nói với đệ tử Medakathàlikà: "Này Medakathàlikà, Ông hộ trì cho ta và ta sẽ hộ trì cho Ông. Như vậy, chúng ta nhờ che chở cho nhau, nhờ hộ trì cho nhau, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi tức và leo xuống cây tre một cách an toàn".
4) Khi được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà nói với người nhào lộn trên cây tre: "Thưa thầy, không nên như vậy. Thưa thầy, nên như vầy: Thầy nên hộ trì tự ngã thầy và con sẽ hộ trì tự ngã con. Như vậy, chúng ta tự che chở cho mình, tự hộ trì cho mình, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi ích, và leo xuống cây tre một cách an toàn. Ðây là chánh lý (nàyo) cần phải làm".
5) Thế Tôn nói:
-- Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathàlikà đã nói với thầy của ông ấy: "Tôi sẽ hộ trì cho mình", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Chúng ta sẽ hộ trì người khác", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
8) Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì cho mình", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì người khác", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
20. X. Quốc Ðộ (hay Ekantaka) (Tạp 24,21, Ðại 2,174b) (S.v,169)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại một thị trấn của dân chúng Sumbha tên là Sedaka.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...
3) -- Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: "Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!". Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rủ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rủ của mình, hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: "Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát". Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: "Này Ông, hãy xem đây. Ðây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống". Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
4) -- Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.
5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng (susamàraddhà)". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. III. Phẩm Giới Trú
21. I. Giới (Tạp 24,27, Ðại 2,175b) (S.v,171)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Ananda và Tôn giả Bhadda trú ở Pàtaliputta, ở khu vườn Kukkuta.
2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu... nói với Tôn giả Ananda:
3) -- Này Hiền giả Ananda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?
-- Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là trí tuệ (ummagga) của Hiền giả, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là biện tài (patibhànam) của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: "Này Hiền giả Ananda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?" chăng?
-- Thưa vâng, Hiền giả.
4) -- Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói.
22. II. Trú (Tạp 24,29, Ðại 2,173c) (S.v,172)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2) Rồi Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:
3) -- Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền Giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?
-- Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là trí tuệ của Hiền giả! Hiền thiện là biện tài của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Có phải như vầy, này Hiền giả Bhadda, là câu hỏi của Hiền giả: "Này Hiền giả Ananda, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?" chăng?
-- Thưa vâng, Hiền giả.
4) -- Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do không tu tập, không làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài. Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.
23. III. Tổn Giảm (Parihànam) (Tạp 24,28, Ðại 2,175b) (S.v,173)
1-2) Trú tại Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta...
3) -- Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khiến cho Diệu pháp bị tổn giảm? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khiến cho Diệu pháp không bị tổn giảm?
... (giống như kinh trước, chỉ thay đổi câu hỏi và câu trả lời).
24. IV. Thanh Tịnh (Tạp 24,2, Ðại 2,171a) (S.v,173)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này.
25. V. Bà La Môn (S.v,174)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Cấp Cô Ðộc.
2) Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
3) -- Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?
4-6) (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).
7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
26. VI. Một Phần (Tạp 24,26, Ðại 2,175a) (S.v,174)
1) Một thời Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahà Moggalàna và Tôn giả Anuruddha trú ở Sàketa, tại rừng Kantakii.
2) Rồi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sāriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:
3) -- "Hữu học, hữu học", thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là hữu học?
-- Do tu tập một phần bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc hữu học. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do tu tập một phần bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc hữu học.
27. VII. Hoàn Toàn (Samattam) (S.v,175)
1-2)... (như kinh trên, số 1 và 2)...
3) -- "Vô học, vô học", thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là bậc vô học?
-- Do tu tập hoàn toàn bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc vô học. Thế nào là bốn?
4). .. (như kinh trên, số 4; chỉ đoạn sau có khác: Do tu tập một cách hoàn toàn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc vô học)
28. VIII. Thế Giới (S.v,175)
1-2) ... (như kinh trên, số 1 và 2)
3) -- Do tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, thưa Hiền giả Anuruddha, đại thắng trí được đạt tới?
-- Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, đại thắng trí được đạt tới. Thế nào là bốn?
4). .. (như kinh trên, số 4; chỉ khác đoạn cuối: Chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, tôi đạt được đại thắng trí).
5) Và thưa Hiền giả, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thắng tri được ngàn thế giới.
29. IX. Sirivaddha (Tạp 37,13, Ðại 2,270b) (S.v,176)
1) Một thời Tôn giả Ananda trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi gia chủ Sirivaddha bảo một người:
-- Hãy đến, này Bạn. Hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda và thưa: "Thưa Tôn giả, gia chủ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và thưa như vầy: ‘Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha vì lòng từ mẫn"".
-- Thưa vâng, Gia chủ.
Người ấy vâng đáp gia chủ Sirivaddha, đi đến Tôn giả Ananda.
4) Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị ấy thưa với Tôn giả Ananda:
-- Thưa Tôn giả Ananda, gia chủ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda và thưa: "Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha vì lòng từ mẫn".
Tôn giả Ananda im lặng nhận lời.
5) Rồi Tôn giả Ananda đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda nói với gia chủ Sirivaddha:
6) -- Này Gia chủ, Gia chủ có thể kham nhẫn được chăng? Gia chủ có thể chịu đựng được chăng? Có phải các khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không có tăng trưởng?
-- Thưa Tôn giả, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Các khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu; có dấu hiệu tăng trưởng, không có giảm thiểu.
7) -- Vậy, này Gia chủ, hãy tự học tập như sau: "Tôi sẽ trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tôi sẽ trú, quán thọ trên các cảm thọ... Tôi sẽ trú, quán tâm trên tâm... Tôi sẽ trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời". Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập.
8) -- Thưa Tôn giả, bốn niệm xứ này được Thế Tôn thuyết giảng, những pháp ấy có ở trong con, và con hiện thực hành những pháp ấy. Thưa Tôn giả, con trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Con trú, quán thọ trên các cảm thọ... Con trú, quán tâm trên tâm... Con trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
9) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào mà không được đoạn tận ở nơi con.
10) -- Lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất lai.
30. X. Mànadinna (Tạp 37,16, Ðại 2,270c) (S.v,178)
1) Nhân duyên giống như trên.
2) Lúc bấy giờ, gia chủ Mànadinna bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3-6) Rồi gia chủ Mànadinna gọi một người và bảo...
7) -- Dầu cho con phải cảm giác những khổ thọ như vậy, con vẫn trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
8) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào chưa được đoạn tận nơi con.
9) -- Thật lợi đắc thay, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất lai. IV. Phẩm Chưa Từng Ðược Nghe
31. I. Chưa Từng Ðược Nghe (S.v,178)
1-2) Nhân duyên ở Sāvatthi...
3) -- "Quán thân trên thân này", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh. Quán thân trên thân cần phải tu tập này... Quán thân trên thân đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh.
4) "Quán thọ trên các cảm thọ này"...
5) "Quán tâm trên tâm này"...
6) "Quán pháp trên các pháp này", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh. Quán pháp trên pháp cần phải tu tập này... Quán pháp trên pháp đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh.
32. II. Ly Tham (Tạp 24,34, Ðại 2,276a) (S.v,179)
1-2) Tại Sāvatthi...
3) -- Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu tu tập, nếu làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
33. III. Thối Thất (Viraddha) (S.v,179)
1-2)...
3) -- Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ bị thối thất, đối với những người ấy, cũng bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.
4) Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được thực hành, đối với những người ấy, cũng được thực hành là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này bị thối thất, thời cũng thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt đau khổ. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được thực hành, thời cũng được thực hành là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.
34. IV. Tu Tập (S.v,180)
1-2) Tại Sāvatthi...
3) -- Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua đến bờ bên kia. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua đến bờ bên kia.
35.V. Niệm (S.v,180)
1-2) Tại Sāvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết rõ ràng các cảm thọ khởi lên, biết rõ ràng các cảm thọ an trú, biết rõ ràng các cảm thọ đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tưởng khởi lên, biết rõ ràng các tưởng an trú, biết rõ ràng các tưởng đi đến tiêu mất. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.
6) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
36. VI. Chánh Trí (S.v,181)
1-2) Tại Sāvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn niệm xứ.
4) Do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là một trong hai quả: Ngay trong hiện tại, chứng được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.
37. VII. Ước Muốn (Chandam) (S.v,182)
1-2) Tại Sāvatthi...
3)-- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, ước muốn đối với thân được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.
5) Vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ... Do vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ, ước muốn đối với thọ được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.
6) Vị ấy trú, quán tâm trên tâm... Do vị ấy trú, quán tâm trên tâm, ước muốn đối với tâm được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.
7) Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp... Do vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, ước muốn đối với các pháp được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.
38. VIII. Liễu Tri (S.v,182)
1)...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, thân được liễu tri. Do liễu tri thân nên chứng ngộ được bất tử... (Cũng vậy, đối với thọ, đối với tâm, đối với pháp).
39. IX. Tu Tập (Tạp 24,2, Ðại 2,171a) (S.v,182)
1)...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tu tập bốn niệm xứ?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðối với các thọ... Ðối với tâm... Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập bốn niệm xứ này.
40. X. Phân Biệt (S.v,183)
1)...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về niệm xứ, tu tập bốn niệm xứ và đạo lộ đưa đến tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm xứ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm xứ.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tu tập bốn niệm xứ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán tánh tập khởi trên thân; trú, quán tánh đoạn diệt trên thân; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các cảm thọ; trú, quán tánh đoạn diệt trên các cảm thọ; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các cảm thọ... trú, quán tánh tập khởi trên tâm... trú, quán tánh tập khởi trên các pháp; trú, quán tánh đoạn diệt trên các pháp; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tu tập bốn niệm xứ.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo lộ đưa đến sự tu tập bốn niệm xứ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo lộ đưa đến tu tập bốn niệm xứ. V. Phẩm Bất Tử
41. I. Bất Tử (Tạp 24,4 Ðại 2,171a) (S.v,184)
1) Tại Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, hãy trú, với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử.
42. II. Tập Khởi (Tạp 24,5, Ðại 2,171a) (S.v,184)
1). ..
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tập khởi của thân? Sự tập khởi của món ăn là sự tập khởi của thân. Sự đoạn diệt các món ăn là sự đoạn diệt của thân.
4) Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Sự đoạn diệt của xúc là sự chấm dứt của thọ.
5) Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của tâm. Sự đoạn diệt của danh sắc là sự chấm dứt của tâm.
6) Sự tập khởi của tác ý là sự tập khởi của các pháp. Sự đoạn diệt của tác ý là sự chấm dứt của các pháp.
43. III. Con Ðường (S.V,185)
1) Tại Sāvatthi...
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới cây bàng Ajapàla, khi vừa mới được giác ngộ.
3) Này các Tỷ-kheo, trong khi độc cư Thiền tịnh, tâm niệm, tư tưởng như sau khởi lên nơi Ta: "Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, giúp vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân... Hãy trú, quán thọ trên các thọ... Hãy trú, quán tâm trên tâm... Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là bốn niệm xứ.
4) Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm niệm suy tư của Ta, ví như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên và hiện ra trước mặt Ta.
5) Rồi, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Ta và thưa với Ta: "Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ".
6) Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy, nói vậy xong, lại nói thêm như sau:
Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh,
Bậc đại từ lân mẫn,
Rõ biết chính con đường.
Chính với con đường này,
Trước đã vượt được qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Và hiện vượt bộc lưu.
44. IV. Niệm (S.v,186)
1) Tại Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
4) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
45. V. Ðống Thiện (Tạp 24. 8, Ðại 2,171b) (S.v,186)
1)...
2) -- Nói đến "Ðống thiện", này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ.
Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
4) Nói đến "Ðống thiện", này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ này. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, chính là bốn niệm xứ.
46. VI. Pàtimokkha (S.v,187)
1)...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến... Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp từ Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
-- Vậy này Tỷ-kheo, hãy làm cho thanh tịnh căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là căn bản trong các thiện pháp?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pàtimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh (àcàragocarasampanno), thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới. Này Tỷ-kheo, sau khi sống, hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới rồi, này Tỷ-kheo, y cứ trên giới, an trú trên giới, hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân... Hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ... Hãy trú, quán tâm trên tâm... Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
6) Khi nào, này Tỷ-kheo, Ông y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.
7) Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết...
8) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình...
9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
47. VII. Ác Hành (Tạp 24,11, Ðại 2,172a) (S.v,188)
1)...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
-- Vậy, này Tỷ-kheo, Ông hãy làm cho thanh tịnh những căn bản trong các thiện pháp. Và thế nào là căn bản trong các thiện pháp?
4) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn tận thân ác hành, hãy tu tập thân thiện hành. Sau khi đoạn tận khẩu ác hành, hãy tu tập khẩu thiện hành. Sau khi đoạn tận ý ác hành, hãy tu tập ý thiện hành. Rồi này Tỷ-kheo, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên thân... Ông hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ... Ông hãy trú, quán tâm trên tâm... Ông hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
6) Này Tỷ-kheo, sau khi y cứ trên giới, an trú trên giới, Ông tu tập bốn niệm xứ này như vậy; thời này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.
7-8). .. (như trên)...
9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
48. VIII. Thân Hữu (S.v,189)
1) Tại Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu hay bà con, hay huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ.
49. IX. Các Cảm Thọ (S.v,189)
1) Tại Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.
3) Vì muốn liễu tri ba thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
5) Chính để liễu tri ba cảm thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
50. X. Các Lậu Hoặc (S.v,189)
1)...
2) -- Có ba lậu hoặc, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đây ba là lậu hoặc.
3) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
5) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải được tu tập. VI. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết
(Ðoạn này và bốn mục kế tiếp, cho đến cuối Tương Ưng này, đều được tóm tắt trong nguyên bản, chỉ có tên kinh mà thôi, trừ 51-62, I-XII)
51-62. I-XII. (S.v,190)
1)...
2) -- Ví như sông Hằng, này các Tỷ-kheo, thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông... Cũng vậy, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ... xuôi về Niết-bàn.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo... Niết-bàn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp... Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo... xuôi về Niết-bàn.
(Tóm tắt các đề kinh)
(Sáu hướng về Ðông và sáu hướng về biển. Hai lần sáu thành mười hai, và mục này được gọi là như vậy. Các kinh được thuyết rộng về bốn niệm xứ, như các kinh trước). VII. Phẩm Không Phóng Dật
63-72. I-X. (S.v,191)
Gồm các kinh:
Như Lai, Dấu Chân, Nóc Nhọn, Rễ Cây. Lõi Cây, Hoa Mưa Sanh, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Vải, tất cả là mười kinh.
(Các kinh này được thuyết rộng theo bốn niệm xứ). VIII. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh
73-82. I-X. (S.v,191)
Gồm các kinh:
Quả, Chủng Tử, Rồng, Cây, Ghè, Râu Mì, Hư Không, Khách, Sông. IX. Phẩm Tầm Cầu
83-93. I-XI. (S.v,192)
Gồm các kinh:
Tầm Cầu, Kiêu Mạn, Lậu Hoặc, Khổ Tánh, Ba Chướng Ngại (khila), Cấu Uế, Khổ và Thọ, Ái và Khát, thành phẩm Tầm Cầu. X. Phẩm Bộc Lưu
93-102. (I-IX) (S.v,191)
103. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,191)
1)...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm thượng phần kiết sử.
3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
5) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn niệm xứ này phải tu tập.
(Các đề kinh: Bộc Lưu, Ách, Chấp Thủ, Hệ Phược, Tùy Miên, Dục Công Ðức, Triền Cái, Uẩn, Thượng, Hạ Phần Kiết Sử).
Chapter III. Connected Discourses on the Establishments of Mindfulness
Translated by: Bhikkhu Boddhi
AMBAPALĪ
1 (1) Ambapālī
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in Ambapālī’s Grove. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”122
“Venerable sir!” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, this is the one-way path for the purification of beings, for the
overcoming of sorrow and lamentation, for the passing away of pain and
displeasure, for the achievement of the method, for the realization of Nibbāna, that is, the four establishments of mindfulness.123 What four?
“Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.124 He dwells contemplating feelings in feelings, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating mind in mind, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating phenomena in phenomena, ardent, clearly
comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“This, bhikkhus, is the one-way path for the purification of beings, for the overcoming of sorrow and lamentation, for the passing away of pain and displeasure, for the achievement of the method, for the realization of Nibbāna, that is, the four establishments of mindfulness.”
This is what the Blessed One said. Elated, those bhikkhus delighted in the Blessed One’s statement. [142]
2 (2) Mindful
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in Ambapālī’s Grove. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful and clearly comprehending:
this is our instruction to you.125
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu mindful? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu is mindful.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu exercise clear comprehension? Here, bhikkhus, a bhikkhu is one who acts with clear comprehension when going forward and returning; when looking ahead and looking aside; when drawing in and extending the limbs; when wearing his robes and carrying his outer robe and bowl; when eating, drinking, chewing his food, and tasting; when defecating and urinating; when walking, standing, sitting, falling asleep, waking up, speaking, and keeping silent. It is in such a way that a bhikkhu exercises clear comprehension.
“Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful and clearly comprehending.
This is our instruction to you.”
3 (3) A Bhikkhu
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One,
[143] I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“It is in just such a way that some foolish persons here make requests of me, but when the Dhamma has been spoken to them, they think only of following me around.”126
“Let the Blessed One teach me the Dhamma in brief! Let the Fortunate One teach me the Dhamma in brief! Perhaps I may understand the meaning of the Blessed One’s statement; perhaps I may become an heir of the Blessed One’s statement.”
“Well then, bhikkhu, purify the very starting point of wholesome states. And what is the starting point of wholesome states? Virtue that is well purified and view that is straight.127 Then, bhikkhu, when your virtue is well purified and your view straight, based upon virtue, established upon virtue, you should develop the four establishments of mindfulness in a threefold way.
“What four? Here, bhikkhu, dwell contemplating the body in the body internally, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell contemplating the body in the body externally, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell contemplating the body in the body internally and externally, ardent, clearly
comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.128
“Dwell contemplating feelings in feelings internally … externally … internally and externally, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell contemplating mind in mind internally … externally … internally and externally, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell contemplating phenomena in phenomena, internally … externally … internally and externally, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“When, bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, you develop these four establishments of mindfulness thus in a threefold way, then, whether night or day comes, you may expect only growth in wholesome states, not decline.”
Then that bhikkhu, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s statement, [144] rose from his seat and, after paying homage to the Blessed One, he departed keeping him on his right.
Then, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, that bhikkhu, by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And that bhikkhu became one of the arahants.
4 (4) At Sālā
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Kosalans at the brahmin village of Sālā. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, those bhikkhus who are newly ordained, not long gone forth, recently come to this Dhamma and Discipline, should be exhorted, settled, and established by you in the development of the four establishments of mindfulness. What four?
“‘Come, friends, dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, unified, with limpid mind, concentrated, with one- pointed mind, in order to know the body as it really is. Dwell contemplating feelings in feelings … in order to know feelings as they really are. Dwell contemplating mind in mind … in order to know mind as it really is. Dwell contemplating phenomena in phenomena … in order to know phenomena as they really are.’ [145]
“Bhikkhus, those bhikkhus who are trainees, who have not attained their mind’s ideal, who dwell aspiring for the unsurpassed security from bondage: they too dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, unified, with limpid mind, concentrated, with one-pointed mind, in order to fully understand the body as it really is. They too dwell contemplating feelings in feelings … in order to fully understand feelings as they really are. They too dwell contemplating mind in mind … in order to fully understand mind as it really is. They too dwell contemplating phenomena in phenomena … in order to fully understand phenomena as they really are.
“Bhikkhus, those bhikkhus who are arahants, whose taints are destroyed, who have lived the holy life, done what had to be done, laid down the burden, reached their own goal, utterly destroyed the fetters of existence, and are completely liberated through final knowledge: they too dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, unified, with limpid mind, concentrated, with one-pointed mind, detached from the body. They too dwell contemplating feelings in feelings … detached from feelings. They too dwell contemplating mind in mind … detached from mind. They too dwell contemplating phenomena in phenomena … detached from phenomena.
“Bhikkhus, those bhikkhus who are newly ordained, not long gone forth, recently come to this Dhamma and Discipline, should be exhorted, settled, and established by you in the development of these four establishments of mindfulness.”
5 (5) A Heap of the Wholesome
At Sāvatthī. There the Blessed One said this: “Bhikkhus, if one were to say of anything ‘a heap of the unwholesome,’ it is about the five hindrances that one could rightly say this. For this is a complete heap of the unwholesome, that is, the five hindrances. What five? [146] The hindrance of sensual desire, the hindrance of ill will, the hindrance of sloth and torpor, the hindrance of restlessness and remorse, the hindrance of doubt. If one were to say of anything ‘a heap of the unwholesome,’ it is about these five hindrances that one could rightly say this. For this is a complete heap of the unwholesome, that is, the five hindrances.
“If, bhikkhus, one were to say of anything ‘a heap of the wholesome, ’ it is about the four establishments of mindfulness that one could rightly say this. For this is a complete heap of the wholesome, that is, the four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.129 If one were to say of anything ‘a heap of the wholesome, ’ it is about these four establishments of mindfulness that one could rightly say this. For this is a complete heap of the wholesome, that is, the four establishments of mindfulness.”
6 (6) The Hawk
“Bhikkhus, once in the past a hawk suddenly swooped down and seized a quail.130 Then, while the quail was being carried off by the hawk, he lamented: ‘We were so unlucky, of so little merit! We strayed out of our own resort into the domain of others. If we had stayed in our own resort today, in our own ancestral domain, this hawk wouldn’t have stood a chance against me in a fight.’ - ‘But what is your own resort, quail, what is your own ancestral domain?’ - ‘The freshly ploughed field covered with clods of soil.’ [147]
“Then the hawk, confident of her own strength, not boasting of her own strength,131 released the quail, saying: ‘Go now, quail, but even there you won’t escape me.’
“Then, bhikkhus, the quail went to a freshly ploughed field covered with clods of soil. Having climbed up on a large clod, he stood there and addressed the hawk: ‘Come get me now, hawk! Come get me now, hawk!’
“Then the hawk, confident of her own strength, not boasting of her own strength, folded up both her wings and suddenly swooped down on the quail. But when the quail knew, ‘That hawk has come close,’ he slipped inside that clod, and the hawk shattered her breast right on the spot. So it is, bhikkhus, when one strays outside one’s own resort into the domain of others.
“Therefore, bhikkhus, do not stray outside your own resort into the domain of others. Māra will gain access to those who stray outside their own resort into the domain of others; Māra will get a hold on them.132 [148]
“And what is not a bhikkhu’s own resort but the domain of others? It is the five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. Sounds cognizable by the ear … Odours cognizable by the nose
… Tastes cognizable by the tongue … Tactile objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. This is what is not a bhikkhu’s own resort but the domain of others.
“Move in your own resort, bhikkhus, in your own ancestral domain. Māra will not gain access to those who move in their own resort, in their own ancestral domain; Māra will not get a hold on them.
“And what is a bhikkhu’s resort, his own ancestral domain? It is the four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is a bhikkhu’s resort, his own ancestral domain.”
7 (7) The Monkey
“Bhikkhus, in the Himalayas, the king of mountains, there are rugged and uneven zones where neither monkeys nor human beings can go; there are rugged and uneven zones where monkeys can go but not human beings; there are even and delightful regions where both monkeys and human beings can go. There, along the monkey trails, hunters set out traps of pitch for catching monkeys.
“Those monkeys who are not foolish and frivolous, when they see the pitch, avoid it from afar. But a monkey who is foolish and frivolous approaches the pitch and seizes it with his hand; he gets caught there. Thinking, ‘I will free my hand,’ he seizes it with his other hand; he gets caught there. Thinking, ‘I will free both hands,’ he seizes it with his foot; he gets caught there. Thinking, ‘I will free both hands and my foot,’ he seizes it with his other foot; he gets caught there.’ Thinking, ‘I will free both hands and feet,’ he applies his muzzle to it; he gets caught there.
“Thus, bhikkhus, that monkey, trapped at five points, lies there screeching. He has met with calamity and disaster and the hunter can do with him as he wishes. [149] The hunter spears him, fastens him to that
same block of wood,133 and goes off where he wants. So it is, bhikkhus, when one strays outside one’s own resort into the domain of others.
“Therefore, bhikkhus, do not stray outside your own resort into the domain of others. Māra will gain access to those who stray outside their own resort into the domain of others; Māra will get a hold on them.
“And what is not a bhikkhu’s own resort but the domain of others? It is the five cords of sensual pleasure…. (as above) … This is what is not a bhikkhu’s own resort but the domain of others.
“Move in your own resort, bhikkhus, in your own ancestral domain. Māra will not gain access to those who move in their own resort, in their own ancestral domain; Māra will not get a hold on them.
“And what is a bhikkhu’s resort, his own ancestral domain? It is the four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is a bhikkhu’s resort, his own ancestral domain.”
8 (8) The Cook
The incompetent cook)
“Bhikkhus, suppose a foolish, incompetent, unskilful cook were to present a king or a royal minister with various kinds of curries: sour, bitter, pungent, sweet, sharp, mild, salty, bland. [150]
“That foolish, incompetent, unskilful cook does not pick up the sign of his own master’s preference:134 ‘Today this curry pleased my master, or he reached for this one, or he took a lot of this one, or he spoke in praise of this one; or the sour curry pleased my master today, or he reached for the sour
one, or he took a lot of the sour one, or he spoke in praise of the sour one; or the bitter curry … or the pungent curry … or the sweet curry … or the sharp curry … or the mild curry … or the salty curry … or the bland curry pleased my master … or he spoke in praise of the bland one.’
“That foolish, incompetent, unskilful cook does not gain [gifts of] clothing, wages, and bonuses. For what reason? Because that foolish, incompetent, unskilful cook does not pick up the sign of his own master’s preference.
“So too, bhikkhus, here some foolish, incompetent, unskilful bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. While he dwells contemplating the body in the body, his mind does not become concentrated, his corruptions are not abandoned, he does not pick up that sign.135 He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. While he dwells contemplating phenomena in phenomena, his mind does not become concentrated, his corruptions are not abandoned, he does not pick up that sign.
“That foolish, incompetent, unskilful bhikkhu does not gain pleasant dwellings in this very life, nor does he gain [151] mindfulness and clear comprehension. For what reason? Because, bhikkhus, that foolish, incompetent, unskilful bhikkhu does not pick up the sign of his own mind.
(ii. The competent cook)
“Suppose, bhikkhus, a wise, competent, skilful cook were to present a king or a royal minister with various kinds of curries: sour, bitter, pungent, sweet, sharp, mild, salty, bland.136
“That wise, competent, skilful cook picks up the sign of his own master’s preference: ‘Today this curry pleased my master … or he spoke in praise of the bland one.’
“That wise, competent, skilful cook gains [gifts of] clothing, wages, and bonuses. For what reason? Because that wise, competent, skilful cook picks up the sign of his own master’s preference.
“So too, bhikkhus, here some wise, competent, skilful bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. While he dwells contemplating the body in the body, his mind becomes concentrated, his corruptions [152] are abandoned, he picks up that sign. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. While he dwells contemplating phenomena in phenomena, his mind becomes concentrated, his corruptions are abandoned, he picks up that sign.
“That wise, competent, skilful bhikkhu gains pleasant dwellings in this very life, and he gains mindfulness and clear comprehension. For what reason? Because, bhikkhus, that wise, competent, skilful bhikkhu picks up the sign of his own mind.”
9 (9) Ill
Thus have I heard.137 On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in Beluvagāmaka. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Come, bhikkhus, enter upon the rains wherever you have friends, acquaintances, and intimates in the vicinity of Vesālī. I myself will enter upon the rains right here in Beluvagāmaka.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied, and they entered upon the rains wherever they had friends, acquaintances, and intimates in the vicinity of Vesālī, while the Blessed One entered upon the rains right there in Beluvagāmaka.
Then, when the Blessed One had entered upon the rains, a severe illness arose in him and terrible pains bordering on death assailed him. But the Blessed One endured them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed. Then the thought occurred to the Blessed One: “It is not proper for me to attain final Nibbāna without having addressed my attendants and taken leave of the Bhikkhu Sarigha. Let me then suppress this illness by means of energy and live on, having resolved upon the life formation.”138 [153] Then the Blessed One suppressed that illness by means of energy and lived on, having resolved upon the life formation.
The Blessed One then recovered from that illness. Soon after he had recovered, he came out from his dwelling and sat down in the seat that had been prepared in the shade behind the dwelling. The Venerable Ānanda then approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “It’s splendid, venerable sir, that the Blessed One is bearing up, splendid that he has recovered!139 But, venerable sir, when the Blessed One was ill my body seemed as if it were drugged, I had become disoriented, the teachings were not clear to me. Nevertheless, I had this much consolation: that the Blessed One would not attain final Nibbāna without having made some pronouncement concerning the Bhikkhu Sarigha.”
“What does the Bhikkhu Sarigha now expect from me, Ānanda? I have taught the Dhamma, Ānanda, without making a distinction between inside and outside.140 The Tathāgata has no closed fist of a teacher in regard to the teachings. If, Ānanda, anyone thinks, ‘I will take charge of the Bhikkhu Sarigha,’ or ‘The Bhikkhu Sarigha is under my direction,’ it is he who should make some pronouncement concerning the Bhikkhu Sarigha. But, Ānanda, it does not occur to the Tathāgata, ‘I will take charge of the Bhikkhu Sarigha,’ or ‘The Bhikkhu Sarigha is under my direction, ’ so why should the Tathāgata make some pronouncement concerning the Bhikkhu Sarigha? Now I am old, Ānanda, aged, burdened with years, advanced in life, come to the last stage. My age is now turning eighty. Just as an old cart
keeps going by a combination of straps,141 so it seems the body of the Tathāgata keeps going by a combination of straps. [154]
“Whenever, Ānanda, by nonattention to all signs and by the cessation of certain feelings, the Tathāgata enters and dwells in the signless concentration of mind, on that occasion, Ānanda, the body of the Tathāgata is more comfortable.142 Therefore, Ānanda, dwell with yourselves as your own island, with yourselves as your own refuge, with no other refuge; dwell with the Dhamma as your island, with the Dhamma as your refuge, with no other refuge. And how, Ānanda, does a bhikkhu dwell with himself as his own island, with himself as his own refuge, with no other refuge; with the Dhamma as his island, with the Dhamma as his refuge, with no other refuge? Here, Ānanda, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“Those bhikkhus, Ānanda, either now or after I am gone, who dwell with themselves as their own island, with themselves as their own refuge, with no other refuge; with the Dhamma as their island, with the Dhamma as their refuge, with no other refuge—it is these bhikkhus, Ānanda, who will be for me topmost of those keen on the training.”143
10 (10) The Bhikkhunīs’ Quarter
Then in the morning the Venerable Ānanda dressed and, taking bowl and robe, he approached the bhikkhunīs’ quarters and sat down in the appointed seat. Then a number of bhikkhunīs approached the Venerable Ānanda, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Here, Venerable Ānanda, a number of bhikkhunīs, dwelling with their minds well established in the four establishments of mindfulness, perceive successively loftier stages of distinction.”144 [155]
“So it is, sisters, so it is! It may be expected of anyone, sisters—whether bhikkhu or bhikkhunī—who dwells with a mind well established in the four establishments of mindfulness, that such a one will perceive successively loftier stages of distinction.”
Then the Venerable Ānanda instructed, exhorted, inspired, and gladdened those bhikkhunīs with a Dhamma talk, after which he rose from his seat and left. Then the Venerable Ānanda walked for alms in Sāvatthī. When he had returned from the alms round, after his meal he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported all that had happened. [The Blessed One said:]
“So it is, Ānanda, so it is! It may be expected of anyone, Ānanda— whether bhikkhu or bhikkhunī—who dwells with a mind well established in the four establishments of mindfulness, that such a one will perceive successively loftier stages of distinction.
“What four? Here, Ānanda, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. [156] While he is contemplating the body in the body, there arises in him, based on the body, either a fever in the body or sluggishness of mind, or the mind is distracted outwardly. That bhikkhu should then direct his mind towards some inspiring sign.145 When he directs his mind towards some inspiring sign, gladness is born. When he is gladdened, rapture is born. When the mind is uplifted by rapture, the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated. He reflects thus: ‘The purpose for the sake of which I directed my mind has been achieved. Let me now withdraw it.’146 So he withdraws the mind and does not think or examine. He understands: ‘Without thought and examination, internally mindful, I am happy.’147
“Again, a bhikkhu dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. While he is contemplating phenomena in phenomena, there arises in him, based on phenomena, either a fever in the body or sluggishness of
mind, or the mind is distracted outwardly. That bhikkhu should then direct his mind towards some inspiring sign. When he directs his mind towards some inspiring sign … He understands: ‘Without thought and examination, internally mindful, I am happy.’
“It is in such a way, Ānanda, that there is development by direction.148 [157]
“And how, Ānanda, is there development without direction? Not directing his mind outwardly, a bhikkhu understands: ‘My mind is not directed outwardly.’ Then he understands: ‘It is unconstricted after and before, liberated, undirected.’149 Then he further understands: ‘I dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful; I am happy.’
“Not directing his mind outwardly, a bhikkhu understands: ‘My mind is not directed outwardly.’ Then he understands: ‘It is unconstricted after and before, liberated, undirected.’ Then he further understands: ‘I dwell contemplating feelings in feelings, ardent, clearly comprehending, mindful; I am happy.’
“Not directing his mind outwardly, a bhikkhu understands: ‘My mind is not directed outwardly.’ Then he understands: ‘It is unconstricted after and before, liberated, undirected.’ Then he further understands: ‘I dwell contemplating mind in mind, ardent, clearly comprehending, mindful; I am happy.’
“Not directing his mind outwardly, a bhikkhu understands: ‘My mind is not directed outwardly.’ Then he understands: ‘It is unconstricted after and before, liberated, undirected.’ Then he further understands: ‘I dwell contemplating phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful; I am happy.’
“It is in this way, Ānanda, that there is development without direction. “Thus, Ānanda, I have taught development by direction, I have taught
development without direction. Whatever should be done, Ānanda, by a
compassionate teacher out of compassion for his disciples, desiring their welfare, that I have done for you. These are the feet of trees, Ānanda, these
are empty huts. Meditate, Ānanda, do not be negligent, lest you regret it later. This is our instruction to you.”
This is what the Blessed One said. Elated, the Venerable Ānanda delighted in the Blessed One’s statement.
[158] II. NALANDA
11 (1) A Great Man
At Sāvatthī. Then the Venerable Sāriputta approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, it is said, ‘a great man, a great man.’150 In what way, venerable sir, is one a great man?”
“With a liberated mind, I say, Sāriputta, one is a great man. Without a liberated mind, I say, one is not a great man.
“And how, Sāriputta, does one have a liberated mind? Here, Sāriputta, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells contemplating the body in the body, the mind becomes dispassionate, and by nonclinging it is liberated from the taints.
“He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells contemplating phenomena in phenomena, the mind becomes dispassionate, and by nonclinging it is liberated from the taints.
“It is in such a way, Sāriputta, that one has a liberated mind. With a liberated mind, I say, Sāriputta, one is a great man. Without a liberated mind, I say, one is not a great man.” [159]
12 (2) Nālandā
On one occasion the Blessed One was dwelling at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove.151 Then the Venerable Sāriputta approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, I have such confidence in the Blessed One that I believe there has not been nor ever will be nor exists at present another ascetic or brahmin more knowledgeable than the Blessed One with respect to enlightenment.”
“Lofty indeed is this bellowing utterance of yours, Sāriputta, you have roared a definitive, categorical lion’s roar:152 ‘Venerable sir, I have such confidence in the Blessed One that I believe there has not been nor ever will be nor exists at present another ascetic or brahmin more knowledgeable than the Blessed One with respect to enlightenment.’ Have you now, Sāriputta, encompassed with your mind the minds of all the Arahants, the Perfectly Enlightened Ones, arisen in the past and known thus: ‘Those Blessed Ones were of such virtue, or of such qualities, or of such wisdom, or of such dwellings, or of such liberation’?”153
“No, venerable sir.”
“Then, Sāriputta, have you encompassed with your mind the minds of all the Arahants, the Perfectly Enlightened Ones, who will arise in the future and known thus: ‘Those Blessed Ones will be of such virtue, or of such qualities, or of such wisdom, or of such dwellings, or of such liberation’?” [160]
“No, venerable sir.”
“Then, Sāriputta, have you encompassed with your mind my own mind
—I being at present the Arahant, the Perfectly Enlightened One—and known thus: ‘The Blessed One is of such virtue, or of such qualities, or of such wisdom, or of such dwellings, or of such liberation’?”
“No, venerable sir.”
“Sāriputta, when you do not have any knowledge encompassing the minds of the Arahants, the Perfectly Enlightened Ones of the past, the future, and the present, why do you utter this lofty, bellowing utterance and roar this definitive, categorical lion’s roar: ‘Venerable sir, I have such confidence in the Blessed One that I believe there has not been nor ever will be nor exists at present another ascetic or brahmin more knowledgeable than the Blessed One with respect to enlightenment’?”
“I do not have, venerable sir, any knowledge encompassing the minds of the Arahants, the Perfectly Enlightened Ones of the past, the future, and the present, but still I have understood this by inference from the Dhamma.154 Suppose, venerable sir, a king had a frontier city with strong ramparts, walls, and arches, and with a single gate. The gatekeeper posted there would be wise, competent, and intelligent; one who keeps out strangers and admits acquaintances. While he is walking along the path that encircles the city he would not see a cleft or an opening in the walls even big enough for a cat to slip through. He might think: ‘Whatever large creatures enter or leave this city, all enter and leave through this one gate.’
“So too, venerable sir, I have understood this by inference from the Dhamma: Whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones arose in the past, all those Blessed Ones had first abandoned the five hindrances, corruptions of the mind and weakeners of wisdom; and then, with their minds well established in the four establishments of mindfulness, [161] they had developed correctly the seven factors of enlightenment; and thereby they had awakened to the unsurpassed perfect enlightenment.155 And, venerable sir, whatever Arahants, Perfectly Enlightened Ones will arise in the future, all those Blessed Ones will first abandon the five hindrances, corruptions of the mind and weakeners of wisdom; and then, with their minds well established in the four establishments of mindfulness, they will develop correctly the seven factors of enlightenment; and thereby they will awaken to the unsurpassed perfect enlightenment. And, venerable sir, the Blessed One, who is at present the Arahant, the Perfectly Enlightened One, first abandoned the five hindrances, corruptions of the mind and weakeners of wisdom; and then, with his mind well established in the four establishments
of mindfulness, he developed correctly the seven factors of enlightenment; and thereby he has awakened to the unsurpassed perfect enlightenment.”
“Good, good, Sāriputta! Therefore, Sāriputta, you should repeat this Dhamma exposition frequently to the bhikkhus and the bhikkhunīs, to the male lay followers and the female lay followers. Even though some foolish people may have perplexity or uncertainty regarding the Tathāgata, when they hear this Dhamma exposition their perplexity or uncertainty regarding the Tathāgata will be abandoned.”156
13 (3) Cunda
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park.157 Now on that occasion the Venerable Sāriputta was dwelling among the Magadhans at Nālakagāma—sick, afflicted, gravely ill—and the novice Cunda was his attendant.158 Then, because of that illness, the Venerable Sāriputta attained final Nibbāna.
The novice Cunda, taking the Venerable Sāriputta’s bowl and robe, went to Sāvatthī, to Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There he approached the Venerable Ānanda, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: [162] “Venerable sir, the Venerable Sāriputta has attained final Nibbāna. This is his bowl and robe.”
“Friend Cunda, we should see the Blessed One about this piece of news. Come, friend Cunda, let us go to the Blessed One and report this matter to him.”
“Yes, venerable sir,” the novice Cunda replied.
Then the Venerable Ānanda and the novice Cunda approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Venerable Ānanda then said to the Blessed One: “This novice Cunda, venerable sir, says that the Venerable Sāriputta has attained final Nibbāna, and this is his bowl and robe. Venerable sir, since I heard that the Venerable Sāriputta has
attained final Nibbāna, my body seems as if it has been drugged, I have become disoriented, the teachings are no longer clear to me.”159
“Why, Ānanda, when Sāriputta attained final Nibbāna, did he take away your aggregate of virtue, or your aggregate of concentration, or your aggregate of wisdom, or your aggregate of liberation, or your aggregate of the knowledge and vision of liberation?”160
“No, he did not, venerable sir. But for me the Venerable Sāriputta was an advisor and counsellor, one who instructed, exhorted, inspired, and gladdened me.161 He was unwearying in teaching the Dhamma; he was helpful to his brothers in the holy life. We recollect the nourishment of Dhamma, the wealth of Dhamma, the help of Dhamma given by the Venerable Sāriputta.”
“But have I not already declared, Ānanda, that we must be parted, separated, and severed from all who are dear and agreeable to us? [163] How, Ānanda, is it to be obtained here: ‘May what is born, come to be, conditioned, and subject to disintegration not disintegrate!’? That is impossible. It is just as if the largest branch would break off a great tree standing possessed of heartwood: so too, Ānanda, in the great Bhikkhu Sarigha standing possessed of heartwood, Sāriputta has attained final Nibbāna. How, Ānanda, is it to be obtained here: ‘May what is born, come to be, conditioned, and subject to disintegration not disintegrate!’? That is impossible.
“Therefore, Ānanda, dwell with yourselves as your own island, with yourselves as your own refuge, with no other refuge; dwell with the Dhamma as your island, with the Dhamma as your refuge, with no other refuge … (as in §9) … Those bhikkhus, Ānanda, either now or after I am gone, who dwell with themselves as their own island, with themselves as their own refuge, with no other refuge; who dwell with the Dhamma as their island, with the Dhamma as their refuge, with no other refuge—it is these bhikkhus, Ānanda, who will be for me topmost of those keen on the training.”
14 (4) Ukkacelā
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Vajjians at Ukkacelā on the bank of the river Ganges, together with a great Bhikkhu Sarigha, not long after Sāriputta and Moggallāna had attained final Nibbāna.162 Now on that occasion the Blessed One was sitting in the open air in the midst of the Bhikkhu Sarigha.
Then the Blessed One, having surveyed the silent Bhikkhu Sarigha, addressed the bhikkhus thus: [164]
“Bhikkhus, this assembly appears to me empty now that Sāriputta and Moggallāna have attained final Nibbāna. This assembly was not empty for me [earlier],163 and I had no concern for whatever quarter Sāriputta and Moggallāna were dwelling in.
“The Arahants, the Perfectly Enlightened Ones, who arose in the past also had just such a supreme pair of disciples as I had in Sāriputta and Moggallāna. The Arahants, the Perfectly Enlightened Ones, who will arise in the future will also have just such a supreme pair of disciples as I had in Sāriputta and Moggallāna.
“It is wonderful, bhikkhus, on the part of the disciples, it is amazing on the part of the disciples, that they will act in accordance with the Teacher’s instructions and comply with his admonitions, that they will be dear and agreeable to the four assemblies, that they will be revered and esteemed by them.164 It is wonderful, bhikkhus, on the part of the Tathāgata, it is amazing on the part of the Tathāgata, that when such a pair of disciples has attained final Nibbāna, there is no sorrow or lamentation in the Tathāgata.
“How, bhikkhus, is it to be obtained here: ‘May what is born, come to be, conditioned, and subject to disintegration not disintegrate! ’? That is impossible. It is just as if the largest branches would break off a great tree standing possessed of heartwood: so too, bhikkhus, in the great Bhikkhu Sarigha standing possessed of heartwood, Sāriputta and Moggallāna have attained final Nibbāna. How, bhikkhus, is it to be obtained here: ‘May what
is born, come to be, conditioned, and subject to disintegration not disintegrate!’? That is impossible.
“Therefore, bhikkhus, dwell with yourselves as your own island, with yourselves as your own refuge, with no other refuge; dwell with the Dhamma as your island, with the Dhamma as your refuge, with no other refuge … (as in §9) … [165] Those bhikkhus, either now or after I am gone, who dwell with themselves as their own island, with themselves as their own refuge, with no other refuge; with the Dhamma as their island, with the Dhamma as their refuge, with no other refuge—it is these bhikkhus who will be for me topmost of those keen on the training.”
(5) Bāhiya
At Sāvatthī. Then the Venerable Bāhiya approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“Well then, Bāhiya, purify the very starting point of wholesome states.165 And what is the starting point of wholesome states? Virtue that is well purified and view that is straight. Then, Bāhiya, when your virtue is well purified and your view is straight, based upon virtue, established upon virtue, you should develop the four establishments of mindfulness.
“What four? Here, Bāhiya, dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell contemplating feelings in feelings
… mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“When, Bāhiya, based upon virtue, established upon virtue, you develop these four establishments of mindfulness in such a way, then whether night
or day comes, you may expect only growth in wholesome states, not decline.” [166]
Then the Venerable Bāhiya, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s words, rose from his seat, and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on his right, he departed. Then, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, the Venerable Bāhiya, by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And the Venerable Bāhiya became one of the arahants.
(6) Uttiya
At Sāvatthī. Then the Venerable Uttiya approached the Blessed One … (all as in preceding sutta down to:) …
“When, Uttiya, based upon virtue, established upon virtue, you develop these four establishments of mindfulness in such a way, you will go beyond the realm of Death.”
Then the Venerable Uttiya, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s words, rose from his seat … (as in preceding sutta) … And the Venerable Uttiya became one of the arahants.
(7) Noble
“Bhikkhus, these four establishments of mindfulness, when developed and cultivated, are noble and emancipating; they lead the one who acts upon them out to the complete destruction of suffering. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in
feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. [167]
“These four establishments of mindfulness, bhikkhus, when developed and cultivated, are noble and emancipating; they lead the one who acts upon them out to the complete destruction of suffering.”
(8) Brahmā
On one occasion the Blessed One was dwelling at Uruvelā on the bank of the river Nerañjarā at the foot of the Goatherd’s Banyan Tree just after he had become fully enlightened. Then, while the Blessed One was alone in seclusion, a reflection arose in his mind thus: “This is the one-way path for the purification of beings, for the overcoming of sorrow and lamentation, for the passing away of pain and displeasure, for the achievement of the method, for the realization of Nibbāna, that is, the four establishments of mindfulness. What four? Here a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is the one-way path for the purification of beings … that is, the four establishments of mindfulness.”
Then Brahmā Sahampati, having known with his own mind the reflection in the Blessed One’s mind, just as quickly as a strong man might extend his drawn-in arm or draw in his extended arm, disappeared from the brahmā world and reappeared before the Blessed One.166 He arranged his upper robe over one shoulder, raised his joined hands in reverential salutation towards the Blessed One, and said to him: “So it is, Blessed One! So it is, Fortunate One! Venerable sir, this is the one-way path for the purification of beings … (all as above) [168] … that is, the four establishments of mindfulness.”
This is what Brahmā Sahampati said. Having said this, he further said this:
“The seer of the destruction of birth, Compassionate, knows the one-way path By which in the past they crossed the flood,
By which they will cross and cross over now.”
(9) Sedaka
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sumbhas, where there was a town of the Sumbhas named Sedaka. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, once in the past an acrobat set up his bamboo pole and addressed his apprentice Medakathālikā thus:167 ‘Come, dear Medakathālikā, climb the bamboo pole and stand on my shoulders.’ Having replied, ‘Yes, teacher,’ the apprentice Medakathālikā climbed up the bamboo pole and stood on the teacher’s shoulders. The acrobat then said to the apprentice Medakathālikā: ‘You protect me, dear Medakathālikā, and I’ll protect you. Thus [169] guarded by one another, protected by one another, we’ll display our skills, collect our fee, and get down safely from the bamboo pole.’ When this was said, the apprentice Medakathālikā replied: ‘That’s not the way to do it, teacher. You protect yourself, teacher, and I’ll protect myself. Thus, each self-guarded and self-protected, we’ll display our skills, collect our fee, and get down safely from the bamboo pole.’168
“That’s the method there,” the Blessed One said. “It’s just as the apprentice Medakathālikā said to the teacher. ‘I will protect myself,’ bhikkhus: thus should the establishments of mindfulness be practised. ‘I will protect others,’ bhikkhus: thus should the establishments of mindfulness be practised. Protecting oneself, bhikkhus, one protects others; protecting others, one protects oneself.
“And how is it, bhikkhus, that by protecting oneself one protects others? By the pursuit, development, and cultivation [of the four establishments of mindfulness]. It is in such a way that by protecting oneself one protects others.169
“And how is it, bhikkhus, that by protecting others one protects oneself? By patience, harmlessness, lovingkindness, and sympathy. It is in such a way that by protecting others one protects oneself.170
“‘I will protect myself,’ bhikkhus: thus should the establishments of mindfulness be practised. ‘I will protect others,’ bhikkhus: thus should the establishments of mindfulness be practised. Protecting oneself, bhikkhus, one protects others; protecting others, one protects oneself.”
(10) The Most Beautiful Girl of the Land
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was living among the Sumbhas, where there was a town of the Sumbhas named Sedaka. [170] There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” the bhikkhus replied. The Blessed One said this:171 “Bhikkhus, suppose that on hearing, ‘The most beautiful girl of the land!
The most beautiful girl of the land!’ a great crowd of people would assemble. Now that most beautiful girl of the land would dance exquisitely and sing exquisitely. On hearing, ‘The most beautiful girl of the land is dancing! The most beautiful girl of the land is singing!’ an even larger crowd of people would assemble.172 Then a man would come along, wishing to live, not wishing to die, wishing for happiness, averse to suffering. Someone would say to him: ‘Good man, you must carry around this bowl of oil filled to the brim between the crowd and the most beautiful girl of the land. A man with a drawn sword will be following right behind you, and wherever you spill even a little of it, right there he will fell your head.’
“What do you think, bhikkhus, would that man stop attending to that bowl of oil and out of negligence turn his attention outwards?”
“No, venerable sir.”
“I have made up this simile, bhikkhus, in order to convey a meaning. This here is the meaning: ‘The bowl of oil filled to the brim’: this is a designation for mindfulness directed to the body. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will develop and cultivate mindfulness directed to the body, make it our vehicle, make it our basis, stabilize it, exercise ourselves in it, and fully perfect it.’ Thus, bhikkhus, should you train yourselves.”
[171] III. VIRTUE AND DURATION
(1) Virtue
Thus have I heard. On one occasion the Venerable Ānanda and the Venerable Bhadda were dwelling at Pāṭaliputta in the Cock’s Park. Then, in the evening, the Venerable Bhadda emerged from seclusion, approached the Venerable Ānanda, and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Venerable Ānanda:173
“Friend Ānanda, as to the wholesome virtues spoken of by the Blessed One, what is the purpose for which they were spoken of by him?”
“Good, good, friend Bhadda! Your intelligence is excellent, your ingenuity is excellent, your inquiry is a good one. For you have asked me: ‘Friend Ānanda, as to the wholesome virtues spoken of by the Blessed One, what is the purpose for which they were spoken of by him?’”
“Yes, friend.”
“Those wholesome virtues spoken of by the Blessed One were spoken of by him for the purpose of developing the four establishments of mindfulness. What four? Here, friend, a bhikkhu dwells contemplating the
body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. [172]
“Those virtues spoken of by the Blessed One were spoken of by him for the sake of developing these four establishments of mindfulness.”
(2) Duration
The same setting. Sitting to one side the Venerable Bhadda said to the Venerable Ānanda:
“Friend Ānanda, what is the cause and reason why the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna? And what is the cause and reason why the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna?”
“Good, good, friend Bhadda! Your intelligence is excellent, your acumen is excellent, your inquiry is a good one. For you have asked me: ‘Friend Ānanda, what is the cause and reason why the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna? And what is the cause and reason why the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna?’”
“Yes, friend.”
“It is, friend, because the four establishments of mindfulness are not developed and cultivated that the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna. And it is because the four establishments of mindfulness are developed and cultivated that the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna. What four? Here, friend, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“It is because these four establishments of mindfulness are not developed and cultivated that the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna. And it is because these four establishments of mindfulness are developed and cultivated that the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna.” [173]
(3) Decline
(As above down to:)
“Friend Ānanda, what is the cause and reason for the decline of the true Dhamma? And what is the cause and reason for the nondecline of the true Dhamma?”…
“It is, friend, when these four establishments of mindfulness are not developed and cultivated that the true Dhamma declines. And it is when these four establishments of mindfulness are developed and cultivated that the true Dhamma does not decline.”
(4) Simple Version
At Sāvatthī. “Bhikkhus, there are these four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. [174] He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. These are the four establishments of mindfulness.”
(5) A Certain Brahmin
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī, in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then a certain brahmin
approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Blessed One:
“Master Gotama, what is the cause and reason why the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna? And what is the cause and reason why the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna?”
“It is, brahmin, because the four establishments of mindfulness are not developed and cultivated that the true Dhamma does not endure long after a Tathāgata has attained final Nibbāna. And it is because the four establishments of mindfulness are developed and cultivated that the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna. What four? … (as in §22) … It is because these four establishments of mindfulness are not developed and cultivated … are developed and cultivated that the true Dhamma endures long after a Tathāgata has attained final Nibbāna.”
When this was said, that brahmin said to the Blessed One: ‘Magnificent, Master Gotama!… From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
(6) Partly
On one occasion the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahāmoggallāna and the Venerable Anuruddha were dwelling at Sāketa in the Thornbush Grove. Then, in the evening, the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahāmoggallāna emerged from seclusion, approached the Venerable Anuruddha, and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, [175] they sat down to one side, and the Venerable Sāriputta said to the Venerable Anuruddha:
“Friend Anuruddha, it is said, ‘A trainee, a trainee.’ In what way, friend, is one a trainee?”
“It is, friend, because one has partly developed the four establishments of mindfulness that one is a trainee. What four? Here, friends, a bhikkhu
dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is because one has partly developed these four establishments of mindfulness that one is a trainee.”
(7) Completely
The same setting. Sitting to one side, the Venerable Sāriputta said to the Venerable Anuruddha:
“Friend Anuruddha, it is said, ‘One beyond training, one beyond training.’ In what way, friend, is one beyond training?”
“It is, friend, because one has completely developed the four establishments of mindfulness that one is beyond training. What four?… (as above) … It is because one has completely developed these four establishments of mindfulness that one is beyond training.”
(8) The World
The same setting. Sitting to one side, the Venerable Sāriputta said to the Venerable Anuruddha:
“By having developed and cultivated what things has the Venerable Anuruddha attained to greatness of direct knowledge?” [176]
“It is, friend, because I have developed and cultivated the four establishments of mindfulness that I have attained to greatness of direct knowledge. What four? Here, friend, I dwell contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is, friend, because I have developed and cultivated these four establishments of mindfulness that I directly know this thousandfold world.”174
(9) Sirivaḍḍha
On one occasion the Venerable Ānanda was dwelling at Rājagaha, in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the householder Sirivaḍḍha was sick, afflicted, gravely ill. Then the householder Sirivaḍḍha addressed a man thus:
“Come, good man, approach the Venerable Ānanda, pay homage to him in my name with your head at his feet, and say: ‘Venerable sir, the householder Sirivaḍḍha is sick, afflicted, gravely ill; he pays homage to the Venerable Ānanda with his head at his feet.’ Then say: ‘It would be good, venerable sir, if the Venerable Ānanda would come to the residence of the householder Sirivaḍḍha out of compassion.’”
“Yes, master,” that man replied, and he approached the Venerable Ānanda, paid homage to him, sat down to one side, and delivered his message. [177] The Venerable Ānanda consented by silence.
Then, in the morning, the Venerable Ānanda dressed and, taking bowl and robe, went to the residence of the householder Sirivaḍḍha. He then sat down in the appointed seat and said to the householder Sirivaḍḍha: “I hope you are bearing up, householder, I hope you are getting better. I hope your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“I am not bearing up, venerable sir, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
“Well then, householder, you should train thus: ‘I will dwell contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. I will dwell contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.’ It is in such a way that you should train.”
“Venerable sir, as to these four establishments of mindfulness taught by the Blessed One—these things exist in me, and I live in conformity with those things. I dwell, venerable sir, contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. And as to these five lower fetters taught by the Blessed One, I do not see any of these unabandoned in myself.”
“It is a gain for you, householder! It is well gained by you, householder!
You have declared, householder, the fruit of nonreturning.” [178]
(10) Mānadinna
The same setting. Now on that occasion the householder Mānadinna was sick, afflicted, gravely ill. Then the householder Mānadinna addressed a man thus:
“Come, good man” … (as above) …
“I am not bearing up, venerable sir, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned. But, venerable sir, when I am being touched by such painful feeling, I dwell contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. And as to these five lower fetters taught by the Blessed One, I do not see any of these unabandoned in myself.”
“It is a gain for you, householder! It is well gained by you, householder!
You have declared, householder, the fruit of nonreturning.”
IV. UNHEARD BEFORE
(1) Unheard Before
At Sāvatthī. “‘This is the contemplation of the body in the body’—thus, bhikkhus, [179] in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.175
“‘That contemplation of the body in the body is to be developed’ … ‘That contemplation of the body in the body has been developed’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This is the contemplation of feelings in feelings’ … “‘This is the contemplation of mind in mind’ …
“‘This is the contemplation of phenomena in phenomena’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘That contemplation of phenomena in phenomena is to be developed’ … ‘That contemplation of phenomena in phenomena has been developed’— thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.”
(2) Dispassion
“Bhikkhus, these four establishments of mindfulness, when developed and cultivated, lead to utter revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.
“What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“These four establishments of mindfulness, bhikkhus, when developed and cultivated, lead to utter revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna.”
(3) Neglected
“Bhikkhus, those who have neglected these four establishments of mindfulness have neglected the noble path leading to the complete destruction of suffering. [180] Those who have undertaken these four establishments of mindfulness have undertaken the noble path leading to the complete destruction of suffering.
“What four?… (as above) … Those who have neglected … Those who have undertaken these four establishments of mindfulness have undertaken the noble path leading to the complete destruction of suffering.”
(4) Development
“Bhikkhus, these four establishments of mindfulness, when developed and cultivated, lead to going beyond from the near shore to the far shore. What four? … (as above) … These four establishments of mindfulness, when developed and cultivated, lead to going beyond from the near shore to the far shore.”
(5) Mindful
At Sāvatthī. “Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful and clearly comprehending. This is our instruction to you.
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu mindful? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu is mindful.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu exercise clear comprehension? Here, bhikkhus, for a bhikkhu feelings are understood as they arise, understood [181] as they remain present, understood as they pass away.
Thoughts are understood as they arise, understood as they remain present, understood as they pass away. Perceptions are understood as they arise, understood as they remain present, understood as they pass away. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu exercises clear comprehension.176
“Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful and clearly comprehending.
This is our instruction to you.”
(6) Final Knowledge
“Bhikkhus, there are these four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“When, bhikkhus, these four establishments of mindfulness have been developed and cultivated, one of two fruits may be expected: either final knowledge in this very life or, if there is a residue of clinging, the state of nonreturning.”
(7) Desire
“Bhikkhus, there are these four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells thus contemplating the body in the body, whatever desire he has for the body is abandoned. With the abandoning of desire, the Deathless is realized.
“He dwells contemplating feelings in feelings … [182] … mind in mind
… phenomena in phenomena … having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells thus contemplating phenomena in phenomena, whatever desire he has for phenomena is abandoned. With the abandoning of desire, the Deathless is realized.”
(8) Full Understanding
“Bhikkhus, there are these four establishments of mindfulness. What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells thus contemplating the body in the body, the body is fully understood. Because the body has been fully understood, the Deathless is realized.
“He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena … having removed covetousness and displeasure in regard to the world. As he dwells thus contemplating phenomena in phenomena, the phenomena are fully understood. Because the phenomena have been fully understood, the Deathless is realized.”
(9) Development
“Bhikkhus, I will teach you the development of the four establishments of mindfulness. Listen to that….
“What, bhikkhus, is the development of the four establishments of mindfulness? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, [183] ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This, bhikkhus, is the development of the four establishments of mindfulness.”
(10) Analysis
“Bhikkhus, I will teach you the establishment of mindfulness,177 and the development of the establishment of mindfulness, and the way leading to the development of the establishment of mindfulness. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the establishment of mindfulness? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is called the establishment of mindfulness.
“And what, bhikkhus, is the development of the establishment of mindfulness? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the nature of origination in the body; he dwells contemplating the nature of vanishing in the body; he dwells contemplating the nature of origination and vanishing in the body—ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.178 He dwells contemplating the nature of origination in feelings … He dwells contemplating the nature of origination in mind … He dwells contemplating the nature of origination in phenomena; he dwells contemplating the nature of vanishing in phenomena; he dwells contemplating the nature of origination and vanishing in phenomena—ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is called the development of the establishment of mindfulness.
“And what, bhikkhus, is the way leading to the development of the establishment of mindfulness? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view … right concentration. This is called the way leading to the development of the establishment of mindfulness.”
[184] V. THE DEATHLESS
(1) The Deathless
At Sāvatthī. “Bhikkhus, dwell with your minds well established in the four establishments of mindfulness. Do not let the Deathless be lost on you.179
“In what four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. Dwell, bhikkhus, with your minds well established in these four establishments of mindfulness. Do not let the Deathless be lost on you.”
(2) Origination
“Bhikkhus, I will teach you the origination and the passing away of the four establishments of mindfulness.180 Listen to that.
“And what, bhikkhus, is the origination of the body? With the origination of nutriment there is the origination of the body. With the cessation of nutriment there is the passing away of the body.
“With the origination of contact there is the origination of feeling. With the cessation of contact there is the passing away of feeling.
“With the origination of name-and-form there is the origination of mind. With the cessation of name-and-form there is the passing away of mind.181
“With the origination of attention there is the origination of phenomena. With the cessation of attention there is the passing away of phenomena.”182 [185]
(3) The Path
At Sāvatthī. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:183 “Bhikkhus, on one occasion I was dwelling at Uruvelā on the bank of the
river Nerañjarā under the Goatherd’s Banyan Tree just after I became fully enlightened. Then, while I was alone in seclusion, a reflection arose in my mind thus: ‘This is the one-way path for the purification of beings, for the
overcoming of sorrow and lamentation … (as in §18) … that is, the four establishments of mindfulness.’
“Then, bhikkhus, Brahmā Sahampati, having known with his own mind the reflection in my mind, just as quickly as a strong man might extend his drawn-in arm or draw in his extended arm, disappeared from the brahmā world and reappeared before me. He arranged his upper robe over one shoulder, extended his joined hands towards me in reverential salutation, and said to me: ‘So it is, Blessed One! So it is, Fortunate One! Venerable sir, this is the one-way path for the purification of beings … [186] … that is, the four establishments of mindfulness.’
“This, bhikkhus, is what Brahmā Sahampati said. Having said this, he further said this:
“‘The seer of the destruction of birth, Compassionate, knows the one-way path By which in the past they crossed the flood,
By which they will cross and cross over now.’”
(4) Mindful
“Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful. This is our instruction to you. “And how, bhikkhus, is a bhikkhu mindful? Here, bhikkhus, a bhikkhu
dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu is mindful.
“Bhikkhus, a bhikkhu should dwell mindful. This is our instruction to you.”
(5) A Heap of the Wholesome
“Bhikkhus, if one were to say of anything ‘a heap of the wholesome, ’ it is about the four establishments of mindfulness that one could rightly say this. For this is a complete heap of the wholesome, that is, the four establishments of mindfulness. What four? [187]
“Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body
… feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“If, bhikkhus, one were to say of anything ‘a heap of the wholesome, ’ it is about these four establishments of mindfulness that one could rightly say this. For this is a complete heap of the wholesome, that is, the four establishments of mindfulness.”
(6) The Restraint of the Pātimokkha
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“In that case, bhikkhu, purify the very beginning of wholesome states. And what is the beginning of wholesome states? Here, bhikkhu, dwell restrained by the restraint of the Pātimokkha, accomplished in good conduct and proper resort, seeing danger in the slightest faults. Having undertaken the training rules, train in them. When, bhikkhu, you dwell restrained by the restraint of the Pātimokkha … seeing danger in the slightest faults, then, based upon virtue, established upon virtue, you should develop the four establishments of mindfulness.
“What four? Here, bhikkhu, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in
phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“When, bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, you develop these four establishments of mindfulness in such a way, then, whether night or day comes, you may expect only growth in wholesome states, not decline.”
Then that bhikkhu, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s statement, rose from his seat.… [188] And that bhikkhu became one of the arahants.
(7) Misconduct
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“In that case, bhikkhu, purify the very beginning of wholesome states. And what is the beginning of wholesome states? Here, bhikkhu, having abandoned bodily misconduct, you should develop good bodily conduct. Having abandoned verbal misconduct, you should develop good verbal conduct. Having abandoned mental misconduct, you should develop good mental conduct. When, bhikkhu, having abandoned bodily misconduct … you have developed good mental conduct, then, based upon virtue, established upon virtue, you should develop the four establishments of mindfulness.
“What four? Here, bhikkhu, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“When, bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, you develop these four establishments of mindfulness in such a way, then, whether night or day comes, you may expect only growth in wholesome states, not decline.”
Then that bhikkhu … became one of the arahants. [189]
(8) Friends
“Bhikkhus, those for whom you have compassion and who think you should be heeded—whether friends or colleagues, relatives or kinsmen— these you should exhort, settle, and establish in the development of the four establishments of mindfulness.
“What four? Here, bhikkhu, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“Bhikkhus, those for whom you have compassion … these you should exhort, settle, and establish in the development of these four establishments of mindfulness.”
(9) Feelings
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three feelings. The four establishments of mindfulness are to be developed for the full understanding of these three feelings.
“What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“These four establishments of mindfulness, bhikkhus, are to be developed for the full understanding of these three feelings.”
(10) Taints
“Bhikkhus, there are these three taints. What three? The taint of sensuality, the taint of existence, the taint of ignorance. [190] These are the three taints. The four establishments of mindfulness are to be developed for the full understanding of these three taints.
“What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world.
“These four establishments of mindfulness, bhikkhus, are to be developed for the full understanding of these three taints.”
GANGES REPETITION SERIES
(1)-62 (12) The River Ganges—Eastward, Etc.
“Bhikkhus, just as the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, so too a bhikkhu who develops and cultivates the four establishments of mindfulness slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu develop and cultivate the four establishments of mindfulness so that he slants, slopes, and inclines towards Nibbāna? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body … feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the four establishments of mindfulness so that he slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
(The remaining suttas of this vagga are to be similarly elaborated parallel to 45:92-102.)
Six about slanting to the east
And six about slanting to the ocean. These two sixes make up twelve:
Thus the subchapter is recited.
[191] VII. DILIGENCE
63 (1)-72 (10) The Tathāgata, Etc.
(To be elaborated by way of the establishments of mindfulness parallel to 45:139-48.)
Tathāgata, footprint, roof peak, Roots, heartwood, jasmine, Monarch, the moon and sun, Together with the cloth as tenth.
STRENUOUS DEEDS
73 (1)-84 (12) Strenuous, Etc.184
(To be elaborated parallel to 45:149-60.) Strenuous, seeds, and nāgas,
The tree, the pot, the spike, The sky, and two on clouds,
The ship, guest house, and river.
SEARCHES
85 (1)-94 (10) Searches, Etc.
(To be elaborated parallel to 45:161-70.)
Searches, discriminations, taints, Kinds of existence, threefold suffering, Barrenness, stains, and troubles, Feelings, craving, and thirst.185
FLOODS
95 (1)-103 (9) Floods, Etc.
(To be elaborated parallel to 45:171-79.)
104 (10) Higher Fetters
“Bhikkhus, there are these five higher fetters. What five? Lust for form, lust for the formless, conceit, restlessness, [192] ignorance. These are the five higher fetters. The four establishments of mindfulness are to be developed for direct knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What four? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. These four establishments of mindfulness are to be developed for direct knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
Floods, bonds, kinds of clinging, Knots, and underlying tendencies,
Cords of sensual pleasure, hindrances, Aggregates, fetters lower and higher.
The Connected Discourses on the Establishments of Mindfulness is to be elaborated in the same way as the Connected Discourses on the Path.186
[193]
1