Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Một - Tương Ưng Ðạo

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Phẩm Vô Minh
1.I. Vô Minh (S.v,1)
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Thắng Lâm, trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) -- Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ-kheo, tà kiến sanh. Ðối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh. Ðối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh. Ðối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh. Ðối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh. Ðối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh. Ðối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh. Ðối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.
4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Ðối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Ðối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Ðối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Ðối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Ðối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Ðối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Ðối với vị chánh niệm, chánh định sanh.
2.II. Một Nửa (Upaddham) (S.v,1)
1) Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Sakkara.
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đãng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).
3) -- Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ananda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ananda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.
4) Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập chánh tư duy... tu tập chánh ngữ... tu tập chánh nghiệp... tu tập chánh mạng... tu tập chánh tinh tấn... tu tập chánh niệm... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ananda, là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
5) Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ananda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ananda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.
3.III. Sàriputta (S.v,3)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
-- Toàn bộ Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, chính là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này.
3)-- Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Chính toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này. Này Sàriputta, với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho viên mãn.
4-5) (Như đoạn số 4, số 5 của kinh trên, chỉ khác: đây là Tôn giả Sàriputta chớ không phải Tôn giả Ananda)
4.IV. Bà La Môn (S.iv,4)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.
3) Rồi Tôn giả Ananda thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe. Trắng là những đồ trang sức. Trắng là cỗ xe. Trắng là những bộ phận tùy thuộc (parivàro). Trắng là những sợi dây cương. Trắng là cây gậy thúc ngựa. Trắng là cái lọng. Trắng là cái khăn đội. Trắng là những quần áo. Trắng là giày mang. Và được quạt với cái quạt trắng. Quần chúng thấy vậy, liền nói: "Thật là cỗ xe thù thắng. Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc!"
4) Rồi Tôn giả Ananda đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe... Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể nói lên cỗ xe thù thắng trong Pháp và Luật này?
Thế Tôn nói:
-- Có thể được, này Ananda. Thánh đạo Tám ngành này, này Ananda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp này. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.
5) Chánh tri kiến, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh tư duy, này Ananda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh ngữ... Chánh nghiệp... Chánh mạng... Chánh tinh tấn... Chánh niệm... Chánh định, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.
Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu như thế này: "Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Ai được tín, trí tuệ,
Thường xuyên liên kết lại,
Lấy hổ thẹn làm cán,
Lấy ý làm ách xe.
Niệm là người đánh xe,
Biết hộ trì, phòng hộ,
Cỗ xe lấy giới luật
Làm vật dụng cho xe.
Thiền là trục bánh xe,
Tinh tấn là bánh xe,
Xả là định thường hằng,
Vô dục là nệm xe.
Vô sân và vô hại,
Viễn ly là binh khí,
Nhẫn nhục là áo giáp,
An ổn khỏi khổ ách,
Làm mục đích đạt đến,
Cỗ xe được chuyển vận.
Pháp này tự ngã làm,
Trở thành thuộc tự ngã.
Là cỗ xe thù thắng,
Vô thượng, không sánh bằng.
Ngồi trên cỗ xe ấy,
Bậc Trí thoát ly đời,
Chắc chắn, không sai chạy,
Họ đạt được chiến thắng.
5.V. Với Mục Ðích Gì? (S.v,6)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo đến hỏi chúng con: "Này chư Hiền, vì mục đích gì, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư Hiền, với mục đích liễu tri đau khổ, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama". Ðược hỏi như vậy và trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con trả lời đúng với lời nói Thế Tôn, chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, chúng con trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích?
4) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông được hỏi như vậy và trả lời như vậy là các Ông trả lời đúng với lời của Ta, các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật, các Ông trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, do mục đích liễu tri đau khổ mà Phạm hạnh được sống dưới Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông: "Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?" Ðược hỏi vậy, thời các Ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư Hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này".
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.
6) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
6.VI. Một Tỷ Kheo Khác (1) (S.iv,7)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Phạm hạnh, Phạm hạnh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
-- Này Tỷ-kheo, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.
7.VII. Một Tỷ Kheo Khác (2) (S.iv,8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
--"Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Ðồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?
-- Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.
4) Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Bất tử, bất tử", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?
-- Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến... chánh định.
8.VIII. Phân Tích (S.iv,8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng và phân tích Thánh đạo Tám ngành này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.
9.IX. Sùka (Râu lúa mì) (S.iv,10)
1-2) Tại Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết-bàn.
10.X. Nandiya (S.iv,11)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi du sĩ Nandiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu pháp được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn?
4) -- Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này Nandiya, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.
5) Khi được nói vậy, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống... từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
II. Phẩm Trú
11.I. Trú (1) (S.v,12)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền định trong nửa tháng, không có ai đến yết kiến Ta, trừ độc nhất người mang đồ ăn khất thực.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến yết kiến Thế Tôn, trừ một người người mang đồ ăn khất thực lại.
3) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy và gọi các Tỷ-kheo:
-- Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến... những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên tầm (vitakka), những gì được cảm thọ do duyên tưởng (sannà).
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, thời tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để được chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
12.II. Trú (2) (S.v,13)
1-2) Ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền tịnh trong ba tháng...
3) Sau ba tháng, Thế Tôn từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:
-- Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.
4) Như vậy, Ta rõ biết (pajànàmi) những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên tà kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên tà định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên ước muốn được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tầm, những gì được cảm thọ do duyên tầm được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tưởng, những gì được cảm thọ do duyên tưởng được tịnh chỉ.
5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.
13.III. Hữu Học (S.v,14)
1) Ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Hữu học, hữu học", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học... đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc hữu học.
14.IV. Sanh Khởi (1)
1) Ở Sàvatthi...
2) -- Có tám pháp này được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi, có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.
3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.
15.V. Sanh Khởi (2) (S.v,14)
1) Ở Sàvatthi...
2) -- Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
16.VI. Thanh Tịnh (1) (S.v,15)
1-2) Tại Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.
4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.
17.VII. Thanh Tịnh (2) (S.v,15)
1-2) Tại Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng... có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.
18.VIII. Vườn Gà (1) (Kukkutàràma) (S.v,15)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Ananda, Tôn giả Bhadda trú tại Vườn Gà, tại Pàtaliputta.
2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ananda:
-- "Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh", này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?
-- Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm (ummagga) của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: "Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?" chăng?
-- Thưa vâng, Hiền giả.
5) -- Này Hiền giả, con đường tà đạo tám ngành này là phi Phạm hạnh. Tức là tà tri kiến... tà định.
19.IX. Vườn Gà (2) (S.v,16)
1-2) Nhân duyên ở Pàtaliputta...
3)-- "Phạm hạnh, Phạm hạnh", này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
-- Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: "Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?" chăng?
-- Thưa phải, Hiền giả.
5) -- Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là cứu cánh Phạm hạnh này.
20.X. Vườn Gà (3) (S.v,16)
1-2) Nhân duyên tại Pàtaliputta...
3)-- "Phạm hạnh, Phạm hạnh", thưa Hiền giả, như vậy được nói đến. Thưa Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
4) -- Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!
5) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: "Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?" chăng?
-- Thưa phải, Hiền giả.
6) -- Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Hiền giả, ai đầy đủ Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là người hành Phạm hạnh. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.
III. Phẩm Tà Tánh
21.I. Tà Tánh (S.v,17)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà tánh và chánh tánh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà tánh? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà tánh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tánh? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tánh.
22.II. Pháp Bất Thiện (S.v,18)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về bất thiện pháp và thiện pháp. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bất thiện pháp? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bất thiện pháp.
5) Thế nào là thiện pháp? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Ðây gọi là thiện pháp.
23.III. Ðạo Lộ (S.v,18)
1-2) Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà đạo lộ và chánh đạo lộ. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ.
24.IV. Ðạo Lộ (2) (S.v,18)
1-2) Sàvatthi.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta không tán thán tà đạo lộ.
4) Người tại gia hay người xuất gia, theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy (àràdhaka) chánh lý (nàyam), pháp (dhammam), và thiện (kusatam). Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ. Ðối với người tại gia hay người xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán tà đạo lộ.
5) Người tại gia hay người xuất gia theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy chánh lý, pháp và thiện.
6) Và này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.
7) Người tại gia hay người xuất gia theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và nhân chánh hạnh, vị ấy là người phát triển chánh lý, pháp và thiện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ. Và này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.
8) Người tại gia, hay người xuất gia, theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và do nhân chánh hạnh, vị ấy trở thành người phát huy chánh lý, pháp và thiện.
25.V. Không Phải Chân Nhân (1) (Asappurisa) (S.v,19)
1-2) Ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về phi chân nhân và chân nhân. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, là tinh tấn, tà niệm, tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến, theo chánh tư duy, theo chánh ngữ, theo chánh nghiệp, theo chánh mạng, theo chánh tinh tấn, theo chánh niệm, theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.
26.VI. Không Phải Chân Nhân (2) (S.v,20)
1-2) Ở Sàvatthi...
Ở đấy, Thế Tôn nói như sau:
3) -- Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về phi chân nhân và tệ hơn phi chân nhân. Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về chân nhân và tốt hơn chân nhân. Hãy lắng nghe...
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định, theo tà trí, theo tà giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... theo chánh định, theo chánh trí, theo chánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn các bậc chân nhân.
27.VII. Cái Bình (S.v,20)
1-2) Ở Sàvatthi...
3)-- Này các Tỷ-kheo, ví như một cái bình, nếu không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là giá chống đỡ cho tâm? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Ðây gọi là cái giá chống đỡ tâm.
5) Này các Tỷ-kheo, ví như cái bình không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã.
28.VIII. Ðịnh (S.v,21)
1-2) Ở Sàvatthi...
Rồi Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về chánh định với sở y (saupanisam), với tư lường (saparikkhàram). Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định với sở y, với tư lường? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.
5) Nhứt tâm, này các Tỷ-kheo, có bảy chi phần này làm tư lường. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh chánh định với sở y, với tư lường.
29.IX. Thọ (S.v,21)
1-2) Ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ này.
4) Muốn liễu tri ba thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định. Muốn liễu tri thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành.
30.X. Uttiya hay Uttika (S.v,22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Rồi Tôn giả Uittiya đi đến Thế Tôn...
4) Ngồi một bên, Tôn giả Uttiya bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: "Năm dục công đức được Thế Tôn nói đến, và năm dục công đức được Thế Tôn nói đến là gì?"
5 -- Lành thay, lành thay, này Uttiya! Năm dục công đức này được Ta nói đến, này Uttiya. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận nhận thức... các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Năm dục công đức này, này Uttiya, được Ta nói đến.
6) Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành này.
IV. Phẩm Về Hạnh (Patipattivagga)
31.I. Hạnh (Patipatti) (S.v,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà hạnh và về chánh hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà hạnh? Tức là tà tri kiến... tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh hạnh? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh hạnh.
32.II. Người Hành Trì (S.v,23)
1-2) Ở Sàvatthi...
Ở đây, Thế Tôn nói như sau:
3) -- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về người tà hạnh và người chánh hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là người tà hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến... theo tà định. Ðây gọi là người tà hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chánh hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người chánh hạnh.
33.III. Thối Thất (Viraddha) (S.v,23)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) -- Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, đối với họ, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện (àraddho), đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện, đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.
34.IV. Ðến Bờ Bên Kia (S.v,25)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) -- Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia (apàràpa ramgamanàya). Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến... chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.
4) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
1) Ít thay là những người,
Ðạt đến bờ bên kia.
Phần lớn quần chúng khác,
Chạy qua lại bờ này.
2) Những ai theo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,
Họ đến bờ bên kia,
Khéo vượt cảnh giới Ma.
3) Ðoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Trong độc cư, khó lạc.
4) Ở đây, muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,
Bậc trí tự thanh lọc,
Tự tâm khỏi phiền não.
5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Lậu hoặc tận, chói sáng,
Ðạt tịch tịnh ở đời.
35.V. Sa Môn Hạnh (1) (S.v,25)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và quả Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.
5) Và này các Tỷ-kheo, theá nào là quả Sa-môn hạnh? Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quả Sa-môn hạnh.
36.VI. Sa Môn Hạnh (2) (S.v,25)
1-2) Ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và mục đích Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là mục đích Sa-môn hạnh? Này các Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Ðây gọi là mục đích Sa-môn hạnh (sàmannattho).
37-38.VII-VIII.Bà La Môn Hạnh (1-2) (S.v,25-26)
(Giống như 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Bà-la-môn hạnh)
39-40.IX-X. Phạm Hạnh (1-2) (S.v,26)
(Giống như kinh 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Phạm hạnh)
Ngoại Ðạo Trung Lược
41.I. Ly Tham. (S.v,27)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Rồi nhiều Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn.
3) -- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Do mục đích đoạn tận tham, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama".
4) Này các Tỷ-kheo, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư Hiền, đưa đến đoạn tận tham?" Ðược hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Có con đường, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham".
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.
42.II. Kiết Sử (Samyojanam) (S.v,28)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Vì mục đích đoạn tận các kiết sử, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama..".
43.III. Tùy Miên (S.v,28)
1) ...
2) "... Vì mục đích nhổ sạch lên các tùy miên, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..".
44.IV. Hành Lộ (Addhànam) (S.v,28)
1) ...
2) "... Vì mục đích liễu tri hành lộ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..".
45.V. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,28)
1) ...
2) "... Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..".
46.VI. Ðược Giải Thoát Nhờ Minh (Vijjàvimutti) (S.v,28)
1) ...
2) "... Vì mục đích chứng ngộ được quả giải thoát nhờ minh, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..".
47.VII. Trí (S,v,28)
1) ...
2) "... Vì mục đích tự kiến, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..".
48.VIII. Không Chấp Thủ (S.v,29)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại ấy như sau: "Vì mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn".
3) Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Có con đường nào, này chư Hiền, có đạo lộ nào đưa đến hoàn toàn tịch tịnh không có chấp thủ?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Có con đường, này chư Hiền, có đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ".
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến tịch tịnh hoàn toàn không có chấp thủ? Chính Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
Mặt Trời Lược Thuyết (Suriyassa peyyàlam)
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly.
49.I. Thiện Hữu (1) (S.v,29)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông (arunuggam); cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước sự sanh khởi của Thánh đạo Tám ngành, chính là bạn hữu với thiện.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định... hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
50.II. Gíới Hạnh (2) (S.v,30)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là sự thành tựu giới hạnh.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thời chờ đợi rằng... (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).
51.III. Ước Muốn (1) (Chanda) (S.v,30)
1-2) ... Tức là sự đầy đủ ước muốn (chanda-sampadà) ... (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).
52-54.IV.VI. Ngã, Kiến, Không Phóng Dật. (1) (S.v,30)
(Ðầy đủ ngã... đầy đủ kiến... đầy đủ không phóng dật, với những thay đổi cần thiết)...
55.VII. Như Lý (1) (Yoniso). (S.v,31)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý (yonisomana-sikàrasampadà).
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
II. Nhiếp Phục Tham (Ràgavinaya).
56.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,31)
1) ...
2)-- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc... chính là bạn hữu với thiện.
3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... tu tập chánh định, với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
57.IX. Gíới Hạnh (2) (S.v,31)
1-2)-- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự thành tựu giới hạnh... (như trên).
58.X. Ước Muốn (2) (Chanda) (S.v,32)
1-2) -- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ ước muốn... (như trên)...
59.XI. Ngã (2) (S.v,32)
1-2) -- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ ngã... (như trên)...
60.XII. Kiến (2) (S.v,32)
1-2) -- Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ kiến... (như trên)...
61.XIII. Không Phóng Dật (2) (S.v,32)
1-2) ... chính là sự đầy đủ không phóng dật... (như trên)...
62.XIV. Như Lý (2) (S.v,32)
1) ...
2)--...Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước... chính là sự đầy đủ như lý tác ý.
3) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý... tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
Một Pháp Trung Lược I
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly
63.I. Bạn Hữu Với Thiện (1) (S.v,32)
1) ...
2)-- Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành được sanh khởi. Thế nào là một pháp? Chính là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
64.II. Gíới Hạnh (1) (S.v,33)
1) ...
2) -- Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi. Và thế nào là một pháp lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi?... (như trên)...
65.III. Ưóc Muốn (1) (S.v,33)
1-2) ... tức là đầy đủ ước muốn...
66.IV. Ngã (1) (S.v,33)
1-2) ... tức là đầy đủ ngã...
67.V. Kiến (1) (S.v,33)
1-2) ... tức là đầy đủ kiến...
68.VI. Không Phóng Dật (1) (S.v,33)
1-2) ... tức là đầy đủ không phóng dật...
69.VII. Như Lý (1) (S.v,33)
1-2) ... tức là đầy đủ như lý tác ý...
3) Với các Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
II. Nhiếp Phục Tham
70.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2). Cho đến
76.XVI. Như Lý (2) (S.v,34-35)
1) Ở Sàvatthi...
(Hoàn toàn giống như từ số 63 đến số 69).
Một Pháp Trung Lược II
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly
77.I. Bạn Hữu Với Thiện (1) (S.v,35)
1) ...
2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành chưa khởi lên được sanh khởi, hay Thánh đạo Tám ngành khởi lên rồi được đi đến tu tập sung mãn. Pháp ấy tức là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
78-83.II-VII. (S.v,36)
(Như các đoạn trước với những thay đổi cần thiết).
II. Nhiếp Phục Tham
84.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,37)
1) ...
2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành được tu tập, được làm cho viên mãn. Chính là bạn hữu với thiện.
3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
85-90.II-VII. (S.v,37)
(Như những đoạn trước với những thay đổi cần thiết).
Hằng Hà Lược Thuyết
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly
91.I. Phương Ðông (1) (S.v,38)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
92-96.II-VI. Hướng Ðông (2-6) (S.v,38-39)
(Như kinh 91, chỉ khác tên các con sông Yamunà, Aciiravatii, Sarabuu, Mahii, các sông lớn như các sông Hằng, Yamunà, Aciiravattii, Sarabhuu, Mahii...)
97-102.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,39-40)
(Như các kinh 91-96, chỉ khác, ở đây là hướng về biển, không phải hướng về hướng Ðông).
II. Nhiếp Phục Tham
103-108.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,40)
109-114.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,40)
1-2) ...
3) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... (như trên với những thay đổi cần thiết) ...
III. Nhập Vào Bất Tử (Amatogadha)
115-120.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,41)
121-126.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,41)
1-2) ...
3)-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, nhập vào bất tử, hướng về bất tử, cứu cánh là bất tử.
IV. Thiên Về Niết Bàn
127-132.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,41)
133-138.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,41)
1-2) ...
3) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành... thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
V. Phẩm Không Phóng Dật
139.I. Như Lai (S.v,41)
I. Viễn Ly
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) -- Cũng như, này các Tỷ-kheo, đối với tất cả loại hữu tình không chân, hai chân bốn chân, hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay không có tưởng và không không có tưởng; Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thiện pháp gì, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, đều lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ. Không phóng dật được gọi là tối thượng đối với tất cả pháp ấy.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. (Ba kinh khác về viễn ly, cũng được thuyết tương tự).
II. Nhiếp Phục Tham
1-2-3) ...
4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh... tu tập chánh định, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh...
III. Bất Tử.
1-2-3) ...
4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lất bất tử làm cứu cánh... tu tập chánh định, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh.
IV. Niết Bàn
1-2-3) ...
4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn...
140.II. Dấu Chân (I-IV) (S.v,43)
1) Ở Sàvatthi...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những dấu chân của các loại chúng sanh bộ hành nào, tất cả đều hội tập (samodhànam gachanti) trong chân con voi, vì chân con voi được gọi là tối thượng trong tất cả loại chân, tức là về phần to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn.
141.III. Chóp Mái (I-IV) (S.v,43)
1) Ở Sàvatthi...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, các đòn tay nào của một ngôi nhà có mái nhọn, tất cả đều đi đến mái nhọn, hướng đến mái nhọn, quy tụ vào mái nhọn. Mái nhọn đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như kinh trên)
142.IV. Gốc Rễ (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại rễ hương nào, loại chiên-đàn đen (kàlànu-sàriyam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên) ...
143.V. Lõi Hương (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại lõi hương nào, loại chiên-đàn đỏ (lohitacandanam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên) ...
144.VI. Hạ Sanh Hoa (Bông huệ: vassikam) (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại hoa hương nào, hoa huệ được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên) ...
145. VII. Vua (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào (kuttaràjàno), tất cả đều tùy thuộc Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân đối với họ được gọi là tối thượng. Cũng vậy... (như trên) ...
146.VIII. Mặt Trăng (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm ánh sáng của bất cứ loại sao nào, tất cả đều không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như trên) ...
147.IX. Mặt Trời (I-IV) (S.v,44)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, vào mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên hư không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... (như trên) ...
148.X. Vải (I-IV) (S.v,45)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có vải gì được dệt, vải dệt ở Ba-la-nại được gọi là tối thượng... Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.
3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
VI. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh
Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
149. I. Sức lực (S.v,45)
1) ...
2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hành động gì muốn làm cần phải có sức lực, tất cả những hành động ấy đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
(Ðoạn này giống với đoạn "Hằng hà lược thuyết", được thuyết rộng thêm).
150.II. Các Hột Giống (1) (S.v,46)
1) ...
2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hột giống nào, những cây mạ nào (bhùtagàmà) tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại, tất cả đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại trong các pháp?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành và đạt đến tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp.
151.III. Con Rắn (Nàga) (S.v,47)
1) ...
2) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ; sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ; sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn; sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp...
152.IV. Cây (S.v,47)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có cây thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, khi bị chặt từ gốc, cây ấy sẽ rơi về hướng nào?
-- Bạch Thế Tôn, về phía nó thiên về, về phía nó hướng về, về phía nó xuôi về.
3) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
153.V. Cái Ghè (S.v,48)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè, nếu bị nghiêng đổ, nước đã bị đổ ra không thể đổ vào lại được. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly,... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không có thể đổ vào lại được.
154.VI. Râu Lúa Mì (Sukiya) (S.v,48)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu lúa mì, hay sợi râu lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay chân đè vào, có thể đâm thủng tay chân, hay có thể làm đổ máu. Sự tình này có xảy ra. Vì sao? Vì sợi râu được đặt hướng chân chánh.
3) Cũng vậy, Tỷ-kheo nhờ đặt hướng chân chánh, tu tập con đường chơn chánh, thời vô minh được cắt đoạn, minh sẽ được khởi lên, Niết-bàn sẽ được chứng đắc. Sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì tri kiến được đặt hướng một cách chân chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo nhờ chân chánh đặt hướng tri kiến, nhờ chân chánh đặt hướng con đường tu tập nên đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh đặt hướng tri kiến, chân chánh đặt hướng con đường tu tập, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn.
155.VII. Hư Không (S.v,49)
1) ...
2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, trên không trung, có nhiều loại gió thổi, gió từ phương Ðông thổi, gió từ phương Tây thổi, gió từ phương Bắc thổi, gió từ phương Nam thổi, gió có bụi thổi, gió không bụi thổi, gió lạnh thổi, gió nóng thổi, gió nhỏ thổi, gió thật lớn thổi.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời bốn niệm xứ được tu tập, đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn... bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến sung mãn.
156.VIII. Mây Mưa (1) (S.v,50)
1) ...
2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, vào cuối tháng mùa hạ, bụi mù bay lên, rồi có đám mây lớn trái mùa thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh (uppannuppanne) lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ.
157.IX. Mây Mưa (2) (S.v,50)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngọn gió lớn thỉnh thoảng làm cho đám mây mưa lớn khởi lên bị tiêu tan, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi, khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ.
158.X. Chiếc Thuyền (S.v,51)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm, và dây buồm (vettabandhanabandhàya), và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn. Còn trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hại. Rồi trong mùa mưa, bị thấm ướt (abhippavutthàni) bởi cơn mưa giông, rất dễ (appakasiraneva) bị yếu, hư và mục nát. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát.
159.XI. Các Khách (S.v,51)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có một nhà khách, ở đấy có người từ phương Ðông tới ở, có người từ phương Tây tới ở, có người từ phương Bắc tới ở, có người từ phương Nam tới ở, có người Sát-đế-lị tới ở, có người Bà-la-môn tới ở, có người Phệ-xá tới ở, có người Thủ-đà tới ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, họ nhờ thắng trí liễu tri các pháp ấy; với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; với các pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ các pháp ấy nhờ thắng trí; với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí? Cần phải được trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí? Vô minh, hữu và ái (bhavatanhà), những pháp này cần phải đoạn tận nhờ thắng trí.
5) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí? Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí.
6) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải tu tập nhờ thắng trí? Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải tu tập nhờ thắng trí.
7) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri, họ liễu tri được các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí?
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, vị ấy liễu tri những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, vị ấy đoạn tận những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, vị ấy tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.
160.XII. Con Sông (S.v,53)
1) ...
2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông. Rồi có một quần chúng lớn đến cầm cuốc và giỏ nói rằng: "Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây". Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, quần chúng lớn ấy có thể làm cho sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao? Vì rằng sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, không dễ gì có thể làm sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây. Quần chúng lớn ấy chỉ phải khổ nhọc, phiền não mà thôi.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời các vua, đại thần của vua, bằng hữu, đồng nghiệp, thân thích hay quyến thuộc cùng một huyết thống, đem tài sản đến mời mọc: "Hãy đến, này Bạn ! Sao để những cà-sa này làm phiền não Bạn? Sao lại bộ hành với đầu trọc và y bát? Hãy hoàn tục, hưởng các tài sản và làm các công đức". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, không thể nào có thể trở lại hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Và thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
VII. Phẩm Tầm Cầu (Esanavaggo)
1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.
161.I. Tầm Cầu (S.v,54)
I. Thắng Trí
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo tám ngành này được tu tập. Thế nào là Thánh đạo tám ngành được tu tập?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành này được tu tập.
4-5) ... Tu tập chánh định, với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si.
6-7) ... Tu tập chánh định, thể nhập vào bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử.
8-9) ... Tu tập chánh định, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
II. Liễu Tri: Parinnà
10-17) -- Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính vì liễu tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
III. Ðoạn Diệt: Parikkaya.
18-25) -- Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
IV. Ðoạn Tận: Pahàna
26-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.
162.II. Kiêu Mạn (Vidhà) (I-IV) (S.v,56)
1) ... Sàvatthi...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba kiêu mạn. Thế nào là ba? Kiêu mạn: "Tôi hơn"; kiêu mạn: "Tôi bằng"; kiêu mạn: "Tôi thua". Này các Tỷ-kheo, đó là ba kiêu mạn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành được tu tập?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
163.III. Lậu Hoặc (I-IV) (S.v,56)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đó là ba lậu hoặc này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba lậu hoặc này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
164.IV. Hữu (I-IV) (S.v,56)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba hữu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
165.V. Khổ Tánh (Dukkhatà) (I-IV) (S.v,56)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba khổ tánh này. Thế nào là ba? Khổ khổ tánh, hành khổ tánh, hoại khổ tánh. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khổ tánh này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
166.VI. Hoang Vu (Khilà) (I-IV) (S.v,57)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba hoang vu này. Thế nào là ba? Tham hoang vu, sân hoang vu, si hoang vu. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba hoang vu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
167.VII. Cấu Nhiễm (Malam) (I-IV) (S.v,57)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba cấu nhiễm này. Thế nào là ba? Tham cấu nhiễm, sân cấu nhiễm, si cấu nhiễm. Này các Tỷ-kheo, đó là ba cấu nhiễm này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba cấu nhiễm này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
168.VIII. Dao Ðộng (I-IV) (S.v,57)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba dao động này. Thế nào là ba? Tham giao động, sân dao động, si dao động. Này các Tỷ-kheo, đó là ba dao động này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba dao động này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
169.IX. Thọ (I-IV) (S.v,57)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đó là ba thọ này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba thọ này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
170a.X. Khát Ái (Tanhà) (I-IV) (S.v,57)
1) ...
2-3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục khát ái, hữu khát ái, phi hữu khát ái. Này các Tỷ-kheo, đó là ba khát ái này. Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến đoạn tận, hướng đến từ bỏ.
Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
170b.XI. Khát Ái (Tasinà hay Tanhà) 2-4 (I-IV) (S.v,58)
1-2-3) ...
4-33) -- Có ba khát ái này, này các Tỷ-kheo... Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham... liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si... tu tập chánh định với mục đích là thể nhập bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử... tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn... Chính vì mục đích thắng tri... liễu tri... đoạn diệt... đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
VIII. Phẩm Bộc Lưu
1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi...
171.I. Bộc Lưu (Ogha). (S.v,59)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn bộc lưu này. Chính vì mục đích muốn thắng tri, muốn liễu tri, muốn đoạn diệt, muốn đoạn tận bốn bộc lưu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
3-33) (Như đoạn về Tầm cầu...)
172.II. Ách Phược (Yogo) (S.v,59)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn ách phược này. Thế nào là bốn? Dục ách phược, hữu ách phược, kiến ách phược, vô minh ách phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn ách phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn ách phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
173.III. Chấp Thủ (S.v,59)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn chấp thủ. Thế nào là bốn? Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn chấp thủ này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn chấp thủ này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
174.IV. Hệ Phược (Ganthà) (S.v, 59)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn hệ phược này. Thế nào là bốn? Tham thân hệ phược, sân thân hệ phược, giới cấm thủ thân hệ phược, chấp đây là sự thực thân hệ phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn hệ phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn hệ phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.
175.V. Tùy Miên (S.v,60)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên này. Thế nào là bảy? Dục tham tùy miên (kàmaràgànusaya), hận tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên (bhavaràgànusaya), vô minh tùy miên. Này các Tỷ-kheo, đó là bảy tùy miên này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bảy tùy miên này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
176.VI. Dục Công Ðức (S.v,60)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này các Tỷ-kheo, đó là năm dục công đức này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm dục công đức này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này phải được tu tập.
177.VII. Các Triền Cái (S.v,60)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm? Dục tham triền cái (kàmacchandaniivaranà), sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, đó là năm triền cái này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
178.VIII. Uẩn (S.v,60)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
Này các Tỷ-kheo, đó là năm thủ uẩn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thủ uẩn này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
179.IX. Hạ Phần Kiết Sử (S.v,61)
1) ...
2-33) -- Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, đó là năm hạ phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.
180.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,61)
1) ...
2) -- Có năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
3-17) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.
Ví như, này các Tỷ-kheo, con sông Hằng...
18) Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?
19-33) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si... thể nhập vào bất tử, hướng đến bất tử, với cứu cánh là bất tử... thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

PART V: The Great Book (Mahāvagga) Chapter I. Connected Discourses on the Path

Translated by: Bhikkhu Boddhi

IGNORANCE
1 (1) Ignorance


Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, ignorance is the forerunner in the entry upon unwholesome
states, with shamelessness and fearlessness of wrongdoing following
along.1 For an unwise person immersed in ignorance, wrong view springs up. For one of wrong view, wrong intention springs up. For one of wrong intention, wrong speech springs up. For one of wrong speech, wrong action springs up. For one of wrong action, wrong livelihood springs up. For one of wrong livelihood, wrong effort springs up. For one of wrong effort, wrong mindfulness springs up. For one of wrong mindfulness, wrong concentration springs up.
“Bhikkhus, true knowledge is the forerunner in the entry upon wholesome states, with a sense of shame and fear of wrongdoing following along.2 [2] For a wise person who has arrived at true knowledge, right view springs up. For one of right view, right intention springs up. For one of right intention, right speech springs up. For one of right speech, right action
springs up. For one of right action, right livelihood springs up. For one of right livelihood, right effort springs up. For one of right effort, right mindfulness springs up. For one of right mindfulness, right concentration springs up.”3
2 (2) Half the Holy Life
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans where there was a town of the Sakyans named Nāgaraka.4 Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, this is half of the holy life, that is, good friendship, good companionship, good comradeship.”5
“Not so, Ānanda! Not so, Ānanda! This is the entire holy life, Ānanda, that is, good friendship, good companionship, good comradeship. When a bhikkhu has a good friend, a good companion, a good comrade, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.6
“And how, Ānanda, does a bhikkhu who has a good friend, a good companion, a good comrade, develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, Ānanda, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release.7 He develops right intention … right speech ... right action ... right livelihood … right effort … right mindfulness … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, Ānanda, that a bhikkhu who has a good friend, a good companion, a good comrade, develops and cultivates the Noble Eightfold Path. [3]
“By the following method too, Ānanda, it may be understood how the entire holy life is good friendship, good companionship, good comradeship: by relying upon me as a good friend, Ānanda, beings subject to birth are freed from birth; beings subject to aging are freed from aging; beings
subject to death are freed from death; beings subject to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair are freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. By this method, Ānanda, it may be understood how the entire holy life is good friendship, good companionship, good comradeship.”
3 (3) Sāriputta
At Sāvatthı̄. Then the Venerable Sāriputta approached the Blessed One ... and said to him:
“Venerable sir, this is the entire holy life, that is, good friendship, good companionship, good comradeship.”8
“Good, good, Sāriputta! This is the entire holy life, Sāriputta, that is, good friendship, good companionship, good comradeship. When a bhikkhu has a good friend, a good companion, a good comrade, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how, Sāriputta, does a bhikkhu who has a good friend, a good companion, a good comrade, develop and cultivate the Noble Eightfold Path?”
(The rest as in the preceding sutta.) [4]
4 (4) The Brahmin
At Sāvatthı̄. Then, in the morning, the Venerable Ānanda dressed and, taking bowl and robe, entered Sāvatthı̄ for alms. The Venerable Ānanda saw the brahmin Jāṇussoṇi departing from Sāvatthı̄ in an all-white chariot drawn by mares.9 The horses yoked to it were white, its ornaments were white, the chariot was white, its upholstery was white, the reins, goad, and canopy were white, his turban, clothes, and sandals were white, and he was being fanned by a white chowry. People, having seen this, said: “Divine indeed, sir, is the vehicle! It appears to be a divine vehicle indeed, sir!”10
Then, when the Venerable Ānanda had walked for alms in Sāvatthı̄ and returned from his alms round, after his meal he approached the Blessed One, [5] paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Here, venerable sir, in the morning I dressed and, taking bowl and robe, entered Sāvatthı̄ for alms. I saw the brahmin Jāṇussoṇi departing from Sāvatthı̄ in an all-white chariot drawn by mares…. People, having seen this, said: ‘Divine indeed, sir, is the vehicle! It appears to be a divine vehicle indeed, sir!’ Is it possible, venerable sir, to point out a divine vehicle in this Dhamma and Discipline?”
“It is possible, Ānanda,” the Blessed One said. “This is a designation for this Noble Eightfold Path: ‘the divine vehicle’ and ‘the vehicle of Dhamma’ and ‘the unsurpassed victory in battle.’
“Right view, Ānanda, when developed and cultivated, has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. Right intention … Right concentration, when developed and cultivated, [6] has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion.
“In this way, Ānanda, it may be understood how this is a designation for this Noble Eightfold Path: ‘the divine vehicle’ and ‘the vehicle of Dhamma’ and ‘the unsurpassed victory in battle.’”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Its qualities of faith and wisdom Are always yoked evenly together.11 Shame is its pole, mind its yoke-tie, Mindfulness the watchful charioteer.
“The chariot’s ornament is virtue, Its axle jh̄na,12 energy its wheels;
Equanimity keeps the burden balanced, Desirelessness serves as upholstery.
“Good will, harmlessness, and seclusion:
These are the chariot’s weaponry, Forbearance its armour and shield,13
As it rolls towards security from bondage.
“This divine vehicle unsurpassed Originates from within oneself.14 The wise depart from the world in it, Inevitably winning the victory.”
5 (5) For What Purpose?
At Sāvatthı̄. Then a number of bhikkhus approached the Blessed One…. Sitting to one side, those bhikkhus said to the Blessed One:
“Here, venerable sir, wanderers of other sects ask us: ‘For what purpose, friends, is the holy life lived under the ascetic Gotama?’ When we are asked thus, venerable sir, we answer those wanderers thus: ‘It is, friends, for the full understanding of suffering that the holy life is lived under the Blessed One.’ We hope, venerable sir, that when we answer thus we state what has been said by the Blessed One and do not misrepresent him with what is contrary to fact; [7] that we explain in accordance with the Dhamma, and that no reasonable consequence of our assertion gives ground for criticism.”
“Surely, bhikkhus, when you answer thus you state what has been said by me and do not misrepresent me with what is contrary to fact; you explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of your assertion gives ground for criticism. For, bhikkhus, it is for the full understanding of suffering that the holy life is lived under me.
“If, bhikkhus, wanderers of other sects ask you: ‘But, friends, is there a path, is there a way for the full understanding of this suffering? ’—being
asked thus, you should answer them thus: ‘There is a path, friends, there is a way for the full understanding of this suffering.’
“And what, bhikkhus, is that path, what is that way for the full understanding of this suffering? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is the path, this is the way for the full understanding of this suffering.
“Being asked thus, bhikkhus, you should answer those wanderers of other sects in such a way.”
(6) A Certain Bhikkhu (1)
At Sāvatthı̄. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One…. Sitting to one side, that bhikkhu said to the Blessed One:
“Venerable sir, it is said, ‘the holy life, the holy life.’ What, venerable sir, is the holy life? What is the final goal of the holy life?”
“This Noble Eightfold Path, bhikkhu, is the holy life; that is, right view ... right concentration. [8] The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion: this is the final goal of the holy life.”
(7) A Certain Bhikkhu (2)
“Venerable sir, it is said, ‘the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion.’ Of what now, venerable sir, is this the designation?”
“This, bhikkhu, is a designation for the element of Nibbāna: the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. The destruction of the taints is spoken of in that way.”15
When this was said, that bhikkhu said to the Blessed One: “Venerable sir, it is said, ‘the Deathless, the Deathless.’ What now, venerable sir, is the Deathless? What is the path leading to the Deathless?”
“The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion: this is called the Deathless. This Noble Eightfold Path is the path leading to the Deathless; that is, right view … right concentration.”
(8) Analysis
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the Noble Eightfold Path and I will analyse it for you. Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is the Noble Eightfold Path? Right view … right
concentration.16
“And what, bhikkhus, is right view? Knowledge of suffering, knowledge of the origin of suffering, [9] knowledge of the cessation of suffering, knowledge of the way leading to the cessation of suffering: this is called right view.
“And what, bhikkhus, is right intention? Intention of renunciation, intention of non-ill will, intention of harmlessness: this is called right intention.
“And what, bhikkhus, is right speech? Abstinence from false speech, abstinence from divisive speech, abstinence from harsh speech, abstinence from idle chatter: this is called right speech.
“And what, bhikkhus, is right action? Abstinence from the destruction of life, abstinence from taking what is not given, abstinence from sexual misconduct:17 this is called right action.
“And what, bhikkhus, is right livelihood? Here a noble disciple, having abandoned a wrong mode of livelihood, earns his living by a right livelihood: this is called right livelihood.
“And what, bhikkhus, is right effort? Here, bhikkhus, a bhikkhu generates desire for the nonarising of unarisen evil unwholesome states; he makes an effort, arouses energy, applies his mind, and strives. He generates desire for the abandoning of arisen evil unwholesome states…. He
generates desire for the arising of unarisen wholesome states…. He generates desire for the maintenance of arisen wholesome states, for their nondecay, increase, expansion, and fulfilment by development; he makes an effort, arouses energy, applies his mind, and strives. This is called right effort.
“And what, bhikkhus is right mindfulness? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating mind in mind, ardent, [10] clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having removed covetousness and displeasure in regard to the world. This is called right mindfulness.
“And what, bhikkhus, is right concentration? Here, bhikkhus, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, a bhikkhu enters and dwells in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, with rapture and happiness born of seclusion. With the subsiding of thought and examination, he enters and dwells in the second jhāna, which has internal confidence and unification of mind, is without thought and examination, and has rapture and happiness born of concentration. With the fading away as well of rapture, he dwells equanimous and, mindful and clearly comprehending, he experiences happiness with the body; he enters and dwells in the third jhāna of which the noble ones declare: ‘He is equanimous, mindful, one who dwells happily.’ With the abandoning of pleasure and pain, and with the previous passing away of joy and displeasure, he enters and dwells in the fourth jhāna, which is neither painful nor pleasant and includes the purification of mindfulness by equanimity. This is called right concentration.”
(9) The Spike
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, suppose a spike of rice or a spike of barley were wrongly directed and were pressed upon by the hand or the foot. That it could pierce the hand or the foot and draw blood: this is impossible. For what reason? Because the spike is wrongly directed. So too, bhikkhus, that a bhikkhu with a wrongly directed view, with a wrongly directed development of the path, could pierce ignorance, arouse true knowledge, and realize Nibbāna: this is impossible. For what reason? Because his view is wrongly directed.
“Bhikkhus, suppose a spike of rice or a spike of barley were rightly directed and were pressed upon by the hand or the foot. That it could pierce the hand or the foot and draw blood: this is possible. For what reason? Because the spike is rightly directed. [11] So too, bhikkhus, that a bhikkhu with a rightly directed view, with a rightly directed development of the path, could pierce ignorance, arouse true knowledge, and realize Nibbāna: this is possible. For what reason? Because his view is rightly directed.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. He develops … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release.
“It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu with a rightly directed view, with a rightly directed development of the path, pierces ignorance, arouses true knowledge, and realizes Nibbāna.”
(10) Nandiya
At Sāvatthı̄. Then the wanderer Nandiya approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Blessed One: “How many things, Master Gotama, when developed and cultivated, lead to Nibbāna, have Nibbāna as their destination, Nibbāna as their final goal?”
“These eight things, Nandiya, when developed and cultivated, lead to Nibbāna, have Nibbāna as their destination, Nibbāna as their final goal. What eight? Right view ... right concentration. These eight things, when
developed and cultivated, lead to Nibbāna, have Nibbāna as their destination, Nibbāna as their final goal.”
When this was said, the wanderer Nandiya said to the Blessed One: “Magnificent, Master Gotama! Magnificent, Master [12] Gotama!… From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
DWELLING
(1) Dwelling (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I wish to go into seclusion for half a month. I should not be approached by anyone except the one who brings me almsfood.”18
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied, and no one approached the Blessed One except the one who brought him almsfood.
Then, when that half-month had passed, the Blessed One emerged from seclusion and addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, I have been dwelling in part of the abode in which I dwelt just after I became fully enlightened.19 I have understood thus: ‘There is feeling with wrong view as condition, also feeling with right view as condition…. There is feeling with wrong concentration as condition, also feeling with right concentration as condition. There is feeling with desire as condition, also feeling with thought as condition, also feeling with perception as condition. 20
“‘When desire has not subsided, and thought has not subsided, and perception has not subsided, there is feeling with that as condition. [When desire has subsided, and thoughts have not subsided, [13] and perceptions have not subsided, there is also feeling with that as condition. When desire has subsided, and thoughts have subsided, and perceptions have not subsided, there is also feeling with that as condition.] When desire has
subsided, and thought has subsided, and perception has subsided, there is also feeling with that as condition. There is effort for the attainment of the as-yet-unattained. When that stage has been reached, there is also feeling with that as condition.’”21
(2) Dwelling (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I wish to go into seclusion for three months. I should not be approached by anyone except the one who brings me almsfood.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied, and no one approached the Blessed One except the one who brought him almsfood.
Then, when those three months had passed, the Blessed One emerged from seclusion and addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, I have been dwelling in part of the abode in which I dwelt just after I became fully enlightened. I have understood thus: ‘There is feeling with wrong view as condition, also feeling with the subsiding of wrong view as condition.22 There is feeling with right view as condition, also feeling with the subsiding of right view as condition…. There is feeling with wrong concentration as condition, also feeling with the subsiding of wrong concentration as condition. There is feeling with right concentration as condition, also feeling with the subsiding of right concentration as condition. There is feeling with desire as condition, also feeling with the subsiding of desire as condition. There is feeling with thought as condition, also feeling with the subsiding of thought as condition. There is feeling with perception as condition, also feeling with the subsiding of perception as condition.
“‘When desire has not subsided, and thought has not subsided, and perception has not subsided, there is feeling with that as condition. [When desire has subsided, and thoughts have not subsided, and perceptions have not subsided, there is also feeling with that as condition. When desire has subsided, and thoughts have subsided, and perceptions have not subsided,
there is also feeling with that as condition]. [14] When desire has subsided, and thought has subsided, and perception has subsided, there is also feeling with that as condition. There is effort for the attainment of the as-yet- unattained. When that stage has been reached, there is also feeling with that as condition.’”
(3) A Trainee
At Sāvatthı̄. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One…. Sitting to one side, that bhikkhu said to the Blessed One:
“Venerable sir, it is said, ‘a trainee, a trainee.’ In what way is one a trainee?”
“Here, bhikkhu, one possesses a trainee’s right view ... a trainee’s right concentration. It is in this way that one is a trainee.”
(4) Arising (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, these eight things, developed and cultivated, if unarisen do not arise apart from the appearance of a Tathāgata, an Arahant, a Perfectly Enlightened One. What eight? Right view ...right concentration. These eight things….”
(5) Arising (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, these eight things, developed and cultivated, if unarisen do not arise apart from the Discipline of a Fortunate One. What eight? Right view ... [15] right concentration. These eight things….”
(6) Purified (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, these eight things, purified, cleansed, flawless, free from corruptions, if unarisen do not arise apart from the appearance of a Tathāgata, an Arahant, a Perfectly Enlightened One. What eight? Right view ... right concentration. These eight things….”
(7) Purified (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, these eight things, purified, cleansed, flawless, free from corruptions, if unarisen do not arise apart from the Discipline of a Fortunate One. What eight? Right view … right concentration. These eight things….”
(8) The Cock’s Park (1)
Thus have I heard. On one occasion the Venerable Ānanda and the Venerable Bhadda were dwelling at Pāṭaliputta in the Cock’s Park. Then, in the evening, the Venerable Bhadda emerged from seclusion, approached the Venerable Ānanda, and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Venerable Ānanda:
“Friend Ānanda, it is said, ‘the unholy life, the unholy life.’ What now, friend, is the unholy life?” [16]
“Good, good, friend Bhadda! Your intelligence is excellent,23 friend Bhadda, your ingenuity is excellent, your inquiry is a good one. For you have asked me: ‘Friend Ānanda, it is said, “the unholy life, the unholy life.” What now, friend, is the unholy life?’”
“Yes, friend.”
“This eightfold wrong path, friend, is the unholy life; that is, wrong view
... wrong concentration.”
(9) The Cock’s Park (2)
At Pāṭaliputta. “Friend Ānanda, it is said, ‘the holy life, the holy life.’ What now, friend, is the holy life and what is the final goal of the holy life?”
“Good, good, friend Bhadda! Your intelligence is excellent, friend Bhadda, your ingenuity is excellent, your inquiry is a good one. For you have asked me: ‘Friend Ānanda, it is said, “the holy life, the holy life.” What now, friend, is the holy life and what is the final goal of the holy life?’”
“Yes, friend.”
“This Noble Eightfold Path, friend, is the holy life; that is, right view ... right concentration. The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion: this, friend, is the final goal of the holy life.”
(10) The Cock’s Park (3)
At Pāṭaliputta. “Friend Ānanda, it is said, ‘the holy life, the holy life.’ What now, friend, is the holy life, and who is a follower of the holy life, and what is the final goal of the holy life?” [17]
“Good, good, friend Bhadda! Your intelligence is excellent, friend Bhadda, your ingenuity is excellent, your inquiry is a good one. For you have asked me: ‘Friend Ānanda, it is said, “the holy life, the holy life.” What now, friend, is the holy life, and who is a follower of the holy life, and what is the final goal of the holy life?’”
“Yes, friend.”
“This Noble Eightfold Path, friend, is the holy life; that is, right view ... right concentration. One who possesses this Noble Eightfold Path is called a liver of the holy life. The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion: this, friend, is the final goal of the holy life.”
WRONGNESS
(1) Wrongness
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you wrongness and rightness. Listen to that…. [18]
“And what, bhikkhus, is wrongness? It is: wrong view ... wrong concentration. This is called wrongness.
“And what, bhikkhus, is rightness? It is: right view ... right concentration.
This is called rightness.”
(2) Unwholesome States
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you unwholesome states and wholesome states. Listen to that….
“And what, bhikkhus, are unwholesome states? They are: wrong view ... wrong concentration. These are called unwholesome states.
“And what, bhikkhus, are wholesome states? They are: right view ... right concentration. These are called wholesome states.”
(3) The Way (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the wrong way and the right way. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the wrong way? It is: wrong view ... wrong concentration. This is called the wrong way.
“And what, bhikkhus, is the right way? It is: right view ... right concentration. This is called the right way.”
(4) The Way (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, whether for a layperson or one gone forth, I do not praise the wrong way. Whether it is a layperson or one gone forth who is practising wrongly, [19] because of undertaking the wrong way of practice he does not attain the method, the Dhamma that is wholesome.24 And what, bhikkhus, is the wrong way? It is: wrong view ... wrong concentration. This is called the wrong way. Whether it is a layperson or one gone forth who is practising wrongly, because of undertaking the wrong way of practice he does not attain the method, the Dhamma that is wholesome.
“Bhikkhus, whether for a layperson or one gone forth, I praise the right way. Whether it is a layperson or one gone forth who is practising rightly, because of undertaking the right way of practice he attains the method, the Dhamma that is wholesome. And what, bhikkhus, is the right way? It is: right view ... right concentration. This is called the right way. Whether it is a layperson or one gone forth who is practising rightly, because of undertaking the right way of practice he attains the method, the Dhamma that is wholesome.”
(5) The Inferior Person (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the inferior person and the superior person. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the inferior person? Here someone is of wrong view, wrong intention, wrong speech, wrong action, wrong livelihood, wrong effort, wrong mindfulness, wrong concentration. This is called the inferior person.
“And what, bhikkhus, is the superior person? Here someone is of right view, right intention, right speech, [20] right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration. This is called the superior person.”
(6) The Inferior Person (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the inferior person and the one who is worse than the inferior person. I will teach you the superior person and the one who is better than the superior person. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the inferior person? Here someone is of wrong view ... wrong concentration. This is called the inferior person.
“And what, bhikkhus, is the one who is worse than the inferior person? Here someone is of wrong view ... wrong concentration, wrong knowledge, wrong liberation.25 This is called the one who is worse than the inferior person.
“And what, bhikkhus, is the superior person? Here someone is of right view ... right concentration. This is called the superior person.
“And what, bhikkhus, is the one who is better than the superior person? Here someone is of right view ... right concentration, right knowledge, right liberation. This is called the one who is better than the superior person.”
(7) The Pot
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, just as a pot without a stand is easily knocked over, while one with a stand is difficult to knock over, so the mind without a stand is easily knocked over, while the mind with a stand is difficult to knock over. [21]
“And what, bhikkhus, is the stand of the mind? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is the stand of the mind.
“Bhikkhus, just as a pot ... so the mind without a stand is easily knocked over, while the mind with a stand is difficult to knock over.”
(8) Concentration
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you noble right concentration with its supports and its accessories.26 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is noble right concentration with its supports and its accessories? There are: right view ... right mindfulness. The one- pointedness of mind equipped with these seven factors is called noble right concentration ‘with its supports,’ and also ‘with its accessories.’”
(9) Feeling
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three feelings.
“The Noble Eightfold Path, bhikkhus, is to be developed for the full understanding of these three feelings. What is the Noble Eightfold Path? It is: right view ... right concentration. [22] The Noble Eightfold Path is to be developed for the full understanding of these three feelings.”
(10) Uttiya
At Sāvatthı̄. Then the Venerable Uttiya approached the Blessed One ... and said to him:
“Here, venerable sir, when I was alone in seclusion a reflection arose in my mind thus: ‘Five cords of sensual pleasure have been spoken of by the Blessed One. But what now are those five cords of sensual pleasure?’”
“Good, good, Uttiya! These five cords of sensual pleasure have been spoken of by me. What five? Forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. Sounds cognizable by the ear ... Odours cognizable by the nose ... Tastes cognizable by the tongue ... Tactile objects cognizable by the body that are
desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure spoken of by me.
“The Noble Eightfold Path, Uttiya, is to be developed for the abandoning of these five cords of sensual pleasure. And what is the Noble Eightfold Path? It is: right view ... right concentration. This Noble Eightfold Path is to be developed for the abandoning of these five cords of sensual pleasure.”
[23]
PRACTICE
(1) Practice (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you wrong practice and right practice. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is wrong practice? It is: wrong view wrong
concentration. This is called wrong practice.
“And what, bhikkhus, is right practice? It is: right view right
concentration. This is called right practice.”
(2) Practice (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the one practising wrongly and the one practising rightly. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the one practising wrongly? Here someone is of wrong view ... wrong concentration. This is called the one practising wrongly.
“And what, bhikkhus, is the one practising rightly? Here someone is of right view … right concentration. This is called the one practising rightly.”27
(3) Neglected
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, those who have neglected the Noble Eightfold Path have neglected the noble path28 leading to the complete destruction of suffering. Those who have undertaken the Noble Eightfold Path have undertaken the noble path leading to the complete destruction of suffering. [24]
“And what, bhikkhus, is the Noble Eightfold Path? It is: right view … right concentration. Those who have neglected this Noble Eightfold Path … Those who have undertaken this Noble Eightfold Path have undertaken the noble path leading to the complete destruction of suffering.”
(4) Going Beyond
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, these eight things, when developed and cultivated, lead to going beyond from the near shore to the far shore. What eight? Right view … right concentration. These eight things, when developed and cultivated, lead to going beyond from the near shore to the far shore.”29
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Few are those among humankind Who go beyond to the far shore.
The rest of the people merely run Up and down along the bank.
“When the Dhamma is rightly expounded Those who practise in accord with the Dhamma Are the people who will go beyond
The realm of Death so hard to cross.
“Having left behind the dark qualities,
The wise man should develop the bright ones. Having come from home into homelessness, Where it is hard to take delight—
“There in seclusion he should seek delight, Having left behind sensual pleasures.
Owning nothing, the wise man
Should cleanse himself of mental defilements.
“Those whose minds are well developed In the factors of enlightenment,
Who through nonclinging find delight In the relinquishment of grasping:
Those luminous ones with taints destroyed Are fully quenched in the world.” [25]
(5) Asceticism (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you asceticism and the fruits of asceticism. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is asceticism? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called asceticism.
“And what, bhikkhus, are the fruits of asceticism? The fruit of stream- entry, the fruit of once-returning, the fruit of nonreturning, the fruit of arahantship. These are called the fruits of asceticism.”
(6) Asceticism (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you asceticism and the goal of asceticism. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is asceticism? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called asceticism.
“And what, bhikkhus, is the goal of asceticism? The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion. This is called the goal of asceticism.”
(7) Brahminhood (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you brahminhood and the fruits of brahminhood. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is brahminhood? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called brahminhood.
“And what, bhikkhus, are the fruits of brahminhood? [26] The fruit of stream-entry, the fruit of once-returning, the fruit of nonreturning, the fruit of arahantship. These are called the fruits of brahminhood.”
(8) Brahminhood (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you brahminhood and the goal of brahminhood. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is brahminhood? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called brahminhood.
“And what, bhikkhus, is the goal of brahminhood? The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion. This is called the goal of brahminhood.”
(9) The Holy Life (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the holy life and the fruits of the holy life. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the holy life? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called the holy life.
“And what, bhikkhus, are the fruits of the holy life? The fruit of stream- entry, the fruit of once-returning, the fruit of nonreturning, the fruit of arahantship. These are called the fruits of the holy life.”
(10) The Holy Life (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the holy life and the goal of the holy life. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the holy life? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is called the holy life. [27]
“And what, bhikkhus, is the goal of the holy life? The destruction of lust, the destruction of hatred, the destruction of delusion. This is called the goal of the holy life.”
WANDERERS OF OTHER SECTS30
(1) The Fading Away of Lust
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, if wanderers of other sects ask you: ‘For what purpose, friends, is the holy life lived under the ascetic Gotama?’—being asked thus, you should answer them thus: ‘It is, friends, for the fading away of lust that the holy life is lived under the Blessed One.’
“Then, bhikkhus, if the wanderers of other sects ask you: ‘But, friends, is there a path, is there a way for the fading away of lust?’—being asked thus, you should answer them thus: ‘There is a path, friends, there is a way for the fading away of lust.’
“And what, bhikkhus, is that path, what is that way [28] for the fading away of lust? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is the path, this is the way for the fading away of lust.
“Being asked thus, bhikkhus, you should answer those wanderers of other sects in such a way.”
(2)-48 (8) The Abandoning of the Fetters, Etc.
“Bhikkhus, if wanderers of other sects ask you: ‘For what purpose, friends, is the holy life lived under the ascetic Gotama?’—being asked thus, you should answer them thus: ‘It is, friends, for the abandoning of the fetters ... for the uprooting of the underlying tendencies ... for the full understanding of the course31 … for the destruction of the taints ... for the realization of the fruit of true knowledge and liberation ... for the sake of knowledge and vision ... [29] … for the sake of final Nibbāna without clinging that the holy life is lived under the Blessed One.’
“Then, bhikkhus, if the wanderers of other sects ask you: ‘But, friends, is there a path, is there a way for attaining final Nibbāna without clinging?’— being asked thus, you should answer them thus: ‘There is a path, friends, there is a way for attaining final Nibbāna without clinging.’
“And what, bhikkhus, is that path, what is that way for attaining final Nibbāna without clinging? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view
... right concentration. This is the path, this is the way for attaining final Nibbāna without clinging.
“Being asked thus, bhikkhus, you should answer those wanderers of other sects in such a way.”
THE SUN REPETITION SERIES
BASED UPON SECLUSION VERSION
49 (1) Good Friend
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, this is the forerunner and precursor of the rising of the sun, that is, the dawn. So too, bhikkhus, [30] for a bhikkhu this is the forerunner and precursor for the arising of the Noble Eightfold Path, that is, good friendship.32 When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate this Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release…. He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
50 (2)-55 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, this is the forerunner and precursor of the rising of the sun, that is, the dawn. So too, bhikkhus, for a bhikkhu this is the forerunner and precursor for the arising of the Noble Eightfold Path, that is, accomplishment in virtue … accomplishment in desire ... accomplishment in self ... accomplishment in view ... accomplishment in diligence … [31]
… accomplishment in careful attention.33 When a bhikkhu is accomplished in careful attention, it is to be expected that he will develop and cultivate this Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who is accomplished in careful attention develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release…. He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
REMOVAL OF LUST VERSION
56 (1) Good Friend
“Bhikkhus, this is the forerunner and precursor of the rising of the sun, that is, the dawn. So too, bhikkhus, for a bhikkhu this is the forerunner and precursor for the arising of the Noble Eightfold Path, that is, good friendship. When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate this Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion…. He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
57 (2)-62 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, this is the forerunner and precursor of the rising of the sun, that is, the dawn. So too, bhikkhus, for a bhikkhu this is the forerunner and precursor for the arising of the Noble Eightfold Path, that is, accomplishment in virtue ... [32] … accomplishment in desire ... accomplishment in self ... accomplishment in view ... accomplishment in diligence … accomplishment in careful attention. When a bhikkhu is accomplished in careful attention, it is to be expected that he will develop and cultivate this Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who is accomplished in careful attention develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion…. He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
ONE THING REPETITION SERIES (1)
BASED UPON SECLUSION VERSION
63 (1) Good Friend
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, one thing is very helpful for the arising of the Noble Eightfold Path. What one thing? Good friendship. [33] When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release…. He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
64 (2)-69 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, one thing is very helpful for the arising of the Noble Eightfold Path. What one thing? Accomplishment in virtue ... Accomplishment in desire ... Accomplishment in self ... Accomplishment in view ... Accomplishment in diligence … Accomplishment in careful attention … (complete as in §63) [34] … He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
REMOVAL OF LUST VERSION
70 (1) Good Friend
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, one thing is very helpful for the arising of the Noble Eightfold Path. What one thing? Good friendship. When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion…. He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
71 (2)-76 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, one thing is very helpful for the arising of the Noble Eightfold Path. What one thing? Accomplishment in virtue ... Accomplishment in desire ... Accomplishment in self ... Accomplishment in view ... [35] Accomplishment in diligence … Accomplishment in careful attention … (complete as in §70) ... He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
ONE THING REPETITION SERIES (2)
BASED UPON SECLUSION VERSION
77 (1) Good Friend
“Bhikkhus, I do not see even one other thing by means of which the unarisen Noble Eightfold Path arises and the arisen Noble Eightfold Path goes to fulfilment by development so effectively as by this: good friendship.
When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? [36] Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release…. He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
78 (2)-83 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, I do not see even one other thing by means of which the unarisen Noble Eightfold Path arises and the arisen Noble Eightfold Path goes to fulfilment by development so effectively as by this: accomplishment in virtue ... accomplishment in desire … accomplishment in self ... accomplishment in view ... accomplishment in diligence … accomplishment in careful attention … (complete as in §77) … He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.” [37]
REMOVAL OF LUST VERSION
84 (1) Good Friend
“Bhikkhus, I do not see even one other thing by means of which the unarisen Noble Eightfold Path arises and the arisen Noble Eightfold Path goes to fulfilment by development so effectively as by this: good friendship. When a bhikkhu has a good friend, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how does a bhikkhu who has a good friend develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion…. He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has a good friend develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
85 (2)-90 (7) Accomplishment in Virtue, Etc.
“Bhikkhus, I do not see even one other thing by means of which the unarisen Noble Eightfold Path arises and the arisen Noble Eightfold Path goes to fulfilment by development so effectively as by this: accomplishment in virtue ... accomplishment in desire … accomplishment in self ... accomplishment in view ... accomplishment in diligence … accomplishment in careful attention … (complete as in §84) [38] … He develops right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is accomplished in careful attention develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
FIRST GANGES REPETITION SERIES34
BASED UPON SECLUSION VERSION
91 (1) Slanting to the East (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, just as the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, so too a bhikkhu who develops and cultivates the Noble Eightfold Path slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu develop and cultivate the Noble Eightfold Path so that he slants, slopes, and inclines towards Nibbāna?
Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release…. He develops right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that he slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
92 (2)-96 (6) Slanting to the East (2-6)
“Bhikkhus, just as the river Yamunā ... [39] … the river Aciravatı̄ … the river Sarabhū … the river Mahı̄ … whatever great rivers there are—that is, the Ganges, the Yamunā, the Aciravatı̄, the Sarabhū, the Mahı̄—all slant, slope, and incline towards the east, so too a bhikkhu who develops and cultivates the Noble Eightfold Path slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
(Complete as in §91.)
97 (7)-102 (12) The Ocean
“Bhikkhus, just as the river Ganges … [40] … whatever great rivers there are … all slant, slope, and incline towards the ocean, so too a bhikkhu who develops and cultivates the Noble Eightfold Path slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
(Complete as in §§91–96.)
SECOND GANGES REPETITION SERIES
REMOVAL OF LUST VERSION
103 (1)-108 (6) Slanting to the East
109 (7)-114 (12) The Ocean
(In this version §§103–108 are identical with §§91–96, and §§109–114 with
§§97–102, except for the following change:)
“Here, bhikkhus, a bhikkhu develops and cultivates right view … right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion.”
[41]
THIRD GANGES REPETITION SERIES
THE DEATHLESS AS ITS GROUND VERSION
115 (1)-120 (6) Slanting to the East
121 (7)-126 (12) The Ocean
(In this version §§115–120 are identical with §§91–96, and §§121–126 with
§§97–102, except for the following change:)
“Here, bhikkhus, a bhikkhu develops and cultivates right view … right concentration, which has the Deathless as its ground, the Deathless as its destination, the Deathless as its final goal.”35
FOURTH GANGES REPETITION SERIES
SLANTS TOWARDS NIBBANA VERSION
127 (1)-132 (6) Slanting to the East
133 (7)-138 (12) The Ocean
(In this version §§127–132 are identical with §§91–96, and §§133–138 with §§97–102, except for the following change:)
“Here, bhikkhus, a bhikkhu develops and cultivates right view … right concentration, which slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
DILIGENCE36
(1) The Tathāgata
BASED UPON SECLUSION VERSION
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, whatever beings there are—whether those without feet or those with two feet or those with four feet or those with many feet, whether consisting of form or formless, whether percipient, [42] nonpercipient, or neither percipient nor nonpercipient—the Tathāgata, the Arahant, the Perfectly Enlightened One, is declared to be the chief among them. So too, whatever wholesome states there are, they are all rooted in diligence, converge upon diligence, and diligence is declared to be the chief among them.37 When a bhikkhu is diligent, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu who is diligent develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is diligent develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
REMOVAL OF LUST VERSION
... “Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion….” [43]
THE DEATHLESS AS ITS GROUND VERSION
... “Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which has the Deathless as its ground, the Deathless as its destination, the Deathless as its final goal….”
SLANTS TOWARDS NIBBĀNA VERSION
... “Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which slants, slopes, and inclines towards Nibbāna….”
(Each of the following suttas, §§140–148, is to be elaborated in accordance with the fourfold method of §139.)
(2) The Footprint
“Bhikkhus, just as the footprints of all living beings that walk fit into the footprint of the elephant, and the elephant’s footprint is declared to be the chief among them, that is, with respect to size, so too whatever wholesome states there are, they are all rooted in diligence, converge upon diligence, and diligence is declared to be the chief among them. When a bhikkhu is diligent, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path….”
(3) The Roof Peak
“Bhikkhus, just as all the rafters of a peaked house lean towards the roof peak, slope towards the roof peak, converge upon the roof peak, and the roof peak is declared to be their chief, so too ...”38 [44]
(4) Roots
“Bhikkhus, just as, of all fragrant roots, black orris is declared to be their chief, so too ...”
(5) Heartwood
“Bhikkhus, just as, of all fragrant heartwoods, red sandalwood is declared to be their chief, so too ...”
(6) Jasmine
“Bhikkhus, just as, of all fragrant flowers, the jasmine is declared to be their chief, so too ...”
(7) Monarch
“Bhikkhus, just as all petty princes are the vassals of a wheel-turning monarch, and the wheel-turning monarch is declared to be their chief, so too ...”
(8) The Moon
“Bhikkhus, just as the radiance of all the stars does not amount to a sixteenth part of the radiance of the moon, and the radiance of the moon is declared to be their chief, so too ...”
(9) The Sun
“Bhikkhus, just as in the autumn, when the sky is clear and cloudless, the sun, ascending in the sky, dispels all darkness from space as it shines and
beams and radiates, so too …” [45]
(10) The Cloth
“Bhikkhus, just as, of all woven cloths, Kāsian cloth is declared to be their chief, so too whatever wholesome states there are, they are all rooted in diligence, converge upon diligence, and diligence is declared to be the chief among them. When a bhikkhu is diligent, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu who is diligent develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who is diligent develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
STRENUOUS DEEDS
(Each sutta is to be elaborated in accordance with the same fourfold method.)
(1) Strenuous
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, just as whatever strenuous deeds are done, are all done based upon the earth, established upon the earth, [46] so too, based upon virtue, established upon virtue, a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in
this way, bhikkhus, that a bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
(2) Seeds
“Bhikkhus, just as whatever kinds of seed and plant life attain to growth, increase, and expansion, all do so based upon the earth, established upon the earth, so too, based upon virtue, established upon virtue, a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, and thereby he attains to growth, increase, and expansion in [wholesome] states.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion,
[47] and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, develops and cultivates the Noble Eightfold Path, and thereby attains to growth, increase, and expansion in [wholesome] states.”
(3) Nāgas
“Bhikkhus, based upon the Himalayas, the king of mountains, the nāgas nurture their bodies and acquire strength.39 When they have nurtured their bodies and acquired strength, they then enter the pools. From the pools they enter the lakes, then the streams, then the rivers, and finally they enter the ocean. There they achieve greatness and expansiveness of body. So too, bhikkhus, based upon virtue, established upon virtue, a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, and thereby he achieves greatness and expansiveness in [wholesome] states.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu, based upon virtue, established upon virtue, develops and cultivates the Noble Eightfold Path, and thereby achieves greatness and expansiveness in [wholesome] states.”
(4) The Tree
“Bhikkhus, suppose a tree were slanting, sloping, and inclining towards the east. If it were cut at its foot, in what direction would it fall?” [48]
“In whatever direction it was slanting, sloping, and inclining, venerable sir.”
“So too, bhikkhus, a bhikkhu who develops and cultivates the Noble Eightfold Path slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that he slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
(5) The Pot
“Bhikkhus, just as a pot that has been turned upside down gives up its water and does not take it back, so a bhikkhu who develops and cultivates the Noble Eightfold Path gives up evil unwholesome states and does not take them back.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that he gives up evil unwholesome states and does not take them back.”
(6) The Spike
“Bhikkhus, suppose a spike of rice or a spike of barley were rightly directed and were pressed upon by the hand or the foot. That it could pierce the hand or the foot and draw blood: this is possible. For what reason? Because the spike is rightly directed. [49] So too, bhikkhus, that a bhikkhu with a rightly
directed view, with a rightly directed development of the path, could pierce ignorance, arouse true knowledge, and realize Nibbāna: this is possible. For what reason? Because his view is rightly directed.
“And how does a bhikkhu do so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release.
“It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu with a rightly directed view, with a rightly directed development of the path, pierces ignorance, arouses true knowledge, and realizes Nibbāna.”
(7) The Sky
“Bhikkhus, just as various winds blow in the sky—easterly winds, westerly winds, northerly winds, southerly winds, dusty winds and dustless winds, cold winds and hot winds, gentle winds and strong winds40—so too, when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, then for him the four establishments of mindfulness go to fulfilment by development; the four right strivings go to fulfilment by development; the four bases for spiritual power go to fulfilment by development; the five spiritual faculties go to fulfilment by development; the five powers go to fulfilment by development; the seven factors of enlightenment go to fulfilment by development.
“And how is this so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that when a bhikkhu [50] develops and cultivates the Noble Eightfold Path, then for him the four establishments of mindfulness … the seven factors of enlightenment go to fulfilment by development.”
(8) The Rain Cloud (1)
“Bhikkhus, just as, in the last month of the hot season, when a mass of dust and dirt has swirled up, a great rain cloud out of season disperses it and quells it on the spot; so too, when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, whenever evil unwholesome states arise, he disperses them and quells them on the spot.
“And how is this so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. [51] It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that whenever evil unwholesome states arise, he disperses them and quells them on the spot.”
(9) The Rain Cloud (2)
“Bhikkhus, just as, when a great rain cloud has arisen, a strong wind intercedes to disperse and quell it; so too, when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, whenever evil unwholesome states have arisen, he intercedes to disperse and quell them.
“And how is this so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that whenever evil unwholesome states have arisen, he intercedes to disperse and quell them.”
(10) The Ship
“Bhikkhus, suppose there were a seafaring ship bound with rigging that had been worn out in the water for six months.41 It would be hauled up on dry land during the cold season and its rigging would be further attacked by wind and sun. Inundated by rain from a rain cloud, the rigging would easily collapse and rot away. So too, when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, his fetters easily collapse and rot away.
“And how is this so? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that his fetters easily collapse and rot away.”
(11) The Guest House
“Bhikkhus, suppose there is a guest house.42 People come from the east, west, north, and south and lodge there; khattiyas, brahmins, [52] vessas, and suddas come and lodge there. So too, when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, he fully understands by direct knowledge those things that are to be fully understood by direct knowledge; he abandons by direct knowledge those things that are to be abandoned by direct knowledge; he realizes by direct knowledge those things that are to be realized by direct knowledge; he develops by direct knowledge those things that are to be developed by direct knowledge.
“And what, bhikkhus, are the things to be fully understood by direct knowledge? It should be said: the five aggregates subject to clinging. What five? The form aggregate subject to clinging … the consciousness aggregate subject to clinging. These are the things to be fully understood by direct knowledge.
“And what, bhikkhus, are the things to be abandoned by direct knowledge? Ignorance and craving for existence. These are the things to be abandoned by direct knowledge.
“And what, bhikkhus, are the things to be realized by direct knowledge? True knowledge and liberation. These are the things to be realized by direct knowledge.
“And what, bhikkhus, are the things to be developed by direct knowledge? Serenity and insight. These are the things to be developed by direct knowledge.
“And how is it, bhikkhus, that when a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path, he fully understands by direct knowledge those things that are to be fully understood by direct knowledge … [53] … he develops by direct knowledge those things that are to be developed by direct knowledge? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path so that he fully understands by direct knowledge those things that are to be fully understood by direct knowledge
… he develops by direct knowledge those things that are to be developed by direct knowledge.”
(12) The River
“Suppose, bhikkhus, that when the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, a great crowd of people would come along bringing a shovel and a basket, thinking: ‘We will make this river Ganges slant, slope, and incline towards the west.’43 What do you think, bhikkhus, would that great crowd of people be able to make the river Ganges slant, slope, and incline towards the west?”
“No, venerable sir. For what reason? Because the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, and it is not easy to make it slant, slope, and incline towards the west. That great crowd of people would only reap fatigue and vexation.”
“So too, bhikkhus, when a bhikkhu is developing and cultivating the Noble Eightfold Path, kings or royal ministers, friends or colleagues, relatives or kinsmen, might invite him to accept wealth, saying: ‘Come, good man, why let these saffron robes weigh you down? Why roam around with a shaven head and a begging bowl? Come, having returned to the lower life, enjoy wealth and do meritorious deeds.’ Indeed, bhikkhus, when that bhikkhu is developing and cultivating the Noble Eightfold Path, it is impossible that he will give up the training and return to the lower life. For what reason? Because for a long time his mind has slanted, sloped, and
inclined towards seclusion. Thus it is impossible that he will return to the lower life.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu develop and cultivate the Noble Eightfold Path? [54] Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu develops and cultivates the Noble Eightfold Path.”
SEARCHES
(1) Searches
At Sāvatthı̄.
Direct knowledge)
“Bhikkhus, there are these three searches. What three? The search for sensual pleasure, the search for existence, the search for a holy life.44 These are the three searches. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three searches.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three searches.”
… “What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion.”…
… “What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which has the Deathless as its ground, the Deathless as its destination, the Deathless as its final goal.”… [55]
… “What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which slants, slopes, and inclines towards Nibbāna. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three searches.”
Each of the following sub-sections (ii–iv) is to be elaborated in accordance with the method employed in the sub-section on direct knowledge.
(ii. Full understanding)
“Bhikkhus, there are these three searches. What three? The search for sensual pleasure, the search for existence, the search for a holy life. These are the three searches. The Noble Eightfold Path is to be developed for full understanding of these three searches.”…
(iii. Utter destruction)
“Bhikkhus, there are these three searches. What three? The search for sensual pleasure, the search for existence, the search for a holy life. These are the three searches. The Noble Eightfold Path is to be developed for the utter destruction of these three searches.”…
(iv. Abandoning)
“Bhikkhus, there are these three searches. What three? The search for sensual pleasure, the search for existence, the search for a holy life. These are the three searches. The Noble Eightfold Path is to be developed for the abandoning of these three searches.”… [56]
Each of the following suttas is to be elaborated in accordance with the fourfold method employed in §161.
(2) Discriminations
“Bhikkhus, there are these three discriminations. What three? The discrimination ‘I am superior,’ the discrimination ‘I am equal,’ the discrimination ‘I am inferior.’ These are the three discriminations. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three discriminations, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. This Noble Eightfold Path is to be developed for the direct knowledge of these three discriminations … for their abandoning.”
(3) Taints
“Bhikkhus, there are these three taints. What three? The taint of sensuality, the taint of existence, the taint of ignorance. These are the three taints. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three taints, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(4) Existence
“Bhikkhus, there are these three kinds of existence. What three? Sense- sphere existence, form-sphere existence, formless-sphere existence. These are the three kinds of existence. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of existence, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(5) Suffering
“Bhikkhus, there are these three kinds of suffering. What three? Suffering due to pain, suffering due to formations, suffering due to change.45 These are the three kinds of suffering. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of suffering, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.” [57]
(6) Barrenness
“Bhikkhus, there are these three kinds of barrenness. What three? The barrenness of lust, the barrenness of hatred, the barrenness of delusion. These are the three kinds of barrenness. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of barrenness, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(7) Stains
“Bhikkhus, there are these three stains. What three? The stain of lust, the stain of hatred, the stain of delusion. These are the three stains. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three stains, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(8) Troubles
“Bhikkhus, there are these three kinds of trouble. What three? The trouble of lust, the trouble of hatred, the trouble of delusion. These are the three kinds of trouble. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of trouble, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(9) Feelings
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three feelings. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three feelings, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(10) Cravings
[58] “Bhikkhus, there are these three kinds of craving. What three? Craving for sensual pleasures, craving for existence, craving for extermination. These are the three kinds of craving. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of craving, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of craving, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
170 (11) Thirst46
“Bhikkhus, there are these three kinds of thirst. What three? Thirst for sensual pleasures, thirst for existence, thirst for extermination. These are the three kinds of thirst. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of thirst, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these three kinds of thirst, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
[59]
FLOODS
At Sāvatthı̄.
(1) Floods
“Bhikkhus, there are these four floods. What four? The flood of sensuality, the flood of existence, the flood of views, the flood of ignorance. These are the four floods. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these four floods, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(2) Bonds
“Bhikkhus, there are these four bonds. What four? The bond of sensuality, the bond of existence, the bond of views, the bond of ignorance. These are the four bonds. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these four bonds, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(3) Clinging
“Bhikkhus, there are these four kinds of clinging? What four? Clinging to sensual pleasure, clinging to views, clinging to rules and vows, clinging to a doctrine of self. These are the four kinds of clinging. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these four kinds of clinging, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(4) Knots
“Bhikkhus, there are these four knots. What four? The bodily knot of covetousness, the bodily knot of ill will, the bodily knot of distorted grasp of rules and vows, the bodily knot of adherence to dogmatic assertion of truth.47 [60] These are the four knots. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these four knots, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(5) Underlying Tendencies
“Bhikkhus, there are these seven underlying tendencies. What seven? The underlying tendency to sensual lust,48 the underlying tendency to aversion, the underlying tendency to views, the underlying tendency to doubt, the underlying tendency to conceit, the underlying tendency to lust for existence, the underlying tendency to ignorance. These are the seven underlying tendencies. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these seven underlying tendencies, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(6) Cords of Sensual Pleasure
“Bhikkhus, there are these five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. Sounds cognizable by the ear … Odours cognizable by the nose … Tastes cognizable by the tongue … Tactile objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five cords of sensual pleasure, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(7) Hindrances
“Bhikkhus, there are these five hindrances. What five? The hindrance of sensual desire, the hindrance of ill will, the hindrance of sloth and torpor, the hindrance of restlessness and remorse, the hindrance of doubt. These are the five hindrances. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five hindrances, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(8) Aggregates Subject to Clinging
“Bhikkhus, there are these five aggregates subject to clinging. What five? The form aggregate subject to clinging, the feeling aggregate subject to clinging, [61] the perception aggregate subject to clinging, the volitional formations aggregate subject to clinging, the consciousness aggregate subject to clinging. These are the five aggregates subject to clinging. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five aggregates subject to clinging, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(9) Lower Fetters
“Bhikkhus, there are these five lower fetters.49 What five? Identity view, doubt, the distorted grasp of rules and vows, sensual desire, ill will. These are the five lower fetters. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five lower fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
(10) Higher Fetters
“Bhikkhus, there are these five higher fetters.50 What five? Lust for form, lust for the formless, conceit, restlessness, ignorance. These are the five higher fetters. The Noble Eightfold Path is to be developed for direct
knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“Bhikkhus, there are these five higher fetters. What five?… [62] … The Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.
“What Noble Eightfold Path? Here, bhikkhus, a bhikkhu develops right view ... right concentration, which has as its final goal the removal of lust, the removal of hatred, the removal of delusion … which has the Deathless as its ground, the Deathless as its destination, the Deathless as its final goal
... which slants, slopes, and inclines towards Nibbāna. This Noble Eightfold Path is to be developed for direct knowledge of these five higher fetters, for the full understanding of them, for their utter destruction, for their abandoning.”
[63]
1



Close
Close