Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Tám - Tương Ưng Thôn Trưởng

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Canda (Tàn bạo) (S.iv,305)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi thôn trưởng Canda bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì ở đây, có người được gọi tên là tàn bạo? Do nhân gì, do duyên gì ở đây, có người được gọi là hiền lành (sùrato)?
4) -- Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham dục (ràyo) chưa được đoạn tận. Do tham dục (ràga) chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo. Sân chưa được đoạn tận. Do sân chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo. Si chưa được đoạn tận. Do si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có người được gọi tên là tàn bạo.
5) Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người tham dục được đoạn tận. Do tham dục được đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành. Sân được đoạn tận. Do sân đã được đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành. Si đã được đoạn tận. Do si đã đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có người được gọi tên là hiền lành.
6) Ðược nghe nói vậy, thôn trưởng Canda bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
II. Puta (S.iv,306)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Talaputa, nhà vũ kịch sư (natagàmani), đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
-- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười (pahàsadeve)". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
4) Lần thứ hai, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
5) Lần thứ ba, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Ðạo sư, các vị Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
-- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời cho Ông.
6) Này Thôn trưởng, đối với những loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với những loại hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ càng tăng thịnh.
7) Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu (Pahàso). Nếu người ấy có (tà) kiến như sau: "Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.
8) Khi được nói vậy, vũ kịch sư Talaputa phát khóc và rơi nước mắt.
-- Chính vì vậy, này Thôn trưởng, Ta đã không chấp nhận và nói: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".
-- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Ðạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: "Người vũ kịch nào trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên hay cười".
9) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!
10) Vũ kịch sư Talaputa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Talaputa... trở thành một vị A-la-hán nữa.
III. Yodhàjivo (Kẻ chiến đấu) (S.vi,308)
1) ...
2) Rồi chiến đấu sư Yodhàjivo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, chiến đấu sư bạch Thế Tôn:
-- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các chiến đấu viên, nói rằng: "Vị chiến đấu viên nào trong chiến trường, hăng say, tinh tấn; do hăng hay tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại; vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
-- Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
4) Lần thứ hai...
5) Lần thứ ba, chiến đấu sư bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con được nghe các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các chiến đấu viên, nói rằng: "Vị chiến đấu viên nào trong chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
-- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: "Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời.
6) Này Chiến đấu sư, đối với chiến đấu viên nào trong chiến trường hăng say, tinh tấn, tâm của vị ấy trước đó phải có những ý nghĩ thấp kém, ác ý, ác nguyện như sau: "Mong rằng các loài hữu tình ấy bị giết, bị bắt, bị tàn sát, bị tàn hại!", hay: "Mong họ chớ có tồn tại!" Do vị ấy hăng hái, tinh tấn như vậy, nếu vị ấy bị người khác tàn sát, đánh bại, thời người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào địa ngục tên là Saràjità. Nếu người ấy có tà kiến như sau: "Vị chiến đấu viên nào giữa chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến này, này Chiến đấu sư, Ta nói rằng, người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: Một là địa ngục, hai là súc sanh.
7) Khi được nói vậy, vị chiến đấu sư phát khóc, rơi nước mắt.
-- Chính vì vậy, này Chiến đấu sư, Ta không chấp nhận và nói: "Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".
-- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Ðạo sư, các Tổ sư, các chiến đấu viên thuở trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn con lầm lạc, nói rằng: "Ai là người chiến đấu viên giữa các chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità".
8) Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Từ nay cho đến mệnh chung con trọn đời quy ngưỡng!
IV. Voi (S.iv,310)
1) ...
2-8) (Giống như kinh trước, chỉ khác đấy là vị tượng sư hay người nài voi).
V. Ngựa (S.iv,310)
1-8) (Giống như kinh trước, chỉ khác đấy là vị mã sư hay người huấn luyện ngựa).
VI. Người Ðất Phương Tây hay Người Ðã Chết (S.iv,311)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.
2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevàla), nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhắc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyàpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
4) -- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn hãy trả lời.
5) Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
6) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
8) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!". Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
9) Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
VII. Thuyết Pháp (S.iv,314)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.
2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình?
-- Ðúng vậy, này Thôn trưởng, Như Lai sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
4) -- Nhưng vì sao, bạch Thế Tôn, đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn; đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn như vậy?
-- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông, Ông kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.
5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ở đây, một người cày ruộng có ba thửa ruộng, một loại tốt, một loại bậc trung, một loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Người cày ruộng ấy muốn gieo hột giống, thời gieo ở thuở ruộng nào trước, ruộng tốt, hay ruộng bậc trung, hay ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc?
-- Bạch Thế Tôn, người gia chủ cày ruộng muốn gieo hột giống, gieo vào thửa ruộng tốt; sau khi gieo ở đấy xong, lại gieo vào thửa ruộng loại trung; sau khi gieo ở đấy xong, vị ấy có thể gieo hay không gieo hạt giống vào thửa ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Vì sao? Tối thiểu cũng có thể làm món ăn cho các trâu bò.
6) -- Ví như thửa ruộng tốt, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Ðối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.
7) Ví như thửa ruộng loại trung, này Thôn trưởng, là các vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.
8) Ví như thửa ruộng xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ hiểu được chỉ một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
9) Ví như, này Thôn trưởng, một người có ba bình nước, một bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước; một bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước; một bình nước nứt rạn, chảy nước, thấm nước. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Nếu có người muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa nước ở đâu trước, người ấy chứa bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, hay bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, hay bình nước nứt rạn, chảy nước và thấm nước?
-- Bạch Thế Tôn, người ấy muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa vào bình nước không có nứt rạn, không có chảy nước, không có thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước vào bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước hay không chứa nước vào bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước. Vì sao? Vì ít nhứt cũng có thể dùng để rửa vật dụng.
10) -- Ví dụ với bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.
11) Ví dụ với cái bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, này Thôn trưởng, là các nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn,thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.
12) Ví dụ với cái bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ chỉ hiểu được một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
13) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
VIII. Vỏ Ốc (S.iv,317)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.
2) Rồi Thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của phái Ni-kiền-tử đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với thôn trưởng Asiband-hakaputta đang ngồi một bên:
-- Này Thôn trưởng, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp như thế nào cho chúng đệ tử?
4) -- Bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho chúng đệ tử như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy". Như vậy, bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho các đệ tử.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sát hại sanh mạng, hay thời vị ấy không sát hại sanh mạng?
-- Bạch Thế Tôn, có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, là thời vị ấy sát hại sanh mạng. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sát hại sanh mạng.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
6) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy lấy của không cho hay thời vị ấy không lấy của không cho?
-- Bạch Thế Tôn, có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy lấy của không cho. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không lấy của không cho.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục, hay thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục?
-- Bạch Thế Tôn, có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không có ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
8) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy nói láo, hay thời vị ấy không nói láo?
-- Bạch Thế Tôn, có người nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời này là ít hơn, thời vị ấy nói láo. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không nói láo.
-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.
9) Ở đây, này Thôn trưởng, có vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Ðạo sư ấy.
10) Vị ấy suy nghĩ: "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sát hại sanh mạng tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có sát hại một sanh mạng. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục như vậy. " Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có lấy của không cho. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục." Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta sống theo tà hạnh trong các dục. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta nói láo. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy.
11) Ở đây, này Thôn trưởng, Như Lai sanh ra ở đời, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; Như Lai dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: "Chớ có sát sanh"; chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: "Chớ có lấy của không cho"; chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục và nói: "Chớ có sống theo tà hạnh trong các dục"; chỉ trích, công kích nói láo và nói: "Chớ có nói láo". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Ðạo Sư ấy. Vị ấy suy tư như sau:
12) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: 'Chớ có sát sanh". Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên (sutthu), như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'". Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
13) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: 'Chớ có lấy của không cho". Nay ta có lấy của không cho như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ lấy của không cho. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ lấy của không cho. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
14) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục.."..
15) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói láo.."..
16) Do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống theo tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống theo tà hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người từ bỏ nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người từ bỏ nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời độc ác. Do đoạn tận lời nói phù phiếm, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời phù phiếm. Ðoạn tận tham, không có tham lam, đoạn tận sân, không có sân tâm, đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với từ, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.
17) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và (bằng con ốc), với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập từ tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy, như vậy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.
18) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và, với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập xả tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại.
19) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
IX. Gia Tộc (S.iv,322)
1) Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân tộc Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đi đến Nàlandà. Tại đây, Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvarikamba.
2) Lúc bấy giờ, Nàlandà đang bị đói kém, khó để lo miệng sống (dviihitikà), xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ (sàlàkàvuttà).
3) Lúc bấy giờ Nigantha Nàtaputta sống ở Nàlandà với đại chúng Nigantha.
4) Rồi Thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của Nigantha Nàtaputta, đi đến Nigantha Nàtaputta; sau khi đến đảnh lễ Nigantha Nàtaputta rồi ngồi xuống một bên.
5) Nigantha Nàtaputtta nói với thôn trưởng Asibandhakaputta đang ngồi một bên:
-- Hãy đến, này Thôn trưởng, hãy đến cật vấn Sa-môn Gotama. Như vậy, tiếng đồn tốt đẹp sẽ được lan khắp về Ông: "Sa-môn Gotama, một vị có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị thôn trưởng Asibandhakaputta cật vấn!"
-- Thưa Tôn giả, làm thế nào con có thể cật vấn Sa-môn Gotama, một vị có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?
6) -- Hãy đến, này Thôn trưởng, hãy đến Sa-môn Gotama; sau khi đến, nói với Sa-môn Gotama như sau:
"-- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán bảo vệ các gia đình, tán thán từ mẫn với các gia đình"?
Này Thôn trưởng, được hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama trả lời như sau:
"-- Ðúng như vậy, này Thôn trưởng, Như Lai dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn".
Thời ông hỏi Sa-môn Gotama:
"-- Vậy vì sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỷ-kheo lại du hành tại Nàlandà đói kém, khó để lo miệng sống, xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình".
Như vậy, này Thôn trưởng, bị ông hỏi với câu hỏi có hai đầu nhọn, Sa-môn Gotama không có thể nhổ ra, cũng như không có thể nuốt xuống.
7) -- Thưa vâng, Tôn giả.
Thôn trưởng Asibandhakaputta vâng đáp Nigantha Nàtaputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigantha Nàtaputta, thân phía hữu hướng về người rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thôn trưởng đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asiband-hakaputta bạch Thế Tôn:
-- Có phải, bạch Thế Tôn, Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn?
-- Ðúng vậy, này Thôn trưởng, Như Lai dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn.
-- Vậy vì sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỷ-kheo lại du hành tại Nàlandà đói kém, khó để lo miệng sống, xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành bất hạnh cho các gia đình, thực hành tổn hại cho các gia đình.
9) -- Này Thôn trưởng, Ta nhớ từ chín mươi mốt kiếp về trước, Ta không hề biết đã có làm hại một gia đình cho đến một bữa cơm nấu cúng dường. Các gia đình ấy đều rất giàu, tiền của nhiều, tài sản nhiều, vàng bạc nhiều, vật dụng nhiều, ngũ cốc nhiều. Tất cả tài sản ấy được thâu hoạch do bố thí, được thâu hoạch một cách chân thật, được thâu hoạch một cách tự chế.
10) Này Thôn trưởng, có tám nhân, có tám duyên làm tổn hại các gia đình. Do quốc vương, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do trộm cướp, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do lửa, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do nước, các gia đình đi đến tổn hại. Hay họ tìm không được tiền của dấu cất. Hay do biếng nhác, họ bỏ bê công việc. Hay trong gia đình khởi lên kẻ phá hoại gia đình, người ấy phân tán, phá hoại, làm tổn hại (vikirati vidhamati viddhamseti). Và vô thường là thứ tám. Này Thôn trưởng, chính tám nhân, tám duyên này làm tổn hại các gia đình.
11) Này Thôn trưởng, vì rằng tám nhân này, tám duyên này có mặt, có hiện hữu, nếu ai nói về Ta như sau: "Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành bất hạnh cho các gia đình, thực hành tổn hại cho các gia đình; thời này Thôn trưởng, nếu người ấy không bỏ lời nói ấy, không bỏ tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, chắc chắn (yathàhatam) người ấy sẽ bị ném vào địa ngục như vậy.
12) Khi được nói vậy, thôn trưởng Asiband-hakaputta bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
X. Manicùlam (Châu báu trên đỉnh đầu) (S.iv,325)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ trong cung vua, quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn thuộc dòng Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc".
3) Lúc bấy giờ, thôn trưởng Manicùlaka đang ngồi trong hội chúng ấy.
4) Rồi thôn trưởng Manicùlaka thưa với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng thôn trưởng Manicùlaka không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.
5) Rồi thôn trưởng Manicùlaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
6) Ngồi một bên, thôn trưởng Manicùlaka bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong cung vua, một số quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc". Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng bạch Thế Tôn, con không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.
7) Trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, không biết con có nói đúng lời Thế Tôn? Con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật? Con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?
-- Trả lời như vậy, này Thôn trưởng, Ông nói đúng lời của Ta. Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật. Ông đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích.
8) Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc. Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục trưởng dưỡng. Ðối với ai được phép dùng năm dục trưởng dưỡng, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp. Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu.
XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla.
2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ!
-- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thôn trưởng Bhadraka vâng đáp Thế Tôn.
4) Thế Tôn nói như sau:
-- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn. Ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
5) -- Này Thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa này có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng Ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
-- Do nhân gì, do duyên gì, này Thôn trưởng, đối với một số người ở tại Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? Do nhân gì, do duyên gì, này Thôn trưởng, đối với một số người ở Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích nhưng Ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?
-- Ðối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con có dục và tham đối với họ. Nhưng đối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con không có dục và tham đối với họ.
-- Ông nói: "Con có lòng dục tham đối với họ. Con không có lòng dục tham đối với họ". Này Thôn trưởng, có phải được thấy, được biết, được đạt tới tức thời, được thể nhập nhờ pháp này, Ông uốn nắn phương pháp (naya) theo phương pháp ấy đối với quá khứ, vị lai? Nếu có khổ nào khởi lên trong quá khứ, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ. Phàm có khổ nào khởi lên trong tương lai, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: "Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ!"
7) Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravàsii, sống xa ở đây. Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: "Này Ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravàsii". Cho đến khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn hồi hộp: "Không biết đứa trẻ Ciravàsii có bệnh tật gì không?"
8) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravàsii của Ông bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravàsii của con bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được?
-- Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu như sau: Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.
9) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu Ông không thấy, không nghe mẹ của Ciravàsi, Ông có lòng dục, lòng tham hay lòng ái đối với mẹ của Ciravàsii không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Nhưng này Thôn trưởng, khi Ông thấy được, này Thôn trưởng, khi Ông nghe được, thời Ông có lòng dục, hay lòng tham, hay lòng ái đối với mẹ của Ciravàsi không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
10) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu mẹ của Ciravàsii bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thời Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Bạch Thế Tôn, nếu mẹ của Ciravàsii bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay mạng sống bị đổi khác, thời làm sao con không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não được?
-- Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu biết như sau: Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của đau khổ.
XII. Ràsiya (S.iv,330)
1) ...
2) Một thời thôn trưởng Ràsiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, thôn trưởng Ràsiya bạch Thế Tôn:
-- Con có nghe rằng Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi người sống khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ. Những người nói như vậy, bạch Thế Tôn, không biết có nói đúng với lời Thế Tôn, không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thực, trả lời thuận pháp, đúng pháp, và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?
-- Này Thôn trưởng, những ai đã nói như sau: "Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi lối sống khắc khổ"; họ nói không đúng lời Ta nói, họ xuyên tạc Ta với điều không thật, với điều không chơn chánh.
I
4) Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
5) Thế nào là con đường trung đạo ấy, này Thôn trưởng, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
II
6) Này Thôn trưởng, có ba hạng người hưởng thọ vật dục có mặt ở trong đời. Thế nào là ba?
II.(i)
7) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(ii)
8) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(iii)
9) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức.
II.(iv)
10) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(v)
11) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(vi)
12) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ, làm các công đức.
II.(vii)
13) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp, không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(viii)
14) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản một cách hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.
II.(ix)
15) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ, và làm các công đức. Nhưng người ấy hưởng thọ với tâm tham trước, đắm say, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, không với trí tuệ xuất ly.
II.(x)
16) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Nhưng người ấy hưởng thọ với tâm không tham trước, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hiểm và với trí huệ xuất ly.
III
III.(i)
17) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không vui sướng, không hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích.
Này Thôn trưởng, người hưởng thọ vật dục này về ba phương diện bị chỉ trích.
III.(ii)
18) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, nhưng không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán. Về hai phương diện gì bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Về một phương diện gì người ấy được tán thán? Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện này, người ấy được tán thán.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán.
III.(iii)
19) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui vẻ, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán. Về một phương diện gì người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích. Về phương diện gì người ấy được tán thán? Người ấy tự mình vui vẻ, hoan hỷ, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán.
III.(iv)
20) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về ba phương diện bị chỉ trích. Một phương diện gì được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản một cách hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy được tán thán. Về ba phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản một cách phi pháp và dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về ba phương diện bị chỉ trích.
III.(v)
21) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản một cách hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, tự mình vui sướng, hoan hỷ, nhưng không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Về hai phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích.
III.(vi)
22) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và phi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Thế nào là một phương diện người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi pháp và dùng sức mạnh, về một phương diện này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.
III.(vii)
23) Ở đây, có người hưởng thọ vật dục, này Thôn trưởng, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ và không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích. Về một phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy được tán thán. Về hai phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy không tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích.
III.(viii)
24) Ở đây, có người hưởng thọ vật dục, này Thôn trưởng, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Về một phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.
III.(xi)
25) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người ấy hưởng thọ các tài sản một cách tham trước, say đắm, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, với trí tuệ không xuất ly. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Về một phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy hưởng thọ các tài sản ấy với tâm tham trước, say đắm, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, với trí tuệ không xuất ly, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.
III.(x)
26) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người ấy hưởng thọ các tài sản ấy, không có tham trước, không có say đắm, không có phạm tội, thấy sự nguy hiểm và với trí tuệ xuất ly. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về bốn phương diện được tán thán. Về bốn phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Người ấy hưởng thọ tài sản ấy không có tham trước, không có say đắm, không có phạm tội, thấy sự nguy hiểm và với trí tuệ xuất ly, về phương diện thứ tư này, người ấy được tán thán.
Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về bốn phương diện được tán thán.
IV
IV.(i)
27) Này Thôn trưởng, có ba hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, có mặt hiện sống ở đời.
28) Này Thôn trưởng, có hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, do lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Vị ấy tự mình hành xác, hành khổ, nhưng không chứng được thiện pháp nào; không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh nào.
IV.(ii)
29) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp ; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp; nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.
IV.(iii)
30) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp ; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!" Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp; chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.
V
V.(i)
31) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, không chứng được thiện pháp; không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện bị chỉ trích. Thế nào là về ba phương diện bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng đắc thiện pháp, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích.
Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện này bị chỉ trích.
V.(ii)
32) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán. Thế nào là về hai phương diện người ấy bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Thế nào là về một phương diện người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện này, người ấy được tán thán.
Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán.
V.(iii)
33) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, và chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán. Về một phương diện nào bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán.
Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán.
VI
34) Này Thôn trưởng, có ba pháp thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Thế nào là ba?
VI.(i)
35) Phàm người tham dục (ràga), do nhân tham dục, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi tham dục được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những pháp này thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.
VI.(ii)
36) Phàm người sân hận, do nhân sân hận, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi sân hận được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những pháp này thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.
VI.(iii)
37) Phàm người si mê, do nhân si mê, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi si mê được đoạn tận, vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những pháp này thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Ba pháp này, này Thôn trưởng, thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
38) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Ràsiya bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
XIII. Pàtali (Khả ý) (S.iv,340)
1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn của dân chúng Koliya tên là Uttara.
2) Rồi thôn trưởng Pàtaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi một bên, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn:
-- Con được nghe rằng, bạch Thế Tôn, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Bạch Thế Tôn, những ai nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật; những người ấy, bạch Thế Tôn, có nói đúng với lời Thế Tôn hay không? Họ không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, họ trả lời đúng pháp, tùy pháp? Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp không có lý do gì để chỉ trích. Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn chống báng Thế Tôn (abbhakkhàti).
3) -- Những ai nói rằng, này Thôn trưởng, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật, những người ấy nói đúng lời nói của Ta. Họ không xuyên tạc Ta với điều không thật. Họ nói lời đúng pháp, tùy pháp. Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp không có lý do để chỉ trích.
4) -- Như vậy là đúng sự thật, bạch Thế Tôn tuy rằng con không tin các vị Sa-môn, Bà-La-Môn ấy, nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Như vậy, bạch Thế Tôn, cuối cùng Sa-môn Gotama là người sống theo huyễn thuật.
-- Ai nói rằng: "Như Lai biết huyễn thuật", người ấy có nói rằng Như Lai là người sống theo huyễn thuật, nói rằng như vậy là Thế Tôn, như vậy là Thiện Thệ? Vậy này Thôn trưởng, về vấn đề này Ta sẽ hỏi Ông. Nếu có thể kham nhẫn, Ông có thể trả lời.
I
I.(i)
5)-- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết, này Thôn trưởng, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?
-- Con có biết, bạch Thế Tôn, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống.
6) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Dùng vào mục đích gì mà những người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?
-- Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala được dùng để chế ngự các người ăn trộm và để mang đi các tin tức cho dân chúng Kosala. Ðược dùng vào mục đích ấy, bạch Thế Tôn, là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala.
7) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người trì giới hay là những người ác giới?
-- Con được biết, bạch Thế Tôn, những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nếu có những người theo ác giới, theo ác pháp ở đời, chính là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala, không có ai khác.
8) -- Này Thôn trưởng, nếu có ai nói rằng: "Thôn trưởng Pàlaliya biết được các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là người ác giới, theo ác pháp, thời thôn trưởng Pàtaliya cũng là người theo ác giới, theo ác pháp", người nói như vậy có nói một cách chân chánh không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn. Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của các dân chúng Kosala là khác. Còn con là khác. Tự tánh của những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là khác. Tự tánh của con là khác.
9) -- Này Thôn trưởng, Ông sẽ được tiếng như sau: "Thôn trưởng Pataliya biết rằng, các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nhưng thôn trưởng Pataliya không phải là người có ác giới, theo ác pháp". Như vậy, tại sao Như Lai lại không được tiếng rằng Như Lai là người biết huyễn thuật, nhưng Như Lai không phải là người sống theo huyễn thuật? Này Thôn trưởng, Ta rõ biết huyễn thuật và quả dị thục của huyễn thuật. Và thực hành như thế nào mà một người làm huyễn thuật, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ta rõ biết như vậy.
II.(ii)
10) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sát sanh và quả dị thục của sát sanh. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sát sanh, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
11) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lấy của không cho và quả dị thục của lấy của không cho. Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người lấy của không cho, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
12) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sự sống tà hạnh trong các dục và quả dị thục của sự sống theo tà hạnh trong các dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sống tà hạnh trong các dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
13) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói láo và quả dị thục của nói láo. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói láo, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
14) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói hai lưỡi và quả dị thục của nói hai lưỡi. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói hai lưỡi sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
15) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời độc ác và quả dị thục của nói lời độc ác. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời độc ác, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
16) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời phù phiếm và quả dị thục của nói lời phù phiếm. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời phù phiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
17) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng tham dục và quả dị thục của lòng tham dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng tham dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
18) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng sân hận và quả dị thục của lòng sân hận. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng sân hận, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, đọa ngục.
19) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết tà kiến và quả dị thục của tà kiến. Và Ta cũng rõ biết một người có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
20) Này Thôn trưởng, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sanh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai sống tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu".
II.(i)
21) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai, khéo tắm, khéo thoa dầu sáp, tóc râu chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi:
-- "Này Bạn, người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai, được khéo tắm, tóc râu chải chuốt, được nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
-- "Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đoạt mạng sống của kẻ đó. Nhà vua hoan hỷ đối với người ấy, nên đã thưởng cho người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai, được khéo tắm, râu tóc chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".
II.(ii)
22) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:
"-- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
"-- Này Bạn, người này là kẻ thù của vua. Người này đã đoạt mạng sống một người đàn bà hay một người đàn ông. Do vậy, người của vua bắt người này và đối xử như vậy với người này".
23) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?
-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.
24) -- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Ai sát hại sanh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay nói láo?
-- Bạch Thế Tôn, họ nói láo.
-- Và những người nói lời hư ngụy, nói láo, họ là người trì giới hay ác giới.
-- Là người ác giới, bạch Thế Tôn.
-- Những người ác giới, theo ác pháp là tà hạnh hay chánh hạnh?
-- Là tà hạnh, bạch Thế Tôn.
-- Những người tà hạnh là những người có tà kiến hay có chánh kiến?
-- Là những người có tà kiến, bạch Thế Tôn.
-- Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
II.(iii)
25) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi:
"-- Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
"--Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đem về châu báu. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".
II.(iv)
26) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:
"-- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
"-- Này Bạn, người này đã từ làng hay từ ngôi rừng lấy những vật không cho, được gọi là ăn trộm. Do vậy, những người của nhà vua bắt người này và đối xử như vậy với người này".
27) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?
-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.
28)-- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn, hay Bà-la-môn nào nói như vậy, thấy như sau: "Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay họ nói láo?... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
II.(v)
29) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ nói:
-- "Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
--"Này Bạn, người này có tà hạnh với những người vợ của kẻ thù nghịch của vua. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".
II.(vi)
30)-- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ nói:
--"Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
--"Này Bạn, người ấy đã phạm tà hạnh với các phụ nữ và các con gái các gia đình. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy".
31) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?
-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.
32) -- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như sau, thấy như sau: "Ai có tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu" Họ nói đúng sự thật hay họ nói láo?... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
33) -- Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người ấy, họ nỏi:
--"Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
--"Này Bạn, người này làm cho vua cười với lời nói láo. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".
II.(viii)
34) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:
--"Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đàng sau... tại cửa thành phía Nam?"
Các Ông trả lời về người ấy như sau:
--"Này Bạn, người ấy do nói láo, đã phá hại tài sản của người gia chủ hay con của người gia chủ. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy".
35) Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?
-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.
36) Ở đây, này Thôn trưởng, những Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như sau, thấy như sau: "Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay nói láo... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
III
37) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Con có một ngôi nhà nghỉ mát, tại đấy có những giường, có những chỗ ngồi, có những đèn dầu. Có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến trú ngụ tại đấy, tùy theo khả năng, tùy theo sức lực, con chia sẻ với các vị ấy. Thuở trước, bạch Thế Tôn, có bốn vị Ðạo sư có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau đến trú ngụ tại ngôi nhà nghĩ mát ấy.
III.(i)
38) Một vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh ; ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".
III.(ii)
39) Một vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có loại hóa sanh ; ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".
III.(iii)
40) Một vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự làm, hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo. Do duyên như vậy, không có tội ác, không có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; do duyên ấy, cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu; do duyên ấy cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên ấy, không có công đức, không đi đến công đức".
III.(iv)
41) Một vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự mình làm hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo. Hành động như vậy có tội ác, có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; vì vậy có tội ác, có đi đến tội ác. Nếu có người đi đến bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, có tội ác; do duyên như vậy, có đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên như vậy, có công đức, có đi đến công đức".
III.(v)
42) -- Về vấn đề này, bạch Thế Tôn, con có phân vân, con có nghi ngờ. Giữa những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này ; ai là người nói sự thật, ai là người nói láo?
-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng, là sự phân vân của Ông. Thôi vừa rồi, là sự nghi ngờ của Ông. Chính do ở điểm phân vân mà nghi ngờ khởi lên.
-- Bạch Thế Tôn, nhưng con có lòng tín thành như vậy đối với Thế Tôn. Thế Tôn có thể thuyết pháp cho con để sự phân vân này có thể đoạn diệt.
IV
43)-- Này Thôn trưởng, có pháp Thiền định (Dhammasamàdhi). Ở đây, nếu Ông chứng được tâm định (cittasamàdhi), thời Ông có thể đoạn diệt sự phân vân này của Ông. Và này Thôn trưởng, thế nào là pháp Thiền định?
IV.(i)
44) Ở đây, này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử sau khi đoạn tận sát sanh, sống từ bỏ sát sanh. Sau khi đoạn tận lấy của không cho, vị ấy sống từ bỏ lấy của không cho. Sau khi đoạn tận tà hạnh trong các dục, vị ấy sống từ bỏ tà hạnh trong các dục. Sau khi đoạn tận nói láo, vị ấy sống từ bỏ nói láo. Sau khi đoạn tận nói hai lưỡi, vị ấy sống từ bỏ nói hai lưỡi. Sau khi đoạn tận nói lời độc ác, vị ấy sống từ bỏ nói lời độc ác. Sau khi đoạn tận nói lời phù phiếm, vị ấy sống từ bỏ nói lời phù phiếm. Sau khi đoạn tận tham dục, vị ấy sống từ bỏ lòng tham. Sau khi đoạn tận lòng sân, vị ấy sống từ bỏ lòng sân. Sau khi từ bỏ tà kiến, vị ấy sống theo chánh kiến.
Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham từ bỏ như vậy, với lòng sân từ bỏ như vậy, không có lòng si, tỉnh giác, chánh niệm, sống biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương từ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh. Ở đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác, và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Ðạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì. Vì ta không có hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh, ở đây cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì, lời nói được hộ trì, ý được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy, hân hoan sanh khởi; do hân hoan, hỷ sanh khởi; do hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ được cảm giác; với người cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Thôn trưởng, đây là pháp Thiền định. Ở đây, nếu Ông được tâm định như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
IV.(ii)
45) Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy, với lòng sân được từ bỏ như vậy, không có lòng si, sống tỉnh giác, chánh niệm, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có các loại hóa sanh. Ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Ðạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì, vì ta không hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh. Ở đây, cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì. Lời nói ta được hộ trì. Ý ta được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy hân hoan sanh khởi... (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
IV.(iii)
46) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Tự làm hay khiến người làm... (như trên, số 40)... hành động như vậy không có tội ác gì'. Nếu vị Tôn giả Ðạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..". (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
IV.(iv)
47) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Tự làm hay khiến người khác làm... (như trên, số 41)... do duyên ấy, có tội ác, có đi đến tội ác... do nhân duyên ấy, có công đức, có đi đến công đức". Nếu Tôn giả Ðạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..". (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
V
V.(i)
48) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng... (hoàn toàn giống như đoạn (i) số 44, chỉ khác, trước là tâm câu hữu với từ, nay là tâm câu hữu với bi. .. tâm câu hữu với hỷ. .. tâm câu hữu với xả).
V.(ii)
49)... (giống như đoạn (ii) số 45, chỉ khác, đây với tâm câu hữu với bi. .. tâm câu hữu với hỷ... tâm câu hữu với xả).
V.(iii)
50)... (giống như đoạn (iii) số 46, chỉ khác, đây với tâm câu hữu với bi... tâm câu hữu với hỷ... tâm câu hữu với xả).
V.(iv)
51)... (giống như đoạn (iv) số 47, chỉ khác, ở đây với tâm câu hữu với bi... tâm câu hữu với hỷ... tâm câu hữu với xả).
52) Khi được nói vậy, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn, thật là vi diệu, bạch Thế Tôn!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Chapter VIII. Connected Discourses to Headmen

Translated by: Bhikkhu Boddhi

1 Caṇḍ̣a

At Sāvatthı̄. Then the headman Caṇḍa the Wrathful332 approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, what is the cause and reason why someone here is reckoned as wrathful? And what is the cause and reason why someone here is reckoned as gentle?”333
“Here, headman, someone has not abandoned lust. Because he has not abandoned lust, other people irritate him. Being irritated by others, he manifests irritation: he is reckoned as wrathful. He has not abandoned hatred. Because he has not abandoned hatred, other people irritate him. Being irritated by others, he manifests irritation: he is reckoned as wrathful. He has not abandoned delusion. Because he has not abandoned delusion, other people irritate him. Being irritated by others, he manifests irritation: he is reckoned as wrathful.
“This, headman, is the cause and reason why someone here is reckoned as wrathful.
“Here, headman, someone has abandoned lust. Because he has abandoned lust, other people do not irritate him. Not being irritated by others, he does not manifest irritation: he is reckoned as gentle. He has abandoned hatred. Because he has abandoned hatred, other people do not
irritate him. Not being irritated by others, he does not manifest irritation: he is reckoned as gentle. He has abandoned delusion. Because he has abandoned delusion, other people do not irritate him. Not being irritated by others, he does not manifest irritation: he is reckoned as gentle.
“This, headman, is the cause and reason why someone here is reckoned as gentle.” [306]
When this was said, Caṇḍa the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by the Blessed One, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. I go for refuge to the Blessed One, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
Talapuṭa
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then Talapuṭa the troupe headman334 approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, I have heard it said among actors of old in the lineage of teachers: ‘If an actor, in the theatre or the arena, entertains and amuses people by truth and lies,335 then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the laughing devas.’ What does the Blessed One say about that?”
“Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!”
A second time and a third time Talapuṭa the troupe headman said: “Venerable sir, I have heard it said among actors of old in the lineage of teachers: … [307] … What does the Blessed One say about that?”
“Surely, headman, I am not getting through to you336 when I say, ‘Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!’ But still, I will answer you. In the theatre or arena, among beings who are not yet free from lust, who are bound by the bondage of lust, an actor entertains them with titillating things that excite them even more strongly to lust. In the theatre or arena, among beings who are not yet free from hatred, who are bound by the bondage of hatred, an actor entertains them with infuriating things that excite them even more strongly to hatred. In the theatre or arena, among beings who are not yet free from delusion, who are bound by the bondage of delusion, an actor entertains them with bewildering things that excite them even more strongly to delusion.
“Thus, being intoxicated and negligent himself, having made others intoxicated and negligent, with the breakup of the body, after death, he is reborn in the ‘Hell of Laughter.’337 But should he hold such a view as this: ‘If an actor, in the theatre or the arena, entertains and amuses people by truth and lies, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the laughing devas’—that is a wrong view on his part. For a person with wrong view, I say, there is one of two destinations: either hell or the animal realm.”338
When this was said, Talapuṭa the troupe headman cried out and burst into tears. [The Blessed One said:] “So I did not get through to you when I said, ‘Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!’”
“I am not crying, venerable sir, because of what the Blessed One said to me, but because I have been tricked, cheated, and deceived for a long time by those actors of old in the lineage of teachers who said: ‘If an actor, [308] in the theatre or the arena, entertains and amuses people by truth and lies, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the laughing devas.’
“Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by the Blessed One, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. I go for refuge to the Blessed
One, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. May I receive the going forth under the Blessed One, venerable sir, may I receive the higher ordination?”
Then Talapuṭa the troupe headman received the going forth under the Blessed One, he received the higher ordination. And soon, not long after his higher ordination … the Venerable Talapuṭa became one of the arahants.
Yodhājīva
Then the headman Yodhājı̄va the Mercenary339 approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, I have heard it said by mercenaries of old in the lineage of teachers: ‘When a mercenary is one who strives and exerts himself in battle, if others slay him and finish him off while he is striving and exerting himself in battle, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the battle-slain devas.’340 What does the Blessed One say about that?”
“Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!”
A second time and a third time Yodhājı̄va the headman said: “Venerable sir, I have heard it said by mercenaries of old in the lineage of teachers: … What does the Blessed One say about that?” [309]
“Surely, headman, I am not getting through to you when I say, ‘Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!’ But still, I will answer you. When, headman, a mercenary is one who strives and exerts himself in battle, his mind is already low, depraved, misdirected by the thought: ‘Let these beings be slain, slaughtered, annihilated, destroyed, or exterminated.’ If others then slay him and finish him off while he is striving and exerting himself in battle, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the ‘Battle-Slain Hell.’341 But should he hold such a view as this: ‘When a mercenary strives and exerts himself in battle, if others slay him and finish him off while he is striving and exerting himself in battle, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the
battle-slain devas’—that is a wrong view on his part. For a person with wrong view, I say, there is one of two destinations: either hell or the animal realm.”
When this was said, Yodhājı̄va the headman cried out and burst into tears. [The Blessed One said:] “So I did not get through to you when I said, ‘Enough, headman, let it be! Don’t ask me that!’”
“I am not crying, venerable sir, because of what the Blessed One said to me, but because I have been tricked, cheated, and deceived for a long time by those mercenaries of old in the lineage of teachers who said: ‘When a mercenary is one who strives and exerts himself in battle, if others slay him and finish him off while he is striving and exerting himself in battle, then with the breakup of the body, after death, he is reborn in the company of the battle-slain devas.’
“Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.” [310]
Hatthāroha
Then the headman Hatthāroha the Elephant Warrior approached the Blessed One … (text is elided, ending:) “… who has gone for refuge for life.”
Assāroha
Then the headman Assāroha the Cavalry Warrior approached the Blessed One … and said to him:
(All as in §3 except phrased in terms of the cavalry warrior (assāroha)
who strives and exerts himself in battle.) [311]
Asibandhakaputta
On one occasion the Blessed One was dwelling at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove. [312] Then Asibandhakaputta the headman approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, the brahmins of the western region—those who carry around waterpots, wear garlands of water plants, immerse themselves in water, and tend the sacred fire—are said to direct a dead person upwards, to guide him along, and conduct him to heaven.342 But the Blessed One, the Arahant, the Perfectly Enlightened One, is able to bring it about that with the breakup of the body, after death, the entire world might be reborn in a good destination, in a heavenly world.”
“Well then, headman, I will question you about this. Answer as you see fit. What do you think, headman? Suppose there is a person here who destroys life, takes what is not given, engages in sexual misconduct, speaks falsely, speaks divisively, speaks harshly, chatters idly, one who is covetous, full of ill will, and holds wrong view. Then a great crowd of people would come together and assemble around him, and they would send up prayers and recite praise and circumambulate him making reverential salutations, saying: ‘With the breakup of the body, after death, may this person be reborn in a good destination, in a heavenly world.’ What do you think, headman? Because of the prayers of the great crowd of people, because of their praise, because they circumambulate him making reverential salutations, would that person, with the breakup of the body, after death, be reborn in a good destination, in a heavenly world?”
“No, venerable sir.”
“Suppose, headman, a person would hurl a huge boulder into a deep pool of water. Then a great crowd of people would come together and assemble around it, and they would send up prayers and recite praise and circumambulate it making reverential salutations, saying: ‘Emerge, good boulder! Rise up, [313] good boulder! Come up on to high ground, good boulder!’ What do you think, headman? Because of the prayers of the great crowd of people, because of their praise, because they circumambulate it making reverential salutations, would that boulder emerge, rise up, and come up on to high ground?”
“No, venerable sir.”
“So, too, headman, if a person is one who destroys life … and holds wrong view, even though a great crowd of people would come together and assemble around him … still, with the breakup of the body, after death, that person will be reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
“What do you think, headman? Suppose there is a person here who abstains from the destruction of life, from taking what is not given, from sexual misconduct, from false speech, from divisive speech, from harsh speech, from idle chatter, one who is not covetous, without ill will, who holds right view. Then a great crowd of people would come together and assemble around him, and they would send up prayers and recite praise and circumambulate him making reverential salutations, saying: ‘With the breakup of the body, after death, may this person be reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.’ What do you think, headman? Because of the prayers of the great crowd of people, because of their praise, because they circumambulate him making reverential salutations, would that person, with the breakup of the body, after death, be reborn in a state of misery … in hell?”
“No, venerable sir.”
“Suppose, headman, a man submerges a pot of ghee or a pot of oil in a deep pool of water and breaks it. Any of its shards or fragments there would sink downwards, but the ghee or oil would rise upwards. [314] Then a great crowd of people would come together and assemble around it, and they would send up prayers and recite praise and circumambulate it making reverential salutations, saying: ‘Sink down, good ghee or oil! Settle, good ghee or oil! Go downwards, good ghee or oil!’ What do you think, headman? Because of the prayers of the great crowd of people, because of their praise, because they circumambulate it making reverential salutations, would that ghee or oil sink down or settle or go downwards?”
“No, venerable sir.”
“So, too, headman, if a person is one who abstains from the destruction of life … who holds right view, even though a great crowd of people would come together and assemble around him … still, with the breakup of the
body, after death, that person will be reborn in a good destination, in a heavenly world.”
When this was said, Asibandhakaputta the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
The Simile of the Field
On one occasion the Blessed One was dwelling at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove. Then Asibandhakaputta the headman approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, doesn’t the Blessed One dwell compassionate towards all living beings?”
“Yes, headman, the Tathāgata dwells compassionate towards all living beings.”
“Then why is it, venerable sir, that the Blessed One teaches the Dhamma thoroughly to some, yet not so thoroughly to others?” [315]
“Well then, headman, I will question you about this. Answer as you see fit. What do you think, headman? Suppose a farmer here had three fields: one excellent, one of middling quality, and one inferior—rough, salty, with bad ground. What do you think, headman? If that farmer wishes to sow seed, where would he sow it first: in the excellent field, in the field of middling quality, or in the field that was inferior, the one that was rough, salty, with bad ground?”
“If, venerable sir, that farmer wishes to sow seed, he would sow it in the excellent field. Having sown seed there, he would next sow seed in the field of middling quality. Having sown seed there, he might or might not sow seed in the field that was inferior, the one that was rough, salty, with bad ground. For what reason? Because at least it can be used as fodder for the cattle.”
“Headman, just like the field that is excellent are the bhikkhus and bhikkhunı̄s to me. I teach them the Dhamma that is good in the beginning,
good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because they dwell with me as their island, with me as their shelter, with me as their protector, with me as their refuge.
“Then, headman, just like the field of middling quality are the male and female lay followers to me. To them too I teach the Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because they dwell with me as their island, with me as their shelter, with me as their protector, with me as their refuge.
“Then, headman, just like that field that is inferior—[316] rough, salty, with bad ground—are the ascetics, brahmins, and wanderers of other sects to me. Yet to them too I teach the Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because if they understand even a single sentence, that will lead to their welfare and happiness for a long time.
“Suppose, headman, a man had three waterpots: one without cracks, which does not let water seep through and escape; one without cracks, but which lets water seep through and escape; and one with cracks, which lets water seep through and escape. What do you think, headman? If that man wants to store water, where would he store it first: in the waterpot that is without cracks, which does not let water seep through and escape; or in the waterpot that is without cracks, but which lets water seep through and escape; or in the waterpot that has cracks, which lets water seep through and escape?”
“If, venerable sir, that man wants to store water, he would store it in the waterpot that is without cracks, which does not let water seep through and escape. Having stored water there, he would next store it in the waterpot that is without cracks, but which lets water seep through and escape. Having stored it there, he might or might not store it in the waterpot that has cracks, which lets water seep through and escape. For what reason? Because it can at least be used for washing dishes.”
“Headman, just like the waterpot that is without cracks, which does not let water seep through and escape, are the bhikkhus and bhikkhunı̄s to me. I teach them the Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because they dwell with me as their island, with me as their shelter, with me as their protector, with me as their refuge.
“Then, headman, just like the waterpot that is without cracks, but which lets water seep through and escape, are the male and female lay followers to me. To them [317] too I teach the Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because they dwell with me as their island, with me as their shelter, with me as their protector, with me as their refuge.
“Then, headman, just like the waterpot that has cracks, which lets water seep through and escape, are the ascetics, brahmins, and wanderers of other sects to me. Yet to them too I teach the Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, with the right meaning and phrasing; I reveal the holy life that is perfectly complete and pure. For what reason? Because if they understand even a single sentence, that will lead to their welfare and happiness for a long time.”
When this was said, Asibandhakaputta the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
The Conch Blower
On one occasion the Blessed One was dwelling at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove. Then Asibandhakaputta the headman, a lay disciple of the nigaṇṭhas,343 approached the Blessed One…. The Blessed One then said to him as he was sitting to one side:
“In what way, headman, does Nigaṇṭha Nātaputta teach the Dhamma to his disciples?”
“Venerable sir, Nigaṇṭha Nātaputta teaches the Dhamma to his disciples thus: ‘Anyone at all who destroys life is bound for a state of misery, bound for hell. Anyone at all who takes what is not given is bound for a state of misery, bound for hell. Anyone at all who engages in sexual misconduct is bound for a state of misery, bound for hell. Anyone at all who speaks falsehood is bound for a state of misery, bound for hell. One is led on [to rebirth] by the manner in which one usually dwells.’ It is in such a way, venerable sir, that Nigaṇṭha Nātaputta teaches the Dhamma to his disciples.”
“If, headman, it were the case that one is led on [to rebirth] by the manner in which one usually dwells, [318] then according to Nigaṇṭha Nātaputta’s word, no one at all would be bound for a state of misery, bound for hell. What do you think, headman? In the case of a person who destroys life, if one compares one occasion with another, whether by day or by night, which is more frequent: the occasions when he is destroying life or those when he is not doing so?”
“In the case of a person who destroys life, venerable sir, if one compares one occasion with another, whether by day or by night, the occasions when he is destroying life are infrequent while those when he is not doing so are frequent.”
“So, headman, if it were the case that one is led on [to rebirth] by the manner in which one usually dwells, then according to Nigaṇṭha Nātaputta’s word no one at all would be bound for a state of misery, bound for hell.
“What do you think, headman? In the case of a person who takes what is not given … who engages in sexual misconduct … [319] who speaks falsehood, if one compares one occasion with another, whether by day or by night, which is more frequent: the occasions when he is speaking falsehood or those when he is not speaking falsehood?”
“In the case of a person who speaks falsehood, venerable sir, if one compares one occasion with another, whether by day or by night, the
occasions when he is speaking falsehood are infrequent while those when he is not speaking falsehood are frequent.”
“So, headman, if it were the case that one is led on [to rebirth] by the manner in which one usually dwells, then according to Nigaṇṭha Nātaputta’s word no one at all would be bound for a state of misery, bound for hell.
“Here, headman, some teacher holds such a doctrine and view as this: ‘Anyone at all who destroys life ... who takes what is not given … who engages in sexual misconduct … who speaks falsehood is bound for a state of misery, is bound for hell.’ Then a disciple has full confidence in that teacher. It occurs to him: ‘My teacher holds such a doctrine and view as this: “Anyone at all who destroys life is bound for a state of misery, bound for hell.” Now I have destroyed life, so I too am bound for a state of misery, bound for hell.’ Thus he acquires such a view. If he does not abandon that assertion and that state of mind, and if he does not relinquish that view, then according to his deserts he will be, as it were, dropped off in hell.344
“It occurs to him: ‘My teacher holds such a doctrine and view as this: “Anyone at all who takes what is not given is bound for a state of misery, bound for hell.” Now I have taken what is not given, so I too am bound for a state of misery, bound for hell.’ Thus he acquires such a view. If he does not abandon that assertion … he will be, as it were, dropped off in hell.
“It occurs to him: ‘My teacher holds such a doctrine and view as this: “Anyone at all who engages in sexual misconduct [320] is bound for a state of misery, bound for hell.” Now I have engaged in sexual misconduct, so I too am bound for a state of misery, bound for hell.’ Thus he acquires such a view. If he does not abandon that assertion … he will be, as it were, dropped off in hell.
“It occurs to him: ‘My teacher holds such a doctrine and view as this: “Anyone at all who speaks falsehood is bound for a state of misery, bound for hell.” Now I have spoken falsehood, so I too am bound for a state of misery, bound for hell.’ Thus he acquires such a view. If he does not abandon that assertion … he will be, as it were, dropped off in hell.
“But here, headman, a Tathāgata arises in the world, an arahant, perfectly enlightened, accomplished in true knowledge and conduct, fortunate, knower of the world, unsurpassed leader of persons to be tamed, teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One. In many ways he criticizes and censures the destruction of life, and he says: ‘Abstain from the destruction of life.’ He criticizes and censures the taking of what is not given, and he says: ‘Abstain from taking what is not given.’ He criticizes and censures sexual misconduct, and he says: ‘Abstain from sexual misconduct.’ He criticizes and censures false speech, and he says: ‘Abstain from false speech.’
“Then a disciple has full confidence in that teacher. He reflects thus: ‘In many ways the Blessed One criticizes and censures the destruction of life, and he says: “Abstain from the destruction of life.” Now I have destroyed life to such and such an extent. That wasn’t proper; that wasn’t good. But though I feel regret over this, that evil deed of mine cannot be undone.’ Having reflected thus, he abandons the destruction of life and he abstains from the destruction of life in the future. Thus there comes about the abandoning of that evil deed;345 thus there comes about the transcending of that evil deed.
“He reflects thus: ‘In many ways the Blessed One criticizes and censures the taking of what is not given, and he says: “Abstain from taking what is not given.” Now I have taken what is not given to such and such an extent. That wasn’t proper; that wasn’t good. But though I feel regret over this, that evil deed of mine cannot be undone.’ Having reflected thus, [321] he abandons the taking of what is not given and he abstains from taking what is not given in the future. Thus there comes about the abandoning of that evil deed; thus there comes about the transcending of that evil deed.
“He reflects thus: ‘In many ways the Blessed One criticizes and censures sexual misconduct, and he says: “Abstain from sexual misconduct.” Now I have engaged in sexual misconduct to such and such an extent. That wasn’t proper; that wasn’t good. But though I feel regret over this, that evil deed of mine cannot be undone.’ Having reflected thus, he abandons sexual misconduct and he abstains from sexual misconduct in the future. Thus
there comes about the abandoning of that evil deed; thus there comes about the transcending of that evil deed.
“He reflects thus: ‘In many ways the Blessed One criticizes and censures false speech, and he says: “Abstain from false speech.” Now I have spoken falsehood to such and such an extent. That wasn’t proper; that wasn’t good. But though I feel regret over this, that evil deed of mine cannot be undone.’ Having reflected thus, he abandons false speech and he abstains from false speech in the future. Thus there comes about the abandoning of that evil deed; thus there comes about the transcending of that evil deed.
“Having abandoned the destruction of life, he abstains from the destruction of life. Having abandoned the taking of what is not given, he abstains from taking what is not given. Having abandoned sexual misconduct, he abstains from sexual misconduct. Having abandoned false speech, he abstains from false speech. Having abandoned divisive speech, he abstains from divisive speech. Having abandoned harsh speech, he abstains from harsh speech. Having abandoned idle chatter, he abstains from idle chatter. Having abandoned covetousness, he is uncovetous. [322] Having abandoned ill will and hatred, he has a mind without ill will. Having abandoned wrong view, he is one of right view.
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful—dwells pervading one quarter with a mind imbued with lovingkindness, likewise the second quarter, the third quarter, and the fourth quarter. Thus above, below, across, and everywhere, and to all as to himself, he dwells pervading the entire world with a mind imbued with lovingkindness, vast, exalted, measureless, without hostility, without ill will. Just as a strong conch blower can easily send his signal to the four quarters, so too, when the liberation of mind by lovingkindness is developed and cultivated in this way, any limited kamma that was done does not remain there, does not persist there.346
“He dwells pervading one quarter with a mind imbued with compassion
… with a mind imbued with altruistic joy … with a mind imbued with
equanimity, likewise the second quarter, the third quarter, and the fourth quarter. Thus above, below, across, and everywhere, and to all as to himself, he dwells pervading the entire world with a mind imbued with equanimity, vast, exalted, measureless, without hostility, without ill will. Just as a strong conch blower can easily send his signal to the four quarters, so too, when the liberation of mind by equanimity is developed and cultivated in this way, any limited kamma that was done does not remain there, does not persist there.”
When this was said, Asibandhakaputta the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
Families
On one occasion the Blessed One, while wandering on tour among the Kosalans together with a large Sarigha of bhikkhus, arrived at Nālandā.
[323] He stayed there at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove.
Now on that occasion Nālandā was in the grip of famine, a time of scarcity, with crops blighted and turned to straw .347 On that occasion Nigaṇṭha Nātaputta was residing at Nālandā together with a large retinue of nigaṇṭhas. Then Asibandhakaputta the headman, a lay disciple of the nigaṇṭhas, approached Nigaṇṭha Nātaputta, paid homage to him, and sat down to one side. Nigaṇṭha Nātaputta then said to him: “Come, headman, refute the doctrine of the ascetic Gotama. Then a good report concerning you will be spread about thus: ‘Asibandhakaputta the headman has refuted the doctrine of the ascetic Gotama, who is so powerful and mighty.’”
“But how, venerable sir, shall I refute the doctrine of the ascetic Gotama, who is so powerful and mighty?”
“Go, headman, approach the ascetic Gotama and ask him: ‘Venerable sir, doesn’t the Blessed One in many ways praise sympathy towards families, the protection of families, compassion towards families?’ If, when he is questioned by you thus, the ascetic Gotama answers, ‘Yes, headman, the
Tathāgata in many ways praises sympathy for families, the protection of families, compassion for families,’ then you should say to him: ‘Then why, venerable sir, is the Blessed One wandering on tour with a large Sarigha of bhikkhus at a time of famine, a time of scarcity, when crops are blighted and have turned to straw? The Blessed One is practising for the annihilation of families, for the calamity of families, for the destruction of families.’ When the ascetic Gotama is posed this dilemma by you, he will neither be able to throw it up nor to gulp it down.” [324]
“Yes, venerable sir,” Asibandhakaputta the headman replied. Then he rose from his seat and, after paying homage to Nigaṇṭha Nātaputta, keeping him on his right, he departed and went to the Blessed One. After paying homage to the Blessed One, he sat down to one side and said to him: “Venerable sir, doesn’t the Blessed One in many ways praise sympathy for families, the protection of families, compassion for families?”
“Yes, headman, the Tathāgata in many ways praises sympathy for families, the protection of families, compassion for families.”
“Then why, venerable sir, is the Blessed One wandering on tour with a large Sarigha of bhikkhus at a time of famine, a time of scarcity, when crops are blighted and have turned to straw? The Blessed One is practising for the annihilation of families, for the calamity of families, for the destruction of families.”
“I recollect ninety-one aeons back, headman, but I do not recall any family that has ever been destroyed merely by offering cooked almsfood. Rather, whatever families there are that are rich, with much wealth and property, with abundant gold and silver, with abundant possessions and means of subsistence, with abundant wealth and grain, they have all become so from giving, from truthfulness, and from self-control.348
“There are, headman, eight causes and conditions for the destruction of families. Families come to destruction on account of the king, or on account of thieves, or on account of fire, or on account of water; or they do not find what they have put away;349 or mismanaged undertakings fail; or there
arises within a family a wastrel who squanders, dissipates, and fritters away its wealth; [325] and impermanence is the eighth. These are the eight causes and conditions for the destruction of families. But while these eight causes and conditions for the destruction of families exist, if anyone speaks thus of me: ‘The Blessed One is practising for the annihilation of families, for the calamity of families, for the destruction of families,’ if he does not abandon that assertion and that state of mind, and if he does not relinquish that view, then according to his deserts he will be, as it were, dropped off in hell.”
When this was said, Asibandhakaputta the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
Maṇicūḷaka
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the members of the king’s retinue had assembled in the royal palace and were sitting together when the following conversation arose: “Gold and silver are allowable for the ascetics following the Sakyan son; the ascetics following the Sakyan son consent to gold and silver; the ascetics following the Sakyan son accept gold and silver.”
Now on that occasion Maṇicūḷaka the headman was sitting in that assembly. Then Maṇicūḷaka the headman said to that assembly: “Do not speak thus, masters. Gold and silver are not allowable for the ascetics following the Sakyan son; the ascetics following the Sakyan son do not consent to gold and silver; the ascetics following the Sakyan son do not accept gold and silver. They have renounced jewellery and gold; they have given up the use of gold and silver.”350 And Maṇicūḷaka was able to convince that assembly.
Then Maṇicūḷaka approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. [326] Sitting to one side, he reported to the Blessed One all that had happened, adding: “I hope, venerable sir, that when I answered thus I stated what has been said by the Blessed One and did not
misrepresent him with what is contrary to fact; that I explained in accordance with the Dhamma, and that no reasonable consequence of my statement gives ground for criticism.”
“For sure, headman, when you answered thus you stated what has been said by me and did not misrepresent me with what is contrary to fact; you explained in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of your statement gives ground for criticism. For, headman, gold and silver are not allowable for the ascetics following the Sakyan son; the ascetics following the Sakyan son do not consent to gold and silver; the ascetics following the Sakyan son do not accept gold and silver. They have renounced jewellery and gold; they have given up the use of gold and silver. If gold and silver are allowable for anyone, the five cords of sensual pleasure are allowable for him. If the five cords of sensual pleasure are allowable for anyone, you can definitely consider him to be one who does not have the character of an ascetic or of a follower of the Sakyan son.
“Further, headman, I say this: ‘Straw may be sought by one needing straw; timber may be sought by one needing timber; a cart may be sought by one needing a cart; a workman may be sought by one needing a workman.’ [327] But I do not say that there is any method by which gold and silver may be consented to or sought.”
Bhadraka
On one occasion the Blessed One was dwelling at a town of the Mallans named Uruvelakappa. Then Bhadraka the headman approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “It would be good, venerable sir, if the Blessed One would teach me about the origin and the passing away of suffering.”
“If, headman, I were to teach you about the origin and the passing away of suffering with reference to the past, saying, ‘So it was in the past,’ perplexity and uncertainty about that might arise in you. And if I were to teach you about the origin and the passing away of suffering with reference to the future, saying, ‘So it will be in the future,’ perplexity and uncertainty
about that might arise in you. Instead, headman, while I am sitting right here, and you are sitting right there, I will teach you about the origin and the passing away of suffering. Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” Bhadraka the headman replied. The Blessed One said this:
“What do you think, headman? Are there any people in Uruvelakappa on whose account sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would arise in you if they were to be executed, imprisoned, fined, or censured?”351
“There are such people, venerable sir.”
“But are there any people in Uruvelakappa on whose account [328] sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would not arise in you in such an event?”
“There are such people, venerable sir.”
“What, headman, is the cause and reason why in relation to some people in Uruvelakappa sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would arise in you if they were to be executed, imprisoned, fined, or censured, while in regard to others no such sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would arise in you?”
“Those people in Uruvelakappa, venerable sir, in relation to whom sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would arise in me if they were to be executed, imprisoned, fined, or censured—these are the ones for whom I have desire and attachment. But those people in Uruvelakappa in relation to whom no sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair would arise in me—these are the ones for whom I have no desire and attachment.”
“Headman, by means of this principle that is seen, understood, immediately attained, fathomed, apply the method to the past and to the future thus:352 ‘Whatever suffering arose in the past, all that arose rooted in desire, with desire as its source; for desire is the root of suffering. Whatever suffering will arise in the future, all that will arise rooted in desire, with desire as its source; for desire is the root of suffering.’”
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! How well that has been stated by the Blessed One: ‘Whatever suffering arises, [329] all that is rooted in desire, has desire as its source; for desire is the root of suffering.’353 Venerable sir, I have a boy named Ciravāsı̄, who stays at an outside residence. I rise early and send a man, saying, ‘Go, man, and find out how Ciravāsı̄ is.’ Until that man returns, venerable sir, I am upset, thinking, ‘I hope Ciravāsı̄ has not met with any affliction!’”
“What do you think, headman? If Ciravāsı̄ were to be executed, imprisoned, fined, or censured, would sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise in you?”
“Venerable sir, if Ciravāsı̄ were to be executed, imprisoned, fined, or censured, even my life would be upset, so how could sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair not arise in me?”
“In this way too, headman, it can be understood: ‘Whatever suffering arises, all that arises rooted in desire, with desire as its source; for desire is the root of suffering.’
“What do you think, headman? Before you saw Ciravāsı̄’s mother or heard about her, did you have any desire, attachment, or affection for her?”
“No, venerable sir.”
“Then was it, headman, because of seeing her or hearing about her that this desire, attachment, and affection arose in you?”
“Yes, venerable sir.”
“What do you think, headman? If Ciravāsı̄’s mother were to be executed, imprisoned, fined, or censured, would sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise in you?” [330]
“Venerable sir, if Ciravāsı̄’s mother were to be executed, imprisoned, fined, or censured, even my life would be upset, so how could sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair not arise in me?”
“In this way too, headman, it can be understood: ‘Whatever suffering arises, all that arises rooted in desire, with desire as its source; for desire is
the root of suffering.’”
R̄āsiya
Then Rāsiya the headman approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, I have heard: ‘The ascetic Gotama criticizes all austerity. He categorically blames and reviles any ascetic who leads a rough life.’ Do those who speak thus, venerable sir, state what has been said by the Blessed One and not misrepresent him with what is contrary to fact? Do they explain in accordance with the Dhamma so that no reasonable consequence of their assertion would be open to criticism?”
“Those who speak thus, headman, do not state what has been said by me but misrepresent me with untruth and falsehood.
I
“There are, headman, these two extremes which should not be cultivated by one who has gone forth into homelessness: the pursuit of sensual happiness in sensual pleasures, which is low, vulgar, the way of worldlings, ignoble, unbeneficial; and the pursuit of self-mortification, which is painful, ignoble, unbeneficial. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata has awakened to the middle way, [331] which gives rise to vision, which gives rise to knowledge, which leads to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. And what is that middle way awakened to by the Tathāgata, which gives rise to vision … leads to Nibbāna? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration. This is that middle way awakened to by the Tathāgata, which gives rise to vision, which gives rise to knowledge, which leads to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibb̄na.354
II
“There are, headman, these three persons who enjoy sensual pleasures existing in the world. What three?355
(i)
“Here, headman, someone who enjoys sensual pleasures seeks wealth unlawfully, by violence. Having done so, he does not make himself happy and pleased, nor does he share it and do meritorious deeds.
(ii)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth unlawfully, by violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, but he does not share it and do meritorious deeds.
(iii)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth unlawfully, by violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, and he shares it and does meritorious deeds.
(iv)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence. Having done so, [332] he does not make himself happy and pleased, nor does he share it and do meritorious deeds.
(v)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, but he does not share it and do meritorious deeds.
(vi)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, and he shares it and does meritorious deeds.
(vii)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth lawfully, without violence. Having done so, he does not make himself happy and pleased, nor does he share it and do meritorious deeds.
(viii)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth lawfully, without violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, but he does not share it and do meritorious deeds.
(ix)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth lawfully, without violence. Having done so, he makes himself happy and pleased, and he shares it and does meritorious deeds. But he uses his wealth while being tied to it, infatuated with it, blindly absorbed in it, not seeing the danger in it, not understanding the escape.
(x)
“Then, headman, someone here who enjoys sensual pleasures seeks wealth lawfully, without violence. Having done so, [333] he makes himself happy and pleased, and he shares it and does meritorious deeds. And he uses his wealth without being tied to it, uninfatuated with it, not blindly absorbed in it, seeing the danger in it, understanding the escape.
III
(i)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth unlawfully, by violence, and who does not make himself happy and pleased nor share it and do meritorious deeds, may be criticized on three grounds. On what three grounds may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not make himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be criticized. ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the third ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be criticized on these three grounds.
(ii)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth unlawfully, by violence, and who makes himself happy and pleased but does not share it and do meritorious deeds, may be criticized on two grounds and praised on one ground. On what two grounds may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the second ground on which he may be criticized. And on what one ground may he be praised? ‘He makes himself happy and pleased’—this is the one ground on which he may be praised.
This one enjoying sensual pleasures may be criticized on these two grounds and praised on this one ground.
(iii)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth unlawfully, by violence, and [334] makes himself happy and pleased, and shares it and does meritorious deeds, may be criticized on one ground and praised on two grounds. On what one ground may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the one ground on which he may be criticized. And on what two grounds may he be praised? ‘He makes himself happy and pleased’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He shares it and does meritorious deeds’—this is the second ground on which he may be praised. This one enjoying sensual pleasures may be criticized on this one ground and praised on these two grounds.
(iv)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence, and who does not make himself happy and pleased nor share it and do meritorious deeds, may be praised on one ground and criticized on three grounds. On what one ground may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the one ground on which he may be praised. On what three grounds may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not make himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be criticized. ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the third ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on this one ground and criticized on these three grounds.
(v)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence, and who makes himself happy and pleased but does not share it and do meritorious deeds, may be praised on two grounds and criticized on two grounds. On what two grounds may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He makes himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be praised. [335] On what two grounds may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the second ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on these two grounds and criticized on these two grounds.
(vi)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth both lawfully and unlawfully, both by violence and without violence, and who makes himself happy and pleased and shares it and does meritorious deeds, may be praised on three grounds and criticized on one ground. On what three grounds may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He makes himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be praised. ‘He shares it and does meritorious deeds’—this is the third ground on which he may be praised. On what one ground may he be criticized? ‘He seeks wealth unlawfully, by violence’—this is the one ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on these three grounds and criticized on this one ground.
(vii)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth lawfully, without violence, and who does not make himself happy and pleased nor share it and do meritorious deeds, may be praised on one
ground and criticized on two grounds. On what one ground may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the one ground on which he may be praised. On what two grounds may he be criticized? ‘He does not make himself happy and pleased’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the second ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on this one ground and criticized on these two grounds. [336]
(viii)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth lawfully, without violence, and who makes himself happy and pleased but does not share it and do meritorious deeds, may be praised on two grounds and criticized on one ground. On what two grounds may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He makes himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be praised. On what one ground may he be criticized? ‘He does not share it and do meritorious deeds’—this is the one ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on these two grounds and criticized on this one ground.
(ix)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth lawfully, without violence, and makes himself happy and pleased, and shares it and does meritorious deeds, but who uses that wealth while being tied to it, infatuated with it, blindly absorbed in it, not seeing the danger in it, not understanding the escape—he may be praised on three grounds and criticized on one ground. On what three grounds may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He makes himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be praised. ‘He shares it and does meritorious deeds’—this is the third ground on which he may be praised.
On what one ground may he be criticized? ‘He uses that wealth while being tied to it, infatuated with it, blindly absorbed in it, not seeing the danger in it, not understanding the escape’—this is the one ground on which he may be criticized. This one enjoying sensual pleasures may be praised on these three grounds and criticized on this one ground.
(x)
“Therein, headman, the one enjoying sensual pleasures who seeks wealth lawfully, without violence, and makes himself happy and pleased, and shares it and does meritorious deeds, [337] and who uses that wealth without being tied to it, uninfatuated with it, not blindly absorbed in it, seeing the danger in it, understanding the escape—he may be praised on four grounds. On what four grounds may he be praised? ‘He seeks wealth lawfully, without violence’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He makes himself happy and pleased’—this is the second ground on which he may be praised. ‘He shares it and does meritorious deeds’— this is the third ground on which he may be praised. ‘He uses that wealth without being tied to it, uninfatuated with it, not blindly absorbed in it, seeing the danger in it, understanding the escape’—this is the fourth ground on which he may be praised. This one enjoying sensual pleasures may be praised on these four grounds.
IV
“There are, headman, these three kinds of ascetics of rough life existing in the world. What three?
(i)
“Here, headman, some ascetic of rough life has gone forth out of faith from the household life into homelessness with the thought: ‘Perhaps I may achieve a wholesome state; perhaps I may realize a superhuman distinction
in knowledge and vision worthy of the noble ones.’356 He afflicts and torments himself, yet he does not achieve a wholesome state or realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones.
(ii)
“Then, headman, some ascetic of rough life has gone forth out of faith…. He afflicts and torments himself, and achieves a wholesome state, yet he does not realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones. [338]
(iii)
“Then, headman, some ascetic of rough life has gone forth out of faith…. He afflicts and torments himself, achieves a wholesome state, and realizes a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones.
V
(i)
“Therein, headman, the ascetic of rough life who afflicts and torments himself, yet does not achieve a wholesome state or realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones, may be criticized on three grounds. On what three grounds may he be criticized? ‘He afflicts and torments himself’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not achieve a wholesome state’—this is the second ground on which he may be criticized. ‘He does not realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones’—this is the third ground on which he may be criticized. This ascetic of rough life may be criticized on these three grounds.
(ii)
“Therein, headman, the ascetic of rough life who afflicts and torments himself, and achieves a wholesome state, yet does not realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones, may be criticized on two grounds and praised on one ground. On what two grounds may he be criticized? ‘He afflicts and torments himself’—this is the first ground on which he may be criticized. ‘He does not realize a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones’—this is the second ground on which he may be criticized. On what one ground may he be praised? ‘He achieves a wholesome state’—this is the one ground on which he may be praised. This ascetic of rough life may be criticized on these two grounds and praised on this one ground. [339]
(iii)
“Therein, headman, the ascetic of rough life who afflicts and torments himself, achieves a wholesome state, and realizes a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones, may be criticized on one ground and praised on two grounds. On what one ground may he be criticized? ‘He afflicts and torments himself’—this is the one ground on which he may be criticized. On what two grounds may he be praised? ‘He achieves a wholesome state’—this is the first ground on which he may be praised. ‘He realizes a superhuman distinction in knowledge and vision worthy of the noble ones’—this is the second ground on which he may be praised. This ascetic of rough life may be criticized on this one ground and praised on these two grounds.
VI
“There are, headman, these three kinds of wearing away that are directly visible,357 immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise. What three?
(i)
“Someone is lustful, and on account of lust he intends for his own affliction, for the affliction of others, for the affliction of both. When lust is abandoned, he does not intend for his own affliction, or for the affliction of others, or for the affliction of both. The wearing away is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.
(ii)
“Someone is full of hatred, and on account of hatred he intends for his own affliction, for the affliction of others, for the affliction of both. When hatred is abandoned, he does not intend for his own affliction, or for the affliction of others, or for the affliction of both. [340] The wearing away is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.
(iii)
“Someone is deluded, and on account of delusion he intends for his own affliction, for the affliction of others, for the affliction of both. When delusion is abandoned, he does not intend for his own affliction, or for the affliction of others, or for the affliction of both. The wearing away is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.
“These, headman, are the three kinds of wearing away that are directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.”
When this was said, Rāsiya the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
13 Pāṭaliya
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Koliyans where there was a town of the Koliyans named Uttara. Then Pāṭaliya the headman approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“I have heard, venerable sir: ‘The ascetic Gotama knows magic.’358 I hope, venerable sir, that those who say, ‘The ascetic Gotama knows magic,’ state what has been said by the Blessed One and do not misrepresent him with what is contrary to fact; that they explain in accordance with the Dhamma, and that no reasonable consequence of their assertion gives ground for criticism. For we would not wish to misrepresent the Blessed One, venerable sir.”
“Those, headman, who say, ‘The ascetic Gotama knows magic,’ state what has been said by me and do not misrepresent me with what is contrary to fact; they explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of their assertion gives ground for criticism.” [341]
“Then, sir, we did not believe the plain truth asserted by those ascetics and brahmins who said, ‘The ascetic Gotama knows magic.’ Indeed, sir, the ascetic Gotama is a magician!”359
“Headman, does one who asserts, ‘I know magic,’ also assert, ‘I am a magician’?”
“So it is, Blessed One! So it is, Fortunate One!”
“Well then, headman, I will question you about this same matter. Answer as you see fit.
I
(i)
“What do you think, headman? Do you know the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses?”360
“I do, venerable sir.”
“What do you think, headman? What is the job of the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses?”
“Their job, venerable sir, is to arrest thieves for the Koliyans and to carry the Koliyans’ messages.”
“What do you think, headman? Do you know whether the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses are virtuous or immoral?”
“I know, venerable sir, that they are immoral, of bad character. They are to be included among those in the world who are immoral, of bad character.”
“Would one be speaking rightly, headman, if one were to say: ‘Pāṭaliya the headman knows the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses, who are immoral, of bad character. Pāṭaliya the headman too is immoral, of bad character’?”
“No, venerable sir. I am quite different from the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses. My character is quite different from theirs.” [342]
“If, headman, it can be said about you, ‘Pāṭaliya the headman knows the Koliyans’ hirelings with drooping head-dresses, who are immoral, of bad character, but Pāṭaliya the headman is not immoral, of bad character,’ then why can’t it be said about the Tathāgata: ‘The Tathāgata knows magic, but the Tathāgata is not a magician’? I understand magic, headman, and the result of magic, and I understand how a magician, faring along, with the breakup of the body, after death, is reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
(ii)
“I understand, headman, the destruction of life, and the result of the destruction of life, and I understand how one who destroys life, faring
along, with the breakup of the body, after death, is reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
“I understand, headman, the taking of what is not given ... sexual misconduct … false speech … divisive speech … harsh speech ... [343] … idle chatter … covetousness … ill will and hatred ... wrong view, and the result of wrong view, and I understand how one who holds wrong view, faring along, with the breakup of the body, after death, is reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
II
“There are, headman, some ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this: ‘Anyone at all who destroys life experiences pain and grief in this very life. Anyone at all who takes what is not given ... who engages in sexual misconduct … who speaks falsely experiences pain and grief in this very life.’
(i)
“Someone here, headman, is seen garlanded and adorned, freshly bathed and groomed, with hair and beard trimmed, enjoying sensual pleasures with women as if he were a king. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that he has been garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king?’ [344] They answer: ‘Sir, this man attacked the king’s enemy and took his life. The king was pleased with him and bestowed a reward upon him. That is why this man is garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king.’
(ii)
“Then, headman, someone here is seen with his arms tightly bound behind him with a strong rope, his head shaven, being led around from street to street, from square to square, to the ominous beating of a drum, and then taken out through the south gate and beheaded to the south of the city. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that with his arms tightly tied behind his back … he is beheaded to the south of the city?’ They answer: ‘Sir, this man, an enemy of the king, has taken the life of a man or a woman. That is why the rulers, having had him arrested, imposed such a punishment upon him.’
“What do you think, headman, have you ever seen or heard of such a case?”
“I have seen this, venerable sir, and I have heard of it, and I will hear of it [still again].”
“Therein, headman, when those ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this say: ‘Anyone at all who destroys life experiences pain and grief here and now,’ do they speak truthfully or falsely?”
“Falsely, venerable sir.”
“Are those who prattle empty falsehood virtuous or immoral?” [345] “Immoral, venerable sir.”
“Are those who are immoral and of bad character practising wrongly or rightly?”
“Practising wrongly, venerable sir.”
“Do those who are practising wrongly hold wrong view or right view?” “Wrong view, venerable sir.”
“Is it proper to place confidence in those who hold wrong view?” “No, venerable sir.”
(iii)
“Then, headman, someone here is seen garlanded and adorned, freshly bathed and groomed, with hair and beard trimmed, enjoying sensual pleasures with women as if he were a king. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that he has been garlanded and adorned ... enjoying sensual pleasures with women as if he were a king?’ They answer: ‘Sir, this man attacked the king’s enemy and stole a gem. The king was pleased with him and bestowed a reward upon him. That is why this man is garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king.’
(iv)
“Then, headman, someone here is seen with his arms tightly bound behind him with a strong rope, his head shaven, being led around from street to street, from square to square, to the ominous beating of a drum, and then taken out through the south gate and beheaded to the south of the city. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that with his arms tightly bound behind him … he is beheaded to the south of the city?’ They answer: ‘Sir, this man, an enemy of the king, stole something from a village or a forest, he committed theft. That is why the rulers, having had him arrested, imposed such a punishment on him.’
“What do you think, headman, have you ever seen or heard of such a case?”
“I have seen this, venerable sir, and I have heard of it, and I will hear of it [still again].” [346]
“Therein, headman, when those ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this say: ‘Anyone at all who takes what is not given experiences pain and grief here and now,’ do they speak truthfully or falsely?… Is it proper to place confidence in those who hold wrong view?”
“No, venerable sir.”
(v)
“Then, headman, someone here is seen garlanded and adorned, freshly bathed and groomed, with hair and beard trimmed, enjoying sensual pleasures with women as if he were a king. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that he has been garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king?’ They answer: ‘Sir, this man seduced the wives of the king’s enemy. The king was pleased with him and bestowed a reward upon him. That is why this man is garlanded and adorned ... enjoying sensual pleasures with women as if he were a king.’
(vi)
“Then, headman, someone here is seen with his arms tightly bound behind him with a strong rope, his head shaven, being led around from street to street, from square to square, to the ominous beating of a drum, and then taken out through the south gate and beheaded to the south of the city. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that with his arms tightly bound behind him ... he is beheaded to the south of the city?’ They answer: ‘Sir, this man seduced women and girls of good families. That is why the rulers, having had him arrested, imposed such a punishment upon him.’
“What do you think, headman, have you ever seen or heard of such a case?”
“I have seen this, venerable sir, and I have heard of it, and I will hear of it [still again].”
“Therein, headman, when those ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this say: ‘Anyone at all who engages in sexual misconduct experiences pain and grief here and now,’ do they speak truthfully or falsely?… Is it proper to place confidence in those who hold wrong view?”
“No, venerable sir.” [347]
(vii)
“Then, headman, someone here is seen garlanded and adorned, freshly bathed and groomed, with hair and beard trimmed, enjoying sensual pleasures with women as if he were a king. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that he has been garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king?’ They answer: ‘Sir, this man amused the king with false speech. The king was pleased with him and bestowed a reward upon him. That is why this man is garlanded and adorned … enjoying sensual pleasures with women as if he were a king.’
(viii)
“Then, headman, someone here is with his arms tightly bound behind him with a strong rope, his head shaven, being led around from street to street, from square to square, to the ominous beating of a drum, and then taken out through the south gate and beheaded to the south of the city. They ask someone about him: ‘Sir, what has this man done, that with his arms tightly bound behind him ... he is beheaded to the south of the city?’ They answer: ‘Sir, this man has brought to ruin a householder or a householder’s son with false speech. That is why the rulers, having had him arrested, imposed such a punishment upon him.’
“What do you think, headman, have you ever seen or heard of such a case?”
“I have seen this, venerable sir, and I have heard of it, and I will hear of it [still again].”
“Therein, headman, when those ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this say: ‘Anyone at all who speaks falsely experiences pain and grief here and now,’ [348] do they speak truthfully or falsely?… Is it proper to place confidence in those who hold wrong view?”
“No, venerable sir.
III
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! I have a rest house in which there are beds, seats, a waterpot, and an oil lamp. When any ascetic or brahmin comes to reside there, then I share it with him to the best of my means and ability. In the past, venerable sir, four teachers—holding different views, with different convictions, different preferences—came to dwell in that rest house.
(i)
“One teacher held such a doctrine and view as this:361 ‘There is nothing given, nothing offered, nothing presented in charity; no fruit or result of good and bad actions; no this world, no other world; no mother, no father; no beings who are reborn spontaneously; no ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.’
(ii)
“One teacher held such a doctrine and view as this: ‘There is what is given,
[349] what is offered, what is presented in charity; there is fruit and result of good and bad actions; there is this world and the other world; there is mother and father; there are beings who are reborn spontaneously; there are ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.’
(iii)
“One teacher held such a doctrine and view as this:362 ‘When one acts or makes others act, when one mutilates or makes others mutilate, when one tortures or makes others inflict torture, when one inflicts sorrow or makes others inflict sorrow, when one oppresses or makes others inflict oppression, when one intimidates or makes others inflict intimidation, when one destroys life, takes what is not given, breaks into houses, plunders wealth, commits burglary, ambushes highways, seduces another’s wife, utters falsehood—no evil is done by the doer. If, with a razor-rimmed wheel, one were to make the living beings of this earth into one mass of flesh, into one heap of flesh, because of this there would be no evil and no outcome of evil. If one were to go along the south bank of the Ganges killing and slaughtering, mutilating and making others mutilate, torturing and making others inflict torture, because of this there would be no evil and no outcome of evil. If one were to go along the north bank of the Ganges giving gifts and making others give gifts, making offerings and making others make offerings, because of this there would be no merit and no outcome of merit. By giving, by taming oneself, by self-control, by speaking truth, there is no merit and no outcome of merit.’
(iv)
“One teacher held such a doctrine and view as this: ‘When one acts or makes others act, when one mutilates or makes others mutilate … [350] … evil is done by the doer. If, with a razor-rimmed wheel, one were to make the living beings of this earth into one mass of flesh, into one heap of flesh, because of this there would be evil and an outcome of evil. If one were to go along the south bank of the Ganges killing and slaughtering, mutilating and making others mutilate, torturing and making others inflict torture, because of this there would be evil and an outcome of evil. If one were to go along the north bank of the Ganges giving gifts and making others give gifts, making offerings and making others make offerings, because of this there would be merit and an outcome of merit. By giving, by taming
oneself, by self-control, by speaking truth, there is merit and an outcome of merit.’ “There arose in me, venerable sir, the perplexity and doubt: ‘Which of these honourable ascetics and brahmins speak truth and which speak falsehood?’”
“It is fitting for you to be perplexed, headman, fitting for you to doubt.
Doubt has arisen in you about a perplexing matter.”
“I have confidence in the Blessed One thus: ‘The Blessed One is capable of teaching me the Dhamma in such a way that I might abandon this state of perplexity.’”
IV
“There is, headman, concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon this state of perplexity.363 And what, headman, is concentration of the Dhamma?
(i)
“Herein, headman, having abandoned the destruction of life, the noble disciple abstains from the destruction of life. Having abandoned the taking of what is not given, he abstains from taking what is not given. Having abandoned sexual misconduct, he abstains from sexual misconduct. Having abandoned false speech, he abstains from false speech. [351] Having abandoned divisive speech, he abstains from divisive speech. Having abandoned harsh speech, he abstains from harsh speech. Having abandoned idle chatter, he abstains from idle chatter. Having abandoned covetousness, he is uncovetous. Having abandoned ill will and hatred, he has a mind without ill will. Having abandoned wrong view, he is one of right view.
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful—dwells pervading one quarter with a mind imbued with lovingkindness, likewise the second quarter, the third quarter, and the fourth
quarter. Thus above, below, across, and everywhere, and to all as to himself, he dwells pervading the entire world with a mind imbued with lovingkindness, vast, exalted, measureless, without hostility, without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “There is nothing given, nothing offered ... no ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.” If the word of this good teacher is true, for me it yet counts as incontrovertible 364 that I do not oppress anyone whether frail or firm. In both respects I have made a lucky throw:365 since I am restrained in body, speech, and mind, and since, with the breakup of the body, after death, I shall be reborn in a good destination, in a heavenly world.’ [As he reflects thus] gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is elated by rapture the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated.
“This, headman, is concentration of the Dhamma. [352] If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
(ii)
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful— dwells pervading one quarter with a mind imbued with lovingkindness … without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “There is what is given, there is what is offered … there are ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.” If the word of this good teacher is true, for me it yet counts as incontrovertible that I do not oppress anyone whether frail or
firm. In both respects I have made a lucky throw: since I am restrained in body, speech, and mind, and since, with the breakup of the body, after death, I shall be reborn in a good destination, in a heavenly world.’ [As he reflects thus] gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is elated by rapture the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated.
“This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
(iii)
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful— dwells pervading one quarter with a mind imbued with lovingkindness …
[353] without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “When one acts or makes others act … By giving, by taming oneself, by self-control, by speaking truth, there is no merit and no outcome of merit.” If the word of this good teacher is true, for me it yet counts as incontrovertible that I do not oppress anyone whether frail or firm. In both respects I have made a lucky throw: since I am restrained in body, speech, and mind, and since, with the breakup of the body, after death, I shall be reborn in a good destination, in a heavenly world.’ [As he reflects thus] gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is elated by rapture the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated.
“This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
(iv)
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful— dwells pervading one quarter with a mind imbued with lovingkindness …
… without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “When one acts or makes others act ... By giving, by taming oneself, by self-control, by speaking truth, there is merit and an outcome of merit.” If the word of this good teacher is true, for me it yet counts as incontrovertible that I do not oppress anyone whether frail or firm. In both respects I have made a lucky throw: since I am restrained in body, speech, and mind, and since, with the breakup of the body, after death, I shall be reborn in a good destination, in a heavenly world.’ [As he reflects thus] gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is elated by rapture the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated.
“This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
V
(i)
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful— dwells pervading one quarter with a mind imbued with compassion …
… with a mind imbued with altruistic joy … with a mind imbued with equanimity, likewise the second quarter, the third quarter, and the fourth quarter. Thus above, below, across, and everywhere, and to all as to himself, he dwells pervading the entire world with a mind imbued with equanimity, vast, exalted, measureless, without hostility, without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “There is nothing given, nothing offered … no ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the
other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.”’ … This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
(ii)-(iv)
“Then, headman, that noble disciple—who is thus devoid of covetousness, devoid of ill will, unconfused, clearly comprehending, ever mindful— dwells pervading one quarter with a mind imbued with compassion … with a mind imbued with altruistic joy … with a mind imbued with equanimity
… [356] … without ill will.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “There is what is given, there is what is offered … there are ascetics and brahmins faring and practising rightly in the world who, having realized this world and the other world for themselves by direct knowledge, make them known to others.”’ … This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “When one acts or makes others act … [357] … By giving, by taming oneself, by self-control, by speaking truth, there is no merit and no outcome of merit.”’ … This, headman, is concentration of the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, you might abandon that state of perplexity.
“He reflects thus: ‘This teacher holds such a doctrine and view as this: “When one acts or makes others act, when one mutilates or makes others mutilate … [358] … By giving, by taming oneself, by self-control, by speaking truth, there is merit and an outcome of merit.” If the word of this good teacher is true, for me it yet counts as incontrovertible that I do not oppress anyone whether frail or firm. In both respects I have made a lucky throw: since I am restrained in body, speech, and mind, and since, with the breakup of the body, after death, I shall be reborn in a good destination, in a
heavenly world.’ [As he reflects thus] gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is elated by rapture the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated.
“This, headman, is concentration based upon the Dhamma. If you were to obtain concentration of mind in that, then you might abandon that state of perplexity.”
When this was said, Pāṭaliya the headman said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir!… From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
[359]
1



Close
Close