Phần Một - Phẩm Có Kệ
1. I. Thiền Ðịnh (S.iv,204)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ðây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.
1) Vị đệ tử đức Phật,
Ðịnh, tỉnh giác, chánh niệm,
Hiểu rõ ràng các thọ,
Và xuất ly các thọ.
2) Chỗ này, chúng đoạn diệt,
Con đường đến đoạn diệt,
Tỷ-kheo đoạn các thọ,
Không khát ái, tịch tịnh.
2. II. An Lạc (S.iv,204)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ðây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.
1) Lạc thọ hay khổ thọ,
Cùng bất khổ bất lạc,
Nội thọ và ngoại thọ,
Phàm có cảm thọ gì.
2) Biết được: "Ðây là khổ",
Hư ngụy và biến hoại,
Thấy xúc, xúc biến diệt,
Ở đây, sống ly tham.
3. III. Ðoạn Tận (S.iv,205)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
4) Này các Tỷ-kheo, tham tùy miên đối với lạc thọ cần phải đoạn tận. Sân tùy miên đối với khổ thọ cần phải đoạn tận. Vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ cần phải đoạn tận.
5) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, đoạn tận sân tùy miên đối với khổ thọ, đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ; thời này các Tỷ-kheo, sự từ bỏ tham tùy miên của Tỷ-kheo được gọi là chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn (sammà mànabhisamayà), vị ấy đoạn tận khổ đau.
1) Nếu cảm giác lạc thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi tham tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
2) Nếu cảm giác khổ thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi sân tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
3) Với bất khổ bất lạc,
Bậc Ðại trí thuyết giảng,
Nếu hoan hỷ thọ ấy,
Không thoát được khổ đau.
4) Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Tỉnh giác, không cuồng trí,
Ðối với tất cả thọ,
Bậc Hiền trí liễu tri.
5) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Thân hoại, bậc Pháp trú
Ðại trí vượt ước lường.
4. IV. Vực Thẳm (Pàtàla) (S.iv,206)
1-2) ...
3) -- Kẻ vô văn phàm phu nói như sau: "Ở giữa biển lớn, có vực thẳm". Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đối với việc không có, không xẩy ra, lại nói: "Ở giữa biển lớn, có vực thẳm".
4) Này các Tỷ-kheo, đồng nghĩa với các khổ thọ về thân là vực thẳm này.
5) Kẻ vô văn phàm phu, khi cảm giác khổ thọ về thân, thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu không đứng lên trên vực thẳm, không đạt tới chỗ chân đứng.
6) Còn bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác khổ thọ về thân, không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc Ða văn Thánh đệ tử đã đứng lên trên vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng.
1) Ai không chịu đựng nổi,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc khiến run rẩy.
Ai than vãn, khóc lóc,
Suy nhược, thiếu kiên cường,
Không đứng trên vực sâu,
Không đạt chỗ chân đứng.
2) Ai có thể chịu đựng,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc không run rẩy,
Vị ấy vượt vực sâu,
Ðạt tới chỗ chân đứng.
5. V. Cần Phải Quán Kiến (S.iv,207)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ, này các Tỷ-kheo, cần phải thấy là khổ. Khổ thọ cần phải thấy là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải thấy là vô thường.
4) Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy được lạc thọ là khổ, thấy được khổ thọ là mũi tên, thấy được bất khổ bất lạc thọ là vô thường; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo có chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn, vị ấy đoạn tận khổ đau.
1) Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Với bất khổ bất lạc,
Thấy thọ là vô thường,
Tỷ-kheo ấy chánh kiến,
Liễu tri các cảm thọ.
2) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Mạng chung, bậc Pháp trú,
Ðại trí vượt ước lường.
6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?
6) -- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
7) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn với mũi tên, rồi họ bắn người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ cả hai mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ; thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Cảm xúc bởi khổ thọ ấy, người ấy cảm thấy sân hận (patigha). Do cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ được tồn chỉ tùy miên (anuseti). Cảm xúc bởi khổ thọ, người ấy hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không tìm thấy một sự xuất ly khổ thọ nào khác, ngoài dục lạc. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại. Người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, nên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc (sannutto). Nếu người ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ.
9) Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ; vị ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Vị ấy không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy. Do không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ không có tồn tại. Cảm xúc bởi khổ thọ, vị ấy không hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì bậc Ða văn Thánh đệ tử có tuệ tri một sự xuất ly khác đối với khổ thọ, ngoài dục lạc. Vì vị ấy không hoan hỷ dục lạc, tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, đối với bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên không có tồn tại. Nếu vị ấy cảm thọ lạc thọ, vị ấy cảm thọ lạc thọ như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ão. Ta nói rằng vị ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là thù thắng, đây là sự sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
1) Bậc Trí tuệ Ða văn,
Lạc khổ không chi phối,
Giữa kẻ trí, phàm phu,
Thiện sai biệt rất lớn.
2) Bậc Ða văn, Tầm pháp,
Thấy đời này, đời sau,
Ái pháp không phá tâm,
Không ái, không sân hận.
3) Tùy thuận hay đối nghịch,
Tiêu tán, diệt, không còn,
Vị ấy biết con đường,
Ðường không cấu, không sầu,
Chánh trí, đoạn tái sanh,
Ðến được bờ giác ngộ.
7. VII. Tật Bệnh (S.iv,210)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, Ðại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.
2) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến gian phòng chữa bệnh; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến (khi mệnh chung). Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm. Sống quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
4) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay, đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.
5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm tỉnh giác khi thời đã đến. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
6) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: "Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này, nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?". Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong (vaya). Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt.
7) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khổ thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khổ thọ này khởi lên nơi ta. Khổ thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời khổ thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?". Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và khổ thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và khổ thọ của vị ấy, nên sân tùy miên đối với thân và khổ thọ được đoạn diệt.
8) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, bất khổ bất lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: "Bất khổ bất lạc thọ này khởi lên nơi ta. Bất khổ bất lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, thời bất khổ bất lạc thọ được khởi lên làm sao sẽ thường trú được?" Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và bất khổ bất lạc thọ của vị ấy, nên vô minh tùy miên đối với thân và bất khổ bất lạc thọ được đoạn diệt.
9) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường". Vị ấy tuệ tri: "Ta không chấp trước thọ ấy". Vị ấy tuệ tri: "Ta không hoan hỷ thọ ấy". Nếu vị ấy cảm thọ khổ thọ... Nếu vị ấy cảm thọ bất khổ bất lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường". Vị ấy tuệ tri: "Ta không chấp trước thọ ấy". Vị ấy tuệ tri: "Ta không hoan hỷ thọ ấy".
10) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc.
11) Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân". Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng". Vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, một cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim bấc, một ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc khô cạn, cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm, ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân". Khi vị ấy đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng". Vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".
8. VIII. Tật Bệnh (2) (S.iv,213)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, tại rừng Ðại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.
2) Rồi Thế Tôn vào buổi chiều...
3-5) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?... (như kinh trước cho đến hết số 5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông...
6) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy rõ biết như sau: "Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy khởi lên có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên xúc này. Nhưng xúc này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên xúc khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao có thể thường trú được?". Vị ấy trú, quán vô thường đối với xúc và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với xúc và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với xúc và lạc thọ bị đoạn diệt.
7-11) (Giống như kinh trước, từ số 7 đến số 11, chỉ khác ở đây là duyên xúc, chớ không phải thân này như kinh trước) "... Ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu... sẽ đi đến lắng dịu. (như kinh trước).
9. IX. Vô Thường (S.iv,214)
1-2) ...
3) -- Có ba thọ này, này các Tỷ-kheo, vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
5) Ba thọ này, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
10. X. Căn Bản Của Xúc (S.iv,215)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên.
4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
5) Do xúc được cảm thọ là lạc, này các Tỷ-kheo, lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
6) Do xúc được cảm thọ là khổ, này các Tỷ-kheo, khổ thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
7) Do xúc được cảm thọ là bất khổ bất lạc, này các Tỷ-kheo, bất khổ bất lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai khúc gỗ cọ xát nhau, đem đến gần nhau, nên sức nóng sanh ra, lửa được hiện hữu. Khi hai khúc gỗ ấy bị phân ly tuyệt duyên, thời sức nóng khởi lên do duyên ấy được đoạn diệt, được tịnh chỉ.
9) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên, do duyên xúc tương ứng, các thọ tương ứng, tương ứng, khởi lên. Do sự đoạn diệt của xúc tương ứng, tương ứng các thọ tương ứng, tương ứng được đoạn diệt. Phần Hai - Phẩm Sống Một Mình
11. I. Sống Một Mình (S.iv,216)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống một mình, Thiền tịnh, tâm tư như sau được khởi lên: "Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ". Ba thọ này được Thế Tôn thuyết dạy. Nhưng Thế Tôn lại nói: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ". Do liên hệ đến cái gì, lời nói này được Thế Tôn nói lên: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ"?
4) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Này Tỷ-kheo, Ta nói rằng có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Ta nói đến. Nhưng này Tỷ-kheo, Ta lại nói: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ". Chính vì liên hệ đến tánh vô thường của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ". Chính vì liên hệ đến tánh đoạn tận, tánh tiêu vong, tánh ly tham, tánh đoạn diệt, tánh biến hoại của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ".
5) Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được đoạn diệt; khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tịnh chỉ các hành là tuần tự; khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được tịnh chỉ; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ... khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được tịnh chỉ. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này các Tỷ-kheo, có sáu khinh an này, khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được khinh an; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được khinh an; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được khinh an; khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được khinh an; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được khinh an; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
12. II. Hư Không (1)(S.iv,218)
1-2) ...
3) -- Ví như ở trên hư không có nhiều loại gió thổi. Có gió từ phương Ðông thổi. Có gió từ phương Tây thổi. Có gió từ phương Bắc thổi. Có gió từ phương Nam thổi. Có gió có bụi thổi. Có gió không bụi thổi. Có gió lạnh thổi. Có gió nóng thổi. Có gió lượng nhỏ thổi, có gió lượng lớn thổi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong cái thân này, có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên. Lạc thọ khởi lên. Khổ thọ khởi lên. Bất khổ bất lạc thọ khởi lên.
1) Giống như giữa hư không,
Gió nhiều loại thổi lên,
Từ phương Ðông, phương Tây,
Từ phương Bắc, phương Nam.
2) Gió có bụi, không bụi,
Có gió lạnh, gió nóng,
Có gió lớn, gió nhỏ,
Gió nhiều loại, thổi lên.
3) Cũng vậy, trong thân này,
Khởi lên nhiều cảm thọ,
Lạc thọ và khổ thọ,
Bất khổ bất lạc thọ.
4) Khi Tỷ-kheo nhiệt tâm,
Tỉnh giác, không sanh y,
Do vậy, bậc Hiền giả,
Liễu tri tất cả thọ.
5) Vị ấy liễu tri thọ,
Ngay hiện tại, vô lậu,
Thân hoại, bậc Pháp trú,
Ðại trí, vượt ước lường.
13. III. Hư Không (2) (S.iv,219)
(Như kinh trên chỉ khác là không có bài kệ)
14. IV. Khách Xá (S.iv,219)
1-2) ...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một nhà khách, ở đấy, từ phương Ðông có một người đến ở. Từ phương Tây, có người đến ở. Từ phương Bắc, có người đến ở. Từ phương Nam, có người đến ở. Những người Sát-đế-lỵ đến ở, những người Bà-la-môn đến ở, những người Phệ-xá (Vessa) đến ở, những người Thủ-đà (Suddà) đến ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong cái thân này có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên. Lạc thọ khởi lên, khổ thọ khởi lên, bất khổ bất lạc thọ khởi lên.
4) Có những lạc thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những khổ thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những bất khổ bất lạc thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những lạc thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những khổ thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những bất khổ bất lạc thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên.
15. V. Thuộc Sở Hữu (1) (S,iv,219)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) -- Có ba thọ này, này Ananda, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Ananda, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đấy là vị ngọt của thọ. Sự vô thường, khổ, biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham (chandaràga) đối với thọ, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.
5) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng đoạn diệt (nirodho) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.
6) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng tịnh chỉ (vùpasamo) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được tịnh chỉ. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được tịnh chỉ. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng khinh an (passadhi) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được khinh an. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
16. VI. Thuộc Sở Hữu (2) (Santakam) (S.iv,221)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:
-- Này Ananda, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) -- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói cho ý nghĩa của lời nói này! Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
-- Vậy này Ananda, hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn.
5-8) Thế Tôn nói như sau:
-- Này Ananda, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Ananda, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt... (như kinh trên từ số 4 đến số 7). Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
17. VII. Tám Lần (1) (Atthaka) (S.iv,221)
1) ...
2) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục tham, sự đoạn tận dục tham đối với thọ là sự xuất ly của thọ.
5) Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt của thọ là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt... Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận.
6) Rồi, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng tịnh chỉ các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, các lời nói được tịnh chỉ... Ðối với Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này các Tỷ-kheo, có sáu khinh an. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được khinh an. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm và tứ được khinh an. Khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an. Khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được khinh an. Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
18. VIII. Tám Lần (2) (S.iv,222)
1) ...
2) Rồi một số đông các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) -- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5-8) ... (giống như số 4-7 của kinh số 15) ...
19. IX. Năm Vật Dụng (S.iv,223)
1) ...
2) Rồi người thợ mộc Pancakanga đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Udàyi rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn dạy có bao nhiêu thọ?
-- Có ba thọ, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến.
4) Ðược nghe nói vậy, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy ba thọ. Thế Tôn dạy chỉ có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn về bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
5) Lần thứ hai, Tôn giả Udàyi nói với thợ mộc Pancakanga:
-- Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ hai, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
6) Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với thợ mộc Pancakanga:
-- Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ ba, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
Như vậy, Tôn giả Udàyi không có thể thuyết phục được thợ mộc Pancakanga, và thợ mộc Pancakanga không thể thuyết phục được Tôn giả Udàyi.
7) Tôn giả Ananda nghe được câu chuyện này giữa Tôn giả Udàyi và thợ mộc Pancakanga.
8) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Udàyi và thợ mộc Pancakanga.
9) -- Dầu thật có pháp môn (pariyàyam), này Ananda, nhưng thợ mộc Pancakanga không tín thọ Tỷ-kheo Udàyi. Và dầu thật có pháp môn, này Ananda, nhưng Tỷ-kheo Udàyi không tín thọ thợ mộc Pancakanga. Có hai thọ, này Ananda, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Như vậy, này Ananda, là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn.
10) Này Ananda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, này Ananda, những ai không chịu chấp nhận, không chịu tán đồng, không chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống đấu tranh nhau, hủy báng nhau, tranh luận nhau với những khí giới miệng lưỡi. Như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn. Này Ananda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, những ai chịu chấp nhận, chịu tán đồng, chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy, sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có tranh luận nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái.
11) Và này Ananda, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Ananda, có năm dục công đức này. Do duyên năm dục công đức này, này Ananda, khởi lên lạc hỷ gì, đây gọi là dục lạc.
12) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và trú Thiền thứ nhất. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tốt đẹp hơn.
13) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ananda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tịnh chỉ các tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
14) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ananda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
15) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ananda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
16) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ananda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, biết rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
17) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
18) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: "Không có sở hữu gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
19) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
20) Này Ananda, có thể có những người nói như sau: "Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được". Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ananda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
21) Sự kiện này xảy ra, này Ananda. Có các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi như sau: "Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và tuyên bố là Diệt thọ tưởng định ấy thuộc về lạc. Ý nghĩa này là gì và như thế nào?". Ðược nói vậy, này Ananda, các du sĩ ngoại đạo cần được trả lời như sau: "Này chư Hiền, Thế Tôn không tuyên bố thuộc về lạc, dựa vào lạc thọ. Nhưng chỗ nào, này chư Hiền, lạc được cảm thọ, chỗ ấy, Thế Tôn tuyên bố cảm thọ thuộc vào lạc thọ".
20. X. Bởi Vị Tỷ Kheo (S.iv,228)
1-2) ...
3) -- Có hai thọ, này các Tỷ-kheo, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 36 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta.
4-15) ... (giống như đoạn sau của kinh trước, từ số 10 cho đến số 21, chỉ khác trong kinh trước, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda, trong kinh này Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo). Phần Ba - Phẩm Một Trăm Lẻ Tám Pháp Môn
21. I. Sìvaka (S.iv,230)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi du sĩ Moliya Sìvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Moliya Sìvaka thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, thấy như sau: "Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ". Ở đây, Tôn giả Gotama nói như thế nào?
4) -- Này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật (semhà). Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình (sàma) biết rằng: "Ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật". Hay là, này Siivaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: "Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật". Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: "Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ"; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.
5) Này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ đàm (niêm dịch) ...
6) Này Siivaka... khởi lên, phát sanh từ gió...
7) Này Siivaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các... nước trong thân thể (sannipitikàni).
8) Này Siivaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các thời tiết...
9) Này Siivaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận...
10) Này Siivaka... khởi lên, phát sanh từ các công kích thình lình từ bên ngoài vào...
11) Do quả dị thục của nghiệp, này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ được khởi lên. Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình biết rằng: "Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp". Hay là, này Siivaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: "Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp". Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: "Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ"; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.
12) Khi được nói vậy, du sĩ Moliya Siivaka bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
Mật, niêm dịch và gió,
Sự gặp gỡ các loại nước,
Sự thay đổi thời tiết,
Sự gặp gỡ các nghịch vận,
Sự công kích thình lình,
Nghiệp quả là thứ tám.
22. II. Một Trăm Lẻ Tám (S.iv,231)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn về pháp theo 108 pháp môn. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn? Có hai thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có ba thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có năm thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có sáu thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 18 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 36 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 108 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hai thọ? Thọ về thân và thọ về tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hai thọ.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba thọ? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thọ? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thọ.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu thọ? Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu thọ.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 18 thọ? Có sáu tư duy thân cận (upavicàrà) với hỷ; có sáu tư duy thân cận với ưu; có sáu tư duy thân cận với xả. Này các Tỷ-kheo, đây là 18 thọ.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 36 thọ? Sáu hỷ liên hệ đến gia đình, sáu hỷ liên hệ đến ly dục; sáu ưu liên hệ đến gia đình, sáu ưu liên hệ đến ly dục; sáu xả liên hệ đến gia đình, sáu xả liên hệ đến ly dục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 36 thọ.
10) Thế nào là 108 thọ? 36 thọ về quá khứ, 36 thọ về tương lai, 36 thọ về hiện tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 108 thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn.
23. III. Vị Tỷ Kheo (S.iv,232)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) -- Này Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Khát ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đó là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.
24. IV. Trí Về Quá Khứ (S.iv,233)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng Chánh giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?"
3) Và này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ".
4) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
5) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
6) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
7) Này các Tỷ-kheo, đây là thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
8) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe...
9) Này các Tỷ-kheo, đây là vị ngọt của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe...
10) Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hiểm của thọ...
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự xuất ly của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
25. V. Bởi Vị Tỷ Kheo (S.iv,234)
1) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
... (Kinh này giống như kinh số 23) ...
26. VI. Sa Môn, Bà La Môn (1) (S.iv,234)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của ba thọ này...
4) ... như thật tuệ tri... với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú.
27. VII. Sa Môn, Bà La Môn (2) (S.iv,235)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
... (giống như kinh số 26) ...
28. VIII. Sa Môn, Bà La Môn (3) (S.iv,235)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không tuệ tri thọ, không tuệ tri thọ tập khởi, không tuệ tri con đường đưa đến thọ tập khởi, không tuệ tri thọ đoạn diệt, không tuệ tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt...
4) ... như thật tuệ tri... tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú...
29. IX. Thanh Tịnh, Không Liên Hệ Ðến Vật Chất (S.iv,235)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.
3) Này các Tỷ-kheo, có hỷ liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia; có lạc liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia; có xả liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia; có giải thoát liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức này. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ liên hệ đến vật chất.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia? Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, khi quán sát tâm giải thoát khỏi sân, khi quán sát tâm giải thoát khỏi si, hỷ được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, khởi lên lạc hỷ gì, này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc liên hệ đến vật chất.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tịnh chỉ các tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, lạc và hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả liên hệ đến vật chất.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất.
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia.
13-14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giải thoát liên hệ đến vật chất? Sự giải thoát liên hệ đến sắc là liên hệ đến vật chất... Sự giải thoát liên hệ đến vô sắc là không liên hệ đến vật chất.
16) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, giải thoát khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.
Chapter II. Connected Discourses on Feeling
Translated by: Bhikkhu Boddhi
I. WITH VERSES
1 (1) Concentration
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three feelings.”
A disciple of the Buddha, mindful, Concentrated, comprehending clearly, Understands feelings
And the origin of feelings, Where they finally cease,
And the path leading to their destruction. With the destruction of feelings
A bhikkhu is hungerless and fully quenched.227
2 (2) Pleasure
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three feelings.” [205]
Whether it be pleasant or painful
Along with the neither-painful-nor-pleasant, Both the internal and the external, Whatever kind of feeling there is:
Having known, “This is suffering, Perishable, disintegrating,”
Having touched and touched them, seeing their fall, Thus one loses one’s passion for them.228
3 (3) Abandonment
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. The underlying tendency to lust should be abandoned in regard to pleasant feeling. The underlying tendency to aversion should be abandoned in regard to painful feeling. The underlying tendency to ignorance should be abandoned in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling.229
“When, bhikkhus, a bhikkhu has abandoned the underlying tendency to lust in regard to pleasant feeling, the underlying tendency to aversion in regard to painful feeling, and the underlying tendency to ignorance in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling, then he is called a bhikkhu without underlying tendencies, 230 one who sees rightly. He has cut off craving, severed the fetters, and by completely breaking through conceit,231 he has made an end to suffering.”
When one experiences pleasure, If one does not understand feeling The tendency to lust is present
For one not seeing the escape from it.
When one experiences pain,
If one does not understand feeling
The tendency to aversion is present For one not seeing the escape from it.
The One of Broad Wisdom has taught With reference to that peaceful feeling, Neither-painful-nor-pleasant:
If one seeks delight even in this,
One is still not released from suffering. [206]
But when a bhikkhu who is ardent Does not neglect clear comprehension, Then that wise man fully understands Feelings in their entirety.
Having fully understood feelings, He is taintless in this very life.
Standing in Dhamma, with the body’s breakup The knowledge-master cannot be reckoned.
4 (4) The Bottomless Abyss
“Bhikkhus, when the uninstructed worldling makes the statement, ‘In the great ocean there is a bottomless abyss,’232 he makes such a statement about something that is nonexistent and unreal. This, bhikkhus, is rather a designation for painful bodily feelings, that is, ‘bottomless abyss.’
“When the uninstructed worldling is contacted by a painful bodily feeling, he sorrows, grieves, and laments; he weeps and beats his breast and becomes distraught. This is called an uninstructed worldling who has not risen up in the bottomless abyss, one who has not gained a foothold.
“But, bhikkhus, when the instructed noble disciple is contacted by a painful bodily feeling, he does not sorrow, grieve, or lament; he does not
weep and beat his breast and become distraught. This is called an instructed noble disciple who has risen up in the bottomless abyss, one who has gained a foothold.”
One who cannot endure The arisen painful feelings,
Bodily feelings that sap one’s life, Who trembles when they touch him, A weakling of little strength
Who weeps out loud and wails:
He has not risen up in the bottomless abyss, Nor has he even gained a foothold. [207]
But one who is able to endure them— The arisen painful feelings,
Bodily feelings that sap one’s life— Who trembles not when they touch him:
He has risen up in the bottomless abyss, And he has also gained a foothold.
5 (5) Should Be Seen
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. Pleasant feeling, bhikkhus, should be seen as painful;233 painful feeling should be seen as a dart; neither-painful-nor-pleasant feeling should be seen as impermanent.
“When, bhikkhus, a bhikkhu has seen pleasant feeling as painful, painful feeling as a dart, and neither-painful-nor-pleasant feeling as impermanent, he is called a bhikkhu who sees rightly. He has cut off craving, severed the fetters, and by completely breaking through conceit, he has made an end to suffering.”
One who has seen the pleasant as painful And the painful as a dart,
Seen as impermanent the peaceful feeling Neither painful nor pleasant:
He is a bhikkhu who sees rightly, One who fully understands feelings.
Having fully understood feelings, He is taintless in this very life.
Standing in Dhamma, with the body’s breakup The knowledge-master cannot be reckoned.
6 (6) The Dart
“Bhikkhus, the uninstructed worldling feels a pleasant feeling, a painful feeling, and a neither-painful-nor-pleasant feeling. The instructed noble disciple too feels a pleasant feeling, [208] a painful feeling, and a neither- painful-nor-pleasant feeling. Therein, bhikkhus, what is the distinction, the disparity, the difference between the instructed noble disciple and the uninstructed worldling?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, take recourse in the Blessed One. It would be good if the Blessed One would clear up the meaning of this statement. Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, bhikkhus, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, when the uninstructed worldling is being contacted by a
painful feeling, he sorrows, grieves, and laments; he weeps beating his breast and becomes distraught. He feels two feelings—a bodily one and a mental one. Suppose they were to strike a man with a dart, and then they would strike him immediately afterwards with a second dart,234 so that the man would feel a feeling caused by two darts. So too, when the uninstructed worldling is being contacted by a painful feeling ... he feels two feelings—a bodily one and a mental one.
“Being contacted by that same painful feeling, he harbours aversion towards it. When he harbours aversion towards painful feeling, the underlying tendency to aversion towards painful feeling lies behind this. Being contacted by painful feeling, he seeks delight in sensual pleasure. For what reason? Because the uninstructed worldling does not know of any escape from painful feeling other than sensual pleasure.235 When he seeks delight in sensual pleasure, the underlying tendency to lust for pleasant feeling lies behind this. He does not understand as it really is the origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape in the case of these feelings. When he does not understand these things, the underlying tendency to ignorance in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling lies behind this.
“If he feels a pleasant feeling, he feels it attached. If he feels a painful feeling, he feels it attached. [209] If he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he feels it attached. This, bhikkhus, is called an uninstructed worldling who is attached to birth, aging, and death; who is attached to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; who is attached to suffering, I say.
“Bhikkhus, when the instructed noble disciple is contacted by a painful feeling, he does not sorrow, grieve, or lament; he does not weep beating his breast and become distraught.236 He feels one feeling—a bodily one, not a mental one. Suppose they were to strike a man with a dart, but they would not strike him immediately afterwards with a second dart, so that the man would feel a feeling caused by one dart only. So too, when the instructed noble disciple is contacted by a painful feeling ... he feels one feeling—a bodily one, not a mental one.
“Being contacted by that same painful feeling, he harbours no aversion towards it. Since he harbours no aversion towards painful feeling, the underlying tendency to aversion towards painful feeling does not lie behind this. Being contacted by painful feeling, he does not seek delight in sensual pleasure. For what reason? Because the instructed noble disciple knows of an escape from painful feeling other than sensual pleasure. Since he does not seek delight in sensual pleasure, the underlying tendency to lust for pleasant feeling does not lie behind this. He understands as it really is the
origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape in the case of these feelings. Since he understands these things, the underlying tendency to ignorance in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling does not lie behind this.
“If he feels a pleasant feeling, he feels it detached. If he feels a painful feeling, [210] he feels it detached. If he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he feels it detached. This, bhikkhus, is called a noble disciple who is detached from birth, aging, and death; who is detached from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; who is detached from suffering, I say.
“This, bhikkhus, is the distinction, the disparity, the difference between the instructed noble disciple and the uninstructed worldling.”
The wise one, learned, does not feel
The pleasant and painful [mental] feeling. This is the great difference between
The wise one and the worldling.
For the learned one who has comprehended Dhamma, Who clearly sees this world and the next,
Desirable things do not provoke his mind, Towards the undesired he has no aversion.
For him attraction and repulsion no more exist; Both have been extinguished, brought to an end. Having known the dust-free, sorrowless state, The transcender of existence rightly understands.
7 (7) The Sick Ward (1)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālı̄ in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof. Then, in the evening, the Blessed One
emerged from seclusion and went to the sick ward,237 where he sat down in the appointed seat and addressed the bhikkhus thus: [211]
“Bhikkhus, a bhikkhu should await his time mindful and clearly comprehending. This is our instruction to you.
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu mindful? Here, bhikkhus, a bhikkhu dwells contemplating the body in the body, ardent, clearly comprehending, mindful, having put away covetousness and displeasure in regard to the world. He dwells contemplating feelings in feelings … mind in mind … phenomena in phenomena, ardent, clearly comprehending, mindful, having put away covetousness and displeasure in regard to the world. It is in such a way that a bhikkhu is mindful.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu exercise clear comprehension? Here, bhikkhus, a bhikkhu is one who acts with clear comprehension when going forward and returning; when looking ahead and looking aside; when drawing in and extending the limbs; when wearing his robes and carrying his outer robe and bowl; when eating, drinking, chewing his food, and tasting; when defecating and urinating; when walking, standing, sitting, falling asleep, waking up, speaking, and keeping silent. It is in such a way that a bhikkhu exercises clear comprehension.
“A bhikkhu should await his time mindful and clearly comprehending.
This is our instruction to you.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a pleasant feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a pleasant feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on this very body. But this body is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the pleasant feeling has arisen in dependence on a body that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent?’ He dwells contemplating impermanence in the body and in pleasant feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment.238 As he dwells thus, [212] the underlying tendency to lust in regard to the body and in regard to pleasant feeling is abandoned by him.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a painful feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a painful feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on just this body. But this body is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the painful feeling has arisen in dependence on a body that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent? ’ He dwells contemplating impermanence in the body and in painful feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment. As he dwells thus, the underlying tendency to aversion in regard to the body and in regard to painful feeling is abandoned by him.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a neither-painful-nor-pleasant feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a neither-painful-nor-pleasant feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on just this body. But this body is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the neither- painful-nor-pleasant feeling has arisen in dependence on a body that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent?’ He dwells contemplating impermanence in the body and in neither-painful- nor-pleasant feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment. As he dwells thus, the underlying tendency to ignorance in regard to the body and in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling is abandoned by him. [213]
“If he feels a pleasant feeling,239 he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a painful feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’
“If he feels a pleasant feeling, he feels it detached; if he feels a painful feeling, he feels it detached; if he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he feels it detached.
“When he feels a feeling terminating with the body, he understands: ‘I feel a feeling terminating with the body.’ When he feels a feeling terminating with life, he understands: ‘I feel a feeling terminating with life.’ He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here.’
“Just as, bhikkhus, an oil lamp burns in dependence on the oil and the wick, and with the exhaustion of the oil and the wick it is extinguished through lack of fuel, so too, bhikkhus, when a bhikkhu feels a feeling terminating with the body … terminating with life … He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here.’”
8 (8) The Sick Ward (2)
(As in preceding sutta down to the second injunction: ) [214]
“A bhikkhu should await his time mindful and clearly comprehending.
This is our instruction to you.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a pleasant feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a pleasant feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on just this contact. But this contact is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the pleasant feeling has arisen in dependence on a contact that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent?’ He dwells contemplating impermanence in contact and in pleasant feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment. As he dwells thus, the underlying tendency to lust in regard to contact and in regard to pleasant feeling is abandoned by him.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a painful feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a painful
feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on just this contact. But this contact is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the painful feeling has arisen in dependence on a contact that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent?’ He dwells contemplating impermanence in contact and in painful feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment. As he dwells thus, the underlying tendency to aversion in regard to contact and in regard to painful feeling is abandoned by him.
“Bhikkhus, while a bhikkhu dwells thus, mindful and clearly comprehending, diligent, ardent, and resolute, if there arises in him a neither-painful-nor-pleasant feeling, he understands thus: ‘There has arisen in me a neither-painful-nor-pleasant feeling. Now that is dependent, not independent. Dependent on what? Dependent on just this contact. But this contact is impermanent, conditioned, dependently arisen. So when the neither-painful-nor-pleasant feeling has arisen in dependence on a contact that is impermanent, conditioned, dependently arisen, how could it be permanent?’ He dwells contemplating impermanence in contact and in neither-painful-nor-pleasant feeling, he dwells contemplating vanishing, contemplating fading away, contemplating cessation, contemplating relinquishment. As he dwells thus, the underlying tendency to ignorance in regard to contact and in regard to neither-painful-nor-pleasant feeling is abandoned by him.
“If he feels a pleasant feeling ... (all as in preceding sutta ) ... He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here.’”
9 (9) Impermanent
“Bhikkhus, these three feelings are impermanent, conditioned, dependently arisen, subject to destruction, subject to vanishing, subject to fading away, subject to cessation. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither- painful-nor-pleasant feeling. These three feelings are impermanent,
conditioned, dependently arisen, subject to destruction, subject to vanishing, subject to fading away, subject to cessation.” [215]
10 (10) Rooted in Contact
“Bhikkhus, these three feelings are born of contact, rooted in contact, with contact as their source and condition. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling.
“In dependence on a contact to be experienced as pleasant, bhikkhus, a pleasant feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as pleasant, the corresponding feeling—the pleasant feeling that arose in dependence on that contact to be experienced as pleasant—ceases and subsides.
“In dependence on a contact to be experienced as painful, a painful feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as painful, the corresponding feeling—the painful feeling that arose in dependence on that contact to be experienced as painful—ceases and subsides.
“In dependence on a contact to be experienced as neither-painful-nor- pleasant, a neither-painful-nor-pleasant feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant, the corresponding feeling—the neither-painful-nor-pleasant feeling that arose in dependence on that contact to be experienced as neither-painful-nor- pleasant—ceases and subsides.
“Bhikkhus, just as heat is generated and fire is produced from the conjunction and friction of two fire-sticks, but when the sticks are separated and laid aside the resultant heat ceases and subsides; 240 so too, these three feelings are born of contact, rooted in contact, with contact as their source and condition. In dependence on the appropriate contacts the corresponding feelings arise; with the cessation of the appropriate contacts the corresponding feelings cease.”
[216]
II. ALONE
11 (1) Alone
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Here, venerable sir, while I was alone in seclusion, a reflection arose in my mind thus: ‘Three feeling have been spoken of by the Blessed One: pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These three feelings have been spoken of by the Blessed One. But the Blessed One has said: “Whatever is felt is included in suffering.” Now with reference to what was this stated by the Blessed One?’”
“Good, good, bhikkhu! These three feelings have been spoken of by me: pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These three feelings have been spoken of by me. And I have also said: ‘Whatever is felt is included in suffering.’ That has been stated by me with reference to the impermanence of formations. That has been stated by me with reference to formations being subject to destruction … to formations being subject to vanishing … to formations being subject to fading away [217] … to formations being subject to cessation … to formations being subject to change.241
“Then, bhikkhu, I have also taught the successive cessation of formations.242 For one who has attained the first jhāna, speech has ceased. For one who has attained the second jhāna, thought and examination have ceased. For one who has attained the third jhāna, rapture has ceased. For one who has attained the fourth jhāna, in-breathing and out-breathing have ceased. For one who has attained the base of the infinity of space, the perception of form has ceased. For one who has attained the base of the infinity of consciousness, the perception pertaining to the base of the infinity of space has ceased. For one who has attained the base of nothingness, the perception pertaining to the base of the infinity of consciousness has ceased. For one who has attained the base of neither- perception-nor-nonperception, the perception pertaining to the base of
nothingness has ceased. For one who has attained the cessation of perception and feeling, perception and feeling have ceased. For a bhikkhu whose taints are destroyed, lust has ceased, hatred has ceased, delusion has ceased.
“Then, bhikkhu, I have also taught the successive subsiding of formations. For one who has attained the first jhāna speech has subsided…. For one who has attained the cessation of perception and feeling, perception and feeling have subsided. For a bhikkhu whose taints are destroyed, lust has subsided, hatred has subsided, delusion has subsided.
“There are, bhikkhu, these six kinds of tranquillization. For one who has attained the first jhāna, speech has been tranquillized. For one who has attained the second jhāna, thought and examination have been tranquillized. For one who has attained the third jhāna, rapture has been tranquillized. For one who has attained the fourth jhāna, in-breathing and out-breathing have been tranquillized. [218] For one who has attained the cessation of perception and feeling, perception and feeling have been tranquillized. For a bhikkhu whose taints are destroyed, lust has been tranquillized, hatred has been tranquillized, delusion has been tranquillized.”
12 (2) The Sky (1)
“Bhikkhus, just as various winds blow in the sky: winds from the east, winds from the west, winds from the north, winds from the south, dusty winds and dustless winds, cold winds and hot winds, mild winds and strong winds; so too, various feelings arise in this body: pleasant feeling arises, painful feeling arises, neither-painful-nor-pleasant feeling arises.”
Just as many diverse winds
Blow back and forth across the sky, Easterly winds and westerly winds, Northerly winds and southerly winds, Dusty winds and dustless winds, Sometimes cold, sometimes hot,
Those that are strong and others mild— Winds of many kinds that blow;
So in this very body here Various kinds of feelings arise, Pleasant ones and painful ones,
And those neither painful nor pleasant.
But when a bhikkhu who is ardent243 Does not neglect clear comprehension, Then that wise man fully understands Feelings in their entirety.
Having fully understood feelings, He is taintless in this very life.
Standing in Dhamma, with the body’s breakup, The knowledge-master cannot be reckoned. [219]
13 (3) The Sky (2)
(Same as the preceding, but without the verses. )
14 (4) The Guest House
“Bhikkhus, suppose there is a guest house. People come from the east, west, north, and south and lodge there; khattiyas, brahmins, vessas, and suddas come and lodge there. So too, bhikkhus, various feelings arise in this body: pleasant feeling arises, painful feeling arises, neither-painful-nor-pleasant feeling arises; carnal pleasant feeling arises; carnal painful feeling arises; carnal neither-painful-nor-pleasant feeling arises; spiritual pleasant feeling
arises; spiritual painful feeling arises; spiritual neither-painful-nor-pleasant feeling arises.”244
15 (5) Ananda (1)
Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, what now is feeling? What is the origin of feeling? What is the cessation of feeling?
[220] What is the way leading to the cessation of feeling? What is the gratification in feeling? What is the danger? What is the escape?”
“Ānanda, these three feelings—pleasant feeling, painful feeling, neither- painful-nor-pleasant feeling—are called feeling. With the arising of contact there is the arising of feeling. With the cessation of contact there is the cessation of feeling. This Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of feeling; that is, right view … right concentration. The pleasure and joy that arise in dependence on feeling: this is the gratification in feeling. That feeling is impermanent, suffering, and subject to change: this is the danger in feeling. The removal and abandonment of desire and lust for feeling: this is the escape from feeling.
“Then, Ānanda, I have also taught the successive cessation of formations
… (as in §11).... [221] For a bhikkhu whose taints are destroyed, lust has been tranquillized, hatred has been tranquillized, delusion has been tranquillized.”
16 (6) Ananda (2)
Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to the Venerable Ānanda as he was sitting to one side: “Ānanda, what now is feeling? What is the origin of feeling? What is the cessation of feeling? What is the way leading to the cessation of feeling? What is the gratification in feeling? What is the danger? What is the escape?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, take recourse in the Blessed One. It would be good if the Blessed One would clear up the meaning of this statement. Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, Ānanda. I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the Venerable Ānanda replied. The Blessed One said this:
“Ānanda, these three feelings—pleasant feeling, painful feeling, neither- painful-nor-pleasant feeling—are called feeling….”
(All as in the preceding sutta.)
17 (7)-18 (8) A Number of Bhikkhus
(These two suttas are identical with §§15–16 except that in each “a number of bhikkhus” is the interlocutor in place of ̄nanda.) [222–23]
19 (9) Pañcakȧga
Then the carpenter Pañcakariga approached the Venerable Udāyı̄, paid homage to him, sat down to one side, and asked him: “Venerable Udāyı̄, how many kinds of feelings have been spoken of by the Blessed One?”245
“Three kinds of feelings, carpenter, have been spoken of by the Blessed One: pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are the three kinds of feelings that have been spoken of by the Blessed One.”
When this was said, the carpenter Pañcakariga said to the Venerable Udāyı̄: “The Blessed One did not speak of three kinds of feelings, Venerable Udāyı̄. He spoke of two kinds of feelings: pleasant feeling and painful feeling. As to this neither-painful-nor-pleasant feeling, venerable sir, the Blessed One has said that this is included in the peaceful and sublime pleasure.”
A second time [224] and a third time the Venerable Udāyı̄ stated his position, and a second time and a third time the carpenter Pañcakariga stated his, but the Venerable Udāyı̄ could not convince the carpenter Pañcakariga nor could the carpenter Pañcakariga convince the Venerable Udāyı̄.
The Venerable Ānanda heard this conversation between the Venerable Udāyı̄ and the carpenter Pañcakariga. Then he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported to the Blessed One the entire conversation. [The Blessed One said:]
“Ānanda, it was a true method of exposition that the carpenter Pañcakariga would not approve of from the bhikkhu Udāyı̄, and it was a true method of exposition that the bhikkhu Udāyı̄ would not approve of from the carpenter Pañcakariga. I have spoken of two kinds of feelings by [one] method of exposition; I have spoken of three kinds of feelings by [another] method of exposition; I have spoken of five kinds of feelings … six kinds of feelings … eighteen kinds of feelings … thirty-six kinds of feelings by [another] method of exposition; [225] and I have spoken of one hundred and eight kinds of feelings by [still another] method of exposition. Thus, Ānanda, the Dhamma has been taught by me through [different] methods of exposition.246
“When the Dhamma has been taught by me in such a way through [different] methods of exposition, it may be expected of those who will not concede, allow, and approve of what is well stated and well spoken by others that they will become contentious and quarrelsome and engage in disputes, and that they will dwell stabbing each other with verbal daggers. But when the Dhamma has been taught by me in such a way through [different] methods of exposition, it may be expected of those who will concede, allow, and approve of what is well stated and well spoken by others that they will live in concord, with mutual appreciation, without disputing, blending like milk and water, viewing each other with kindly eyes.
“Ānanda, there are these five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. Sounds cognizable by the ear … Odours cognizable by the nose … Tastes cognizable by the tongue … Tactile
objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. The pleasure and joy that arise in dependence on these five cords of sensual pleasure: this is called sensual pleasure.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, a bhikkhu enters and dwells in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, with rapture and happiness born of seclusion. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness. [226]
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, with the subsiding of thought and examination, a bhikkhu enters and dwells in the second jhāna, which has internal confidence and unification of mind, is without thought and examination, and has rapture and happiness born of concentration. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, with the fading away as well of rapture, a bhikkhu dwells equanimous and, mindful and clearly comprehending, he experiences happiness with the body; he enters and dwells in the third jhāna of which the noble ones declare: ‘He is equanimous, mindful, one who dwells happily.’ This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there
is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, with the abandoning of pleasure and pain, and with the previous passing away of joy and displeasure, a bhikkhu enters and dwells in the fourth jhāna, which is neither painful nor pleasant and includes the purification of mindfulness by equanimity. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.247 “Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. [227] Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, with the complete transcendence of perceptions of forms, with the passing away of perceptions of sensory impingement, with nonattention to perceptions of diversity, aware that ‘space is infinite,’ a bhikkhu enters and dwells in the base of the infinity of space. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, by completely transcending the base of the infinity of space, aware that ‘consciousness is infinite,’ a bhikkhu enters and dwells in the base of the infinity of consciousness. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, by completely transcending the base of the infinity of consciousness, aware that ‘there is nothing,’ a bhikkhu enters and dwells in the base of nothingness. This [228] is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there
is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, by completely transcending the base of nothingness, a bhikkhu enters and dwells in the base of neither-perception-nor-nonperception. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.
“Though some may say, ‘This is the supreme pleasure and joy that beings experience,’ I would not concede this to them. Why is that? Because there is another kind of happiness more excellent and sublime than that happiness. And what is that other kind of happiness? Here, Ānanda, by completely transcending the base of neither-perception-nor-nonperception, a bhikkhu enters and dwells in the cessation of perception and feeling. This is that other kind of happiness more excellent and sublime than the previous kind of happiness.248
“Now it is possible, Ānanda, that wanderers of other sects might speak thus: ‘The ascetic Gotama speaks of the cessation of perception and feeling, and he maintains that it is included in happiness. What is that? How is that?’ When wanderers of other sects speak thus, Ānanda, they should be told: ‘The Blessed One, friends, does not describe a state as included in happiness only with reference to pleasant feeling. But rather, friends, wherever happiness is found and in whatever way, the Tathāgata describes that as included in happiness.’”249
20 (10) Bhikkhus
“Bhikkhus, I have spoken of two kinds of feelings by [one] method of exposition…. Thus, bhikkhus, the Dhamma has been taught by me through [different] methods of exposition….”
(Complete as in the preceding sutta.) [229] [230]
III. THE THEME OF THE HUNDRED AND EIGHT
21 (1) Sīvaka
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then the wanderer Moḷiyası̄vaka approached the Blessed One and exchanged greetings with him.250 When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Blessed One:
“Master Gotama, there are some ascetics and brahmins who hold such a doctrine and view as this: ‘Whatever a person experiences, whether it be pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant, all that is caused by what was done in the past.’251 What does Master Gotama say about this?”
“Some feelings, Sı̄vaka, arise here originating from bile disorders: that some feelings arise here originating from bile disorders one can know for oneself, and that is considered to be true in the world. Now when those ascetics and brahmins hold such a doctrine and view as this, ‘Whatever a person experiences, whether it be pleasant or painful or neither-painful-nor- pleasant, all that is caused by what was done in the past,’ they overshoot what one knows by oneself and they overshoot what is considered to be true in the world. Therefore I say that this is wrong on the part of those ascetics and brahmins.252
“Some feelings, Sı̄vaka, arise here originating from phlegm disorders ... originating from wind disorders … originating from an imbalance [of the three] … produced by change of climate ... produced by careless behaviour
… caused by assault … [231] produced as the result of kamma: that some feelings arise here produced as the result of kamma one can know for oneself, and that is considered to be true in the world.253 Now when those ascetics and brahmins hold such a doctrine and view as this, ‘Whatever a person experiences, whether it be pleasant or painful or neither-painful-nor- pleasant, all that is caused by what was done in the past,’ they overshoot what one knows by oneself and they overshoot what is considered to be true
in the world. Therefore I say that this is wrong on the part of those ascetics and brahmins.”
When this was said, the wanderer Moḷiyası̄vaka said to the Blessed One: “Magnificent, Master Gotama! Magnificent, Master Gotama!… From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
Bile, phlegm, and also wind, Imbalance and climate too, Carelessness and assault,
With kamma result as the eighth.
22 (2) The Theme of the Hundred and Eight
“Bhikkhus, I will teach you a Dhamma exposition on the theme of the hundred and eight. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of the hundred and eight? I have spoken of two kinds of feelings by [one] method of exposition; I have spoken of three kinds of feelings by [another] method of exposition; I have spoken of five kinds of feelings … six kinds of feelings … eighteen kinds of feelings … thirty-six kinds of feelings by [another] method of exposition; and I have spoken of one hundred and eight kinds of feelings by [still another] method of exposition.
“And what, bhikkhus, are the two kinds of feelings? Bodily and mental.
These are called the two kinds of feelings. [232]
“And what, bhikkhus, are the three kinds of feelings? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These are called the three kinds of feelings.
And what, bhikkhus, are the five kinds of feelings? The pleasure faculty, the pain faculty, the joy faculty, the displeasure faculty, the equanimity faculty. These are called the five kinds of feelings. 254
“And what, bhikkhus, are the six kinds of feelings? Feeling born of eye- contact … feeling born of mind-contact. These are called the six kinds of feeling.
“And what, bhikkhus, are the eighteen kinds of feelings? Six examinations accompanied by joy, six examinations accompanied by displeasure, six examinations accompanied by equanimity. These are called the eighteen kinds of feelings.255
“And what, bhikkhus, are the thirty-six kinds of feelings? Six types of joy based on the household life, six types of joy based on renunciation; six types of displeasure based on the household life, six types of displeasure based on renunciation; six types of equanimity based on the household life, six types of equanimity based on renunciation. These are called the thirty- six kinds of feelings.256 “And what, bhikkhus, are the hundred and eight kinds of feelings? The [above] thirty-six feelings in the past, the [above] thirty-six feelings in the future, the [above] thirty-six feelings at present. These are called the hundred and eight kinds of feelings.
“This, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of the hundred and eight.”
23 (3) A Certain Bhikkhu
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, what now is feeling? What is the origin of feeling? What is the way leading to the origination of feeling? What is the cessation of feeling? What is the way leading to the cessation of feeling? What is the gratification in feeling? What is the danger? What is the escape?” [233]
“There are, bhikkhu, these three feelings: pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. This is called feeling. With the arising of contact there is the arising of feeling. Craving is the way leading to the origination of feeling. With the cessation of contact there is the
cessation of feeling. This Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of feeling; that is, right view … right concentration.
“The pleasure and joy that arise in dependence on feeling: this is the gratification in feeling. That feeling is impermanent, suffering, and subject to change: this is the danger in feeling. The removal and abandonment of desire and lust for feeling: this is the escape from feeling.”
24 (4) Before
“Bhikkhus, before my enlightenment, while I was still a bodhisatta, not yet fully enlightened, it occurred to me: “What now is feeling? What is the origin of feeling? What is the way leading to the origination of feeling? What is the cessation of feeling? What is the way leading to the cessation of feeling? What is the gratification in feeling? What is the danger? What is the escape?”
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘There are these three feelings … (all as in preceding sutta) ... this is the escape from feeling.’”
25 (5) Knowledge257
“‘These are feelings’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“‘This is the origin of feeling’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision … and light.
“‘This is the way leading to the origination of feeling’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision … and light.
“‘This is the cessation of feeling’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision ... and light. [234]
“‘This is the way leading to the cessation of feeling’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision ... and light.
“‘This is the gratification in feeling’ … ‘This is the danger in feeling’ … ‘This is the escape from feeling’: thus, bhikkhus, in regard to things unheard before, there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.”
26 (6) A Number of Bhikkhus
(Identical with §23 except that “a number of bhikkhus” are the interlocutors rather than “a certain bhikkhu.”)
27 (7) Ascetics and Brahmins (1)
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling.
“Those ascetics or brahmins, bhikkhus, who do not understand as they really are the gratification, the danger, and the escape in the case of these three feelings:258 these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand these things as they really are: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.” [235]
28 (8) Ascetics and Brahmins (2)
“Those ascetics or brahmins, bhikkhus, who do not understand as they really are the origination and the passing away, the gratification, the danger, and the escape in the case of these three feelings: these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand these things as they really are: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
29 (9) Ascetics and Brahmins (3)
“Those ascetics or brahmins, bhikkhus, who do not understand feeling, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: these I do not consider to be ascetics among ascetics … nor do they enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand feeling, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: these I consider to be ascetics among ascetics … and they enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
30 (10) Simple version
“Bhikkhus, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling.”259
31 (11) Spiritual
“Bhikkhus, there is carnal rapture, there is spiritual rapture, there is rapture more spiritual than the spiritual. There is carnal happiness, there is spiritual happiness, there is happiness more spiritual than the spiritual. There is carnal equanimity, there is spiritual equanimity, there is equanimity more spiritual than the spiritual. There is carnal deliverance, there is spiritual deliverance, there is deliverance more spiritual than the spiritual.
“And what, bhikkhus, is carnal rapture? There are, bhikkhus, these five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye ... tactile objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. The rapture that arises in dependence on these five cords of sensual pleasure: this is called carnal rapture. [236]
“And what, bhikkhus, is spiritual rapture? Here, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, a bhikkhu enters and dwells in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, with rapture and happiness born of seclusion. With the subsiding of thought and examination, he enters and dwells in the second jhāna, which has internal confidence and unification of mind, is without thought and examination, and has rapture and happiness born of concentration. This is called spiritual rapture.
“And what, bhikkhus, is rapture more spiritual than the spiritual? When a bhikkhu whose taints are destroyed reviews his mind liberated from lust, liberated from hatred, liberated from delusion, there arises rapture. This is called rapture more spiritual than the spiritual.260
“And what, bhikkhus, is carnal happiness? There are, bhikkhus, these five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye ... tactile objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. The happiness that arises in dependence on these five cords of sensual pleasure: this is called carnal happiness.
“And what, bhikkhus, is spiritual happiness? Here, bhikkhus, secluded from sensual pleasures … a bhikkhu enters and dwells in the first jhāna … the second jhāna…. With the fading away as well of rapture, he dwells
equanimous and, mindful and clearly comprehending, he experiences happiness with the body; he enters and dwells in the third jhāna of which the noble ones declare: ‘He is equanimous, mindful, one who dwells happily.’ This is called spiritual happiness.
“And what, bhikkhus, is happiness more spiritual than the spiritual? When a bhikkhu whose taints are destroyed reviews his mind liberated from lust, liberated from hatred, [237] liberated from delusion, there arises happiness. This is called happiness more spiritual than the spiritual.
“And what, bhikkhus, is carnal equanimity? There are, bhikkhus, these five cords of sensual pleasure. What five? Forms cognizable by the eye ... tactile objects cognizable by the body that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These are the five cords of sensual pleasure. The equanimity that arises in dependence on these five cords of sensual pleasure: this is called carnal equanimity.
“And what, bhikkhus, is spiritual equanimity? With the abandoning of pleasure and pain, and with the previous passing away of joy and displeasure, a bhikkhu enters and dwells in the fourth jhāna, which is neither painful nor pleasant and includes the purification of mindfulness by equanimity.
“And what, bhikkhus, is equanimity more spiritual than the spiritual? When a bhikkhu whose taints are destroyed reviews his mind liberated from lust, liberated from hatred, liberated from delusion, there arises equanimity. This is called equanimity more spiritual than the spiritual.
“And what, bhikkhus, is carnal deliverance? Deliverance connected with the form sphere is carnal deliverance.
“And what, bhikkhus, is spiritual deliverance? Deliverance connected with the formless sphere is spiritual deliverance.261 “And what, bhikkhus, is deliverance more spiritual than the spiritual? When a bhikkhu whose taints are destroyed reviews his mind liberated from lust, liberated from hatred, liberated from delusion, there arises deliverance. This is called deliverance more spiritual than the spiritual.”
[238]
1