Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Một - Tương Ưng Sáu Xứ

Dịch giả: Thích Minh Châu

Phần Một - Năm Mươi Kinh Thứ Nhất
I. Phẩm Vô Thường

1.I. Vô Thường (1) Nội (S. iv.1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo" -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4) Tai là vô thường...
5) Mũi là vô thường...
6) Lưỡi là vô thường...
7) Thân là vô thường...
8) Ý là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với tai, nhàm chán đối với mũi, nhàm chán đối với lưỡi, nhàm chán đối với thân, nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
2.II. Khổ (1) Nội (S.iv,1)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4-7) Tai là khổ... Mũi là khổ... Lưỡi là khổ... Thân là khổ....
8) Ý là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo... "... không còn trở lại trạng thái này nữa".
3.III. Vô Ngã (1) Nội (S.iv,2)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4-7) Tai là vô ngã... Mũi là vô ngã... Lưỡi là vô ngã... Thân là vô ngã...
8) Ý là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
4.IV. Vô Thường (2) Ngoại (S.iv,2)
1-2) ...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
8) Các pháp là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với các tiếng, nhàm chán đối với các hương, nhàm chán đối với các vị, nhàm chán đối với các xúc, nhàm chán đối với các pháp. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
5.V. Khổ (2) Ngoại (S.iv.3)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
8) Các pháp là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
6.VI. Vô Ngã (2) Ngoại (S.iv.3)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc....
8) Các pháp là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
7.VII. Vô Thường (3) Nội (S.iv.4)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì (mắt) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với mắt quá khứ, không còn hoan hỷ đối với mắt tương lai, đối với mắt hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
4-7) Tai là vô thường... Mũi là vô thường... Lưỡi là vô thường... Thân là vô thường....
8) Ý là vô thường, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (ý) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, không tiếc nuối đối với ý quá khứ, không có hoan hỷ đối với ý tương lai, đối với ý hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
8.VIII. Khổ (3) Nội (S.iv,4)
1-2) ...
3-7) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là khổ, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (mắt) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, không tiếc nuối đối với mắt quá khứ, không hoan hỷ đối với mắt tương lai, đối với mắt hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt...
Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
8) Ý là khổ, kể cả ý quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (ý) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với ý quá khứ, không có hoan hỷ đối với ý tương lai, đối với ý hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
9.IX. Vô Ngã (3) Nội (S.iv,4)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (mắt) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có tiếc nuối đối với mắt quá khứ, không có hoan hỷ đối với mắt vị lai, đối với mắt hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
4-7) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân....
8) Ý là vô ngã, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (ý) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với ý quá khứ, không hoan hỷ đối với ý vị lai, đối với ý hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
10.X. Vô Thường (4) Ngoại (S.iv,5)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường, kể cả quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (sắc) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các sắc quá khứ, không hoan hỷ đối với sắc vị lai, đối với các sắc hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc....
8) Các pháp, này các Tỷ-kheo, là vô thường, kể cả (các pháp) quá khứ và vị lai, còn nói gì (các pháp) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các pháp quá khứ, không hoan hỷ đối với các pháp vị lai, đối với các pháp hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
11.XI. Khổ (4) Ngoại (S.iv,5)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, kể cả (các sắc) quá khứ và vị lai, còn nói gì (các sắc) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các sắc quá khứ, không hoan hỷ đối với các sắc tương lai, đối với các sắc hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc....
8) Các pháp, này các Tỷ-kheo, là khổ, kể cả (các pháp) quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (các pháp) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các pháp quá khứ, không hoan hỷ đối với các pháp vị lai, đối với các pháp hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
12.XII. Vô Ngã (4) Ngoại (S.iv,6)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, kể cả (các sắc) quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (các sắc) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các sắc quá khứ, không hoan hỷ đối với sắc vị lai, đối với các sắc hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc....
8) Các pháp, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, kể cả (các pháp) quá khứ và vị lai, còn nói gì đến (các pháp) hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không tiếc nuối đối với các pháp quá khứ, không hoan hỷ đối với các pháp vị lai, đối với các pháp hiện tại; đã thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt.
II. Phẩm Song Ðôi
13.I. Chánh Giác (1) (S.iv,6)
1) Sāvatthi...
2) -- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, khi Ta chưa giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của mắt? Cái gì là vị ngọt... của tai? Cái gì là vị ngọt... của mũi? Cái gì là vị ngọt... của lưỡi? Cái gì là vị ngọt... của thân? Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của ý?"
3-7) Này các Tỷ-kheo, về vấn đề này Ta suy nghĩ như sau: "Do duyên với mắt, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của mắt. Mắt vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của mắt. Nhiếp phục dục tham, đoạn trừ dục tham đối với mắt là xuất ly của mắt... của tai... của mũi... của lưỡi... của thân...
8) Do duyên với ý, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của ý. Ý vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của ý. Nhiếp phục dục tham, đoạn trừ dục tham đối với ý là xuất ly của ý".
9) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu nội xứ này, Ta chưa như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với các thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, đối với quần chúng gồm có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
10) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu nội xứ này, Ta đã như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm và xuất ly là xuất ly, thời khi ấy, đối với các thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, đối với quần chúng gồm có Sa-môn, Bà-la-môn chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
11) Và tri kiến này khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðời này là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
14.II. Chánh Giác (2) (S.iv,8)
1) ...
2) -- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, khi Ta chưa giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của các sắc?... của các tiếng... của các hương... của các vị... của các xúc? Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của các pháp?"
3) Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Do duyên các sắc, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của các sắc. Các sắc vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của các sắc. Nhiếp phục dục tham, đoạn trừ dục tham đối với các sắc, đấy là xuất ly của các sắc.
4-7) ... các tiếng... các hương... các vị... các xúc...
8) Do duyên các pháp, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của các pháp. Các pháp vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của các pháp. Nhiếp phục dục tham, đoạn tận dục tham đối với các pháp, đấy là xuất ly của các pháp".
9-10) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu ngoại xứ này, Ta không như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với các thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới và đối với quần chúng gồm có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác... Ta xác chứng Ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
11) Và tri kiến này khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðời này là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
15.III. Vị Ngọt (1) (S.iv,8)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu vị ngọt của mắt. Có vị ngọt nào của mắt, Ta đều thực nghiệm. Vị ngọt của mắt như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu nguy hiểm của mắt. Có nguy hiểm nào của mắt, Ta đều thực nghiệm. Nguy hiểm của mắt như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ- kheo, Ta đã sống tìm cầu xuất ly của mắt. Có xuất ly nào của mắt, Ta đều thực nghiệm. Xuất ly của mắt như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.
3-6) Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu vị ngọt của tai... của mũi... của lưỡi... của thân...
7) Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu vị ngọt của ý. Có vị ngọt nào của ý, Ta đều thực nghiệm. Vị ngọt của ý như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu nguy hiểm của ý. Có nguy hiểm nào của ý, Ta đều thực nghiệm. Nguy hiểm của ý như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu xuất ly của ý. Có xuất ly nào của ý, Ta đều thực nghiệm. Xuất ly của ý như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.
8-9) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu nội xứ này, Ta chưa như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là sự xuất ly...
10) Và tri kiến này khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðời này là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
16.IV. Vị Ngọt (2) (S.iv,9)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu vị ngọt của các sắc. Có vị ngọt nào của các sắc, Ta đều thực nghiệm. Vị ngọt của các sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu nguy hiểm của các sắc. Có nguy hiểm nào của các sắc, Ta đều thực nghiệm. Xuất ly của các sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.
3-6) ...các tiếng... các hương... các vị... các xúc...
7) Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu vị ngọt của các pháp. Có vị ngọt nào của các pháp, Ta đều thực nghiệm. Vị ngọt của các pháp như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, Ta đã sống tìm cầu nguy hiểm của các pháp. Có nguy hiểm nào của các pháp, Ta đều thực nghiệm. Xuất ly của pháp như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.
8-9) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu ngoại xứ này, Ta chưa như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly...
10) Và tri kiến này khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðời này là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".
17.V. Nếu Không Có (1) (S.iv,10)
1) ...
2) -- Nếu mắt không có vị ngọt, này các Tỷ-kheo, chúng sanh có thể không tham luyến mắt. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, mắt có vị ngọt nên chúng sanh tham luyến mắt.
3) Nếu mắt không có nguy hiểm, này các Tỷ-kheo, thời chúng sanh có thể không nhàm chán đối với mắt. Và vì rằng mắt có nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán đối với mắt.
4) Nếu mắt không có xuất ly, này các Tỷ-kheo, thời chúng sanh không có thể xuất ly khỏi mắt. Và vì rằng mắt có xuất ly nên chúng sanh có xuất ly khỏi mắt.
5-7) Nếu tai không có vị ngọt...
8-10) Nếu mũi không có vị ngọt...
11-13) Nếu lưỡi không có vị ngọt...
14-16) Nếu thân không có vị ngọt...
17) Nếu ý không có vị ngọt, này các Tỷ-kheo, thời chúng sanh có thể không tham luyến đối với ý. Và vì rằng ý có vị ngọt, này các Tỷ-kheo, nên chúng sanh có tham luyến đối với ý.
18) Nếu ý không có nguy hiểm, này các Tỷ-kheo, thời chúng sanh có thể không nhàm chán đối với ý. Và vì rằng ý có nguy hiểm, này các Tỷ-kheo, nên chúng sanh có nhàm chán đối với ý.
19) Nếu ý không có xuất ly, này các Tỷ-kheo, thời chúng sanh không xuất ly ra khỏi ý. Và vì rằng ý có sự xuất ly, này các Tỷ-kheo, nên chúng sanh xuất ly ra khỏi ý.
20) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, chúng sanh đối với sáu nội xứ này không như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh ấy cùng với các thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, đã không sống với tâm được ly chấp trước, ly hệ phược, được giải thoát, không bị giới hạn.
21) Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, chúng sanh đối với sáu nội xứ này đã như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly; cho nên, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh cùng với các thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, đã sống với tâm được ly chấp trước, ly hệ phược, được giải thoát, không bị giới hạn.
18.VI. Nếu Không Có (2) (S.iv,12)
(Như Kinh trước, chỉ thế vào sáu ngoại xứ: sắc, tiếng, hương, vị, xúc, pháp, thay cho sáu nội xứ của Kinh trước)
19.VII. Với Ưa Thích (1) (S.iv,13)
1) ...
2) -- Ai ưa thích mắt, này các Tỷ-kheo, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
Ai ưa thích tai... mũi... lưỡi... thân... Ai ưa thích ý, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
3) Và ai không ưa thích mắt, này các Tỷ-kheo, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
Ai không ưa thích tai... mũi... lưỡi... thân... Ai không ưa thích ý, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
20.VIII. Ưa Thích (2) (S.iv,13)
1) ...
2)-- Ai ưa thích các sắc, này các Tỷ-kheo, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
Ai ưa thích các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Ai ưa thích các pháp, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
3) Ai không ưa thích các sắc, này các Tỷ-kheo, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
Ai không ưa thích các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Ai không ưa thích các pháp, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
21.IX. Sự Sanh Khởi (1) (S.iv,14)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, mắt sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, tật bệnh chỉ trú, già chết xuất hiện.
3-6) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
7) Ý sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, tật bệnh chỉ trú, già chết xuất hiện.
8) Và này các Tỷ-kheo, mắt đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.
9-13)... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.
22.X. Sự Sanh Khởi (2) (S.iv,14)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, các sắc sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, bệnh tật chỉ trú, già chết xuất hiện.
3-4) Các tiếng... Các hương...
5-6) Các vị... Các xúc...
7) Các pháp sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, bệnh tật chỉ trú, già chết xuất hiện.
8) Và này các Tỷ-kheo, các sắc đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết tận diệt.
9-12) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
13) Các pháp đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.
III. Phẩm Tất Cả
23.I. Tất Cả (S.iv,15)
1) Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng ; mũi và các hương; lưỡi và các vị ; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.
4) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác", thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!
24.II. Ðoạn Tận (1) (S.iv,15)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến đoạn tận tất cả. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến đoạn tận tất cả?
4-6) Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận. Các sắc cần phải đoạn tận. Nhãn thức cần phải đoạn tận. Nhãn xúc cần phải đoạn tận. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận. Tai... Mũi...
7-8) Lưỡi cần phải đoạn tận. Các vị cần phải đoạn tận. Thiệt thức cần phải đoạn tận, thiệt xúc cần phải đoạn tận. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả.
25.III. Ðoạn Tận (2) (S.iv,16)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri (abhinnàparinnà). Hãy lắng nghe.
3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri?
4-6) Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các sắc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Nhãn thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Nhãn xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Tai... Mũi...
7-8) Lưỡi cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các vị cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Thiệt thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Thiệt xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri.
9) Ý cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Ý thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Ý xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri.
26.IV. Liễu Tri (1) (Parjànàna) (S.iv,17)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả, thời không có thể đoạn tận khổ đau.
3) Và này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả cái gì thời không có thể đoạn tận khổ đau?
4-6) Này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ mắt, thời không có thể đoạn tận khổ đau. Không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các sắc, thời không có thể đoạn tận khổ đau... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ cảm thọ ấy, thời không có thể đoạn tận khổ đau... tai... mũi...
7-8) ... lưỡi... thân...
9) Không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ ý, thời không có thể đoạn tận khổ đau. Không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các pháp... ý thức... ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ cảm thọ ấy, thời không có thể đoạn tận khổ đau.
10) Này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả cái ấy, thời không có thể đoạn tận khổ đau.
11) Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả, thời có thể đoạn tận khổ đau.
12) Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả cái gì thời có thể đoạn tận khổ đau?
13-15) Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ mắt, thời có thể đoạn tận khổ đau ; thắng tri, liễu tri... các sắc... nhãn thức... nhãn xúc... có thể đoạn tận khổ đau. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ cảm thọ ấy, thời có thể đoạn tận khổ đau... tai... các tiếng... tỷ thức... tỷ xúc... Cảm thọ do duyên tỷ xúc...
16-17)... lưỡi... các vị... thiệt thức... thiệt xúc... cảm thọ do duyên thiệt xúc... thân... các xúc... thân thức... thân xúc... cảm thọ do duyên thân xúc...
18) Thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ ý, thời có thể đoạn tận khổ đau... các pháp... ý thức... ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ cảm thọ ấy, thời có thể đoạn tận khổ đau.
19) Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả cái ấy, thời có thể đoạn tận khổ đau.
27.V. Liễu Tri (2) (S.iv,18)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả, thời không có thể đoạn tận khổ đau.
3) Và này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả cái gì thời không có thể đoạn tận khổ đau?
4-6) Chính là mắt, là các sắc, là nhãn thức, là các pháp do nhãn thức nhận biết... tai... mũi...
7-8) Chính là lưỡi, là các vị, là thiệt thức, là các pháp do thiệt thức nhận biết...
9) Chính là thân, là các xúc, là thân thức, là các pháp do thân thức nhận biết...
10) Và chính là ý, là các pháp, là ý thức, là các pháp do ý thức nhận biết...
11) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả cái ấy, nên không có thể đoạn tận khổ đau.
12) Và này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả cái ấy, thời có thể đoạn tận khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả cái gì thời có thể đoạn tận khổ đau?
13-15) Chính là mắt, chính là các sắc, chính là nhãn thức, chính là các pháp do nhãn thức nhận biết... chính là tai... chính là mũi...
16-17) Chính là lưỡi, chính là các vị, chính là thiệt thức, chính là các pháp do thiệt thức nhận biết...
18) Chính là ý, chính là các pháp, chính là ý thức, chính là các pháp do ý thức nhận biết.
19) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả cái ấy, thời có thể đoạn tận khổ đau.
28.VI. Bị Bốc Cháy (S.iv,19)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Gàya, tại Gàyasiisa cùng với một ngàn Tỷ-kheo.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, đều bị bốc cháy. Và này các Tỷ-kheo, tất cả cái gì đều bị bốc cháy?
3-5) Mắt, này các Tỷ-kheo, bị bốc cháy. Các sắc bị bốc cháy. Nhãn thức bị bốc cháy. Nhãn xúc bị bốc cháy. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não... Tai... Mũi...
6-7) Lưỡi bị bốc cháy. Các vị bị bốc cháy. Thiệt thức bị bốc cháy. Thiệt xúc bị bốc cháy. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não... Thân...
8) Ý bị bốc cháy. Các pháp bị bốc cháy. Ý thức bị bốc cháy. Ý xúc bị bốc cháy. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy... đối với tai... đối với mũi... đối với lưỡi... đối với thân... nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui với trạng thái này nữa".
10) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
11) Và trong khi lời giải đáp này được nói lên, tâm của một ngàn Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
29.VII. Mù Lòa (S.iv,20)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, là mù lòa. Và này các Tỷ-kheo, cái gì mù lòa?
3-5) Mắt, này các Tỷ-kheo, là mù lòa. Các sắc là mù lòa. Nhãn thức là mù lòa. Nhãn xúc là mù lòa. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là mù lòa. Mù lòa bởi cái gì? Ta nói rằng mù lòa bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não... Tai... Mũi...
6) Lưỡi là mù lòa. Các vị là mù lòa. Thiệt thức là mù lòa. Thiệt xúc là mù lòa. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy mù lòa. Mù lòa bởi cái gì? Ta nói rằng mù lòa bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
7) Thân là mù lòa...
8) Ý là mù lòa. Các pháp là mù lòa. Ý thức là mù lòa. Ý xúc là mù lòa. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là mù lòa. Mù lòa bởi cái gì? Ta nói rằng mù lòa bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
30.VIII Thích Hợp (1) (Sàruppa) (S.iv,21)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường (sabbamannità). Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường?
4-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tư lường con mắt, không tư lường trên con mắt, không tư lường từ con mắt, không tư lường: "Con mắt là của ta". Vị ấy không tư lường các sắc, không tư lường trên các sắc, không tư lường từ các sắc, không tư lường: "Các sắc là của ta". Vị ấy không tư lường nhãn thức, không tư lường trên nhãn thức, không tư lường từ nhãn thức, không tư lường: "Nhãn thức là của ta". Vị ấy không tư lường nhãn xúc, không tư lường trên nhãn xúc, không tư lường từ nhãn xúc, không tư lường: "Nhãn xúc là của ta". Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy của ta".... Tai... Mũi...
7-8) ... Vị ấy không tư lường lưỡi, không tư lường trên lưỡi, không tư lường từ lưỡi, không tư lường: "Lưỡi là của ta". Vị ấy không tư lường các vị, không tư lường trên các vị, không tư lường từ các vị, không tư lường: "Các vị là của ta". Vị ấy không tư lường thiệt thức, không tư lường trên thiệt thức, không tư lường từ thiệt thức, không tư lường: "Thiệt thức là của ta". Vị ấy không tư lường thiệt xúc, không tư lường trên thiệt xúc, không tư lường từ thiệt xúc, không tư lường: "Thiệt xúc là của ta". Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta".
9) ... Vị ấy không tư lường ý, không tư lường trên ý, không tư lường từ ý, không tư lường: "Ý là của ta". Vị ấy không tư lường các pháp, không tư lường trên các pháp, không tư lường từ các pháp, không tư lường: "Các pháp là của ta". Vị ấy không tư lường ý thức, không tư lường trên ý thức, không tư lường từ ý thức, không tư lường: "Ý thức là của ta". Vị ấy không tư lường ý xúc, không tư lường trên ý xúc, không tư lường từ ý xúc, không tư lường: "Ý xúc là của ta". Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, tư lường cái gì, tư lường trên cái gì, tư lường từ cái gì, tư lường cái gì là của ta, từ đấy cái ấy bị đổi khác. Ý tựa trên đổi khác, bám víu vào tái sanh, thế giới ưa thích tái sanh.
10) Cho đến các uẩn, giới, xứ, này các Tỷ-kheo, vị ấy không tư lường pháp ấy, không tư lường trên pháp ấy, không tư lường từ pháp ấy, không tư lường: "Pháp ấy là của ta". Vị ấy không tư lường như vậy nên không chấp thủ một vật gì ở đời. Do không chấp thủ nên không ái luyến. Do không ái luyến nên tự mình được hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.
31.IX. Thích Hợp (2) (S.iv,23)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường?
4-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tư lường con mắt, không tư lường trên con mắt, không tư lường từ con mắt, không tư lường: "Con mắt là của ta". Vị ấy không tư lường các sắc... không tư lường nhãn thức... không tư lường nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, phàm tư lường cái gì, tư lường trên cái gì, tư lường từ cái gì, tư lường cái gì là của ta, do vậy cái ấy đổi khác. Thế giới thích thú hiện hữu (bhavasatto), vì thế giới dựa trên hiện hữu, vì rằng thế giới tham đắm hiện hữu...
7-8) ... Vị ấy không tư lường lưỡi, không tư lường trên lưỡi, không tư lường từ lưỡi, không tư lường: "Lưỡi là của ta". Vị ấy không tư lường các vị, không tư lường thiệt thức, không tư lường thiệt xúc. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất lạc bất khổ; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, phàm tư lường cái gì, tư lường trên cái gì, tư lường từ cái gì, tư lường cái gì là của ta, do vậy cái ấy đổi khác. Thế giới thích thú hiện hữu, vì thế giới dựa trên hiện hữu, vì rằng thế giới tham đắm hiện hữu.
9) ... Vị ấy không tư lường ý, không tư lường trên ý, không tư lường từ ý, không tư lường: "Ý là của ta". Vị ấy không tư lường các pháp, không tư lường ý thức, không tư lường ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất lạc bất khổ; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, phàm tư lường cái gì, tư lường trên cái gì, tư lường từ cái gì, tư lường cái gì là của ta, do vậy cái ấy đổi khác. Thế giới thích thú hiện hữu, vì thế giới dựa trên hiện hữu, vì rằng thế giới tham đắm hiện hữu.
10) Này các Tỷ-kheo, xa cho đến uẩn, giới, xứ, vị ấy không có tư lường pháp ấy, không tư lường trên pháp ấy, không tư lường từ pháp ấy, không tư lường: "Pháp ấy là của ta". Vị ấy không có tư lường như vậy nên không có chấp thủ một sự vật gì trong đời. Do không chấp thủ, nên không dao động (paritassati), do không dao động, vị ấy tự mình được tịch tịnh (parinibbàyati). Vị ấy tuệ tri (pajànati): "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
11) Này các Tỷ-kheo, đây là đạo lộ thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.
32.X. Thích Hợp (3) (S,iv,24)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường?
4-6) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Các sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
--... Tai... Các tiếng... Nhĩ thức... Nhĩ xúc...
... Mũi... Các hương... Tỷ thức... Tỷ xúc...
7-8) ... Thiệt... Các vị... Thiệt thức... Thiệt xúc...
... Thân... Các xúc... Thân thức... Thân xúc...
9) Ý là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy... đối với tai... đối với mũi... đối với với lưỡi... đối với thân... nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa".
11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.
IV. Phẩm Sanh Pháp
33.I. Sanh (S.iv,26)
1) Sāvatthi. Tại đấy...
2) -- Này các Tỷ-kheo, tất cả phải bị sanh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả phải bị sanh?
3-5) Mắt, này các Tỷ-kheo, phải bị sanh. Các sắc phải bị sanh. Nhãn thức phải bị sanh. Nhãn xúc phải bị sanh. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy phải bị sanh... Tai... Mũi...
6-7) ... Lưỡi... Thân...
8) Ý phải bị sanh. Các pháp phải bị sanh. Ý thức phải bị sanh. Ý xúc phải bị sanh. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy phải bị sanh.
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
34.II. Bị Già (S.iv,27)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị già...
35.III. Bị Bệnh (S.iv,27)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị bệnh...
36.IV. Bị Chết (S.iv,27)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị chết...
37.V. Bị Sầu (S.iv,27)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị sầu...
38.VI. Bị Phiền Não (S.iv,27)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị phiền não...
39.VII. Bị Ðoạn Tận(khaya) (S.iv,28)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị đoạn tận...
40.VIII. Bị Tiêu Diệt (Vaya) (S.iv,28)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị tiêu diệt...
41.IX. Tập Khởi (S.iv,28)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị tập khởi...
42.X. Ðoạn Diệt (S.iv,28)
-- Tất cả, này các Tỷ-kheo, phải bị đoạn diệt...
V. Phẩm Vô Thường
43.I. Vô Thường (S.iv,28)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi.
2) -- Tất cả, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
44.II. Khổ... (S.iv,28)
45.III. Vô Ngã... (S.iv,28)
46.IV. Cần Phải Thắng Tri... (abhinneyyam) (S.iv,29)
47.V. Cần Phải Liễu Tri... (parinneyyam) (S.iv,29)
48.VI. Cần Phải Ðoạn Tận... (S.iv,29)
49. VII. Cần Phải Chứng Ngộ... (sacchikàtabbam)(S.iv,29)
50.VIII. Cần Phải Thắng Tri, Liễu Tri... (abhinnà parinneyyam) (S.iv,29)
51.IX. Bị Phiền Lụy... (upadduta) (S.iv,29)
52.X. Bị Áp Ðảo... (upassattha) (S.iv,29)
1) ...
2) -- Tất cả, này các Tỷ-kheo, bị áp đảo. Và này các Tỷ-kheo, cái gì bị áp đảo?
3-5) Mắt, này các Tỷ-kheo, bị áp đảo. Các sắc bị áp đảo. Nhãn thức bị áp đảo. Nhãn xúc bị áp đảo. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị áp đảo... Tai... Mũi...
5-6) Lưỡi... Thân...
7) Ý bị áp đảo. Các pháp bị áp đảo. Ý thức bị áp đảo. Ý xúc bị áp đảo. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị áp đảo.
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
Phần Hai - Năm Mươi Kinh Thứ Hai
I. Phẩm Vô Minh

Nhân duyên ở Sàtthi.
53.I. Vô Minh (S.iv,30)
1) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi?
4) -- Này Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Do biết, do thấy ý là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
54.II Kiết Sử(1) (S.iv,31)
1) ...
3)-- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như thế nào, các kiết sử được đoạn tận?
4-9) -- Này các Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, các kiết sử được đoạn tận... Các sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, các kiết sử được đoạn tận.
10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy, các kiết sử được đoạn tận.
55.III. Kiết Sử (2) (S.iv,31)
1-2) ...
3) -- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như thế nào, các kiết sử được nhổ sạch?
4-6) -- Này các Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô ngã, các kiết sử được nhổ sạch... Các sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô ngã, các kiết sử được nhổ sạch.
10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy, các kiết sử được nhổ sạch.
56-57.IV-V. Các Lậu Hoặc (1-2) (S.iv,32)
(Như hai kinh trên, chỉ thế vào các lậu hoặc).
58-59.VI-VII. Các Tùy Miên (1-2) (S.iv,32)
(Như hai kinh trên, chỉ thế vào các tùy miên).
60.VIII. Liễu Tri (Parijnnà) (S.iv,32)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến liễu tri tất cả chấp thủ. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến liễu tri tất cả chấp thủ?
4) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc, nhàm chán đối với với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã liễu tri chấp thủ".
5-8) Do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và các hương... Do duyên lưỡi và các vị... Do duyên thân và các xúc...
9) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc, nhàm chán đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã liễu tri chấp thủ".
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến liễu tri tất cả chấp thủ.
61.IX. Ðược Chấm Dứt (1) (Pariyàdinnam) (S.iv,33)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ. Hãy lắng nghe.
3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ?
4) Do duyên con mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc, nhàm chán đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã chấm dứt chấp thủ".
5-8) ... tai... mũi... lưỡi... thân...
9) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc, nhàm chán đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã chấm dứt chấp thủ".
62.X. Ðược Chấm Dứt (2) (S.iv,34)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ?
4) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì...
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường...
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn....
10) -- Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy...
Ðối với tai... Ðối với mũi... Ðối với lưỡi... Ðối với thân...
Vị ấy nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
11) Ðây, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ.
II. Phẩm Migajàla
63.I. Bởi Migajàla (S.iv,35)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi...
2) Tôn giả Migajàla đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Migajàla bạch Thế Tôn:
-- "Sống một mình! Sống một mình!", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là sống một mình? Và cho đến như thế nào là sống có người thứ hai?
4) -- Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy nên hỷ (nandi) khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham (sàràgo) có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người sống có người thứ hai.
5-8) ... có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân nhận thức...
9) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy nên hỷ khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham có mặt. Do dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người sống có người thứ hai.
10) Tỷ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu cho đến ở các trú xứ xa vắng, các khóm rừng, các khu rừng, ít tiếng động, ít ồn ào, khỏi hơi thở quần chúng (vijanavàtàni), vắng người, thích hợp với tịnh; dầu vậy, vẫn được gọi là sống với người thứ hai.
11) Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, chưa được đoạn tận cho nên được gọi là sống có người thứ hai.
12-14) Và này Migajala, có các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham luyến pháp ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham luyến pháp ấy, nên hỷ đoạn diệt; thời do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người trú một mình.
15-16) ...Này Migajàla, có những vị do lưỡi nhận thức...
17) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với tâm không tham luyến pháp ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, trú với tâm không tham luyến pháp ấy nên hỷ đoạn diệt. Do hỷ không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người trú một mình.
18) Tỷ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu có ở giữa làng tràn đầy những Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần của vua, các ngoại đạo và các đệ tử các ngoại đạo, vị ấy vẫn được gọi là vị sống một mình.
19) Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, được đoạn tận, do vậy được gọi là sống một mình.
64.II. Migajàla (S.iv,37)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Migajàla đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Migajàla bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp ấy con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4-6) -- Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy nên hỷ sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi... Các tiếng... Các hương...
7-8)... Các vị... Các xúc...
9) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến pháp ấy ; do vị ấy hoan hỷ, tán dương sống với tâm tham luyến pháp ấy nên hỷ sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi.
10-12) Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến sắc ấy ; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến, không an trú tham luyến sắc ấy nên hỷ diệt. Này Migajàla, Ta nói rằng do hoan hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt... Các tiếng... Các hương...
13-14)... Các vị... Các xúc...
15) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến pháp ấy; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham luyến pháp ấy nên hỷ diệt. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt.
16) Rồi Tôn giả Migajàla, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
17) Rồi Tôn giả Migajàla sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là mục đích cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
18) Và Tôn giả Migajàla trở thành một vị A-la-hán nữa.
65.III. Samiddhi (I) (S.iv,38)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2-3) Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn... và bạch Thế Tôn:
-- "Màra, Màra", như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Màra, hay là danh nghĩa Màra (Màrapannatti)?
4) -- Này Samiddhi, chỗ nào có mắt, có các sắc, có nhãn thức, có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy có Màra, hay có danh nghĩa Màra.
5-6)... có tai... có mũi...
7-8)... có lưỡi... có thân...
9) Chỗ nào có ý, có các pháp, có ý thức, có các pháp do ý nhận thức, chỗ ấy có Màra, hay có danh nghĩa Màra.
10-12) Và này Samiddhi, chỗ nào không có mắt, không có các sắc, không có nhãn thức, không có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy không có Màra, hay không có danh nghĩa Màra... tai... mũi...
13-14) Chỗ nào không có lưỡi... không có thân...
15) Chỗ nào không có ý, không có các pháp, không có ý thức, không có các pháp do ý nhận thức, tại chỗ ấy không có Màra, hay không có danh nghĩa Màra.
66.IV. Samiddhi (2) (S.iv,39)
1-2) ...
3-15)-- "Hữu tình, hữu tình (Satta)", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là hữu tình, hay danh nghĩa hữu tình?... (như trên)...
67.V. Samiddhi (3) (S.iv,39)
1-2) ...
3-15) -- "Khổ, khổ", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là khổ, hay là danh nghĩa của khổ?... (như trên)...
68.VI. Samiddhi (4) (S.iv,39)
1-2) ...
3)... "Thế giới, thế giới", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thế giới, hay là danh nghĩa thế giới?
4-9) -- Chỗ nào, này Samiddhi, có mắt, có các sắc, có nhãn thức, có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy có thế giới, hay danh nghĩa thế giới... (như trên)... Chỗ nào có ý, có các pháp, có ý thức, có các pháp do ý nhận thức, tại chỗ ấy có thế giới hay có danh nghĩa thế giới.
10-15) Và tại chỗ nào, này Samiddhi, không có mắt, không có các sắc, không có nhãn thức, không có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy không có thế giới, hay không có danh nghĩa thế giới... không có ý... tại chỗ ấy, không có thế giới hay không có danh nghĩa thế giới.
69.VIl. Upasena (S.iv,40)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Upasena trú ở Ràjagaha (Vương Xá), rừng Sitavana (Hàn Lâm), tại hang Ðầu Con Rắn (Sappapon-dikapabbàra).
2) Lúc bấy giờ, một con rắn độc rơi trên thân Tôn giả Upasena.
3) Rồi Tôn giả Upasena gọi các Tỷ-kheo:
-- Chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây phân tán như một nắm rơm.
4) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upasena:
-- Nhưng chúng tôi không thấy thân Tôn giả Upasena đổi khác hay các căn bị biến hoại.
5) Nhưng Tôn giả Upasena nói như sau:
-- Này chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây bị phân tán như một nắm rơm...
6) Này Hiền giả Sàriputta, đối với ai nghĩ rằng: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái lưỡi", hay: "Cái lưỡi là của tôi"... "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi", thời đối với các người ấy, này Hiền giả Sàriputta, thân có thể bị đổi khác, hay các căn bị biến hoại. Và này Hiền giả Sàriputta, tôi không nghĩ như sau: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái lưỡi", hay: "Cái lưỡi là của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi", thời này Hiền giả Sàriputta, làm sao thân ấy của tôi lại có thể đổi khác, hay các căn có thể biến hoại.
7) Vì rằng trong một thời gian dài, Tôn giả Upasena đã khéo nhổ tận gốc ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, cho nên Tôn giả Upasena không có những tư tưởng như: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... hay: "Tôi là cái lưỡi", hay: "Lưỡi là của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi".
8) Rồi các Tỷ-kheo ấy nhắc cái giường cùng với Tôn giả Upasena ra ngoài.
9) Rồi thân của Tôn giả Upasena, ngay tại chỗ ấy phân tán như một nắm rơm.
70.VIII. Upavàna (1) (S.iv,41)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn:
-- "Thiết thực hiện tại, thiết thực hiện tại (Sanditthika)", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người có trí tự mình giác hiểu?
4) -- Ở đây, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm thọ sắc và cảm thọ tham sắc có nội tham đối với các sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các sắc". Cho đến chừng nào sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm thọ sắc và cảm thọ tham sắc, và có nội tham đối với các sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các sắc". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người trí tự mình giác hiểu.
5-6) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi tai nghe tiếng... sau khi mũi ngửi hương...
7-8) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...
9) Lại nữa, này Upavàna, sau khi ý nhận biết pháp, Tỷ-kheo cảm thọ pháp và cảm thọ tham pháp, và có nội tham đối với các pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các pháp". Cho đến chừng nào sau khi ý nhận biết pháp, Tỷ-kheo cảm thọ pháp và cảm thọ tham pháp, và có nội tham đối với các pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các pháp". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người trí tự mình giác hiểu.
10) Ở đấy, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm thọ sắc, nhưng không cảm thọ tham sắc, và không có nội tham đối với sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với sắc". Cho đến chừng nào, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm thọ sắc, nhưng không cảm thọ tham sắc, và không có nội tham đối với các sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với các sắc". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người trí tự mình giác hiểu.
11-14) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...
15) Lại nữa, này Upavàna, sau khi ý nhận thức pháp, Tỷ-kheo cảm thọ pháp nhưng không cảm thọ tham pháp, và không có nội tham đối với pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với pháp". Cho đến chừng nào, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi ý nhận thức pháp, cảm thọ pháp nhưng không cảm thọ tham pháp, và không có nội tham đối với pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với pháp". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ những người có trí tự mình giác hiểu.
71.IX. Sáu Xúc Xứ (1) (S.iv,43)
1) ...
2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa Pháp và Luật này.
3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đã thất vọng (anassàsim). Bạch Thế Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ.
4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán con mắt: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông như thật thấy con mắt với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"; như vậy là khéo thấy. Ðây là khổ được đoạn tận... tai... mũi...
7-8) ... lưỡi... thân...
9) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán ý: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông như thật thấy ý với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"; như vậy là khéo thấy. Ðây là khổ được đoạn tận.
72.X. Sáu Xúc Xứ (2) (S.iv,44)
1) ...
2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa Pháp và Luật này.
3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con thất vọng. Bạch Thế Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ.
4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán con mắt: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông như thật thấy con mắt với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Như vậy là khéo thấy; như vậy xúc xứ thứ nhứt này sẽ được Ông đoạn tận, không còn tái sanh nữa trong tương lai... tai... mũi...
7-8)... lưỡi... thân...
9) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán ý: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi"?
-- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông như thật thấy ý với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"; như vậy là khéo thấy. Như vậy xúc xứ thứ sáu này sẽ được Ông đoạn tận, không còn tái sanh nữa trong tương lai.
73.XI. Sáu Xúc Xứ (3) (S.iv,44)
1) ...
2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa Pháp và Luật này.
3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con thất vọng. Bạch Thế Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ.
4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
5-8) -- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với tai, nhàm chán đối với mũi, nhàm chán đối với lưỡi, nhàm chán đối với thân, nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
III. Phẩm Bệnh
74.I. Bệnh (1) (S.iv,46)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Trong tịnh xá của chúng con, bạch Thế Tôn, có một tân Tỷ-kheo ít người biết đến, bị bệnh hoạn, đau đớn, bị trọng bệnh. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến Tỷ-kheo ấy vì lòng từ mẫn.
4) Rồi Thế Tôn sau khi nghe tiếng "Mới", nghe tiếng "Bệnh", khi biết được: "Tỷ-kheo ấy ít được người biết đến" liền đi đến Tỷ-kheo ấy.
5) Tỷ-kheo ấy thấy đức Phật từ xa đi đến, sau khi thấy, liền gượng dậy trên giường.
6) Thế Tôn liền nói với Tỷ-kheo ấy:
-- Thôi! Này Tỷ-kheo, Ông chớ có gượng dậy trên giường. Có những chỗ ngồi đã soạn sẵn, tại đấy Ta sẽ ngồi.
Rồi Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.
7) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy:
-- Này Tỷ-kheo, Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, không thể chịu đựng. Mãnh liệt là khổ thọ con cảm giác! Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không phải giảm thiểu.
8) -- Này Tỷ-kheo, mong rằng Ông không có gì nghi ngờ, không có gì hối hận.
-- Bạch Thế Tôn, chắc chắn con không có gì nghi ngờ, không có gì hối hận.
9) -- Nhưng đối với giới của mình, Ông có gì tự khiển trách không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Này Tỷ-kheo, nếu đối với giới của mình Ông không có gì để khiển trách, thời này Tỷ-kheo, Ông thế nào cũng có nghi ngờ đối với vấn đề gì, cũng có hối hận gì.
-- Bạch Thế Tôn, con không hiểu pháp Thế Tôn dạy về mục đích thanh tịnh trì giới.
11) -- Này Tỷ-kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỷ-kheo, Ông hiểu pháp Ta dạy như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp do Thế Tôn dạy là tham và đoạn tham.
12) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông hiểu pháp Ta dạy là tham và đoạn tham. Với mục đích tham và đoạn tham, này Tỷ-kheo, là pháp Ta dạy.
13) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...
-- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14) -- Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
15) Thế Tôn thuyết như vậy, Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên, Tỷ-kheo ấy khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: "Phàm cái gì sanh khởi, tất cả đều chịu sự đoạn diệt".
75.II. Bệnh (2) (S.iv,47)
1-10) (Hoàn toàn giống như kinh trước).
11) -- Này Tỷ-kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỷ-kheo, Ông hiểu pháp Ta dạy như thế nào?
-- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp Thế Tôn dạy là với mục đích tịch tịnh hoàn toàn, không chấp thủ.
12) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông hiểu pháp Ta dạy là với mục đích tịch tịnh hoàn toàn, không có chấp thủ.
13-14) (Như kinh trước)
15) Thế Tôn thuyết như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tán thán lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên, tâm Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
76.III. Ràdha (1) (S.iv,48)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Ràdha...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Cái gì vô thường, này Ràdha, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
5-7) Và này Ràdha, cái gì là vô thường? Mắt, này Ràdha, là vô thường, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các sắc là vô thường... Nhãn thức là vô thường... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục... Tai... Mũi...
8-9) ... Lưỡi... Thân...
10) Ý là vô thường, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các pháp... Ý thức... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
11) Phàm cái gì là vô thường, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
77.IV. Ràdha (2) (S.iv,49)
1-2-3) ...
4) -- Phàm cái gì là khổ, này Ràdha, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
5-10) Và này Ràdha, cái gì là khổ? Mắt, này Ràdha, là khổ; ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các pháp... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là khổ. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
11) Phàm cái gì là khổ, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
78.V. Ràdha (2) (S.iv,49)
1-2-3) ...
4) -- Phàm cái gì là vô ngã, này Ràdha, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
5-9) Và này Ràdha, cái gì là vô ngã? Mắt, này Ràdha, là vô ngã; ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên ý xúc...
10) Ý là vô ngã... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô ngã. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
11) Phàm cái gì là vô ngã, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
79.VI. Vô Minh (I) (S.iv,49)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Có một pháp gì, bạch Thế Tôn, nếu Tỷ-kheo đoạn tận pháp ấy, thời vô minh được đoạn tận và minh sanh khởi?
-- Có một pháp, này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận pháp ấy, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi.
4) -- Một pháp ấy là gì, bạch Thế Tôn, nếu Tỷ-kheo đoạn tận pháp ấy, vô minh được đoạn tận và minh sanh khởi?
-- Vô minh, này Tỷ-kheo, là một pháp, nếu Tỷ-kheo đoạn tận pháp ấy, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi.
5) -- Tỷ-kheo biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi?
6) -- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết mắt, thấy mắt là vô thường nên vô minh đoạn tận, minh sanh khởi... tai... mũi...
7-11) ... lưỡi... thân... ý...
12) Này Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy nên vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
80.VII. Vô Minh (2) (S.iv,50)
1-5) (Như kinh trước)
6) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có nghe: "Các pháp không nên thiên chấp". Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy nghe như sau: "Tất cả các pháp không nên thiên chấp", vị ấy thắng tri tất cả các pháp. Do liễu tri tất cả pháp nên thấy tất cả tướng có thể thay đổi... Vị ấy thấy con mắt có thể thay đổi... các sắc... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy thấy cảm thọ ấy có thể thay đổi.
7) Này Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết vậy, thấy vậy nên vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
81.VIII. Tỷ Kheo (S.iv,50)
1) ...
2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, có những du sĩ ngoại đạo hỏi chúng con: "Do mục đích gì, này các Hiền giả, các người sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy: "Vì mục đích liễu tri đau khổ, này chư Hiền, chúng tôi sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama". Ðược hỏi vậy và được trả lời vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con đã nói lên quan điểm của Thế Tôn? Và có phải chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thực? Có phải chúng con trả lời thuận pháp và đúng pháp? Và ai là người đồng pháp nói đúng pháp không tìm được lý do để chỉ trích?
4) -- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy và được trả lời vậy, các Ông đã nói lên quan điểm của Ta. Và các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thực. Các Ông trả lời thuận pháp và đúng pháp. Và không có người đồng pháp nói đúng pháp nào tìm được lý do để chỉ trích. Với mục đích liễu tri đau khổ, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống dưới Ta.
5) Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi các Ông như sau: "Này Hiền giả, thế nào là vì mục đích liễu tri đau khổ ấy, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông có thể trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:
6-11) "Mắt, này chư Hiền, là khổ. Vì liễu tri như vậy, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Các sắc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vì liễu tri cảm thọ ấy là khổ, nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn... Ý là khổ, vì liễu tri như vậy, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vì liễu tri cảm thọ ấy là khổ, nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Ðây, này chư Hiền, là khổ ấy. Vì liễu tri khổ ấy, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn".
12) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông có thể trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
82.IX. Thế Giới (S.iv,52)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Phagguna bạch Thế Tôn:
4-6) -- Có con mắt nào, bạch Thế Tôn, do con mắt ấy, có thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân hồi, đã vượt qua mọi khổ đau?... tai... mũi...
7-8) ... lưỡi... thân...
9) Có ý nào, bạch Thế Tôn, do ý ấy, có thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân hồi, đã vượt qua mọi khổ đau?
10-12) -- Không có con mắt nào, này Phagguna, do con mắt ấy, có thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân hồi, đã vượt mọi khổ đau... tai... mũi...
13-14) ... Không có lưỡi... Không có thân...
15) Không có ý nào, này Phagguna, do ý ấy, có thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân hồi, đã vượt qua mọi khổ đau.
IV. Phẩm Channa
84. I. Biến Hoại (Paloka) (S.iv,53)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- "Thế giới, thế giới", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là thế giới?
4) -- Cái gì chịu sự biến hoại (palokadhamma), này Ananda, đây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh. Và này Ananda, cái gì chịu sự biến hoại?
5-7) Mắt, này Ananda, chịu sự biến hoại. Các sắc chịu sự biến hoại. Nhãn thức chịu sự biến hoại. Nhãn xúc chịu sự biến hoại. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy chịu sự biến hoại... Tai... Mũi...
8-9)... Lưỡi... Thân...
10) Ý chịu sự biến hoại. Các pháp chịu sự biến hoại. Ý thức chịu sự biến hoại. Ý xúc chịu sự biến hoại. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy chịu sự biến hoại.
11) Cái gì chịu sự biến hoại, này Ananda, cái ấy gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh.
85. II. Trống Không (S.iv,54)
1) ...
2-3) Rồi Tôn giả Ananda... bạch Thế Tôn:
-- "Trống không là thế giới, trống không là thế giới", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi trống không là thế giới?
4) -- Vì rằng, này Ananda, thế giới là không tự ngã, và không thuộc tự ngã, nên thế giới được gọi là trống không. Và cái gì, này Ananda, là không tự ngã và không thuộc tự ngã?
5-6) Mắt, này Ananda, là không tự ngã và không thuộc tự ngã. Các sắc là không tự ngã, hay không thuộc tự ngã. Nhãn thức là không tự ngã, hay không thuộc tự ngã. Nhãn xúc là không tự ngã, hay không thuộc tự ngã... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không có tự ngã hay không thuộc tự ngã.
11) Và vì rằng, này Ananda, không có tự ngã, hay không thuộc tự ngã nên được gọi trống không là thế giới này.
86. III. Vắn Tắt (S.iv,54)
1-2) ...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Ananda, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Các sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- ... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn... Tai... Mũi...
7-9) ... Lưỡi... Thân... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Thấy vậy, này Ananda, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... nhàm chán đối với nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
87. IV. Channa (S.iv,55)
1) Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Mahà Cunda và Tôn giả Channa trú ở núi Gijjhakù.
3) Lúc bấy giờ, Tôn giả Channa bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
4) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Cunda; sau khi đến nói với Tôn giả Mahà Cunda:
-- Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Tôn giả Channa để hỏi thăm về bệnh hoạn.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Mahà Cunda vâng đáp Tôn giả Sàriputta.
5) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Cunda đi đến Tôn giả Channa, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
6-7) Sau khi ngồi, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Channa:
-- Này Hiền giả Channa, Hiền giả có kham nhẫn được chăng? Có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng trưởng?
-- Thưa Hiền giả Sàriputta tôi không có thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng. Mãnh liệt là các khổ thọ tôi cảm giác! Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không phải giảm thiểu.
8) Này Hiền giả, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc. Cũng vậy, này Hiền giả, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu tôi. Thưa Hiền giả, tôi không có thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng... không phải giảm thiểu.
9) Này Hiền giả, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết mạnh. Cũng vậy, này Hiền giả, tôi cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng. Này Hiền giả, tôi không thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng... không phải giảm thiểu.
10) Này Hiền giả, ví như một người đồ tể thiện xảo hay một đệ tử người đồ tể mổ bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén. Cũng vậy, này Hiền giả, những ngọn gió kinh khủng cắt mổ bụng của tôi. Thưa Hiền giả, tôi không có thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng... không phải giảm thiểu.
11) Này Hiền giả, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm một người yếu hơn với những cánh tay của mình, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng. Cũng vậy, này Hiền giả, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân tôi. Này Hiền giả, tôi không có thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng. Mãnh liệt là các khổ thọ tôi cảm giác! Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không phải giảm thiểu.
12) Thưa Hiền giả Sàriputta, tôi sẽ đem lại con dao. Tôi không muốn sống nữa.
13) -- Tôn giả Channa, chớ có đem lại con dao! Tôn giả Channa, hãy chịu đựng! Chúng tôi muốn Tôn giả Channa chịu đựng. Nếu Tôn giả Channa không có các món ăn, không có các dược phẩm thích hợp, thời tôi sẽ tìm các dược phẩm thích hợp cho Tôn giả Channa. Nếu Tôn giả Channa không có người hầu hạ thích ứng, thời tôi sẽ hầu hạ Tôn giả Channa. Tôn giả Channa chớ có đem lại con dao. Tôn giả Channa hãy chịu đựng. Chúng tôi muốn Tôn giả Channa chịu đựng.
14) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, không phải tôi không có các món ăn thích hợp, tôi có các món ăn thích hợp. Không phải tôi không có các dược phẩm thích hợp, tôi có các dược phẩm thích hợp. Không phải tôi không có những người hầu hạ thích ứng, tôi có những người hầu hạ thích ứng. Ðã lâu ngày tôi hầu hạ bậc Ðạo Sư với tâm thích thú, không phải không thích thú. Ðây, thưa Hiền giả, là xứng đáng với người đệ tử. Vì rằng đã hầu hạ bậc Ðạo Sư với tâm thích thú, không phải không thích thú. Không có phạm tội, nếu Tỷ-kheo Channa đem lại con dao. Này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả hãy thọ trì như vậy.
15) -- Chúng tôi sẽ hỏi Tôn giả Channa một câu, nếu Tôn giả Channa kham nhẫn được hỏi và trả lời.
-- Hãy hỏi đi, Hiền giả Sàriputta, sau khi nghe, chúng ta sẽ biết.
16) -- Này Hiền giả Channa, mắt, nhãn thức, những pháp do nhãn thức nhận biết, Hiền giả có quán: " Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Này Hiền giả Channa, ý, ý thức, các pháp do ý thức nhận biết, Hiền giả có quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
17) -- Này Hiền giả Sàriputta, mắt, nhãn thức, các pháp do nhãn thức nhận biết, tôi quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
18) -- Này Hiền giả Channa, trong mắt, trong nhãn thức, trong các pháp do nhãn thức nhận biết, do thấy gì, do thắng tri gì mà Hiền giả quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"?
19) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, trong mắt, trong nhãn thức, trong các pháp do nhãn thức nhận biết, sau khi thấy đoạn diệt, sau khi thắng tri đoạn diệt, tôi quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Trong tai... Trong mũi... Trong lưỡi... Trong thân.. Thưa Hiền giả... Trong ý, trong ý thức, trong các pháp do ý thức nhận biết, sau khi thấy đoạn diệt, sau khi thắng tri đoạn diệt, tôi quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
20) Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Mahà Cunda nói với Tôn giả Channa:
-- Hiền giả Channa, Hiền giả cần phải luôn luôn chú ý đến lời dạy này của Thế Tôn: "Ai còn tham luyến, thời có dao động; ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an, thời không thiên chấp. Ai không thiên chấp (nati), thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời này, đời sau, không có giữa hai đời. Ðây là sự đoạn tận đau khổ".
21) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Cunda, sau khi giáo giới Tôn giả Channa với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
22) Tôn giả Channa, sau khi hai vị Tôn giả ấy đi không bao lâu, liền đem lại con dao.
23) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
24) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Channa đã đem lại con dao. Sanh thú của vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy sẽ như thế nào?
-- Có phải trước mặt Ông, này Sàriputta, Tỷ-kheo Channa đã tuyên bố là không phạm tội?
25) -- Thưa có, bạch Thế Tôn. Có một làng của dân tộc Vajji tên là Pubbavijjhamam; tại đấy, có những gia đình thân hữu, có những gia đình thân thích với Tôn giả Channa, chính những gia đình ấy mới có lỗi.
26) -- Này Sàriputta, những gia đình thân hữu và những gia đình thân thích ấy của Tôn giả Channa là những gia đình có lỗi. Tuy vậy, này Sàriputta, với sự việc như vậy, Ta không nói Channa là có lỗi. Này Sàriputta, ai bỏ thân này và chấp thủ thân khác; người ấy, Ta nói là có lỗi. Nhưng Tỷ-kheo Channa thời không vậy. Tỷ-kheo Channa không có tội lỗi khi đem lại con dao. Này Sàriputtra, Ông cần phải thọ trì như vậy.
88. V. Punna (S.iv,60)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Punna đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punna bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước, hỷ (nandì) sanh. Này Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi". Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức... Có những vị do lưỡi nhận thức.. Có những xúc do thân nhận thức... Này Punna, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy hoan hỷ pháp ấy, tán dương, an trú luyến trước nên hỷ sanh. Này Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi".
5) Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú luyến trước; do vị ấy không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt"... Này Punna, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không an trú luyến trước; do vị ấy không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không an trú luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt".
6) Này Punna, sau khi được nghe giáo giới với lời giáo giới vắn tắt này của Ta, Ông sẽ trú tại quốc độ nào?
-- Bạch Thế Tôn, có một quốc độ tên là Sunàparanta, tại đấy con sẽ ở.
7) -- Thô bạo, này Punna, là người xứ Sunàparanta. Ðộc ác, này Punna, là người xứ Sunàparanta. Nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, chửi bới, nhiếc mắng Ông, thời này Punna, ở đây, Ông nghĩ thế nào?
-- Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, chửi bới, nhiếc mắng con, ở đây, con sẽ nghĩ: "Thật là hiền thiện, người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không lấy tay đánh đập ta". Như vậy, ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Như vậy, ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
8) -- Nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ đánh đập Ông bằng tay, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ thế nào?
-- Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng tay, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng cục đất". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
9) -- Nhưng nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, đánh đập Ông bằng cục đất, thời ở đây, này Punna, Ông nghĩ thế nào?
-- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con bằng cục đất, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng gậy". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
10) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ đánh đập Ông với gậy, thời ở đây, này Punna, Ông nghĩ thế nào?
-- Nếu những người xứ Sunàparanta này, bạch Thế Tôn, sẽ đánh đập con với gậy, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng kiếm". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
11) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, lại đánh đập Ông bằng kiếm, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ thế nào?
-- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập con với cây kiếm, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đoạn mạng ta với cây kiếm sắc bén". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
12) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ đoạn mạng Ông với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ như thế nào?
-- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, sẽ đoạn mạng con với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Có những đệ tử của Thế Tôn, khi phiền não, tủi hổ và ghê tởm bởi thân và sinh mạng đã sử dụng đến con dao. Nay dầu không tìm đến ta vẫn được sử dụng con dao". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy.
13) -- Lành thay, lành thay, này Punna! Ðầy đủ với sự an tịnh tự điều này, Ông có thể sống tại quốc độ Sunàparanta. Này Punna, nay Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.
14) Rồi Tôn giả Punna hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, rồi bộ hành đi đến xứ Sunàparanta. Ngài tuần tự bộ hành và đến xứ Sunàparanta. Tại đây, Tôn giả Punna trú tại xứ Sunàparanta.
15) Và trong mùa mưa ấy, Tôn giả Punna độ cho khoảng 500 cư sĩ. Cũng trong mùa mưa ấy, Tôn giả chứng được ba minh. Và cũng trong mùa mưa ấy Tôn giả Punna viên tịch.
16) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
17) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, thiện gia nam tử Punna, sau khi được Thế Tôn giáo giới một cách vắn tắt, đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Ðời sau của vị ấy thế nào?
-- Bậc Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là thiện nam tử Punna. Sở hành là đúng pháp và thuận pháp. Vị ấy không làm phiền não Ta với những kiện tụng về pháp. Hoàn toàn tịch diệt, này các Tỷ-kheo, là thiện nam tử Punna.
89. VI. Bàhiya (S.iv, 63)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Bàhiya đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Bàhiya bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4-8) -- Ông nghĩ thế nào, này Bàhiya, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Các sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Nhãn thức... Nhãn xúc....
9)... Do duyên ý xúc này khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Thấy vậy, này Bàhiya, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
11) Và Tôn giả Bàhiya trở thành một vị A-la-hán nữa.
90. VII. Ái Nhiễm (Ejà) (S.iv,64)
1) ...
2) -- Ái nhiễm, này các Tỷ-kheo, là bệnh tật; ái nhiễm là mụt nhọt; ái nhiễm là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống không ái nhiễm, không bị mũi tên làm bị thương.
3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước vọng gì, hãy ước sống không ái nhiễm, không bị mũi tên làm bị thương.
4) Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt, chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: "Mắt là của tôi". Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc, chớ có nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: "Các sắc là của tôi". Chớ có nghĩ đến nhãn thức, chớ có nghĩ đến trong nhãn thức, chớ có nghĩ đến từ nhãn thức, chớ có nghĩ đến: "Nhãn thức là của tôi". Chớ có nghĩ đến nhãn xúc, chớ có nghĩ đến trong nhãn xúc, chớ có nghĩ đến từ nhãn xúc, chớ có nghĩ đến: "Nhãn xúc là của tôi". Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là tôi".
5-6) Chớ có nghĩ đến tai... Chớ có nghĩ đến mũi...
7-8) Chớ có nghĩ đến lưỡi... Chớ có nghĩ đến thân...
9) Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý, chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: "Ý là của tôi". Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các pháp, chớ có nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: "Các pháp là của tôi". Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong ý thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến: "Ý thức là của tôi". Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ đến trong ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ đến: "Ý xúc là của tôi". Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là của tôi".
10) Chớ có nghĩ đến tất cả, chớ có nghĩ đến trong tất cả, chớ có nghĩ đến từ tất cả, chớ có nghĩ đến: "Tất cả là của tôi".
11) Vị ấy do không nghĩ đến nên không chấp thủ một vật gì ở đời. Do không chấp thủ, vị ấy không có dao động (paritassati). Do không dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
91. VIII. Ái Nhiễm (S.iv,66)
1) ...
2) -- Ái nhiễm, này các Tỷ-kheo, là bệnh tật, ái nhiễm là mụt nhọt, ái nhiễm là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn.
3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có mong ước, hãy mong ước không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn.
4-6) Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt, chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: "Mắt là của ta". Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc, chớ có nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: "Các sắc là của ta". Chớ có nghĩ đến nhãn thức... Chớ có nghĩ đến nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, nghĩ đến cái gì, nghĩ đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì, nghĩ đến: "Cái gì là của ta", từ đấy cái ấy đổi khác. Vì rằng bị đổi khác, vì chấp trước tái sanh (Bhavasatto), nên thế giới hoan hỷ tái sanh... tai... mũi...
7-8) ... lưỡi... thân...
9) Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý, chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: "Ý là của ta". Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các pháp, chớ có nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: "Các pháp là của ta". Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong ý thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến: "Ý thức là của ta". Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ đến trong ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ đến: "Ý xúc là của ta". Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, nghĩ đến cái gì, nghĩ đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì, nghĩ đến: "Cái gì là của ta", từ đấy cái ấy đổi khác. Vì rằng bị đổi khác, vì chấp trước tái sanh, nên thế giới hoan hỷ tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, cho đến uẩn, giới, xứ... chớ có nghĩ đến cái ấy, chớ có nghĩ đến trong cái ấy, chớ có nghĩ đến từ cái ấy, chớ có nghĩ đến: "Cái ấy là của ta". Vị ấy không nghĩ đến như vậy nên không chấp thủ một cái gì trong đời. Do không chấp thủ nên không có dao động. Do không có dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
92. IX. Cả Hai (S.iv,67)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về cả hai. Hãy lắng nghe. Này các Tỷ-kheo, thế nào là cả hai?
3) Mắt và các sắc, tai và các tiếng, mũi và các hương, lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là cả hai.
4) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Sau khi đoạn tận hai cái này, tôi sẽ trình bày hai cái khác"; thời người ấy chỉ nói suông, nếu hỏi, người ấy không có thể chứng minh, còn có thể rơi vào ách nạn.
5) Vì sao? Vì rằng vấn đề ấy vượt ngoài phạm vi của người ấy.
93. X. Cả Hai (S.iv,67)
1) ...
2) -- Do duyên cả hai, này các Tỷ-kheo, thức hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, thế nào là do duyên cả hai, thức hiện hữu?
3) Do duyên mắt và các sắc, khởi lên nhãn thức. Mắt là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các sắc là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Như vậy, cả hai này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Nhãn thức là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào, nhãn thức khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, nhãn thức này khởi lên từ một duyên vô thường, từ đâu sẽ thành thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa hợp của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là nhãn xúc. Nhãn xúc cũng vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào, nhãn xúc khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, nhãn xúc này khởi lên từ một duyên vô thường, từ đâu sẽ trở thành thường còn được? Do xúc nên có cảm thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay biết. Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác.
4) Và do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức...
5) Và do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức...
6) Và do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức...
7) Và do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức...
8) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Ý là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các pháp là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Ở đây, cả hai cái này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Ý thức là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ý thức khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, ý thức khởi lên do duyên vô thường, thời từ đâu sẽ thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa hợp của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý xúc. Ý xúc cũng vô thường, biến hoại, tự tánh là đổi khác. Do nhân gì, duyên gì khiến ý xúc sanh khởi; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, ý xúc khởi lên do duyên vô thường, từ đâu sẽ là thường còn được? Này các Tỷ-kheo, do xúc nên có cảm thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay biết. Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường biến hoại, tự tánh đổi khác.
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên cả hai, thức hiện hữu.
V. Phẩm Từ Bỏ
94. I. Thâu Nhiếp (S.iv,70)
1) ...
2) -- Có sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ. Thế nào là sáu?
3-5) Mắt xúc xứ, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ... Tai... Mũi...
6-7) ... Lưỡi... Thân...
8) Ý xúc xứ, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ.
9) Sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ.
10) Có sáu xúc này, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc. Thế nào là sáu?
11-13) Mắt xúc xứ, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc... Tai... Mũi...
14-15) ... Lưỡi... Thân...
16) Ý xúc xứ, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc.
17) Sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc.
18) Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
1) Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Chính sáu xúc xứ này,
Chỗ nào không thâu nhiếp,
Chỗ ấy có đau khổ.
Những ai học biết được,
Chế ngự, phòng hộ chúng,
Với lòng tin làm bạn,
Sống thoát ly dục vọng.
2) Thấy sắc pháp khả ái,
Thấy sắc không khả ái,
Hãy nhiếp phục đường tham,
Ðối các sắc khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
"Ðối sắc, ta không thích".
3) Sau khi nghe các tiếng,
Khả ái, không khả ái,
Chớ để tâm say mê,
Với các tiếng khả ái.
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Với tiếng không khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
"Ðối tiếng, ta không thích".
4) Sau khi ngửi các hương,
Thơm dịu, thật khả ái,
Sau khi ngửi các hương,
Bất tịnh, thật đáng ghét;
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Ðối các hương đáng ghét,
Còn đối hương khả ái,
Chớ để dục chi phối.
5) Nếm xong vị ngon ngọt,
Và nếm vị không ngon,
Chớ có sanh tham luyến,
Khi hưởng nếm vị ngon,
Chớ nói lời chống đối,
Khi nếm vị không ngon.
6) Khi cảm thọ lạc xúc,
Chớ đắm say tham luyến,
Khi cảm thọ khổ xúc,
Chớ bị xúc động mạnh.
Ðối với cả hai xúc,
Lạc, khổ đều niệm xả,
Không thích, không chống đối,
Bất cứ loại xúc nào.
7) Ðối với các người khác,
Mê theo hý luận tưởng,
Họ mê theo hý luận,
Họ hành theo hư tưởng;
Hãy đoạn trừ tất cả,
Gia sự do ý tạo,
Hãy nhiếp các hành động,
Hướng đến hạnh viễn ly.
8) Như vậy đối sáu xứ,
Khi ý khéo tu tập,
Nếu có cảm xúc gì,
Tâm không bị dao động.
Tỷ-kheo hãy nhiếp phục,
Cả hai tham sân ấy,
Hãy đến bờ bên kia,
Vượt buộc ràng sanh tử.
92. II. Thâu Nhiếp (S.iv,72)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Màlukyaputta đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Màlukyaputta bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ở đây, này Màlukyaputta, nay Ta nói gì với các Tỷ-kheo trẻ tuổi, khi Ông là một Tỷ-kheo già yếu, niên cao, đại lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến cuối cuộc đời, lại yêu cầu Ta giáo giới một cách vắn tắt?
5) -- Bạch Thế Tôn, dầu cho con già yếu, niên cao, đại lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến cuối cuộc đời, mong Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Mong Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Chắc chắn con sẽ hiểu ý nghĩa lời Thế Tôn giảng. Chắc chắn con sẽ trở thành người thừa tự pháp của Thế Tôn.
6) -- Ông nghĩ thế nào, này Màlukyaputta? Các sắc do mắt nhận thức, Ông không thấy, trước đây Ông không thấy, nay Ông không thấy, và Ông không muốn thấy; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
7) -- Các tiếng do tai nhận thức, Ông không nghe, trước đây Ông không nghe, nay Ông không nghe, và Ông không muốn nghe; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái hay không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
8) -- Các hương do mũi nhận thức, Ông không ngửi, trước đây Ông không ngửi, nay Ông không ngửi, và Ông không muốn ngửi; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
9) -- Các vị do lưỡi nhận thức, Ông không nếm, trước đây Ông không nếm, nay Ông không nếm, và Ông không muốn nếm; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Các xúc do thân nhận thức, Ông không cảm thọ, trước đây Ông không cảm thọ, nay Ông không cảm thọ, và Ông không muốn cảm thọ; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11) -- Các pháp do ý thức nhận thức, Ông không nhận thức, trước đây Ông không nhận thức, và Ông không muốn nhận thức;ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
12) -- Và ở đây, này Màlukyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, sẽ chỉ nghe được với những vật nghe được, sẽ chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, sẽ chỉ nhận biết được đối với những vật có thể nhận biết được.
13) Vì rằng, này Màlukyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, chỉ nghe được với những vật nghe được, chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, chỉ nhận biết được đối với những vật nhận biết được. Cho nên, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy. Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy, nên Ông không có: "Ở nơi đây". Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có: "Ở nơi đây", do vậy, này Màlukyaputta, Ông sẽ không có đời này, đời sau, và giữa hai đời ấy. Ðây là sự chấm dứt khổ đau.
14) -- Bạch Thế Tôn, lời giảng vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như sau:
1) Thấy sắc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến sắc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ sắc sinh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết - bàn.
2) Nghe tiếng, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến tiếng an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ tiếng sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðựơc gọi xa Niết-bàn.
3) Ngửi hương, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến tiếng an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ tiếng sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.
4) Nếm vị, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến vị an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ vị sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.
5) Cảm xúc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến xúc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ xúc sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.
6) Biết pháp, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến pháp an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ pháp sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn
7) Vị ấy không tham sắc,
Thấy sắc, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến sắc an trú.
Theo sắc, vị ấy thấy,
Tùy sắc, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn
8) Vị ấy không tham tiếng,
Nghe tiếng, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến tiếng an trú.
Theo tiếng, vị ấy nghe,
Tùy tiếng, thọ cảm giác.
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
9) Vị ấy không tham hương,
Ngửi hương, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến hương an trú.
Theo hương, vị ấy ngửi,
Tùy hương, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn.
10) Vị ấy không tham vị,
Nếm vị, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến vị an trú.
Theo vị, vị ấy nếm.
Tùy vị, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn.
11) Vị ấy không tham xúc,
Cảm xúc, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến xúc an trú,
Theo xúc, vị ấy cảm,
Tùy xúc, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
12) Vị ấy không tham pháp,
Biết pháp, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến pháp an trú.
Theo pháp, vị ấy cảm,
Tùy pháp, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
Bạch Thế Tôn, lời Thế Tôn nói vắn tắt này, con hiểu một cách rộng rãi như vậy.
15) -- Lành thay, lành thay, này Màlukyaputta! Lành thay, này Màlukyaputta, lời nói vắn tắt của Ta, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi:
1) Thấy sắc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến sắc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ sắc sanh.
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.
2) - 11) ...
12) Vị ấy không tham pháp,
Biết pháp, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến pháp an trú.
Theo pháp, vị ấy cảm,
Tùy pháp, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
Lời nói vắn tắt này của Ta, này Màlukyaputta, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
16) Rồi Tôn giả Màlukyaputta, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi ra đi.
17) Rồi Tôn giả Màlukyaputta sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, chứng được mục đích mà các thiện gia nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
18) Và Tôn giả Màlukyaputta trở thành một vị A-la-hán nữa.
96. III. Thối Ðọa (Parihànam) (S.iv,76)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp thối đọa, pháp bất thối đọa và sáu thắng xứ.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp thối đọa?
4-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Nếu Tỷ-kheo đón nhận chúng (adhivàseti), không từ bỏ, không đoạn trừ, không tiêu diệt, không khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp thối đọa,... tai nghe tiếng... mũi ngửi hương...
7-8) ... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...
9) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sau khi ý nhận thức pháp, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Nếu Tỷ-kheo đón nhận chúng, không từ bỏ, không đoạn trừ, không tiêu diệt, không khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp thối đọa.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp thối đọa.
11) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là pháp bất thối đọa?
12-24) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không có đón nhận chúng, từ bỏ, đoạn trừ, tiêu diệt, khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp bất thối đọa.... tai nghe tiếng... mũi ngửi hương...
15-16) ... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...
17) Ở đây, này các Tỷ-kheo, sau khi ý nhận thức pháp, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không có đón nhận chúng, từ bỏ, đoạn trừ, tiêu diệt, khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp bất thối đọa.
18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp bất thối đọa.
19) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu thắng xứ?
20-24) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử không khởi lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Xứ này đã được nhiếp phục". Và Như Lai gọi đây là thắng xứ... tai...mũi... lưỡi... thân...
25) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sau khi ý nhận thức pháp, các ác bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử không khởi lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Xứ này đã được nhiếp phục". Và Như Lai gọi đây là thắng xứ.
96. IV. Sống Phóng Dật (Pamàdavihàri) (S.iv,78)
1) Nhân duyên ở Sāvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trú phóng dật?
4-6) Ai sống không nhiếp hộ nhãn căn, này các Tỷ-kheo, thời tâm người ấy bị nhiễm ô (vyàsincati) đối với các sắc do mắt nhận biết. Với người tâm bị nhiễm ô thời không có hân hoan. Do không có hân hoan nên không có hỷ. Do không có hỷ nên không có khinh an. Do không khinh an nên khổ an trú. Với người đau khổ, tâm không có thể định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, các pháp không hiển lộ. Do các pháp không hiển lộ, người ấy được gọi là người an trú phóng dật... nhĩ căn... tỷ căn...
7-8) ... thiệt căn... thân căn...
9) Ai sống không nhiếp hộ ý căn, tâm bị nhiễm ô đối với các pháp do ý nhận biết. Với người tâm bị nhiễm ô thời không có hân hoan. Do không hân hoan nên không có hỷ. Do không có hỷ nên không có khinh an. Do không có khinh an nên khổ an trú. Với người đau khổ, tâm không có thể định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, các pháp không hiển lộ. Do các pháp không hiển lộ, người ấy được gọi là người an trú phóng dật.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là an trú phóng dật.
11) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là an trú không phóng dật?
12-14) Ai sống nhiếp hộ nhãn căn, tâm không bị nhiễm ô đối với các sắc do mắt nhận biết. Với người tâm không bị nhiễm ô thời hân hoan sanh. Do có hân hoan nên hỷ sanh. Do có hỷ sanh nên thân được khinh an. Do thân khinh an nên cảm lạc thọ. Với người an lạc, tâm được định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiển lộ. Do các pháp được hiển lộ, người ấy được gọi là người trú không phóng dật... nhĩ căn... tỷ căn...
15-16) ... thiệt căn... thân căn...
17) Ai sống nhiếp hộ ý căn, tâm không bị nhiễm ô đối với các pháp do ý nhận biết. Với người tâm không bị nhiễm ô thời hân hoan sanh. Do có hân hoan nên hỷ sanh. Do có hỷ tâm nên thân được khinh an. Do thân khinh an nên cảm lạc thọ. Với người an lạc, tâm được định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiển lộ. Do các pháp được hiển lộ, người ấy được gọi là người trú không phóng dật.
18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là trú không phóng dật.
98. V. Nhiếp Hộ (Samvara) (S.iv,79)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về nhiếp hộ và không nhiếp hộ. Hãy lắng nghe.
3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là không nhiếp hộ?
4-6) Và này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương và an trú với tâm tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta đã làm thối thất các thiện pháp". Như Lai gọi đây là pháp thối đọa... Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức...
7-8) Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân cảm giác...
9) Có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương và an trú với tâm tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta đã làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là thối thất.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không nhiếp hộ.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nhiếp hộ?
12-14) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương và an trú với tâm không tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là không thối thất... Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức...
15-16) Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân cảm giác...
17) Và này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương và an trú với tâm không tham luyến; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là không thối thất.
18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có nhiếp hộ.
99. VI. Thiền Ðịnh (S.iv,80)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật.
3) Và hiểu rõ như thật cái gì?
4-8)-- Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường... tai... mũi... lưỡi... thân...
9) Như thật hiểu rõ ý là vô thường, như thật hiểu rõ các pháp là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường.
10) Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật.
100. VII. Thiền Tịnh (Patisallàna) (S.iv,80)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy hành trì hạnh Thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Thiền tịnh, hiểu rõ như thật.
3) Và hiểu rõ gì như thật?
4-9) Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường... tai... lưỡi... thân... ý...
10) Này các Tỷ-kheo, hãy hành trì hạnh Thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Thiền tịnh, hiểu rõ như thật.
101. VIII. Không Phải Của Các Ông (S.iv,81)
1) ...
2) -- Cái gì không phải của các Ông, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc cho các Ông.
3) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?
4-6) Mắt, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông... Tai... Mũi...
7-8) ... Lưỡi... Thân...
9) Ý không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các pháp không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong rừng Thắng Lâm này có người mang đi, hay mang đốt, hay làm theo những gì người ấy muốn, tất cả cỏ, củi, nhánh cây hay lá, thời các Ông có nghĩ như sau: "Người ấy mang chúng tôi đi, hay đốt chúng tôi, hay làm gì chúng tôi theo ý người ấy muốn"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao? Vì chúng không phải tự ngã hay không thuộc về tự ngã.
11-16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, mắt không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông... Nhãn thức không phải của các Ông... Nhãn xúc không phải của các Ông... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
102. IX. Không Phải Của Các Ông (S.iv,82)
(Như kinh trên từ 2 đến 9, không có ví dụ).
103. X. Uddaka (S.iv,83)
1) ...
2) -- Uddaka Ràmaputta, này các Tỷ-kheo, có nói như sau:
"Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào".
Này các Tỷ-kheo, Uddaka Ràmaputta không phải bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia, chưa từng đào.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo minh trí (vedagù)? Này các Tỷ-kheo, khi nào một Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo minh trí.
5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả? Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly, được giải thoát không có chấp thủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn trước kia chưa được đào? Mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là một danh từ chỉ cho cái thân do bốn đại tạo thành này, sanh ra từ cha mẹ, do cơm cháo nuôi dưỡng, tự tánh là vô thường, biến hoại, mai một, hủy hoại, hủy diệt. Gốc rễ của mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với khát ái. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn từ trước chưa được đào lên.
7) Này các Tỷ-kheo, chính là Uddaka Ràmaputta đã nói lên lời nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.
Này các Tỷ-kheo, Uddaka không phải là bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.
Phần Ba - Năm Mươi Kinh Thứ Ba
I. Phẩm An Ổn, Khỏi Các Khổ Ách

104. I. Người Ðược An Ổn, Khỏi Các Khổ Ách (S.iv,85)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, pháp môn đúng pháp. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách?
4-8) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận biết khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách. Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách... có những tiếng... có những hương... có những vị... có những xúc...
9) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận biết khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những pháp ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách. Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.
10) Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, là pháp môn đúng pháp.
105. II. Chấp Thủ (S.iv,85)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, do có mặt cái gì, do chấp thủ cái gì khởi lên nội lạc, nội khổ?
3) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4) -- Này các Tỷ-kheo, do mắt có mặt, do chấp thủ mắt nên khởi lên nội lạc, nội khổ... tai... mũi... lưỡi... thân... Do ý có mặt, do chấp thủ ý nên khởi lên nội lạc, nội khổ.
5) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy thời có thể khởi lên nội khổ, nội lạc không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
6) -- Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
106. III. Khổ (S.iv,86)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về khổ tập khởi và khổ đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?
4-9) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi. Do duyên tai... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân... Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi, này các Tỷ-kheo.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
11) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.
12-13) Do duyên tai... Do duyên mũi...
14-15) Do duyên lưỡi... Do duyên thân...
16) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.
107. IV. Thế Giới (S.iv,87)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về thế giới tập khởi và thế giới đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?
4) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Ðây là thế giới tập khởi.
5-7) Do duyên tai... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân...
8) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh nên có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới tập khởi.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?
10-15) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy, đây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
16) Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới đoạn diệt.
108. V. Thắng (S. iv,88)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì nên có: "Thắng hơn là tôi", "Ngang bằng là tôi" hay "Thấp kém là tôi"?
3) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4-9) -- Này các Tỷ-kheo, do có mắt, do chấp thủ mắt, do thiên chấp mắt nên có: "Thắng hơn là tôi", "Ngang bằng là tôi" hay "Thấp kém là tôi"... Do có ý, do chấp thủ ý, do thiên chấp ý nên có: "Thắng hơn là tôi", "Ngang bằng là tôi" hay "Thấp kém là tôi".
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái vì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời (có thể) có ý nghĩ: "Thắng hơn là tôi", "Ngang bằng là tôi", hay "Thấp kém là tôi" không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11) -- Tai là thường hay vô thường...
12) Mũi là thường hay vô thường...
13) Lưỡi là thường hay vô thường...
14) Thân là thường hay vô thường...
15) Ý là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời (có thể) có ý nghĩ: "Thắng hơn là tôi", "Ngang bằng là tôi" hay "Thấp kém là tôi" không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
16) -- Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
109. VI. Kiết Sử (S.iv,89)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị kiết sử và kiết sử. Hãy lắng nghe. Thế nào là kiết sử?
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị kiết sử và... kiết sử?
4-9) Này các Tỷ-kheo, mắt là pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là kiết sử... Ý là pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là kiết sử.
10) Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là những pháp bị kiết sử và kiết sử.
110. VII. Chấp Thủ (S.iv,89)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị chấp thủ và chấp thủ. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ, và thế nào là chấp thủ?
4-9) Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là chấp thủ... Ý là pháp bị chấp thủ. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là chấp thủ.
10) Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là những pháp bị chấp thủ, và chấp thủ.
111. VIII. Tuệ Tri (Pajànàti) (S.iv,89)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ mắt nên không thể đoạn tận khổ đau... tai... mũi... lưỡi... thân... Do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ ý nên không thể đoạn tận khổ đau.
8-13) Và này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ mắt nên có thể đoạn tận khổ đau... tai... mũi... lưỡi... thân... Do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ ý nên có thể đoạn tận khổ đau.
112. IX. Tuệ Tri (S.iv,90)
1) ...
2-7) -- Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các sắc nên không thể đoạn tận khổ đau... các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các pháp nên không thể đoạn tận khổ đau.
8-13) Và này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ các sắc, nên có thể đoạn tận khổ đau... các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ các pháp nên có thể đoạn tận khổ đau.
113. X. Nghe Trộm (upassuti) (S.iv,90)
1) Một thời Thế Tôn trú tại Nàtika, trong ngôi nhà bằng gạch.
2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tịnh, nói lên lời pháp giáo này (dhammapariyàyam):
3) -- Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4-7) Do duyên tai... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân...
8) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được tập khởi.
9) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được đoạn diệt.
10-13) Do duyên tai... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân...
14) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được đoạn diệt.
15) Lúc bấy giờ một Tỷ-kheo đứng nghe trộm Thế Tôn.
16) Thế Tôn thấy Tỷ-kheo ấy đứng nghe trộm.
17) Thấy vậy, Thế Tôn liền nói với Tỷ-kheo ấy:
-- Này Tỷ-kheo, Ông có nghe pháp giáo này không?
-- Thưa có nghe, bạch Thế Tôn.
-- Này Tỷ-kheo, hãy học pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, pháp giáo này liên hệ đến mục đích, là cứu cánh Phạm hạnh.
II. Phẩm Thế Giới Dục Công Ðức
114. I. Màra (Ma) Lưới Bẫy (S.iv,91)
1) ...
2-7) -- Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma đoanh vây vị ấy. Bị Ma trói buộc, vị ấy bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm... Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma đoanh vây vị ấy. Bị Ma trói buộc, vị ấy bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.
8-13) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không đi đến trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma không đoanh vây vị ấy. Ðược giải thoát khỏi Ma trói buộc, vị ấy không bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm... Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không đi đến trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma không đoanh vây vị ấy. Ðược giải thoát khỏi Ma trói buộc, vị ấy không bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.
115. II. Màra (Ma) Lưới Bẫy (S.iv,92)
1) ...
2-7) -- Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo bị trói buộc trong các sắc do mắt nhận thức, đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục, bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm... Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức... tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo bị trói buộc trong các pháp do ý nhận thức, đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục, bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.
8-13) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc... hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các sắc do mắt nhận thức, không đi vào trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm... Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các pháp do ý nhận thức, không đi vào trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm.
116. III. Thế Giới Dục Công Ðức (S.iv,93)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới.
Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá.
3) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, khởi lên tư tưởng sau đây: "Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời nói vắn tắt này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới’. Lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi"?
4) Rồi các Tỷ-kheo ấy lại suy nghĩ như sau: "Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ananda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này".
5) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
6) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ananda:
-- Thưa Hiền giả Ananda, sau khi thuyết giảng lời vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: "Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách không đạt đến sự tận cùng thế giới". Thưa Hiền giả, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng tôi suy nghĩ như sau: "Này chư Hiền, sau khi nói lên lời tuyên bố vắn tắt này cho chúng ta, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới’. Lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?". Rồi thưa Hiền giả, chúng tôi lại suy nghĩ như sau: "Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các bạn đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ananda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này". Mong Tôn giả Ananda hãy phân tích cho.
7) -- Này chư Hiền, ví như một người cần thiết lõi cây, tìm cầu lõi cây, đang đi tìm cầu lõi cây, đứng trước một cây lớn có lõi cây. Người ấy bỏ rễ, bỏ thân cây, nghĩ rằng lõi cây cần phải tìm trong các nhánh cây, lá cây. Cũng vậy, là việc chư Tôn giả làm... Chư Tôn giả đứng trước mặt Thế Tôn, chư Tôn giả lại vượt qua Thế Tôn và nghĩ rằng cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Nhưng này chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc có trí, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc tuyên thuyết, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời, chư Hiền hãy đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chư Hiền như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
8) -- Thưa Hiền giả Ananda, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc có trí, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc tuyên thuyết, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời chúng tôi đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chúng tôi như thế nào, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể giải thích một cách rộng rãi lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn chưa được phân tích rộng rãi. Mong Tôn giả Ananda phân tích cho, nếu Tôn giả không cảm thấy phiền phức (agarum katvà).
9) -- Vậy chư Hiền hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ nói.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda.
10) Tôn giả Ananda nói như sau:
-- Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: " Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới". Này chư Hiền, lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu một cách rộng rãi như sau:
11) Này chư Hiền, do cái gì trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới, đây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh. Và này chư Hiền, do cái gì trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới? Do con mắt, này chư Hiền, trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới. Do tai, này chư Hiền... Do mũi, này chư Hiền... Do lưỡi, này chư Hiền... Do thân, này chư Hiền... Do ý, này chư Hiền, trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới. Ðây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh.
12) Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt cho chư Hiền, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đã đi vào tịnh xá: "Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới". Này chư Hiền, lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nhưng nếu muốn, chư Tôn giả hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tôn giả ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
13) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: "Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng... sự tận cùng thế giới". Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn ra đi không được bao lâu, chúng con khởi lên ý nghĩ này: "Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng... sự tận cùng thế giới’. Lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?"
14) Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: "Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các bạn đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ananda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này". Và, bạch Thế Tôn, chúng con đã đi đến Tôn giả Ananda và hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này.
15) Bạch Thế Tôn, với những lý do này, với những câu này, với những chữ này, ý nghĩa được Tôn giả Ananda giải thích cho chúng con...
-- Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là Ananda. Ðại tuệ, này các Tỷ-kheo, là Ananda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông có hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như vậy, như Ananda đã trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy. Hãy thọ trì như vậy.
117. IV. Thế Giới Dục Công Ðức (S.iv,97)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta khởi lên ý nghĩ như sau: "Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm Ta đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai". Rồi, này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính Ta, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm".
3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm các Ông đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai. Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính các Ông, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm.
4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: "Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu... Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu". Các xứ cần phải được hiểu như vậy.
5) Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
6) Rồi các Tỷ-kheo, sau khi Thế Tôn ra đi chẳng bao lâu, khởi lên ý nghĩ sau đây: "Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt... Ai có thể phân tích ý nghĩa lời tuyên bố một cách rộng rãi?"
7) Rồi các Tỷ-kheo ấy lại suy nghĩ như sau: "Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán.."..
8-11) (Như kinh trên, từ số 5 đến số 9, chỉ khác về lời tuyên bố của Thế Tôn)
12) -- Vậy chư Hiền, hãy lắng và suy nghiệm kỹ. Tôi sẽ nói.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda.
13) Tôn giả Ananda nói như sau:
-- Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng vắn tắt này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: "Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu... Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’". Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt này, không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Lời Thế Tôn nói, này chư Hiền, là thuộc về đoạn diệt sáu xứ. Do vậy, này chư Hiền, các xứ cần phải hiểu: "Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu... Chỗ nào ý đoạn diệt, các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu biết". Các xứ cần phải được hiểu như vậy.
14) Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, ý nghĩa không được phân tích một cách rõ ràng, ý nghĩa ấy tôi hiểu một cách rõ ràng như vậy. Nếu muốn, chư Hiền hãy đi đến Thế Tôn và hỏi về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
15) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt cho chúng con, không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, Thế Tôn đi vào tịnh xá: "Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu. ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu... Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy pháp tưởng được ly tham, các xứ phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy". Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: "Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này cho chúng ta, nhưng không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: `Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu... Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy', nhưng ý nghĩa không được phân tích một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?".
16) Bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: "Tôn giả Ananda được bậc Ðạo Sư tán thán và được các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Với lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, nhưng không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Tôn giả Ananda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này".
17) Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, chúng con hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda với những lý do này, với những câu này, với những chữ này, đã phân tích ý nghĩa.
-- Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là Ananda! Ðại tuệ, này các Tỷ-kheo, là Ananda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng sẽ trả lời như vậy, như Ananda đã trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy, hãy như vậy thọ trì.
118. V. Sakka (S.iv,101)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Gijjhakùta (Linh Thứu).
2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không nhập Niết-bàn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại nhập được Niết-bàn?
4) -- Này Thiên chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú, y cứ vào đấy, thức khởi lên chấp thủ cái ấy. Vì có chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy không nhập Niết-bàn.
5-8) Này Thiên chủ, có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân cảm giác...
9) Này Thiên chủ, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú. Do Tỷ-kheo ấy hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú, y cứ vào đấy, thức khởi lên chấp thủ cái ấy. Do có chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy không nhập Niết-bàn.
10) Này Thiên chủ, đây là nhân, đây là duyên, ở đây một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại không nhập Niết-bàn.
11-16) Và này Thiên chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời do vị ấy không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, không y cứ cái ấy, thức khởi lên không chấp thủ cái ấy. Do không chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo nhập Niết-bàn. Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức... Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân cảm giác...
17) Này Thiên chủ, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời do Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, không y cứ vào cái ấy, thức khởi lên không chấp thủ cái ấy. Không chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy nhập Niết-bàn.
18) Này Thiên chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại nhập Niết-bàn.
119. IV. Pancasikha (S.iv,103)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu).
2) Rồi Pancasikha, con vị vua Gandhabba, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, Pancasikha, con Gandhabba, bạch Thế Tôn: "...(giống như kinh trước, câu hỏi và câu đáp giống như kinh trước)".
120. VII. Sàriputta (S.iv,103)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sāvatthi, tại Jetanvana, vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Tỷ-kheo đồng trú, thưa Tôn giả Sàriputta, đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.
4) -- Này Hiền giả, như vậy xẩy đến cho vị nào không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy không xảy ra.
5) Này Hiền giả, một Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy có xảy ra.
6) Và này Hiền giả, thế nào là hộ trì các căn? Này Hiền giả, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này Hiền giả, là sự hộ trì các căn.
7) Này Hiền giả, thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng các món ăn. Không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự mình làm đẹp mình mà chỉ để thân này được duy trì và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Như vậy, này Hiền giả, là tiết độ trong ăn uống.
8) Và này Hiền giả, như thế nào là chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh một, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên hữu, trong tư thế con sư tử, chân này đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, khi vị ấy đi kinh hành và trong khi ngồi, tâm gột sạch khỏi các pháp triền cái. Như vậy, này Hiền giả, là chú tâm tỉnh giác.
9) Do vậy, này Hiền giả, cần phải học tập như sau: "Chúng tôi sẽ hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác".
Như vậy, này Hiền giả, ông cần phải học tập.
121. VIII. Ràhula (S.iv, 105)
1) Một thời Thế Tôn ở trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tịnh, các tư niệm sau đây được khởi lên: "Ðã thuần thục là các pháp đưa đến giải thoát được chín muồi cho Ràhula. Vậy Ta hãy giảng dạy cho Ràhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc".
3) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Sāvatthi để khất thực, khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, gọi Tôn giả Ràhula:
-- Này Ràhula, hãy cầm tọa cụ đi đến rừng Andha để nghỉ trưa.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ràhula vâng đáp Thế Tôn, cầm lấy tọa cụ, và đi sau lưng Thế Tôn.
4) Lúc bấy giờ, rất nhiều ngàn Thiên nhân đi theo Thế Tôn và nghĩ rằng: "Hôm nay, Thế Tôn sẽ giảng dạy cho Ràhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc".
5) Rồi Thế Tôn đi sâu vào rừng Andha và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới gốc cây. Rồi Tôn giả Ràhula, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ràhula đang ngồi xuống một bên:
6) -- Ông nghĩ thế nào, này Ràhula, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chánh quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Sắc là thường hay vô thường?...
Nhãn thức là thường hay vô thường?...
Nhãn xúc là thường hay vô thường?...
Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
7-8) -- Tai... Mũi...
9-10) Lưỡi... Thân...
11) Ý là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Các pháp là thường hay vô thường?...
Ý thức là thường hay vô thường?...
Ý xúc là thường hay vô thường?...
Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
12) -- Thấy vậy, này Ràhula, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Phàm duyên nhãn xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì; nhàm chán đối với pháp ấy... nhàm chán đối với tai... nhàm chán đối với mũi... nhàm chán đối với lưỡi... nhàm chán đối với thân... nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, nhàm chán đối với pháp ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
13) Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả Ràhula hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, tâm Tôn giả Ràhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Và hàng nhiều ngàn chư Thiên khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: "Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt".
122. IX. Kiết Sử (S.iv,107)
1) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị kiết sử và kiết sử, Hãy lắng nghe.
2) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị kiết sử, thế nào là kiết sử?
3) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, chỗ ấy là kiết sử.
4-7) Này các Tỷ-kheo, có các tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân cảm giác...
8) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là các pháp bị kiết sử. Chỗ nào có dục và tham, chỗ ấy là kiết sử.
123. X. Chấp Thủ (S.iv,108)
1) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng về các pháp bị chấp thủ và chấp thủ. Hãy lắng nghe.
2) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ, thế nào là chấp thủ?
3-8) Này các Tỷ-kheo... (Giống như từ số 3 đến số 8 của kinh trên).
III. Phẩm Gia Chủ
124. I. Vesàli (S.iv,109)
1) Một thời Thế Tôn ở tại Vesàli, rừng Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi gia chủ Ugga, người Vesàli, đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Ugga, người Vesàli, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không được hoàn toàn tịch tịnh (parinibbàyanti). Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh?
4-9) -- Này Gia chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... (giống như kinh 118) ... Này Gia chủ, Tỷ-kheo có chấp thủ, không được hoàn toàn tịch tịnh...
10) Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, một số các loài hữu tình ngay trong hiện tại không được hoàn toàn tịch tịnh.
11-16) Này Gia chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... (giống như kinh 118) ... Này Gia chủ, Tỷ-kheo không có chấp thủ, được hoàn toàn tịch tịnh...
17) Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh.
125. II. Vajji (S.iv,109)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Vajji tại làng Hatthi.
2) Rồi gia chủ Ugga, người làng Hatthi, đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Ugga, người làng Hatthi, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không được hoàn toàn tịch tịnh? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh?
4-16) (Giống như kinh trước) ...
17) -- Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, có một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh.
126. III. Nàlanda (S.iv,110)
1) Một thời Thế Tôn ở tại Nàlanda, tại rừng Pàvàrikamba.
2) Rồi gia chủ Upàli đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Upàli bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không được hoàn toàn tịch tịnh? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh?...
4-16) ... (Như kinh trước)
17) -- Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, một số loài hữu tình ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh.
127. IV. Bhàradvàja (S.iv,110)
1) Một thời Tôn giả Pindolabhàradvàja trú ở Kosambi, tại vườn Ghosità.
2) Rồi vua Udena đi đến Tôn giả Pindolabhàradvàja; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Pindolabhàradvàja những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, vua Udena thưa với Tôn giả Pindolabhàradvàja:
-- Thưa Bhàradvàja, do nhân gì, do duyên gì, những Tỷ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, đầy đủ với tuổi trẻ hiền thiện, trong lúc tuổi còn thanh xuân lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời, và sống toàn thời gian một cách hoàn mãn (addhànam apàdenti)?
4) -- Thưa Ðại vương, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói như sau: "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, đối với những người chỉ là mẹ, hãy an trú tâm người mẹ. Ðối với những người chỉ là chị, hãy an trú tâm người chị. Ðối với người chỉ là con gái, hãy an trú tâm người con gái. Thưa Ðại Vương, đây là nhân, đây là duyên, do vậy các Tỷ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, đầy đủ với tuổi trẻ hiền thiện, trong lúc tuổi còn thanh xuân lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời, và sống toàn thời gian một cách hoàn mãn.
5) -- Tham vọng (loba), này Bhàradvàja, là tâm. Ðôi khi đối với những người chỉ là mẹ, tham pháp khởi lên. Ðối với những người chỉ là chị, tham pháp khởi lên. Ðối với những người chỉ là con gái, tham pháp khởi lên. Này Bhàradvàja, có một nhân khác, có một duyên khác, do vậy các Tỷ-kheo trẻ tuổi này... một cách hoàn mãn?
6) -- Thưa Ðại vương, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói như sau: "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Thưa Ðại vương, đây là nhân, đây là duyên, do vậy các Tỷ-kheo trẻ tuổi này... sống toàn thời gian một cách hoàn mãn.
7) -- Này Bhàradvàja, đối với những Tỷ-kheo nào, thân có tu tập, giới có tu tập, tâm có tu tập, tuệ có tu tập, thời như vậy thật là dễ dàng. Và này Bhàradvàja, đối với những Tỷ-kheo nào, thân không có tu tập, giới không có tu tập, tâm không có tu tập, tuệ không có tu tập thời như vậy thật là khó khăn. Ðôi khi, này Bhàradvàja, có người nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ tác ý bất tịnh", nhưng lại đi đến tịnh (tướng). Này Bhàradvàja, có nhân nào khác, duyên nào khác, do vậy các Tỷ-kheo trẻ tuổi này... sống toàn thời gian một cách hoàn mãn?
8) -- Thưa Ðại vương, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã nói như sau: "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì các căn. Sau khi mắt thấy sắc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên; hãy thực hành chế ngự nguyên nhân ấy, hãy hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên; hãy thực hành chế ngự nguyên nhân ấy, hãy hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn. Thưa Ðại vương, đây là nhân, đây là duyên, do vậy những Tỷ-kheo trẻ tuổi này... sống toàn thời gian một cách hoàn mãn.
9) -- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Bhàradvàja! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Bhàradvàja, là lời khéo nói này của Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính nhân này, thưa Tôn giả Bhàradvàja, chính duyên này, do vậy các Tỷ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, đầy đủ với tuổi trẻ hiền thiện, trong lúc tuổi còn thanh xuân, lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời, sống toàn thời gian một cách hoàn mãn.
10) Tôi cũng vậy, thưa Tôn giả Bhàradvàja, khi nào tôi vào trong nội cung với thân không phòng hộ, với lời nói không phòng hộ, với tâm không phòng hộ, với niệm không an trú, với các căn không chế ngự; thời trong khi ấy, tham pháp chinh phục tôi. Nhưng thưa Tôn giả Bhàradvàja, trong khi tôi vào nội cung, với thân được phòng hộ, với lời nói được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được chế ngự; thời trong khi ấy, tham pháp không chinh phục tôi.
11) Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Bhàradvàja! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Bhàradvàja! Thưa Tôn giả Bhàradvàja, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Bhàradvàja dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay, thưa Tôn giả Bhàradvàja, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Bhàradvàja hãy nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
128. V. Sona (S.iv,113)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Sona, con người gia chủ Sona, đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Sona, con người gia chủ, bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại, không được hoàn toàn tịch tịnh? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh? (... Giống như kinh trước...)
-- Này Sona, đây là nhân, đây là duyên... do vậy, ở đây, một số loài hữu tình... ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh.
129. VI. Ghosita (S.iv,113)
1) Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
2) Rồi gia chủ Ghosita đi đến Tôn giả Ananda...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Ghosita thưa với Tôn giả Ananda:
-- "Sai biệt về giới, sai biệt về giới", thưa Tôn giả Ananda, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói đến sai biệt về giới?
4) -- Này Gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc khả ý, và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Này Gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc không khả ý, và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Này Gia chủ, khi nào nhãn giới sắc trú xả và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.
5) Này Gia chủ, khi nào nhĩ giới...
6) Này Gia chủ, khi nào tỷ giới...
7) Này Gia chủ, khi nào thiệt giới...
8) Này Gia chủ, khi nào thân giới...
9) Này Gia chủ, khi nào ý giới, pháp khả ý, và ý thức cùng khởi lên; do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Này Gia chủ, khi nào ý giới... pháp không khả ý và ý thức cùng khởi lên; do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Này Gia chủ, khi nào ý giới, pháp giới trú xả và ý thức cùng khởi lên; do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.
10) Cho đến như vậy, này Gia chủ, Thế Tôn đã nói đến về sai biệt các giới.
130. VII. Haliddhaka (S.iv,115)
1) Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna trú giữa dân chúng Avanti, tại Kuraraghara, trong một hang núi.
2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna:
-- Thưa Tôn giả, Thế Tôn nói như sau: "Do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ". Như thế nào, thưa Tôn giả, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc; do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ?
4) -- Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi mắt thấy sắc bất khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi mắt thấy sắc trú xả, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.
5-9) Lại nữa, này Gia chủ, khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi ý biết pháp bất khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi ý biết pháp trú xả, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.
10) Như vậy, này Gia chủ, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ.
131. VIII. Nakulapità (S.iv,116)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, vườn Lộc Uyển.
2) Rồi gia chủ Nakulapità...
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại không được hoàn toàn tịch tịnh? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại được hoàn toàn tịch tịnh?
4-9) -- Này Gia chủ, có những sắc do mắt nhận thức... (như kinh 118)
10) Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại, không được hoàn toàn tịch tịnh.
11-16) Này Gia chủ, có những sắc do mắt nhận thức...
17) Này Gia chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy, ở đây, có một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại, được hoàn toàn tịch tịnh.
132. IX. Lohicca (S,iv,116)
1) Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở giữa dân chúng Avanti, tại Makkarakata, tại một chòi lá trong rừng.
2) Rồi một số đông đệ tử của Bà-la-môn Lohicca, là những thanh niên lượm củi, đi đến chòi lá trong rừng của Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đến, đi qua đi lại, đi vòng quanh chòi lá, cao tiếng, lớn tiếng, và làm đủ loại trò chơi nghịch ngợm: "Những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, đê tiện, đen đủi, sanh từ nơi chân này, lại được các kẻ nô tì khuân vác cung kính, tôn trọng, cúng dường, lễ bái".
3) Rồi Tôn giả Mahà Kaccàna từ trong nhà bước ra và nói với các thanh niên ấy:
-- Này các Thanh niên, chớ có làm ồn. Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông.
Khi nghe nói vậy, các thanh niên đều im lặng.
4) Rồi Tôn giả Mahà Kaccàna nói lên những bài kệ với các thanh niên ấy:
1) Những bậc cổ nhân xưa,
Tối thắng trong giới hạnh,
Các bậc Bà-la-môn,
Ghi nhớ các cổ luật.
Các căn được hộ trì,
Ðược khéo léo chế ngự,
Họ nhiếp phục đoạn tận
Mọi tức giận phẫn nộ.
2) Họ hân hoan trong pháp,
Họ hân hoan trong Thiền,
Họ là Bà-la-môn,
Ghi nhớ các cổ luật.
Còn kẻ trốn luật này,
Chỉ lắp bắp tụng đọc,
Say mê trong giai cấp,
Họ bước đi khập khểnh.
3) Bị phẫn nộ nhiếp phục,
Dùng nhiều loại gậy gộc,
Họ rơi vào nguy hại,
Giữa kẻ tham, bậc Thánh,
Rỗng không là giới cấm,
Khi căn không chế ngự,
Như người được tài sản,
Trong cơn mộng nằm mơ.
4) Không ăn, quyết nhịn đói,
Nằm ngủ trên đất trần,
Sáng dậy, tắm sạch tội,
Tụng đọc ba Vệ-đà,
Mặc da thú thô cứng,
Bện tóc, da dính bùn,
Tụng đọc các thần chú,
Giới cấm thủ, khổ hạnh.
5) Giả dối và lừa đảo,
Sử dụng các gậy gộc,
Dùng nước để tắm rửa,
Dùng nước để súc miệng,
Ðó là những sắc tướng,
Các hàng Bà-la-môn,
Họ làm và thực hiện,
Mong hưởng những lợi nhỏ.
6) Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Trong sáng, không cấu uế,
Nhu thuận mọi chúng sanh,
Con đường đạt tối thượng.
5) Rồi các thanh niên ấy, tức giận và không vui, đi đến Bà-la-môn Lohicca; sau khi đến, thưa với Bà-la-môn Lohicca:
-- Mong Tôn giả biết rằng, Sa-môn Mahà Kaccàna đang một mạch chỉ trích và mạ lị thần chú của các Bà-la-môn.
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Lohicca tức giận và không vui.
6) Rồi Bà-la-môn Lohicca suy nghĩ: "Thật không thích đáng cho ta khi ta nghe một mình các thanh niên Bà-la-môn, rồi phỉ báng và công kích Sa-môn Mahà Kaccàna. Vậy, ta hãy đi đến và hỏi vị ấy".
7) Rồi Bà-la-môn Lohicca cùng với các thanh niên Bà-la-môn ấy đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Lohicca nói với Tôn giả Mahà Kaccàna:
-- Tôn giả Kaccàna, có phải có một số đông đệ tử của chúng tôi, những thanh niên Bà-la-môn lượm củi đã đến đây?
-- Này Bà-la-môn, một số đông đệ tử của Ông, những thanh niên Bà-la-môn lượm củi có đến tại đây.
-- Thưa Tôn giả Kaccàna, Tôn giả có nói chuyện với những thanh niên Bà-la-môn ấy không?
-- Này Bà-la-môn, tôi có nói chuyện với những thanh niên Bà-la-môn ấy.
-- Như thế nào là câu chuyện giữa Tôn giả Kaccàna với những thanh niên Bà-la-môn ấy?
-- Này Bà-la-môn, như thế nầy là câu chuyện giữa tôi và các thanh niên Bà-la-môn ấy:
1) Những bậc cổ nhân xưa
Tối thắng trong giới hạnh,
Các bậc Bà-la-môn
Ghi nhớ các cổ luật.
2-5) ...
6) Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Trong sáng, không cấu uế,
Nhu thuận mọi chúng sanh,
Con đường đạt tối thượng.
Như vậy, này Bà-la-môn, là cuộc nói chuyện giữa tôi và các thanh niên Bà-la-môn ấy.
9) -- Tôn giả Kaccàna có nói đến hộ trì các căn. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Kaccàna, là hộ trì các căn?
10) -- Ở đây, này Bà-la-môn, có người sau khi mắt thấy sắc, có tâm hướng đến các sắc khả ái, có tâm ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Người ấy không như thật biết rõ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do vậy, các ác bất thiện pháp đã khởi lên, không có đoạn diệt không có dư tàn.
11-14) ... sau khi tai nghe tiếng... sau khi mũi ngửi hương... sau khi lưỡi nếm vị... sau khi thân cảm xúc...
15) ... sau khi ý biết các pháp, tâm hướng đến các pháp khả ái, tâm ghét bỏ các pháp không khả ái, sống với niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Người ấy không như thật biết rõ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do vậy, các ác bất thiện pháp đã khởi lên, không có đoạn diệt không có dư tàn.
16) Như vậy, này Bà-la-môn, là các căn không có hộ trì.
17) -- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Kaccàna, thật là hy hữu, thưa Tôn giả Kaccàna, cách thức Tôn giả Kaccàna đã định nghĩa các căn không hộ trì. Các căn có hộ trì, các căn có hộ trì, Tôn giả Kaccàna đã nói như vậy; cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Kaccàna, là các căn có hộ trì?
18) -- Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, tâm không hướng đến các sắc khả ái, tâm không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật biết rõ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do vậy, các ác bất thiện pháp đã khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.
19-22) ... sau khi tai nghe tiếng... sau khi mũi ngửi hương... sau khi lưỡi nếm vị... sau khi thân cảm xúc...
23) ... sau khi ý nhận biết các pháp, tâm không hướng đến các pháp khả ái, tâm không ghét bỏ các pháp không khả ái, sống với niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật biết rõ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do vậy, các ác bất thiện pháp đã khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.
24) Như vậy, này Bà-la-môn, là các căn được hộ trì.
25) -- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Kaccàna, thật là hy hữu, thưa Tôn giả Kaccàna, cách thức Tôn giả Kaccàna đã định nghĩa các căn được hộ trì. Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccàna! Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccàna! Thưa Tôn giả Kaccàna, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt được thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Kaccàna dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay, thưa Tôn giả Kaccàna, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Kaccàna hãy nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng. Và như Tôn giả Kaccàna đi đến viếng các gia đình cư sĩ, cũng vậy, cũng vậy, mong Tôn giả Kaccàna hãy đến viếng các gia đình Lohicca. Tại đấy, các thanh niên và thanh nữ sẽ đảnh lễ Tôn giả Kaccàna, sẽ soạn chỗ ngồi, hay cúng dường nước cho Tôn giả Kaccàna, và như vậy, họ sẽ được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài.
133. X. Verahaccàni (S.iv,121)
1) Một thời Tôn giả Udàyi trú ở Kàmandàya, tại vườn xoài của Bà-la-môn Todeyya.
2) Rồi một đệ tử thanh niên của nữ Bà-la-môn, thuộc dòng họ Verahaccàni, đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến, nói với Tôn giả Udàyi những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Rồi Tôn giả Udàyi với bài pháp thoại, trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ thanh niên Bà-la-môn ấy đang ngồi xuống một bên.
4) Rồi thanh niên ấy, sau khi được Tôn giả Udàyi với bài pháp thoại, trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền đi đến nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni; sau khi đến, nói với nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni:
-- Mong nữ Tôn giả biết cho, Sa-môn Udàyi thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa, với văn, và trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.
5) -- Vậy này Thanh niên, hãy nhân danh ta, mời Sa-môn Udàyi ngày mai đến dùng cơm.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên Bà-la-môn ấy vâng đáp nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni, đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Tôn giả Udàyi, hãy nhận đạo sư phí của chúng tôi là buổi cơm ngày mai từ nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni.
Tôn giả Udàyi im lặng nhận lời.
6) Rồi Tôn giả Udàyi, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni; sau khi đi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
7) Rồi nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni tự tay dâng cúng, hầu hạ Tôn giả Udàyi với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm.
8) Rồi nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni sau khi thấy Tôn giả Udàyi đã dùng cơm xong, tay đã rút lui khỏi bát, liền mang dép, ngồi trên chỗ ngồi cao, trùm đầu, và thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Này Sa-môn, hãy thuyết pháp.
-- Này Chị, thời gian ấy sẽ đến.
Nói xong, Tôn giả Udàyi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
9) Lần thứ hai, thanh niên Bà-la-môn ấy đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Udàyi những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Udàyi với lời pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ thanh niên Bà-la-môn đang ngồi xuống một bên.
10) Lần thứ hai, thanh niên Bà-la-môn ấy sau khi được Tôn giả Udàyi với pháp thoại, trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni; sau khi đến nói với nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni:
-- Nữ Tôn giả hãy biết, Sa-môn Udàyi thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa, với văn và trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh.
11) -- Như vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, Ông nói lời tán thán Sa-môn Udàyi. Nhưng Sa-môn Udàyi khi được nói: "Này Sa-môn, hãy thuyết pháp", sau khi trả lời: "Này Chị, thời ấy sẽ đến", từ chỗ ngồi đứng dậy, và đi về tịnh xá.
12) -- Thưa nữ Tôn giả, vì rằng nữ Tôn giả đã đi dép, ngồi trên chỗ cao, trùm đầu và nói: "Này Sa-môn, hãy thuyết pháp", các bậc Tôn giả ấy cung kính pháp, tôn trọng pháp.
13) -- Vậy, này Thanh niên Bà-la-môn, hãy nhân danh ta, ngày mai mời Sa-môn Udàyi đến dùng cơm.
-- Thưa vâng, nữ Tôn giả.
Thanh niên Bà-la-môn ấy vâng đáp nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni, đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến, nói với Tôn giả Udàyi:
-- Tôn giả Udàyi, hãy chấp nhận đạo sư phí của chúng tôi là buổi cơm ngày mai từ nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni.
Tôn giả Udàyi im lặng nhận lời.
14) Rồi Tôn giả Udàyi, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
15) Rồi nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni, tự tay dâng cúng, hầu hạ Tôn giả Udàyi với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm.
16) Rồi nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni, sau khi thấy Tôn giả ăn xong, tay đã rút lui khỏi bát, liền cởi dép, ngồi trên chỗ ngồi thấp, cởi khăn trùm đầu, rồi thưa Tôn giả Udàyi:
-- Thưa Tôn giả, do cái gì hiện hữu, các bậc A-la-hán trình bày về lạc khổ? Do cái gì không hiện hữu, các bậc A-la-hán không trình bày lạc khổ?
17) -- Này Chị, do mắt hiện hữu, các bậc A-la-hán trình bày lạc khổ. Do mắt không hiện hữu, các bậc A-la-hán không trình bày lạc khổ... Do ý hiện hữu, các bậc A-la-hán trình bày lạc khổ. Do ý không hiện hữu, các bậc A-la-hán không trình bày lạc khổ.
18) Khi được nói vậy, nữ Bà-la-môn thuộc dòng họ Verahaccàni thưa với Tôn giả Udàyi:
-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thưa Tôn giả, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Udàyi dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay, thưa Tôn giả Udàyi, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Tôn giả Udàyi nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
IV. Phẩm Devadaha
134. I. Sát Na Ở Devadaha (S.iv,124)
1) Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại một thị trấn của dân chúng Sakka, tên là Devadaha.
2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng đối với tất cả Tỷ-kheo cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng đối với tất cả Tỷ-kheo không cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ.
3) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn trừ hữu kiết sử, đã được giải thoát nhờ chánh trí; thời này các Tỷ-kheo, đối với những Tỷ-kheo ấy, Ta tuyên bố rằng không cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ. Vì sao?
4) Vì các vị ấy đã hành trì không phóng dật, đến nỗi họ không thể trở thành phóng dật.
5) Này các Tỷ-kheo, còn những Tỷ-kheo nào còn là hữu học, sở nguyện chưa thành đạt, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; thời này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo ấy, Ta tuyên bố rằng họ cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ. Vì sao?
6) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả ái và không khả ái. Dầu chúng xúc chạm tâm nhiều lần, chúng không chi phối được tâm và tồn tại. Do tâm không bị chi phối, tinh cần, tinh tấn khởi lên, không có biếng nhác; niệm được an trú, không có thất thoát; thân được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh, nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, thấy được quả không phóng dật này, đối với những Tỷ-kheo ấy. Ta tuyên bố rằng, cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ.
7-10) Này các Tỷ-kheo, có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân nhận thức...
11) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả ái và không khả ái. Dầu chúng xúc chạm tâm nhiều lần, chúng không chi phối được tâm và tồn tại. Do tâm không bị chi phối, tinh cần, tinh tấn khởi lên, không có biếng nhác; niệm được an trú, không có thất thoát; thân được khinh an, không cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh, nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, thấy được quả không phóng dật này, đối với những Tỷ-kheo ấy, Ta tuyên bố rằng, cần phải cố gắng không phóng dật đối với sáu xúc xứ.
135. II. Thâu Nhiếp (S.iv, 126)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông được lợi đắc. Này các Tỷ-kheo, các Ông được khéo lợi đắc. Các Ông đã nắm được cơ hội (khana) để sống Phạm hạnh.
3) Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các địa ngục gọi là sáu xúc xứ địa ngục. Ở đấy, phàm mắt thấy sắc gì, thấy sắc không khả lạc, không phải sắc khả lạc; thấy sắc không khả hỷ, không phải sắc khả hỷ; thấy sắc không khả ý, không phải sắc khả ý. Phàm tai nghe tiếng gì... Phàm mũi ngửi hương gì... Phàm lưỡi nếm vị gì... Phàm thân cảm xúc gì... Phàm ý nhận thức pháp gì, nhận thức pháp không khả lạc, không phải pháp khả lạc; nhận thức không phải khả hỷ, không phải pháp khả hỷ; nhận thức pháp không khả ý, không phải pháp khả ý.
Này các Tỷ-kheo, các Ông được lợi đắc. Này các Tỷ-kheo, các Ông được khéo lợi đắc. Các Ông đã nắm được cơ hội để sống Phạm hạnh.
4) Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các Thiên giới gọi là sáu xúc xứ Thiên giới. Tại đấy, phàm mắt thấy sắc gì, thấy sắc khả lạc, không phải sắc không lạc; thấy sắc khả hỷ, không phải sắc không khả hỷ; thấy sắc khả ý, không phải sắc không khả ý. Phàm tai nghe tiếng gì... Phàm mũi ngửi hương gì... Phàm lưỡi nếm vị gì... Phàm thân cảm xúc gì... Phàm ý nhận thức pháp gì, nhận thức pháp khả lạc, không phải không khả lạc; nhận thức pháp khả hỷ, không phải không khả hỷ; nhận thức pháp khả ý, không phải pháp không khả ý.
Này các Tỷ-kheo, các Ông được lợi đắc. Này các Tỷ-kheo, các Ông được khéo lợi đắc. Các Ông đã nắm được cơ hội để sống Phạm hạnh.
136. III. Không Thâu Nhiếp (2) (S.iv 126)
1) ...
2) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời thích thú sắc, bị sắc kích thích. Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ... thích thú tiếng... thích thú hương... thích thú vị... thích thú xúc... Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời thích thú pháp, bị pháp kích thích. Khi pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ.
3) Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly của sắc, không có thích thú sắc, không có ưa thích sắc, không bị sắc kích thích. Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống an lạc... không thích thú tiếng... không thích thú hương... không thích thú vị... không thích thú xúc...
Sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của pháp, Như Lai không thích thú pháp, không ưa thích pháp, không bị pháp kích thích. Khi pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, Như Lai sống an lạc.
4) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
1) Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Và toàn thể các pháp,
Khả lạc, hỷ, khả ý,
Như vậy, chúng được gọi.
2) Chư Thiên và Người đời,
Xem chúng là khả lạc,
Chỗ nào chúng đoạn diệt,
Thiên, Nhân thấy đau khổ.
3) Bậc Thánh thấy an lạc,
Khi thân kiến đoạn diệt,
Bậc Thánh xem trái ngược,
Mọi quan điểm của đời.
4) Ðiều người gọi là lạc,
Bậc Thánh gọi là khổ.
Ðiều người gọi là khổ,
Thánh nhân biết là lạc.
5) Thấy pháp khó nhận biết,
Kẻ vô trí mê loạn,
Tối tăm đối vô minh,
Mù lòa đối không thấy.
6) Thiện nhân mắt rộng mở,
Thấy rõ ràng ánh sáng,
Sống gần, biết rõ ràng,
Thuần thục trong pháp lớn.
7) Bị tham sanh chinh phục,
Bị dòng hữu cuốn trôi,
Bị Ác ma chi phối,
Không giác ngộ pháp này.
8) Ngoài Thánh không có ai,
Giác ngộ con đường này,
Con đường đạt Niết-bàn,
Chánh trí thoát lậu hoặc.
5) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời thích thú sắc, bị sắc kích thích. Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ... thích thú tiếng... thích thú hương... thích thú vị... thích thú xúc... Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời thích thú pháp, bị pháp kích thích. Khi pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và Người đời sống đau khổ.
6) Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc, không thích thú sắc, không ưa thích sắc, không bị sắc kích thích. Khi sắc biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống an lạc... không thích thú tiếng... không thích thú hương... không thích thú vị... không thích thú xúc... Sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các pháp, Như Lai không thích thú pháp, không ưa thích pháp, không bị các pháp kích thích. Khi các pháp biến hoại, ly tham, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống an lạc.
137. V. Các Lậu (1) (S.iv,128)
1) ...
2) Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?
3-8) Mắt, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ mắt. Từ bỏ mắt sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ ý. Từ bỏ ý sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong rừng Jeta này, có người mang đi, hoặc đem đốt, hoặc tùy duyên làm một việc gì đối với cỏ, củi, cành và lá, thời các Ông có vì vậy mà nghĩ rằng người ấy mang các Ông đi, đốt các Ông, hay tùy duyên làm một việc gì với các Ông?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao?
-- Bạch Thế Tôn, vì cái ấy không phải tự ngã, không thuộc tự ngã.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. Mắt không phải của các Ông, hãy từ bỏ mắt. Từ bỏ mắt sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ ý. Từ bỏ ý, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.
138. V. Các Lậu (2) (S.iv,129)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, hãy từ bỏ chúng... (Như kinh trước, chỉ khác là thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc, và các pháp).
139. VI. Nội Căn Do Nhân (1) (S.iv,129)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, mắt là vô thường. Do nhân gì, do duyên gì khiến mắt khởi lên, cái ấy cũng vô thường. Này các Tỷ-kheo, mắt do nhân vô thường khởi lên, từ đâu sẽ thường còn được?
4-7) ... tai... mũi... lưỡi... thân...
8) Này các Tỷ-kheo, ý là vô thường. Do nhân gì, do duyên gì khiến ý khởi lên, cái ấy cũng vô thường. Này các Tỷ-kheo, ý do nhân vô thường khởi lên, từ đâu có thể thường được?
9) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... đối với ý. Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
140. VII. Nội Căn Do Nhân (2) (S.iv,130)
(Như kinh trên, chỉ khác khổ thế cho vô thường) ...
141. VIII. Nội Căn Do Nhân (3) (S.iv,130)
(Như kinh trên, chỉ khác vô ngã thế cho vô thường) ...
142 - 144. IX - X. Ngoại Căn Do Nhân (1) (2)(3)(S.iv,131)
(Như các kinh trước, chỉ thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc, các pháp)...
V. Mới Và Cũ
145. I. Nghiệp (S.iv,132)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về các nghiệp mới và cũ, sự đoạn diệt các nghiệp, con đường đưa đến sự đoạn diệt các nghiệp. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
3) Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp cũ?
Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp cũ.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp mới? Này các Tỷ-kheo, hiện tại phàm làm việc gì với thân, với lời nói, hay với ý. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp mới.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Sự đoạn diệt thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, nhờ vậy cảm thấy giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp đoạn diệt.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.
7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã giảng cho các Ông nghiệp cũ, đã giảng nghiệp mới, đã giảng nghiệp đoạn diệt, đã giảng con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.
8) Này các Tỷ-kheo, phàm những gì bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương đệ tử, những việc ấy Ta đã làm cho các Ông, vì lòng thương tưởng các Ông.
9) Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Hãy Thiền tư, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
146. II. Thích ứng (1) (S.iv,133)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thích ứng với Niết-bàn. Hãy lắng nghe... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích ứng với Niết-bàn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy mắt là vô thường, thấy các sắc là vô thường, thấy nhãn thức là vô thường, thấy nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường.
4-5) ... tai... mũi...
6-7) ... lưỡi... thân...
8) .. thấy ý là vô thường, thấy các pháp là vô thường, thấy ý thức là vô thường, thấy ý xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường.
9) Và này các Tỷ-kheo, đây là con đường thích ứng với Niết-bàn.
147-148. III-IV. Thích ứng (2) (3) (S.iv,134)
(Như kinh trên, chỉ khác là thế vào khổ và vô ngã)
149. V. Thích ứng (4) (S.iv,135)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về con đường thích ứng với Niết-bàn. Hãy lắng nghe... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích ứng với Niết-bàn?
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn...
(Như kinh 32)
150. VI. Ðệ Tử Nội Trú (S.iv,136)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, không có các đệ tử nội trú, không có Ðạo Sư. Phạm hạnh này được sống.
4) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có đệ tử nội trú, có Ðạo sư là sống đau khổ, không có thoải mái. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống không có đệ tử nội trú, không có Ðạo sư là sống an lạc, thoải mái.
5) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, sống có đệ tử nội trú, có Ðạo sư là sống đau khổ, không có thoải mái?
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng bị khởi lên trói buộc, chúng trú ở trong vị ấy; các ác bất thiện pháp nội trú trong vị ấy. Do vậy, được gọi là có đệ tử nội trú. Chúng theo sát (Samudàcaranti) vị ấy; các ác bất thiện pháp theo sát vị ấy. Do vậy, được gọi là Ðạo sư.
7-10) ... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc...
11) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ý biết pháp, các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng bị trói buộc khởi lên, chúng trú ở trong vị ấy; các ác bất thiện pháp nội trú ở trong vị ấy. Do vậy, được gọi là có đệ tử nội trú. Chúng theo sát vị ấy; các ác bất thiện pháp theo sát vị ấy. Do vậy, được gọi là có Ðạo sư.
12) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo sống có đệ tử nội trú, có Ðạo sư, là sống đau khổ, không có thoải mái.
13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống không có đệ tử nội trú, không có Ðạo sư, là sống an lạc thoải mái?
14) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng bị trói buộc không khởi lên, chúng không trú ở trong vị ấy; các ác bất thiện pháp không nội trú trong vị ấy. Cho nên, vị ấy được gọi là sống không có đệ tử nội trú. Chúng không theo sát vị ấy; các ác bất thiện pháp không theo sát vị ấy. Do vậy, vị ấy được gọi là không có Ðạo sư.
15-18) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc...
19) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ý biết pháp, các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng không khởi lên, chúng không trú ở trong vị ấy; các ác bất thiện pháp không nội trú ở trong vị ấy. Do vậy, được gọi là sống không có đệ tử nội trú. Chúng không theo sát vị ấy; các ác bất thiện pháp không theo sát vị ấy. Do vậy, vị ấy được gọi là không có Ðạo sư.
20) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo sống không có đệ tử nội trú, không có Ðạo sư.
Ðây, này các Tỷ-kheo, được gọi là Phạm hạnh không có đệ tử nội trú, không có Ðạo sư.
21) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có đệ tử nội trú, có Ðạo sư là sống đau khổ, không có thoải mái. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống không có đệ tử nội trú, không có Ðạo sư, là sống an lạc, thoải mái.
151. VII. Với Mục Ðích Gì? (S.iv,138)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Có cái gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?"; được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:
4) "Này chư Hiền, vì liễu tri đau khổ nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn".
5) Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Thế nào, này chư Hiền, là vì liễu tri đau khổ nên Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?"; được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:
6-11) "Mắt, này chư Hiền, là khổ. Vì liễu tri nó nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Nhãn xúc là khổ. Vì liễu tri nó nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là khổ. Vì liễu tri cảm thọ ấy nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn... Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là khổ. Vì liễu tri cảm thọ ấy nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.
12) Ðây là khổ, này chư Hiền, vì liễu tri khổ nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn".
13) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời như vậy cho những du sĩ ngoại đạo ấy.
152. VIII. Có Pháp Môn Nào? (S.iv,138)
1-2) ...
3) -- Có pháp môn nào, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp (àkàra-paritakkà), ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận (ditthini shànakhanti), có thể xác chứng chánh trí; vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, Pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5) -- Có một pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng chánh trí; vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận... trạng thái này nữa".
6) Pháp môn ấy là gì, do pháp môn ấy... "...không còn trở lui trạng thái này nữa"?
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta có tham, sân, si"; hoặc nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta không có tham, sân, si". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham, sân, si biết rõ: "Nội tâm ta có tham, sân, si"; hoặc nội tâm không có tham, sân, si biết rõ: "Nội tâm ta không có tham, sân, si". Này các Tỷ-kheo, biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn, thích thú biện luận được hiểu biết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Có phải các pháp này, do thấy chúng với trí tuệ nên được hiểu biết?
-- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
-- Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn này, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí; vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa".
8-11) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc...
12) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ý biết pháp, hoặc nội tâm có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta có tham, sân, si"; hoặc nội tâm không có tham, sân, si, biết rõ: "Nội tâm ta không có tham, sân, si". Này các Tỷ-kheo, khi ý biết pháp, hoặc biết rõ nội tâm có tham, sân, si: "Nội tâm ta có tham, sân, si", hoặc biết rõ nội tâm không có tham, sân, si: "Nội tâm ta không có tham, sân, si". Này các Tỷ-kheo, sự biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn, thích thú biện luận được hiểu biết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Có phải các pháp này, do thấy chúng với trí tuệ nên được hiểu biết?
-- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
13) -- Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về pháp môn, hay ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí; vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
153. IX. Căn (S.iv,140)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Các căn được thành tựu", như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, các căn được thành tựu?
4) -- Nếu Tỷ-kheo quán sanh diệt trong nhãn căn, vị ấy nhàm chán đối với nhãn căn... trong nhĩ căn... trong tỷ căn... trong thiệt căn... trong thân căn... Nếu Tỷ-kheo quán sanh diệt trong ý căn, vị ấy nhàm chán đối với ý căn. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã được giải thoát".Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
5) Cho đến như vậy, Tỷ-kheo thành tựu các căn.
154. X. Vị Thuyết Pháp (S.iv,141)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là vị thuyết pháp?
4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt mắt, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với mắt, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thành tựu pháp và thuận pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với mắt, được giải thoát không có chấp thủ, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo chứng được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
5-8) ... tai... mũi... lưỡi... thân...
9) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt ý, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với ý, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp và thuận pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với ý, được giải thoát không có chấp thủ, như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Phần Bốn - Năm Mươi Kinh Thứ Tư
I. Phẩm Duyệt Hỷ Tiêu Tận

155. I. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (S.iv,142)
1) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy mắt vô thường là vô thường, thấy vậy là chánh tri kiến. Do thấy chơn chánh, vị ấy nhàm chán. Do duyệt hỷ tiêu tận (nandi) nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.
4-7) Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy tai vô thường là vô thường... thấy mũi vô thường là vô thường... thấy lưỡi vô thường là vô thường... thấy thân vô thường là vô thường...
8) Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo thấy ý vô thường là vô thường, thấy vậy là chánh tri kiến. Do thấy chơn chánh, vị ấy nhàm chán. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.
156. II. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (2)(S.iv,142)
(Như kinh trên, chỉ khác là thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc, các pháp).
157. III. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (3)(S.iv,142)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý mắt, và hãy như thật chánh quán con mắt là vô thường. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý con mắt và như thật chánh quán con mắt là vô thường, Tỷ-kheo nhàm chán đối với con mắt. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.
4-7) Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý tai... mũi... lưỡi... thân...
8) Này các Tỷ-kheo, hãy như lý tác ý và như thật chánh quán ý là vô thường. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý và như thật chánh quán ý là vô thường, Tỷ-kheo nhàm chán đối với ý. Do duyệt hỷ tiêu tận nên tham tiêu tận. Do tham tiêu tận nên duyệt hỷ tiêu tận. Do duyệt hỷ, tham tiêu tận nên tâm được gọi là khéo giải thoát.
158. IV. Duyệt Hỷ Tiêu Tận (4)(S.iv,143)
(Như kinh trên chỉ thế vào các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc và các pháp)
159. V. Trong Vườn Xoài Jiivaka (1) (S,iv,143)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại vườn xoài Jiivaka.
2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
3) -- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có tâm định tĩnh, sự vật như thật hiển hiện. Và sự vật gì như thật hiển hiện?
4) Mắt vô thường như thật hiển hiện. Các sắc vô thường như thật hiển hiện. Nhãn thức vô thường như thật hiển hiện. Nhãn xúc vô thường như thật hiển hiện. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy vô thường như thật hiển hiện.
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý vô thường như thật hiển hiện. Các pháp vô thường như thật hiển hiện. Ý thức vô thường như thật hiển hiện. Ý xúc vô thường như thật hiển hiện. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy vô thường như thật hiển hiện.
10) Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Tỷ-kheo có tâm định tĩnh, sự vật như thật hiển hiện.
160. VI. Trong Vườn Xoài Jiivaka (2) (S.iv,144)
161. VII. Kotthika (1) (S.iv,145)
1) ...
2) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp từ Thế Tôn, con sẽ sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
-- Cái gì vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Này Kotthika, cái gì là vô thường?
4) Mắt là vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Các sắc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Nhãn thức là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Nhãn xúc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Các pháp là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Ý thức là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Ý xúc là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
10) Cái gì vô thường, này Kotthika, ở đấy Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
162-163. VIII-IX. Kotthika (2) (3)(S,iv,146)
(Hai kinh này giống kinh trên chỉ khác là một kinh nói đến khổ, một kinh nói đến vô ngã)
164. X. Tà Kiến (S.iv,147)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, thấy như thế nào, tà kiến được đoạn trừ?
4-9) -- Tỷ-kheo do biết và thấy mắt là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ. Do biết và thấy nhãn thức là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ... Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên tà kiến được đoạn trừ.
10) Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, do thấy như vậy nên tà kiến được đoạn trừ.
165. XI. Thân Kiến (S.iv,147)
(Như kinh trên, chỉ thế thân kiến cho tà kiến...).
166. XII. Ngã Kiến (S.iv,148)
(Như kinh trên, chỉ thế vào ngã kiến).
II. Phẩm Sáu Mươi Lược Thuyết
167. I. Do Dục Niệm (18 kinh) (1) (S.iv,148)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, cái gì vô thường, ở đấy, các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Và này các Tỷ-kheo, cái gì là vô thường? (Như kinh 161, chỉ khác, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo).
II. Do Dục Niệm (2)
(Như kinh trên, chỉ thế tham (ràga) cho dục niệm).
III. Do Dục Niệm (3)
(Như kinh trên, chỉ thế dục và tham cho dục niệm)...
168. IV-VI. Do Dục Niệm (4), (5), (6). (S.iv,149)
1-2) ...
3) -- Cái gì khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham... Và này các Tỷ-kheo, cái gì là khổ?
4) Mắt là khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý là khổ, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
10) Cái gì là khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham.
169. VII-IX. Do Lòng Dục (7), (8), (9), (S.iv,150)
1-2) ...
3) -- Cái gì vô ngã, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham... Và này các Tỷ-kheo, cái gì là vô ngã?
4) Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
9) Ý là vô ngã, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham.
10) Cái gì là vô ngã, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham.
170. X-XII. Do Lòng Dục (10), (11), (12) (S,iv,150)
1-2) ...
3) -- Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham. Và này các Tỷ-kheo, cái gì là vô thường?
4) Các sắc là vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đấy các ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
5-8) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
9) Các pháp là vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
10) Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham.
171. XIII-XV. Do Lòng Dục (13), (14), (15) (S.iv,150)
1-2) ...
3) -- Cái gì khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham... Và này các Tỷ-kheo, cái gì là khổ?
4) Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
5-8) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
9) Các pháp là khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
10) Cái gì khổ, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
172. XVI-XVIII. Do Lòng Dục (16), (17), (18) (S.iv,151)
1-2) ...
3) -- Cái gì vô ngã, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham... Và này các Tỷ-kheo, cái gì là vô ngã?
4) Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
5-8) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
9) Các pháp, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
10) Cái gì là vô ngã, này các Tỷ-kheo, ở đấy các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... lòng tham... lòng dục và tham...
173. XIX. Thuộc Quá Khứ (1)(9 kinh) (S.iv,151)
1-2) ...
3-9) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc quá khứ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô thường, thuộc quá khứ.
10) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với tai, nhàm chán đối với mũi, nhàm chán đối với lưỡi, nhàm chán đối với thân, nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
XX. Thuộc Quá Khứ (2)
1-2) ...
3-8) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc vị lai... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô thường, thuộc vị lai.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
XXI. Thuộc Quá Khứ (3)
1-2) ...
3-8) Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc hiện tại. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô thường, thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
174. XXII-XXIV. Thuộc Quá Khứ , (4), (5), (6), (S.iv,152)
1-2) ...
3-8) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
175. XXV-XXVII. Thuộc Quá Khứ (7), (8), (9), (S.iv,152)
1-2) ...
3-8) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
176. XXVIII-XXX. Thuộc Quá Khứ (9 kinh) (10), (11), (12) (S.iv,152)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Các tiếng... Các hương.... Các vị... Các xúc... Các pháp là vô thường, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
177. XXXI-XXXIII. Thuộc Quá Khứ (13), (14), (15) (S.iv,152)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Các tiếng... Các hương.... Các vị... Các xúc... Các pháp là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
178. XXXIV-XXXVI. Thuộc Quá Khứ (16), (17), (18) (S.iv,152)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Các tiếng... Các hương.... Các vị... Các xúc... Các pháp là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
179. XXXVII. Cái Gì Vô Thường (18 kinh) (1)(S.iv,152)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc quá khứ. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
4-7) Tai là vô thường... Mũi là vô thường... Lưỡi là vô thường... Thân là vô thường...
8) Ý là vô thường, thuộc quá khứ. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
XXXVIII. Cái Gì Vô Thường (2)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc vị lai. Cái gì vô thường là khổ... (như kinh trên, chỉ khác đây thuộc vị lai).
XXXIX. Cái Gì Vô Thường (3)
(Như kinh trên, chỉ khác đây thuộc hiện tại)
180. XL-XLII. Cái Gì Vô Thường (4), (5), (6), (S.iv,154)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
4-7) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
8) Ý là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
181. XLIII-XLV. Cái Gì Vô Thường (7), (8), (9) (S,iv,154)
1-2) ...
3) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi... (như trên)...
182. XLVI - XLVIII. Cái Gì Vô Thường (10), (11), (12) (S.iv,154)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
8) Các pháp là vô thường, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
183. XLIX-LI. Cái Gì Vô Thường (13), (14), (15). (S.iv,155)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
4-7) Các pháp là khổ, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì khổ, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
184. LII-LIV. Cái Gì Vô Thường (16), (17), (18) (S.iv,155)
1-2) ...
3) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi.
4-7) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...
8) Các pháp là vô ngã, thuộc quá khứ... thuộc vị lai... thuộc hiện tại... Cái gì vô ngã, cái ấy không phải là của tôi, cái ấy không phải là tôi, cái ấy không phải là tự ngã của tôi. Như vậy, cần phải như thật quán cái ấy với chánh trí tuệ.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
185. LV. Nội (3 kinh) (1) (S.iv,155)
1-2) ...
3-8) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô thường.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
LVI. Nội (2)
1-2) ...
3-8) -- Mắt, này các Tỷ-kheo, là khổ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là khổ...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
LVII. Nội (3)
1-2) ...
3-8) Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là vô ngã.
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
186. LVIII. Ngoại (3 kinh) (1) (S.iv,156)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc... Các pháp là vô thường...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
LIX. Ngoại (2)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc... Các pháp là khổ...
LX. Ngoại (3)
1-2) ...
3-8) -- Các sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc... Các pháp là vô ngã...
9) Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
III. Phẩm Biển
187. I. Biển (1) (S.iv,157)
2) -- "Biển, biển", này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu nói như vậy. Cái ấy, này các Tỷ-kheo, không phải là biển trong giới luật các bậc Thánh. Cái ấy (của kẻ phàm phu), này các Tỷ-kheo, là một khối nước lớn, là một dòng nước lớn.
3-7) Con mắt là biển của người, tốc độ của nó làm bằng các sắc. Ai điều phục được tốc độ làm bằng các sắc ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là Bà-la-môn đã vượt khỏi biển mắt, với những làn sóng (sàùmim), nước xoáy (sàvattasu), các loại cá mập (sagàham), các loại La-sát (Rakkhasam), đến bờ bên kia và đứng trên đất liền. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
8) Ý, này các Tỷ-kheo, là biển của người, tốc độ của nó làm bằng các pháp. Ai điều phục được tốc độ làm bằng các pháp ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là Bà-la-môn đã vượt khỏi biển ý, với những làn sóng, nước xoáy, các loại cá mập, các loại La-sát, đến bờ bên kia, và đứng trên đất liền.
9) Bậc Ðạo Sư nói như sau:
Ai vượt qua biển này,
Với cá mập, La-sát.
Với sóng biển hãi hùng,
Biển rất khó vượt qua,
Bậc tối thắng trí tuệ,
Ðã thành tựu Phạm hạnh,
Ðược gọi: "Ðến bờ kia",
Ðã đạt thế giới biên.
188. II. Biển (2)(S.iv,157)
1) ...
2) -- "Biển, biển", này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu nói như vậy. Cái ấy, này các Tỷ-kheo, không phải là biển trong giới luật của bậc Thánh. Cái ấy (của kẻ phàm phu) là một khối nước lớn, một dòng nước lớn.
3-5) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khá ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không gọi là biển trong giới luật của bậc Thánh. Ở đây, thế giới này với Thiên giới, với Ma giới, với Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, phần lớn chìm đắm trong ấy, bị rối ren như cuộn chỉ, bị bao trùm như cuộn dây, thành như sợi dây bện bằng cỏ, không thể vượt qua cõi dữ, ác thú, đọa xứ, luân hồi!
6-7) Này các Tỷ-kheo, có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân nhận thức...
8) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không gọi là biển trong giới luật của bậc Thánh. Ở đây, thế giới này với Thiên giới, với Ma giới, với Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, phần lớn chìm đắm trong ấy, bị rối ren như cuộn chỉ, bị bao trùm như cuộn dây, thành như sợi dây bện bằng cỏ, không thể vượt qua cõi dữ, ác thú, đọa xứ, luân hồi!
189. III. Người Câu Cá (S.iv,158)
1) ...
2) -- Ai đoạn trừ được tham, sân và vô minh, người ấy vượt qua biển khó vượt này, với các loài cá mập, các loài La-sát, với các làn sóng hãi hùng khó vượt này.
Vượt trói buộc, thoát chết,
Không còn có sanh y,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Không còn phải tái sanh.
Sanh tử được đoạn diệt,
Bậc không thể so sánh,
Ta nói, vị như vậy,
Ðã hóa mù Thần chết.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người câu cá trong hồ nước sâu, quăng xuống một lưỡi câu có mắc mồi. Một con cá, với mắt nhìn vào mồi, nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con cá ấy vì nuốt lưỡi câu, đi đến bất hạnh, đi đến ách nạn, bị người câu cá muốn làm gì thì làm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có sáu lưỡi câu này ở trong đời, đưa đến bất hạnh cho các loài hữu tình, đưa đến tai hại cho các loài chúng sanh. Thế nào là sáu?
4-8) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã nuốt lưỡi câu của Ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị Ác ma muốn làm gì thì làm. Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức... Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân nhận thức...
9) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã nuốt lưỡi câu của Ác ma, đã đi đến bất hạnh, đã đi đến ách nạn, đã bị Ác ma muốn làm gì thì làm.
10-14) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ các sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là không nuốt lưỡi câu của Ác ma, đã bẻ gãy lưỡi câu, đã bẻ nát lưỡi câu, không đi đến bất hạnh, không đi đến ách nạn, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm. Này các Tỷ-kheo, có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức... Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân nhận thức...
15) Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị không nuốt lưỡi câu của Ác ma, đã bẻ gãy lưỡi câu, đã bẻ nát lưỡi câu, không đi đến bất hạnh, không đi đến ách nạn, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm.
190. IV. Cây Có Nhựa (S.iv,159)
1) ...
2-6) -- Này các Tỷ-kheo, đối với các sắc do mắt nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào còn có tham, còn có sân, còn có si, tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận; dầu chỉ có phần nhỏ, khi các sắc do mắt nhận thức đi vào trong tầm mắt nhận thức, chúng chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì cả phần lớn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì còn có tham, còn có sân, còn có si, và tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận... Ðối với các tiếng do tai nhận thức... Ðối với các hương do mũi nhận thức... Ðối với các vị do lưỡi nhận thức... Ðối với các xúc do thân nhận thức...
7) Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp do ý nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào còn có tham, còn có sân, còn có si, tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận; dầu chỉ có phần nhỏ, khi các pháp do ý nhận thức đi vào trong tầm ý nhận thức, chúng chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì cả phần lớn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì còn có tham, còn có sân, còn có si, và tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây có nhựa, hoặc cây Bồ-đề (assattha), hoặc cây bàng (nigrodha), hoặc cây sanh (pilakkha), hoặc cây udumbara, hoặc một loại cây còn tươi. Rồi một người với cái búa sắc bén chặt vào cây ấy. Nước nhựa cây ấy có chảy ra không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao?
-- Vì rằng, bạch Thế Tôn, cây ấy có nhựa.
9) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các sắc do mắt nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào còn có tham, còn có sân, còn có si, tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận; dầu chỉ có phần nhỏ, khi các sắc do mắt nhận thức đi vào trong tầm mắt nhận thức, chúng chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì cả phần lớn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì còn có tham, còn có sân, còn có si, và tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận... Ðối với các tiếng do tai nhận thức... Ðối với các hương do mũi nhận thức... Ðối với các vị do lưỡi nhận thức... Ðối với các xúc do thân nhận thức...
Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp do ý nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào còn có tham, còn có sân, còn có si, tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận; dầu chỉ có phần nhỏ, khi các pháp do ý nhận thức đi vào trong tầm ý nhận thức, chúng chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì cả phần lớn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì còn có tham, còn có sân, còn có si, và tham ấy chưa đoạn tận, sân ấy chưa đoạn tận, si ấy chưa đoạn tận.
10-14) Này các Tỷ-kheo, đối với các sắc do mắt nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào không có tham, không có sân, không có si, tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận; dầu cho cả phần lớn, khi các sắc do mắt nhận thức đi vào trong tầm mắt nhận thức, chúng không chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì chỉ phần nhỏ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không có tham, không có sân, không có si, và tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận... Ðối với các tiếng do tai nhận thức... Ðối với các hương do mũi nhận thức... Ðối với các vị do lưỡi nhận thức... Ðối với các xúc do thân nhận thức...
15) Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp do ý nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào không có tham, không có sân, không có si, tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận; dầu cho cả phần lớn, khi các pháp do ý nhận thức đi vào trong tầm ý nhận thức, chúng không chinh phục tâm của vị ấy, còn nói gì chỉ có phần nhỏ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không có tham, không có sân, không có si, và tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận.
16) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây có nhựa, cây Bồ-đề hay cây bàng, hay cây sanh, hay cây udumbara đã khô héo, không có nhựa, đã quá mùa. Rồi một người với cây búa sắc bén chặt vào cây ấy. Nước nhựa cây ấy có chảy ra không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao?
-- Vì rằng, bạch Thế Tôn, cây ấy không có nhựa.
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các sắc do mắt nhận thức, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào không có tham, không có sân, không có si... si ấy đã đoạn tận... Ðối với các pháp do ý nhận thức, tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận; dầu cho cả phần lớn, khi các pháp do ý nhận thức đi vào trong tầm ý nhận thức, chúng không chinh phục tâm vị ấy, còn nói gì chỉ có phần nhỏ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không có tham ấy, không có sân ấy, không có si ấy, và tham ấy đã đoạn tận, sân ấy đã đoạn tận, si ấy đã đoạn tận.
191. V. Kotthika (S.iv,162)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàrànasii, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Thưa Hiền giả, có phải con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt?... Có phải ý là kiết sử của các pháp hay các pháp là kiết sử của ý?
4) -- Này Hiền giả Kotthika, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử... Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.
5) Ví như, này Hiền giả, một con bò đen và một con bò trắng bị cột lại bởi sợi dây hay cái ách. Nếu có người nói con bò đen là kiết sử của con bò trắng, hay con bò trắng là kiết sử của con bò đen, thời nói vậy có phải nói một cách chơn chánh không?
-- Thưa không.
-- Này Hiền giả, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng. Và con bò trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đen. Do sợi dây hay cái ách cột lại, cái ấy ở đây là kiết sử.
Này Hiền giả, cũng vậy, con mắt cũng không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử... Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.
6) Này Hiền giả, nếu con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt, thời Phạm hạnh này đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể tuyên bố. Vì rằng, này Hiền giả, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc cũng không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Do vậy, Phạm hạnh đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể tuyên bố... Này Hiền giả, nếu ý là kiết sử của các pháp, hay các pháp là kiết sử của ý, thời Phạm hạnh này đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể tuyên bố. Vì rằng, ý không phải là kiết sử của các pháp, hay các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Do vậy, Phạm hạnh đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể tuyên bố.
7) Này Hiền giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của sắc. Sắc không phải là kiết sử của mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử... Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.
8) Này Hiền giả, Thế Tôn có mắt. Với con mắt, Thế Tôn thấy sắc. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn... Này Hiền giả, Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn.
9) Này Hiền giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử... Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử.
192. VI. Kàmabhù (S.iv,165)
(Tôn giả Kàmabhù đi đến Tôn giả Ananda và hỏi cùng một câu và được trả lời tương tự như kinh trước).
193. VII. Udàyi (S.iv,166)
1) Một thời Tôn giả Ananda và Tôn giả Udàyi trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
2) Rồi Tôn giả Udàyi, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm... rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi thưa với Tôn giả Ananda:
-- Thưa Hiền giả Ananda, như Thế Tôn dùng nhiều phương tiện đã nói lên, đã khai mở, đã nêu rõ thân này là vô ngã. Có thể chăng, cũng như vậy tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị rằng thức này cũng vô ngã?
-- Này Hiền giả Udàyi, như Thế Tôn dùng nhiều pháp môn đã nói lên, đã khai mở, đã nêu rõ thân này là vô ngã. Cũng như vậy, có thể tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị rằng thức này cũng vô ngã.
4-8) Này Hiền giả, có phải do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức?
-- Thưa phải, Hiền giả.
-- Này Hiền giả, do nhân nào, do duyên nào khởi lên nhãn thức, nếu nhân ấy, nếu duyên ấy một cách toàn diện, dưới mọi hình thức, được đoạn diệt hoàn toàn, không có dư tàn, thời nhãn thức có thể nêu rõ được không?
-- Thưa không, Hiền giả.
-- Với pháp môn này, Thế Tôn đã tuyên thuyết, đã khai mở, đã nêu rõ thức này là vô ngã... Có phải do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức?... Có phải do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức?... Có phải do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức?... Có phải do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức?...
9) Này Hiền giả, có phải do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức?
-- Thưa phải, Hiền giả.
-- Này Hiền giả, do nhân nào, do duyên nào khởi lên ý thức, nếu nhân ấy, nếu duyên ấy một cách toàn diện, dưới mọi hình thức, được đoạn diệt hoàn toàn, không có dư tàn, thời ý thức có thể nêu rõ được không?
-- Thưa không, Hiền giả.
-- Với pháp môn này, thưa Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên thuyết, đã khai mở, đã nêu rõ thức này là vô ngã.
10) Ví như, này Hiền giả, một người cần dùng lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cây búa sắc bén đi vào trong rừng. Ở đấy, người này thấy một thân cây chuối lớn, thẳng, mới lớn và cao. Người ấy chặt đứt rễ cây, chặt đứt xong, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ ngoài ra. Người ấy ở đây không tìm được giác cây, còn nói gì lõi cây.
11) Cũng vậy, này Hiền giả, Tỷ-kheo trong sáu xúc xứ, không quán thấy có tự ngã và thuộc ngã. Do thấy như vậy, vị ấy không chấp thủ một cái gì ở trong đời. Do không chấp thủ, vị ấy không tham luyến. Do không tham luyến, vị ấy tự mình hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
194. VIII. Với Lửa Cháy (S.iv,168)
1) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về pháp môn lửa cháy, pháp môn Chánh pháp. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn lửa cháy, pháp môn Chánh pháp?
2) Thật tốt hơn, này các Tỷ-kheo, nếu nhãn căn bị hủy hoại với một cây kim bằng sắt nung đỏ, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Như vậy, không có chấp thủ tướng riêng, không chấp thủ tướng chung đối với các sắc do mắt nhận thức, này các Tỷ-kheo, thức có thể vững trú, kiên trú, bị trói buộc bởi vị ngọt tướng chung hay bị trói buộc bởi vị ngọt tướng riêng. Trong thời gian ấy, nếu mệnh chung, thời sự kiện này xảy ra: Ði thác sanh vào một trong hai sanh thú này: địa ngục hay bàng sanh.
3) Này các Tỷ-kheo, do thấy nguy hiểm này, Ta nói như vầy: Thật tốt hơn, này các Tỷ-kheo, nếu nhĩ căn bị hủy hoại với một cái dùi bằng sắt nung đỏ, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Như vậy, không chấp thủ tướng riêng, không chấp thủ tướng chung đối với các tiếng do tai nhận thức, này các Tỷ-kheo, thức có thể vững trú, kiên trú, bị trói buộc bởi vị ngọt tướng chung, hay bị trói buộc bởi vị ngọt tướng riêng. Trong thời gian ấy, nếu mệnh chung, thời sự kiện này có thể xảy ra: Ði thác sanh vào một trong hai sanh thú này: địa ngục hay bàng sanh.
4-6) Này các Tỷ-kheo, do thấy nguy hiểm này, Ta nói như vầy: Thật tốt hơn, này các Tỷ-kheo, nếu tỷ căn bị phá hủy với một cái kềm sắc bén, bị hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn... nếu thiệt căn bị hủy hoại với một con dao sắc bén hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn... nếu thân căn bị hủy hoại với một cái kiếm sắc bén, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn...
7) Này các Tỷ-kheo, do thấy nguy hiểm này, Ta nói như vầy: Thật tốt hơn là nằm ngủ. Nằm ngủ, Ta nói rằng là trống không đối với các loài có sinh mạng. Ta nói rằng là vô quả đối với các loài có sanh mạng. Ta nói rằng là mù mờ đối với các loài có sanh mạng. Vì rằng nếu ngủ, thời không có suy nghĩ những vấn đề để có thể bị những vấn đề tư duy chinh phục, để có thể phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, thấy sự trống không của nằm ngủ và sự nguy hiểm của tỉnh thức, Ta nói như vậy.
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Hãy dừng lại, chớ để nhãn căn bị hủy hoại với một cây kim bằng sắt nung đỏ, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, mắt là vô thường. Các sắc là vô thường. Nhãn thức là vô thường. Nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'.
9) Hãy dừng lại, chớ để nhĩ căn bị hủy hoại với một cái dùi bằng sắt nung đỏ, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, tai là vô thường. Các tiếng là vô thường. Nhĩ thức là vô thường. Nhĩ xúc là vô thường. Phàm duyên nhĩ xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'.
10) Hãy dừng lại, chớ để tỷ căn bị hủy hoại với một cái kềm bằng sắc bén bị hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, mũi là vô thường. Các hương là vô thường. Tỷ thức là vô thường. Tỷ xúc là vô thường. Phàm duyên tỷ xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'.
11) Hãy dừng lại, chớ để thiệt căn bị hủy hoại bởi một con dao sắc bén, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, lưỡi là vô thường. Các vị là vô thường. Thiệt thức là vô thường, thiệt xúc là vô thường. Phàm duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'.
12) Hãy dừng lại, chớ để thân căn bị hủy hoại bởi một lưỡi kiếm sắc bén, hừng cháy, rực cháy, cháy lửa ngọn. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, thân căn là vô thường. Các xúc là vô thường. Thân thức là vô thường, thân xúc là vô thường. Phàm duyên thân xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'.
13) Hãy dừng lại, chớ nằm ngủ. Ta hãy tác ý như sau: 'Ðây, ý căn là vô thường. Các pháp là vô thường. Ý thức là vô thường, ý xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là vô thường'".
14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy... nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
15) Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn lửa cháy. Ðây là pháp môn Chánh pháp.
195. IX. Ví Dụ Tay Và Chân (1) (S.iv,171)
1) -- Nếu có các tay, này các Tỷ-kheo, thời có thấy lượm lên và đặt xuống. Nếu có chân, thời có thấy đi tới và đi lui. Nếu có tay chân, thời có thấy co lại và duỗi ra. Nếu có bụng, thời có thấy đói và khát.
2) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có mắt và do duyên nhãn xúc, thời khởi lên nội lạc, nội khổ... Nếu có ý, do duyên ý xúc thời khởi lên nội lạc, nội khổ.
3) Nếu không có các tay, này các Tỷ-kheo, thời không có thấy lượm lên và đặt xuống. Nếu không có chân, thời không có thấy đi tới và đi lui. Nếu không có tay chân, thời không có thấy co lại và duỗi ra. Nếu không có bụng, thời không có thấy đói và khát.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu không có mắt, không có duyên nhãn xúc, thời không khởi lên nội lạc, nội khổ... Nếu không có lưỡi, không có duyên thiệt xúc, thời không khởi lên nội lạc, nội khổ... Nếu không có ý, không có duyên ý xúc, thời không khởi lên nội lạc, nội khổ.
196. X. Ví Dụ Tay Và Chân (2) (S.iv,172)
1-4) -- Nếu có các tay, này các Tỷ-kheo, thời có lượm lên và đặt xuống. Nếu có chân, thời có đi tới và đi lui... Nếu không có ý và không có duyên ý xúc, thời không khởi lên nội lạc và nội khổ...
IV. Phẩm Rắn Ðộc
197. I. Rắn Ðộc (S.iv,172)
1-2) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi... gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt. Rồi có người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có bốn con rắn độc này, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt. Thỉnh thoảng hãy thức chúng dậy, thỉnh thoảng hãy tắm cho chúng, thỉnh thoảng hãy cho chúng ăn, thỉnh thoảng hãy cho chúng vào huyệt (để ngủ). Này Bạn, nếu một trong bốn con rắn độc này, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, tức giận, thời này Bạn, Bạn sẽ đi đến chết, hay đau khổ gần như chết. Vậy này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ cần phải làm".
4) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, chạy trốn chỗ này, chỗ kia. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có năm kẻ sát nhân thù địch này, đang đi theo sau lưng Bạn. Chúng nói: 'Khi nào chúng ta thấy nó, chúng ta sẽ giết nó'. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".
5) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc ấy, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên sát nhân thù địch ấy, chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có một tên thứ sáu cướp nhà, giết người, với ngọn kiếm dơ lên, đang đi theo sau lưng Bạn. Nó nói: 'Khi nào ta thấy nó, ta sẽ chém đầu nó'. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".
6) Rồi, này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên sát nhân thù địch, quá sợ hãi tên thứ sáu cướp nhà, giết người với ngọn kiếm dơ lên, chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Rồi người ấy thấy một ngôi làng trống không. Nhà nào người ấy đi vào, người ấy vào chỗ trống không, vào chỗ rỗng không, vào chỗ tuyệt không. Người ấy sờ đến đồ dùng nào, người ấy sờ chỗ trống không, người ấy sờ chỗ rỗng không, người ấy sờ chỗ tuyệt không. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, bọn cướp phá hoại làng, sẽ đánh cướp ngôi làng trống không này. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".
7) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên giết người thù địch, quá sợ hãi tên thứ sáu cướp nhà, giết người với ngọn kiếm dơ lên, quá sợ hãi các tên cướp làng, liền chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Rồi người ấy thấy một đầm nước lớn, bờ bên này đầy những sợ hãi nguy hiểm, bờ bên kia được an ổn, không có sợ hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua, không có cầu để đi qua đi lại.
8) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy suy nghĩ như sau: "Ðây là vùng nước đọng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn, không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua, cũng không có cầu bắc qua từ bờ bên này đến bờ bên kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ cây, nhành lá, cột lại thành chiếc bè, nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, ta có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn".
9) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy thâu góp cỏ cây, nhành lá, cột lại thành chiếc bè, nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, người ấy vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Vị Bà-la-môn vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền.
10) Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta làm để giải thích ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa:
11) Bốn con rắn độc với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bốn đại chủng: địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.
12) Năm tên giết người thù địch, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
13) Tên thứ sáu cướp nhà, giết người với cây kiếm giơ lên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với dục tham.
14) Ngôi làng trống không, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Này các Tỷ-kheo, nếu một người hiền, kinh nghiệm, có trí, tìm hiểu nó với con mắt; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không... Nếu tìm hiểu nó với ý; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không.
15) Bọn cướp phá làng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, mắt bị tàn hại trong các sắc khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, tai bị tàn hại trong các tiếng khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, mũi bị tàn hại trong các hương khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, lưỡi bị tàn hại trong các vị khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, thân bị tàn hại trong các xúc khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, ý bị tàn hại trong các pháp khả ái và không khả ái.
16) Vùng nước lớn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bốn bộc lưu: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu.
17) Bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân kiến này.
18) Bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Niết-bàn.
19) Cái bè, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành.
20) Tinh tấn dùng tay và dùng chân, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.
21) Vị Bà-la-môn vượt qua bờ bên kia và đứng trên đất liền, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bậc A-la-hán.
198. II. Hỷ Lạc (S.iv,175)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, đầy đủ được ba pháp ấy, một Tỷ-kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc. Thế nào là ba? Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc.... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa hay, có roi ngựa đặc biệt đang sẵn sàng. Có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa đi tới đi lui, như thế nào và tại chỗ nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học hộ trì, học chế ngự, học điều ngự, học tịnh chỉ sáu căn này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh; vị ấy nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc".
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người bôi thuốc vào một vết thương để chữa lành vết thương ấy. Ví như một người bôi dầu vào trục xe với mục đích để có thể chở đồ nặng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh; vị ấy nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
8) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy. Ban đêm trong canh cuối cùng, vị ấy thức dậy và trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác.
9) Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.
199. III. Con Rùa (S.iv,177)
1-2) ...
3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có một con rùa, vào buổi chiều, đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông. Một con giả can, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, cũng đi tìm mồi dọc theo bờ sông.
4) Này các Tỷ-kheo, con rùa từ đàng xa trông thấy con giả can đang đi tìm mồi, thấy vậy liền rụt bốn chân và thứ năm là cổ vào trong mai rùa của mình và nằm bất động, im lặng.
5) Này các Tỷ-kheo, con giả can từ đàng xa trông thấy con rùa, đi đến con rùa sau khi đến, đứng một bên và nghĩ rằng: "Khi nào con rùa này thò ra thân phần nào và cổ là thứ năm, ngay tại chỗ ấy, ta sẽ nắm lấy, bẻ gãy và ăn".
6) Nhưng, này các Tỷ-kheo, vì rằng con rùa không thò ra một thân phần nào và cổ là thứ năm, nên con giả can nhàm chán con rùa và bỏ đi, không nắm được cơ hội.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ác ma thường xuyên không gián đoạn, đứng trong tư thế rình mò các Ông với ý nghĩ: "Rất có thể ta nắm được cơ hội để bắt gặp từ con mắt... từ cái lưỡi... hay từ ý".
8) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi mùi... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn. Này các Tỷ-kheo, khi nào các Ông sống hộ trì các căn, thời Ác ma nhàm chán các Ông và sẽ bỏ đi, không nắm giữ được cơ hội, như con giả can đối với con rùa.
Như rùa dấu thân phần,
Trong mai rùa của nó.
Cũng vậy, vị Tỷ-kheo,
Thâu nhóm mọi tâm tư,
Không nương tựa một ai,
Không hại một người nào,
Hoàn toàn đạt tịch tịnh,
Không nói xấu một ai.
200. IV. Khúc Gỗ (1) (S.iv,179)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, trên bờ sông Gangà.
2) Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, thấy vậy liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
3) -- Này các Tỷ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ-kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các Ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, chánh kiến hướng về Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn.
4) Khi được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài Người nhặt lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?
5) -- Bờ bên này, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này.
6) Bờ bên kia, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ.
7) Bị chìm giữa dòng, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham.
8) Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.
9) Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị người nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên của họ. Ðây gọi là Tỷ-kheo bị loài Người nhặt lấy.
10) Và thế nào, này Tỷ-kheo, là bị phi nhân nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống Phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: "Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên!" Ðây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.
11) Bị mắc vào xoáy nước, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục công đức.
12) Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Tỷ-kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Ðây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị mục nát bên trong.
11) Lúc bấy giờ Nanda, người chăn bò, đứng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
12) Rồi người chăn bò Nanda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con không đâm vào bờ bên này, con không đâm vào bờ bên kia, con không bị chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, con không bị loài Người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không bị mắc vào xoáy nước, con không bị mục nát bên trong. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
13) -- Này Nanda, hãy đem trả các con bò cho người chủ.
-- Bạch Thế Tôn, chúng sẽ đi trở về. Các bò mẹ đang trông mong gặp lại các con bê của chúng.
-- Tuy vậy, này Nanda, Ông hãy trả lui các con bò cho những người chủ.
14) Rồi Nanda, người chăn bò, sau khi trả lui các con bò cho những người chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, các con bò đã được trả lui cho những người chủ. Bạch Thế Tôn, xin hãy cho con được xuất gia với Thế Tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
15) Nanda, người chăn bò được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Nanda sống một mình, an tịnh...
16) Tôn giả Nanda trở thành một vị A-la-hán nữa.
201. V. Khúc Gỗ (2) (S.iv,181)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Kimbilà, trên bờ sông Hằng.
2) Thế Tôn thấy một khúc gỗ trôi theo dòng nước sông Hằng, thấy vậy, liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy khúc gỗ lớn này bị trôi theo dòng nước sông Hằng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
3) (Như kinh trước cho đến: Nghiêng nhập vào Niết-bàn).
4) Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Kimbilà bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì?... (như trên) ...
12) -- Và này Kimbilà, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Kimbilà, Tỷ-kheo phạm một giới tội (àpatti), một giới tội không thể giải trừ. Này Kimbilà, đây gọi là mục nát bên trong.
202. VI. Dục Lậu (S.iv,182)
1) Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong vườn Nigrodha.
2) Lúc bấy giờ có một hội đường mới của những người Sakka ở Kapilavatthu được làm không bao lâu, chưa được một Sa-môn, hay Bà-la-môn, hay một người nào đến ở.
3) Rồi một số người Sakka ở Kapilavatthu đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các người Sakka ở Kapilavatthu bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, có hội đường mới của những người Sakka ở Kapilavatthu được làm không bao lâu, chưa được một Sa-môn, hay Bà-la-môn, hay một người nào đến ở. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy sử dụng ngôi nhà ấy đầu tiên, rồi sau các người Sakka ở Kapilavatthu sẽ sử dụng. Như vậy, sẽ đưa đến hạnh phúc và an lạc lâu dài cho những người Sakka ở Kapilivatthu.
Thế Tôn im lặng nhận lời.
5) Những người Sakka ở Kapilavatthu sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi đến hội đường mới ấy. Sau khi đến, họ cho trải toàn bộ hội đường với những tấm đệm, cho bày biện các chỗ ngồi, cho sắp đặt ghè nước, cho treo đèn dầu, rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, toàn bộ hội đường đã được trải đệm. Các chỗ ngồi đã được bày biện. Một ghè nước đã được đặt sẵn. Ngọn đèn dầu đã được treo lên. Nay Thế Tôn hãy làm gì Ngài nghĩ là phải thời.
6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến hội đường mới; sau khi đến, rửa chân, đi vào hội đường và ngồi dựa vào cây cột ở giữa, mặt hướng về phía Ðông. Chúng Tỷ-kheo, sau khi rửa chân, bước vào hội đường, và ngồi dựa vào bức tường phía Tây, mặt hướng về phía Ðông, với Thế Tôn trước mặt. Các người Sakka ở Kapilavatthu, sau khi rửa chân, bước vào hội đường, ngồi dựa vào bức tường phía Ðông, hướng mặt về phía Tây, với Thế Tôn phía trước mặt.
7) Rồi Thế Tôn, phần lớn của đêm, với pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các người Sakka ở Kapilavatthu. Rồi Thế Tôn giải tán họ với câu:
-- Này các Sakka, đêm đã quá khuya, nay các Ông hãy làm những gì các Ông nghĩ là hợp thời.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các người Sakka ở Kapilavatthu vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
8) Rồi Thế Tôn, sau khi các người Sakka ở Kapilavatthu ra đi không bao lâu, liền gọi Tôn giả Mahà Moggalàna:
-- Này Moggalàna, chúng Tỷ-kheo đã đoạn trừ được buồn ngủ. Này Moggalàna, hãy thuyết pháp thoại cho chúng Tỷ-kheo. Ta nay bị đau lưng, Ta muốn nằm xuống.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Mahà Moggalàna vâng đáp Thế Tôn.
9) Rồi Thế Tôn cho xếp y Sanghàti (Tăng-già-lê) gấp bốn lại, và nằm xuống phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân gác trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy.
10) Ở đây, Tôn giả Mahà Moggalàna gọi các Tỷ-kheo:
-- Này chư Hiền.
-- Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Mahà Moggalàna. Tôn giả Mahà Moggalàna nói như sau:
-- Này chư Hiền, tôi sẽ giảng cho chư Hiền về pháp môn nhiễm dục lậu, và pháp môn không nhiễm dục lậu. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Tôi sẽ giảng.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahà Moggalàna. Tôn giả Mahà Moggalàna nói như sau:
11) -- Và này chư Hiền, thế nào là nhiễm dục lậu? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được trừ diệt không có dư tàn... Khi lưỡi nếm vị... Khi ý biết các pháp, thiên chấp pháp khả ái, ghét bỏ pháp không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được trừ diệt không có dư tàn.
12) Này chư Hiền, đây gọi là Tỷ-kheo bị nhiễm dục lậu đối với các sắc do mắt nhận thức... đối với các vị do lưỡi nhận thức... đối với các pháp do ý nhận thức. Tỷ-kheo sống như vậy, này chư Hiền, nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua mắt, Màra nắm được cơ hội, Màra nắm được đối tượng... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua lưỡi, Màra nắm được cơ hội, Màra nắm được đối tượng.... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua ý, Màra nắm được cơ hội, Màra nắm được đối tượng.
13) Cũng vậy, này chư Hiền, như một cái nhà lợp bằng cây lau hay cỏ, héo khô, không có nhựa, xưa đến ba bốn năm. Nếu từ phương Ðông có người đến, với bó đuốc cháy đỏ, ngọn lửa sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng. Nếu một người từ phương Tây đến... Nếu một người từ phương Bắc đến... Nếu một người từ phương Nam đến... Nếu một người từ phương dưới đến... Nếu một người từ phương trên đến, hay một người bất cứ từ ở đâu đến, với bó đuốc cháy đỏ, ngọn lửa nắm được cơ hội, ngọn lửa nắm được đối tượng. Cũng vậy, này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống như vậy. Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua mắt, Màra nắm được cơ hội, Màra nắm được đối tượng... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua lưỡi... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua ý, Màra nắm được cơ hội, Màra nắm được đối tượng.
14) Này chư Hiền, sống như vậy, các sắc chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các sắc. Các tiếng chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các tiếng. Các hương chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các hương. Các vị chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các vị. Các xúc chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các xúc. Các pháp chinh phục vị Tỷ-kheo, không phải vị Tỷ-kheo chinh phục các pháp. Này chư Hiền, đây được gọi là Tỷ-kheo bị sắc chinh phục, bị tiếng chinh phục, bị hương chinh phục, bị vị chinh phục, bị xúc chinh phục, bị pháp chinh phục, không phải không bị chinh phục. Chinh phục vị ấy là các ác bất thiện pháp bị nhiễm ô, đưa đến tái sanh, đầy sợ hãi (sadarà), đưa đến quả khổ dị thục, tương lai là già chết. Như vậy, này chư Hiền, là nhiễm dục lậu.
15) Và này chư Hiền, thế nào là không nhiễm dục lậu? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp sắc khả ái, không ghét bỏ sắc không khả ái, sống an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn... Khi lưỡi nếm vị... Khi ý biết các pháp, vị ấy không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, sống an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật biết rõ tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn. Này chư Hiền, đây gọi là vị Tỷ-kheo không bị nhiễm dục lậu đối với các sắc do mắt nhận thức... đối với các vị do lưỡi nhận thức... đối với các pháp do ý nhận thức... Tỷ-kheo sống như vậy, này chư Hiền, nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua mắt, Màra không nắm được cơ hội, Màra không nắm được đối tượng... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua lưỡi, Màra không nắm được cơ hội, Màra không nắm được đối tượng... Nếu Màra có đến vị ấy, ngang qua ý, Màra không nắm được cơ hội, Màra không nắm được đối tượng.
16) Ví như, này chư Hiền, một cái nhà có nóc nhọn hay một giảng đường có nóc nhọn xây bằng đất dày, vừa mới xoa trét, nếu có người từ phương Ðông lại với ngọn đuốc cháy đỏ, ngọn lửa không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng... từ phương Tây đến... từ phương Bắc đến... từ phương Nam đến... từ phương dưới đến... từ phương trên đến hay từ bất cứ phương nào đến, với ngọn đuốc cháy đỏ, ngọn lửa không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.
17) Sống như vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo chinh phục các sắc, không phải các sắc chinh phục Tỷ-kheo. Tỷ-kheo chinh phục các tiếng, không phải các tiếng chinh phục Tỷ-kheo. Tỷ-kheo chinh phục các hương, không phải các hương chinh phục Tỷ-kheo. Tỷ-kheo chinh phục các vị, không phải các vị chinh phục Tỷ-kheo. Tỷ-kheo chinh phục các xúc, không phải các xúc chinh phục Tỷ-kheo. Tỷ-kheo chinh phục các pháp, không phải các pháp chinh phục Tỷ-kheo. Này chư Hiền, đây gọi là Tỷ-kheo chinh phục các sắc, chinh phục các tiếng, chinh phục các hương, chinh phục các vị, chinh phục các xúc, chinh phục các pháp, không phải bị chinh phục. Chính vị ấy chinh phục các ác bất thiện pháp bị nhiễm ô, đưa đến tái sanh, đầy sợ hãi, đưa đến quả khổ dị thục tương lai là già chết. Như vậy, này chư Hiền, là không nhiễm dục lậu.
18) Rồi Thế Tôn ngồi dậy và gọi Tôn giả Màha Moggalàna:
-- Lành thay, lành thay, này Moggalàna! Lành thay, này Moggalàna! Ông đã thuyết cho các Tỷ-kheo về pháp môn nhiễm dục lậu và pháp môn không nhiễm dục lậu.
19) Tôn giả Mahà Moggalàna thuyết như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Mahà Moggalàna thuyết.
203. VII. Khổ Pháp (S,iv,188)
1-2) ...
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi nào một Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt của tất cả khổ pháp, khi ấy, các dục được thấy. Khi vị ấy thấy dục (kàmà), thời dục (kàmachanda), dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên nơi vị ấy. Như vậy, sở hành và sở trú của vị ấy được giác tri. Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi, và sự chấm dứt tất cả khổ pháp? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của tất cả khổ pháp.
5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo thấy được các dục? Khi các dục được thấy, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên. Ví như, này các Tỷ-kheo, có một hố than sâu hơn thân người, đầy vun than hừng, không có ngọn, không có khói. Rồi có người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét bỏ khổ. Rồi hai người lực sĩ đến, kẹp người ấy vào trong các cánh tay, và kéo người ấy đến hố than hừng. Người ấy vật vã thân bên này, bên kia. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy được biết rằng: "Ta sẽ rơi vào trong hố than hừng này. Do nhân này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy các dục như hố than hừng và ai thấy được các dục, thời dục, dục ái, dục mê, dục nhiệt não đối với các dục không có tùy miên.
6) Thế nào, này các Tỷ-kheo, là sở hành và sở trú của Tỷ-kheo được giác tri? Vì rằng, do sở hành như vậy, các tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đi vào một khu rừng đầy những gai góc, trước mặt người ấy là gai, phía Tây... phía Bắc... phía Nam... người ấy là gai, phía dưới người ấy là gai, phía trên người ấy là gai. Chỗ nào người ấy đi tới hay chỗ nào người ấy đi lui, người ấy nghĩ: "Mong sao tôi chớ có bị vướng gai". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sự vật gì khả ái, khả lạc, sự vật ấy được gọi là gai trong giới luật của bậc Thánh.
7) Sau khi biết vậy, này các Tỷ-kheo, hộ trì và không hộ trì cần phải được hiểu.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp các sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không hộ trì.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là được hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn... khi lưỡi nếm vị... khi ý biết pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có hộ trì.
10) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là niệm được khởi lên. Mau lẹ, vị ấy từ bỏ (trạng thái ấy), gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm rơi hai hay ba giọt nước trên một nồi sắt được hơ nóng cả ngày. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là sự rơi xuống của các giọt nước. Mau chóng, chúng đi đến đoạn diệt, hoại diệt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sở hành như vậy, sở trú như vậy, đôi lúc và đôi khi niệm bị thất thoát, khởi lên các ác bất thiện pháp, các ức niệm, ước vọng liên hệ đến kiết sử. Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, là niệm được khởi lên. Mau lẹ, vị ấy từ bỏ (trạng thái ấy), gột sạch, chấm dứt, không cho hiện hữu.
11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, sở trú như vậy của Tỷ-kheo được giác tri. Do sở hành, sở trú như vậy, các tham ái, ưu, bi, các ác bất thiện pháp không có tồn chỉ. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có quốc vương hay đại thần của vua, bạn bè, thân hữu hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: "Hãy đến đây, này Bạn! Sao lại để những y vàng ấy hành hạ Bạn? Sao lại sống với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự việc như vậy không xảy ra.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nghiêng nhập vào phía Ðông. Rồi một đám dân chúng đông người đến với xuổng, cuốc, giỏ và nói: "Chúng ta hãy làm cho sông Hằng này hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây, nghiêng nhập vào phía Tây". Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, đám dân chúng đông người ấy có thể làm cho sông Hằng hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây và nghiêng nhập vào phía Tây không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Vì sao?
-- Vì sông Hằng này, bạch Thế Tôn, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nghiêng nhập vào phía Ðông; không có dễ gì làm cho hướng về phía Tây, xuôi về phía Tây, nghiêng nhập vào phía Tây được. Chỉ có đám dân chúng đông người ấy chuốc lấy mệt mỏi và thất vọng thôi.
13) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy với sở hành như vậy, sở trú như vậy, nếu có quốc vương hay đại thần của vua, bạn bè, thân hữu, hay bà con huyết thống đến dâng cúng tài sản và nói: "Hãy đến đây, này Bạn. Sao lại để những y vàng ấy hành hạ Bạn? Sao lại sống với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy có sở hành như vậy, có sở trú như vậy, sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự việc như vậy không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm của vị ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, nghiêng nhập vào viễn ly; do vậy sự hoàn tục không xảy ra.
204. VIII. Phải Gọi Là Gì (Kimsukà) (S.iv,191)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến một Tỷ-kheo khác, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
-- Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
-- Này Hiền giả, Tỷ-kheo khi nào như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của sáu xúc xứ; cho đến như vậy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
3) Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia, liền đi đến một Tỷ-kheo khác và nói:
-- Này Hiền giả, cho đến như thế nào, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
-- Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của năm thủ uẩn; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
4) Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời của Tỷ-kheo kia, liền đi đến một Tỷ-kheo khác nữa và nói:
-- Này Hiền giả, cho đến như thế nào, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
-- Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của bốn đại chủng; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
5) Rồi Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn...
-- Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật rõ biết rằng, phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều phải đoạn diệt; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
6) Rồi Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi đến một Tỷ-kheo và nói với Tỷ-kheo ấy: "Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?" Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy nói với con: "Khi nào như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của sáu xúc xứ; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh". Bạch Thế Tôn, con không thỏa mãn câu trả lời của Tỷ-kheo kia nên đi đến một Tỷ-kheo khác; sau khi đến, con nói với Tỷ-kheo ấy: "Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của một Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?" Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy nói với con: "Khi nào, này Hiền giả, Tỷ-kheo như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của năm thủ uẩn... như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của bốn đại chủng... như thật tuệ tri rằng, phàm có pháp gì được tập khởi, tất cả pháp ấy bị đoạn diệt, cho đến như vậy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh". Bạch Thế Tôn, con không thỏa mãn câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia nên con đi đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn: "Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?"
7) -- Ví như, này Tỷ-kheo, một người chưa từng thấy cây kimsuka, người ấy đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka và nói: "Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?". Người ấy đáp như sau: "Này Bạn, cây kimsuma màu đen, như một khúc cây bị cháy". Như vậy, này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, liền đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến, hỏi người ấy: "Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?" Người kia trả lời: "Này Bạn, cây kimsuka màu đỏ, giống như một đống thịt". Và này Tỷ-kheo, như vậy trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến nói với người ấy: "Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?" Người kia trả lời: "Này Bạn, cây kimsuka bị lột vỏ, vỏ bị nứt nẻ ra như cây keo (sirìso)". Này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, liền đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến, nói với người ấy: "Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?" Người kia nói như sau: "Này Bạn, cây kimsuka có lá rậm rạp, bóng của nó dày và rậm, như cây bàng". Như vậy, này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, tùy theo sự thấy của Chân nhân ấy khéo thanh tịnh, tùy thuộc theo đấy, họ đã trả lời.
8) Ví như, này Tỷ-kheo, có ngôi thành của vua ở biên giới được xây dựng với pháo đài kiên cố, với tường và tháp canh kiên cố và có đến sáu cửa thành. Tại đấy có người giữ cửa thành, là bậc thông minh, có kinh nghiệm và có trí, ngăn chận những người không quen biết, cho vào những người quen biết. Từ phương Ðông, hai người sứ giả cấp tốc đi đến, và nói với người giữ cửa thành: "Này Bạn, vị chủ thành trì này ở đâu?" Người giữa cửa thành ấy nói: "Thưa các Tôn giả, vị ấy đang ngồi giữa ngã tư đường". Hai người sứ giả ấy cấp tốc tuyên bố lời như thật ngữ cho vị chủ ngôi thành, rồi tiếp tục đi theo con đường họ đến. Từ phương Tây, lại hai người sứ giả cấp tốc đi đến... từ phương Bắc, lại hai người sứ giả cấp tốc đi đến, và nói với người giữ cửa thành: "Này Bạn, vị chủ thành trì này ở đâu?" Người giữ cửa thành ấy nói: "Thưa các Tôn giả, vị ấy đang ngồi giữa ngã tư đường". Rồi hai người sứ giả ấy cấp tốc tuyên bố lời như thật ngữ cho vị chủ ngôi thành, rồi tiếp tục theo con đường họ đến.
9) Này Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ để giải thích ý nghĩa, và đây là ý nghĩa: Ngôi thành, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân do bốn đại chủng tạo thành này, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, tiêu mòn, tiêu hao, hủy hoại, hủy diệt. Sáu cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Người giữ cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với niệm. Hai vị sứ giả cấp tốc, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với chỉ và quán. Người chủ ngôi thành là đồng nghĩa với thức. Ở giữa tại ngã tư đường là đồng nghĩa với bốn đại chủng: địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới. Lời như thật ngữ, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Niết-bàn. Theo con đường họ đến là đồng nghĩa với con đường Thánh đạo Tám ngành. Như chánh tri kiến... chánh định.
205. IX. Ðờn Tỳ Bà (S.iv,195)
1-2) ...
3) --Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các sắc do mắt nhận thức có khởi lên dục (chanda), tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy. Con đường này là con đường đầy sợ hãi, đầy kinh khủng, đầy gai góc, đầy rừng rậm, con đường ác, con đường tà, con đường đầy trộm cướp. Con đường này là con đường do phi thiện nhân dùng, không phải con đường do thiện nhân dùng. Như vậy, với ý nghĩ: "Ðây không phải con đường xứng đáng cho ta". Hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy đối với các sắc do mắt nhận thức... Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào đối với các vị do lưỡi nhận thức... đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên dục, tham, sân, si hay hận tâm; hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy. Con đường này là con đường đầy sợ hãi, đầy kinh khủng, đầy gai góc, đầy rừng rậm, con đường ác, con đường tà, con đường đầy trộm cướp. Con đường này là con đường do phi thiện nhân dùng, không phải con đường do thiện nhân dùng. Như vậy với ý nghĩ: "Ðây không phải con đường xứng đáng cho ta", hãy ngăn chận tâm đừng cho khởi lên như vậy đối với các pháp do ý nhận thức.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, lúa mì đã chín và một người giữ lúa mì phóng dật (lơ đãng). Có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy và mê say ăn một cách thỏa thích. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không hộ trì đối với sáu xúc xứ, mê say thọ dụng một cách thỏa thích đối với năm dục công đức.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, lúa mì đã chín và một người giữ lúa mì không phóng dật. Có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy. Người giữ lúa mì nắm chắc cái lỗ mũi của con bò; sau khi nắm chắc cái lỗ mũi, người ấy rị chặt trên cái trán. Sau khi rị chặt trên cái trán, với cái gậy, người ấy đánh con bò một trận nên thân. Sau khi lấy gậy đánh cho một trận nên thân, người ấy thả con bò đi.
Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo...
Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, có con bò ăn lúa mì, xâm phạm lúa mì ấy. Người giữ lúa mì nắm chặt cái mũi con bò; sau khi nắm chắc cái mũi, người ấy rị chặt trên cái trán. Sau khi rị chặt trên cái trán, với cái gậy, người ấy đánh con bò một trận nên thân. Sau khi lấy gậy đánh con bò một trận nên thân, người ấy thả con bò đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con bò ăn lúa mì ấy đi vào làng, hay đi vào rừng, hay khi đứng, hay ngồi, nó không xâm phạm lúa mì ấy, vì nó nhớ đến cảm xúc cái gậy lần trước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có tâm chơn trực, chánh trực đối với sáu xúc xứ, thời nội tâm được an trú, tịnh chỉ, nhứt tâm, Thiền định.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, một vị vua hay đại thần của vua từ trước chưa từng được nghe tiếng đàn tỳ bà, nay được nghe tiếng đàn tỳ bà, vị ấy nói: "Này Bạn, tiếng ấy là tiếng gì, khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy?" Họ nói với vị ấy: "Thưa Tôn giả, đây là đàn tỳ bà, với tiếng khả ái như vậy, mê ly như vậy, khả lạc như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy". Vị ấy nói như sau: "Hãy đi và đem đàn tỳ bà ấy về cho ta". Họ đem đàn tỳ bà về cho vị ấy, và nói như sau: "Thưa Tôn giả, đàn tỳ bà này với tiếng khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như vậy". Vị ấy bèn nói: "Thôi vừa rồi đối với ta về đàn tỳ bà này. Hãy đem tiếng lại cho ta". Họ thưa với vị ấy: "Thưa Tôn giả, cái này được gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ nhiều thành phần này nên đàn phát âm. Như duyên cái bầu, duyên cái da, duyên cái cán, duyên cái đầu, duyên cái dây, duyên cái cung, duyên nỗ lực thích nghi của người. Như vậy, thưa Tôn giả, cái này gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ gồm nhiều thành phần này nên đàn phát âm". Rồi vua ấy đập đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh; sau khi đập bể đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100 mảnh, vị ấy chẻ thành từng miếng nhỏ; sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, vị ấy lấy lửa đốt; sau khi lấy lửa đốt, vị ấy vun lại thành đống tro; sau khi vun lại thành đống tro, vị ấy đem quạt đống tro lớn ấy trước làn gió mạnh, hay để chúng trôi theo dòng nước sông chảy mạnh. Rồi vị ấy nói: "Thật là hạ liệt, cái gọi đàn tỳ bà này, dầu cho tỳ bà là cái gì. Ở đây, đại chúng thường phóng dật, bị hướng dẫn sai lạc".
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát sắc cho đến sở thú của sắc, quán sát thọ... quán sát tưởng... quán sát các hành... quán sát thức cho đến sở thú của thức. Trong tất cả quán sát này, không có cái gì là "Tôi", là "Của tôi", là "Tôi là" cả.
206. X. Sáu Sanh Vật (S.iv,198)
1-2) ...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người thân bị thương tích, thân bị lở loét, đi vào một khu rừng đầy gai góc. Cỏ và gai đâm thủng chân người ấy, và cào rách thân lở loét của người ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy do nhân duyên ấy còn cảm thọ khổ ưu nhiều hơn nữa. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo đi vào làng hay đi vào rừng gặp người chỉ trích Tỷ-kheo ấy, và người chỉ trích nói rằng: "Tôn giả làm như vậy, sở hành như vậy là gai bất tịnh trong làng". Biết rằng vị ấy là gai, sau khi biết như vậy, cả hai (người Tỷ-kheo và người chỉ trích) cần phải hiểu là không hộ trì và có hộ trì.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp sắc khả ái, ghét bỏ sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận biết pháp, thiên chấp pháp khả ái, ghét bỏ pháp không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi ấy, các ác, bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn...
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bắt được sáu sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu, người ấy cột một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con chim, người ấy cột với sợi dây vững chắc... Sau khi bắt được con chó, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con giả can, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với những sợi dây vững chắc, người ấy cột một cái gút ở chính giữa và thả chúng đi. Này các Tỷ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào gò mối". Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào trong nước". Con chim lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ bay lên trời".Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: " Ta sẽ đi vào làng". Con giả can lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào nghĩa địa". Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào rừng". Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, khi ấy, con sinh vật nào mạnh hơn các sinh vật còn lại, được chúng đi theo, chúng tuân theo, chúng phục tùng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo thân niệm không tu tập, không làm cho sung mãn, con mắt sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái... Ý sẽ lôi cuốn nó đối với các pháp khả ái và ghét bỏ đối với các pháp không khả ái.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không hộ trì.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hộ trì?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết các pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bắt được sáu con sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu... Sau khi bắt được con chim... Sau khi bắt được con chó... Sau khi bắt được con giả can... Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với sợi dây vững chắc, người ấy cột vào một cái cột hay cái trụ vững chắc. Rồi, này các Tỷ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo, tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào gò mối". Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào trong nước". Con chim lôi kéo nghĩ rằng: "Ta sẽ bay lên trời". Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào làng". Con giả can lôi kéo nghĩ rằng: "Ta sẽ đi đến nghĩa địa". Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: "Ta sẽ đi vào rừng". Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, chúng sẽ đứng gần bên, ngồi gần bên, nằm gần bên cái cột ấy hay cái trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo thân niệm được tu tập, được làm sung mãn, con mắt không lôi kéo vị ấy theo các sắc khả ái, đối với các sắc không khả ái, không ghét bỏ... lưỡi không lôi kéo vị ấy theo các vị khả ái, đối với vị không khả ái, không có ghét bỏ... ý không lôi kéo vị ấy theo các pháp khả ái, đối với pháp không khả ái, không có ghét bỏ.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hộ trì.
8) Cái cột hay cái trụ vững chắc, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân niệm. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: "Chúng ta sẽ tu tập thân niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành cơ sở, an trú, tích tập, khéo nỗ lực". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
207. XI. Bó Lúa (S.iv,201)
1-2) ...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một bó lúa quăng tại ngã tư đường, rồi sáu người đến, tay cầm cái đập và họ đập bó lúa ấy với sáu cái đập (vyàkggì)
Như vậy, này các Tỷ-kheo, bó lúa ấy được khéo đập với sáu cái đập ấy. Rồi một người thứ bảy đến, tay cầm cái đập, và người ấy đập bó lúa ấy với cái đập thứ bảy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bó lúa ấy lại càng được khéo đập với cái đập thứ bảy.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu bị đập trong con mắt bởi những sắc khả ái và không khả ái... bị đập trong lưỡi bởi những vị khả ái và không khả ái... bị đập trong ý bởi những pháp khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, nếu kẻ vô văn phàm phu ấy lại nghĩ đến tái sanh trong tương lai, như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si ấy lại càng bị khéo đập hơn nữa. Ví như, này các Tỷ-kheo, bó lúa ấy lại được đập với cái đập thứ bảy nữa.
5) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, cuộc chiến xảy ra giữa chư Thiên và các A-tu-la rất là khốc liệt.
Này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua A-tu-la gọi các A-tu-la: "Này Thân hữu, trong cuộc chiến đang khởi lên giữa chư Thiên và loài A-tu-la rất là khốc liệt, nếu các A-tu-la thắng và chư Thiên bại, hãy trói Thiên chủ Sakka hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, và dắt vua ấy đến trước mặt ta, trong thành của các A-tu-la". Còn Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba: "Này Thân hữu, trong trận chiến giữa chư Thiên và các loài A-tu-la, trận chiến rất là khốc liệt, nếu chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại, hãy trói vua A-tu-la Vepacitti, hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, và dắt vua ấy đến trước mặt ta, trong giảng đường Sudhamma (Thiện Pháp)".
6) Nhưng trận chiến ấy, chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại. Rồi, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba trói vua A-tu-la Vepacitti, trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, rồi dẫn đến trước mặt Thiên chủ Sakka trong giảng đường Sudhamma.
7) Tại đây, này các Tỷ-kheo, vua A-tu-la Vepacitti bị trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua A-tu-la Vepacitti suy nghĩ như sau: "Chư Thiên theo Chánh pháp, còn A-tu-la theo phi pháp. Nay ta đi đến thành của chư Thiên", thời khi ấy vua A-tu-la tự thấy mình được cởi trói hai chân, hai tay và thứ năm là cổ, và được hưởng thọ, được thưởng thức đầy đủ năm dục công đức cõi trời. Và này các Tỷ-kheo, khi vua A-tu-la suy nghĩ như sau: "Các A-tu-la theo Chánh pháp, chư Thiên theo phi pháp. Ở đây, ta sẽ đi đến thành của các A-tu-la", thời khi ấy vua A-tu-la tự thấy mình bị trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, và bị tước bỏ năm dục công đức cõi trời.
8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, thật tế nhị là sự trói buộc của Vepacitti, và còn tế nhị hơn là sự trói buộc của Màra. Ai có tư tưởng (Mannamàna), người ấy bị Màra trói buộc. Ai không có tư tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. "Tôi là", này các Tỷ-kheo, là một tư tưởng. "Cái này là tôi", này các Tỷ-kheo, là một tư tưởng. "Tôi sẽ là", này các Tỷ-kheo, là một tư tưởng. "Tôi sẽ không là", là một tư tưởng. "Tôi sẽ có sắc", là một tư tưởng. "Tôi sẽ không có sắc", là một tư tưởng. "Tôi sẽ có tưởng", là một tư tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng", là một tư tưởng. "Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng", là một tư tưởng. Có tư tưởng, này các Tỷ-kheo, là tham. Có tư tưởng là mụt nhọt. Có tư tưởng là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm không có tư tưởng".
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải hiểu: "Tôi là", này các Tỷ-kheo, là một động chuyển (injitam). "Cái này là tôi", là một động chuyển. "Tôi sẽ là", là một động chuyển. "Tôi sẽ không là", là một động chuyển. "Tôi sẽ có sắc", là một động chuyển. "Tôi sẽ có tưởng", là một động chuyển. "Tôi sẽ không có tưởng", là một động chuyển. "Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng", là một động chuyển. Ðộng chuyển, này các Tỷ-kheo, là tham. Ðộng chuyển là mụt nhọt. Ðộng chuyển là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm không có động chuyển".
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải hiểu: "Tôi là", này các Tỷ-kheo, là một chấn động (phanditam). "Cái này là tôi", là một chấn động. "Tôi sẽ là", là một chấn động. "Tôi sẽ không là", là một chấn động. "Tôi sẽ có sắc", là một chấn động. "Tôi sẽ không có sắc", là một chấn động. "Tôi sẽ có tưởng", là một chấn động. "Tôi sẽ không có tưởng", là một chấn động. "Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng", là một chấn động. Chấn động, này các Tỷ-kheo, là tham. Chấn động là mụt nhọt. Chấn động là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm không chấn động".
11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải hiểu: "Tôi là", này các Tỷ-kheo, là một hý luận (papancitam). "Cái này là tôi", là một hý luận. "Tôi sẽ là", là một hý luận. "Tôi sẽ không là", là một hý luận. "Tôi sẽ có sắc", là một hý luận. "Tôi sẽ không có sắc", là một hý luận. "Tôi sẽ có tưởng", là một hý luận. "Tôi sẽ không có tưởng", là một hý luận. "Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng", là một hý luận. Hý luận, này các Tỷ-kheo, là tham. Hý luận là mụt nhọt. Hý luận là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm không có hý luận".
12) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải hiểu: "Tôi là", này các Tỷ-kheo, là một ngã mạn. "Cái này là tôi", là một ngã mạn. "Tôi sẽ là", là một ngã mạn. "Tôi sẽ không là", là một ngã mạn. "Tôi sẽ có sắc", là một ngã mạn. "Tôi sẽ không có sắc", là một ngã mạn. "Tôi sẽ có tưởng", là một ngã mạn. "Tôi sẽ không có tưởng", là một ngã mạn. "Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng", là một ngã mạn. Ngã mạn, này các Tỷ-kheo, là tham. Ngã mạn là mụt nhọt. Ngã mạn là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập: "Tôi sẽ sống với tâm trừ bỏ ngã mạn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

PART IV: The Book of the Six Sense Bases (Saḷāyatanavagga) - Chapter I. Connected Discourses on the Six Sense Bases

Translated by: Bhikkhu Boddhi

Division I THE ROOT FIFTY
I. THE IMPERMANENT
1 (1) The Internal as Impermanent 1


Thus have I heard.2 On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this:
“Bhikkhus, the eye is impermanent.3 What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“The ear is impermanent…. The nose is impermanent…. The tongue is impermanent…. The body is impermanent…. The mind is impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ [2]
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, revulsion towards the ear, revulsion towards the nose, revulsion towards the tongue, revulsion towards the body, revulsion towards the mind. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
2 (2) The Internal as Suffering
“Bhikkhus, the eye is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“The ear is suffering…. The nose is suffering…. The tongue is suffering…. The body is suffering…. The mind is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
3 (3) The Internal as Nonself
“Bhikkhus, the eye is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“The ear is nonself…. The nose is nonself…. The tongue is nonself…. The body is nonself…. The mind is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
4 (4) The External as Impermanent
“Bhikkhus, forms are impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, [3] this I am not, this is not my self.’
“Sounds … Odours … Tastes … Tactile objects … Mental phenomena are impermanent.4 What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards forms, revulsion towards sounds, revulsion towards odours, revulsion towards tastes, revulsion towards tactile objects, revulsion towards mental phenomena. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
5 (5) The External as Suffering
“Bhikkhus, forms are suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Sounds … Odours … Tastes … Tactile objects … Mental phenomena are suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
6 (6) The External as Nonself
“Bhikkhus, forms are nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Sounds … Odours … Tastes … Tactile objects … Mental phenomena are nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [4]
7 (7) The Internal as Impermanent in the Three Times
At Sāvatthī. “Bhikkhus, the eye is impermanent, both of the past and the future, not to speak of the present. Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple is indifferent towards the eye of the past; he does not seek delight in the eye of the future; and he is practising for revulsion towards the eye of the present, for its fading away and cessation.
“The ear is impermanent … The nose is impermanent … The tongue is impermanent … The body is impermanent … The mind is impermanent, both of the past and the future, not to speak of the present. Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple is indifferent towards the mind of the past … for its fading away and cessation.”
8 (8) The Internal as Suffering in the Three Times
At Sāvatthī. “Bhikkhus, the eye is suffering, both of the past and the future, not to speak of the present. Seeing thus … The mind is suffering … for its fading away and cessation.”
9 (9) The Internal as Nonself in the Three Times
At Sāvatthī. “Bhikkhus, the eye is nonself, both of the past and the future, not to speak of the present. Seeing thus … [5] … The mind is nonself … for its fading away and cessation.”
10 (10)-12 (12) The External as Impermanent in the Three Times, Etc.
(These three suttas are identical with §§7-9, but by way of the six external sense bases.) [6]
II. THE PAIRS
13 (1) Before My Enlightenment (1)
At Sāvatthī. “Bhikkhus, before my enlightenment, [7] while I was still a bodhisatta, not yet fully enlightened, it occurred to me: ‘What is the gratification, what is the danger, what is the escape in the case of the eye? What is the gratification, what is the danger, what is the escape in the case of the ear … the nose … the tongue … the body … the mind?’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘The pleasure and joy that arise in dependence on the eye: this is the gratification in the eye. That the eye is impermanent, suffering, and subject to change: this is the danger in the eye. The removal and abandonment of desire and lust for the eye: this is the escape from the eye.
“‘The pleasure and joy that arise in dependence on the ear … the nose … the tongue … the body … the mind: this is the gratification in the mind. That the mind is impermanent, suffering, and subject to change: this is the danger in the mind. The removal and abandonment of desire and lust for the mind: this is the escape from the mind.’
“So long, bhikkhus, as I did not directly know as they really are the gratification, the danger, and the escape in the case of these six internal sense bases, I did not claim to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with its devas, Māra, and Brahmā, in this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans. But when I directly knew all this as it really is, then I claimed to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with … its devas and humans.5 [8]
“The knowledge and vision arose in me: ‘Unshakable is my liberation of mind; this is my last birth; now there is no more renewed existence.’”
14 (2) Before My Enlightenment (2)
(The same is repeated for the six external sense bases.)
15 (3) Seeking Gratification (1)
“Bhikkhus, I set out seeking the gratification in the eye. Whatever gratification there is in the eye—that I discovered. I have clearly seen with wisdom just how far the gratification in the eye extends. [9]
“Bhikkhus, I set out seeking the danger in the eye. Whatever danger there is in the eye—that I discovered. I have clearly seen with wisdom just how far the danger in the eye extends.
“Bhikkhus, I set out seeking the escape from the eye. Whatever escape there is from the eye—that I discovered. I have clearly seen with wisdom just how far the escape from the eye extends.
“Bhikkhus, I set out seeking the gratification in … the danger in … the escape from the ear … the nose … the tongue … the body … the mind. Whatever escape there is from the mind—that I discovered. I have clearly seen with wisdom just how far the escape from the mind extends.
“So long, bhikkhus, as I did not directly know as they really are the gratification, the danger, and the escape in the case of these six internal sense bases, I did not claim to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with its devas, Māra, and Brahmā, in this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans. But when I directly knew all this as it really is, then I claimed to have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment in this world with … its devas and humans.
“The knowledge and vision arose in me: ‘Unshakable is my liberation of mind; this is my last birth; now there is no more renewed existence.’”
16 (4) Seeking Gratification (2)
(The same for the six external sense bases.) [10]
17 (5) If There Were No (1)
“Bhikkhus, if there were no gratification in the eye, beings would not become enamoured with it; but because there is gratification in the eye, beings become enamoured with it. If there were no danger in the eye, beings would not experience revulsion towards it; but because there is danger in the eye, beings experience revulsion towards it. If there were no escape from the eye, beings would not escape from it; but because there is an escape from the eye, beings escape from it.
“Bhikkhus, if there were no gratification in the ear … [11] … in the nose
… in the tongue … in the body … in the mind, beings would not become enamoured with it … but because there is an escape from the mind, beings escape from it.
“So long, bhikkhus, as beings have not directly known as they really are the gratification as gratification, the danger as danger, and the escape as escape in the case of these six internal sense bases, they have not escaped from this world with its devas, Māra, and Brahmā, from this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans; they have not become detached from it, released from it, nor do they dwell with a mind rid of barriers. But when beings have directly known all this as it really is, [12] then they have escaped from this world with its devas and humans … they have become detached from it, released from it, and they dwell with a mind rid of barriers.”
18 (6) If There Were No (2)
(The same for the six external sense bases.) [13]
19 (7) Delight (1)
“Bhikkhus, one who seeks delight in the eye seeks delight in suffering. One who seeks delight in suffering, I say, is not freed from suffering. One who seeks delight in the ear … in the nose … in the tongue … in the body … in the mind seeks delight in suffering. One who seeks delight in suffering, I say, is not freed from suffering.
“One who does not seek delight in the eye … in the mind does not seek delight in suffering. One who does not seek delight in suffering, I say, is freed from suffering.”
20 (8) Delight (2)
(The same for the six external sense bases.) [14]
21 (9) Arising of Suffering (1)
“Bhikkhus, the arising, continuation, production, and manifestation of the eye is the arising of suffering, the continuation of disease, the manifestation of aging-and-death. The arising of the ear … the nose … the tongue … the body … the mind is the arising of suffering, the continuation of disease, the manifestation of aging-and-death.
“The cessation, subsiding, and passing away of the eye … the mind is the cessation of suffering, the subsiding of disease, the passing away of aging- and-death.”
22 (10) Arising of Suffering (2)
(The same for the six external sense bases.) [15]
III. THE ALL
23 (1) The All
At Sāvatthī. “Bhikkhus, I will teach you the all.6 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the all? The eye and forms, the ear and sounds, the nose and odours, the tongue and tastes, the body and tactile objects, the mind and mental phenomena. This is called the all.
“If anyone, bhikkhus, should speak thus: ‘Having rejected this all, I shall make known another all’—that would be a mere empty boast on his part.7 If he were questioned he would not be able to reply and, further, he would meet with vexation. For what reason? Because, bhikkhus, that would not be within his domain.”8
24 (2) Abandonment (1)
“Bhikkhus, I will teach you the Dhamma for abandoning all. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma for abandoning all? The eye is to be abandoned, forms are to be abandoned, eye-consciousness is to be abandoned, eye-contact is to be abandoned, [16] and whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither- painful-nor-pleasant—that too is to be abandoned.9
“The ear is to be abandoned … The mind is to be abandoned, mental phenomena are to be abandoned, mind-consciousness is to be abandoned, mind-contact is to be abandoned, and whatever feeling arises with mind- contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor- pleasant—that too is to be abandoned.
“This, bhikkhus, is the Dhamma for abandoning all.”
25 (3) Abandonment (2)
“Bhikkhus, I will teach you the Dhamma for abandoning all through direct knowledge and full understanding. 10 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma for abandoning all through direct knowledge and full understanding? The eye is to be abandoned through direct knowledge and full understanding, forms are to be so abandoned, eye-consciousness is to be so abandoned, eye-contact is to be so abandoned, and whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is to be abandoned through direct knowledge and full understanding.
“The ear is to be abandoned through direct knowledge and full understanding … The mind is to be abandoned through direct knowledge and full understanding, mental phenomena [17] are to be so abandoned, mind-consciousness is to be so abandoned, mind-contact is to be so abandoned, and whatever feeling arises with mind-contact as condition— whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is to be abandoned through direct knowledge and full understanding.
“This, bhikkhus, is the Dhamma for abandoning all through direct knowledge and full understanding.”
26 (4) Full Understanding (1)
At Sāvatthī. “Bhikkhus, without directly knowing and fully understanding the all, without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering.11
“And what, bhikkhus, is that all without directly knowing and fully understanding which, without developing dispassion towards which and abandoning which, one is incapable of destroying suffering?
“Without directly knowing and fully understanding the eye, without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering. Without directly knowing and fully understanding forms … eye-consciousness … eye-contact … and whatever feeling arises with eye-contact as condition … without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering.
“Without directly knowing and fully understanding the ear … the mind
… and whatever feeling arises with mind-contact as condition … without
developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering.
“This, bhikkhus, is the all without directly knowing and fully understanding which … one is incapable of destroying suffering.
“Bhikkhus, by directly knowing and fully understanding the all, by developing dispassion towards it and abandoning it, one is capable of destroying suffering. [18]
“And what, bhikkhus, is that all by directly knowing and fully understanding which, by developing dispassion towards which and abandoning which, one is capable of destroying suffering?
“By directly knowing and fully understanding the eye … the mind … and whatever feeling arises with mind-contact as condition … by developing dispassion towards it and abandoning it, one is capable of destroying suffering.
“This, bhikkhus, is the all by directly knowing and fully understanding which … one is capable of destroying suffering.”
27 (5) Full Understanding (2)
“Bhikkhus, without directly knowing and fully understanding the all, without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering.
“And what, bhikkhus, is the all…?
“The eye and forms and eye-consciousness and things to be cognized by eye-consciousness.12 [19] The ear and sounds and ear-consciousness and things to be cognized by ear-consciousness…. The mind and mental phenomena and mind-consciousness and things to be cognized by mind- consciousness.
“This, bhikkhus, is the all without directly knowing and fully understanding which, without developing dispassion towards which and abandoning which, one is incapable of destroying suffering.
“But, bhikkhus, by directly knowing and fully understanding the all, by developing dispassion towards it and abandoning it, one is capable of destroying suffering.
“And what, bhikkhus, is the all…? (as above)
“This, bhikkhus, is the all by directly knowing and fully understanding which, by developing dispassion towards which and abandoning which, one is capable of destroying suffering.”
28 (6) Burning
On one occasion the Blessed One was dwelling at Gayā, at Gayā’s Head, together with a thousand bhikkhus. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:13
“Bhikkhus, all is burning. And what, bhikkhus, is the all that is burning? The eye is burning, forms are burning, eye-consciousness is burning, eye- contact is burning, and whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant— that too is burning. Burning with what? Burning with the fire of lust, with the fire of hatred, with the fire of delusion; burning with birth, aging, and death; with sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair, I say.
“The ear is burning … [20] … The mind is burning … and whatever feeling arises with mind-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is burning. Burning with what? Burning with the fire of lust, with the fire of hatred, with the fire of delusion; burning with birth, aging, and death; with sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair, I say.
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, towards forms, towards eye-consciousness, towards eye-contact, towards whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant; experiences revulsion towards the ear … towards the mind … towards whatever feeling arises with mind-contact as condition…. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is
liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
This is what the Blessed One said. Elated, those bhikkhus delighted in the Blessed One’s statement. And while this discourse was being spoken, the minds of the thousand bhikkhus were liberated from the taints by nonclinging.
29 (7) Weighed Down
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, all is weighed down.14 [21] And what, bhikkhus, is the all that is weighed down? The eye is weighed down, forms are weighed down, eye-consciousness is weighed down, eye-contact is weighed down, and whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is weighed down. Weighed down by what? Weighed down by birth, aging, and death; by sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair, I say.
“The ear is weighed down … The mind is weighed down … Weighed down by what? Weighed down by birth … by despair, I say.
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
30 (8) Appropriate for Uprooting
“Bhikkhus, I will teach you the way that is appropriate for uprooting all conceivings. [22] Listen to that and attend closely, I will speak….
“And what, bhikkhus, is the way that is appropriate for uprooting all conceivings?15 Here, bhikkhus, a bhikkhu does not conceive the eye, does not conceive in the eye, does not conceive from the eye, does not conceive,
‘The eye is mine.’16 He does not conceive forms … eye-consciousness … eye-contact … and as to whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’
“He does not conceive the ear … He does not conceive the mind … mental phenomena … mind-consciousness … mind-contact … [23] and as to whatever feeling arises with mind-contact as condition … he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’
“He does not conceive all, does not conceive in all, does not conceive from all, does not conceive, ‘All is mine.’
“Since he does not conceive anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’17
“This, bhikkhus, is the way that is appropriate for uprooting all conceivings.”
31 (9) Suitable for Uprooting (1)
“Bhikkhus, I will teach you the way that is suitable for uprooting all conceivings.18 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the way that is suitable for uprooting all conceivings? Here, bhikkhus, a bhikkhu does not conceive the eye, does not conceive in the eye, does not conceive from the eye, does not conceive, ‘The eye is mine.’ He does not conceive forms … eye-consciousness … eye-contact … and as to whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’ For, bhikkhus, whatever one
conceives, whatever one conceives in, whatever one conceives from, whatever one conceives as ‘mine’—that is otherwise. The world, becoming otherwise, attached to becoming, seeks delight only in becoming.19
“He does not conceive the ear … [24] … He does not conceive the mind
… and as to whatever feeling arises with mind-contact as condition … he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’ For, bhikkhus, whatever one conceives, whatever one conceives in, whatever one conceives from, whatever one conceives as ‘mine’—that is otherwise. The world, becoming otherwise, attached to becoming, seeks delight only in becoming.
“Whatever, bhikkhus, is the extent of the aggregates, the elements, and the sense bases, he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’
“Since he does not conceive anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’
“This, bhikkhus, is the way that is suitable for uprooting all conceivings.”20
32 (10) Suitable for Uprooting (2)
“Bhikkhus, I will teach you the way that is suitable for uprooting all conceivings. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the way that is suitable for uprooting all conceivings? What do you think, bhikkhus, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent suffering or happiness?” - [25] “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?” - “No, venerable sir.”
“Are forms permanent or impermanent?… Is eye-consciousness … Is eye-contact … Is any feeling that arises with eye-contact as condition— whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—permanent or impermanent?…
“Is the ear permanent or impermanent?… Is the mind … Is any feeling that arises with mind-contact as condition permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent suffering or happiness?” - “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?” - “No, venerable sir.” [26]
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, towards forms, towards eye-consciousness, towards eye-contact, towards whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant. He experiences revulsion towards the ear … towards the mind … towards whatever feeling arises with mind-contact as condition…. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’
“This, bhikkhus, is the way that is suitable for uprooting all conceivings.”
IV. SUBJECT TO BIRTH
33 (1) Subject to Birth
At Sāvatthī. “Bhikkhus, all is subject to birth. And what, bhikkhus, is the all that is subject to birth? [27] The eye is subject to birth. Forms … Eye- consciousness … Eye-contact … Whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is subject to birth.
“The ear … The tongue … The body … The mind … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is subject to birth.
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, towards forms, towards eye-consciousness, towards eye-contact … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
34 (2)-42 (10) Subject to Aging, Etc.
“Bhikkhus, all is subject to aging…. All is subject to sickness…. All is subject to death…. All is subject to sorrow…. All is subject to defilement…. [28] All is subject to destruction…. All is subject to vanishing…. All is subject to origination…. All is subject to cessation….” (Each is to be completed as above.)
V. IMPERMANENT
43 (1)-52 (10) Impermanent, Etc.
At Sāvatthī. “Bhikkhus, all is impermanent…. All is suffering…. All is nonself…. [29] All is to be directly known…. All is to be fully understood…. All is to be abandoned…. All is to be realized…. All is to be fully understood through direct knowledge…. All is oppressed…. All is stricken….” (Each to be completed as in §33.) [30]
Division II THE SECOND FIFTY
I. IGNORANCE
53 (1) Abandoning Ignorance
At Sāvatthī. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, [31] and said to him:
“Venerable sir, how should one know, how should one see, for ignorance to be abandoned and true knowledge to arise?”
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as impermanent, ignorance is abandoned and true knowledge arises.21 When one knows and sees forms as impermanent … When one knows and sees as impermanent whatever feeling arises with mind-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-norpleasant—ignorance is abandoned and true knowledge arises. When one knows and sees thus, bhikkhu, ignorance is abandoned and true knowledge arises.”
54 (2) Abandoning the Fetters
… “Venerable sir, how should one know, how should one see, for the fetters to be abandoned?”22
(The Buddha’s reply is as above.)
55 (3) Uprooting the Fetters
… “Venerable sir, how should one know, how should one see, for the fetters to be uprooted?”
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as nonself, [32] the fetters are uprooted. When one knows and sees forms as nonself … (all as above)
… When one knows and sees thus, bhikkhu, the fetters are uprooted.”
56 (4)-59 (7) Abandoning the Taints, Etc.
… “Venerable sir, how should one know, how should one see, for the taints to be abandoned?… for the taints to be uprooted?… for the underlying tendencies to be abandoned?… for the underlying tendencies to be uprooted?”23
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as nonself, the underlying tendencies are uprooted. When one knows and sees forms as nonself … (all as above) … When one knows and sees thus, bhikkhu, the underlying tendencies are uprooted.”
60 (8) The Full Understanding of All Clinging
“Bhikkhus, I will teach you the Dhamma for the full understanding of all clinging.24 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma for the full understanding of all clinging? In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]. [33] Seeing thus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, towards forms, towards eye-consciousness, towards eye-contact, towards feeling. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [the mind] is liberated. With its deliverance 25 he understands: ‘Clinging has been fully understood by me.’
“In dependence on the ear and sounds … In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]. Seeing thus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the mind, towards mental phenomena, towards mind-consciousness, towards mind-contact, towards feeling. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [the mind] is liberated. With its deliverance he understands: ‘Clinging has been fully understood by me.’
“This, bhikkhus, is the Dhamma for the full understanding of all clinging.”
61 (9) The Exhaustion of All Clinging (1)
“Bhikkhus, I will teach you the Dhamma for the exhaustion of all clinging. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma for the exhaustion of all clinging? In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises…. (as above) … With its deliverance he understands: ‘Clinging has been exhausted by me.’
“In dependence on the ear and sounds … the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises…. [34] … With its deliverance he understands: ‘Clinging has been exhausted by me.’
“This, bhikkhus, is the Dhamma for the exhaustion of all clinging.”
62 (10) The Exhaustion of All Clinging (2)
“Bhikkhus, I will teach you the Dhamma for the exhaustion of all clinging. Listen to that….”
“And what, bhikkhus, is the Dhamma for the exhaustion of all clinging?
What do you think, bhikkhus, is the eye permanent or impermanent?”
… (To be completed as in §32) … [35]
“This, bhikkhus, is the Dhamma for the exhaustion of all clinging.”
II. MIGAJALA
63 (1) Migajāla (1)
At Sāvatthī. Then the Venerable Migajāla approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:26
“Venerable sir, it is said, ‘a lone dweller, a lone dweller.’27 [36] In what way, venerable sir, is one a lone dweller, and in what way is one dwelling with a partner?”28
“There are, Migajāla, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, delight arises. When there is delight, there is infatuation. When there is infatuation, there is bondage. Bound by the fetter of delight, Migajāla, a bhikkhu is called one dwelling with a partner.
“There are, Migajāla, sounds cognizable by the ear … odours cognizable by the nose … tastes cognizable by the tongue … tactile objects cognizable
by the body … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them … he is called one dwelling with a partner.
“Migajāla, even though a bhikkhu who dwells thus resorts to forests and groves, to remote lodgings where there are few sounds and little noise, desolate, hidden from people, appropriate for seclusion, he is still called one dwelling with a partner. For what reason? Because craving is his partner, and he has not abandoned it; therefore he is called one dwelling with a partner.
“There are, Migajāla, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, delight ceases. When there is no delight, there is no infatuation. When there is no infatuation, [37] there is no bondage. Released from the fetter of delight, Migajāla, a bhikkhu is called a lone dweller.
“There are, Migajāla, sounds cognizable by the ear … odours cognizable by the nose … tastes cognizable by the tongue … tactile objects cognizable by the body … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them … he is called a lone dweller.
“Migajāla, even though a bhikkhu who dwells thus lives in the vicinity of a village, associating with bhikkhus and bhikkhunīs, with male and female lay followers, with kings and royal ministers, with sectarian teachers and their disciples, he is still called a lone dweller. For what reason? Because craving is his partner, and he has abandoned it; therefore he is called a lone dweller.”
64 (2) Migajāla (2)
Then the Venerable Migajāla approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having
heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“There are, Migajāla, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, delight arises. With the arising of delight, I say, Migajāla, there is the arising of suffering.
“There are, Migajāla, sounds cognizable by the ear … odours cognizable by the nose … tastes cognizable by the tongue … tactile objects cognizable by the body … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, … delight arises. [38] With the arising of delight, I say, Migajāla, there is the arising of suffering.
“There are, Migajāla, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, delight ceases. With the cessation of delight, I say, Migajāla, comes the cessation of suffering.
“There are, Migajāla, sounds cognizable by the ear … odours cognizable by the nose … tastes cognizable by the tongue … tactile objects cognizable by the body … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them … delight ceases. With the cessation of delight, I say, Migajāla, comes the cessation of suffering.”
Then the Venerable Migajāla, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s words, rose from his seat, and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on his right, he departed.
Then, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, the Venerable Migajāla, by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been
lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And the Venerable Migajāla became one of the arahants.
65 (3) Samiddhi (1)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then the Venerable
Samiddhi approached the Blessed One … and said to him:29 “Venerable sir, it is said, ‘Māra, Māra.’ In what way, venerable sir, might there be Māra or the description of Māra?”30
“Where there is the eye, Samiddhi, where there are forms, [39] eye- consciousness, things to be cognized by eye-consciousness, there Māra exists or the description of Māra.
“Where there is the ear … the mind, where there are mental phenomena, mind-consciousness, things to be cognized by mind-consciousness, there Māra exists or the description of Māra.
“Where there is no eye, Samiddhi, no forms, no eye-consciousness, no things to be cognized by eye-consciousness, there Māra does not exist nor any description of Māra.
“Where there is no ear … no mind, no mental phenomena, no mind- consciousness, no things to be cognized by mind-consciousness, there Māra does not exist nor any description of Māra.”
66 (4) Samiddhi (2)
“Venerable sir, it is said, ‘a being, a being.’ In what way, venerable sir, might there be a being or the description of a being?”
(The reply is as in the preceding sutta.)
67 (5) Samiddhi (3)
“Venerable sir, it is said, ‘suffering, suffering.’ In what way, venerable sir, might there be suffering or the description of suffering?”…
68 (6) Samiddhi (4)
“Venerable sir, it is said, ‘the world, the world.’ In what way, venerable sir, might there be the world or the description of the world?”
“Where there is the eye, Samiddhi, where there are forms, eye- consciousness, things to be cognized by eye-consciousness, there the world exists or the description of the world.
“Where there is the ear … [40] the mind, where there are mental phenomena, mind-consciousness, things to be cognized by mind- consciousness, there the world exists or the description of the world.
“Where there is no eye, Samiddhi, no forms, no eye-consciousness, no things to be cognized by eye-consciousness, there the world does not exist nor any description of the world.
“Where there is no ear … no mind, no mental phenomena, no mind- consciousness, no things to be cognized by mind-consciousness, there the world does not exist nor any description of the world.”
69 (7) Upasena
On one occasion the Venerable Sāriputta and the Venerable Upasena were dwelling at Rājagaha in the Cool Grove, in the
Snake’s Hood Grotto.31 Now on that occasion a viper had fallen on the Venerable Upasena’s body. Then the Venerable Upasena addressed the bhikkhus thus: “Come, friends, lift this body of mine on to the bed and carry it outside before it is scattered right here like a handful of chaff.”32
When this was said, the Venerable Sāriputta said to the Venerable Upasena: “We do not see any alteration in the Venerable Upasena’s body nor any change in his faculties; yet the Venerable Upasena says: ‘Come,
friends, lift this body of mine on to the bed and carry it outside before it is scattered right here like a handful of chaff.’”
“Friend Sāriputta, for one who thinks, ‘I am the eye’ or ‘The eye is mine’; ‘I am the ear’ or ‘The ear is mine’ … ‘I am the mind’ or ‘The mind is mine,’ there might be alteration of the body or a change of the faculties. But, friend Sāriputta, [41] it does not occur to me, ‘I am the eye’ or ‘The eye is mine’; ‘I am the ear’ or ‘The ear is mine’ … ‘I am the mind’ or ‘The mind is mine,’ so why should there be any alteration in my body or any change in my faculties?”33
“It must be because I-making, mine-making, and the underlying tendency to conceit have been thoroughly uprooted in the Venerable Upasena for a long time that it does not occur to him, ‘I am the eye’ or ‘The eye is mine’; ‘I am the ear’ or ‘The ear is mine’ … ‘I am the mind’ or ‘The mind is mine.’”
Then those bhikkhus lifted the Venerable Upasena’s body on to the bed and carried it outside. Then the Venerable Upasena’s body was scattered right there just like a handful of chaff.
70 (8) Upavāṇa
Then the Venerable Upavāṇa approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘the directly visible
Dhamma, the directly visible Dhamma.’34 In what way, venerable sir, is the Dhamma directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise?”
“Here, Upavāṇa, having seen a form with the eye, a bhikkhu experiences the form as well as lust for the form. He understands that lust for forms exists internally thus: ‘There is in me lust for forms internally.’ Since that is so, Upavāṇa, the Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise. [42]
“Further, Upavāṇa, having heard a sound with the ear … having cognized a mental phenomenon with the mind, a bhikkhu experiences the mental
phenomenon as well as lust for the mental phenomenon. He understands that lust for mental phenomena exists internally thus: ‘There is in me lust for mental phenomena internally.’ Since that is so, Upavāṇa, the Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.
“But here, Upavāṇa, having seen a form with the eye, a bhikkhu experiences the form without experiencing lust for the form. He understands that lust for forms does not exist internally thus: ‘There is in me no lust for forms internally.’ Since that is so, Upavāṇa, the Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.
“Further, Upavāṇa, having heard a sound with the ear … [43] … having cognized a mental phenomenon with the mind, a bhikkhu experiences the mental phenomenon without experiencing lust for the mental phenomenon. He understands that lust for mental phenomena does not exist internally thus: ‘There is in me no lust for mental phenomena internally.’ Since that is so, Upavāṇa, the Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.”35
71 (9) The Six Bases for Contact (1)
“Bhikkhus, if a bhikkhu does not understand as they really are the origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape, in the case of these six bases for contact, then he has not lived the holy life; he is far away from this Dhamma and Discipline.”
When this was said, a certain bhikkhu said to the Blessed One: “Here, venerable sir, I am lost,36 for I do not understand as they really are the origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape, in the case of these six bases for contact.”
“What do you think, bhikkhu, do you regard the eye thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”
“No, venerable sir.”
“Good, bhikkhu! And here, bhikkhu, you should clearly see the eye as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ This itself is the end of suffering.
“Do you regard the ear thus…? Do you regard the mind thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”
“No, venerable sir.”
“Good, bhikkhu! And here, bhikkhu, you should clearly see the mind as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ This itself is the end of suffering.” [44]
72 (10) The Six Bases for Contact (2)
(The first two paragraphs as in the preceding sutta.)
“What do you think, bhikkhu, do you regard the eye thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self’?”
“Yes, venerable sir.”
“Good, bhikkhu! And here, bhikkhu, you should clearly see the eye as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Thus this first base for contact will be abandoned by you for no future renewed existence.37
“Do you regard the ear thus…? Thus this second base for contact will be abandoned by you for no future renewed existence….
“Do you regard the mind thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self’?”
“Yes, venerable sir.”
“Good, bhikkhu! And here, bhikkhu, you should clearly see the mind as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Thus this sixth base for contact will be abandoned by you for no future renewed existence.”
73 (11) The Six Bases for Contact (3)
(The first two paragraphs as in §71.) [45]
“What do you think, bhikkhu, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent suffering or happiness?” - “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?” - “No, venerable sir.”
“Is the ear … the mind permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent suffering or happiness?” - “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”
- “No, venerable sir.”
“Seeing thus, bhikkhu, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye … revulsion towards the mind. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
[46]
III. SICK
74 (1) Sick (1)
At Sāvatthī. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, in such and such a dwelling there is a certain newly ordained bhikkhu, not well known, who is sick, afflicted, gravely ill. It would be good, venerable sir, if the Blessed One would approach that bhikkhu out of compassion.”
Then, when the Blessed One heard the words “newly ordained” and “sick,” and understood that he was not a well-known bhikkhu, he went to him. That bhikkhu saw the Blessed One coming in the distance and stirred
on his bed.38 The Blessed One said to him: “Enough, bhikkhu, do not stir on your bed. There are these seats ready, I will sit down there.”
The Blessed One then sat down on the appointed seat and said to that bhikkhu: “I hope you are bearing up, bhikkhu, I hope you are getting better. I hope that your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“Venerable sir, I am not bearing up, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
“I hope then, bhikkhu, that you are not troubled by remorse and regret.” “Indeed, venerable sir, I have quite a lot of remorse and regret.” [47]
“I hope, bhikkhu, that you have nothing for which to reproach yourself in regard to virtue.”
“I have nothing, venerable sir, for which to reproach myself in regard to virtue.”
“Then, bhikkhu, if you have nothing for which to reproach yourself in regard to virtue, why are you troubled by remorse and regret?”
“I understand, venerable sir, that it is not for the sake of purification of virtue that the Dhamma has been taught by the Blessed One.”
“If, bhikkhu, you understand that the Dhamma has not been taught by me for the sake of purification of virtue, then for what purpose do you understand the Dhamma to have been taught by me?”
“Venerable sir, I understand the Dhamma to have been taught by the Blessed One for the sake of the fading away of lust.”39
“Good, good, bhikkhu! It is good that you understand the Dhamma to have been taught by me for the sake of the fading away of lust. For the Dhamma is taught by me for the sake of the fading away of lust.
“What do you think, bhikkhu, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”… “Is the ear … the mind permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent
suffering or happiness?” - “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?” - “No, venerable sir.”
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
This is what the Blessed One said. Elated, that bhikkhu delighted in the Blessed One’s statement. And while this discourse was being spoken, there arose in that bhikkhu the dust-free, stainless vision of the Dhamma: “Whatever is subject to origination is all subject to cessation.”40
75 (2) Sick (2)
(As above down to:) [48]
“If, bhikkhu you understand that the Dhamma has not been taught by me for the sake of purification of virtue, then for what purpose do you understand the Dhamma to have been taught by me?”
“Venerable sir, I understand the Dhamma to have been taught by the Blessed One for the sake of final Nibbāna without clinging.”
“Good, good, bhikkhu! It is good that you understand the Dhamma to have been taught by me for the sake of final Nibbāna without clinging. For the Dhamma is taught by me for the sake of final Nibbāna without clinging.41
“What do you think, bhikkhu, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”… “Is the ear … the nose … the tongue … the body … the mind … mind-consciousness … mind-contact … whatever feeling arises with mind-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” - “Is what is impermanent suffering or happiness?” - “Suffering, venerable sir.” - “Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?” - “No, venerable sir.”
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
This is what the Blessed One said. Elated, that bhikkhu delighted in the Blessed One’s statement. And while this discourse was being spoken, that bhikkhu’s mind was liberated from the taints by nonclinging.
76 (3) Rādha (1)
Then the Venerable Rādha approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“Rādha, you should abandon desire for whatever is impermanent. And what is impermanent? The eye is impermanent; you should abandon desire for it. Forms are impermanent … Eye-consciousness is impermanent … Eye-contact is impermanent … Whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant— that too is impermanent; you should abandon desire for it.
“The ear … The mind is impermanent … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is impermanent; you should abandon desire for it. [49] Rādha, you should abandon desire for whatever is impermanent.”
77 (4) Rādha (2)
… “Rādha, you should abandon desire for whatever is suffering.” …
78 (5) Rādha (3)
… “Rādha, you should abandon desire for whatever is nonself.” …
79 (6) Abandoning Ignorance (1)
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, is there one thing through the abandoning of which ignorance is abandoned by a bhikkhu and true knowledge arises?”
“There is one thing, bhikkhu, through the abandoning of which ignorance is abandoned by a bhikkhu and true knowledge arises.”
“And what is that one thing, venerable sir?” [50]
“Ignorance, bhikkhu, is that one thing through the abandoning of which ignorance is abandoned by a bhikkhu and true knowledge arises.”42
“But, venerable sir, how should a bhikkhu know, how should he see, for ignorance to be abandoned by him and true knowledge to arise?”
“Bhikkhu, when a bhikkhu knows and sees the eye as impermanent, ignorance is abandoned by him and true knowledge arises. When he knows and sees forms as impermanent … When he knows and sees as impermanent whatever feeling arises with mind-contact as condition … ignorance is abandoned by him and true knowledge arises.
“When, bhikkhu, a bhikkhu knows and sees thus, ignorance is abandoned by him and true knowledge arises.”
80 (7) Abandoning Ignorance (2)
(As above down to:)
“But, venerable sir, how should a bhikkhu know, how should he see, for ignorance to be abandoned by him and true knowledge to arise?”
“Here, bhikkhu, a bhikkhu has heard, ‘Nothing is worth adhering to.’ When a bhikkhu has heard, ‘Nothing is worth adhering to,’ he directly knows everything. Having directly known everything, he fully understands everything. Having fully understood everything, he sees all signs differently.43 He sees the eye differently, he sees forms differently … whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too he sees differently.
“When, bhikkhu, a bhikkhu knows and sees thus, ignorance is abandoned by him and true knowledge arises.”
81 (8) A Number of Bhikkhus
Then a number of bhikkhus approached the Blessed One … and said to him: [51] “Here, venerable sir, wanderers of other sects ask us: ‘For what purpose, friends, is the holy life lived under the ascetic Gotama?’ When we are asked thus, venerable sir, we answer those wanderers thus: ‘It is, friends, for the full understanding of suffering that the holy life is lived under the Blessed One.’ We hope, venerable sir, that when we answer thus we state what has been said by the Blessed One and do not misrepresent him with what is contrary to fact; that we explain in accordance with the Dhamma, and that no reasonable consequence of our assertion gives ground for criticism.”44
“For sure, bhikkhus, when you answer thus you state what has been said by me and do not misrepresent me with what is contrary to fact; you explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of your assertion gives ground for criticism. For, bhikkhus, it is for the full understanding of suffering that the holy life is lived under me.
“But, bhikkhus, if wanderers of other sects ask you: ‘What, friends, is that suffering for the full understanding of which the holy life is lived under the ascetic Gotama?’—being asked thus, you should answer them thus: ‘The eye, friends, is suffering: it is for the full understanding of this that the holy life is lived under the Blessed One. Forms are suffering … Whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is suffering … The mind is suffering … Whatever feeling arises with mind-contact as condition
… that too is suffering: it is for the full understanding of this that the holy life is lived under the Blessed One. This, friends, is that suffering for the full understanding of which the holy life is lived under the Blessed One.’ [52]
“Being asked thus, bhikkhus, you should answer those wanderers of other sects in such a way.”
82 (9) The World
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘the world, the world.’ In what way, venerable sir, is it said ‘the world’?”
“It is disintegrating, bhikkhu, therefore it is called the world.45 And what is disintegrating? The eye, bhikkhu, is disintegrating, forms are disintegrating, eye-consciousness is disintegrating, eye-contact is disintegrating, and whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is disintegrating. The ear is disintegrating … The mind is disintegrating … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is disintegrating. It is disintegrating, bhikkhu, therefore it is called the world.”
83 (10) Phagguna
Then the Venerable Phagguna approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, is there any eye by means of which one describing the Buddhas of the past could describe them—those who have attained final Nibbāna, cut through proliferation, cut through the rut, exhausted the round, and transcended all suffering?46 Is there any ear by way of which one describing the Buddhas of the past could describe them?… Is there any mind by way of which one describing the Buddhas of the past could describe them—those who have attained final Nibbāna, cut through proliferation, cut through the rut, exhausted the round, and transcended all suffering?”
“There is no eye, Phagguna, by means of which one describing the Buddhas of the past could describe them—those who have attained final Nibbāna, cut through proliferation, cut through the rut, exhausted the round, and transcended all suffering. There is no ear by means of which one describing the Buddhas of the past could describe them…. [53] There is no mind by means of which one describing the Buddhas of the past could describe them—those who have attained final Nibbāna, cut through
proliferation, cut through the rut, exhausted the round, and transcended all suffering.”
IV. CHANNA
84 (1) Subject to Disintegration
At Sāvatthī. Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘the world, the world.’ In what way, venerable sir, is it said ‘the world’?”
“Whatever is subject to disintegration, Ānanda, is called the world in the Noble One’s Discipline.47 And what is subject to disintegration? The eye, Ānanda, is subject to disintegration, forms … eye-consciousness … eye- contact … whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is subject to disintegration. The ear is subject to disintegration … The mind is subject to disintegration … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is subject to disintegration. Whatever is subject to disintegration, Ānanda, is called the world in the Noble One’s Discipline.” [54]
85 (2) Empty Is the World
Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘Empty is the world, empty is the world.’ In what way, venerable sir, is it said, ‘Empty is the world’?”
“It is, Ānanda, because it is empty of self and of what belongs to self that it is said, ‘Empty is the world.’ And what is empty of self and of what belongs to self? The eye, Ānanda, is empty of self and of what belongs to self. Forms are empty of self and of what belongs to self. Eye- consciousness is empty of self and of what belongs to self. Eye-contact is empty of self and of what belongs to self…. Whatever feeling arises with mind-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful- nor-pleasant—that too is empty of self and of what belongs to self.
“It is, Ānanda, because it is empty of self and of what belongs to self that it is said, ‘Empty is the world.’”
86 (3) The Dhamma in Brief
Sitting to one side, the Venerable Ānanda said to the Blessed One: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“What do you think, Ānanda, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”
(Complete as in §32, down to “there is no more for this state of being.”) [55]
87 (4) Channa
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary.48 Now on that occasion the Venerable Sāriputta, the Venerable Mahācunda, and the Venerable Channa were dwelling on Mount Vulture Peak, and the Venerable Channa was sick, afflicted, gravely ill. Then, in the evening, the Venerable Sāriputta [56] emerged from seclusion, approached the Venerable Mahācunda, and said to him: “Come, friend Cunda, let us approach the Venerable Channa and ask about his illness.”
“Yes, friend,” the Venerable Mahācunda replied.
Then the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahācunda approached the Venerable Channa and exchanged greetings with him, after which they sat down in the appointed seats. The Venerable Sāriputta then said to the Venerable Channa: “I hope you are bearing up, friend Channa, I hope you are getting better. I hope that your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“Friend Sāriputta, I am not bearing up, I am not getting better. 49 Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned. Just as if a strong man were to split my head open with a sharp sword, so too violent winds cut through my head. I am not bearing up…. Just as if a strong man were to tighten a tough leather strap around my head as a headband, so too there are violent pains in my head. I am not bearing up…. Just as if a skilled butcher or his apprentice were to carve up an ox’s belly with a sharp butcher’s knife, so too violent winds are carving up my belly. I am not bearing up…. Just as if two strong men were to seize a weaker man by both arms and roast him over a pit of hot coals, [57] so too there is a violent burning in my body. I am not bearing up, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned. I will use the knife,50 friend Sāriputta, I have no desire to live.”
“Let the Venerable Channa not use the knife. Let the Venerable Channa live. We want the Venerable Channa to live. If the Venerable Channa lacks suitable food, I will go in search of suitable food for him; if he lacks suitable medicine, I will go in search of suitable medicine for him; if he lacks a proper attendant, I will attend on him. Let the Venerable Channa not use the knife. Let the Venerable Channa live. We want the Venerable Channa to live.”
“Friend Sāriputta, it is not that I lack suitable food; I have suitable food. It is not that I lack suitable medicine; I have suitable medicine. It is not that I lack proper attendants; I have proper attendants. Moreover, friend, for a long time the Teacher has been served by me in an agreeable way, not in a disagreeable way; for it is proper for a disciple to serve the Teacher in an agreeable way, not in a disagreeable way. Remember this, friend Sāriputta: the bhikkhu Channa will use the knife blamelessly.”51
“We would ask the Venerable Channa about a certain point, if he would grant us the favour of answering our question.” [58]
“Ask, friend Sāriputta. When I have heard I shall know.”
“Friend Channa, do you regard the eye, eye-consciousness, and things cognizable with eye-consciousness thus: ‘This is mine, this I am, this is my
self’? Do you regard the ear, ear-consciousness, and things cognizable with ear-consciousness thus…? Do you regard the mind, mind-consciousness, and things cognizable with mind-consciousness thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?
“Friend Sāriputta, I regard the eye, eye-consciousness, and things cognizable with eye-consciousness thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ I regard the ear, ear-consciousness, and things cognizable with ear-consciousness thus…I regard the mind, mind- consciousness, and things cognizable with mind-consciousness thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’”
“Friend Channa, what have you seen and directly known in the eye, in eye-consciousness, and in things cognizable with eye-consciousness, that you regard them thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self’? What have you seen and directly known in the ear … in the mind, in mind- consciousness, and in things cognizable with mind-consciousness, that you regard them thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self’?”
“Friend Sāriputta, it is because I have seen and directly known cessation in the eye, in eye-consciousness, and in things cognizable with eye- consciousness, that I regard them thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ It is because I have seen and directly known cessation in the ear … [59] … in the mind, in mind-consciousness, and in things cognizable with mind-consciousness, that I regard them thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’”52
When this was said, the Venerable Mahācunda said to the Venerable Channa: “Therefore, friend Channa, this teaching of the Blessed One is to be constantly given close attention: ‘For one who is dependent there is wavering; for one who is independent there is no wavering. When there is no wavering, there is tranquillity; when there is tranquillity, there is no inclination; when there is no inclination, there is no coming and going; when there is no coming and going, there is no passing away and being reborn; when there is no passing away and being reborn, there is neither here nor beyond nor in between the two. This itself is the end of suffering.’”53
Then, when the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahācunda had given the Venerable Channa this exhortation, they rose from their seats and departed. Then, soon after they had left, the Venerable Channa used the knife.54
Then the Venerable Sāriputta approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, the Venerable Channa has used the knife. What is his destination, what is his future bourn?”
“Sāriputta, didn’t the bhikkhu Channa declare his blameless-ness right in your presence?”55
“Venerable sir, there is a Vajjian village named Pubbavijjhana. There the Venerable Channa had friendly families, intimate families, hospitable families.”56
“The Venerable Channa did indeed have these friendly families, Sāriputta, intimate families, hospitable families; but I do not [60] say that to this extent one is blameworthy. Sāriputta, when one lays down this body and takes up another body, then I say one is blameworthy. This did not happen in the case of the bhikkhu Channa. The bhikkhu Channa used the knife blamelessly. Thus, Sāriputta, should you remember it.”57
88 (5) Puṇṇa
Then the Venerable Puṇṇa approached the Blessed One … and said to him:58 “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“Puṇṇa, there are forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, delight arises in him. With the arising of delight, Puṇṇa, there is the arising of suffering, I say. There are, Puṇṇa, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable,
pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, delight arises in him. With the arising of delight, Puṇṇa, there is the arising of suffering, I say.
“Puṇṇa, there are forms cognizable by the eye … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. [61] If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, delight ceases in him. With the cessation of delight, Puṇṇa, there is the cessation of suffering, I say.
“Now that you have received this brief exhortation from me, Puṇṇa, in which country will you dwell?”
“There is, venerable sir, a country named Sunāparanta. I will dwell there.”
“Puṇṇa, the people of Sunāparanta are wild and rough. If they abuse and revile you, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta abuse and revile me, then I will think: ‘These people of Sunāparanta are excellent, truly excellent, in that they do not give me a blow with the fist.’ Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“But, Puṇṇa, if the people of Sunāparanta do give you a blow with the fist, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta give me a blow with the fist, then I will think: ‘These people of Sunāparanta are excellent, truly excellent, in that they do not give me a blow with a clod.’ Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“But, Puṇṇa, if the people of Sunāparanta do give you a blow with a clod, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta give me a blow with a clod, then I will think: ‘These people of Sunāparanta are excellent, truly excellent, in that they do not give me a blow with a rod.’ [62] Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“But, Puṇṇa, if the people of Sunāparanta do give you a blow with a rod, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta give me a blow with a rod, then I will think: ‘These people of Sunāparanta are excellent, truly excellent, in that they do not stab me with a knife.’ Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“But, Puṇṇa, if the people of Sunāparanta do stab you with a knife, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta stab me with a knife, then I will think: ‘These people of Sunāparanta are excellent, truly excellent, in that they do not take my life with a sharp knife.’ Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“But, Puṇṇa, if the people of Sunāparanta do take your life with a sharp knife, what will you think about that?”
“Venerable sir, if the people of Sunāparanta take my life with a sharp knife, then I will think: ‘There have been disciples of the Blessed One who, being repelled, humiliated, and disgusted by the body and by life, sought for an assailant.59 But I have come upon this assailant even without a search.’ Then I will think thus, Blessed One; then I will think thus, Fortunate One.”
“Good, good, Puṇṇa! Endowed with such self-control and peacefulness, you will be able to dwell in the Sunāparanta country. Now, Puṇṇa, you may go at your own convenience.”60
Then, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s statement, the Venerable Puṇṇa rose from his seat, paid homage to the Blessed One, [63] and departed, keeping him on his right. He then set his lodging in order, took his bowl and outer robe, and set out to wander towards the Sunāparanta country. Wandering by stages, he eventually arrived in the Sunāparanta country, where he dwelt. Then, during that rains, the Venerable Puṇṇa established five hundred male lay followers and five hundred female lay followers in the practice, and he himself, during that same rains, realized the three true knowledges. And during that same rains he attained final Nibbāna.61
Then a number of bhikkhus approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, the clansman named Puṇṇa, who was given a brief exhortation by the Blessed One, has died. What is his destination? What is his future bourn?”
“Bhikkhus, the clansman Puṇṇa was wise. He practised in accordance with the Dhamma and did not trouble me on account of the Dhamma. The clansman Puṇṇa has attained final Nibbāna.”
89 (6) Bāhiya
Then the Venerable Bāhiya approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“What do you think, Bāhiya, is the eye permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.” … (as in §32 down to:) [64] … “He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
Then the Venerable Bāhiya, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s words, rose from his seat, and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on his right, he departed. Then, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, the Venerable Bāhiya, by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And the Venerable Bāhiya became one of the arahants.
90 (7) Being Stirred (1)
“Bhikkhus, being stirred is a disease, being stirred is a tumour, being stirred is a dart.62 Therefore, bhikkhus, the Tathāgata dwells unstirred, with the
dart removed. [65] Therefore, bhikkhus, if a bhikkhu should wish, ‘May I dwell unstirred, with the dart removed!’ he should not conceive the eye, should not conceive in the eye, should not conceive from the eye, should not conceive, ‘The eye is mine.’63
“He should not conceive forms … eye-consciousness … eye-contact … and as to whatever feeling arises with eye-contact as condition … he should not conceive that, should not conceive in that, should not conceive from that, should not conceive, ‘That is mine.’
“He should not conceive the ear … He should not conceive the mind … mental phenomena … mind-consciousness … mind-contact … and as to whatever feeling arises with mind-contact as condition … he should not conceive that, should not conceive in that, should not conceive from that, should not conceive, ‘That is mine.’
“He should not conceive all, should not conceive in all, should not conceive from all, should not conceive, ‘All is mine.’
“Since he does not conceive anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. [66] He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
91 (8) Being Stirred (2)
“Bhikkhus, being stirred is a disease, being stirred is a tumour, being stirred is a dart. Therefore, bhikkhus, the Tathāgata dwells unstirred, with the dart removed. Therefore, bhikkhus, if a bhikkhu should wish, ‘May I dwell unstirred, with the dart removed!’ he should not conceive the eye … forms
… eye-consciousness … eye-contact … and as to whatever feeling arises with eye-contact as condition … he should not conceive that, should not conceive in that, should not conceive from that, should not conceive, ‘That is mine.’ For whatever one conceives, bhikkhus, whatever one conceives in, whatever one conceives from, whatever one conceives as ‘mine’—that is
otherwise. The world, becoming otherwise, attached to existence, seeks delight only in existence.64
“He should not conceive the ear … He should not conceive the mind … mental phenomena … mind-consciousness … mind-contact … and as to whatever feeling arises with mind-contact as condition … he should not conceive that, should not conceive in that, should not conceive from that, should not conceive, ‘That is mine.’ For whatever one conceives, bhikkhus, whatever one conceives in, [67] whatever one conceives from, whatever one conceives as ‘mine’—that is otherwise. The world, becoming otherwise, attached to existence, seeks delight only in existence.
“Whatever, bhikkhus, is the extent of the aggregates, the elements, and the sense bases, he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’
“Since he does not conceive anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
92 (9) The Dyad (1)
“Bhikkhus, I will teach you the dyad. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the dyad? The eye and forms, the ear and sounds, the nose and odours, the tongue and tastes, the body and tactile objects, the mind and mental phenomena. This is called the dyad.
“If anyone, bhikkhus, should speak thus: ‘Having rejected this dyad, I shall make known another dyad’—that would be a mere empty boast on his part. If he was questioned he would not be able to reply and, further, he would meet with vexation. For what reason? Because, bhikkhus, that would not be within his domain.”65
93 (10) The Dyad (2)
“Bhikkhus, consciousness comes to be in dependence on a dyad. And how, bhikkhus, does consciousness come to be in dependence on a dyad? In dependence on the eye and forms there arises eye-consciousness. The eye is impermanent, changing, becoming otherwise; [68] forms are impermanent, changing, becoming otherwise. Thus this dyad is moving and tottering,66 impermanent, changing, becoming otherwise.
“Eye-consciousness is impermanent, changing, becoming otherwise. The cause and condition for the arising of eye-consciousness is also impermanent, changing, becoming otherwise. When, bhikkhus, eye- consciousness has arisen in dependence on a condition that is impermanent, how could it be permanent?
“The meeting, the encounter, the concurrence of these three things is called eye-contact. Eye-contact too is impermanent, changing, becoming otherwise. The cause and condition for the arising of eye-contact is also impermanent, changing, becoming otherwise. When, bhikkhus, eye-contact has arisen in dependence on a condition that is impermanent, how could it be permanent?
“Contacted, bhikkhus, one feels, contacted one intends, contacted one perceives.67 Thus these things too are moving and tottering, impermanent, changing, becoming otherwise.
“In dependence on the ear and sounds there arises ear-consciousness …
[69] … In dependence on the mind and mental phenomena there arises mind-consciousness. The mind is impermanent, changing, becoming otherwise; mental phenomena are impermanent, changing, becoming otherwise. Thus this dyad is moving and tottering, impermanent, changing, becoming otherwise.
“Mind-consciousness is impermanent, changing, becoming otherwise. The cause and condition for the arising of mind-consciousness is also impermanent, changing, becoming otherwise. When, bhikkhus, mind- consciousness has arisen in dependence on a condition that is impermanent, how could it be permanent?
“The meeting, the encounter, the concurrence of these three things is called mind-contact. Mind-contact too is impermanent, changing, becoming otherwise. The cause and condition for the arising of mind-contact is also impermanent, changing, becoming otherwise. When, bhikkhus, mind- contact has arisen in dependence on a condition that is impermanent, how could it be permanent?
“Contacted, bhikkhus, one feels, contacted one intends, contacted one perceives. Thus these things too are moving and tottering, impermanent, changing, becoming otherwise.
“It is in such a way, bhikkhus, that consciousness comes to be in dependence on a dyad.”
[70]
V. THE SIXES
94 (1) Untamed, Unguarded68
At Sāvatthī. “Bhikkhus, these six bases for contact—if untamed, unguarded, unprotected, unrestrained—are bringers of suffering. 69 What six?
“The eye, bhikkhus, as a base for contact—if untamed, unguarded, unprotected, unrestrained—is a bringer of suffering. The ear as a base for contact … The mind as a base for contact … is a bringer of suffering. These six bases for contact—if untamed, unguarded, unprotected, unrestrained— are bringers of suffering.
“Bhikkhus, these six bases for contact—if well tamed, well guarded, well protected, well restrained—are bringers of happiness. 70 What six?
“The eye, bhikkhus, as a base for contact—if well tamed, well guarded, well protected, well restrained—is a bringer of happiness. The ear as a base for contact … The mind as a base for contact … is a bringer of happiness. These six bases for contact—if well tamed, well guarded, well protected, well restrained—are bringers of happiness.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“Just six, O bhikkhus, are the bases for contact, Where one unrestrained meets with suffering.
Those who know how to restrain them Dwell uncorrupted, with faith their partner.
“Having seen forms that delight the mind And having seen those that give no delight, Dispel the path of lust towards the delightful And do not soil the mind by thinking,
‘[The other] is displeasing to me.’ [71]
“Having heard sounds both pleasant and raucous, Do not be enthralled with pleasant sound.
Dispel the course of hate towards the raucous, And do not soil the mind by thinking,
‘[This one] is displeasing to me.’
“Having smelt a fragrant, delightful scent, And having smelt a putrid stench,
Dispel aversion towards the stench
And do not yield to desire for the lovely.
“Having enjoyed a sweet delicious taste, And having sometimes tasted what is bitter, Do not greedily enjoy the sweet taste,
Do not feel aversion towards the bitter.
“When touched by pleasant contact do not be enthralled, Do not tremble when touched by pain.
Look evenly on both the pleasant and painful, Not drawn or repelled by anything.
“When common people of proliferated perception Perceive and proliferate they become engaged.
Having dispelled every mind-state bound to the home life,
One travels on the road of renunciation.71
“When the mind is thus well developed in six, If touched, one’s mind never flutters anywhere.
Having vanquished both lust and hate, O bhikkhus, Go to the far shore beyond birth and death!” [72]
95 (2) Māluṅkyaputta
Then the Venerable Mālurikyaputta approached the Blessed One … and said to him:72 “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“Here now, Mālurikyaputta, what should I say to the young bhikkhus when a bhikkhu like you—old, aged, burdened with years, advanced in life, come to the last stage—asks me for an exhortation in brief?”73
“Although, venerable sir, I am old, aged, burdened with years, advanced in life, come to the last stage, let the Blessed One teach me the Dhamma in brief, let the Fortunate One teach me the Dhamma in brief. Perhaps I may understand the meaning of the Blessed One’s statement, perhaps I may become an heir to the Blessed One’s statement.”
“What do you think, Mālurikyaputta, do you have any desire, lust, or affection for those forms cognizable by the eye that you have not seen and never saw before, that you do not see and would not think might be seen?”74
“No, venerable sir.”
“Do you have any desire, lust, or affection for those sounds cognizable by the ear … for those odours cognizable by the nose … for those tastes cognizable by the tongue … for those tactile objects cognizable by the body
… [73] for those mental phenomena cognizable by the mind that you have not cognized and never cognized before, that you do not cognize and would not think might be cognized?”
“No, venerable sir.”
“Here, Mālurikyaputta, regarding things seen, heard, sensed, and cognized by you: in the seen there will be merely the seen; in the heard there will be merely the heard; in the sensed there will be merely the sensed; in the cognized there will be merely the cognized.
“When, Mālurikyaputta, regarding things seen, heard, sensed, and cognized by you, in the seen there will be merely the seen, in the heard there will be merely the heard, in the sensed there will be merely the sensed, in the cognized there will be merely the cognized, then, Mālurikyaputta, you will not be ‘by that.’ When, Mālurikyaputta, you are not ‘by that,’ then you will not be ‘therein. ’ When, Mālurikyaputta, you are not ‘therein,’ then you will be neither here nor beyond nor in between the two. This itself is the end of suffering.”75
“I understand in detail, venerable sir, the meaning of what was stated by the Blessed One in brief:
“Having seen a form with mindfulness muddled, Attending to the pleasing sign,
One experiences it with infatuated mind And remains tightly holding to it.
“Many feelings flourish within, Originating from the visible form, Covetousness and annoyance as well
By which one’s mind becomes disturbed.76
For one who accumulates suffering thus Nibbāna is said to be far away.
“Having heard a sound with mindfulness muddled … [74] “Having smelt an odour with mindfulness muddled … “Having enjoyed a taste with mindfulness muddled … “Having felt a contact with mindfulness muddled …
“Having known an object with mindfulness muddled … For one who accumulates suffering thus
Nibbāna is said to be far away.
“When, firmly mindful, one sees a form, One is not inflamed by lust for forms;
One experiences it with dispassionate mind And does not remain holding it tightly.
“One fares mindfully in such a way That even as one sees the form, And while one undergoes a feeling,
[Suffering] is exhausted, not built up.77 For one dismantling suffering thus, Nibbāna is said to be close by.
“When, firmly mindful, one hears a sound, One is not inflamed by lust for sounds; … [75]
“When, firmly mindful, one smells an odour, One is not inflamed by lust for odours; ...
“When, firmly mindful, one enjoys a taste, One is not inflamed by lust for tastes; ...
“When, firmly mindful, one feels a contact, One is not inflamed by lust for contacts; ...
“When, firmly mindful, one knows an object, One is not inflamed by lust for objects; ...
For one diminishing suffering thus Nibbāna is said to be close by.
“It is in such a way, venerable sir, that I understand in detail the meaning of what was stated by the Blessed One in brief.”
“Good, good, Mālurikyaputta! It is good that you understand in detail the meaning of what was stated by me in brief.
(The Buddha here repeats the above verses in full.) [76]
“It is in such a way, Mālurikyaputta, that the meaning of what was stated by me in brief should be understood in detail.”
Then the Venerable Mālurikyaputta, having delighted and rejoiced in the Blessed One’s words, rose from his seat, and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on his right, he departed.
Then, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, the Venerable Mālurikyaputta, by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been
lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And the Venerable Mālurikyaputta became one of the arahants.
96 (3) Decline
“Bhikkhus, I will teach you about one who is subject to decline, about one who is not subject to decline, and about the six mastered bases. Listen to that….
“And how, bhikkhus, is one subject to decline?78 Here, bhikkhus, when a bhikkhu has seen a form with the eye, there arise in him evil unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters.79 If the bhikkhu tolerates them and does not abandon them, dispel them, put an end to them, and obliterate them, he should understand this thus: ‘I am declining away from wholesome states. For this has been called decline by the Blessed One.’
“Further, bhikkhus, when a bhikkhu has heard a sound with the ear … cognized a mental phenomenon with the mind, [77] there arise in him evil unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters. If the bhikkhu tolerates them and does not abandon them, dispel them, put an end to them, and obliterate them, he should understand this thus: ‘I am declining away from wholesome states. For this has been called decline by the Blessed One.’
“It is in such a way, bhikkhus, that one is subject to decline.
“And how, bhikkhus, is one not subject to decline? Here, bhikkhus, when a bhikkhu has seen a form with the eye, there arise in him evil unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters. If the bhikkhu does not tolerate them, but abandons them, dispels them, puts on end to them, and obliterates them, he should understand this thus: ‘I am not declining away from wholesome states. For this has been called nondecline by the Blessed One.’
“Further, bhikkhus, when a bhikkhu has heard a sound with the ear … cognized a mental phenomenon with the mind, there arise in him evil
unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters. If the bhikkhu does not tolerate them, but abandons them, dispels them, puts an end to them, and obliterates them, he should understand this thus: ‘I am not declining away from wholesome states. For this has been called nondecline by the Blessed One.’
“It is in such a way, bhikkhus, that one is not subject to decline.
“And what, bhikkhus, are the six mastered bases?80 Here, bhikkhus, when a bhikkhu has seen a form with the eye, there do not arise in him evil unwholesome states, nor any memories and intentions connected with the fetters. The bhikkhu should understand this thus: ‘This base has been mastered. For this has been called a mastered base by the Blessed One.’
“Further, bhikkhus, when a bhikkhu has heard a sound with the ear … cognized a mental phenomenon with the mind, there do not arise in him evil unwholesome states, nor any memories and intentions connected with the fetters. The bhikkhu should understand this thus: ‘This base has been mastered. For this has been called a mastered base by the Blessed One.’ These, bhikkhus, are called the six mastered bases.” [78]
97 (4) Dwelling Negligently
“Bhikkhus, I will teach you about one who dwells negligently, and about one who dwells diligently. Listen to that….
“And how, bhikkhus, does one dwell negligently? If one dwells without restraint over the eye faculty, the mind is soiled81 among forms cognizable by the eye. If the mind is soiled, there is no gladness. When there is no gladness, there is no rapture. When there is no rapture, there is no tranquillity. When there is no tranquillity, one dwells in suffering.82 The mind of one who suffers does not become concentrated. When the mind is not concentrated, phenomena do not become manifest.83 Because phenomena do not become manifest, one is reckoned as ‘one who dwells negligently.’
“If one dwells without restraint over the ear faculty, the mind is soiled among sounds cognizable by the ear…. If one dwells without restraint over the mind faculty, the mind is soiled among mental phenomena cognizable by the mind…. Because phenomena do not become manifest, one is reckoned as ‘one who dwells negligently.’
“It is in such a way, bhikkhus, that one dwells negligently.
“And how, bhikkhus, does one dwell diligently? If one dwells with restraint over the eye faculty, the mind is not soiled among forms cognizable by the eye. If the mind is not soiled, gladness is born. When one is gladdened, rapture is born. When the mind is uplifted by rapture, the body becomes tranquil. One tranquil in body experiences happiness. The mind of one who is happy becomes concentrated. When the mind is concentrated, [79] phenomena become manifest. Because phenomena become manifest, one is reckoned as ‘one who dwells diligently.’
“If one dwells with restraint over the ear faculty, the mind is not soiled among sounds cognizable by the ear…. If one dwells with restraint over the mind faculty, the mind is not soiled among mental phenomena cognizable by the mind…. Because phenomena become manifest, one is reckoned as ‘one who dwells diligently.’
“It is in such a way, bhikkhus, that one dwells diligently.”
98 (5) Restraint
“Bhikkhus, I will teach you restraint and nonrestraint. Listen to that…. “And how, bhikkhus, is there nonrestraint? There are, bhikkhus, forms
cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, he should understand this thus: ‘I am declining away from wholesome states. For this has been called decline by the Blessed One.’
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them,
welcomes them, and remains holding to them, he should understand this thus: ‘I am declining away from wholesome states. For this has been called decline by the Blessed One.’
“Such, bhikkhus, is nonrestraint.
“And how, bhikkhus, is there restraint? There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, he should understand this thus: [80] ‘I am not declining away from wholesome states. For this has been called nondecline by the Blessed One.’
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, he should understand this thus: ‘I am not declining away from wholesome states. For this has been called nondecline by the Blessed One.’
“Such, bhikkhus, is restraint.”
99 (6) Concentration
“Bhikkhus, develop concentration. A bhikkhu who is concentrated understands things as they really are.84
“And what does he understand as they really are? He understands as it really is: ‘The eye is impermanent.’ He understands as it really is: ‘Forms are impermanent.’… ‘Eye-consciousness is impermanent. ’… ‘Eye-contact is impermanent.’… ‘Whatever feeling arises with eye-contact as condition
—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is impermanent.’…
“He understand as it really is: ‘The mind is impermanent.’… He understand as it really is: ‘Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is impermanent.’
“Bhikkhus, develop concentration. A bhikkhu who is concentrated understands things as they really are.”
100 (7) Seclusion
“Bhikkhus, make an exertion in seclusion. A secluded bhikkhu understands things as they really are.”
(The rest is identical with the preceding sutta.) [81]
101 (8) Not Yours (1)
“Bhikkhus, whatever is not yours, abandon it.85 When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness. And what is it, bhikkhus, that is not yours? The eye is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness. Forms are not yours … Eye-consciousness is not yours … Eye-contact is not yours … Whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness.
“The ear is not yours … [82] … The mind is not yours … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness.
“Suppose, bhikkhus, people were to carry off the grass, sticks, branches, and foliage in this Jeta’s Grove, or to burn them, or to do with them as they wish. Would you think: ‘People are carrying us off, or burning us, or doing with us as they wish’?”
“No, venerable sir. For what reason? Because, venerable sir, that is neither our self nor what belongs to our self.”
“So too, bhikkhus, the eye is not yours … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness.”
102 (9) Not Yours (2)
(This sutta is identical with the preceding one except that it omits the simile.) [83]
103 (10) Uddaka
“Bhikkhus, Uddaka Rāmaputta used to make this declaration: “‘This, surely a knowledge-master—
This, surely a universal conqueror— This, surely he has excised
The tumour’s root not excised before!’86
“Bhikkhus, though Uddaka Rāmaputta was not himself a knowledge- master, he declared: ‘I am a knowledge-master.’ Though he was not himself a universal conqueror, he declared: ‘I am a universal conqueror.’ Though he had not excised the tumour’s root, he declared: ‘I have excised the tumour’s root.’ But here, bhikkhus, a bhikkhu speaking rightly might say:
“‘This, surely a knowledge-master— This, surely a universal conqueror— This, surely he has excised
The tumour’s root not excised before!’
“And how, bhikkhus, is one a knowledge-master? When a bhikkhu understands as they really are the origin, the passing away, the gratification, the danger, and the escape in regard to the six bases for contact, such a bhikkhu is a knowledge-master.
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu a universal conqueror? When, having understood as they really are the origin, the passing away, the gratification, the danger, and the escape in regard to the six bases for contact, a bhikkhu is liberated by nonclinging, such a bhikkhu is a universal conqueror.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu excise the tumour’s root not excised before? ‘The tumour,’ bhikkhus: this is a designation for this body
consisting of the four great elements, originating from mother and father, built up out of rice and gruel, subject to impermanence, to rubbing and pressing, to breaking apart and dispersal.87 ‘The tumour’s root’: this is a designation for craving. When craving has been abandoned by a bhikkhu, cut off at the root, [84] made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising, in such a case the bhikkhu has excised the tumour’s root not excised before.
“Bhikkhus, though Uddaka Rāmaputta was not himself a knowledge- master, he declared: ‘I am a knowledge-master.’… But here, bhikkhus, a bhikkhu speaking rightly might say:
“‘This, surely a knowledge-master— This, surely a universal conqueror— This, surely he has excised
The tumour’s root not excised before!’”
[85]
Division III THE THIRD FIFTY
I. SECURE FROM BONDAGE
104 (1) Secure from Bondage
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you a Dhamma exposition on the theme of the one who declares the exertion to become secure from bondage.88 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of the one who declares the exertion to become secure from bondage? There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These have been abandoned by the
Tathāgata, cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that they are no more subject to future arising. He declares an exertion [should be made] for their abandoning. Therefore the Tathāgata is called one who declares the exertion to become secure from bondage.89
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. These have been abandoned by the Tathāgata, cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that they are no more subject to future arising. He declares an exertion [should be made] for their abandoning. Therefore the Tathāgata is called one who declares the exertion to become secure from bondage.
“This, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of the one who declares the exertion to become secure from bondage.”
105 (2) By Clinging
“Bhikkhus, when what exists, by clinging to what, do pleasure and pain arise internally?”90
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One….”
“When there is the eye, bhikkhus, by clinging to the eye, pleasure and pain arise internally. When there is the ear … the mind, by clinging to the mind, pleasure and pain arise internally.
“What do you think, bhikkhus, is the eye permanent or impermanent?” “Impermanent, venerable sir.”
“Is what is impermanent suffering or happiness?” “Suffering, venerable sir.”
“But without clinging to what is impermanent, suffering, and subject to change, could pleasure and pain arise internally?”
“No, venerable sir.” [86]
“Is the ear … the mind permanent or impermanent?… But without clinging to what is impermanent, suffering, and subject to change, could pleasure and pain arise internally?”
“No, venerable sir.”
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye ... the mind. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
106 (3) The Origin of Suffering
(Identical with 12:43.)[87]
107 (4) The Origin of the World
(Identical with 12:44.).[88]
108 (5) I Am Superior
“Bhikkhus, when what exists, by clinging to what, by adhering to what, does the thought occur: ‘I am superior’ or ‘I am equal’ or ‘I am inferior’?”91
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One….”
“When there is the eye, bhikkhus, by clinging to the eye, by adhering to the eye, the thought occurs: ‘I am superior’ or ‘I am equal’ or ‘I am inferior.’ When there is the ear ... When there is the mind, by clinging to the mind, by adhering to the mind, the thought occurs: ‘I am superior’ or ‘I am equal’ or ‘I am inferior.’
“What do you think, bhikkhus, is the eye ... the mind permanent or impermanent?”
“Impermanent, venerable sir.”…
“But without clinging to what is impermanent, suffering, and subject to change, could the thought occur: ‘I am superior’ or ‘I am equal’ or ‘I am inferior’?”
“No, venerable sir.”
“Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [89]
109 (6) Things That Fetter
“Bhikkhus, I will teach you the things that fetter and the fetter. Listen to that...92
“And what, bhikkhus, are the things that fetter, and what is the fetter? The eye, bhikkhus, is a thing that fetters; the desire and lust for it is the fetter there. The ear is a thing that fetters ... The mind is a thing that fetters; the desire and lust for it is the fetter there. These are called the things that fetter, and this the fetter.”
110(7) Things That Can Be Clung To
“Bhikkhus, I will teach you the things that can be clung to and the clinging. Listen to that….
“And what, bhikkhus, are the things that can be clung to, and what is the clinging? The eye, bhikkhus, is a thing that can be clung to; the desire and lust for it is the clinging there. The ear is a thing that can be clung to … The mind is a thing that can be clung to; the desire and lust for it is the clinging there. These are called the things that can be clung to, and this the clinging.”
1 1 (8) Fully Understanding (1)
“Bhikkhus, without directly knowing and fully understanding the eye,93 without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering. Without directly knowing and fully understanding the ear ... the mind, without developing dispassion towards it and abandoning it, one is incapable of destroying suffering. But by directly knowing and fully understanding the eye ... the mind, by developing dispassion towards it and abandoning it, one is capable of destroying suffering.” [90]
112 (9) Fully Understanding (2)
(Identical with §111, but stated by way of the six external sense bases.) 113 (10) Listening In
(Identical with 12:45.)[91]
II. THE WORLD AND CORDS OF SENSUAL PLEASURE
114 (1) Māra’s(1)
“Bhikkhus, there are forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, he is called a bhikkhu who has entered Māra’s lair, who has come under Māra’s control; Māra’s snare has been fastened to him94 so that he is bound by the bondage of Māra and the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them
... [92] … the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does
not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, he is called a bhikkhu who has not entered Māra’s lair, who has not come under Māra’s control; Māra’s snare has been unfastened from him so that he is not bound by the bondage of Māra and the Evil One cannot do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. [93] If a bhikkhu does not seek delight in them … the Evil One cannot do with him as he wishes.”
115 (2) Māra’s Snare (2)
“Bhikkhus, there are forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, he is called a bhikkhu who is bound among forms cognizable by the eye, who has entered Māra’s lair, who has come under Māra’s control; [Māra’s snare has been fastened to him so that he is bound by the bondage of Māra]95 and the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them
… the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, he is called a bhikkhu who is free among forms cognizable by the eye, who has not entered Māra’s lair, who has not come under Māra’s control; [Māra’s snare has been unfastened from him so that he is not bound by the bondage of Māra] and the Evil One cannot do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable,
pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them … the Evil One cannot do with him as he wishes.”
116 (3) Going to the End of the World
“Bhikkhus, I say that the end of the world cannot be known, seen, or reached by travelling. Yet, bhikkhus, I also say that without reaching the end of the world there is no making an end to suffering.”96
Having said this, the Blessed One rose from his seat and entered his dwelling.97 Then, soon after the Blessed One had left, the bhikkhus considered: “Now, friends, the Blessed One has risen from his seat and entered his dwelling after reciting a synopsis in brief without expounding the meaning in detail. Now who will expound in detail the meaning of the synopsis that the Blessed One recited in brief?” Then they considered: “The Venerable Ānanda is praised by the Teacher and esteemed by his wise brothers in the holy life; the Venerable Ānanda is capable of expounding in detail the meaning of this synopsis recited in brief by the Blessed One without expounding the meaning in detail. Let us approach him and ask him the meaning of this.”
Then those bhikkhus approached the Venerable Ānanda and exchanged greetings with him, after which they sat down to one side and told him what had taken place, [94] adding: “Let the Venerable Ānanda expound it to us.”
[The Venerable Ānanda replied:] “Friends, it is as though a man needing heartwood, seeking heartwood, wandering in search of heartwood, would pass over the root and trunk of a great tree standing possessed of heartwood, thinking that heartwood should be sought among the branches and foliage. And so it is with you venerable ones: when you were face to face with the Teacher you passed by the Blessed One, thinking that I should be asked about the meaning. For, friends, knowing, the Blessed One knows; seeing, he sees; he has become vision, he has become knowledge, he has become the Dhamma, he has become the holy one; he is the expounder, the proclaimer, the elucidator of meaning, the giver of the Deathless, the lord of the Dhamma, the Tathāgata. That was the time when you should have asked
the Blessed One the meaning. [95] As he explained it to you, so you should have remembered it.”
“Surely, friend Ānanda, knowing, the Blessed One knows; seeing, he sees; he has become vision ... the Tathāgata. That was the time when we should have asked the Blessed One the meaning, and as he explained it to us, so we should have remembered it. Yet the Venerable Ānanda is praised by the Teacher and esteemed by his wise brothers in the holy life; the Venerable Ānanda is capable of expounding the detailed meaning of this synopsis recited in brief by the Blessed One without expounding the meaning in detail. Let the Venerable Ānanda expound it without finding it troublesome.”
“Then listen, friends, and attend closely to what I shall say.”
“Yes, friend,” the bhikkhus replied. The Venerable Ānanda said this: “Friends, when the Blessed One rose from his seat and entered his
dwelling after reciting a synopsis in brief without expounding the meaning in detail, that is: ‘Bhikkhus, I say that the end of the world cannot be known, seen, or reached by travelling. Yet, bhikkhus, I also say that without reaching the end of the world there is no making an end to suffering,’ I understand the detailed meaning of this synopsis as follows: That in the world by which one is a perceiver of the world, a conceiver of the world— this is called the world in the Noble One’s Discipline. 98 And what, friends, is that in the world by which one is a perceiver of the world, a conceiver of the world? The eye is that in the world by which one is a perceiver of the world, a conceiver of the world .99 The ear ... The nose ... The tongue ... The body ... The mind is that in the world by which one is a perceiver of the world, a conceiver of the world. That in the world by which one is a perceiver of the world, a conceiver of the world—this is called the world in the Noble One’s Discipline. [96]
“Friends, when the Blessed One rose from his seat and entered his dwelling after reciting a synopsis in brief without expounding the meaning in detail, that is: ‘Bhikkhus, I say that the end of the world cannot be known, seen, or reached by travelling. Yet, bhikkhus, I also say that without reaching the end of the world there is no making an end to suffering,’ I
understand the meaning of this synopsis in detail to be thus. Now, friends, if you wish, go to the Blessed One and ask him about the meaning of this. As the Blessed One explains it to you, so you should remember it.”
“Yes, friends,” those bhikkhus replied, and having risen from their seats, they went to the Blessed One. After paying homage to him, they sat down to one side and told the Blessed One all that had taken place after he had left, adding: [97] “Then, venerable sir, we approached the Venerable Ānanda and asked him about the meaning. The Venerable Ānanda expounded the meaning to us in these ways, with these terms, with these phrases.”
“Ānanda is wise, bhikkhus, Ānanda has great wisdom. If you had asked me the meaning of this, I would have explained it to you in the same way that it has been explained by Ānanda. Such is the meaning of this, and so you should remember it.”
117 (4) Cords of Sensual Pleasure
“Bhikkhus, before my enlightenment, while I was still a bodhisatta, not yet fully enlightened, the thought occurred to me: ‘My mind may often stray towards those five cords of sensual pleasure that have already left their impression on the heart100 but which have passed, ceased, and changed, or towards those that are present, or slightly towards those in the future.’ Then it occurred to me: ‘Being set on my own welfare,101 I should practise diligence, mindfulness, and guarding of the mind in regard to those five cords of sensual pleasure that have already left their impression on the heart, which have passed, ceased, and changed.’
“Therefore, bhikkhus, in your case too your minds may often stray towards those five cords of sensual pleasure that have already left their impression on the heart but which have passed, ceased, and changed, or towards those that are present, or slightly towards those in the future. Therefore, bhikkhus, [98] being set on your own welfare, you should practise diligence, mindfulness, and guarding of the mind in regard to those
five cords of sensual pleasure that have already left their impression on the heart but which have passed, ceased, and changed.
“Therefore, bhikkhus, that base should be understood,102 where the eye ceases and perception of forms fades away.103 That base should be understood, where the ear ceases and perception of sounds fades away.… That base should be understood, where the mind ceases and perception of mental phenomena fades away. That base should be understood.”
Having said this, the Blessed One rose from his seat and entered his dwelling. Then, soon after the Blessed One had left, the bhikkhus considered … (all as in preceding sutta down to:) [99–100] … The Venerable Ānanda said this:
“Friends, when the Blessed One rose from his seat and entered his dwelling after reciting a synopsis in brief without expounding the meaning in detail—that is: ‘Therefore, bhikkhus, that base should be understood, where the eye ceases and perception of forms fades away…. That base should be understood, where the mind ceases and perception of mental phenomena fades away. That base should be understood’—I understand the detailed meaning of this synopsis as follows: This was stated by the Blessed One, friends, with reference to the cessation of the six sense bases.104
“Friends, when the Blessed One rose from his seat and entered his dwelling after reciting a synopsis in brief without expounding the meaning in detail ... I understand the meaning of this synopsis in detail to be thus. Now, friends, if you wish, go to the Blessed One and ask him about the meaning of this. As the Blessed One explains it to you, so you should remember it.”
“Yes, friends,” those bhikkhus replied, and having risen from their seats, they went to the Blessed One. After paying homage to him, they sat down to one side and told the Blessed One all that had taken place after he had left, adding: [101] “Then, venerable sir, we approached the Venerable Ānanda and asked him about the meaning. The Venerable Ānanda expounded the meaning to us in these ways, with these terms, with these phrases.”
“Ānanda is wise, bhikkhus, Ānanda has great wisdom. If you had asked me the meaning of this, I would have explained it to you in the same way that it has been explained by Ānanda. Such is the meaning of this, and so you should remember it.”
118 (5) Sakka’s Questin
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha on Mount Vulture Peak. Then Sakka, lord of the devas, approached the Blessed One, paid homage to him, stood to one side, and said to him:
“Venerable sir, what is the cause and reason [102] why some beings here do not attain Nibbāna in this very life? And what is the cause and reason why some beings here attain Nibbāna in this very life?”
“There are, lord of the devas, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, his consciousness becomes dependent upon them and clings to them.
A bhikkhu with clinging does not attain Nibbāna.105
“There are, lord of the devas, sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, his consciousness becomes dependent upon them and clings to them. A bhikkhu with clinging does not attain Nibbāna.
“This is the cause and reason, lord of the devas, why some beings here do not attain Nibbāna in this very life.
“There are, lord of the devas, forms cognizable by the eye ... mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, his consciousness does not become dependent upon them or cling to them. A bhikkhu without clinging attains Nibbāna.
“This is the cause and reason, lord of the devas, why some beings here attain Nibbāna in this very life.” [103]
119 (6) Pañcasikha
(The same except that the interlocutor is Pañcasikha, son of the gandhabbas.) 106
120 (7) Sāriputta
On one occasion the Venerable Sāriputta was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then a certain bhikkhu approached the Venerable Sāriputta and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Venerable Sāriputta:
“Friend Sāriputta, a bhikkhu who was my co-resident has given up the training and returned to the lower life.”
“So it is, friend, when one does not guard the doors of the sense faculties, is immoderate in eating, and is not devoted to wakefulness. That a bhikkhu who does not guard the doors of the sense faculties, who is immoderate in eating, [104] and who is not devoted to wakefulness will maintain all his life the complete and pure holy life—this is impossible. But, friend, that a bhikkhu who guards the doors of the sense faculties, who is moderate in eating, and who is devoted to wakefulness will maintain all his life the complete and pure holy life—this is possible.
“And how, friend, does one guard the doors of the sense faculties? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu does not grasp its signs and features.107 Since, if he left the eye faculty unrestrained, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade him, he practises the way of its restraint, he guards the eye faculty, he undertakes the restraint of the eye faculty. Having heard a sound with the ear ... Having smelt an odour with the nose ... Having savoured a taste with the tongue ... Having felt a tactile object with the body ... Having cognized a mental phenomenon with
the mind, a bhikkhu does not grasp its signs and features. Since, if he left the mind faculty unrestrained, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade him, he practises the way of its restraint, he guards the mind faculty, he undertakes the restraint of the mind faculty. It is in this way, friend, that one guards the doors of the sense faculties.
“And how, friend, is one moderate in eating? Here, reflecting carefully, a bhikkhu takes food neither for amusement nor for intoxication nor for the sake of physical beauty and attractiveness, but only for the support and maintenance of this body, for ending discomfort, and for assisting the holy life, considering: ‘Thus I shall terminate the old feeling and not arouse a new feeling, and I shall be healthy and blameless and live in comfort.’108 It is in this way, friend, that one is moderate in eating.
“And how, friend, is one devoted to wakefulness? Here, during the day, while walking back and forth and sitting, a bhikkhu purifies his mind of obstructive states. In the first watch of the night, while walking back and forth and sitting, he purifies his mind of obstructive states. [105] In the middle watch of the night he lies down on his right side in the lion’s posture with one foot overlapping the other, mindful and clearly comprehending, after noting in his mind the idea of rising. After rising, in the last watch of the night, while walking back and forth and sitting, he purifies his mind of obstructive states. It is in this way, friend, that one is devoted to wakefulness.
“Therefore, friend, you should train yourself thus: ‘We will guard the doors of the sense faculties; we will be moderate in eating; we will be devoted to wakefulness.’ Thus, friend, should you train yourself.”
121 (8) Exhortation to Rāhula
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park.109 Then, while the Blessed One was alone in seclusion, a reflection arose in his mind thus: “The states that ripen in liberation have come to maturity in Rāhula. Let me lead him on further to the destruction of the taints.”110
Then, in the morning, the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, walked for alms in Sāvatthı̄. When he had returned from the alms round, after his meal he addressed the Venerable Rāhula thus: “Take a sitting cloth, Rāhula. Let us go to the Blind Men’s Grove for the day’s abiding.”
“Yes, venerable sir,” the Venerable Rāhula replied and, having taken a sitting cloth, he followed close behind the Blessed One.
Now on that occasion many thousands of devatās followed the Blessed One, thinking: “Today the Blessed One will lead the Venerable Rāhula on further to the destruction of the taints.”111 Then the Blessed One plunged into the Blind Men’s Grove and sat down at the foot of a certain tree on a seat that was prepared for him. The Venerable Rāhula paid homage to the Blessed One and sat down to one side. [106] The Blessed One then said to him:
“What do you think, Rāhula, is the eye permanent or impermanent?”
–“Impermanent, venerable sir.”–“Is what is impermanent suffering or happiness?”–“Suffering, venerable sir.”–“Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”–“No, venerable sir.”
“Are forms permanent or impermanent?… Is eye-consciousness ... Is eye-contact ... Is anything included in feeling, perception, volitional formations, and consciousness arisen with eye-contact as condition permanent or impermanent?”–“Impermanent, venerable sir.” (The rest as in the preceding paragraph.)
“Is the ear … the mind permanent or impermanent?… [107] … Are mental phenomena … Is mind-consciousness … Is mind-contact ... Is anything included in feeling, perception, volitional formations, and consciousness arisen with mind-contact as condition permanent or impermanent?”–“Impermanent, venerable sir.”–“Is what is impermanent suffering or happiness?”–“Suffering, venerable sir.”–“Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”–“No, venerable sir.”
“Seeing thus, Rāhula, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, revulsion towards forms, revulsion towards eye- consciousness, revulsion towards eye-contact; revulsion towards anything included in feeling, perception, volitional formations, and consciousness arisen with eye-contact as condition. He experiences revulsion towards the ear ... towards the mind ... towards anything included in feeling, perception, volitional formations, and consciousness arisen with mind-contact as condition.
“Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
This is what the Blessed One said. Elated, the Venerable Rāhula delighted in the Blessed One’s statement. And while this discourse was being spoken, the Venerable Rāhula’s mind was liberated from the taints by nonclinging, and in those many thousands of devatās there arose the dust- free, stainless vision of the Dhamma: “Whatever is subject to origination is all subject to cessation.” 112
122 (9) Things That Fetter
(Identical with §109, but by way of the six external sense bases.) [108]
123 (10) Things That Can Be Clung To
(Identical with §110, but by way of the six external sense bases.)
[109]
III. THE HOUSEHOLDER
124 (1) At Vesālī
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālı̄ in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof. Then the householder Ugga of Vesālı̄ approached the Blessed One ... and said to him. 113
(The question and the reply are exactly the same as in §118.)
125 (2) Among the Vajjians
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Vajjians at Hatthigāma. Then the householder Ugga of Hatthigāma approached the Blessed One … and said to him. 114
(As in §118.) [110]
126 (3) At Nālandā
On one occasion the Blessed One was dwelling at Nālandā in Pāvārika’s Mango Grove. Then the householder Upāli approached the Blessed One … and said to him. 115
(As in §118.)
127 (4) Bhāradvāja
On one occasion the Venerable Piṇḍola Bhāradvāja was dwelling at Kosambı̄ in Ghosita’s Park.116 Then King Udena approached the Venerable Piṇḍola Bhāradvāja and exchanged greetings with him.117 When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“Master Bhāradvāja, what is the cause and reason why these young bhikkhus, lads with black hair, endowed with the blessing of youth, in the prime of life, who have not dallied with sensual pleasures, lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously?”118
“Great king, this was said by the Blessed One who knows and sees, the Arahant, the Fully Enlightened One: ‘Come, bhikkhus, towards women old enough to be your mother set up the idea that they are your mother;119
[111] towards those of an age to be your sisters set up the idea that they are your sisters; towards those young enough to be your daughters set up the idea that they are your daughters.’ This is a cause and reason, great king, why these young bhikkhus … lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously.”
“The mind is wanton, Master Bhāradvāja. Sometimes states of lust arise even towards women old enough to be one’s mother; sometimes they arise towards women of an age to be one’s sister; sometimes they arise towards women young enough to be one’s daughter. Is there any other cause and reason why these young bhikkhus … lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously?”
“Great king, this was said by the Blessed One who knows and sees, the Arahant, the Fully Enlightened One: ‘Come, bhikkhus, review this very body upwards from the soles of the feet, downwards from the tips of the hairs, enclosed in skin, as full of many kinds of impurities:120 “There are in this body head-hairs, body-hairs, nails, teeth, skin, flesh, sinews, bones, bone-marrow, kidneys, heart, liver, pleura, spleen, lungs, intestines, mesentery, contents of the stomach, excrement, bile, phlegm, pus, blood, sweat, fat, tears, grease, saliva, snot, fluid of the joints, urine.”’ This too, great king, is a cause and reason why these young bhikkhus … lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously.”
“That is easy, Master Bhāradvāja, for those bhikkhus who are developed in body, developed in virtue, developed in mind, developed in wisdom. But it is difficult for those bhikkhus who are undeveloped in body,121 undeveloped in virtue, undeveloped in mind, undeveloped in wisdom. Sometimes, though one thinks, ‘I will attend to the body as foul,’ one beholds it as beautiful. [112] Is there any other cause and reason why these young bhikkhus … lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously?”
“Great king, this was said by the Blessed One who knows and sees, the Arahant, the Fully Enlightened One: ‘Come, bhikkhus, dwell guarding the doors of the sense faculties. Having seen a form with the eye, do not grasp its signs and features. Since, if you leave the eye faculty unguarded, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade you, practise the way of its restraint, guard the eye faculty, undertake the restraint of the eye faculty. Having heard a sound with the ear... Having smelt an odour with the nose ... Having savoured a taste with the tongue ... Having felt a tactile object with the body ... Having cognized a mental phenomenon with the mind, do not grasp its signs and features. Since, if you leave the mind faculty unguarded, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade you, practise the way of its restraint, guard the mind faculty, undertake the restraint of the mind faculty.’ This too, great king, is a cause and reason why these young bhikkhus … lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously.”
“It is wonderful, Master Bhāradvāja! It is amazing, Master Bhāradvāja! How well this has been stated by the Blessed One who knows and sees, the Arahant, the Fully Enlightened One. So this is the cause and reason why these young bhikkhus, lads with black hair, endowed with the blessing of youth, in the prime of life, who have not dallied with sensual pleasures, lead the complete and pure holy life all their lives and maintain it continuously. In my case too, when I enter my harem unguarded in body, speech, and mind, without setting up mindfulness, unrestrained in the sense faculties, on that occasion states of lust assail me forcefully. But when I enter my harem guarded in body, speech, and mind, [113] with mindfulness set up, restrained in the sense faculties, on that occasion states of lust do not assail me in such a way.
“Magnificent, Master Bhāradvāja! Magnificent, Master Bhāradvāja! The Dhamma has been made clear in many ways by Master Bhāradvāja, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. Master Bhāradvāja, I go for refuge to the Blessed One, and to the Dhamma, and to
the Bhikkhu Sarigha. From today let Master Bhāradvāja remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
128 (5) Soṇa
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then the householder’s son Soṇa approached the Blessed One … and said to him.….
(As in §118.)
129 (6) Ghosita
On one occasion the Venerable Ānanda was dwelling at Kosambı̄ in Ghosita’s Park. Then the householder Ghosita approached the Venerable Ānanda … and said to him: [114] “Venerable Ānanda, it is said, ‘diversity of elements, diversity of elements.’122 In what way, venerable sir, has the diversity of elements been spoken of by the Blessed One?”
“Householder, there exists the eye element, and forms that are agreeable, and eye-consciousness: in dependence on a contact to be experienced as pleasant, a pleasant feeling arises.123 There exists the eye element, and forms that are disagreeable, and eye-consciousness: in dependence on a contact to be experienced as painful, a painful feeling arises. There exists the eye element, and forms that are a basis for equanimity, and eye- consciousness: in dependence on a contact to be experienced as neither- painful-nor-pleasant, a neither-painful-nor-pleasant feeling arises.
“Householder, there exists the ear element ... the nose element … the tongue element ... the body element ... the mind element, and mental phenomena that are agreeable, and mind-consciousness: in dependence on a contact to be experienced as pleasant, a pleasant feeling arises. There exists the mind element, and mental phenomena that are disagreeable, and mind- consciousness: in dependence on a contact to be experienced as painful, a
painful feeling arises. There exists the mind element, and mental phenomena that are a basis for equanimity, and mind-consciousness: in dependence on a contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant, a neither-painful-nor-pleasant feeling arises.
“It is in this way, householder, that the diversity of elements has been spoken of by the Blessed One.” [115]
130 (7) Hāliddakāni
Thus have I heard. On one occasion the Venerable Mahākaccāna was dwelling among the people of Avantı̄ on Mount Papāta at Kuraraghara. Then the householder Hāliddakāni approached the Venerable Mahākaccāna
… and said to him:124
“Venerable sir, it was said by the Blessed One: ‘It is in dependence on the diversity of elements that there arises the diversity of contacts; in dependence on the diversity of contacts that there arises the diversity of feelings.’125 How is this so, venerable sir?”
“Here, householder, having seen a form with the eye, a bhikkhu understands an agreeable one thus: ‘Such it is!’126 There is eye- consciousness, and in dependence on a contact to be experienced as pleasant there arises a pleasant feeling.127 Then, having seen a form with the eye, a bhikkhu understands a disagreeable one thus: ‘Such it is!’ There is eye-consciousness, and in dependence on a contact to be experienced as painful there arises a painful feeling. Then, having seen a form with the eye, a bhikkhu understands one that is a basis for equanimity thus: ‘Such it is!’ There is eye-consciousness, and in dependence on a contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant there arises a neither-painful- nor-pleasant feeling.
“Further, householder, having heard a sound with the ear ... having smelt an odour with the nose ... having savoured a taste with the tongue ... having felt a tactile object with the body ... having cognized a mental phenomenon with the mind, a bhikkhu understands an agreeable one thus ... [116] … a
disagreeable one thus ... one that is a basis for equanimity thus: ‘Such it is!’ There is mind-consciousness, and in dependence on a contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant there arises a neither-painful- nor-pleasant feeling.
“It is in this way, householder, that in dependence on the diversity of elements there arises the diversity of contacts, and in dependence on the diversity of contacts there arises the diversity of feelings.”
131 (8) Nakulapitā
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Bhaggas at Suṃsumāragira in the Bhesakaḷā Grove, the Deer Park. Then the householder Nakulapitā approached the Blessed One … and said to him. 128
(As in §118.)
132 (9) Lohicca
On one occasion the Venerable Mahākaccāna was dwelling among the people of Avantı̄ in a forest hut at Makkarakaṭa. [117] Then a number of brahmin youths, students of the brahmin Lohicca, while collecting firewood, approached the Venerable Mahākaccāna’s forest hut. Having approached, they stomped and trampled all around the hut, and in a boisterous and noisy manner they played various pranks,129 saying: “These shaveling ascetics, menials, swarthy offspring of the Lord’s feet, are honoured, respected, esteemed, worshipped, and venerated by their servile devotees.”130
Then the Venerable Mahākaccāna came out of his dwelling and said to those brahmin youths: “Don’t make any noise, boys. I will speak to you on the Dhamma.” When this was said, those youths became silent. Then the Venerable Mahākaccāna addressed those youths with verses:
“Those men of old who excelled in virtue, Those brahmins who recalled the ancient rules, Their sense doors guarded, well protected, Dwelt having vanquished wrath within.
They took delight in Dhamma and meditation,131 Those brahmins who recalled the ancient rules.
“But these have fallen, claiming ‘We recite.’ Puffed up by clan, faring unrighteously, Overcome by anger, armed with diverse weapons, They molest both frail and firm.
“For one with sense doors unguarded [All the vows he undertakes] are vain
Just like the wealth a man gains in a dream: [118] Fasting and sleeping on the ground,
Bathing at dawn, [study of] the three Vedas, Rough hides, matted locks, and dirt; Hymns, rules and vows, austerities, Hypocrisy, bent staffs, ablutions:
These emblems of the brahmins
Are used to increase their worldly gains.132
“A mind that is well concentrated, Clear and free from blemish,
Tender towards all sentient beings— That is the path for attaining Brahmā.”
Then those brahmin youths, angry and displeased, approached the brahmin Lohicca and told him: “See now, sir, you should know that the ascetic Mahākaccāna categorically denigrates and scorns the hymns of the brahmins.”
When this was said, the brahmin Lohicca was angry and displeased. But then it occurred to him: “It is not proper for me to abuse and revile the ascetic Mahākaccāna solely on the basis of what I have heard from these youths. Let me approach him and inquire.”
Then the brahmin Lohicca, together with those brahmin youths, approached the Venerable Mahākaccāna. [119] He exchanged greetings with the Venerable Mahākaccāna and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him: “Master Kaccāna, did a number of brahmin youths, my students, come this way while collecting firewood?”
“They did, brahmin.”
“Did Master Kaccāna have any conversation with them?” “I did have a conversation with them, brahmin.”
“What kind of conversation did you have with them, Master Kaccāna?” “The conversation I had with those youths was like this:
“‘Those men of old who excelled in virtue,
Those brahmins who recalled the ancient rules, … Tender towards all sentient beings—
That is the path for attaining Brahmā.’
Such was the conversation that I had with those youths.”
“Master Kaccāna said ‘with sense doors unguarded.’ In what way, Master Kaccāna, is one ‘with sense doors unguarded’?”
“Here, brahmin, having seen a form with the eye, someone is intent upon a pleasing form and repelled by a displeasing form.133 He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, [120] and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear ... Having cognized a mental phenomenon with the mind, someone is intent upon a pleasing mental phenomenon and repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells
without having set up mindfulness of the body ... cease without remainder. It is in such a way, brahmin, that one is ‘with sense doors unguarded.’”
“It is wonderful, Master Kaccāna! It is amazing, Master Kaccāna! How Master Kaccāna has declared one whose sense doors are actually unguarded to be one ‘with sense doors unguarded’! But Master Kaccāna said ‘with sense doors guarded.’ In what way, Master Kaccāna, is one ‘with sense doors guarded’?”
“Here, brahmin, having seen a form with the eye, someone is not intent upon a pleasing form and not repelled by a displeasing form. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear ... Having cognized a mental phenomenon with the mind, someone is not intent upon a pleasing mental phenomenon and not repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells having set up mindfulness of the body ... cease without remainder. It is in such a way, brahmin, that one is ‘with sense doors guarded.’”
“It is wonderful, Master Kaccāna! It is amazing, Master Kaccāna! [121] How Master Kaccāna has declared one whose sense doors are actually guarded to be one ‘with sense doors guarded’! Magnificent, Master Kaccāna! Magnificent, Master Kaccāna! The Dhamma has been made clear in many ways by Master Kaccāna … (as in §127) ... From today let Master Kaccāna remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.
“Let Master Kaccāna approach the Lohicca family just as he approaches the families of the lay followers in Makkarakaṭa. The brahmin youths and maidens there will pay homage to Master Kaccāna, they will stand up for him out of respect, they will offer him a seat and water, and that will lead to their welfare and happiness for a long time.”
133 (10) Verahaccāni
On one occasion the Venerable Udāyı̄ was living at Kāmaṇḍā in the brahmin Todeyya’s Mango Grove. Then a brahmin youth, a student of the
brahmin lady of the Verahaccāni clan, approached the Venerable Udāyı̄ and greeted him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side, and the Venerable Udāyı̄ instructed, exhorted, inspired, and gladdened him with a Dhamma talk. Having been instructed, exhorted, inspired, and gladdened by the Dhamma talk, the brahmin youth rose from his seat, approached the brahmin lady of the Verahaccāni clan, and said to her: “See now, madam, you should know that the ascetic Udāyı̄ teaches a Dhamma that is good in the beginning, good in the middle, and good in the end, [122] with the right meaning and phrasing; he reveals a holy life that is perfectly complete and pure.”
“In that case, young man, invite the ascetic Udāyı̄ in my name for tomorrow’s meal.”
“Yes, madam,” the youth replied. Then he went to the Venerable Udāyı̄ and said to him: “Let Master Udāyı̄ consent to accept tomorrow’s meal from our revered teacher,134 the brahmin lady of the Verahaccāni clan.”
The Venerable Udāyı̄ consented by silence. Then, when the night had passed, in the morning the Venerable Udāyı̄ dressed, took his bowl and outer robe, and went to the residence of the brahmin lady of the Verahaccāni clan. There he sat down in the appointed seat. Then, with her own hands, the brahmin lady served and satisfied the Venerable Udāyı̄ with various kinds of delicious food. When the Venerable Udāyı̄ had finished eating and had put away his bowl,135 the brahmin lady put on her sandals, sat down on a high seat, covered her head, and told him: “Preach the Dhamma, ascetic.” Having said, “There will be an occasion for that, sister,” he rose from his seat and departed.136
A second time that brahmin youth approached the Venerable Udāyı̄ … (as above down to:) ... “See now, madam, you should know that the ascetic Udāyı̄ teaches a Dhamma that is good in the beginning, good in the middle,
[123] and good in the end, with the right meaning and phrasing; he reveals a holy life that is perfectly complete and pure.”
“In such a way, young man, you keep on praising the ascetic Udāyı̄, but when I told him, ‘Preach the Dhamma, ascetic,’ he said, ‘There will be an occasion for that, sister,’ and he rose from his seat and departed.”
“That, madam, was because you put on your sandals, sat down on a high seat, covered your head, and told him: ‘Preach the Dhamma, ascetic.’ For these worthies respect and revere the Dhamma.”
“In that case, young man, invite the ascetic Udāyı̄ in my name for tomorrow’s meal.”
“Yes, madam,” he replied. Then he went to the Venerable Udāyı̄ … (all as above ) ... When the Venerable Udāyı̄ had finished eating and had put away his bowl, the brahmin lady removed her sandals, sat down on a low seat, uncovered her head, and said to him: “Venerable sir, what do the arahants maintain must exist for there to be pleasure and pain? And what is it that the arahants maintain must cease to exist for there to be no pleasure and pain?”
“Sister, the arahants maintain that when the eye exists there is pleasure and pain, and when the eye does not exist there is no pleasure and pain.
[124] The arahants maintain that when the ear exists there is pleasure and pain, and when the ear does not exist there is no pleasure and pain…. The arahants maintain that when the mind exists there is pleasure and pain, and when the mind does not exist there is no pleasure and pain.”
When this was said, the brahmin lady of the Verahaccāni clan said to the Venerable Udāyı̄: “Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by Master Udāyı̄ … (as in
§127) ... From today let Master Udāyı̄ remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
IV. DEVADAHA
134 (1) At Devadaha137
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans where there was a town of the Sakyans named Devadaha. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, I do not say of all bhikkhus that they still have work to do with diligence in regard to the six bases for contact, [125] nor do I say of all
bhikkhus that they do not have work to do with diligence in regard to the six bases for contact.
“I do not say of those bhikkhus who are arahants, whose taints are destroyed, who have lived the holy life, done what had to be done, laid down the burden, reached their own goal, utterly destroyed the fetters of existence, and are completely liberated through final knowledge, that they still have work to do with diligence in regard to the six bases for contact. Why is that? They have done their work with diligence; they are incapable of being negligent.
“But I say of those bhikkhus who are trainees, who have not attained their mind’s ideal, who dwell aspiring for the unsurpassed security from bondage, that they still have work to do with diligence in regard to the six bases for contact. Why is that? There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are agreeable and those that are disagreeable. [One should train so that] these do not persist obsessing one’s mind even when they are repeatedly experienced. When the mind is not obsessed, tireless energy is aroused, unmuddled mindfulness is set up, the body becomes tranquil and untroubled, the mind becomes concentrated and one-pointed. Seeing this fruit of diligence, bhikkhus, I say that those bhikkhus still have work to do with diligence in regard to the six bases for contact.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind that are agreeable and those that are disagreeable. [One should train so that] these do not persist obsessing one’s mind even when they are repeatedly experienced. When the mind is not obsessed, tireless energy is aroused, unmuddled mindfulness is set up, the body becomes tranquil and untroubled, the mind becomes concentrated and one- pointed. Seeing this fruit of diligence, bhikkhus, I say that those bhikkhus still have work to do with diligence in regard to the six bases for contact.” [126]
135 (2) The Opportunity
“Bhikkhus, it is a gain for you, it is well gained by you, that you have obtained the opportunity for living the holy life. I have seen, bhikkhus, the
hell named ‘Contact’s Sixfold Base.’138 There whatever form one sees with the eye is undesirable, never desirable; unlovely, never lovely; disagreeable, never agreeable. Whatever sound one hears with the ear ... Whatever odour one smells with the nose ... Whatever taste one savours with the tongue ... Whatever tactile object one feels with the body ... Whatever mental phenomenon one cognizes with the mind is undesirable, never desirable; unlovely, never lovely; disagreeable, never agreeable.
“It is a gain for you, bhikkhus, it is well gained by you, that you have obtained the opportunity for living the holy life. I have seen, bhikkhus, the heaven named ‘Contact’s Sixfold Base.’139 There whatever form one sees with the eye is desirable, never undesirable; lovely, never unlovely; agreeable, never disagreeable. Whatever sound one hears with the ear ... Whatever odour one smells with the nose ... Whatever taste one savours with the tongue ... Whatever tactile object one feels with the body ... Whatever mental phenomenon one cognizes with the mind is desirable, never undesirable; lovely, never unlovely; agreeable, never disagreeable.
“It is a gain for you, bhikkhus, it is well gained by you, that you have obtained the opportunity for living the holy life.”
136 (3) Delight in Forms (1)140
“Bhikkhus, devas and humans delight in forms, take delight in forms, rejoice in forms. With the change, fading away, and cessation of forms, devas and humans dwell in suffering. Devas and humans delight in sounds
... delight in odours … delight in tastes ... delight in tactile objects ... delight in mental phenomena, [127] take delight in mental phenomena, rejoice in mental phenomena. With the change, fading away, and cessation of mental phenomena, devas and humans dwell in suffering.
“But, bhikkhus, the Tathāgata, the Arahant, the Fully Enlightened One, has understood as they really are the origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape in the case of forms. He does not delight in forms, does not take delight in forms, does not rejoice in forms.
With the change, fading away, and cessation of forms, the Tathāgata dwells happily.
“He has understood as they really are the origin and the passing away, the gratification, the danger, and the escape in the case of sounds ... odours … tastes ... tactile objects ... mental phenomena. He does not delight in mental phenomena, does not take delight in mental phenomena, does not rejoice in mental phenomena. With the change, fading away, and cessation of mental phenomena, the Tathāgata dwells happily.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:141
“Forms, sounds, odours, tastes, Tactiles and all objects of mind— Desirable, lovely, agreeable,
So long as it’s said: ‘They are.’
“These are considered happiness By the world with its devas;
But where these cease,
That they consider suffering.
“The noble ones have seen as happiness The ceasing of identity.
This [view] of those who clearly see Runs counter to the entire world.142
“What others speak of as happiness, That the noble ones say is suffering; What others speak of as suffering, That the noble ones know as bliss.
“Behold this Dhamma hard to comprehend:
Here the foolish are bewildered.
For those with blocked minds it is obscure, Sheer darkness for those who do not see. [128]
“But for the good it is disclosed, It is light here for those who see.
The dullards unskilled in the Dhamma Don’t understand it in its presence.
“This Dhamma isn’t easily understood By those afflicted with lust for existence,
Who flow along in the stream of existence, Deeply mired in Māra’s realm.
“Who else apart from the noble ones Are able to understand this state?
When they have rightly known that state, The taintless ones are fully quenched.”143
137 (4) Delight in Forms (2)
(Identical with the preceding sutta, but without the verses.)
138 (5) Not Yours (1)144
“Bhikkhus, whatever is not yours, abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness. And what is it, bhikkhus, that is not yours? The eye is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness. The ear is not yours …
[129] … The mind is not yours: abandon it. When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness.
“Suppose, bhikkhus, people were to carry off the grass, sticks, branches, and foliage in this Jeta’s Grove, or to burn them, or to do with them as they wish. Would you think: ‘People are carrying us off, or burning us, or doing with us as they wish’?”
“No, venerable sir. For what reason? Because, venerable sir, that is neither our self nor what belongs to our self.”
“So too, bhikkhus, the eye is not yours … The ear … The mind is not yours … When you have abandoned it, that will lead to your welfare and happiness.”
139 (6) Not Yours (2)
(Identical with the preceding sutta, but stated by way of the six external
bases.)
140 (7) Impermanent with Cause (Internal)
“Bhikkhus, the eye is impermanent.145 The cause and condition for the arising of the eye is also impermanent. As the eye has originated from what is impermanent, how could it be permanent? [130]
“The ear is impermanent…. The mind is impermanent. The cause and condition for the arising of the mind is also impermanent. As the mind has originated from what is impermanent, how could it be permanent?
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye … towards the mind. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
141 (8) Suffering with Cause (Internal)
“Bhikkhus, the eye is suffering. The cause and condition for the arising of the eye is also suffering. As the eye has originated from what is suffering, how could it be happiness?
“The ear is suffering…. The mind is suffering. The cause and condition for the arising of the mind is also suffering. As the mind has originated from what is suffering, how could it be happiness?
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
142 (9) Nonself with Cause (Internal)
“Bhikkhus, the eye is nonself. The cause and condition for the arising of the eye is also nonself. As the eye has originated from what is nonself, how could it be self?
“The ear is nonself…. The mind is nonself. The cause and condition for the arising of the mind [131] is also nonself. As the mind has originated from what is nonself, how could it be self?
“Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
143 (10)-145 (12) Impermanent with Cause, Etc. (External)
These three suttas are identical with §§140-42, but are stated by way of the six external sense bases.)
[132]
V. NEW AND OLD
146 (1) Kamma
“Bhikkhus, I will teach you new and old kamma, the cessation of kamma, and the way leading to the cessation of kamma. Listen to that and attend
closely, I will speak….
“And what, bhikkhus, is old kamma? The eye is old kamma, to be seen as generated and fashioned by volition, as something to be felt.146 The ear is old kamma … The mind is old kamma, to be seen as generated and fashioned by volition, as something to be felt. This is called old kamma.
“And what, bhikkhus is new kamma? Whatever action one does now by body, speech, or mind. This is called new kamma.
“And what, bhikkhus, is the cessation of kamma? When one reaches liberation through the cessation of bodily action, verbal action, and mental action, [133] this is called the cessation of kamma.
“And what, bhikkhus, is the way leading to the cessation of kamma? It is this Noble Eightfold Path; that is, right view, right intention, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration.
“Thus, bhikkhus, I have taught old kamma, I have taught new kamma, I have taught the cessation of kamma, I have taught the way leading to the cessation of kamma. Whatever should be done, bhikkhus, by a compassionate teacher out of compassion for his disciples, desiring their welfare, that I have done for you. These are the feet of trees, bhikkhus, these are empty huts. Meditate, bhikkhus, do not be negligent, lest you regret it later. This is our instruction to you.”
147 (2) Suitable for Attaining Nibbāna (1)
“Bhikkhus, I will teach you the way that is suitable for attaining Nibbāna.147 Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the way that is suitable for attaining Nibbāna? Here, a bhikkhu sees the eye as impermanent, he sees forms as impermanent, he sees eye-consciousness as impermanent, he sees eye- contact as impermanent, he sees as impermanent whatever feeling arises with eye-contact as condition, whether pleasant or painful or neither- painful-nor-pleasant.
“He sees the ear as impermanent ... [134] … He sees the mind as impermanent, he sees mental phenomena as impermanent, he sees mind- consciousness as impermanent, he sees mind-contact as impermanent, he sees as impermanent whatever feeling arises with mind-contact as condition, whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant.
“This, bhikkhus, is the way that is suitable for attaining Nibbāna.”
148 (3)–149 (4) Suitable for Attaining Nibbāna (2–3)
(Same as preceding sutta, with “suffering” and “nonself” substituted for “impermanent.”)[135]
150 (5) Suitable for Attaining Nibbāna (4)
“Bhikkhus, I will teach the way that is suitable for attaining Nibbāna. Listen to that….
“What do you think, bhikkhus, is the eye permanent or impermanent?”
… (all as in §32) ...
“Seeing thus … [136] He understands: ‘… there is no more for this state of being.’
“This, bhikkhus, is the way that is suitable for attaining Nibbāna.”
151 (6) A Student
“Bhikkhus, this holy life is lived without students and without a teacher.148 A bhikkhu who has students and a teacher dwells in suffering, not in comfort. A bhikkhu who has no students and no teacher dwells happily, in comfort.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu who has students and a teacher dwell in suffering, not in comfort? Here, bhikkhus, when a bhikkhu has seen a form with the eye, there arise in him evil unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters.149 They dwell within
him. Since those evil unwholesome states dwell within him, he is called ‘one who has students.’ They assail him. Since evil unwholesome states assail him, he is called ‘one who has a teacher.’
“Further, when a bhikkhu has heard a sound with the ear … cognized a mental phenomenon with the mind … [137] he is called ‘one who has a teacher.’
“It is in this way that a bhikkhu who has students and a teacher dwells in suffering, not in comfort.
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu who has no students and no teacher dwell happily, in comfort? Here, bhikkhus, when a bhikkhu has seen a form with the eye, there do not arise in him evil unwholesome states, memories and intentions connected with the fetters. They do not dwell within him. Since those evil unwholesome states do not dwell within him, he is called ‘one who has no students.’ They do not assail him. Since evil unwholesome states do not assail him, he is called ‘one who has no teacher.’
“Further, when a bhikkhu has heard a sound with the ear ... cognized a mental phenomenon with the mind ... he is called ‘one who has no teacher.’
“It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu who has no students and no teacher dwells happily, in comfort.
“Bhikkhus, this holy life is lived without students and without a teacher.
[138] A bhikkhu who has students and a teacher dwells in suffering, not in comfort. A bhikkhu who has no students and no teacher dwells happily, in comfort.”
152 (7) For What Purpose the Holy Life?
“Bhikkhus, if wanderers of other sects ask you: ‘For what purpose, friends, is the holy life lived under the ascetic Gotama?’—being asked thus, you should answer those wanderers thus: ‘It is, friends, for the full understanding of suffering that the holy life is lived under the Blessed One.’ Then, bhikkhus, if those wanderers ask you: ‘What, friends, is that suffering for the full understanding of which the holy life is lived under the ascetic Gotama?’—being asked thus, you should answer those wanderers thus:
“‘The eye, friends, is suffering: it is for the full understanding of this that the holy life is lived under the Blessed One. Forms are suffering: it is for the full understanding of them that the holy life is lived under the Blessed One. Eye-consciousness is suffering ... Eye-contact is suffering ... Whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—that too is suffering: it is for the full understanding of this that the holy life is lived under the Blessed One. The ear is suffering ... The mind is suffering … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is suffering: it is for the full understanding of this that the holy life is lived under the Blessed One. This, friends, is the suffering for the full understanding of which the holy life is lived under the Blessed One.’
“Being asked thus, bhikkhus, you should answer those wanderers of other sects in such a way.”
153 (8) Is There a Method?
“Is there a method of exposition, bhikkhus, by means of which a bhikkhu— apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it150—[139] can declare final knowledge thus: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being’?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, take recourse in the Blessed One. It would be good if the Blessed One would clear up the meaning of this statement. Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, bhikkhus, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “There is a method of exposition by means of which a bhikkhu—apart
from faith ... apart from acceptance of a view after pondering it—can declare final knowledge thus: ‘Destroyed is birth ... there is no more for this state of being.’ And what is that method of exposition? Here, bhikkhus,
having seen a form with the eye, if there is lust, hatred, or delusion internally, a bhikkhu understands: ‘There is lust, hatred, or delusion internally’; or, if there is no lust, hatred, or delusion internally, he understands: ‘There is no lust, hatred, or delusion internally.’151 Since this is so, are these things to be understood by faith, or by personal preference, or by oral tradition, or by reasoned reflection, or by acceptance of a view after pondering it?”
“No, venerable sir.”
“Aren’t these things to be understood by seeing them with wisdom?” “Yes, venerable sir.”
“This, bhikkhus, is the method of exposition by means of which a bhikkhu can declare final knowledge thus: ‘Destroyed is birth ... there is no more for this state of being.’
“Further, bhikkhus, having heard a sound with the ear ... [140] … Having cognized a mental phenomenon with the mind, if there is lust, hatred, or delusion internally, a bhikkhu understands: ‘There is lust, hatred, or delusion internally’; or, if there is no lust, hatred, or delusion internally, he understands: ‘There is no lust, hatred, or delusion internally.’ Since this is so, are these things to be understood by faith, or by personal preference, or by oral tradition, or by reasoned reflection, or by acceptance of a view after pondering it?”
“No, venerable sir.”
“Aren’t these things to be understood by seeing them with wisdom?” “Yes, venerable sir.”
“This, bhikkhus, is the method of exposition by means of which a bhikkhu—apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it—can declare final knowledge thus: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
154 (9) Equipped with Faculties
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘equipped with faculties, equipped with faculties.’152 In what way, venerable sir, is one equipped with faculties?”
“If, bhikkhu, while one dwells contemplating rise and fall in the eye faculty, one experiences revulsion towards the eye faculty; if, while one dwells contemplating rise and fall in the ear faculty, one experiences revulsion towards the ear faculty; … if, while one dwells contemplating rise and fall in the mind faculty, one experiences revulsion towards the mind faculty, then, experiencing revulsion, one becomes dispassionate…. When [the mind] is liberated, there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ One understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’ It is in this way, bhikkhu, that one is equipped with faculties.” [141]
155 (10) A Speaker on the Dhamma
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘a speaker on the Dhamma, a speaker on the Dhamma.’ In what way, venerable sir, is one a speaker on the Dhamma?”153
“Bhikkhu, if one teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards the eye, for its fading away and cessation, one can be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. If one is practising for the purpose of revulsion towards the eye, for its fading away and cessation, one can be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma. If, through revulsion towards the eye, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging, one can be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.
“Bhikkhu, if one teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards the ear ... for the purpose of revulsion towards the mind, for its
fading away and cessation, one can be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. If one is practising for the purpose of revulsion towards the mind, for its fading away and cessation, one can be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma. If, through revulsion towards the mind, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging, one can be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.”
[142]
Division IV
THE FOURTH FIFTY
I. THE DESTRUCTION OF DELIGHT
156 (1) The Destruction of Delight (1)
“Bhikkhus, a bhikkhu sees as impermanent the eye which is actually impermanent: that is his right view.154 Seeing rightly, he experiences revulsion. With the destruction of delight comes destruction of lust; with the destruction of lust comes destruction of delight. With the destruction of delight and lust the mind is said to be well liberated.
“Bhikkhus, a bhikkhu sees as impermanent the ear which is actually impermanent… the mind which is actually impermanent: that is his right view…. With the destruction of delight and lust the mind is said to be well liberated.”
157 (2) The Destruction of Delight (2)
(The same for the external sense bases.)
158 (3) The Destruction of Delight (3)
“Bhikkhus, attend carefully to the eye.155 Recognize the impermanence of the eye as it really is. When a bhikkhu, attending carefully to the eye, recognizes the impermanence of the eye as it really is, he feels revulsion towards the eye. With the destruction of delight comes destruction of lust; with the destruction of lust comes destruction of delight. With the destruction of delight and lust the mind is said to be well liberated. [143]
“Bhikkhus, attend carefully to the ear ... to the mind. Recognize the impermanence of the mind as it really is…. With the destruction of delight and lust the mind is said to be well liberated.”
159 (4) The Destruction of Delight (4)
(The same for the external sense bases.)
160 (5) Jivaka’s Mango Grove (1)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in Jı̄vaka’s Mango Grove. There he addressed the bhikkhus thus:156
“Bhikkhus, develop concentration. [144] When a bhikkhu is concentrated, things become manifest157 to him as they really are. And what becomes manifest to him as it really is? The eye becomes manifest to him as it really is—as impermanent. Forms become manifest to him as they really are—as impermanent. Eye-consciousness … Eye-contact … Whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—becomes manifest to him as it really is—as impermanent.
“The ear becomes manifest to him as it really is … The mind becomes manifest to him as it really is … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … becomes manifest to him as it really is—as impermanent.
“Develop concentration, bhikkhus. When a bhikkhu is concentrated, things become manifest to him as they really are.”
161 (6) Jı̄vakas Mango Grove (2)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in Jı̄vaka’s Mango Grove. There he addressed the bhikkhus thus:
“Bhikkhus, make an exertion in seclusion. When a bhikkhu is secluded, things become manifest to him as they really are. And what becomes manifest to him as it really is?”
(All as in preceding sutta.) [145]
162 (7) Koṭṭhita (1)
Then the Venerable Mahākoṭṭhita approached the Blessed One … and said to him:158 “Venerable sir, it would be good if the Blessed One would teach me the Dhamma in brief, so that, having heard the Dhamma from the Blessed One, I might dwell alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute.”
“Koṭṭhita, you should abandon desire for whatever is impermanent. And what is impermanent? The eye is impermanent; you should abandon desire for it. Forms are impermanent … Eye-consciousness is impermanent … Eye-contact is impermanent … Whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is impermanent; you should abandon desire for it.
“The ear is impermanent … The mind is impermanent … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is impermanent; you should abandon desire for it.
“Koṭṭhita, you should abandon desire for whatever is impermanent.” [146]
163 (8) Koṭṭhita (2)
… “Koṭṭhita, you should abandon desire for whatever is suffering.”... (Complete as in preceding sutta.)
164 (9) Koṭṭhita (3)
… “Koṭṭhita, you should abandon desire for whatever is nonself.” … [147]
165 (10) Abandoning Wrong View
Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, how should one know, how should one see, for wrong view to be abandoned?”159
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as impermanent, wrong view is abandoned. When one knows and sees forms as impermanent ... eye-consciousness as impermanent ... eye-contact as impermanent … whatever feeling arises with mind-contact as condition … as impermanent, wrong view is abandoned. It is when one knows and sees thus that wrong view is abandoned.”
166 (11) Abonding Identity View
… “Venerable sir, how should one know, how should one see, for identity view to be abandoned?”
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as impermanent, identity view is abandoned.”… (Complete as above.) [148]
167 (12) Abandoning the View of Self
… “Venerable sir, how should one know, how should one see, for the view of self to be abandoned?”
“Bhikkhu, when one knows and sees the eye as impermanent, the view of self is abandoned.”… (Complete as above.)
II. THE SIXTYFOLD REPETITION SERIES160
168 (1) Desire for the Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is impermanent. And what is impermanent? [149] The eye is impermanent … The mind is impermanent; you should abandon desire for it. Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is impermanent.”
169 (2) Lust for the Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, you should abandon lust for whatever is impermanent. And what is impermanent? The eye is impermanent ... The mind is impermanent; you should abandon lust for it. Bhikkhus, you should abandon lust for whatever is impermanent.”
170 (3) Desire and Lust for the Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is impermanent. And what is impermanent? The eye is impermanent … The mind is impermanent; you should abandon desire and lust for it. Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is impermanent.”
171 (4)-173 (6) Desire for Suffering (Internal), Etc.
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is suffering…. You should abandon lust for whatever is suffering…. You should abandon desire and lust for whatever is suffering. And what is suffering? The eye is suffering … The mind is suffering; you should abandon desire and lust for it. [150] Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is suffering.”
174 (7)-176 (9) Desire for Nonself (Internal), Etc.
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is nonself…. You should abandon lust for whatever is nonself…. You should abandon desire and lust for whatever is nonself. And what is nonself? The eye is nonself …
The mind is nonself; you should abandon desire for it. Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is nonself.”
177 (10)-179 (12) Desire for the Impermanent (External), Etc.
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is impermanent…. You should abandon lust for whatever is impermanent…. You should abandon desire and lust for whatever is impermanent. And what is impermanent? Forms are impermanent … Mental phenomena are impermanent; you should abandon desire and lust for them. Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is impermanent.”
180 (13)-182 (15) Desire for Suffering (External), Etc.
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is suffering…. You should abandon lust for whatever is suffering…. You should abandon desire and lust for whatever is suffering. And what is suffering? Forms are suffering… Mental phenomena are suffering; you should abandon desire and lust for them. Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is suffering.” [151]
183 (16)-185 (18) Desire for Nonself (External), Etc.
“Bhikkhus, you should abandon desire for whatever is nonself…. You should abandon lust for whatever is nonself…. You should abandon desire and lust for whatever is nonself. And what is nonself? Forms are nonself … Mental phenomena are nonself; you should abandon desire and lust for them. Bhikkhus, you should abandon desire and lust for whatever is nonself.”
186 (19) The Past as Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, the eye … the mind of the past was impermanent. Seeing thus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye ...
towards the mind. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
187 (20) The Future as Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, the eye … the mind of the future will be impermanent. Seeing thus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye ... towards the mind. He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
188 (21) The Present as Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, the eye … the mind of the present is impermanent. Seeing thus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye … towards the mind. He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [152]
189 (22)-191 (24) The Past, Etc., as Suffering (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the past ... of the future ... of the present is suffering. Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
192 (25)-194 (27) The Past, Etc., as Nonself (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the past ... of the future ... of the present is nonself. Seeing thus ... He understands: ‘... there is no more for this state of being.’”
195 (28)-197 (30) The Past, Etc., as Impermanent (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are impermanent. Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
198 (31)-200 (33) The Past, Etc., as Suffering (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are suffering. Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
201 (34)-203 (36) The Past, Etc., as Nonself (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are nonself. Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
204 (37) What Is Impermanent of the Past (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... [153] … the mind of the past was impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
205 (38) What Is Impermanent of the Future (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the future will be impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
206 (39) What Is Impermanent of the Present (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the present is impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [154]
207 (40)-209 (42) What Is Suffering of the Past, Etc. (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the past ... of the future ... of the present is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
210 (43)-212 (45) What Is Nonself of the Past, Etc. (Internal)
“Bhikkhus, the eye ... the mind of the past ... of the future ... of the present is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
213 (46)-215 (48) What Is Impermanent of the Past, Etc. (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are impermanent. What is impermanent is suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [155]
216 (49)-218 (51) What Is Suffering of the Past, Etc. (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are suffering. What is suffering is nonself. What is nonself should
be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
219 (52)-221 (54) What Is Nonself of the Past, Etc. (External)
“Bhikkhus, forms ... mental phenomena of the past ... of the future ... of the present are nonself. What is nonself should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’ Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
222 (55) The Bases as Impermanent (Internal)
“Bhikkhus, the eye is impermanent ... the mind is impermanent. Seeing thus
... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
223 (56) The Bases as Suffering (Internal)
“Bhikkhus, the eye is suffering … the mind is suffering. Seeing thus ... He understands: ‘… there is no more for this state of being.’” [156]
224 (57) The Bases as Nonself (Internal)
“Bhikkhus, the eye is nonself … the mind is nonself. Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
225 (58) The Bases as Impermanent (External)
“Bhikkhus, forms are impermanent… mental phenomena are impermanent. Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
226 (59) The Bases as Suffering (External)
“Bhikkhus, forms are suffering … mental phenomena are suffering. Seeing thus … He understands: ‘... there is no more for this state of being.’”
227 (60) The Bases as Nonself (External)
“Bhikkhus, forms are nonself … mental phenomena are nonself. Seeing thus … He understands: ‘... there is no more for this state of being.’”
[157]
III. THE OCEAN
228 (1) The Ocean (1)
“Bhikkhus, the uninstructed worldling speaks of ‘the ocean, the ocean.’ But that is not the ocean in the Noble One’s Discipline; that is only a great mass of water, a great expanse of water.
“The eye, bhikkhus, is the ocean for a person; its current consists of forms.161 One who withstands that current consisting of forms is said to have crossed the ocean of the eye with its waves, whirlpools, sharks, and demons.162 Crossed over, gone beyond, the brahmin stands on high ground.
“The ear, bhikkhus, is the ocean for a person…. The mind is the ocean for a person; its current consists of mental phenomena. One who withstands that current consisting of mental phenomena is said to have crossed the ocean of the mind with its waves, whirlpools, sharks, and demons. Crossed over, gone beyond, the brahmin stands on high ground.”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
“One who has crossed this ocean so hard to cross, With its dangers of sharks, demons, waves,
The knowledge-master who has lived the holy life, Reached the world’s end, is called one gone beyond.”
229 (2) The Ocean (2)
“Bhikkhus, the uninstructed worldling speaks of ‘the ocean, the ocean.’
[158] But that is not the ocean in the Noble One’s Discipline; that is only a great mass of water, a great body of water.
“There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. This is called the ocean in the Noble One’s Discipline. Here this world with its devas, Māra, and Brahmā, this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans, for the most part is submerged,163 become like a tangled skein, like a knotted ball of thread, like matted reeds and rushes, and cannot pass beyond the plane of misery, the bad destinations, the nether world, saṃsāra.
“There are sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. Here this world with its devas, Māra, and Brahmā, this generation with its ascetics and brahmins, its devas and humans, for the most part is submerged, become like a tangled skein, like a knotted ball of thread, like matted reeds and rushes, and cannot pass beyond the plane of misery, the bad destinations, the nether world, saṃsāra.164
“One who has expunged lust and hate Along with [the taint of] ignorance, Has crossed this ocean so hard to cross
With its dangers of sharks, demons, waves.
“The tie-surmounter, death-forsaker, without acquisitions, Has abandoned suffering165 for no renewed existence.
Passed away, he cannot be measured, I say:
He has bewildered the King of Death.”
230 (3) The Fisherman Simile
“Bhikkhus, suppose a fisherman would cast a baited hook into a deep lake,
[159] and a fish on the lookout for food would swallow it. That fish who has thus swallowed the fisherman’s hook would meet with calamity and
disaster, and the fisherman could do with it as he wishes. So too, bhikkhus, there are these six hooks in the world for the calamity of beings, for the slaughter166 of living beings.
“There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them, welcomes them, and remains holding to them, he is called a bhikkhu who has swallowed Māra’s hook. He has met with calamity and disaster, and the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable … tantalizing. If a bhikkhu seeks delight in them … the Evil One can do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, forms cognizable by the eye that are desirable, lovely, agreeable, pleasing, sensually enticing, tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them, does not welcome them, and does not remain holding to them, he is called a bhikkhu who has not swallowed Māra’s hook, who has broken the hook, demolished the hook. He has not met with calamity and disaster, and the Evil One cannot do with him as he wishes.
“There are, bhikkhus, sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind that are desirable … tantalizing. If a bhikkhu does not seek delight in them … the Evil One cannot do with him as he wishes.”
231 (4) The Milk-Sap Tree
“Bhikkhus, in regard to forms cognizable by the eye, if in any bhikkhu or bhikkhunı̄ [160] lust still exists and has not been abandoned, if hatred still exists and has not been abandoned, if delusion still exists and has not been abandoned, then even trifling forms that enter into range of the eye obsess the mind, not to speak of those that are prominent. For what reason? Because lust still exists and has not been abandoned, hatred still exists and has not been abandoned, delusion still exists and has not been abandoned.
The same in regard to sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind.
“Suppose, bhikkhus, there was a milk-sap tree167—an assattha or a banyan or a pilakkha or an udumbara-fresh, young, tender. If a man breaks it here and there with a sharp axe, would sap come out?”
“Yes, venerable sir. For what reason? Because there is sap.”
“So too, bhikkhus, in regard to forms cognizable by the eye ... even trifling forms that enter into range of the eye obsess the mind, not to speak of those that are prominent. For what reason? Because lust still exists and has not been abandoned, hatred still [161] exists and has not been abandoned, delusion still exists and has not been abandoned. The same in regard to sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind.
“Bhikkhus, in regard to forms cognizable by the eye, if in any bhikkhu or bhikkhunı̄ lust does not exist and has been abandoned, if hatred does not exist and has been abandoned, if delusion does not exist and has been abandoned, then even prominent forms that enter into range of the eye do not obsess the mind, not to speak of those that are trifling. For what reason? Because lust does not exist and has been abandoned, hatred does not exist and has been abandoned, delusion does not exist and has been abandoned. The same in regard to sounds cognizable by the ear ... mental phenomena cognizable by the mind.
“Suppose, bhikkhus, there was a milk-sap tree—an assattha or a banyan or a pilakkha or an udumbara—dried up, desiccated, past its prime. If a man breaks it here and there with a sharp axe, would sap come out?” [162]
“No, venerable sir. For what reason? Because there is no sap.”
“So too, bhikkhus, in regard to forms cognizable by the eye ... even prominent forms that enter into range of the eye do not obsess the mind, not to speak of those that are trifling. For what reason? Because lust does not exist and has been abandoned, hatred does not exist and has been abandoned, delusion does not exist and has been abandoned. The same in
regard to sounds cognizable by the ear … mental phenomena cognizable by the mind.”
232 (5) Koṭṭhita
On one occasion the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahākoṭṭhita were dwelling at Bārāṇası̄ in the Deer Park at Isipatana. Then, in the evening, the Venerable Mahākoṭṭhita emerged from seclusion and approached the Venerable Sāriputta. He exchanged greetings with the Venerable Sāriputta and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“How is it, friend Sariputta, is the eye the fetter of forms or are forms the fetter of the eye? Is the ear the fetter of sounds or are sounds the fetter of the ear?… [163] Is the mind the fetter of mental phenomena or are mental phenomena the fetter of the mind?”
“Friend Koṭṭhita, the eye is not the fetter of forms nor are forms the fetter of the eye, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there. The ear is not the fetter of sounds nor are sounds the fetter of the ear, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there…. The mind is not the fetter of mental phenomena nor are mental phenomena the fetter of the mind, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there.
“Suppose, friend, a black ox and a white ox were yoked together by a single harness or yoke. Would one be speaking rightly if one were to say: ‘The black ox is the fetter of the white ox; the white ox is the fetter of the black ox’?”
“No, friend. The black ox is not the fetter of the white ox nor is the white ox the fetter of the black ox, but rather the single harness or yoke by which the two are yoked together: that is the fetter there.”
“So too, friend, the eye is not the fetter of forms … nor are mental phenomena the fetter of the mind, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there.
“If, friend, the eye were the fetter of forms or if forms were the fetter of the eye, this living of the holy life could not be discerned for the complete destruction of suffering.168 But since the eye is not the fetter of forms nor are forms the fetter of the eye [164]—but rather the desire and lust that arise there in dependence on both is the fetter there—the living of the holy life is discerned for the complete destruction of suffering.
“If, friend, the ear were the fetter of sounds or if sounds were the fetter of the ear ... If the mind were the fetter of mental phenomena or if mental phenomena were the fetter of the mind, this living of the holy life could not be discerned for the complete destruction of suffering. But since the mind is not the fetter of mental phenomena nor are mental phenomena the fetter of the mind—but rather the desire and lust that arise there in dependence on both is the fetter there—the living of the holy life is discerned for the complete destruction of suffering.
“In this way too, friend, it may be understood how that is so: There exists in the Blessed One the eye, the Blessed One sees a form with the eye, yet there is no desire and lust in the Blessed One; the Blessed One is well liberated in mind. There exists in the Blessed One the ear, the Blessed One hears a sound with the ear … There exists in the Blessed One the nose, the Blessed One smells an odour with the nose ... There exists in the Blessed One the tongue, the Blessed One savours a taste with the tongue ... There exists in the Blessed One the body, the Blessed One feels a tactile object with the body ... There exists in the Blessed One the mind, the Blessed One cognizes [165] a mental phenomenon with the mind, yet there is no desire and lust in the Blessed One; the Blessed One is well liberated in mind.
“In this way, friend, it can be understood how the eye is not the fetter of forms nor forms the fetter of the eye, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both is the fetter there; how the ear is not the fetter of sounds nor sounds the fetter of the ear…; how the mind is not the fetter of mental phenomena nor mental phenomena the fetter of the mind, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both is the fetter there.”
233 (6) Kāmabhū
On one occasion the Venerable Ānanda and the Venerable Kāmabhū were dwelling at Kosambı̄ in Ghosita’s Park. Then, in the evening, the Venerable Kāmabhū emerged from seclusion and approached the Venerable Ānanda. He exchanged greetings with the Venerable Ānanda and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“How is it, friend Ānanda, is the eye the fetter of forms or are forms the fetter of the eye?… Is the mind the fetter of mental phenomena or are mental phenomena the fetter of the mind?”
“Friend Kāmabhū, the eye is not the fetter of forms nor are forms the fetter of the eye ... The mind is not the fetter of mental phenomena nor are mental phenomena the fetter of the mind, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there. [166]
“Suppose, friend, a black ox and a white ox were yoked together by a single harness or yoke. Would one be speaking rightly if one were to say: ‘The black ox is the fetter of the white ox; the white ox is the fetter of the black ox’?”
“No, friend. The black ox is not the fetter of the white ox nor is the white ox the fetter of the black ox, but rather the single harness or yoke by which the two are yoked together: that is the fetter there.”
“So too, friend, the eye is not the fetter of forms ... nor are mental phenomena the fetter of the mind, but rather the desire and lust that arise there in dependence on both: that is the fetter there.”
234 (7) Udāyi
On one occasion the Venerable Ānanda and the Venerable Udāyı̄ were dwelling at Kosambı̄ in Ghosita’s Park. Then, in the evening, the Venerable Udāyı̄ emerged from seclusion and approached the Venerable Ānanda. He exchanged greetings with the Venerable Ānanda and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“Friend Ānanda, in many ways [the nature of] this body has been declared, disclosed, and revealed by the Blessed One thus: ‘For such a reason this body is nonself.’ Is it possible to explain [the nature of] this consciousness in a similar way—to teach, proclaim, establish, disclose, analyse, and elucidate it thus: ‘For such a reason this consciousness is nonself’?”
“It is possible, friend Udāyı̄. Doesn’t eye-consciousness arise in dependence on the eye and forms?” [167]
“Yes, friend.”
“If the cause and condition for the arising of eye-consciousness would cease completely and totally without remainder, could eye-consciousness be discerned?”
“No, friend.”
“In this way, friend, this has been declared, disclosed, and revealed by the Blessed One thus: ‘For such a reason this consciousness is nonself.’
“Doesn’t ear-consciousness arise in dependence on the ear and sounds?… Doesn’t mind-consciousness arise in dependence on the mind and mental phenomena?”
“Yes, friend.”
“If the cause and condition for the arising of mind-consciousness would cease completely and totally without remainder, could mind-consciousness be discerned?”
“No, friend.”
“In this way too, friend, this has been declared, disclosed, and revealed by the Blessed One thus: ‘For such a reason this consciousness is nonself.’
“Suppose, friend, a man needing heartwood, seeking heartwood, wandering in search of heartwood, would take a sharp axe and enter a forest.169 There he would see the trunk of a large plantain tree, straight, fresh, without a fruit-bud core. [168] He would cut it down at the root, cut off the crown, and unroll the coil. As he unrolls the coil, he would not find even softwood, let alone heartwood.
“So too, a bhikkhu does not recognize either a self or anything belonging to a self in these six bases for contact. Since he does not recognize anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
235 (8) The Exposition on Burning
“Bhikkhus, I will teach you a Dhamma exposition on the theme of burning. Listen to that….
“And what, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of burning? It would be better, bhikkhus, for the eye faculty to be lacerated by a red-hot iron pin burning, blazing, and glowing, than for one to grasp the sign through the features in a form cognizable by the eye.170 For if consciousness should stand tied to gratification in the sign or in the features, and if one should die on that occasion, it is possible that one will go to one of two destinations: hell or the animal realm. Having seen this danger, I speak thus.
“It would be better, bhikkhus, for the ear faculty to be lacerated by a sharp iron stake burning, blazing, and glowing, than for one to grasp the sign through the features in a sound cognizable by the ear. For if consciousness should stand tied to gratification in the sign or in the features, and if one should die on that occasion, it is possible that one will go to one of two destinations: hell or the animal realm. Having seen this danger, I speak thus. [169]
“It would be better, bhikkhus, for the nose faculty to be lacerated by a sharp nail cutter burning, blazing, and glowing, than for one to grasp the sign through the features in an odour cognizable by the nose. For if consciousness should stand tied to gratification in the sign or in the features, and if one should die on that occasion, it is possible that one will go to one of two destinations: hell or the animal realm. Having seen this danger, I speak thus.
“It would be better, bhikkhus, for the tongue faculty to be lacerated by a sharp razor burning, blazing, and glowing, than for one to grasp the sign through the features in a taste cognizable by the tongue. For if consciousness should stand tied to gratification in the sign or in the features, and if one should die on that occasion, it is possible that one will go to one of two destinations: hell or the animal realm. Having seen this danger, I speak thus.
“It would be better, bhikkhus, for the body faculty to be lacerated by a sharp spear burning, blazing, and glowing, than for one to grasp the sign through the features in a tactile object cognizable by the body. For if consciousness should stand tied to gratification in the sign or in the features, and if one should die on that occasion, it is possible that one will go to one of two destinations: hell or the animal realm. Having seen this danger, I speak thus.
“It would be better, bhikkhus, to sleep—for sleep, I say, is barren for the living, fruitless for the living, insensibility for the living—than to think such thoughts as would induce one who has come under their control to bring about a schism in the Sarigha. [170] Having seen this danger, I speak thus.171
“In regard to this, bhikkhus, the instructed noble disciple reflects thus: ‘Leave off lacerating the eye faculty with a red-hot iron pin burning, blazing, and glowing. Let me attend only to this: So the eye is impermanent, forms are impermanent, eye-consciousness is impermanent, eye-contact is impermanent, whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant— that too is impermanent.
“‘Leave off lacerating the ear faculty with a sharp iron stake burning, blazing, and glowing. Let me attend only to this: So the ear is impermanent, sounds are impermanent, ear-consciousness is impermanent, ear-contact is impermanent, whatever feeling arises with ear-contact as condition … that too is impermanent.
“‘Leave off lacerating the nose faculty with a sharp nail cutter burning, blazing, and glowing. Let me attend only to this: So the nose is
impermanent, odours are impermanent, nose-consciousness is impermanent, nose-contact is impermanent, whatever feeling arises with nose-contact as condition … that too is impermanent.
“‘Leave off lacerating the tongue faculty with a sharp razor burning, blazing, and glowing. Let me attend only to this: So the tongue is impermanent, tastes are impermanent, tongue-consciousness is impermanent, tongue-contact is impermanent, whatever feeling arises with tongue-contact as condition … that too is impermanent.
“‘Leave off lacerating the body faculty with a sharp spear burning, blazing, and glowing. Let me attend only to this: So the body is impermanent, [171] tactile objects are impermanent, body-consciousness is impermanent, body-contact is impermanent, whatever feeling arises with body-contact as condition … that too is impermanent.
“‘Leave off sleeping. Let me attend only to this: So the mind is impermanent, mental phenomena are impermanent, mind-consciousness is impermanent, mind-contact is impermanent, whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is impermanent.’
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards the eye, forms, eye-consciousness, eye-contact, and whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant … towards the mind, mental phenomena, mind-consciousness, mind-contact, and whatever feeling arises with mind-contact as condition…. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’
“This, bhikkhus, is the Dhamma exposition on the theme of burning.”
236 (9) The Simile of Hands and Feet (1)
“Bhikkhus, when there are hands, picking up and putting down are discerned. When there are feet, coming and going are discerned. When
there are limbs, bending and stretching are discerned. When there is the belly, hunger and thirst are discerned.
“So too, bhikkhus, when there is the eye, pleasure and pain arise internally with eye-contact as condition.172 When there is the ear, pleasure and pain arise internally with ear-contact as condition…. When there is the mind, pleasure and pain arise internally with mind-contact as condition.
“When, bhikkhus, there are no hands, picking up and putting down are not discerned. When there are no feet, coming and going are not discerned. When there are no limbs, bending and stretching are not discerned. When there is no belly, hunger and thirst are not discerned.
“So too, bhikkhus, when there is no eye, [172] no pleasure and pain arise internally with eye-contact as condition. When there is no ear, no pleasure and pain arise internally with ear-contact as condition…. When there is no mind, no pleasure and pain arise internally with mind-contact as condition.”
237 (10) The Simile of Hands and Feet (2)
“Bhikkhus, when there are hands, there is picking up and putting down…. “So too, bhikkhus, when there is the eye, pleasure and pain arise
internally with eye-contact as condition…. When there is the mind, pleasure and pain arise internally with mind-contact as condition.
“When, bhikkhus, there are no hands, there is no picking up and putting down….
“So too, bhikkhus, when there is no eye ... no mind, no pleasure and pain arise internally with mind-contact as condition.”
IV. THE VIPERS
238 (1) The Simile of the Vipers
“Bhikkhus, suppose there were four vipers of fierce heat and deadly venom.173 Then a man would come along wanting to live, not wanting to
die, desiring happiness and averse to suffering. They would tell him: ‘Good man, these four vipers are of fierce heat and deadly venom. [173] From time to time they must be lifted up; from time to time they must be bathed; from time to time they must be fed; from time to time they must be laid to rest.174 But if one or another of these vipers ever becomes angry with you, then, good man, you will meet death or deadly suffering. Do whatever has to be done, good man!’
“Then, bhikkhus, afraid of the four vipers of fierce heat and deadly venom, that man would flee in one direction or another. They would tell him: ‘Good man, five murderous enemies are pursuing you, thinking, “Wherever we see him, we will take his life right on the spot.” Do whatever has to be done, good man!’
“Then, bhikkhus, afraid of the four vipers of fierce heat and deadly venom, and of the five murderous enemies, that man would flee in one direction or another. They would tell him: ‘Good man, a sixth murderer, an intimate companion,175 is pursuing you with drawn sword, thinking, “Wherever I see him I will cut off his head right on the spot.” Do whatever has to be done, good man!’
“Then, bhikkhus, afraid of the four vipers of fierce heat and deadly venom, and of the five murderous enemies, and of the sixth murderer, the intimate companion with drawn sword, that man would flee in one direction or another. He would see an empty village. Whatever house he enters is void, deserted, empty. Whatever pot he takes hold of is void, hollow, empty. They would tell him: ‘Good man, just now village-attacking dacoits will raid176 this empty village. Do whatever has to be done, good man!’ [174]
“Then, bhikkhus, afraid of the four vipers of fierce heat and deadly venom, and of the five murderous enemies, and of the sixth murderer—the intimate companion with drawn sword—and of the village-attacking dacoits, that man would flee in one direction or another. He would see a great expanse of water whose near shore was dangerous and fearful, and whose further shore was safe and free from danger, but there would be no ferryboat or bridge for crossing over from the near shore to the far shore.177
“Then the man would think: ‘There is this great expanse of water whose near shore is dangerous and fearful, and whose further shore is safe and free from danger, but there is no ferryboat or bridge for crossing over. Let me collect grass, twigs, branches, and foliage, and bind them together into a raft, so that by means of that raft, making an effort with my hands and feet, I can get safely across to the far shore.’
“Then the man would collect grass, twigs, branches, and foliage, and bind them together into a raft, so that by means of that raft, making an effort with his hands and feet, he would get safely across to the far shore. Crossed over, gone beyond, the brahmin stands on high ground.178
“I have made up this simile, bhikkhus, in order to convey a meaning. This is the meaning here: ‘The four vipers of fierce heat and deadly venom’: this is a designation for the four great elements—the earth element, the water element, the heat element, the air element.179
“‘The five murderous enemies’: this is a designation for the five aggregates subject to clinging; that is, the material form aggregate subject to clinging, the feeling aggregate subject to clinging, the perception aggregate subject to clinging, the volitional formations aggregate subject to clinging, the consciousness aggregate subject to clinging.180
“‘The sixth murderer, the intimate companion with drawn sword’: this is a designation for delight and lust.181
“‘The empty village’: this is a designation for the six internal sense bases. If, bhikkhus, a wise, competent, intelligent person examines them by way of the eye, they appear to be void, hollow, [175] empty. If he examines them by way of the ear... by way of the mind, they appear to be void, hollow, empty.
“‘Village-attacking dacoits’: this is a designation for the six external sense bases. The eye, bhikkhus, is attacked by agreeable and disagreeable forms. The ear ... The nose ... The tongue ... The body ... The mind is attacked by agreeable and disagreeable mental phenomena.
“‘The great expanse of water’: this is a designation for the four floods: the flood of sensuality, the flood of existence, the flood of views, and the flood of ignorance.
“‘The near shore, which is dangerous and fearful’: this is a designation for identity.182
“‘The further shore, which is safe and free from danger’: this is a designation for Nibbāna.
“‘The raft’: this is a designation for the Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration.
“‘Making effort with hands and feet’: this is a designation for the arousing of energy.
“‘Crossed over, gone beyond, the brahmin stands on high ground’: this is a designation for the arahant.”
239 (2) The Simile of the Chariot
“Bhikkhus, by possessing three qualities, a bhikkhu lives full of happiness and joy in this very life, and he has laid a foundation 183 for the destruction of the taints. What are the three? He is one who guards the doors of the sense faculties, who is moderate in eating, and who is devoted to wakefulness. [176]
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu one who guards the doors of the sense faculties? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu does not grasp its signs and features. Since, if he left the eye faculty unrestrained, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade him, he practises the way of its restraint, he guards the eye faculty, he undertakes the restraint of the eye faculty. Having heard a sound with the ear … Having smelt an odour with the nose … Having tasted a taste with the tongue ... Having felt a tactile object with the body … Having cognized a mental phenomenon with the mind, a bhikkhu does not grasp its signs and its features. Since, if he left the mind faculty unrestrained, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade him, he
practises the way of its restraint, he guards the mind faculty, he undertakes the restraint of the mind faculty.
“Suppose, bhikkhus, a chariot harnessed to thoroughbreds was standing ready on even ground at a crossroads, with a goad on hand. Then a skilful trainer, a charioteer of horses to be tamed, would mount it and, taking the reins in his left hand and the goad in his right, would drive away and return by any route he wants, whenever he wants. So too, a bhikkhu trains in protecting these six sense faculties, trains in controlling them, trains in taming them, trains in pacifying them. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu guards the doors of the sense faculties.
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu moderate in eating? Here, reflecting wisely, a bhikkhu takes food neither for amusement nor for intoxication nor for the sake of physical beauty and attractiveness, but only for the support and maintenance of this body, for ending discomfort, and for assisting the holy life, considering: ‘Thus I shall terminate the old feeling and not arouse a new feeling, and I shall be healthy and blameless and live in comfort. ’
[177] Just as a person anoints a wound only for the purpose of enabling it to heal, or just as one greases an axle only for the sake of transporting a load, so a bhikkhu, reflecting wisely, takes food … for assisting the holy life. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu is moderate in eating.
“And how, bhikkhus, is a bhikkhu devoted to wakefulness? Here, during the day, while walking back and forth and sitting, a bhikkhu purifies his mind of obstructive states. In the first watch of the night, while walking back and forth and sitting, he purifies his mind of obstructive states. In the middle watch of the night he lies down on the right side in the lion’s posture with one foot overlapping the other, mindful and clearly comprehending, after noting in his mind the idea of rising. After rising, in the last watch of the night, while walking back and forth and sitting, he purifies his mind of obstructive states. It is in this way, bhikkhus, that a bhikkhu is devoted to wakefulness.
“Bhikkhus, it is by possessing these three qualities that a bhikkhu lives full of happiness and joy in this very life, and he has laid the foundation for the destruction of the taints.”
2240 (3) The Simile of the Tortoise
“Bhikkhus, in the past a tortoise184 was searching for food along the bank of a river one evening. On that same evening a jackal was also searching for food along the bank of that same river. When the tortoise saw the jackal in the distance searching for food, [178] it drew its limbs and neck inside its shell and passed the time keeping still and silent.185
“The jackal had also seen the tortoise in the distance searching for food, so he approached and waited close by, thinking, ‘When this tortoise extends one or another of its limbs or its neck, I will grab it right on the spot, pull it out, and eat it.’ But because the tortoise did not extend any of its limbs or its neck, the jackal, failing to gain access to it, lost interest in it and departed.
“So too, bhikkhus, Māra the Evil One is constantly and continually waiting close by you, thinking, ‘Perhaps I will gain access to him through the eye or through the ear … or through the mind.’ Therefore, bhikkhus, dwell guarding the doors of the sense faculties. Having seen a form with the eye, do not grasp its signs and features. Since, if you leave the eye faculty unguarded, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade you, practise the way of its restraint, guard the eye faculty, undertake the restraint of the eye faculty. Having heard a sound with the ear … Having smelt an odour with the nose … Having savoured a taste with the tongue … Having felt a tactile object with the body … Having cognized a mental phenomenon with the mind, do not grasp its signs and features. Since, if you leave the mind faculty unguarded, evil unwholesome states of covetousness and displeasure might invade you, practise the way of its restraint, guard the mind faculty, undertake the restraint of the mind faculty.
“When, bhikkhus, you dwell guarding the doors of the sense faculties, Māra the Evil One, failing to gain access to you, will lose interest in you
and depart, just as the jackal departed from the tortoise.” [179]
Drawing in the mind’s thoughts
As a tortoise draws its limbs into its shell, Independent, not harassing others, fully quenched, A bhikkhu would not blame anyone.186
241 (4) The Simile of the Great Log (1)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Kosambı̄ on the bank of the river Ganges. The Blessed One saw a great log being carried along by the current of the river Ganges, and he addressed the bhikkhus thus: “Do you see, bhikkhus, that great log being carried along by the current of the river Ganges?”
“Yes, venerable sir.”
“If, bhikkhus, that log does not veer towards the near shore, does not veer towards the far shore, does not sink in mid-stream, does not get cast up on high ground, does not get caught by human beings, does not get caught by nonhuman beings, does not get caught in a whirlpool, and does not become inwardly rotten, it will slant, slope, and incline towards the ocean. For what reason? Because the current of the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the ocean.
“So too, bhikkhus, if you do not veer towards the near shore, do not veer towards the far shore, do not sink in mid-stream, do not get cast up on high ground, do not get caught by human beings, do not get caught by nonhuman beings, do not get caught in a whirlpool, and do not become inwardly rotten, [180] you will slant, slope, and incline towards Nibbāna. For what reason? Because right view slants, slopes, and inclines towards Nibbāna.”
When this was said, a certain bhikkhu asked the Blessed One: “What, venerable sir, is the near shore? What is the far shore? What is sinking in mid-stream? What is getting cast up on high ground? What is getting caught by human beings, what is getting caught by nonhuman beings, what is getting caught in a whirlpool? What is inward rottenness?”
“‘The near shore,’ bhikkhu: this is a designation for the six internal sense bases. ‘The far shore’: this is a designation for the six external sense bases.
‘Sinking in mid-stream’: this is a designation for delight and lust. ‘Getting cast up on high ground’: this is a designation for the conceit ‘I am.’
“And what, bhikkhu, is getting caught by human beings? Here, someone lives in association with laypeople; he rejoices with them and sorrows with them, he is happy when they are happy and sad when they are sad, and he involves himself in their affairs and duties.187 This is called getting caught by human beings.
“And what, bhikkhu, is getting caught by nonhuman beings? Here, someone lives the holy life with the aspiration [to be reborn] into a certain order of devas, thinking: ‘By this virtue or vow or austerity or holy life I will become a deva or one among the devas.’ This is called getting caught by nonhuman beings.
“‘Getting caught in a whirlpool’: this, bhikkhu, is a designation for the five cords of sensual pleasure.
“And what, bhikkhu, is inward rottenness? Here someone is immoral, one of evil character, of impure and suspect behaviour, secretive in his acts, no ascetic though claiming to be one, [181] not a celibate though claiming to be one, inwardly rotten, corrupt, depraved.188 This is called inward rottenness.”
Now on that occasion the cowherd Nanda was standing near the Blessed One. He then said to the Blessed One: “Venerable sir, I will not veer189 towards the near shore, I will not veer towards the far shore, I will not sink in mid-stream, I will not get cast up on high ground, I will not get caught by human beings, I will not get caught by nonhuman beings, I will not get caught in a whirlpool, I will not become inwardly rotten. May I receive the going forth under the Blessed One, may I receive the higher ordination?”
“In that case, Nanda, return the cows to their owners.”
“The cows will go back of their own accord, venerable sir, out of attachment to the calves.”
“Return the cows to their owners, Nanda.”
Then the cowherd Nanda returned the cows to their owners, came back to the Blessed One, and said: “The cows have been returned to their owners, venerable sir. May I receive the going forth under the Blessed One, may I receive the higher ordination?”
Then the cowherd Nanda received the going forth under the Blessed One, and he received the higher ordination. And soon, not long after his higher ordination, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute … the Venerable Nanda became one of the arahants.”
242 (5) The Simile of the Great Log (2)
On one occasion the Blessed One was dwelling at Kimbilā on the bank of the river Ganges. The Blessed One saw a great log being carried along by the current of the river Ganges, and he addressed the bhikkhus thus: “Do you see, bhikkhus, [182] that great log being carried along by the current of the river Ganges?”
“Yes, venerable sir.”… (as above) …
When this was said, the Venerable Kimbila asked the Blessed One: “What, venerable sir, is the near shore … what is inward rottenness?”
(Replies as above except the following:)
“And what, Kimbila, is inward rottenness? Here, Kimbila, a bhikkhu commits a certain defiled offence, an offence of a kind that does not allow for rehabilitation.190 This is called inward rottenness.”
243 (6) Exposition on the Corrupted
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in Nigrodha’s Park. Now on that occasion a new assembly hall had just been built for the Sakyans of Kapilavatthu and it had not yet been inhabited by any ascetic or brahmin or by any human being at all. Then the Sakyans of Kapilavatthu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, a new council hall has just been built for the Sakyans of Kapilavatthu and it has not yet been inhabited by any ascetic or brahmin or by any human being at all. [183] Venerable sir, let the Blessed One be the first to use it. When the Blessed One has used it first, then the Sakyans of Kapilavatthu will use it afterwards. That will lead to their welfare and happiness for a long time.”191
The Blessed One consented by silence. Then, when the Sakyans understood that the Blessed One had consented, they rose from their seats and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on their right, they went to the new assembly hall. They covered it thoroughly with mats, prepared seats, put out a large water jug, and hung up an oil lamp. Then they approached the Blessed One and informed him of this, adding: “Let the Blessed One come at his own convenience.”
Then the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, went together with the Sarigha of bhikkhus to the new assembly hall. After washing his feet, he entered the hall and sat down against the central pillar facing east. The bhikkhus too, after washing their feet, entered the hall and sat down against the western wall facing east, with the Blessed One in front of them. The Sakyans of Kapilavatthu too, after washing their feet, entered the hall and sat down against the eastern wall facing west, with the Blessed One in front of them.
The Blessed One then instructed, exhorted, inspired, and gladdened the Sakyans with a Dhamma talk through much of the night, after which he dismissed them, saying: “The night has passed, Gotamas.192 You may go at your own convenience.” [184]
“Yes, venerable sir,” they replied. Then they rose from their seats and, after paying homage to the Blessed One, keeping him on their right, they departed. Then, not long after the Sakyans of Kapilavatthu had left, the Blessed One addressed the Venerable Mahāmoggallāna thus: “The Sarigha of bhikkhus is free from sloth and torpor, Moggallāna. Give a Dhamma talk to the bhikkhus. My back is aching, so I will stretch it.”193
“Yes, venerable sir,” the Venerable Mahāmoggallāna replied.
Then the Blessed One prepared his outer robe folded in four and lay down on his right side in the lion’s posture, with one foot overlapping the other, mindful and clearly comprehending, after noting in his mind the idea of rising. Thereupon the Venerable Mahāmoggallāna addressed the bhikkhus thus: “Friends, bhikkhus!”
“Friend!” those bhikkhus replied. The Venerable Mahāmoggallāna said this:
“I will teach you, friends, an exposition on the corrupted and the uncorrupted.194 Listen to it and attend closely, I will speak.”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied. The Venerable Mahāmoggallāna said this:
“How, friends, is one corrupted? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is intent upon a pleasing form and repelled by a displeasing form.195 He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. [185] Having heard a sound with the ear … Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is intent upon a pleasing mental phenomenon and repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder.
“This is called, friends, a bhikkhu who is corrupted amidst forms cognizable by the eye, corrupted amidst sounds cognizable by the ear, corrupted amidst odours cognizable by the nose, corrupted amidst tastes cognizable by the tongue, corrupted amidst tactile objects cognizable by the body, corrupted amidst mental phenomena cognizable by the mind. When a bhikkhu dwells thus, if Māra approaches him through the eye, Māra gains access to him, Māra gets a hold on him. If Māra approaches him through the ear … through the mind, Māra gains access to him, Māra gets a hold on him.
“Suppose, friends, there is a shed made of reeds or of grass, dried up, desiccated, past its prime. If a man approaches it from the east with a blazing grass torch, or from the west, from the north, from the south, from below, or from above, whichever way he approaches it the fire gains access to it, the fire gets a hold on it. So too, friends, when a bhikkhu dwells thus, if Māra approaches him through the eye … through the mind, Māra gains access to him, Māra gets a hold on him.
“When a bhikkhu dwells thus, forms overwhelm him; he does not overwhelm forms. Sounds overwhelm him; [186] he does not overwhelm sounds. Odours overwhelm him; he does not overwhelm odours. Tastes overwhelm him; he does not overwhelm tastes. Tactile objects overwhelm him; he does not overwhelm tactile objects. Mental phenomena overwhelm him; he does not overwhelm mental phenomena. This is called, friends, a bhikkhu who is overwhelmed by forms, overwhelmed by sounds, overwhelmed by odours, overwhelmed by tastes, overwhelmed by tactile objects, overwhelmed by mental phenomena—one who is overwhelmed and who does not overwhelm. Evil unwholesome states have overwhelmed him, states that defile, that lead to renewed existence, that bring trouble, that result in suffering, and that lead to future birth, aging, and death.
“It is in this way, friends, that one is corrupted.
“And how, friends, is one uncorrupted? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is not intent upon a pleasing form and not repelled by a displeasing form. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear … Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is not intent upon a pleasing mental phenomenon and not repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder.
“This is called, friends, a bhikkhu who is uncorrupted amidst forms cognizable by the eye, uncorrupted amidst sounds cognizable by the ear, uncorrupted amidst odours cognizable by the nose, uncorrupted amidst
tastes cognizable by the tongue, uncorrupted amidst tactile objects cognizable by the body, uncorrupted amidst mental phenomena cognizable by the mind. When a bhikkhu dwells thus, if Māra approaches him through the eye, Māra fails to gain access to him, Māra fails to get a hold on him. If Māra approaches him through the ear … through the mind, Māra fails to gain access to him, Māra fails to get a hold on him.
“Suppose, friends, there is a peaked house or a hall [187] built of thickly packed clay and freshly plastered. If a man approaches it from the east with a blazing grass torch, or from the west, from the north, from the south, from below, or from above, whichever way he approaches it the fire fails to gain access to it, the fire fails to get a hold on it. So too, friends, when a bhikkhu dwells thus, if Māra approaches him through the eye … through the mind, Māra fails to gain access to him, Māra fails to get a hold on him.
“When a bhikkhu dwells thus, he overwhelms forms; forms do not overwhelm him. He overwhelms sounds; sounds do not overwhelm him. He overwhelms odours; odours do not overwhelm him. He overwhelms tastes; tastes do not overwhelm him. He overwhelms tactile objects; tactile objects do not overwhelm him. He overwhelms mental phenomena; mental phenomena do not overwhelm him. This is called, friends, a bhikkhu who overwhelms forms, who overwhelms sounds, who overwhelms odours, who overwhelms tastes, who overwhelms tactile objects, who overwhelms mental phenomena—one who overwhelms and who is not overwhelmed. He has overwhelmed those evil unwholesome states that defile, that lead to renewed existence, that bring trouble, that result in suffering, and that lead to future birth, aging, and death.
“It is in this way, friends, that one is uncorrupted.”
Then the Blessed One got up and addressed the Venerable Mahāmoggallāna thus: “Good, good, Moggallāna! You have spoken well to the bhikkhus the exposition on the corrupted and the uncorrupted.”
This is what the Venerable Mahāmoggallāna said. [188] The Teacher approved. Elated, those bhikkhus delighted in the Venerable Mahāmoggallāna’s statement.
244 (7) States That Entail Suffering
“Bhikkhus, when a bhikkhu understands as they really are the origin and the passing away of all states whatsoever that entail suffering, then sensual pleasures have been seen by him in such a way that as he looks at them sensual desire, sensual affection, sensual infatuation, and sensual passion do not lie latent within him in regard to sensual pleasures; then he has comprehended a mode of conduct and manner of dwelling in such a way that as he conducts himself thus and as he dwells thus, evil unwholesome states of covetousness and displeasure do not flow in upon him.196
“And how, bhikkhus, does a bhikkhu understand as they really are the origin and the passing away of all states whatsoever that entail suffering? 197 ‘Such is form, such its origin, such its passing away; such is feeling … such is perception … such are volitional formations … such is consciousness, such its origin, such its passing away’: it is in such a way that a bhikkhu understands as they really are the origin and the passing away of all states whatsoever that entail suffering.
“And how, bhikkhus, are sensual pleasures seen by a bhikkhu in such a way that as he looks at them sensual desire, sensual affection, sensual infatuation, and sensual passion do not lie latent within him in regard to sensual pleasures? Suppose there is a charcoal pit deeper than a man’s height, filled with glowing coals without flame or smoke.198 A man would come along wanting to live, not wanting to die, desiring happiness and averse to suffering. Then two strong men would grab him by both arms and drag him towards the charcoal pit. The man would wriggle his body this way and that. For what reason? Because he knows: [189] ‘I will fall into this charcoal pit and I will thereby meet death or deadly suffering.’ So too, bhikkhus, when a bhikkhu has seen sensual pleasures as similar to a charcoal pit, sensual desire, sensual affection, sensual infatuation, and sensual passion do not lie latent within him in regard to sensual pleasures.
“And how, bhikkhus, has a bhikkhu comprehended a mode of conduct and manner of dwelling in such a way that as he conducts himself thus and as he dwells thus, evil unwholesome states of covetousness and displeasure do not flow in upon him? Suppose a man would enter a thorny forest. There
would be thorns in front of him, thorns behind him, thorns to his left, thorns to his right, thorns below him, thorns above him. He would go forward mindfully,199 he would go back mindfully, thinking, ‘May no thorn prick me!’ So too, bhikkhus, whatever in the world has a pleasing and agreeable nature is called a thorn in the Noble One’s Discipline. Having understood this thus as ‘a thorn,’200 one should understand restraint and nonrestraint.
“And how, bhikkhus, is there nonrestraint? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is intent upon a pleasing form and repelled by a displeasing form. He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear … Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is intent upon a pleasing mental phenomenon and repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. It is in such a way that there is nonrestraint.
“And how, bhikkhus, is there restraint? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is not intent upon a pleasing form and not repelled by a displeasing form. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, [190] wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear … Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is not intent upon a pleasing mental phenomenon and not repelled by a displeasing mental phenomenon. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. It is in such a way that there is restraint.
“When, bhikkhus, a bhikkhu is conducting himself and dwelling in such a way, if occasionally, due to a lapse of mindfulness, evil unwholesome memories and intentions connected with the fetters arise in him, slow might be the arising of his mindfulness, but then he quickly abandons them,
dispels them, puts an end to them, obliterates them.201 Suppose a man let two or three drops of water fall onto an iron plate heated for a whole day. Slow might be the falling of the water drops, but then they would quickly vaporize and vanish. So too, when a bhikkhu is conducting himself and dwelling in such a way … slow might be the arising of his mindfulness, but then he quickly abandons them, dispels them, puts an end to them, obliterates them.
“Thus a bhikkhu has comprehended a mode of conduct and manner of dwelling in such a way that as he conducts himself and as he dwells thus, evil unwholesome states of covetousness and displeasure do not flow in upon him.
“When a bhikkhu is conducting himself thus and dwelling thus, kings or royal ministers, friends or colleagues, relatives or kinsmen, might invite him to accept wealth, saying: ‘Come, good man, why let these saffron robes weigh you down? Why roam around with a shaven head and a begging bowl? Come, having returned to the lower life, enjoy wealth and do meritorious deeds.’ Indeed, bhikkhus, when that bhikkhu is conducting himself thus and dwelling thus, it is impossible that he will give up the training and return to the lower life. [191]
“Suppose, bhikkhus, that when the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, a great crowd of people would come along bringing a shovel and basket, thinking: ‘We will make this river Ganges slant, slope, and incline towards the west.’ What do you think, bhikkhus, would that great crowd of people be able to make the river Ganges slant, slope, and incline towards the west?”
“No, venerable sir. For what reason? Because the river Ganges slants, slopes, and inclines towards the east, and it is not easy to make it slant, slope, and incline towards the west. That great crowd of people would only reap fatigue and vexation.”
“So too, bhikkhus, when a bhikkhu is conducting himself thus and dwelling thus, kings or royal ministers, friends or colleagues, relatives or kinsmen, might invite him to accept wealth … [but] it is impossible that he will give up the training and return to the lower life. For what reason?
Because for a long time his mind has slanted, sloped, and inclined towards seclusion. Thus it is impossible that he will give up the training and return to the lower life.”
245 (8) The Kiṃsuka Tree
One bhikkhu approached another and asked him: “In what way, friend, is a bhikkhu’s vision well purified?”202
“When, friend, a bhikkhu understands as they really are the origin and the passing away of the six bases for contact, [192] in this way his vision is well purified.”203
Then the first bhikkhu, dissatisfied with the other’s answer, approached another bhikkhu and asked him: “In what way, friend, is a bhikkhu’s vision well purified?”
“When, friend, a bhikkhu understands as they really are the origin and the passing away of the five aggregates subject to clinging, in this way his vision is well purified.”
Again, the first bhikkhu, dissatisfied with the other’s answer, approached still another bhikkhu and asked him: “In what way, friend, is a bhikkhu’s vision well purified?”
“When, friend, a bhikkhu understands as they really are the origin and the passing away of the four great elements, in this way his vision is well purified.”
Again, the first bhikkhu, dissatisfied with the other’s answer, approached still another bhikkhu and asked him: “In what way, friend, is a bhikkhu’s vision well purified?”
“When, friend, a bhikkhu understands as it really is: ‘Whatever is subject to origination is all subject to cessation,’ in this way his vision is well purified.”
Then the first bhikkhu, dissatisfied with the other’s answer, approached the Blessed One, reported everything that had happened, [193] and asked:
“In what way, venerable sir, is a bhikkhu’s vision well purified?”
“Bhikkhu, suppose there was a man who had never before seen a Kiṃ tree.204 He might approach a man who had seen a Kiṃ tree and ask him: ‘Sir, what is a Kiṃ tree like?’ The other might answer: ‘Good man, a Kiṃ tree is blackish, like a charred stump.’ On that occasion a kịsuka tree might have been exactly as that man had seen it.
“Then that man, dissatisfied with the other’s answer, might approach another man who had seen a kịsuka tree and ask him: ‘Sir, what is a kịsuka tree like?’ The other might answer: ‘Good man, a kịsuka tree is reddish, like a piece of meat.’ On that occasion a kịsuka tree might have been exactly as that man had seen it.
“Then that man, dissatisfied with the other’s answer, might approach still another man who had seen a kịka tree and ask him: ’Sir, what is a kịsuka tree like?’ The other might answer: ‘Good man, a kịsuka tree has strips of bark hanging down and burst pods, like an acacia tree.’205 On that occasion a kịsuka tree might have been exactly as that man had seen it.
“Then that man, dissatisfied with the other’s answer, [194] might approach still another man who had seen a kịsuka tree and ask him: ‘Sir, what is a kịsuka tree like?’ The other might answer: ‘Good man, a kịsuka tree has plenty of leaves and foliage and gives abundant shade, like a banyan tree.’ On that occasion a kịsuka tree might have been exactly as that man had seen it.
“So too, bhikkhu, those superior men answered as they were disposed in just the way their own vision had been well purified.206 “Suppose, bhikkhu, a king had a frontier city with strong ramparts, walls, and arches, and with six gates.207 The gatekeeper posted there would be wise, competent, and intelligent; one who keeps out strangers and admits acquaintances. A swift pair of messengers would come from the east and ask the gatekeeper: ‘Where, good man, is the lord of this city?’ He would reply: ‘He is sitting in the central square.’ Then the swift pair of messengers would deliver a message of reality to the lord of the city and leave by the route by which they had arrived. Similarly, messengers would come from
the west, from the north, from the south, deliver their message, and leave by the route by which they had arrived.
“I have made up this simile, bhikkhu, in order to convey a meaning. This is the meaning here: ‘The city’: this is a designation for this body consisting of the four great elements, originating from mother and father, built up out of boiled rice and gruel, subject to impermanence, to being worn and rubbed away, to breaking apart and dispersal.208 ‘The six gates’: this is a designation for the six internal sense bases. ‘The gatekeeper’: this is a designation for mindfulness. [195] ‘The swift pair of messengers’: this is a designation for serenity and insight. ‘The lord of the city’: this is designation for consciousness.209 ‘The central square’: this is a designation for the four great elements—the earth element, the water element, the heat element, the air element. ‘A message of reality’: this is a designation for Nibbāna.210 ‘The route by which they had arrived’: this is a designation for the Noble Eightfold Path; that is, right view ... right concentration.”
246 (9) The Simile of the Lute
“Bhikkhus, if in any bhikkhu or bhikkhunı̄ desire or lust or hatred or delusion or aversion of mind should arise in regard to forms cognizable by the eye, such a one should rein in the mind from them thus:211 ‘This path is fearful, dangerous, strewn with thorns, covered by jungle, a deviant path, an evil path, a way beset by scarcity.212 This is a path followed by inferior people; it is not the path followed by superior people. This is not for you.’ In this way the mind should be reined in from these states regarding forms cognizable by the eye. So too regarding sounds cognizable by the ear … regarding mental phenomena cognizable by the mind.
“Suppose, bhikkhus, that the barley has ripened and the watchman is negligent. If a bull fond of barley enters the barley field, he might indulge himself as much as he likes. [196] So too, bhikkhus, the uninstructed worldling who does not exercise restraint over the six bases for contact indulges himself as much as he likes in the five cords of sensual pleasure.213
“Suppose, bhikkhus, that the barley has ripened and the watchman is vigilant. If a bull fond of barley enters the barley field, the watchman would catch hold of him firmly by the muzzle. While holding him firmly by the muzzle, he would get a secure grip on the locks between his horns and, keeping him in check there, would give him a sound beating with his staff. After giving him that beating, he would drive the bull away. This might happen a second time and a third time. Thus that bull fond of barley, whether he has gone to the village or the forest, whether he is accustomed to standing or to sitting, remembering the previous beating he got from the staff, would not enter that barley field again.
“So too, bhikkhus, when a bhikkhu’s mind has been subdued, well subdued,214 regarding the six bases for contact, it then becomes inwardly steady, settled, unified, and concentrated.
“Suppose, bhikkhus, there was a king or a royal minister who had never before heard the sound of a lute. He might hear the sound of a lute and say: ‘Good man, what is making this sound—so tantalizing, so lovely, so intoxicating, [197] so entrancing, so enthralling?’ They would say to him: ‘Sire, it is a lute that is making this sound—so tantalizing, so lovely, so intoxicating, so entrancing, so enthralling.’ He would reply: ‘Go, man, bring me that lute.’
“They would bring him the lute and tell him: ‘Sire, this is that lute, the sound of which was so tantalizing, so lovely, so intoxicating, so entrancing, so enthralling.’ The king would say: ‘I’ve had enough with this lute, man. Bring me just that sound.’ The men would reply: ‘This lute, sire, consists of numerous components, of a great many components, and it gives off a sound when it is played upon with its numerous components; that is, in dependence on the parchment sounding board, the belly, the arm, the head, the strings, the plectrum, and the appropriate effort of the musician.215 So it is, sire, that this lute consisting of numerous components, of a great many components, gives off a sound when it is played upon with its numerous components.’
“The king would split the lute into ten or a hundred pieces, then he would reduce these to splinters. Having reduced them to splinters, he would burn
them in a fire and reduce them to ashes, and he would winnow the ashes in a strong wind or let them be carried away by the swift current of a river. Then he would say: ‘A poor thing, indeed sir, is this so-called lute, as well as anything else called a lute. How the multitude are utterly heedless about it, utterly taken in by it!’216
“So too, bhikkhus, a bhikkhu investigates form to the extent that there is a range for form, he investigates feeling to the extent that there is a range for feeling, he investigates perception to the extent that there is a range for perception, he investigates volitional formations to the extent that there is a range for volitional formations, he investigates consciousness to the extent that there is a range for consciousness. [198] As he investigates form to the extent that there is a range for form ... consciousness to the extent that there is a range for consciousness, whatever notions of ‘I’ or ‘mine’ or ‘I am’ had occurred to him before no longer occur to him.”217
247 (10) The Simile of the Six Animals
“Bhikkhus, suppose a man with limbs wounded and festering would enter a wood of thorny reeds,218 and the Kusa thorns would prick his feet and the reed blades would slash his limbs. Thus that man would thereby experience even more pain and displeasure. So too, bhikkhus, some bhikkhu here, gone to the village or the forest, meets someone who reproaches him thus: ‘This venerable one, acting in such a way, behaving in such a way, is a foul village thorn.’ Having understood him thus as a ‘thorn,’ one should understand restraint and nonrestraint.219
“And how, bhikkhus is there nonrestraint? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is intent upon a pleasing form and repelled by a displeasing form. He dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear ... Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is intent upon a pleasing mental phenomenon and repelled by a displeasing mental phenomenon. He
dwells without having set up mindfulness of the body, with a limited mind, and he does not understand as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder.
“Suppose, bhikkhus, a man would catch six animals—with different domains and different feeding grounds—and tie them by a strong rope. He would catch a snake, a crocodile, a bird, a dog, [199] a jackal, and a monkey, and tie each by a strong rope. Having done so, he would tie the ropes together with a knot in the middle and release them. Then those six animals with different domains and different feeding grounds would each pull in the direction of its own feeding ground and domain. The snake would pull one way, thinking, ‘Let me enter an anthill.’ The crocodile would pull another way, thinking, ‘Let me enter the water.’ The bird would pull another way, thinking, ‘Let me fly up into the sky.’ The dog would pull another way, thinking, ‘Let me enter a village.’ The jackal would pull another way, thinking, ‘Let me enter a charnel ground.’ The monkey would pull another way, thinking, ‘Let me enter a forest.’
“Now when these six animals become worn out and fatigued, they would be dominated by the one among them that was strongest; they would submit to it and come under its control. So too, bhikkhus, when a bhikkhu has not developed and cultivated mindfulness directed to the body, the eye pulls in the direction of agreeable forms and disagreeable forms are repulsive; the ear pulls in the direction of agreeable sounds and disagreeable sounds are repulsive; the nose pulls in the direction of agreeable odours and disagreeable odours are repulsive; the tongue pulls in the direction of agreeable tastes and disagreeable tastes are repulsive; the body pulls in the direction of agreeable tactile objects and disagreeable tactile objects are repulsive; the mind pulls in the direction of agreeable mental phenomena and disagreeable mental phenomena are repulsive.
“It is in such a way that there is nonrestraint.
“And how, bhikkhus, is there restraint? Here, having seen a form with the eye, a bhikkhu is not intent upon a pleasing form and not repelled by a displeasing form. He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind,
liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. Having heard a sound with the ear ... Having cognized a mental phenomenon with the mind, he is not intent upon a pleasing mental phenomenon and not repelled by a displeasing mental phenomenon. [200] He dwells having set up mindfulness of the body, with a measureless mind, and he understands as it really is that liberation of mind, liberation by wisdom, wherein those evil unwholesome states cease without remainder. It is in such a way that there is restraint.
“Suppose, bhikkhus, a man would catch six animals—with different domains and different feeding grounds—and tie them by a strong rope. He would catch a snake, a crocodile, a bird, a dog, a jackal, and a monkey, and tie each by a strong rope. Having done so, he would bind them to a strong post or pillar. Then those six animals with different domains and different feeding grounds would each pull in the direction of its own feeding ground and domain. The snake would pull one way, thinking, ‘Let me enter an anthill’ … (as above) ... The monkey would pull another way, thinking, ‘Let me enter a forest.’
“Now when these six animals become worn out and fatigued, they would stand close to that post or pillar, they would sit down there, they would lie down there. So too, bhikkhus, when a bhikkhu has developed and cultivated mindfulness directed to the body, the eye does not pull in the direction of agreeable forms nor are disagreeable forms repulsive; the ear does not pull in the direction of agreeable sounds nor are disagreeable sounds repulsive; the nose does not pull in the direction of agreeable odours nor are disagreeable odours repulsive; the tongue does not pull in the direction of agreeable tastes nor are disagreeable tastes repulsive; the body does not pull in the direction of agreeable tactile objects nor are disagreeable tactile objects repulsive; the mind does not pull in the direction of agreeable mental phenomena nor are disagreeable mental phenomena repulsive.
“It is in such a way that there is restraint.
“‘A strong post or pillar’: this, bhikkhus, is a designation for mindfulness directed to the body. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will develop and cultivate mindfulness directed to the body, make it
our vehicle, make it our basis, stabilize it, exercise ourselves in it, and fully perfect it.’ Thus should you train yourselves.” [201]
248 (11) The Sheaf of Barley
“Bhikkhus, suppose a sheaf of barley were set down at a crossroads. Then six men would come along with flails in their hands220 and they would strike that sheaf of barley with the six flails. Thus that sheaf of barley would be well struck, having been struck by the six flails. Then a seventh man would come along with a flail in his hand and he would strike that sheaf of barley with the seventh flail. Thus that sheaf of barley would be struck even still more thoroughly, having been struck by the seventh flail.
“So too, bhikkhus, the uninstructed worldling is struck in the eye by agreeable and disagreeable forms; struck in the ear by agreeable and disagreeable sounds; struck in the nose by agreeable and disagreeable odours; struck in the tongue by agreeable and disagreeable tastes; struck in the body by agreeable and disagreeable tactile objects; struck in the mind by agreeable and disagreeable mental phenomena. If that uninstructed worldling sets his mind upon future renewed existence,221 then that senseless man is struck even still more thoroughly, just like the sheaf of barley struck by the seventh flail.
“Once in the past, bhikkhus, the devas and the asuras were arrayed for battle.222 Then Vepacitti, lord of the asuras, addressed the asuras thus: ‘Good sirs, if in this impending battle the asuras win and the devas are defeated, bind Sakka, lord of the devas, by his four limbs and neck and bring him to me in the city of the asuras.’ And Sakka, lord of the devas, addressed the Tāvatiṃsa devas: ‘Good sirs, if in this impending battle the devas win and the asuras are defeated, bind Vepacitti, lord of the asuras, by his four limbs and neck and bring him to me in Sudhamma, the assembly hall of the devas.’
“In that battle the devas won and the asuras were defeated. [202] Then the Tāvatiṃsa devas bound Vepacitti by his four limbs and neck and
brought him to Sakka in Sudhamma, the assembly hall of the devas. And there Vepacitti, lord of the asuras, was bound by his four limbs and neck.
“When it occurred to Vepacitti: ‘The devas are righteous, the asuras are unrighteous; now right here I have gone to the city of the devas,’ he then saw himself freed from the bonds around his limbs and neck and he enjoyed himself furnished and endowed with the five cords of divine sensual pleasure. But when it occurred to him: ‘The asuras are righteous, the devas are unrighteous; now I will go there to the city of the asuras,’ then he saw himself bound by his four limbs and neck and he was deprived of the five cords of divine sensual pleasure.
“So subtle, bhikkhus, was the bondage of Vepacitti, but even subtler than that is the bondage of Māra. In conceiving, one is bound by Māra; by not conceiving, one is freed from the Evil One.223
“Bhikkhus, ‘I am’ is a conceiving; ‘I am this’ is a conceiving; ‘I shall be’ is a conceiving; ‘I shall not be’ is a conceiving; ‘I shall consist of form’ is a conceiving; ‘I shall be formless’ is a conceiving; ‘I shall be percipient’ is a conceiving; ‘I shall be nonpercipient’ is a conceiving; ‘I shall be neither percipient nor nonpercipient’ is a conceiving.224 Conceiving is a disease, conceiving is a tumour, conceiving is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with a mind devoid of conceiving.’
“Bhikkhus, ‘I am’ is a perturbation;225 ‘I am this’ is a perturbation; ‘I shall be’ is a perturbation … ‘I shall be neither percipient nor nonpercipient’ is a perturbation. Perturbation [203] is a disease, perturbation is a tumour, perturbation is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with an imperturbable mind.’
“Bhikkhus, ‘I am’ is a palpitation; ‘I am this’ is a palpitation; ‘I shall be’ is a palpitation … ‘I shall be neither percipient nor nonpercipient’ is a palpitation. Palpitation is a disease, palpitation is a tumour, palpitation is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with a mind devoid of palpitation. ’
“Bhikkhus, ‘I am’ is a proliferation; ‘I am this’ is a proliferation; ‘I shall be’ is a proliferation … ‘I shall be neither percipient nor nonpercipient’ is a proliferation. Proliferation is a disease, proliferation is a tumour, proliferation is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with a mind devoid of proliferation.’
“Bhikkhus, ‘I am’ is an involvement with conceit;226 ‘I am this’ is an involvement with conceit; ‘I shall be’ is an involvement with conceit; ‘I shall not be’ is an involvement with conceit; ‘I shall consist of form’ is an involvement with conceit; ‘I shall be formless’ is an involvement with conceit ; ‘I shall be percipient’ is an involvement with conceit; ‘I shall be nonpercipient’ is an involvement with conceit; ‘I shall be neither percipient nor nonpercipient’ is an involvement with conceit. Involvement with conceit is a disease, involvement with conceit is a tumour, involvement with conceit is a dart. Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will dwell with a mind in which conceit has been struck down.’ Thus should you train yourselves.”
[204]
1



Close
Close