IV. Phẩm Trưởng Lão
I. Ananda (Tạp 10, Ðại 2,66a) (S.iii,105)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Ananda ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Ở đây, Tôn giả Ananda gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:
3) -- Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantaniputta, lúc chúng ta mới tu học, đã giúp đỡ chúng ta nhiều. Vị ấy giáo giới chúng ta với lời giáo giới này: Này Hiền giả Ananda, do chấp thủ, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.
4) Do chấp thủ gì, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ sắc, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... Do chấp thủ thức, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.
5) Này Hiền giả Ananda, ví như một người đàn bà hay người đàn ông, hay người trẻ tuổi, ưa thích trang điểm, ngắm bóng mặt của mình trong một tấm gương sạch sẽ, trong sáng, hay trong một bát nước trong, thấy được do duyên chấp thủ, không phải không chấp thủ. Cũng vậy, này Hiền giả Ananda, do chấp thủ sắc, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... do chấp thủ thức, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.
6) Hiền giả Ananda, Hiền giả nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, Hiền giả.
7-10) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, Hiền giả.
11-12) -- Do thấy vậy... vị ấy biết "...không còn trở lui trạng thái này nữa".
13) Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantàniputta, khi chúng tôi mới tu học, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôn giả ấy giảng cho chúng tôi lời giáo giới này. Sau khi nghe Tôn giả Punna Mantàniputta thuyết pháp, chúng tôi hoàn toàn chứng tri (Chánh) pháp.
II. Tissa (Tạp 10, Ðại 2,71a) (S.iii,106)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, nói với một số đông Tỷ-kheo:
-- Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và bại hoại). Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được các pháp. Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm hạnh không còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp.
3) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, có nói với một số đông Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và bại hoại). Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được các pháp. Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm hạnh không còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp".
5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
-- Ðến đây, này Tỷ-kheo! Hãy nhân danh Ta, gọi Tỷ-kheo Tissa: "Hiền giả Tissa, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!"
6) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Tissa; sau khi đến, nói với Tôn giả Tissa:
-- Hiền giả Tissa! Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.
7) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Tissa vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Tissa đang ngồi một bên:
-- Có thật chăng, này Tissa, Ông đã nói như sau cho một số đông Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt... và ta nghi ngờ đối với các pháp"?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
9) -- Ông nghĩ thế nào, này Tissa? Ðối với người chưa ly tham, chưa ly dục, chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
10-13) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa! Như người chưa ly tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... Như người chưa ly tham đối với các hành, thời khi các hành ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
14) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa! Như người chưa ly tham đối với thức, người chưa ly tham, chưa ly dục, chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái đối với thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
15) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người chưa ly tham đối với thức.
16) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, đối với người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát ái đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sầu, bi, khổ, ưu, não có khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
17)-- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người đã ly tham đối với sắc. Ðối với người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát ái đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... Như người đã ly tham đối với các hành, người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái đối với thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sầu, bi, khổ, ưu, não có khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
18) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người đã ly tham đối với thức.
19) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
20-23) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
24-25) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
26) Ví như, này Tissa, có hai người. Một người không giỏi về đường sá, một người giỏi về đường sá. Trong hai người ấy, người không giỏi về đường sá này hỏi người giỏi về đường sá kia về con đường. Người ấy trả lời: "Hãy đi, này Bạn, đây là con đường. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy một thời gian, Bạn sẽ thấy con đường ấy chia làm hai. Ở đây, hãy bỏ con đường phía trái, và lấy con đường phía mặt. Rồi đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khu rừng rậm. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một đầm nước lớn. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một vực nước sâu. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khoảnh đất bằng khả ái!"
27) Ðây là ví dụ của Ta dùng, này Tissa, để nêu rõ ý nghĩa. Và ý nghĩa như sau:
28) Người không giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho kẻ phàm phu. Người giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
29) Con đường chia làm hai, này Tissa, là ví cho trạng thái nghi hoặc. Con đường tay trái, này Tissa, là ví cho con đường tà đạo tám ngành, tức là tà tri kiến... tà định. Con đường tay mặt, này Tissa, là ví cho con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.
30) Khu rừng rậm, này Tissa, là ví cho vô minh. Các đầm nước thấp, này Tissa, là ví cho các dục. Vực nước sâu, này Tissa, là ví cho phẫn nộ, ưu não. Khoảnh đất bằng phẳng khả ái, này Tissa, là ví cho Niết-bàn.
31) Hãy hoan hỷ, này Tissa! Hãy hoan hỷ, này Tissa! Ta giáo giới (cho Ông), Ta giúp đỡ (cho Ông), Ta giảng dạy (cho Ông).
32) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Tissa hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
III. Yamaka (Tạp 5, Ðại 2,30c) (S.iii,109)
1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú tại Sàvatthi, Jetavena, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
3) Nhiều Tỷ-kheo nghe Tỷ-kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Yamaka những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
5) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Yamaka:
-- Có thật chăng, này Hiền giả Yamaka, Hiền giả khởi lên ác tà kiến như sau: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
6) -- Này chư Hiền, tôi đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp như vầy: "Như ta hiểu lời Thế Tôn... sau khi chết".
7) -- Chớ có nói vậy, Hiền giả Yamaka! Chớ có xuyên tạc Thế Tôn! Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt lành. Thế Tôn không có nói như sau: "Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
8) Dầu được các Tỷ-kheo ấy nói như vậy, Tôn giả Yamaka vẫn kiên trì, kiên cố chấp nhận ác tà kiến ấy, nói rằng: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
9) Vì rằng các Tỷ-kheo không thể làm cho Tôn giả Yamaka rời bỏ ác tà kiến ấy, các Tỷ-kheo ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, thưa với Tôn giả Sàriputta:
-- Tỷ-kheo Yamaka, thưa Hiền giả Sàriputta, có khởi lên ác tà kiến như sau: "Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết". Lành thay, nếu Tôn giả Sàriputta vì lòng lân mẫn đi đến Tỷ-kheo Yamaka.
10) Tôn giả Sàriputta im lặng nhận lời.
11) Rồi Tôn giả Sàsriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Yamaka những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
12) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Yamaka:
-- Có thật chăng, Hiền giả Yamaka, Hiền giả có khởi lên ác tà kiến như sau: "Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp... không còn gì nữa sau khi chết".
13) -- Thưa Hiền giả, tôi hiểu như vậy lời Thế Tôn thuyết pháp: "Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết".
14) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
15-18) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, này Hiền giả.
19-20) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
21) Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
22-26) -- Hiền giả có quán Như Lai là thọ... tưởng... hành... thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
27) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai ở trong sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
28) -- Hiền giả, có quán Như Lai ở trong thọ không?...
20) Hiền giả có quán Như Lai ở trong tưởng không?...
30) Hiền giả có quán Như Lai ở trong các hành không?...
31) Hiền giả có quán Như Lai ở trong thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Hiền giả có quán Như Lai là ngoài thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
32) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
33) -- Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán cái không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức là Như Lai không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
34) -- Và ở đây, Hiền giả Yamaka, ngay trong đời sống hiện tại, cũng không thể tìm được một Như Lai thường chơn, thường trú, thời hợp lý chăng khi Hiền giả trả lời: "Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ tận diệt, không còn gì nữa sau khi chết".
35) -- Trước đây tôi vô trí nên có ác tà kiến ấy. Nay sau khi nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ác tà kiến ấy được đoạn trừ, và pháp được tôi hoàn toàn chứng tri.
36) -- Hiền giả Yamaka, nếu có người hỏi Hiền giả: "Hiền giả Yamaka, vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?"; được hỏi như vậy, Hiền giả Yamaka, Hiền giả trả lời như thế nào?
37) -- Thưa Hiền giả, nếu có người hỏi tôi: "Này Hiền giả Yamaka, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?"; được hỏi như vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời: "Sắc là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt". Ðược hỏi vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời như vậy.
38-39) Lành thay, lành thay, Hiền giả Yamaka! Hiền giả Yamaka, ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ để ý nghĩa này được hiểu rõ thêm nữa. Ví như, này Hiền giả Yamaka, một người gia chủ hay con của người gia chủ, là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Rồi có người đến, muốn điều bất lợi, muốn điều bất hạnh, muốn điều bất an, muốn đoạt mạng sống người kia. Người ấy suy nghĩ: "Người gia chủ hay con của người gia chủ này là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Thật không dễ gì đoạt mạng sống nó bằng sức mạnh. Vậy ta hãy tìm cách xâm nhập rồi sẽ đoạt mạng sống". Người ấy đi đến người gia chủ hay con của người gia chủ kia, và nói như sau: "Thưa Tôn giả, tôi xin được hầu hạ Tôn giả". Người gia chủ hay con của người gia chủ kia chấp nhận cho người ấy hầu hạ. Người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia tin tưởng người ấy, xem người ấy như thân hữu, tin tưởng người ấy, xem như tâm hữu, và đặt lòng tín cẩn vào người ấy. Này Hiền giả, khi người ấy đã tin tưởng rằng: "Người gia chủ hay con của người gia chủ này đã tín cẩn ta", khi bắt gặp người con của gia chủ ở một chỗ thanh vắng, liền lấy con dao sắc bén, đoạt mạng sống người con của gia chủ.
40) Hiền giả Yamaka, Hiền giả nghĩ thế nào? Khi người ấy đến với người gia chủ hay con của người gia chủ kia và nói: "Thưa Tôn giả, tôi muốn hầu hạ Tôn giả"; khi ấy người ấy có phải là kẻ giết người không? Và dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một kẻ giết người".
41) Khi người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái, khi ấy dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một kẻ giết người".
-- Thưa vâng, này Hiền giả.
42-43)-- Cũng vậy, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu, không được thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
44) "Sắc là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là vô thường"; "Thọ là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Thọ là vô thường"; tưởng là vô thường, người ấy không như thật biết rõ: "Tưởng là vô thường"; "Các hành là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Các hành là vô thường"; "Thức là vô thường", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là vô thường".
45) "Sắc là khổ", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là khổ"; "Thọ là khổ"... "Tưởng là khổ"... "Các hành là khổ"... "Thức là khổ", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là khổ".
46) "Sắc là vô ngã", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là vô ngã"; "Thọ là vô ngã"... "Tưởng là vô ngã"... "Các hành là vô ngã"... "Thức là vô ngã", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là vô ngã".
47) "Sắc là hữu vi", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là hữu vi"; "Thọ là hữu vi"... "Tưởng là hữu vi"... "Các hành là hữu vi"; "Thức là hữu vi", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là hữu vi".
48) "Sắc là kẻ giết người", người ấy không như thật biết rõ: "Sắc là kẻ giết người"; "Thọ là kẻ giết người"... "Tưởng là kẻ giết người"... "Các hành là kẻ giết người"... "Thức là kẻ giết người", người ấy không như thật biết rõ: "Thức là kẻ giết người".
49) Người ấy đến với sắc, chấp thủ, nhiếp trì: "Sắc là tự ngã của ta". Người ấy đến với thọ... với tưởng... với các hành... người ấy đến với thức, chấp thủ và nhiếp trì: "Thức là tự ngã của ta". Năm thủ uẩn này được người ấy đi đến chấp thủ, sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người ấy.
50) Này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh... tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
51) "Sắc là vô thường", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là vô thường"; "Thọ là vô thường"... "Tưởng là vô thường"... "Các hành là vô thường"... "Thức là vô thường", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là vô thường".
52) "Sắc là khổ", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là khổ"... "Thọ là khổ"... "Tưởng là khổ"... "Các hành là khổ"... "Thức là khổ", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là khổ".
53) "Sắc là vô ngã", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là vô ngã"... "Thọ là vô ngã"... "Tưởng là vô ngã"... "Các hành là vô ngã"... "Thức là vô ngã", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là vô ngã".
54) "Sắc là hữu vi", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là hữu vi"... "Thọ là hữu vi"... "Tưởng là hữu vi"... "Các hành là hữu vi"... "Thức là hữu vi", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là hữu vi".
55) "Sắc là kẻ giết người", vị ấy như thật biết rõ: "Sắc là kẻ giết người"... "Thọ là kẻ giết người"... "Tưởng là kẻ giết người"... "Các hành là kẻ giết người"... "Thức là kẻ giết người", vị ấy như thật biết rõ: "Thức là kẻ giết người".
56) Vị ấy không đến với sắc, không chấp thủ, không nhiếp trì: "Sắc là tự ngã của ta". Không đến với thọ... với tưởng... với các hành... Không đến với thức, không chấp thủ, không nhiếp trì : "Thức là tự ngã của ta". Ðối với năm thủ uẩn này, vị ấy không đi đến, không chấp thủ, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho vị ấy trong một thời gian dài.
57) -- Như vậy, này Hiền giả Sàriputta, các Tôn giả ấy có được người như Hiền giả làm đồng Phạm hạnh, có lòng lân mẫn như vậy, muốn họ được hạnh phúc như vậy, bậc giáo giới như vậy, bậc giảng dạy như vậy.
58) Và nay, sau khi được nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.
IV. Anuràdha (Tạp 5, Ðại 2,32c) (S.iii,116)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha ở một cái chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu.
3) Rồi nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy nói với Tôn giả Anuràdha:
-- Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy, được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: "Như Lai tồn tại sau khi chết; Như lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
5) Ðược nói vậy, Tôn giả Anuràdha nói với các ngoại đạo du sĩ ấy:
-- Này Chư Hiền, bậc Như Lai, Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, bậc đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: "Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
6) Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với Tôn giả Anuràdha như sau:
-- Hoặc là vị Tỷ-kheo này mới tu học, xuất gia không bao lâu. Hay vị này là vị Trưởng lão, nhưng ngu dốt không có học tập.
7) Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích Tôn giả Anuràdha là mới tu học, là ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
8) Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ như sau: "Nếu ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn, ta không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, ta có thể trả lời tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách".
9) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
10) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con ở trong một cái chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến con; sau khi đến... nói với con như sau: "Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: 'Như Lai tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’".
11) Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các ngoại đạo du sĩ ấy như sau: "Này chư Hiền. .. không tồn tại sau khi chết".
12) Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với con: "Hoặc là Tỷ-kheo này mới học... nhưng ngu dốt, không có học tập".
13) Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích con là mới tu học... liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
14) Rồi bạch Thế Tôn, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao lâu, con liền suy nghĩ như sau: "Nếu các ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn. Ta không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, ta có thể trả lời với tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách".
15) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
16-17) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
18) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Sắc là Như Lai không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
"-- Thọ... tưởng... các hành... thức là Như Lai không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
19) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Như Lai ở trong sắc không?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như Lai ở ngoài sắc không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như lai ở trong thọ... ở ngoài thọ... ở trong tưởng... ở ngoài tưởng... ở trong các hành... ở ngoài các hành... ở trong thức không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông có quán: "Như Lai ở ngoài thức không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
20) -- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: "Cái phi sắc, phi thọ, phi tưởng, phi hành, phi thức là Như Lai không"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Và ở đây, này Anuràdha, ngay trong hiện tại không tìm được một Như Lai thường còn, thường trú, thời có hợp lý chăng khi Ông trả lời: "Này chư Hiền, vị Như Lai nào là bậc Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được quả Tối thắng, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: 'Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’ "?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Lành thay, lành thay, này Anuràdha! Trước kia và nay, này Anuràdha, Ta chỉ tuyên bố khổ và đoạn diệt khổ.
V. Vakkàli (Tạp 47, Ðại 2,346b) (Tăng 19, Ðại 2,642b) (S.iii,119)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vakkali trú tại nhà một thợ gốm, đang bị bệnh, đau đớn, trầm trọng.
3) Rồi Tôn giả Vakkali gọi những người thị giả:
-- Ðến đây, các Hiền giả! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali bị bệnh, đau đớn, trầm trọng; (Vakkali) cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: 'Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali.’"
4) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn trầm trọng. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và có thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali".
5) Thế Tôn im lặng nhận lời.
6) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi đến Tỷ-kheo Vakkali.
7) Tôn giả Vakkali thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng từ giường ngồi dậy.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Thôi Vakkali, Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy. Có chỗ ngồi đã soạn sẵn, Ta sẽ ngồi trên chỗ ngồi ấy.
Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.
9) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Vakkali:
-- Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm, không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! Con không có thể chịu đựng! Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có tổn giảm. Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có tổn giảm.
10) -- Này Vakkali, Ông có gì phân vân, hối hận không?
-- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
11) -- Này Vakkali, Ông có gì tự trách mình về giới luật không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.
12) -- Này Vakkali, nếu Ông không có gì tự trách mình về giới luật, vậy Ông có gì phân vân, có gì hối hận?
-- Ðã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.
13) -- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy Ta, là thấy Pháp.
14) -- Này Vakkali, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, là khổ hay là lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15-16) -- Do vậy, ở đây... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
17) Rồi Thế Tôn, sau khi giáo giới cho Tôn giả Vakkali với bài giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến núi Gijjhakuuta (Linh Thứu).
18) Rồi Tôn giả Vakkali, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền gọi các thị giả:
-- Hãy đến ta, này chư Hiền, hãy nhắc cái giường ta và đi đến tảng đá đen (kàlasilà), tại sườn núi Isigili (hang của Tiên nhân). Làm sao người như ta, lại nghĩ đến mệnh chung trong một căn nhà?
19) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, nhắc chiếc giường với Tôn giả Vakkali đi đến tảng đá đen, tại sườn núi Isigili.
20) Thế Tôn, đêm ấy và ngày còn lại, trú tại núi Gijjhakuuta.
21) Rồi hai vị Thiên, trong khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng núi Gijjakuuta, đi đến Thế Tôn... liền đứng một bên.
22) Ðứng một bên, một vị Thiên bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, đang có ý nghĩ muốn giải thoát.
23) Vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Vị ấy muốn giải thoát, chắc chắn được khéo giải thoát.
24) Chư Thiên ấy nói như vậy xong; sau khi nói vậy, liền đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
25) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Hãy đến, này các Tỷ-kheo. Hãy đi đến Tỷ-kheo Vakkali; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Vakkali như sau: "Này Hiền giả Vakkali, hãy nghe lời nói của hai vị Thiên nói với Thế Tôn. Này Hiền giả, đêm nay, hai vị Thiên, sau khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Gijjhakuuta, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này Hiền giả, một vị Thiên bạch Thế Tôn: 'Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vakkali đang có ý nghĩ muốn giải thoát’. Vị Thiên khác bạch Thế Tôn: 'Vị ấy muốn giải thoát, chắc chắn được khéo giải thoát’. Và Hiền giả Vakkali, Thế Tôn nói với Hiền giả như sau: "Này Vakkali, chớ có sợ! Này Vakkali, chớ có sợ! Cái chết của Ông sẽ không phải là ác hạnh, sự mệnh chung không phải ác hạnh!’"
26) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Vakkali; sau khi đến, thưa với Tôn giả Vakkali:
-- Này Hiền giả Vakkali, hãy nghe lời nói của Thế Tôn và hai vị Thiên.
27) Rồi Tôn giả Vakkali gọi các vị thị giả:
-- Hãy đến, này chư Hiền! Hãy nhắc tôi ra khỏi giường. Làm sao một người như tôi, có thể nghĩ ngồi trên chỗ ngồi cao để nghe Thế Tôn giảng dạy.
28) -- Thưa vâng, này Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali, nhắc Tôn giả Vakkali ra khỏi giường.
29) -- Này Hiền giả, đêm nay, hai vị Thiên, sau khi đêm đã gần tàn... đứng một bên. Ðứng một bên, này Hiền giả, một vị Thiên bạch Thế Tôn: "Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, đang nghĩ đến tự giải thoát". Vị Thiên kia bạch Thế Tôn: "Vị ấy, bạch Thế Tôn, muốn giải thoát sẽ được khéo giải thoát". Và Thế Tôn, này Hiền giả Vakkali, nói với Hiền giả như sau: "Chớ có sợ, này Vakkali! Chớ có sợ, này Vakkali! Cái chết của Ông không phải là ác hạnh, sự mệnh chung không phải là ác hạnh!"
30) -- Vậy này chư Hiền, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bệnh trầm trọng! Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và nói như sau: 'Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn. Con không có ngờ gì vấn đề này, bạch Thế Tôn! Cái gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Thọ là vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Tưởng là vô thường... Các hành là vô thường... Thức là vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì về vấn đề này.’"
31) -- Thưa vâng, này Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vakkali rồi ra đi.
32) Tôn giả Vakkali, khi các Tỷ-kheo ấy đi không bao lâu liền đem lại con dao.
33) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Vakkali, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và nói như sau: "Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường, bạch Thế Tôn, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường là khổ, con không có nghi ngờ gì về vấn đề này. Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, ở đây con không có lòng dục, lòng tham, lòng ái. Con không có nghi ngờ gì về vấn đề này".
34) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến Isigili, chỗ tảng đá đen. Ở đấy, Thiện gia nam tử đem lại con dao.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
35) Thế Tôn cùng với số đông Tỷ-kheo đi đến Isigili, chỗ tảng đá đen.
36) Và ở đàng xa, Thế Tôn thấy Tôn giả Vakkali nằm trên giường, với vai co quắp lại.
37) Lúc bấy giờ, một đám khói đen, một luồng ám khí đi về phía Ðông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía trên, đi về phía dưới, đi về phía bốn góc.
38) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy đám khói đen ấy, luồng ám khí ấy đi về phía Ðông... đi về phía bốn góc không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
39) -- Ðó là Ác ma, này các Tỷ-kheo, đang đi tìm thức của Thiện nam tử Vakkali và nói: "thức của Thiện nam tử Vakkali an trú tại chỗ nào?"
40) Nhưng này các Tỷ-kheo, với thức không an trú tại một chỗ nào, Thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!
VI. Assaji (Tạp 27, Ðại 2,267b) (S.iii,124)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Assaji trú ở vườn Kassapa, bị bệnh, đau đớn, trầm trọng.
3) Rồi Tôn giả Assaji gọi các người thị giả:
-- Hãy đến, này chư Hiền! Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn: "Tỷ-kheo Assaji, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và thưa như sau : 'Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Assaji!’"
4) -- Thưa vâng, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Assaji, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
5) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Tỷ-kheo Assaji, bạch Thế Tôn, bị bệnh đau đớn, trầm trọng... Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì lòng từ mẫn hãy đi đến Tỷ-kheo Assaji! Thế Tôn im lặng nhận lời.
6) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Assaji.
7) Tôn giả Assaji thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền cố gắng từ nơi giường ngồi dậy. Thế Tôn nói với Tôn giả Assaji:
-- Thôi Assaji! Ông chớ có cố gắng từ giường ngồi dậy! Có chỗ ngồi đã soạn sẵn. Tại chỗ ấy, Ta sẽ ngồi.
9) Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Assaji:
10) -- Ông có kham nhẫn được không, này Assaji? Ông có chịu đựng được không?... Có phải có những dấu hiệu thuyên giảm, không có tăng trưởng?
-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn!... Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có thuyên giảm!
11) -- Này Assaji, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?
-- Chắc chắn, bạch Thế Tôn, con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
12) -- Này Assaji, Ông có điều gì tự trách mình về giới luật hay không?
-- Bạch Thế Tôn, con không có điều gì tự trách mình về giới luật.
13) -- Này Assaji, nếu Ông không có điều gì tự trách mình về giới luật, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?
-- Trước đây, bạch Thế Tôn, sau khi cố gắng làm cho lắng xuống cơn bịnh, con sống với thân hành, do vậy con không chứng được Thiền định. Dầu cho không chứng được Thiền định, con tự nghĩ: "Ta sẽ không thối thất".
14) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào kiên trì trong Thiền định, tập trung trong Thiền định, nếu họ không chứng đắc Thiền định, họ sẽ nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ không thối thất!"
15-21) -- Này Assaji, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn!... Thức là thường hay vô thường?... do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
22) Khi cảm giác lạc thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi cảm giác bất khổ bất lạc khổ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ".
23) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy.
24) Nếu vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân". Nếu vị ấy cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng". Vị ấy biết rõ rằng: "Khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!"
25) Ví như, này Assaji, do duyên dầu, do duyên tim bấc, một cây đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc của ngọn đèn ấy đoạn tận, không có mang lại nhiên liệu, ngọn đèn ấy sẽ tắt. Cũng vậy, này Assaji, Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân". Khi cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng". Sau khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!
VII. Khemaka (Tạp 5, Ðại 2,29c) (S.iii,126)
1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Khemaka trú tại vườn Badarica, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi các Tỷ-kheo Trưởng lão, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy và gọi Tôn giả Dàsaka:
-- Hãy đến đây, này Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: "Này Hiền giả Khemaka, các Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: 'Này Hiền giả, Hiền giả có kham nhẫn được không? Hiền giả có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ tổn giảm không tăng trưởng? Có phải có những dấu hiệu tổn giảm, không phải tăng trưởng?’"
4) -- Thưa vâng, chư Hiền.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo ấy, đi đến Tôn giả Khemaka, sau khi đến, nói với Tôn giả Khemaka:
-- Các Trưởng lão, này Hiền giả Khemaka, nói với Hiền giả như sau: "Hiền giả có kham nhẫn được không? Này Hiền giả Khemaka... không phải tăng trưởng?"
5) -- Tôi không có thể kham nhẫn, thưa Hiền giả... tôi không có thể chịu đựng... có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm!
6) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau khi đến, thưa với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Thưa chư Hiền, Tỷ-kheo Khemaka nói như sau: "Tôi không có thể kham nhẫn, này Hiền giả... có những dấu hiệu tăng trưởng, không phải thuyên giảm!"
7) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: "Này Hiền giả Khemaka, các bậc Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: 'Này Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?’"
8) -- Thưa vâng, chư Hiền.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả Khemaka, sau khi đến...
-- Các bậc Trưởng lão, này Hiền giả, nói với Hiền giả như sau: "Này Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, Tôn giả Khemaka quán có cái gì là tự ngã hay ngã sở không?"
9) -- Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả.
10) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư Hiền, đã nói như sau: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả!"
11) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo Khemaka như sau: "Các vị Trưởng lão, này Hiền giả Khemaka, nói với Hiền giả như sau: 'Hiền giả Khemaka, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn...thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, nếu Tôn giả Khemaka không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả, thời Tôn giả Khemaka là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận"."
12) -- Thưa vâng, chư Hiền giả.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả Khemaka...
-- Này Hiền giả Khemaka, các bậc Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Nếu Tôn giả Khemaka, trong năm thủ uẩn này, không quán cái nào là tự ngã hay ngã sở, thời Tôn giả Khemaka là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc".
13). .. -- Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn này, dầu cho tôi có chứng được: "Tôi là", tuy vậy tôi cũng không quán: "Cái này là tôi".
14) Rồi Tôn giả Dàsaka đi đến Tỷ-kheo Trưởng lão... nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Tỷ-kheo Khemaka, thưa chư Hiền, đã nói như sau: "Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, thưa Hiền giả, tôi không quán cái gì là ngã hay là ngã sở. Tuy vậy, tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn, dầu cho tôi chứng được: "Tôi là", tuy vậy tôi cũng không quán: "Cái này là tôi".
15) -- Hãy đến đây, Hiền giả Dàsaka! Hãy đi đến Tỷ-kheo Khemaka; sau khi đến, hãy nói với Tỷ-kheo Khemaka: Thưa Hiền giả Khemaka, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Hiền giả như sau: "Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", các Hiền giả nói "Tôi là, là cái gì?" Hiền giả nói: "Tôi là sắc?" Hiền giả nói: "Tôi là khác sắc"?. ..; Hiền giả nói: "Tôi là thức?"; Hiền giả nói: "Tôi là khác thức?". Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", các Hiền giả nói: "Tôi là, là cái gì?""
16) -- Thưa vâng.
Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả Khemaka...
17) -- Thôi vừa rồi, Hiền giả Dàsaka chạy qua, chạy lại như thế này để làm gì? Hãy đem gậy lại đây! Ta sẽ đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão!
18) Rồi Tôn giả Khemaka chống gậy đi đến các Tỷ-kheo Trưởng lão; sau khi đến, nói lên với các Tỷ-kheo Trưởng lão những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
19) Các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka đang ngồi một bên:
-- Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", là cái gì? Hiền giả nói: "Tôi là sắc?"; Hiền giả nói: "Tôi là khác sắc"... "là thọ... là tưởng... là các hành"...; Hiền giả nói: "Tôi là thức?"; Hiền giả nói: "Tôi là khác thức?"; Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: "Tôi là", cái mà Hiền giả nói "Tôi là", là cái gì?
20) -- Thưa chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc". Tôi không nói: "Tôi là khác sắc"... "là thọ... là tưởng... là các hành"... Tôi không nói: "Tôi là thức". Tôi cũng không nói: "Tôi là khác thức". Dầu rằng, này các Hiền giả, Tôi có chứng được (tư tưởng): "Tôi là", nhưng tôi không có quán : "Cái này là tôi".
21) Ví như, này chư Hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen hồng, hay hoa trắng, nếu có người nói: "Hương thuộc về lá hay thuộc về sắc, hay thuộc về nhụy hoa", nói như vậy có nói đúng không?
-- Thưa không, này Hiền giả.
-- Vậy chư Hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn?
Chư Hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng đắn.
22) Cũng vậy, này chư Hiền, tôi không nói: "Tôi là sắc"; tôi không nói: "Tôi là khác sắc"... "Tôi là thọ"... "Tôi là tưởng"... "Tôi là các hành"... Tôi không nói: "Tôi là thức". Tôi không nói : "Tôi là khác thức". Nhưng này chư Hiền, dầu rằng đối với năm thủ uẩn của tôi được có này, tôi không có quán: "Cái này là tôi".
23) Dầu cho đối với vị Thánh đệ tử, này chư Hiền, năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, nhưng vị ấy còn nghĩ: "Ðối với năm thủ uẩn, vẫn còn dư tàn tế nhị". Dư tàn kiêu mạn 'Tôi là", dư tàn dục 'Tôi là’, dư tàn tùy miên 'Tôi là’ chưa được vị ấy đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt".
24) Vì rằng vị ấy sống, quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, các dư tàn ngã mạn "Tôi là", các dư tàn ngã dục "Tôi là", các dư tàn ngã tùy miên "Tôi là", mà vị ấy chưa được đoạn trừ, nay đi đến đoạn tận.
25) Này chư Hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy, cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã hay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ.
26-27) Cũng vậy, này chư Hiền, dầu cho vị Thánh đệ tử đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, nhưng với vị ấy, cái dư tàn trong năm thủ uẩn, dư tàn ngã mạn "Tôi là", dư tàn ngã dục "Tôi là", dư tàn ngã tùy miên: "Tôi là" chưa được đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt". Vì rằng vị ấy sống tùy quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này nên các dư tàn trong năm thủ uẩn này, ngã mạn "Tôi là", ngã dục "tôi là", ngã tùy miên "Tôi là" chưa được đoạn tận nay đi đến đoạn trừ.
28) Khi được nói vậy, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka:
-- Không phải chúng tôi vì muốn phiền nhiễu Tôn giả Khemaka mà chúng tôi hỏi. Nhưng vì chúng tôi nghĩ rằng: " Tôn giả Khemaka có thể giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn".
29) Và rồi Tôn giả Khemaka đã giải đáp, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai triển, phân tích, hiển lộ một cách rộng rãi giáo lý của Thế Tôn.
30) Tôn giả Khemaka thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo Trưởng lão hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Khemaka giảng.
31) Trong khi lời dạy này được nói lên, khoảng sáu mươi Tỷ-kheo được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, kể cả Tôn giả Khemaka.
VIII. Channa (Tạp 10, Ðại 2,66b) (S.iii,132)
1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão trú ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển.
2) Rồi Tôn giả Channa, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác và nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy được pháp.
3) Ðược nói vậy, các vị Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Channa:
-- Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ là vô thường ; tưởng là vô thường; các hành là vô thường; thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã.
4) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả pháp là vô ngã.’
5) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến (paritassanà), chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
6) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp. Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda. Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda!"
7) Rồi Tôn giả Channa, sau khi dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát đi đến Kosambi, vườn Ghosita, chỗ Tôn giả Ananda ở, sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Channa nói với Tôn giả Ananda:
-- Một thời, này Hiền giả Ananda, tôi ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi vào buổi chiều, này Hiền giả, tôi từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chiếc chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão: "Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp".
9) Ðược nghe nói vậy, này Hiền giả, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với tôi: "Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã".
10) Về vấn đề ấy, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường... thức là vô thường. Sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã’.
11) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến, chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
12) Rồi về vấn đề này, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp! Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda! Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda".
13) Tôn giả Ananda hãy giáo giới cho tôi! Tôn giả Ananda hãy giảng dạy cho tôi! Tôn giả Ananda hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp.
14) -- Cho đến như vậy, thật sự tôi rất hoan hỷ đối với Tôn giả Channa. Tôn giả Channa đã làm cho sự việc rõ ràng. Tôn giả Channa đã phá vỡ chướng ngại. Hãy lóng tai, này Hiền giả Channa! Hiền giả có thể hiểu được Chánh pháp.
15) Ngay lúc ấy, Tôn giả Channa khởi lên hoan hỷ, hân hoan thù thắng khi nghe đến: "Ta có thể hiểu được pháp".
16) -- Này Hiền giả Channa, tôi tận mặt nghe Thế Tôn, tận mặt nhận lãnh từ Thế Tôn lời giáo giới này cho Kaccànaghotta: "Thế giới này dựa trên hai (quan điểm), này Kaccàna, hiện hữu và không hiện hữu. Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì cũng không chấp nhận là thế giới có hiện hữu. Thế giới này phần lớn, này Kaccàna, là chấp thủ các phương tiện và bị trói buộc bởi thành kiến. Với ai không đi đến, không chấp thủ, không an trú vào chấp thủ các phương tiện, tâm không an trú vào thiên kiến tùy miên, vị ấy không nói: 'Ðây là tự ngã của tôi". Với ai nghĩ rằng: 'Cái gì khởi lên là đau khổ, cái gì diệt là đau khổ’, vị ấy không có phân vân, nghi hoặc. Trí ở đây không mượn nhờ người khác. Cho đến như vậy, này Kaccàna, là chánh trí".
17) "'Tất cả đều có’, này Kaccàna, là một cực đoan. 'Tất cả đều không có’ là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccàna, Như Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do duyên hành, nên thức khởi... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".
18) -- Như vậy, này Hiền giả Ananda, là điều sẽ đến với các bậc Tôn giả nào có được những đồng Phạm hạnh như vậy, những vị có lòng từ mẫn, những vị muốn sự lợi ích, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, nghe được lời thuyết pháp này từ Tôn giả Ananda, tôi được an trú vững chắc trong Chánh pháp.
IX. Ràhula (Tạp 1, Ðại 2,5a) (S.iii, 136)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
5-8) Phàm thọ gì... tưởng gì... các hành gì... Phàm thức gì, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Biết như vậy, này Ràhula, thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên.
X. Ràhula
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại... hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau khi thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải thoát, không có chấp thủ.
5-7) Phàm thọ gì... phàm tưởng gì... phàm các hành gì...
8) Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau khi thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải thoát, không có chấp thủ.
9) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, được giải thoát, không có chấp thủ.
10) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát.
I. THE ELDERS
Translated by: Bhikkhu Boddhi
51 (1) Ananda
At Sāvatthī. There the Venerable Ānanda addressed the bhikkhus thus: “Friends, bhikkhus!”
“Friend!” those bhikkhus replied. The Venerable Ānanda said this:
“Friends, the Venerable Puṇṇa Mantāniputta was very helpful to us when we were newly ordained.145 He exhorted us with the following exhortation:
“It is by clinging, Ānanda, that [the notion] ‘I am’ occurs, not without clinging. And by clinging to what does ‘I am’ occur, not without clinging?146 It is by clinging to form that ‘I am’ occurs, not without clinging. It is by clinging to feeling … to perception … to volitional formations … to consciousness that ‘I am’ occurs, not without clinging.
“Suppose, friend Ānanda, a young woman—or a man—youthful and fond of ornaments, would examine her own facial image in a mirror or in a bowl filled with pure, clear, clean water: she would look at it with clinging, not without clinging. So too, it is by clinging to form that ‘I am’ occurs, not without clinging. It is by clinging to feeling … to perception … to volitional formations … to consciousness that ‘I am’ occurs, not without clinging.
“What do you think, friend Ānanda, is form permanent or impermanent?”… (as in preceding sutta) … “Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
“Friends, the Venerable Puṇṇa Mantāniputta [106] was very helpful to us when we were newly ordained. He exhorted us with that exhortation. And when I heard his Dhamma teaching I made the breakthrough to the Dhamma.”147
52 (2) Tissa
At Sāvatthī. Now on that occasion the Venerable Tissa, the Blessed One’s paternal cousin,148 informed a number of bhikkhus: “Friends, my body seems as if it has been drugged, I have become disoriented, the teachings
are no longer clear to me.149 Sloth and torpor persist obsessing my mind. I am leading the holy life dissatisfied, and I have doubt about the teachings.”
Then a number of bhikkhus approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported this matter to him. The Blessed One then addressed a certain bhikkhu thus: “Come, bhikkhu, tell the bhikkhu Tissa in my name that the Teacher calls him.”
“Yes, venerable sir,” that bhikkhu replied, and he went to the Venerable Tissa and told him: “The Teacher calls you, friend Tissa.”
“Yes, friend,” the Venerable Tissa replied, and he approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Is it true, Tissa, [107] that you informed a number of bhikkhus thus: ‘Friends, my body seems as if it were drugged … and I have doubt about the teachings’?”
“Yes, venerable sir.”
“What do you think, Tissa, if one is not devoid of lust for form, not devoid of desire, affection, thirst, passion, and craving for it, then with the change and alteration of that form, do sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise within?”
“Yes, venerable sir.”
“Good, good, Tissa! So it is, Tissa, with one who is not devoid of lust for form. If one is not devoid of lust for feeling … for perception … for volitional formations … for consciousness, not devoid of desire, [108] affection, thirst, passion, and craving for it, then with the change and alteration of that consciousness, do sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise within?”
“Yes, venerable sir.”
“Good, good, Tissa! So it is, Tissa, with one who is not devoid of lust for consciousness. If one is devoid of lust for form, devoid of desire, affection, thirst, passion, and craving for it, then with the change and alteration of that form, do sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise within?”
“No, venerable sir.”
“Good, good, Tissa! So it is, Tissa, with one who is devoid of lust for form. If one is devoid of lust for feeling … for perception … for volitional formations … for consciousness, devoid of desire, affection, thirst, passion, and craving for it, then with the change and alteration of that consciousness, do sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair arise within?”
“No, venerable sir.”
“Good, good, Tissa! So it is, Tissa, with one who is devoid of lust for consciousness. What do you think, Tissa, is form permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”…—“Therefore … Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’
“Suppose, Tissa, there were two men: one unskilled in the path, the other skilled in the path. The man unskilled in the path would ask the skilled man a question about the path, and the latter would say: ‘Come, good man, this is the path. Go along it a little way and you will see a fork in the road. Avoid the left-hand branch and take the right-hand branch. Go a little further and you will see a dense thicket. Go a little further and you will see a vast marshy swamp. Go a little further and you will see a steep precipice. Go a little further and you will see a delightful expanse of level ground.’
“I have made up this simile, Tissa, in order to convey a meaning. This here is the meaning: ‘The man unskilled in the path’: this is a designation for the worldling. ‘The man skilled in the path’: this is a designation for the Tathāgata, the Arahant, the Perfectly Enlightened One. ‘The forked road’: this is a designation for doubt. [109] ‘The left-hand branch’: this is a designation for the wrong eightfold path; that is, wrong view … wrong concentration. ‘The right-hand branch’: this is a designation for the Noble Eightfold Path; that is, right view … right concentration. ‘The dense thicket’: this is a designation for ignorance. ‘The vast marshy swamp’: this is a designation for sensual pleasures. ‘The steep precipice’: this is a designation for despair due to anger. ‘The delightful expanse of level ground’: this is a designation for Nibbāna.
“Rejoice, Tissa! Rejoice, Tissa! I am here to exhort, I am here to assist, I am here to instruct!”
This is what the Blessed One said. Elated, the Venerable Tissa delighted in the Blessed One’s statement.150
53 (3) Yamaka
On one occasion the Venerable Sāriputta was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Now on that occasion the following pernicious view had arisen in a bhikkhu named Yamaka: “As I understand the Dhamma taught by the Blessed One, a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death.”151
A number of bhikkhus heard that such a pernicious view had arisen in the bhikkhu Yamaka. Then they approached the Venerable Yamaka and exchanged greetings with him, after which they sat down to one side and said to him: “Is it true, friend Yamaka, that such a pernicious view as this has arisen in you: [110] ‘As I understand the Dhamma taught by the Blessed One, a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death’?”
“Exactly so, friends. As I understand the Dhamma taught by the Blessed One, a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death.”
“Friend Yamaka, do not speak thus. Do not misrepresent the Blessed One. It is not good to misrepresent the Blessed One. The Blessed One would not speak thus: ‘A bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death.’”
Yet, although he was admonished by the bhikkhus in this way, the Venerable Yamaka still obstinately grasped that pernicious view, adhered to it, and declared: “As I understand the Dhamma taught by the Blessed One, a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death.”
Since those bhikkhus were unable to detach the Venerable Yamaka from that pernicious view, they rose from their seats, approached the Venerable
Sāriputta, and told him all that had occurred, adding: “It would be good if the Venerable Sāriputta would approach the bhikkhu Yamaka out of compassion for him.” The Venerable Sāriputta consented by silence.
Then, in the evening, the Venerable Sāriputta emerged from seclusion. He approached the Venerable Yamaka and exchanged greetings with him, after which he sat down to one side and said to him: “Is it true, friend Yamaka, that such a pernicious view as this has arisen in you: ‘As I understand the Dhamma taught by the Blessed One, [111] a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death’?”
“Exactly so, friend.”
“What do you think, friend Yamaka, is form permanent or impermanent?” - “Impermanent, friend.”… - “Therefore … Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’152
“What do you think, friend Yamaka, do you regard form as the Tathāgata?” - “No, friend.” - “Do you regard feeling … perception … volitional formations … consciousness as the Tathāgata?” - “No, friend.”
“What do you think, friend Yamaka, do you regard the Tathāgata as in form?” - “No, friend.” - “Do you regard the Tathāgata as apart from form?”
- “No, friend.” - “Do you regard the Tathāgata as in feeling? As apart from feeling? As in perception? As apart from perception? As in volitional formations? As apart from volitional formations? As in consciousness? As apart from consciousness?” - “No, friend.”
“What do you think, friend Yamaka, do you regard form, feeling, perception, volitional formations, and consciousness [taken together] as the Tathāgata?” - “No, friend.” [112]
“What do you think, friend Yamaka, do you regard the Tathāgata as one who is without form, without feeling, without perception, without volitional formations, without consciousness?” - “No, friend.”153
“But, friend, when the Tathāgata is not apprehended by you as real and actual here in this very life,154 is it fitting for you to declare: ‘As I
understand the Dhamma taught by the Blessed One, a bhikkhu whose taints are destroyed is annihilated and perishes with the breakup of the body and does not exist after death’?”
“Formerly, friend Sāriputta, when I was ignorant, I did hold that pernicious view, but now that I have heard this Dhamma teaching of the Venerable Sāriputta I have abandoned that pernicious view and have made the breakthrough to the Dhamma.”155
“If, friend Yamaka, they were to ask you: ‘Friend Yamaka, when a bhikkhu is an arahant, one whose taints are destroyed, what happens to him with the breakup of the body, after death?’—being asked thus, what would you answer?”
“If they were to ask me this, friend, I would answer thus: ‘Friends, form is impermanent; what is impermanent is suffering; what is suffering has ceased and passed away. Feeling … Perception … Volitional formations … Consciousness is impermanent; what is impermanent is suffering; what is suffering has ceased and passed away.’ Being asked thus, friend, I would answer in such a way.”156
“Good, good, friend Yamaka! Now, friend Yamaka, I will make up a simile for you in order to convey this same meaning even more clearly. Suppose, friend Yamaka, there was a householder or a householder’s son, a rich man, with much wealth and property, protected by a bodyguard. Then some man would appear who wanted to ruin him, to harm him, to endanger him, to take his life. [113] It would occur to that man: ‘This householder or householder’s son is a rich man, with much wealth and property, protected by a bodyguard. It won’t be easy to take his life by force. Let me get close to him and then take his life.’
“Then he would approach that householder or householder’s son and say to him: ‘I would serve you, sir.’ Then the householder or householder’s son would appoint him as a servant. The man would serve him, rising up before him, retiring after him, doing whatever he wants, agreeable in his conduct, endearing in his speech. The householder or householder’s son would consider him a friend,157 a bosom friend, and he would place trust in him. But when the man becomes aware that the householder or householder’s
son has placed trust in him, then, finding him alone, he would take his life with a sharp knife.
“What do you think, friend Yamaka, when that man had approached that householder or householder’s son and said to him: ‘I would serve you, sir,’ wasn’t he a murderer even then, though the other did not recognize him as ‘my murderer’? And when the man was serving him, rising up before him, retiring after him, doing whatever he wants, agreeable in his conduct, endearing in his speech, wasn’t he a murderer then too, though the other did not recognize him as ‘my murderer’? And when the man came upon him while he was alone and took his life with a sharp knife, wasn’t he a murderer then too, though the other did not recognize him as ‘my murderer’?”
“Yes, friend.”
“So too, friend Yamaka,158 the uninstructed worldling, who is not a seer of the noble ones and is unskilled and undisciplined in their Dhamma, who is not a seer of superior persons and is unskilled and undisciplined in their Dhamma, regards form as self, or self as possessing form, or form as in self, or self as in form.
“He regards feeling as self … perception as self … volitional formations as self … consciousness as self, [114] or self as possessing consciousness, or consciousness as in self, or self as in consciousness.
“He does not understand as it really is impermanent form as ‘impermanent form’159 … impermanent feeling as ‘impermanent feeling’
… impermanent perception as ‘impermanent perception’ … impermanent volitional formations as ‘impermanent volitional formations’ … impermanent consciousness as ‘impermanent consciousness.’
“He does not understand as it really is painful form as ‘painful form’ … painful feeling as ‘painful feeling’ … painful perception as ‘painful perception’ … painful volitional formations as ‘painful volitional formations’ … painful consciousness as ‘painful consciousness.’
“He does not understand as it really is selfless form as ‘selfless form’ … selfless feeling as ‘selfless feeling’ … selfless perception as ‘selfless
perception’ … selfless volitional formations as ‘selfless volitional formations’ … selfless consciousness as ‘selfless consciousness.’
“He does not understand as it really is conditioned form as ‘conditioned form’ … conditioned feeling as ‘conditioned feeling’ … conditioned perception as ‘conditioned perception’ … conditioned volitional formations as ‘conditioned volitional formations’ … conditioned consciousness as ‘conditioned consciousness.’
“He does not understand as it really is murderous form as ‘murderous form’ … murderous feeling as ‘murderous feeling’ … murderous perception as ‘murderous perception’ … murderous volitional formations as ‘murderous volitional formations’ … murderous consciousness as ‘murderous consciousness.’
“He becomes engaged with form, clings to it, and takes a stand upon it as ‘my self.’160 He becomes engaged with feeling … with perception … with volitional formations … with consciousness, clings to it, and takes a stand upon it as ‘my self.’ These same five aggregates of clinging, to which he becomes engaged and to which he clings, lead to his harm and suffering for a long time.
“But, friend, the instructed noble disciple, who is a seer of the noble ones
… does not regard form as self, or self as possessing form, or form as in self, or self as in form.
“He does not regard feeling as self … perception as self … volitional formations as self … consciousness as self, or self as possessing consciousness, or consciousness as in self, or self as in consciousness. [115]
“He understands as it really is impermanent form as ‘impermanent form’
… impermanent consciousness as ‘impermanent consciousness.’
“He understands as it really is painful form as ‘painful form’ … painful consciousness as ‘painful consciousness.’
“He understands as it really is selfless form as ‘selfless form’ … selfless consciousness as ‘selfless consciousness.’
“He understands as it really is conditioned form as ‘conditioned form’ … conditioned consciousness as ‘conditioned consciousness. ’
“He understands as it really is murderous form as ‘murderous form’ … murderous consciousness as ‘murderous consciousness.’
“He does not become engaged with form, cling to it, and take a stand upon it as ‘my self.’ He does not become engaged with feeling … with perception … with volitional formations … with consciousness, cling to it, and take a stand upon it as ‘my self.’ These same five aggregates of clinging, to which he does not become engaged and to which he does not cling, lead to his welfare and happiness for a long time.”
“So it is, friend Sāriputta, for those venerable ones who have such compassionate and benevolent brothers in the holy life to admonish and instruct them. And now that I have heard this Dhamma teaching of the Venerable Sāriputta, my mind is liberated from the taints by nonclinging.” [116]
This is what the Venerable Sāriputta said. Elated, the Venerable Yamaka delighted in the Venerable Sāriputta’s statement.161
54 (4) Anurādha
On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof.162 Now on that occasion the Venerable Anurādha was dwelling in a forest hut not far from the Blessed One. Then a number of wanderers of other sects approached the Venerable Anurādha and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, they sat down to one side and said to him:
“Friend Anurādha, when a Tathāgata is describing a Tathāgata—the highest type of person, the supreme person, the attainer of the supreme attainment163—he describes him in terms of these four cases: ‘The Tathāgata exists after death,’ or ‘The Tathāgata does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata both exists and does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata neither exists nor does not exist after death.’”
When this was said, the Venerable Anurādha said to those wanderers: ‘Friends, when a Tathāgata is describing a Tathāgata—the highest type of person, the supreme person, the attainer of the supreme attainment—he describes him apart from these four cases: ‘The Tathāgata exists after death,’ or ‘The Tathāgata does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata both exists and does not exist after death,’ or ‘The Tathāgata neither exists nor does not exist after death.’”164
When this was said, those wanderers said to the Venerable Anurādha: ‘This bhikkhu must be newly ordained, not long gone forth; or, if he is an elder, he must be an incompetent fool.”
Then those wanderers of other sects, having denigrated the Venerable Anurādha with the terms “newly ordained” and “fool,” rose from their seats and departed. [117]
Then, not long after those wanderers had left, it occurred to the Venerable Anurādha: “If those wanderers of other sects should question me further, how should I answer if I am to state what has been said by the Blessed One and not misrepresent him with what is contrary to fact? And how should I explain in accordance with the Dhamma, so that no reasonable consequence of my assertion would give ground for criticism?”
Then the Venerable Anurādha approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported to the Blessed One everything that had happened, [118] asking: “If those wanderers of other sects should question me further, how should I answer … so that no reasonable consequence of my assertion would give ground for criticism?”
“What do you think, Anurādha, is form permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”… - “Therefore … Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’
“What do you think, Anurādha, do you regard form as the Tathāgata?” - “No, venerable sir.” - “Do you regard feeling … perception … volitional formations … consciousness as the Tathāgata?” - “No, venerable sir.”
“What do you think, Anurādha, do you regard the Tathāgata as in form?”
- “No, venerable sir.” - “Do you regard the Tathāgata as apart from form?” -
“No, venerable sir.” - “Do you regard the Tathāgata as in feeling? As apart from feeling? As in perception? As apart from perception? As in volitional formations? As apart from volitional formations? As in consciousness? As apart from consciousness?” - “No, venerable sir.”
“What do you think, Anurādha, do you regard form, feeling, perception, volitional formations, and consciousness [taken together] as the Tathāgata?”
- “No, venerable sir.”
“What do you think, Anurādha, do you regard the Tathāgata as one who is without form, without feeling, without perception, without volitional formations, without consciousness?” - “No, venerable sir.”
“But, Anurādha, when the Tathāgata is not apprehended by you as real and actual here in this very life, is it fitting for you to declare: ‘Friends, when a Tathāgata is describing a Tathāgata—the highest type of person, the supreme person, the attainer of the supreme attainment—he describes him apart from these four cases: [119] ‘The Tathāgata exists after death,’ or … ‘The Tathāgata neither exists nor does not exist after death’?”
“No, venerable sir.”
“Good, good, Anurādha! Formerly, Anurādha, and also now, I make known just suffering and the cessation of suffering.”165
55 (5) Vakkali
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the Venerable Vakkali was dwelling in a potter’s shed, sick, afflicted, gravely ill.166 Then the Venerable Vakkali addressed his attendants:
“Come, friends, approach the Blessed One, pay homage to him in my name with your head at his feet, and say: ‘Venerable sir, the bhikkhu Vakkali is sick, afflicted, gravely ill; he pays homage to the Blessed One
with his head at his feet.’ Then say: ‘It would be good, venerable sir, if the Blessed One would approach the bhikkhu Vakkali out of compassion.’”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied, and they approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and delivered their message. The Blessed One consented by silence.
Then the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, approached the Venerable Vakkali. [120] The Venerable Vakkali saw the Blessed One coming in the distance and stirred on his bed.167 The Blessed One said to him: “Enough, Vakkali, do not stir on your bed. There are these seats ready, I will sit down there.”
The Blessed One then sat down on the appointed seat and said to the Venerable Vakkali: “I hope you are bearing up, Vakkali, I hope you are getting better. I hope that your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.”
“Venerable sir, I am not bearing up, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
“I hope then, Vakkali, that you are not troubled by remorse and regret.” “Indeed, venerable sir, I have quite a lot of remorse and regret.”
“I hope, Vakkali, that you have nothing for which to reproach yourself in regard to virtue.”
“I have nothing, venerable sir, for which to reproach myself in regard to virtue.”
“Then, Vakkali, if you have nothing for which to reproach yourself in regard to virtue, why are you troubled by remorse and regret?”
“For a long time, venerable sir, I have wanted to come to see the Blessed One, but I haven’t been fit enough to do so.”
“Enough, Vakkali! Why do you want to see this foul body? One who sees the Dhamma sees me; one who sees me sees the Dhamma.168 For in seeing
the Dhamma, Vakkali, one sees me; and in seeing me, one sees the Dhamma.
“What do you think, Vakkali, is form permanent or impermanent?” -
[121] “Impermanent, venerable sir.”… - “Therefore … Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’”
Then the Blessed One, having given this exhortation to the Venerable Vakkali, rose from his seat and departed for Mount Vulture Peak.
Then, not long after the Blessed One had left, the Venerable Vakkali addressed his attendants thus: “Come, friends, lift me up on this bed and carry me to the Black Rock on the Isigili Slope.169 How can one like me think of dying among the houses?”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied and, having lifted up the Venerable Vakkali on the bed, they carried him to the Black Rock on the Isigili Slope.
The Blessed One spent the rest of that day and night on Mount Vulture Peak. Then, when the night was well advanced, two devatās of stunning beauty approached the Blessed One, illuminating the whole of Mount Vulture Peak…. Standing to one side, one devatā said to the Blessed One: “Venerable sir, the bhikkhu Vakkali is intent on deliverance.”170 The other devatā said: “Surely, venerable sir, he will be liberated as one well liberated.”171 This is what those devatās said. Having said this, they paid homage to the Blessed One and, keeping him on their right, they disappeared right there.
Then, when the night had passed, the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Come, bhikkhus, approach the bhikkhu Vakkali and say to him: ‘Friend Vakkali, listen to the word of the Blessed One [122] and two devatās. Last night, friend, when the night was well advanced, two devatās of stunning beauty approached the Blessed One. One devatā said to the Blessed One: “Venerable sir, the bhikkhu Vakkali is intent on deliverance.” The other devatā said: “Surely, venerable sir, he will be liberated as one well liberated.” And the Blessed One says to you, friend Vakkali: “Do not be afraid, Vakkali, do not be afraid! Your death will not be a bad one. Your demise will not be a bad one.”’”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied, and they approached the Venerable Vakkali and said to him: “Friend Vakkali, listen to the word of the Blessed One and two devatās.”
Then the Venerable Vakkali addressed his attendants: “Come, friends, lower me from the bed. How can one like me think of listening to the Blessed One’s teaching while seated on a high seat.”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied, and they lowered the Venerable Vakkali from the bed.
“Last night, friend, two devatās of stunning beauty approached the Blessed One. One devatā said to the Blessed One: ‘Venerable sir, the bhikkhu Vakkali is intent on deliverance.’ The other devatā said: ‘Surely, venerable sir, he will be liberated as one well liberated.’ And the Blessed One says to you, friend Vakkali: ‘Do not be afraid, Vakkali, do not be afraid! Your death will not be a bad one. Your demise will not be a bad one.’”
“Well then, friends, pay homage to the Blessed One in my name with your head at his feet and say: ‘Venerable sir, the bhikkhu Vakkali is sick, afflicted, gravely ill; he pays homage to the Blessed One with his head at his feet.’ Then say: ‘Form is impermanent: I have no perplexity about this, venerable sir, I do not doubt that whatever is impermanent is suffering. I do not doubt that in regard to what is impermanent, suffering, and subject to change, I have no more desire, lust, or affection. [123] Feeling is impermanent … Perception is impermanent … Volitional formations are impermanent … Consciousness is impermanent: I have no perplexity about this, venerable sir, I do not doubt that whatever is impermanent is suffering. I do not doubt that in regard to what is impermanent, suffering, and subject to change, I have no more desire, lust, or affection.’”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied, and then they departed. Then, not long after those bhikkhus had left, the Venerable Vakkali used the knife.172
Then those bhikkhus approached the Blessed One … and delivered their message. The Blessed One then addressed the bhikkhus thus: “Come, bhikkhus, let us go to the Black Rock on the Isigili Slope, where the clansman Vakkali has used the knife.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. Then the Blessed One, together with a number of bhikkhus, went to the Black Rock on the Isigili Slope. The Blessed One saw in the distance the Venerable Vakkali lying on the bed with his shoulder turned. [124]
Now on that occasion a cloud of smoke, a swirl of darkness, was moving to the east, then to the west, to the north, to the south, upwards, downwards, and to the intermediate quarters. The Blessed One then addressed the bhikkhus thus: “Do you see, bhikkhus, that cloud of smoke, that swirl of darkness, moving to the east, then to the west, to the north, to the south, upwards, downwards, and to the intermediate quarters?”
“Yes, venerable sir.”
“That, bhikkhus, is Māra the Evil One searching for the consciousness of the clansman Vakkali, wondering: ‘Where now has the consciousness of the clansman Vakkali been established?’ However, bhikkhus, with consciousness unestablished, the clansman Vakkali has attained final Nibbāna.”
56 (6) Assaji
On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the Venerable Assaji was dwelling at Kassapaka’s Park, sick, afflicted, gravely ill.
(As in preceding sutta, down to:) [125]
“Then if you have nothing for which to reproach yourself in regard to virtue, Assaji, why are you troubled by remorse and regret?”
“Formerly, venerable sir, when I was ill I kept on tranquillizing the bodily formations, but [now] I do not obtain concentration.173 As I do not obtain concentration, it occurs to me: ‘Let me not fall away!’”
“Those ascetics and brahmins, Assaji, who regard concentration as the essence and identify concentration with asceticism,174 failing to obtain concentration, might think, ‘Let us not fall away!’
“What do you think, Assaji, is form permanent or impermanent?” - “Impermanent, venerable sir.”… [126] - “Therefore … Seeing thus … He understands: ‘… there is no more for this state of being.’175
“If he feels a pleasant feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a painful feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’
“If he feels a pleasant feeling, he feels it detached; if he feels a painful feeling, he feels it detached; if he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he feels it detached.
“When he feels a feeling terminating with the body, he understands: ‘I feel a feeling terminating with the body.’ When he feels a feeling terminating with life, he understands: ‘I feel a feeling terminating with life.’ He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here.’
“Just as, Assaji, an oil lamp burns in dependence on the oil and the wick, and with the exhaustion of the oil and the wick it is extinguished through lack of fuel, so too, Assaji, when a bhikkhu feels a feeling terminating with the body … terminating with life … He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here.’”
57 (7) Khemaka
On one occasion a number of elder bhikkhus were dwelling at Kosambī in Ghosita’s Park. Now on that occasion the Venerable Khemaka was living at Jujube Tree Park, sick, afflicted, gravely ill. [127]
Then, in the evening, those elder bhikkhus emerged from seclusion and addressed the Venerable Dāsaka thus: “Come, friend Dāsaka, approach the bhikkhu Khemaka and say to him: ‘The elders say to you, friend Khemaka:
We hope that you are bearing up, friend, we hope that you are getting better. We hope that your painful feelings are subsiding and not increasing, and that their subsiding, not their increase, is to be discerned.’”
“Yes, friends,” the Venerable Dāsaka replied, and he approached the Venerable Khemaka and delivered his message.
[The Venerable Khemaka answered:] “I am not bearing up, friend, I am not getting better. Strong painful feelings are increasing in me, not subsiding, and their increase, not their subsiding, is to be discerned.”
Then the Venerable Dāsaka approached the elder bhikkhus and reported what the Venerable Khemaka had said. They told him: “Come, friend Dāsaka, approach the bhikkhu Khemaka and say to him: ‘The elders say to you, friend Khemaka: These five aggregates subject to clinging, friend, have been spoken of by the Blessed One; that is, the form aggregate subject to clinging, the feeling aggregate subject to clinging, the perception aggregate subject to clinging, the volitional formations aggregate subject to clinging, the consciousness aggregate subject to clinging. Does the Venerable Khemaka regard anything as self or as belonging to self among these five aggregates subject to clinging?’”
“Yes, friends,” the Venerable Dāsaka replied, and he approached the Venerable Khemaka and delivered his message.
[The Venerable Khemaka replied:] [128] “These five aggregates subject to clinging have been spoken of by the Blessed One; that is, the form aggregate subject to clinging … the consciousness aggregate subject to clinging. Among these five aggregates subject to clinging, I do not regard anything as self or as belonging to self.”
Then the Venerable Dāsaka approached the elder bhikkhus and reported what the Venerable Khemaka had said. They replied: “Come, friend Dāsaka, approach the bhikkhu Khemaka and say to him: ‘The elders say to you, friend Khemaka: These five aggregates subject to clinging, friend, have been spoken of by the Blessed One; that is, the form aggregate subject to clinging … the consciousness aggregate subject to clinging. If the Venerable Khemaka does not regard anything among these five aggregates
subject to clinging as self or as belonging to self, then he is an arahant, one whose taints are destroyed.’”
“Yes, friends,” the Venerable Dāsaka replied, and he approached the Venerable Khemaka and delivered his message.
[The Venerable Khemaka replied:] “These five aggregates subject to clinging have been spoken of by the Blessed One; that is, the form aggregate subject to clinging … the consciousness aggregate subject to clinging. I do not regard anything among these five aggregates subject to clinging as self or as belonging to self, yet I am not an arahant, one whose taints are destroyed. Friends, [the notion] ‘I am’ has not yet vanished in me in relation to these five aggregates subject to clinging, but I do not regard [anything among them] as ‘This I am.’”176 [129]
Then the Venerable Dāsaka approached the elder bhikkhus and reported what the Venerable Khemaka had said. They replied: “Come, friend Dāsaka, approach the bhikkhu Khemaka and say to him: ‘The elders say to you, friend Khemaka: Friend Khemaka, when you speak of this “I am”— what is it that you speak of as “I am”? Do you speak of form as “I am,” or do you speak of “I am” apart from form? Do you speak of feeling … of perception … of volitional formations … of consciousness as “I am,” or do you speak of “I am” apart from consciousness? When you speak of this “I am,” friend Khemaka, what is it that you speak of as “I am”?’”
“Yes, friends,” the Venerable Dāsaka replied, and he approached the Venerable Khemaka and delivered his message.
“Enough, friend Dāsaka! Why keep running back and forth? Bring me my staff, friend. I’ll go to the elder bhikkhus myself.”
Then the Venerable Khemaka, leaning on his staff, approached the elder bhikkhus, exchanged greetings with them, and sat down to one side. [130] The elder bhikkhus then said to him: “Friend Khemaka, when you speak of this ‘I am’ … what is it that you speak of as ‘I am’?”
“Friends, I do not speak of form as ‘I am,’ nor do I speak of ‘I am’ apart from form. I do not speak of feeling as ‘I am’ … nor of perception as ‘I am’
… nor of volitional formations as ‘I am’ … nor of consciousness as ‘I am,’
nor do I speak of ‘I am’ apart from consciousness. Friends, although [the notion] ‘I am’ has not yet vanished in me in relation to these five aggregates subject to clinging, still I do not regard [anything among them] as ‘This I am.’
“Suppose, friends, there is the scent of a blue, red, or white lotus. Would one be speaking rightly if one would say, ‘The scent belongs to the petals,’ or ‘The scent belongs to the stalk,’177 or ‘The scent belongs to the pistils’?”
“No, friend.”
“And how, friends, should one answer if one is to answer rightly?” “Answering rightly, friend, one should answer: ‘The scent belongs to the
flower.’”
“So too, friends, I do not speak of form as ‘I am,’ nor do I speak of ‘I am’ apart from form. I do not speak of feeling as ‘I am’ … nor of perception as ‘I am’ … nor of volitional formations as ‘I am’ … nor of consciousness as ‘I am,’ nor do I speak of ‘I am’ apart from consciousness. Friends, although [the notion] ‘I am’ has not yet vanished in me in relation to these five aggregates subject to clinging, still I do not regard [anything among them] as ‘This I am.’
“Friends, even though a noble disciple has abandoned the five lower fetters, still, in relation to the five aggregates subject to clinging, there lingers in him a residual conceit ‘I am,’ a desire ‘I am,’ an underlying tendency ‘I am’ that has not yet been uprooted. Sometime later he dwells contemplating rise and fall in the five aggregates subject to clinging: ‘Such is form, such its origin, [131] such its passing away; such is feeling … such is perception … such are volitional formations … such is consciousness, such its origin, such its passing away.’ As he dwells thus contemplating rise and fall in the five aggregates subject to clinging, the residual conceit ‘I am,’ the desire ‘I am,’ the underlying tendency ‘I am’ that had not yet been uprooted—this comes to be uprooted.
“Suppose, friends, a cloth has become soiled and stained, and its owners give it to a laundryman. The laundryman would scour it evenly with
cleaning salt, lye, or cowdung, and rinse it in clean water. Even though that cloth would become pure and clean, it would still retain a residual smell of cleaning salt, lye, or cowdung that had not yet vanished. The laundryman would then give it back to the owners. The owners would put it in a sweet- scented casket, and the residual smell of cleaning salt, lye, or cowdung that had not yet vanished would vanish.178
“So too, friends, even though a noble disciple has abandoned the five lower fetters, still, in relation to the five aggregates subject to clinging, there lingers in him a residual conceit ‘I am,’ a desire ‘I am,’ an underlying tendency ‘I am’ that has not yet been uprooted…. As he dwells thus contemplating rise and fall in the five aggregates subject to clinging, the residual conceit ‘I am,’ the desire ‘I am,’ the underlying tendency ‘I am’ that had not yet been uprooted—this comes to be uprooted.”
When this was said, the elder bhikkhus said to the Venerable Khemaka: “We did not ask our questions in order to trouble the Venerable Khemaka,
[132] but we thought that the Venerable Khemaka would be capable of explaining, teaching, proclaiming, establishing, disclosing, analysing, and elucidating the Blessed One’s teaching in detail. And the Venerable Khemaka has explained, taught, proclaimed, established, disclosed, analysed, and elucidated the Blessed One’s teaching in detail.”
This is what the Venerable Khemaka said. Elated, the elder bhikkhus delighted in the Venerable Khemaka’s statement. And while this discourse was being spoken, the minds of sixty elder bhikkhus and of the Venerable Khemaka were liberated from the taints by nonclinging.
58 (8) Channa
On one occasion a number of bhikkhus were dwelling at Bārāṇasī in the Deer Park at Isipatana. Then, in the evening, the Venerable Channa emerged from seclusion and, taking his key, went from dwelling to dwelling saying to the elder bhikkhus: “Let the elder venerable ones exhort me, let them instruct me, let them give me a Dhamma talk in such a way that I might see the Dhamma.”179
When this was said, the elder bhikkhus said to the Venerable Channa: “Form, friend Channa, is impermanent, feeling is impermanent, perception is impermanent, volitional formations are impermanent, consciousness is impermanent. Form is nonself, [133] feeling is nonself, perception is nonself, volitional formations are nonself, consciousness is nonself. All formations are impermanent; all phenomena are nonself.”180
Then it occurred to the Venerable Channa: “I too think in this way: ‘Form is impermanent … consciousness is impermanent. Form is nonself … consciousness is nonself. All formations are impermanent; all phenomena are nonself.’ But my mind does not launch out upon the stilling of all formations, the relinquishing of all acquisitions, the destruction of craving, dispassion, cessation, Nibbāna; nor does it acquire confidence, settle down, and resolve on it. Instead, agitation and clinging arise and the mind turns back, thinking: ‘But who is my self?’181 But such does not happen to one who sees the Dhamma. So who can teach me the Dhamma in such a way that I might see the Dhamma?”
Then it occurred to the Venerable Channa: “This Venerable Ānanda is dwelling at Kosambī in Ghosita’s Park, and he has been praised by the Teacher and is esteemed by his wise brothers in the holy life. The Venerable Ānanda is capable of teaching me the Dhamma in such a way that I might see the Dhamma. Since I have so much trust in the Venerable Ānanda, let me approach him.”
Then the Venerable Channa set his lodging in order, took his bowl and robe, and went to Ghosita’s Park in Kosambī, where he approached the Venerable Ānanda and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and told the Venerable Ānanda everything that had happened, adding: [134] “Let the Venerable Ānanda exhort me, let him instruct me, let him give me a Dhamma talk in such a way that I might see the Dhamma.”
“Even by this much am I pleased with the Venerable Channa. Perhaps the Venerable Channa has opened himself up and broken through his barrenness.182 Lend your ear, friend Channa, you are capable of understanding the Dhamma.”
Then at once a lofty rapture and gladness arose in the Venerable Channa as he thought: “It seems that I am capable of understanding the Dhamma.”
[The Venerable Ānanda then said:] “In the presence of the Blessed One I have heard this, friend Channa, in his presence I have received the exhortation he spoke to the bhikkhu Kaccānagotta:183
“This world, Kaccāna, for the most part relies upon a duality …
[135] (the entire sutta 12:15 is cited here) … Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
“So it is, friend Ānanda, for those venerable ones who have such compassionate and benevolent brothers in the holy life to admonish and instruct them. And now that I have heard this Dhamma teaching of the Venerable Ānanda, I have made the breakthrough to the Dhamma.”
59 (9) Rāhula (1)
At Sāvatthī.184 Then the Venerable Rāhula approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, [136] and said to him:
“Venerable sir, how should one know, how should one see so that, in regard to this body with consciousness and in regard to all external signs, I- making, mine-making, and the underlying tendency to conceit no longer occur within?”
“Any kind of form whatsoever, Rāhula, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near—one sees all form as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Any kind of feeling whatsoever … Any kind of perception whatsoever
… Any kind of volitional formations whatsoever … Any kind of consciousness whatsoever, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near—one sees all consciousness as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“When one knows and sees thus, Rāhula, then in regard to this body with consciousness and in regard to all external signs, I-making, mine-making, and the underlying tendency to conceit no longer occur within.”
92 (10) Rāhula (2)
At Sāvatthī. Then the Venerable Rāhula … said to the Blessed One: “Venerable sir, how should one know, how should one see so that, in regard to this body with consciousness and in regard to all external signs, the mind is rid of I-making, mine-making, and conceit, has transcended discrimination, and is peaceful and well liberated?”
“Any kind of form whatsoever, Rāhula, whether past, future, or present
… far or near—having seen all form as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self,’ one is liberated by nonclinging.
“Any kind of feeling whatsoever … Any kind of perception whatsoever
… Any kind of volitional formations whatsoever … Any kind of consciousness whatsoever, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near—[137] having seen all consciousness as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self,’ one is liberated by nonclinging.
“When one knows and sees thus, Rāhula, then in regard to this body with consciousness and in regard to all external signs, the mind is rid of I- making, mine-making, and conceit, has transcended discrimination, and is peaceful and well liberated.”
1