Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Năm - Tương Ưng Kassapa

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Tri Túc (S.ii,194)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kassapa này, với bất cứ loại y nào, và tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại y nào; không vì y làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được y, vị này không có dao động. Và nếu được y, vị này dùng y không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
3) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kasssapa này, với bất cứ đồ ăn khất thực nào, tán thán hạnh tri túc với bất cứ đồ ăn khất thực nào; không vì đồ ăn khất thực, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được đồ ăn khất thực, vị này không có dao động. Và nếu được đồ ăn khất thực, vị này dùng đồ ăn khất thực ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
4) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kassapa này, với bất cứ loại sàng tọa nào, và tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại sàng tọa nào; và không vì sàng tọa, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được sàng tọa, vị này không có dao động. Và nếu được sàng tọa, vị này dùng sàng tọa ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
5) Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kassapa này, với bất cứ thuốc men trị bệnh nào. Và vị này tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào; và không vì duyên với thuốc men trị bệnh, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được thuốc men trị bệnh, vị này không có dao động. Và nếu được thuốc men trị bệnh, vị này dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.
6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: "Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại y nào, và chúng tôi sẽ là người tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại y nào. Và không vì y, chúng tôi sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được y, chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được y, chúng tôi sẽ dùng y ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ. Chúng tôi sẽ tri túc với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào... với bất cứ loại sàng tọa nào... với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào, và chúng tôi sẽ là người tán thán sự tri túc với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào. Và không vì thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ không dao động. Và nếu được thuốc men trị bệnh, chúng tôi sẽ dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập".
7) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giáo giới các Ông; hay với người như Kassapa. Và được giáo giới, các Ông cần phải thực hành như vậy.
II. Không Biết Sợ (S.ii,195)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp), và Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) trú ở Barànasi (Ba-la-nại), chỗ Isipatana (chư Tiên đọa xứ), tại Migadàya (Lộc Uyển).
2) Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahà Kassapa những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
4) -- Này Hiền giả Kassapa, được nói rằng không có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ, không thể có Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; và có nhiệt tâm, có biết sợ, có thể có giác ngộ, có thể có Niết-bàn, có thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
5) Như thế nào, này Hiền giả, là không có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ, không thể có Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách? Và như thế nào là có nhiệt tâm, có biết sợ, có thể có giác ngộ, có thể có Niết-bàn, có thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách?
I
6) -- Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm. "Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, chúng có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu không khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không khởi nhiệt tâm.
Như vậy, này Hiền giả, là không có nhiệt tâm.
II
7) Và này Hiền giả, như thế nào là không biết sợ?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không có biết sợ. "Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không biết sợ. "Các thiện pháp không khởi lên ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không biết sợ. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy không biết sợ.
Như vậy, này Hiền giả, là không biết sợ.
8) Như vậy, này Hiền giả, không có nhiệt tâm, không có biết sợ, không thể có giác ngộ, không thể có Niết-bàn, không thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
III
9) Và này Hiền giả, thế nào là có nhiệt tâm?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi nhiệt tâm. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy khởi lên nhiệt tâm.
Như vậy, này Hiền giả, là có nhiệt tâm.
IV
10) Và này Hiền giả, như thế nào là có biết sợ?
Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: "Các ác bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ. "Các ác bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ. "Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ. "Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi", vị ấy có biết sợ.
Như vậy, này Hiền giả, là có biết sợ.
11) Như vậy, này Hiền giả, là có nhiệt tâm, có biết sợ, có thể có giác ngộ, có thể có Niết-bàn, có thể đưa đến chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
III. Ví Dụ Với Trăng (Tạp 41.18. Nguyệt Dụ, Ðại 2, 199a. Nguyệt Dụ Kinh, Ðại 2, 544b, Biệt Tạp 6.5, Ðại 2, 444a) (S.v,197)
1) ... Trú ở Sàvatthi...
2) -- Hãy giống như mặt trăng, này các Tỷ-kheo, khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, chớ có đường đột xông xáo (appagabbha).
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người nhìn một cái giếng cũ, hay sườn núi dốc, hay thác nước, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hãy giống như mặt trăng khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo.
Kassapa, này các Tỷ-kheo, giống như mặt trăng, khi đi đến các gia đình, thân dè dặt và tâm dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo.
4) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Như thế nào một Tỷ-kheo xứng đáng đi đến các gia đình?
5) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ sở y. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
6) Rồi Thế Tôn vẫy bàn tay giữa hư không:
-- Ví như, này các Tỷ-kheo, bàn tay này giữa hư không, không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo đi đến các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: "Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức, hãy làm các công đức!".
7) Như mình hoan hỷ, thỏa mãn khi mình được lợi; hãy hoan hỷ, thỏa mãn khi người khác được lợi! Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy xứng đáng đi đến các gia đình. Này các Tỷ-kheo, Kassapa khi đi đến các gia đình, đối với các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: "Những ai muốn được lợi hãy được lợi! Những ai muốn công đức hãy làm các công đức!".
8) Như mình hoan hỷ, thỏa mãn khi mình được lợi; hãy hoan hỷ, thỏa mãn, khi người khác được lợi!
9) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy xứng đáng đi đến các gia đình.
10) Các Ông nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo? Tỷ-kheo như thế nào, thuyết pháp không thanh tịnh? Tỷ-kheo như thế nào, thuyết pháp được thanh tịnh?
11) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
12) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
13) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: "Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hoan hỷ. Ðược hoan hỷ, mong họ làm cho ta hoan hỷ", này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy thuyết pháp không thanh tịnh.
14) -- Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: "Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hiểu rõ pháp. Và sau khi hiểu rõ pháp, mong họ như vậy thực hành; duyên pháp thiện pháp tánh (dhammasudhammata) thuyết pháp cho các người khác. Duyên lòng từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác", này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy là Tỷ-kheo thanh tịnh thuyết pháp.
15) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác : "Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Và sau khi nghe pháp, mong họ được hiểu rõ pháp. Và sau khi được hiểu rõ pháp, mong họ như vậy thực hành; duyên pháp thiện pháp tánh, duyên từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác".
16) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta đã giáo giới các Ông, hay với ai giống như Kassapa! Ðược giáo giới, các Ông phải như thật thực hành.
IV. Ði Ðến Các Gia Ðình (Tạp 41.19 Thí Dụ. Ðại 2, 300a) ( Biệt Tạp 6.6, Ðại 2, 414c). (S.ii,200)
1) ... Trú tại Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thế nào xứng đáng là người đi đến các gia đình? Tỷ-kheo như thế nào không xứng đáng là người đi đến các gia đình?
3) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo...
Thế Tôn nói như sau:
4) -- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm như thế này đi đến các gia đình: "Mong họ hãy cho ta, chớ có không cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ có cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng cho ta, chớ có không kính trọng".
5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như vậy đi đến các gia đình, nếu không được cho, Tỷ-kheo ấy bực phiền. Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ ưu... cho ít, không cho nhiều... cho đồ xấu không cho đồ tốt... cho chậm, không cho mau. Do vậy Tỷ-kheo ấy bực phiền. Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ ưu... cho bất kính, không có kính trọng. Do vậy, Tỷ-kheo ấy bực phiền. Do nhân duyên ấy, Tỷ-kheo ấy cảm thọ khổ ưu. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy không xứng đáng là người đi đến các gia đình.
6) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào với tâm như thế này đi đến các gia đình (nghĩ rằng): "Ðối với các gia đình người khác, làm sao có thể mong: ‘Mong họ hãy cho ta, chớ có không cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ có cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng ta, chớ có không kính trọng’?".
7) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo với tâm như vậy, khi đi đến các gia đình không được cho, Tỷ-kheo không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho ít, không cho nhiều... họ cho đồ xấu, không cho đồ tốt, cho chậm, không cho mau... cho bất kính, không phải kính trọng, Tỷ-kheo không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy xứng đáng đi đến các gia đình.
8) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với tâm như vậy đi đến các gia đình (nghĩ rằng): "Ðối với các gia đình người khác, làm sao có thể mong: "Mong họ hãy cho ta, chớ có không cho. Mong họ cho ta nhiều, chớ có cho ít. Mong họ cho ta đồ tốt, chớ có cho đồ xấu. Mong họ cho ta mau, chớ có cho chậm. Mong họ kính trọng cho ta, chớ có bất kính"?"
9) Này các Tỷ-kheo, Kassapa với tâm như vậy đi đến các gia đình, nếu không được cho, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không vì nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho ít, không cho nhiều, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không vì nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho đồ xấu, không cho đồ tốt, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không vì nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho chậm, không cho mau, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu. Họ cho bất kính, không cho có kính trọng, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu.
10) Với Kassapa, này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giáo giới các Ông hay với ai giống như Kassapa. Và được giáo giới, các Ông hãy như vậy thọ trì.
V. Trở Về Già (Tạp 41.23, Lực Lão, Ðại 2, 301c Tăng 41.5, Ðại 2, 746a Biệt Tạp 6.10, Ðại 2, 416b) (S.ii,202)
1) Như vầy tôi nghe.
Tại Ràjagaha, Veluvana...
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa, Ông đã già rồi. Ðã cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của Ông đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên Ta.
4) -- Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng; con là người đi khất thực và tán thán hạnh khất thực; con là người mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo; con là người mang ba y và tán thán hạnh mang ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người tri túc và tán thán hạnh tri túc; con là người sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly; con là người sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
5) -- Này Kassapa, Ông thấy có lợi ích gì mà ông đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng... đi khất thực.. mang y phấn tảo... mang ba y... thiểu dục... tri túc... sống viễn ly... sống không giao thiệp... tinh cần và tán thán hạnh tinh cần?
6) -- Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... con đi khất thực... con mang y phấn tảo... con mang ba y... con thiểu dục... con tri túc... con sống viễn ly... con sống không giao thiệp... con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần.
7) Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước (ditthanugatim): "Ðối với các đệ tử Phật và tùy Phật (Buddhànubuddhasàvakà), mong họ trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... những vị đi khất thực... những vị mang y phấn tảo... những vị mang ba y... những vị thiểu dục... những vị tri túc... những vị viễn ly... những vị không giao thiệp... những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần... họ sẽ thực hành như vậy, và như vậy trong một thời gian dài họ sống hạnh phúc an lạc".
8) Bạch Thế Tôn, thấy được hai lợi ích này, con sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng... con đi khất thực và tán thán hạnh khất thực... mang y phấn tảo... mang ba y... thiểu dục... tri túc... viễn ly... không giao thiệp... sống tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
9) -- Lành thay, lành thay, Kassapa! Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, Ông đã thực hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
10) Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải gai thô, phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng!
VI. Giáo Giới (Tạp 41.30, Phụ Thắng, Ðại 2, 300b. Tăng 31.11 Vô Trách Tụng, Ðại 2, 673b Biệt Tạp 6.7, Ðại 2, 415a). (S.ii,203).
1) ... Tại Ràjagaha, Veluvana...
2) Tôn giả Kassapa đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa, hãy giáo giới Tỷ-kheo! Này Kassapa, hãy nói pháp thoại cho các Tỷ-kheo! Này Kassapa, Ta hoặc Ông phải giáo giới các Tỷ-kheo! Ông hoặc Ta phải nói pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ không kham nhẫn. Họ không kính trọng lời giáo giới. Bạch Thế Tôn, ở đây, con thấy Tỷ-kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỷ-kheo Abhinjika, đệ tử của Anuruddha, hai vị ấy nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ nói nhiều hơn? Ai sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ nói dài hơn?".
5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
-- Hãy đến, này Tỷ-kheo! Hãy nhân danh Ta nói với Tỷ-kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỷ-kheo Abhinjika, đệ tử của Anuruddha: "Bậc Ðạo Sư gọi chư Tôn giả".
6) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỷ-kheo kia; sau khi đến, nói với họ:
-- Bậc Ðạo Sư gọi chư Tôn giả.
7) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo kia vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
-- Có thật chăng, này các Tỷ-kheo, các Ông nói với nhau như sau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai là người sẽ nói nhiều hơn? Ai là người sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai là người sẽ nói dài hơn?"
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
9) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông có biết là Ta đã thuyết pháp như vầy: "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy cùng nhau nói như sau: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai là người sẽ nói nhiều hơn?. Ai là người sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai là người sẽ nói dài hơn?' chăng?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) -- Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông được biết là Ta không có giảng như vậy, thời vì sao, này các Người ngu kia, do biết cái gì, thấy cái gì, các Ông đã xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng này, các Ông lại nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ là người nói nhiều hơn? Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ là người nói dài hơn?" như vậy ?
11) Rồi các Tỷ-kheo ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, chúng con đã phạm tội, ngu đần như vậy, si mê như vậy, bất thiện như vậy; vì rằng chúng con đã xuất gia trong Pháp và Luật khéo nói như vậy, chúng con lại nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ là người nói nhiều hơn? Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ là người nói dài hơn?". Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận tội lỗi ấy của chúng con là tội lỗi, để chúng con ngăn ngừa trong tương lai.
12) -- Thật sự, này các Tỷ-kheo, các Ông đã phạm tội, ngu đần như vậy, si mê như vậy, bất thiện như vậy! Vì rằng các Ông đã xuất gia trong Pháp và Luật khéo nói này, các Ông đã nói với nhau: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ là người nói nhiều hơn? Ai sẽ là người nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ là người nói dài hơn?". Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, các Ông đã thấy tội lỗi là tội lỗi, như pháp sám hối, Ta chấp nhận tội lỗi ấy cho các Ông!
13) Này các Tỷ-kheo, như vậy luật của bậc Thánh được tăng trưởng, khi nào có người sau khi thấy tội lỗi là tội lỗi, như pháp sám hối để ngăn ngừa trong tương lai!
VII. Giáo Giới (Tạp 41.21 Vô Tín, Ðại 2, 300c. Biệt Tạp 6.8, Ðại 2, 415b) (S.ii,205)
1) ... Trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm).
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa đang ngồi một bên:
-- Này Kassapa hãy giáo giới các Tỷ-kheo! Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo! Ta hay Ông hãy giáo giới các Tỷ-kheo! Ông hay Ta hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ không kham nhẫn, họ không kính trọng lời giáo giới!
5) Bạch Thế Tôn, với ai không có lòng tin đối với thiện pháp, không có biết thẹn đối với thiện pháp, không có biết sợ đối với thiện pháp, không có tinh tấn đối với thiện pháp, không có trí tuệ đối với thiện pháp; đối với người ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với các thiện pháp, không phải là sự tăng trưởng!
6) Ví như mặt trăng, bạch Thế Tôn, trong thời kỳ tối trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tổn giảm dần, hình tròn tổn giảm dần, ánh sáng tổn giảm dần, đường quỹ đạo nó đi tổn giảm dần. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, đối với ai không có lòng tin đối vói thiện pháp, không có biết thẹn đối với thiện pháp, không biết sợ đối với thiện pháp, không có tinh tấn đối với thiện pháp, không có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với các thiện pháp, không phải là sự tăng trưởng!
7) Người không có lòng tin, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết thẹn, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết sợ, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người lười biếng, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người ác trí tuệ, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Người phẫn nộ... Người sân hận, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm. Nếu vị Tỷ-kheo không có giáo giới, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là tổn giảm.
8) Với ai, bạch Thế Tôn, có lòng tin đối với thiện pháp, có biết thẹn đối với thiện pháp, có biết sợ đối với thiện pháp, có tinh tấn đối với thiện pháp, có trí tuệ đối với thiện pháp; với vị ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải sự tổn giảm.
9) Ví như mặt trăng, bạch Thế Tôn, trong thời kỳ sáng trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tăng trưởng dần, hình tròn tăng trưởng dần, ánh sáng tăng trưởng dần, quỹ đạo nó đi tăng trưởng dần. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, với ai có lòng tin đối với thiện pháp, có biết thẹn...có biết sợ... có tinh tấn... có trí tuệ đối với thiện pháp; với vị ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là tổn giảm.
10) Người có lòng tin, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người có biết thẹn, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người có biết sợ, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người tinh cần, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người không phẫn nộ, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người không sân hận, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm. Có những Tỷ-kheo giáo giới, bạch Thế Tôn, tức có nghĩa là không tổn giảm.
11) -- Lành thay, lành thay, này Kassapa! Với ai, này Kassapa, không có lòng tin đối với thiện pháp... không có biết thẹn... không có biết sợ... không có tinh tấn... không có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay là ngày, chờ đợi là sự tổn giảm trong thiện pháp, không phải là tăng trưởng.
12) Ví như mặt trăng, này Kassapa, trong thời kỳ tối trời, dầu là đêm hay là ngày, hình sắc tổn giảm dần, hình tròn tổn giảm dần, ánh sáng tổn giảm dần, quỹ đạo nó đi tổn giảm dần. Cũng vậy, này Kassapa, với ai không có lòng tin đối với thiện pháp, không có biết thẹn... không có biết sợ... không có tinh tấn... không có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay ngày, chờ đợi là sự tổn giảm đối với thiện pháp, không phải là sự tăng trưởng.
13) Người không có lòng tin, này Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm. Người không biết thẹn... Người không biết sợ... Người biếng nhác... Người ác trí tuệ... Người phẫn nộ... Người sân hận, này Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm. Không có Tỷ-kheo giáo giới, này Kassapa, tức có nghĩa là tổn giảm.
14) Với ai, này Kassapa, có lòng tin đối với thiện pháp... có biết thẹn... có biết sợ... có tinh tấn.. có trí tuệ đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay ngày, chờ đợi là sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là tổn giảm.
15) Ví như mặt trăng, này Kassapa, trong thời kỳ sáng trời, dầu là đêm hay ngày, hình sắc tăng trưởng dần, hình tròn tăng trưởng dần, ánh sáng tăng trưởng dần, quỹ đạo nó đi tăng trưởng dần. Cũng vậy, này Kassapa, ai có lòng tin đối với thiện pháp, có biết thẹn... có biết sợ... có tinh tấn... có trí tuệ là sự tăng trưởng đối với thiện pháp; với người ấy, dầu là đêm hay ngày, chờ đợi là sự tăng trưởng đối với thiện pháp, không phải là sự tổn giảm.
16) Người có lòng tin, này Kassapa, tức có nghĩa là không tổn giảm. Người biết thẹn... Người biết sợ... Người tinh tấn... Người có trí tuệ... Người không phẫn nộ... Người không sân hận, này Kassapa, tức có nghĩa là không tổn giảm. Có Tỷ-kheo giáo giới, này Kassapa, tức có nghĩa là không tổn giảm.
VIII. Giáo Giới (Tạp 41.22, Phật Vi Căn Bổn, Ðại 2, 301a. Biệt Tạp 6.9, Ðại 2, 415c). (S.ii,208)
1) ... Trú ở Rajagaha (Vương Xá), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa đang ngồi một bên:
-- Hãy giáo giới Tỷ-kheo, này Kassapa! Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, này Kassapa! Ta hay Ông, này Kassapa, phải giáo giới các Tỷ-kheo! Ông hay Ta, này Kassapa, hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
4) -- Bạch Thế Tôn, khó nói là chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ không kham nhẫn, họ không kính trọng lời giáo giới.
5) -- Này Kassapa, thuở xưa các Trưởng lão Tỷ-kheo là những vị ở rừng như vậy và tán thán ở rừng, là những vị đi khất thực và tán thán hạnh khất thực, là những vị mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo, là những vị mang ba y và tán thán hạnh mang ba y, là những vị sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, là những vị sống tri túc và tán thán hạnh tri túc, là những vị sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly, là những vị sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp, là những vị sống tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
6) Ở đây, vị Tỷ-kheo nào sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, đi khất thực và tán thán hạnh khất thực, mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo, mang ba y và tán thán hạnh mang ba y, sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, sống tri túc và tán thánh hạnh tri túc, sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly, sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp, sống tinh cần và tán thán hạnh tinh cần; vị Tỷ-kheo ấy được các vị Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, vị Tỷ-kheo này! Thật là muốn học, vị Tỷ-kheo này! Hãy đến Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này!"
7) Ở đây, này Kassapa, các tân Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo nào sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng, đi khất thực... mang y phấn tảo... mang ba y... thiểu dục... tri túc... sống viễn ly... sống không giao thiệp... tinh cần và tán thán hạnh tinh cần; Tỷ-kheo ấy được các Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói: "Hãy đến, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, Tỷ-kheo này! Thật là muốn học, Tỷ-kheo này! Hãy đến Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này". Các vị ấy thực hành đúng như vậy và như vậy các vị ấy được hạnh phúc, được an lạc trong một thời gian dài.
8) Nhưng này, này Kassapa, các Trưởng lão Tỷ-kheo không sống ở rừng và không tán thán hạnh sống ở rừng, không đi khất thực và không tán thán hạnh khất thực, không mang y phấn tảo và không tán thán hạnh mang y phấn tảo, không mang ba y và không tán thán hạnh mang ba y, không thiểu dục và không tán thán hạnh thiểu dục, không tri túc và không tán thán hạnh tri túc, không sống viễn ly và không tán thán hạnh viễn ly, không sống không giao thiệp và không tán thán hạnh không giao thiệp, không tinh cần và không tán thán hạnh tinh cần.
9) Ở đây, Tỷ-kheo nào được nhiều người biết, có danh tiếng, nhận được các loại y áo, ẩm thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, Tỷ-kheo ấy được các vị Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói: "Hãy đến Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, Tỷ-kheo này! Thật là muốn sống Phạm hạnh, Tỷ-kheo này! Hãy đến, này Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này!"
10) Ở đây, này Kassapa, các tân Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo nào được nhiều người biết, có danh tiếng, nhận được các loại y áo, ẩm thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; Tỷ-kheo ấy được các Trưởng lão Tỷ-kheo mời ngồi và nói: ‘Hãy đến Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này tên gì? Thật là hiền thiện, Tỷ-kheo này! Thật là muốn sống Phạm hạnh, Tỷ-kheo này! Hãy đến, này Tỷ-kheo, hãy ngồi chỗ ngồi này!’". Các vị ấy thực hành đúng như vậy và như vậy các vị ấy không được hạnh phúc, bị khổ đau trong thời gian dài.
Này Kassapa, ai nói một cách chơn chánh như sau: "Người sống Phạm hạnh phải chịu đựng những hiểm nạn của Phạm hạnh. Người sống Phạm hạnh phải bị bức não bởi những áp bức của Phạm hạnh". Nói như vậy, này Kassapa, là nói một cách chơn chánh. Người sống Phạm hạnh phải chịu đựng những hiểm nạn của Phạm hạnh. Người sống Phạm hạnh phải bị bức não bởi những áp bức của Phạm hạnh.
IX. Thiền Và Thắng Trí (Tạp 41.21, Lực Lão, Ðại 2, 302a) (Biệt Tạp 6.11, Ðại 2, 416c) (S.ii,210)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
3) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
4) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.
5) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
6) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Ta nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không vô biên xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng... chứng đạt và an trú Không vô biên xứ.
7) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi Không vô biên xứ... chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ.
8) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi Thức vô biên xứ... chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ.
9) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng... chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
10) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định.
Tùy theo mong muốn... Kassapa cũng... chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định.
11) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta chứng đạt các loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên, đi ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng chứng đạt được các loại thần thông... bay đến cõi Phạm thiên.
12) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên và loài Người, xa và gần.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với thiên nhĩ thanh tịnh... xa và gần.
13) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người với tâm của mình, Ta có thể biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham, tâm có sân biết là tâm có sân, tâm không sân biết là tâm không sân, tâm có si biết là tâm có si, tâm không si biết là tâm không si, tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú, tâm không chuyên chú biết là tâm không chuyên chú, đại hành tâm biết là đại hành tâm, không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm, tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng, tâm vô thượng biết là tâm vô thượng, tâm Thiền định biết là tâm Thiền định, tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định, tâm giải thoát biết là tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát".
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người; với tâm của mình, Kassapa cũng được biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham... tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát".
14) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời; nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... và các chi tiết.
15) Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy các chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết các chúng sanh... đều do hạnh nghiệp của họ.
16) Và Ta, này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, Ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.
Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.
X. Trú Xứ (Tạp 41.25, Thử Thời, Ðại 2. 302b. Biệt Tạp 6.12, Ðại 2, 417a) (S.ii,214)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Kassapa trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
I
2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa.
3) Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Thưa Tôn giả, chúng ta hãy đi đến trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
-- Hãy đi, này Hiền giả Ananda. Hiền giả là người có nhiều công việc, có nhiều trách nhiệm phải làm.
4) Lần thứ hai, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Hãy đi, thưa Tôn giả, chúng ta đi đến trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
-- Hãy đi, này Hiền giả Ananda. Hiền giả là người có nhiều công việc, có nhiều trách nhiệm phải làm.
5) Lần thứ ba, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Hãy đi, thưa Tôn giả, chúng ta hãy đi đến trú xứ của các Tỷ-kheo-ni.
6) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát cùng với Tôn giả Ananda, là Sa-môn tùy tùng, đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni, sau khi đi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
II
7) Rồi nhiều Tỷ-kheo-ni đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Kassapa, rồi ngồi xuống một bên.
8) Tôn giả Mahà Kassapa với pháp thoại giảng cho các vị Tỷ-kheo-ni đang ngồi một bên ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
9) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa, sau khi với pháp thoại giảng cho các Tỷ-kheo-ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.
10) Rồi Tỷ-kheo-ni Thullatissà không hoan hỷ, nói lên những lời không hoan hỷ: "Làm sao Tôn giả Mahà Kassapa trước mặt Vedehamuni Ananda, lại nghĩ đến thuyết pháp; ví như một người bán kim lại nghĩ, có thể bán kim cho người làm kim? Cũng vậy, Tôn giả Mahà Kassapa, trước mặt Vedehamuni Ananda lại nghĩ đến thuyết pháp".
11) Tôn giả Mahà Kassapa nghe được lời nói này của Tỷ-kheo-ni Thullatissà.
III
12) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa nói với Tôn giả Ananda:
-- Thế nào, Hiền giả Ananda, ta là người bán kim, Hiền giả là người làm kim, hay ta là người làm kim, Hiền giả là người bán kim?
-- Hãy kham nhẫn, thưa Tôn giả Kassapa, ngu si là đàn bà!
13) -- Hãy đến, Hiền giả Ananda, chớ để cho chúng Tăng truy cứu thêm về Hiền giả. Hiền giả Ananda, Hiền giả nghĩ thế nào?
14) Có phải trước mặt Thế Tôn, và giữa chúng Tăng, Hiền giả được Thế Tôn đề cập như sau: "Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ananda cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ"?
-- Thưa Tôn giả, không phải vậy.
15) -- Này Hiền giả, có phải trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, ta được Thế Tôn đề cập như sau: "Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ"?
16-29) (Chín thứ đệ định và năm trí giống như trên.)
30) Hiền giả nghĩ thế nào? Này Hiền giả, có phải, này Ananda, trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, Hiền giả được Thế Tôn đề cập như sau: "Và Ta, này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Ananda cũng vậy, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát"?
-- Thưa Tôn giả, không phải vậy.
31) -- Chính ta, này Hiền giả, trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ-kheo, được Thế Tôn đề cập như sau: "Này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vậy, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát".
32) Này Hiền giả, ai nghĩ rằng có thể che đậy sáu thắng trí của ta được, thời không khác gì họ nghĩ rằng có thể lấy một lá cây ta-la mà che đậy một con voi lớn đến bảy hay tám khuỷu tay rưởi bề cao.
IV
33) Nhưng Tỷ-kheo-ni Thullatissà đã từ bỏ đời sống Phạm hạnh.
XI. Y Áo (Tạp 41.26, Chúng Giảm Thiểu, Ðại 2, 302c Biệt Tạp 6,13, Ðại 2, 417c) (S.ii,217)
1) Một thời Tôn giả Mahà Kassapa trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
I
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda đang đi du hành ở Dakhinàgiri (Nam Sơn), cùng với đại chúng Tỷ-kheo.
3) Lúc bấy giờ có khoảng ba mươi Tỷ-kheo đệ tử của Tôn giả Ananda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự tu học và hoàn tục.
II
4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du hành ở Nam Sơn, tùy theo ý muốn, rồi đi đến Vương Xá, Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Kassapa rồi ngồi xuống một bên.
5) Tôn giả Mahà Kassapa nói với Tôn giả Ananda đang ngồi xuống một bên:
-- Duyên bao nhiêu lợi ích, này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chế định điều luật "Chỉ ba người ăn" đối với các gia chủ?
6) -- Duyên ba lợi ích, thưa Tôn giả Kassapa, nên Thế Tôn chế định điều luật "Chỉ ba người ăn" đối với các gia chủ, để ngăn chận các người ác giới, vì sự lạc trú của các Tỷ-kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào những ác đảng phá hoại chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình. Thưa Tôn giả Kassapa, do duyên ba lợi ích này nên Thế Tôn chế định điều luật "Chỉ ba người ăn" đối với các gia chủ.
7) -- Vậy thời vì sao, này Hiền giả Ananda, Hiền giả lại cùng du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ananda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tan rã! Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình!
8) -- Thưa Tôn giả Kassapa, trên đầu tôi, tóc bạc đã sanh, tuy vậy, hôm nay Tôn giả Mahà Kassapa gọi tôi là đứa trẻ, tôi không có phật lòng.
9) -- Thật vậy, này Hiền giả Ananda, Hiền giả du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ananda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tiêu diệt. Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình.
III
10) Tỷ-kheo-ni Thullatissà được nghe Tôn giả Ananda, bậc Thánh Vedeha lại bị Tôn giả Mahà Kassapa không hài lòng và gọi là "đứa trẻ".
11) Rồi Tỷ-kheo-ni Thullatissà không hoan hỷ và thốt ra những lời không hoan hỷ: "Sao Tôn giả Mahà Kassapa, trước kia là người theo ngoại đạo, lại nghĩ có thể không hài lòng và gọi Tôn giả Ananda, bậc Thánh Vedeha là đứa trẻ?"
12) Tôn giả Mahà Kassapa được nghe những lời của Tỷ-kheo-ni Thullatissà nói như vậy.
13) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa nói với Tôn giả Ananda:
-- Này Hiền giả Ananda, lời nói của Tỷ-kheo-ni Thullatissà thật là đường đột, không đắn đo suy nghĩ! Này Hiền giả, vì rằng ta là người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, ta không chấp nhận một Ðạo Sư nào khác ngoài Thế Tôn, bậc ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác.
14) Này Hiền giả, trong khi ta còn là gia chủ, ý nghĩ sau đây được khởi lên: "Chật hẹp thay đời sống tại gia, đầy những bụi đời! Còn xuất gia như đời sống ngoài trời. Thật không dễ dàng ở trong gia đình có thể sống Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".
15) Rồi này Hiền giả, sau một thời gian ta lấy vải cắt làm áo Tăng-già-lê, và theo thông lệ các vị Ứng Cúng ở đời, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
16) Xuất gia như vậy, ta đang đi trên đường, thấy Thế Tôn ngồi tại ngôi đền Bahaputta giữa Ràjagaha và Nàlandà. Thấy vậy, ta suy nghĩ như sau: "Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Ðạo Sư, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Thiện Thệ, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Chánh Ðẳng Giác, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn?"
17) Và này Hiền giả, ngay tại chỗ ấy, ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, Ðạo Sư của con là Thế Tôn. Con là đệ tử".
18) Khi nghe nói vậy, này Hiền giả, Thế Tôn nói với ta:
-- Này Kassapa, những ai với tâm trọn vẹn đầy đủ, không biết một đệ tử mà nói rằng tôi biết, không thấy mà nói rằng tôi thấy, đầu người ấy sẽ vỡ tan. Còn Ta, này Kassapa, Ta biết thời Ta nói Ta biết, Ta thấy thời Ta nói Ta thấy.
19) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học tập như sau: 'Một tâm quý thật sắc sảo sẽ phải được thiết lập giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên'. Này Kassapa, Ông phải học tập như vậy.
20) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học tập như sau: 'Phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm (lực), tất cả pháp ấy tôi đều lóng tai nghe'. Này Kassapa, Ông phải học tập như vậy.
21) Do vậy, này Kassapa, Ông phải học tập như sau: 'Phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ, ta sẽ không bỏ niệm ấy'. Này Kassapa, Ông phải học tập như vậy".
22) Rồi này Hiền giả, Thế Tôn sau khi giáo giới ta với lời giáo giới ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
23) Trong bảy ngày, này Hiền giả, đang còn phiền não, ta ăn món ăn của quốc độ, đến ngày thứ tám, chánh trí khởi lên.
24) Rồi này Hiền giả, Thế Tôn từ trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây.
25) Rồi này Hiền giả, ta xấp tư tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt, rồi bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài".
26) Này Hiền giả, Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
27) Sau khi ngồi xuống, này Hiền giả, Thế Tôn nói với ta:
"-- Thật là mềm dịu, này Kassapa, là tấm y Tăng-già-lê này làm bằng vải cắt của Ông".
"-- Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con".
28) "-- Này Kassapa, Ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?".
" -- Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn".
29) Như vậy, này Hiền giả, ta cúng cho Thế Tôn tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt; còn ta thời dùng tấm y phấn tảo của Thế Tôn, làm bằng vải gai thô đáng được quăng bỏ.
30) Và này Hiền giả, nếu ai có nói về ta một cách chơn chánh, thời ta là con ruột Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do pháp sanh, do pháp hóa sanh, thừa tự Chánh pháp và đã nhận được tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ.
31) Này Hiền giả, tùy theo mong muốn, ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
32-46) Và này Hiền giả, tùy theo mong muốn, ta... (chín thứ đệ định và năm thắng trí)...
47) Và này Hiền giả, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
48) Này Hiền giả, ai nghĩ rằng có thể che đậy sáu thắng trí của ta được, thời không khác gì nghĩ rằng có thể lấy một lá cây ta-la mà che đậy một con voi lớn đến bảy hay tám khuỷu tay rưởi bề cao.
49) Nhưng Tỷ-kheo-ni Thullatissà đã từ bỏ đời sống Phạm hạnh.
XII. Sau Khi Chết (Tạp 32.1, Ngoại Ðạo, Ðại 2, 226a) (Biệt Tạp 6.14, Ðại 2, 419a) (S.ii.222).
1) Một thời Tôn giả Mahà Kassapa và Tôn giả Sàriputta trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), ở Migadaya (Lộc Uyển).
2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahà Kassapa:
-- Này Hiền giả Kassapa, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
4) -- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại sau khi chết".
5) -- Như vậy, này Hiền giả, có phải Như Lai có tồn tại, và không tồn tại sau khi chết?
-- Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
6) -- Vậy này Hiền giả, có phải Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Cũng vậy, này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
7) Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn không có tuyên bố như vậy? Vì đây, này Hiền giả, không đưa đến lợi ích, không đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Thế Tôn không có tuyên bố như vậy.
8) Vậy này Hiền giả, Thế Tôn tuyên bố cái gì?
"Ðây là khổ", này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ tập", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố. "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt", Thế Tôn đã tuyên bố.
9) Vì sao, này Hiền giả, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy?
Vì đây, này Hiền giả, đưa đến lợi ích, đưa đến cứu cánh Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Thế Tôn đã tuyên bố như vậy.
XIII. Tượng Pháp (Tạp 32.2 Pháp Giảm Diệt, Ðại 2, 226b (Biệt Tạp 6.15, Ðại 2, 419b) (S.ii,223)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, thuở trước, học giới có ít hơn nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí nhiều hơn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ngày nay học giới có nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn?.
4) -- Sự việc xảy ra như vậy, này Kassapa, trong thời các chúng sanh suy giảm, trong thời diệu pháp biến mất, thời nhiều hơn là các học giới, ít hơn là các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí.
5) Này Kassapa, diệu pháp không biến mất cho đến khi nào tượng pháp không hiện ra ở đời. Và Kassapa khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất.
6) Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất.
7) Cũng vậy, này Kassapa, diệu pháp không biến mất, khi nào tượng pháp chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất.
8-11) Này Kassapa, địa giới không làm diệu pháp biến mất, thủy giới... hỏa giới... phong giới không làm diệu pháp biến mất.
12) Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất.
13) Ví như, này Kassapa, chiếc thuyền bị chìm vì chở quá nặng. Không phải vì vậy, này Kassapa, diệu pháp bị biến mất.
14) Này Kassapa, có năm thối pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm?
15) Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định.
Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp.
16) Và có năm pháp, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế nào là năm?
17) Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống kính trọng, tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp, sống kính trọng, tùy thuận chúng Tăng, sống kính trọng, tùy thuận học giới, sống kính trọng tùy thuận Thiền định.
18) Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp.

Chapter V. Connected Discourses with Kassapa

Translated by: Bhikkhu Boddhi

1 Content

At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, this Kassapa is content with any kind of robe, and he speaks in praise of contentment with any kind of robe, and he does not engage in a wrong search, in what is improper, for the sake of a robe.266 If he does not get a robe he is not agitated, and if he gets one he uses it without being tied to it, uninfatuated with it, not blindly absorbed in it, seeing the danger in it, understanding the escape.267
“Bhikkhus, this Kassapa is content with any kind of almsfood … with any kind of lodging … with any kind of medicinal requisites … and if he gets them he uses them without being tied to them, uninfatuated with them, not blindly absorbed in them, seeing the danger in them, understanding the escape.
“Therefore, bhikkhus, you should train yourselves thus: ‘We will be content with any kind of robe, and we will speak in praise of contentment with any kind of robe, [195] and we will not engage in a wrong search, in what is improper, for the sake of a robe. If we do not get a robe we will not be agitated, and if we get one we will use it without being tied to it, uninfatuated with it, not blindly absorbed in it, seeing the danger in it, understanding the escape.
“‘We will be content with any kind of almsfood … with any kind of lodging … with any kind of medicinal requisites … and if we get them we will use them without being tied to them, uninfatuated with them, not
blindly absorbed in them, seeing the danger in them, understanding the escape.’ Thus should you train yourselves.
“Bhikkhus, I will exhort you by the example of Kassapa or one who is similar to Kassapa.268 Being exhorted, you should practise accordingly.”269
2 Unafraid of Wrongdoing
Thus have I heard. On one occasion the Venerable Mahākassapa and the Venerable Sāriputta were dwelling at Bārāṇası̄ in the Deer Park at Isipatana. Then, in the evening, the Venerable Sāriputta emerged from seclusion and approached the Venerable Mahākassapa. He exchanged greetings with the Venerable Mahākassapa and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“Friend, it is said that one who is not ardent and who is unafraid of wrongdoing is incapable of enlightenment, incapable of Nibbāna, incapable of achieving the unsurpassed security from bondage; but one who is ardent
[196] and afraid of wrongdoing is capable of enlightenment, capable of Nibbāna, capable of achieving the unsurpassed security from bondage.270 In what way is this so, friend?”
“Here, friend, a bhikkhu does not arouse ardour by thinking: ‘If unarisen evil unwholesome states arise in me, this may lead to my harm’; nor by thinking: ‘If evil unwholesome states that have arisen in me are not abandoned, this may lead to my harm’; nor by thinking: ‘If unarisen wholesome states do not arise in me, this may lead to my harm’; nor by thinking: ‘If wholesome states that have arisen in me cease, this may lead to my harm.’ Thus he is not ardent.271
“And how, friend, is he unafraid of wrongdoing? Here, friend, a bhikkhu does not become afraid at the thought: ‘If unarisen evil unwholesome states arise in me, this may lead to my harm’ … nor at the thought: ‘If wholesome
states that have arisen in me cease, this may lead to my harm.’ Thus he is unafraid of wrongdoing.
“It is in this way, friend, that one who is not ardent and who is unafraid of wrongdoing is incapable of enlightenment, incapable of Nibbāna, incapable of achieving the unsurpassed security from bondage.
“And how, friend, is one ardent? Here, friend, a bhikkhu arouses ardour by thinking: ‘If unarisen evil unwholesome states arise in me, this may lead to my harm’ ... and by thinking: ‘If wholesome states that have arisen in me cease, this may lead to my harm.’ Thus he is ardent.
“And how, friend, is he afraid of wrongdoing? Here, friend, a bhikkhu becomes afraid at the thought: ‘If unarisen evil unwholesome states arise in me, this may lead to my harm’; … and at the thought: ‘If wholesome states that have arisen in me cease, this may lead to my harm.’ [197] Thus he is afraid of wrongdoing.
“It is in this way, friend, that one who is ardent and afraid of wrongdoing is capable of enlightenment, capable of Nibbāna, capable of achieving the unsurpassed security from bondage.”
3 Like the Moon
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, you should approach families like the moon—[198] drawing back the body and mind, always acting like newcomers, without impudence towards families.272 Just as a man looking down an old well, a precipice, or a steep riverbank would draw back the body and mind, so too, bhikkhus, should you approach families.
“Bhikkhus, Kassapa approaches families like the moon—drawing back the body and mind, always acting like a newcomer, without impudence towards families. What do you think, bhikkhus, what kind of bhikkhu is worthy to approach families?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, take recourse in the Blessed One. It would be good if the
Blessed One would clear up the meaning of this statement. Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
Then the Blessed One waved his hand in space273 and said: “Bhikkhus, just as this hand does not get caught in space, is not held fast by it, is not bound by it, so when a bhikkhu approaches families his mind does not get caught, held fast, and bound amidst families, thinking: ‘May those desiring gains acquire gains, may those desiring merits make merits!’274 He is as elated and happy over the gains of others as he is over his own gains. Such a bhikkhu is worthy to approach families.
“Bhikkhus, when Kassapa approaches families his mind does not get caught, held fast, or bound amidst families, thinking: ‘May those desiring gains acquire gains, may those desiring merits make merits!’ He is as elated and happy over the gains of others as he is over his own gains. [199]
“What do you think, bhikkhus, how is a bhikkhu’s teaching of the Dhamma impure, and how is his teaching of the Dhamma pure?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One….” “Then listen and attend closely, bhikkhus, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this:
“A bhikkhu teaches the Dhamma to others with the thought: ‘Oh, may they listen to the Dhamma from me! Having listened, may they gain confidence in the Dhamma! Being confident, may they show their confidence to me!’275 Such a bhikkhu’s teaching of the Dhamma is impure.
“But a bhikkhu teaches the Dhamma to others with the thought: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One, directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise. Oh, may they listen to the Dhamma from me! Having listened, may they understand the Dhamma! Having understood, may they practise accordingly!’ Thus he teaches the Dhamma to others because of the intrinsic excellence of the Dhamma; he teaches the Dhamma
to others from compassion and sympathy, out of tender concern. 276 Such a bhikkhu’s teaching of the Dhamma is pure.
“Bhikkhus, Kassapa teaches the Dhamma to others with the thought: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One…. Oh, [200] may they listen to the Dhamma from me! Having listened, may they understand the Dhamma! Having understood, may they practise accordingly!’ He teaches the Dhamma to others because of the intrinsic excellence of the Dhamma; he teaches the Dhamma to others from compassion and sympathy, out of tender concern.
“Bhikkhus, I will exhort you by the example of Kassapa or one who is similar to Kassapa. Being exhorted, you should practise accordingly.”
4 A Visitor of Families
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, what do you think, what kind of bhikkhu is worthy to be a visitor of families,277 and what kind of bhikkhu is not worthy to be a visitor of families?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One….”
The Blessed One said this: “Bhikkhus, a bhikkhu might approach families with the thought: ‘May they give to me, not hold back! May they give me much, not a little! May they give me fine things, not shabby things! May they give me promptly, not slowly! May they give me considerately, not casually!’ When a bhikkhu approaches families with such a thought, if they do not give, he thereby becomes hurt; on that account he experiences pain and displeasure. If they give little rather than much ... If they give shabby things rather than fine things ... If they give slowly rather than promptly … If they give casually rather than considerately, he thereby becomes hurt; [201] on that account he experiences pain and displeasure. Such a bhikkhu is not worthy to be a visitor of families.
“Bhikkhus, a bhikkhu might approach families with the thought: ‘When among others’ families, how could I possibly think: “May they give to me,
not hold back!… May they give me respectfully, not casually!”?’ When a bhikkhu approaches families with such a thought, if they do not give ... if they give casually rather than considerately, he does not thereby become hurt; he does not on that account experience pain and displeasure. Such a bhikkhu is worthy to be a visitor of families.
“Bhikkhus, Kassapa approaches families with such a thought…. Thus if they do not give … if they give casually rather than considerately, he does not thereby become hurt; [202] he does not on that account experience pain and displeasure.
“Bhikkhus, I will exhort you by the example of Kassapa or one who is similar to Kassapa. Being exhorted, you should practise accordingly.”
5 Old
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then the Venerable Mahākassapa approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “You are old now, Kassapa, and those worn-out hempen rag-robes must be burdensome for you. Therefore you should wear robes offered by householders, Kassapa, accept meals given on invitation, and dwell close to me.”278
“For a long time, venerable sir, I have been a forest dweller and have spoken in praise of forest dwelling; I have been an almsfood eater and have spoken in praise of eating almsfood; I have been a rag-robe wearer and have spoken in praise of wearing rag-robes; I have been a triple-robe user and have spoken in praise of using the triple robe; I have been of few wishes and have spoken in praise of fewness of wishes; I have been content and have spoken in praise of contentment; I have been secluded and have spoken in praise of solitude; I have been aloof from society and have spoken in praise of aloofness from society; I have been energetic and have spoken in praise of arousing energy.”279 “Considering what benefit,
Kassapa, have you long been a forest dweller ... and spoken in praise of arousing energy?”
“Considering two benefits, venerable sir. [203] For myself I see a pleasant dwelling in this very life, and I have compassion for later generations, thinking, ‘May those of later generations follow my example!’280 For when they hear, ‘The enlightened disciples of the Buddha were for a long time forest dwellers and spoke in praise of forest dwelling
… were energetic and spoke in praise of arousing energy,’ then they will practise accordingly, and that will lead to their welfare and happiness for a long time. Considering these two benefits, venerable sir, I have long been a forest dweller ... and have spoken in praise of arousing energy.”
“Good, good, Kassapa! You are practising for the welfare and happiness of the multitude, out of compassion for the world, for the good, welfare, and happiness of devas and humans. Therefore, Kassapa, wear worn-out hempen rag-robes, walk for alms, and dwell in the forest.”
6 Exhortation (1)
At Rājagaha in the Bamboo Grove. Then the Venerable Mahākassapa approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Exhort the bhikkhus, Kassapa, give them a Dhamma talk. Either I [204] should exhort the bhikkhus, Kassapa, or you should. Either I should give them a Dhamma talk or you should.”281
“Venerable sir, the bhikkhus are difficult to admonish now, and they have qualities which make them difficult to admonish.282 They are impatient and do not accept instruction respectfully. Here, venerable sir, I saw a bhikkhu named Bhaṇḍa, a pupil of Ānanda, and a bhikkhu named Abhiñjika, a pupil of Anuruddha, competing with each other in regard to their learning, saying: ‘Come, bhikkhu, who can speak more? Who can speak better? Who can speak longer?’”
Then the Blessed One addressed a certain bhikkhu thus: “Come, bhikkhu, tell the bhikkhu Bhaṇḍa and the bhikkhu Abhiñjika in my name that the
Teacher calls them.”
“Yes, venerable sir,” that bhikkhu replied, and he went to those bhikkhus and told them: “The Teacher calls the venerable ones.”
“Yes, friend,” those bhikkhus replied, and they approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to them: “Is it true, bhikkhus, that you have been competing with each other in regard to your learning, as to who can speak more, who can speak better, who can speak longer?”
“Yes, venerable sir.”
“Have you ever known me to teach the Dhamma thus: ‘Come, bhikkhus, compete with each other in regard to your learning, and see who can speak more, who can speak better, who can speak longer’?” [205]
“No, venerable sir.”
“Then if you have never known me to teach the Dhamma thus, what do you senseless men know and see that, having gone forth in such a well- expounded Dhamma and Discipline, you compete with each other in regard to your learning, as to who can speak more, who can speak better, who can speak longer?”
Then those bhikkhus prostrated themselves with their heads at the Blessed One’s feet and said: “Venerable sir, we have committed a transgression—so foolish, so confused, so inept were we—in that, having gone forth in such a well-expounded Dhamma and Discipline, we competed with each other in regard to our learning, as to who can speak more, who can speak better, who can speak longer. Venerable sir, may the Blessed One pardon us for our transgression seen as a transgression for the sake of future restraint.”
“Surely, bhikkhus, you have committed a transgression—so foolish, so confused, so inept were you—in that, having gone forth in such a well- expounded Dhamma and Discipline, you competed with each other in regard to your learning…. But since you see your transgression as a transgression and make amends for it in accordance with the Dhamma, we pardon you for it. For it is growth in the Noble One’s Discipline when one
sees one’s transgression as a transgression, makes amends for it in accordance with the Dhamma, and undertakes future restraint.”
7 Exhortation (2)
At Rājagaha in the Bamboo Grove. Then the Venerable Mahākassapa approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Exhort the bhikkhus, Kassapa, give them a Dhamma talk. Either I should exhort the bhikkhus, Kassapa, [206] or you should. Either I should give them a Dhamma talk or you should.”
“Venerable sir, the bhikkhus are difficult to admonish now, and they have qualities which make them difficult to admonish. They are impatient and do not accept instruction respectfully. Venerable sir,283 for one who has no faith in regard to wholesome states, no sense of shame, no fear of wrongdoing, no energy, and no wisdom, whether day or night comes only decline is to be expected in regard to wholesome states, not growth. Just as, during the dark fortnight, whether day or night comes the moon declines in colour, circularity, and luminosity, in diameter and circumference, so too, venerable sir, for one who has no faith in wholesome states, no sense of shame, no fear of wrongdoing, no energy, and no wisdom, whether day or night comes only decline is to be expected in regard to wholesome states, not growth.
“A person without faith, venerable sir: this is a case of decline. A person without a sense of shame … who is unafraid of wrongdoing … who is lazy
… unwise … angry … malicious: this is a case of decline. When there are no bhikkhus who are exhorters: this is a case of decline.
“Venerable sir, for one who has faith in regard to wholesome states, a sense of shame, fear of wrongdoing, energy, and wisdom, whether day or night comes only growth is to be expected in regard to wholesome states, not decline. Just as, during the bright fortnight, whether day or night comes the moon grows in colour, circularity, [207] and luminosity, in diameter and circumference, so too, venerable sir, for one who has faith in wholesome states, a sense of shame, fear of wrongdoing, energy, and wisdom, whether
day or night comes only growth is to be expected in regard to wholesome states, not decline.
“A person with faith, venerable sir: this is a case of nondecline. A person with a sense of shame ... who is afraid of wrongdoing … energetic ... wise
... without anger ... without malice: this is a case of nondecline. When there are bhikkhus who are exhorters: this is a case of nondecline.”
“Good, good, Kassapa!”
(The Buddha then repeats the entire statement of the Venerable Mahākassapa.) [208]
8 Exhortation (3)
At Rājagaha in the Bamboo Grove. Then the Venerable Mahākassapa approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Exhort the bhikkhus, Kassapa, give them a Dhamma talk. Either I should exhort the bhikkhus, Kassapa, or you should. Either I should give them a Dhamma talk or you should.”
“Venerable sir, the bhikkhus are difficult to admonish now, and they have qualities which make them difficult to admonish. They are impatient and do not accept instruction respectfully.”
“Just so, Kassapa, in the past the elder bhikkhus were forest dwellers and spoke in praise of forest dwelling; they were almsfood eaters and spoke in praise of eating almsfood; they were rag-robe wearers and spoke in praise of wearing rag-robes; they were triple-robe users and spoke in praise of using the triple robe; they were of few wishes and spoke in praise of fewness of wishes; they were content and spoke in praise of contentment; they were secluded and spoke in praise of solitude; they were aloof from society and spoke in praise of aloofness from society; they were energetic and spoke in praise of arousing energy.
“Then, when a bhikkhu was a forest dweller and spoke in praise of forest dwelling … [209] … when he was energetic and spoke in praise of arousing energy, the elder bhikkhus would invite him to a seat, saying: ‘Come,
bhikkhu. What is this bhikkhu’s name? This is an excellent bhikkhu. This bhikkhu is keen on training. Come, bhikkhu, here’s a seat, sit down.’ Then it would occur to the newly ordained bhikkhus: ‘It seems that when a bhikkhu is a forest dweller and speaks in praise of forest dwelling ... when he is energetic and speaks in praise of arousing energy, the elder bhikkhus invite him to a seat….’ They would practise accordingly, and that would lead to their welfare and happiness for a long time.
“But now, Kassapa, the elder bhikkhus are no longer forest dwellers and do not speak in praise of forest dwelling … [210] … they are no longer energetic and do not speak in praise of arousing energy. Now it is the bhikkhu who is well known and famous, one who gains robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites, that the elder bhikkhus invite to a seat, saying: ‘Come, bhikkhu. What is this bhikkhu’s name? This is an excellent bhikkhu. This bhikkhu is keen on the company of his brothers in the holy life. Come, bhikkhu, here’s a seat, sit down.’ Then it occurs to the newly ordained bhikkhus: ‘It seems that when a bhikkhu is well known and famous, one who gains robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites, the elder bhikkhus invite him to a seat….’ They practise accordingly, and that leads to their harm and suffering for a long time.
“If, Kassapa, one speaking rightly could say: ‘Those leading the holy life have been ruined by the ruination of those who lead the holy life; those leading the holy life have been vanquished by the vanquishing of those who lead the holy life,’284 it is just thus that one could rightly say this.”
9 Jhānas and Direct Knowledges
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, to whatever extent I wish, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, I enter and dwell in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, with rapture and happiness born of seclusion. [211] Kassapa too, to whatever extent he wishes, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, enters and dwells in the first jhāna.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the subsiding of thought and examination, I enter and dwell in the second jhāna, which has internal confidence and unification of mind, is without thought and examination, and has rapture and happiness born of concentration. Kassapa too, to whatever extent he wishes, with the subsiding of thought and examination, enters and dwells in the second jhāna.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the fading away as well of rapture, I dwell equanimous, and mindful and clearly comprehending, I experience happiness with the body; I enter and dwell in the third jhāna of which the noble ones declare: ‘He is equanimous, mindful, one who dwells happily.’ Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the third jhāna.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the abandoning of pleasure and pain, and with the previous passing away of joy and displeasure, I enter and dwell in the fourth jhāna, which is neither painful nor pleasant and includes the purification of mindfulness by equanimity. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the fourth jhāna.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the complete transcendence of perceptions of forms, with the passing away of perceptions of sensory impingement, with nonattention to perceptions of diversity, aware that ‘space is infinite,’ I enter and dwell in the base of the infinity of space. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the base of the infinity of space.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, by completely transcending the base of the infinity of space, aware that ‘consciousness is infinite,’ I enter and dwell in the base of the infinity of consciousness. [212] Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the base of the infinity of consciousness.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, by completely transcending the base of the infinity of consciousness, aware that ‘there is nothing,’ I enter and dwell in the base of nothingness. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the base of nothingness.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, by completely transcending the base of nothingness, I enter and dwell in the base of neither-perception-nor- nonperception. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the base of neither-perception-nor-nonperception.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, by completely transcending the base of neither-perception-nor-nonperception, I enter and dwell in the cessation of perception and feeling. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the cessation of perception and feeling.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, I wield the various kinds of spiritual power: having been one, I become many; having been many, I become one; I appear and vanish; I go unhindered through a wall, through a rampart, through a mountain as though through space; I dive in and out of the earth as though it were water; I walk on water without sinking as though it were earth; seated cross-legged, I travel in space like a bird; with my hand I touch and stroke the moon and sun so powerful and mighty; I exercise mastery with the body as far as the brahmā world. Kassapa too, to whatever extent he wishes, wields the various kinds of spiritual power.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the divine ear element, which is purified and surpasses the human, I hear both kinds of sounds, the divine and human, those that are far as well as near. Kassapa too, to whatever extent he wishes, with the divine ear element, which is purified and surpasses the human, hears both kinds of sounds. [213]
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, I understand the minds of other beings and persons, having encompassed them with my own mind. I understand a mind with lust as a mind with lust; a mind without lust as a mind without lust; a mind with hatred as a mind with hatred; a mind without hatred as a mind without hatred; a mind with delusion as a mind with delusion; a mind without delusion as a mind without delusion; a contracted mind as contracted and a distracted mind as distracted; an exalted mind as exalted and an unexalted mind as unexalted; a surpassable mind as surpassable and an unsurpassable mind as unsurpassable; a concentrated mind as concentrated and an unconcentrated mind as unconcentrated; a liberated mind as liberated and an unliberated mind as unliberated. Kassapa too, to whatever extent he wishes, understands the
minds of other beings and persons, having encompassed them with his own mind.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, I recollect my manifold past abodes, that is, one birth, two births, three births, four births, five births, ten births, twenty births, thirty births, forty births, fifty births, a hundred births, a thousand births, a hundred thousand births, many aeons of world- contraction, many aeons of world-expansion, many aeons of world- contraction and expansion thus: ‘There I was so named, of such a clan, with such an appearance, such was my food, such my experience of pleasure and pain, such my life span; passing away from there, I was reborn elsewhere, and there too I was so named, of such a clan, with such an appearance, such was my food, such my experience of pleasure and pain, such my life span; passing away from there, I was reborn here.’ Thus I recollect my manifold past abodes with their modes and details. Kassapa too, to whatever extent he wishes, recollects his manifold past abodes with their modes and details.
“Bhikkhus, to whatever extent I wish, with the divine eye, which is purified and surpasses the human, I see beings [214] passing away and being reborn, inferior and superior, beautiful and ugly, fortunate and unfortunate, and I understand how beings fare on according to their kamma thus: ‘These beings who engaged in misconduct of body, speech, and mind, who reviled the noble ones, held wrong view, and undertook actions based on wrong view, with the breakup of the body, after death, have been reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell; but these beings who engaged in good conduct of body, speech, and mind, who did not revile the noble ones, who held right view, and undertook action based on right view, with the breakup of the body, after death, have been reborn in a good destination, in a heavenly world.’ Thus with the divine eye, which is purified and surpasses the human, I see beings passing away and being reborn, inferior and superior, beautiful and ugly, fortunate and unfortunate, and I understand how beings fare on according to their kamma. Kassapa too, to whatever extent he wishes, with the divine eye, which is purified and surpasses the human, sees beings passing away and being reborn, inferior and superior, beautiful and ugly, fortunate and unfortunate, and he understands how beings fare on according to their kamma.
“Bhikkhus, by the destruction of the taints, in this very life I enter and dwell in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for myself with direct knowledge.285 Kassapa too, by the destruction of the taints, in this very life enters and dwells in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge.”
10 The Bhikkhunı̄s’ Quarters
Thus have I heard. On one occasion the Venerable Mahākassapa was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, in the morning, the Venerable Ānanda dressed and, [215] taking bowl and robe, he approached the Venerable Mahākassapa and said: “Come, Venerable Kassapa, let us go to the bhikkhunı̄s’ quarters.”286
“You go, friend Ānanda, you’re the busy one with many duties.”287
A second time the Venerable Ānanda said to the Venerable Mahākassapa: “Come, Venerable Kassapa, let us go to the bhikkhunı̄s’ quarters.”
“You go, friend Ānanda, you’re the busy one with many duties.”
A third time the Venerable Ānanda said to the Venerable Mahākassapa: “Come, Venerable Kassapa, let us go to the bhikkhunı̄s’ quarters.”
Then, in the morning, the Venerable Mahākassapa dressed and, taking bowl and robe, went to the bhikkhunı̄s’ quarters with the Venerable Ānanda as his companion. When he arrived he sat down on the appointed seat. Then a number of bhikkhunı̄s approached the Venerable Mahākassapa, paid homage to him, and sat down to one side. As they were sitting there, the Venerable Mahākassapa instructed, exhorted, inspired, and gladdened those bhikkhunı̄s with a Dhamma talk, after which he rose from his seat and departed.
Then the bhikkhunı̄ Thullatissā, being displeased, expressed her displeasure thus: “How can Master Mahākassapa think of speaking on the Dhamma in the presence of Master Ānanda, the Videhan sage?288 For
Master Mahākassapa to think of speaking on the Dhamma in the presence of Master Ānanda, the Videhan sage—this is just as if a needle-peddler
[216] would think he could sell a needle to a needle-maker!”
The Venerable Mahākassapa overheard the bhikkhunı̄ Thullatissā making this statement and said to the Venerable Ānanda: “How is it, friend Ānanda, am I the needle-peddler and you the needle-maker, or am I the needle- maker and you the needle-peddler?”
“Be patient, Venerable Kassapa, women are foolish.”289
“Hold it, friend Ānanda! Don’t give the Sarigha occasion to investigate you further.290 What do you think, friend Ānanda, was it you that the Blessed One brought forward in the presence of the Bhikkhu Sarigha, saying: ‘Bhikkhus, to whatever extent I wish, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, I enter and dwell in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, with rapture and happiness born of seclusion. Ānanda too, to whatever extent he wishes, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, enters and dwells in the first jhāna’?”
“No, venerable sir.”
“I was the one, friend, that the Blessed One brought forward in the presence of the Bhikkhu Sarigha, saying: ‘Bhikkhus, to whatever extent I wish, … I enter and dwell in the first jhāna…. Kassapa too, to whatever extent he wishes, enters and dwells in the first jhāna.’
(The same exchange is repeated for the remaining meditative attainments and the six direct knowledges, all as in the preceding sutta.) [217]
“I was the one, friend, that the Blessed One brought forward in the presence of the Bhikkhu Sarigha, saying: ‘Bhikkhus, by the destruction of the taints, in this very life I enter and dwell in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for myself with direct knowledge. Kassapa too, by the destruction of the taints, in this very life enters and dwells in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for himself with direct knowledge.’
“Friend, one might just as well think that a bull elephant seven or seven and a half cubits high could be concealed by a palm leaf as think that my six direct knowledges could be concealed.”291
But the bhikkhunı̄ Thullatissā fell away from the holy life.292
11 The Robe
On one occasion the Venerable Mahākassapa was dwelling in Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Now on that occasion the Venerable Ānanda was wandering on tour in Dakkhiṇāgiri together with a large Sarigha of bhikkhus.293 Now on that occasion thirty bhikkhus— pupils of the Venerable Ānanda—most of them youngsters, had given up the training and had returned to the lower life. [218]
When the Venerable Ānanda had wandered on tour in Dakkhiṇāgiri as long as he wanted, he came back to Rājagaha, to the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. He approached the Venerable Mahākassapa, paid homage to him, and sat down to one side, and the Venerable Mahākassapa said to him: “Friend Ānanda, for how many reasons did the Blessed One lay down the rule that bhikkhus should not take meals among families in groups of more than three?”294
“The Blessed One laid down this rule for three reasons, Venerable Kassapa: for restraining ill-behaved persons and for the comfort of well- behaved bhikkhus, [with the intention,] ‘May those of evil wishes, by forming a faction, not create a schism in the Sarigha!’; and out of sympathy towards families.295 It is for these three reasons, Venerable Kassapa, that the Blessed One laid down this rule.”
“Then why, friend Ānanda, are you wandering about with these young bhikkhus who are unguarded in their sense faculties, immoderate in eating, and not devoted to wakefulness? One would think you were wandering about trampling on crops; one would think you were wandering about destroying families. Your retinue is breaking apart, friend Ānanda, your
young followers are slipping away. But still this youngster does not know his measure!”
“Grey hairs are growing on my head, Venerable Kassapa. Can’t we escape being called a youngster by the Venerable Mahākassapa?”296 [219]
“Friend Ānanda, it is just because you wander around with these young bhikkhus who are unguarded in their sense faculties…. But still this youngster does not know his measure!”
The bhikkhunı̄ Thullanandā heard :297 “Master Mahākassapa has disparaged Master Ānanda, the Videhan sage, by calling him a youngster.” Then, being displeased at this, she expressed her displeasure thus: “How can Master Mahākassapa, who was formerly a member of another sect,298 think to disparage Master Ānanda, the Videhan sage, by calling him a youngster?”
The Venerable Mahākassapa overheard the bhikkhunı̄ Thullanandā making this statement and said to the Venerable Ānanda: “Surely, friend Ānanda, the bhikkhunı̄ Thullanandā made that statement rashly, without consideration. For since I shaved off my hair and beard, put on saffron robes, and went forth from the home life into homelessness, I do not recall ever having acknowledged any other teacher except the Blessed One, the Arahant, the Perfectly Enlightened One.
“In the past, friend, when I was still a householder, it occurred to me: ‘Household life is confinement, a path of dust, going forth is like the open air. It is not easy for one living at home to lead the perfectly complete, perfectly purified holy life, which is like polished conch. Let me then shave off my hair and beard, put on saffron robes, and go forth from the household life into homelessness. ’ Some time later [220] I had an outer robe made from patches of cloth;299 then, acknowledging those who were arahants in the world [as models], I shaved off my hair and beard, put on saffron robes, and went forth from the household life into homelessness.
“When I had thus gone forth, I was travelling along a road when I saw the Blessed One sitting by the Bahuputta Shrine between Rājagaha and Nālandā.300 Having seen him, I thought: ‘If I should ever see the Teacher,
it is the Blessed One himself that I would see. If I should ever see the Fortunate One, it is the Blessed One himself that I would see. If I should ever see the Perfectly Enlightened One, it is the Blessed One himself that I would see.’ Then I prostrated myself right there at the Blessed One’s feet and said to him: ‘Venerable sir, the Blessed One is my teacher, I am his disciple. Venerable sir, the Blessed One is my teacher, I am his disciple.’301
“When I had said this, the Blessed One said to me: ‘Kassapa, if one who does not know and see should say to a disciple so single-minded as yourself: “I know, I see,” his head would split. But knowing, Kassapa, I say, “I know”; seeing, I say, “I see.”302 “‘Therefore, Kassapa, you should train yourself thus: “I will arouse a keen sense of shame and fear of wrongdoing towards elders, the newly ordained, and those of middle status.” Thus should you train yourself.
“‘Therefore, Kassapa, you should train yourself thus: “Whenever I listen to any Dhamma connected with the wholesome, I will listen to it with eager ears, attending to it as a matter of vital concern, applying my whole mind to it.”303 Thus should you train yourself.
“‘Therefore, Kassapa, you should train yourself thus: “I will never relinquish mindfulness directed to the body associated with joy.” Thus should you train yourself.’304
“Then, having given me this exhortation, the Blessed One rose from his seat and departed. [221] For seven days, friend, I ate the country’s almsfood as a debtor, but on the eighth day final knowledge arose.305
“Then, friend, the Blessed One descended from the road and went to the foot of a tree.306 I folded in four my outer robe of patches and said to him: ‘Venerable sir, let the Blessed One sit down here. This will lead to my welfare and happiness for a long time.’ The Blessed One sat down on the appointed seat and said to me: ‘Your outer robe of patches is soft, Kassapa.’–‘Venerable sir, let the Blessed One accept my outer robe of patches, out of compassion.’–‘Then will you wear my worn-out hempen
rag-robes? ’–‘I will, venerable sir.’ Thus I offered the Blessed One my outer robe of patches and received from him his worn-out hempen rag-robes.307
“If, friend, one speaking rightly could say of anyone: ‘He is a son of the Blessed One, born of his breast, born of his mouth, born of the Dhamma, created by the Dhamma, an heir to the Dhamma, a receiver of worn-out hempen rag-robes,’ it is of me that one could rightly say this.308
“Friend, to whatever extent I wish, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, I enter and dwell in the first jhāna, which is accompanied by thought and examination, [222] with rapture and happiness born of seclusion…. (As in §9, down to:)
“Friend, by the destruction of the taints, in this very life I enter and dwell in the taintless liberation of mind, liberation by wisdom, realizing it for myself with direct knowledge.
“Friend, one might just as well think that a bull elephant seven or seven and a half cubits high could be concealed by a palm leaf as think that my six direct knowledges could be concealed.”309
But the bhikkhunı̄ Thullanandā fell away from the holy life.
12 After Death
On one occasion the Venerable Mahākassapa and the Venerable Sāriputta were dwelling at Bārāṇası̄ in the Deer Park at Isipatana. Then, in the evening, the Venerable Sāriputta emerged from seclusion and approached the Venerable Mahākassapa. He exchanged greetings with the Venerable Mahākassapa and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“How is it, friend Kassapa, does the Tathāgata exist after death?”310 “The Blessed One, friend, has not declared this: ‘The Tathāgata exists
after death.’”
“Then, friend, does the Tathāgata not exist after death?”
“The Blessed One, friend, has not declared this either: ‘The Tathāgata does not exist after death.’” [223]
“How is it then, friend, does the Tathāgata both exist and not exist after death?”
“The Blessed One, friend, has not declared this: ‘The Tathāgata both exists and does not exist after death.’”
“Then, friend, does the Tathāgata neither exist nor not exist after death?” “The Blessed One, friend, has not declared this either: ‘The Tathāgata
neither exists nor does not exist after death.’”
“Why hasn’t the Blessed One declared this, friend?”
“Because this is unbeneficial, irrelevant to the fundamentals of the holy life, and does not lead to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. Therefore the Blessed One has not declared this.”
“And what, friend, has the Blessed One declared?”
“The Blessed One, friend, has declared: ‘This is suffering,’ and ‘This is the origin of suffering,’ and ‘This is the cessation of suffering, ’ and ‘This is the way leading to the cessation of suffering.’”
“And why, friend, has the Blessed One declared this?”
“Because, friend, this is beneficial, relevant to the fundamentals of the holy life, and leads to revulsion, to dispassion, to cessation, to peace, to direct knowledge, to enlightenment, to Nibbāna. Therefore the Blessed One has declared this.”
13 The Counterfeit of the True Dhamma
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then the Venerable Mahākassapa approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: [224]
“Venerable sir, what is the reason, what is the cause, why formerly there were fewer training rules but more bhikkhus were established in final knowledge, while now there are more training rules but fewer bhikkhus are established in final knowledge?”311
“That’s the way it is, Kassapa. When beings are deteriorating and the true Dhamma is disappearing there are more training rules but fewer bhikkhus are established in final knowledge. Kassapa, the true Dhamma does not disappear so long as a counterfeit of the true Dhamma has not arisen in the world. But when a counterfeit of the true Dhamma arises in the world, then the true Dhamma disappears.312
“Just as, Kassapa, gold does not disappear so long as counterfeit gold has not arisen in the world, but when counterfeit gold arises then true gold disappears, so the true Dhamma does not disappear so long as a counterfeit of the true Dhamma has not arisen in the world, but when a counterfeit of the true Dhamma arises in the world, then the true Dhamma disappears.
“It is not the earth element, Kassapa, that causes the true Dhamma to disappear, nor the water element, nor the heat element, nor the air element. It is the senseless people who arise right here who cause the true Dhamma to disappear.
“The true Dhamma does not disappear all at once in the way a ship sinks.313 There are, Kassapa, five detrimental things314 that lead to the decay and disappearance of the true Dhamma. What are the five? Here the bhikkhus, the bhikkhunı̄s, the male lay followers, and the female lay followers dwell without reverence and deference towards the Teacher; they dwell without reverence and deference towards the Dhamma; they dwell without reverence and deference towards the Sarigha; [225] they dwell without reverence and deference towards the training; they dwell without reverence and deference towards concentration.315 These, Kassapa, are the five detrimental things that lead to the decay and disappearance of the true Dhamma.
“There are five things, Kassapa, that lead to the longevity of the true Dhamma, to its nondecay and nondisappearance. What are the five? Here
the bhikkhus, the bhikkhunı̄s, the male lay followers, and the female lay followers dwell with reverence and deference towards the Teacher; they dwell with reverence and deference towards the Dhamma; they dwell with reverence and deference towards the Sarigha; they dwell with reverence and deference towards the training; they dwell with reverence and deference towards concentration. These, Kassapa, are the five things that lead to the longevity of the true Dhamma, to its nondecay and nondisappearance.”
1



Close
Close