Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Một - Tương Ưng Nhân Duyên

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Phẩm Phật Ðà.
I. Thuyết Pháp -- (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.
4) Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Dọ thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là đoạn diệt.
5) Thế Tôn nói như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
II. Phân Biệt -- (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,2)
1) Trú ở Sàvatthi (Xá-vệ).
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết và phân tích cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Ðây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là ái.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ.
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc.
13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.
16) Như vậy này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
III. Con Ðường... (S.ii,4)
1). .. Trú ở Sàvatthi... (như trên).
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về tà đạo và chánh đạo. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức... (như trên)... như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo? Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo.
IV. Vipassì (Tỳ-bà-thi) (Tạp 15.2-3, Ðại 2,101a) (S.ii,5)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, trước khi Ngài giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, đã khởi lên tư tưởng sau đây: "Thật sự thế giới này đang lâm nguy, bị sanh, bị già, bị chết, đoạn diệt và tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly, thoát khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào biết đến xuất ly, thoát khỏi già và chết".
3) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, già, chết có mặt? Do duyên gì, già, chết sanh khởi?". Sau khi như lý tư duy, này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt, già, chết có mặt. Do duyên sanh, già, chết sanh khởi".
4) Rồi Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, sanh có mặt? Do duyên gì, sanh sanh khởi?". Sau khi như lý tư duy, này các Tỷ- kheo, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do hữu có mặt nên sanh có mặt. Do duyên hữu, sanh sanh khởi".
5) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, hữu có mặt? Do duyên gì, hữu sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thủ có mặt, nên hữu có mặt. Do duyên thủ, hữu sanh khởi".
6) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thủ có mặt? Do duyên gì, thủ sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do ái có mặt nên thủ có mặt. Do duyên ái, thủ sanh khởi".
7) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, ái có mặt? Do duyên gì, ái sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thọ có mặt nên ái có mặt. Do duyên thọ, nên ái sanh khởi".
8) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thọ có mặt? Do duyên gì, thọ sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ phát sinh minh kiến như sau: "Do xúc có mặt nên thọ có mặt. Do duyên xúc, thọ sanh khởi".
9) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, xúc có mặt? Do duyên gì, xúc sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sáu xứ có mặt nên xúc có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi".
10) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, sáu xứ có mặt? Do duyên gì, sáu xứ sanh khởi?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc có mặt nên sáu xứ có mặt. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi".
11) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, danh sắc có mặt? Do duyên gì, danh sắc sanh khởi?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức có mặt nên danh sắc có mặt. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi".
12) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thức có mặt? Do duyên gì, thức sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do hành có mặt nên thức có mặt. Do duyên hành, thức sanh khởi".
13) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, hành có mặt? Do duyên gì, hành sanh khởi?" Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh, hành sanh khởi".
14) Như vậy, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
15) "Tập khởi, tập khởi", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, với Bồ-tát Vipassì, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
16) Và này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên già, chết không có mặt? Do cái gì diệt, già, chết diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do sanh không có mặt nên già, chết không có mặt. Do sanh diệt nên già, chết diệt".
17) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên sanh không có mặt? Do cái gì diệt nên sanh diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do hữu không có mặt nên sanh không có mặt. Do hữu diệt nên sanh diệt".
18) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên hữu không có mặt? Do cái gì diệt nên hữu diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do thủ không có mặt nên hữu không có mặt. Do thủ diệt nên hữu diệt".
19) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên thủ không có mặt? Do cái gì diệt nên thủ diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do ái không có mặt nên thủ không có mặt. Do ái diệt nên thủ diệt".
20) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên ái không có mặt? Do cái gì diệt nên ái diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do thọ không có mặt nên ái không có mặt. Do thọ diệt nên ái diệt".
21) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên thọ không có mặt? Do cái gì diệt nên thọ diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do xúc không có mặt nên thọ không có mặt. Do xúc diệt nên thọ diệt".
22) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên xúc không có mặt? Do cái gì diệt nên xúc diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do sáu xứ không có mặt nên xúc không có mặt. Do sáu xứ diệt, nên xúc diệt".
23) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt nên sáu xứ không có mặt? Do cái gì diệt nên sáu xứ diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do danh sắc không có mặt nên sáu xứ không có mặt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt".
24) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt nên danh sắc không có mặt? Do cái gì diệt nên danh sắc diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do thức không có mặt nên danh sắc không có mặt. Do thức diệt nên danh sắc diệt".
25) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt nên thức không có mặt? Do cái gì diệt nên thức diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do hành không có mặt nên thức không có mặt. Do hành diệt nên thức diệt".
26) Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt nên hành không có mặt? Do cái gì diệt nên hành diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: "Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do vô minh diệt nên hành diệt".
27) Như vậy, do vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
28) "Ðoạn diệt, đoạn diệt", này các Tỷ-kheo, trong các pháp từ trước chưa từng được nghe, đối với Bồ-tát Vipassì, nhãn khởi nên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
V. Sikhì (Thi-khí) (S.ii,9)
-- Này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... (như trên)...
VI. Vessabhu (Tỳ-xá-phù) (S.ii,9)
-- Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Vessabhu, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... (như trên)...
VII. Kakusandha (Câu-lưu-tôn) (S.ii,9)
-- Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... (như trên)...
VIII. Konàgamana (Câu-na-hàm). (S.ii,9)
-- Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Konàgamana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... (như trên)...
IX. Kassapa (Ca-diếp) (S.ii,9)
-- Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... (như trên)...
X. Mahà Sakya Muni Gotama: Ðại Thích-ca-mâu-ni Cù-đàm. (S.ii,10)
1) Tại Sàvatthi.
2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già, chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già, chết".
3) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, già, chết có mặt? Do duyên gì, già, chết sanh khởi?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già, chết có mặt. Do duyên sanh nên già, chết sanh khởi".
4 - 13) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, sanh mới có mặt...hữu... thủ...ái...thọ...xúc...sáu xứ...danh sắc...thức... hành... Do duyên gì hành sanh khởi?"
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sanh khởi".
14) Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức...(như trên)...hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
15) "Tập khởi, tập khởi", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
16) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, già, chết không có mặt? Do cái gì diệt, nên già, chết diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do sanh không có mặt nên già, chết không có mặt. Do sanh diệt nên già, chết diệt".
17) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, sanh không có mặt. ..hữu. ..thủ. ..ái. ..thọ. ..xúc. ..sáu xứ...danh sắc. ..thức. ..hành... Do cái gì diệt, hành diệt?"
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do duyên vô minh diệt nên hành diệt".
27) Như vậy, vô minh diệt hành diệt; hành diệt, thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
28) "Ðoạn diệt, đoạn diệt", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
II. Phẩm Ðồ Ăn
XI. Các Loại Ðồ Ăn (Tạp 15,9 Thực Ðại 2, 101c) (S.ii,11)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Thắng Lâm) trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc )
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.
3) Và này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Bốn loại đồ ăn này do ái làm nhân, do ái tập khởi, do ái tác sanh, do ái làm hiện hữu.
4) Ái này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Ái do thọ làm nhân, do thọ tập khởi, do thọ tác sanh, do thọ làm cho hiện hữu.
5) Thọ này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Thọ do xúc làm nhân, do xúc tập khởi, do xúc tác sanh, do xúc làm cho hiện hữu.
6) Xúc này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Xúc do sáu xứ làm nhân, do sáu xứ tập khởi, do sáu xứ tác sanh, do sáu xứ làm cho hiện hữu.
7) Sáu xứ này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Sáu xứ do danh sắc làm nhân, do danh sắc tập khởi, do danh sắc tác sanh, do danh sắc làm cho hiện hữu.
8) Danh sắc này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Danh sắc do thức làm nhân, do thức tập khởi, do thức tác sanh, do thức làm cho hiện hữu.
9) Thức này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Thức do hành làm nhân, do hành tập khởi, do hành tác sanh, do hành làm cho hiện hữu.
10) Những hành này, này các Tỷ-kheo, do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Các hành này do vô minh làm nhân, do vô minh tập khởi, do vô minh tác sanh, do vô minh làm cho hiện hữu.
11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức...(như trên )...như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
12) Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt...(như trên)...như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Ðại 2,102) (S.ii,12).
1)...Trú Tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.
3) Khi được nói vậy, Tôn giả Moliya-Phagguna bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, ai ăn thức thực?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có ai ăn". Nếu Ta nói: "Có kẻ ăn", thời câu hỏi: "Có ai ăn" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt".
4) -- Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ cảm xúc". Nếu Ta nói: "Có kẻ cảm xúc", thời câu hỏi: "Ai cảm xúc" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, xúc sanh khởi?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi".
5) -- Bạch Thế Tôn, ai cảm thọ?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có người cảm thọ". Nếu ta có nói: "Có người cảm thọ", thời câu hỏi: "Ai cảm thọ?" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sanh khởi?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi".
6) -- Bạch Thế Tôn, ai khát ái?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ khát ái". Nếu Ta nói: "Có kẻ khát ái", thời câu hỏi: "Ai khát ái" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, ái sanh khởi", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi".
7) --Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ chấp thủ". Nếu Ta nói: "Có kẻ chấp thủ", thời câu hỏi: "Ai chấp thủ" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thủ sanh khởi", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thủ, hữu sanh khởi". Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
8) Nhưng này Phagguna, do ly tham, đoạn diệt một cách hoàn toàn sáu xứ nên xúc diệt. Do xúc diệt, nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
XIII. Sa Môn, Bà La Môn (Tạp 14.10-11. Ðại 2,99a) (S.ii,14)
1) Trú ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết rõ già, chết, không biết rõ già, chết tập khởi, không biết rõ già, chết đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt; không biết rõ sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... không biết rõ các hành, không biết rõ các hành tập khởi, không biết rõ các hành đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại cũng không có thể với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
3) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay là Bà-la-môn nào biết rõ già, chết, biết rõ già, chết tập khởi, biết rõ già, chết đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt... biết rõ sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... biết rõ các hành, biết rõ các hành tập khởi, biết rõ các hành đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt; các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại có thể với thắng trí tự mình giác ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn và mục đích Bà-la-môn hạnh.
XIV. Sa Môn, Bà La Môn (S.ii,15)
1). .. Trú ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay là Bà-la-môn nào không biết rõ những pháp này, không biết rõ những pháp này tập khởi, không biết rõ những pháp này đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến những pháp này đoạn diệt.
3) Những pháp gì họ không được biết rõ? Những pháp gì họ không được biết rõ tập khởi? Những pháp gì họ không được biết rõ đoạn diệt? Những pháp gì họ không được biết rõ con đường đưa đến đoạn diệt?
4) Họ không biết rõ già, chết. Họ không biết rõ già, chết tập khởi. Họ không biết rõ già, chết đoạn diệt. Họ không biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt. Họ không biết rõ sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức...Họ không biết rõ các hành. Họ không biết rõ các hành tập khởi. Họ không biết rõ các hành đoạn diệt. Họ không biết rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt. Họ không biết rõ những pháp này. Họ không biết rõ những pháp này tập khởi. Họ không biết rõ pháp này đoạn diệt. Họ không biết rõ con đường đưa đến những pháp này đoạn diệt.
5) Này các Tỷ-kheo, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, cũng không có thể với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
6) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết rõ được những pháp này, biết rõ được những pháp này tập khởi, biết rõ được những pháp này đoạn diệt, biết rõ được con đường đưa đến những pháp này đoạn diệt.
7) Họ biết rõ pháp gì? Họ biết rõ những pháp gì tập khởi? Họ biết rõ những pháp gì đoạn diệt? Họ biết rõ con đường đưa đến những pháp gì đoạn diệt?
8) Họ biết rõ già, chết. Họ biết rõ già, chết tập khởi. Họ biết rõ già, chết đoạn diệt. Họ biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt... sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... Họ biết rõ các hành. Họ biết rõ các hành tập khởi. Họ biết rõ các hành đoạn diệt. Họ biết rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt. Họ biết rõ những pháp này. Họ biết rõ những pháp này tập khởi. Họ biết rõ những pháp này đoạn diệt. Họ biết rõ con đường đưa đến của những pháp này đoạn diệt.
9) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
XV. Kaccàyanagotta: (Ca-chiên-diên Thị) (Tạp 12.19 Ðại 2,85c) (S.ii,16)
1) Trú ở Sàvatthi (Xá-vệ)...
2) Rồi Tôn giả Kaccàyanagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kaccàyanagotta bạch Thế Tôn:
-- "Chánh kiến, chánh kiến", bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?
4) -- Này Kaccàyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có.
5) Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.
6) Này Kaccàyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: "Ðây là tự ngã của tôi". Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccàyana, là chánh tri kiến.
7) "Tất cả là có", này Kaccàyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai.
Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
8) Vô minh duyên hành; hành duyên thức... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
XVI. Vị Thuyết Pháp (Tạp 14.23-4. Thuyết Pháp, Ðại 2,100c) (S.ii,18)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Thuyết pháp, thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến.
4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về yếm ly, ly tham, đoạn diệt già và chết, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp.
5) Nếu Tỷ-kheo thực hành về yếm ly, ly tham, đoạn diệt già, chết, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành các pháp và tùy pháp.
6) Nếu Tỷ-kheo giải thoát, không còn chấp thủ mọi yếm ly, ly tham, đoạn diệt già, chết, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại.
7) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... (như trên)... Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về yếm ly, ly tham, đoạn diệt vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp.
8) Nếu Tỷ-kheo thực hành về yếm ly, ly tham, đoạn diệt vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành các pháp và tùy pháp.
9) Nếu Tỷ-kheo giải thoát, không còn chấp thủ mọi yếm ly, ly tham, đoạn diệt vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại.
XVII. Loã Thể (Tạp 12.20, Ðại 2,86a Ðại 14,768) (S.ii,18)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Ràjagaha để khất thực.
3) Lõa thể Kassapa thấy Thế Tôn từ xa đi đến. Sau khi thấy, lõa thể Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên.
4) Ðứng một bên, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.
-- Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.
5) Lần thứ hai, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.
-- Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.
6) Lần thứ ba, lõa thể Kassapa... (như trên)... Chúng ta đã vào trong làng.
Khi được nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Nhưng không phải chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama nhiều chuyện.
-- Vậy hãy hỏi đi, này Kassapa, như Ông muốn.
7) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Kassapa.
8) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Kassapa.
9) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Kassapa.
10) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Kassapa.
11) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?
-- Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.
12) -- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
-- Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.
13) -- Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?", Ngài trả lời: "Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa". Ðược hỏi: "Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?", Ngài trả lời: "Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ". Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.
14) -- Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu "khổ do tự mình làm ra", như vậy có nghĩa là thường kiến.
Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: "Khổ do người khác làm ra", như vậy có nghĩa là đoạn kiến.
15) Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
16) Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.
17) -- Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, nếu chúng Tăng đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.
18) -- Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm nếu chúng Tăng đồng ý, mong chúng Tăng cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo.
19) Và lõa thể Kassapa được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới.
20) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa ở một mình, an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến; đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong đời sống hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị này chứng tri: "Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".
21) Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.
XVIII. Timbaruka (Tạp 12.21 Ðại 2, 86b) (S.ii,22)
1) Trú ở Sàvatthi...
2) Rồi du sĩ Timbaruka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, du sĩ Timbaruka bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải lạc khổ tự mình làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Timbaruka.
4) -- Thưa Tôn giả Gotama, vậy có phải lạc khổ do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Timbaruka.
5) -- Thưa Tôn giả Gotama, vậy có phải lạc khổ do tự mình làm ra và do người khác làm ra?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Timbaruka.
6) -- Thưa Tôn giả Gotama, lạc khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra; vậy có phải lạc khổ do tự nhiên sanh?
Thế Tôn đáp:
-- Không phải vậy, này Timbaruka.
7) -- Thưa Tôn giả Gotama, vậy có phải không có lạc khổ?
8) -- Này Timbaruka, không phải không có lạc khổ. Này Timbaruka, có lạc khổ.
-- Nếu vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy lạc khổ.
9) -- Này Timbaruka, không phải Ta không biết, không thấy lạc khổ. Này Timbaruka, Ta biết lạc khổ. Này Timbaruka, Ta thấy lạc khổ.
10) -- Ðược hỏi: "Thưa Tôn giả Gotama, có phải lạc khổ do tự mình làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Timbaruka". Ðược hỏi: " Thưa Tôn giả Gotama, có phải lạc khổ do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Timbaruka". Ðược hỏi: "Thưa Tôn giả Gotama, có phải lạc khổ do tự mình làm ra và do người khác làm ra?", Ngài đáp: "Không phải vậy, này Timbaruka". Ðược hỏi: "Thưa Tôn giả Gotama, không phải do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, có phải lạc khổ do tự nhiên sanh?", Ngài đáp: "Không phải vậy, này Timbaruka". Ðược hỏi: "Thưa Tôn giả Gotama, có phải lạc khổ không có?", Ngài đáp: "Này Timbaruka, không phải không có lạc khổ, này Timbaruka, có lạc khổ". Ðược hỏi: "Như vậy Tôn giả Gotama không biết, không thấy lạc khổ?", Ngài đáp: "Này Timbaruka, không phải Ta không biết, không thấy lạc khổ. Này Timbaruka, Ta biết lạc khổ. Này Timbaruka, Ta thấy lạc khổ". Vậy Tôn giả Gotama hãy nói lên cho con về lạc khổ. Vậy Tôn giả Gotama hãy thuyết cho con về lạc khổ.
11) -- Sự cảm thọ và người cảm thọ là cùng một người. Này Timbaruka, như Ông nói ban đầu: "Lạc khổ do tự mình làm ra", Ta nói không phải vậy.
12) Cảm thọ và người cảm thọ là khác nhau, này Timbaruka, như vậy đối với người bị cảm thọ, "lạc khổ do người khác làm ra", Ta nói không phải vậy.
13) Này Timbaruka, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo.
Vô minh duyên hành, hành duyên thức... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Do ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
14) Khi được nói vậy, du sĩ Timbaruka bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... (như trên)... Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
XIX. Bậc Hiền So Sánh Với Kẻ Ngu (Tạp 12.12, Ðại 2, 83c) (S.ii,23)
1). .. Trú Tại Sàvatthi.
2) -- Ðối với kẻ ngu, này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân này được khởi lên như sau: Chỉ có thân này và danh sắc ở ngoài. Như vậy là bộ hai này. Duyên bộ hai này có xúc, có sáu xứ. Do cảm xúc bởi chúng, hoặc một trong hai, người ngu cảm thọ lạc khổ.
3) Ðối với bậc Hiền, này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân này được khởi lên như sau: Chỉ có thân này và danh sắc ở ngoài. Như vậy là bộ hai này. Duyên bộ hai này có xúc, có sáu xứ. Do cảm xúc bởi chúng, hoặc một trong hai, người Hiền cảm thọ lạc khổ.
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có gì phân biệt, có gì sai khác, có gì dị biệt giữa bậc Hiền và kẻ ngu?
5) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho chúng con ý nghĩa lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
6) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
7) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy và bị tham ái hệ phược, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống Phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, người ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng: "Người ấy không thoát khỏi đau khổ".
8) Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người Hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người Hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người Hiền trí sống Phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác. Do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng: "Vị ấy thoát khỏi đau khổ".
9) Này các Tỷ-kheo, đây là sự phân biệt, đây là sự sai khác, đây là sự dị biệt giữa bậc Hiền trí và người ngu.
XX. Duyên (Tạp 12.14, Ðại 2, 84b) (S.ii,25)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông lý duyên khởi và các pháp duyên sanh. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, già, chết khởi lên. Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
4) Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, nên có già, chết. Do duyên hữu, này các Tỷ-kheo, nên có sanh. Do duyên thủ, này các Tỷ-kheo, nên có hữu. Do duyên ái, này các Tỷ-kheo, nên có thủ. Do duyên thọ, này các Tỷ-kheo, nên có ái. Do duyên xúc, này các Tỷ-kheo, nên có thọ. Do duyên sáu xứ, này các Tỷ-kheo, nên có xúc. Do duyên danh sắc, này các Tỷ-kheo, nên có sáu xứ. Do duyên thức, này các Tỷ-kheo, nên có danh sắc. Do duyên các hành, này các Tỷ-kheo, nên có thức. Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, nên có hành. Dầu cho Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt tánh ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
5) Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, có các hành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là như tánh, bất hư vọng tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lý duyên khởi.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là duyên sanh pháp? Già, chết, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
7) Sanh, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
8) Hữu, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
9) -- 16) Thủ, này các Tỷ-kheo... ái, này các Tỷ-kheo... Thọ, này các Tỷ-kheo... Xúc, này các Tỷ-kheo... Sáu xứ, này các Tỷ-kheo... Danh sắc, này các Tỷ-kheo... Thức, này các Tỷ-kheo... Các hành, này các Tỷ-kheo...
17) Vô minh, này các Tỷ-kheo, là vô thường hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là duyên sanh pháp.
18) Do vì, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt không quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước ta đã là gì, và nay trong quá khứ ta là gì?"
19) Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): "Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?"
20) Hay nay các vị ấy sẽ khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: "Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào?" Sự kiện như vậy không xảy ra.
21) Vì sao? Vì rằng vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ, định lý duyên khởi này với các pháp duyên sanh này.
III. Phẩm Mười Lực
I. Mười Lực (Tăng 46,3, Ðại 2,776a) (S.ii,27)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, đầy đủ bốn vô sở úy, tự nhận vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa hội chúng, chuyển Pháp luân và nói rằng: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt".
Như vậy do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.
3) Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Do ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
II. Mười Lực (Tạp 14.6 Thập Lực, Ðại 2,98a) (S.ii,28)
1). .. Trú Tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
3-4). ..
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn.
6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ cho Thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện). Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.
7) Khổ thay, này các Tỷ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm! An lạc thay, này các Tỷ-kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!
8) Này các Tỷ-kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng. Này các Tỷ-kheo, phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng. Ðáng được tán thán, này các Tỷ-kheo, là Phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Ðạo Sư. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
9) Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích (Sa udrayà). Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn (vokàrà), đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. Này các Tỷ-kheo, thấy được tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, thấy lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.
III. Duyên (S.ii,29)
1)... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, đối với người biết, này các Tỷ-kheo, đối với người thấy, Ta nói các lậu hoặc được đoạn diệt, không phải đối với người không biết, không phải đối với người không thấy.
3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào đối với người biết, đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là hành... Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người biết, như vậy đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt.
4) Này các Tỷ-kheo, trong đoạn diệt ấy, trí về đoạn diệt, Ta nói rằng trí ấy có duyên, không phải không có duyên.
5) Và này các Tỷ-kheo, duyên của trí về đoạn diệt là gì? Giải thoát là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng giải thoát có duyên, không phải không có duyên.
6) Và này các Tỷ-kheo, duyên của giải thoát là gì? Ly tham là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ly tham có duyên, không phải không có duyên.
7) Và này các Tỷ-kheo, duyên của ly tham là gì? Yếm ly là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng yếm ly có duyên, không phải không có duyên.
8) Và này các Tỷ-kheo, duyên của yếm ly là gì? Tri kiến như chân là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tri kiến như chân có duyên, không phải không có duyên.
9) Và này các Tỷ-kheo, duyên của tri kiến như chân là gì? Ðịnh là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng định có duyên, không phải không có duyên.
10) Và này các Tỷ-kheo, duyên của định là gì? Lạc là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lạc có duyên, không phải không có duyên.
11) Này các Tỷ-kheo, duyên của lạc là gì? Khinh an là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng khinh an có duyên, không phải không có duyên.
12) Và này các Tỷ-kheo, duyên của khinh an là gì? Hỷ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hỷ có duyên, không phải không có duyên.
13) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hỷ là gì? Hân hoan là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hân hoan có duyên, không phải không có duyên.
14) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hân hoan là gì? Lòng tin là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lòng tin có duyên, không phải không có duyên.
15) Và này các Tỷ-kheo, duyên của lòng tin là gì? Khổ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng khổ có duyên, không phải không có duyên.
16) Và này các Tỷ-kheo, duyên của khổ là gì? Sanh là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng sanh có duyên, không phải không có duyên.
17) Và này các Tỷ-kheo, duyên của sanh là gì? Hữu là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hữu có duyên, không phải không có duyên.
18) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hữu là gì? Thủ là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng thủ có duyên, không phải không có duyên.
19) Và này các Tỷ-kheo, duyên của thủ là gì? Ái là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ái có duyên, không phải không có duyên.
20-25) Và này các Tỷ-kheo, duyên của ái là gì? Thọ là câu trả lời... (như trên)...
Xúc là câu trả lời...
Sáu xứ là câu trả lời...
Danh sắc là câu trả lời...
Thức là câu trả lời...
Hành là câu trả lời. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hành có duyên, không phải không có duyên.
26) Và này các Tỷ-kheo, duyên của hành là gì? Vô minh là câu trả lời.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.
27) Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đỉnh núi trời mưa nặng hột và nước chảy theo triền thấp, tràn đầy hang núi, khe núi, thung lũng. Khi các hang núi, khe núi, thung lũng được tràn đầy, thời ao nhỏ được tràn đầy; ao nhỏ được tràn đầy thời ao lớn được tràn đầy; ao lớn tràn đầy thời sông nhỏ được tràn đầy; sông nhỏ được tràn đầy thời sông lớn được tràn đầy; sông lớn được tràn đầy thời biển lớn, đại dương được tràn đầy.
28) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.
IV. Ngoại Ðạo (S.ii,32)
1)... Trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm).
2) Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực.
3) Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ: "Thật là quá sớm để vào Vương Xá khất thực. Ta hãy đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo".
4) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Tôn giả liền ngồi xuống một bên.
Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
5) -- Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
6) Ở đây, này Hiền giả Sàriputta, Sa-môn Gotama thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Sa-môn Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Sa-môn Gotama không đúng sự thực. Pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
7) Chư Hiền giả, Thế Tôn đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố, không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, pháp được trả lời là thuận pháp, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
8) Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
9) Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
10) Tôn giả Ananda nghe câu chuyện giữa Tôn giả Sàriputta với các du sĩ ngoại đạo ấy.
11) Rồi Tôn giả Ananda, đi khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda đem tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Sàriputta và các du sĩ ngoại đạo trình bày lên Thế Tôn.
12) -- Lành thay, lành thay, này Ananda! Sàriputta trả lời như vậy là trả lời một cách chơn chánh. Này Ananda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
13) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
14) Ở đây, nàyAnanda, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
15) Này Ananda, một thời Ta trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
16) Rồi này Ananda, vào buổi sáng Ta đắp y, cầm y bát đi vào Vương Xá để khất thực.
17) Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm đi vào Vương Xá để khất thực. Vậy Ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo".
18) Rồi này Ananda, Ta đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến Ta nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Ta ngồi xuống một bên.
Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Ta đang ngồi một bên:
19) "-- Này Hiền giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Nay Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
20) Ở đây, Tôn giả Gotama thuyết như thế nào? Chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Tôn giả Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Tôn giả Gotama không đúng sự thật; pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích?"
21) Khi được nói vậy, này Ananda, Ta nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:
"-- Này chư Hiền, Ta đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích".
22) Ở đây, chư Hiền giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
23) Ở đây, chư Hiền giả, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ do tự mình làm; họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
24) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Làm sao tất cả nghĩa được nói chỉ trong một câu. Bạch Thế Tôn, nếu nghĩa này được nói rộng ra, nghĩa này sẽ sâu thẳm và có vẻ được xem là sâu thẳm.
25) -- Vậy này Ananda, Ông hãy trình bày nghĩa ấy ở đây.
26) -- Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, già, chết lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Già, chết, thưa các Tôn giả, lấy sanh làm nhân, lấy sanh tập khởi, lấy sanh tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
27) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời: "Sanh, thưa các Tôn giả, lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
28) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Hữu, thưa các Tôn giả, lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
29-31) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, thủ lấy gì làm nhân... ái lấy gì làm nhân... thọ lấy gì làm nhân... (như trên)..". Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: "Này Hiền giả Ananda, xúc lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Xúc, thưa các Hiền giả, lấy sáu xứ làm nhân, lấy sáu xứ tập khởi, lấy sáu xứ tác sanh, lấy sáu xứ làm hiện hữu. Thưa các Hiền giả, do sự ly tham, đoạn diệt hoàn toàn các xúc xứ, xúc được đoạn diệt. Do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
V- Bhùmija (Tạp 14.1 Phù di, Ðại 2.95b) (S.ii,37)
1)...Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Bhùmija, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư Thiền tịnh đứng đậy, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Bhùmija thưa Tôn giả Sàriputta:
3) -- Hiền giả Sàruputta, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do tự mình làm. Hiền giả Sàruputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do người khác làm. Hiền giả Sariputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc do tự mình làm và do người khác làm. Hiền giả Sàriputta, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ lạc không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ lạc do tự nhiên sanh.
4) Ở đây, này Hiền giả Sàriputta, Thế Tôn thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật; pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn không tìm được lý do để chỉ trích?
5) -- Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói lạc khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố, không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
6) Ở đây, này Hiền giả, các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm; lạc khổ ấy chính do duyên xúc. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố là lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh; lạc khổ ấy chính do duyên xúc.
7) Ở đây, này Hiền giả, các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào...(như trên)... Các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
8) Tôn giả Ananda được nghe chuyện này giữa Tôn giả Sàriputta với Tôn giả Bhùmija.
9) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda đem tất cả câu chuyện xảy ra như thế nào giữa Tôn giả Sàriputta với Tôn giả Bhùmija bạch lên Thế Tôn.
10) -- Lành thay, lành thay! Này Ananda, Sàriputta trả lời như vậy là trả lời một cách chơn chánh. Này Ananda, Ta nói rằng khổ là do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không có thể tìm được lý do để chỉ trích.
11) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, lạc khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ lạc do tự nhiên sanh; khổ lạc ấy chính do duyên xúc.
12) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện ấy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố lạc khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, lạc khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện ấy không xảy ra.
13) Này Ananda, chỗ nào có thân, do nhân thân tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có lời nói, này Ananda, do nhân khẩu tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có ý, này Ananda, do nhân ý tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ.
14) Do duyên vô minh, hoặc tự chúng ta, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các thân hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
15) Hoặc tự chúng ta, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
16) Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda... (như trên)... Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda, làm các khẩu hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
17) Hoặc tự mình, này Ananda, làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Hoặc những người khác, này Ananda, làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
18) Hoặc với ý thức rõ ràng, này Ananda... (như trên)... Hoặc không với ý thức rõ ràng, này Ananda làm các ý hành; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
19) Này Ananda, trong sáu pháp này, đều bị vô minh chi phối. Này Ananda, với ly tham, đoạn diệt hoàn toàn vô minh, thân ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Khẩu ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Ý ấy không có; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ. Chúng không phải là đồng ruộng, chúng không phải là căn cứ, chúng không phải là xứ, chúng không phải là luận sự; do duyên ấy, nội thân khởi lên lạc khổ.
VI. Upavàna (Ưu-ba-ma-na) (S.ii,41)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn:
3) -- Bạch Thế Tôn, có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm. Bạch Thế Tôn lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do người khác làm. Bạch Thế Tôn, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Bạch Thế Tôn, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.
4) Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng con trả lời như thế nào để đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố; chúng con không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thực; pháp chúng con trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích?.
5) -- Này Upavàna, Ta đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thực; pháp được trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.
6) Ở đây, này Upavàna, những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm ra; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.
7) Ở đây, này Upavàna, những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn... (như trên)... Những Sa-môn, Bà-la-môn tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.
VII. Duyên (S.ii,42)
1)... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức... (như trên)... Như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) Này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, hủ bại, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị hủy diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vứt bỏ; đây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
4) Do sanh khởi, già, chết khởi. Do sanh diệt, già, chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già, chết đoạn diệt tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh?...
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu?...
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ?...
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái?...
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ?...
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc?...
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ?...
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc?...
13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức?... (xem như trên, chương Một, phẩm Một, II. 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13)
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
Do vô minh khởi, hành khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến sự đoạn diệt các hành. Tức là chánh tri kiến... chánh định.
15) Này các Tỷ-kheo, do vị Thánh đệ tử biết duyên như vậy, duyên tập khởi như vậy, duyên đoạn diệt như vậy; biết rõ con đường đưa đến đoạn diệt như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là đạt tri kiến, đạt kiến, đã đạt đến diệu pháp này, thấy được diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.
VIII. Vị Tỷ Kheo (Tạp 14.14, Lão Tử, Ðại 2,99c) (S.ii.43)
1). .. Trú ở Sàvatthi.
2) Tại đây...
3) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hiểu rõ già, chết, hiểu rõ già, chết tập khởi, hiểu rõ già, chết đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt...(như trên)...
4)... Hiểu rõ sanh...
5)... Hiểu rõ hữu...
6)... Hiểu rõ thủ...
7)... Hiểu rõ ái...
8)... Hiểu rõ thọ...
9)... Hiểu rõ xúc...
10)... Hiểu rõ sáu xứ...
11)... Hiểu rõ danh sắc...
12)... Hiểu rõ thức...
13)... Hiểu rõ hành, hiểu rõ hành tập khởi, hiểu rõ hành đoạn diệt.
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị hủy diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vứt bỏ; đây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
15) Do sanh khởi, già, chết khởi. Do sanh diệt, già, chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già, chết đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định.
16-24) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh... (như trên)... Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu... Này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ... Này các Tỷ-kheo, thế nào là ái... là thọ... là xúc... là sáu xứ... là danh sắc... là thức?...
25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo: thân hành, khẩu hành, ý hành. Ba hành này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hành.
Do vô minh khởi nên hành khởi. Do vô minh diệt nên hành diệt. Ðây chính là Thánh đạo tám ngành đưa đến hành đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến...(như trên)...chánh định.
26) Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết rõ già, chết như vậy, biết rõ già, chết tập khởi như vậy, biết rõ già, chết đoạn diệt như vậy, biết rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt như vậy.
27-36) Do biết rõ sanh như vậy... hữu... thủ...ái...thọ...xúc...sáu xứ...danh sắc... thức... Do biết rõ hành như vậy, biết rõ hành tập khởi như vậy, biết rõ hành đoạn diệt như vậy, do biết rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt như vậy.
37) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được gọi là đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy được diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.
IX. Sa Môn, Bà La Môn (Tạp 14,12-3, Sa-môn, Bà-la-môn, Ðại 2,99b) (S.ii,42)
1)...Trú ở Sàvatthi.
2-12) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không hiểu rõ già, chết, không hiểu rõ già, chết tập khởi, không hiểu rõ già, chết đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt, không hiểu rõ sanh...(như trên)... Hữu...thủ...ái...thọ...xúc...sáu xứ...danh sắc...thức... không hiểu rõ hành, không hiểu rõ hành tập khởi, không hiểu rõ hành đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt.
13) Những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những Tôn giả ấy cũng không có thể ngay trong đời sống hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
14-24) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào hiểu rõ già, chết, hiểu rõ già, chết tập khởi, hiểu rõ già, chết đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt, hiểu rõ sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hiểu rõ hành, hiểu rõ hành tập khởi, hiểu rõ hành đoạn diệt, hiểu rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt.
25) Những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những Tôn giả ấy ngay trong đời sống hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
X. Sa Môn , Bà La Môn (như trên) (S.ii,46)
1)... Trú ở Sàvatthi.
2) Ở đây...
3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết già, chết, không biết già, chết tập khởi, không biết già, chết đoạn diệt, không biết con đường đưa đến già, chết đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua già, chết và an trú; sự kiện như vậy không xảy ra.
4-12) Không biết sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức...
13) Không biết hành, không biết hành tập khởi, không biết hành đoạn diệt, không biết con đường đưa đến hành đoạn diệt, họ chắc chắn vượt qua các hành và an trú; sự kiện như vậy không xảy ra.
14) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết già, chết, biết già, chết tập khởi, biết già, chết đoạn diệt, biết con đường đưa đến già, chết đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua già, chết và an trú, sự kiện như vậy có xảy ra.
15-23) Biết sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... biết hành, biết hành tập khởi, biết hành đoạn diệt; biết con đường đưa đến hành đoạn diệt; họ chắc chắn vượt qua các hành và an trú; sự kiện như vậy có xảy ra.
IV. Phẩm Kalàra - Vị Sát Ðế Lỵ
I. Sanh (Tạp 14.3 Tập sanh, Ðại 2,95b) (S.ii.47)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi.
I
2) Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta:
-- Này Sàriputta, trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:
Thuần thục pháp hữu vi,
Ở đây nhiều hữu học,
Trí tuệ những vị ấy,
Trong uy nghi của họ,
Hãy đáp lời ta hỏi,
Nói lên, này Thân hữu!
Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này, ý nghĩa cần phải được nhận hiểu một cách rộng rãi như thế nào?
Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.
3) Lần thứ hai, Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta... (như trên)... Lần thứ hai, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.
4) Lần thứ ba, Thế Tôn gọi Tôn giả Sàriputta:
-- Này Sàriputta, trong kinh Karàyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:
Thuần thục pháp hữu vi,
Ở đây nhiều hữu học,
Trí tuệ những vị ấy,
Trong uy nghi của họ,
Hãy đáp lời ta hỏi,
Nói lên, này Thân hữu!
Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này, ý nghĩa cần phải được nhận hiểu một cách rộng rãi như thế nào?
Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta giữ im lặng.
II
5) -- Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành? Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành?
6) -- Cái này được sinh thành. Bạch Thế Tôn, vị ấy với chánh trí tuệ thấy như chơn cái này được sinh thành. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy thấy với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sự tục sanh do một loại đồ ăn.
Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị sự đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, vị ấy thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt. Như vậy, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học.
7) Và bạch Thế Tôn, như thế nào là thuần thục pháp hữu vi? Bạch Thế Tôn, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ cái này được sinh thành. "Cái này được sinh thành"; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy được giải thoát không có chấp thủ. Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ.
Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ. Như vậy, bạch Thế Tôn, là thuần thục pháp hữu vi.
8) Như vậy, bạch Thế Tôn, như đã được nói trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:
Thuần thục pháp hữu vi,
Ở đây nhiều hữu học,
Trí tuệ những vị ấy,
Trong uy nghi của họ,
Hãy đáp lời ta hỏi,
Nói lên, này Thân hữu!
Bạch Thế Tôn, lời nói tóm tắt này, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
III
9) -- Lành thay, lành thay! Cái này được sinh thành, này Sàriputta, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Cái này được sinh thành; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, đối với cái được sinh thành. Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn.
Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt với một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, vị ấy thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt.
Như vậy, này Sàriputta, là bậc hữu học.
10) Và này Sàriputta, như thế nào là thuần thục pháp hữu vi? Này Sàriputta, cái này được sinh thành, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Cái này được sinh thành; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ.
Vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn, đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ.
Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt, vị ấy thấy như chơn với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành phải bị đoạn diệt; sau khi thấy như chơn với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt, vị ấy được giải thoát không có chấp thủ.
Như vậy, này Sàriputta, là thuần thục pháp hữu vi.
11) Như vậy, này Sàriputta, như đã được nói trong kinh Paràyana, đoạn các câu hỏi của Ajita, có bài:
Thuần thục pháp hữu vi,
Ở đây nhiều hữu học,
Trí tuệ những vị ấy,
Trong uy nghi của họ,
Hãy đáp lời ta hỏi,
Nói lên, này Thân hữu!
Này Sàriputta, lời nói tóm tắt này cần hiểu ý nghĩa một cách, rộng rãi như vậy.
II. Kalàra (S.ii,50)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
I
2) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya (dòng Sát-đế-lỵ) đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Này Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo Moliyaphagguna đã từ bỏ học tập và hoàn tục.
-- Vậy vị Tôn giả ấy, không tìm được sự an ủi trong Pháp và Luật này?
4) -- Vậy Tôn giả Sàriputta đã đạt được sự an ủi trong Pháp và Luật này?
-- Này Hiền giả, tôi không có nghi ngờ gì!
5) -- Này Hiền giả, còn đối với tương lai?
-- Tôi không có băn khoăn, này Hiền giả.
6) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:
-- Con được biết, bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta tuyên bố được chánh trí như sau: "Sanh đã tận; Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm; không còn trở lại trạng thái này nữa".
8) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:
-- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, gọi Sàriputta: "Hiền giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả".
9) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta: "Bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả".
10) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
II
11) Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi một bên:
-- Này Sàriputta, có đúng sự thật chăng là Ông có tuyên bố đã chứng được chánh trí: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"?
-- Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy.
12) -- Vậy với pháp môn nào, này Sàriputta, Thiện nam tử nói đến sự chứng đắc trí, lời tuyên bố cần phải được xem đúng như lời tuyên bố.
13) -- Bạch Thế Tôn, chính con đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy".
14) -- Nếu họ có hỏi Ông, này Sàriputta: "Ông biết như thế nào, này Sàriputta, Ông thấy như thế nào mà Ông tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa' ?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
15) -- Nếu họ có hỏi con, bạch Thế Tôn: "Hiền giả biết như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả thấy như thế nào mà tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta đã biết, sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
16) "Vì rằng này Hiền giả, trong (danh từ) tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi. Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong (danh từ) tận diệt, ta mới biết: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.' "
Ðược hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
17) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi như vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
18) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân... (như trên)... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
19) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
20) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Hữu lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
21) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, thủ lấy gì làm nhân... (như trên)..".
22-23) -- Và này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
24) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Này Hiền giả, ái lấy thọ làm nhân, lấy thọ tập khởi, lấy thọ tác sanh, lấy thọ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
25) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Làm sao, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
26) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
27) "Này Hiền giả, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này Hiền giả, ba cảm thọ này vô thường, khi biết được cái gì vô thường là khổ, thời cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại".
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
28) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ.
29) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
30) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
31) "Do tự giải thoát, chư Hiền giả, do đoạn diệt tất cả chấp thủ, ta sống an trú chánh niệm như vậy. Nhờ sống an trú chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy, và ta không chấp nhận tự ngã".
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
32) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Những cái gì được vị Sa-môn gọi là lậu hoặc, ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được ta diệt tận. Ta không còn phân vân gì nữa.
33) Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
III
34) Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi Thế Tôn đi chẳng lao lâu, liền bảo các Tỷ-kheo:
35) -- Này chư Hiền giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp. Nhưng này chư Hiền giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau:
36) "Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.
37) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác.
38) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác.
39) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn hai đêm hai ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn hai đêm hai ngày.
40) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn ba đêm ba ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn ba đêm ba ngày.
41) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bốn đêm bốn ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn bốn đêm bốn ngày.
42) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày.
43) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày.
44) Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn (phương tiện) sai khác".
IV
45) Rồi Tỷ-kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
46) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta đã rống lên tiếng rống con sư tử như sau: Này chư Hiền giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất, mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp. Nhưng này chư Hiền giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau: "Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác. Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm... cho đến trọn đêm và trọn ngày... cho đến trọn ba... trọn bốn..., cho đến trọn năm... trọn sáu... trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác".
47) -- Này các Tỷ-kheo, pháp giới ấy (Dhammadhàtu) được Sàriputta khéo thành đạt. Do khéo thành đạt pháp giới ấy, nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn ngày, với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Saụriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm và hai ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm hai ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả ba đêm ba ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến cả ba đêm ba ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn bốn đêm bốn ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến bốn đêm bốn ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày, Sàriputta có thể trả lời Ta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày. Nếu Ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác, Sàriputta có thể trả lời cho Ta về ý nghĩa ấy cho đến trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.
III. Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.15 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) (S.ii,56)
1)... Ở Sàvatthi.
2). .. Này các Tỷ-kheo. Ta sẽ thuyết về bốn mươi bốn căn bản của trí cho các Ông. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bốn mươi bốn căn bản của trí?
4) Già chết trí, già chết tập trí, già chết diệt trí, trí về con đường đưa đến già chết diệt.
5) Sanh trí, sanh tập trí, sanh diệt trí, trí về con đường đưa đến sanh diệt.
6) Hữu trí, hữu tập trí, hữu diệt trí, trí về con đường đưa đến hữu diệt.
7) Thủ trí, thủ tập trí, thủ diệt trí, trí về con đường đưa đến thủ diệt.
8) Ái trí, ái tập trí, ái diệt trí, trí về con đường đưa đến ái diệt.
9) Thọ trí, thọ tập trí, thọ diệt trí, trí về con đường đưa đến thọ diệt.
10) Xúc trí...
11) Sáu xứ trí...
12) Danh sắc trí...
13) Thức trí...
14) Hành trí, hành tập trí, hành diệt trí, trí về con đường đưa đến hành diệt.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bốn mươi bốn căn bản của trí.
15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc về chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị một diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vất bỏ; đây gọi là chết. Như vậy là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già chết.
16) Do sanh tập khởi nên già chết tập khởi. Do sanh diệt nên già chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già chết diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.
17) Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy.
18) Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai.
19) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ già chết, đã hiểu rõ già chết tập khởi, đã hiểu rõ già chết diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.
20) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ (abhijanissanti) già chết, sẽ hiểu rõ già chết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí (anvaye nànam) của vị ấy.
21) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử.
22) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh?...
23) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu?...
24) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ?...
25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái?...
26) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ?...
27) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc?...
28) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ?...
29) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc?...
30) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức?...
31) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo, thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
32) Do vô minh tập khởi, hành tập khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến hành diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.
33) Vì rằng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết hành như vậy, biết hành tập khởi như vậy, biết hành diệt như vậy, biết con đường đưa đến hành diệt như vậy. Ðây là pháp trí của vị ấy, vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập, hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ, tương lai.
34) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ các hành, đã hiểu rõ hành tập khởi, đã hiểu rõ hành diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt; tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.
35) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ các hành, sẽ hiểu rõ hành tập khởi, sẽ hiểu rõ hành diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy; như vậy, như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí của vị ấy.
36) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh, thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Thánh đệ tử đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy diệu pháp này, đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.
IV. Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.16 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) ( S.ii.59)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông bảy mươi bảy căn bản của trí. Hãy nghe và khéo tư niệm... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy mươi bảy căn bản của trí?
3) Trí biết rằng già chết do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời không có già, chết. Trí biết rằng trong quá khứ già chết cũng do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời không có già chết. Trí biết rằng trong tương lai già chết cũng do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời sẽ không có già chết. Phàm khi nào có trí về trú pháp, chỗ ấy cũng có trí tận pháp, hoại pháp, ly tham pháp, diệt pháp.
4) Trí biết rằng sanh do duyên hữu...
5) Trí biết rằng hữu do duyên thủ...
6) Trí biết rằng thủ do duyên ái...
7) Trí biết rằng ái do duyên thọ...
8) Trí biết rằng thọ do duyên xúc...
9) Trí biết rằng xúc do duyên sáu xứ...
10) Trí biết rằng sáu xứ do duyên danh sắc...
11) Trí biết rằng danh sắc do duyên thức...
12) Trí biết rằng thức do duyên hành...
13) Trí biết rằng hành do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời không có hành. Trí biết rằng trong quá khứ hành cũng do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời không có hành. Trí biết rằng trong tương lai hành cũng sẽ do duyên vô minh. Trí biết rằng không có vô minh thời sẽ không có hành. Phàm khi nào có trí về trú pháp, thời cũng có trí về tận pháp, hoại pháp, ly tham pháp, diệt pháp.
14) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy mươi bảy căn bản của trí.
V. Do Duyên Vô Minh (Tạp 14.17-8 Vô Minh Tăng, Ðại 2, 100a) (S.ii,60)
1) ... Trú ở Sàvatthi...
2) -- Này các Tỷ-kheo, do duyên vô minh có hành; do duyên hành có thức... như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là già chết? Và già chết này là của ai?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là già chết, và già chết này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Già chết là khác và người già và chết là khác", hai câu hỏi này nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên sanh nên có già chết".
4) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là sanh và sanh này là của ai?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là sanh, và sanh này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Sanh là khác và người sanh là khác", hai câu hỏi này có nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên hữu nên có sanh".
5) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là hữu và hữu này của ai?
Thế Tôn nói:
-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể hỏi: "Thế nào là hữu và hữu này của ai?", hay Ông có thể nói: "Hữu khác và người có hữu này khác", hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên thủ nên có hữu".
6) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là thủ và thủ này của ai?... (như trên)... "Do duyên ái nên có thủ".
7)... "Do duyên thọ nên có ái"
8)... "Do duyên xúc nên có thọ".
9)... "Do duyên sáu xứ nên có xúc".
10)... "Do duyên danh sắc nên có sáu xứ".
11)... "Do duyên thức nên có danh sắc".
12)... "Do duyên hành nên có thức".
13) -- Bạch Thế Tôn, thế nào là các hành, và các hành này là của ai?
Thế Tôn đáp:
-- Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?", hay này Tỷ-kheo, Ông có thể nói: "Các hành là khác và người có các hành này là khác", hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: "Do duyên vô minh nên có các hành". Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận (hý luận), dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.
14) Như câu hỏi: "Thế nào là già chết và già chết này là của ai?". Hay "Già chết là khác và người có già chết là khác?" hay "Sinh mạng và thân thể này là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác", tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho tương lai không thể sanh khởi. Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.
15) Như câu hỏi: "Thế nào là sanh và sanh này là của ai?". Hay "Sanh là khác và người có sanh là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác", tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến trong tương lai không thể sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.
16) Thế nào là hữu...
17) Thế nào là thủ...
18) Thế nào là ái...
19) Thế nào là thọ...
20) Thế nào là xúc...
21) Thế nào là sáu xứ...
22) Thế nào là danh sắc...
23) Thế nào là thức... Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào ... sẽ được đoạn tận.
24) Như câu hỏi: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?". Hay "Các hành là khác và người có các hành này là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác"; tất cả đều được đoạn tận cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho trong tương lai không thể sanh khởi.
VI. Do Duyên Vô Minh (S.ii,63)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, do duyên vô minh nên có các hành. Do duyên hành nên có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Thế nào là già chết và già chết này của ai?" Hay này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Già chết là khác và người có già chết là khác" hai câu này đồng một nghĩa, chỉ có văn sai khác. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng là khác, thân thể là khác", chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan ấy Như Lai thuyết pháp theo trung đạo, nói rằng: "Do duyên sanh có già chết.."..
4) Thế nào là sanh?...
5) Thế nào là hữu?...
6) Thế nào là thủ?...
7) Thế nào là ái?...
8) Thế nào là thọ?...
9) Thế nào là xúc?...
10) Thế nào là sáu xứ?...
11) Thế nào là danh sắc?...
12) Thế nào là thức?...
13) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?" Hay này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Các hành và người có các hành này khác", hai câu hỏi ấy đồng nghĩa, chỉ có văn sai khác. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo, nói rằng: "Do duyên vô minh, có các hành".
14) Do sự đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào...
15) Thế nào là sanh?...
16) Thế nào là hữu?...
17) Thế nào là thủ?...
18) Thế nào là ái?...
19) Thế nào là thọ?...
20) Thế nào là xúc?...
21) Thế nào là sáu xứ?...
22) Thế nào là danh sắc?...
23) Thế nào là thức?...
24) "Thế nào là hành và những hành này là của ai?" Hay "Các hành là khác và có ai có những hành này là khác", hay "Sinh mạng và thân thể là một", hay "Sinh mạng và thân thể là khác"; tất cả những loại liên hệ này được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho trong tương lai không thể sanh khởi.
VII. Không Phải Của Ông (Tạp 12.13, Phi Nhữ Sở Hữu, Ðại 2, 84a) (S.ii,64)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, thân thể này không phải của các Ông, không phải của người khác.
3) Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ.
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đa văn khéo léo chân chánh suy nghiệm định lý duyên khởi như sau:
5) "Cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt." Tức là do duyên vô minh có các hành. Do duyên hành có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở (Tạp 14.19, Tư Lường. Ðại 2,100a) (S.ii,65)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
3) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
IX. Tư Tâm Sở (Tạp 14.20 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, chúng ta tư lường, chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành (sở duyên) cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.
3) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ... ái... thủ... hữu... sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường nhưng có thầm ý, thời cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc.
5) Do duyên danh sắc nên có sáu xứ... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
6) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng nên danh sắc không hạ sanh. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
X. Tư Tâm Sở (Tạp 14.21 Tư Lường, Ðại 2, 100b) (S.ii,66)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, cái gì chúng ta tư lường, cái gì chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức an trú.
3) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về (hệ trước: nati). Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến tái sanh. Do có sự đi đến tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường, nhưng chỉ có thầm ý, thời cái ấy là sở duyên cho thức an trú. Do sự có mặt của sở duyên nên thức an trú.
5) Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về. Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến tái sanh. Do có sự đi đến tái sanh nên có từ bỏ và sanh khởi. Do có từ bỏ và sanh khởi, nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
6) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không có an trú.
7) Do thức ấy không an trú, không tăng trưởng nên không có thiên về, hướng về. Do không có thiên về, hướng về nên không có đi đến tái sanh. Do không có sự đi đến tái sanh nên không có từ bỏ và sanh khởi. Do không có từ bỏ và sanh khởi nên trong tương lai sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
V. Phẩm Gia Chủ - Thứ Năm
I. Năm Hận Thù Sợ Hãi (S.ii,68)
1) Trú ở Sàvatthi...
2) Rồi Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên :
3) -- Khi nào, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi, hận thù, khi nào được đầy đủ bốn Dự lưu chi, khi nào Thánh lý (nàya) nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy, vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn diệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".
4) Thế nào là năm sợ hãi, hận thù được nhiếp phục?
5) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sát sinh, vì duyên sát sinh đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sát sanh, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
6) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt lấy của không cho, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
7) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sống tà hạnh trong các dục vọng, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
8) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người nói láo, và duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt nói láo, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
9) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người đắm say rượu men, rượu nấu, và duyên đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Như vậy, năm sợ hãi, oán thù này được nhiếp phục.
II
10) -- Thế nào là bốn Dự lưu chi được đầy đủ?
11) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử đầy đủ lòng tin bất động, đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
12) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".
13) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh; tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời".
14) Vị ấy đầy đủ các giới đức, được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định, bốn Dự lưu chi này được đầy đủ.
15) Thế nào là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập?
16) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử khéo chánh tư duy định lý Duyên khởi như sau: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt".
17) Tức là do duyên vô minh có hành. Do duyên hành có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Ðây là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập.
18) Này Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù này, khi nào đầy đủ bốn Dự lưu chi này, khi nào Thánh lý này nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn diệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".
II. Năm Sợ Hãi Hận Thù (S.ii,70)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... (như trên)... Thế Tôn nói như sau:
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù, đầy đủ bốn Dự lưu chi, và khi nào Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, khi ấy vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục... (như trên)... Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".
Thế nào là năm sợ hãi hận thù được nhiếp phục?
Này các Tỷ-kheo, sợ hãi hận thù do người sát sanh... này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người lấy của không cho...
Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người sống tà hạnh trong các dục...
Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người nói láo...
Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi, hận thù do người đắm say rượu men, rượu nấu...
Như vậy, năm sợ hãi, hận thù này được nhiếp phục.
4) Thế nào là bốn Dự lưu chi được đầy đủ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đối với Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy đầy đủ các giới đức được bậc Thánh quý mến...
Như vậy, bốn Dự lưu chi này được đầy đủ.
5) Thế nào là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo chánh tư duy định lý Duyên khởi như sau:... Ðây là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập.
6) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Thánh đệ tử nhiếp phục được năm sợ hãi hận thù, được đầy đủ bốn Dưu lưu chi, Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập, vị ấy nếu muốn, có thể tự mình tuyên bố cho mình: "Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn điệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".
III. Khổ. (S.ii,71)
1) ... Trú Tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng sự tập khởi và sự đoạn diệt của khổ. Hãy nghe...
I
3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?
4) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.
5) Do duyên tai và các tiếng...
6) Do duyên mũi và các hương...
7) Do duyên lưỡi và các vị...
8) Do duyên thân và các xúc...
9) Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ tập khởi.
II
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
11) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt.
12) Do duyên lỗ tai và các tiếng, nên nhĩ thức sanh khởi...
13) Do duyên mũi và các hương, nên tỷ thức sanh khởi...
14) Do duyên lưỡi và các vị nên thiệt thức sanh khởi...
15) Do duyên thân và các xúc nên thân xúc sanh khởi...
16) Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
17) Này các Tỷ-kheo, đây là khổ đoạn diệt.
IV. Thế Giới (S.ii,73)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế giới. Hãy nghe...
I
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?
4) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Ðây là thế giới tập khởi.
5) Do duyên lỗ tai và các tiếng...
6) Do duyên lỗ mũi và các hương...
7) Do duyên lưỡi và các vị...
8) Do duyên thân và các xúc...
9) Do duyên ý với các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ... Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tập khởi của thế giới.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?
11) Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Ðây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Ðây là thế giới đoạn diệt.
12) Do duyên lỗ tai và các tiếng...
13) Do duyên lỗ mũi và các hương...
14) Do duyên lưỡi và các vị...
15) Do duyên thân và các xúc...
16) Do duyên ý và các pháp, ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Ðây là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
17) Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới đoạn diệt.
V. Nàtika (S.ii,84)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Nàtika, trong căn nhà gạch.
2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tọa tuyên thuyết pháp môn này:
3) -- Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4) Do duyên lỗ tai và các tiếng...
5) Do duyên lỗ mũi và các hương...
6) Do duyên lưỡi và các vị...
7) Do duyên thân và các xúc...
8) Do duyên ý và các pháp nên ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
9) Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
10) Do duyên lỗ tai và các tiếng...
11) Do duyên lỗ mũi và các hương...
12) Do duyên lưỡi và các vị...
13) Do duyên thân và các xúc...
14) Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
II
15) Lúc bấy giờ, một vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm Thế Tôn.
16) Thế Tôn thấy vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm.
17) Sau khi thấy, Thế Tôn nói với vị Tỷ-kheo ấy:
-- Này Tỷ-kheo, Ông có nghe pháp môn này không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
18) -- Này Tỷ-kheo, Ông hãy học pháp môn này. Này Tỷ-kheo, Ông hãy học thuộc lòng pháp môn này. Này Tỷ-kheo, pháp môn này liên hệ đến mục đích và căn bản Phạm hạnh.
VI. Một Vị (Bà-La-Môn) (Tạp 12.18 Tha, Ðại 2,85c) (S.ii,75)
1) ... Trú Tại Sàvatthi.
2) Rồi một vị Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu bèn ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động là người cảm thọ?
-- Này Bà-la-môn, người hành động là người cảm thọ, ấy là một cực đoan.
4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động khác, người cảm thọ khác?
-- Người hành động khác, và người cảm thọ khác, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
5) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
6) Khi được nói vậy, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
VII. Jànussoni (S.ii,76)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm...
Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
3) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?
-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, ấy là một cực đoan.
4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?
-- Này Bà-la-môn tất cả đều không có, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
5) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh ấy một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
6) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!...
VIII. Thuận Thế Phái (S.ii,77)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi một Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế đi đến Thế Tôn...
Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:
3) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?
-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, là chấp kiến thứ nhất của thế gian.
4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?
-- Tất cả đều không có, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ hai của thế gian.
5) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là một?
-- Tất cả đều là một, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ ba của thế gian.
6) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là nhiều?
-- Tất cả đều là nhiều, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ tư của thế gian.
Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo.
7) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
8) Khi nghe nói vậy, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!... con xin trọn đời quy ngưỡng.
IX. Thánh Ðệ Tử (Tạp 14,8 Thánh đệ tử. Ðại 2,98b) (S.ii,77)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, cái gì hiện hữu? Do cái gì sanh khởi, cái gì sanh khởi? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu? Do cái gì có mặt, sáu xứ hiện hữu? Do cái gì có mặt, xúc hiện hữu? Do cái gì có mặt, thọ hiện hữu? Do cái gì có mặt, ái hiện hữu? Do cái gì có mặt, thủ hiện hữu? Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Do cái gì có mặt, sanh hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu?"
3) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên người khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc... Do duyên sanh nên có già chết. Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự sanh khởi của thế giới này".
4) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, cái gì không hiện hữu? Do cái gì diệt, cái gì diệt? Do cái gì không có mặt, hành không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, danh sắc không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, sáu xứ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, xúc không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thọ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, ái không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thủ không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, hữu không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?".
5) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên theo người khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu. Do các hành không có mặt, thức không hiện hữu. Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do danh sắc không có mặt, sáu xứ không hiện hữu. Do sáu xứ không có mặt, xúc không hiện hữu. Do xúc không có mặt, thọ không hiện hữu. Do thọ không có mặt, ái không hiện hữu. Do ái không có mặt, thủ không hiện hữu. Do thủ không có mặt, hữu không hiện hữu. Do hữu không có mặt, sanh không hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự đoạn diệt của thế giới này.
6) Và này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế gian như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử này được gọi là kiến đạt... (như trên)... đã đứng gõ cửa bất tử.
X. Thánh Ðệ Tử (S.ii,79)
1) ... Tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, cái gì hiện hữu? Do cái gì sanh khởi, cái gì sanh khởi? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì có mặt, thức hiện hữu? Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu? Do cái gì có mặt, sáu xứ hiện hữu? Do cái gì có mặt, xúc hiện hữu? Do cái gì có mặt, thọ hiện hữu? Do cái gì có mặt, ái hiện hữu? Do cái gì có mặt, thủ hiện hữu? Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Do cái gì có mặt, sanh hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu?".
3) Rồi này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên một ai khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do vô minh có mặt, hành hiện hữu. Do hành có mặt, thức hiện hữu. Do thức có mặt, danh sắc hiện hữu. Do danh sắc có mặt, sáu xứ hiện hữu. Do sáu xứ có mặt, xúc hiện hữu. Do xúc có mặt, thọ hiện hữu. Do thọ có mặt, ái hiện hữu. Do ái có mặt, thủ hiện hữu. Do thủ có mặt, hữu hiện hữu. Do hữu có mặt, sanh hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự sanh khởi của thế giới này.
4) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, cái gì không hiện hữu? Do cái gì diệt, cái gì diệt? Do cái gì không có mặt, các hành không hiện hữu? Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu... (như trên)... Do cái gì không có mặt, già, chết không hiện hữu?"
5) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không duyên một ai khác, ở đây có trí như sau: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu? Do cái này diệt, cái kia diệt. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu. Do các hành không có mặt, thức không hiện hữu. Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do danh sắc không có mặt, sáu xứ không hiện hữu. Do sáu xứ không có mặt, xúc không hiện hữu... (như trên)... Do sanh không có mặt, già, chết không hiện hữu". Vị ấy hiểu biết như vậy. Như vậy là sự đoạn diệt của thế giới này.
6) Vì rằng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của thế giới này như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là kiến đạt, vị ấy thấy diệu pháp này, vị ấy đầy đủ trí của bậc hữu học, vị ấy đầy đủ minh của bậc hữu học, đã nhập được Pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, là vị đã đứng gõ cửa bất tử.
VI. Phẩm Cây
I. Tư Lường (Tạp 12.10, Ðại 2,82c) (S.ii,80)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tư lường, phải tư lường như thế nào để chơn chánh diệt khổ một cách trọn vẹn?
-- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm điểm tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
4) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
5) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đang tư lường, tư lường như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết; sự đau khổ này lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?"
6) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết, sự đau khổ này lấy sanh làm nhân, lấy sanh làm tập khởi, lấy sanh làm tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu".
7) Và vị ấy biết già chết, biết già chết tập khởi, biết già chết đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành.
8) Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt già chết.
9) Tư lường thêm nữa, vị ấy tư lường như sau: "Còn hữu này, do cái gì làm nhân? Còn thủ này, do cái gì làm nhân? Còn ái này, do cái gì làm nhân? Còn thọ này, do cái gì làm nhân? Còn xúc này... Còn sáu xứ này... Còn danh sắc này... Còn thức này... Còn các hành này, do cái gì làm nhân, cái gì tập khởi, cái gì tác sanh, cái gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì không có mặt các hành không hiện hữu?"
10) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Các hành lấy vô minh làm nhân, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm tác sanh, lấy vô minh làm hiện hữu. Do vô minh có mặt, các hành hiện hữu. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu".
11) Và vị ấy biết các hành, biết các hành tập khởi, biết các hành đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến các hành đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt các hành.
12) Này các Tỷ-kheo, nếu người nào bị vô minh chi phối, dự tính làm phước hành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy) đi đến bất động.
13) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đoạn tận vô minh, minh được sanh khởi. Vị ấy do vô minh đoạn tận, minh sanh khởi, không dự tính làm phước hành, không dự tính làm phi phước hành, không dự tính làm bất động hành.
14) Không có dự tính, không có dụng ý, vị ấy không chấp thủ một sự gì ở đời. Không chấp thủ, vị ấy không sợ hãi. Không sợ hãi, vị ấy hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
15) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy biết lạc thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết khổ thọ vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ.
16) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly (visannutto).
17) Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".
18) Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần, và các miếng sành vụn được gạt bỏ một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".
19) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc có dự tính làm các phước hành, hay có dự tính làm các phi phước hành, hay có dự tính làm các bất động hành?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
20) -- Hay nếu các hành không có mặt một cách trọn vẹn, do các hành đoạn diệt, thời thức có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Hay nếu thức không có mặt một cách trọn vẹn, do thức đoạn diệt, thời danh sắc có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Hay nếu danh sắc không có mặt một cách trọn vẹn, do danh sắc đoạn diệt, thời sáu xứ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
23) -- Hay nếu sáu xứ không có mặt một cách trọn vẹn, do sáu xứ đoạn diệt, thời xúc có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
24) -- Hay nếu xúc không có mặt một cách trọn vẹn, do xúc đoạn diệt, thời thọ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
25) -- Hay nếu thọ không có mặt một cách trọn vẹn, do thọ đoạn diệt, thời ái có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
26) -- Hay nếu ái không có mặt một cách trọn vẹn, do ái đoạn diệt, thời thủ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
27) -- Hay nếu thủ không có mặt một cách trọn vẹn, do thủ đoạn diệt, thời hữu có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
28) -- Hay nếu hữu không có mặt một cách trọn vẹn, do hữu đoạn diệt, thời sanh có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
29) -- Hay nếu sanh không có mặt một cách trọn vẹn, do sanh đoạn diệt, thời già chết có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
30) -- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Phải là như vậy, này các Tỷ-kheo! Không thể khác vậy. Hãy tin ở Ta, này các Tỷ-kheo! Hãy quyết định, chớ có nghi ngờ, chớ có phân vân! Ðây là khổ được đoạn tận.
II. Thủ (Tạp 12.4 Thủ, Ðại 2,80b) (S.ii,84)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống, thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ (upàdàniyadhammà), ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ có mặt. Do duyên thủ nên hữu có mặt. Do duyên hữu nên sanh có mặt. Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một đống lửa lớn làm bằng mười xe củi, hay hai mươi xe củi, hay ba mươi xe củi, hay bốn mươi xe củi đang cháy đỏ. Tại đây có người thỉnh thoảng ném cỏ khô vào, và ném củi khô vào. Này các Tỷ-kheo, như vậy đống lửa lớn ấy được nuôi dưỡng, được tiếp tế, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một đống lửa lớn làm bằng mười xe củi, hay hai mươi xe củi, hay ba mươi xe củi, hay bốn mươi xe củi đang cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng ném cỏ khô vào, hay phân khô, hay củi khô vào. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đống lửa lớn ấy do nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt, do nhiên liệu khác không được đem lại, không được nuôi dưỡng, bị tắt.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
III. Kiết Sử (Tạp 12.3, Phật Phước, Ðại 2,79c) (S.ii,86)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ có mặt. Do duyên thủ nên hữu có mặt. Do duyên hữu nên sanh có mặt. Do duyên sanh nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đây có người thỉnh thoảng rót dầu thêm và khơi tim lên. Này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng rót thêm dầu vào và không khơi tim lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngọn đèn ấy do nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt và do nhiên liệu khác không được đem thêm, không được nuôi dưỡng, sẽ bị tắt.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
IV. Kiết Sử (S.ii,87)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể cháy đỏ trong một thời gian dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như duyên dầu và duyên tim, ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Tại đấy không có người thỉnh thoảng rót thêm dầu và khơi tim lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngọn đèn dầu ấy do chính nhiên liệu được tiếp tế trước tiêu diệt, do nhiên liệu khác không được đem thêm, không được nuôi dưỡng, sẽ bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. .. (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
V. Cây Lớn (Tạp 12,2 Ðại Thọ, Ðại 2,79b) (S.ii,87)
1) ... Trú tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm sâu xuống dưới và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều đem lên nhựa sống cho cây ấy. Này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
5) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn cho đến các rễ con, các rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt cây thành từng khúc, người ấy bửa, sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy được sự nguy hiểm trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VI. Cây Lớn (S.ii,88)
1) ... Trú tại Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ví như có một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm sâu xuống dưới và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều đem lên nhựa sống cho cây ấy. Này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái nên thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ các rễ lớn... (như trên)... hay đổ tro vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho cây ấy không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VII. Cây Non (Tạp 12,1 Chủng Thọ, Ðại 2, 79a) (S.ii.89)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ được sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người thỉnh thoảng vun xới các rễ, thỉnh thoảng bỏ thêm phân, thỉnh thoảng tưới thêm nước. Này các Tỷ-kheo, cây non ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây non, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ của cây ấy, sau khi chặt đứt, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc. Sau khi chặt từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa nắng và gió, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn hay đổ tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây non ấy, rễ bị cắt đứt, làm thành như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp kiết sử, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VIII. Danh Sắc (S.ii, 90)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) ... Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm thẳng xuống dưới và đâm ngang ra, tất cả rễ ấy đem lên nhựa sống. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể được đứng vững trong một thời gian dài.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi... (như trên)...
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có một người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... Trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, danh sắc không có sanh khởi. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
IX. Thức (S.ii, 91)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức, nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, rễ của các cây ấy... (như trên)...
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
5) Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không sanh. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, ví như một cây lớn, có người đến, cầm cái cuốc và cái giỏ... (như trên)... trong tương lai không thể sống lại được.
7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không có sanh khởi. Do thức diệt nên danh sắc diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
X. Nhân (S.ii, 92)
1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammàsadamma.
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, sâu xa thay là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Nhưng đối với con định lý ấy có vẻ rõ ràng, minh bạch!
4) -- Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Sâu xa thay, này Ananda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ananda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập pháp này mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
5) Này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, hữu có mặt. Do duyên hữu, sanh có mặt. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
6) Này Ananda, ví như một cây lớn, các rễ của cây ấy đâm xuống và đâm ngang, tất cả rễ ấy đều hút lên nhựa sống cho cây ấy. Này Ananda, cây lớn ấy được nuôi dưỡng như vậy, được tiếp tế như vậy, có thể đứng vững trong một thời gian dài.
7) Cũng vậy, này Ananda, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ, ái được tăng trưởng. Do duyên ái, thủ có mặt. Do duyên thủ, hữu có mặt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
8) Này Ananda, ai sống thấy sự tai hại trong các pháp chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
9) Này Ananda, ví như một cây lớn, rồi có người đi đến, cầm cái cuốc và cái giỏ. Người ấy chặt đứt rễ cây ấy. Sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào một cái mương. Sau khi đào mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con, rễ phụ. Người ấy chặt cây ấy ra từng khúc. Sau khi chặt ra từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ ra từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ ra từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng. Sau khi phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun lại thành đống tro. Sau khi vun lại thành đống tro, hoặc người ấy sàng trong gió lớn hay đổ vào dòng nước chảy mạnh để nước cuốn đi. Như vậy, này Ananda, cây lớn ấy sẽ bị chặt đứt, làm thành như cây ta-la, không thể nào tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.
10) Như vậy, này Ananda, ai sống thấy tai hại trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
VII. Ðại Phẩm Thứ Bảy
I. Hạng Người Ít Nghe (Tạp 12.7 Vô Văn, Ðại 2, 81c)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát thân do bốn đại tạo thành này.
3) Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì họ thấy được cái thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả.
Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
5) Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
6) Này các Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.
7) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
8) Này các Tỷ-kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt". Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi. Do duyên hành, thức sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
10) Do đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
11) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết được: "Ta giải thoát", vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Hạng Người Ít Nghe (Tạp 12,8 Vô Văn, Ðại 2, 82a) (S.ii,95)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, có thể viễn ly, có thể giải thoát đối với cái thân do bốn đại tạo thành này.
3) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì họ thấy thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây, kể vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
5) Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Do vậy, ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
6) Này các Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này, xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.
7) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt".
9) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy được chấm dứt.
10) Này các Tỷ-kheo do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ, nên khổ thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ ấy diệt, nên khổ thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến khổ thọ ấy diệt, khổ thọ ấy chấm dứt.
11) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do hai khúc cây cọ xát hòa hợp nên sức nóng được sanh, lửa được khởi lên. Do hai khúc cây ấy xa lìa tách biệt, nên sức nóng ấy đoạn diệt, sức nóng ấy chấm dứt.
13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ nên lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy chấm dứt.
14) Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ...
15) Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ ấy được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
16) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với xúc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên, biết rằng: "Ta đã giải thoát", vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".
III. Thịt Ðứa Con (Tạp 15.11 Tử Nhục, Ðại 2, 102b) (S.ii,97)
1) ...Ở Sàvatthi.
2) ...Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay chúng sanh.
3) Thế nào là bốn? Ðoàn thực hoặc thô, hoặc tế; thứ hai là xúc thực; thứ ba là tư niệm thực; thứ tư là thức thực.
Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
4) Và này các Tỷ-kheo, đoàn thực cần phải nhận xét như thế nào?
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực đi qua một quãng đường hoang dã, với một đứa con khả ái, thương mến.
6) Rồi này các Tỷ-kheo, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít ỏi ấy đi đến hao mòn, khánh tận. Và một vùng hoang vu còn lại chưa được họ vượt qua.
7) Rồi này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng người ấy suy nghĩ: "Ðồ lương thực ít ỏi của chúng ta đã bị hao mòn, khánh tận; còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua; vậy chúng ta hãy giết đứa con một, khả ái, dễ thương này, làm thành thịt khô và thịt ướp, ăn thịt đứa con và vượt qua vùng hoang vu còn lại này, chớ để tất cả ba chúng ta đều bị chết hại".
8) Rồi hai vợ chồng ấy giết đứa con một, khả ái, dễ thương ấy, làm thịt khô và thịt ướp, ăn thịt người con và vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy. Họ vừa ăn thịt con, vừa đập ngực, than khóc: "Ðứa con một ở đâu? Ðứa con một ở đâu?"
9) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Họ ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay họ ăn món ăn để tham đắm? Hay họ ăn món ăn để trang sức? Hay họ ăn món ăn để béo tốt?
-- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.
10) -- Có phải họ ăn các món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
11) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói đoàn thực cần phải nhận xét như vậy. Này các Tỷ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này.
12) Và này các Tỷ-kheo, xúc thực cần phải nhận xét như thế nào?
13) Này các Tỷ-kheo, ví như một con bò cái bị lở da, nếu nó đứng dựa vào tường, thời các sanh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó đứng dựa vào cây, thời các sanh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sanh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sanh vật giữa hư không cắn nó. Này các Tỷ-kheo, con bò cái ấy đứng dựa vào chỗ nào, thời các sanh vật trong các chỗ ấy cắn nó. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói xúc thực cần phải được nhận xét.
14) Này các Tỷ-kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
15) Và này các Tỷ-kheo, tư niệm thực cần phải nhận xét như thế nào?
16) Này các Tỷ-kheo, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, chán ghét khổ. Rồi hai người lực sĩ đi đến, nắm chặt hai cánh tay người ấy, kéo người ấy đến hố than hừng ấy. Này các Tỷ-kheo, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa hố than hừng ấy.
17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy chỉ nghĩ như sau: "Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên ấy, ta đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tư niệm thực cần phải nhận xét.
18) Này các Tỷ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
19) Và này các Tỷ-kheo, thức thực cần phải nhận xét như thế nào?
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt một người ăn trộm, một người phạm tội, dẫn đến vua và thưa: "Thưa Ðại vương, người này là người ăn trộm, một người phạm tội. Hãy trừng phạt người ấy nếu như Ngài muốn". Vị vua nói như sau về người ấy: "Các Ông hãy đi và đánh người này với một trăm hèo vào buổi sáng". Và họ đánh người ấy với một trăm hèo vào buổi sáng.
21) Rồi vị vua vào buổi trưa nói: "Này các Ông, người ấy như thế nào?" -- "Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống". Rồi vua nói về người ấy: "Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi trưa". Và họ đánh người ấy một trăm hèo vào buổi trưa.
22) Rồi vị vua vào buổi chiều nói: "Này các Ông, người ấy như thế nào?" -- "Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống". Rồi vua nói về người ấy: "Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi chiều".
23) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy trong ngày bị đánh đến ba trăm hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu không?
-- Bạch Thế Tôn, chỉ bị đánh một hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đánh đến ba trăm hèo!
24) -- Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói thức thực cần phải nhận xét.
25) Này các Tỷ-kheo, khi thức thực đựơc hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa.
IV. Có Tham (Tạp 15.12-4. Ðại 2,102c) (S.ii,101)
1) ...Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sanh của các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
3) Thế nào là bốn? Ðoàn thực thô hoặc tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư.
Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
5) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực... (như trên)...
6) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực...
7) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một người thợ vẽ. Nếu có thuốc nhuộm hay sơn màu nghệ, màu xanh, hay màu đỏ, có một tấm bảng khéo đánh bóng, một bức tường hay tấm vải, có thể phác họa hình người đàn bà hay người đàn ông có đầy đủ chân tay.
9) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức an trú, tăng trưởng chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
10) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
11) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với niệm thực...
12) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
13) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
14) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
15) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực ...
16) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
17) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có mái hay một dãy hành lang có mái, có cửa sổ phía Bắc, phía Nam, hay phía Ðông. Khi mặt trời mọc lên, ánh sáng ngang qua cửa sổ chiếu vào, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu vào tường phía Tây.
18) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có tường phía Tây, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu trên đất.
19) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có đất, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu trên nước.
20) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có nước, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, không có chiếu ở đâu cả.
21) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực không có tham, không có hỷ, không có ái...
22) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
23) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực...
24) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú. Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
V. Thành Ấp (Tạp 12.5, Ðại 2,80b) (Tăng 384, Ðại 2) (S.ii,104)
1) ...Tại Sàvatthi.
2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết".
3) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: " Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì, già chết sanh khởi?"
4) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già chết hiện hữu. Do duyên sanh, nên già chết sanh khởi".
5) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Thủ hiện hữu ? Ái hiện hữu ? Thọ hiện hữu? Xúc hiện hữu? Sáu xứ hiện hữu? Danh sắc hiện hữu? Do duyên cái gì, danh sắc sanh khởi?"
6) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức có mặt nên danh sắc hiện hữu. Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi".
7) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thức hiện hữu. Do duyên cái gì, thức sanh khởi?"
8) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau : "Do danh sắc có mặt nên thức hiện hữu. Do duyên danh sắc nên thức sanh khởi".
9) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Thức này trở lui, không đi xa hơn danh sắc. Xa đến như vậy, chúng ta bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, bị tái sanh, nghĩa là do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi..". Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
10) "Tập khởi, tập khởi". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
11) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu? Do cái gì diệt, già chết diệt?"
12) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh không có mặt, nên già chết không hiện hữu. Do sanh diệt, nên già chết diệt".
13) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: " Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Hữu không hiện hữu? Thủ không hiện hữu? Ái không hiện hữu? Thọ không hiện hữu? Xúc không hiện hữu? Sáu xứ không hiện hữu? Danh sắc không hiện hữu? Do cái gì diệt, danh sắc diệt?"
14) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do thức diệt nên danh sắc diệt".
15) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thức diệt ?"
16) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc không có mặt, thức không hiện hữu. Do danh sắc diệt nên thức diệt".
17) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Ta đã chứng đắc con đường này đưa đến giác ngộ, tức là do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. ..(như trên)...Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt".
18) "Ðoạn diệt, đoạn diệt". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
19) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người khi đi qua một khu rừng, một chặng núi, thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Người ấy đi theo con đường ấy, trong khi đi theo con đường ấy, người ấy thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao với thành lũy đẹp đẽ.
20) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy báo cáo với vua hay vị đại thần: "Chư tôn hãy biết, trong khi đi ngang một khu rừng, một chặng núi, tôi thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao, với thành lũy đẹp đẽ. Thưa các Tôn giả, hãy xây dựng lại ngôi thành ấy".
21) Rồi này các Tỷ-kheo, vị vua hay vị đại thần cho xây dựng lại ngôi thành ấy. Và ngôi thành ấy, sau một thời gian lớn lên và trở thành một thành phố phồn vinh, thịnh vượng, đông đúc, tràn đầy người ở.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua.
22) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định. Con đường ấy, này các Tỷ-kheo, là con đường cũ, đạo lộ cũ do các bậc Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ già chết; Ta thấy rõ già, chết tập khởi; Ta thấy rõ già chết đoạn diệt; Ta thấy rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt.
23-31) Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy; Ta thấy rõ sanh... Ta thấy rõ hữu... Ta thấy rõ thủ... Ta thấy rõ ái... Ta thấy rõ thọ... Ta thấy rõ xúc... Ta thấy rõ sáu xứ... Ta thấy rõ danh sắc... Ta thấy rõ thức...
32) Ta đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ các hành; Ta thấy rõ các hành tập khởi; Ta thấy rõ các hành đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt.
33) Cái được Ta biết rõ, Ta đã tuyên bố cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ được biết. Này các Tỷ-kheo, tức là Phạm hạnh này, phồn vinh, thịnh vượng, quảng đại, chúng đa, người nhiều và được chư Thiên, loài Người khéo léo trình bày.
VI. Xúc Chạm, Biết Rõ (Tạp 12.9, Xúc Pháp. Ðại 2.82a) (S.ii,107)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn dân chúng Kuru tên là Kammàsadhamma.
2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: -- "Này các Tỷ-kheo". -- "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có nắm giữ với nội xúc hay không?
4) Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có nắm giữ, với nội xúc.
5) -- Này các Tỷ-kheo, nhưng Ông nắm giữ nội xúc như thế nào?
6) Tỷ-kheo ấy trả lời. Với câu trả lời, Tỷ-kheo ấy không làm tâm Thế Tôn thỏa mãn.
7) Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời. Bạch Thiện Thệ, nay đã đến thời Thế Tôn nói về nội xúc. Sau khi nghe, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
8) -- Vậy này Ananda, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
9) Thế Tôn nói như sau:
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi nắm giữ nội xúc, nắm giữ nội xúc như sau: "Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết; sự đau khổ này lấy cái gì làm nhân, hay lấy cái gì làm tập khởi, lấy cái gì làm tác sanh, lấy cái gì làm hiện hữu? Cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết như sau: "Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết. Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu. Do sanh y có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh y không có mặt, già chết không hiện hữu". Vị ấy biết già chết. Vị ấy biết già chết tập khởi. Vị ấy biết già chết đoạn diệt. Vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Và nhờ thực hành như vậy, vị ấy trở thành một vị tùy pháp hành.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã thực hành để diệt tận khổ đau, để đoạn diệt già chết một cách hoàn toàn.
10) Vị ấy lại nắm giữ thêm nội xúc và nắm giữ như sau: "Sanh y này lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Cái gì có mặt, sanh y hiện hữu? Cái gì không có mặt, sanh y không hiện hữu?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết được như sau: "Sanh y lấy ái làm nhân, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm tác sanh, lấy ái làm hiện hữu. Do ái có mặt, sanh y hiện hữu. Do ái không có mặt, sanh y không hiện hữu". Vị ấy biết sanh y, biết sanh y tập khởi, biết sanh y đoạn diệt, và biết con đường thích ứng đưa đến sanh y đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy được gọi là tùy pháp hành.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chơn chánh thực hành để tận diệt đau khổ và đoạn diệt sanh y một cách hoàn toàn.
11) Vị ấy lại nắm giữ thêm nội xúc và nắm giữ như sau: "Nhưng ái này, khởi lên tại chỗ nào được khởi lên, an trú tại chỗ nào được an trú?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết được như sau: "Tất cả những gì ở đời khả ái, hấp dẫn, khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy, ái được an trú. Và cái gì ở đời khả ái, hấp dẫn? Con mắt ở đời là khả ái, hấp dẫn khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy ái được an trú".
12) ... Lỗ tai ở đời là khả ái, hấp dẫn...
13) ... Lỗ mũi ở đời là khả ái, hấp dẫn...
14) ... Lưỡi ở đời là khả ái, hấp dẫn...
15) ... Thân ở đời là khả ái, hấp dẫn...
16) ... Ý ở đời là khả ái, hấp dẫn khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy, ái được an trú.
17) Này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ, là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, thấy là tự ngã, những người ấy làm ái tăng trưởng.
18) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
19) Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy sẽ làm ái tăng trưởng.
20) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy sẽ làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy sẽ làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ không có thể giải thoát khỏi đau khổ.
21) Này các Tỷ-kheo, những ai trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy làm ái tăng trưởng.
22) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
23) Này các Tỷ-kheo, ví như một bình bằng đồng, đựng nước uống có sắc, có hương, có vị và nước uống ấy có pha thuốc độc. Rồi một người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước và có những người nói với người ấy như sau: "Này Bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và bình nước uống ấy có pha thuốc độc. Nếu Bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, Bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, do nhân duyên ấy, Bạn có thể đi đến chết, hay đau khổ gần như chết". Người kia có thể uống bình nước bằng đồng ấy một cách hấp tấp không suy nghĩ, không từ bỏ. Người kia do nhân duyên ấy, có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết.
24) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ, là Sa-môn hay Bà-la-môn, phàm vật gì khả ái hấp dẫn ở đời...
25) ... Những ai trong tương lai...
26) Này các Tỷ-kheo, những ai trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy làm ái tăng trưởng.
27) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
28) Và này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, những người ấy từ bỏ ái.
Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy đã được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ đã giải thoát khỏi đau khổ.
29) Và này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, những người ấy sẽ từ bỏ ái.
30) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y... Ta nói họ có thể giải thoát khỏi đau khổ.
31) Còn những ai, này các Tỷ-kheo, trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ từ bỏ ái.
32) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy sẽ giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ sẽ giải thoát khỏi đau khổ.
33) Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước bằng đồng có sắc, có hương, có vị, nhưng bị pha thuốc độc. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Có những người nói với người ấy : "Này Bạn, bình nước bằng đồng này có sắc, có hương, có vị, nhưng bình nước uống ấy bị pha thuốc độc. Nếu Bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, Bạn sẽ thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, do nhân duyên ấy Bạn có thể đi đến chết, hay đau khổ gần như chết".
34) Và này các Tỷ-kheo, người ấy có thể suy nghĩ như sau: "Ở đây, ta có thể nhiếp phục khát nước này với uống rượu, hay nhiếp phục với ăn sữa đông (sanh tô), hay nhiếp phục với ngậm muối, hay nhiếp phục với cháo chua. Nhưng ta không có thể uống thứ này, nó khiến ta phải bất hạnh, đau khổ lâu dài". Người ấy sau khi suy nghĩ, không uống và từ bỏ thứ nước uống ấy. Do nhân duyên này, người ấy không đi đến chết, hay sự đau khổ gần như chết.
35) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những ai trong thời quá khứ là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là đau khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ đoạn trừ ái.
36) Những ai đoạn trừ ái, những người ấy đoạn trừ sanh y. Những ai đoạn trừ sanh y, những người ấy đoạn trừ đau khổ. Những ai đoạn trừ đau khổ, những người ấy được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ được giải thoát khỏi đau khổ.
37-38) Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai...
39) Những ai trong thời hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ từ bỏ ái.
40) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ được giải thoát khỏi đau khổ.
VII. Bó Lau (Tạp 12.6 Lô, Ðại 2,81a) (S.ii,112)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahàkotthita trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ) ở Migàdàya (rừng nai).
2) Rồi Tôn giả Mahàkotthita, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Này Hiền giả Sàriputta, già chết do tự mình tạo ra, già chết do người khác tạo ra, già chết do tự mình và do người khác tạo ra, hay già chết không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do tự nhiên sanh?
4) -- Này Hiền giả Kotthita, già chết không do tự mình tạo ra, già chết không do người khác tạo ra, già chết không do tự mình tạo ra và người khác tạo ra, già chết cũng không phải không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, không do tự nhiên sanh. Già chết do duyên sanh.
5) -- Này Hiền giả Sàriputta, có phải sanh do tự mình làm ra, sanh do người khác làm ra, sanh do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay sanh không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
6) -- Này Hiền giả Kotthita, sanh không do tự mình làm ra, sanh không do người khác làm ra, sanh không do tự mình làm ra và người khác làm ra, hay sanh cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, cũng không do tự nhiên sanh. Sanh do duyên hữu.
7-18) -- Này Hiền giả Sàriputta, hữu có phải do tự mình làm ra... thủ có phải do tự mình làm ra... ái có phải do tự mình làm ra... thọ có phải do tự mình làm ra... xúc có phải do tự mình làm ra... sáu xứ có phải do tự mình làm ra...
19) ... Danh sắc có phải do tự mình làm ra, danh sắc có phải do người khác làm ra, danh sắc có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc có phải không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
20) -- Này Hiền giả Kotthita, danh sắc không phải do tự mình làm ra, danh sắc không phải do người khác làm ra, danh sắc không phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức.
21) -- Này Hiền giả Sàriputta, có phải thức do tự mình làm ra, thức do người khác làm ra, thức do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay có phải thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
22) -- Này Hiền giả Kotthita, thức không do tự mình làm ra, thức không do người khác làm ra, thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, hay thức cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc.
23) -- Nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sàriputta như sau: "Này Hiền giả Kotthita, danh sắc không do tự mình làm ra, danh sắc không do người khác làm ra, danh sắc không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức".
24) Và nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sàriputta như sau: "Này Hiền giả Kotthita, thức không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, không do tự mình làm ra và người khác làm ra, cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc".
25) Này Hiền giả Sàriputta, cần phải hiểu như thế nào ý nghĩa lời nói này?
-- Vậy này Hiền giả, tôi sẽ nêu một ví dụ. Nhờ có ví dụ, người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.
26) Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này Hiền giả, do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này Hiền giả, nếu một bó lau được kéo qua một bên, bó lau kia liền rơi xuống. Nếu bó lau kia được kéo qua một bên, bó lau này được rơi xuống. Cũng vậy, này Hiền giả, do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt... (như trên)... như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
27) -- Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta! Thật hy hữu thay, Hiền giả Sàriputta! Lời nói khéo nói này của Hiền giả Sàriputta và lời nói với ba mươi sáu sự này của Hiền giả Sàriputta, chúng tôi xin tùy hỷ.
28) -- Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thuyết pháp để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt già chết, thời đủ để được gọi là vị Tỷ-kheo thuyết pháp. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thực hành để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, già chết, thời đủ để được gọi là Tỷ-kheo tùy pháp hành. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, vô minh được giải thoát, không có chấp thủ, thời đủ để được gọi vị Tỷ-kheo đã đạt được hiện tại Niết-bàn.
VIII. Kosambi (Tạp 14.9, Miệt-sư-la. Ðại 2,98c) (S.ii,115)
1) Một thời Tôn giả Musìla, Tôn giả Sàvittha, Tôn giả Nàrada, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, vườn Ghosità.
I
2) Rồi Tôn giả Sàvittha nói với Tôn giả Musìla:
-- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự hành tướng (àkàraparivitakkà), ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm (ditthinijjhànakhanti), Tôn giả Musìla tự mình có trí biết được: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi"?
3) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự hành tướng, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi có biết được, tôi có thấy được: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi".
4) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết được: "Do duyên hữu, nên sanh sinh khởi... (như trên)...
5) ... "Do duyên thủ nên hữu sanh khởi".
6) ... "Do duyên ái nên thủ sanh khởi".
7) ... "Do duyên thọ nên ái sanh khởi".
8) ... "Do duyên xúc nên thọ sanh khởi".
9) ... "Do duyên sáu xứ nên xúc sanh khởi".
10) ... "Do duyên danh sắc nên sáu xứ sanh khởi".
11) ... "Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi".
12) ... "Do duyên hành nên thức sanh khởi".
13) ... "Do duyên vô minh nên hành sanh khởi".
14) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết được, tôi thấy được: "Do duyên vô minh, các hành sanh khởi".
15) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài sự thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: "Do sanh diệt, nên già chết diệt"?
16) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do sanh diệt, nên già chết diệt".
17) -- Này Hiền giả Musàa, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: "Do hữu diệt, nên sanh diệt".
18-24)... "Do thủ diệt, nên hữu diệt... Do ái diệt, nên thủ diệt... Do thọ diệt, nên ái diệt... Do xúc diệt nên thọ diệt... Do sáu xứ diệt, nên xúc diệt... Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt... Do thức diệt, nên danh sắc diệt... Do hành diệt, nên thức diệt... Do vô minh diệt, nên hành diệt".
25) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do vô minh diệt, nên hành diệt"
26) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: " Do hữu diệt là Niết-bàn"?
27) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do hữu diệt là Niết-bàn".
28) -- Như vậy, Tôn giả Musìla là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc?.
29) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Musìla giữ im lặng.
II
30) Rồi Tôn giả Nàrada nói với Tôn giả Sàvittha:
-- Này Hiền giả Sàvittha, lành thay nếu tôi được hỏi câu này. Hãy hỏi tôi câu hỏi này, và tôi sẽ trả lời cho Hiền giả câu hỏi này.
31) -- Tôn giả Nàrada hãy lấy câu hỏi này. Tôi sẽ hỏi Tôn giả Nàrada câu hỏi này. Và Tôn giả Nàrada hãy trả lời cho tôi câu hỏi này.
32-57)... -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin... tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do hữu diệt là Niết-bàn".
58) -- Như vậy, Tôn giả Nàrada là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc?
59) -- Này Hiền giả, "Do hữu diệt là Niết-bàn", tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.
60) Ví như trên một con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có dây, không có gàu nước. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: "Giếng này có nước", nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước.
61) Cũng vậy, này Hiền giả, "Hữu diệt là Niết-bàn", tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ, nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.
III
62) Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Sàvittha:
-- Này Hiền giả Sàvittha, nói như vậy thời Hiền giả nói gì về Tôn giả Nàrada?
63) -- Này Hiền giả Ananda, nói như vậy, tôi không nói gì về Tôn giả Nàrada, ngoài sự tốt lành, ngoài sự tốt đẹp.
IX. Nước Thủy Triều Dâng (S.ii,118)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong vườn ông Anàthapindika.
2) Tại đây...
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi nào biển lớn dâng lên thời các sông lớn dâng lên; khi nào các sông lớn dâng lên thời các sông nhỏ dâng lên; khi nào các sông nhỏ dâng lên thời các hồ lớn dâng lên; khi nào các hồ lớn dâng lên thời các hồ nhỏ dâng lên.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào vô minh dâng lên thời các hành dâng lên; khi nào các hành dâng lên thời thức dâng lên; khi nào thức dâng lên thời danh sắc dâng lên; khi nào danh sắc dâng lên thời sáu xứ dâng lên; khi nào sáu xứ dâng lên thời xúc dâng lên; khi nào xúc dâng lên thời thọ dâng lên; khi nào thọ dâng lên thời ái dâng lên; khi nào ái dâng lên thời thủ dâng lên; khi nào thủ dâng lên thời hữu dâng lên; khi nào hữu dâng lên thời sanh dâng lên; khi nào sanh dâng lên thời già chết dâng lên.
5) Này các Tỷ-kheo, biển lớn không dâng lên thời sông lớn không dâng lên; sông lớn không dâng lên thời sông nhỏ không dâng lên; sông nhỏ không dâng lên thời hồ lớn không dâng lên; hồ lớn không dâng lên thời hồ nhỏ không dâng lên.
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh không dâng lên thời các hành không dâng lên; các hành không dâng lên thời thức không dâng lên; thức không dâng lên thời danh sắc không dâng lên; danh sắc không dâng lên thời sáu xứ không dâng lên; sáu xứ không dâng lên thời xúc không dâng lên; xúc không dâng lên thời thọ không dâng lên; thọ không dâng lên thời ái không dâng lên; ái không dâng lên thời thủ không dâng lên; thủ không dâng lên thời hữu không dâng lên; hữu không dâng lên thời sanh không dâng lên; sanh không dâng lên thời già chết không dâng lên.
X. Susìma (Tạp 14.5 Ðại 2,96b) (S.ii,119)
1) Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng con sóc.
I
2) Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và Ngài nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
3) Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và cũng nhận được các vật cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
4) Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, không được tôn trọng, không được kính lễ, không được cúng dường, không được tôn sùng và cũng không nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
II
5) Lúc bấy giờ du sĩ Susìma trú ở Ràjagaha cùng với đại chúng du sĩ.
6) Rồi hội chúng du sĩ của Susìma nói với du sĩ Susìma:
-- Thưa Hiền giả Susìma, ngài hãy đi đến và sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Sau khi ngài học Chánh pháp xong hãy nói lại cho chúng tôi. Sau khi chúng tôi học pháp ấy chúng tôi sẽ nói lại với các gia chủ. Như vậy chúng tôi sẽ được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và chúng tôi sẽ nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
7) -- Thưa vâng, các Hiền giả.
Du sĩ Susìma nghe theo hội chúng của mình, liền đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Ananda; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
III
8) Ngồi xuống một bên, du sĩ Susìma nói với Tôn giả Ananda:
-- Này Hiền giả Ananda, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này.
9) Rồi Tôn giả Ananda đưa du sĩ Susìma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
10) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, du sĩ Susìma này nói như sau: "Này Hiền giả Ananda, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này".
11) -- Vậy Ananda, hãy cho Susìma xuất gia.
12) Và du sĩ Susìma được xuất gia dưới sự chỉ đạo của Thế Tôn và được thọ đại giới.
13) Lúc bấy giờ nhiều vị Tỷ-kheo ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng tôi biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.' "
IV
14) Tôn giả Susìma được nghe: Nhiều Tỷ-kheo trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng tôi biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.'"
15) Rồi Tôn giả Susìma đi đến các Tỷ-kheo; sau khi đến nói lên với những Tỷ-kheo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
16) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Susìma nói với các Tỷ-kheo ấy:
-- Có đúng sự thật chăng, chư Tôn giả ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng con biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'"?
-- Thưa có vậy, này Hiền giả.
17) -- Nhưng, chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy chắc chứng được nhiều loại thần thông khác nhau: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ vào mặt trăng và mặt trời, những vật có oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
18) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, chứng được thiên nhĩ thông thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên và loài Người, xa và gần?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
19) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, với tâm của mình biết được tâm của các chúng sanh khác, các loài Người khác: Tâm có tham biết là tâm có tham; tâm không tham biết là tâm không tham; tâm có sân biết là tâm có sân; tâm không sân biết là tâm không sân; tâm có si biết là tâm có si; tâm không si biết là tâm không si; tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú; tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm; không phải đại hành tâm biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
20) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, nhớ được nhiều đời quá khứ. Như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, chư Tôn giả nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
21) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Chư Tôn giả biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, làm những ác hạnh về lời nói, những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, làm những thiện hạnh về lời nói, làm những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, các vị thấy sự sống chết của chúng sanh. Các vị biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
22) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, sau khi vượt khỏi Sắc giới, thân cảm xúc Vô sắc giới, an trú vào tịch tịnh giải thoát?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
23) -- Hay ở đây, có phải chư Tôn giả vừa trả lời như vậy, vừa không chứng được các pháp này?
24) --Này Hiền giả, không có chứng được gì.
25) -- Như thế nào?
-- Thưa Hiền giả Susìma, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.
26) -- Tôi không biết được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả. Lành thay nếu được chư Tôn giả nói lên cho tôi, để tôi có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả!
27) -- Này Hiền giả Susìma, dù cho Ông có biết hay Ông không biết, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.
V
28) Rồi Tôn giả Susìma từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
29) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Susìma trình bày lên Thế Tôn tất cả câu chuyện với các Tỷ-kheo ấy.
30) -- Này Susìma, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn.
31) -- Bạch Thế Tôn, con không hiểu được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn!
32) -- Này Susìma, dù cho Ông có biết hay Ông không có biết, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn. Này Susìma, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn?
33) -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi chúng ta quán vật ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
34) -- Thọ là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
35) -- Tưởng là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
36) -- Các hành là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
37) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chúng ta quán vật ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
38) -- Do vậy, này Susìma, cái gì thuộc sắc pháp quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp cần phải được quán như chơn như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
39) Cái gì thuộc thọ quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
40) Cái gì thuộc tưởng quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
41) Cái gì thuộc hành quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
42) Cái gì thuộc thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức cần phải quán như chơn với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
43) Này Susìma, thấy như vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Này Susìma, Ông có thấy chăng: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi"?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
44) ...
45) -- "Do duyên thủ, hữu sanh khởi?" Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
46) -- Này Susìma, Ông có thấy chăng: "Do duyên ái, thủ sanh khởi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
47) -- "Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, thọ sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên hành thức sanh khởi. Do duyên vô minh, hành sanh khởi". Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
48) -- "Do sanh diệt, già chết diệt", này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
49) -- "Do hữu diệt, nên sanh diệt", này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
50) -- "Do thủ diệt, nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt. Do thức diệt, nên danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt, nên hành diệt!". Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
51) -- Nhưng này, biết như vậy, thấy như vậy, Ông có chứng được các thần thông nhiều loại sai khác: Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
52) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, Ông có thể nghe hai loại tiếng, tiếng chư Thiên và tiếng loài Người, tiếng xa và tiếng gần?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
53) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với tâm của mình biết được tâm của chúng sanh sai khác, của loài Người sai khác. Với tâm có tham, Ông biết được tâm có tham... với tâm không giải thoát, Ông biết được là tâm không giải thoát; với tâm giải thoát, Ông biết được là tâm giải thoát?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
54) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, Ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác. Như một đời... (như trên)... Ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác cùng với các nét đại cương và các chi tiết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
55) -- Này Susìma, nhưng biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ông có thể thấy các chúng sanh chết đi sanh lại... Ông có thể biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
56) -- Này Susìma, nhưng biết như vậy, thấy như vậy, có phải sau khi vượt khỏi các sắc pháp, với thân cảm thọ vô sắc pháp Ông an trú với tịch tịnh giải thoát?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
57) -- Nay ở đây, này Susìma, với câu trả lời như vậy, với những pháp này không chứng được, này Susìma, có phải Ông không làm được điều này?
VI
58) Rồi Tôn giả Susìma cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Một tội lỗi con đã vi phạm, bạch Thế Tôn, vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện. Con đã xuất gia như một người ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo giảng này. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con tội lỗi này là một tội lỗi để con ngăn ngừa trong tương lai!
59) -- Này Susìma, thật sự Ông đã phạm tội, vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện, Ông đã xuất gia như người ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo giảng này.
60) Ví như, này Susìma, người ta bắt được một người ăn trộm, một người phạm tội, dắt đến cho vua và thưa: "Thưa Ðại vương, đây là người ăn trộm, người phạm tội. Ðại vương hãy gia phạt người ấy theo hình phạt nào như Ðại vương muốn". Vua ấy nói như sau: "Các Ông hãy đem người này, lấy dây thật chắc trói cánh tay người này thật chặt về phía sau, cạo đầu người ấy đi, dắt người ấy đi xung quanh trên một xe nhỏ với một cái trống, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam".
Những người kia vâng theo lời vua dạy, lấy dây thật chắc trói cánh tay người ấy thật chặt về phía sau, cạo trọc đầu, dắt người ấy đi xung quanh trên một xe nhỏ với một cái trống, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này tới ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và chặt đầu người ấy tại thành phía Nam.
61) Này Susìma, Ông nghĩ thế nào? Người ấy do nhân duyên như vậy có cảm thọ khổ ưu hay không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
62) -- Này Susìma, dù cho người ấy do nhân duyên như vậy cảm thọ khổ ưu, hay không cảm thọ khổ ưu, thời sự xuất gia với tư cách ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo thuyết này, do nhân duyên ấy phải rơi vào và chịu đựng khổ báo còn kịch liệt hơn và quả báo còn đau đớn hơn.
63) Này Susìma, Ông thấy phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ, nên Ta chấp nhận tội ấy cho Ông. Này Susìma, như vậy Luật của bậc Thánh được tăng trưởng, khi thấy được phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ để ngăn giữ trong tương lai.
VIII. Sa Môn, Bà La Môn: Phẩm Thứ Tám
71. I. Sa Môn, Bà La Môn (Tạp 14.12-3, Sa-môn, Bà-la-môn, Ðại 2,99b) (S.ii,129)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ở vườn ông Anàthapindika.
2) Ở đây Thế Tôn...
3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết già chết, không biết già chết tập khởi, không biết già chết đoạn diệt, không biết con đường đưa đến già chết đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, giữa các Sa-môn không được chấp nhận là Sa-môn, hay giữa các Bà-la-môn không được chấp nhận là Bà-la-môn; và những Tôn giả ấy không tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
4) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết già chết... (như trên)... biết con đường đưa đến già chết đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, giữa các Sa-môn được chấp nhận là Sa-môn, hay giữa các Bà-la-môn được chấp nhận là Bà-la-môn; và những Tôn giả ấy tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
72-80. (II-X).
... Trú ở Sàvatthi.
Họ không biết sanh...
Họ không biết hữu...
Họ không biết thủ...
Họ không biết ái...
Họ không biết thọ...
Họ không biết xúc...
Họ không biết sáu xứ...
Họ không biết danh sắc...
Họ không biết thức...
XI. (S.ii,130)
Họ không biết hành... Họ không biết hành tập khởi, họ không biết hành đoạn diệt, họ không biết con đường đưa đến hành đoạn diệt.... .. tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
IX. Trung Lược Phẩm
...Trú ở Sàvatthi.
I. Ðạo Sư... (S.ii,130)
1) -- Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết. Ðối với ai không như thật biết và thấy già chết tập khởi, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết tập khởi. Ðối với ai không như thật biết và thấy già chết đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết đoạn diệt. Ðối với ai không như thật biết và thấy con đường đưa đến già chết đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với con đường đưa đến già chết đoạn diệt.
2) Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy sanh...
3) Này các Tỷ-kheo,. .. không như thật biết và thấy hữu...
4) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thủ...
5) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy ái...
6) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thọ...
7) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy xúc...
8) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy sáu xứ...
9) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy danh sắc...
10) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thức...
11) Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy hành, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành. Ðối với ai không như thật biết và thấy các hành tập khởi, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành tập khởi. Ðối với ai không như thật biết và thấy các hành đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành đoạn diệt. Ðối với ai không như thật biết và thấy con đường đưa đến hành đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với con đường đưa đến các hành đoạn diệt.
II. Học Tập (Tạp 15.4 Tu Tập, Ðại 2,101b) (S.ii,131)
... Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải học tập để có như thật trí đối với già chết...(I.11)
III. Tu Tập (Yoga) (Tạp 15.5, Tam-ma-đề, Ðại 2,101b) (S.ii,131)
... Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải tu tập để có như thật trí đối với già chết...(I.11)
IV. Dục (S.ii,132)
... Dục cần phải thực hành...(I.11)
V. Nỗ Lực (S.ii,132)
... Nỗ lực cần phải thực hành...(I.11)
VI. Bất Thối Chuyển (S.ii,132)
... Bất thối chuyển cần phải thực hành...(I.11)
VII. Nhiệt Tâm (S.ii,132)
... Nhiệt tâm cần phải thực hành...(I.11)
VIII. Tinh Tấn (S.ii,132)
... Tinh tấn cần phải thực hành...(I.11)
IX. Kiên Trì (S.ii,132)
... Kiên trì cần phải thực hành...(I.11)
X. Chánh Niệm (S.ii,132)
... Chánh niệm cần phải thực hành...(I.11)
XI. Chánh Tri (S.ii,132)
... Chánh tri cần phải thực hành...(I.11)
XII. Không Phóng Dật (S.ii,132)
... Không phóng dật cần phải thực hành... (I.11)

PART II: The Book of Causation (Nidānavagga) - Chapter I. Nidā̄nasaṃyutta Connected Discourses on Causation

Translated by: Bhikkhu Boddhi

I. THE BUDDHAS
1 (1) Dependent Origination


Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, I will teach you dependent origination. Listen to that and
attend closely, I will speak.”–“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied.
The Blessed One said this:
“And what, bhikkhus, is dependent origination? With ignorance as condition, volitional formations [come to be];1 with volitional formations as condition, consciousness; with consciousness as condition, name-and- form; with name-and-form as condition, the six sense bases; with the six sense bases as condition, contact; with contact as condition, feeling; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging; with clinging as condition, existence; with existence as condition, birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering. This, bhikkhus, is called dependent origination.
“But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; [2] with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness; with the cessation of consciousness, cessation of name-and-form; with the cessation of name-and-form, cessation of the six sense bases; with the cessation of the six sense bases, cessation of contact; with the cessation of contact, cessation of feeling; with the cessation of feeling, cessation of craving; with the cessation of craving, cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence, cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
This is what the Blessed One said. Elated, those bhikkhus delighted in the Blessed One’s statement.
2 (2) Analysis of Dependent Origination
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you dependent origination and I will analyse it for you. Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is dependent origination? With ignorance as
condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations,
consciousness … (as in preceding sutta) … Such is the origin of this whole mass of suffering.
“And what, bhikkhus, is aging-and-death? The aging of the various beings in the various orders of beings, their growing old, brokenness of teeth, greyness of hair, wrinkling of skin, decline of vitality, degeneration of the faculties: this is called aging. [3] The passing away of the various beings from the various orders of beings, their perishing, breakup, disappearance, mortality, death, completion of time, the breakup of the aggregates, the laying down of the carcass: this is called death.2 Thus this aging and this death are together called aging-and-death.
“And what, bhikkhus, is birth? The birth of the various beings into the various orders of beings, their being born, descent [into the womb], production, the manifestation of the aggregates, the obtaining of the sense bases. This is called birth.3
“And what, bhikkhus, is existence? There are these three kinds of existence: sense-sphere existence, form-sphere existence, formless-sphere existence. This is called existence.4
“And what, bhikkhus, is clinging? There are these four kinds of clinging: clinging to sensual pleasures, clinging to views, clinging to rules and vows, clinging to a doctrine of self. This is called clinging.5
“And what, bhikkhus, is craving? There are these six classes of craving: craving for forms, craving for sounds, craving for odours, craving for tastes, craving for tactile objects, craving for mental phenomena. This is called craving.
“And what, bhikkhus, is feeling? There are these six classes of feeling: feeling born of eye-contact, feeling born of ear-contact, feeling born of nose-contact, feeling born of tongue-contact, feeling born of body-contact, feeling born of mind-contact. This is called feeling.
“And what, bhikkhus, is contact? There are these six classes of contact: eye-contact, ear-contact, nose-contact, tongue-contact, body-contact, mind- contact. This is called contact.
“And what, bhikkhus, are the six sense bases? The eye base, the ear base, the nose base, the tongue base, the body base, the mind base. These are called the six sense bases.
“And what, bhikkhus, is name-and-form? Feeling, perception, volition, contact, attention: this is called name. The four [4] great elements and the form derived from the four great elements: this is called form. Thus this name and this form are together called name-and-form.6
“And what, bhikkhus, is consciousness? There are these six classes of consciousness: eye-consciousness, ear-consciousness, nose-consciousness,
tongue-consciousness, body-consciousness, mind-consciousness. This is called consciousness.
“And what, bhikkhus, are the volitional formations? There are these three kinds of volitional formations: the bodily volitional formation, the verbal volitional formation, the mental volitional formation. These are called the volitional formations.7
“And what, bhikkhus, is ignorance? Not knowing suffering, not knowing the origin of suffering, not knowing the cessation of suffering, not knowing the way leading to the cessation of suffering. This is called ignorance.8
“Thus, bhikkhus, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”9
3 (3) The Two Ways
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the wrong way and the right way. Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is the wrong way? With ignorance as condition,
volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition,
consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. This, bhikkhus, is called the wrong way. [5]
“And what, bhikkhus, is the right way? With the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering. This, bhikkhus, is called the right way.”
4 (4) Vipassı̄
At S̄vattı̄.10
“Bhikkhus, before his enlightenment, while he was still a bodhisatta,11 not yet fully enlightened, it occurred to Vipassı̄, the Blessed One, the Arahant, the Perfectly Enlightened One:12 ‘Alas, this world has fallen into trouble, in that it is born, ages, and dies, it passes away and is reborn, yet it does not understand the escape from this suffering [headed by] aging-and- death. When now will an escape be discerned from this suffering [headed by] aging-and-death?’ … [6–9] …
“‘Cessation, cessation’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before there arose in the Bodhisatta Vipassı̄ vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.”
5 (5) Sikhı̄
6 (6) Vessabhū
7 (7) Kakusandha
8 (8) Koṇāgamana
9 (9) Kassapa
[10]
10 (10) Gotama the Great Sakyan Sage
(i. Origination)
“Bhikkhus, before my enlightenment, while I was still a bodhisatta, not yet fully enlightened, it occurred to me: ‘Alas, this world has fallen into trouble, in that it is born, ages, and dies, it passes away and is reborn, yet it does not understand the escape from this suffering [headed by] aging-and- death. When now will an escape be discerned from this suffering [headed by] aging-and-death?’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does aging-and- death come to be? By what is aging-and-death conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom:13 ‘When there is birth, aging-and-death comes to be; aging- and-death has birth as its condition.’14
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does birth come to be? By what is birth conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is existence, birth comes to be; birth has existence as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does existence come to be? By what is existence conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is clinging, existence comes to be; existence has clinging as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does clinging come to be? By what is clinging conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is craving, clinging comes to be; clinging has craving as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does craving come to be? By what is craving conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is feeling, craving comes to be; craving has feeling as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does feeling come to be? By what is feeling conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful
attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is contact, feeling comes to be; feeling has contact as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does contact come to be? By what is contact conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there are the six sense bases, contact comes to be; contact has the six sense bases as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists do the six sense bases come to be? By what are the six sense bases conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is name-and-form, the six sense bases come to be; the six sense bases have name-and-form as their condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does name-and- form come to be? By what is name-and-form conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is consciousness, name-and-form comes to be; name-and-form has consciousness as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does consciousness come to be? By what is consciousness conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there are volitional formations, consciousness comes to be; consciousness has volitional formations as its condition.’15
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists do volitional formations come to be? By what are volitional formations conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is ignorance, volitional formations come to be; volitional formations have ignorance as their condition.’
“Thus with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“‘Origination, origination’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and
light.16
(ii. Cessation)
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what does not exist does aging- and-death not come to be? With the cessation of what does the cessation of aging-and-death come about?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is no birth, aging-and-death does not come to be; with the cessation of birth comes cessation of aging-and-death.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: [11] ‘When what does not exist does birth not come to be? By the cessation of what does the cessation of birth come about?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is no existence, birth does not come to be; with the cessation of existence comes cessation of birth.’… ‘When there is no clinging, existence does not come to be; with the cessation of clinging comes cessation of existence.’… ‘When there is no craving, clinging does not come to be; with the cessation of craving comes cessation of clinging.’… ‘When there is no feeling, craving does not come to be; with the cessation of feeling comes cessation of craving.’… ‘When there is no contact, feeling does not come to be; with the cessation of contact comes cessation of feeling.’… ‘When there are no six sense bases, contact does not come to be; with the cessation of the six sense bases comes cessation of contact. ’… ‘When there is no name-and-form, the six sense bases do not come to be; with the cessation of name-and-form comes cessation of the six sense bases.’… ‘When there is no consciousness, name- and-form does not come to be; with the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form.’… ‘When there are no volitional formations, consciousness does not come to be; with the cessation of volitional formations comes cessation of consciousness.’… ‘When there is no ignorance, volitional formations do not come to be; with the cessation of ignorance comes cessation of volitional formations.’
“Thus with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“‘Cessation, cessation’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.”
II. NUTRIMENT
11 (1) Nutriment
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park….
“Bhikkhus, there are these four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be.17 What four? The nutriment edible food, gross or subtle; second, contact; third, mental volition; fourth, consciousness. These are the four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be.18
“Bhikkhus, these four kinds of nutriment have what as their source, [12] what as their origin, from what are they born and produced? These four kinds of nutriment have craving as their source, craving as their origin; they are born and produced from craving.19
“And this craving has what as its source, what as its origin, from what is it born and produced? This craving has feeling as its source, feeling as its origin; it is born and produced from feeling.
“And this feeling has what as its source…? Feeling has contact as its source…. And this contact has what as its source…? Contact has the six sense bases as its source…. And these six sense bases have what as their source…? The six sense bases have name-and-form as their source…. And
this name-and-form has what as its source…? Name-and-form has consciousness as its source…. And this consciousness has what as its source…? Consciousness has volitional formations as its source…. And these volitional formations have what as their source, what as their origin, from what are they born and produced? Volitional formations have ignorance as their source, ignorance as their origin; they are born and produced from ignorance.
“Thus, bhikkhus, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
12 (2) Moḷiyaphagguna
At Sāvatthı̄. [13] “Bhikkhus, there are these four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be. What four? The nutriment edible food, gross or subtle; second, contact; third, mental volition; fourth, consciousness. These are the four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be.”20
When this was said, the Venerable Moḷiyaphagguna said to the Blessed One: “Venerable sir, who consumes the nutriment consciousness?” 21
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “I do not say, ‘One consumes.’22 If I should say, ‘One consumes,’ in that case this would be a valid question: ‘Venerable sir, who consumes?’ But I do not speak thus. Since I do not speak thus, if one should ask me, ‘Venerable sir, for what is the nutriment consciousness [a condition]?’23 this would be a valid question. To this the valid answer is: ‘The nutriment consciousness is a condition for the production of future renewed existence.24 When that
which has come into being exists, the six sense bases [come to be];25 with the six sense bases as condition, contact.’”
“Venerable sir, who makes contact?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “I do not say, ‘One makes contact.’ If I should say, ‘One makes contact,’ in that case this would be a valid question: ‘Venerable sir, who makes contact?’ But I do not speak thus. Since I do not speak thus, if one should ask me, ‘Venerable sir, with what as condition does contact [come to be]?’ this would be a valid question. To this the valid answer is: ‘With the six sense bases as condition, contact [comes to be]; with contact as condition, feeling.’”
“Venerable sir, who feels?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “I do not say, ‘One feels.’ If I should say, ‘One feels,’ in that case this would be a valid question: ‘Venerable sir, who feels?’ But I do not speak thus. Since I do not speak thus, if one should ask me, ‘Venerable sir, with what as condition does feeling [come to be]?’ this would be a valid question. To this the valid answer is: ‘With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving.’”
“Venerable sir, who craves?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “I do not say, ‘One craves.’ [14] If I should say, ‘One craves,’ in that case this would be a valid question: ‘Venerable sir, who craves?’ But I do not speak thus. Since I do not speak thus, if one should ask me, ‘Venerable sir, with what as condition does craving [come to be]?’ this would be a valid question. To this the valid answer is: ‘With feeling as condition, craving [comes to be]; with craving as condition, clinging; with clinging as condition, existence....26 Such is the origin of this whole mass of suffering.’
“But, Phagguna, with the remainderless fading away and cessation of the six bases for contact comes cessation of contact; with the cessation of contact, cessation of feeling; with the cessation of feeling, cessation of craving; with the cessation of craving, cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence,
cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
13 (3) Ascetics and Brahmins (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation;27 who do not understand birth ... existence ... clinging ... craving
... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and-form
...consciousness ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: [15] these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.28
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand aging-and- death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation; who understand birth ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
14 (4) Ascetics and Brahmins (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, as to those ascetics and brahmins who do not understand these things, the origin of these things, the cessation of these things, and the way leading to the cessation of these things: what are those things that they do not understand, whose origin they do not understand, whose cessation they do not understand, and the way leading to whose cessation they do not understand?
“They do not understand aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation. They do not understand birth ... existence ... clinging ... craving ... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and- form ... consciousness ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation. These are the things that they do not understand, whose origin they do not understand, [16] whose cessation they do not understand, and the way leading to whose cessation they do not understand.
“These I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, as to those ascetics and brahmins who understand these things, the origin of these things, the cessation of these things, and the way leading to the cessation of these things: what are those things that they understand, whose origin they understand, whose cessation they understand, and the way leading to whose cessation they understand?
“They understand aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation. They understand birth ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation. These are the things that they understand, whose origin they understand, whose cessation they understand, and the way leading to whose cessation they understand.
“These I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
15 (5) Kaccānagotta
At Sāvatthı̄. [17] Then the Venerable Kaccānagotta approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘right view, right view.’ In what way, venerable sir, is there right view?”
“This world, Kaccāna, for the most part depends upon a duality—upon the notion of existence and the notion of nonexistence. 29 But for one who sees the origin of the world as it really is with correct wisdom, there is no notion of nonexistence in regard to the world. And for one who sees the cessation of the world as it really is with correct wisdom, there is no notion of existence in regard to the world.30
“This world, Kaccāna, is for the most part shackled by engagement, clinging, and adherence.31 But this one [with right view] does not become engaged and cling through that engagement and clinging, mental standpoint, adherence, underlying tendency; he does not take a stand about ‘my self.’32 He has no perplexity or doubt that what arises is only suffering arising, what ceases is only suffering ceasing. His knowledge about this is independent of others. It is in this way, Kaccāna, that there is right view.33 “‘All exists’: Kaccāna, this is one extreme. ‘All does not exist’: this is the second extreme. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.” [18]
16 (6) A Speaker on the Dhamma
At Sāvatthı̄. Then a certain bhikkhu approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘a speaker on the Dhamma, a speaker on the Dhamma.’ In what way, venerable sir, is one a speaker on the Dhamma?”
“Bhikkhu, if one teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards aging-and-death, for its fading away and cessation, one is fit to be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. If one is practising for
the purpose of revulsion towards aging-and-death, for its fading away and cessation, one is fit to be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma.34 If, through revulsion towards aging-and-death, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging, one is fit to be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.35
“Bhikkhu, if one teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards birth … for the purpose of revulsion towards ignorance, for its fading away and cessation, one is fit to be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. If one is practising for the purpose of revulsion towards ignorance, for its fading away and cessation, one is fit to be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma. If, through revulsion towards ignorance, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging, one is fit to be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.”
17 (7) The Naked Ascetic Kassapa
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. [19] Then, in the morning, the Blessed One dressed and, taking bowl and robe, entered Rājagaha for alms. The naked ascetic Kassapa saw the Blessed One coming in the distance. Having seen him, he approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he stood to one side and said to him: “We would like to ask Master Gotama about a certain point, if he would grant us the favour of answering our question.”
“This is not the right time for a question, Kassapa. We have entered among the houses.”36
A second time and a third time the naked ascetic Kassapa said to the Blessed One: “We would like to ask Master Gotama about a certain point, if he would grant us the favour of answering our question.”
“This is not the right time for a question, Kassapa. We have entered among the houses.”
Then the naked ascetic Kassapa said to the Blessed One: “We do not wish to ask Master Gotama much.”
“Then ask what you want, Kassapa.”
“How is it, Master Gotama: is suffering created by oneself?” “Not so, Kassapa,” the Blessed One said.
“Then, Master Gotama, is suffering created by another?” “Not so, Kassapa,” the Blessed One said.
“How is it then, Master Gotama: is suffering created both by oneself and by another?”
“Not so, Kassapa,” the Blessed One said. [20]
“Then, Master Gotama, has suffering arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?”37
“Not so, Kassapa,” the Blessed One said.
“How is it then, Master Gotama: is there no suffering?”
“It is not that there is no suffering, Kassapa; there is suffering.” “Then is it that Master Gotama does not know and see suffering?”
“It is not that I do not know and see suffering, Kassapa. I know suffering, I see suffering.”
“Whether you are asked: ‘How is it, Master Gotama: is suffering created by oneself?’ or ‘Is it created by another?’ or ‘Is it created by both?’ or ‘Is it created by neither?’ in each case you say: ‘Not so, Kassapa.’ When you are asked: ‘How is it then, Master Gotama: is there no suffering?’ you say: ‘It is not that there is no suffering, Kassapa; there is suffering.’ When asked: ‘Then is it that Master Gotama does not know and see suffering?’ you say: ‘It is not that I do not know and see suffering, Kassapa. I know suffering, I see suffering.’ Venerable sir, let the Blessed One explain suffering to me. Let the Blessed One teach me about suffering.”38 “Kassapa, [if one thinks,]
‘The one who acts is the same as the one who experiences [the result],’ [then one asserts] with reference to one existing from the beginning: ‘Suffering is created by oneself.’ When one asserts thus, this amounts to eternalism.39 But, Kassapa, [if one thinks,] ‘The one who acts is one, the one who experiences [the result] is another,’ [then one asserts] with reference to one stricken by feeling: ‘Suffering is created by another.’ When one asserts thus, this amounts to annihilationism. 40 Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle:41 ‘With ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. [21] But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’”
When this was said, the naked ascetic Kassapa said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by the Blessed One, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. I go for refuge to the Blessed One, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. May I receive the going forth under the Blessed One, may I receive the higher ordination?”42
“Kassapa, one formerly belonging to another sect who desires the going forth and the higher ordination in this Dhamma and Discipline lives on probation for four months. At the end of the four months, if the bhikkhus are satisfied with him, they may if they wish give him the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu. But individual differences are recognized by me.”43
“If, venerable sir, one formerly belonging to another sect who desires the going forth and the higher ordination in this Dhamma and Discipline lives on probation for four months, and if at the end of the four months the bhikkhus, being satisfied with him, may if they wish give him the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu, then I will live on
probation for four years. At the end of the four years, if the bhikkhus are satisfied with me, let them if they wish give me the going forth and the higher ordination to the state of a bhikkhu.”
Then the naked ascetic Kassapa received the going forth under the Blessed One, and he received the higher ordination. And soon, not long after his higher ordination, dwelling alone, withdrawn, diligent, ardent, and resolute, the Venerable Kassapa, [22] by realizing it for himself with direct knowledge, in this very life entered and dwelt in that unsurpassed goal of the holy life for the sake of which clansmen rightly go forth from the household life into homelessness. He directly knew: “Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” And the Venerable Kassapa became one of the arahants.44
18 (8) Timbaruka
At Sāvatthı̄. Then the wanderer Timbaruka approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him: “How is it, Master Gotama: are pleasure and pain created by oneself?”45
“Not so, Timbaruka,” the Blessed One said.
“Then, Master Gotama, are pleasure and pain created by another?” “Not so, Timbaruka,” the Blessed One said.
“How is it then, Master Gotama: are pleasure and pain created both by oneself and by another?”
“Not so, Timbaruka,” the Blessed One said.
“Then, Master Gotama, have pleasure and pain arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?”
“Not so, Timbaruka,” the Blessed One said.
“How is it then, Master Gotama: is there no pleasure and pain?”
“It is not that there is no pleasure and pain, Timbaruka; there is pleasure and pain.”
“Then is it that Master Gotama does not know and see pleasure and pain?”
“It is not that I do not know and see pleasure and pain, Timbaruka. I know pleasure and pain, I see pleasure and pain.”
“Whether you are asked: ‘How is it, Master Gotama: are pleasure and pain created by oneself?’ or ‘Are they created by another? ’ [23] or ‘Are they created by both?’ or ‘Are they created by neither?’ in each case you say: ‘Not so, Timbaruka.’ When you are asked: ‘How is it then, Master Gotama: is there no pleasure and pain?’ you say: ‘It is not that there is no pleasure and pain, Timbaruka; there is pleasure and pain.’ When asked: ‘Then is it that Master Gotama does not know and see pleasure and pain?’ you say: ‘It is not that I do not know and see pleasure and pain, Timbaruka. I know pleasure and pain, I see pleasure and pain.’ Venerable sir, let the Blessed One explain pleasure and pain to me. Let the Blessed One teach me about pleasure and pain.”
“Timbaruka, [if one thinks,] ‘The feeling and the one who feels it are the same,’ [then one asserts] with reference to one existing from the beginning: ‘Pleasure and pain are created by oneself.’ I do not speak thus.46 But, Timbaruka, [if one thinks,] ‘The feeling is one, the one who feels it is another,’ [then one asserts] with reference to one stricken by feeling: ‘Pleasure and pain are created by another.’ Neither do I speak thus.47 Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’”
When this was said, the naked ascetic Timbaruka said to the Blessed One: “Magnificent, Master Gotama!… I go for refuge to Master Gotama,
and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
19 (9) The Wise Man and the Fool
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, for the fool, hindered by ignorance and fettered by craving, [24] this body has thereby originated. So there is this body and external name-and-form: thus this dyad. Dependent on the dyad there is contact. There are just six sense bases, contacted through which—or through a certain one among them—the fool experiences pleasure and pain.48
“Bhikkhus, for the wise man, hindered by ignorance and fettered by craving, this body has thereby originated. So there is this body and external name-and-form: thus this dyad. Dependent on the dyad there is contact. There are just six sense bases, contacted through which—or through a certain one among them—the wise man experiences pleasure and pain. What, bhikkhus, is the distinction here, what is the disparity, what is the difference between the wise man and the fool?”
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, take recourse in the Blessed One. It would be good if the Blessed One would clear up the meaning of this statement. 49 Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, bhikkhus, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, for the fool, hindered by ignorance and fettered by craving,
this body has originated. For the fool that ignorance has not been abandoned and that craving has not been utterly destroyed. For what reason? Because the fool has not lived the holy life for the complete destruction of suffering. Therefore, with the breakup of the body, the fool fares on to [another] body. Faring on to [another] body, he is not freed from birth, aging, and death; not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; not freed from suffering, I say.
“Bhikkhus, for the wise man, hindered by ignorance and fettered by craving, this body has originated. For the wise man that ignorance has been abandoned and that craving has been utterly destroyed. For what reason? Because the wise man has lived the holy life [25] for the complete destruction of suffering. Therefore, with the breakup of the body, the wise man does not fare on to [another] body. Not faring on to [another] body, he is freed from birth, aging, and death; freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; freed from suffering, I say.
“This, bhikkhus, is the distinction, the disparity, the difference between the wise man and the fool, that is, the living of the holy life.”50
20 (10) Conditions
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you dependent origination and dependently arisen phenomena. Listen and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is dependent origination? ‘With birth as condition,
aging-and-death [comes to be]’: whether there is an arising of Tathāgatas or
no arising of Tathāgatas, that element still persists, the stableness of the Dhamma, the fixed course of the Dhamma, specific conditionality.51 A Tathāgata awakens to this and breaks through to it.52 Having done so, he explains it, teaches it, proclaims it, establishes it, discloses it, analyses it, elucidates it. And he says: ‘See! With birth as condition, bhikkhus, aging- and-death.’53
“‘With existence as condition, birth’ … ‘With clinging as condition, existence’ … ‘With craving as condition, clinging’ … ‘With feeling as condition, craving’ ... ‘With contact as condition, feeling’ … ‘With the six sense bases as condition, contact’ … ‘With name-and-form as condition, the six sense bases’ … ‘With consciousness as condition, name-and-form’ … ‘With volitional formations as condition, consciousness’ … ‘With ignorance as condition, volitional formations’: whether there is an arising of Tathāgatas or no arising of Tathāgatas, that element still persists, the
stableness of the Dhamma, the fixed course of the Dhamma, specific conditionality. A Tathāgata awakens to this and [26] breaks through to it. Having done so, he explains it, teaches it, proclaims it, establishes it, discloses it, analyses it, elucidates it. And he says: ‘See! With ignorance as condition, bhikkhus, volitional formations.’
“Thus, bhikkhus, the actuality in this, the inerrancy, the nototherwiseness, specific conditionality: this is called dependent origination.54
“And what, bhikkhus, are the dependently arisen phenomena? Aging- and-death, bhikkhus, is impermanent, conditioned, dependently arisen, subject to destruction, vanishing, fading away, and cessation. Birth is impermanent ... Existence is impermanent … Clinging is impermanent … Craving is impermanent … Feeling is impermanent ... Contact is impermanent ... The six sense bases are impermanent ... Name-and-form is impermanent … Consciousness is impermanent … Volitional formations are impermanent … Ignorance is impermanent, conditioned, dependently arisen, subject to destruction, vanishing, fading away, and cessation. These, bhikkhus, are called the dependently arisen phenomena.
“When, bhikkhus, a noble disciple has clearly seen with correct wisdom55 as it really is this dependent origination and these dependently arisen phenomena, it is impossible that he will run back into the past, thinking: ‘Did I exist in the past? Did I not exist in the past? What was I in the past? How was I in the past? Having been what, what did I become in the past?’ Or that he will run forward into the future, thinking: ‘Will I exist in the future? Will I not exist [27] in the future? What will I be in the future? How will I be in the future? Having been what, what will I become in the future?’ Or that he will now be inwardly confused about the present thus: ‘Do I exist? Do I not exist? What am I? How am I? This being— where has it come from, and where will it go?’56
“For what reason [is this impossible]? Because, bhikkhus, the noble disciple has clearly seen with correct wisdom as it really is this dependent origination and these dependently arisen phenomena.”
III. THE TEN POWERS
21 (1) The Ten Powers (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, possessing the ten powers and the four grounds of self-confidence, the Tathāgata claims the place of the chief bull of the herd, roars his lion’s roar in the assemblies, and sets rolling the Brahma-wheel thus:57 [28] ‘Such is form, such its origin, such its passing away; such is feeling, such its origin, such its passing away; such is perception, such its origin, such its passing away; such are volitional formations, such their origin, such their passing away; such is consciousness, such its origin, such its passing away.58 Thus when this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases.59 That is, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’”
22 (2) The Ten Powers (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, possessing the ten powers and the four grounds of self-confidence, the Tathāgata claims the place of the chief bull of the herd, roars his lion’s roar in the assemblies, and sets rolling the Brahma-wheel thus: ‘Such is form ... (as in §21) ... Such is the cessation of this whole mass of suffering.’
“Bhikkhus, the Dhamma has thus been well expounded by me, elucidated, disclosed, revealed, stripped of patchwork.60 When, bhikkhus, the Dhamma has thus been well expounded by me, elucidated, disclosed, revealed, stripped of patchwork, this is enough for a clansman who has
gone forth out of faith to arouse his energy thus: ‘Willingly, let only my skin, sinews, and bones remain, and let the flesh and blood dry up in my body, but I will not relax my energy so long as I have not attained what can be attained by manly strength, by manly energy, by manly exertion. ’61 [29]
“Bhikkhus, the lazy person dwells in suffering, soiled by evil unwholesome states, and great is the personal good that he neglects. 62 But the energetic person dwells happily, secluded from evil unwholesome states, and great is the personal good that he achieves. It is not by the inferior that the supreme is attained; rather, it is by the supreme that the supreme is attained.63 Bhikkhus, this holy life is a beverage of cream; the Teacher is present.64 Therefore, bhikkhus, arouse your energy for the attainment of the as-yet-unattained, for the achievement of the as- yetunachieved, for the realization of the as-yet-unrealized, [with the thought]: ‘In such a way this going forth of ours will not be barren, but fruitful and fertile; and when we use the robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites [offered to us by others], these services they provide for us will be of great fruit and benefit to them.’65 Thus, bhikkhus, should you train yourselves.
“Considering your own good, bhikkhus, it is enough to strive for the goal with diligence; considering the good of others, it is enough to strive for the goal with diligence; considering the good of both, it is enough to strive for the goal with diligence.”66
23 (3) Proximate Cause
At S̄vatthı̄.67 “Bhikkhus, I say that the destruction of the taints is for one who knows and sees, not for one who does not know and does not see. For one who knows what, for one who sees what, does the destruction of the taints come about? ‘Such is form, such its origin, such its passing away; such is feeling ... such is perception … such are volitional formations … such is consciousness, such its origin, such its passing away’: it is for one
who knows thus, for one who sees thus, that the destruction of the taints comes about. [30]
“I say, bhikkhus, that the knowledge of destruction in regard to destruction has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for the knowledge of destruction? It should be said: liberation.68
“I say, bhikkhus, that liberation too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for liberation? It should be said: dispassion.
“I say, bhikkhus, that dispassion too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for dispassion? It should be said: revulsion.
“I say, bhikkhus, that revulsion too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for revulsion? It should be said: the knowledge and vision of things as they really are.
“I say, bhikkhus, that the knowledge and vision of things as they really are too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for the knowledge and vision of things as they really are? It should be said: concentration.
“I say, bhikkhus, that concentration too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for concentration? It should be said: happiness.
“I say, bhikkhus, that happiness too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for happiness? It should be said: tranquillity.
“I say, bhikkhus, that tranquillity too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for tranquillity? It should be said: rapture.
“I say, bhikkhus, that rapture too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for rapture? It should be said: gladness.
“I say, bhikkhus, that gladness too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for gladness? It should be said: faith.
“I say, bhikkhus, that faith too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. [31] And what is the proximate cause for faith? It should be said: suffering.69
“I say, bhikkhus, that suffering too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for suffering? It should be said: birth.
“I say, bhikkhus, that birth too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for birth? It should be said: existence.
“I say, bhikkhus, that existence too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for existence? It should be said: clinging.
“I say, bhikkhus, that clinging too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for clinging? It should be said: craving.
“I say, bhikkhus, that craving too has a proximate cause; it does not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for craving? It should be said: feeling.
“For feeling, it should be said: contact. For contact: the six sense bases. For the six sense bases: name-and-form. For name-and-form: consciousness. For consciousness: volitional formations.
“I say, bhikkhus, that volitional formations too have a proximate cause; they do not lack a proximate cause. And what is the proximate cause for volitional formations? It should be said: ignorance.
“Thus, bhikkhus, with ignorance as proximate cause, volitional formations [come to be]; with volitional formations as proximate cause, consciousness; with consciousness as proximate cause, name-and-form; with name-and-form as proximate cause, the six sense bases; with the six
sense bases as proximate cause, contact; with contact as proximate cause, feeling; with feeling as proximate cause, craving; with craving as proximate cause, clinging; with clinging as proximate cause, existence; with existence as proximate cause, birth; with birth as proximate cause, suffering; with suffering as proximate cause, faith; with faith as proximate cause, gladness; with gladness as proximate cause, rapture; with rapture as proximate cause, tranquillity; with tranquillity as proximate cause, happiness; with happiness as proximate cause, concentration; with concentration as proximate cause, the knowledge and vision of things as they really are; [32] with the knowledge and vision of things as they really are as proximate cause, revulsion; with revulsion as proximate cause, dispassion; with dispassion as proximate cause, liberation; with liberation as proximate cause, the knowledge of destruction.
“Just as, bhikkhus, when rain pours down in thick droplets on a mountain top, the water flows down along the slope and fills the cleft, gullies, and creeks; these being full fill up the pools; these being full fill up the lakes; these being full fill up the streams; these being full fill up the rivers; and these being full fill up the great ocean;70 so too, with ignorance as proximate cause, volitional formations [come to be]; with volitional formations as proximate cause, consciousness … with liberation as proximate cause, the knowledge of destruction.”
24 (4) Wanderers of Other Sects
At Rājagaha in the Bamboo Grove.
(i)
Then, in the morning, the Venerable Sāriputta dressed and, taking bowl and robe, entered Rājagaha for alms. Then it occurred to him: “It is still too early to walk for alms in Rājagaha. Let me go to the park of the wanderers of other sects.”
Then the Venerable Sāriputta [33] went to the park of the wanderers of other sects. He exchanged greetings with those wanderers and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side. The wanderers then said to him:
“Friend Sāriputta, some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that suffering is created by oneself; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that suffering is created by another; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that suffering is created both by oneself and by another; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another.71 Now, friend Sāriputta, what does the ascetic Gotama say about this? What does he teach? How should we answer if we are to state what has been said by the ascetic Gotama and not misrepresent him with what is contrary to fact? And how should we explain in accordance with the Dhamma so that no reasonable consequence of our assertion would give ground for criticism?”72
“Friends, the Blessed One has said that suffering is dependently arisen. Dependent on what? Dependent on contact. If one were to speak thus one would be stating what has been said by the Blessed One and would not misrepresent him with what is contrary to fact; one would explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of one’s assertion would give ground for criticism.
“Therein, friends, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by oneself, that is conditioned by contact.73 Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by another, that too is conditioned by contact. Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created both by oneself and by another, that too is conditioned by contact. [34] Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another, that too is conditioned by contact.
“Therein, friends, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by oneself, it is impossible that they will experience [anything] without contact. Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by another, it is impossible that they will experience [anything] without contact. Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created both by oneself and by another, it is impossible that they will experience [anything] without contact. Also, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another, it is impossible that they will experience [anything] without contact.”
(ii)
The Venerable Ānanda heard this conversation between the Venerable Sāriputta and the wanderers of other sects. Then, when he had walked for alms in Rājagaha and had returned from the alms round, after his meal he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported to the Blessed One the entire conversation between the Venerable Sāriputta and those wanderers of other sects. [The Blessed One said:]
“Good, good, Ānanda! Anyone answering rightly would answer just as Sāriputta has done. I have said, Ānanda, that suffering is dependently arisen. Dependent on what? Dependent on contact. If one were to speak thus one would be stating what has been said by me and would not misrepresent me with what is contrary to fact; one would explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of one’s assertion would give ground for criticism.
“Therein, Ānanda, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by oneself ... [35] … and those who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another, that too is conditioned by contact.
“Therein, Ānanda, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that suffering is created by oneself ... and those who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another, it is impossible that they will experience [anything] without contact.
“On one occasion, Ānanda, I was dwelling right here in Rājagaha, in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary. Then, in the morning, I dressed and, taking bowl and robe, I entered Rājagaha for alms. Then it occurred to me: ‘It is still too early to walk for alms in Rājagaha. Let me go to the park of the wanderers of other sects.’ Then I went to the park of the wanderers of other sects. I exchanged greetings with those wanderers and, when we had concluded our greetings and cordial talk, I sat down to one side. The wanderers then said to me as I was sitting to one side: … (the wanderers ask exactly the same question as they had asked Sāriputta and receive an identical reply) [36] … it is impossible that they will experience [anything] without contact.”
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! How the entire meaning can be stated by a single phrase! Can this same meaning be stated in detail in a way that is deep and deep in implications?”74
“Well then, Ānanda, clear up that same matter yourself.”
“Venerable sir, if they were to ask me: ‘Friend Ānanda, what is the source of aging-and-death, what is its origin, from what is it born and produced?’—being asked thus, I would answer thus: ‘Friends, aging-and- death has birth as its source, birth as its origin; it is born and produced from birth.’ Being asked thus, I would answer in such a way. [37]
“Venerable sir, if they were to ask me: ‘Friend Ānanda, what is the source of birth, what is its origin, from what is it born and produced?’—being asked thus, I would answer thus: ‘Friends, birth has existence as its source, existence as its origin; it is born and produced from existence…. Existence has clinging as its source ... Clinging has craving as its source ... Craving has feeling as its source ... Feeling has contact as its source ... Contact has the six sense bases as its source, the six sense bases as its origin; it is born and produced from the six sense bases. But with the remainderless fading
away and cessation of the six bases for contact comes cessation of contact; with the cessation of contact, cessation of feeling; with the cessation of feeling, cessation of craving; with the cessation of craving, cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence, cessation of birth; with the cessation of birth, aging- and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”
25 (5) Bhūmija
At Sāvatthı̄.
(i)
Then, in the evening, the Venerable Bhūmija emerged from seclusion and approached the Venerable S̄riputta.75 [38] He exchanged greetings with the Venerable Sāriputta and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“Friend Sāriputta, some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that pleasure and pain are created by oneself; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that pleasure and pain are created by another; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that pleasure and pain are created both by oneself and by another; some ascetics and brahmins, proponents of kamma, maintain that pleasure and pain have arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another.76 Now, friend Sāriputta, what does the Blessed One say about this? What does he teach? How should we answer if we are to state what has been said by the Blessed One and not misrepresent him with what is contrary to fact? And how should we explain in accordance with the Dhamma so that no reasonable consequence of our assertion would give ground for criticism?”
“Friend, the Blessed One has said that pleasure and pain are dependently arisen. Dependent on what? Dependent on contact. If one were to speak thus one would be stating what has been said by the Blessed One and would not misrepresent him with what is contrary to fact; one would explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of one’s assertion would give ground for criticism.
“Therein, friend, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that pleasure and pain are created by oneself, and those who maintain that pleasure and pain are created by another, and those who maintain that pleasure and pain are created both by oneself and by another, and those who maintain that pleasure and pain have arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another—in each case that is conditioned by contact.
“Therein, friends, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that pleasure and pain are created by oneself, and those who maintain that pleasure and pain are created by another, and those who maintain that pleasure and pain are created both by oneself and by another, and those [39] who maintain that pleasure and pain have arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another—in each case it is impossible that they will experience [anything] without contact.”
(ii)
The Venerable Ānanda heard this conversation between the Venerable Sāriputta and the Venerable Bhūmija. He then approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported to the Blessed One the entire conversation between the Venerable Sāriputta and the Venerable Bhūmija. [The Blessed One said:]
“Good, good, Ānanda! Anyone answering rightly would answer just as Sāriputta has done. I have said, Ānanda, that pleasure and pain are dependently arisen. Dependent on what? Dependent on contact. If one were to speak thus one would be stating what has been said by me and would not misrepresent me with what is contrary to fact; one would explain in
accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of one’s assertion would give ground for criticism.
“Therein, Ānanda, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that pleasure and pain are created by oneself ... and those who maintain that pleasure and pain have arisen fortuitously … in each case that is conditioned by contact.
“Therein, Ānanda, in the case of those ascetics and brahmins, proponents of kamma, who maintain that pleasure and pain are created by oneself ... and those who maintain that pleasure and pain have arisen fortuitously … in each case it is impossible that they will experience [anything] without contact.
(iii)
“Ānanda, when there is the body, because of bodily volition pleasure and pain arise [40] internally; when there is speech, because of verbal volition pleasure and pain arise internally; when there is the mind, because of mental volition pleasure and pain arise internally—and with ignorance as condition.77 “Either on one’s own initiative, Ᾱnanda one generates that bodily volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally; or prompted by others one generates that bodily volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally. Either deliberately, Ānanda, one generates that bodily volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally; or undeliberately one generates that bodily volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally.78
“Either on one’s own initiative, Ānanda, one generates that verbal volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally; or prompted by others one generates that verbal volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally. Either deliberately, Ānanda, one generates that verbal volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally; or undeliberately
one generates that verbal volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally.
“Either on one’s own initiative, Ānanda, one generates that mental volitional formation79 conditioned by which pleasure and pain arise internally; or prompted by others one generates that mental volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally. Either deliberately, Ānanda, one generates that mental volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally; or undeliberately one generates that mental volitional formation conditioned by which pleasure and pain arise internally.
“Ignorance is comprised within these states.80 But with the remainderless fading away and cessation of ignorance that body does not exist conditioned by which that pleasure and pain arise internally; that speech does not exist conditioned by which that pleasure and pain arise internally; that mind does not exist conditioned by which [41] that pleasure and pain arise internally.81 That field does not exist, that site does not exist, that base does not exist, that foundation does not exist conditioned by which that pleasure and pain arise internally.”82
26 (6) Upavāṇa
At Sāvatthı̄. Then the Venerable Upavāṇa approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:83
“Venerable sir, some ascetics and brahmins maintain that suffering is created by oneself; some ascetics and brahmins maintain that suffering is created by another; some ascetics and brahmins maintain that suffering is created both by oneself and by another; some ascetics and brahmins maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another. Now, venerable sir, what does the Blessed One say about this? What does he teach? How should we answer if we are to state what has been said by the Blessed One and not misrepresent him with what is contrary to fact? And how should we explain in accordance with the
Dhamma so that no reasonable consequence of our assertion would give ground for criticism?”
“Upavāṇa, I have said that suffering is dependently arisen. Dependent on what? Dependent on contact. If one were to speak thus one would be stating what has been said by me and would not misrepresent me with what is contrary to fact; one would explain in accordance with the Dhamma, and no reasonable consequence of one’s assertion would give ground for criticism.
“Therein, Upavāṇa, in the case of those ascetics and brahmins who maintain that suffering is created by oneself, and those who maintain that suffering is created by another, and those who maintain that suffering is created both by oneself and by another, and those who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another—in each case that is conditioned by contact. [42]
“Therein, Upavāṇa, in the case of those ascetics and brahmins who maintain that suffering is created by oneself, and those who maintain that suffering is created by another, and those who maintain that suffering is created both by oneself and by another, and those who maintain that suffering has arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another—in each case it is impossible that they will experience [anything] without contact.”
27 (7) Conditions
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness … Such is the origin of this whole mass of suffering.
“And what, bhikkhus, is aging-and-death? The aging of the various beings ... (as in §2) … thus this aging and this death are together called aging-and-death. With the arising of birth there is the arising of aging-and- death; with the cessation of birth there is the cessation of aging-and-death. Just this Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of aging- and-death; that is, right view, right intention, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration.
“And what, bhikkhus, is birth?… existence?… clinging?… [43] … craving?… feeling?… contact?… the six sense bases?… name-and-form?
… consciousness?… volitional formations? There are these three kinds of volitional formations: the bodily volitional formation, the verbal volitional formation, the mental volitional formation. With the arising of ignorance there is the arising of volitional formations. With the cessation of ignorance there is the cessation of volitional formations. Just this Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of volitional formations; that is, right view ... right concentration.
“When, bhikkhus, a noble disciple thus understands the condition; thus understands the origin of the condition; thus understands the cessation of the condition; thus understands the way leading to the cessation of the condition,84 he is then called a noble disciple who is accomplished in view, accomplished in vision, who has arrived at this true Dhamma, who sees this true Dhamma, who possesses a trainee’s knowledge, a trainee’s true knowledge, who has entered the stream of the Dhamma, a noble one with penetrative wisdom, one who stands squarely before the door to the Deathless.”85
28 (8) Bhikkhu
At Sāvatthı̄. “Herein, bhikkhus, a bhikkhu understands aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation. He understands birth ... existence ... clinging [44] … craving ... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and-form … consciousness ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation.
“And what, bhikkhus, is aging-and-death?… (as in preceding sutta) … Just this Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of volitional formations; that is, right view ... right concentration.
“When, bhikkhus, a bhikkhu thus understands aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation; when he thus understands birth ... existence ... clinging ... craving ... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and-form ... [45] consciousness ... volitional formations, their
origin, their cessation, and the way leading to their cessation, he is then called a bhikkhu who is accomplished in view, accomplished in vision, who has arrived at this true Dhamma, who sees this true Dhamma, who possesses a trainee’s knowledge, a trainee’s true knowledge, who has entered the stream of the Dhamma, a noble one with penetrative wisdom, one who stands squarely before the door to the Deathless.”
29 (9) Ascetics and Brahmins (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not fully understand aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation;86 who do not fully understand birth ... existence ... clinging ... craving ... feeling ... contact ... the six sense bases … name-and-form … consciousness … volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who fully understand aging- and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation; who fully understand birth … volitional formations, [46] their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
30 (10) Ascetics and Brahmins (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, as to those ascetics or brahmins who do not understand aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: it is impossible that they will abide having transcended aging- and-death. As to those ascetics and brahmins who do not understand birth
… existence … clinging … craving ... feeling ... contact ... the six sense
bases … name-and-form … consciousness … volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: it is impossible that they will abide having transcended volitional formations.
“But, bhikkhus, as to those ascetics or brahmins who understand aging- and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: it is possible that they will abide having transcended aging-and-death. As to those ascetics and brahmins who understand birth … volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: it is possible that they will abide having transcended volitional formations.”
[47] IV. THE KẠ̄RA KHATTIYA
31 (1) What Has Come to Be
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄.… There the Blessed One addressed the Venerable Sāriputta thus: “Sāriputta, in ‘The Questions of Ajita’ of the Pārāyana it is said:87
‘Those who have comprehended the Dhamma, And the manifold trainees here:
Asked about their way of conduct, Being discreet, tell me, dear sir.’88
How should the meaning of this, stated in brief, be understood in detail?”
When this was said, the Venerable Sāriputta was silent. A second time and a third time the Blessed One addressed the Venerable Sāriputta thus: “Sāriputta, in ‘The Questions of Ajita’ in the Pārāyana it is said ... [48] How should the meaning of this, stated in brief, be understood in detail?” A second time and a third time the Venerable Sāriputta was silent.89
“Sāriputta, do you see: ‘This has come to be’? Sāriputta, do you see: ‘This has come to be’?”
“Venerable sir, one sees as it really is with correct wisdom: ‘This has come to be.’ Having seen as it really is with correct wisdom: ‘This has come to be,’ one is practising for the purpose of revulsion towards what has come to be, for its fading away and cessation.90 One sees as it really is with correct wisdom: ‘Its origination occurs with that as nutriment.’91 Having seen as it really is with correct wisdom: ‘Its origination occurs with that as nutriment, ’ one is practising for the purpose of revulsion towards its origination through nutriment, for its fading away and cessation. One sees as it really is with correct wisdom: ‘With the cessation of that nutriment, what has come to be is subject to cessation.’ Having seen as it really is with correct wisdom: ‘With the cessation of that nutriment, what has come to be is subject to cessation, ’ one is practising for the purpose of revulsion towards what is subject to cessation, for its fading away and cessation. It is in such a way that one is a trainee.
“And how, venerable sir, has one comprehended the Dhamma? Venerable sir, one sees as it really is with correct wisdom: ‘This has come to be.’ Having seen as it really is with correct wisdom: ‘This has come to be,’ through revulsion towards what has come to be, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging. One sees as it really is with correct wisdom: ‘Its origination occurs with that as nutriment.’ Having seen as it really is with correct wisdom: ‘Its origination occurs with that as nutriment,’ through revulsion towards its origination through nutriment, through its fading away and cessation, one is liberated by nonclinging. One sees as it really is with correct wisdom: ‘With the cessation of that nutriment, what has come to be is subject to cessation.’ Having seen as it really is with correct wisdom: ‘With the cessation of that nutriment, what has come to be is subject to cessation,’ through revulsion towards what is subject to cessation, through its fading away [49] and cessation, one is liberated by nonclinging.92 It is in such a way that one has comprehended the Dhamma.
“Thus, venerable sir, when it is said in ‘The Questions of Ajita’ of the Pārāyana:
‘Those who have comprehended the Dhamma, And the manifold trainees here:
Asked about their way of conduct, Being discreet, tell me, dear sir.’—
it is in such a way that I understand in detail the meaning of this that was stated in brief.”
“Good, good, Sāriputta!… (the Buddha repeats here the entire statement of the Venerable Sāriputta) [50] … it is in such a way that the meaning of this, stated in brief, should be understood in detail.”
32 (2) The Kaḷāra
At Sāvatthı̄.
(i)
Then the bhikkhu Kaḷāra the Khattiya approached the Venerable Sāriputta and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Venerable Sāriputta: “Friend Sāriputta, the bhikkhu Moḷiyaphagguna has abandoned the training and returned to the lower life.”93
“Then surely that venerable did not find solace in this Dhamma and Discipline.”
“Well then, has the Venerable Sāriputta attained solace in this Dhamma and Discipline?”
“I have no perplexity, friend.” “But as to the future, friend?” “I have no doubt, friend.”
Then the bhikkhu Kaḷāra the Khattiya rose from his seat and approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One,
sat down to one side, [51] and said to him: “Venerable sir, the Venerable Sāriputta has declared final knowledge thus: ‘I understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”94
Then the Blessed One addressed a certain bhikkhu thus: “Come, bhikkhu, tell Sāriputta in my name that the Teacher calls him.”
“Yes, venerable sir,” that bhikkhu replied, and he went to the Venerable Sāriputta and told him: “The Teacher calls you, friend Sāriputta.”
“Yes, friend,” the Venerable Sāriputta replied, and he approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Is it true, Sāriputta, that you have declared final knowledge thus: ‘I understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being’?”
“Venerable sir, I did not state the matter in those terms and phrases.”
“In whatever way, Sāriputta, a clansman declares final knowledge, what he has declared should be understood as such.”
“Venerable sir, didn’t I too speak thus: ‘Venerable sir, I did not state the matter in those terms and phrases’?”
“If, Sāriputta, they were to ask you:95 ‘Friend Sāriputta, how have you known, how have you seen, that you have declared final knowledge thus: ‘I understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being’—being asked thus, how would you answer?”
“If they were to ask me this, venerable sir, [52] I would answer thus: ‘With the destruction of the source from which birth originates, I have understood: “When [the cause] is destroyed, [the effect] is destroyed.” Having understood this, I understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”96
“But, Sāriputta, if they were to ask you: ‘But, friend Sāriputta, what is the source of birth, what is its origin, from what is it born and produced?’— being asked thus, how would you answer?”
“If they were to ask me this, venerable sir, I would answer thus: ‘Birth, friends, has existence has its source, existence as its origin; it is born and produced from existence.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”
“But, Sāriputta, if they were to ask you: ‘But, friend Sāriputta, what is the source of existence…?’—being asked thus, how would you answer?”
“If they were to ask me this, venerable sir, I would answer thus: ‘Existence, friends, has clinging as its source….’”
“But, Sāriputta, if they were to ask you: ‘But, friend Sāriputta, what is the source of clinging…? What is the source of craving, what is its origin, from what is it born and produced?’—being asked thus, how would you answer?” [53]
“If they were to ask me this, venerable sir, I would answer thus: ‘Craving, friends, has feeling as its source, feeling as its origin; it is born and produced from feeling.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”
“But, Sāriputta, if they were to ask you: ‘Friend Sāriputta, how have you known, how have you seen, that delight in feelings no longer remains present in you?’—being asked thus, how would you answer?”97
“If they were to ask me this, venerable sir, I would answer thus: ‘Friends, there are these three feelings. What three? Pleasant feeling, painful feeling, neither-painful-nor-pleasant feeling. These three feelings, friends, are impermanent; whatever is impermanent is suffering. When this was understood, delight in feelings no longer remained present in me.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”
“Good, good, Sāriputta! This is another method of explaining in brief that same point: ‘Whatever is felt is included within suffering. ’98 But, Sāriputta, if they were to ask you: ‘Friend Sāriputta, through what kind of deliverance have you declared final knowledge thus: “I understand:
Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being”?’—being asked thus, how would you answer?”
“If they were to ask me this, venerable sir, I would answer thus: [54] ‘Friends, through an internal deliverance, through the destruction of all clinging, I dwell mindfully in such a way that the taints do not flow within me and I do not despise myself.’ Being asked thus, venerable sir, I would answer in such a way.”99
“Good, good, Sāriputta! This is another method of explaining in brief that same point: ‘I have no perplexity in regard to the taints spoken of by the Ascetic; I do not doubt that they have been abandoned by me.’”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One rose from his seat and entered his dwelling.
(ii)
Then, soon after the Blessed One had departed, the Venerable Sāriputta addressed the bhikkhus thus:
“Friends, the first question that the Blessed One asked me had not been previously considered by me:100 thus I hesitated over it. But when the Blessed One approved of my answer, it occurred to me: ‘If the Blessed One were to question me about this matter with various terms and with various methods for a whole day, for a whole day I would be able to answer him with various terms and with various methods. If he were to question me about this matter with various terms and with various methods for a whole night, for a day and night, [55] for two days and nights, for three, four, five, six, or seven days and nights—for seven days and nights I would be able to answer him with various terms and with various methods.’”
Then the bhikkhu Kaḷāra the Khattiya rose from his seat and approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One, sat down to one side, and said to him: “Venerable sir, the Venerable Sāriputta has roared his lion’s roar thus: ‘Friends, the first question that the
Blessed One asked me had not been previously considered by me: thus I hesitated over it. But when the Blessed One approved of my answer, it occurred to me: “If the Blessed One were to question me about this matter for up to seven days and nights, [56] for up to seven days and nights I would be able to answer him with various terms and with various methods.”’”
“Bhikkhu, the Venerable Sāriputta has thoroughly penetrated that element of the Dhamma by the thorough penetration of which, if I were to question him about that matter with various terms and with various methods for up to seven days and nights, for up to seven days and nights he would be able to answer me with various terms and with various methods.”101
33 (3) Cases of Knowledge (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you forty-four cases of knowledge. Listen to that and attend closely, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, what are the forty-four cases of knowledge? [57] Knowledge
of aging-and-death, knowledge of its origin, knowledge of its cessation,
knowledge of the way leading to its cessation. Knowledge of birth ... Knowledge of existence … Knowledge of clinging ... Knowledge of craving ... Knowledge of feeling ... Knowledge of contact ... Knowledge of the six sense bases ... Knowledge of name-and-form … Knowledge of consciousness … Knowledge of volitional formations, knowledge of their origin, knowledge of their cessation, knowledge of the way leading to their cessation. These, bhikkhus, are the forty-four cases of knowledge.
“And what, bhikkhus, is aging-and-death?… (definition as in §2) … Thus this aging and this death are together called aging-and-death. With the arising of birth there is the arising of aging-and-death. With the cessation of birth there is the cessation of aging-and-death. This Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of aging-and-death; that is, right view ... right concentration.
“When, bhikkhus, a noble disciple thus understands aging-and-death, its origin, [58] its cessation, and the way leading to its cessation, this is his knowledge of the principle.102 By means of this principle that is seen, understood, immediately attained, fathomed,103 he applies the method to the past and to the future thus: ‘Whatever ascetics and brahmins in the past directly knew aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation, all these directly knew it in the very same way that I do now. Whatever ascetics and brahmins in the future will directly know aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation, all these will directly know it in the very same way that I do now.’ This is his knowledge of entailment. 104
“When, bhikkhus, a noble disciple has purified and cleansed these two kinds of knowledge—knowledge of the principle and knowledge of entailment—he is then called a noble disciple who is accomplished in view, accomplished in vision, who has arrived at this true Dhamma, who sees this true Dhamma, who possesses a trainee’s knowledge, a trainee’s true knowledge, who has entered the stream of the Dhamma, a noble one with penetrative wisdom, one who stands squarely before the door to the Deathless.
“And what, bhikkhus, is birth?… What are the volitional formations? … (definitions as in §2) [59] … This Noble Eightfold Path is the way leading to the cessation of volitional formations; that is, right view ... right concentration.
“When, bhikkhus, a noble disciple thus understands volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation, this is his knowledge of the principle. By means of this principle that is seen, understood, immediately attained, fathomed, he applies the method to the past and to the future…. This is his knowledge of entailment.
“When, bhikkhus, a noble disciple has purified and cleansed these two kinds of knowledge—knowledge of the principle and knowledge of entailment—he is then called a noble disciple who is accomplished in view
... one who stands squarely before the door to the Deathless.”
34 (4) Cases of Knowledge (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you seventy-seven cases of knowledge. Listen to that and attend closely, I will speak.” [60]
“Yes, venerable sir,” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, what are the seventy-seven cases of knowledge? The
knowledge: ‘Aging-and-death has birth as its condition.’ The knowledge:
‘When there is no birth, there is no aging-and-death.’ The knowledge: ‘In the past too aging-and-death had birth as its condition.’ The knowledge: ‘In the past too, had there been no birth, there would have been no aging-and- death.’ The knowledge: ‘In the future too aging-and-death will have birth as its condition.’ The knowledge: ‘In the future too, should there be no birth, there will be no aging-and-death.’ The knowledge: ‘That knowledge of the stability of the Dhamma is also subject to destruction, vanishing, fading away, and cessation.’105
“The knowledge: ‘Birth has existence as its condition.’… The knowledge: ‘Volitional formations have ignorance as their condition. ’ The knowledge: ‘When there is no ignorance, there are no volitional formations.’ The knowledge: ‘In the past too volitional formations had ignorance as their condition.’ The knowledge: ‘In the past too, had there been no ignorance, there would have been no volitional formations.’ The knowledge: ‘In the future too volitional formations will have ignorance as their condition.’ The knowledge: ‘In the future too, should there be no ignorance, there will be no volitional formations.’ The knowledge: ‘That knowledge of the stability of the Dhamma is also subject to destruction, vanishing, fading away, and cessation.’
“These, bhikkhus, are called the seventy-seven cases of knowledge.”
35 (5) With Ignorance as Condition (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness….
Such is the origin of this whole mass of suffering.”
When he had said this, a certain bhikkhu said to the Blessed One: “Venerable sir, what now is aging-and-death, and for whom is there this aging-and-death?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied.106 [61] “Bhikkhu, whether one says, ‘What now is aging-and-death, and for whom is there this aging-and-death?’ or whether one says, ‘Aging-and-death is one thing, the one for whom there is this aging-and-death is another’—both these assertions are identical in meaning; they differ only in the phrasing. If there is the view, ‘The soul and the body are the same,’ there is no living of the holy life; and if there is the view, ‘The soul is one thing, the body is another,’ there is no living of the holy life.107 Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With birth as condition, aging-and-death. ’”
“Venerable sir, what now is birth, and for whom is there this birth?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “Bhikkhu, whether one says, ‘What now is birth, and for whom is there this birth?’ or whether one says, ‘Birth is one thing, the one for whom there is this birth is another’— both these assertions are identical in meaning; they differ only in the phrasing…. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With existence as condition, birth.’”
“Venerable sir, what now is existence, and for whom is there this existence?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “Bhikkhu, whether one says, ‘What now is existence, and for whom is there this existence?’ or whether one says, ‘Existence is one thing, the one for whom there is this existence is another’—both these assertions are identical in meaning; they differ only in the phrasing…. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With clinging as condition, existence…. With craving as condition, clinging…. With feeling as condition, craving…. With contact as condition, feeling…. With the six sense bases as condition, contact…. With name-and-form as
condition, the six sense bases…. [62] With consciousness as condition, name-and-form…. With volitional formations as condition, consciousness.’”
“Venerable sir, what now are volitional formations, and for whom are there these volitional formations?”
“Not a valid question,” the Blessed One replied. “Bhikkhu, whether one says, ‘What now are volitional formations, and for whom are there these volitional formations?’ or whether one says, ‘Volitional formations are one thing, the one for whom there are these volitional formations is another’— both these assertions are identical in meaning; they differ only in the phrasing. If there is the view, ‘The soul and the body are the same,’ there is no living of the holy life; and if there is the view, ‘The soul is one thing, the body is another,’ there is no living of the holy life. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With ignorance as condition, volitional formations.’
“But with the remainderless fading away and cessation of ignorance, whatever kinds of contortions, manoeuvres, and vacillations there may be108—‘What now is aging-and-death, and for whom is there this aging- and-death?’ or ‘Aging-and-death is one thing, the one for whom there is this aging-and-death is another,’ or ‘The soul and the body are the same,’ or ‘The soul is one thing, the body is another’—all these are abandoned, cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that they are no more subject to future arising.109
“With the remainderless fading away and cessation of ignorance, whatever kinds of contortions, manoeuvres, and vacillations there may be
—‘What now is birth, and for whom is there this birth?’... [63] ... ‘What now are volitional formations, and for whom are there these volitional formations?’ or ‘Volitional formations are one thing, the one for whom there are these volitional formations is another,’ or ‘The soul and the body are the same,’ or ‘The soul is one thing, the body is another’—all these are abandoned, cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that they are no more subject to future arising.”
36 (6) With Ignorance as Condition (2)
(This sutta is identical with the preceding one, differing only in that the bhikkhus are addressed collectively throughout, and there is no interlocutor who asks inappropriate questions. The Buddha simply cites the invalid types of assertions on his own.) [64]
37 (7) Not Yours
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, this body is not yours, nor does it belong to others.110 [65] It is old kamma, to be seen as generated and fashioned by volition, as something to be felt.111 Therein, bhikkhus, the instructed noble disciple attends carefully and closely to dependent origination itself thus: ‘When this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases. That is, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
38 (8) Volition (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, what one intends, and what one plans, and whatever one has a tendency towards: this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis there is a support for the establishing of consciousness. When consciousness is established and has come to growth, there is the production of future renewed existence. When there is the production of future renewed existence, future birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering.112
“If, bhikkhus, one does not intend, and one does not plan, but one still has a tendency towards something, this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis, there is a support for the establishing of consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering.113
“But, bhikkhus, when one does not intend, and one does not plan, and one does not have a tendency towards anything, no basis exists for the maintenance of consciousness. [66] When there is no basis, there is no support for the establishing of consciousness. When consciousness is unestablished and does not come to growth, there is no production of future renewed existence. When there is no production of future renewed existence, future birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”114
39 (9) Volition (2)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, what one intends, and what one plans, and whatever one has a tendency towards: this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis, there is a support for the establishing of consciousness. When consciousness is established and has come to growth, there is a descent of name-and-form.115 With name- and-form as condition, the six sense bases [come to be]; with the six sense bases as condition, contact; with contact as condition, feeling ... craving ... clinging ... existence ... birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“If, bhikkhus, one does not intend, and one does not plan, but one still has a tendency towards something, this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis, there is a support for the establishing of consciousness. When consciousness is established and has come to growth, there is a descent of name-and-form. With name-and-
form as condition, the six sense bases [come to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“But, bhikkhus, when one does not intend, and one does not plan, and one does not have a tendency towards anything, no basis exists for the maintenance of consciousness. When there is no basis, there is no support for the establishing of consciousness. When consciousness is unestablished and does not come to growth, there is no descent of name-and-form. With the cessation of name-and-form comes cessation of the six sense bases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
40 (10) Volition (3)
At Sāvatthı̄. [67] “Bhikkhus, what one intends, and what one plans, and whatever one has a tendency towards: this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis, there is a support for the establishing of consciousness. When consciousness is established and has come to growth, there is inclination. When there is inclination, there is coming and going. When there is coming and going, there is passing away and being reborn.116 When there is passing away and being reborn, future birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“If, bhikkhus, one does not intend, and one does not plan, but one still has a tendency towards something, this becomes a basis for the maintenance of consciousness. When there is a basis, there is a support for the establishing of consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“But, bhikkhus, when one does not intend, and one does not plan, and one does not have a tendency towards anything, no basis exists for the maintenance of consciousness. When there is no basis, there is no support for the establishing of consciousness. When consciousness is unestablished and does not come to growth, there is no inclination. When there is no inclination, there is no coming and going. When there is no coming and going, there is no passing away and being reborn. When there is no passing
away and being reborn, future birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”117
[68] V. THE HOUSEHOLDER
41 (1) Five Fearful Animosities (1)
At Sāvatthı̄. Then the householder Anāthapiṇḍika approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him:
“Householder, when five fearful animosities have subsided in a noble disciple, and he possesses the four factors of stream-entry, and he has clearly seen and thoroughly penetrated with wisdom the noble method, if he wishes he could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell, finished with the animal realm, finished with the domain of ghosts, finished with the plane of misery, the bad destinations, the nether world. I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’118
“What are the five fearful animosities that have subsided? Householder, one who destroys life engenders, on account of such behaviour, fearful animosity pertaining to the present life and fearful animosity pertaining to the future life, and he experiences mental pain and displeasure.119 Thus for one who abstains from destroying life, this fearful animosity has subsided.
“One who takes what is not given … [69] … who engages in sexual misconduct … who speaks falsely ... who indulges in wine, liquor, and intoxicants that are a basis for negligence engenders, on account of such behaviour, fearful animosity pertaining to the present life and fearful animosity pertaining to the future life, and he experiences mental pain and displeasure. Thus for one who abstains from wine, liquor, and intoxicants that are a basis for negligence, this fearful animosity has subsided.
“These are the five fearful animosities that have subsided.
“What are the four factors of stream-entry that he possesses?120 Here, householder, the noble disciple possesses confirmed confidence in the Buddha thus: ‘The Blessed One is an arahant, perfectly enlightened, accomplished in true knowledge and conduct, fortunate, knower of the world, unsurpassed leader of persons to be tamed, teacher of devas and humans, the Enlightened One, the Blessed One.’
“He possesses confirmed confidence in the Dhamma thus: ‘The Dhamma is well expounded by the Blessed One, directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.’
“He possesses confirmed confidence in the Sarigha thus: ‘The Sarigha of the Blessed One’s disciples is practising the good way, practising the straight way, practising the true way, practising the proper way; that is, the four pairs of persons, the eight types of individuals—this [70] Sarigha of the Blessed One’s disciples is worthy of gifts, worthy of hospitality, worthy of offerings, worthy of reverential salutation, the unsurpassed field of merit for the world.’
“He possesses the virtues dear to the noble ones—unbroken, untorn, unblemished, unmottled, freeing, praised by the wise, ungrasped, leading to concentration.121
“These are the four factors of stream-entry that he possesses.
“And what is the noble method that he has clearly seen and thoroughly penetrated with wisdom?122 Here, householder, the noble disciple attends closely and carefully to dependent origination itself thus: ‘When this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases. That is, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’
“This is the noble method that he has clearly seen and thoroughly penetrated with wisdom.
“When, householder, these five fearful animosities have subsided in a noble disciple, and he possesses these four factors of stream-entry, and he has clearly seen and thoroughly penetrated with wisdom this noble method, if he wishes he could by himself declare of himself: ‘I am one finished with hell, finished with the animal realm, finished with the domain of ghosts, finished with the plane of misery, the bad destinations, the nether world. I am a stream-enterer, no longer bound to the nether world, fixed in destiny, with enlightenment as my destination.’”
42 (2) Five Fearful Animosities (2)
(This sutta is identical with the preceding one except that it is addressed to “a number of bhikkhus.”) [71]
43 (3) Suffering
At Sāvatthı̄. [72] “Bhikkhus, I will teach you the origin and the passing away of suffering. Listen to that and attend closely, I will speak.”123
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is the origin of suffering? In dependence on the
eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is
contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. This is the origin of suffering.
“In dependence on the ear and sounds ... In dependence on the nose and odours ... In dependence on the tongue and tastes ... In dependence on the body and tactile objects ... In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. This is the origin of suffering.
“And what, bhikkhus, is the passing away of suffering? In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence, cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering. This is the passing away of suffering.
“In dependence on the ear and sounds ... In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging … cessation of existence … cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, [73] sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering. This is the passing away of suffering.”
44 (4) The World
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, I will teach you the origin and the passing away of the world. Listen to that and attend closely, I will speak.”124
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “And what, bhikkhus, is the origin of the world? In dependence on the
eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is
contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging; with clinging as condition, existence; with existence as condition, birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. This, bhikkhus, is the origin of the world.
“In dependence on the ear and sounds ... In dependence on the nose and odours … In dependence on the tongue and tastes ... In dependence on the body and tactile objects ... In dependence on the mind and mental
phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging … existence … birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. This, bhikkhus, is the origin of the world.
“And what, bhikkhus, is the passing away of the world? In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence, cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering. This, bhikkhus, is the passing away of the world.
“In dependence on the ear and sounds … [74] … In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging … cessation of existence … cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering. This, bhikkhus, is the passing away of the world.”
45 (5) At Ñātika
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Ñātika in the Brick Hall. Then, while the Blessed One was alone in seclusion, he uttered this Dhamma exposition:125 “In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“In dependence on the ear and sounds ... In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“In dependence on the eye and forms, eye-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence…. Such is the cessation of this whole mass of suffering. [75]
“In dependence on the ear and sounds … In dependence on the mind and mental phenomena, mind-consciousness arises. The meeting of the three is contact. With contact as condition, feeling [comes to be]; with feeling as condition, craving. But with the remainderless fading away and cessation of that same craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
Now on that occasion a certain bhikkhu was standing listening in on the Blessed One. The Blessed One saw him standing there listening in and said to him: “Did you hear that Dhamma exposition, bhikkhu?”
“Yes, venerable sir.”
“Learn that Dhamma exposition, bhikkhu, master it and remember it. That Dhamma exposition is beneficial and relevant to the fundamentals of the holy life.”
46 (6) A Certain Brahmin
At Sāvatthı̄. Then a certain brahmin approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“How is it, Master Gotama: is the one who acts the same as the one who experiences [the result]?”126
“‘The one who acts is the same as the one who experiences [the result]’: this, brahmin, is one extreme.” [76]
“Then, Master Gotama, is the one who acts one, and the one who experiences [the result] another?”
“‘The one who acts is one, and the one who experiences [the result] is another’: this, brahmin, is the second extreme. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle: ‘With ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’”
When this was said, that brahmin said to the Blessed One: “Magnificent, Master Gotama!… I go for refuge to Master Gotama, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
47 (7) Jāṇussoṇi
At Sāvatthı̄. Then the brahmin Jāṇussoṇi approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:127
“How is it, Master Gotama: does all exist?” “‘All exists’: this, brahmin, is one extreme.” “Then, Master Gotama, does all not exist?”
“‘All does not exist’: this, brahmin, is the second extreme. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle….”
When this was said, the brahmin Jāṇussoṇi said to the Blessed One: [77] “Magnificent, Master Gotama!… From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
48 (8) A Cosmologist
At Sāvatthı̄. Then a brahmin who was a cosmologist128 approached the Blessed One … and said to him:
“How is it, Master Gotama: does all exist?”
“‘All exists’: this, brahmin, is the oldest cosmology.”129 “Then, Master Gotama, does all not exist?”
“‘All does not exist’: this, brahmin, is the second cosmology.” “How is it, Master Gotama: is all a unity?”130
“‘All is a unity’: this, brahmin, is the third cosmology.” “Then, Master Gotama, is all a plurality?”131
“‘All is a plurality’: this, brahmin, is the fourth cosmology. Without veering towards either of these extremes, the Tathāgata teaches the Dhamma by the middle….”
When this was said, that brahmin said to the Blessed One: “Magnificent, Master Gotama!… From today let Master Gotama remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.”
49 (9) The Noble Disciple (1)
At Sāvatthı̄. [78] “Bhikkhus, an instructed noble disciple does not think: ‘When what exists does what come to be? With the arising of what does what arise? [When what exists do volitional formations come to be? When what exists does consciousness come to be?]132 When what exists does
name-and-form come to be?… When what exists does aging-and-death come to be?’
“Rather, bhikkhus, the instructed noble disciple has knowledge about this that is independent of others: ‘When this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. [When there is ignorance, volitional formations come to be. When there are volitional formations, consciousness comes to be.] When there is consciousness, name-and-form comes to be…. When there is birth, aging-and-death comes to be.’ He understands thus: ‘In such a way the world originates.’
“Bhikkhus, an instructed noble disciple does not think: ‘When what does not exist does what not come to be? With the cessation of what does what cease? [When what does not exist do volitional formations not come to be? When what does not exist does consciousness not come to be?] When what does not exist does name-and-form not come to be?… When what does not exist does aging-and-death not come to be?’”
“Rather, bhikkhus, the instructed noble disciple has knowledge about this that is independent of others: ‘When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases. [When there is no ignorance, volitional formations do not come to be. When there are no volitional formations, consciousness does not come to be.] When there is no consciousness, name-and-form does not come to be…. When there is no birth, aging-and-death does not come to be.’ He understands thus: ‘In such a way the world ceases.’ [79]
“Bhikkhus, when a noble disciple thus understands as they really are the origin and the passing away of the world, he is then called a noble disciple who is accomplished in view, accomplished in vision, who has arrived at this true Dhamma, who sees this true Dhamma, who possesses a trainee’s knowledge, a trainee’s true knowledge, who has entered the stream of the Dhamma, a noble one with penetrative wisdom, one who stands squarely before the door to the Deathless.”
50 (10) The Noble Disciple (2)
(This sutta is identical with the preceding one except that the passages enclosed in brackets there as absent in some editions are here clearly included in all editions.) [80]
VI. SUFFERING (OR THE TREE)133
51 (1) Thorough Investigation
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Bhikkhus, when a bhikkhu is making a thorough investigation, in what
way should he thoroughly investigate for the utterly complete destruction of
suffering?”134
“Venerable sir, our teachings are rooted in the Blessed One, guided by the Blessed One, [81] take recourse in the Blessed One. It would be good if the Blessed One would clear up the meaning of this statement. Having heard it from him, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, bhikkhus, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Here, bhikkhus, when he makes a thorough investigation, a bhikkhu
thoroughly investigates thus: ‘The many diverse kinds of suffering that arise in the world [headed by] aging-and-death: what is the source of this suffering, what is its origin, from what is it born and produced? When what exists does aging-and-death come to be? When what does not exist does aging-and-death not come to be?’
“As he thoroughly investigates he understands thus: ‘The many diverse kinds of suffering that arise in the world [headed by] aging-and-death: this suffering has birth as its source, birth as its origin; it is born and produced
from birth. When there is birth, aging-and-death comes to be; when there is no birth, aging-and-death does not come to be.’
“He understands aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading on that is in conformity with its cessation.135 He practises that way and conducts himself accordingly. This is called a bhikkhu who is practising for the utterly complete destruction of suffering, for the cessation of aging-and-death.
“Then, investigating further, he thoroughly investigates thus: ‘What is the source of this birth, what is its origin, from what is it born and produced?… What is the source of this existence?… this clinging?… this craving?… this feeling?… this contact?… these six sense bases?… this name-and-form?… this consciousness? … What is the source of these volitional formations, what is their origin, from what are they born and produced? When what exists do volitional formations come to be? When what does not exist do volitional formations not come to be?’
“As he thoroughly investigates he understands thus: ‘Volitional formations have ignorance as their source, ignorance as their origin; they are born and produced from ignorance. [82] When there is ignorance, volitional formations come to be; when there is no ignorance, volitional formations do not come to be.’
“He understands volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading on that is in conformity with their cessation. He practises that way and conducts himself accordingly. This is called a bhikkhu who is practising for the utterly complete destruction of suffering, for the cessation of volitional formations.
“Bhikkhus, if a person immersed in ignorance generates a meritorious volitional formation, consciousness fares on to the meritorious; if he generates a demeritorious volitional formation, consciousness fares on to the demeritorious; if he generates an imperturbable volitional formation, consciousness fares on to the imperturbable.136 But when a bhikkhu has abandoned ignorance and aroused true knowledge, then, with the fading away of ignorance and the arising of true knowledge, he does not generate a meritorious volitional formation, or a demeritorious volitional formation, or
an imperturbable volitional formation. Since he does not generate or fashion volitional formations, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated.137 Not being agitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’
“If he feels a pleasant feeling,138 he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a painful feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’ If he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he understands: ‘It is impermanent’; he understands: ‘It is not held to’; he understands: ‘It is not delighted in.’
“If he feels a pleasant feeling, he feels it detached; if he feels a painful feeling, he feels it detached; if he feels a neither-painful-nor-pleasant feeling, he feels it detached. [83]
“When he feels a feeling terminating with the body, he understands: ‘I feel a feeling terminating with the body.’ When he feels a feeling terminating with life, he understands: ‘I feel a feeling terminating with life.’139 He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here; mere bodily remains will be left.’140
“Suppose, bhikkhus, a man would remove a hot clay pot from a potter’s kiln and set it on smooth ground: its heat would be dissipated right there and potsherds would be left. So too, when he feels a feeling terminating with the body ... terminating with life…. He understands: ‘With the breakup of the body, following the exhaustion of life, all that is felt, not being delighted in, will become cool right here; mere bodily remains will be left.’141 “What do you think, bhikkhus, can a bhikkhu whose taints are destroyed generate a meritorious volitional formation, or a demeritorious volitional formation, or an imperturbable volitional formation?”
“No, venerable sir.”
“When there are utterly no volitional formations, with the cessation of volitional formations, would consciousness be discerned?”142 “No, venerable sir.”
“When there is utterly no consciousness, with the cessation of consciousness, would name-and-form be discerned?”
“No, venerable sir.”
“When there is utterly no name-and-form … no six sense bases ... [84] ... no contact ... no feeling ... no craving ... no clinging ... no existence … no birth, with the cessation of birth, would aging-and-death be discerned?”
“No, venerable sir.”
“Good, good, bhikkhus! It is exactly so and not otherwise! Place faith in me about this, bhikkhus, resolve on this. Be free from perplexity and doubt about this. Just this is the end of suffering.” 143
52 (2) Clinging
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can be clung to,144 craving increases. With craving as condition, clinging [comes to be]; with clinging as condition, existence; with existence as condition, birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, [85] a great bonfire was burning, consuming ten, twenty, thirty, or forty loads of wood, and a man would cast dry grass, dry cowdung, and dry wood into it from time to time. Thus, sustained by that material, fuelled by it, that great bonfire would burn for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can be clung to, craving increases…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of
clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence … cessation of birth … aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.145
“Suppose, bhikkhus, a great bonfire was burning, consuming ten, twenty, thirty, or forty loads of wood, and a man would not cast dry grass, dry cowdung, or dry wood into it from time to time. Thus, when the former supply of fuel is exhausted, that great bonfire, not being fed with any more fuel, lacking sustenance, would be extinguished. So too, when one lives contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”146 [86]
53 (3) Fetters (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can fetter,147 craving increases. With craving as condition, clinging [comes to be]; with clinging as condition, existence; with existence as condition, birth; with birth as condition, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair come to be. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, an oil lamp was burning in dependence on oil and a wick, and a man would pour oil into it and adjust the wick from time to time. Thus, sustained by that oil, fuelled by it, that oil lamp would burn for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can fetter, craving increases…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can fetter, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence … cessation of birth … aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, an oil lamp was burning in dependence on oil and a wick, and the man would not pour oil into it or adjust the wick from time to
time. Thus, when the former supply of fuel is exhausted, that oil lamp, not being fed with any more fuel, lacking sustenance, would be extinguished. So too, when one lives contemplating danger in things that can fetter, craving ceases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.” [87]
54 (4) Fetters (2)
(This sutta is identical with the preceding one except that in both the sections on origination and cessation the similes come first and their applications only afterwards.)
55 (5) The Great Tree (1)
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can be clung to, craving increases. With craving as condition, clinging [comes to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree, and all its roots going downwards and across would send the sap upwards. Sustained by that sap, nourished by it, that great tree would stand for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can be clung to, craving increases…. Such is the origin of this whole mass of suffering.148 [88]
“When, bhikkhus, one dwells contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of clinging…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree. Then a man would come along bringing a shovel and a basket. He would cut down the tree at its foot, dig it up, and pull out the roots, even the fine rootlets and root-fibre. He would cut the tree into pieces, split the pieces, and reduce them to slivers. Then he would dry the slivers in the wind and sun, burn them in a fire, and collect the ashes. Having done so, he would winnow the ashes in a strong
wind or let them be carried away by the swift current of a river. Thus that great tree would be cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising.
“So too, bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”149
56 (6) The Great Tree (2)
(This sutta is identical with the preceding one except that in both the sections on origination and cessation the similes come first and their applications only afterwards.) [89]
57 (7) The Sapling
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can fetter, craving increases. With craving as condition, clinging [comes to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a sapling, and from time to time a man would clear the area around the roots, from time to time provide it with good soil, from time to time water it. Sustained by that care, nourished by it, that sapling would attain to growth, increase, and expansion. So too, when one dwells contemplating gratification in things that can fetter, craving increases…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“When, bhikkhus, one dwells contemplating danger in things that can fetter, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of clinging…. Such is the cessation of this whole mass of suffering. [90]
“Suppose, bhikkhus, there was a sapling. Then a man would come along bringing a shovel and a basket. He would cut down the sapling at its foot … (as in §55) … he would winnow the ashes in a strong wind or let them be carried away by the swift current of a river. Thus that sapling would be cut
off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising.
“So too, bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can fetter, craving ceases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
58 (8) Name-and-Form
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can fetter, there is a descent of name-and-form. 150 With name- and-form as condition, the six sense bases [come to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree, and all its roots going downwards and across would send the sap upwards. Sustained by that sap, nourished by it, that great tree would stand for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can fetter, there is a descent of name-and-form…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“When, bhikkhus, one dwells contemplating danger in things that can fetter, there is no descent of name-and-form. [91] With the cessation of name-and-form comes cessation of the six sense bases…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree. Then a man would come along bringing a shovel and a basket. He would cut down the tree at its foot
... he would winnow the ashes in a strong wind or let them be carried away by the swift current of a river. Thus that great tree would be cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising.
“So too, bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can fetter, there is no descent of name-and-form…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
59 (9) Consciousness
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, when one dwells contemplating gratification in things that can fetter, there is a descent of consciousness. 151 With consciousness as condition, name-and-form [comes to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree, and all its roots going downwards and across would send the sap upwards. Sustained by that sap, nourished by it, that great tree would stand for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can fetter, there is a descent of consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“When, bhikkhus, one dwells contemplating danger in things that can fetter, there is no descent of consciousness. With the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Suppose, bhikkhus, there was a great tree. Then a man would come along bringing a shovel and a basket. He would cut down the tree at its foot
... he would winnow the ashes in a strong wind or let them be carried away by the swift current of a river. Thus that great tree would be cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising.
“So too, bhikkhus, when one dwells contemplating danger in things that can fetter, there is no descent of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.” [92]
60 (10) Causation
On one occasion the Blessed One was dwelling among the Kurus, where there was a town of the Kurus named Kammāsadamma. Then the Venerable Ānanda approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:152
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! This dependent origination is so deep and so deep in implications, yet to me it seems as clear as clear can be.”
“Not so, Ānanda! Not so, Ānanda! This dependent origination is deep and deep in implications. It is because of not understanding and not penetrating this Dhamma, Ānanda, that this generation has become like a tangled skein, like a knotted ball of thread, like matted reeds and rushes, and does not pass beyond the plane of misery, the bad destinations, the nether world, saṃsāra.
“Ānanda, when one dwells contemplating gratification in things that can be clung to, craving increases. With craving as condition, [93] clinging [comes to be]…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“Suppose, Ānanda, there was a great tree, and all its roots going downwards and across would send the sap upwards. Sustained by that sap, nourished by it, that great tree would stand for a very long time. So too, when one lives contemplating gratification in things that can be clung to, craving increases…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“When, Ānanda, one dwells contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of clinging…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Suppose, Ānanda, there was a great tree. Then a man would come along bringing a shovel and a basket. He would cut down the tree at its foot ... he would winnow the ashes in a strong wind or let them be carried away by the swift current of a river. Thus that great tree would be cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising.
“So too, Ānanda, when one dwells contemplating danger in things that can be clung to, craving ceases. With the cessation of craving comes cessation of clinging; with the cessation of clinging, cessation of existence; with the cessation of existence, cessation of birth; with the cessation of birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
[94] VII. THE GREAT SUBCHAPTER
61 (1) Uninstructed (1)
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park….
“Bhikkhus, the uninstructed worldling153 might experience revulsion towards this body composed of the four great elements; he might become dispassionate towards it and be liberated from it. For what reason? Because growth and decline is seen in this body composed of the four great elements, it is seen being taken up and laid aside. Therefore the uninstructed worldling might experience revulsion towards this body composed of the four great elements; he might become dispassionate towards it and be liberated from it.
“But, bhikkhus, as to that which is called ‘mind’ and ‘mentality’ and ‘consciousness’154—the uninstructed worldling is unable to experience revulsion towards it, unable to become dispassionate towards it and be liberated from it. For what reason? Because for a long time this has been held to by him, appropriated, and grasped thus: ‘This is mine, this I am, this is my self.’155 Therefore the uninstructed worldling is unable to experience revulsion towards it, unable to become dispassionate towards it and be liberated from it.
“It would be better, bhikkhus, for the uninstructed worldling to take as self this body composed of the four great elements rather than the mind. For what reason? Because this body composed of the four great elements is seen standing for one year, for two years, for three, four, five, or ten years, for twenty, thirty, forty, or fifty years, for a hundred years, [95] or even longer.156 But that which is called ‘mind’ and ‘mentality’ and ‘consciousness’ arises as one thing and ceases as another by day and by night. Just as a monkey roaming through a forest grabs hold of one branch,
lets that go and grabs another, then lets that go and grabs still another, so too that which is called ‘mind’ and ‘mentality’ and ‘consciousness’ arises as one thing and ceases as another by day and by night.157
“Therein, bhikkhus, the instructed noble disciple attends closely and carefully to dependent origination itself thus:158 ‘When this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases. That is, with ignorance as condition, volitional formations [come to be]; with volitional formations as condition, consciousness…. Such is the origin of this whole mass of suffering. But with the remainderless fading away and cessation of ignorance comes cessation of volitional formations; with the cessation of volitional formations, cessation of consciousness…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards form, revulsion towards feeling, revulsion towards perception, revulsion towards volitional formations, revulsion towards consciousness. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
62 (2) Uninstructed (2)
(This sutta is identical with the preceding one from the opening down to the monkey simile. It then omits the monkey simile and continues as follows:) [96]
“Therein, bhikkhus, the instructed noble disciple attends closely and carefully to dependent origination itself thus: ‘When this exists, that comes to be; with the arising of this, that arises. When this does not exist, that does not come to be; with the cessation of this, that ceases.’ Bhikkhus, in dependence on a contact to be experienced as pleasant, a pleasant feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as pleasant, the
corresponding feeling—the pleasant feeling that arose in dependence on that contact to be experienced as pleasant—ceases and subsides. In dependence on a contact to be experienced as painful, a painful feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as painful, the corresponding feeling—the painful feeling [97] that arose in dependence on that contact to be experienced as painful—ceases and subsides. In dependence on a contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant, a neither-painful-nor-pleasant feeling arises. With the cessation of that contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant, the corresponding feeling—the neither-painful-nor-pleasant feeling that arose in dependence on that contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant—ceases and subsides.
“Bhikkhus, just as heat is generated and fire is produced from the conjunction and friction of two fire-sticks, but with the separation and laying aside of the sticks159 the resultant heat ceases and subsides; so too, in dependence on a contact to be experienced as pleasant…acontact to be experienced as painful…a contact to be experienced as neither-painful-nor- pleasant, a neither-painful-nor-pleasant feeling arises…. With the cessation of that contact to be experienced as neither-painful-nor-pleasant, the corresponding feeling ... ceases and subsides.
“Seeing thus, bhikkhus, the instructed noble disciple experiences revulsion towards contact, revulsion towards feeling, revulsion towards perception, revulsion towards volitional formations, revulsion towards consciousness. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated.’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’”
63 (3) Son’s Flesh
At S̄vattı̄.160 [98] “Bhikkhus, there are these four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance
of those about to come to be. What four? The nutriment edible food, gross or subtle; second, contact; third, mental volition; fourth, consciousness. These are the four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be.
“And how, bhikkhus, should the nutriment edible food be seen? Suppose a couple, husband and wife, had taken limited provisions and were travelling through a desert. They have with them their only son, dear and beloved. Then, in the middle of the desert, their limited provisions would be used up and exhausted, while the rest of the desert remains to be crossed. The husband and wife would think: ‘Our limited provisions have been used up and exhausted, while the rest of this desert remains to be crossed. Let us kill our only son, dear and beloved, and prepare dried and spiced meat. By eating our son’s flesh we can cross the rest of this desert. Let not all three of us perish!’
“Then, bhikkhus, the husband and wife would kill their only son, dear and beloved, prepare dried and spiced meat, and by eating their son’s flesh they would cross the rest of the desert. While they are eating their son’s flesh, they would beat their breasts and cry: ‘Where are you, our only son? Where are you, our only son?’
“What do you think, bhikkhus? Would they eat that food for amusement or for enjoyment [99] or for the sake of physical beauty and attractiveness?”
“No, venerable sir.”
“Wouldn’t they eat that food only for the sake of crossing the desert?” “Yes, venerable sir.”
“It is in such a way, bhikkhus, that I say the nutriment edible food should be seen.161 When the nutriment edible food is fully understood, lust for the five cords of sensual pleasure is fully understood.162 When lust for the five cords of sensual pleasure is fully understood, there is no fetter bound by which a noble disciple might come back again to this world.163
“And how, bhikkhus, should the nutriment contact be seen? Suppose there is a flayed cow. If she stands exposed to a wall, the creatures dwelling
in the wall would nibble at her. If she stands exposed to a tree, the creatures dwelling in the tree would nibble at her. If she stands exposed to water, the creatures dwelling in the water would nibble at her. If she stands exposed to the open air, the creatures dwelling in the open air would nibble at her. Whatever that flayed cow stands exposed to, the creatures dwelling there would nibble at her.
“It is in such a way, bhikkhus, that I say the nutriment contact should be seen.164 When the nutriment contact is fully understood, the three kinds of feeling are fully understood. When the three kinds of feeling are fully understood, I say, there is nothing further that a noble disciple needs to do.165
“And how, bhikkhus, should the nutriment mental volition be seen? Suppose there is a charcoal pit deeper than a man’s height, filled with glowing coals without flame or smoke. A man would come along wanting to live, not wanting to die, desiring happiness and averse to suffering. Then two strong men would grab him by both arms and drag him towards the charcoal pit. The man’s volition would be to get far away, his longing would be to get far away, his wish would be to get far away [from the charcoal pit]. [100] For what reason? Because he knows: ‘I will fall into this charcoal pit and on that account I will meet death or deadly suffering.’
“It is in such a way, bhikkhus, that I say the nutriment mental volition should be seen.166 When the nutriment mental volition is fully understood, the three kinds of craving are fully understood. When the three kinds of craving are fully understood, I say, there is nothing further that a noble disciple needs to do.167
“And how, bhikkhus, should the nutriment consciousness be seen? Suppose they were to arrest a bandit, a criminal, and bring him before the king, saying: ‘Sire, this man is a bandit, a criminal. Impose on him whatever punishment you wish.’ The king says to them: ‘Go, men, in the morning strike this man with a hundred spears.’ In the morning they strike him with a hundred spears. Then at noon the king asks: ‘Men, how’s that man?’–‘Still alive, sire.’–‘Then go, and at noon strike him with a hundred spears.’ At noon they strike him with a hundred spears. Then in the evening
the king asks: ‘Men, how’s that man?’–‘Still alive, sire.’ –‘Then go, and in the evening strike him with a hundred spears.’ In the evening they strike him with a hundred spears.
“What do you think, bhikkhus? Would that man, being struck with three hundred spears, experience pain and displeasure on that account?”
“Venerable sir, even if he were struck with one spear he would experience pain and displeasure on that account, not to speak of three hundred spears.”
“It is in such a way, bhikkhus, that I say the nutriment consciousness should be seen.168 When the nutriment consciousness is fully understood, name-and-form is fully understood. When name-and-form is fully understood, I say, there is nothing further that a noble disciple needs to do.”169 [101]
64 (4) If There Is Lust
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, there are these four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be. What four? The nutriment edible food, gross or subtle; second, contact; third, mental volition; fourth, consciousness. These are the four kinds of nutriment for the maintenance of beings that have already come to be and for the assistance of those about to come to be.
“If, bhikkhus, there is lust for the nutriment edible food, if there is delight, if there is craving, consciousness becomes established there and comes to growth.170 Wherever consciousness becomes established and comes to growth, there is a descent of name-and-form.171 Where there is a descent of name-and-form, there is the growth of volitional formations.172 Where there is the growth of volitional formations, there is the production of future renewed existence. Where there is the production of future renewed existence, there is future birth, aging, and death. Where there is
future birth, aging, and death, I say that is accompanied by sorrow, anguish, and despair.
“If, bhikkhus, there is lust for the nutriment contact, or for the nutriment mental volition, or for the nutriment consciousness, if there is delight, if there is craving, consciousness becomes established there and comes to growth. Wherever consciousness becomes established and comes to growth
... I say that is accompanied by sorrow, anguish, and despair.
“Suppose, bhikkhus, an artist or a painter, using dye or lac or turmeric or indigo or crimson, [102] would create the figure of a man or a woman complete in all its features on a well-polished plank or wall or canvas. So too, if there is lust for the nutriment edible food, or for the nutriment contact, or for the nutriment mental volition, or for the nutriment consciousness, if there is delight, if there is craving, consciousness becomes established there and comes to growth. Wherever consciousness becomes established and comes to growth ... I say that is accompanied by sorrow, anguish, and despair.173
“If, bhikkhus, there is no lust for the nutriment edible food, or [103] for the nutriment contact, or for the nutriment mental volition, or for the nutriment consciousness, if there is no delight, if there is no craving, consciousness does not become established there and come to growth. Where consciousness does not become established and come to growth, there is no descent of name-and-form. Where there is no descent of name- and-form, there is no growth of volitional formations. Where there is no growth of volitional formations, there is no production of future renewed existence. Where there is no production of future renewed existence, there is no future birth, aging, and death. Where there is no future birth, aging, and death, I say that is without sorrow, anguish, and despair.
“Suppose, bhikkhus, there was a house or a hall with a peaked roof, with windows on the northern, southern, and eastern sides. When the sun rises and a beam of light enters through a window, where would it become established?”
“On the western wall, venerable sir.”
“If there were no western wall, where would it become established?”
“On the earth, venerable sir.”
“If there were no earth, where would it become established?” “On the water, venerable sir.”
“If there were no water, where would it become established?” “It would not become established anywhere, venerable sir.”
“So too, bhikkhus, if there is no lust for the nutriment edible food ... for the nutriment contact ... for the nutriment mental volition … for the nutriment consciousness … consciousness does not become established there and come to growth. Where consciousness does not become established and come to growth … [104] … I say that is without sorrow, anguish, and despair.”174
65 (5) The City
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, before my enlightenment, while I was still a bodhisatta, not yet fully enlightened, it occurred to me: ‘Alas, this world has fallen into trouble, in that it is born, ages, and dies, it passes away and is reborn, yet it does not understand the escape from this suffering [headed by] aging-and-death. When now will an escape be discerned from this suffering [headed by] aging-and-death?’175
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does aging-and- death come to be? By what is aging-and-death conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is birth, aging-and-death comes to be; aging-and- death has birth as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does birth come to be?… existence?… clinging?… craving?… feeling?… contact?… the six sense bases?… name-and-form? By what is name-and-form conditioned?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is consciousness, name-and-form comes to be; name-and-form has consciousness as its condition.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what exists does consciousness come to be? By what is consciousness conditioned? ’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is name-and-form, consciousness comes to be; consciousness has name-and-form as its condition.’176
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘This consciousness turns back; it does not go further than name-and-form.177 It is to this extent that one may be born and age and die, pass away and be reborn, that is, when there is consciousness with name-and-form as its condition, and name-and-form with consciousness as its condition.178 With name-and-form as condition, the six sense bases; with the six sense bases as condition, contact…. [105] Such is the origin of this whole mass of suffering.’
“‘Origination, origination’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘When what does not exist does aging-and-death not come to be? With the cessation of what does the cessation of aging-and-death come about?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is no birth, aging-and-death does not come to be; with the cessation of birth comes cessation of aging-and-death.’
“It occurred to me: ‘When what does not exist does birth not come to be?… existence?… clinging?… craving?… feeling?… contact?… the six sense bases?… name-and-form? With the cessation of what does the cessation of name-and-form come about?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is no consciousness, name-and-form does not come to be; with the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form.’
“It occurred to me: ‘When what does not exist does consciousness not come to be? With the cessation of what does the cessation of consciousness come about?’ Then, bhikkhus, through careful attention, there took place in me a breakthrough by wisdom: ‘When there is no name-and-form,
consciousness does not come to be; with the cessation of name-and-form comes cessation of consciousness.’
“Then, bhikkhus, it occurred to me: ‘I have discovered this path to enlightenment, that is, with the cessation of name-and-form comes cessation of consciousness; with the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form; with the cessation of name-and-form, cessation of the six sense bases; with the cessation of the six sense bases, cessation of contact…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.’179
“‘Cessation, cessation’—thus, bhikkhus, in regard to things unheard before there arose in me vision, knowledge, wisdom, true knowledge, and light.
“Suppose, bhikkhus, a man wandering through a forest would see an ancient path, an ancient road travelled upon by people in the past. He would follow it and would see an ancient city, an ancient capital [106] that had been inhabited by people in the past, with parks, groves, ponds, and ramparts, a delightful place. Then the man would inform the king or a royal minister: ‘Sire, know that while wandering through the forest I saw an ancient path, an ancient road travelled upon by people in the past. I followed it and saw an ancient city, an ancient capital that had been inhabited by people in the past, with parks, groves, ponds, and ramparts, a delightful place. Renovate that city, sire!’ Then the king or the royal minister would renovate the city, and some time later that city would become successful and prosperous, well populated, filled with people, attained to growth and expansion.
“So too, bhikkhus, I saw the ancient path, the ancient road travelled by the Perfectly Enlightened Ones of the past.180 And what is that ancient path, that ancient road? It is just this Noble Eightfold Path; that is, right view, right intention, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration. I followed that path and by doing so I have directly known aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation. I have directly known birth ... existence ... clinging
... .craving ... feeling ... contact ... the six sense bases .... name-and-form ...
consciousness ... volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation. 181 [107] Having directly known them, I have explained them to the bhikkhus, the bhikkhunı̄s, the male lay followers, and the female lay followers. This holy life, bhikkhus, has become successful and prosperous, extended, popular, widespread, well proclaimed among devas and humans.”182
66 (6) Exploration
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling among the Kurus, where there was a town of the Kurus named Kammāsadamma.
There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”183 “Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Do you engage in inward exploration, bhikkhus?”184
When this was said, one bhikkhu said to the Blessed One: “Venerable sir, I engage in inward exploration.”
“How do you engage in inward exploration, bhikkhu?”
The bhikkhu then explained but the way he explained did not satisfy the Blessed One.185 Then the Venerable Ānanda said: “Now is the time for this, Blessed One! Now is the time for this, Fortunate One! Let the Blessed One explain inward exploration. Having heard it from the Blessed One, the bhikkhus will remember it.”
“Then listen and attend closely, Ānanda, I will speak.”
“Yes, venerable sir,” the bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Here, bhikkhus, when engaged in inward exploration, a bhikkhu
explores thus: ‘The many diverse kinds of suffering that arise in the world [headed by] aging-and-death: what is the source of this suffering, what is its origin, [108] from what is it born and produced? When what exists does aging-and-death come to be? When what does not exist does aging-and- death not come to be?’186
“As he explores he understands thus: ‘The many diverse kinds of suffering that arise in the world [headed by] aging-and-death: this suffering has acquisition as its source, acquisition as its origin; it is born and produced from acquisition.187 When there is acquisition, aging-and-death comes to be; when there is no acquisition, aging-and-death does not come to be.’
“He understands aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading on that is in conformity with its cessation.188 He practises in that way and conducts himself accordingly. This is called a bhikkhu who is practising for the utterly complete destruction of suffering, for the cessation of aging-and-death.
“Then, engaging further in inward exploration, he explores thus: ‘What is the source of this acquisition, what is its origin, from what is it born and produced? When what exists does acquisition come to be? When what is absent does acquisition not come to be?’
“As he explores he understands thus: ‘Acquisition has craving as its source, craving as its origin; it is born and produced from craving. When there is craving, acquisition comes to be; when there is no craving, acquisition does not come to be.’
“He understands acquisition, its origin, its cessation, and the way leading on that is in conformity with its cessation. He practises in that way and conducts himself accordingly. This is called a bhikkhu who is practising for the utterly complete destruction of suffering, for the cessation of acquisition.
“Then, engaging further in inward exploration, he explores thus: ‘When this craving arises, where does it arise? When it settles down, upon what does it settle?’
“As he explores he understands thus: ‘Whatever in the world has a pleasant and agreeable nature: it is here that this craving arises when it arises; it is here that it settles when it settles down.’189 And what in the world has a pleasant and agreeable nature? The eye has a pleasant and agreeable nature in the world: it is here that this craving arises when it
arises; it is here that it settles when it settles down. So too the ear, [109] the nose, the tongue, the body, and the mind have a pleasant and agreeable nature: it is here that this craving arises when it arises; it is here that it settles when it settles down.
“Bhikkhus, whatever ascetics and brahmins in the past regarded that in the world with a pleasant and agreeable nature as permanent, as happiness, as self, as healthy, as secure: they nurtured craving. In nurturing craving they nurtured acquisition. In nurturing acquisition they nurtured suffering. In nurturing suffering they were not freed from birth, aging, and death; they were not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; they were not freed from suffering, I say.
“Whatever ascetics and brahmins in the future will regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as permanent, as happiness, as self, as healthy, as secure: they will nurture craving. In nurturing craving they will nurture acquisition. In nurturing acquisition they will nurture suffering. In nurturing suffering they will not be freed from birth, aging, and death; they will not be freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; they will not be freed from suffering, I say.
“Whatever ascetics and brahmins at present regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as permanent, as happiness, as self, as healthy, as secure: they are nurturing craving. In nurturing craving they are nurturing acquisition. In nurturing acquisition they are nurturing suffering. In nurturing suffering they are not freed from birth, aging, and death; they are not freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; they are not freed from suffering, I say. [110]
“Suppose, bhikkhus, there was a bronze cup of a beverage having a fine colour, aroma, and taste, but it was mixed with poison. Then a man would come along, oppressed and afflicted by the heat, tired, parched, and thirsty. They would tell him: ‘Good man, this beverage in the bronze cup has a fine colour, aroma, and taste, but it is mixed with poison. Drink it if you wish. If you drink it, it will gratify you with its colour, aroma, and taste, but by drinking it you will meet death or deadly suffering.’ Suddenly, without reflecting, he would drink the beverage—he would not reject it—and thereby he would meet death or deadly suffering.190
“So too, bhikkhus, whatever ascetics and brahmins in the past … in the future ... at present regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as permanent, as happiness, as self, as healthy, as secure: they are nurturing craving. In nurturing craving ... they are not freed from suffering,
I say.191
“Bhikkhus, whatever ascetics and brahmins in the past regarded that in the world with a pleasant and agreeable nature as impermanent, as suffering, as nonself, as a disease, as fearful: they abandoned craving. In abandoning craving they abandoned acquisition. In abandoning acquisition they abandoned suffering. In abandoning suffering they were freed from birth, aging, and death; they were freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair; they were freed from suffering, I say.
“Whatever ascetics and brahmins in the future [111] will regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as impermanent, as suffering, as nonself, as a disease, as fearful: they will abandon craving. In abandoning craving ... they will be freed from suffering, I say.
“Whatever ascetics and brahmins at present regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as impermanent, as suffering, as nonself, as a disease, as fearful: they are abandoning craving. In abandoning craving ... they are freed from suffering, I say.
“Suppose, bhikkhus, there was a bronze cup of a beverage having a fine colour, aroma, and taste, but it was mixed with poison. Then a man would come along, oppressed and afflicted by the heat, tired, parched, and thirsty. They would tell him: ‘Good man, this beverage in the bronze cup has a fine colour, aroma, and taste, but it is mixed with poison. Drink it if you wish. If you drink it, it will gratify you with its colour, aroma, and taste, but by drinking it you will meet death or deadly suffering. ’ Then the man would think: ‘I can quench my thirst with water, whey, porridge, or soup, but I should not drink that beverage, since to do so would lead to my harm and suffering for a long time.’ Having reflected, he would not drink the beverage but would reject it, [112] and thereby he would not meet death or deadly suffering.
“So too, bhikkhus, whatever ascetics and brahmins in the past … in the future ... at present regard that in the world with a pleasant and agreeable nature as impermanent, as suffering, as nonself, as a disease, as fearful: they are abandoning craving. In abandoning craving ... they are freed from suffering, I say.”192
67 (7) The Sheaves of Reeds
On one occasion the Venerable Sāriputta and the Venerable Mahākoṭṭhita were dwelling at Bārāṇası̄ in the Deer Park at Isipatana.193 Then, in the evening, the Venerable Mahākoṭṭhita emerged from seclusion and approached the Venerable Sāriputta. He exchanged greetings with the Venerable Sāriputta and, when they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him:
“How is it, friend Sāriputta: Is aging-and-death created by oneself, or is it created by another, [113] or is it created both by oneself and by another, or has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?”194
“Friend Koṭṭhita, aging-and-death is not created by oneself, nor is it created by another, nor is it created both by oneself and by another, nor has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another. But rather, with birth as condition, aging-and-death [comes to be].”
“How is it, friend Sāriputta: Is birth created by oneself ... Is existence ... clinging ... craving ... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and- form created by oneself, or is it created by another, or is it created both by oneself and by another, or has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?”
“Name-and-form, friend Koṭṭhita, is not created by oneself, nor is it created by another, nor is it created both by oneself and by another, nor has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another; but rather, with consciousness as condition, name-and-form [comes to be].”
“How is it, friend Sāriputta: Is consciousness created by oneself, or is it created by another, or is it created both by oneself and by another, or has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another?”
“Consciousness, friend Koṭṭhita, is not created by oneself, nor is it created by another, nor is it created both by oneself and by another, nor has it arisen fortuitously, being created neither by oneself nor by another; but rather, with name-and-form as condition, consciousness [comes to be].”195 [114]
“Now we understand the Venerable Sāriputta’s statement thus: ‘Name- and-form, friend Koṭṭhita, is not created by oneself … but rather, with consciousness as condition, name-and-form [comes to be].’ Now we also understand the Venerable Sāriputta’s [other] statement thus: ‘Consciousness, friend Koṭṭhita, is not created by oneself ... but rather, with name-and-form as condition, consciousness [comes to be].’ But how, friend Sāriputta, should the meaning of this statement be seen?”
“Well then, friend, I will make up a simile for you, for some intelligent people here understand the meaning of a statement by means of a simile. Just as two sheaves of reeds might stand leaning against each other, so too, with name-and-form as condition, consciousness [comes to be]; with consciousness as condition, name-and-form [comes to be]. With name-and- form as condition, the six sense bases [come to be]; with the six sense bases as condition, contact…. Such is the origin of this whole mass of suffering.
“If, friend, one were to remove one of those sheaves of reeds, the other would fall, and if one were to remove the other sheaf, the first would fall. So too, with the cessation of name-and-form comes cessation of consciousness; with the cessation of consciousness comes cessation of name-and-form. With the cessation of name-and-form comes cessation of the six sense bases; with the cessation of the six sense bases, cessation of contact…. Such is the cessation of this whole mass of suffering.”
“It is wonderful, friend Sāriputta! It is amazing, friend Sāriputta! How well this has been stated by the Venerable Sāriputta. We rejoice in the Venerable Sāriputta’s statement on these thirty-six grounds:196 If, friend, a bhikkhu teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards aging-
and-death, for its fading away and cessation, he can be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. [115] If a bhikkhu is practising for the purpose of revulsion towards aging-and-death, for its fading away and cessation, he can be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma. If through revulsion towards aging-and-death, through its fading away and cessation, a bhikkhu is liberated by nonclinging, he can be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.
“If, friend, a bhikkhu teaches the Dhamma for the purpose of revulsion towards birth ... existence ... clinging ... craving ... feeling ... contact ... the six sense bases ... name-and-form … consciousness ... volitional formations
… ignorance, for its fading away and cessation, he can be called a bhikkhu who is a speaker on the Dhamma. If a bhikkhu is practising for the purpose of revulsion towards ignorance, for its fading away and cessation, he can be called a bhikkhu who is practising in accordance with the Dhamma. If through revulsion towards ignorance, through its fading away and cessation, a bhikkhu is liberated by nonclinging, he can be called a bhikkhu who has attained Nibbāna in this very life.”
68 (8) Kosambı̄
On one occasion the Venerable Musı̄la, the Venerable Saviṭṭha, the Venerable Nārada, and the Venerable Ānanda were living at Kosambı̄ in Ghosita’s Park.197
Then the Venerable Saviṭṭha said to the Venerable Musı̄la: “Friend Musı̄la, apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it,198 does the Venerable Musı̄la have personal knowledge thus: ‘With birth as condition, aging-and-death [comes to be]’?”
“Friend Saviṭṭha, apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it, I know this, I see this: ‘With birth as condition, aging-and-death [comes to be].’” [116]
“Friend Musı̄la, apart from faith ... apart from acceptance of a view after pondering it, does the Venerable Musı̄la have personal knowledge thus: ‘With existence as condition, birth’?… ‘With ignorance as condition, volitional formations’?”
“Friend Saviṭṭha, apart from faith ... apart from acceptance of a view after pondering it, I know this, I see this: ‘With ignorance as condition, volitional formations.’”
“Friend Musı̄la, apart from faith ... apart from acceptance of a view after pondering it, does the Venerable Musı̄la have personal knowledge: ‘With the cessation of birth comes cessation of aging-and-death’? … [117] … ‘With the cessation of ignorance comes cessation of volitional formations’?”
“Friend Saviṭṭha, apart from faith .... apart from acceptance of a view after pondering it, I know this, I see this: ‘With the cessation of birth comes cessation of aging-and-death.’… ‘With the cessation of ignorance comes cessation of volitional formations.’”
“Friend Musı̄la, apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it, does the Venerable Musı̄la have personal knowledge thus: ‘Nibbāna is the cessation of existence’?”199
“Friend Saviṭṭha, apart from faith, apart from personal preference, apart from oral tradition, apart from reasoned reflection, apart from acceptance of a view after pondering it, I know this, I see this: ‘Nibbāna is the cessation of existence.’”
“Then the Venerable Musı̄la is an arahant, one whose taints are destroyed.”
When this was said, the Venerable Musı̄la kept silent.200
Then the Venerable Nārada said to the Venerable Saviṭṭha: “Friend Saviṭṭha, it would be good if I were asked that series of questions. Ask me that series of questions and I will answer you.”201
“Then let the Venerable Nārada get to answer that series of questions. I will ask the Venerable Nārada that series of questions, and let him answer me.”
(Here the Venerable Saviṭṭha asks the Venerable Nārada the same series of questions as were addressed to the Venerable Musı̄la, and he answers in exactly the same way.)
“Then the Venerable Nārada is an arahant, one whose taints are destroyed.” [118]
“Friend, though I have clearly seen as it really is with correct wisdom, ‘Nibbāna is the cessation of existence,’ I am not an arahant, one whose taints are destroyed.202 Suppose, friend, there was a well along a desert road, but it had neither a rope nor a bucket. Then a man would come along, oppressed and afflicted by the heat, tired, parched, and thirsty. He would look down into the well and the knowledge would occur to him, ‘There is water,’ but he would not be able to make bodily contact with it.203 So too, friend, though I have clearly seen as it really is with correct wisdom, ‘Nibbāna is the cessation of existence,’ I am not an arahant, one whose taints are destroyed.”204
When this was said, the Venerable Ānanda asked the Venerable Saviṭṭha: “When he speaks in such a way, friend Saviṭṭha, what would you say about the Venerable Nārada?”
“When he speaks in such a way, friend Ānanda, I would not say anything about the Venerable Nārada except what is good and favourable.”205
69 (9) The Surge
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One said:
“Bhikkhus, the ocean surging causes the rivers to surge; the rivers surging cause the streams to surge; the streams surging cause the lakes to surge; the lakes surging cause the pools to surge. So too, ignorance surging
causes volitional formations to surge; volitional formations surging cause consciousness to surge; consciousness surging causes name-and-form to surge; name-and-form surging causes the six sense bases to surge; the six sense bases surging cause contact to surge; contact surging causes feeling to surge; feeling surging causes craving to surge; craving surging causes clinging to surge; clinging [119] surging causes existence to surge; existence surging causes birth to surge; birth surging causes aging-and- death to surge.
“Bhikkhus, the ocean receding causes the rivers to recede; the rivers receding cause the streams to recede; the streams receding cause the lakes to recede; the lakes receding cause the pools to recede. So too, ignorance receding causes volitional formations to recede; volitional formations receding cause consciousness to recede ... birth receding causes aging-and- death to recede.”
70 (10) Susı̄ma
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Bamboo Grove, the Squirrel Sanctuary.
(i)
Now on that occasion the Blessed One was honoured, respected, esteemed, venerated, and revered, and he obtained robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites. The Bhikkhu Sarigha too was honoured, respected, esteemed, venerated, and revered, and the bhikkhus too obtained robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites. But the wanderers of other sects were not honoured, respected, esteemed, venerated, and revered, and they did not obtain robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites.
Now on that occasion the wanderer Susı̄ma was residing in Rājagaha along with a large company of wanderers. [120] Then his company said to the wanderer Susı̄ma: “Come, friend Susı̄ma, lead the holy life under the ascetic Gotama. Master his Dhamma and teach it to us. We will master his
Dhamma and preach it to the lay people. Thus we too will be honoured, respected, esteemed, venerated, and revered, and we too will obtain robes, almsfood, lodgings, and medicinal requisites.”
“All right, friends,” the wanderer Susı̄ma replied. He then approached the Venerable Ānanda and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to him: “Friend Ānanda, I wish to lead the holy life in this Dhamma and Discipline.”
Then the Venerable Ānanda took the wanderer Susı̄ma and approached the Blessed One. He paid homage to the Blessed One, and then he sat down to one side and said to him: “Venerable sir, this wanderer Susı̄ma says that he wishes to lead the holy life in this Dhamma and Discipline.”
“Well then, Ānanda, give him the going forth.” The wanderer Susı̄ma then received the going forth and the higher ordination under the Blessed One.206
(ii)
Now on that occasion a number of bhikkhus had declared final knowledge in the presence of the Blessed One, saying: “We understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.” The Venerable Susı̄ma heard about this,
[121] so he approached those bhikkhus, exchanged greetings with them, and then sat down to one side and said to them: “Is it true that you venerable ones have declared final knowledge in the presence of the Blessed One, saying: ‘We understand: Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being’?”207
“Yes, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones wield the various kinds of spiritual power, such that: having been one, you become many; having been many, you become one; you appear and vanish; you go
unhindered through a wall, through a rampart, through a mountain as though through space; you dive in and out of the earth as though it were water; you walk on water without sinking as though it were earth; seated cross-legged, you travel in space like a bird; with your hand you touch and stroke the moon and sun so powerful and mighty; you exercise mastery with the body as far as the brahmā world?”
“No, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones, with the divine ear element, which is purified and surpasses the human, hear both kinds of sounds, the divine and human, those that are far as well as near?”
“No, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones understand the minds of other beings and persons, having encompassed them with your own minds? Do you understand a mind with lust as a mind with lust; a mind without lust as a mind without lust; a mind with hatred as a mind with hatred; a mind without hatred as a mind without hatred; a mind with delusion [122] as a mind with delusion; a mind without delusion as a mind without delusion; a contracted mind as contracted and a distracted mind as distracted; an exalted mind as exalted and an unexalted mind as unexalted; a surpassable mind as surpassable and an unsurpassable mind as unsurpassable; a concentrated mind as concentrated and an unconcentrated mind as unconcentrated; a liberated mind as liberated and an unliberated mind as unliberated?”
“No, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones recollect your manifold past abodes, that is, one birth, two births, three births, four births, five births, ten births, twenty births, thirty births, forty births, fifty births, a hundred births, a thousand births, a hundred thousand births, many aeons of world-contraction, many aeons of world-expansion, many aeons of world- contraction and expansion thus: ‘There I was so named, of such a clan, with such an appearance, such was my food, such my experience of pleasure and pain, such my life span; passing away from there, I was reborn elsewhere, and there too I was so named, of such a clan, with such an appearance, such
was my food, such my experience of pleasure and pain, such my life span; passing away from there, I was reborn here’? Do you thus recollect your manifold past abodes with their modes and details?”
“No, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones, with the divine eye, which is purified and surpasses the human, see beings passing away and being reborn, inferior and superior, beautiful and ugly, fortunate and unfortunate, and understand how beings fare on in accordance with their kamma thus: ‘These beings who engaged in misconduct of body, [123] speech, and mind, who reviled the noble ones, held wrong view, and undertook actions based on wrong view, with the breakup of the body, after death, have been reborn in a state of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell; but these beings who engaged in good conduct of body, speech, and mind, who did not revile the noble ones, who held right view, and undertook action based on right view, with the breakup of the body, after death, have been reborn in a good destination, in a heavenly world’? Thus with the divine eye, which is purified and surpasses the human, do you see beings passing away and being reborn, inferior and superior, beautiful and ugly, fortunate and unfortunate, and understand how beings fare on in accordance with their kamma?”
“No, friend.”
“Then knowing and seeing thus, do you venerable ones dwell in those peaceful deliverances that transcend forms, the formless attainments, having touched them with the body?”208
“No, friend.”
“Here now, venerable ones: this answer and the nonattainment of those states, how could this be, friends?”209
“We are liberated by wisdom, friend Susı̄ma.”210
“I do not understand in detail, friends, the meaning of what has been stated in brief by the venerable ones. It would be good if the venerable ones
would explain to me in such a way that I could understand in detail what has been stated in brief.” [124]
“Whether or not you understand, friend Susı̄ma, we are liberated by wisdom.”
(iii)
Then the Venerable Susı̄ma rose from his seat and approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One, sat down to one side, and reported to the Blessed One the entire conversation he had had with those bhikkhus. [The Blessed One said:]
“First, Susı̄ma, comes knowledge of the stability of the Dhamma, afterwards knowledge of Nibbāna.”211
“I do not understand in detail, venerable sir, the meaning of what was stated in brief by the Blessed One. It would be good if the Blessed One would explain to me in such a way that I could understand in detail what has been stated in brief.”
“Whether or not you understand, Susı̄ma, first comes knowledge of the stability of the Dhamma, afterwards knowledge of Nibbāna.212
“What do you think, Susı̄ma, is form permanent or impermanent?”
–“Impermanent, venerable sir.”213–“Is what is impermanent suffering or happiness?”–“Suffering, venerable sir.”–“Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”–“No, venerable sir.”
“Is feeling permanent or impermanent?… Is perception permanent or impermanent?… Are volitional formations permanent or impermanent?… Is consciousness permanent or impermanent?” [125]–“Impermanent, venerable sir.”–“Is what is impermanent suffering or happiness?”–“Suffering, venerable sir.”–“Is what is impermanent, suffering, and subject to change fit to be regarded thus: ‘This is mine, this I am, this is my self’?”–“No, venerable sir.”
“Therefore, Susı̄ma, any kind of form whatsoever, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near, all form should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Any kind of feeling whatsoever … Any kind of perception whatsoever
… Any kind of volitional formations whatsoever … Any kind of consciousness whatsoever, whether past, future, or present, internal or external, gross or subtle, inferior or superior, far or near, all consciousness should be seen as it really is with correct wisdom thus: ‘This is not mine, this I am not, this is not my self.’
“Seeing thus, Susı̄ma, the instructed noble disciple experiences revulsion towards form, revulsion towards feeling, revulsion towards perception, revulsion towards volitional formations, revulsion towards consciousness. Experiencing revulsion, he becomes dispassionate. Through dispassion [his mind] is liberated. When it is liberated there comes the knowledge: ‘It’s liberated. ’ He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’
“Do you see, Susı̄ma: ‘With birth as condition, aging-and-death [comes to be]’?”
“Yes, venerable sir.”
“Do you see, Susı̄ma: ‘With existence as condition, birth’?… ‘With clinging as condition, existence’?… [126] … ‘With craving as condition, clinging’?… ‘With feeling as condition, craving’?… ‘With contact as condition, feeling’?… ‘With the six sense bases as condition, contact’?… ‘With name-and-form as condition, the six sense bases’?… ‘With consciousness as condition, name-and-form’? … ‘With volitional formations as condition, consciousness’? … ‘With ignorance as condition, volitional formations [come to be]’?”
“Yes, venerable sir.”
“Do you see, Susı̄ma: ‘With the cessation of birth comes cessation of aging-and-death’?”
“Yes, venerable sir.”
“Do you see, Susı̄ma: ‘With the cessation of existence comes cessation of birth’?… ‘With the cessation of clinging comes cessation of existence’?… ‘With the cessation of ignorance comes cessation of volitional formations’?”
“Yes, venerable sir.”
“Knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you wield the various kinds of spiritual power, such that: having been one, you become many ... and exercise bodily mastery as far as the brahmā world?”214
“No, venerable sir.”
“Then knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you, with the divine ear element, which is purified and surpasses the human, hear both kinds of sounds, the divine and human, those that are far as well as near?” [127]
“No, venerable sir.”
“Then knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you understand the minds of other beings and persons, having encompassed them with your own mind?”
“No, venerable sir.”
“Then knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you recollect your manifold past abodes with their modes and details?”
“No, venerable sir.”
“Then knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you, with the divine eye, which is purified and surpasses the human, see beings passing away and being reborn and understand how beings fare on in accordance with their kamma?”
“No, venerable sir.”
“Then knowing and seeing thus, Susı̄ma, do you dwell in those peaceful deliverances that transcend forms, the formless attainments, having touched them with the body?”
“No, venerable sir.”
“Here now, Susı̄ma: this answer and the nonattainment of those states, how could this be, Susı̄ma?”
(iv)
Then the Venerable Susı̄ma prostrated himself with his head at the Blessed One’s feet and said: “Venerable sir, I have committed a transgression in that I was so foolish, so confused, so inept that I went forth as a thief of the Dhamma in such a well-expounded Dhamma and Discipline as this. Venerable sir, may the Blessed One pardon me for my transgression seen as a transgression for the sake of future restraint.”
“Surely, Susı̄ma, you have committed a transgression in that you were so foolish, so confused, so inept that you went forth as a thief of the Dhamma in such a well-expounded Dhamma and Discipline as this.215 [128] Suppose, Susı̄ma, they were to arrest a bandit, a criminal, and bring him before the king, saying: ‘Sire, this man is a bandit, a criminal. Impose on him whatever punishment you wish.’ The king would say to them: ‘Come, men, bind this man’s arms tightly behind his back with a strong rope, shave his head, and lead him around from street to street and from square to square, beating a drum. Then take him out through the southern gate and to the south of the city cut off his head.’ What do you think, Susı̄ma, would that man experience pain and displeasure on that account?”
“Yes, venerable sir.”
“Although that man would experience pain and displeasure on that account, going forth as a thief of the Dhamma in such a well-expounded Dhamma and Discipline as this has results that are far more painful, far more bitter, and further, it leads to the nether world. But since you see your transgression as a transgression and make amends for it in accordance with the Dhamma, we pardon you for it. For it is growth in the Noble One’s Discipline when one sees one’s transgression as a transgression, makes amends for it in accordance with the Dhamma, and undertakes future restraint.”
[129]
VIII. ASCETICS AND BRAHMINS
71 (1) Aging-and-Death
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthı̄ in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One said:
“Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand aging-and- death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand aging-and- death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
72 (2)-81 (11) Birth, Etc.
“Bhikkhus, those ascetics or brahmins who do not understand birth … existence … clinging … craving … feeling … contact ... the six sense bases
… name-and-form … consciousness [130] … volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation: these I do not consider to be ascetics among ascetics or brahmins among brahmins, and these venerable ones do not, by realizing it for themselves with direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism or the goal of brahminhood.
“But, bhikkhus, those ascetics and brahmins who understand these things: these I consider to be ascetics among ascetics and brahmins among brahmins, and these venerable ones, by realizing it for themselves with
direct knowledge, in this very life enter and dwell in the goal of asceticism and the goal of brahminhood.”
IX. WITH INCORPORATED REPETITION SERIES216
82 (1) A Teacher
At Sāvatthı̄. “Bhikkhus, one who does not know and see as it really is aging-and-death, its origin, its cessation, and the way leading to its cessation, should search for a teacher in order to know this as it really is.217 [131]
“Bhikkhus, one who does not know and see as it really is birth … existence … clinging … craving … feeling … contact ... the six sense bases
… name-and-form … consciousness … volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation, should search for a teacher in order to know this as it really is.”
83 (2) Training
“Bhikkhus, one who does not know and see as it really is aging-and-death
… volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation, should practise the training in order to know this as it really is.”
84 (3)-93 (12) Exertion, Etc.
“Bhikkhus, one who does not know and see as it really is aging-and-death
… volitional formations, their origin, their cessation, and the way leading to their cessation, should make an exertion … [132] arouse a desire … arouse enthusiasm … be unremitting … arouse ardour … apply energy … practise
perseverance … practise mindfulness … practise clear comprehension … practise diligence in order to know this as it really is.”
[133]
1



Close
Close