I. Phẩm Thứ Nhất
I. Tuổi Trẻ (S.i,68)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala (Kiều-tát-la) đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác không?
4) -- Thưa Ðại vương, nếu có ai có thể nói một cách chơn chánh là mình đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thời người ấy phải chính là Ta. Thưa Ðại vương, Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
5) -- Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Như ngài Purana Kassapa, Makkali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Kakudha Kaccàyana, Ajita Kesakambala. Khi con hỏi các vị ấy: "Có tự xem là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?", thời họ đã trả lời, không tự xem mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?
6) -- Thưa Ðại vương, có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thế nào là bốn?
-- Thưa Ðại vương, Khattiya trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thưa Ðại vương, con rắn trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Ðại vương, ngọn lửa trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Ðại vương, Tỷ-kheo trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.
Thưa Ðại vương, bốn loại trẻ tuổi này không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.
7) Thế Tôn nói như vậy. Nói xong, bậc Thiện Thệ lại nói thêm như sau:
8)
Sanh dòng Sát-đế-lỵ,
Thuộc quý tộc, danh xưng,
Chớ khinh thường là trẻ,
Chớ miệt thị là nhỏ.
Vị Sát-đế-lỵ ấy,
Ðến thời lên ngôi vua,
Làm chúa tể loài Người,
Trị vì cả quốc độ.
Vị ấy nếu phẫn nộ,
Dùng vương phạt gia hình,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né vị ấy.
9)
Ở làng hay là rừng,
Có thấy rắn bò qua,
Chớ khinh thường rắn trẻ,
Chớ miệt thị rắn nhỏ,
Cao thấp hình sai biệt.
Rắn sống đầy nhiệt khí,
Bị tấn công, nó cắn,
Kẻ ngu cả nam nữ,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né loài rắn.
10)
Lửa cháy đầy khát vọng,
Lửa đốt thiêu, đốt cháy,
Chớ khinh thường lửa trẻ,
Chớ miệt thị lửa nhỏ.
Lửa được đồ bén cháy,
Liền cháy to, cháy lớn,
Bị tấn công, lửa đốt,
Kẻ ngu cả nam nữ,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né lửa cháy.
11)
Khu rừng bị lửa đốt,
Lửa đốt thiêu, đốt cháy,
Sau nhiều đêm và ngày,
Rễ mầm lại mọc lên.
12)
Còn Tỷ-kheo trẻ giới,
Nồng cháy với nhiệt tình,
Nhưng không con, không cái,
Không của cải truyền thừa,
Không con, không thừa tự,
Như thân cây tala.
13)
Do vậy, người hiền trí,
Tự thấy hạnh phúc mình,
Ðối với rắn và lửa
Danh xưng Sát-đế-lỵ,
Vị Tỷ-kheo trì giới,
Với bốn vị kể trên,
Hãy biết cách cư xử,
Chơn chánh và tốt đẹp.
14) Khi nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
II. Người (S.i,70)
1) Tại tịnh xá ở Sàvatthi.
2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Có bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?
4) -- Thưa Ðại vương có ba loại pháp khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, thưa Ðại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Sân pháp, thưa Ðại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an trú cho người ấy. Si pháp, thưa Ðại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Ba pháp ấy, thưa Ðại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.
5)
Tham, sân, si ba pháp,
Là ác tâm cho người,
Chúng di hại tự ngã,
Chúng tác thành tự ngã,
Như vỏ và lõi cây,
Tự tác thành trái cây.
III. Vua (S.i,71)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có cái gì sanh mà không già và không chết không?
3) -- Thưa Ðại vương, không có cái gì sanh mà không già và không chết.
4) Thưa Ðại vương, dầu cho những vị Sát-đế-lỵ là những bậc đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Các vị ấy có sanh cũng không thoát khỏi già và chết.
5) Thưa Ðại vương, dầu cho những vị Bà-la-môn là những bậc đại phú, dầu cho những gia chủ là những bậc đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc, các vị ấy có sanh cũng không thoát khỏi già và chết.
6) Thưa Ðại vương, cho đến các vị Tỷ-kheo, những bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích tối hậu, đã đoạn được hữu kiết sử, đã được giải thoát nhờ chánh trí, cho đến thân này của các vị ấy cũng phải bị hủy hoại, cũng phải bị từ bỏ.
7)
Xe vua dầu mỹ diệu,
Rồi cũng phải hư hoại,
Thân thể này cũng vậy,
Rồi cũng phải già yếu.
Chỉ thiện pháp không già,
Bậc thiện nhân nói vậy.
IV. Thân Ái (S.i,71)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, ở đây khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: "Ðối với những ai, tự ngã là thân ái? Ðối với những ai, tự ngã là kẻ thù?" Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
3) "Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: "Tự ngã là thân ái của chúng tôi", nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.
4) Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện, đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: "Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi", nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái."
5) -- Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, những ai sống thân làm ác... Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Thưa Ðại vương, những ai sống thân làm thiện... Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.
6)
Nếu những ai biết được,
Tự ngã là thân ái,
Họ sẽ không liên hệ,
Với các điều ác hạnh.
Kẻ làm điều ác hạnh,
Khó được chơn hạnh phúc,
Bị thần chết cầm tù,
Từ bỏ thân làm người.
Kẻ có nghiệp như vậy,
Cái gì là của mình?
Lấy cái gì đem đi?
Cái gì theo dõi họ,
Như bóng theo dõi hình?
Ở đây kẻ bị chết,
Làm các nghiệp công đức,
Làm các nghiệp ác đức,
Lấy cả hai đem đi.
Cả hai của kẻ ấy,
Như bóng theo dõi hình.
Cả hai theo kẻ ấy,
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Là hậu cứ cho người.
V. Tự Bảo Hộ (S.i,72)
1) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
2) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: "Ðối với những ai, tự ngã được bảo vệ? Ðối với những ai, tự ngã không được bảo vệ?" Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
3) "Những ai thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, những người ấy không bảo vệ tự ngã. Dầu cho họ được tượng binh bảo vệ, hay được mã binh bảo vệ, hay được xa binh bảo vệ, hay được bộ binh bảo vệ; đối với những người ấy, tự ngã không được bảo vệ. Vì cớ sao? Vì sự bảo vệ như vậy là bảo vệ ở ngoài, không phải sự bảo vệ bên trong. Cho nên đối với những người ấy, tự ngã không được bảo vệ.
4) Và những ai thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, những người ấy bảo vệ tự ngã. Dầu cho họ không được tượng binh bảo vệ, hay không được mã binh bảo vệ, hay không được xa binh bảo vệ, hay không được bộ binh bảo vệ; đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ. Vì cớ sao? Vì sự bảo vệ như vậy là sự bảo vệ bên trong, không phải sự bảo vệ ở ngoài. Cho nên đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ."
5)
Lành thay bảo vệ thân!
Lành thay bảo vệ lời!
Lành thay bảo vệ ý!
Lành thay tổng bảo vệ!
Kẻ liêm sỉ bảo vệ,
Tổng quát và cùng khắp,
Vị ấy có tên gọi,
Là vị được bảo vệ.
VI. Thiểu Số (S.i,73)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: "Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.
3) -- Thật sự là vậy, thưa Ðại vương. Thật sự là vậy, thưa Ðại vương. Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với người khác. Trái lại, thật là nhiều thay những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.
4)
Loài người bị đắm say,
Trong tài sản, trong dục,
Họ tham lam, điên dại,
Trong các dục ở đời,
Không ý thức rõ ràng,
Ðã quá độ say mê,
Chẳng khác gì con nai,
Không thấy đặt bẫy sập,
Về sau họ khổ đau,
Chịu quả báo ác nghiệp.
VII. Xử Kiện (S.i,74)
1) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
2) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con ngồi trong pháp đường (để xử kiện), con thấy chính các vị Sát-đế-lỵ đại phú, các Bà-la-môn đại phú, các gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc; vì nhân các dục, vì duyên các dục, vì nguyên nhân các dục, đã dụng ý nói lời vọng ngôn. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Nay ta đã chán ngấy xử kiện. Nay hãy để cho vị hiền diện (bhadramukha) được có danh tiếng nhờ tài xử kiện."
3) -- Thưa Ðại vương, các vị Sát-đế-lỵ đại phú, các vị Bà-la-môn đại phú, các vị gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc; vì nhân các dục, vì duyên các dục, vì nhân duyên các dục, đã dụng ý nói lên lời vọng ngôn. Do vậy họ sẽ gánh chịu bất lợi, đau khổ trong một thời gian dài.
4)
Loài Người bị đắm say,
Trong tài sản, trong dục,
Họ tham lam, điên dại,
Trong các dục ở đời.
Không ý thức rõ ràng,
Ðã quá độ say mê,
Chẳng khác gì con cá,
Không thấy đặt bẫy sập.
Về sau họ khổ đau,
Chịu quả báo ác nghiệp.
VIII. Mallikà: Mạt-lỵ (S.i,75)
1) Tại Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà, trên lầu thượng (hoàng cung).
3) Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:
-- Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu.
4) -- Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
5) -- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
7) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng (của hoàng cung) với hoàng hậu Mallikà và con nói với hoàng hậu Mallikà:
" -- Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?".
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallikà trả lời với con:
" -- Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?". Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho hoàng hậu Mallikà:
" -- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta".
8) Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này, trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy.
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
IX. Tế Ðàn (S.i,75)
1) Tại Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn.
3) Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao động, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy,với nước mắt đầy mặt, than khóc và làm các công việc chuẩn bị cho lễ tế đàn.
4) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực; khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
5) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại lễ tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, năm trăm con cừu được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn. Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao công, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy, với nước mắt đầy mặt và than khóc, làm các công việc chuẩn bị cho lễ tế đàn.
6) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:
Lễ cúng ngựa, cúng người,
Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Không chốt cửa, đại lễ,
Chúng không phải quả lớn.
Chỗ nào có giết hại,
Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy,
Bậc Ðại Thánh không đi.
Tế đàn không rộn ràng,
Cúng dường được thường hằng,
Không có sự giết hại,
Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy,
Bậc Ðại Thánh sẽ đi.
Bậc trí tế như vậy,
Tế đàn vậy, quả lớn.
Ai tế lễ như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu,
Là tế đàn vĩ đại,
Ðược chư Thiên hoan hỷ.
X. Triền Phược (S.i,76)
1) Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala đang bắt trói một số đông người. Một số người bị trói bằng dây, một số người bị trói bằng dây chuyền, một số người bị trói bằng kềm kẹp.
2) Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Ði khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala bắt trói một số đông người. Một số người bị trói bằng dây, một số người bị trói bằng dây chuyền, một số người bị trói bằng kềm kẹp.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ:
Bậc có trí nói rằng
Trói vậy không vững chắc,
Trói bằng sắt, dây gai,
Kềm kẹp bằng gỗ mộc;
Ðam mê các dục lạc,
Với châu báu, trang sức,
Và tâm tư tưởng vọng,
Hướng về con, về vợ.
Bậc có trí nói rằng
Trói vậy thật vững chắc.
Dầu trói buộc trì xuống,
Tế nhị và khó thoát,
Các vị chơn xuất gia,
Cắt đứt chúng làm đôi,
Không ước vọng mong cầu,
Từ bỏ mọi dục lạc. II. Phẩm Thứ Hai
I. Bện Tóc (S.i,77)
1) Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi, Pubbàràma (Ðông Viên), tại lâu đài Migàramàtu (Lộc Tử Mẫu giảng đường).
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, và đến ngồi tại mái hiên phía cửa ngoài.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
3) Lúc bấy giờ, bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ với thân đầy lông, với móng tay dài, lớn như cây lau, mang các dụng cụ khất sĩ đang đi ngang qua, cách Thế Tôn không xa bao nhiêu.
4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào phía một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy và nói lên ba lần tên của mình: "Thưa chư Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala".
5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy đã đi qua không lâu liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
6) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?
7) -- Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ, trong khi còn sống thọ hưởng các dục, bị con cái trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, sử dụng vàng và bạc, thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả.
8) Thưa Ðại vương, chính phải cọng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
9) Thưa Ðại vương, chính phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
10) Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể không khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
11) Thưa Ðại vương, chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
12) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: " Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ... ... không phải không với ác tuệ"!
13) Bạch Thế Tôn, có những người trinh thám này của con, những người trinh sát, sau khi đi trinh sát một nước, họ đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết.
14) Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, họ được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.
15) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy mới nói lên bài kệ:
Không phải do sắc tướng,
Biết rõ được con người,
Không phải nhìn thoáng qua,
Ðặt được lòng tin cậy.
Dưới bộ áo đạo đức,
Với hình tướng tự chế,
Những kẻ sống buông thả,
Sống phây phây đời này.
Như bông tai bằng đất,
Giả dạng bông tai thật,
Như nửa tiền bằng đồng ,
Ðược sơn phết lớp vàng.
Một số sống che đậy,
Ẩn kín dưới bề ngoài,
Nội thân thật bất tịnh,
Mặt ngoài giả mỹ diệu.
II. Năm Vua (S.i,79)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Một thời, năm vị vua, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đang thọ hưởng, được cung cấp và được đoanh vây với năm dục công đức. Câu chuyện sau đây được khởi lên giữa các vị ấy: "Dục lạc nào tối thượng?"
3) Ở đây, có người nói: "Sắc là dục tối thượng"; có người nói: "Tiếng là dục tối thượng"; có người nói: "Hương là dục tối thượng"; có người nói: "Vị là dục tối thượng"; có người nói: "Xúc là dục tối thượng". Và các vua ấy không thể thuyết phục nhau về vấn đề này.
4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với các vua ấy:
-- Chư Tôn giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến hãy hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.
5) -- Thưa vâng, Tôn giả.
Các vua ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala.
6) Rồi năm vua ấy, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
7) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, năm vua chúng con đang thọ hưởng, được cung cấp, được đoanh vây với năm dục công đức, câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: "Dục nào là tối thượng?". Có người nói: "Sắc là dục tối thượng". Có người nói: "Tiếng là dục tối thượng". Có người nói: "Hương là dục tối thượng". Có người nói: "Vị là dục tối thượng". Có người nói: "Xúc là dục tối thượng". Bạch Thế Tôn, dục nào là tối thượng?
8) -- Thưa Ðại vương, tùy theo cùng độ ưa thích mà Ta nói rằng dục ấy là tối thượng trong năm dục công đức. Và thưa Ðại vương, các sắc ấy đối với một số người được ưa thích, các sắc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Ðại vương, nếu một ai ưa thích đối với các sắc pháp, tâm viên ý mãn, không có muốn các sắc pháp nào khác hơn, các sắc pháp nào tốt đẹp hơn các sắc pháp ấy, thời đối với vị này, các sắc pháp ấy là tối thượng, đối với vị này, các sắc pháp ấy là vô thượng.
9) Thưa Ðại vương, các tiếng ấy ... các hương ấy ... các vị ấy ... Thưa Ðại vương, các xúc ấy đối với một số người được ưa thích, các xúc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Ðại vương, nếu một ai ưa thích đối với xúc pháp, tâm viên ý mãn, không có ý muốn các xúc pháp nào khác hơn, các xúc pháp nào tốt hơn các xúc pháp ấy, thời đối với vị này, các xúc pháp ấy là tối thượng, các xúc pháp ấy là vô thượng.
10) Lúc bấy giờ, có cư sĩ Candanangalika đang ngồi trong hội chúng ấy. Rồi cư sĩ Candanangalika từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y lên một bên vai, chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, một tư tưởng khởi lên nơi con. Bạch Thiện Thệ, một tư tưởng khởi lên nơi con.
11) Thế Tôn nói:
-- Này Candanangalika, hãy nói lên tư tưởng ấy.
12) Rồi cư sĩ Candanangalika trước mặt Thế Tôn tán thán với một bài kệ thích nghi:
Giống như hoa sen đỏ,
Nực thơm mùi hương dịu,
Sáng sớm tinh sương nở,
Với hương hoa ứ đọng.
Hãy xem Angira,
Chói hào quang chiếu diệu,
Như mặt trời sáng chói,
Giữa hư không bao la.
13) Rồi năm vị vua ấy đắp năm áo lên trên mình cư sĩ Candanangalika.
14) Nhưng cư sĩ Candanangalika đắp năm áo ấy lên trên thân Thế Tôn.
III. Ðại Thực: Ăn nhiều (S.i,81)
1) Trú ở Sàvatthi.
Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn.
2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
3) Rồi Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.
4) Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Sudassana đứng sau lưng vua Pasenadi nước Kosala.
5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi thanh niên Sudassana:
-- Này Bạn, hãy đi đến và học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn và trong khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy. Ta sẽ cấp thường nhật cho ông một trăm đồng tiền vàng.
6) -- Thưa vâng, Ðại vương.
Thanh niên Sudassana vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn, và trong khi dọn cơm cho vua Pasenadi nước Kosala, đọc lên bài kệ này:
"Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài."
7) Rồi vua Pasenadi nước Kosala tuần tự hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika.
8) Vua Pasenadi sau một thời gian, thân thể được khỏe mạnh, tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: "Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!"
IV,V. Hai Lời Nói Về Chiến Tranh (Si,82)
Trú ở Sàvatthi.
1) Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi.
2) Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: "Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn binh chủng gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi."
3) Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi triệu tập bốn loại binh chủng dàn trận ở Kàsi, chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.
4) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, tấn công vua Pasenadi nước Kosala. Trong cuộc chiến trận, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bị chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala lui về tại kinh đô Sàvatthi.
5) Rồi một số Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Ði khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
6) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala, tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala được nghe: "Vua Ajàtasattu con bà Videhi nước Magadha gây chiến với ta, tiến đánh Kàsi". Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha. Bạch Thế Tôn, rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến nhau. Trong cuộc chiến trận ấy, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bạch Thế Tôn, bị chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala rút lui về kinh đô của mình là Sàvatthi.
7) -- Này các Tỷ-kheo, vua Ajàtasattu, con bà Videbi nước Magadha là ác hữu, là ác bạn lữ, là ác giao du. Và này các Tỷ-kheo, vua Pasenadi nước Kosala là thiện hữu, là thiện bạn lữ, là thiện giao du. Và này Tỷ-kheo, hôm nay, trong đêm này, vua Pasenadi nước Kosala trải một đêm đau khổ của người bại trận.
Thắng trận sanh thù oán,
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh, hưởng an lạc.
8) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi.
9) Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: "Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến ta và tiến đánh Kàsi."
10) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.
11) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau. Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và bắt sống vua ấy.
12) Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: "Tuy vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống".
13) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi tịch thu toàn bộ tượng binh... ... và chỉ tha cho vua ấy mạng sống.
14) Rồi một số lớn vị Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, mang theo y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
15) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala được nghe: "Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi". Rồi bạch Thế Tôn, vua Pasendi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi, nước Magadha. Rồi bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau. Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và bắt sống vua ấy. Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: "Tuy vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasatu, con bà Videhi nước Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống." Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, và tha cho vua ấy mạng sống.
16) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ:
Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người,
Khi người khác cướp hại,
Bị hại, lại hại người.
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác đã chín muồi,
Người ngu chịu khổ đau.
Sát người, bị người sát,
Thắng người, bị người thắng,
Mắng người, người mắng lại,
Não người, người não lại,
Do nghiệp được diễn tiến,
Bị hại, lại hại người.
VI. Người Con Gái (S.i,86)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
3) Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: "Thưa Ðại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái".
4) Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.
5) Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:
Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Ðạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc.
VII. Không Phóng Dật (S.i,86)
1) Ở tại Sàvatthi.
2)... Ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?
3) -- Thưa Ðại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
4) -- Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì, có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?
5) -- Bất phóng dật, thưa Ðại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. Thưa Ðại vương, cũng như con voi, trong tất cả loài hữu tình có chân, tóm thâu tất cả đặc tướng của chân trong bàn chân của nó; và bàn chân của voi được xem là đệ nhất về phương diện to lớn trong tất cả loại chân. Cũng vậy, thưa Ðại vương, bất phóng dật là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
6)
Ai ước nguyện tuổi thọ,
Không bệnh, có diệu sắc,
Ðược sanh lên Thiên giới,
Sanh các nhà quý tộc,
Phải liên tục tăng thượng,
Tinh tấn, không dừng nghĩ.
Người hiền triết tán thán,
Hạnh lành không phóng dật,
Ðối với những người lành,
Làm các hạnh công đức,
Người hiền không phóng dật,
Ðược cả hai lợi ích,
Lợi ích trong đời này,
Lợi ích cả đời sau.
Kẻ anh hùng được gọi,
Là bậc chơn hiền trí,
Nếu biết nắm chụp lấy,
Hạnh phúc cho chính mình.
VIII. Không Phóng Dật (S.i,87)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) ... Rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con ngồi yên tĩnh một mình, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Pháp được Thế Tôn khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du".
3) -- Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, pháp được Ta khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du.
4) Một thời, thưa Ðại vương, Ta ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca) tại một thị trấn của các vị Sakka.
5) Rồi thưa Ðại vương, Tỷ-kheo Ananda đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Ðại vương, Tỷ-kheo Ananda bạch với Ta:
"-- Bạch Thế Tôn, quá phân nửa đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du."
6) Khi được nói vậy, thưa Ðại vương. Ta nói với Tỷ-kheo Ananda:
" -- Này Ananda, không phải vậy. Này Ananda, không phải vậy. Thật sự, này Ananda, toàn phần đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Từ một Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này Ananda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu trì Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành của vị thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.
7) Và Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
8) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly, tu tập chánh tư duy..., tu tập chánh ngữ..., tu tập chánh nghiệp..., tu tập chánh mạng..., tu tập chánh tinh tấn..., tu tập chánh niệm..., tu tập chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly. Như vậy, này Ananda, là vị Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
9) Và chính theo pháp môn này, này Ananda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.
10) Này Ananda, chính vì Ta y cứ, làm bạn với thiện, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị bệnh được giải thoát khỏi bệnh; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ ưu, não. Và chính theo pháp môn này, này Ananda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du."
11) Do vậy, này Ðại vương, cần phải học như sau: "Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du". Như vậy, này Ðại vương, Ðại vương cần phải học. Này Ðại vương, để Ðại vương có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Ðại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.
12) Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung nhân sẽ suy nghĩ: "Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật."
13) Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: "Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật."
14) Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: "Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật. Vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật."
15) Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được che chở, hộ trì, nội cung được che chở, hộ trì, kho tàng được che chở, hộ trì.
16)
Người ước mong tài sản,
Phải liên tục tăng thượng,
Người hiền trí tán thán,
Hạnh lành không phóng dật.
Ðối với những người lành,
Làm các hạnh công đức.
Người hiền không phóng dật,
Ðược cả hai lợi ích,
Lợi ích trong đời này,
Lợi ích cả đời sau.
Kẻ anh hùng được gọi
Là bậc chơn hiền trí,
Nếu biết nắm chụp lấy
Hạnh phúc cho chính mình.
IX. Không Con ( S.i,89)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?.
3) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.
4) -- Thật như vậy, thưa Ðại vương! Thật như vậy, thưa Ðại vương! Một kẻ không phải Chân nhân, thưa Ðại vương, dầu cho có được tài sản lớn không đem lại an lạc cho mình, không đem lại an lạc cho cha mẹ, không đem lại an lạc cho vợ con, không đem lại an lạc cho các người phục vụ, cho các người làm công hoan hỷ, không đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.
5) Ví như, thưa Ðại vương, một hồ nước tại chỗ vắng người, với nước trong sáng, với nước mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Nhưng không có người đến gánh nước, hay uống nước, hay tắm, hay sử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Ðại vương, nước ấy không được thọ dụng chơn chánh sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng. Cũng vậy, thưa Ðại vương, một kẻ không phải Chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn, không đem lại an lạc cho mình... ... Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.
6) Và bậc Chân nhân, thưa Ðại vương, có được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng thăng lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy được thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa không cướp đoạt, hay trộm cắp không cướp đoạt, hay không bị lửa đốt, hay không bị nước cuốn trôi, hay không bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Ðại vương, các tài sản nếu thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.
7) Ví như, thưa Ðại vương, một hồ nước không xa làng mạc hay thị trấn, với nước trong sáng, với nước mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Và có người đến gánh nước, hay uống nước, hay tắm, hay xử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Ðại vương, nước ấy được thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm. Cũng vậy, thưa Ðại vương, một bậc Chân nhân khi được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình... ... Sự việc là vậy, các tài sản được sử dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.
8)
Như nước trong tươi mát,
Nằm tại chỗ không người,
Không người uống, người dùng,
Ði đến chỗ tổn giảm;
Cũng vậy là tài sản,
Kẻ hạ liệt có được,
Không tự mình thọ hưởng,
Lại không cho một ai.
Kẻ trí tuệ sáng suốt,
Tài sản thâu hoạch được,
Biết thọ dụng, phục vụ,
Với bà con, đoàn thể,
Trở thành như ngưu vương,
Nuôi dưỡng và giúp đỡ,
Vô tội khi bị chết,
Ðược sanh lên Thiên giới.
X. Không Có Con (S.i,91)
1) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, giữa trưa, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương đi đâu lại giữa trưa như thế này?.
2) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung. Và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của vị triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.
3) -- Thật như vậy, thưa Ðại vương. Thật như vậy, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, vị triệu phú gia chủ ấy thuở xưa, đã bố thí đồ ăn khất thực cho một vị Bích-chi Phật tên là Tagarasikkhi. Vị ấy nói: " Hãy bố thí cho vị Sa-môn". Nói xong, vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi bỏ đi. Nhưng về sau, vị ấy hối tiếc, nói rằng: "Tốt hơn, các người phục dịch hay làm công ăn đồ ăn khất thực này". Và hơn nữa, vị ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì tài sản của người ấy.
4) Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Ðộc Giác Phật tên là Tagarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy được sanh bảy lần lên thiện thú, Thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở Sàvatthi này.
5) Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy sau khi bố thí về, lại hối tiếc nói rằng: "Tốt hơn, các người phục vụ hay làm công ăn đồ ăn khất thực này". Do kết quả của hành động ấy, tâm của vị ấy hướng về các món ăn không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các đồ mặc không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các xe cộ không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về sự thọ hưởng năm dục công đức không được tốt đẹp.
6) Thưa Ðại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì tài sản của người ấy. Do kết quả hành động của vị ấy, vị ấy bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm ngàn năm. Do kết quả dư hưởng còn lại, gia tài không con bảy lần phải nhập vào công khố của vua. Thưa Ðại vương, đối với người triệu phú gia chủ này, các công đức cũ bị đoạn diệt và công đức mới chưa được chứa cất thêm. Và nay, thưa Ðại vương, người triệu phú gia chủ đang bị nung nấu trong địa ngục Mahàroruva.
7) -- Bạch Thế Tôn, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva?
8) -- Thưa Ðại vương, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva.
9)
Lúa, tài sản, vàng bạc,
Hay mọi vật sở hữu,
Nô tỳ và lao công,
Các mạng sống tùy thuộc,
Vị ấy phải ra đi,
Không đem theo được ai,
Tất cả phải bỏ lại,
Khi ra đi một mình.
10)
Chỉ có các hành động,
Về thân, miệng và ý.
Mới thật thuộc vị ấy,
Mang theo khi ra đi,
Nghiệp ấy theo vị ấy,
Như bóng không rời hình.
11)
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người. III Phẩm Thứ Ba
I. Người (S.i,93)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
-- Thưa Ðại vương, có bốn loại người này có mặt, hiện diện ở đời.
3) Thế nào là bốn? Sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. (Xem A ii, 85; Tăng II 85).
4) Thưa Ðại vương, và thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Ðại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc, và người ấy xấu xí khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân, hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thưa Ðại vương, ví như một người đi từ tối tăm này đến tối tăm khác, hay đi từ hắc ám này đến hắc ám khác, hay từ vết máu đỏ này đến vết máu đỏ khác. Thưa Ðại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Ðại vương, như vậy là người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối.
5) Và thưa Ðại vương, thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Ðại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la, hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác, nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc. Và người ấy xấu xí, khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, sau khi thân hoại mạng chung người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Thưa Ðại vương, ví như một người từ đất leo lên kiệu, hay từ kiệu leo lên lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo lên thân voi, hay từ thân voi leo lên lầu. Thưa Ðại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Ðại vương, như vậy là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.
6) Và thưa Ðại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Ðại vương, có số người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như, thưa Ðại vương, một người từ lầu leo xuống thân voi, hay từ thân voi leo xuống lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo xuống chiếc kiệu, hay từ chiếc kiệu leo xuống đất, hay từ đất leo xuống lòng đất tối tăm. Thưa Ðại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Ðại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.
7) Và thưa Ðại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Ðại vương, có người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, người ấy khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ví như, thưa Ðại vương, một người từ chiếc kiệu này bước qua chiếc kiệu khác, hay từ lưng ngựa này bước qua lưng ngựa khác, hay từ thân voi này bước qua thân voi khác, hay từ lầu này bước qua lầu khác. Thưa Ðại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Ðại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.
8) Thưa Ðại vương, những người như vậy có mặt, hiện diện trong đời.
9) Thưa Ðại vương, người nghèo đói bất tín và xan tham :
Keo kiết, ác tư duy,
Tà kiến, thiếu lễ nghĩa,
Nhiếc mắng và mạ lỵ
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác;
Không cho, làm phiền nhiễu,
Ngăn chận sự bố thí,
Cơm nước cho người xin;
Ðại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Sanh địa ngục hãi hùng.
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Ðược gọi sanh bóng tối,
Và hướng đến bóng tối.
10)
Ðại vương, người nghèo đói
Có tín, không xan tham,
Bố thí, thiện tư duy,
Có chí, tâm không loạn,
Ðứng dậy và chào đón
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Tu học hạnh thăng bằng;
Không ngăn sự bố thí,
Cơm nước cho người xin;
Ðại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Ðược sanh lên Thiên giới,
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Ðược gọi sanh bóng tối,
Nhưng hướng đến ánh sáng.
11)
Ðại vương, người hào phú,
Bất tín và xan tham,
Keo kiết, ác tư duy,
Tà kiến, không lễ nghĩa,
Nhiếc mắng và mạ lỵ.
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Không cho, làm phiền nhiễu,
Ngăn chận sự bố thí,
Cơm nước cho người xin.
Ðại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Phải sanh vào địa ngục.
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Ðược gọi sanh ánh sáng,
Và hướng đến bóng tối.
12)
Ðại vương, người hào phú,
Có tín, không xan tham,
Bố thí, thiện tư duy,
Có chí, tâm không loạn.
Ðứng dậy và chào đón,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Cùng các khất sĩ khác,
Tu học hạnh hòa bình,
Không ngăn sự bố thí,
Cơm nước cho người xin.
Ðại vương, người như vậy,
Khi thân hoại mạng chung,
Ðược sanh lên Thiên giới,
Ôi Nhân chủ, người vậy,
Ðược gọi sanh ánh sáng,
Và hướng đến ánh sáng.
II. Tổ Mẫu (S.i,96)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
-- Ðại vương đi từ đâu lại, giữa trưa như thế này?
3) -- Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con mệnh chung, già nua, tuổi tác, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đạt đến tuổi thọ, đã mệnh chung, được một trăm hai mươi tuổi.
4) Bạch Thế Tôn, con rất ái luyến và quý mến tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một ngựa báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho ngựa báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một thôn làng tốt đẹp, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho thôn làng tốt đẹp để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con có thể được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho quốc độ để tổ mẫu con khỏi chết.
5) -- Tất cả chúng sanh, thưa Ðại vương, đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
6) -- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã khéo nói: "Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết."
7) -- Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, thưa Ðại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Ðại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
8)
Mọi chúng sanh sẽ chết,
Mạng sống, chết kết thúc,
Tùy nghiệp, họ sẽ đi,
Nhận lãnh quả thiện ác,
Ác nghiệp, đọa địa ngục,
Thiện nghiệp, lên Thiên giới.
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người.
III. Thế Gian (S.i,98)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú?
3) -- Thưa Ðại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.
4) Thế nào là ba? Thưa Ðại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Ðại vương, sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Ðại vương, si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.
5) Thưa Ðại vương, ba pháp này ở đời, khi khởi lên đem lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.
6)
Tham, sân, si ba pháp,
Là ác tâm cho người,
Chúng di hại tự ngã,
Chúng tác thành tự ngã,
Như vỏ và lõi cây,
Tự tác thành trái cây.
IV. Cung Thuật (S.i,98)
1) Ở tại Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Chỗ nào, bạch Thế Tôn, bố thí cần phải đem cho?
3) Thưa Ðại vương, tại chỗ nào, tâm được hoan hỷ.
4) Bạch Thế Tôn, chỗ nào cho được quả lớn?
5) -- Thưa Ðại vương, câu : "Chỗ nào bố thí cần phải đem cho" khác với câu: "Chỗ nào cho được quả lớn". Thưa Ðại vương, cho người trì giới được quả báo lớn. Cho người không giữ giới không được như vậy. Về vấn đề này, thưa Ðại vương, Ta sẽ hỏi Ðại vương, Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời câu hỏi ấy như vậy.
6) Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Ðại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, không có học tập, không có huấn luyện, không có thực tập, không có phục vụ, rụt rè, sợ hãi, run sợ. Ðại vương có chấp nhận người ấy không? Ðại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Ðại vương không?
7) -- Bạch Thế Tôn, con không ủng hộ người ấy và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.
8) Rồi một thanh niên Bà-la-môn, không có học tập... Rồi một thanh niên Vessa (thương gia) đến... Rồi một thanh niên Sudda (Thủ-đà: cùng đinh) đến, không có học tập...,... và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.
9) -- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Ðại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, có học tập, có huấn luyện, có thực tập, có phục vụ, không rụt rè, không sợ hãi, không run sợ. Ðại vương có chấp nhận người ấy không? Ðại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Ðại vương không?
10) -- Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy. Và một người như vậy có lợi ích cho con.
11) -- Rồi một thanh niên Bà-la-môn đến, có học tập... Rồi một thanh niên Vessa đến... Rồi một thanh niên Sudda đến có học tập..,.... và một người như vậy có ích lợi gì cho Ðại vương không?
12) -- Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy và một người như vậy có lợi ích cho con.
13) -- Cũng vậy, thưa Ðại vương, dầu cho một người có xuất gia từ một gia đình nào, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đoạn trừ năm chi và hội đủ năm chi. Bố thí cho một người như vậy có quả báo lớn.
14) Thế nào là năm chi được đoạn trừ? Tham dục được đoạn trừ, sân được đoạn trừ, hôn trầm thụy miên được đoạn trừ, trạo hối được đoạn trừ, nghi được đoạn trừ. Năm chi này được đoạn trừ.
15) Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ.
16) Chính một người như vậy, năm chi được đoạn trừ, năm chi được hội đủ, bố thí cho người như vậy được quả báo lớn.
17) Thế Tôn nói như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Vị vua đang lâm chiến,
Sẽ giữ lại thanh niên,
Cung thuật được thiện xảo,
Dõng mãnh đầy khí lực.
Nhà vua không tuyển chọn,
Theo tiêu chuẩn thọ sanh.
Cũng vậy, người có trí,
Kính lễ bậc hạ sanh,
Bậc này sống Thánh hạnh,
Nhẫn nhục và hiền hòa.
Hãy làm cốc thoải mái
Dựng nhà cho đa văn,
Rừng khô làm bể nước,
Hiểm trở, mở đường đi.
Với tâm tư thanh tịnh,
Hãy cho kẻ trực tâm,
Cho đồ ăn, đồ uống,
Cho vải mặc, trú xá.
Như mây giông gầm thét,
Chớp sáng trăm đầu mây,
Nước mưa ào ào xuống,
Tràn đầy đất thấp cao.
Cũng vậy, bậc thiện tín,
Ða văn, trữ đồ ăn,
Thỏa mãn kẻ khất sĩ.
Kẻ trí tâm hoan hỷ,
Phân phát vật ăn uống,
Nói "Cho, hãy đem cho".
Như vậy, la, gầm, thét,
Mưa móc như thần mưa,
Các công đức to lớn,
Do bố thí mang lại,
Ðem mưa ân, mưa móc,
Trên những người bố thí.
V. Ví Dụ Hòn Núi (S.i,100)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
-- Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu lại?
3) -- Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những sự việc các vua chúa bận rộn. Các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ, và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn.
4) -- Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến với Ðại vương từ phương Ðông, một người thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến Ðại vương và thưa: "Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con từ phương Ðông lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp tất cả loại hữu tình. Tâu Ðại vương, Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm".
5) Rồi một người khác đến từ phương Tây... Rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc... Rồi một người thứ tư đến từ phương Nam, thân tín đáng tin cậy. Người ấy đến Ðại vương và thưa: "Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con từ phương Nam lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp lên tất cả loại hữu tình. Tâu Ðại vương, Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm". Như vậy, thưa Ðại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Ðại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời Ðại vương có thể làm được những gì?
6) -- Như vậy, bạch Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh làm các hạnh lành, làm các công đức!
7) -- Thưa Ðại vương, Ta nói cho Ðại vương biết, Ta cáo cho Ðại vương hay. Thưa Ðại vương, già và chết đang tiến đến chinh phục Ðại vương. Khi Ðại vương bị già chết chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì?.
8) -- Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!
9) Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với tượng binh không đem lại một hướng đi (gati), một điểm tựa cho các vua chúa ấy, mội khi bị già chết chinh phục.
10) Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả một vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với mã binh...,... với xa binh..., ... với bộ binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với bộ binh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.
11) Bạch Thế Tôn, trong vương quốc này có những Ðại thần tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến chú thuật không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua ấy một khi bị già chết chinh phục.
12) Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với số vàng ấy chúng con có thể phá tan quân địch tấn công tài chánh. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến tài chánh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.
13) Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!
14) -- Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Khi Ðại vương bị già chết chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!
15) Thế Tôn nói như vậy...,... và bậc Ðạo Sư nói thêm:
Như núi đá rộng lớn,
Dựng đứng lên hư không,
Tiến tới tràn xung quanh,
Áp đè cả bốn phía.
Cũng vậy, già và chết
Di chuyển đến hữu tình,
Giai cấp Sát-đế-lỵ,
Bà-la-môn, Phệ-xá,
Thủ-đà, Chiên-đà-la
Kẻ đổ rác, đổ phân,
Không một ai thoát khỏi,
Tất cả bị chinh phục.
Ở đây không tượng binh,
Không xa binh, bộ binh,
Không trận chiến chú thuật,
Không trận chiến tài sản
Có thể giúp chiến thắng,
Chống với già, với chết.
Do vậy người hiền trí,
Thấy rõ phần tự lợi,
Người trí đặt tin tưởng,
Vào Phật, Pháp và Tăng.
Ai với thân, khẩu, ý,
Hành trì đúng Chánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau, hưởng phước trời.
Chapter III. Kosalasaṃyutta Connected Discourses with the Kosalan
Translated by:
Bhikkhu Boddhi
I. THE FIRST SUBCHAPTER (BONDAGE)
1 (1) Young
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One and exchanged greetings with him. When they had concluded their greetings and cordial talk, he sat down to one side and said to the Blessed One: “Does Master Gotama too claim, ‘I have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment’?”199
“If, great king, one speaking rightly could say of anyone, ‘He has awakened to the unsurpassed perfect enlightenment,’ it is of me that one might rightly say this. For I, great king, have awakened to the unsurpassed perfect enlightenment.”
“Master Gotama, even those ascetics and brahmins who are the heads of orders and companies, the teachers of companies, well known and famous founders of sects considered by the multitude to be holy men—that is, Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, <158> Nigaṇṭha Nātaputta, Sañjaya Belaṭṭhiputta, Pakudha Kaccāyana, Ajita Kesakambalī—even these, when I asked them whether they had awakened to the unsurpassed perfect enlightenment, did not claim to have done so.200 So why then should Master Gotama [make such a claim] when he is so young in years and has newly gone forth?” [69]
“There are four things, great king, that should not be despised and disparaged as ‘young.’201 What four? A khattiya, great king, should not be despised and disparaged as ‘young’; a snake should not be despised and disparaged as ‘young’; a fire should not be despised and disparaged as ‘young’; and a bhikkhu should not be despised and disparaged as ‘young.’ These are the four.” <159>
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
374 “One should not despise as ‘young’ A khattiya of noble birth,
A high-born prince of glorious fame: A man should not disparage him.
375 For it may happen that this lord of men, This khattiya, shall gain the throne,
And in his anger thrash one harshly With a royal punishment.
Therefore guarding one’s own life, One should avoid him.
376 “One should not despise as ‘young’ A serpent one may see by chance
In the village or a forest:
A man should not disparage it.
377 For as that fierce snake glides along, Manifesting in diverse shapes,202
It may attack and bite the fool, <160> Whether a man or a woman.
Therefore guarding one’s own life, One should avoid it.
378 “One should not despise as ‘young’ A blazing fire that devours much,
A conflagration with blackened trail: A man should not disparage it.
379 For if it gains a stock of fuel, Having become a conflagration, It may attack and burn the fool, Whether a man or a woman.
Therefore guarding one’s own life, One should avoid it.
380 “When a fire burns down a forest— That conflagration with blackened trail— The shoots there spring to life once more As the days and nights pass by.
381 But if a bhikkhu of perfect virtue <161> Burns one with [his virtue’s] fire,
One does not gain sons and cattle, Nor do one’s heirs acquire wealth. Childless and heirless they become, Like stumps of palmyra trees.203 [70]
382 “Therefore a person who is wise, Out of regard for his own good, Should always treat these properly:
A fierce serpent and a blazing fire, A famous khattiya,
And a bhikkhu of perfect virtue.”
When this was said, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Magnificent, venerable sir! Magnificent, venerable sir! The Dhamma has been made clear in many ways by the Blessed One, as though he were turning upright what had been turned upside down, revealing what was hidden, showing the way to one who was lost, or holding up a lamp in the dark for those with eyesight to see forms. I go for refuge to the Blessed One, and to the Dhamma, and to the Bhikkhu Sarigha. From today let the Blessed One remember me as a lay follower who has gone for refuge for life.” <162>
2 (2) A Person
At Sāvatthī. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to him:
“Venerable sir, how many things are there which, when they arise within a person, arise for his harm, suffering, and discomfort?”
“There are, great king, three things which, when they arise within a person, arise for his harm, suffering, and discomfort. What are the three? Greed, hatred, and delusion. These are the three things which, when they arise within a person, arise for his harm, suffering, and discomfort.
383 “Greed, hatred, and delusion, Arisen from within oneself,
Injure the person of evil mind <163>
As its own fruit destroys the reed.”204 [71]
3 (3) Aging and Death
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Venerable sir, for one who has taken birth, is there anything other [to expect] than aging and death?”205
“For one who has taken birth, great king, there is nothing other [to expect] than aging and death. Even in the case of those affluent khattiyas— rich, with great wealth and property, with abundant gold and silver, abundant treasures and commodities, abundant wealth and grain—because they have taken birth, there is nothing other [to expect] than aging and death. Even in the case of those affluent brahmins … affluent householders
—rich ... with abundant wealth and grain—because they have taken birth, there is nothing other [to expect] than aging and death. Even in the case of those bhikkhus who are arahants, whose taints are destroyed, who have lived the holy life, done what had to be done, laid down the burden, <164> reached their own goal, utterly destroyed the fetters of existence, and are completely liberated through final knowledge: even for them this body is subject to breaking up, subject to being laid down.206
384 “The beautiful chariots of kings wear out, This body too undergoes decay.
But the Dhamma of the good does not decay:
So the good proclaim along with the good.”207
4 (4) Dear
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Here, venerable sir, while I was alone in seclusion, a reflection arose in my mind thus: ‘Who now treat themselves as dear, and who treat themselves as a foe?’ Then, venerable sir, it occurred to me: ‘Those who engage in misconduct of body, speech, and mind treat themselves as a foe. Even though they may say, “We regard ourselves as dear,” still they treat themselves as a foe. For what reason? [72] Because of their own accord they act towards themselves in the same way that a foe might act towards a foe; therefore they treat themselves as a foe. <165> But those who engage in good conduct of body, speech, and mind treat themselves as dear. Even though they may say, “We regard ourselves as a foe,” still they treat themselves as dear. For what reason? Because of their own accord they act towards themselves in the same way that a dear person might act towards one who is dear; therefore they treat themselves as dear.’”
“So it is, great king! So it is, great king!”
(The Buddha then repeats the entire statement of King Pasenadi and adds the following verses:)
385 “If one regards oneself as dear One should not yoke oneself to evil, For happiness is not easily gained
By one who does a wrongful deed. <166>
386 “When one is seized by the End-maker As one discards the human state,
What can one call truly one’s own?
What does one take when one goes? What follows one along
Like a shadow that never departs?208
387 “Both the merits and the evil That a mortal does right here:
This is what is truly one’s own, This one takes when one goes; This is what follows one along Like a shadow that never departs.
388 “Therefore one should do what is good As a collection for the future life.
Merits are the support for living beings [When they arise] in the other world.”
5 (5) Self-Protected
<167> At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Here, venerable sir, while I was alone in seclusion, a reflection arose in my mind thus: ‘Who now protect themselves and who leave themselves unprotected?’ Then, venerable sir, it occurred to me: ‘Those who engage in misconduct of body, speech, and mind leave themselves unprotected. Even though a company of elephant troops may protect them, or a company of cavalry, or a company of chariot troops, [73] or a company of infantry, still they leave themselves unprotected. For what reason? Because that protection is external, not internal; therefore they leave themselves unprotected. But those who engage in good conduct of body, speech, and mind protect themselves. Even though no company of elephant troops protects them, nor a company of cavalry, nor a company of charioteers, nor a company of infantry, still they protect themselves. For what reason? Because that protection is internal, not external; therefore they protect themselves.’”
“So it is, great king! So it is, great king!”
(The Buddha then repeats the entire statement of King Pasenadi and adds the following verse:) <168>
389 “Good is restraint with the body, Restraint by speech is also good; Good is restraint with the mind, Restraint everywhere is good.
Conscientious, everywhere restrained, One is said to be protected.”
6 (6) Few
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Here, venerable sir, while I was alone in seclusion, a reflection arose in my mind thus: ‘Few are those people in the world who, <169> when they obtain superior possessions, do not become intoxicated and negligent, yield to greed for sensual pleasures, and mistreat other beings. Far more numerous are those people in the world who, when they obtain superior possessions, become intoxicated and negligent, [74] yield to greed for sensual pleasures, and mistreat other beings.’”
“So it is, great king! So it is, great king!”
(The Buddha then repeats the entire statement of King Pasenadi and adds the following verse:)
390 “Enamoured with their pleasures and wealth, Greedy, dazed by sensual pleasures,
They do not realize they have gone too far Like deer that enter the trap laid out.
Afterwards the bitter fruit is theirs,
For bad indeed is the result.”209 <170>
7 (7) The Judgement Hall
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Here, venerable sir, when I am sitting in the judgement hall,210 I see even affluent khattiyas, affluent brahmins, and affluent householders—rich, with great wealth and property, with abundant gold and silver, abundant treasures and commodities, abundant wealth and grain—speaking deliberate lies for the sake of sensual pleasures, with sensual pleasures as the cause, on account of sensual pleasures. Then, venerable sir, it occurs to me: ‘I’ve had enough now with the judgement hall! Now it is Good Face who will be known by his judgements.’”211
“So it is, great king! So it is, great king! Even affluent khattiyas, affluent brahmins, and affluent householders … speak deliberate lies for the sake of sensual pleasures, with sensual pleasures as the cause, on account of sensual pleasures. That will lead to their harm and suffering for a long time to come.
391 “Enamoured with their pleasures and wealth, Greedy, dazed by sensual pleasures,
They do not realize they have gone too far Like fish that enter the net spread out.
Afterwards the bitter fruit is theirs, <171> For bad indeed is the result.” [75]
8 (8) Mallikā
At Sāvatthī. Now on that occasion King Pasenadi of Kosala had gone together with Queen Mallikā to the upper terrace of the palace. Then King Pasenadi of Kosala said to Queen Mallikā: “Is there, Mallikā, anyone more dear to you than yourself?”212
“There is no one, great king, more dear to me than myself. But is there anyone, great king, more dear to you than yourself?”
“For me too, Mallikā, there is no one more dear than myself.”
Then King Pasenadi of Kosala descended from the palace and approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the
Blessed One, sat down to one side, and related to the Blessed One his conversation with Queen Mallikā. Then the Blessed One, having understood the meaning of this, on that occasion recited this verse: <172>
392 “Having traversed all quarters with the mind, One finds none anywhere dearer than oneself.
Likewise, each person holds himself most dear;
Hence one who loves himself should not harm others.”
9 (9) Sacrifice
At Sāvatthī. Now on that occasion a great sacrifice had been set up for King Pasenadi of Kosala. Five hundred bulls, five hundred bullocks, five hundred heifers, [76] five hundred goats, and five hundred rams had been led to the pillar for the sacrifice. And his slaves, servants, and workers, spurred on by punishment and fear, were busy making the preparations, wailing with tearful faces.213
Then, in the morning, a number of bhikkhus dressed and, taking their bowls and robes, entered Sāvatthī for alms. When they had walked for alms in Sāvatthī and had returned from their alms round, after the meal they approached the Blessed One, <173> paid homage to him, sat down to one side, and said: “Here, venerable sir, a great sacrifice has been set up for King Pasenadi of Kosala. Five hundred bulls ... have been led to the pillar for the sacrifice. And his slaves ... are busy making preparations, wailing with tearful faces.”
Then the Blessed One, having understood the meaning of this, on that occasion recited these verses:
393 “The horse sacrifice, human sacrifice,
Sammāpāsa, vājapeyya, niraggaḷa:
These great sacrifices, fraught with violence, Do not bring great fruit.214
394 “The great seers of right conduct Do not attend that sacrifice
Where goats, sheep, and cattle Of various kinds are slain. <174>
395 “But when sacrifices free from violence Are always offered by family custom,215 Where no goats, sheep, or cattle
Of various kinds are slain:
The great seers of right conduct Attend a sacrifice like this.
396 “The wise person should offer this, A sacrifice bringing great fruit.
For one who makes such sacrifice It is indeed better, never worse.
Such a sacrifice is truly vast
And the devatās too are pleased.”
10 (10) Bondage
Now on that occasion a great mass of people had been put in bondage by King Pasenadi of Kosala—some with ropes, some with clogs, some with chains.216 [77] <175> Then, in the morning, a number of bhikkhus dressed
... and said to the Blessed One: “Here, venerable sir, a great mass of people have been put in bondage by King Pasenadi of Kosala, some with ropes, some with clogs, some with chains.”
Then the Blessed One, having understood the meaning of this, on that occasion recited these verses:
397 “That bond, the wise say, is not strong Made of iron, wood, or rope;
But infatuation with jewellery and earrings,
Anxious concern for wives and children— 398 This, the wise say, is the strong bond, Degrading, supple, hard to escape.
But even this they cut and wander forth, <176> Unconcerned, having abandoned sensual pleasures.”217
II. THE SECOND SUBCHAPTER (CHILDLESS)
11 (1) Seven Jaṭilas
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in the Eastern Park in the Mansion of Migāra’s Mother.218 Now on that occasion, in the evening, the Blessed One had emerged from seclusion and was sitting by the outer gateway. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. [78] <177>
Now on that occasion seven jaṭilas, seven nigaṇṭhas, seven naked ascetics, seven one-robed ascetics, and seven wanderers—with hairy armpits, long fingernails and long body hairs, carrying their bundles of requisites—passed by not far from the Blessed One.219 Then King Pasenadi of Kosala rose from his seat, arranged his upper robe over one shoulder, knelt down with his right knee on the ground, and, raising his joined hands in reverential salutation towards the seven jaṭilas, seven nigaṇṭhas, seven naked ascetics, seven one-robed ascetics, and seven wanderers, he announced his name three times: “I am the king, venerable sirs, Pasenadi of Kosala!… I am the king, venerable sirs, Pasenadi of Kosala!”
Then, not long after those seven jaṭilas … <178> … and seven wanderers had departed, King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and said to the Blessed One: “Those, venerable sir, are to be included among the men in the world who are arahants or who have entered upon the path to arahantship.”220
“Great king, being a layman who enjoys sensual pleasures, dwelling in a home crowded with children, enjoying the use of Kāsian sandalwood, wearing garlands, scents, and unguents, receiving gold and silver, it is difficult for you to know: ‘These are arahants or these have entered upon the path to arahantship. ’
“It is by living together with someone, great king, that his virtue is to be known, and that after a long time, not after a short time; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is wise, not by a dullard.
“It is by dealing with someone, great king, that his honesty is to be known, and that after a long time, not after a short time; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is wise, not by a dullard. <179>
“It is in adversities, great king, that a person’s fortitude is to be known, and that after a long time, not after a short time; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is wise, not by a dullard. [79]
“It is by discussion with someone, great king, that his wisdom is to be known, and that after a long time, not after a short time; by one who is attentive, not by one who is inattentive; by one who is wise, not by a dullard.”221
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! How well this has been stated by the Blessed One: ‘Great king, being a layman ... it is difficult for you to know ... (as above) <180> … by one who is wise, not by a dullard.’
“These, venerable sir, are my spies, undercover agents, coming back after spying out the country.222 First information is gathered by them and afterwards I will make them disclose it.223 Now, venerable sir, when they have washed off the dust and dirt and are freshly bathed and groomed, with their hair and beards trimmed, clad in white garments, they will enjoy themselves supplied and endowed with the five cords of sensual pleasure.”
Then the Blessed One, having understood the meaning of this, on that occasion recited these verses: <181>
399 “A man is not easily known by outward form Nor should one trust a quick appraisal,
For in the guise of the well controlled Uncontrolled men move in this world.
400 “Like a counterfeit earring made of clay, Like a bronze half-pence coated with gold, Some move about in disguise:
Inwardly impure, outwardly beautiful.”
12 (2) Five Kings
At Sāvatthī. Now on that occasion five kings headed by King Pasenadi were enjoying themselves supplied and endowed with the five cords of sensual pleasure when this conversation arose among them: “What is the chief of sensual pleasures?”224
Some among them said: “Forms are the chief of sensual pleasures.” Some said: “Sounds are the chief.” Some: “Odours are the chief.” Some: “Tastes are the chief.” Some: [80] “Tactile objects are the chief.”225 <182>
Since those kings were unable to convince one another, King Pasenadi of Kosala said to them: “Come, dear sirs, let us approach the Blessed One and question him about this matter. As the Blessed One answers us, so we should remember it.”
“All right, dear sir,” those kings replied. Then those five kings, headed by King Pasenadi, approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. King Pasenadi then reported their entire discussion to the Blessed One, asking: “What now, venerable sir, is the chief of sensual pleasures?” <183>
“Great king, I say that what is chief among the five cords of sensual pleasure is determined by whatever is most agreeable. 226 Those same forms that are agreeable to one person, great king, are disagreeable to another. When one is pleased and completely satisfied with certain forms, then one does not yearn for any other form higher or more sublime than those forms. For him those forms are then supreme; for him those forms are unsurpassed.
“Those same sounds … Those same odours … Those same tastes …
<184> … Those same tactile objects that are agreeable to one person, great king, are disagreeable to another. [81] When one is pleased and completely satisfied with certain tactile objects, then one does not yearn for any other tactile object higher or more sublime than those tactile objects. For him those tactile objects are then supreme; for him those tactile objects are unsurpassed.”
Now on that occasion the lay follower Candanarigalika was sitting in that assembly. Then the lay follower Candanarigalika rose from his seat, arranged his upper robe over one shoulder, and, raising his joined hands in reverential salutation towards the Blessed One, said to him: “An inspiration has come to me, Blessed One! An inspiration has come to me, Fortunate One!”
“Then express your inspiration, Candanarigalika,” the Blessed One said.227
Then the lay follower Candanarigalika, in the presence of the Blessed One, extolled him with an appropriate verse:
401 “As the fragrant red lotus Kokanada Blooms in the morning, its fragrance unspent, Behold Arigīrasa, the Radiant One,
Like the sun beaming in the sky.”228
Then those five kings bestowed five upper robes upon the lay follower Candanarigalika. But the lay follower Candanarigalika <185> bestowed those five upper robes upon the Blessed One.
13 (3) A Bucket Measure of Food
At Sāvatthī. Now on that occasion King Pasenadi of Kosala had eaten a bucket measure of rice and curries.229 Then, while still full, huffing and puffing, the king approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side.
Then the Blessed One, having understood that King Pasenadi was full and was huffing and puffing, on that occasion recited this verse:
402 “When a man is always mindful, Knowing moderation in the food he eats, His ailments then diminish:
He ages slowly, guarding his life.” [82] <186>
Now on that occasion the brahmin youth Sudassana was standing behind King Pasenadi of Kosala. The king then addressed him thus: “Come now, dear Sudassana, learn this verse from the Blessed One and recite it to me whenever I am taking my meal. I will then present you daily with a hundred kahāpaṇas as a perpetual grant.”230
“Yes, sire,” the brahmin youth Sudassana replied. Having learned this verse from the Blessed One, whenever King Pasenadi was taking his meal the brahmin youth Sudassana recited:
403 “When a man is always mindful ... <187> He ages slowly, guarding his life.”
Then King Pasenadi of Kosala gradually reduced his intake of food to at most a pint-pot measure of boiled rice.231 At a later time, when his body had become quite slim, King Pasenadi of Kosala stroked his limbs with his hand and on that occasion uttered this inspired utterance: “The Blessed One showed compassion towards me in regard to both kinds of good—the good pertaining to the present life and that pertaining to the future life.”232
14 (4) Battle (1)
At Sāvatthī. Then King Ajātasattu of Magadha, the Videhan son, mobilized a four-division army and marched in the direction of Kāsi against King Pasenadi of Kosala.233 King Pasenadi heard this report, mobilized a four- division army, and launched a counter-march in the direction of Kāsi against King Ajātasattu. [83] Then King Ajātasattu of Magadha and King Pasenadi of Kosala fought a battle. In that <188> battle King Ajātasattu
defeated King Pasenadi, and King Pasenadi, defeated, retreated to his own capital of Sāvatthī.
Then, in the morning, a number of bhikkhus dressed and, taking their bowls and robes, entered Sāvatthī for alms. When they had walked for alms in Sāvatthī and had returned from their alms round, after the meal they approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported what had happened. <189> [The Blessed One said:]
“Bhikkhus, King Ajātasattu of Magadha has evil friends, evil companions, evil comrades. King Pasenadi of Kosala has good friends, good companions, good comrades. Yet for this day, bhikkhus, King Pasenadi, having been defeated, will sleep badly tonight.234
404 “Victory breeds enmity, The defeated one sleeps badly. The peaceful one sleeps at ease,
Having abandoned victory and defeat.”235 <190>
15 (5) Battle (2)
[84] (Opening as in §14:)
In that battle King Pasenadi defeated King Ajātasattu and captured him alive. Then it occurred to King Pasenadi: “Although this King Ajātasattu of Magadha has transgressed against me while I have not transgressed against him, still, he is my nephew. Let me now confiscate all his elephant troops, all his cavalry, all his chariot troops, <191> and all his infantry, and let him go with nothing but his life.”
Then King Pasenadi confiscated all King Ajātasattu’s elephant troops, all his cavalry, all his chariot troops, and all his infantry, and let him go with nothing but his life.
Then, in the morning, a number of bhikkhus dressed and, taking their bowls and robes, entered Sāvatthī for alms. When they had walked for alms in Sāvatthī and had returned from their alms round, after the meal they
approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, and reported what had happened. [85] <192>
Then the Blessed One, having understood the meaning of this, on that occasion recited these verses:
405 “A man will go on plundering So long as it serves his ends, <193> But when others plunder him,
The plunderer is plundered.236
406 “The fool thinks fortune is on his side So long as his evil does not ripen,
But when the evil ripens The fool incurs suffering.
407 “The killer begets a killer, One who conquers, a conqueror. The abuser begets abuse,
The reviler, one who reviles. Thus by the unfolding of kamma
The plunderer is plundered.”237 [86]
16 (6) Daughter
At Sāvatthī. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. Then a certain man approached King Pasenadi <194> and informed him in a whisper: “Sire, Queen Mallikā has given birth to a daughter.” When this was said, King Pasenadi was displeased. 238 Then the Blessed One, having understood that King Pasenadi was displeased, on that occasion recited these verses:
408 “A woman, O lord of the people, May turn out better than a man:
She may be wise and virtuous,
A devoted wife, revering her mother-in-law.239
409 “The son to whom she gives birth May become a hero, O lord of the land. The son of such a blessed woman
May even rule the realm.”240 <195>
17 (7) Diligence (1)
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Is there, venerable sir, one thing which secures both kinds of good, the good pertaining to the present life and that pertaining to the future life?”
“There is one thing, great king, which secures both kinds of good, the good pertaining to the present life and that pertaining to the future life.”
“But what, venerable sir, is that one thing?”
“Diligence, great king. Just as the footprints of all living beings that walk fit into the footprint of the elephant, and the elephant’s footprint is declared to be their chief by reason of its size, so diligence is the one <196> thing which secures both kinds of good, [87] the good pertaining to the present life and that pertaining to the future life.241
410 “For one who desires long life and health, Beauty, heaven, and noble birth,
[A variety of] lofty delights Following in succession, The wise praise diligence In doing deeds of merit.
411 “The wise person who is diligent Secures both kinds of good:
The good visible in this very life And the good of the future life.
The steadfast one, by attaining the good, Is called a person of wisdom.”242
18 (8) Diligence (2)
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: <197> “Here, venerable sir, while I was alone in seclusion, the following reflection arose in my mind: ‘The Dhamma has been well expounded by the Blessed One, and that is for one with good friends, good companions, good comrades, not for one with bad friends, bad companions, bad comrades.’”243
“So it is, great king! So it is, great king! The Dhamma has been well expounded by me, and that is for one with good friends, good companions, good comrades, not for one with bad friends, bad companions, bad comrades.
“On one occasion, great king, I was living among the Sakyans, where there is a town of the Sakyans named Nāgaraka.244 Then the bhikkhu Ānanda approached me, paid homage to me, sat down to one side, and said: ‘Venerable sir, this is half of the holy life, that is, good friendship, good companionship, good comradeship. ’
“When this was said, great king, I told the bhikkhu Ānanda: ‘Not so, Ānanda! Not so, Ānanda! <198> This is the entire holy life, Ānanda, that is, good friendship, [88] good companionship, good comradeship. When a bhikkhu has a good friend, a good companion, a good comrade, it is to be expected that he will develop and cultivate the Noble Eightfold Path. And how, Ānanda, does a bhikkhu who has a good friend, a good companion, a good comrade, develop and cultivate the Noble Eightfold Path? Here, Ānanda, a bhikkhu develops right view, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. He develops right intention
… right speech … right action … right livelihood … right effort … right
mindfulness … right concentration, which is based upon seclusion, dispassion, and cessation, maturing in release. It is in this way, Ānanda, that a bhikkhu who has a good friend, a good companion, a good comrade, develops and cultivates the Noble Eightfold Path.
“‘By the following method too, Ānanda, it may be understood how the entire holy life is good friendship, good companionship, good comradeship:
<199> by relying upon me as a good friend, Ānanda, beings subject to birth are freed from birth; beings subject to aging are freed from aging; beings subject to illness are freed from illness; beings subject to death are freed from death; beings subject to sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair are freed from sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair. By this method, Ānanda, it may be understood how the entire holy life is good friendship, good companionship, good comradeship.’
“Therefore, great king, you should train yourself thus: ‘I will be one who has good friends, good companions, good comrades. ’ It is in such a way that you should train yourself.
“When, great king, you have good friends, good companions, good comrades, [89] you should dwell with one thing for support: diligence in wholesome states.
“When, great king, you are dwelling diligently, with diligence for support, your retinue of harem women will think thus: ‘The king dwells diligently, with diligence for support. Come now, let us also dwell diligently, with diligence for support.’ <200>
“When, great king, you are dwelling diligently, with diligence for support, your retinue of khattiya vassals will think thus … your troops will think thus ... your subjects in town and countryside will think thus: ‘The king dwells diligently, with diligence for support. Come now, let us also dwell diligently, with diligence for support.’
“When, great king, you are dwelling diligently, with diligence for support, you yourself will be guarded and protected, your retinue of harem women will be guarded and protected, your treasury and storehouse will be guarded and protected.
412 “For one who desires lofty riches Following in succession,
The wise praise diligence In doing deeds of merit.
413 “The wise person who is diligent <201> Secures both kinds of good:
The good visible in this very life And the good of the future life.
The steadfast one, by attaining the good, Is called a person of wisdom.”
19 (9) Childless (1)
At Sāvatthī. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: “Where are you coming from, great king, in the middle of the day?”
“Here, venerable sir, a financier householder in Sāvatthī has died. I have come after conveying his heirless fortune to the palace, as he died intestate.245 There were eighty lakhs of gold, [90] not to speak of silver, and yet, venerable sir, that financier householder’s meals were like this: he ate red rice along with sour gruel. His clothes were like this: he wore a three-piece hempen garment. His vehicle was like this: <202> he went about in a dilapidated little cart with a leaf awning.”246
“So it is, great king! So it is, great king! When an inferior man gains abundant wealth, he does not make himself happy and pleased, nor does he make his mother and father happy and pleased, nor his wife and children, nor his slaves, workers, and servants, nor his friends and colleagues; nor does he establish an offering for ascetics and brahmins, one leading upwards, of heavenly fruit, resulting in happiness, conducive to heaven. Because his wealth is not being used properly, kings take it away, or thieves take it away, or fire burns it, or water carries it away, or unloved heirs take
it. Such being the case, great king, that wealth, not being used properly, goes to waste, not to utilization.
“Suppose, great king, in a place uninhabited by human beings, there was a lotus pond with clear, cool, sweet, clean water, with good fords, <203> delightful; but no people would take that water, or drink it, or bathe in it, or use it for any purpose. In such a case, great king, that water, not being used properly, would go to waste, not to utilization. So too, great king, when an inferior man gains abundant wealth ... that wealth, not being used properly, goes to waste, not to utilization.
“But, great king, when a superior man gains abundant wealth, he makes himself happy and pleased, and he makes his mother and father happy and pleased, and his wife and children, and his slaves, workers, and servants, and his friends and colleagues; <204> and he establishes an offering for ascetics and brahmins, one leading upwards, of heavenly fruit, resulting in happiness, conducive to heaven. Because his wealth is being used properly,
[91] kings do not take it away, thieves do not take it away, fire does not burn it, water does not carry it away, and unloved heirs do not take it. Such being the case, great king, that wealth, being used properly, goes to utilization, not to waste.
“Suppose, great king, not far from a village or a town, there was a lotus pond with clear, cool, sweet, clean water, with good fords, delightful; and people would take that water, and drink it, and bathe in it, and use it for their purposes. In such a case, great king, that water, being used properly, would go to utilization, not to waste. So too, great king, when a superior man gains abundant wealth ... <205> that wealth, being used properly, goes to utilization, not to waste.
414 “As cool water in a desolate place Evaporates without being drunk,
So when a scoundrel acquires wealth He neither enjoys himself nor gives.
415 “But when the wise man obtains wealth He enjoys himself and does his duty.
Having supported his kin, free from blame, That noble man goes to a heavenly state.”
20 (10) Childless (2)
(As above, except that the amount is a hundred lakhs of gold, a lakh being equal to a hundred thousand:) [92] <206>
“So it is, great king! So it is, great king! Once in the past, great king, that financier householder provided a paccekabuddha named Tagarasikhī with almsfood. Having said, ‘Give alms to the ascetic,’ he rose from his seat and departed. But after giving, he later felt regret and thought: ‘It would have been better if the slaves or workers had eaten that almsfood!’ Moreover, he murdered his brother’s only son for the sake of his fortune.247
“Because that financier householder provided the paccekabuddha Tagarasikhī with almsfood, <207> as a result of that kamma he was reborn seven times in a good destination, in the heavenly world. As a residual result of that same kamma, he obtained the position of financier seven times in this same city of Sāvatthī. But because that financier householder later felt regret about giving, as a result of that kamma his mind did not incline to the enjoyment of excellent food, excellent clothing, and excellent vehicles, nor to the enjoyment of excellent items among the five cords of sensual pleasure. And because that financier householder murdered his brother’s only son for the sake of his fortune, as a result of that kamma he was tormented in hell for many years, for many hundreds of years, for many thousands of years, for many hundreds of thousands of years. As a residual result of that same kamma, he has furnished the royal treasury with this seventh heirless fortune.
“The old merit of that financier householder has been utterly exhausted,
<208> and he had not accumulated any fresh merit. But today, great king, the financier householder is being roasted in the Great Roruva Hell.”248
“So, venerable sir, that financier householder has been reborn in the Great Roruva Hell?” [93]
“Yes, great king, that financier householder has been reborn in the Great Roruva Hell.
416 “Grain, wealth, silver, gold,
Or whatever other possessions there are, Slaves, workers, messengers,
And those who live as one’s dependants: Without taking anything one must go, Everything must be left behind.
417 “But what one has done by body, Or by speech or mind:
This is what is truly one’s own, This one takes when one goes; This is what follows one along Like a shadow that never departs.
418 “Therefore one should do what is good <209> As a collection for the future life.
Merits are the support for living beings [When they arise] in the other world.”
III. THE THIRD SUBCHAPTER (THE KOSALAN PENTAD)
21 (1) Persons
At Sāvatthī. Then King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One, paid homage to him, and sat down to one side. The Blessed One then said to him: <210>
“Great king, there are these four kinds of persons found existing in the world. What four? The one heading from darkness to darkness, the one heading from darkness to light, the one heading from light to darkness, the one heading from light to light.249 “And how, great king, is a person one heading from darkness to darkness? Here some person has been reborn in a low family—a family of caṇḍālas, bamboo workers, hunters, cartwrights, or flower-scavengers—a poor family in which there is little food and drink and which subsists with difficulty, [94] one where food and clothing are obtained with difficulty; and he is ugly, unsightly, deformed, chronically ill
—purblind or cripple-handed or lame or paralyzed.250 He is not one who gains food, drink, clothing, and vehicles; garlands, scents, and unguents; bedding, housing, and lighting. He engages in misconduct of body, speech, and mind. Having done so, with the breakup of the body, <211> after death, he is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
“Suppose, great king, a man would go from darkness to darkness, or from gloom to gloom, or from stain to stain: this person, I say, is exactly similar. It is in this way, great king, that a person is one heading from darkness to darkness.
“And how, great king, is a person one heading from darkness to light? Here some person has been reborn in a low family ... one where food and clothing are obtained with difficulty; and he is ugly ... or paralyzed. He is not one who gains food ... and lighting. He engages in good conduct of
body, speech, and mind. Having done so, with the breakup of the body, after death, he is reborn in a good destination, in a heavenly world.
“Suppose, great king, a man would climb from the ground on to a palanquin, or from a palanquin on to horseback, <212> or from horseback to an elephant mount, or from an elephant mount to a mansion: this person, I say, is exactly similar. It is in this way, great king, that a person is one heading from darkness to light.
“And how, great king, is a person one heading from light to darkness? Here some person has been reborn in a high family—an affluent khattiya family, an affluent brahmin family, or an affluent householder family—one which is rich, with great wealth and property, [95] with abundant gold and silver, abundant treasures and commodities, abundant wealth and grain; and he is handsome, attractive, graceful, possessing supreme beauty of complexion. He is one who gains food, drink, clothing, and vehicles; garlands, scents, and unguents; bedding, housing, and lighting. He engages in misconduct of body, speech, and mind. Having done so, with the breakup of the body, after death, he is reborn in the plane of misery, in a bad destination, in the nether world, in hell.
“Suppose, great king, a man would descend from a mansion to an elephant mount, or from an elephant mount to horseback, or from horseback to a palanquin, or from a palanquin to the ground, or from the ground to underground darkness: this person, I say, is exactly similar. It is in this way, great king, that a person is one heading from light to darkness. <213>
“And how, great king, is a person one heading from light to light? Here some person has been reborn in a high family … with abundant wealth and grain; and he is handsome, attractive, graceful, possessing supreme beauty of complexion. He is one who gains food … and lighting. He engages in good conduct of body, speech, and mind. Having done so, with the breakup of the body, after death, he is reborn in a good destination, in a heavenly world.
“Suppose, great king, a man would cross over from palanquin to palanquin, or from horseback to horseback, or from elephant mount to elephant mount, or from mansion to mansion: this person, I say, is exactly
similar. It is in this way, great king, that a person is one heading from light to light. [96]
“These, great king, are the four kinds of persons found existing in the world.
(i)
419 “The person, O king, who is poor, Lacking in faith, stingy,
Niggardly, with bad intentions, Wrong in views, disrespectful, <214> 420 Who abuses and reviles ascetics, Brahmins, and other mendicants;
A nihilist, a scoffer, who hinders Another giving food to beggars:
421 When such a person dies, O king, He goes, lord of the people,
To the terrible hell,
Heading from darkness to darkness.
(ii)
422 “The person, O king, who is poor, Endowed with faith, generous,
One who gives, with best intentions, A person with unscattered mind
423 Who rises up and venerates ascetics, Brahmins, and other mendicants;
One who trains in righteous conduct, Who hinders none giving food to beggars:
424 When such a person dies, O king, <215> He goes, lord of the people,
To the triple heaven,
Heading from darkness to light.
(iii)
425 “The person, O king, who is rich, Lacking in faith, stingy,
Niggardly, with bad intentions, Wrong in views, disrespectful,
426 Who abuses and reviles ascetics, Brahmins, and other mendicants;
A nihilist, a scoffer, who hinders Another giving food to beggars:
427 When such a person dies, O king, He goes, lord of the people,
To the terrible hell,
Heading from light to darkness.
(iv)
428 “The person, O king, who is rich, Endowed with faith, generous,
One who gives, with best intentions, <216> A person with unscattered mind
429 Who rises up and venerates ascetics, Brahmins, and other mendicants;
One who trains in righteous conduct, Who hinders none giving food to beggars:
430 When such a person dies, O king, He goes, lord of the people,
To the triple heaven, Heading from light to light.”
22 (2) Grandmother
At Sāvatthī. Then, in the middle of the day, King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One.… The Blessed One said to him as he was
sitting to one side: [97] “Where are you coming from, great king, in the middle of the day?” <217>
“Venerable sir, my grandmother has died. She was old, aged, burdened with years, advanced in life, come to the last stage, 120 years from birth. Venerable sir, my grandmother was dear and beloved to me. If, venerable sir, by means of the elephant-gem I could have redeemed her from death, I would have given away even the elephant-gem so that she would not have died.251 If by means of the horse-gem I could have redeemed her from death ... If by a prize village I could have redeemed her from death ... If by means of the country I could have redeemed her from death, I would have given away even the country so that she would not have died.”
“All beings, great king, are subject to death, terminate in death, and cannot escape death.”
“It is wonderful, venerable sir! It is amazing, venerable sir! How well this has been stated by the Blessed One: ‘All beings, great king, are subject to death, terminate in death, and cannot escape death.’”
“So it is, great king! So it is, great king! All beings, great king, are subject to death, terminate in death, and cannot escape death. <218> Just as all the potter’s vessels, whether unbaked or baked, are subject to a breakup, terminate in their breakup, and cannot escape their breakup, so all beings are subject to death, terminate in death, and cannot escape death.
431 “All beings will die, For life ends in death.
They will fare according to their deeds, Reaping the fruits of their merit and evil: The doers of evil go to hell,
The doers of merit to a happy realm.
432 “Therefore one should do what is good As a collection for the future life.
Merits are the support for living beings [When they arise] in the other world.” [98]
23 (3) World
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One: “Venerable sir, how many things are there in the world which, when they arise, arise for one’s harm, suffering, and discomfort?”252 <219>
“There are, great king, three things in the world which, when they arise, arise for one’s harm, suffering, and discomfort. What are the three? Greed, hatred, and delusion. These are the three things in the world which, when they arise, arise for one’s harm, suffering, and discomfort.
433 “Greed, hatred, and delusion, Arisen from within oneself, Injure the person of evil mind
As its own fruit destroys the reed.”
24 (4) Archery
At Sāvatthī. Sitting to one side, King Pasenadi of Kosala said to the Blessed One:
“Venerable sir, where should a gift be given?”253 “Wherever one’s mind has confidence, great king.”254
“But, venerable sir, where does what is given become of great fruit?”
<220>
“This is one question, great king, ‘Where should a gift be given?’ and this another, ‘Where does what is given become of great fruit?’ What is given to one who is virtuous, great king, is of great fruit, not so what is given to an immoral person. Now then, great king, I will question you about this same point. Answer as you see fit. What do you think, great king? Suppose you are at war and a battle is about to take place. Then a khattiya youth would arrive, one who is untrained, unskilful, unpractised, [99] inexperienced, timid, petrified, frightened, quick to flee. Would you employ that man, and would you have any use for such a man?”
“Surely not, venerable sir.” <221>
“Then a brahmin youth would arrive ... a vessa youth ... a sudda youth … who is untrained … quick to flee. Would you employ that man, and would you have any use for such a man?”
“Surely not, venerable sir.”
“What do you think, great king? Suppose you are at war and a battle is about to take place. Then a khattiya youth would arrive, one who is trained, skilful, practised, experienced, brave, courageous, bold, ready to stand his place. Would you employ that man, and would you have any use for such a man?”
“Surely I would, venerable sir.”
“Then a brahmin youth would arrive ... a vessa youth ... a sudda youth … who is trained … ready to stand his place. Would you employ that man, and would you have any use for such a man?” <222>
“Surely I would, venerable sir.”
“So too, great king, when a person has gone forth from the household life into homelessness, no matter from what clan, if he has abandoned five factors and possesses five factors, then what is given to him is of great fruit. What five factors have been abandoned? Sensual desire has been abandoned; ill will has been abandoned; sloth and torpor have been abandoned; restlessness and remorse have been abandoned; doubt has been abandoned. What five factors does he possess? He possesses the aggregate of virtue of one beyond training, the aggregate of concentration of one beyond training, the aggregate of wisdom of one beyond training, [100] the aggregate of liberation of one beyond training, the aggregate of the knowledge and vision of liberation of one beyond training. He possesses these five factors. Thus what is given to one who has abandoned five factors and who possesses five factors is of great fruit.255 <223>
434 “As a king intent on waging war
Would employ a youth skilled with the bow, One endowed with strength and vigour,
But not the coward on account of his birth—
435 So even though he be of low birth,
One should honour the person of noble conduct, The sagely man in whom are established
The virtues of patience and gentleness.256
436 “One should build delightful hermitages And invite the learned to dwell in them; One should build water tanks in the forest And causeways over rough terrain.
437 “With a confident heart one should give To those of upright character:
Give food and drink and things to eat, Clothing to wear and beds and seats.
438 “For as the rain-cloud, thundering, <224> Wreathed in lightning, with a hundred crests, Pours down its rain upon the earth,
Flooding both the plain and valley— 439 So the wise man, faithful, learned, Having had a meal prepared,
Satisfies with food and drink
The mendicants who live on alms. Rejoicing, he distributes gifts, And proclaims, ‘Give, give.’
440 “For that is his thundering Like the sky when it rains.
That shower of merit, so vast, Will pour down on the giver.”
25 (5) The Simile of the Mountain
At Sāvatthī. Then, in the middle of the day, King Pasenadi of Kosala approached the Blessed One.… <225> The Blessed One said to him as he was sitting to one side: “Now where are you coming from, great king, in the middle of the day?”
“Just now, venerable sir, I have been engaged in those affairs of kingship typical for head-anointed khattiya kings, who are intoxicated with the intoxication of sovereignty, who are obsessed by greed for sensual pleasures, who have attained stable control in their country, and who rule having conquered a great sphere of territory on earth.”257
“What do you think, great king? [101] Here, a man would come to you from the east, one who is trustworthy and reliable; having approached, he would tell you: ‘For sure, great king, you should know this: I am coming from the east, and there I saw a great mountain high as the clouds coming this way, crushing all living beings. Do whatever you think should be done, great king.’ Then a second man would come to you from the west … Then a third man would come to you from the north … <226> … Then a fourth man would come to you from the south, one who is trustworthy and reliable; having approached, he would tell you: ‘For sure, great king, you should know this: I am coming from the south, and there I saw a great mountain high as the clouds coming this way, crushing all living beings. Do whatever you think should be done, great king.’ If, great king, such a great peril should arise, such a terrible destruction of human life, the human state being so difficult to obtain, what should be done?”
“If, venerable sir, such a great peril should arise, such a terrible destruction of human life, the human state being so difficult to obtain, what else should be done but to live by the Dhamma, to live righteously, and to do wholesome and meritorious deeds?”258 “I inform you, great king, I announce to you, great king: aging and death are rolling in on you. When aging and death are rolling in on you, great king, what should be done?”
“As aging and death are rolling in on me, venerable sir, what else should be done but to live by the Dhamma, to live righteously, and to do
wholesome and meritorious deeds? <227>
“There are, venerable sir, elephant battles [fought by] head-anointed khattiya kings, who are intoxicated with the intoxication of sovereignty, who are obsessed by greed for sensual pleasures, who have attained stable control in their country, and who rule having conquered a great sphere of territory on earth; but there is no place for those elephant battles, no scope for them, when aging and death are rolling in.259 There are, venerable sir, cavalry battles [fought by] head-anointed khattiya kings … There are chariot battles … infantry battles … [102] but there is no place for those infantry battles, no scope for them, when aging and death are rolling in. In this royal court, venerable sir, there are counsellors who, when the enemies arrive, are capable of dividing them by subterfuge; but there is no place for those battles of subterfuge, no scope for them, when aging and death are rolling in. In this royal court, venerable sir, there exists abundant bullion and gold stored in vaults and depositories, and with such wealth we are capable of mollifying the enemies when they come; but there is no place for those battles of wealth, no scope for them, when aging and death are rolling in. As aging and death are rolling in on me, venerable sir, what else should be done but to live by the Dhamma, to live righteously, and to do wholesome and meritorious deeds?” <228>
“So it is, great king! So it is, great king! As aging and death are rolling in on you, what else should be done but to live by the Dhamma, to live righteously, and to do wholesome and meritorious deeds?”
This is what the Blessed One said. Having said this, the Fortunate One, the Teacher, further said this:
441 “Just as mountains of solid rock, Massive, reaching to the sky,
Might draw together from all sides, Crushing all in the four quarters— So aging and death come
Rolling over living beings—
442 Khattiyas, brahmins, vessas, suddas, Caṇḍālas and scavengers:
They spare none along the way But come crushing everything.
443 “There’s no ground there for elephant troops, For chariot troops and infantry.
One can’t defeat them by subterfuge,
Or buy them off by means of wealth. <229>
444 “Therefore a person of wisdom here, Out of regard for his own good, Steadfast, should settle faith
In the Buddha, Dhamma, and Sarigha.
445 “When one conducts oneself by Dhamma With body, speech, and mind,
They praise one here in the present life,
And after death one rejoices in heaven.” <230>
[103] <231>
1