Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

Chương Một -Tương Ưng Chư Thiên

Dịch giả: Thích Minh Châu

I. Phẩm Cây Lau
I: Bộc Lưu (S.I,1)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.
II. Giải Thoát (Si.2)
... Ở Sàvatthi. Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không?
-- Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh.
-- Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?
Hỷ, tái sanh đoạn tận,
Tưởng, thức được trừ diệt,
Các thọ diệt, tịch tịnh,
Như vậy này Hiền giả,
Ta biết sự giải thoát,
Thoát ly và viễn ly,
Cho các loại chúng sanh.
III. Ðưa Ðến Ðoạn Tận - (Tạp 36.9. Ðại 2,262b. Biệt Tạp 8.7, Ðại 2,427b). (S.i,2)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
IV. Thời Gian Trôi Qua (Biệt Tạp 8.8, Ðại 2,427b) (S.i,3)
... Nhân duyên ở (Sàvatthi ), đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Ðưa đến chơn an lạc.
(Thế Tôn):
Thời gian lặng trôi qua,
Ðêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
V. Bao Nhiêu Phải Cắt Ðoạn. (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Phải cắt đoạn bao nhiêu,
Phải từ bỏ bao nhiêu,
Tu tập thêm bao nhiêu,
Vượt qua bao trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo vượt bộc lưu?
(Thế Tôn):
Phải cắt đoạn đến năm,
Phải từ bỏ đến năm,
Tu tập thêm năm pháp (lực),
Vượt qua năm trói buộc,
Ðể được có danh xưng,
Tỷ-kheo "vượt bộc lưu".
VI. Tỉnh Giác (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Có bao pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác?
Có bao pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ?
Có bao nhiêu việc làm
Ðưa ta đến trần cấu?
Có bao nhiêu việc làm
Khiến ta được thanh tịnh?
(Thế Tôn):
Có năm pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác,
Có năm pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ.
Chính có năm việc làm
Ðưa ta đến trần cấu,
Chính có năm việc làm
Khiến ta được thanh tịnh.
VII. Không Liễu Tri (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai với các pháp,
Không liễu tri thấu suốt,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo.
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai với các pháp,
Khéo liễu tri sáng suốt,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
VIII. Mê Loạn (Tạp 22.5, Ðại 2,154b. Biệt Tạp 9.5, Ðại 2,435c) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai đối các pháp,
Quá đắm say mê loạn,
Bị hướng dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ mê ngủ triền miên,
Họ không có tỉnh giác,
Nay thật đã đến thời,
Họ cần phải thức tỉnh.
(Thế Tôn):
Những ai đối các pháp,
Không đắm say mê loạn,
Không bị dẫn lầm lạc,
Vòng quanh các dị giáo,
Họ chứng Chánh đẳng giác.
Họ liễu tri viên mãn,
Trên đường không thăng bằng,
Họ bước thật thăng bằng.
IX. Mong Muốn Kiêu Mạn (Tạp 36.4, Ðại 2,261a. Biệt Tạp 8.2, Ðại 2,426a) (S.i,4)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ðối vị ưa kiêu mạn,
Ở đây không điều phục,
Không trí tuệ sáng suốt,
Không định tĩnh nhiếp tâm,
Ðộc thân trú rừng núi,
Sống với tâm phóng dật,
Vị ấy không vượt khỏi,
Sự chi phối ma lực.
(Thế Tôn):
Từ bỏ mọi kiêu mạn,
Tâm tư khéo nhiếp định,
Với tâm khéo tư sát,
Giải thoát mọi phiền trược,
Ðộc thân trú rừng núi (giới),
Với tâm không phóng dật,
Vị ấy vượt thoát khỏi,
Sự chi phối ma lực.
X. Rừng Núi (Tạp 36.3, Ðại 2,260c. Biệt Tạp 8.1, Ðại 2,426a) (S.i,5)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
Một ngày ăn một buổi,
Sao sắc họ thù diệu?
(Thế Tôn):
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.
II. Phẩm Vườn Hoan Hỷ
I. Vườn Hoan Hỷ (Tạp 22.1, Ðại 2,153c) (S.i,5) (Tăng 31.9. Tứ Lạc, Ðại 2,672b) (Biệt Tạp 9.1, Ðại 2,435a)
Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị Thiên thuộc cõi trời Ba mươi ba, với chúng Thiên nữ vây quanh, du hí ở vườn Hoan Hỷ, thọ hưởng năm thiên dục công đức. Bây giờ, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này:
Chúng không biết đến lạc,
Nếu không thấy Hoan Hỷ,
Chỗ trú cả Trời, Người,
Cõi ba mươi lừng danh.
Ðược nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, một vị Thiên khác đáp vị Thiên ấy với bài kệ:
Kẻ ngu, sao không biết,
Vị Ứng cúng đã nói:
"Mọi hành là vô thường,
Tự tánh phải sanh diệt,
Sau khi sanh, chúng diệt,
Nhiếp chúng là an lạc."
II. Vui Thích (Tạp 36.12,Ðại 2,263a) (S.i,6) (Biệt Tạp 8,11, Ðại 2,428a)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Cha đối con vui thích ,
Chủ với bò vui thích,
Người sanh y, vui thích ,
Không sanh y, không vui.
(Thế Tôn):
Cha đối con sầu muộn ,
Chủ với bò sầu muộn,
Người sanh y, sầu muộn,
Không sanh y, không sầu.
III. Không Ai Bằng Con (Tạp 36.14, Ðại 2,263b) (S.1,6) (Biệt Tạp 12.19, Ðại 2,458c)
... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thương ai bằng thương con,
Của nào bằng bò nhà,
Sáng nào bằng mặt trời,
Nước nào hơn biển cả.
(Thế Tôn):
Thương ai bằng thương mình,
Của nào bằng lúa gạo,
Sáng nào bằng trí tuệ,
Nước nào hơn mưa rào.
IV. Giai Cấp Sát Ðế Lỵ (Tạp 36.15 Sát-lỵ, Ðại 2,263b) (S.i,6)
Giữa các hàng hai chân,
Sát-lỵ là tối thắng,
Giữa các loài bốn chân,
Bò đực là tối thắng,
Trong các hàng thê thiếp,
Quý nữ là tối thắng.
Trong các hàng con trai,
Trưởng nam là tối thắng.
(Thế Tôn):
Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng.
Giữa các loài bốn chân,
Thuần chủng là tối thắng.
Trong các hàng thê thiếp,
Nhu thuận là tối thắng.
Trong các hàng con trai,
Trung thành là tối thắng.
V. Tiếng Ðộng Rừng Sâu (hay Thân tịch tịnh) (S.i,7) (Tạp 50.II, An trú, Ðại 2,360b) (Biệt Tạp 16.26, Ðại 2,490b)
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,
Vang động tiếng rừng sâu,
Ta run, ta khiếp sợ.
(Thế Tôn):
Nay là thời giữa trưa,
Loài chim nghỉ yên lặng,
Vang động tiếng rừng sâu,
Ta vui, Ta thích thú.
VI. Ngủ Gục, Biếng Nhác (Tạp 22.23, Ðại 2,160a) (S.i,7) (Biệt Tạp 9.15, Ðại 2,437c)
Ngủ gục, nhác, ngáp dài,
Không vui, ăn quá độ,
Ở đây, đối chúng sanh,
Thánh đạo không hiển lộ.
Ngủ gục, nhác, ngáp dài,
Không vui, ăn quá độ,
Với tinh tấn, đoạn chúng,
Thánh đạo được thanh tịnh.
VII. Khó Làm (hay Con rùa) (Tạp 22.25, Ðại 2,169b) (S.i,7) (Biệt Tạp 9,14, Ðại 2,437b)
Khó làm, khó kham nhẫn,
Thiếu trí, hành Sa-môn,
Chỗ kẻ ngu thối đọa,
Chỗ ấy đầy chướng ngại.
Bao ngày hành Sa-môn
Nếu tâm không chế ngự,
Mỗi bước, phải sa đọa,
Nô lệ cho suy tư,
Như rùa rút chân cẳng,
Trong mai rùa của mình.
Vị Tỷ-kheo cũng vậy,
Thâu nhiếp mọi suy tư,
Không tham dính vật gì,
Không làm hại người nào,
Hoàn toàn thật tịch tịnh,
Không chỉ trích một ai.
VIII. Tàm Quý (S.i,7)
Người được tàm chế ngự,
Tìm được ai ở đời?
Ai biết ngăn chỉ trích,
Như ngựa hiền bóng roi.
Người được tàm chế ngự,
Sống thường thường chánh niệm,
Vị ấy đạt kết quả,
Khổ đau được đoạn tận,
Bước những bước thăng bằng,
Trên đường không thăng bằng.
IX. Am Tranh (S.i.8)
Ngài không có am tranh,
Ngài không có tổ ấm,
Ngài không có dây giăng,
Ngài thoát khỏi hệ phược.
(Thế Tôn):
Ta không có am tranh,
Ta không có tổ ấm,
Ta không có dây giăng,
Ta thoát khỏi hệ phược.
(Vị Thiên):
Con nói am là gì?
Nói tổ ấm là gì?
Nói dây giăng là gì?
Nói hệ phược là gì?
(Thế Tôn):
Ông nói am là mẹ,
Nói tổ ấm là vợ,
Nói dây giăng là con,
Nói hệ phược là ái.
(Vị Thiên):
Lành thay, Ngài không am!
Lành thay, không tổ ấm!
Lành thay, không dây giăng!
Lành thay, Ngài thoát phược!
X. Samiddhi (Tạp 38.17, Ðại 2,281c) (S.i,8) (Biệt Tạp I.17) Ðại 2,379a)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vương Xá tại Tapodàràma (Tịnh xá Suối nước nóng).
2) Tôn giả Samiddhi, khi đêm đã gần tàn, thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, Tôn giả đứng, đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô.
3) Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng suối nước nóng, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, đứng giữa hư không, nói lên bài kệ với Tôn giả Samiddhi:
Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,
Hãy hưởng rồi khất thực,
Chớ uổng phí thời gian.
(Samiddhi):
Thời Ông, ta không biết.
Thời ta, ẩn không hiện.
Không hưởng, ta khất thực,
Không uổng thời gian ta.
4) Rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với Tôn giả Samiddhi:
-- Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc còn đen nhánh trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các ái dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các ái dục của người đời. Chớ có bỏ hiện tại mà chạy theo những gì bị thời gian chi phối.
5) -- Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói, các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não (Upàyàsà); nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.
6) -- Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?
7) -- Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương Xá) tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
8) -- Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được chư Thiên khác, có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-Kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn ấy và hỏi ý nghĩa này, chúng tôi có thể đến để nghe pháp.
9) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Samiddhi vâng đáp vị Thiên ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:
10) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi đêm đã gần tàn, con thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, con đứng đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Bạch Thế Tôn, rồi một vị Thiên, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng nước nóng, đi đến con, sau khi đến, đứng giữa hư không và nói lên bài kệ này:
"Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,
Hãy hưởng rồi khất thực,
Chớ uổng phí thời gian."
11) Khi nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời với vị Thiên ấy bằng bài kệ:
"Thời Ông, ta không biết,
Thời ta, ẩn không hiện,
Không hưởng, ta khất thực,
Không uổng thời gian ta."
12) Bạch Thế Tôn, rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với con:
"-- Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các dục lạc của người đời. Chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối."
13) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:
"-- Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Những gì thuộc thời gian, này Hiền giả, là các dục, được nói đến là nhiều khổ đau, nhiều phiền não (upàyàsa), nguy hiểm ở đấy lại nhiều hơn. Còn pháp này thuộc hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu."
14) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:
"-- Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?"
15) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:
"-- Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông về pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương Xá), tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì."
16) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:
" -- Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được các chư Thiên khác có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn và hỏi ý nghĩa ấy, chúng tôi cũng sẽ đến và nghe pháp."
-- Bạch Thế Tôn, nếu vị Thiên ấy nói sự thật, thời vị ấy ở đây, không xa bao nhiêu.
17) Khi được nói vậy, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Samiddhi như sau:
-- Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Tôi đã đến rồi.
18) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với vị Thiên ấy:
Chúng sanh được hiểu biết,
Những điều được nói lên,
Và chấp trước thái độ,
Trên những điều được nói.
Nếu họ không liễu tri
Những điều được nói lên,
Họ đi đến trói buộc.
Do thần chết chi phối,
Nếu họ liễu tri được
Những điều được nói lên,
Họ không có tưởng tri,
Những điều được nói ra.
Ðối với vị như vậy,
Lỗi lầm nhất định không.
Nếu các Ông có biết,
Hãy nói lên Dạ-xoa.
19) -- Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.
(Thế Tôn):
20)
Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi;
Cả ba không dao động,
Bằng, thắng không khởi lên.
Nếu như Ông có biết,
Hãy nói lên, Dạ-xoa.
21) -- Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.
22) (Thế Tôn):
Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,
Từ bỏ mọi tham ái,
Ðối danh sắc ở đời,
Vị ấy đoạn triền phược,
Không lo âu, không ái.
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Ở cảnh giới chư Thiên,
Hay tại mọi trú xứ,
Tìm cầu nhưng không gặp,
Vết tích của vị ấy.
Nếu Ông biết người ấy
Hãy nói lên, Dạ-xoa.
23) -- Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa rộng rãi như sau:
Khắp thế giới chớ làm,
Ðiều ác thân, miệng, ý,
Từ bỏ mọi ái dục,
Chánh niệm, tâm tỉnh giác,
Không khổ hạnh ép xác,
Vô bổ, không lợi ích.
III. Phẩm Kiếm (S.I,13)
... (Nhân duyên ở Sàvatthi). Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
I. Kiếm:
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia bỏ ái dục.
(Thế Tôn):
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia bỏ thân kiến.
II. Xúc Chạm
Không xúc, không có chạm,
Có xúc, thời có chạm,
Nên hại người không hại,
Tức có xúc, có chạm,
Ai hại người không hại,
Người tịnh, không ô nhiễm,
Kẻ ngu hái quả ác,
Như ngược gió tung bụi.
III. Triền Phược
Nội triền và ngoại triền,
Chúng sanh bị triền phược,
Con hỏi Gotama,
Ai thoát khỏi triền này?
(Thế Tôn):
Người trú giới có trí,
Tu tập tâm và tuệ,
Nhiệt tâm và thận trọng,
Tỷ-kheo ấy thoát triền.
Với ai, đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Bậc Lậu tận, Ứng cúng,
Vị ấy thoát triền phược.
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn tận, vô dư,
Ðoạn chướng ngại, sắc tưởng,
Chỗ ấy triền phược đoạn.
IV. Chế Ngự Tâm (S.i,14)
Chỗ nào ý chế ngự,
Chỗ ấy đau khổ tận.
Ý chế ngự hoàn toàn,
Thoát đau khổ hoàn toàn.
(Thế Tôn):
Không nên chế ngự ý,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Chớ có chế ngự ý,
Nếu tự chủ đạt được.
Chỗ nào ác pháp khởi,
Chỗ ấy chế ngự ý.
V. Vị A-La-Hán (Tạp 22.6 - 7, La-hán, Ðại 2,154b (S.i,14) ( Biệt Tạp 9.6, Ðại 2,435c)
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
"Chính tôi vừa nói lên"
Vị ấy có thể nói:
"Họ nói là của tôi".
(Thế Tôn):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Vị ấy có thể nói:
"Chính tôi vừa nói lên",
Vị ấy có thể nói:
"Họ nói là của tôi".
Vị ấy khéo biết rõ,
Danh xưng ở thế gian,
Vì chỉ là danh xưng,
Vị ấy cũng danh xưng.
(Vị Thiên):
Vị Tỷ-kheo La-hán,
Ðã làm điều phải làm,
Các lậu được đoạn tận,
Thân này, thân tối hậu.
Có phải Tỷ-kheo ấy,
Ði gần đến kiêu mạn,
Khi vị ấy có nói:
"Chính tôi vừa nói lên".
Khi vị ấy có nói:
"Họ nói là của tôi"?
(Thế Tôn):
Ai đoạn tận kiêu mạn,
Không còn những buộc ràng,
Mọi hệ phược kiêu mạn,
Ðược hoàn toàn đoạn tận.
Vị có trí sáng suốt,
Vượt khỏi mọi hư tưởng,
Vị ấy có thể nói:
"Chính tôi vừa nói lên",
Vị ấy có thể nói:
"Họ nói là của tôi".
Vị ấy khéo biết rõ,
Danh xưng ở thế gian,
Vì chỉ là danh xưng,
Vị ấy cũng danh xưng.
VI. Ánh Sáng (Tạp, Ðại 2,360b) (S.i,15) (Biệt Tạp 15.12, Ðại 2,478c)
Vật gì chiếu sáng đời,
Do chúng, đời chói sáng?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Muốn biết lời giải đáp.
(Thế Tôn):
Bốn vật chiếu sáng đời,
Thứ năm, đây không có.
Ngày, mặt trời sáng chói,
Ðêm, mặt trăng tỏ rạng,
Lửa cháy đỏ đêm ngày,
Chói sáng khắp mọi nơi.
Chánh giác sáng tối thắng,
Sáng này, sáng vô thượng.
VII. Nước Chảy (S.i,15)
Chỗ nào nước chảy ngược?
Chỗ nào nước xoáy dừng?
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư?
Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không vững trú,
Do vậy nước chảy ngược,
Chỗ ấy nước xoáy dừng,
Chỗ ấy danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư.
VIII. Giàu Lớn (S.i,15)
Sát-đế-lỵ giàu lớn,
Tài sản, quốc độ lớn,
Luôn luôn ganh tị nhau,
Hưởng dục không biết ngán,
Giữa người sống dao động,
Trôi theo dòng tái sanh.
Ai bỏ tật và ái,
Không dao động giữa đời.
(Thế Tôn):
Vị xuất gia bỏ nhà,
Bỏ con, gia súc, thân,
Bỏ tham và bỏ sân,
Và từ bỏ vô minh,
Bậc Lậu tận, La-hán,
Không dao động giữa đời.
IX. Bốn Bánh Xe (S.i,16)
Bốn bánh xe, chín cửa,
Ðầy uế, hệ lụy tham,
Chìm đắm trong bùn nhơ,
Ôi, thưa bậc Ðại Hùng,
Sanh thú người như vậy,
Tương lai sẽ thế nào?
(Thế Tôn):
Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,
Ái căn được đoạn tận,
Sanh thú sẽ như vậy.
X. Con Sơn Dương (S.i,16)
Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh,
Ăn uống có chừng mực,
Không tham lam, say đắm,
Như sư tử, voi rừng,
Ðộc hành, không dục vọng.
Sau khi đến, con hỏi,
Làm sao thoát khổ đau?
(Thế Tôn):
Có năm dục ở đời,
Ý căn là thứ sáu,
Ở đây, từ ước muốn,
Như vậy thoát khổ đau.
IV. Phẩm Quần Tiên
I. Với Người Thiện (S.i 16)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Ðược tốt hơn, không xấu.
4) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Ðược tuệ, không gì khác.
5) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Không sầu, giữa sầu muộn.
6) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chúng sanh sanh thiện thú.
8) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chúng sanh thường hưởng lạc.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, ai đã nói lên một cách tốt đẹp?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy, hãy nghe lời Ta nói:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Giải thoát mọi khổ đau.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Quần Tiên ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
II. Xan Tham (Tạp, Ðại 2,354c) (Biệt Tạp, Ðại 2,473b) (S.i,18)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,
Ai ước mong công đức,
Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ðiều kẻ xan tham sợ,
Nên không dám bố thí,
Sợ ấy đến với họ,
Chính vì không bố thí.
Ðiều kẻ xan tham sợ,
Chính là đói và khát,
Kẻ ngu phải cảm thọ,
Ðời này và đời sau.
Vậy hãy chế xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vững an trú,
Công đức trong đời sau.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Không chết giữa người chết,
Như thiện hữu trên đường,
San sẻ lương thực hiếm,
Thường pháp là như vậy.
Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều khó, đem cho,
Bố thí từ kẻ khó,
Ðong được ngàn đồng vàng.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Khó thay sự đem cho,
Khó thay làm hạnh ấy.
Kẻ ác khó tùy thuận,
Khó thay pháp bậc lành.
Do vậy kẻ hiền, ác,
Sanh thú phải sai khác,
Kẻ ác sanh địa ngục,
Người lành lên cõi trời.
7) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, vị nào đã nói một cách tốt đẹp?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đã nói một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe Ta:
Sở hành vẫn chơn chánh,
Dầu phải sống vụn vặt,
Dầu phải nuôi vợ con,
Với đồ ăn lượm lặt,
Nhưng vẫn bố thí được,
Từ vật chứa ít ỏi,
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này với Thế Tôn:
Vì sao họ bố thí,
Rộng lớn nhiều như vậy,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí?
Sao ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy?
9) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ này với vị Thiên ấy:
Có những người bố thí,
Một cách bất bình thường,
Sau khi chém và giết,
Mới làm vơi nỗi sầu.
Sự bố thí như vậy,
Ðầy nước mắt đánh đập,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí.
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.
III. Lành Thay (S.i,20)
1) Ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí!
Kính thưa bậc Tôn giả.
Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,
Ai ước mong công đức,
Có trí nên bố thí.
4) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều khó, đem cho,
Bố thí từ kẻ khó,
Ðong được ngàn đồng vàng.
5) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin.
Bố thí và đánh nhau,
Ðược nói là bằng nhau,
Một số ít kẻ lành,
Thắng xa số đông người.
Ví dầu cho có ít,
Nhưng cho với lòng tin,
Do vậy được an lạc,
Vì lợi ích cho người.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Ai là người bố thí,
Với tàn sản hợp pháp,
Do nỗ lực tinh tấn,
Nhờ vậy thâu hoạch được;
Vị ấy vượt dòng suối,
Thần chết Dạ-ma giới,
Sau khi chết được sanh,
Chỗ trú xứ chư Thiên.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Lành thay sự bố thí,
Có suy tư sáng suốt!
Bố thí có suy tư,
Bậc Thiện Thệ tán thán.
Bố thí cho những vị,
Ðáng kính trọng ở đời,
Bố thí những vị ấy,
Ðược hưởng quả phước lớn,
Như hạt giống tốt đẹp,
Gieo vào ruộng tốt lành.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
Lành thay sự bố thí,
Kính thưa bậc Tôn giả!
Nhưng thật tốt lành thay,
Bố thí trong thiếu thốn!
Lành thay sự bố thí,
Phát xuất từ lòng tin!
Lành thay sự bố thí,
Với tài sản hợp pháp!
Lành thay sự bố thí,
Có suy tư sáng suốt!
Lành thay sự tự chế,
Ðối với các chúng sanh!
Giữa chúng sanh hữu tình,
Ai sống không làm hại,
Sợ người khác chỉ trích,
Không làm ác, bất thiện,
Họ khen kẻ nhút nhát,
Nhưng chỉ trích người hùng,
Chính sợ bị chỉ trích,
Người lành không làm ác.
9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, lời nói ai được tốt lành?
-- Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe lời của Ta:
Bố thí với lòng tin,
Ðược tán thán nhiều mặt,
Có pháp hơn bố thí,
Pháp ấy là Pháp cú.
Từ xưa, từ xa xưa,
Người lành, người chơn thiện,
Với trí tuệ sáng suốt,
Ðạt đến cảnh Niết-bàn.
IV. Chúng Không Phải (S.i,22)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Giữa loài Người chúng ta,
Có các dục vô thường.
Ai hưởng chúng ở đời,
Bị chúng trói, chúng buộc.
Phóng dật đối với chúng,
Khó thoát ly với chúng,
Người nào khó thoát ly,
Bị thần chết chinh phục.
Họa từ dục vọng sanh,
Khổ từ dục vọng khởi,
Dục vọng được nhiếp phục,
Nhờ vậy họa nhiếp phục,
Tai họa được nhiếp phục,
Nhờ vậy khổ nhiếp phục.
Vật sai biệt ở đời,
Chúng không phải các dục,
Chính tư niệm tham ái,
Là dục vọng con người.
Vật sai biệt tồn tại,
Như vậy ở trên đời,
Do vậy bậc Hiền trí,
Ðiều phục các dục vọng.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Hãy vượt qua tất cả,
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy,
Khổ không thể đến được,
Với ai không có gì.
Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,
Cắt đứt mọi tham ái,
Với danh sắc ở đời.
Vị ấy đoạn phiền trược,
Không lo âu, không ái;
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Ở cảnh giới chư Thiên,
Hay tại mọi trú xứ,
Tìm cầu nhưng không gặp,
Vết tích của vị ấy,
Họ tìm nhưng không thấy,
Vị giải thoát như vậy.
(Tôn giả Mogharàjà nói như vầy)
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Bậc tối thượng loài Người,
Lo hạnh phúc chúng sanh,
Họ đảnh lễ vị ấy,
Nên tán thán họ không?
(Bậc Thế Tôn lên tiếng)
Này Mogharàjà
Họ cũng nên tán thán,
Bậc giải thoát như vậy.
Này Tỷ-kheo khất sĩ,
Nếu họ biết Chánh pháp,
Ðoạn trừ được nghi hoặc,
Họ trở thành giải thoát.
V. Hiềm Trách Thiên (S.i,23)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên Ujjhànasannà (Hiềm trách thiên), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, các vị ấy đứng giữa hư không.
3) Rồi một vị Thiên đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Những ai nói mình khác
Với điều họ thực có,
Thời mọi vật thọ dụng,
Xem như do trộm cắp,
Chẳng khác kẻ gian manh,
Dùng lừa đảo trộm cắp.
Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Không làm nói có làm,
Kẻ trí biết rõ họ.
(Thế Tôn):
Những ai chỉ biết nói,
Hay chỉ biết nghe thôi,
Những hạng người như vậy,
Không thể nào tiến bộ.
Khó nhọc thay con đường,
Giúp kẻ trí giải thoát.
Nhờ Thiền định thiêu cháy,
Mọi trói buộc quần ma,
Kẻ trí không làm vậy,
Sau khi biết thế tình,
Với trí, chứng Niết-bàn,
Vượt chấp trước ở đời.
4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
-- Ðây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.
5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.
6) Các quần tiên ấy càng tức tối thêm và bay lên hư không.
7) Một vị Thiên nói bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Nếu không có tội lỗi,
Ở đây không lầm lạc,
Hận thù không thể tiêu.
Do gì xem là thiện?
Với ai không tội lỗi?
Với ai không lầm lạc?
Ai không bị si mê?
Ai kẻ trí thường niệm?
(Thế Tôn):
Như Lai, bậc Giác Ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Nơi Ngài không tội lỗi,
Nơi Ngài không lầm lạc.
Ngài không bị si mê,
Ngài chánh trí thường niệm.
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Ta không thích hận thù,
Ta nhận tội các Ông.
VI. Lòng Tin (S.i,25), (Tạp, Ðại 2,354b) - (Biệt Tạp, Ðại 2,473a)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm) tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi rất nhiều quần tiên SatullapaKàyikà, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Tín là người thứ hai,
Là bạn của loài Người,
Nếu không trú bất tín,
Ðược danh dự, xưng tán,
Sau khi bỏ thân này,
Ðược sanh lên Thiên giới.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Hãy vượt qua tất cả
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy.
Tham không thể đến được,
Với ai không có gì.
Kẻ ngu không trí tuệ,
Mới đam mê, phóng dật,
Kẻ trí không phóng dật,
Như giữ tài vật quý.
Chớ đam mê, phóng dật,
Chớ đắm say ái dục,
Thiền tư, không phóng dật,
Ðạt được tối thắng lạc.
VII. Tụ Hội (S.i,26) - (Tạp, Ðại 2.323a) (Biệt Tạp, Ðại 2.411a) (S.i,26) (D. 20 Mahàsamaya, Trường, Ðại 1,79b - 81b)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.
2) Rồi bốn vị Tịnh cư thiên (Suddàvàsà) suy nghĩ như sau: "Thế Tôn nay ở giữa dân chúng Sakka, thành Kapilavatthu, rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả đều là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới, phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. Vậy chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi chúng ta đọc một bài kệ dâng lên Thế Tôn."
3) Rồi chư Thiên ấy nhanh như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ Tịnh cư thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn.
4) Chư Thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, một vị Thiên đọc bài kệ trước Thế Tôn:
Ðại hội tại Ðại Lâm,
Chư Thiên đồng tụ tập,
Chúng con đến Pháp hội,
Ðảnh lễ chúng Bất thắng.
5) Rồi các vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Tại đây chúng Tỷ-kheo,
Thiền định, tâm chánh trực,
Như chủ xe nắm cương,
Bậc hiền hộ các căn.
6) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:
Như khóa gãy, chốt tháo,
Trụ bị đào, tham đoạn,
Sống thanh tịnh, vô cấu,
Có mắt, voi khéo điều.
7) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước mặt Thế Tôn:
Những ai quy y Phật,
Sẽ không đọa ác thú,
Sau khi bỏ thân Người,
Sẽ sanh làm chư Thiên.
VIII. Miếng Ðá Vụn - (Tạp, Ðại 2,355a) - (Biệt Tạp, Ðại 2,473c) - (S.i,27)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)
2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
3) Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác.
4) Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
5) Ðứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.
6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
9) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
10) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.
11) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:
-- Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.
Các vị Bà-la-môn,
Tinh thông năm Vệ-đà,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia,
Bị khát ái chi phối,
Bị giới cấm trói buộc,
Dầu tu tập khổ hạnh,
Cho đến hàng trăm năm,
Tâm họ không có thể,
Chơn chánh được giải thoát.
Tự tánh quá hạ liệt,
Không đến bờ bên kia.
Ở đời không nhiếp phục,
Kiêu mạn cùng các dục,
Tâm không được an tịnh,
Không tu tập Thiền định.
Ở trong rừng cô độc,
Nhưng tâm tư phóng dật,
Vị ấy khó vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
Nhiếp phục được kiêu mạn,
Khéo tu tập Thiền định,
Tâm tư khéo an tịnh,
Giải thoát được viên mãn,
Ở trong rừng cô độc,
Tâm tư không phóng dật,
Vị ấy khéo vượt khỏi,
Sự chinh phục tử thần.
IX. Con Gái Của Pajjunna (Tạp, Ðại 2,350a) (Biệt Tạp, 14.4, Ðại 2,469a) (S.i,29)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng Ðại Lâm, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, Thiên nữ Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Thượng thủ các chúng sanh,
Nay an trú Ðại Lâm,
Tại thành Vesàli,
Hãy để con đảnh lễ,
Con gái Pajjunna,
Tên Kokanadà.
Từ trước con chỉ nghe,
Bậc chứng ngộ Chánh Giác.
Bậc vô thượng Pháp Nhãn,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Ngày nay con có thể,
Biết được Chánh pháp ấy,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc Mâu-ni Chánh Giác.
Những ai kém trí tuệ,
Khinh bác chống Thánh pháp,
Sẽ rơi vào địa ngục,
Mệnh danh Roruva,
Trải thời gian lâu dài,
Thọ lãnh nhiều thống khổ.
Những ai đối Thánh pháp,
Kham nhẫn, tâm tịch tịnh,
Từ bỏ thân làm người,
Viên mãn thân chư Thiên.
X. Con Gái Của Pajjunna (Tạp, Ðại 2, 349c) (Biệt Tạp 14.3, Ðại 2, 469a) (S.i,30)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) Rồi Cùla - Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Ðại Lâm đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Cùla-Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Con gái Pajjunna,
Tên Kokanadà.
Nhan sắc như điện quang,
Nàng đã đến tại đây,
Ðảnh lễ Phật và Pháp,
Nói kệ lợi ích này,
Dầu với nhiều pháp môn,
Con phân tích pháp này.
Nhưng lược nghĩa con nói,
Theo ý con hiểu biết,
Ở đời, chớ làm ác,
Cả ba: thân, khẩu, ý,
Từ bỏ mọi thứ dục,
Chánh niệm, tâm tỉnh giác,
Không khổ hạnh ép xác,
Vô bổ, không lợi ích.
V. Phẩm Thiêu Cháy
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi một vị Thiên, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
I. Thiêu Cháy (Biệt Tạp 5.4, Ðại 2,403) (S.i,31)
Trong ngôi nhà thiêu cháy,
Vật dụng đem ra ngoài,
Vật ấy có lợi ích,
Không phải vật bị thiêu.
Cũng vậy trong đời này,
Bị già chết thiêu cháy,
Hãy đem ra, bằng thí,
Vật thí, khéo đem ra.
Có thí, có lạc quả,
Không thí, không như vậy.
Kẻ trộm, vua cướp đoạt,
Lửa thiêu đốt hủy hoại,
Khi giờ cuối cùng đến,
Bỏ thân, bỏ sở hữu.
Kẻ trí, hiểu biết vậy,
Thọ dụng và bố thí,
Thí xong, thọ dụng xong,
Theo lực hành động ấy,
Không bị ai chỉ trích,
Vị ấy được sanh Thiên.
II. Cho Gì? (Tạp 36.6 Vân hà đại đắc, Ðại 2,261b) (Biệt Tạp 8.4, Ðại 2,526b) (S.i,32)
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi?
(Thế Tôn):
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả,
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử.
III. Ðồ Ăn (S.i,32)
Trời, Người, cả hai loài,
Ðều ưa thích ăn uống,
Vị Dạ-xoa tên gì,
Lại không thích ăn uống?
(Thế Tôn):
Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,
Ðược phần món ăn ấy,
Ðời này và đời sau.
Vậy hãy ngừa xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Hữu tình vững an trú,
Công đức trong đời sau.
IV. Một Căn Rễ (S.i,32)
Một rễ, hai phương diện,
Ba uế, năm môi trường,
Biển lớn, mười hai họa,
Vực xoáy bậc Thánh siêu.
V. Bậc Hoàn Toàn (S.i,33)
Bậc viên mãn toàn diện,
Thấy được nghĩa bí huyền,
Ban phát chân trí tuệ,
Thoát ly khỏi dục tạng,
Thấy được bậc toàn trí,
Bậc Thiện tuệ trí giác.
Vị Ðại Thánh dấn bước,
Trên con đường Thánh đạo.
VI. Thiên Nữ (S.i,33)
Thiên nữ đoàn tụ hội,
Ngạ quỷ chúng tới lui,
Rừng ấy danh rừng si,
Làm sao có lối thoát?
(Thế Tôn):
Ðường ấy tên chơn trực,
Phương ấy danh vô úy,
Cỗ xe gọi vô thanh,
Với pháp luân khéo ráp,
Tàm là dàn xe dựa,
Niệm là trướng màn xe,
Ta nói vị đánh xe,
Tức là chơn diệu pháp,
Và chính chánh tri kiến,
Mau chóng đi tiền phong.
Không kể nam hay nữ,
Ðều dùng cỗ xe ấy.
Chính nhờ cỗ xe ấy,
Hướng tiến đến Niết-bàn.
VII. Trồng Rừng (S.i,33)
Những ai ngày lẫn đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,
Trú pháp, cụ túc giới,
Kẻ nào sanh thiên giới?
Ai trồng vườn, trồng rừng,
Ai dựng xây cầu cống,
Ðào giếng, cho nước uống,
Những ai cho nhà cửa,
Những vị ấy ngày đêm,
Công đức luôn tăng trưởng,
Trú pháp, cụ túc giới,
Những vị ấy sanh Thiên.
VIII. Kỳ Viên (S.i,33)
Ðây là rừng Kỳ Viên.
Chỗ trú xứ Thánh chúng,
Chỗ ở đấng Pháp Vương,
Khiến tâm con hoan hỷ.
Nghiệp minh và tâm pháp,
Giới và tối thắng mạng,
Chính những diệu pháp ấy,
Khiến chúng sanh thanh tịnh,
Không phải vì dòng họ,
Không phải vì tài sản.
Do vậy bậc Hiền trí,
Thấy lợi ích chính mình,
Chánh giác sát tâm pháp,
Như vậy được thanh tịnh.
Như ngài Xá-lợi-phất,
Tuệ giới và tịch tịnh,
Tỷ-kheo đến bờ giác,
Ở đây là tối thượng.
IX. Xan Tham (S.i,34)
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?
Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,
Bị tái sanh địa ngục,
Bàng sanh, Dạ-ma giới.
Nếu được sanh làm người,
Sanh gia đình nghèo khó,
Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được rất khó khăn.
Ðiều kẻ ngu ước vọng,
Họ không thâu hoạch được,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh ác thú.
(Vị Thiên):
Nhờ những điều Ngài nói,
Chúng con được hiểu vậy,
Tôn giả Gotama,
Con xin hỏi câu khác.
Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?
Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?
(Thế Tôn):
Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,
Họ chói sáng chư Thiên,
Tại đấy họ tái sanh.
Nếu họ sanh làm người,
Họ sanh nhà phú gia,
Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được không khó khăn,
Như các Tự tại thiên,
Hân hoan được thọ hưởng,
Giữa vật dụng tài sản,
Ðược người khác quy tụ,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh Thiên giới.
X. Thợ Ðồ Gốm (S.i,35) (Tạp 22.10 Vô phiền thiên, Ðại 2,159b) (Biệt Tạp, 9.29, Ðại 2,442b)
Ðược sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.
Vượt bùn, họ là ai,
Khéo vượt lệnh thần chết,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên?
Họ là Upaka,
Với Pukkusàti,
Hợp thành là ba vị,
Và Phalaganda,
Lại thêm Bhaddiya,
Với Khandadeva,
Và Bàhuraggi,
Cùng với Pingiya,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.
(Thế Tôn):
Người nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,
Họ thoát ly, đoạn trừ,
Các cạm bẫy Ma vương,
Pháp họ biết, của ai,
Ðoạn diệt hữu kiết sử?
(Ghatìkàra):
Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,
Họ biết pháp của Ngài,
Ðoạn được hữu kiết sử.
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư,
Họ học được pháp ấy,
Ở đây từ nơi Ngài.
Nhờ vậy họ đoạn trừ,
Hữu kiết sử trói buộc.
(Thế Tôn):
Lời nói người thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,
Pháp Ông biết của ai,
Sao Ông không nói được?
(Ghatìkàra):
Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và con được tên gọi,
Là Ghatìkàra.
Chính con lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Con đệ tử tại gia.
Con viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật,
Thuở xưa con đồng hương,
Cũng là bạn của họ,
Do vậy con biết họ,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.
(Thế Tôn):
Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,
Thuở xưa, Ông thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và Ông được tên gọi,
Là Ghatìkàra.
Chính Ông lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Ông đệ tử tại gia.
Ông viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật.
Thuở xưa Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta,
Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thời xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.
VI. Phẩm Già
I. Già (S.i,36)
-- Vật gì tốt đến già?
Vật gì tốt kiên trú?
Vật gì vật báu người?
Vật gì cướp khó đoạt?
-- Giới là tốt đến già,
Tín là tốt kiên trú,
Tuệ, vật báu loài Người,
Công đức, cướp khó đoạt.
II. Không Già
-- Vật gì tốt không già?
Vật gì tốt trường cửu?
Vật gì vật báu người?
Vật gì cướp không đoạt?
-- Giới là tốt không già,
Tín là tốt trường cửu,
Tuệ, vật báu loài Người,
Công đức, cướp không đoạt.
III. Bạn
-- Ai bạn kẻ đi đường?
Ai bạn người ở nhà?
Ai bạn khi cần thiết?
Ai bạn cho đời sau?
Bạn đường, bạn đi đường,
-- Bạn ở nhà là mẹ,
Bạn bè khi cần thiết,
Mới là bạn thường xuyên,
Công đức tự mình làm,
Là bạn cho đời sau.
IV. Cơ Sở
-- Vật gì, cơ sở người?
Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?
Hữu tình gì trì mạng?
Y cứ vào địa đại?
-- Con là cơ sở người,
Vợ là bạn tối thượng,
Thần mưa là trì mạng,
Y cứ vào địa đại.
V. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người sợ hãi?
-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Ðau khổ, người sợ hãi.
VI. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Vì đâu, không giải thoát?
-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Vì khổ, không giải thoát.
VII. Sanh Nhân
-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người nương tựa?
-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Chính nghiệp, người nương tựa.
VIII. Phi Ðạo
-- Cái gì gọi phi đạo?
Cái gì diệt ngày đêm?
Cái gì uế Phạm hạnh?
Cái gì tắm không nước?
-- Tham dục gọi phi đạo,
Tuổi tác diệt ngày đêm,
Nữ nhân uế Phạm hạnh,
Khiến loài Người hệ lụy,
Khổ hạnh và Phạm hạnh,
Là tắm không cần nước.
IX. Người Bạn
-- Cái gì làm người bạn?
Cái gì giáo hóa người?
Cái gì người ái lạc?
Giải thoát mọi khổ đau?
-- Tín thành làm bạn người,
Trí tuệ giáo hóa người,
Người ái lạc Niết-bàn,
Giải thoát mọi khổ đau.
X. Người Thi Sĩ
-- Vật gì nhân kệ tụng?
Vật gì làm tự cú?
Vật gì kệ y cứ?
Vật gì kệ an trú?
-- Âm vận nhân kệ tụng,
Văn tự làm tự cú,
Kệ ý cứ đề danh,
Kệ an trú thi nhân.
VII. Phẩm Thắng (S.i,39)
I. Danh (S.i,39)
-- Vật gì thắng tất cả?
Vật gì không số hơn?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
-- Danh vượt thắng tất cả,
Danh không số nào hơn,
Chính danh là một pháp,
Mọi vật đều tùy thuộc.
II. Tâm (S.i,39)
-- Vật gì dắt dẫn đời?
Vật gì tự não hại?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
-- Chính tâm dắt dẫn đời,
Chính tâm tự não hại,
Chính tâm là một pháp,
Mọi vật đều tùy thuộc.
III. Khát Ái (S.i,39)
-- Vật gì dẫn dắt đời?
Vật gì tự não hại?
Và có một pháp nào,
Mọi vật đều tùy thuộc?
-- Chính ái là một đời,
Chính ái tự não hại,
Chính ái là một pháp,
Mọi vật đều tùy thuộc.
IV. Kiết Sử (S.i,39)
-- Vật gì trói buộc đời?
Vật gì dẫn hành đời?
Do đoạn trừ pháp gì,
Mới được gọi Niết-bàn?
-- Chính hỷ trói buộc đời,
Tầm cầu dẫn hành đời,
Do đoạn trừ khát ái,
Mới được gọi Niết-bàn.
V. Triền Phược (S.i,39)
-- Vật gì triền phược đời?
Vật gì dẫn hành đời?
Do đoạn trừ pháp gì,
Mọi triền phược đoạn diệt?
-- Chính hỷ triền phược đời,
Tầm cầu dẫn hành đời,
Do đoạn trừ khát ái,
Mọi triền phược đoạn diệt.
VI. Bị Áp Ðảo (S.i,40)
-- Vật gì áp đảo đời?
Vật gì bao phủ đời?
Tên gì bắn trúng đời?
Bởi gì thường huân tập?
-- Sự chết áp đảo đời,
Già nua bao phủ đời,
Tên ái bắn trúng đời,
Bởi dục, thường huân tập.
VII. Bị Treo Cột (S.i,40)
-- Vật gì treo cột đời?
Vật gì bao phủ đời?
Vật gì đóng kín đời?
Trên gì đời an trú?
-- Khát ái treo cột đời,
Già nua bao phủ đời,
Sự chết đóng kín đời,
Trên khổ, đời an trú.
VIII. Bị Ðóng Kín (S.i,40)
-- Vật gì đóng kín đời?
Trên gì đời an trú?
Vật gì treo cột đời?
Vật gì bao phủ đời?
-- Sự chết đóng kín đời,
Trên khổ, đời an trú,
Khát ái treo cột đời,
Già nua bao phủ đời.
IX. Ước Muốn (S.i,40)
-- Vật gì trói buộc đời?
Ðiều phục gì được thoát?
Vật gì được đoạn trừ,
Khiến mọi phược đoạn tận?
-- Ước muốn trói buộc đời,
Ðiều phục dục được thoát,
Ước muốn được đoạn trừ,
Mọi triền phược đoạn tận.
X. Ðời (Thế gian) (S.i,41)
-- Trên gì thế gian sanh?
Trên gì được giao tiếp?
Thế gian chấp trước gì?
Trên gì đời khổ não?
-- Trên sáu, thế gian sanh,
Trên sáu, được giao tiếp,
Thế gian chấp trước sáu,
Trên sáu, đời khổ não.
VIII. Phẩm Ðoạn (S.i,41)
... Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy nói lên bài kệ với Thế Tôn:
I. Ðoạn Sát (S.i,41)
Sát vật gì được lạc?
Sát vật gì không sầu?
Có một pháp loại gì,
Ngài tán đồng sát hại,
Tôn giả Gotama?
(Thế Tôn):
Sát phẫn nộ được lạc,
Sát phẫn nộ không sầu,
Phẫn nộ với độc căn,
Với vị ngọt tối thượng,
Pháp ấy, bậc Thánh Hiền,
Tán đồng sự sát hại.
Sát pháp ấy không sầu,
Này Hiền giả Thiên nhân.
II. Cỗ Xe (S.i,41)
-- Cỗ xe hiện tướng gì?
Ngọn lửa hiện tướng gì?
Vương quốc hiện tướng gì?
Phụ nữ hiện tướng gì?
-- Cờ hiện tướng cỗ xe,
Khói hiện tướng ngọn lửa,
Vua hiện tướng vương quốc,
Chồng hiện tướng nữ nhân.
III. Tài Sản (S.i,42)
-- Tài sản gì ở đời,
Ðối người là tối thượng?
Sự gì khéo tu trì,
Ðưa đến chơn an lạc?
Vật gì ngọt tối thượng,
Trong tất cả vị ngọt?
Sống cuộc sống thế nào,
Ðược gọi sống tối thượng?
-- Lòng tin ở đời này,
Là tài sản tối thượng.
Chánh pháp khéo tu trì,
Ðưa đến chơn an lạc.
Sự thật ngọt tối thượng,
Trong tất cả vị ngọt.
Sống cuộc sống trí tuệ,
Ðược gọi sống tối thượng.
IV. Mưa (S.i,42)
Vật gì được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng?
Vật gì được rơi xuống,
Là rơi xuống tối thượng?
Vật gì thường bộ hành?
Vật gì thuyết tối thượng?
(Một Thiên nhân):
Hột giống được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng.
Cơn mưa được rơi xuống,
Là rơi xuống tối thượng.
Con bò thường bộ hành,
Con trai thuyết tối thượng.
(Thế Tôn):
Huệ minh được mọc lên,
Là mọc lên tối thượng.
Vô minh được rơi xuống,
Là rơi xuống tối thượng.
Tăng-già thường bộ hành,
Ðức Phật thuyết tối thượng.
V. Khủng Bố (S.i,42)
Vì sao ở đời này,
Rất nhiều người sợ hãi,
Dầu con đường đề cập,
Dưới hình thức sai biệt?
Con hỏi Gotama,
Bậc trí tuệ sáng suốt,
Phải an trú chỗ nào,
Khỏi sợ hãi đời sau?
(Thế Tôn):
Hãy chánh trú lời, ý,
Thân nghiệp chớ làm ác.
Nếu an trú trong nhà,
Với tài sản dồi dào,
Hãy tín tâm, nhu hòa,
Chia tài sản, hòa nhã.
An trú bốn pháp này,
Không sợ hãi đời sau.
VI. Không Già (S.i,43)
-- Ai già, ai không già?
Thế nào gọi phi đạo?
Vật gì chướng ngại pháp?
Vật gì đêm ngày diệt?
Vật gì uế Phạm hạnh?
Vật gì tắm không nước?
Ðời bao nhiêu lỗ trống,
Trên ấy, tâm không trú?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Mong biết câu trả lời!
-- Sắc hữu tình bị già,
Danh tánh lại không già,
Tham dục gọi phi đạo,
Tham ái, chướng ngại pháp.
Tuổi tác đêm, ngày diệt,
Nữ nhân uế Phạm hạnh,
Ðắm trước trong uế này,
Là toàn thể chúng sanh.
Khổ hạnh và Phạm hạnh,
Là tắm không cần nước,
Sáu lỗ trống ở đời,
Trên ấy, tâm không trú,
Biếng nhác và phóng dật,
Uể oải, không tự chế,
Thụy miên và hôn trầm,
Cả sáu lỗ trống này,
Cần ly khai tất cả.
VII. Tôn Chủ (S.i,43)
-- Vật gì chủ ở đời?
Hàng hóa gì tối thượng?
Vật gì làm rỉ sét,
Lưỡi kiếm ở trên đời?
Vật gì ở đời này,
Tác thành cõi địa ngục?
Ai đem đi, bị chận?
Ai đem đi, được ưa?
Ai thường xuyên đi lại,
Ðược kẻ trí hoan hỷ?
-- Thế lực chủ ở đời,
Nữ nhân, vật tối thượng.
Phẫn nộ làm rỉ sét,
Lưỡi kiếm ở trên đời.
Kẻ trộm ở đời này,
Tác thành cõi địa ngục.
Trộm đem đi, bị chận,
Sa-môn đem, được ưa,
Sa-môn thường đi lại,
Ðược kẻ trí hoan hỷ.
VIII. Dục (S.i,44)
-- Nghĩ lợi, không cho ai,
Con người từ bỏ gì?
Thiện gì nên thốt ra?
Ác gì nên ngăn chận?
-- Con người không cho mình,
Không nên từ bỏ mình,
Lời thiện, nên thốt ra,
Lời ác, nên ngăn chận.
IX. Lương Thực (S.i,44)
-- Cái gì cột lương thực?
Cái gì hút tài sản?
Cái gì lôi cuốn người?
Ở đời, khó bỏ gì?
Cái gì buộc phàm nhân,
Như chim bị bẫy sập?
-- Lòng tin cột lương thực,
Thần tài hút tài sản.
Lòng muốn lôi cuốn người,
Ở đời, muốn (icchà) khó bỏ.
Ham muốn buộc phàm nhân,
Như chim bị bẫy sập.
X. Chớp (S.i,44)
-- Vật gì chiếu sáng đời?
Vật gì thức tỉnh đời?
Ai cọng nghiệp với người?
Cử chỉ chúng là gì?
Ai nuôi kẻ nhác, siêng,
Như mẹ nuôi con cái?
Hữu tình gì trì mạng,
Y cứ vào địa đại?
-- Trí tuệ chiếu sáng đời,
Chánh niệm thức tỉnh đời,
Bò cọng nghiệp với người,
Ðường cày là con đường.
Mưa nuôi kẻ nhác, siêng,
Như mẹ nuôi con cái.
Mưa trì mạng chúng sanh,
Y cứ vào địa đại.
XI. Không Tranh Luận (S.i,44)
-- Ai không tranh luận đời?
Ai sống không hoại diệt?
Ai rõ ham muốn đời?
Ai thường xuyên tự tại?
Ai an trú như vậy,
Cha, mẹ, anh đảnh lễ?
Ai dầu có hạ sanh,
Ðược Sát-lỵ tôn kính?
-- Sa-môn không tranh đời,
Sa-môn sống không diệt,
Sa-môn rõ dục vọng,
Sa-môn thường tự tại,
Sa-môn trú như vậy,
Cha, mẹ, anh kính lễ.
Sa-môn dầu hạ sanh,
Ðược Sát-lỵ tôn kính.

Chapter I.Devatāsaṃyutta Connected Discourses with Devatās

Translated by: Bhikkhu Boddhi

I. A REED


1 (1) Crossing the Flood
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a certain devatā of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One, stood to one side, and said to him:
“How, dear sir, did you cross the flood?”1
“By not halting, friend, and by not straining I crossed the flood.”2
“But how is it, dear sir, that by not halting and by not straining you crossed the flood?”
“When I came to a standstill, friend, then I sank; but when I struggled, then I got swept away. It is in this way, friend, that by not halting and by not straining I crossed the flood.”3 <2>
[The devatā:]
“After a long time at last, I see A brahmin who is fully quenched, Who by not halting, not straining,
Has crossed over attachment to the world.”4
This is what that devat̄ said.5 The Teacher approved. Then that devatā, thinking, “The Teacher has approved of me,” paid homage to the Blessed One and, keeping him on the right, disappeared right there. [2]
2 (2) Emancipation
<3> At Sāvatthī. Then, when the night had advanced, a certain devatā of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. Having approached, he paid homage to the Blessed One, stood to one side, and said to him:
“Do you know, dear sir, emancipation, release, seclusion for beings?”6 “I know, friend, emancipation, release, seclusion for beings.”
“But in what way, dear sir, do you know emancipation, release, seclusion for beings?”
[The Blessed One:]
1 “By the utter destruction of delight in existence,7 By the extinction of perception and consciousness, By the cessation and appeasement of feelings: <4> It is thus, friend, that I know for beings— Emancipation, release, seclusion.”8
2 (3) Reaching
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
3 “Life is swept along, short is the life span;
No shelters exist for one who has reached old age. Seeing clearly this danger in death,
One should do deeds of merit that bring happiness.”9 [The Blessed One:]
4 “Life is swept along, short is the life span;
No shelters exist for one who has reached old age. Seeing clearly this danger in death,
A seeker of peace should drop the world’s bait.”10 [3] <5>
4 (4) Time Flies By
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
5 “Time flies by, the nights swiftly pass; The stages of life successively desert us.11 Seeing clearly this danger in death,
One should do deeds of merit that bring happiness.” [The Blessed One:]
6 “Time flies by, the nights swiftly pass; The stages of life successively desert us. Seeing clearly this danger in death,
A seeker of peace should drop the world’s bait.”
5 (5) How Many Must One Cut?
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
7 “How many must one cut, how many abandon, And how many further must one develop?
When a bhikkhu has surmounted how many ties Is he called a crosser of the flood?”
[The Blessed One:] <6>
8 “One must cut off five, abandon five, And must develop a further five.
A bhikkhu who has surmounted five ties Is called a crosser of the flood.”12
6 (6) Awake
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
9 “How many are asleep when [others] are awake? How many are awake when [others] sleep?
By how many does one gather dust? By how many is one purified?”
[The Blessed One:]
10 “Five are asleep when [others] are awake; Five are awake when [others] sleep.
By five things one gathers dust,
By five things one is purified.”13 [4] <7>
7 (7) Not Penetrated
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
11 “Those who have not penetrated things, Who may be led into others’ doctrines,
Fast asleep, they have not yet awakened:
It is time for them to awaken.”14 [The Blessed One:]
12 “Those who have penetrated things well, Who cannot be led into others’ doctrines, Those awakened ones, having rightly known, Fare evenly amidst the uneven.”15
8 (8) Utterly Muddled
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
13 “Those who are utterly muddled about things, Who may be led into others’ doctrines, <8>
Fast asleep, they have not yet awakened:
It is time for them to awaken.” [The Blessed One:]
14 “Those who aren’t muddled about things, Who cannot be led into others’ doctrines, Those awakened ones, having rightly known, Fare evenly amidst the uneven.”
9 (9) One Prone to Conceit
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
15 “There is no taming here for one fond of conceit, Nor is there sagehood for the unconcentrated: Though dwelling alone in the forest, heedless,
One cannot cross beyond the realm of Death.”16
[The Blessed One:]
16 “Having abandoned conceit, well concentrated, With lofty mind, everywhere released: <9>
While dwelling alone in the forest, diligent,
One can cross beyond the realm of Death.”17 [5]
10 (10) Forest
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
17 “Those who dwell deep in the forest, Peaceful, leading the holy life,
Eating but a single meal a day:
Why is their complexion so serene?”18 [The Blessed One:]
18 “They do not sorrow over the past, Nor do they hanker for the future.
They maintain themselves with what is present: Hence their complexion is so serene.
19 “Through hankering for the future, Through sorrowing over the past, Fools dry up and wither away
Like a green reed cut down.”
<10> II. NANDANA
11 (1) Nandana
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. There the Blessed One addressed the bhikkhus thus: “Bhikkhus!”
“Venerable sir!” those bhikkhus replied. The Blessed One said this: “Once in the past, bhikkhus, a certain devatā of the Tāvatiṃsa host was
revelling in Nandana Grove, < 11 > supplied and endowed with the five
cords of celestial sensual pleasure, accompanied by a retinue of celestial nymphs. On that occasion he spoke this verse:
20 “‘They do not know bliss Who have not seen Nandana,
The abode of the glorious male devas Belonging to the host of Thirty.’19 [6]
“When this was said, bhikkhus, a certain devatā replied to that devatā in verse:
21 “‘Don’t you know, you fool, That maxim of the arahants?
Impermanent are all formations; Their nature is to arise and vanish. Having arisen, they cease:
Their appeasement is blissful.’”20
12 (2) Delight
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One: <12>
22 “One who has sons delights in sons, One with cattle delights in cattle.
Acquisitions truly are a man’s delight;
Without acquisitions one does not delight.”21 [The Blessed One:]
23 “One who has sons sorrows over sons, One with cattle sorrows over cattle.
Acquisitions truly are a man’s sorrows; Without acquisitions one does not sorrow.”
13 (3) None Equal to That for a Son
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā spoke this verse in the presence of the Blessed One:
24 “There is no affection like that for a son, No wealth equal to cattle,
There is no light like the sun,
Among the waters the ocean is supreme.”22 [The Blessed One:]
25 “There is no affection like that for oneself, No wealth equal to grain,
There is no light like wisdom,
Among the waters the rain is supreme.” <13>
14 (4) The Khattiya
26 “The khattiya is the best of bipeds, The ox, the best of quadrupeds;
A maiden is the best of wives,
The first born, the best of sons.”23
27 “The Buddha is the best of bipeds, A steed, the best of quadrupeds;
An obedient woman is the best of wives, A dutiful boy, the best of sons.” [7]
15 (5) Murmuring
28 “When the noon hour sets in
And the birds have settled down, <14> The mighty forest itself murmurs: How fearful that appears to me!”24
29 “When the noon hour sets in And the birds have settled down, The mighty forest itself murmurs: How delightful that appears to me!”
16 (6) Drowsiness and Lethargy
30 “Drowsiness, lethargy, lazy stretching, <15> Discontent, torpor after meals:
Because of this, here among beings, The noble path does not appear.”
31 “Drowsiness, lethargy, lazy stretching, Discontent, torpor after meals:
When one dispels this with energy, The noble path is cleared.”25
17 (7) Difficult to Practise
32 “The ascetic life is hard to practise And hard for the inept to endure,
For many are the obstructions there In which the fool founders.”
33 “How many days can one practise the ascetic life If one does not rein in one’s mind?
One would founder with each step Under the control of one’s intentions.26
34 “Drawing in the mind’s thoughts
As a tortoise draws its limbs into its shell, <16> Independent, not harassing others, fully quenched, A bhikkhu would not blame anyone.”27
18 (8) A Sense of Shame
35 “Is there a person somewhere in the world Who is restrained by a sense of shame,
One who draws back from blame
As a good horse does from the whip?”28
36 “Few are those restrained by a sense of shame Who fare always mindful;
Few, having reached the end of suffering, Fare evenly amidst the uneven.” [8] <17>
19 (9) A Little Hut
37 “Don’t you have a little hut? Don’t you have a little nest?
Don’t you have any lines extended? Are you free from bondage?”
38 “Surely I have no little hut, Surely I have no little nest,
Surely I have no lines extended, Surely I’m free from bondage.”29
39 “What do you think I call a little hut? What do you think I call a little nest?
What do you think I call lines extended? What do you think I call bondage?”30
40 “It’s a mother that you call a little hut, A wife that you call a little nest, <18> Sons that you call lines extended, Craving that you tell me is bondage.”
41 “It’s good that you have no little hut, Good that you have no little nest,
Good that you have no lines extended, Good that you are free from bondage.”
20 (10) Samiddhi
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at R̄jagahain the Hot Springs Park. Then the Venerable Samiddhi, having risen at the first flush of dawn, went to the hot springs to bathe. Having bathed in the hot springs and come back out, he stood in one robe drying his limbs.
Then, when the night had advanced, a certain devatā of stunning beauty, illuminating the entire hot springs, approached the Venerable Samiddhi. Having approached, she stood in the air and addressed the Venerable Samiddhi in verse:31 <19>
42 “Without having enjoyed you seek alms, bhikkhu, You don’t seek alms after you’ve enjoyed.
First enjoy, bhikkhu, then seek alms: Don’t let the time pass you by!” [9]
43 “I do not know what the time might be; The time is hidden and cannot be seen.
Hence, without enjoying, I seek alms:
Don’t let the time pass me by!”32
Then that devat̄alighted on the earth and said to the Venerable Samiddhi:“You have gone forth while young, bhikkhu, a lad with black hair, endowed with the blessing of youth, in the prime of life, without having dallied with sensual pleasures. Enjoy human sensual pleasures, bhikkhu; do not abandon what is directly visible in order to pursue what takes time.”
“I have not abandoned what is directly visible, friend, in order to pursue what takes time. I have abandoned what takes time in order to pursue what is directly visible. <20> For the Blessed One, friend, has stated that sensual pleasures are time-consuming, full of suffering, full of despair, and the danger in them is still greater, while this Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.”33
“But how is it, bhikkhu, that the Blessed One has stated that sensual pleasures are time-consuming, full of suffering, full of despair, and the danger in them is still greater? How is it that this Dhamma is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise?”
“I am newly ordained, friend, not long gone forth, just recently come to this Dhamma and Discipline. I cannot explain it in detail. But that Blessed One, the Arahant, the Perfectly Enlightened One, is dwelling at Rājagaha in the Hot Springs Park. Approach that Blessed One and ask him about this matter. As he explains it to you, so you should remember it.”
“It isn’t easy for us to approach that Blessed One, bhikkhu, as he is surrounded by other devatās of great influence.34 If you would approach him <21> and ask him about this matter, we will come along too in order to hear the Dhamma.”
“Very well, friend,” the Venerable Samiddhi replied. Then he approached the Blessed One, paid homage to him, sat down to one side, [10] and reported his entire discussion with that devat̄, [11] <22–23> (verses 44–45, included in the report, repeat verses 42–43) adding: “If that devatā’s statement is true, venerable sir, then that devatā should be close by.”
When this was said, that devat̄said to the Venerable Samiddhi: “Ask, bhikkhu! Ask, bhikkhu! For I have arrived.”
Then the Blessed One addressed that devatā in verse: 46 “Beings who perceive what can be expressed
Become established in what can be expressed. <24>
Not fully understanding what can be expressed, They come under the yoke of Death.35
47 “But having fully understood what can be expressed, One does not conceive ‘one who expresses.’
For that does not exist for him
By which one could describe him.36 “If you understand, spirit, speak up.”
“I do not understand in detail, venerable sir, the meaning of what was stated in brief by the Blessed One. Please, venerable sir, let the Blessed One explain it to me in such a way that I might understand in detail the meaning of what he stated in brief.” [12]
[The Blessed One:]
48 “One who conceives ‘I am equal, better, or worse,’ Might on that account engage in disputes.
But one not shaken in the three discriminations Does not think, ‘I am equal or better.’37 <25>
“If you understand, spirit, speak up.”
“In this case too, venerable sir, I do not understand in detail … let the Blessed One explain it to me in such a way that I might understand in detail the meaning of what he stated in brief.”
[The Blessed One:]
49 “He abandoned reckoning, did not assume conceit;38 He cut off craving here for name-and-form.
Though devas and humans search for him
Here and beyond, in the heavens and all abodes, They do not find the one whose knots are cut, The one untroubled, free of longing.
“If you understand, spirit, speak up.”
“I understand in detail, venerable sir, the meaning of what was stated in brief by the Blessed One thus: <26>
50 “One should do no evil in all the world, Not by speech, mind, or body.
Having abandoned sense pleasures, Mindful and clearly comprehending, One should not pursue a course That is painful and harmful.”39
[13] <27>
III. A SWORD
21 (1) A Sword
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
51 “As if smitten by a sword, As if his head were on fire,
A bhikkhu should wander mindfully To abandon sensual lust.”
[The Blessed One:]
52 “As if smitten by a sword, As if his head were on fire,
A bhikkhu should wander mindfully To abandon identity view.”40
22 (2) It Touches <28>
53 “It does not touch one who does not touch, But then will touch the one who touches.
Therefore it touches the one who touches, The one who wrongs an innocent man.”41
54 “If one wrongs an innocent man, A pure person without blemish,
The evil falls back on the fool himself Like fine dust thrown against the wind.”42
23 (3) Tangle
55 “A tangle inside, a tangle outside, This generation is entangled in a tangle. I ask you this, O Gotama,
Who can disentangle this tangle?”43 <29>
56 “A man established on virtue, wise, Developing the mind and wisdom,
A bhikkhu ardent and discreet:
He can disentangle this tangle.44
57 “Those for whom lust and hatred
Along with ignorance have been expunged, The arahants with taints destroyed:
For them the tangle is disentangled.45
58 “Where name-and-form ceases, Stops without remainder,
And also impingement and perception of form: It is here this tangle is cut.”46 [14]
24 (4) Reining in the Mind
59 “From whatever one reins in the mind, From that no suffering comes to one. <30> Should one rein in the mind from everything, One is freed from all suffering.”
60 “One need not rein in the mind from everything When the mind has come under control.
From whatever it is that evil comes,
From this one should rein in the mind.”47
25 (5) The Arahant
61 “If a bhikkhu is an arahant, Consummate, with taints destroyed, One who bears his final body,
Would he still say, ‘I speak’?
And would he say, ‘They speak to me’?”48
62 “If a bhikkhu is an arahant, <31> Consummate, with taints destroyed, One who bears his final body,
He might still say, ‘I speak,’
And he might say, ‘They speak to me.’ Skilful, knowing the world’s parlance,
He uses such terms as mere expressions.”49
63 “When a bhikkhu is an arahant, Consummate, with taints destroyed, One who bears his final body,
Is it because he has come upon conceit That he would say, ‘I speak,’
That he would say, ‘They speak to me’?”50
64 “No knots exist for one with conceit abandoned; For him all knots of conceit are consumed.
Though the wise one has transcended the conceived, [15] He still might say, ‘I speak,’ <32>
He might say too, ‘They speak to me.’ Skilful, knowing the world’s parlance,
He uses such terms as mere expressions.”51
26 (6) Sources of Light
65 “How many sources of light are in the world By means of which the world is illumined?
We have come to ask the Blessed One this: How are we to understand it?”
66 “There are four sources of light in the world; A fifth one is not found here.
The sun shines by day, The moon glows at night,
67 And fire flares up here and there Both by day and at night.
But the Buddha is the best of those that shine: <33> He is the light unsurpassed.”
27 (7) Streams
68 “From where do the streams turn back? Where does the round no longer revolve? Where does name-and-form cease,
Stop without remainder?”
69 “Where water, earth, fire, and air, Do not gain a footing:
It is from here that the streams turn back, Here that the round no longer revolves; Here name-and-form ceases,
Stops without remainder.”52
28 (8) Those of Great Wealth <34>
7153 “Those of great wealth and property, Even khattiyas who rule the country, Look at each other with greedy eyes,
Insatiable in sensual pleasures.
72 Among these who have become so avid, Flowing along in the stream of existence, Who here have abandoned craving?
Who in the world are no longer avid?”54
73 “Having left their homes and gone forth, Having left their dear sons and cattle, Having left behind lust and hatred, <35> Having expunged ignorance—
The arahants with taints destroyed
Are those in the world no longer avid.” [16]
29 (9) Four Wheels
74 “Having four wheels and nine doors, Filled up and bound with greed,
Born from a bog, O great hero! How does one escape from it?”55
75 “Having cut the thong and the strap, Having cut off evil desire and greed, Having drawn out craving with its root: Thus one escapes from it.”56
30 (10) Antelope Calves <36>
76 “Having approached you, we ask a question Of the slender hero with antelope calves, Greedless, subsisting on little food,
Wandering alone like a lion or nāga,
Without concern for sensual pleasures: How is one released from suffering?”57
<37>
77 “Five cords of sensual pleasure in the world, With mind declared to be the sixth:
Having expunged desire here,
One is thus released from suffering.”58
IV. THE SATULLAPA HOST
31 (1) With the Good
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a number of devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One.59 Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side. [17]
Then one devatā, standing to one side, recited this verse in the presence of the Blessed One:
78 “One should associate only with the good; <38> With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, One becomes better, never worse.”
Then five other devatās in turn recited their verses in the presence of the Blessed One:
79 “One should associate only with the good; With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, Wisdom is gained, but not from another.”60
80 “One should associate only with the good; With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, <39> One does not sorrow in the midst of sorrow.”
81 “One should associate only with the good; With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, One shines amidst one’s relations.”
82 “One should associate only with the good; With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, Beings fare on to a good destination.”
83 “One should associate only with the good; With the good one should foster intimacy.
Having learnt the true Dhamma of the good, Beings abide comfortably.”61
Then another devatā said to the Blessed One: “Which one, Blessed One, has spoken well?”
“You have all spoken well in a way.62 But listen to me too: [18] 84 “One should associate only with the good;
With the good one should foster intimacy. Having learnt the true Dhamma of the good, One is released from all suffering.”
This is what the Blessed One said. Elated, those devatās paid homage to the Blessed One and, keeping him on the right, they disappeared right there.
32 (2) Stinginess
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a number of devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’ s Grove, approached the Blessed One. Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side.
Then one devatā, standing to one side, recited this verse in the presence of the Blessed One:
85 “Through stinginess and negligence A gift is not given.
One who knows, desiring merit, <40> Should surely give a gift.”
Then another devatā recited these verses in the presence of the Blessed One:
86 “That which the miser fears when he does not give Is the very danger that comes to the nongiver.
The hunger and thirst that the miser fears Afflict that fool in this world and the next.
87 “Therefore, having removed stinginess,
The conqueror of the stain should give a gift.63 Deeds of merit are the support for living beings [When they arise] in the other world.”
Then another devatā recited these verses in the presence of the Blessed One:
88 “They do not die among the dead Who, like fellow travellers on the road,
Provide though they have but a little:
This is an ancient principle.64 <41>
89 “Some provide from the little they have, Others who are affluent don’t like to give. An offering given from what little one has Is worth a thousand times its value.” [19]
Then another devatā recited these verses in the presence of the Blessed One:
90 “The bad do not emulate the good, Who give what is hard to give
And do deeds hard to do:
The Dhamma of the good is hard to follow.
91 “Therefore their destination after death Differs for the good and the bad:
The bad go to hell,
The good are bound for heaven.”
Then another devatā said to the Blessed One: “Which one, Blessed One, has spoken well?”
“You have all spoken well in a way. But listen to me too: <42> 92 “If one practises the Dhamma
Though getting on by gleaning,
If while one supports one’s wife One gives from the little one has, Then a hundred thousand offerings Of those who sacrifice a thousand Are not worth even a fraction
[Of the gift] of one like him.”65
Then another devatā addressed the Blessed One in verse: 93 “Why does their sacrifice, vast and grand,
Not share the value of the righteous one’s gift?
Why are a hundred thousand offerings Of those who sacrifice a thousand
Not worth even a fraction
[Of the gift] of one like him?”
Then the Blessed One answered that devatā in verse:
94 “Since they give while settled in unrighteousness, Having slain and killed, causing sorrow,
Their offering—tearful, fraught with violence— Shares not the value of the righteous one’s gift. <43> That is why a hundred thousand offerings
Of those who sacrifice a thousand Are not worth even a fraction
[Of the gift] of one like him.” [20]
33 (3) Good
At Sāvatthī. Then, when the night had advanced, a number of devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side.
Then one devatā, standing to one side, uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
95 “Through stinginess and negligence A gift is not given.
One who knows, desiring merit, Should surely give a gift.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
And further:
Even when there’s little, giving is good. <44>
96 “Some provide from what little they have, Others who are affluent don’t like to give.
An offering given from what little one has Is worth a thousand times its value.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
Even when there’s little, giving is good. And further:
When done with faith too, giving is good.
97 “Giving and warfare are similar, they say:
A few good ones conquer many.
If one with faith gives even a little,
He thereby becomes happy in the other world.”66
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
Even when there’s little, giving is good. [21] When done with faith too, giving is good.
And further:
The gift of a righteous gain is also good. <45>
98 “When he gives a gift of a righteous gain Obtained by exertion and energy,
Having passed over Yama’s Vetaraṇī River, That mortal arrives at celestial states.”67
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
Even when there’s little, giving is good.
When done with faith too, giving is good; The gift of a righteous gain is also good. And further:
Giving discriminately too is good.68
99 “Giving discriminately is praised by the Fortunate One— To those worthy of offerings
Here in the world of the living.
What is given to them bears great fruit Like seeds sown in a fertile field.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One:
“Good is giving, dear sir!
Even when there’s little, giving is good. When done with faith too, giving is good; The gift of a righteous gain is also good. Giving with discretion too is good. <46> And further:
Restraint towards living beings is also good.
100 “One who fares harming no living beings Does no evil from fear of others’ censure.
In that they praise the timid, not the brave, For out of fear the good do no evil.”
Then another devatā said to the Blessed One: [22] “Which one, Blessed One, has spoken well?”
“You have all spoken well in a way. But listen to me too: 101 “Surely giving is praised in many ways,
But the path of Dhamma surpasses giving.
For in the past and even long ago,
The good and wise ones attained Nibbāna.”69
34 (4) There Are No <47>
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a number of devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side.
Then one devatā, standing to one side, recited this verse in the presence of the Blessed One:
102 “There are among humans No permanent sensual pleasures;
Here there are just desirable things. When a person is bound to these, Heedless in their midst,
From Death’s realm he does not reach The state of no-more-coming-back.”70
[Another devatā:] “Misery is born of desire; suffering is born of desire. By the removal of desire, misery is removed; by the removal of misery, suffering is removed.”71
[The Blessed One:]
103 “They are not sense pleasures, the world’s pretty things: Man’s sensuality is the intention of lust. <48>
The pretty things remain as they are in the world But the wise remove the desire for them.72 [23]
104 “One should discard anger, cast off conceit, Transcend all the fetters.
No sufferings torment one who has nothing, Who does not adhere to name-and-form.73
105 “He abandoned reckoning, did not assume conceit; He cut off craving here for name-and-form.
Though devas and humans search for him
Here and beyond, in the heavens and all abodes, They do not find the one whose knots are cut, The one untroubled, free of longing.”
106 “If devas and humans have not seen The one thus liberated here or beyond,” [said the Venerable Mogharāja],
“Are they to be praised who venerate him,
The best of men, faring for the good of humans?”74 <49>
107 “Those bhikkhus too become worthy of praise, [Mogharāja,” said the Blessed One,]
“Who venerate him, the one thus liberated.
But having known Dhamma and abandoned doubt, Those bhikkhus become even surmounters of ties.”75
35 (5) Faultfinders
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a number of “faultfinding” devatās, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One and stood in the air.76 [24]
Then one devatā, standing in the air, recited this verse in the presence of the Blessed One:
108 “If one shows oneself in one way While actually being otherwise, What one enjoys is obtained by theft
Like the gains of a cheating gambler.”77
[Another devatā:] <50>
109 “One should speak as one would act; Don’t speak as one wouldn’t act.
The wise clearly discern the person
Who does not practise what he preaches.” [The Blessed One:]
110 “Not by mere speech nor solely by listening Can one advance on this firm path of practice By which the wise ones, the meditators,
Are released from the bondage of Māra.
111 “Truly, the wise do not pretend,
For they have understood the way of the world. By final knowledge the wise are quenched:
They have crossed over attachment to the world.”
Then those devatās, having alighted on the earth, prostrated themselves with their heads at the Blessed One’s feet and said to the Blessed One:
<51>“A transgression overcame us, venerable sir, being so foolish, so stupid, so unskilful that we imagined we could assail the Blessed One. Let the Blessed One pardon us for our transgression seen as such for the sake of restraint in the future.”
Then the Blessed One displayed a smile.78 Those devatās, finding fault to an even greater extent, then rose up into the air. One devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
112 “If one does not grant pardon To those who confess transgression, Angry at heart, intent on hate,
One strongly harbours enmity.” [The Blessed One:] <52>
113 “If there was no transgression, If here there was no going astray,
And if enmities were appeased,
Then one would be faultless here.”79 [A devatā:]
114 “For whom are there no transgressions? For whom is there no going astray?
Who has not fallen into confusion?
And who is the wise one, ever mindful?” [25] [The Blessed One:]
115 “The Tathāgata, the Enlightened One, Full of compassion for all beings:
For him there are no transgressions, For him there is no going astray; He has not fallen into confusion,
And he is the wise one, ever mindful.
116 “If one does not grant pardon
To those who confess transgression, <53> Angry at heart, intent on hate,
One strongly harbours enmity. In that enmity I do not delight,
Thus I pardon your transgression.”
36 (6) Faith
On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a number of devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side.
Then one devatā, standing to one side, recited this verse in the presence of the Blessed One:
117 “Faith is a person’s partner; If lack of faith does not persist,
Fame and renown thereby come to him, <54> And he goes to heaven on leaving the body.”
Then another devatā recited these verses in the presence of the Blessed One:80
118 “One should discard anger, cast off conceit, Transcend all the fetters.
No ties torment one who has nothing,
Who does not adhere to name-and-form.”81 [Another devatā:]
119 “Foolish people devoid of wisdom Devote themselves to negligence.
But the wise man guards diligence As his foremost treasure.
120 “Do not yield to negligence, Don’t be intimate with sensual delight. For the diligent ones, meditating, Attain supreme happiness.” [26]
37 (7) Concourse <55>
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in the Great Wood together with a great Sarigha of bhikkhus, with five hundred bhikkhus all of whom were arahants.82 And the devatās from ten world systems had for the most part assembled in order to see the Blessed One and the Bhikkhu Sarigha. Then the thought occurred to four devatās of the host from the Pure Abodes:83 “This Blessed One is dwelling among the Sakyans at Kapilavatthu in the Great Wood together with a great Sarigha of bhikkhus, with five hundred bhikkhus all of whom
are arahants. And the devatās from ten world systems have for the most part assembled in order to see the Blessed One and the Bhikkhu Sarigha. Let us also approach the Blessed One and, in his presence, each speak our own verse.”
Then, just as quickly as a strong man might extend his drawn-in arm or draw in his extended arm, those devatās disappeared from among the devas of the Pure Abodes <56> and reappeared before the Blessed One. Then those devatās paid homage to the Blessed One and stood to one side. Standing to one side, one devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
121 “A great concourse takes place in the woods, The deva hosts have assembled.
We have come to this Dhamma concourse To see the invincible Sarigha.”
Then another devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
122 “The bhikkhus there are concentrated; They have straightened their own minds.
Like a charioteer who holds the reins, The wise ones guard their faculties.” [27]
Then another devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
123 “Having cut through barrenness, cut the cross-bar, Having uprooted Indra’s pillar, unstirred,
They wander about pure and stainless,
Young nāgas well tamed by the One with Vision.”84 <57>
Then another devatā recited this verse in the presence of the Blessed One:
124 “Those who have gone to the Buddha for refuge Will not go to the plane of misery.
On discarding the human body, They will fill the hosts of devas.”85
38 (8) The Stone Splinter
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Rājagaha in the Maddakucchi Deer Park. Now on that occasion the Blessed One’s foot had been cut by a stone splinter.86 Severe pains assailed the Blessed One—bodily feelings that were painful, racking, sharp, piercing, harrowing, disagreeable. But the Blessed One endured them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed. Then the Blessed One had his outer robe folded in four, and he lay down on his right side in the lion posture with one leg overlapping the other, mindful and clearly comprehending. <58>
Then, when the night had advanced, seven hundred devatās belonging to the Satullapa host, of stunning beauty, illuminating the entire Maddakucchi Deer Park, approached the Blessed One. Having approached, they paid homage to the Blessed One and stood to one side.
Then one devatā, standing to one side, uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: [28] “The ascetic Gotama is indeed a nāga, sir! And when bodily feelings have arisen that are painful, racking, sharp, piercing, harrowing, disagreeable, through his nāga-like manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.” 87
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “The ascetic Gotama is indeed a lion, sir! And when bodily feelings have arisen that are painful, racking, sharp, piercing, harrowing, disagreeable, through his leonine manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “The ascetic Gotama is indeed a thoroughbred, sir! And when bodily feelings have arisen that are painful ... disagreeable, through his thoroughbred manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “The ascetic Gotama is indeed a chief bull, sir! <59> And
when bodily feelings have arisen that are painful ... disagreeable, through his chief bull’s manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “The ascetic Gotama is indeed a beast of burden, sir! And when bodily feelings have arisen that are painful ... disagreeable, through his beast-of-burden’s manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “The ascetic Gotama is indeed tamed, sir! And when bodily feelings have arisen that are painful, racking, sharp, piercing, harrowing, disagreeable, through his tamed manner he endures them, mindful and clearly comprehending, without becoming distressed.”
Then another devatā uttered this inspired utterance in the presence of the Blessed One: “See his concentration well developed and his mind well liberated—not bent forward and not bent back, and not blocked and checked by forceful suppression! 88 If anyone would think such a one could be violated—such a nāga of a man, such a lion of a man, [29] such a thoroughbred of a man, <60> such a chief bull of a man, such a beast of burden of a man, such a tamed man—what is that due to apart from lack of vision?”
125 Though brahmins learned in the five Vedas Practise austerities for a hundred years,
Their minds are not rightly liberated:
Those of low nature do not reach the far shore.89
126 They founder in craving, bound to vows and rules, Practising rough austerity for a hundred years,
But their minds are not rightly liberated: Those of low nature do not reach the far shore.
127 There is no taming here for one fond of conceit, Nor is there sagehood for the unconcentrated:
Though dwelling alone in the forest, heedless, <61> One cannot cross beyond the realm of Death.
128 Having abandoned conceit, well concentrated, With lofty mind, everywhere released:
While dwelling alone in the forest, diligent, One can cross beyond the realm of Death.
39 (9) Pajjunna’s Daughter (1)
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in the Great Wood in the Hall with the Peaked Roof. Then, when the night had advanced, Kokanadā, Pajjunna’s daughter, of stunning beauty, illuminating the entire Great Wood, approached the Blessed One.90 Having approached, she paid homage to the Blessed One, stood to one side, and recited these verses in the presence of the Blessed One:91
129 “I worship the Buddha, the best of beings, Dwelling in the woods at Vesālī. [30] <62> Kokanadā am I,
Kokanadā, Pajjunna’s daughter.92
130 “Earlier I had only heard that the Dhamma Has been realized by the One with Vision;
But now I know it as a witness
While the Sage, the Fortunate One, teaches.
131 “Those ignorant people who go about Criticizing the noble Dhamma
Pass on to the terrible Roruva hell
And experience suffering for a long time.93
132 “But those who have peace and acquiescence In regard to the noble Dhamma,
On discarding the human body, Will fill the host of devas.”94
40 (10) Pajjunna’s Daughter (2) <63>
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Vesālī in the Great Wood, in the Hall with the Peaked Roof. Then, when the night had advanced, Cūḷakokanadā, Pajjunna’s [younger] daughter, of stunning beauty, illuminating the entire Great Wood, approached the Blessed One. Having approached, she paid homage to the Blessed One, stood to one side, and recited these verses in the presence of the Blessed One:
133 “Here came Kokanadā, Pajjunna’s daughter, Beautiful as the gleam of lightning.
Venerating the Buddha and the Dhamma, She spoke these verses full of meaning. [31]
134 “Though the Dhamma is of such a nature That I might analyse it in many ways,
I will state its meaning briefly
To the extent I have learnt it by heart.95
135 “One should do no evil in all the world, <64> Not by speech, mind, or body.
Having abandoned sense pleasures, Mindful and clearly comprehending,
One should not pursue a course That is painful and harmful.”
V. ABLAZE
41 (1) Ablaze
Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. Then, when the night had advanced, a certain devatā of stunning beauty, illuminating the entire Jeta’s Grove, approached the Blessed One. <65> Having approached, he paid homage to the Blessed One, stood to one side, and recited these verses in the presence of the Blessed One:
136 “When one’s house is ablaze The vessel taken out
Is the one that is useful,
Not the one left burnt inside.
137 “So when the world is ablaze With [the fires of] aging and death,
One should take out [one’s wealth] by giving: What is given is well salvaged. [32] <66>
13996 “What is given yields pleasant fruit, But not so what is not given.
Thieves take it away, or kings, It gets burnt by fire or is lost.
140 “Then in the end one leaves the body Along with one’s possessions.
Having understood this, the wise person Should enjoy himself but also give.
Having given and enjoyed as fits his means, Blameless he goes to the heavenly state.”
42 (2) Giving What?
[A devatā:]
141 “Giving what does one give strength? Giving what does one give beauty?
Giving what does one give ease? Giving what does one give sight? Who is the giver of all?
Being asked, please explain to me.” <67> [The Blessed One:]
142 “Giving food, one gives strength; Giving clothes, one gives beauty; Giving a vehicle, one gives ease; Giving a lamp, one gives sight.
143 “The one who gives a residence Is the giver of all.
But the one who teaches the Dhamma Is the giver of the Deathless.”
43 (3) Food
144 “They always take delight in food, Both devas and human beings.
So what sort of spirit could it be
That does not take delight in food?”97
145 “When they give out of faith With a heart of confidence,
Food accrues to [the giver] himself Both in this world and the next. <68>
146 “Therefore, having removed stinginess, The conqueror of the stain should give a gift. Merits are the support for living beings [When they arise] in the other world.”
44 (4) One Root
[A devatā:]
147 “The seer has crossed over the abyss With its one root, two whirlpools,
Three stains, five extensions,
An ocean with twelve eddies.”98 [33]
45 (5) Perfect
[A devatā:]
148 “Behold him of perfect name, The seer of the subtle goal,
The giver of wisdom, unattached
To the lair of sensual pleasures. <69> Behold the wise one, all-knowing,
The great seer treading the noble path.”99
46 (6) Nymphs
149 “Resounding with a host of nymphs, Haunted by a host of demons!
This grove is to be called ‘Deluding’: How does one escape from it?”100
150 “‘The straight way’ that path is called, And ‘fearless’ is its destination.
The chariot is called ‘unrattling,’
Fitted with wheels of wholesome states.
151 “The sense of shame is its leaning board, Mindfulness its upholstery;
I call the Dhamma the charioteer,
With right view running out in front.101 <70>
152 “One who has such a vehicle— Whether a woman or a man—
Has, by means of this vehicle, Drawn close to Nibbāna.”102
47 (7) Planters of Groves
153 “For whom does merit always increase, Both by day and by night?
Who are the people going to heaven, Established in Dhamma, endowed with virtue?”
154 “Those who set up a park or a grove, The people who construct a bridge,
A place to drink and a well, Those who give a residence:103
155 “For them merit always increases, Both by day and by night;
Those are the people going to heaven,
Established in Dhamma, endowed with virtue.” <71>
48 (8) Jeta’s Grove
[The devatā Anāthapiṇḍika:]
156 “This indeed is that Jeta’s Grove, The resort of the Order of seers, Dwelt in by the Dhamma King,
A place that gives me joy.104 [34]
157 “Action, knowledge, righteousness, Virtue, an excellent life:
By this are mortals purified, Not by clan or wealth.
158 “Therefore a person who is wise, Out of regard for his own good,
Should carefully examine the Dhamma: Thus he is purified in it.
159 “Sāriputta truly is endowed with wisdom, With virtue and with inner peace.
Even a bhikkhu who has gone beyond At best can only equal him.”105 <72>
49 (9) Stingy
[A devatā:]
160 “Those who are stingy here in the world, Niggardly folk, revilers,
People who create obstacles
For others engaged in giving alms:
161 What kind of result do they reap? What kind of future destiny?
We’ve come to ask the Blessed One this: How are we to understand it?”
[The Blessed One:]
162 “Those who are stingy here in the world, Niggardly folk, revilers,
People who create obstacles
For others engaged in giving alms: They might be reborn in hell,
In the animal realm or Yama’s world.106
163 “If they come back to the human state They are born in a poor family <73> Where clothes, food, pleasures, and sport Are obtained only with difficulty.
164 “Whatever the fools may expect from others, Even that they do not obtain.
This is the result in this very life; And in the future a bad destination.”
[A devatā:]
165 “We understand thus what you have said; We ask, O Gotama, another question:
Those here who, on gaining the human state, Are amiable and generous,
Confident in the Buddha and the Dhamma And deeply respectful towards the Sarigha: 166 What kind of result do they reap?
What kind of future destiny?
We’ve come to ask the Blessed One this: How are we to understand it?” <74>
[The Blessed One:]
167 “Those here who, on gaining the human state, Are amiable and generous,
Confident in the Buddha and the Dhamma And deeply respectful towards the Sarigha, These brighten up the heavens
Where they’ve been reborn.107 [35]
168 “If they come back to the human state They are reborn in a rich family
Where clothes, food, pleasures, and sport Are obtained without difficulty.
169 “They rejoice like the devas who control The goods amassed by others.108
This is the result in this very life;
And in the future a good destination.” <75>
50 (10) Ghaṭīkāra
[The devatā Ghaṭīkāra:]
170 “Seven bhikkhus reborn in Avihā Have been fully liberated.
With lust and hatred utterly destroyed,
They have crossed over attachment to the world.”109 [The Blessed One:]
171 “And who are those who crossed the swamp, The realm of Death so hard to cross?
Who, having left the human body, Have overcome the celestial bond?”110
[Ghaṭīkāra:]
172 “Upaka and Palagaṇḍa, With Pukkusāti—these are three. Then Bhaddiya and Bhaddadeva, And Bāhudantī and Pirigiya.
These, having left the human body,
Have overcome the celestial bond.”111 [The Blessed One:] <76>
173 “Good is the word you speak of them, Of those who have abandoned Māra’s snares. Whose Dhamma was it that they understood
Whereby they cut through the bondage of existence?”112 [Ghaṭīkāra:]
174 “It was not apart from the Blessed One! It was not apart from your Teaching!
By having understood your Dhamma
They cut through the bondage of existence.
175 “Where name-and-form ceases, Stops without remainder:
By understanding that Dhamma here
They cut through the bondage of existence.”113 [The Blessed One:]
176 “Deep is the speech you utter, Hard to understand, very hard to grasp. Having understood whose Dhamma Do you utter such speech?” <77>
[Ghaṭīkāra:]
177 “In the past I was the potter, Ghaṭīkāra in Vehaḷiriga.
I supported my mother and father then
As a lay follower of the Buddha Kassapa. [36]
178 “I abstained from sexual intercourse, I was celibate, free from carnal ties.
I was your fellow villager, In the past I was your friend.
179 “I am the one who knows These seven liberated bhikkhus,
Who with lust and hatred utterly destroyed Have crossed over attachment to the world.”
[The Blessed One:]
180 “Just so it was at that time, As you say, O Bhaggava:114
In the past you were the potter, <78> Ghaṭīkara in Vehaḷiriga.
You supported your mother and father then As a lay follower of the Buddha Kassapa.
181 “You abstained from sexual intercourse, You were celibate, free from carnal ties.
You were my fellow villager,
In the past you were my friend.”
<79>
182 Such was the meeting that took place Between those friends from the past, Both now inwardly developed,
Bearers of their final bodies.115
VI. OLD AGE
51 (1) Old Age
[A devatā:]
183 “What is good until old age? What is good when established? What is the precious gem of humans? What is hard for thieves to steal?”
[The Blessed One:]
184 “Virtue is good until old age; Faith is good when established;
Wisdom is the precious gem of humans; Merit is hard for thieves to steal.”
52 (2) Undecaying <80>
185 “What is good by not decaying? What is good when made secure?
What is the precious gem of humans?
What cannot be stolen by thieves?”116 [37]
186 “Virtue is good by not decaying; Faith is good when made secure; Wisdom is the precious gem of humans; Merit cannot be stolen by thieves.”
53 (3) The Friend
187 “What is the friend of one on a journey? What is the friend in one’s own home?
What is the friend of one in need?
What is the friend in the future life?”117
188 “A caravan is the friend of one on a journey; <81> A mother is the friend in one’s own home;
A comrade when the need arises Is one’s friend again and again.
The deeds of merit one has done— That is the friend in the future life.”
54 (4) Support
189 “What is the support of human beings? What is the best companion here?
The creatures who dwell on the earth— By what do they sustain their life?”
190 “Sons are the support of human beings, A wife the best companion;
The creatures who dwell on the earth Sustain their life by rain.”118 <82>
55 (5) Produces (1)
191 “What is it that produces a person? What does he have that runs around?
What enters upon saṃsāra? What is his greatest fear?” <83>
192 “It is craving that produces a person; His mind is what runs around;
A being enters upon saṃsāra; Suffering is his greatest fear.”
56 (6) Produces (2)
193 “What is it that produces a person? What does he have that runs around?
What enters upon saṃsāra? From what is he not yet freed?”
194 “Craving is what produces a person; His mind is what runs around;
A being enters upon saṃsāra;
He is not freed from suffering.” [38]
57 (7) Produces (3)
195 “What is it that produces a person? What does he have that runs around?
What enters upon saṃsāra? What determines his destiny?”
196 “Craving is what produces a person; His mind is what runs around;
A being enters upon saṃsāra; Kamma determines his destiny.”
58 (8) The Deviant Path
197 “What is declared the deviant path?
What undergoes destruction night and day? <84> What is the stain of the holy life?
What is the bath without water?”
198 “Lust is declared the deviant path; Life undergoes destruction night and day; Women are the stain of the holy life: Here menfolk are enmeshed.
Austerity and the holy life—
That is the bath without water.”119
59 (9) Partner
199 “What is a person’s partner? What is it that instructs him?
Taking delight in what is a mortal Released from all suffering?”
200 “Faith is a person’s partner,
And wisdom is what instructs him. <85> Taking delight in Nibbāna, a mortal
Is released from all suffering.”
60 (10) Poetry
201 “What is the scaffolding of verses? What constitutes their phrasing?
On what base do verses rest? What is the abode of verses?”
202 “Metre is the scaffolding of verses; Syllables constitute their phrasing; Verses rest on a base of names;
The poet is the abode of verses.”120 [39] <86>
VII. WEIGHED DOWN
61 (1) Name
203 “What has weighed down everything? What is most extensive?
What is the one thing that has All under its control?”
204 “Name has weighed down everything; Nothing is more extensive than name. <87> Name is the one thing that has
All under its control.”121
62 (2) Mind
205 “By what is the world led around? By what is it dragged here and there? What is the one thing that has
All under its control?”
206 “The world is led around by mind; By mind it’s dragged here and there.
Mind is the one thing that has All under its control.”122
63 (3) Craving
207 “By what is the world led around?
By what is it dragged here and there? <88> What is the one thing that has
All under its control?”
208 “The world is led around by craving; By craving it‘s dragged here and there.
Craving is the one thing that has All under its control.”
64 (4) Fetter
209 “By what is the world tightly fettered? What is its means of travelling about?
What is it that one must forsake In order to say, ‘Nibbāna’?”
210 “The world is tightly fettered by delight; Thought is its means of travelling about.
Craving is what one must forsake
In order to say, ‘Nibbāna.’”123 <89>
65 (5) Bondage
211 “By what is the world held in bondage? What is its means of travelling about?
What is it that one must forsake To cut off all bondage?” [40]
212 “The world is held in bondage by delight; Thought is its means of travelling about.
Craving is what one must forsake To cut off all bondage.”
66 (6) Afflicted
213 “By what is the world afflicted? By what is it enveloped?
By what dart has it been wounded?
With what is it always burning?”124 <90>
214 “The world is afflicted with death, Enveloped by old age;
Wounded by the dart of craving, It is always burning with desire.”
67 (7) Ensnared
215 “By what is the world ensnared? By what is it enveloped?
By what is the world shut in?
On what is the world established?”
216 “The world is ensnared by craving; It is enveloped by old age;
The world is shut in by death;
The world is established on suffering.”125 <91>
68 (8) Shut In
217 “By what is the world shut in? On what is the world established? By what is the world ensnared?
By what is it enveloped?”
218 “The world is shut in by death; The world is established on suffering; The world is ensnared by craving;
It is enveloped by old age.”
69 (9) Desire
219 “By what is the world bound? By the removal of what is it freed? What is it that one must forsake To cut off all bondage?”
220 “By desire is the world bound; By the removal of desire it is freed. Desire is what one must forsake <92> To cut off all bondage.” [41]
70 (10) World
221 “In what has the world arisen? In what does it form intimacy?
By clinging to what is the world Harassed in regard to what?”
<93>
222 “In six has the world arisen; In six it forms intimacy;
By clinging to six the world
Is harassed in regard to six.”126
VIII. HAVING SLAIN
71 (1) Having Slain
At Sāvatthī. Standing to one side, that devatā addressed the Blessed One in verse:
223 “Having slain what does one sleep soundly? Having slain what does one not sorrow?
What is the one thing, O Gotama,
Whose killing you approve?”127 [The Blessed One:]
224 “Having slain anger, one sleeps soundly; Having slain anger, one does not sorrow; The killing of anger, O devatā,
With its poisoned root and honeyed tip: This is the killing the noble ones praise,
For having slain that, one does not sorrow.”128
72 (2) Chariot
225 “What is the token of a chariot? What, the token of a fire?
What is the token of a country?
What, the token of a woman?”129 [42] <94>
226 “A standard is the token of a chariot; Smoke, the token of a fire;
The king is a country’s token;
A husband, the token of a woman.”
73 (3) Treasure
227 “What here is a man’s best treasure? What practised well brings happiness?
What is really the sweetest of tastes?
How lives the one whom they say lives best?”
228 “Faith is here a man’s best treasure; Dhamma practised well brings happiness; Truth is really the sweetest of tastes; <95> One living by wisdom they say lives best.”130
74 (4) Rain
[A devatā:]
229 “What is the best of things that rise up? What excels among things that fall down?
What is the best of things that go forth? Who is the most excellent of speakers?”
[Another devatā:]
230 “A seed is the best of things that rise up; Rain excels among things that fall down; Cattle are the best of things that go forth;
A son is the most excellent of speakers.”131
[The Blessed One:]
231 “Knowledge is the best of things that rise up; Ignorance excels among things that fall down; The Sarigha is the best of things that go forth;
The most excellent of speakers is the Buddha.”132
75 (5) Afraid <96>
232 “Why are so many people here afraid
When the path has been taught with many bases?133 I ask you, O Gotama, broad of wisdom:
On what should one take a stand
To have no fear of the other world?”
233 “Having directed speech and mind rightly, Doing no evil deeds with the body,
Dwelling at home with ample food and drink, [43] Faithful, gentle, generous, amiable:
When one stands on these four things, Standing firmly on the Dhamma,
One need not fear the other world.”134
76 (6) Does Not Decay
234 “What decays, what does not decay? What is declared the deviant path? <97>
What is the impediment to [wholesome] states? What undergoes destruction night and day?
What is the stain of the holy life? What is the bath without water?
235 “How many fissures are there in the world Wherein the mind does not stand firm?
We’ve come to ask the Blessed One this: How are we to understand it?”
236 “The physical form of mortals decays, Their name and clan does not decay.
Lust is declared the deviant path,
Greed the impediment to [wholesome] states.
237 “Life undergoes destruction night and day; Women are the stain of the holy life:
Here’s where menfolk are enmeshed. Austerity and the holy life—
That is the bath without water. <98>
238 “There are six fissures in the world Wherein the mind does not stand firm: Laziness and negligence,
Indolence, lack of self-control, Drowsiness and lethargy—
Avoid these fissures completely.”135
77 (7) Sovereignty
239 “What is sovereignty in the world? What ranks as the best of goods?
What in the world is a rusty sword?
What in the world is considered a plague?
240 “Whom do they arrest when he takes away? And who, when he takes away, is dear?
In whom do the wise take delight
When he returns again and again?” <99>
241 “Mastery is sovereignty in the world; A woman ranks as the best of goods;136 In the world anger is a rusty sword;
Thieves in the world are considered a plague.137
242 “They arrest a thief when he takes away, But an ascetic who takes away is dear.
The wise take delight in an ascetic When he returns again and again.” [44]
78 (8) Love
243 “What should he not give who loves the good? What should a mortal not relinquish?
What should one release when it’s good, But not release when it’s bad?”
244 “A person should not give himself away; <100> He should not relinquish himself.138
One should release speech that is good, But not speech that is bad.”
79 (9) Provisions for a Journey
245 “What secures provisions for a journey? What is the abode of wealth?
What drags a person around?
What in the world is hard to discard? By what are many beings bound Like birds caught in a snare?”
246 “Faith secures provisions for a journey; Fortune is the abode of wealth;
Desire drags a person around;
Desire is hard to discard in the world. By desire many beings are bound <101> Like birds caught in a snare.”
80 (10) Source of Light
247 “What is the source of light in the world? What in the world is the wakeful one?
What are [the colleagues] of those living by work? What is one’s course of movement?
248 “What nurtures both the slack and active Just as a mother nurtures her child?
The creatures who dwell on the earth— By what do they sustain their life?”
249 “Wisdom is the source of light in the world; Mindfulness, in the world, is the wakeful one;
Cattle are [the colleagues] of those living by work; <102> One’s course of movement is the furrow.139
250 “Rain nurtures both the slack and active Just as a mother nurtures her child.
Those creatures who dwell on the earth Sustain their life by rain.”
81 (11) Without Conflict
251 “Who here in the world are placid? Whose mode of life is not squandered? Who here fully understand desire?
Who enjoy perpetual freedom? [45]
252 “Whom do parents and brothers worship When he stands firmly established?
Who is the one of humble birth
That even khattiyas here salute?” <103>
253 “Ascetics are placid in the world; The ascetic life is not squandered; Ascetics fully understand desire; They enjoy perpetual freedom.
254 “Parents and brothers worship an ascetic When he stands firmly established.140 Though an ascetic be of humble birth
Even khattiyas here salute him.”
[46] <104>



Close
Close