Quay lại bản Việt dịch

Font chữ:
Font chữ:

23. Kinh Tệ-túc

Dịch giả: Thích Minh Châu

1. Như vầy tôi nghe.
Một thời tôn giả Kumāra Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) đang du hành trong nước Kosala (Câu-tát-la) cùng với Ðại chúng Tỷ kheo khoảng năm trăm vị, đi đến một đô thị của Kosala tên là Setavyā (Tư-ba-ê). Rồi tôn giả Kumāra Kassapa trú về phía Bắc thành này, trong rừng Siṁsapā (Thi-xá-bà). Lúc bấy giờ, vua Pāyāsi (Tệ-túc) cư trú tại Setavyā, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala cấp, một ân tứ của vua, một tịnh ấp.

2. Lúc bấy giờ, vua Pāyāsi khởi lên ác, tà kiến như sau: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo". Các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā được nghe: "Sa môn Kumāra Kassapa, đệ tử Sa môn Gotama đang du hành trong nước Kosala cùng với Ðại chúng Tỷ kheo khoảng năm trăm vị, đã đến Setavyā, trú về phía Bắc thành này, trong rừng Siṁsapā.

Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về tôn giả Kumāra Kassapa được khởi lên: "Tôn giả là bậc học rộng, tài cao, diệu trí, đa văn, lời nói thấu tâm, thiện xảo biện tài, bậc trưởng lão và bậc A la hán như vậy." Rồi các vị Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā, từng đoàn, từng chúng, từng nhóm, đi về hướng Bắc, đến tại rừng Siṁsapā.

3. Lúc bấy giờ, vua Pāyāsi đi lên lầu thượng để nghỉ trưa. Vua Pāyāsi thấy các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā đi ra khỏi thành Setavyā, từng đoàn, từng chúng, từng nhóm đi về hướng Bắc, đến tại rừng Siṁsapā. Thấy vậy vua cho gọi quan hộ thành và hỏi:

- Này Khanh, vì sao các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā đi ra khỏi thành Setavyā, từng đoàn, từng chúng, từng nhóm, đi về hướng Bắc, đến tại rừng Siṁsapā như vậy?

- Có Sa môn Kumāra Kassapa, đệ tử Sa môn Gotama đang du hành trong nước Kosala cùng với Ðại chúng Tỷ kheo khoảng năm trăm vị, đã đến Setavyā, trú về phía Bắc thành này, trong rừng Siṁsapā. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về tôn giả Kumāra Kassapa được khởi lên: "Tôn giả là bậc học rộng, tài cao, diệu trí, đa văn, lời nói thấu tâm, thiện xảo, biện tài" và các vị ấy đi đến yết kiến tôn giả Kumāra Kassapa.

- Này Khanh, hãy đi đến các Bà-la-môn và Gia chủ ấy và nói với họ như sau: "Vua Pāyāsi nói các Hiền giả hãy đợi. Vua Pāyāsi cũng sẽ đến yết kiến Sa môn Kumāra Kassapa". Sa môn Kumāra Kassapa có thể cảm hóa các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā ngu muội và kém khả năng theo quan điểm: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo". Này Khanh, sự thật không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo.

- Xin vâng, thưa Tôn chủ!
Vị quan hộ thành vâng lời vua Pāyāsi, đi đến các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā và nói:

- Chư Hiền giả hãy chờ đợi, vua Pāyāsi sẽ đến yết kiến Sa môn Kumāra Kassapa.

4. Rồi Vua Pāyāsi được các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā hộ tống cùng đi đến rừng Siṁsapā chỗ trú của tôn giả Kumāra Kassapa. Sau khi đến, vua bèn nói lời thân ái, chào đón, chúc tụng rồi ngồi xuống một bên. Các Bà-la-môn và Gia chủ ở Setavyā, có người đảnh lễ tôn giả Kumāra Kassapa rồi ngồi xuống một bên. Có người nói lời thân ái, chào đón chúc tụng tôn giả Kumāra Kassapa rồi ngồi xuống một bên. Có người chấp tay vái chào tôn giả Kumāra Kassapa rồi ngồi xuống một bên. Có người xưng tên họ rồi ngồi xuống một bên. Có người yên lặng ngồi xuống một bên.

5. Sau khi ngồi xuống một bên, vua Pāyāsi thưa với tôn giả Kumāra Kassapa:

- Tôn giả Kassapa, tôi có chủ thuyết và tri kiến như sau: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, tôi không thấy, không nghe quan điểm như vậy, tri kiến như vậy. Sao Tôn chủ lại nói: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"? Thưa Tôn chủ, tôi sẽ hỏi Tôn chủ một vài câu hỏi. Tôn chủ hãy tùy theo đó mà trả lời. Tôn chủ nghĩ thế nào? Mặt trời và mặt trăng này, chúng thuộc thế giới này hay thế giới khác? Chúng thuộc chư Thiên hay loài Người?

- Tôn giả Kassapa, mặt trời và mặt trăng thuộc thế giới khác, không phải thế giới này, chúng thuộc chư Thiên, không thuộc loài Người.

- Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy, cần phải chấp nhận rằng: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo".

6. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loài hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, tôi có những người bạn tri kỷ, thân tộc cùng một huyết thống. Những người này sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến. Những người này, sau một thời gian bị trọng bịnh, bị đau khổ, bị chứng tật.

Khi tôi biết những vị ấy không thể khỏi những bệnh ấy được, tôi liền đi đến họ và nói: "Một số Sa môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Những ai sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục".

Nay các Hiền giả sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến. Nếu lời nói những vị Sa môn Bà-la-môn ấy chính xác, thời các Hiền giả sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục... Nếu các Hiền giả sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục, thời quý vị hãy đến ta và cho ta biết: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo".

Các hiền giả là các thiện hữu thành tâm của ta, những gì Hiền giả thấy, thời sẽ là như vậy, như chính ta được thấy." Các vị này bằng lòng làm như vậy và nói: "Lành thay!" Nhưng không có ai đến nói cho tôi biết, cũng không cho gửi sứ giả đến. Này Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy nên tôi có tri kiến: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".

7. - Này Tôn chủ, nay tôi sẽ hỏi Tôn chủ, nếu có thể chấp nhận, Tôn chủ hãy trả lời. Tôn chủ nghĩ thế nào? Ở đời, có những người bắt được một người ăn trộm phạm lỗi và đem đến cho Ngài: "Thưa Tôn chủ, đây là người ăn trộm phạm tội. Hãy hình phạt anh ta như Ngài muốn." Tôn chủ trả lời những người ấy: "Hãy trói người này thật chặt, dùng dây thật chắc trói hai tay ra đằng sau, cạo trọc đầu anh ta, cho đánh trống lớn tiếng và dẫn anh ta đi từ đường này hẻm nọ, xong đưa ra khỏi cổng thành hướng Nam mà chặt đầu tại pháp trường hướng Nam." Những người ấy vâng lời, trói người ăn trộm thật chặt, dùng dây thật chắc trói hai tay ra đằng sau, cạo trọc đầu anh ta, cho đánh trống lớn tiếng và dẫn anh ta đi từ đường này hẻm nọ, xong đưa anh ta ra khỏi cổng thành hướng Nam và tại pháp trường hướng Nam, bắt anh ta ngồi xuống.

Nay người ăn trộm ấy có thể xin người đem chém mình: "Thưa quý vị, quý vị cho phép tôi được đi thăm thân bằng quyến thuộc ở tại làng này, hay xã này." Hay những người ấy chặt ngay đầu người ăn trộm cầu xin như vậy?

- Tôn giả Kassapa, người ăn trộm ấy không được những người đem chém mình cho phép: "Thưa quý vị, quý vị cho phép tôi được đi thăm thân bằng quyến thuộc ở tại làng này, hay xã này." Những người ấy chặt ngay đầu người ăn trộm cầu xin như vậy.

- Này Tôn giả, người ăn trộm thuộc loài Người, không được phép người xử trảm mình cũng là loài Người: "Thưa quý vị cho phép tôi được đi thăm thân bằng quyến thuộc ở làng này, hay ở xã này", thời làm sao những người thân bằng quyến thuộc của Ngài, đã sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục lại được những người coi giữ địa ngục cho phép: "Thưa quý vị coi giữ địa ngục, quý vị hãy cho phép tôi về tâu với vua Pāyāsi: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

8. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, tôi có những thân bằng quyến thuộc gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến.

Những người này, sau một thời gian bị trọng bịnh, bị đau khổ, bị chứng tật. Khi tôi biết những vị ấy không thể khỏi những bệnh ấy được, tôi liền đi đến họ và nói: "Một số Sa môn, Bà-la-môn có những quan điểm, những tri kiến như sau: "Những ai gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến, những người ấy khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới". Chư Hiền giả gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến. Nếu lời nói của những Sa môn, Bà-la-môn ấy chính xác, thời các Hiền giả sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới.

Nếu các hiền giả, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, thời quý vị hãy đến ta và cho ta biết: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo". Các Hiền giả là thiện hữu thành tâm của ta, những gì Hiền giả thấy thời sẽ là như vậy, như chính ta được thấy". Các vị này bằng lòng làm như vậy và nói: "Lành thay! Nhưng không có ai đến nói cho tôi biết, cũng không cho gửi các sứ giả đến. Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy, nên tôi có tri kiến: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".

9. - Này Tôn chủ, tôi sẽ cho Tôn chủ một ví dụ. Ở đời, một số người có trí nhờ ví dụ mà hiểu được nghĩa lời nói.

Này Tôn chủ, ví như có người té đầu rơi vào hầm phân. Ngài nói với các người khác: "Hãy kéo người này ra khỏi hầm phân!" Những người ấy vâng theo và nói: "Lành thay!" và kéo người kia ra khỏi hầm phân ấy.

Ngài nói với những người ấy: "Hãy lấy que tre gạt phân ra khỏi thân của người kia!" Những người này vâng theo và nói: "Lành thay!" và lấy que tre gạt phân ra khỏi thân người kia. Rồi ngài bảo các người ấy: "Hãy cho thoa bóp ba lần thân người kia với phấn hoa màu vàng." Và những người ấy cho thoa bóp ba lần thân người kia với phấn thoa bóp màu vàng. Rồi Ngài bảo các người ấy: "Hãy lấy dầu thoa và tắm cho người kia ba lần và dùng bột mịn cunna thoa cho nó!" Và những người ấy lấy dầu thoa và tắm cho người kia ba lần và dùng bột mịn cunna thoa cho nó. Rồi Ngài bảo các người ấy: "Hãy sửa soạn râu tóc cho người kia!" Và những người ấy sửa soạn râu tóc cho kia. Rồi Ngài bảo các người ấy: "Hãy lấy vòng hoa quý, dầu thơm quý và vải quý trang điểm cho người kia!" Và những người ấy trang điểm vòng hoa quý, dầu thơm quý và vải quý cho người kia.

Rồi Ngài bảo các người ấy: "Hãy đưa người kia đến tòa lâu đài và cho hưởng năm món dục lạc!" Và những người ấy đưa người kia đến tòa lâu đài và cho hưởng năm món dục lạc. Tôn chủ nghĩ thế nào? Người kia khéo tắm như vậy, khéo thoa dầu, khéo sửa soạn râu tóc, khéo trang điểm với vòng hoa và vải trắng, được đưa đến lâu đài và cho hưởng năm món dục lạc như vậy, thử hỏi người kia có chịu đâm đầu vào hầm phân ấy nữa không?

- Thưa không, Tôn giả Kassapa!

- Vì sao không?

- Tôn giả Kassapa, hầm phân là bất tịnh và được xem là bất tịnh, xú uế và được xem là xú uế, ghê tởm và được xem là ghê tởm, yếm ố và được xem là yếm ố.

- Này Tôn chủ, mùi hôi của loài Người khiến chư Thiên ghê tởm xa đến một trăm do tuần. Làm sao những người thân bằng quyến thuộc của Ngài, gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, những người ấy có thể về tin lại cho Tôn chủ: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo". Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy nên: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo".

10. - Dầu Tôn giả Kasspa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, tôi có những người thân bằng quyến thuộc gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến. Những người này sau một thời gian bị trọng bệnh, bị đau khổ, bị chứng tật. gì Hiền giả thấy sẽ là như vậy, như chính ta được thấy."

Khi tôi biết những vị ấy không thể khỏi những bệnh ấy được, tôi liền đi đến họ và nói: "Một số Sa môn, Bà-la-môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: "Những ai gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến. Những người ấy khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới".

Chư Hiền giả gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và tà kiến. Nếu lời nói của những vị Sa môn, Bà-la-môn này chính xác thời các Hiền giả, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, thời quý vị hãy đến ta và cho ta biết: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo". Các Hiền giả là thiện hữu thành tâm của ta, những

Các vị này bằng lòng làm như vậy và nói: "Lành thay!" Nhưng không ai đến nói cho tôi biết, cũng không cho gửi các sứ giả đến. Này Tôn giả Kassapa sự kiện là như vậy, nên tôi có tri kiến: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

11. - Này Tôn chủ, tôi sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài xem có thể được Ngài hãy trả lời. Này Tôn chủ, tuổi loài người một trăm năm bằng một ngày một đêm chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Ba mươi đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng như vậy là một năm, một ngàn năm ở Thiên giới như vậy là tuổi thọ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên.

Những thân bằng quyến thuộc của Tôn chủ như vậy gìn giữ không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận và không tà kiến. Các vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới và làm thiện hữu với chư Thiên ở Tam thập tam thiên.

Nếu những vị này suy nghĩ: "Chúng ta hãy thọ hưởng một món dục lạc hai hay ba ngày đêm ở Thiên giới, rồi sau sẽ đến Tôn chủ Pāyāsi và tin cho biết: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo." Và những vị ấy có đến Ngài và tin cho biết: "Có đời sau, có loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo" không?

- Thưa không, Tôn giả Kassapa! Tôn giả Kassapa, vì chúng tôi sẽ chết đã lâu rồi. Nhưng ai cho Tôn giả Kassapa biết: "Có chư Thiên ở Tam thập tam thiên, hay chư Thiên ở Tam thập tam thiên tuổi thọ là như vậy". Chúng tôi không tin người ấy, khi người ấy nói: "Có chư Thiên ở Tam thập tam thiên! Hay chư Thiên ở Tam thập tam thiên, tuổi thọ là như vậy!"

- Này Tôn chủ, như có người sanh ra đã mù, không thấy được các sắc đen hay trắng, không thấy được các sắc xanh, hay sắc vàng, các sắc đỏ, hay các sắc nâu, không thấy được các sắc tế nhị hay thô cứng, không thấy được các sao hay mặt trăng.

Người ấy nói: "Không có các sắc đen hay trắng, không có người thấy các sắc đen hay trắng; không có sắc xanh, không có người thấy sắc xanh; không có sắc vàng, không có người thấy các sắc vàng; không có sắc đỏ, không có người thấy các sắc đỏ; không có sắc nâu, không có người thấy các sắc nâu, không các sắc tế nhị, thô cứng, không có người thấy các sắc tế nhị, thô cứng; không có các sao, không có người thấy các sao; không có mặt trăng, mặt trời, không có người thấy mặt trăng mặt trời. Tôi không biết vật này, tôi không thấy vật này, nên vật này không có. Này Tôn chủ, nói như vậy có phải nói một cách hợp lý không?

- Thưa không, Tôn giả Kassapa. Có các sắc đen hay trắng, có người thấy các sắc đen hay trắng; có các sắc xanh, có người thấy các sắc xanh; có các sắc vàng, có người thấy các sắc vàng; có các sắc đỏ, có người thấy các sắc đỏ; có các sắc nâu, có người thấy các sắc nâu; có các vật tế nhị hay thô cứng, có người thấy các vật tế nhị hay thô cứng; có các vì sao, có người thấy các vì sao; có mặt trăng, mặt trời, có người thấy mặt trăng, mặt trời. "Tôi không biết vật này, tôi không thấy vật này, do vậy vật này không có." Tôn giả Kassapa, ai nói như vậy là nói không hợp lý!

- Cũng vậy này Tôn chủ, Ngài nói cũng giống người sinh ra đã mù khi Ngài nói với tôi: "Ai bảo Tôn giả Kassapa biết rằng: "Có chư Thiên ở Tam thập tam thiên," hay "Chư thiên ở Tam thập Tam thiên tuổi thọ là như vậy!" Chúng tôi không tin Tôn giả Kassapa, khi Tôn giả nói: "Có chư Thiên ở Tam thập tam thiên," hay "Chư thiên ở Tam thập tam thiên tuổi thọ là như vậy".

Này Tôn chủ, đời sau không như Ngài nghĩ có thể thấy bằng con mắt thịt. Này Tôn chủ, có những Sa môn, Bà-la-môn, sống những chỗ hẻo lánh trong rừng, ít có tiếng ồn, ít có tiếng động. Tại những chỗ ấy, các vị này sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, làm cho thiên nhãn trong sạch. Rồi với thiên nhãn thanh tịnh thắng xa loài Người, các vị này thấy đời này, đời sau, và thấy các loại hóa sanh.

Này Tôn chủ, đời sau phải được thấy như vậy. Không phải như Ngài nghĩ với con mắt thịt. Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy, nên tôi có tri kiến: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

12. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, ở đây tôi thấy có những Sa môn, Bà-la-môn giữ giới, thiện tánh, ham sống, ngại chết, ham sướng, ngại khổ. Tôn giả Kassapa, rồi tôi nghĩ: "Nếu những Sa môn, Bà-la-môn này giữ giới, có thiện tánh, được biết: "Sau khi chúng ta chết rồi, đời chúng ta sẽ được tốt đẹp hơn."

Rồi những Sa môn, Bà-la-môn giữ giới, có thiện tánh ấy, hoặc uống thuốc độc, hoặc lấy kiếm đâm, hoặc tự giết mình bằng cách treo cổ, hay tự lao mình xuống hố sâu. Vì những Sa môn, Bà-la-môn giữ giới có thiện tánh ấy không được biết: "Sau khi chúng ta chết rồi, đời chúng ta sẽ được tốt đẹp hơn." Do vậy các Sa môn, Bà-la-môn giữ giới, có thiện tánh ấy ham sống, ngại chết, ham sướng, ngại khổ. Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy, nên tôi chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

13. - Này Tôn chủ, tôi sẽ cho Tôn chủ một ví dụ. Ở đời, một số người có trí nhờ ví dụ mà hiểu được nghĩa lời nói.

Này Tôn chủ, ngày xưa có một người Bà-la-môn có hai người vợ. Từ một người vợ, ông ta có đứa con trai, mười hai tuổi; còn người vợ kia có mang thai, sắp đến kỳ sinh nở. Rồi người Bà-la-môn ấy mệnh chung. Ðứa con trai ấy nói với tiểu phu nhân kia: "Này Tiểu mẫu, phàm có tài sản gì, hoặc lúa, hoặc bạc, hoặc vàng, tất cả đều là của tôi. Tiểu mẫu nay không có gì hết. Tiểu mẫu hãy giao cho tôi gia tài của cha tôi." Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn nữ kia nói với đứa con trai ấy: "Tiểu tử hãy chờ ta sanh con. Nếu ta sanh con trai, thì một phần gia tài thuộc về nó. Nếu sanh con gái, thời nó sẽ hầu hạ con."

Lần thứ hai, đứa con trai ấy nói với Tiểu phu nhân kia: "Này Tiểu mẫu, phàm có tài sản gì, hoặc lúa, hoặc bạc, hoặc vàng, tất cả đều là của tôi. Tiểu mẫu nay không có gì hết. Tiểu mẫu hãy giao cho tôi gia tài của cha tôi." Lần thứ hai, Bà-la-môn nữ kia nói với đứa trai ấy: "Tiểu tử hãy chờ ta sanh con. Nếu ta sanh con trai thì một phần gia tài thuộc về nó. Nếu ta sanh con gái, thời nó sẽ hầu hạ con."

Lần thứ ba, đứa con trai ấy nói với Tiểu phu nhân kia: "Này Tiểu mẫu, phàm có tài sản gì, hoặc lúa, hoặc bạc, hoặc vàng, tất cả đều là của tôi. Tiểu mẫu không có gì hết. Tiểu mẫu hãy giao cho tôi gia tài của cha tôi". Rồi người Ba la môn nữ ấy lấy một con dao, vào trong nội phòng và rạch bụng ra. "Ta muốn biết đó là con trai hay con gái." Như vậy người đàn bà ấy hại đời sống của mình, hại luôn cái thai và hại luôn tài sản của mình vì đã đi tìm của thừa tự một cách ngu xuẩn và si mê, nên gặp phải nguy hiểm và tai nạn.

Cũng vậy, vì ngu xuẩn và si mê, Ngài gặp phải ngu xuẩn và tai nạn khi Ngài đi tìm đời sau một cách vô trí, cũng giống Bà-la-môn nữ kia, vì ngu xuẩn và si mê, đã đi tìm thừa tự một cách vô trí. Này Tôn chủ, các vị Sa môn, Bà-la-môn giữ giới, có thiện tánh không bắt buộc cái gì chưa chín phải chín. Vì có trí, các vị ấy chờ chín muồi đến.

Này Tôn chủ, các vị Sa môn, Bà-la-môn giữ giới có thiện tánh cần thiết đến mạng sống. Này Tôn chủ, nếu các Sa môn, Bà-la-môn giữ giới, có thiện tánh sống lâu ở trên đời này bao nhiêu, các vị ấy làm được nhiều công đức bấy nhiêu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy nên: "Có đời sau, có các loài hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

14. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loài hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Này Tôn giả Kassapa, ở đây có những người bắt được một người ăn trộm phạm tội và đem đến cho tôi và nói: "Tôn chủ, đây là người ăn trộm phạm tội. Hãy hình phạt anh ta như Ngài muốn. "Tôi nói với họ: "Các Hiền giả, hãy bỏ sống người này trong một cái chum, bịt miệng chum lại, dùng da ướt bao lại, dùng đất sét ướt quện lại trét trên miệng chum, nhắc chum ấy trên cái lò và nổi lửa đốt. Các người ấy đáp: "Xin vâng!", rồi họ bỏ sống người ấy trong cái chum, bịt miệng chum lại, dùng da ướt bao lại, dùng đất sét ướt quện lại trét trên miệng chum lại, nhắc chum ấy trên cái lò và nổi lửa đốt.

Khi chúng tôi biết người ấy đã chết, liền nhắc chum ấy xuống, cởi các dây buộc, mở miệng chum ra vội vàng nhìn kỹ: "Chúng ta mong được thấy linh hồn (người chết) đi ra". Nhưng chúng tôi không thấy linh hồn người chết đi ra. Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy nên tôi tin rằng. "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".

15. - Này Tôn chủ, tôi sẽ hỏi Ngài, nếu Ngài xem có thể được, Ngài hãy trả lời. Này Tôn chủ, khi Ngài nghỉ trưa, Ngài có chấp nhận Ngài có thấy những cảnh mộng hoan lạc ở vườn, ở rừng, ở đồng bằng, ở ao hồ không?

- Tôn giả Kassapa, tôi xác nhận khi đi nghỉ trưa, tôi có thấy những cảnh mộng hoan lạc ở vườn, ở rừng, ở đồng bằng, ở ao hồ.

- Trong khi ấy, có phải Ngài được một số người hầu hạ một bên, những người gù lưng, thấp lùn, thiếu phụ và con gái?

- Vâng, Tôn giả Kassapa, trong khi ấy, tôi được một số người hầu hạ một bên, những người gù lưng, thấp lùn, thiếu phụ và con gái.

- Và họ thấy linh hồn của Ngài đi ra hay đi vào không?

- Tôn giả Kassapa, thưa không.

- Này Tôn chủ, họ không thấy linh hồn của Tôn chủ đi ra hay đi vào, thời làm sao Ngài có thể thấy linh hồn một người chết đi vào hay đi ra được? Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy nên tôi chấp nhận: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

16. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, ở đời, có những người bắt được một người ăn trộm phạm tội và đem đến cho tôi: "Thưa Tôn chủ, đây là người ăn trộm phạm tội. Hãy hình phạt anh ta như Ngài muốn." Tôi nói với họ: "Các khanh hãy đem cân sống anh ta đi, rồi lấy dây cung thắt cổ cho anh ta chết, xong đem cân lại." Những người này vâng lời tôi và đáp: "Xin vâng!" rồi họ đem cân sống người ăn trộm ấy, lấy dây cung thắt cổ anh ta cho đến chết xong cân lại. Khi anh ta sống thì anh ta nhẹ, mềm mại, nhu nhuyến. Khi anh ta chết, thì anh ta nặng hơn, cứng hơn và không nhu nhuyến. Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy, nên tôi chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

17. - Này Tôn chủ, tôi sẽ cho Ngài một ví dụ. Nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.

Này Tôn chủ, ví như người cân một hòn sắt được đốt nóng trọn ngày, cháy đỏ, hừng lửa, đỏ rực, và một thời khác cũng đem cân hòn sắt ấy nhưng nay đã nguội lạnh. Khi nào thì hòn sắt ấy nhẹ hơn, mềm mại hơn, hay nhu nhuyến hơn? Khi hòn sắt ấy đang cháy đỏ, hừng lửa, đỏ rực hay khi đã nguội lạnh?

- Tôn giả Kassapa, khi hòn sắt ấy cháy đỏ, hừng lửa, đỏ rực, khi ấy hòn sắt nhẹ hơn, mềm mại hơn và nhu nhuyến hơn. Khi hòn sắt ấy không cháy đỏ, không hừng lửa, nguội lạnh rồi, khi đó hòn sắt nặng hơn, cứng hơn và không nhu nhuyến.

- Này Tôn chủ, khi thân này có tuổi thọ, có sức nặng, có thức thì nó nhẹ hơn, mềm mại hơn và nhu nhuyến hơn. Khi các thân này không có tuổi thọ, không có sức nóng và không có thức thời nó nặng hơn, cứng hơn và không nhu nhuyến. Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy, nên tôi chấp nhận: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

18. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, có những người bắt được một người ăn trộm phạm tội và đem đến cho tôi: "Thưa Tôn chủ, đây là người ăn trộm phạm tội. Hãy hình phạt anh ta như Ngài muốn." Tôi nói với họ như sau: "Các khanh, hãy giết người này bằng cách lột da ngoài, da trong, thịt, gân, xương, và xương tủy của anh ta". Những người này vâng lời tôi và đáp: "Xin vâng, Tôn chủ!" rồi họ bèn giết người ấy bằng cách lột da ngoài, da trong, thịt, gân, xương, và xương tủy.

Khi người ấy chết một phần nửa, tôi bảo họ: "Hãy lật ngược người này nằm ngửa, và xem linh hồn của anh ta có đi ra không?" Họ lật ngược người này nằm ngửa, và chúng tôi không thấy linh hồn người ấy đi ra. Tôi lại bảo họ: "Hãy lật người này nằm cong lại... nằm phía một bên... nằm phía bên kia... đặt người đó đứng thẳng... đặt người ấy đứng lộn đầu xuống... đánh người ấy với tay... đánh người ấy với cục đất... đánh người ấy với gậy... đánh người ấy với gươm... đánh anh ta phía bên này... đánh anh ta phía bên kia... đánh anh ta cùng khắp tất cả và xem linh hồn của anh ta có đi ra không?"

Họ đánh anh ta phía bên này, đánh anh ta phía bên kia, đánh anh ta cùng khắp tất cả và chúng tôi không thấy linh hồn người ấy đi ra. Anh ta có mắt và các sắc có mặt, nhưng căn không cảm thọ được. Anh ta có tai và các tiếng có mặt, nhưng căn không cảm thọ được. Anh ta có mũi và các hương có mặt, nhưng căn không cảm thọ được. Anh ta có lưỡi và các vị có mặt, nhưng căn không cảm thọ được. Anh ta có thân và các xúc có mặt, nhưng căn không cảm thọ được. Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy, nên tôi chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo".

19. - Này Tôn chủ, tôi sẽ cho Ngài một ví dụ. Nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa của lời nói.

Này Tôn chủ, thuở xưa có một người thổi tù và, cầm tù và bằng vỏ ốc và đi đến biên giới. Người ấy đi đến một làng kia, sau khi đến xong, đứng giữa làng, thổi ống tù và ba lần, đặt ống tù và xuống đất và ngồi xuống một bên. Này Tôn chủ, những người dân ở biên giới ấy suy nghĩ: "Tiếng ấy là tiếng của ai mà lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, hấp dẫn như vậy, rung cảm như vậy." Họ tụ họp lại và hỏi người thổi tù và: "Này bạn, tiếng ấy là tiếng của ai mà lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, hấp dẫn như vậy, rung cảm như vậy?"

"- Này các bạn, đây là cái tù và, và tiếng của tù và ấy khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, hấp dẫn như vậy, rung cảm như vậy." Họ bèn đặt chiếc tù và nằm ngửa và nói: "Hãy nói đi, bạn tù và! Hãy nói đi, bạn tù và!" Nhưng chiếc tù và ấy không nói tiếng gì hết. Họ đặt chiếc tù và ấy nằm cong lại, nằm phía bên này, nằm phía bên kia... đặt đứng thẳng... đặt ngược đầu xuống... lấy tay đánh... lấy cục đấy đánh... lấy gậy đánh... lấy gươm đánh... đánh phía bên này... đánh phía bên kia... đánh cùng khắp tất cả và nói: "Này bạn tù và, hãy nói đi! Này bạn tù và, hãy nói đi!"

Nhưng chiếc tù và ấy không nói gì cả. Này Tôn chủ, rồi người thổi tù và suy nghĩ như sau: "Thật là ngu si, những người dân ở biên giới này! Sao lại đi tìm tiếng tù và một cách vô ý thức như vậy!" Trong khi họ đang tìm kiếm như vậy, người thổi tù và cầm chiếc tù và lên, thổi lên ba lần rồi cầm chiếc tù và ra đi. Này Tôn chủ, những người ở biên giới suy nghĩ như sau: "Này các bạn, chiếc tù và này, khi nào có người phụ trợ, có sự nỗ lực phụ trợ và có gió thổi phụ trợ, thì chiếc tù và phát ra tiếng. Khi nào chiếc tù và này không có người phụ trợ, không có sự nỗ lực phụ trợ và không có gió thổi phụ trợ thì chiếc tù và này không phát ra tiếng."

Cũng vậy, này Tôn chủ! Khi nào thân này có tuổi thọ phụ trợ, có hơi nóng phụ trợ và có thức phụ trợ, thời thân ấy đi tới, đi lui, đứng lên, ngồi xuống, nằm xuống, thời mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp. Nhưng khi thân này không có tuổi thọ phụ trợ, không có hơi nóng phụ trợ, và không có thức phụ trợ, thời thân ấy không đi tới, không đi lui, không đứng lại, không ngồi xuống, không nằm xuống, thời mắt không thấy sắc, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi hương, lưỡi không nếm vị, thân không cảm xúc, ý không biết pháp. Này Tôn chủ, sự kiện là như vậy, nên tôi chấp nhận: "Có đời sau, có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác có quả báo."

20. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, ở đây tôi vẫn chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, có sự kiện gì để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Tôn giả Kassapa, vâng, có sự kiện để chứng minh rằng: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

- Này Tôn chủ, như thế nào?

- Tôn giả Kassapa, nay có những người bắt được một tên ăn trộm phạm tội và đem đến cho tôi: "Thưa Tôn chủ, đây là người ăn trộm phạm tội. Hãy hình phạt anh ta như Ngài muốn." Tôi nói với họ như sau: "Các khanh hãy lột da anh ta, để chúng ta có thể thấy linh hồn của anh ta." Chúng lột da của người ấy, nhưng chúng tôi không thấy linh hồn của anh ta. Rồi tôi bảo họ: "Các khanh hãy lột da trong của người ấy... cắt thịt... cắt gân... cắt xương... đẽo cho đến xương tủy để chúng ta có thể thấy linh hồn của anh ta." Họ đẽo cho đến xương tủy của người ấy, nhưng chúng tôi không thấy linh hồn của anh ta. Này Tôn giả Kassapa, sự kiện là như vậy nên tôi chấp nhận: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo."

21. - Này Tôn chủ, tôi sẽ cho một ví dụ. Ở đời một số người có trí thức, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa câu nói.

Này Tôn chủ, thuở xưa có người bện tóc thờ lửa, sống trong một ngôi nhà lá, tại một khu rừng. Này Tôn chủ, một số dân chúng di cư đến đấy. Vị lãnh đạo của chúng, sau một đêm ở xung quanh cái cốc của người bện tóc thờ lửa bèn bỏ đi.

Này Tôn chủ, người bện tóc thờ lửa suy nghĩ: "Nếu ta đến chỗ ở của người lãnh đạo, ta có thể kiếm được một vài đồ vật hữu dụng ở đó." Rồi người bện tóc thở lửa, dậy sớm đến chỗ ở của người lãnh đạo, và thấy một đứa hài nhi bị quăng nằm ngửa ở đó. Thấy vậy vị ấy nghĩ: "Thật không phải chút nào nếu ta để một hài nhi phải chết trong khi ta đang tìm kiếm. Ta hãy đem hài nhi này về cốc của ta, nuôi nó, săn sóc nó, cấp dưỡng nó". Rồi người bện tóc thờ lửa ấy đem đứa hài nhi ấy về cốc nuôi nó, săn sóc nó, cấp dưỡng nó.

Khi đứa trẻ đến tuổi mười hay mười hai, người bện tóc thờ lửa có công việc phải đi xuống đồng bằng. Người bện tóc thờ lửa bảo đứa trẻ ấy: Này con, ta muốn đi xuống đồng bằng, hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để nó tắt. Nếu lửa có tắt, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quay để nhóm lửa, hãy nhen lửa lại và chăm sóc ngọn lửa". Người bện tóc thờ lửa ấy, sau khi căn dặn đứa trẻ, bèn đi xuống đồng bằng.

Ðứa trẻ mãi ham vui đùa khiến lửa tắt. Ðứa trẻ suy nghĩ: "Cha ta có bảo ta: "Hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để nó tắt. Nếu con để tắt lửa, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quay để nhóm lửa lại." Vậy ta hãy nhen lửa lên và chăm sóc ngọn lửa." Rồi đứa trẻ ấy lấy búa chẻ đồ quây lửa với ý nghĩ: "Ta sẽ tìm thấy lửa." Nhưng lửa không có. Nó đem chẻ đồ quây lửa làm hai, làm ba, làm bốn, làm năm, làm mười, làm trăm, chẻ nhỏ vụn ra, lấy chày mà giã, và sau khi đã giã nhỏ, lại đem ra sàng trước gió lớn với ý nghĩ: "Ta sẽ tìm thấy lửa."

Nhưng lửa không có. Người bện tóc sau khi làm xong công việc ở đồng bằng, liền về cốc của mình và hỏi đứa bé: "Này con, sao con để tắt lửa thế này?" - "Thưa cha, con mãi ham chơi nên để lửa tắt. Rồi con suy nghĩ: "Cha đã bảo ta: "Hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để tắt nó. Nếu con để tắt lửa, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quây để nhen lửa. Hãy nhen lửa lại và chăm sóc ngọn lửa". Vậy ta hãy nhen lửa lên và chăm sóc ngọn lửa". Thưa cha, rồi con lấy búa nhỏ chẻ đồ quây lửa với ý nghĩ: "Ta sẽ tìm ra lửa." Nhưng con tìm không được lửa. Con đem chẻ đồ quây lửa, làm hai, làm ba, làm bốn, làm năm, làm mười, làm trăm, chẻ nhỏ vụn ra, lấy chày mà giã, và sau khi giã nhỏ, lại đem ra sàng trước gió lớn với ý nghĩ: "Ta sẽ tìm ra lửa," nhưng con không tìm được lửa".

Rồi người bện tóc thờ lửa ấy suy nghĩ: "Ðứa trẻ này thật ngu si và kém thông minh. Sao lại đi tìm lửa một cách thiếu suy tư như thế này?" Trong khi đứa trẻ đứng nhìn, người ấy cầm đồ quây lửa, nhen lửa lên và nói với đứa trẻ: "Này con, nhen lửa phải làm như vậy đó, chớ không phải như con ngu si và kém thông minh, tìm lửa một cách thiếu suy tư."

Cũng vậy này Tôn chủ, Ngài ngu si, kém thông minh, đi tìm đời sau một cách kém suy tư. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác kiến ấy! Chớ có tự dấn thân vào sự bất an và đau khổ trường kỳ.

22. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, Tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo." Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc." Vì tức giận, nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lừa gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.

23. - Vậy này Tôn chủ, tôi sẽ cho Ngài một ví dụ. Ở đời một số người có trí, nhờ ví dụ mà hiểu ý nghĩa lời nói.

Này Tôn chủ, thuở xưa, một đoàn lữ hành lớn gồm một ngàn cỗ xe đi từ phương Ðông quốc độ qua phương Tây quốc độ. Ði đến chỗ nào, đoàn lữ hành ấy cũng tiêu thụ rất mau cỏ, củi, nước và cây lá xanh tươi. Ðoàn lữ hành ấy có hai vị lãnh đạo, một vị lãnh đạo năm trăm cỗ xe, một vị lãnh đạo năm trăm cỗ xe.

Hai vị lãnh đạo đoàn lữ hành suy nghĩ như sau: "Ðoàn lữ hành lớn này gồm có một ngàn cỗ xe. Chỗ nào chúng ta đi tới thì đoàn tiêu thụ rất mau cỏ, củi, nước và cây lá xanh tươi. Vậy chúng ta hãy chia đoàn lữ hành này thành hai, mỗi đoàn có năm trăm cỗ xe."

Rồi hai vị lãnh đạo ấy chia đoàn lữ hành thành hai, một đoàn có năm trăm cỗ xe, một đoàn có năm trăm cỗ xe. Rồi một vị lãnh đạo thâu lượm rất nhiều cỏ, củi, nước và cho đoàn lữ hành chuyển bánh. Sau khi đi hai, ba ngày, vị lãnh đạo ấy thấy một người da đen, mắt đỏ, mang theo ống tên, đeo vòng hoa súng, áo quần ướt, tóc ướt, đánh một cỗ xe do lừa kéo, bánh xe dính đầy bùn và đi từ phía trước đi lại. Thấy vậy, người lãnh đạo hỏi:

"- Bạn từ phương nào đến?

"- Từ nơi quốc độ kia đến.

"- Bạn sẽ đi đâu?

"- Sẽ đi đến địa phương tên này.

"- Bạn có thấy, trong khu rừng trước mặt, có mưa to gần đây không?

"- Thưa bạn, trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường xá đầy sũng những nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc."

Khi ấy người lãnh đạo nói với những người đánh xe:

"- Này các Bạn, người này nói như sau: Trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường sá đầy sũng nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc." Vậy các bạn hãy quăng cỏ, củi và nước cũ đi, để đoàn xe đi với những cỗ xe nhẹ hơn.

"- Thưa Bạn, vâng!"

Những người đánh xe vâng theo lời vị lãnh đạo đoàn lữ hành, quăng cỏ, củi và nước cũ đi và dẫn đoàn xe đi với những cỗ xe nhẹ hơn.

Nhưng khi đi đến trạm nghỉ thứ nhất, họ không thấy cỏ, củi hay nước, trạm thứ hai cũng vậy... trạm thứ ba cũng vậy... trạm thứ tư cũng vậy... trạm thứ năm cũng vậy... trạm thứ sáu cũng vậy... trạm thứ bảy cũng vậy, họ không thấy cỏ, củi hay nước. Tất cả đều gặp sự bất hạnh và tai nạn. Tất cả người và vật trong lữ đoàn ấy, đều bị Dạ xoa, phi nhân ăn thịt, chỉ còn xương để lại.

Khi người lãnh đạo đoàn thứ hai được biết: "Nay đoàn kia đi đã khá xa", bèn cho thâu lượm nhiều cỏ, củi và nước và cho đoàn khởi hành. Sau khi đi hai, ba ngày, vị lãnh đạo ấy thấy một người da đen, mắt đỏ, mang theo ống tên, đeo vòng hoa súng, áo quần ướt, tóc ướt, đánh một cỗ xe do lừa kéo, bánh xa dính đầy bùn và đi từ phía trước đi lại. Thấy vậy người lãnh đạo hỏi:

"- Bạn từ phương nào đến?
"- Từ nơi quốc độ kia đến.
"- Bạn sẽ đi đâu?
"- Sẽ đi đến địa phương tên này.
"- Bạn có thấy trong khu rừng trước mặt, có mưa to gần đây không?
"- Thưa Bạn, trong khu rừng trước mặt, có mưa to, đường sá đầy sũng những nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc.

Khi ấy người lãnh đạo nói với những người đánh xe:

"- Này các Bạn, người này nói như sau: Trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường sá đầy sũng nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước.

Hãy bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cổ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ làm cho đoàn xe mệt nhọc." Nhưng này các Bạn, người ấy không phải là bạn của chúng ta, cũng không phải là bà con ruột thịt, làm sao chúng ta có thể tin người ấy được? Chớ quăng bỏ các thứ cỏ, củi và nước đã dự trữ từ trước. Hãy cho đoàn lữ hành tiến tới với các hàng hóa đã được mang theo, chúng ta không quăng bỏ đi các vật đang dự trữ từ trước.

"- Thưa Bạn, vâng."
Những người đánh xe ấy, vâng theo lời người lãnh đạo, cho đoàn lữ hành tiến tới với những hàng hóa đã mang theo. Ðến trạm nghĩ thứ nhất những người này không thấy cỏ, củi hay nước, đến trạm thứ hai cũng vậy... trạm thứ ba cũng vậy... trạm thứ tư cũng vậy.... trạm thứ năm cũng vậy... trạm thứ sáu cũng vậy.... trạm thứ bảy cũng vậy... chúng không thấy cỏ, củi hay nước, nhưng chúng thấy đoàn lữ hành trước bị lâm vào tai nạn. Những người và thú vật trong đoàn lữ hành kia, chúng thấy các bộ xương do con Dạ xoa phi nhân ấy ăn thịt.

Rồi người lãnh đạo nói với các người đánh xe:

"- Này các Bạn, đoàn lữ hành ấy bị lâm nạn vì bị người lãnh đạo ngu si như vậy hướng dẫn. Vậy này các bạn, hãy bỏ đi những vật hạng ít giá trị của đoàn lữ hành này, hãy đem theo những vật hạng đắt giá của đoàn lữ hành kia!

"- Thưa Bạn, vâng!"
Những người đánh xe ấy vâng theo người lãnh đạo quăng bỏ đi những vật hạng ít giá trị của đoàn lữ hành của mình, đem đi theo những vật hạng đắt giá của đoàn lữ hành kia và đi qua bãi sa mạc ấy một cách an toàn, vì được hướng dẫn bởi một vị lãnh đạo sáng suốt.

Cũng vậy này Tôn chủ, người ngu si không có trí sẽ gặp nạn vì đã đi tìm kiếm đời sau một cách thiếu suy tư, giống như người lãnh đạo đoàn lữ hành kia. Những ai tự nghĩ có thể tin bất cứ điều gì được nghe sẽ gặp hoạn nạn như những người đánh xe kia. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến này. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ bất hạnh lâu dài!"

24. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala là vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo." Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc." Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến sai lạc." Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.

25. - Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.

Thuở xưa có một người nuôi heo đi từ làng của mình đến một làng khác. Ở tại đấy, ông ta thấy một đống phân khô bị quăng bỏ. Thấy vậy, nó tự nghĩ: "Ðống phân khô khá nhiều bị quăng bỏ đi có thể làm đồ ăn cho các con heo của ta. Vậy ta hãy mang đống phân khô này đi." Rồi ông ta trải áo choàng của nó mang đống phân khô lại, cột thành một gói đặt trên đầu rồi đi.

Ði giữa đường, một cơn mưa lớn trái mùa xảy ra. Ông mang bọc phân ấy đi, với phân thấm ướt tiết ra và chảy thành giọt, làm ông lem lấm phân cho đến đầu móng tay. Mọi người thấy ông liền nói: "Ông có thật sự điên, thật sự khùng chăng? Làm sao ông lại mang bọc phân ấy đi, với nước phân thấm ướt tiết ra và chảy thành giọt, làm người lem lấm phân cho đến đầu móng tay."

- Chính các Người mới thật sự điên, chính các Người mới thật sự khùng. Chính nhờ như thế này, các con heo của tôi mới có đồ ăn." Cũng vậy này Tôn chủ, Ngài nói chẳng khác gì ví dụ người mang phân này. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.

26. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo". Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc." Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lừa gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.

27. - Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.

Thuở xưa, có hai người đánh bạc đổ con xúc xắc. Một con bạc mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Con bạc thứ hai thấy con bạc ấy mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Thấy vậy người này bàn với người kia: "Này Bạn, Bạn đã thắng rõ ràng. Bạn hãy đưa cho tôi các con xúc xắc để đi làm lễ tế."

- "Thưa Bạn, vâng!" con bạc ấy liền đưa các con xúc xắc cho con bạc kia. Người này bèn lấy thuốc độc thoa vào các con xúc xắc và nói với người kia: "Này Bạn, hãy chơi đổ các con xúc xắc."

- "Thưa Bạn, vâng!", con bạc ấy vâng theo lời của con bạc kia. Lần thứ hai, hai con bạc ấy đổ con xúc xắc, lần thứ hai, con bạc này mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Con bạc thứ hai thấy con bạc kia, lần thứ hai, mỗi lần thua ngậm con xúc xắc thất bại. Thấy vậy, người ấy nói với con bạc kia:

Con người không được biết.
Con xúc xắc được ngậm,
Ðã được bôi thoa nhiều,
Với thuốc độc đốt cháy.

Hãy ngậm đi, ngậm đi,
Con bạc ác độc kia!
Ngậm xong nhà Ngươi phải
Ðau đớn vô cùng tận.

Cũng vậy này Tôn chủ. Ngài nói chẳng khác gì ví dụ người đánh bạc. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.

28. - Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo!" Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy, người ta sẽ phê bình tôi như sau: "Tôn chủ Pāyāsi thật ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc". Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lường gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy!

29. - Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.

Thuở xưa, một quốc gia dời đi chỗ khác. Một người nói với các bạn thuộc hạ của mình: "Này các Bạn, chúng ta hãy đi đến quốc gia kia, rất có thể chúng ta tìm được tiền bạc của cải." "Thưa Bạn, vâng!", các thuộc hạ vâng lời người bạn kia. Họ đi đến quốc gia kia, và đến một đường làng. Họ thấy một đống gai, quăng bỏ. Thấy vậy, một người bạn nói với các người kia: "Ðây là một đống gai quăng bỏ. Bạn hãy nhóm lại thành một bó. Tôi cũng nhóm lại thành một bó gai. Chúng ta hãy đem bó gai ấy đi." - "Thưa Bạn, vâng!" người bạn này vâng theo người bạn kia và cột bó gai lại.

Họ mang hai bó gai, và đi đến một làng khác. Họ thấy một đống dây gai quăng bỏ. Thấy vậy một người bạn nói với người kia: "Ðống dây gai quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với bó dây gai ấy. Vậy bạn hãy nhóm lại thành một bó dây gai. Tôi cũng nhóm lại thành một bó dây gai. Chúng ta hãy đem hai bó dây gai ấy đi." - "Này Bạn, tôi đem đống gai này từ xa lại, và đống gai được bó buộc kỹ lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ, bạn hãy tự biết (mà làm)." Và người bạn trước quăng bó gai và lấy đống dây gai.

Rồi họ đến một con đường khác. Ở đấy họ thấy nhiều vải gai được quăng bỏ. Thấy vậy, một người bạn nói với người kia: "Nhiều vải gai được quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với cây gai hoặc với dây gai. Vậy Bạn hãy quăng bỏ bao cây gai, và tôi sẽ quăng bỏ bao dây gai. Hai chúng ta sẽ mang bao vải gai này mà đi." - "Này Bạn, tôi đem đống gai này từ xa lại và đống gai được buộc bó kỹ lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ. Bạn hãy tự biết (mà làm)." Và người bạn trước quăng dây gai và lấy bó vải gai.

Rồi họ đến một con đường khác. Ở đây họ thấy nhiều sồ-ma được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều dây sồ-ma được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều vải sồ-ma được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều cây bông được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều vải bông được quăng bỏ... Sau khi thấy... nhiều sắt được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều đồng được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều thiếc được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều chì được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều bạc được quăng bỏ. Sau khi thấy... nhiều vàng được quăng bỏ.

Thấy vậy một người bạn nói với người bạn kia: "Nhiều vàng được quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với cây gai hay với dây gai, hay với vải sồ-ma, hay với cây bông, hay với vải bông, hay với sắt, hay với đồng, hay với thiếc, hay với chì, hay với bạc. Vậy bạn hãy quăng bỏ bao cây gai, và tôi sẽ quăng bỏ bao bạc. Hai chúng ta sẽ mang bao vàng mà đi."

- "Này bạn, tôi đem bao cây gai này từ xa lại, và đống gai được bó buộc ký lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ. Bạn hãy tự biết (mà làm)." Và người bạn trước quăng bao bạc và lấy bao vàng.

Cả hai về đến làng của mình. Người bạn đem bao cây gai về, cha mẹ người ấy không được vui vẻ, vợ con người ấy không được vui, bạn bè người ấy không được vui vẻ, và do vậy anh ta không được hạnh phúc, hoan hỷ. Còn người bạn đem bao vàng về, cha mẹ người ấy được vui vẻ, vợ con người ấy được vui vẻ, bạn bè người ấy được vui vẻ và do vậy người ấy được hạnh phúc hoan hỷ.

Cũng vậy Tôn chủ, Ngài nói không khác gì ví dụ người mang bao cây gai. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.

30. - Với ví dụ đầu tiên của Tôn giả Kassapa tôi đã hoan hỷ, thỏa mãn, nhưng tôi muốn nghe những câu hỏi đáp thông minh ấy vì tôi xem Tôn giả Kassapa như người đáng được đối lập. Thật kỳ diệu thay, Tôn giả Kassapa! Thật hy hữu thay, Tôn giả Kassapa! Tôn giả Kassapa, như một người giơ ra vật gì bị che kín, hay như người hướng dẫn cho kẻ bị lạc đường, hay như người đem đèn vào trong bóng tối cho người có mắt được thấy sắc.

Cũng vậy Chánh pháp được Tôn giả Kassapa dùng nhiều phương tiện trình bày. Tôn giả Kassapa, nay con quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ kheo Tăng, Tôn giả Kassapa, hãy nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến trọn đời xin nhận Ngài làm chỗ y chỉ. Tôn giả Kassapa, con muốn tổ chức một đại lễ tế đàn. Tôn giả Kassapa hãy giảng dạy cho con để con được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài.

31. - Này Tôn chủ, tại tế đàn có trâu bò bị giết, hay các loại sinh vật khác bị giết, và những ai tham dự tế đàn ấy là những vị có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, này Tôn chủ, tế đàn ấy không đem lại quả báo lớn, lợi ích lớn, danh tiếng lớn, không được quảng bá rộng lớn.

Này Tôn chủ, cũng như người làm ruộng đi vào rừng đem theo hột giống và cày. Và trên một khoảng đất không cày bừa, không có màu mỡ, giữa những gốc cây chưa được đào lên, người ấy gieo những hột giống xuống, những hột giống ấy bị hư sứt, bị thúi mục, bị gió và sức nóng phá hại, trái mùa, không có điều kiện thuận tiện, và thần mưa không cho mưa đúng thời. Vậy các hột giống ấy có thể lớn lên, trưởng thành lên và sum sê hoa lá lên hoặc người làm ruộng ấy gặt hái được nhiều kết quả không?

- Tôn giả Kassapa, không thể được.

- Cũng vậy, này Tôn giả, tại tế đàn nào có trâu bò bị giết hay các loại dê bị giết, hay gà và heo bị giết, hay các loại sinh vật khác bị giết, và những ai tham dự tế đàn ấy là những vị có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Này Tôn chủ, tế đàn ấy không đem lại quả báo lớn, lợi ích lớn, danh tiếng lớn, không được quảng bá rộng lớn.

Này Tôn chủ, tại tế đàn nào không có trâu bò bị giết, không có các loại dê bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loại sanh vật khác bị giết, và những ai tham dự tế đàn ấy là những vị có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; này Tôn chủ, tế đàn ấy đem lại quả báo lớn, lợi ích lớn, danh tiếng lớn, được quảng bá rộng lớn.

Này Tôn chủ, cũng như một người làm ruộng đi vào rừng đem theo hột giống và cày. Và trên một khoảng đất có cày bừa, có màu mỡ, giữa những gốc cây đã được đào lên, người ấy gieo những hột giống xuống, những hột giống ấy không bị hư sứt, không bị thúi mục, không bị gió và sức nóng phá hại, thuận mùa, có điều kiện thuận lợi và thần mưa cho mưa đúng thời. Vậy các hột giống ấy có thể lớn lên, trưởng thành lên, sum sê hoa lá, hoặc người làm ruộng ấy gặt hái được nhiều kết quả không?

- Tôn giả Kassapa, thật được như vậy.

- Cũng vậy, này Tôn chủ, tại tế đàn nào mà không có trâu bò bị giết, không có các loại dê bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loại sanh vật khác bị giết, và những ai tham dự tế đàn ấy là những vị có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; này Tôn chủ, tế đàn ấy đem lại quả báo lớn, lợi ích lớn, danh tiếng lớn, được quảng bá rộng lớn.

32. Rồi Tôn chủ Pāyāsi tổ chức bố thí cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, cho những người nghèo, những người vô gia cư, những người ăn mày. Trong cuộc bố thí này, các món ăn như thế này được đem cho như cháo, đồ ăn phế thải, vải thô với những viền bằng hình tròn. Trong cuộc bố thí này, có vị thanh niên tên Uttara bị bỏ qua. Sau khi cuộc bố thí đã xong, vị nầy nói ngạo như sau: "Với cuộc bố thí này, ta được gặp Tôn chủ Pāyāsi trong đời này, nhưng không gặp trong đời sau."

Tôn chủ Pāyāsi nghe thanh niên Uttara sau khi cuộc bố thí đã xong, có nói ngạo: "Với cuộc bố thí này, ta được gặp Tôn chủ Pāyāsi trong đời này, nhưng không gặp trong đời sau," liền cho mời thanh niên Uttara và nói:

- Này Thân hữu Uttara, có thật chăng, sau khi cuộc bố thí đã xong, Ngươi có nói ngạo: "Với cuộc bố thí này, ta gặp được Tôn chủ Pāyāsi trong đời này, nhưng không gặp trong đời sau"?

- Thật có vậy, này Tôn chủ!

- Này Thân hữu Uttara, tại sao, sau cuộc bố thí Ngươi lại nói ngạo như vậy: "Với cuộc bố thí này, ta được gặp Tôn chủ Pāyāsi trong đời này, nhưng không gặp trong đời sau"? Này Thân hữu Uttara, có phải chúng ta đi tìm công đức đều trông mong kết quả của cuộc bố thí?

- Này Tôn chủ, trong cuộc bố thí của Ngài, các món ăn như thế này được đem cho như cháo, đồ ăn phế thải, các món ăn này được Ngài không muốn lấy bàn chân của Ngài đụng đến, huống nữa là ăn; vải thô với những nền bằng hình tròn, các thứ vải này Ngài không muốn lấy bàn chân của Ngài đụng đến, huống nữa là mặc. Tôn chủ, Ngài là người thân và kính mến của chúng tôi. Như thế nào, chúng tôi có thể phối hợp cái gì thân yêu và kính mến với cái gì không thân yêu?

- Vậy này Thân hữu Uttara, hãy phân phát các món ăn giống như các món tôi ăn, hãy phân phát các vải mặc, giống như các thứ vải mà tôi mặc.

- Xin vâng, Tôn chủ!
Thanh niên Uttara vâng theo lời Tôn chủ Pāyāsi, đem phân phát những món ăn giống như các món tôn chủ Pāyāsi ăn, đem phân phát các thứ vải, giống như các thứ vải tôn chủ Pāyāsi mặc.

Tôn chủ Pāyāsi vì đã bố thí không được cho hoàn vị, vì đã bố thí không tự tay mình làm, vì đã bố thí không có suy tư, vì đã bố thí các đồ vật phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương, trong cung điện trống không của Serīsaka.

Còn thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách hoàn bị, vì đã bố thí tự tay mình làm, vì đã bố thí có suy tư, vì đã bố thí các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên.

33. Lúc bấy giờ tôn giả Gavampati (Ngưu Chủ) thường hay đi nghỉ trưa trong cung điện trống không của Serīsaka. Nay Thiên tử Pāyāsi đi đón tôn giả Gavampati, đảnh lễ ngài, và đứng một bên. Tôn giả Gavampati nói với Thiên tử Pāyāsi đang đứng một bên:

- Bạch Tôn giả, con là tôn chủ Pāyāsi.

- Này Hiền giả, có phải Ngươi có tà kiến như sau: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo"?

- Bạch Tôn giả, con có tà kiến như vậy: "Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiên ác không có quả báo", nhưng nhờ tôn giả Kumāra Kassapa, con tự thoát ly ra khỏi ác tà kiến ấy.

- Này Hiền giả, còn thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố thí này, được thác sanh ở đâu?

- Bạch Tôn giả, thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách hoàn bị, vì đã bố thí tự tay mình làm, vì đã bố thí có suy tư, vì đã bố thí các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên.

Còn con, vì đã bố thí không tự tay mình làm, vì đã bố thí không có suy tư, vì đã bố thí các đồ phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương, trong cung điện trống không của Serīsaka.

Do vậy, bạch Tôn giả Gavampati, hãy đi đến thế giới loài Người và nói như sau: "Hãy bố thí một cách hoàn bị, hãy bố thí với tự tay mình làm, hãy bố thí một cách có suy tư, hãy bố thí với đồ không phế thải.

Tôn chủ Pāyāsi, vì bố thí không hoàn bị, vì bố thí không tự tay mình làm, vì bố thí không có suy tư, vì bố thí các đồ phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương trong cung điện trống không của Serīsaka.

Còn thanh niên Uttara, bị bỏ qua trong cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách hoàn bị, vì đã bố thí tự tay mình làm, vì bố thí một cách có suy tư, vì bố thí các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên".

34. Rồi Tôn giả Gavampati đi vào trong thế giới loài Người và nói như sau: "Hãy bố thí một cách hoàn bị. Hãy bố thí với tự tay mình làm. Hãy bố thí một cách có suy tư. Hãy bố thí các đồ không phế thải.

Tôn chủ Pāyāsi, vì bố thí không hoàn bị, vì bố thí không tự tay mình làm, vì bố thí không có suy tư, vì bố thí đồ phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương, trong cung điện trống không của Serīsaka.

Còn thanh niên Uttara, bị bỏ qua trong một cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách có hoàn bị, vì đã bố thí với tự tay mình làm, vì đã bố thí một cách suy tư, vì đã bố thí với các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên".


23. About Pāyāsi - Debate with a Sceptic

Translated by: Maurice Walshe

[316] 1. THUS HAVE I HEARD. Once the Venerable Kumāra-Kassapa 710 was touring round Kosala with a large company of about five hundred monks, and he came to stay at a town called Setavyā. He stayed to the north of Setavyā in the Siṁsapā Forest.711 And at that time Prince Pāyāsi was living at Setavyā, a populous place, full of grass, timber, water and corn, which had been given to him by King Pasenadi of Kosala as a royal gift and with royal powers.712

2. And Prince Pāyāsi developed the following evil opinion: ‘There is no other world, there are no spontaneously born beings, there is no fruit or result [317] of good or evil deeds.’713 Meanwhile, the Brahmins and householders of Setavyā heard the news: ‘The ascetic Kumāra-Kassapa, a disciple of the ascetic Gotama, is touring round Kosala with a large company of about five hundred monks; he has arrived at Setavyā and is staying to the north of Setavyā in the Siṁsapā Forest;

and concerning the Reverend Kassapa a good report has been spread about: “He is learned, experienced, wise, well-informed, a fine speaker, able to give good replies, venerable, an Arahant.” And it is good to see such Arahants.’ And so the Brahmins and householders of Setavyā, leaving Setavyā by the north gate in large numbers, made for the Siṁsapā Forest.

3. And just then, Prince Pāyāsi had gone up to the verandah for his midday rest. Seeing all the Brahmins and householders making for the Simsapa Forest, he asked his steward why. [318] The steward said:



‘Sir, it is the ascetic Kumāra-Kassapa, a disciple of the ascetic Gotama, ... and concerning him a good report has been spread about... That is why they are going to see him.’

‘Well then, steward, you go to the Brahmins and householders of Setavyā and say: “Gentlemen, Prince Pāyāsi says: ‘Please wait, the Prince will come to see the ascetic Kumara-Kassapa.’” Already this ascetic Kumāra-Kassapa has been teaching these foolish and inexperienced Brahmins and householders of Setavyā that there is another world, that there are spontaneously born beings, and that there is fruit and result of good and evil deeds. But no such things exist.’

‘Very good, sir’, said the steward, and delivered the message.



4. Then Prince Pāyāsi, accompanied by the Brahmins and householders of Setavyā, went to the Simsapa Forest where the Venerable Kumāra-Kassapa was. Having exchanged courtesies with the Venerable Kumara Kassapa, [319] he sat down to one side. And some of the Brahmins and householders saluted the Venerable Kumāra-Kassapa and then sat down to one side, while some first exchanged courtesies with him, some saluted him with joined palms, some announced their name and clan, and some silently sat down to one side.

5. Then Price Pāyāsi said to the Venerable Kumāra-Kassapa:

‘Reverend Kassapa, I hold to this tenet and this view: There is no other world, there are no spontaneously born beings, there is no fruit or result of good or evil deeds.’

‘Well, Prince, I have never seen or heard of such a tenet or view as you declare. And so, Prince, I will question you about it, and you shall reply as you think fit. What do you think, Prince? Are the sun and the moon in this world or another, are they gods or humans?’

‘Reverend Kassapa, they are in another world, and they are gods, not humans.’

‘In the same way, Prince, you should consider: “There is another world, there are spontaneously born beings, there is fruit and result of good and evil deeds.′′′

6. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reasons for this assertion, Prince?’ [320]

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘How is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, I have friends, colleagues and blood-relations who take life, take what is not given, commit sexual offences, tell lies, use abusive, harsh and frivolous speech, who are greedy, full of hatred and hold wrong views. Eventually they become ill, suffering, diseased.

And when I am sure they will not recover, I go to them and say: “There are certain ascetics and Brahmins who declare and believe that those who take life, ... hold wrong views will, after death at the breaking-up of the body, be born in a state of woe, an evil place, a place of punishment, in hell.

Now you have done these things, and if what these ascetics and Brahmins say is true, that is where you will go. Now if, after death, you go to a state of woe, ... come to me and declare that there is another world, there are spontaneously born beings, there is fruit and result of good and evil deeds.

You, gentlemen, are trustworthy and dependable, and what you have seen shall be as if I had seen it myself, so it will be.” But although they agreed, [321] they neither came to tell me, nor did they send a messenger. That, Reverend Kassapa, is my reason for maintaining: “There is no other world, there are no spontaneously born beings, there is no fruit or result of good or evil deeds.”’

7. ‘As to that, Prince, I will question you about it, and you shall reply as you think fit. What do you think, Prince? Suppose they were to bring a thief before you caught in the act, and say: “This man, Lord, is a thief caught in the act. Sentence him to any punishment you wish.” And you might say: “Bind this man’s arms tightly behind him with a strong rope, shave his head closely, and lead him to the rough sound of a drum through the streets and squares and out through the southern gate, and there cut off his head.” And they, saying: “Very good” in assent, might... lead him out through the southern gate, and there cut off his head.”

Now if that thief were to say to the executioners: ”Good executioners, in this town or village I have friends, colleagues and blood-relations, please wait till I have visited them”, would he get his wish? [322] Or would they just cut off that talkative thief’s head?’

‘He would not get his wish, Reverend Kassapa. They would just cut off his head.’

‘So, Prince, this thief could not get even his human executioners to wait while he visited his friends and relations. So how can your friends, colleagues and blood-relations who have committed all these misdeeds, having died and gone to a place of woe, prevail upon the warders of hell, saying: “Good warders of hell, please wait while we report to Prince Pāyāsi that there is another world, there are spontaneously born beings, and there is fruit and result of good and evil deeds”? Therefore, Prince, admit that there is another world...’

8. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, I have friends ... who abstain from taking life, from taking what is not given, from committing sexual [323] offences, from telling lies or using abusive, harsh and frivolous speech, who are not greedy or full of hatred and who have right views.714

Eventually they become ill... and when I am sure they will not recover, I go to them and say: “There are certain ascetics and Brahmins who declare and believe that those who abstain from taking life ... and have right views will, after death at the breaking-up of the body, be born in a happy state, a heavenly world. Now you have refrained from doing these things, and if what these ascetics and Brahmins say is true, that is where you will go.

Now if, after death, you go to a happy state, a heavenly world, come to me and declare that there is another world...You, gentlemen, are trustworthy and dependable, and what you have seen shall be as if I had seen it myself, so it will be.” But although they agreed, they neither came to me, nor did they send a messenger. That, Reverend Kassapa, is my reason for maintaining: [324] “There is no other world...′′′

9. ‘Well then, Prince, I will give you a parable, because some wise people understand what is said by means of parables.

Suppose a man had fallen head first into a cesspit, and you were to say to your men: “Pull that man out of the cesspit! ” and they would say: “Very good”, and do so.

Then you would tell them to clean his body thoroughly of the filth with bamboo scrapers, and then to give him a triple shampoo with yellow loam. Then you would tell them to anoint his body with oil and then to clean him three times with fine soap-powder. Then you would tell them to dress his hair and beard, and to adorn him with fine garlands, ointments and clothes. 1325]

Finally you would tell them to lead him up to your palace and let him indulge in the pleasures of the five senses, and they would do so. What do you think, Prince? Would that man, having been well washed, with his hair and beard dressed, adorned and garlanded, clothed in white, and having been conveyed up to the palace, enjoying and revelling in the pleasures of the five senses, want to be plunged once more into that cesspit?’

‘No, Reverend Kassapa.’

‘Why not?’

‘Because that cesspit is unclean and considered so, evil-smelling, horrible, revolting, and generally considered to be so.’

‘In just the same way, Prince, human beings are unclean, evil-smelling, horrible, revolting and generally considered to be so by the devas. So why should your friends ... who have not committed any of the offences... (as verse 8), and who have after death been born in a happy state, a heavenly world, come back and say: “There is another world,... there is fruit [326] of good and evil deeds”? Therefore, Prince, admit that there is another world...’

10. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, I have friends who abstain ... from telling lies, from strong drink and sloth-inducing drugs. Eventually they become ill...

“There are certain ascetics and Brahmins who declare and believe that those who abstain from taking life... and sloth-producing drugs will... be born in a happy state, in a heavenly world, as companions of the Thirty-Three Gods... ′′[327]



But although they agreed, they neither came to tell me, nor did they send a messenger. That, Reverend Kassapa, is my reason for maintaining: “There is no other world...′′′

11. ‘As to that, Prince, I will question you about it, and you shall answer as you think fit. That which is for human beings, Prince, a hundred years is for the Thirty-Three Gods one day and night. Thirty of such nights make a month, twelve such months a year, and a thousand such years are the life-span of the Thirty-Three Gods.

Now suppose they were to think: “After we have indulged in the pleasures of the five senses for two or three days we will go to Pāyāsi and tell him there is another world, there are spontaneously born beings, there is fruit and result of good and evil deeds”, would they have done so?’



‘No, Reverend Kassapa, because we should be long-since dead. But, Reverend Kassapa, who has told you that the Thirty-Three Gods exist, and that they are so long-lived? I don’t [328] believe the Thirty-Three Gods exist or are so long-lived.’

‘Prince, imagine a man who was blind from birth and could not see dark or light objects, or blue, yellow, red or crimson ones, could not see the smooth and the rough, could not see the stars and the moon.

He might say: “There are no dark and light objects and nobody who can see them, ... there is no sun or moon, and nobody who can see them. I am not aware of this thing, and therefore it does not exist.” Would he be speaking rightly, Prince?’

‘No, Reverend Kassapa. There are dark and light objects ... , [329] there is a sun and a moon, and anyone who said: “I am not aware of this thing, I cannot see it, and therefore it does not exist” would not be speaking rightly.’

‘Well, Prince, it appears that your reply is like that of the blind man when you ask how I know about the Thirty-Three Gods and their longevity.

Prince, the other world cannot be seen the way you think, with the physical eye. Prince, those ascetics and Brahmins who seek in the jungle-thickets and the recesses of the forest for a resting-place that is quiet, with little noise — they stay there unwearied, ardent, restrained, purifying the divine eye,715 and with that purified divine eye that exceeds the powers of human sight, they see both this world and the next, and spontaneously born beings.

That, Prince, is how the other world can be seen, and not the way you think, with the physical eye. Therefore, Prince, admit that there is another world, that there are spontaneously born beings, and that there is fruit and result of good and evil deeds.’

12. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, [330] I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Well, Reverend Kassapa, I see here some ascetics and Brahmins who observe morality and are well-conducted, who want to live, do not want to die, who desire comfort and hate suffering.

And it seems to me that if these good ascetics and Brahmins who are so moral and well-conducted know that after death they will be better off, then these good people would now take poison, take a knife and kill themselves, hang themselves or jump off a cliff. But though they have such knowledge, they still want to live, do not want to die, they desire comfort and hate suffering. And that, Reverend Kassapa, is my reason for maintaining: “There is no other world...”’

13. ‘Well then, Prince, I will give you a parable, because some wise people understand what is said by means of parables.

Once upon a time, Prince, a certain Brahmin had two wives. One had a son ten or twelve years old, while the other was pregnant and nearing her time when the Brahmin died. Then this youth said to his mother’s co-wife: “Lady, whatever wealth and possessions, silver or gold, there may be, is all [331] mine. My father made me his heir.” At this the Brahmin lady said to the youth: “Wait, young man, until I give birth. If the child is a boy, one portion will be his, and if it is a girl, she will become your servant.”

The youth repeated his words a second time, and received the same reply.

When he repeated them a third time, the lady took a knife and, going into an inner room, cut open her belly, thinking: “If only I could find out whether it is a boy or a girl!” And thus she destroyed herself and the living embryo, and the wealth as well, just as fools do who seek their inheritance unwisely, heedless of hidden danger.

‘In the same way you, Prince, will foolishly enter on hidden dangers by unwisely seeking for another [332] world, just as that Brahmin lady did in seeking her inheritance. But, Prince, those ascetics and Brahmins who observe morality and are well-conducted do not seek to hasten the ripening of that which is not yet ripe, but rather they wisely await its ripening.

Their life is profitable to those ascetics and Brahmins, for the longer such moral and well-conducted ascetics and Brahmins remain alive, the greater the merit that they create; they practise for the welfare of the many, for the happiness of the many, out of compassion for the world, for the profit and benefit of devas and humans. Therefore, Prince, admit that there is another world...’

14. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, take the case that they bring a thief before me, caught in the act and say: “Here, Lord, is a thief caught in the act, sentence him to whatever punishment you wish.” And I say: “Take this man and put him alive in a jar. Seal the mouth and close it with a damp skin, give it a thick covering of damp clay, [333] put it in an oven and light the fire.” And they do so.

When we are sure the man is dead, we remove the jar, break the clay, uncover the mouth, and watch carefully: “Maybe we can see his soul716 escaping.” But we do not see any soul escaping, and that is why, Reverend Kassapa, I believe there is no other world...’

15. ‘As to that, Prince, I will question you about it, and you shall reply as you think fit. Do you admit that when you have gone for your midday rest you have seen pleasant visions of parks, forests, delightful country and lotus-ponds?’

‘I do, Reverend Kassapa.’

‘And at that time are you not watched over by hunchbacks, dwarfs, young girls and maidens?’

‘I am, Reverend Kassapa.’

‘And do they observe your soul entering or leaving your body?’ [334]

‘No, Reverend Kassapa.’

‘So they do not see your soul entering or leaving your body even when you are alive. Therefore how could you see the soul of a dead man entering or leaving his body? Therefore, Prince, admit that there is another world...’

16. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, take the case that they bring a thief before me... and I say: “Weigh this man on the scales alive, then strangle him, and weigh him again.” And they do so. As long as he was alive, he was lighter, softer and more flexible, but when he was dead he was heavier, stiffer717 and more inflexible. And that, Reverend Kassapa, is my reason for maintaining that there is no other world...’

17. ‘Well then, Prince, I will give you a parable... [335]

Suppose a man weighed an iron ball that had been heated all day, blazing, burning fiercely, glowing. And suppose that after a time, when it had grown cold and gone out, he weighed it again. At which time would it be lighter, softer and more flexible: when it was hot, burning and glowing, or when it was cold and extinguished?’

‘Reverend Kassapa, when that ball of iron is hot, burning and glowing with the elements of fire and air, then it is lighter, softer and more flexible. When, without those elements,718 it has grown cold and gone out, it is heavier, stiffer and more inflexible.’

‘Well then, Prince, it is just the same with the body. When it has life, heat and consciousness, it is lighter, softer and more flexible. But when it is deprived of life, heat and consciousness, it is heavier, stiffer and more inflexible. In the same way, Prince, you should consider: “There is another world...′′′

18. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, take the case of a thief that they bring before me... [336] and I say: “Kill this man without wounding his cuticle, skin, flesh, sinews, bones or marrow′′,719 and they do so.

When he is half-dead, I say: “Now lay this man on his back, and perhaps we shall be able to see his soul emerging.” They do so, but we cannot see his soul emerging. Then I say: “Turn him face downwards,... on his side, ... on the other side,... stand him up,... stand him on his head,... thump him with your fists,... stone him,... hit him with sticks,... strike him with swords,... shake him this way and that, and perhaps we shall be able to see his soul emerging.”

And they do all these things, but although he has eyes he does not perceive objects or their spheres,720 although he has ears he does not hear sounds..., although he has a nose he does not smell smells..., although he [337] has a tongue he does not taste tastes..., although he has a body he does not feel tangibles or their spheres. And that is why, Reverend Kassapa, I believe there is no other world...’

19. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once there was a trumpeter who took his trumpet721 and went into the border country.722 On coming to a village, he stood in the village centre, blew his trumpet three times and then, putting it down on the ground, sat down to one side. Then, Prince, those border folk thought: “Where does that sound come from that is so delightful, so sweet, so intoxicating, so compelling, so captivating?”

They addressed the trumpeter and asked him about this. “Friends, this trumpet is where those delightful sounds come from.” So then they laid the trumpet on its back, crying: “Speak, mister trumpet, speak!” But the trumpet never uttered a sound. Then they turned it face downwards,...on its side,... on its other side,... stood it up,... stood it on its head, . . . [338] thumped it with their fists,... stoned it,... beat it with sticks,... struck it with swords,... shook it this way and that, crying: “Speak, mister trumpet, speak!”

But the trumpet never uttered a sound. The trumpeter thought: “What fools these border folk are! How stupidly they search for the sound of the trumpet!” And as they watched him, he took the trumpet, blew it three times, and went away. And those border folk thought: “It seems that when the trumpet is accompanied by a man, by effort, and by the wind, then it makes a sound. But when it is not accompanied by a man, by effort, and by the wind, then it makes no sound.”

‘In the same way, Prince, when this body has life, heat and consciousness, then it goes and comes back, stands and sits and lies down, sees things with its eyes, hears with its ears, smells with its nose, tastes with its tongue, feels with its body, and knows mental objects with its mind. But when it has no life, heat or consciousness, it does none of these things. In the same way, Prince, you should consider: “There is another world...′′′

20. ‘Whatever you may say about that, Reverend Kassapa, [339] I still think there is no other world...’

‘Have you any reason for this assertion, Prince?’

‘I have, Reverend Kassapa.’

‘What is that, Prince?’

‘Reverend Kassapa, take the case of a thief they bring before me... and I say: “Strip away this man’s outer skin, and perhaps we shall be able to see his soul emerging.” Then I tell them to strip away his inner skin, his flesh, sinews, bones, bone-marrow... but still we cannot see any soul emerging. And that is why, Reverend Kassapa, I believe there is no other world...’

21. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once there was a matted-haired fire-worshipper723 who dwelt in the forest in a leaf-hut. And a certain tribe was on the move, and its leader stayed for one night near the fire-worshipper’s dwelling, and then left.

So the fire-worshipper thought [340] he would go to the site to see if he could find anything he could make use of. He got up early and went to the site, and there he saw a tiny delicate baby boy lying abandoned on his back. At the sight he thought: “It would not be right for me to look on and let a human being die. I had better take this child to my hermitage, take care of him, feed him and bring him up.” So he did so.

When the boy was ten or twelve, the hermit had some business to do in the neighbourhood. So he said to the boy: “I want to go to the neighbourhood, my son. You look after the fire and don′t let it go out. If it should go out, here is an axe, here are some sticks, here are the fire-sticks, so you can relight the fire and look after it.” Having thus instructed the boy, the hermit went into the neighbourhood.

But the boy, being absorbed in his games, let the fire go out. Then he thought: “Father said: ’... here is an axe ... so you can relight the fire and look after it.’ Now I’d better do so!” [341] So he chopped up the fire-sticks with the axe, thinking: “I expect I’ll get a fire this way.” But he got no fire. He cut the fire-sticks into two, into three, into four, into five, ten, a hundred pieces, he splintered them, he pounded them in a mortar, he winnowed them in a great wind, thinking: “I expect I’ll get a fire this way.”

But he got no fire, and when the hermit came back, having finished his business, he said: “Son, why have you let the fire go out?” and the boy told him what had happened.

The hermit thought: “How stupid this boy is, how senseless! What a thoughtless way to try to get a fire!′′ So, while the boy looked on, he took the fire-sticks and rekindled the fire, saying: ”Son, that’s the way [342] to rekindle a fire, not the stupid, senseless, thoughtless way you tried to do it!”

In just the same way, Prince, you are looking foolishly, senselessly and unreasonably for another world. Prince, give up this evil viewpoint, give it up! Do not let it cause you misfortune and suffering for a long time!’

22. ‘Even though you say this, Reverend Kassapa, still I cannot bear to give up this evil opinion. King Pasenadi of Kosala knows my opinions, and so do kings abroad. If I give it up, they will say: ′′What a fool Prince Pāyāsi is, how stupidly he grasps at wrong views!” I will stick to this view out of anger, contempt and spite!’

23. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once, Prince, a great caravan of a thousand carts was travelling from east to west. And wherever they went, they rapidly consumed all the grass, wood and greenstuff. Now this caravan had two leaders, each [343] in charge of five hundred carts.

And they thought: “This is a great caravan of a thousand carts. Wherever we go we use up all the supplies. Perhaps we should divide the caravan into two groups of five hundred carts each”, and they did so.

Then one of the leaders collected plenty of grass, wood and water, and set off. After two or three days’ journey he saw a dark red-eyed man coming towards him wearing a quiver and a wreath of white water-lilies, with his clothes and hair all wet, driving a donkey-chariot whose wheels were splashed with mud. On seeing this man, the leader said:

“Where do you come from, sir?”

“From such-and-such.”

“And where are you going?”

“To so-and-so.”

“Has there been much rainfall in the jungle ahead?”

“Oh yes, sir, there has been a great deal of rain in the jungle ahead of you, the roads are well watered and there is plenty of grass, [344] wood and water. Throw away the grass, wood and water you have already got, sir! You will make rapid progress with lightly-laden carts, so do not tire your draught-oxen!”

The caravan-leader told the carters what the man had said:

″Throw away the grass, wood and water...”, and they did so.





But at the first camping-place they did not find any grass, wood or water, nor at the second, the third, fourth, fifth, sixth or seventh, and thus they all came to ruin and destruction. And whatever there was of them, men and cattle, they were all gobbled up by that yakkha-spirit, 724 and only their bones remained.725

‘And when the leader of the second caravan was sure the first caravan had gone forward far enough, he stocked up with plenty of grass, wood and water. After two or three days’ journey this leader saw a dark red-eyed man coming towards him... [345]







who advised him to throw away his stocks of grass, wood and water. Then the leader said to the carters: “This man told us that we should throw away the grass, wood and water we already have. But he is not one of our friends and relatives, so why should we trust him? So do not throw away the grass, wood and water we have; let the caravan continue on its way with the goods we have brought, and do not throw any of them away!”

The carters agreed and did as he said. And at the first camping-place they did not find any grass, [346] wood or water, nor at the second, the third, fourth, fifth, sixth or seventh, but there they saw the other caravan that had come to ruin and destruction, and they saw the bones of those men and cattle that had been gobbled up by the yakkha-spirit.

Then the caravan leader said to the carters:

“That caravan came to ruin and destruction through the folly of its leader. So now let us leave behind such of our goods as are of little value, and take whatever is of greater value from the other caravan.”

And they did so. And with that wise leader they passed safely through the jungle.

‘In the same way you, Prince, will come to ruin and destruction if you foolishly and unwisely seek the other world in the wrong way. Those who think they can trust anything they hear are heading for ruin and destruction just like those carters. Prince, give up this evil viewpoint, give it up! Do not let it cause you misfortune and suffering for a long time!’

24. ‘Even though you say this, Reverend Kassapa, still I cannot bear to give up this evil opinion... [347] If I give it up, they will say: “What a fool Prince Pāyāsi is ...”’

25. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once there was a swineherd who was going from his own village to another. There he saw a heap of dry dung that had been thrown away, and he thought: “There’s a lot of dry dung somebody’s thrown away, that would be food for my pigs. I ought to carry it away. And he spread out his cloak, gathered up the dung in it, made it into a bundle and put it on his head, and went on.

But on his way back there was a heavy shower of unseasonable rain, and he went on his way bespattered with oozing, dripping dung to his finger-tips, and still carrying his load of dung. Those who saw him said: “You must be mad! You must be crazy! Why do you go along carrying that load of dung that’s oozing and dripping all over you down to your finger-tips?”

“You’re the ones that are mad! You’re the ones that are crazy! [348] This stuff is food for my pigs.” Prince, you speak just like the dung-carrier in my parable. Prince, give up this evil viewpoint, give it up! Do not let it cause you misfortune and suffering for a long time!’

26. ‘Even though you say this, Reverend Kassapa, still I cannot bear to give up this evil opinion... If I give it up, they will say: “What a fool Prince Pāyāsi is...”’

27. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once there were two gamblers using nuts as dice. One of them, whenever he got the unlucky dice, swallowed it. The other noticed what he was doing, and said: “Well, my friend, you’re the winner all right! Give me the dice and I will make an offering of them.”

“All right”, said the first, and gave them to him. Then that one filled the dice with poison and then said: “Come on, let’s have a game!”

The other agreed, they played again, and once again the one player, whenever [349] he got the unlucky dice, swallowed it. The second watched him do so, and then uttered this verse:

“The dice is smeared with burning stuff, Though the swallower doesn’t know.

Swallow, cheat, and swallow well —
Bitter it will be like hell!”

Prince, you speak just like the gambler in my parable. Prince, give up this evil viewpoint, give it up! Do not let it cause you misfortune and suffering for a long time!’

28. ‘Even though you say this, Reverend Kassapa, still I cannot bear to give up this evil opinion... If I give it up, they will say: “What a fool Prince Pāyāsi is . . .”’

29. ‘Well then, Prince, I will give you a parable...

Once the inhabitants of a certain neighbourhood migrated. And one man said to his friend: “Come along, let’s go to that neighbourhood, we might find something valuable!” His friend agreed, so they went to that district, and came to a village street. [350] And there they saw a pile of hemp that had been thrown away, and one said: “Here’s some hemp. You make a bundle, I’ll make a bundle, and we’ll both carry it off.” The other agreed, and they did so.

Then, coming to another village street, they found some hemp-thread, and one said: “This pile of hemp-thread is just what we wanted the hemp for. Let’s each throw away our bundle of hemp, and we’ll go on with a load of hemp-thread each.” “I’ve brought this bundle of hemp a long way and it’s well tied up. That will do for me — you do as you like!” So his companion threw away the hemp and took the hemp-thread.

‘Coming to another village street, they found some hemp-cloth, and one said: “This pile of hemp-cloth is just what we wanted the hemp or hemp-thread for. You throw away your load of hemp and I’ll throw away my load of hemp-thread, and we’ll go on with a load of hemp-cloth each.” But the other replied as before, so the one companion threw away the hemp-thread and took the hemp-cloth. [351]

In another village they saw a pile of flax..., in another, linen-thread..., in another, linen-cloth..., in another, cotton..., in another, cotton-thread..., in another, cotton-cloth..., in another, iron..., in another, copper..., in another, tin..., in another, lead..., in another, silver..., in another, gold.

Then one said: “This pile of gold is just what we wanted the hemp, hemp-thread, hemp-cloth, flax, linen-thread, linen-cloth, cotton, cotton-thread, cotton-cloth, iron, copper, tin, lead, silver for. You throw away your load of hemp and I’ll throw away my load of silver, and we’ll both go on with a load of gold each.”

“I’ve brought this load of hemp a long way and it’s well tied up. That will do for me — you do as you like!” And this companion threw away the load of silver and took the load of gold.

‘Then they came back to their own village. And there the one who brought a load of hemp gave no pleasure to his parents, nor to his wife and children, nor to his friends and colleagues, and he did not even get any joy or [352] happiness from it himself. But the one who came back with a load of gold pleased his parents, his wife and children, his friends and colleagues, and he derived joy and happiness from it himself as well.

‘Prince, you speak just like the hemp-bearer in my parable. Prince, give up this evil view, give it up! Do not let it cause you misfortune and suffering for a long time!’

30. ‘I was pleased and delighted with the Reverend Kassapa’s first parable, and I wanted to hear his quick-witted replies to questions, because I thought he was a worthy opponent. 726 Excellent, Reverend Kassapa, excellent! It is as if someone were to set up what had been knocked down, or to point out the way to one who had got lost, or to bring an oil-lamp into a dark place, so that those with eyes could see what was there.

Just so has the Reverend Kassapa expounded the Dhamma in various ways. And I, Reverend Kassapa, go for refuge to the Blessed Lord, to the Dhamma, and to the Sangha. May the Reverend Kassapa accept me from this day forth as a lay-follower as long as life shall last! And, Reverend Kassapa, I want to make a great sacrifice. Instruct me, Reverend Kassapa, how this may be to my lasting benefit and happiness.’

31. ‘Prince, when a sacrifice is made at which oxen are slain, or goats, fowl or pigs, or various creatures are slaughtered,727 and the participants [353] have wrong view, wrong thought, wrong speech, wrong action, wrong livelihood, wrong effort, wrong mindfulness and wrong concentration, then that sacrifice is of no great fruit or profit, it is not very brilliant and has no great radiance.

Suppose, Prince, a farmer went into the forest with plough and seed, and there, in an untilled place with poor soil from which the stumps had not been uprooted, were to sow seeds that were broken, rotting, ruined by wind and heat, stale, and not properly embedded in the soil, and the rain-god did not send proper showers at the right time — would those seeds germinate, develop and increase, and would the farmer get an abundant crop?’

‘No, Reverend Kassapa.’

‘Well then, Prince, it is the same with a sacrifice at which oxen are slain,... where the participants have wrong view, ... wrong concentration. But when none of these creatures are put to death, and the participants have right view, right thought, right speech, right action, right livelihood, right effort, right mindfulness, right concentration, then that sacrifice is of great fruit and profit, it is brilliant and of great radiance.



Suppose, Prince, a farmer went into the forest with plough and seed, and there, in a well-tilled place with good soil from which the stumps had been uprooted, were to sow seeds [354] that were not broken, rotting, ruined by wind and heat, or stale, and were firmly embedded in the soil, and the rain-god were to send proper showers at the right time — would those seeds germinate, develop and increase, and would the farmer get an abundant crop?’

‘He would, Reverend Kassapa.’

‘In the same way, Prince, at a sacrifice at which no oxen are slain,... where the participants have right view,...right concentration, then that sacrifice is of great fruit and profit, it is brilliant and of great radiance.’

32. Then Prince Pāyāsi established a charity for ascetics and Brahmins, wayfarers, beggars and the needy. And there such food was given out as broken rice with sour gruel, and also rough clothing with ball-fringes.728 And a young Brahmin called Uttara was put in charge of the distribution.729 Referring to it, he said: ‘Through this charity I have been associated with Prince Pāyāsi in this world, but not in the next.’

And Prince Pāyāsi heard of his words, [355] so he sent for him and asked him if he had said that.



‘Yes, Lord.’

‘But why did you say such a thing? Friend Uttara, don’t we who wish to gain merit expect a reward for our charity?’

‘But, Lord, the food you give — broken rice with sour gruel — you would not care to touch it with your foot, much less eat it! And the rough clothes with ball-fringes - you would not care to set foot on them, much less wear them! Lord, you are kind and gentle to us, so how can we reconcile such kindness and gentleness with unkindness and roughness?’

‘Well then, Uttara, you arrange to supply food as I eat and clothes such as I wear.’

‘Very good, Lord’, said Uttara, and he did so.730 [356]

And Prince Pāyāsi, because he had established his charity grudgingly, not with his own hands, and without proper concern, like something casually tossed aside, was reborn after his death, at the breaking-up of the body, in the company of the Four Great Kings, in the empty Serīsaka mansion.

But Uttara, who had given the charity ungrudgingly, with his own hands and with proper concern, not as something tossed aside, was reborn after death, at the breaking-up of the body, in a good place, a heavenly realm, in the company of the Thirty-Three Gods.

33. Now at that time the Venerable Gavampati731 was accustomed to go to the empty Serīsaka mansion for his midday rest. And Pāyāsi of the devas went to the Venerable Gavampati, saluted him, and stood to one side. And the venerable Gavampati said to him, as he stood there: ‘Who are you, friend?’

‘Lord, I am Prince Pāyāsi.’

‘Friend, are you not the one who used to say: “There is no other world, there are no spontaneously born beings, there is no fruit or result of good or evil deeds”?’

‘Yes, Lord, I am the one who used to say that, but I [357] was converted from that evil view by the Noble Kumāra-Kassapa.’

‘And where has the young Brahmin Uttara, who was in charge of the distribution of your charity, been reborn? ’

‘Lord, he who gave the charity ungrudgingly... was reborn in the company of the Thirty-Three Gods,

but I, who gave grudgingly,... have been reborn here in the empty Serīsaka mansion.

Lord, please, when you return to earth, tell people to give ungrudgingly ... and inform them of the way in which Prince Pāyāsi and the young Brahmin Uttara have been reborn.’





34. And so the Venerable Gavampati, on his return to earth, declared: ‘You should give ungrudgingly, with your own hands, with proper concern, not carelessly.

Prince Pāyāsi did not do this, and at death, at the breaking-up of the body, he was reborn in the company of the Four Great Kings in the empty Serīsaka mansion, whereas the administrator of his charity,

the young Brahmin Uttara, who gave ungrudgingly, with his own hands, with proper concern and not carelessly, was reborn in the company of the Thirty-Three Gods.’




Close
Close