(Ditthijāla Sutta)
Dịch giả: Thuần Việt

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

1. Duyên khởi
1.1. Câu chuyện của ngoại đạo


Đúng thật tôi được nghe thế này. Khi ấy, đức Thế Tôn cùng 500 vị tỳ-kheo đang trên đường từ Rājagaha (Vương Xá) đến Nalanda.
Lúc ấy, thầy ngoại đạo Suppiya và đệ tử là thanh niên Brahmadatta cùng đi trên đường, theo sau đức Thế Tôn. Thầy ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, còn người đệ tử Brahmadatta thì dùng đủ mọi lời để xưng tán Phật, Pháp và Tăng đoàn. Như vậy, họ nói ra những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Phật và các vị tỳ-kheo.

Rồi đức Thế Tôn và chúng tỳ-kheo đến nghỉ đêm tại Ambalaṭṭhikā, trong nhà nghỉ do đức vua xây dựng. Thầy ngoại đạo Suppiya và người đệ tử Brahmadatta cũng đến nghỉ đêm tại Ambalaṭṭhikā, trong nhà nghỉ do đức vua xây dựng. Tại đây, Suppiya tiếp tục nói ra đủ mọi lời hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, trong khi Brahmadatta thì nói ra đủ mọi lời xưng tán. Như vậy, họ tiếp tục nói ra những lời trái ngược nhau.

Lúc vừa rạng sáng, có nhiều vị tỳ-kheo sau khi thức dậy cùng đến ngồi trong giảng đường hình tròn và bàn luận như sau:

- Này các thầy, thật kỳ diệu, hiếm có thay! Đức Thế Tôn là bậc thấy biết tất cả, bậc A-la-hán, bậc Giác ngộ Vô thượng, thấu hiểu mọi khuynh hướng sai khác của chúng sanh. Vậy mà ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, trong khi đệ tử ông ấy lại dùng đủ mọi lời xưng tán. Như vậy, họ đã nói những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Thế Tôn và chúng ta.

Lúc ấy, đức Thế Tôn biết được câu chuyện đang bàn luận giữa các vị tỳ-kheo, liền đi đến giảng đường hình tròn và ngồi xuống chỗ đã được dành sẵn rồi hỏi các vị tỳ-kheo:

- Này các tỳ-kheo, các thầy đang bàn luận chuyện gì ở đây? Có chuyện gì các thầy chưa nói xong?

Khi được hỏi, các vị tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lúc vừa rạng sáng, chúng con thức dậy, đến ngồi trong giảng đường hình tròn này và bàn luận với nhau rằng: “Này các thầy, thật kỳ diệu, hiếm có thay! Đức Thế Tôn là bậc thấy biết tất cả, bậc A-la-hán, bậc Giác ngộ Vô thượng, thấu hiểu được mọi khuynh hướng sai khác của chúng sanh. Vậy mà thầy ngoại đạo Suppiya dùng đủ mọi lời để hủy báng Phật, Pháp và Tăng đoàn, còn đệ tử ông ấy lại dùng đủ mọi lời để xưng tán. Như vậy, họ đã nói những lời trái ngược nhau trong khi đi theo sau đức Thế Tôn và chúng ta.” Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện chúng con đang bàn luận dở dang khi Thế Tôn đến.

1.2. Thái độ đúng đối với sự khen chê
1.2.1. Thái độ đúng khi bị chê


[Đức Phật dạy:] Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy đừng vì thế mà phẫn nộ, khởi tâm ác hại và bực tức. Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, và nếu các thầy phẫn nộ, khởi tâm ác hại và bực tức, thì chính các thầy sẽ bị chướng ngại. Vì trong trường hợp đó, nếu phẫn nộ và khởi tâm như vậy, các thầy có phán đoán lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai được chăng?

- Bạch Thế Tôn, không thể được!

- Này các tỳ-kheo, khi có người hủy báng ta, hủy báng Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy phải giải thích những điểm không đúng sự thật. Hãy nói rõ: “Điểm này không đúng thật, vì những lý do này... Điểm này không chính xác, vì những lý do này... Chúng tôi không làm như thế này... Giữa chúng tôi không xảy ra việc này...”

1.2.2. Thái độ đúng khi được khen

Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy đừng vì thế mà quá thích thú, vui mừng, phấn khích. Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, và nếu các thầy quá thích thú, vui mừng, phấn khích, thì chính các thầy sẽ bị chướng ngại, [không thể phán đoán những lời ấy là đúng hay sai].

Này các tỳ-kheo, nếu có người ngợi khen xưng tán ta, xưng tán Giáo pháp hay Tăng đoàn, các thầy chỉ nên thừa nhận những gì đúng thật. Hãy nói rõ: “Điểm này đúng sự thật, như thế này... Điểm này chính xác, như thế này... Chúng tôi có làm như thế này... Giữa chúng tôi có xảy ra việc này...”

2. Khác biệt giữa người tầm thường và bậc trí tuệ
2.1. Sự xưng tán của người tầm thường


Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường xưng tán Như Lai vì những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi và giới hạnh [mà họ nhìn thấy]. Này các tỳ-kheo, thế nào là những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi giới hạnh mà người thế tục thường xưng tán Như Lai?

2.1.1. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn ngắn

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự giết hại, tránh xa việc giết hại, từ bỏ gậy gộc, dao, kiếm... biết xấu hổ và tự hổ thẹn [đối với việc xấu], có lòng từ ái, bi mẫn, nghĩ đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự lấy của không cho, tránh xa việc lấy của không cho, chỉ nhận lấy những gì đã được cho, chỉ mong muốn những gì đã được cho, sống trong sạch không làm việc trộm cướp.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự tham dâm, tu hạnh thanh tịnh không dâm dục, sống đời giải thoát, từ bỏ sự dâm dục hèn kém.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ sự nói dối, tránh xa việc nói dối, chỉ nói những lời chân thật, y theo sự thật, đáng tin cậy, giữ lời hứa, không lừa gạt người khác.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói hai lưỡi, tránh xa việc nói hai lưỡi; không nghe chỗ này đem nói chỗ kia để gây chia rẽ những người này; không nghe chỗ kia đem nói chỗ này để gây chia rẽ những người kia. Sa-môn Gotama nói để hòa hợp những người đang chia rẽ, gắn kết thêm những người đã hòa hợp, hoan hỷ trong sự hòa hợp, nói những lời đưa đến sự hòa hợp.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói lời độc ác, tránh xa việc nói lời độc ác, chỉ nói những lời không lỗi lầm, những lời dễ nghe, những lời thương yêu, thấu tận lòng người, những lời tao nhã, làm đẹp lòng, vui lòng nhiều người. Sa-môn Gotama nói những lời như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama từ bỏ việc nói lời thêu dệt vô nghĩa, tránh xa việc nói lời thêu dệt vô nghĩa, chỉ nói ra đúng lúc những lời chân thật, có ý nghĩa, nói ra những lời phù hợp với Chánh pháp và Giới luật, nói những lời đáng ghi nhớ, những lời hợp lý, ngắn gọn, súc tích và mang lại lợi ích.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Sa-môn Gotama không làm hư hại các loại hạt giống và thực vật.
“Sa-môn Gotama ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn sau giờ giữa trưa.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không xem hay nghe ca, múa, nhạc, kịch.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa, không dùng hương thơm, dầu thoa và các đồ trang sức.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các loại giường nằm cao rộng.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu vàng bạc.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận hạt ngũ cốc chưa nấu chín.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận thịt chưa nấu chín.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu đàn bà, con gái.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu tôi tớ trai gái.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận cừu, dê. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái...
“Sa-môn Gotama từ bỏ không sở hữu ruộng nương đất đai.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không sai phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới.
“Sa-môn Gotama từ bỏ không làm việc buôn bán.
“Sa-môn Gotama từ bỏ sự gian lận bằng cách cân đong, đo lường [không chính xác].
“Sa-môn Gotama từ bỏ các thói xấu như hối lộ, gian trá, lừa đảo...
“Sa-môn Gotama từ bỏ những việc gây thương tích, giết hại, giam nhốt, cướp đoạt, trộm cắp, phá hoại.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.2. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn vừa

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn làm hư hại các loài thực vật và cây con, như cây con sinh ra từ củ rễ, cây con sinh ra từ giâm cành, cây con sinh ra từ ghép mắt, cây con sinh ra từ cây mẹ và cây con sinh ra từ hạt giống. Trong khi đó, Sa-môn Gotama không làm hư hại các loài thực vật và cây con.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn cất chứa và thọ hưởng các đồ vật, như cất chứa các món ăn, cất chứa thức uống, cất chứa vải vóc, xe cộ, ngọa cụ, hương liệu, các loại gia vị... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không cất chứa các vật như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ham mê các trò giải trí không chân chánh như ca, múa, nhạc, kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, diễn võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh trận giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ các trò giải trí không chân chánh như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn đam mê thú vui cờ bạc và các trò tiêu khiển như chơi cờ 64 ô vuông, chơi cờ 100 ô vuông, chơi cờ không bàn, chơi nhảy ô lò cò, chơi rút thẻ, chơi đổ súc sắc, chơi đánh khăng, chơi vẽ hình bằng tay, chơi banh, chơi thổi kèn lá, chơi trò cày ruộng giả, chơi nhào lộn, chơi chong chóng gió, chơi trò đo lường, chơi xe cộ hay cung tên đồ chơi, chơi đoán chữ viết trên không hay do người khác viết trên lưng mình, chơi đoán ý nghĩ của người khác, chơi bắt chước bộ điệu. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không ham mê cờ bạc và các trò tiêu khiển như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích dùng giường ghế cao rộng như ghế bành, ghế dài, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền lông thú cả hai phía, mền lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền lụa, tấm thảm lớn đủ chỗ 16 người múa, các loại thảm dùng cho voi, cho ngựa, cho xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại, tấm thảm với mùng che phía trên, ghế dài có gối màu đỏ trên đầu và dưới chân. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các loại giường nệm cao rộng như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm, như thoa dầu thơm khắp thân thể, xoa bóp thân thể, tắm nước thơm, nắn vỗ chân tay, dùng gương soi mặt, kem thoa mặt, vòng hoa, phấn, son, phấn và sáp thoa mặt, đeo vòng tay, đội tóc giả, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đội đầu, ngọc quý, phất trần, vải trắng có viền tua dài... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng các thứ trang sức và mỹ phẩm như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ưa thích nói những câu chuyện vô ích, tầm thường, như chuyện về vua chúa, chuyện về kẻ trộm, chuyện về các quan chức, chuyện về binh lính, những câu chuyện hãi hùng, chuyện về chiến tranh, chuyện về thức ăn uống, chuyện về vải vóc, chuyện về giường nằm, chuyện về vòng hoa, hương liệu, chuyện về bà con, chuyện về xe cộ, chuyện về làng xóm, chuyện về thị xã, thành phố, chuyện về các đất nước, chuyện về đàn bà, đàn ông, chuyện về các anh hùng, chuyện tán gẫu bên lề đường, chuyện ở chỗ lấy nước, chuyện về người đã chết, những câu chuyện tạp thoại, chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ không tham gia những câu chuyện vô ích, tầm thường như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn ham mê bàn luận tranh chấp, như nói: ‘Các người không biết pháp và luật này, ta biết pháp và luật này.’ ‘Làm sao các người biết được pháp và luật này?’ ‘Các người đã rơi vào tà kiến, ta mới thật đúng chánh kiến; lời nói của ta mới thích hợp, lời nói của các người không thích hợp; những điều đáng nói trước, các người lại nói sau, những điều đáng nói sau, các người lại nói trước; lập luận của các người đã bị bác bỏ; câu nói của các người đã bị thách thức; các người đã bị thua. Hãy giải thích về quan điểm của các người; các người hãy cố gắng thoát khỏi bế tắc này...’ Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ hết thảy những biện luận, tranh chấp như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn làm việc đưa tin qua lại, hoặc tự làm môi giới, chẳng hạn như đưa tin cho vua chúa, cho các quan chức, cho các vị sát-đế-lỵ, bà-la-môn, cho các gia chủ, các thanh niên, nói rằng: ‘Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia; mang cái này lại đây, đem cái này đến chỗ kia...’ Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ việc đưa tin qua lại hoặc tự làm môi giới.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, gièm pha, lúc nào cũng muốn mưu lợi nhiều hơn. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những sự lừa đảo và siểm nịnh như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.3. Oai nghi giới hạnh: Các đoạn dài

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những việc làm sai trái như xem tướng tay chân, xem tướng thân hình, đoán các điềm lành dữ, đoán mộng, xem các dấu hiệu trên thân thể, xem dấu chuột cắn; tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hột cải vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế bơ [sữa], tế dầu, tế máu; theo học các khoa xem chi tiết, xem địa lý, xem mộng, cầu thần ban phước, cầu ma quỷ, dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất; học các khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bọ cạp, khoa chim, khoa quạ, khoa đoán tuổi thọ, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của loài vật. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa những việc làm sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm dao, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng vũ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con tắc kè, tướng vật tai dài, tướng rùa, tướng thú vật. Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước vua sẽ tiến quân, vua sẽ lui quân; vua trong nước sẽ tấn công, vua nước ngoài sẽ rút quân; hoặc vua nước ngoài sẽ tấn công, vua trong nước sẽ rút quân; vua trong nước sẽ thắng, vua nước ngoài sẽ thua; hoặc vua nước ngoài sẽ thắng, vua trong nước sẽ thua; như vậy phe bên này sẽ thắng, phe bên kia sẽ thua... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ những nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, các vì sao sẽ bị che khuất; mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng quỹ đạo; mặt trăng, mặt trời sẽ đi ngoài quỹ đạo; các vì sao sẽ đi đúng quỹ đạo, các vì sao sẽ đi ngoài quỹ đạo, sẽ có sao băng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động đất, sẽ có sấm trời, mặt trăng, mặt trời, các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng; nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, sao khuất sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, các vì sao đi đúng quỹ đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương hướng sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có những kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng, mặt trời, các sao mọc, lặn, mờ, sáng, sẽ có kết quả như thế này... Trong khi đó, Sa-môn Gotama từ bỏ, tránh xa những nghề sai trái như vậy.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái như đoán trước sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ có hiểm họa, sẽ có bịnh, sẽ không có bịnh; hoặc làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thơ, phán xét chuyện đúng sai của thế tục. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái, như sắp đặt ngày lành để rước dâu, đón rể; lựa ngày giờ tốt để hòa giải, để chia rẽ, để đòi nợ, để mượn tiền, tiêu tiền; hoặc dùng bùa chú để giúp người được may mắn, để khiến người bị rủi ro, để phá thai, để làm cóng lưỡi, để khiến quai hàm không cử động, để khiến cho người phải bỏ tay xuống, để khiến cho tai bị điếc; hoặc hỏi gương ma thuật, hỏi thiếu nữ lên đồng, hỏi thiên thần để biết họa phước; hoặc thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri nữ thần may mắn. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

“Một số sa-môn, bà-la-môn dù đã thọ nhận thức ăn do tín thí cúng dường nhưng vẫn tự nuôi sống bằng những nghề sai trái, như dùng ảo thuật để được yên ổn, để không phải thực hiện lời hứa, để được che chở khi ở trong nhà đất, để được cường dương, để làm người bị liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới; làm lễ rửa miệng, lễ hy sinh; làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các chất nhơ bẩn về phía trên, hoặc về phía dưới; tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bịnh đau mắt, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bịnh trẻ em; cho uống thuốc làm bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Trong khi đó, Sa-môn Gotama tránh xa các nghề sai trái như trên.”

Này các tỳ-kheo, những người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường chỉ xưng tán Như Lai như thế.

2.1.4. Tóm lại

Này các tỳ-kheo, đó là những điều nhỏ nhặt thuộc oai nghi giới hạnh mà người thế tục [không hiểu biết sâu xa] thường xưng tán Như Lai.

Này các tỳ-kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

Này các tỳ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được? Thế nào là những pháp Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và thuyết dạy, chỉ những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến?

2.2. Sự xưng tán của bậc trí tuệ: Phá trừ 62 tà kiến
2.2.1. 18 luận chấp về quá khứ


Này các tỳ-kheo có những sa-môn, bà-la-môn, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, dựa trên sự bám víu vào 18 luận chấp.

Như vậy, dựa trên 18 luận chấp nào mà những sa-môn, bà-la-môn ấy khi luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác?

2.2.1.1. Luận chấp thường còn

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương những luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 4 luận chấp nào để cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời. Vị ấy nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy, vị ấy nhớ được nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn các loài hữu tình thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định, có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết, nên biết rằng bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo đó là lập trường thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số vị sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ hai, có một số sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một kiếp thế giới thành rồi hoại, hai kiếp thế giới thành rồi hoại, ba kiếp thế giới thành rồi hoại, cho đến mười kiếp thế giới thành rồi hoại. Vị ấy nhớ rằng: “Khi sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này, chết đi thế này... Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy, vị ấy nhớ được nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ ba, có những sa-môn hay bà-la-môn, dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười kiếp thế giới thành rồi hoại, hai mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, ba mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, bốn mươi kiếp thế giới thành rồi hoại, năm mươi kiếp thế giới thành rồi hoại. Vị ấy nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên thế này, dòng họ thế này, giai cấp thế này, ăn uống thế này, có những vui thú và khổ đau thế này, tuổi thọ thế này. Từ chỗ kia chết đi, tôi sanh lại chỗ này.”

Như vậy vị ấy nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết. Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy, chúng vẫn thường còn. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định, có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và chi tiết, nên biết rằng bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Trường hợp thứ tư, những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì mà chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, vị này tuyên bố: “Bản ngã và thế giới là thường còn [từ vô thủy], vốn không sanh ra, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy tất cả vẫn thường còn.”

Này các tỳ-kheo, đó là lập trường thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp trên. Nếu có những vị sa-môn, bà-la-môn nào chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.2. Luận chấp thường, vô thường

Này các tỳ-kheo, lại có những sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào, căn cứ vào 4 luận chấp nào để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có một thời [xa xưa], vào một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này hư hoại dần. Trong khi thế giới hư hoại dần, phần lớn các loài hữu tình tái sanh qua cõi trời Quang Âm (Abhassara). Tại đó, những loài chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và họ sống như vậy một thời gian rất dài.

Này các tỳ-kheo, rồi đến một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này hình thành dần. Trong khi thế giới này hình thành dần, cung điện Phạm thiên hiện ra nhưng trống rỗng. Lúc bấy giờ có một hữu tình, hoặc tuổi thọ đã hết, hay phước báo đã hết, chết đi từ cõi trời Quang Âm và tái sanh vào cung điện Phạm thiên trống rỗng ấy. Vị này ở tại đó, do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian rất dài.

Vị này sau khi sống lâu một mình như vậy tại chỗ ấy, khởi ý chán nản, không vui thích và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc tuổi thọ đã hết, hay phước báo đã hết, chết đi từ cõi trời Quang Âm và sanh vào cung điện Phạm thiên để làm bạn với vị hữu tình kia. Những loài hữu tình này cũng do ý sanh, nuôi sống bằng sự vui thích trong tâm, tự chiếu hào quang, bay đi trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian rất dài.

Này các tỳ-kheo, lúc bấy giờ vị hữu tình đã sanh qua trước tiên nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi ý nghĩ: ‘Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này.’ Chính do ý nguyện của ta mà những loài hữu tình ấy sanh đến chỗ này.”

Các loài hữu tình đến sau cũng nghĩ như thế này: “Vị ấy là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì sao vậy? Vì ta thấy vị này sanh trước ở đây rồi, còn chúng ta thì sanh đến sau.”

Này các tỳ-kheo, vị hữu tình sanh ra trước tiên ấy sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì đời sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn và được ít quyền hơn.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong các hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân xác kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại đời sống quá khứ ấy, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Vị kia là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ của các chúng sanh đã và sẽ sanh ra. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường còn như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này, chúng ta là vô thường, không kiên cố, đời sống ngắn ngủi và chịu sự thay đổi.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ hai, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Khiddāpadosikā (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú nên bị mất chánh niệm. Do mất chánh niệm, các vị ấy chết đi, từ bỏ thân xác ấy.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong các vị ấy sau khi chết đi từ bỏ thân xác lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ vừa qua, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, họ sống lâu ngày không mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì không mê say trong sự cười đùa vui thú nên không bị mất chánh niệm. Nhờ không mất chánh niệm nên những chư thiên ấy không phải chết đi từ bỏ thân xác. Họ được sống thường hằng, kiên cố, không bị chuyển biến, thường còn như vậy mãi mãi.

“Còn ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong sự cười đùa vui thú. Vì ta mê say trong sự cười đùa vui thú nên bị mất chánh niệm. Do mất chánh niệm, ta phải từ bỏ thân thể, sống vô thường, không kiên cố, yểu mạng, chịu sự thay đổi và chết đi rồi sanh đến cõi này.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Manopadosikā (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Họ sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì nung nấu bởi sự đố kỵ, tâm trí họ oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân tâm họ mệt mỏi. Các vị ấy chết đi, từ bỏ thân xác.

Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra. Một trong số chư thiên kia, khi chết đi từ bỏ thân xác lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại đời sống vừa qua, nhưng không nhớ được xa hơn đời sống ấy.

Vị ấy nói rằng: “Những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, họ sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì không nung nấu bởi sự đố kỵ, tâm trí họ không oán ghét nhau. Vì tâm trí không oán ghét nhau, nên thân tâm họ không mệt mỏi. Những chư thiên ấy không phải chết đi và từ bỏ thân xác, họ sống thường hằng kiên cố, không bị thay đổi, thường sống như vậy mãi mãi.

“Còn chúng ta bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, nên tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau, nên thân tâm mệt mỏi. Chúng ta chết đi, từ bỏ thân xác, sống vô thường không kiên cố, đời sống ngắn ngủi, chịu sự thay đổi và chết đi rồi sanh đến chỗ này.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, vị này tuyên bố: “Những gì gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân: bản ngã ấy là vô thường, không kiên cố, không thường còn, bị thay đổi. Những gì gọi là tâm, ý, thức: bản ngã ấy là không bị thay đổi, thường còn như vậy mãi mãi.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó, một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới có một phần thường còn và một phần không thường còn.

Này các tỳ-kheo, những vị sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.3. Luận chấp hữu biên hoặc vô biên

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn, hoặc không giới hạn, với 4 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này, dựa vào 4 luận chấp nào để chủ trương hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn. Vị ấy nói rằng: “Thế giới này là có giới hạn, có một đường vòng bao quanh. Vì sao vậy? Vì tôi nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn. Do đó tôi biết rằng thế giới này là có giới hạn, có một đường vòng bao quanh.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên, cho rằng thế giới là có giới hạn.

Trường hợp thứ hai, có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp vô biên, cho rằng thế giới là không có giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới là không có giới hạn. Vị ấy nói: “Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Những vị sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng bao quanh’ là không đúng sự thật. Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là không có giới hạn. Do đó tôi biết rằng thế giới này là vô biên, không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp vô biên, cho rằng thế giới là không có giới hạn.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp hữu biên vô biên, cố chấp cho rằng thế giới vừa có, vừa không có giới hạn?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn, nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy trụ yên trong tư tưởng thế giới có giới hạn về phía trên, phía dưới và không có giới hạn về phía bề ngang. Vị ấy nói: “Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh’ là không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là vô biên, không có giới hạn’ cũng không đúng sự thật. Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi trụ yên trong tư tưởng thế giới là có giới hạn về phía trên, phía dưới và không có giới hạn về phía bề ngang. Do vậy tôi biết: Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên vô biên, cho rằng thế giới vừa có, vừa không có giới hạn.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp phi hữu biên vô biên, cho rằng thế giới không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn?

Này các tỳ-kheo, ở đây có sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát vị này tuyên bố: “Thế giới này không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là hữu biên, có giới hạn bao quanh”, là không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này là vô biên, không có giới hạn’, cũng không đúng sự thật. Những sa-môn, bà-la-môn nào đã nói: ‘Thế giới này vừa có, vừa không có giới hạn’, cũng không đúng sự thật. Thế giới này không phải giới hạn, cũng không phải không giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, với 4 luận chấp trên. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.4. Luận chấp tránh né, ngụy biện

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, họ dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào 4 luận chấp nào để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, trong trường hợp này có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết “Đây là thiện”, không như thật biết “Đây là bất thiện”. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’ và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc tôi trả lời: ‘Đây là bất thiện’, thì dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi. Nếu dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi, tôi có thể bị sai lầm. Nếu sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu bị phiền muộn sẽ là một chướng ngại cho tôi.” Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời: “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ hai, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, trong trường hợp này có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết “Đây là thiện”, không như thật biết “Đây là bất thiện”. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’. Vì tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết ‘Đây là bất thiện’. Và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc tôi trả lời: ‘Đây là bất thiện’, thì dục, tham, sân hận sẽ khởi lên trong tôi. Nếu dục, tham, sân hận khởi lên trong tôi, như vậy tôi có thể rơi vào bám chấp, nắm giữ; điều đó sẽ khiến tôi phiền muộn, và như vậy sẽ là một chướng ngại cho tôi.”

Như vậy, vì sợ rơi vào bám chấp, nắm giữ, vì chán ghét sự bám chấp, nắm giữ nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời: “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ ba, lại có những sa-môn, bà-la-môn, dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né,ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn không như thật biết ‘Đây là thiện’, không như thật biết ‘Đây là bất thiện’. Vị ấy nghĩ: “Tôi không như thật biết: ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’. Vì tôi không như thật biết ‘Đây là thiện’, không như thật biết: ‘Đây là bất thiện’ và nếu tôi trả lời: ‘Đây là thiện’ hoặc trả lời: ‘Đây là bất thiện’, sẽ có những sa-môn, bà-la-môn bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, đi chỗ này chỗ kia, muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của họ, có thể sẽ so tài, cật vấn, vấn nạn tôi. Nếu họ so tài, cật vấn, vấn nạn tôi, tôi sẽ không đối đáp được. Nếu tôi không đối đáp được thì tôi bị phiền muộn, điều đó sẽ là một chướng ngại cho tôi.” Như vậy, vì sợ bị thách thức, vì chán ghét sự thách thức nên vị ấy không trả lời: “Đây là thiện”, cũng không trả lời. “Đây là bất thiện”. Khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định: “Tôi không nói là như thế này, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Trường hợp thứ tư, lại có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này vì đần độn ngu si nên khi bị hỏi về vấn đề nay hay vấn đề khác liền dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định:
“Anh hỏi tôi có một thế giới khác hay không? Nếu tôi nghĩ: ‘Có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Có một thế giới khác’, nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi: ‘Không có một thế giới khác, phải không?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi ‘Hay là vừa có, vừa không có một thế giới khác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Vừa có, vừa không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Vừa có, vừa không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi: ‘Hay là vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Vừa không có, vừa không phải không có một thế giới khác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi: “Có hữu tình hóa sanh, phải không?”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh?’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh?’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh?’ Nếu tôi nghĩ: “Có hữu tình hóa sanh”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh’, thì tôi có thể trả lời với anh: “Có hữu tình hóa sanh”, hoặc là: ‘Không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có hữu tình hóa sanh’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có hữu tình hóa sanh’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác, phải không?’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng có và cũng không có quả báo của các nghiệp thiện ác’, hoặc là: ‘Cũng không có và cũng không phải không có quả báo của các nghiệp thiện ác’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.
“Nếu anh hỏi tôi: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết?’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết?’ Nếu tôi nghĩ: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết’, thì tôi có thể trả lời với anh: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết’, hoặc là: ‘Như Lai không tồn tại và cũng không phải không tồn tại sau khi chết’. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi cũng không nói là như thế kia, tôi cũng không nói là như thế khác. Tôi không nói là chẳng phải như vậy, nhưng tôi cũng không nói là không chẳng phải như vậy.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 4 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.5. Luận chấp không nguyên nhân

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn ấy dựa vào 2 luận chấp nào để chủ trương rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân?

Này các tỳ-kheo, có hạng chư thiên gọi là Vô tưởng hữu tình, [họ hoàn toàn không có niệm tưởng]. Ngay khi một niệm tưởng khởi sanh thì vị thiên ấy lập tức mạng chung, từ bỏ thân xác cõi trời của mình. Này các tỳ-kheo, rồi có trường hợp này xảy ra: Một trong số chư thiên ấy, khi mạng chung từ bỏ thân xác cõi trời lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau đó, vị ấy nhờ nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không buông thả lười nhác, chú tâm chính xác nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ lại thời điểm niệm tưởng khởi sanh, nhưng không thể nhớ xa hơn nữa. Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân. Tại sao vậy? Vì trước kia tôi không có, nay tôi có. Từ trạng thái không có, tôi [tự nhiên] trở thành loài hữu tình.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.

Trường hợp thứ hai, có những sa-môn, bà-la-môn dựa vào điều gì, căn cứ vào điều gì để chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hay bà-la-môn là nhà suy luận, khảo sát. Do suy luận chia chẻ và dựa theo sự khảo sát, các vị này tuyên bố: “Bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.”

Này các tỳ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, dựa vào đó, căn cứ vào đó mà một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp như trên. Nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, họ sẽ bám víu vào cả hai hay một trong 2 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.1.6. Tóm lại

Này các tỳ-kheo có những sa-môn, bà-la-môn, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, dựa vào sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất để đưa ra những quan điểm sai khác với 18 luận chấp kể trên.

Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn hoặc bà-la-môn nào luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, dựa vào sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất để đưa ra những quan điểm sai khác, họ sẽ bám víu vào tất cả hoặc một trong 18 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2. 44 luận chấp về tương lai

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác với 44 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 44 luận chấp nào để luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều ý kiến sai khác?

2.2.2.1. Luận chấp sau khi chết có sự nhận biết

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 16 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa có, vừa không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa không có, vừa không phải không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa có, vừa không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa không giới hạn, vừa không phải không giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và chỉ có một niệm tưởng duy nhất.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có nhiều niệm tưởng khác nhau.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có một số niệm tưởng.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và có vô số niệm tưởng.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và hoàn toàn an vui.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và hoàn toàn khổ não.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và vừa an vui, vừa khổ não.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, có sự nhận biết và không an vui cũng không khổ não.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết thì họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 16 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.2. Luận chấp sau khi chết không nhận biết

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 8 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa có hình sắc vừa không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa không có hình sắc vừa không phải không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa có, vừa không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không có sự nhận biết và vừa không giới hạn, vừa không phải không giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn này chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, họ sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 8 luận chấp kể trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.3 Luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 8 luận chấp nào để chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết?

Những vị này cho rằng: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa có vừa không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không phải có, không phải không có hình sắc.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa có vừa không có giới hạn.”
Hoặc là: “Bản ngã sau khi chết không còn bệnh tật, không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết và vừa không có vừa không phải không có giới hạn.”

Này các tỳ-kheo, những vị này cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, không phải không có sự nhận biết, họ sẽ bám chấp tất cả hoặc một trong 8 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.4. Luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn, chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp.

Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 7 luận chấp nào để tin vào sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết?

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn hoặc bà-la-môn lập luận và quan niệm rằng: “Vì bản ngã này có hình sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân thể hư hoại, bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế là hoàn toàn đoạn diệt.” Như vậy, một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết.

Nhưng rồi có người khác bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, có tánh trời, có hình sắc, thuộc cõi dục, ăn các loại thức ăn bằng cách nhai nuốt. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy được nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, có tánh trời, có hình sắc, do ý tạo thành, có đầy đủ chi tiết tay chân lớn nhỏ, các căn không thiếu. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa do vượt ngoài tất cả niệm tưởng về hình sắc, do dứt trừ các niệm tưởng chống đối, do không lưu tâm vào các niệm tưởng khác biệt nên nhận hiểu ‘hư không là vô biên’, đạt đến Không vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy được nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Không vô biên xứ nên nhận hiểu ‘thức là vô biên’, đạt đến Thức vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Thức vô biên xứ nên nhận hiểu ‘không có sở hữu’, đạt đến Vô sở hữu xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy, nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Rồi có người khác nữa lại bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không hoàn toàn đoạn diệt. Bởi vì còn một bản ngã khác nữa, do vượt ngoài cả Vô sở hữu xứ nên nhận hiểu: ‘Đây là tịch tịnh, đây là mỹ diệu’, đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bản ngã ấy ông không biết, không thấy nhưng tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân thể hư hoại, hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt.” Một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu mất và hủy hoại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn ấy, chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có những vị sa-môn hay bà-la-môn nào chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình, họ sẽ bám chấp vào tất cả hay một trong 7 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.5. Luận chấp Niết-bàn trong hiện tại

Này các tỳ-kheo, có một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Vậy những sa-môn, bà-la-môn này dựa vào 5 luận chấp nào để chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình?

Này các tỳ-kheo, một số sa-môn hay bà-la-môn lập luận và quan niệm rằng: “Khi bản ngã này tận hưởng thật đầy đủ năm món dục lạc, nó sẽ đạt đến Niết-bàn tối thượng của loài hữu tình.”

Nhưng rồi có người khác bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì tánh của dục lạc là vô thường, khổ, thường biến đổi. Vì tánh của chúng là biến đổi, chuyển hóa, nên sầu bi, khổ não phát sanh. Khi nào bản ngã ấy lìa bỏ các dục lạc, lìa bỏ các pháp xấu ác, đạt đến và trụ yên vào Sơ thiền, do lìa bỏ dục lạc nên sanh khởi được tầm, tứ, hỷ, lạc. Như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này thiền định có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không có tầm và tứ, đạt đến và trụ yên vào Nhị thiền, nội tâm yên tĩnh, tâm trí chuyên vào một đối tượng, không tầm, không tứ, do định nên sanh khởi hỷ lạc. Như thế, bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này tâm có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không tham nơi hỷ, trụ yên trong buông xả, chánh niệm, chánh trí, tự thân hưởng được niềm vui mà các bậc thánh gọi là Hỷ niệm lạc trú, đạt đến và trụ yên vào Tam thiền, như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Nhưng rồi lại có người khác nữa bảo họ: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói, tôi không phủ nhận, nhưng bản ngã ấy như thế không phải hoàn toàn đạt đến Niết-bàn tối thượng. Vì sao? Vì trong trường hợp này, tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy buông xả cả lạc và khổ, diệt trừ hỷ và ưu, đạt đến và trụ yên vào Tứ thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, như thế bản ngã ấy mới đạt đến Niết-bàn tối thượng trong hiện tại.” Một số người chủ trương Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình theo cách như vậy.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn ấy chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp như trên. Này các tỳ-kheo, nếu có những sa-môn, bà-la-môn nào chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn tối thượng trong hiện tại của loài hữu tình, những vị này sẽ bám chấp tất cả hoặc một trong 5 luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.

2.2.2.6. Tóm lại

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác với 44 luận chấp. Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, họ sẽ bám chấp vào tất cả hay một trong 44 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

2.2.3. Tổng kết 62 tà kiến

Này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp.

Này các tỳ-kheo, những sa-môn hay bà-la-môn nào, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, những vị ấy sẽ bám chấp vào tất cả hoặc một trong 62 luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa.

Này các tỳ-kheo, với trí tuệ Như Lai biết rõ: “Những hiểu biết như vậy, bám chấp như vậy, nắm giữ như vậy, sẽ đưa đến những cảnh giới [tái sinh] như vậy, sẽ tạo thành những cuộc sống như vậy.” Như Lai biết rõ như vậy và còn biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không bám chấp chỗ hiểu biết ấy. Nhờ không bám chấp nên trong tâm Ngài chứng được trạng thái vắng lặng an tịnh tuyệt đối. Ngài như thật rõ biết sự khởi sinh rồi diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ chúng. Này các tỳ-kheo, nhờ biết rõ như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có bám chấp, nắm giữ.

Này các tỳ-kheo, những pháp ấy là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm lý luận suông, rất tinh tế, chỉ những bậc trí tuệ mới nhận hiểu được. Những pháp ấy, Như Lai đã tự chứng biết, giác ngộ và thuyết dạy. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.



3. Nguyên nhân và phương thức dứt trừ
3.1. Nguyên nhân khởi sinh tà kiến
3.1.1. Cảm thọ và tham ái là nguyên nhân trực tiếp


Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, với 18 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Chủ trương này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. Những cách hiểu này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp. Những hiểu biết này dựa trên cảm thọ của những vị ấy, vốn không tự thấy biết mình đang chìm ngập trong tham ái, do tham ái chi phối nên bị kích thích, sợ hãi, dao động và sai lệch.

3.1.2. Xúc chạm là nguyên nhân gián tiếp

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cố chấp cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không có giới hạn với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những hiểu biết sai khác, với 18 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương sau khi chết không có cũng không phải không có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có, cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với 7 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. Chủ trương này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. Những cách hiểu này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, với 62 luận chấp. Những quan điểm này [dựa trên cảm thọ nên] sinh khởi từ sự xúc chạm [qua các giác quan].

3.1.3. Không có xúc chạm thì không có cảm thọ

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cố chấp cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không giới hạn với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những quan điểm sai khác, với 18 luận chấp. [Những quan điểm này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có cũng không phải không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với 7 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp. [Chủ trương này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp. [Những cách hiểu này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều sự hiểu biết khác nhau, với 62 luận chấp. [Những hiểu biết này dựa trên cảm thọ sinh khởi từ sự xúc chạm, nên] không thể có cảm thọ nếu không có sự xúc chạm [qua các giác quan].

3.1.4. Tổng kết

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp một phần thường còn, một phần không thường còn, cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và không thường còn đối với một hạng hữu tình khác, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp hữu biên hoặc vô biên, cho rằng thế giới là có giới hạn hoặc không có giới hạn với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp tránh né, ngụy biện, khi bị hỏi về vấn đề này hay vấn đề khác thì dùng những câu trả lời tránh né và mơ hồ không xác định, với 4 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp không nguyên nhân, cho rằng bản ngã và thế giới tự nhiên sanh ra, không có nguyên nhân, với 2 luận chấp.

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, bám lấy quan điểm về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, đưa ra những quan điểm sai khác, với 18 luận chấp [như trên].

Có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết có sự nhận biết, với 16 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết không có sự nhận biết, cho rằng bản ngã sau khi chết không có sự nhận biết, với 8 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, cố chấp cho rằng bản ngã sau khi chết không phải có cũng không phải không có sự nhận biết, với 8 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp sau khi chết hoàn toàn diệt mất, cố chấp tin vào sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình sau khi chết, với 7 luận chấp; có những sa-môn, bà-la-môn chủ trương luận chấp Niết-bàn trong hiện tại, cố chấp tin vào Niết-bàn trong hiện tại của loài hữu tình, với 5 luận chấp.

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về tương lai, bám lấy quan điểm về tương lai, dựa vào tương lai để đưa ra nhiều cách hiểu sai khác, với 44 luận chấp [như trên].

Có những sa-môn, bà-la-môn luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều cách hiểu khác nhau, với 62 luận chấp [như trên].

3.2. Các hiện tượng duyên khởi

Tất cả những vị này đều khởi sinh cảm thọ từ sự xúc chạm giữa sáu căn với sáu trần. Do duyên với cảm thọ mà khởi sinh ái (hay tham ái); do duyên với ái mà khởi sinh thủ (hay chấp thủ); do duyên với thủ mà khởi sinh hữu (hay hiện hữu); do duyên với hữu mà có sinh (hay sự sống); do duyên với sinh mà khởi lên các hiện tượng già, chết, sầu khổ, ưu não...

3.3. Sự dứt trừ tà kiến

Này các tỳ-kheo, khi một vị tỳ-kheo như thật rõ biết sự khởi sinh và diệt mất của các cảm thọ, sự lôi cuốn, sự nguy hại và sự lìa bỏ 6 chỗ tiếp xúc giữa căn với trần, vị ấy sẽ có sự hiểu biết vượt ra ngoài những luận chấp nói trên.

4. Lưới tà kiến

Này các tỳ-kheo, có những sa-môn, bà-la-môn nào luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, tất cả những vị này đều bị bao trùm trong tấm lưới 62 luận chấp này. Dù có nhảy vọt lên bằng cách nào, họ vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.

Này các tỳ-kheo, ví như người đánh cá lành nghề, hay người học nghề, tung tấm lưới có mắt lưới sít sao trên mặt hồ nước nhỏ. Người ấy nghĩ: “Hết thảy những con cá lớn nhỏ trong hồ nước này, tất cả đều bị bao phủ trong lưới, dù có nhảy vọt lên ở bất cứ đâu, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.”

Cũng vậy, này các tỳ-kheo, những sa-môn, bà-la-môn nào, luận bàn về sự khởi đầu trong quá khứ xa xưa nhất, luận bàn về tương lai, hoặc luận bàn về cả quá khứ và tương lai, bám lấy những quan điểm về quá khứ và tương lai, dựa theo quá khứ và tương lai để đề xướng nhiều quan điểm khác nhau, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong tấm lưới của 62 luận chấp này; dù có nhảy vọt lên bằng cách nào, họ vẫn bị hạn cuộc bao phủ trong đó.

5. Như Lai tịch diệt

Này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chấm dứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người còn có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa.

Này các tỳ-kheo, như nhánh xoài có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả những trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung số phận. Cũng vậy, này các tỳ-kheo, thân Như Lai còn tồn tại, nhưng những gì đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân Như Lai còn tồn tại thì chư thiên và loài người có thể nhìn thấy, sau khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy nữa.

6. Kết thúc

Sau khi nghe thuyết kinh này, ngài A-nan (Ānanda) bạch đức Thế Tôn: “Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Pháp môn này gọi tên là gì, bạch Thế Tôn?”

- Này A-nan, kinh này gọi là kinh Lưới lợi ích, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới pháp, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới Phạm thiên, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Lưới tà kiến, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo; gọi là kinh Vô thượng chiến thắng, hãy như vậy mà giữ gìn làm theo.

Đức Thế Tôn thuyết dạy như vậy, các vị tỳ-kheo hoan hỷ tin nhận. Trong khi kinh này được tuyên thuyết, mười ngàn thế giới đều rung động.

Hết phần 1. Kinh Lưới Tà Kiến (Ditthijāla Sutta)

(Lên đầu trang)


Tập 1 có tổng cộng 16 phần.
||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
Close
Close